Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 03/09/2020

Thursday, September 3, 2020 7:16:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 03/09/2020

Kinh tế: Pháp tung 100 tỷ euro để trở về mức trước đại dịch Covid-19 – Trọng Nghĩa

Con số 100 tỷ euro tràn ngập trang nhất các tờ báo lớn ra ngày hôm nay 03/09/2020 tại Pháp. Đây là điều dễ hiểu vì hôm nay chính là ngày mà chính phủ Pháp chính thức loan báo kế hoạch phục hồi kinh tế thời hậu Covid-19 rất được trông đợi.
Nhật báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên là tờ đưa tin rõ ràng nhất về sự kiện, với một tựa lớn trang nhất rất khách quan: “Pháp đầu tư 100 tỷ euro vào kế hoạch phục hồi”. Tờ báo ghi nhận là kế hoạch trình ra trước Hội Đồng Bộ Trưởng vào hôm nay dành phần rất lớn cho đầu tư. Bercy, tức bộ Kinh Tế Pháp, dự trù chi tiêu 30 tỷ vào năm 2021 và tạo ra 200.000 việc làm.
Les Echos đồng thời đi sâu vào phân tích ba lãnh vực ưu tiên: Chuyển đổi sinh thái, tái di dời cơ sở sản xuất, đào tạo. Theo tờ báo, các doanh nghiệp quy mô vừa và ngành công nghiệp là hai đối tượng được lợi nhiều nhất từ chính sách giảm thuế sản xuất sẽ được đẩy mạnh.
La Croix cũng chạy tựa lớn trang nhất gần giống đồng nghiệp Les Echos: “100 tỷ để xóa bỏ khủng hoảng”. Trong bài phân tích “Ba năm để vực dậy nước Pháp”, nhật báo Công Giáo cho rằng kế hoạch mang tên France Relance (Nước Pháp Tái Khởi Động) là một chiến lược tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp, dự trù chi ra 100 tỷ euro trong ba năm.
Đối với La Croix, như vậy là sau khi đóng vai Lính Cứu Hỏa, tung ra 470 tỷ euro kể từ tháng 3 để cứu nền kinh tế khỏi bị sụp đổ vì cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 gây ra, giờ đây đến lúc Nhà Nước Pháp đóng vai Chiến Lược Gia, dùng 100 tỷ euro để “chuẩn bị cho nước Pháp vào năm 2030”.
Kế hoạch lớn nhất châu Âu
Cũng về kế hoạch 100 tỷ, nhưng Le Figaro giới thiệu trên trang nhất bài phỏng vấn thủ tướng Pháp Jean Castex nói về: “Kế hoạch của chúng ta cho tương lai”.
Le Figaro nêu bật nhận đinh của thủ tướng Pháp: “Chúng ta rất đúng hẹn. 100 tỷ là một món tiền rất lớn, cao hơn gần 4 lần kế hoạch khôi phục của năm 2008. Đây là kế hoạch rầm rộ nhất từng được loan báo đến nay tại châu Âu”. Theo thủ tướng Pháp, kế hoạch nà sẽ nhanh chóng mang lại hiệu quả để đưa kinh tế Pháp trở lại mức trước khủng hoảng (Covid-19) ngay từ năm 2022.
Tờ báo cánh hữu Pháp ghi nhận là ngoài việc tiết lộ kế hoạch phục hồi nền kinh tế, người lãnh đạo chính phủ Pháp còn tỏ rõ quyết tâm khôi phục trật tự trước tình trạng bạo lực gia tăng.
Trong một loạt bài viết ở 4 trang bên trong, Le Figaro đi vào chi tiết “Kế hoạch phục hồi, theo từng điểm một”, nhấn mạnh rằng ngân quỹ 40 tỷ euro tài trợ của Châu Âu cho nước Pháp chưa thể được giải ngân trước giữa năm 2021. Tờ báo cũng chú ý đến các động thái của nhiều bộ trưởng Pháp, đang cố vận động để bộ mình được nhiều tín dụng nhất.
Riêng Libération thì tìm cách đưa tin một cách hóm hỉnh. Ngay ở trang nhất, bên trên một bức ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron mặt có vẻ nghiêm túc, bàn tay phải với năm ngón tay xòe ra giơ lên hướng về phía trước, tờ báo cánh tả Pháp chạy tựa lớn dưới dạng một câu nói của ông Macron: “Hãy tin tưởng, tôi có một kế hoạch”.
Tờ báo chú thích ngay dưới hàng tựa: “Phi carbon hóa nền kinh tế, khuyến khích sáng tạo, thích ứng hóa công ăn việc làm: Đây là ba trụ cột của kế hoạch 100 tỷ được hành pháp công bố hôm (nay) thứ Năm nhằm khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch”. Tờ báo cũng dành 4 trang cho sự kiện này.
