Đọc báo Pháp – 23/09/2020
Donald Trump kịch liệt lên án Trung Quốc tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc – Thụy My
Trong bài phát biểu đặc biệt dữ dội, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: «Ngay khi đại dịch vừa xuất hiện, Trung Quốc đã cấm các chuyến bay nội địa nhưng lại cho phép con virus lan tràn ra các nước bên ngoài». Một lần nữa ông gọi Covid-19 là «virus Trung Quốc».
Le Figaro và Libération hôm nay dành tựa chính cho vấn đề di dân tại châu Âu. Le Monde tỏ ra lo lắng khi tốc độ tan băng ở Bắc cực tăng nhanh. La Croix quan tâm đến quy định dùng thuốc trừ sâu đối với nhà nông, còn Les Echos nói về việc sáp nhập các tập đoàn Veolia và Suez.
Về quan hệ quốc tế, Les Echos cho biết «Donald Trump tấn công mãnh liệt Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc». Dù tổng thư ký António Guterres bày tỏ lo ngại thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, sự đối địch Mỹ-Trung chiếm lĩnh ngày khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 75, lần đầu tiên được tổ chức qua video do đại dịch.
Tổng thống Donald Trump lại tố cáo «virus Trung Quốc»
Trong bài phát biểu đặc biệt dữ dội, tổng thống Mỹ kêu gọi Liên Hiệp Quốc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, và nếu cần, phải trừng phạt Bắc Kinh. Tổng thống Trump nhấn mạnh : « Ngay khi đại dịch vừa xuất hiện, Trung Quốc đã cấm các chuyến bay nội địa nhưng lại cho phép con virus lan tràn ra các nước bên ngoài ». Một lần nữa ông gọi Covid-19 là « virus Trung Quốc ».
Nhân dịp này Donald Trump cũng lên án việc Bắc Kinh đổ « hàng triệu tấn plastic vào các đại dương », càn quét nguồn lợi hải sản, phát thải khí carbone nhiều hơn Hoa Kỳ ít nhất hai lần…Tổng thống Mỹ cứng rắn trước Trung Quốc và Iran, đồng thời chứng tỏ là người xúc tiến hòa bình. Ông nói : « Tôi chưa bao giờ lạc quan về tương lai của Trung Đông đến thế. Chúng tôi sử dụng phương pháp khác và đã mang lại các kết quả tốt đẹp hơn », ý nói thỏa thuận mới đây giữa Israel, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrein.
« Nước Mỹ thực hiện sứ mệnh kiến tạo hòa bình, nhưng dựa trên sức mạnh. Chúng tôi chưa bao giờ sở hữu những vũ khí mãnh lực cao đến thế, và tôi cầu nguyện Thượng đế là đừng bao giờ phải sử dụng đến ». Cũng theo Donald Trump, Liên Hiệp Quốc cần tập trung vào « những vấn đề thực sự » như khủng bố, buôn ma túy, thanh lọc các thiểu số tôn giáo, nữ quyền…
Trước những cáo buộc của ông Donald Trump mà Tập Cận Bình cho là « vô căn cứ », chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh đến đa phương, cho biết « không hề có ý định tiến hành chiến tranh lạnh ». Ông Tập nói rằng đã đóng góp 50 triệu đô la cho kế hoạch chống dịch của Liên Hiệp Quốc, khoe khoang nỗ lực của 1,4 tỉ người Trung Quốc để chiến thắng con virus.
Về phía tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi « xây dựng lại một trật tự thế giới mới », không thể chỉ là sự đối địch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nói : « Chúng ta không còn có thể tự hài lòng với chủ nghĩa đa phương trên cửa miệng ».
Trung Quốc, cường quốc chuyên gây chia rẽ
Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, chuyên gia Alice Ekman của Viện nghiên cứu An ninh Liên Hiệp Châu Âu nhận xét « Bắc Kinh muốn tránh né những chỉ trích tập thể của nhiều nước ».
Nhà nghiên cứu nhận thấy Tập Cận Bình từ khi xảy ra đại dịch đã tìm cách ca ngợi việc xử lý khủng hoảng của đảng Cộng Sản, thông qua một chiến dịch tuyên truyền đại quy mô. Thái độ này khiến rất nhiều nước bực tức, nhất là châu Âu, vốn đã bất bình về tình hình Hồng Kông và Tân Cương. Tuy nhiên một số nước như Liban, Kenya, Pakistan do nhận được các trợ giúp y tế của Bắc Kinh, không có cùng quan điểm.
Alice Ekman nhấn mạnh, Trung Quốc là một cường quốc chuyên gây chia rẽ. Bắc Kinh cố gắng « mở rộng vòng thân hữu », lập ra danh sách càng dài càng tốt những nước nào ủng hộ « Con đường tơ lụa mới », và các hành động của Trung Quốc tại Tân Cương, Hồng Kông, Biển Đông. Mục tiêu là chận trước những chỉ trích của các nhóm nước ở Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa phương khác.
Trong số « thân hữu », Trung Quốc dựa vào Nga, cũng đang muốn chia sẻ chiếc bánh khi Mỹ không còn đóng vai « sen đầm quốc tế ». Do thế giới lưỡng cực vẫn chưa rõ rệt và còn đang tiến triển, Bắc Kinh có lợi khi lập quan hệ đối tác càng nhiều càng tốt, kể cả với những nước đồng minh của Hoa Kỳ. Cho dù Donald Trump là kẻ thù đáng sợ nhất của Tập Cận Bình, nhưng dù ông Trump hay Biden đắc cử, Trung Quốc vẫn chuẩn bị cho việc tách biệt giữa hai nền kinh tế, giảm lệ thuộc vào công nghệ Mỹ.
