Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 09/08/2020

Sunday, August 9, 2020 6:06:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 09/08/2020

Bầu cử 2020: Kết quả các cuộc thăm dò của Trump và Biden ra sao?

Cử tri Mỹ sẽ quyết định vào ngày 3/11 liệu Donald Trump có được ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa hay không.

Vị tổng thống đảng Cộng hòa đang bị thách thức bởi ứng cử viên Joe Biden, đảng Dân chủ, người được biết đến nhiều nhất với tư cách là phó tổng thống của Barack Obama, nhưng đã tham gia chính trường Hoa Kỳ từ thập niên 1970.

Ngày bầu cử lừng lững đến gần, và các công ty thăm dò ý kiến đang ráo riết tìm cách đánh giá tâm trạng của quốc gia, bằng cách hỏi cử tri xem họ thích ứng cử viên nào hơn.

Chúng tôi theo dõi những cuộc thăm dò này, và cố gắng tìm ra những gì thăm dò ý kiến có thể và không thể cho chúng ta biết ai sẽ là người đắc cử.

Kết quả thăm dò toàn quốc hiện giờ ra sao?

Thăm dò quốc gia là một hướng dẫn tốt về mức độ được ủng hộ của một ứng cử viên trên toàn quốc, nhưng không nhất thiết là cách tốt để dự đoán kết quả cuộc bầu cử.

Ví dụ, năm 2016, Hillary Clinton dẫn đầu trong các cuộc thăm dò toàn quốc và giành được hơn Donald Trump gần ba triệu phiếu bầu, nhưng bà vẫn thất cử – bởi vì Hoa Kỳ sử dụng hệ thống cử tri đoàn. Vì vậy việc giành được nhiều phiếu phổ thông nhất không phải lúc nào cũng giúp ứng cử viên thắng cử.

Bỏ cảnh báo này qua một bên, trong gần như hầu hết năm nay, Joe Biden luôn dẫn trước Donald Trump trong các cuộc thăm dò quốc gia. Tỷ lệ ủng hộ của ông dao động quanh mức 50% trong những tuần gần đây, và có lần dẫn đầu Donald Trump đến 10 điểm, nhưng ông Trump đã hồi phục phần nào trong vài ngày qua.

Tính đến ngày 5/8, các cuộc thăm dò quốc gia cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Biden là 48% trong khi của Trump là 42%

Ngược lại, vào năm 2016, các cuộc thăm dò không rõ ràng hơn nhiều và hai ứng cử viên Donald Trump chỉ cách nhau một vài phần trăm ở một số thời điểm khi ngày bầu cử gần đến.

Đảng Cộng hòa của Trump: Không thể trì hoãn bầu cử 2020

Người Mỹ gốc Việt phản ứng việc ông Trump muốn hoãn bầu cử

Những tiểu bang nào sẽ quyết định cuộc bầu cử?

Như bà Clinton khám phá ra vào năm 2016, số phiếu ứng cử viên giành được ít quan trọng hơn việc giành những phiếu này ở đâu.

Hầu hết các tiểu bang gần như luôn luôn bỏ phiếu ủng hộ một đảng, có nghĩa là trên thực tế chỉ có một số tiểu bang mà cả hai ứng cử viên đều có cơ hội chiến thắng. Đây là những nơi diễn ra cuộc bầu cử quyết định ai thắng ai bại, và được biết đến như là những tiểu bang ”chiến địa”.

Biểu đồ cho thấy những tiểu bang ”chiến địa” trong cuộc bầu cử 2020. Texas có số cử tri đoàn lớn nhất (38) trong khi New Hampshire có ít nhất (4)

Theo hệ thống cử tri đoàn mà Hoa Kỳ dùng để bầu tổng thống, mỗi tiểu bang được cấp một số phiếu cử tri dựa trên dân số. Tổng cộng nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, vì vậy một ứng cử viên cần đạt được 270 phiếu để giành chiến thắng.

Như bản đồ trên cho thấy, một số tiểu bang ”chiến địa” có số phiếu đại cử tri đoàn hiều hơn những tiểu bang khác, vì vậy các ứng cử viên thường dành thời gian để vận động ở những nơi này nhiều hơn.

Ai đang dẫn đầu ở các tiểu bang ”chiến địa”?

Hiện tại, kết quả các cuộc thăm dò ở các tiểu bang ”chiến địa” có vẻ tốt cho Joe Biden, nhưng còn khá lâu mới đến ngày đi bầu, và mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt khi liên quan đến Donald Trump.

Các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden đang dẫn đầu lớn ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin – ba tiểu bang công nghiệp mà đối thủ Đảng Cộng hòa của ông giành được với tỷ số hơn bà Clinton chỉ dưới 1% trong năm 2016.

Nhưng những tiểu bang chiến trường nơi ông Trump thắng lớn năm 2016 là nơi nhóm vận động tranh cử của ông lo lắng nhất. Tỷ lệ thắng của ông ở Iowa, Ohio và Texas ở vào khoảng từ 8-10% vào thời điểm đó, nhưng hiện tỷ lệ ủng hộ của Trump đang kề vai sát cánh với ông Biden trong cả tiểu bang kỳ bầu cử này.