Le Monde: Những bước lùi của chính phủ Pháp về sinh thái
Trái với tất cả các đồng nghiệp, Le Monde không giành tựa lớn trang nhất cho kế hoạch chấn hưng kinh tế, mà lại tập trung chú ý trên dự luật về môi trường được đệ trình trước Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp vào hôm nay.
Dưới hàng tựa lớn: “Môi trường: Những bước lùi của chính phủ”, Le Monde nêu bật vấn đề dự luật đặc cách cho sử dụng loại thuốc diệt cỏ cực mạnh có chất néonicotinoïde đang bị cấm. Bộ sinh thái Pháp bảo đảm là việc đặc miễn này chỉ áp dụng cho giới trồng củ cải mà thôi, nhưng tờ báo Pháp tiết lộ rằng nhiều đơn xin đặc miễn cho những loại rau quả khác đã được đệ trình.
Theo Le Monde, các dân biểu thuộc phe đa số đang cầm quyền tại Pháp đang bị sức ép nặng nề trước tình hình luật đặc miễn dành cho chất néonicotinoïde được đưa ra ít lâu sau quyết định hoãn áp dụng lệnh cấm dùng chất diệt cỏ có chất glyphosate.
Điều khiến cho nhật báo Pháp quan ngại là bước lùi của chính phủ trên lệnh cấm dùng néonicotinoïde lại diễn ra sau một loạt những bước lùi hay quyết định đặc miễn khác, chẳng hạn như trong lãnh vực săn bắn, những động thái đang khiến giới bảo vệ sinh thái tại Pháp hết sức phẫn nộ.
Trung Quốc: Tập Cận Bình tiếp tục chiến dịch thanh trừng
Về các hồ sơ quốc tế, đáng chú ý hơn cả là loạt bài liên quan đến Trung Quốc chiếm trọn trang 2 và 3 của báo Le Monde, được giới thiệu qua một hàng tựa nhỏ trang nhất: “Tập Cận Bình tiếp tục cuộc thanh trừng”, nêu bật sự kiện lãnh đạo Trung Quốc bổ nhiệm người thân vào tất cả các vị trí then chốt để nắm chặt quyền lực.
Trong bài viết chính ở trang trong mang tựa đề: “Trung Quốc dưới quyền lực độc tôn của Tập Cận Bình”, Le Monde nêu bật tình trạng sùng bái cá nhân ông Tập càng lúc càng nặng nề, việc thanh trừng các quan chức của bộ máy an ninh được đẩy mạnh, song song với đà tăng cường đáng kể quyền kiểm soát của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trên nền kinh tế.
Theo tờ báo Pháp, với nhiệm kỳ thứ hai đang gần đến ngày kết thúc, nhân vật mạnh của chế độ Bắc Kinh đang củng cố thêm quyền lực của mình trong nước. Còn trong lãnh vực đối ngoại, ông đang rút tỉa bài học từ tình trạng căng thẳng với Mỹ được dự báo là sẽ kéo dài.
Xung đột biên giới: Ấn Độ trả đũa Trung Quốc về kinh tế
Bài viết đáng chú ý thứ hai nêu bật cuộc đối đầu quân sự Ấn-Trung lại tái diễn ở vùng Himalaya.
Quả là cơm không lành canh không ngọt giữa Trung Quốc và Ấn Dộ. Hai chàng khổng lồ Châu Á cùng chia sẻ 3 500 cây số đường biên giới ở vùng núi Himalayalại leo thang tranh chấp về mặt kinh tế cũng như quân sự. Những người bi quan nhất lo ngại một cuộc chiến tranh giữa hai bên, ở Ladakh, nơi từ tháng Tư đã diễn ra những cuộc va chạm giữa lính ở hai bên đường ranh giới, được phác họa vào năm 1962, nhưng vẫn còn phải được công nhận vì hai bên không đồng ý trên đường vẽ của nó.
Từ cuộc giáp lá cà ngày 15/06, Ấn Độ còn đưa ra những biện pháp trả đũa, hủy bỏ hàng chục ứng dụng Trung Quốc, trong đó có TikTok, và kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc.