Trả lời câu hỏi, phải chăng trong nội bộ vị thế của Tập Cận Bình đã yếu đi do kinh tế chậm lại vì đại dịch, nhà nghiên cứu xác nhận điều này, nhưng cho biết khó thể đánh giá mức độ, vì đảng có các phương tiện hùng hậu để kiểm soát về công nghệ và con người. Tập Cận Bình nói muốn « nạo chất độc đến tận xương », đòi hỏi ngoài giám sát bằng công nghệ, còn phải tự kiểm, giám sát lẫn nhau, tố cáo. Alice Ekman cho biết rất ấn tượng trước tâm trạng sợ hãi của các cán bộ đảng, « đôi khi sự im lặng nói được nhiều hơn từ ngữ ».
Nhậm Chí Cường 18 năm tù giam : « Chú hề » đại đế đã trả thù
Về vấn đề thanh trừng, Le Figaro cho biết « Trung Quốc kết án nặng nề một nhân vật chỉ trích Tập Cận Bình », Libération nói về « Nhậm Chí Cường, một tên tuổi lớn bị trừng phạt ». Đại gia địa ốc từng đả kích việc xử lý đại dịch của chủ tịch Trung Quốc vừa bị kết án 18 năm tù giam.
« Đại bác » không còn lên tiếng nữa. Tòa án Trung Quốc hôm qua 22/09 đã tuyên bản án nặng nề cho Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), có biệt danh là « khẩu đại bác » vì những tuyên bố thẳng thừng, một trong những nhân vật cuối cùng còn dám phản đối sự thâu tóm quyền hành của Tập Cận Bình. Phiên tòa được xử kín, khu phố được công an canh gác cẩn mật. Theo tòa án, bị cáo đã « thú nhận mọi tội lỗi » : « tham nhũng », « biển thủ », « lạm dụng quyền lực ».
Nhậm Chí Cường là một trong những khuôn mặt hàng đầu của giới « tinh hoa đỏ » chủ trương mở cửa kinh tế. Ông tố cáo xu hướng độc đoán từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, và khi xảy ra đại dịch, ông mỉa mai : « Chúng ta nhìn thấy một thằng hề trần truồng nhưng luôn quyết tâm đóng vai đại đế ». Câu nói này lan tràn trên mạnh nhanh như chớp : Nhậm Chí Cường có đến 37 triệu người theo dõi trên mạng Vi Bác.
Hôm qua, « chú hề » đã trả thù : ngoài 18 năm tù giam, Nhậm Chí Cường còn bị phạt 620.000 đô la sau khi bị khai trừ đảng hồi tháng Bảy vì « thiếu trung thành ». Tại Bắc Kinh, nhiều người thấy rõ rằng vụ án mang danh nghĩa kinh tế này thực chất là vụ án chính trị, và 18 năm tù thực ra là bản án chung thân đối với nhà đối lập đã 69 tuổi.
Thái Hà (Cai Xia), cựu giảng viên Trường Đảng trung ương nay lưu vong ở Mỹ nhận xét, vụ này « đe dọa thẳng thừng 92 triệu đảng viên, khiến họ phải ngoan ngoãn như nô lệ của Tập ». Bà khẳng định Nhậm Chí Cường là một người không bao giờ chịu khuất phục trước bạo quyền, « được tất cả những người công chính trong và ngoài đảng tôn trọng và tin tưởng ».
Vũ Hán : « Chiến thắng » trước virus đã được đưa vào Bảo tàng Cách mạng
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos có bài điều tra « Vũ Hán, tủ kính trưng bày của ‘chiến thắng’ trước con virus ». Còn Le Monde trong bài giới thiệu cuốn nhật ký Vũ Hán của nhà văn Phương Phương (Fang Fang), cũng khởi đầu bài viết với cùng nhận định : vào lúc thế giới lao đao do con virus xuất phát từ Vũ Hán và đang lo sợ một đợt bùng phát thứ hai, Bắc Kinh lại không hề tỏ ra khiêm tốn khi tưng bừng mừng « chiến thắng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng ».
Nhưng không phải ai cũng hân hoan trước các lễ hội hoành tráng, ở một thành phố chiếm đến 80% tổng số nạn nhân của con virus trên toàn quốc. Một nghệ sĩ trẻ ẩn danh nói : « Chính quyền phong người dân làm anh hùng để chúng tôi quên đi mình là nạn nhân ». Một nữ y tá cho biết : « Ngay cả sau khi đã dựng lên các bệnh viện dã chiến, số người xếp hàng vẫn rất đông, tôi có cảm giác cả thành phố đều nhiễm bệnh ». Cho đến bây giờ, mỗi đêm cô đều bị những người chết ám ảnh. Nhiều người vẫn chưa quên những dối trá lúc ban đầu và chậm trễ của chính quyền.
Thế nhưng con virus đã được đưa vào viện bảo tàng : tại Bảo tàng Cách mạng, người ta trưng bày những hình ảnh và hiện vật về cuộc chiến chống virus corona. Và thực tế sau khi giải tỏa không mang màu hồng như tuyên truyền : GDP Vũ Hán mất 40%, taxi, nhà hàng…đều than thở mất khách. Từ ngày 16/09 các chuyến bay quốc tế đã mở lại, CCTV chiếu cảnh hành khách người Hoa từ các nước về phải chịu xét nghiệm và cách ly tại các khách sạn được chỉ định. Nguy cơ dịch bệnh giờ đây là từ nước ngoài !
Về cuốn nhật ký xuất bản tại Pháp của Phương Phương mang tên « Vũ Hán, thành phố bị phong tỏa » với dòng chữ giới thiệu « Để con cháu chúng ta biết được những gì đã xảy ra tại Vũ Hán », Le Monde cho rằng thành công của cuốn sách là nhờ tính chân thực của người trí thức. Tác giả ghi nhận nỗ lực của ủy ban khu phố, tình tương thân tương ái của cư dân, nhưng đặt câu hỏi : Tại sao lại chậm trễ đến 20 ngày mới phong tỏa, để cho con virus mặc sức tung hoành ? Ai chịu trách nhiệm ? Bà đòi thực thi công lý, các nhà báo phải được tự do đưa tin, những ai sai phạm phải bị trừng phạt, và phẫn nộ khi các quan chức vui vẻ giơ cao lá cờ, vào ngày Tập Cận Bình đến Vũ Hán khi đã hết dịch.
