Bắc Kinh dùng tiền để "lái dư luận"
Báo cáo ngày 16/9 của Viện nghiên cứu Jamestown Foundation cho biết Bắc Kinh chi hàng tỷ USD mỗi năm để mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, trong đó có việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến, trấn áp các nhóm thiểu số và mua lại công nghệ nước ngoài.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, các tổ chức trực thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất hoặc các cơ quan khác thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin ở nước ngoài dựa trên “sự cởi mở, minh bạch, bình đẳng”. Đây là những tổ chức nhà nước chịu trách nhiệm truyền bá chương trình nghị sự của Bắc Kinh ở trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, quy mô tài trợ cho các hoạt động này dường như trái ngược với tuyên bố của chính quyền Trung Quốc.
Một phân tích về 160 báo cáo ngân sách nhà nước gần đây cho thấy, chính quyền trung ương Trung Quốc chi ít nhất 1,4 tỷ USD hàng năm cho các công việc liên quan đến mặt trận thống nhất, trong khi chi tiêu hàng năm từ 31 tỉnh và khu vực của Trung Quốc chỉ hơn 1,3 tỷ USD, theo báo cáo của Jamestown Foundation ngày 16/9.
Tổng chi của 2 khoản trên nhiều hơn ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, với khoảng 2,07 tỷ USD vào năm 2019.
Các báo cáo không bao gồm khoản tiền cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương. Nhóm nghiên cứu cho biết, tuy không có dữ liệu về khoản chi này nhưng có khả năng là khoảng 400 triệu USD hoặc nhiều hơn.
Nhà phân tích Ryan Fedasiuk viết trong báo cáo của Jamestown Foundation rằng: “Có một sự thật phổ biến đối với các quan chức chính phủ ở mọi quốc gia: ngân sách thực tế lớn hơn những gì họ nói”.
Các nỗ lực gây ảnh hưởng của ĐCSTQ tập trung mạnh vào việc đàn áp các nhóm sắc tộc và tôn giáo. Theo các báo cáo ngân sách, Bắc Kinh chi hơn 1,2 tỷ USD mỗi năm cho hoạt động này. Mục tiêu chính tiếp theo trong danh sách của chính quyền này là người nước ngoài và cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, với khoản chi 585 triệu USD.
Một trong những cơ quan thuộc mặt trận thống nhất của Trung Quốc là Văn phòng Đối ngoại và Hoa kiều (FOCAO). Cơ quan này chịu trách nhiệm tuyên truyền ở nước ngoài, truyền bá “ý tưởng thống nhất” cho người dân Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan, thu hút nhân tài nước ngoài và kiểm duyệt thông tin mà họ cho là liên quan đến “sự can thiệp của nước ngoài”. Những văn phòng này có các chi nhánh ở cả trung ương và địa phương.
Báo cáo của Jamestown Foundation trích dẫn thông tin về ngân sách năm 2019 của tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, cho biết, một số tài liệu về chi tiêu của FOCAO cũng chỉ ra, việc hợp tác với các cơ quan tình báo và an ninh quốc gia Trung Quốc nhằm “giám sát và kiểm tra việc thực hiện kỷ luật đối ngoại và các hệ thống bảo mật liên quan đến đối ngoại”.
“Dựa trên thực tế, tôi muốn đặt câu hỏi sau: Nếu thực sự không có gì bất chính với hoạt động của mặt trận thống nhất, tại sao một số tỉnh lại buộc phải phân loại thông tin về [hoạt động của mặt trận thống nhất] là ‘thông tin mật’? Và tại sao một ‘tổ chức hành chính’ lại cần quá nhiều tài nguyên của [chính phủ Trung Quốc] như vậy?”, ông Fedasiuk viết trên Twitter vào ngày 16/9.
Ông nhận thấy ngân sách khu vực dành cho công tác mặt trận thống nhất “gần bằng” ngân sách tuyên truyền của họ, điều này cho thấy “đảng coi trọng mặt trận thống nhất như một công cụ để tạo ảnh hưởng cả trong và ngoài nước”.
Một báo cáo của Jamestown Foundation cho biết, tại Mỹ, một tổ chức bình phong quan trọng của Bắc Kinh là Quỹ giao lưu Trung Quốc – Hoa Kỳ (China-U.S. Exchange Foundation), một trong những thực thể nổi bật nhất tài trợ cho các nỗ lực vận động hành lang trong thập niên qua.
Tổ chức này đã nhiều lần phủ nhận mối quan hệ với Bắc Kinh, mặc dù chủ tịch của tổ chức này hiện đang là Phó chủ tịch của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan tham vấn chính trị cho ĐCSTQ.
Tại Cộng hòa Séc, các nhóm mặt trận thống nhất đã đẩy mạnh nỗ lực tuyên truyền liên quan đến việc tích trữ và vận chuyển thiết bị y tế về Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh lấy những sản phẩm này đi viện trợ các nước để đánh bóng hình ảnh của chính quyền như một “vị cứu tinh” của thế giới. Được biết đến với cái tên “coronaprop” ở châu Âu, nỗ lực này “đã chứng minh tính hiệu quả của các chiến thuật mặt trận thống nhất”, theo nhà nghiên cứu ở Séc Filip Jirouš.
Tại Thụy Điển, mặt trận thống nhất của chính quyền Trung Quốc đã phải vật lộn để thu được kết quả, vì mối quan hệ giữa hai nước xấu đi kể từ khi Bắc Kinh bắt giam công dân Thụy Điển, người bán sách Quế Dân Hải (Gui Minhai).
Một trong những lãnh đạo của Viện Vành đai và Con đường ở Thụy Điển, cơ quan thúc đẩy quốc gia Bắc Âu tham gia kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới của Bắc Kinh, đã bị trục xuất khỏi đảng Dân chủ Cơ đốc giáo địa phương, sau khi truyền thông tiết lộ mối quan hệ của người này với các quan chức Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất.
0 comments