Theo tờ báo, Ấn Độ không thiệt hại nhiều vì cán cân thương mại hiện có lợi rất nhiều cho Trung Quốc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hy vọng thủ lợi từ cuộc thương chiến Mỹ -Trung, để trở thành “cơ xưởng sản xuất mới của thế giới”. Đã có những dấu hiệu tích cực đầu tiên với các tập đoàn công nghệ thuộc nhóm GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) đã dời một số cơ sở qua Ấn Độ hay đầu tư ồ ạt vào nước này.
Le Monde còn đặc biệt lồng căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào trong một bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn, với chiến lược của Mỹ để đối phó với sức mạnh của Trung Quốc, và lôi kéo Ấn Độ đứng cùng chiến tuyến cùng với hai đồng minh Úc và Nhật Bản.
Tờ báo nhắc lại là vào hôm 01/09, Mỹ lại hậu thuẫn một cách rõ ràng cho các đồng minh qua phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Stephen Biegun, khẳng định rằng: “Chiến lược của chúng ta là nhằm đẩy lùi Trung Quốc trong hầu như tất cả các lãnh vực”, và gợi lên những “đòi hỏi quá đáng” của Trung Quốc trên những vùng “lãnh thổ có chủ quyền, dù là ở thung lũng Galwan, ở vùng biên giới Ấn -Trung hay ở phía nam Thái Bình Dương”.
Le Monde kết luân: Rất có thể là căng thẳng ở Himalaya và những ganh đua kinh tế sẽ tác hại lâu dài đến những nỗ lực xích lại gần nhau của hai ông Narendra Modi và Tập Cận Bình từ 2 năm nay.
Trung Quốc: Đến lượt người Mông Cổ ở Nội Mông vùng lên
Theo ghi nhận của Le Monde, nhân ngày nhập học 01/09 vừa qua, hàng ngàn học sinh tiểu học và trung học ở vùng Nội Mông đã biểu tình phản đối việc ngôn ngữ của các em bị gạt qua một bên và bị bắt buộc học bằng tiếng quan thoại. Các em cũng đã phát được một số băng video trên mạng xã hội Trung Quốc, cho thấy các em mặc đồng phục, hô khẩu hiệu bảo vệ ngôn ngữ và bản sắc của mình. Người ta có thể nghe thấy trong một video tiếng hét: “Là người Mông Cổ cho đến khi chết”.
Chính quyền Trung Quốc muốn áp đặt tiếng quan thoại trong các chương trình học, cũng như đã làm ở Tây Tạng  hay ở Tân Cương trong chính sách cưỡng bức đồng hóa.
Quyết định phổ cập tiếng quan thoại đã cộng thêm vào một loạt tranh chấp ít nhiều thành công trong hàng thập niên qua, gắn với phong cách sống truyền thống mất dần cũng như sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa người gốc Mông Cổ và các công ty nhà nước Trung Quốc về tài nguyên thiên nhiên.
Chất Novitchok: Chữ ký Nga trong vụ đầu độc Navalny
Các báo cũng không quên phân tích về vụ nước Đức xác nhận là nhà đối lập Nga Navalny bị đầu độc bằng chất Novitchok.
Le Figaro nhắc lại rằng sau khi có kết quả xét nghiệm của các bác sĩ Đức, chính quyền của bà Merkel đã tố cáo vụ đầu độc mang chữ ký rõ ràng của chính quyền Nga.
Chữ ký này mang tên Novitchok, có nghĩa là “bé mới” trong tiếng Nga, được chế tạo từ thời Xô Viết tại một phòng bào chế ở Saratov. Chất gây tê liệt thần kinh chết người này đã từng được sử dụng để đầu độc Sergueï Skripal và cô con gái ở Salisbury, Anh Quốc vào năm 2018.
Theo tờ báo Pháp, danh sách nạn nhân của chất Novitchok có vẻ còn dài. Le Figaro nêu ví dụ năm 2005, khi một chủ ngân hàng thời Eltsine, ông Ivan Kivelidi, bị đầu độc bằng một chất cùng loại với Novitchok. Cơ quan mật vụ Nga FSB bị cáo buộc là đã muốn thủ tiêu nhân vật đó, và chất độc bị nghi là đã được bôi trên mát điện thoại trên bàn làm việc của ông Kivelidi, và hai hôm sau thì nạn nhân bị bất tỉnh. Các tài liệu điều tra của cảnh sát thời đó đã nói đến một chất độc được dùng vào mục tiêu “quân sự”.
Một người thân cận với nhà đối lập Nga khẳng định rằng Nhà Nước Nga là tác nhân “duy nhất” có khả năng khai thác một chất như là Novitchok.