Mỹ bắt một điệp viên Trung Quốc len lỏi vào ngành cảnh sát
Le Figaro cho biết về « Một điệp viên Trung Quốc xâm nhập lực lượng cảnh sát Mỹ ». Baimadajie Angwang, giả danh người tị nạn chạy trốn sự đàn áp của Bắc Kinh, đã bị bắt hôm thứ Hai 21/09 và có nguy cơ lãnh án đến 55 năm tù.
Từ cuộc điều tra bí mật của NYPD và FBI, một hồ sơ 24 trang cho thấy các hành vi của bị cáo 33 tuổi. Đến Mỹ bằng visa trao đổi văn hóa, Angwang được gia hạn lưu trú và sau đó xin tị nạn chính trị, nói rằng bị bắt và tra tấn vì gốc gác Tây Tạng. Sau khi được nhập quốc tịch Mỹ, Angwang thi đậu vào ngành cảnh sát New York năm 2016. Tuy nhiên thực ra cha mẹ Angwang đều là đảng viên, người anh (hoặc em trai) là quân nhân dự bị, và « người tị nạn chính trị » này lại thường xuyên đi về Hoa lục mà không có vấn đề gì.
Các tiếp xúc với lãnh sự quán Trung Quốc ở New York có từ năm 2014, trước khi trở thành cảnh sát. Angwang trao đổi 53 lần bằng điện thoại hoặc tin nhắn với viên chức Trung Quốc đầu tiên, và sau đó 55 lần với người phụ trách anh ta. Các cuộc điện thoại được nghe lén cho thấy Angwang gọi người này là « Boss », và đề nghị thâm nhập vào giới đối lập Tây Tạng lưu vong, trong khi « Boss » làm việc tại lãnh sự quán với danh nghĩa cán bộ của một « hiệp hội Trung Quốc bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Tạng ».
Chỉ trong vòng một tháng vào năm 2016, Angwang chuyển 150.000 đô la cho người anh (em), trong khi lương chỉ có 53.000 đô la/năm. Anh ta bị truy tố bốn tội danh và bị tạm giam, không được tại ngoại hầu tra. Với số tiền lớn trong tài khoản của Angwang, chính quyền liên bang cho rằng « có nguy cơ lớn là bị cáo sẽ đào tẩu ».
Tin tổng hợp
(AFP) – Mỹ ép Chypre đồng thuận với Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt Belarus.
Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu George Kent ngày 22/09/2020 cho biết là Washington đang gây sức ép buộc Cộng Hòa Chypre từ bỏ quyền phủ quyết các lệnh trừng phạt mà Liên Hiệp Châu Âu dự kiến áp đặt trên Belarus. Châu Âu đã chuẩn bị nhiều biện pháp trừng phạt chế độ của tổng thống Loukachenko về việc gian lận kết quả bầu cử ngày 09/08 và chiến dịch đàn áp biểu tình phản đối sau đó. Các biện pháp này cần sự đồng thuận của toàn bộ 27 thành viên Liên Âu, tuy nhiên, Chypre từ chối ủng hộ vì muốn đòi châu Âu cùng lúc phải kéo dài các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
(AFP) – Mỹ chính thức truy tố người phụ nữ Canada đã gửi thư chứa chất độc ricin cho TT Trump.
Một tòa án ở bang New York ngày 22/09/2020 đã truy tố bà Pascale Ferrier, 53 tuổi, cư dân tỉnh Quebec ở Canada về tội đe dọa tổng thống Mỹ sau khi người này gửi thư chứa chất độc ricin tới Nhà Trắng. Bà Ferrier đã bị bắt tại vùng biên giới Mỹ- Canada cuối tuần qua, sau khi bị phát hiện là tác giả lá thư có chất độc gởi đến Nhà Trắng hôm 18/09.
(Reuters) - Hình ảnh vệ tinh ghi nhận xe chở hỏa tiễn đạn đạo tại một nơi diễu binh.
Chuyên gia Mỹ về Bắc Triều Tiên của nhóm 38 North, cho biết hình ảnh vệ tinh chụp hôm 22/09/2020, cho thấy xe chở hỏa tiễn đạn đạo ở nơi tập diễu binh Mirim, ngoại ô Bình Nhưỡng. Theo nhóm chuyên gia này thì đây có lẽ là loại xe chở giàn phóng loại lớn dùng cho loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM, và Bình Nhưỡng có lẽ chuẩn bị một sự kiện quan trong cho ngày lễ 10/10 sắp tới.
(AFP) – Facebook xóa hàng trăm tài khoản Trung Quốc đánh phá Mỹ và Philippines.
Tập đoàn mạng xã hội Mỹ cho biết trong ngày 22/09 phát hiện và xóa đi tổng cộng 155 tài khoản giả mạo của Trung Quốc can thiệp vào chính trị Á châu và Hoa Kỳ. Một số tài khoản này phát tán tài liệu ủng hộ hoặc chống tổng thống Donald Trump. Một số khác hoạt động tại Philippines bênh vực lập trường của Trung Quốc ở biển Đông. Tổng thống Donald Trump và tình báo Mỹ khẳng định Trung Quốc ủng hộ Joe Biden. Còn Đảng Dân chủ tố cáo Matxcơva can thiệp hung hăng.
(AFP) - Cuba : Hơn 600 bác sĩ tố cáo « chính sách nô lệ ».