Kết quả thăm dò này có thể giúp giải thích tại sao ông Trump quyết định thay thế người quản lý chiến dịch tái tranh cử vào tháng Bảy, và các lời bình thường xuyên của ông về “các cuộc thăm dò giả”.

Tuy nhiên, thị trường cá cược chắc chắn vẫn chưa hoàn toàn bỏ rơi ông Trump trong lúc này. Tỷ lệ cược mới nhất cho Trump cơ hội thắng là một phần ba vào ngày 3/11.

Nhược điểm của Trump làm đối thủ yếu Biden trông mạnh

Bầu cử 2020: Quan tâm hàng đầu của cử tri gốc Việt so với cử tri Mỹ

Covid có ảnh hưởng đến con số của Trump?

Đại dịch virus corona là đề tài thống trị các tờ báo ở Mỹ kể từ đầu năm và phản ứng trước các hành động của Tổng thống Trump thì như được dự đoán, theo đường lối của đảng.

Cách tiếp cận virus corona của Trump được ủng hộ đến đỉnh điểm vào giữa tháng Ba, sau khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cung cấp 50 tỷ đôla cho các bang để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tại thời điểm này, 55% người Mỹ tán thành hành động của ông, theo dữ liệu từ Ipsos, công ty thăm dò ý kiến hàng đầu.

Nhưng bất kỳ sự ủng hộ nào dành cho ông từ đảng Dân chủ đã biến mất sau đó, trong khi đảng Cộng hòa tiếp tục ủng hộ tổng thống của họ.

Biểu đồ cho thấy đa số dân Mỹ không chấp nhận cách ông Trump giải quyết đại dịch virus corona

Tuy nhiên, dữ liệu gần đây nhất cho thấy ngay cả những người ủng hộ Trump cũng bắt đầu đặt câu hỏi về phản ứng của ông khi các tiểu bang ở miền nam và miền tây của Mỹ phải đối phó với đợt bùng phát virus mới. Sự ủng hộ của đảng Cộng hòa đã giảm xuống còn 78% vào đầu tháng Bảy.

Điều này có thể giải thích tại sao gần đây Trump ít lạc quan hơn về virus corona, cảnh báo rằng tình hình sẽ “tồi tệ hơn trước khi nó trở nên tốt hơn”

Gần đây, ông Trump cũng đeo khẩu trang lần đầu tiên, và còn kêu gọi người Mỹ đeo khăn che mặt, nói rằng “khẩu trang sẽ có tác dụng” và đeo khẩu trang là thể hiện “lòng yêu nước”.

Một mô hình hàng đầu được soạn bởi các chuyên gia tại Đại học University of Washington dự đoán số người chết sẽ vượt qua 230.000 người vào ngày 1/11 – chỉ hai ngày trước cuộc bầu cử.

Có thể tin vào kết quả thăm dò?

Thật dễ dàng để bác bỏ kết quả các cuộc thăm dò và nói rằng thăm dò đã sai vào năm 2016, và đó là điều Tổng thống Trump thường xuyên làm. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng.

Hầu hết các cuộc thăm dò quốc gia năm 2016 đều cho thấy Hillary Clinton dẫn trước vài phần trăm, nhưng điều đó không có nghĩa là những cuộc thăm dò này sai, vì Hillary đã thực sự giành được nhiều hơn đối thủ ba triệu phiếu bầu.

Nhưng những cơ quan thăm dò ý kiến đã có một số vấn đề năm 2016 - đặc biệt là không đại diện được cho những cử tri không có bằng đại học – có nghĩa là lợi thế của ông Trump ở một số tiểu bang ”chiến địa” quan trọng đã không được phát hiện cho đến cuối cuộc đua. Hầu hết các cơ quan thăm dò ý kiến giờ đây đã điều chỉnh khiếm khuyết này.

Nhưng năm nay thậm chí còn có nhiều bất ổn hơn bình thường do đại dịch virus corona và ảnh hưởng của nó đối với cả nền kinh tế lẫn cách mọi người sẽ bỏ phiếu vào tháng 11, vì vậy tất cả kết quả các cuộc thăm dò nên được xem với một chút hoài nghi, đặc biệt là vì hiện giờ còn đang cách xa ngày bầu cử.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53674640

 

Joe Biden gặp Thống Đốc tiểu bang Michigan,

Gretchen Whitmer vào chủ nhật tuần trước

để thảo luận về vị trí Phó Tổng Thống

Theo CBS News, vào tối Chủ nhật tuần trước (2 tháng 8), thống đốc tiểu bang Michigan, Gretchen Whitmer đã gặp gỡ ông Joe Biden ở Delaware về khả năng trở thành phó tổng thống cùng ông tranh cử. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ trong những tuần gần đây với một phụ nữ được nhóm xem xét cho vị trí phó tổng thống.