Tin tổng hợp
(Yonhap) – Hàn Quốc chế tạo máy bay chiến đấu nội địa 100%. 
Với ngân sách 7,3 tỷ đôla, chương trình chế tạo máy bay chiến đấu sau 5 năm phát động, đã đạt kết quả đúng kỳ hạn, cho dù có Covid-19. Chiến đấu cơ kiểu mẫu KF-X bắt đầu được lắp ráp kể từ hôm nay 03/09/2020. Máy bay mới sẽ thay thế các phi đội F-4 và F-5 cũ kỹ của không quân, từ 2026. KF-X có hình dạng bên ngoài  tương tự như F-35A của Mỹ, nhưng trang bị hệ thống ra-đa do Hàn Quốc chế tạo. Vận tốc tối đa lên đến Mach 1,81 với tầm hoạt động 2.900 km.
(Reuters) – Mỹ ngưng đóng góp cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). 
Như đã đe dọa, hôm qua, 02/09, Washington cho biết không đóng 80 triệu đôla vào ngân quỹ của WHO, mà sẽ dùng số tiền này tài trợ một số hoạt động thường niên của Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ sẽ chính thức rút khỏi WHO ngày 06/07/2021. Quyết định đưa ra sau khi tổng thống Trump cáo buộc WHO làm « con rối » cho Bắc Kinh trong vụ đại dịch corona.
(AFP) – Ấn Độ cấm thêm 118 ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc. 
Trong bối cảnh tình hình biên giới Ấn-Trung căng thẳng đến đổ máu, New Delhi cấm một loạt ứng dụng của Trung Quốc dành cho điện thoại di động, nhân danh bảo vệ an ninh quốc gia. Các  dịch vụ games điện tử, trả tiền trên mạng và chia sẻ selfie nằm trong danh sách 118 ứng dụng bị cấm. Đầu mùa hè, Ấn Độ đã cấm một loạt 106 ứng dụng của Trung Quốc, kể cả ứng dụng chia sẻ video của TikTok.
(Reuters) – Tòa án Mỹ công nhận cơ quan tình báo Mỹ phạm luật.
Vì tố cáo một kế hoạch bí mật của tình báo Mỹ nghe lén điện thoại, mà vào năm 2013, cựu nhân viên Edward Snowden bị truy nã phải lưu vong sang Nga. Thế nhưng, 7 năm sau, trong phán quyết công bố vào hôm qua 02/09, tòa phúc thẩm ở San Francisco cho rằng kế hoạch này là vi phạm pháp luật Mỹ và các viên chức lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia NSA đã nói dối khi bênh vực kế hoạch nghe lén này. Từ nơi tạm trú, Edward Snowden tuyên bố là « tôi không ngờ là các tòa án Mỹ đã kết án NSA phạm pháp lúc tôi còn sống, và trong phán quyết có kèm theo lời khen tôi đã tố giác vụ này ».
(Reuters) - Một tàu chở hàng của New Zealand mất tích ngoài khơi Nhật Bản. 