Trong khuôn khổ chiến dịch kiện chính quyền Cuba bóc lột bác sĩ như nô lệ tại Toà Án Hình Sự Quốc Tế CPI, hôm qua có thêm hàng trăm nhân chứng tham gia tố cáo. Từ 110 bác sĩ lúc đầu, danh sách vọt lên 622 trong tháng 8, theo hiệp hội các nguyên đơn. Cụ thể, chính quyền Raoul Castro và Miguel Diaz Canel bị cáo buộc tội ác chống nhân loại « nô lệ, truy bức và nhiều hành vi phi nhân ». Hàng chục ngàn bác sĩ, y tá được gửi sang nước ngoài không biết là sẽ đi đâu, hộ chiếu bị tịch thu, bị an ninh giám sát, tiền lương bị chính phủ Cuba chiếm giữ ». Tình cảnh bi thảm của bác sĩ Cuba đi hợp tác nhân đạo đã được tổng thư ký Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ Luis Almago chia sẻ qua tập tài liệu « hệ thống nô lệ hiện đại ».
(AFP) –Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý ngưng gởi thêm quân đến vùng biên giới tranh chấp trên dãy Hymalayia.
Đây là thông báo của New Delhi hôm qua, 22/09/2020, sau các cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước láng giềng. Quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới đã trở nên căng thẳng sau vụ đụng độ đẫm máu tại vùng biên giới Ladakh ngày 20/06 khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Sau vụ đụng độ này, cả hai nước đã gởi thêm hàng chục ngàn quân đến biên giới.
(AFP) – Nhập cư: Liên Hiệp Châu Âu muốn kiểm soát chặt chẽ hơn biên giới bên ngoài.
Hôm nay, 23/09/2020, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Margaritis Schinas loan báo kế hoạch cải tổ chính sách nhập cư của Liên Hiệp Châu Âu, dự trù sẽ tăng cường kiểm soát ở các biên giới bên ngoài của khối này nhằm chọn lọc nhanh chóng hơn những di dân nào có thể được hưởng sự bảo vệ của quốc tế. Kế hoạch cải tổ cũng sẽ nâng cao hiệu quả của việc trả những người nhập cư trái phép về quốc gia nguyên quán.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200923-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 23/9:
Ông Trump chỉ trích Bắc Kinh tại LHQ; Hạ viện Mỹ
thông qua dự luật chặn nhập khẩu từ Tân Cương
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (23/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:
Ông Trump chỉ trích Bắc Kinh tại LHQ
Trong bài phát biểu vào hôm thứ Ba (22/9) tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump tiếp tục chỉ trích chính quyền Trung Quốc, chủ nghĩa toàn cầu và đề nghị lãnh đạo các quốc gia đặt đất nước lên trên hết như cách ông đang làm với Hoa Kỳ, theo Nikkei.
Trong bài phát biểu được ghi hình từ trước, khi nói về đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Tổng thống Trump cho rằng “Liên Hợp Quốc phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc về các hành động của họ”.
Ông Trump cũng bảo vệ lập trường đặt nước Mỹ lên trên hết vì “Sự thịnh vượng của Mỹ là nền tảng của tự do và an ninh trên toàn thế giới”.
“Trong nhiều thập niên, những tiếng nói mệt mỏi giống nhau đã đề xuất những giải pháp thất bại giống nhau, theo đuổi tham vọng toàn cầu với cái giá phải trả là thiệt hại của chính người dân của họ”, ông Trump nói. “Nhưng chỉ khi các vị quan tâm đến công dân của mình, các vị mới tìm thấy cơ sở thực sự để hợp tác. Với tư cách là tổng thống, tôi đã bác bỏ những cách tiếp cận thất bại trong quá khứ và tôi tự hào đặt nước Mỹ lên trên hết, cũng như các vị nên đặt quốc gia của mình lên trên hết”. (chi tiết)
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chặn nhập khẩu từ Tân Cương
SCMP đưa tin, các nhà lập pháp Hoa Kỳ tại Hạ viện hôm thứ Ba (22/9) đã thông qua đạo luật cấm nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc vì nghi ngờ những sản phẩm ở khu vực này được làm ra từ lực lượng lao động cưỡng bức do Bắc Kinh bảo trợ.
Hiện tại, Mỹ cấm nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào nếu có bằng chứng cho thấy lao động cưỡng bức đã tham gia vào quá trình sản xuất những mặt hàng này. Điều này có nghĩa là nếu các nhân viên chính phủ Mỹ không chứng minh được sản phẩm có nguồn gốc từ lao động cưỡng bức thì vẫn phải mở cửa cho hàng hóa vào Hoa Kỳ.
Nhưng luật mới được thông qua hôm thứ Ba đã đảo ngược quy tắc nhập khẩu đó. Cụ thể, các nhà nhập khẩu không thể tiếp nhận nguồn hàng được sản xuất toàn bộ hoặc một phần từ Tân Cương trừ khi chính phủ Mỹ có thể đưa ra bằng chứng “rõ ràng và thuyết phục” rằng chúng không được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.
Ông Moon: Cần tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Tư (23/9) kêu gọi tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, nói rằng điều này sẽ mở đường cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên bán đảo, theo Yonhap.
“Đã đến lúc xóa bỏ thảm kịch kéo dài trên Bán đảo Triều Tiên. Chiến tranh phải kết thúc một cách hoàn toàn và tốt đẹp”, ông Moon nói trong bài phát biểu được ghi hình trước khi phát trực tiếp tại kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ông Moon cũng đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ để hai miền Triều Tiên có thể tiến tới kỷ nguyên hòa giải và thịnh vượng thông qua tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày xảy ra Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc chiến này đã kết thúc vào năm 1953 trong một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.