Lực lượng biên phòng Nhật Bản vào hôm qua, 02/09/2020, đã cứu được một người trong cuộc tìm kiếm chiếc tàu chở thủy thủ đoàn 43 người, và gần 6000 con bò. Chiếc tàu mang tên Gulf Livestock 1 đã gởi thông điệp cầu cứu khi ở phía tây đảo Amami Oshima, tây nam Nhật Bản.
(AFP) - Rohingya: Canada và Hà Lan sẽ hậu thuẫn cho Gambia trước tòa án quốc tế. 
Hai quốc gia trên đã thông báo vào hôm qua, 02/09/2020, ý định chính thức hậu thuẫn cho Gambia trong việc kiện Miến Điện ra trước Tòa Án Công Lý Quốc tế – CIJ hầu tránh nạn diệt chủng người Hồi Giáo Rohingya. Gambia đã được hậu thuẫn của 57 quốc gia thành viên Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo, trong việc kiện Miến Điện vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1948.
(AsiaNews) – Hơn một trăm bác sĩ Indonesia hy sinh vì Covid-19. 
Tin từ Hiệp Hội Y khoa Indonesia cho biết do lao lực chống đại dịch siêu vi corona, do thiếu phương tiện chống lây nhiễm, mà lực lượng nhân viên y tế của Indonesia thiệt hại rất nặng nề. Chỉ riêng trong giới bác sĩ, hơn 100 người hy sinh vì nhiệm vụ chống Covid-19.
(AFP) - Liên hoan phim quốc tế Venise khai mạc, thách thức virus corona. 
Là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế hiếm hoi được duy trì, Liên hoan Vensise khai mạc đêm 02/09/2020. Chủ tịch năm nay là Cate Blanchett tuyên bố khai mạc liên hoan phim lâu đời nhất thế giới, trước 100 % cử tọa đeo khẩu trang. Rất nhiều ngôi sao điện ảnh, như Dustin Hoffman, nữ đạo diễn Jane Campion… chỉ chia sẻ tình yêu nghệ thuật thứ 7 với giới hâm mộ qua cầu truyền hình.
(AFP) - Chất cortisone cho phép giảm nguy cơ tử vong Covid-19. 
Theo một nghiên cứu của Anh được công bố ngày 09/09/2020 sử dụng chất hydrocortisone cho phép giảm 20 % nguy cơ tử vong đối với những bệnh nhân bị nhiễm virus corona trong tình trạng nguy kịch. Đây là một thuốc kháng viêm vừa rẻ tiền, vừa cho thấy một số hiệu quả cụ thể và tránh được việc dùng máy trợ thở, theo giải thích của chuyên gia y khoa Anthony Gordon, trường đại học Imperial College, Luân Đôn.
(Reuters) - Bão Maysak đổ vào bán đảo Triều Tiên vào hôm nay 03/09/2020. 
Cơn bão mạnh với sức gió 140 km/giờ gây mưa to đất lở ở vùng thành phố Hàn Quốc Busan, bờ biển phía nam. Hơn 2.000 người phải di tản. Một phụ nữ đã thiệt mạng khi rơi từ cửa sổ, 120.000 hộ gia đình mất điện ở vùng phía nam này và đảo Jeju. Cảng Kimchaek ở Bắc Triều Tiên cũng bị ngập lụt.