Facebook xóa tài khoản Trung Quốc can thiệp vào Mỹ
Facebook hôm thứ Ba (22/9) cho biết họ đã xóa một mạng lưới các tài khoản Trung Quốc không xác thực đang can thiệp vào chính trị châu Á và Mỹ, bao gồm một số đăng tài liệu ủng hộ và phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo Reuters.
Công ty mạng xã hội này tuyên bố rằng họ đã đình chỉ 155 tài khoản trên nền tảng chính của mình cùng với 6 tài khoản Instagram.
Giám đốc chính sách an ninh mạng của Facebook, Nathaniel Gleicher nói rằng quyết định xóa các tài khoản đăng ký tại Trung Quốc được thực hiện dựa trên nguyên tắc chống bất kỳ các can thiệp từ nước ngoài vào hoạt động chính trị của Hoa Kỳ.
Sau chiến dịch ma túy, Mexico có nhiều xác không tên
Chiến dịch quân sự hóa tấn công tội phạm có tổ chức của Mexico đã để lại gần 39.000 thi thể chưa được xác định danh tính trong các nhà xác của đất nước, theo The Guardian.
Một cuộc điều tra mới của tổ chức phi chính phủ Quinto Elemento Labs phát hiện ra rằng có một số lượng đáng báo động những người chết được chôn cất trong những ngôi mộ chung. Trong khi một số được bỏ lại trong nhà tang lễ và hơn 2.500 thi thể được trao cho các trường y tế.
“Có thể các sinh viên [y tế] đang thực hành trên thi thể của những người đang được gia đình họ tìm kiếm”, một bài báo hôm thứ Ba (22/9) viết. “Cuộc khủng hoảng pháp y đã biến Mexico thành một cỗ máy chôn cất”.
Cuộc chiến chống ma túy được quân sự hóa của Mexico đã khiến gần 300.000 người chết trong 14 năm qua. Trong khi đó 73.000 người khác đã mất tích và gia đình của những người này phải tìm kiếm người thân của họ mà không có sự hỗ trợ của chính quyền.
Điểm tin thế giới tối 23/9:
Nhà phê bình Điện Kremlin xuất viện;
Bắc Kinh ‘phản pháo’ sau khi Hạ viện Mỹ
thông qua dự luật về Tân Cương
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (23/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Nhà phê bình Điện Kremlin xuất viện
“Tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện đủ để ông ấy có thể ngừng quá trình điều trị nội trú cấp tính”, CNN dẫn thông báo của bệnh viện Charité ở Berlin hôm nay, một ngày sau khi nhà phê bình Điện Kremlin Alexey Navalny xuất viện.
“Alexey Navalny đã được điều trị tại Charité tổng cộng 32 ngày, trong đó 24 ngày được chăm sóc tích cực”, thông báo cho biết thêm. “Dựa trên tiến triển và tình trạng hiện tại của bệnh nhân, các bác sĩ tin rằng khả năng hồi phục hoàn toàn là có thể. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động lâu dài tiềm tàng do tình trạng ngộ độc nặng”.
Lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny tại bệnh viện ở Berlin trong bức ảnh được đăng trên mạng xã hội hôm 22/9 (ảnh chụp màn hình Instagram của ông Navalny).
Ông Navalny bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8, sau đó được đưa tới Berlin điều trị. Chính phủ Đức và hai phòng thí nghiệm độc lập tại Thụy Điển và Pháp đã kết luận ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Nga phủ nhận cáo buộc này.
Bắc Kinh ‘phản pháo’ sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về Tân Cương
Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố, Bắc Kinh đã gửi “giao thiệp nghiêm khắc” tới Hạ viện Mỹ sau khi nước này thông qua dự luật hạn chế hàng nhập khẩu từ Tân Cương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố các cáo buộc về lao động cưỡng bức là tin đồn thất thiệt do một số người ở Hoa Kỳ và phương Tây đưa ra.
Ông Uông đe doạ, Bắc Kinh sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để duy trì quyền lợi của các công ty Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền cũng như lợi ích phát triển của họ.
Chính phủ Mỹ đã có một loạt các biện pháp đối với vấn đề Tân Cương, bao gồm chế tài các quan chức đàn áp quyền tự do tín ngưỡng đối với nhóm dân tộc thiểu số theo sắc tộc Turk, cấm nhập bông và các sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức, cũng như trừng phạt một tập đoàn quân sự có dính líu đến vi phạm nhân quyền tại khu vực.
Ấn – Trung đồng ý ngừng đưa thêm quân đến biên giới
Trung Quốc và Ấn Độ hôm qua (22/9) ra thông cáo chung cho biết hai bên đồng ý ngừng đưa thêm quân đến biên giới và tránh làm leo thang căng thẳng.
Reuters đưa tin, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm qua cho biết các quan chức quốc phòng cấp cao của hai nước hôm thứ Hai (21/9) đã họp thảo luận về vấn đề tranh chấp biên giới ở khu vực Ladakh trên dãy Himalaya.
Sau cuộc hội đàm, quân đội hai nước đã ra thông cáo chung cho biết hai bên nhất trí “tránh gây hiểu nhầm và đánh giá sai”, đồng thời “tránh đơn phương thay đổi tình hình thực địa”.
Thông cáo cho biết thêm: “Hai bên cũng nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp cấp tư lệnh quân sự lần thứ 7 trong thời gian sớm nhất có thể”.
Chiến hạm Nga va chạm tàu hàng
Theo Sputnik, một tàu hộ vệ Nga va chạm với tàu chở hàng dân sự treo cờ Quần đảo Marshall hôm nay, tại phía nam eo biển Sound khu vực nằm giữa Đan Mạch và Thụy Điển.
Quân đội Đan Mạch xác nhận tàu dân sự trong vụ va chạm mang tên Ice Rose. Lisbeth Jorgensen, sĩ quan tại trung tâm hoạt động của Lực lượng Vũ trang Đan Mạch cho biết không có vụ tràn dầu nào xảy ra sau khi va chạm.
Nguyên nhân của vụ va chạm được cho là do tầm nhìn bị che khuất bởi sương mù.
NASA tiết lộ kế hoạch đưa phi hành gia nữ đầu tiên lên mặt trăng
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) sẽ đưa phi hành gia nữ đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2024 trong chương trình không gian Artemis trị giá khoảng 28 tỷ USD.
Theo CNN ngày 22/9, chương trình Artemis được đặt theo tên của nữ thần mặt trăng của Hy Lạp, chị em sinh đôi của Apollo. Sứ mệnh Apollo 11 của NASA đã thành công trong việc đưa người đầu tiên lên Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969.
Chương trình Artemis sẽ tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên như nước, vốn có thể được chuyển đổi thành các tài nguyên hữu dụng khác như oxy và nhiên liệu.
Theo giám đốc truyền thông NASA Bettina Inclan, chưa có người phụ nữ nào từng đặt chân lên Mặt Trăng, và người cuối cùng từng đặt chân lên Mặt Trăng là vào năm 1972.
Tạp chí xã hội
Công lý khí hậu:
Biến chuyển lớn về pháp lý quốc tế gần đây
Trọng Thành
Bão lũ, khô hạn, cháy rừng, nước biển dâng… Các hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra nhiều hơn, quy mô lớn hơn. Nguyên nhân chính: Khí hậu bị hâm nóng. Cộng đồng quốc tế đã đạt thỏa thuận hạn chế khí thải, để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C. Thế nhưng, khoảng cách giữa cam kết và hành động hết sức lớn. Vấn đề công lý khí hậu ngày càng đặt ra khẩn thiết, trước hết với các nhóm xã hội yếu thế, nước nghèo, nạn nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu.
Ngày càng nhiều vụ kiện khí hậu
Nói đến công lý về khí hậu chắc chắn không thể bỏ qua khía cạnh pháp lý. Một nghiên cứu về các vụ kiện tụng liên quan đến khí hậu từ năm 1990 đến 2019, của London School of Economics and Political Science, đưa ra một tổng kết đáng chú ý. Trong khoảng thời gian nói trên, có ít nhất 1.328 vụ kiện liên quan đến khí hậu, tại 28 quốc gia trong đó hơn 3 phần 4 số vụ kiện là tại Hoa Kỳ (báo cáo « Global Trends in Climate Change Litigation: 2019 Snapshot » của J. Setzer và R. Byrnes). Bản báo cáo ghi nhận đại đa số vụ kiện khởi sự sau năm 2006, và ngày càng có nhiều vụ kiện tại các quốc gia có thu nhập trung bình hay thấp, như Pakistan hoặc Ouganda. Đa số các vụ kiện nhắm vào chính quyền các nước, nhưng các doanh nghiệp cũng là đối tượng bị đưa ra tòa.
Theo chuyên gia về luật môi trường quốc tế Sandrine Maljean-Dubois (CNRS), « xã hội dân sự nhận thấy là các vấn đề môi trường chưa bao giờ lại trở nên dữ dội, nghiêm trọng và cấp thiết đến như vậy, trong lúc chính quyền các nước lại không đưa ra được các biện pháp đối phó…. Xã hội dân sự hướng sang các tòa án quốc gia, chủ yếu để yêu cầu chính quyền các nước và các doanh nghiệp phải đề ra các mục tiêu về khí hậu ở tầm mức tương xứng với hiểm họa ».
Trong lịch sử đòi công lý khí hậu của xã hội dân sự thế giới, vụ hiệp hội Urgenda thắng kiện chính quyền Hà Lan năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Vụ án lịch sử : Urgenda thắng kiện Nhà nước Hà Lan
Năm 2013, hiệp hội Urgenda, một tổ chức phi chính phủ tranh đấu cho phát triển bền vững tại Hà Lan khởi sự vụ kiện nhắm vào chính phủ Hà Lan, sau khi đề nghị chính quyền cam kết cắt giảm 25% khí thải vào năm 2020 (so với mức phát thải 1990) đã không được đáp ứng. Năm 2015, một tòa án sơ thẩm La Haye ra phán quyết buộc chính quyền thực hiện đòi hỏi của nguyên đơn. Chính quyền Hà Lan khiếu nại. Năm 2018, một tòa phúc thẩm ở La Haye đã ra phán quyết bác khiếu nại của chính quyền Hà Lan. Phán quyết phúc thẩm dựa trên các nghĩa vụ của chish quyền Hà Lan, được quy định bởi Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC) và Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, mà Hà Lan tham gia. Tháng 12/2019, Tòa án Tối cao Hà Lan ra phán quyết cuối cùng. Phán quyết chỉ rõ chính quyền Hà Lan đã hành động bất hợp pháp, khi không bảo vệ các quyền của công dân theo Công ước Nhân quyền châu Âu.
Trả lời đài France Culture, luật gia Marta Torre-Schaub, phụ trách nhóm nghiên cứu ClimaLex, giảng viên Viện nghiên cứu pháp lý và triết học, đại học Sorbonne Paris 1, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), nhận xét về ý nghĩa của vụ thắng kiện này :
« Lần đầu tiên một quốc gia bị kết án do không làm tròn trách nhiệm đối với môi trường, nhân danh nguyên tắc Nhà nước phải có trách nhiệm với công dân trong lĩnh vực môi trường (duty of care). Điều khoản pháp lý liên quan, vốn đã có từ trong luật quốc tế, đã được nội luật hóa, đưa vào luật dân sự Hà Lan. Tòa Án Tối Cao Hà Lan buộc chính quyền phải thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí thải, theo đòi hỏi của hiệp hội Urgenda. Vụ kiện này trở thành một mẫu mực cho phong trào tranh đấu vì môi trường tại Hoa Kỳ, cũng như tại Pháp ».