Điểm tin thế giới sáng 3/9:

Mỹ cắt khoản tiền ủng hộ còn lại cho WHO;

Bắc Hàn tiếp tục chế tạo tên lửa xuyên lục địa

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (3/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ cắt khoản tiền ủng hộ còn lại cho WHO
Chính quyền Trump hôm thứ Tư (2/9) cho biết họ sẽ không chuyển khoản tiền tài trợ hơn 60 triệu USD còn lại cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thay vào đó sẽ sử dụng số tiền này để hỗ trợ các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, theo AP.
Quyết định giữ lại khoảng 62 triệu USD tiền hỗ trợ còn lại của năm 2020 cho WHO là một phần trong quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi tổ chức này vì cho rằng WHO yếu kém trong xử lý đại dịch Covid và chịu nhận sự chi phối của chính quyền Trung Quốc.
Thông báo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nhà Trắng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không tham gia vào dự án do WHO điều hành để phát triển và phân phối vắc xin COVID-19.
Trong một diễn biến liên quan, SBS News đưa tin, các bang của Hoa Kỳ đang được thông báo sẵn sàng phân phối vắc xin COVID-19 vào đầu tháng Mười một tới.
Bắc Hàn tiếp tục chế tạo tên lửa xuyên lục địa
Triều Tiên đang tiếp tục kế hoạch chế tạo các tên lửa tầm xa của họ, có thể bao gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, Rob Soofer, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách phòng thủ tên lửa và hạt nhân, cho biết hôm thứ Tư (2/9), Yonhap đưa tin.
Nhận định của ông Soofer được đưa ra vài tháng sau khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có thể ra mắt một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới hoặc một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong cuộc diễu hành quân sự lớn kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động cầm quyền ngày 10/10.
Phát biểu trong một hội thảo do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell tổ chức, ông Soofer cho biết Hoa Kỳ đang tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của mình để đáp trả các tình huống bị tấn công.

“Chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm trước khi kết thúc năm dương lịch này, và nếu có kết quả, thì chúng tôi sẽ tìm cách tích hợp nó vào hệ thống phòng thủ của chúng tôi”, ông Soofer nói.
Teheran bị tố cáo lạm dụng nhân quyền người biểu tình
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm thứ Tư (2/9) đã cáo buộc Teheran chủ trì việc lạm dụng nhân quyền trên diện rộng trong một cuộc trấn áp an ninh đối với các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào năm ngoái, theo Reuters.
Nhóm nhân quyền có trụ sở tại London đã đưa ra một báo cáo nói rằng giới chức Iran dung túc các hành vi “cưỡng hiếp, bắt cóc, tra tấn và có các hành vi đối xử tệ bạc khác” đối với những người bị giam giữ vì liên quan đến các cuộc biểu tình vào tháng 11/2019.
Dựa trên các nguồn tin, Báo cáo của Tổ chức Ân xá cho biết: “Những người bị bắt bao gồm những người biểu tình ôn hòa và những người chứng kiến, trong số đó có cả học sinh nhỏ hơn 10 tuổi”.
Giới chức Iran nói rằng có khoảng 200.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính phủ tăng giá nhiên nhiệu hồi cuối năm ngoái, trong khi người đứng đầu ủy ban an ninh quốc gia quốc hội Iran cho biết ít nhất 7.000 người biểu tình đã bị bắt giữ.
Bà Merkel: Ông Navalny bị đầu độc theo kiểu Liên Xô
Chính trị gia đối lập Alexei Navalny, người đang được chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Berlin, đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok thường được dùng từ thời Liên Xô, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông tin hôm thứ Tư (2/9), Reuters đưa tin.
Bà Merkel cho biết Berlin đang chờ chính phủ Nga giải thích về vụ việc này và Đức sẽ hỏi ý kiến các đồng minh NATO về cách phản ứng.
Moscow đã phủ nhận liên quan đến vụ việc của chính trị gia đối lập với Tổng thống Putin. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng khẳng định của Đức không được chứng minh bằng chứng cứ, đồng thời phàn nàn về cách mà Đức đã chọn để tiết lộ thông tin về ông Navalny.
Mỹ mong Trung-Ấn tìm giải pháp hòa bình cho xung đột
Hoa Kỳ hi vọng Trung-Ấn có giải pháp hòa bình cho các cuộc đụng độ trên vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước ở núi Himalaya, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomep nói hôm thứ Tư (2/9), theo Reuters.
Sau khi các cuộc xung đột tạm lắng một thời gian, những ngày gần đây tình hình biên giới Trung-Ấn lại nóng trở lại, New Delhi tố cáo quân đội Trung Quốc chủ động gây hấn trên biên giới bất chấp các thỏa thuận hòa bình mới đạt được giữa hai bên.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao, ông Pompeo cũng cho biết Washington đang kêu gọi chính quyền Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán với Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng.