Theo giới chuyên gia, phán quyết lịch sử của tòa án Hà Lan trong vụ Urgenda đã đưa ra « nhiều khái niệm pháp lý mang tính cách tân », như quyền của các thế hệ tương lai, hay vấn đề điều chỉnh pháp lý đối với các hành động trong tương lai, mang tính dự báo và phòng ngừa (về vấn đề quy phạm pháp lý mang tính dự báo, phòng ngừa, điều chỉnh các hành động tương lai, chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn trong phần tiếp theo). Nhìn chung, vụ án Urgenda đã mang lại nhiều cảm hứng và kinh nghiệm cho các nỗ lực của xã hội dân sự khởi kiện Nhà nước nhiều quốc gia ra tòa, do (đã không có hoặc không dự kiến) hành động để ngăn chặn khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất bị hâm nóng.
Vai trò của giới thẩm phán ngày càng nổi bật
Mới đây, ngày 31/07/2020, chính quyền Ailen đã bị Tòa Án Tối Cao nước này yêu cầu điều chỉnh lại chính sách cắt giảm khí thải chống hâm nóng khí hậu. Tại Pháp, cuối năm 2018, bốn tổ chức thuộc xã hội dân sự đã khởi kiện Nhà nước Pháp về cùng một vấn đề. Vụ kiện được những người khởi sự đặt một cái tên đầy ấn tượng « Affaire du siècle / Vụ kiện thế kỉ ». Tư pháp nước Pháp sẽ đưa ra phán quyết đầu tiên về vụ kiện vào mùa thu này. Việc công bố các phán quyết về khí hậu nói trên mang ý nghĩa biểu tượng cao, có giá trị như các mẫu mực, khiến chính quyền nhiều nước hay các doanh nghiệp là thủ phạm phát thải phải dè chừng.
Theo chuyên gia về luật môi trường quốc tế Sandrine Maljean-Dubois, phán quyết là chuyện nội bộ của từng quốc gia, nhưng rõ ràng là « các thẩm phán theo dõi sát hoạt động của đồng nghiệp nước khác, và phán quyết của tư pháp tại một nước này có thể ảnh hưởng đến phán quyết của tư pháp tại một nước khác ».
Trong những năm gần đây, giới quan sát có ấn tượng là quyền lực của giới thẩm phán trong vấn đề khí hậu tăng lên rõ rệt. Nhiều người đặt câu hỏi là liệu họ có được trao thêm các thẩm quyền mới, để tăng cường việc thực thi pháp luật hay không ? Về vấn đề này, luật gia về môi trường Marta Torre-Schaub, Viện Khoa học Pháp lý và Chính trị Pháp (CNRS), nhận định :
« Có thể chúng ta thấy chuyện này là mới, nhưng vai trò của các thẩm phán rút cục phải chăng không phải chính là thực thi luật pháp đã có, mà không cần phải sáng tạo ra điều gì mới. Khẳng định những gì đã được những nhà lãnh đạo hay các nhà lập pháp đề ra. Ớ đây, tôi cho rằng không có gì mang tính cách mạng cả. Tuy nhiên, mặt khác, chính cuộc khủng hoảng về sinh thái, môi trường – với tình trạng khẩn cấp về khí hậu được ban hành tại nhiều quốc gia hiện nay, tại Anh và tại Pháp mới đây – đã đánh thức quyền lực vốn có của các thẩm phán, và khiến quyền lực tư pháp trở nên mạnh hơn ».
Luật pháp mang tính phòng ngừa
Về các biến chuyển lớn trong lĩnh vực pháp lý khí hậu,luật gia về môi trường Marta Torre-Schaub (CNRS) đặc biệt chú ý đến một điểm mà bà coi là rất mới, đó là việc các thẩm phán ngày càng hướng sang cách diễn giải luật nhằm điều chỉnh các hành động trong tương lai, bên cạnh tiếp cận truyền thống, trừng phạt và đòi hỏi bồi thường đối với các hành động vi phạm luật đã xảy ra.
« Kể từ vụ án Urgenda, tôi có nhận xét là đã xuất hiện một cách diễn giải luật mà tôi gọi là ”mang tính tiệm tiến” và uyển chuyển. Ở đây chúng ta có một thứ luật pháp gần với đời sống. Cụ thể là bản thân khái niệm về ”trách nhiệm” nói chung với vấn đề môi trường, và cuộc khủng hoảng sinh thái mà chúng ta đang đối mặt hiện nay, chắc chắn là cũng đang quá trình thay đổi. Chúng ta không thể chỉ tự giới hạn duy nhất trong phương diện luật pháp liên quan đến các hành động sai lầm, đến việc trừng phạt hay đòi bồi hoàn về những hành động đã gây ra hậu quả. Điều mới mẻ ở đây là luật pháp liên quan cả đến việc phòng ngừa… cho phép điều chỉnh cả các hành động sẽ xẩy ra trong tương lai, để tránh cho chúng ta phải gánh chịu các thảm họa kinh hoàng, một thế giới mà nhiệt độ cao hơn từ 3°C đến 4°C, khiến Trái đất không còn là nơi con người có thể sống nổi ».
Luật gia về môi trường Marta Torre-Schaub cũng nhấn mạnh đến việc các thẩm phán hiện nay có xu hướng sử dụng chính các kết quả nghiên cứu khoa học được nguyên đơn sử dụng làm cơ sở cho các khiếu kiện, làm luận cứ để buộc chính quyền nhiều nước phải chấp hành, cụ thể như trong vụ án Urgenda.
Ranh giới giữa pháp lý và chính trị
Vụ Urgenda thắng kiện Nhà nước Hà Lan và một số vụ thắng kiện khác trong lĩnh vực đòi công lý khí hậu gây phấn khích. Nhiều người hy vọng là các áp lực pháp lý sẽ buộc chính quyền các nước phải có hành động tương thích với hiểm họa khí hậu. Tuy nhiên, nỗ lực đòi công lý khí hậu về mặt pháp lý có nhiều giới hạn. Liên quan đến quyền lực của các thẩm phán, luật gia về môi trường Marta Torre-Schaub đặc biệt lưu ý đến việc phân định thẩm quyền của tư pháp và lĩnh vực chính trị :
« Quả đúng là trong các phiên tòa về khí hậu, việc thảo luận về bên nào có quyền hạn gì mỗi lần lại được đưa ra. Trong vụ án Urgenda, ở cả ba cấp xét xử – sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm – mỗi lần như vậy, vấn đề thẩm quyền đều được đặt ra. Cụ thể là, nếu vấn đề khí hậu được đề cập thuộc lĩnh vực chính trị, thì các thẩm phán không thể can thiệp. Ngược lại, nếu đây là vấn đề thuộc tư pháp, thì các thẩm phán có thể can thiệp, bởi đây là việc giải thích luật và thi hành luật. Việc phân định ranh giới giữa vấn đề chính trị với vấn đề pháp lý – tư pháp là điều rất đáng quan tâm trong các vụ án khí hậu ».
Vụ kiện Juliana – tức vụ 21 thanh thiếu niên Mỹ bang Orgeon (tuổi từ 10 đến 21) kiện chính quyền Liên bang Hoa Kỳ – là một ví dụ tiêu biểu. Vụ kiện được thẩm phán liên bang tại Oregon thụ lý năm 2016. Theo đơn kiện của 21 thanh thiếu niên, chính quyền liên bang đã không thực thi bổn phận bảo vệ họ khỏi biến đổi khí hậu. Bên nguyên đơn dựa trên quyền căn bản là quyền được hưởng « một khí hậu thuận lợi cho sự sống ». Tháng Giêng năm nay 2020, tòa án phúc thẩm tại San Francisco đã bác đơn khiếu kiện, cho dù thừa nhận là các thanh thiếu niên bên nguyên đơn « đã đưa ra được các bằng chứng thuyết phục », và « chính quyền liên bang trong một thời gian dài đã khuyến khích việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch, cho dù biết rằng điều này có thể gây ra các biến đổi khí hậu kinh hoàng ». Tòa phúc thẩm San Francisco nhấn mạnh là điều mà 21 thanh thiếu niên Mỹ đòi hỏi là nằm trong lĩnh vực hành động vì khí hậu thuộc « các nhánh chính trị của Nhà nước » phụ trách (chứ không thuộc lĩnh vực tư pháp). Lĩnh vực chính trị có nghĩa là do Quốc Hội và tổng thống chịu trách nhiệm.
Theo luật gia về môi trường Marta Torre-Schaub, các thẩm phán có quyền ra phán quyết buộc chính quyền các nước thực thi các nghĩa vụ về khí hậu, nhưng không có thẩm quyền buộc chính phủ các nước phải chọn các biện pháp cụ thể nào.
Trong lĩnh vực công lý khí hậu, có những bất công nổi rõ được đông đảo công chúng biết đến. Nhóm 1% người giầu nhất hành tinh chịu trách nhiệm về khí thải gây hiệu ứng nhà kính gấp 175 lần so với 10% người nghèo nhất. Trong lúc đó, chính những người nghèo nhất lại là các nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu (ví dụ như : 91% nông dân Mỹ có bảo hiểm thiệt hại trong trường hợp thiên tai, trong khi số người được bảo hiểm ở Ấn Độ chỉ là 15%). Chưa kể đến bất công lớn, biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn tình hình vốn đã khó khăn nghiêm trọng tại nhiều quốc gia nghèo, do hạn hán, lũ lụt, thiếu nước sạch, nước biển dâng cao…
Không có công lý khí hậu, nếu không giải quyết bất công xã hội
Việc phân chia gánh nặng đóng góp không công bằng giữa các nhóm xã hội trong cùng một quốc gia cũng là một vấn đề lớn. Kinh tế gia Mỹ James K. Boyce, chuyên về các vấn đề môi trường khí hậu, ghi nhận cuộc khủng hoảng « Áo Vàng » (phong trào chống lại thuế cac-bon đánh vào người có thu nhập thấp) tại Pháp để lại một bài học quan trọng. Đó là việc đánh thuế cac-bon để có tiền cho cuộc chiến khí hậu sẽ không thể thành công, nếu không tính đến tính chất công bằng xã hội của biện pháp này.
Vấn đề công lý khí hậu ở đây vượt quá khỏi phạm vi tư pháp. Để hướng đến các biện pháp về khí hậu, chính quyền của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập Hội nghị Công dân về Khí hậu (Convention Citoyenne pour le Climat – CCC) để tìm giải pháp thông qua con đường lập pháp, trưng cầu dân ý. Chính quyền nhiều nước châu Âu và bản thân Liên Hiệp Châu Âu (Ủy Ban Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu) cũng có những nỗ lực nâng cao các cam kết về khí hậu, cũng như gia tăng các biện pháp thực thi.
Trên con đường thực thi bổn phận này, các định chế châu Âu cũng như các quốc gia thành viên Liên Âu, hay nhiều nước khác, sẽ còn liên tục phải đối mặt với các thách thức pháp lý từ phía xã hội dân sự. Vụ 6 thanh thiếu nhi Bồ Đào Nha (từ 8 đến 21 tuổi) khởi kiện 33 quốc gia châu Âu lên Tòa án Nhân quyền châu Âu hôm 03/09/2020 là một ví dụ tiêu biểu mới nhất. 33 quốc gia, trong đó có Pháp cùng nhiều quốc gia thành viên Liên Âu, và Nga, Na Uy, Thụy Sĩ, Anh quốc… bị cáo buộc đã làm cho khủng hoảng khí hậu thêm trầm trọng.
0 comments