Điểm tin thế giới tối 3/9:

Đặc nhiệm Ấn Độ tử vong gần biên giới Trung Quốc;

Bắc Kinh đe dọa trả đũa nhân viên ngoại giao Mỹ

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (3/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Đặc nhiệm Ấn Độ tử vong gần biên giới Trung Quốc
Binh sĩ đặc nhiệm Tenzin Nyima đã tử vong trong khi một người khác bị thương nặng do trúng mìn bên bờ hồ Pangong Tso, gần biên giới với Trung Quốc, ba quan chức Ấn Độ và hai thân nhân của đặc nhiệm này ngày 2/9 nói với Reuters.
Ông Nyima, 53 tuổi, thuộc biên chế Lực lượng Đặc nhiệm Tiền phương (SFF). Lực lượng của SFF chủ yếu được tuyển mộ từ cộng đồng hàng trăm nghìn người Tây Tạng đang định cư tại Ấn Độ, số còn lại là công dân Ấn Độ.
Hai thân nhân và hai hàng xóm của Nyima kể rằng một quan chức chính phủ Ấn Độ khi đưa quan tài phủ quốc kỳ của ông Nyima về làng đã tuyên bố rằng đặc nhiệm này “hy sinh khi bảo vệ Ấn Độ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh hôm 2/9 tuyên bố bà không biết liệu người Tây Tạng có “chiến đấu cho Ấn Độ” hay không. Tuy nhiên, bà nói rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối việc bất cứ nước nào, trong đó có Ấn Độ, ủng hộ các hoạt động “ly khai” của các thế lực đòi độc lập cho Tây Tạng.
Bắc Kinh đe dọa trả đũa nhân viên ngoại giao Mỹ
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay đe dọa nước này sẽ có những phản ứng thích đáng, tùy theo tình hình, để đáp trả các hạn chế mới của Mỹ với nhân viên ngoại giao Trung Quốc, theo Reuters.
Trước đó, Washington hôm 2/9 thông báo, các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc sẽ phải xin phép Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi tới thăm các trường đại học ở Mỹ. Ngoài ra, các sự kiện văn hóa được tổ chức bên ngoài trụ sở cơ quan đại diện của Bắc Kinh ở Mỹ với hơn 50 người tham dự cũng phải chờ cấp phép từ Bộ Ngoại giao.
Ông Biden gây quỹ tranh cử cao kỷ lục
AFP đưa tin, chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden hôm 2/9 cho biết ông cùng Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ đã thu được 364,5 triệu USD, khoản tiền gây quỹ tranh cử hàng tháng cao kỷ lục.
“Con số ấy khiến tôi kinh ngạc”, ông Biden nói. “Hơn 205 triệu USD, hay 57% số tiền chúng tôi huy động được, đến từ các khoản quyên góp trực tuyến, từ những người quyên góp từng 5 USD, 10 USD, 20 USD”.
“Chúng ta phải giữ được những kỷ lục như vậy nếu muốn đảm bảo cơ hội chiến thắng”, ông Biden kêu gọi những người ủng hộ.
Bão Maysak gây lụt lớn ở Triều Tiên
KCNA hôm nay đưa tin, bão Maysak gây mưa xối xả ở các vùng phía đông Triều Tiên, gây lũ lụt nặng nề ở thành phố ven biển Wonsan và người dân gần núi Kumgang phải sơ tán đến các khu vực an toàn hơn.
“Tính đến 10 giờ sáng nay, bão số 9 (bão Maysak) đã tiến vào vùng biển cách thành phố Kimchaek khoảng 90 km về phía nam. Toàn bộ khu vực phía đông của đất nước đã chịu ảnh hưởng của bão … Cơn bão đã đổ bộ gần thành phố Kimchaek sau 11 giờ sáng”, đài KCNA đưa tin.
Đến trưa, đài này cho hay cơn bão đã suy yếu do áp suất thấp và dự báo bão sẽ suy yếu trên cả nước vào buổi chiều.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.