Bà Whitmer, 48 tuổi, là thống đốc đang trong nhiệm kỳ đầu tiên, là cựu lãnh đạo thiểu số của Thượng viện tiểu bang và là một luật sư. Bà đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cử năm 2018 với cam kết “Sửa chữa những con đường hư hỏng”, nhưng bà đang gặp khó khăn trong việc ban hành chương trình nghị sự của mình do đảng viên Cộng hòa phản đối mạnh mẽ –  những người đã chỉ trích bà về quyền hạn khẩn cấp để đối phó đại dịch coronavirus trong những tháng gần đây.

Bà Whitmer là người ủng hộ cuộc tranh cử tổng thống của ông Biden, để trả ơn cho cựu phó Tổng thống đã vận động và giúp quyên góp tiền cho vận động tranh cử thống đốc năm 2018 của bà.

Tin tức về cuộc gặp gỡ với bà Whitmer được công bố khi ông Biden đến nhà mát của ông ở Rehoboth Beach, Delaware hôm thứ Sáu (7 tháng 8), để nghỉ ngơi trước khoảng thời gian bận rộn vào cuối tháng 08/2020 và lịch trình vận động tranh cử trong mùa thu. Xe của Cơ quan Mật vụ và con chó của gia đình ông được nhìn thấy bên ngoài ngôi nhà màu xanh dương đậm vào tối thứ Sáu (7 tháng 8). (BBT)

https://www.sbtn.tv/joe-biden-gap-thong-doc-tieu-bang-michigan-gretchen-whitmer-vao-chu-nhat-tuan-truoc-de-thao-luan-ve-vi-tri-pho-tong-thong/

 

Trung Quốc xâm nhập nghiêm trọng Liên Hợp Quốc,

Nghị viện Mỹ đề xuất dự luật cải tổ

Quý Khải

Để đối phó với sự xâm nhập nghiêm trọng của ĐCSTQ vào các tổ chức Liên hợp quốc, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ hôm thứ Sáu (7/8) đã đề xuất một dự luật cải tổ nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong tổ chức quốc tế này. Trước đây, có hai thượng nghị sĩ của Thượng viện Hoa Kỳ cũng từng đề xuất một dự luật đánh giá các hoạt động của ĐCSTQ tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, theo Epoch Times.

Hôm thứ Sáu, Dân biểu Michael McCaul, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Chủ tịch Nhóm Công tác Trung Quốc của Hạ viện, đã đề xuất “Đạo luật Minh bạch và Trách nhiệm giải trình năm 2020 về Liên Hợp quốc (United Nations Transparency and Accountability Act of 2020)”.

Dự luật yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ chỉ đích danh các quốc gia thành viên được xác định có hành vi gây ảnh hưởng xấu và vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, và ủy quyền cho Tổng thống Mỹ chỉ định các quốc gia thành viên này là “tác nhân gây độc hại toàn cầu”, nhằm chống lại các hành vi xấu trong hệ thống Liên hợp quốc, đi ngược lại tiêu chí và hoạt động của tổ chức này.

Dân biểu McCall từ bang Texas chỉ trích ĐCSTQ và các tác nhân độc hại khác đã thâm nhập vào hệ thống Liên Hợp Quốc trong nhiều năm nhằm đạt được các mục đích riêng của họ. Dự luật này sẽ khởi động những cải cách quan trọng, tăng cường tính minh bạch, đảm bảo chính phủ Mỹ có các nguồn lực và nhân sự cần thiết, đồng thời đảm bảo tốt hơn trách nhiệm giải trình trong khối Liên hợp quốc.

Ông nhấn mạnh, “Việc thực thi các biện pháp chống lại những nhân tố cố gắng phá hoại mục đích thành lập Liên Hợp Quốc là rất quan trọng. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề quốc tế theo cách tốt nhất”.

Dự luật cũng yêu cầu mở rộng “Đơn vị công dân Hoa Kỳ” tại Liên hợp quốc thành các “Văn phòng Công dân Hoa Kỳ”, nhằm thúc đẩy sự tham gia sâu rộng của công dân tại tất cả các cơ quan và chi nhánh của tổ chức quốc tế này, hỗ trợ công dân Mỹ trở thành lãnh đạo của các tổ chức quốc tế thuộc khối. Dự luật cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ gia tăng số viên chức chuyên môn trẻ lên 50%.

Cùng lúc, dự luật cũng yêu cầu tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống hội phí. Trong tương lai, việc Mỹ nộp hội phí lên Liên Hợp quốc phải được công khai trên Internet trong vòng 2 tuần sau khi đệ trình lên Nghị viện để lấy ý kiến ​​công khai.

Tháng 9 năm ngoái, hai thượng nghị sĩ Todd Young và Jeff Merkley của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã đệ trình một dự luật yêu cầu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia đánh giá các hoạt động của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Tạp chí Người Mỹ Mới (The New American) trước đó đã đăng một bài báo nhận định ĐCSTQ đã vươn xúc tu đến nhiều cơ quan trong Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, đồng thời yêu cầu tất cả các quan chức ĐCSTQ phục vụ trong các tổ chức quốc tế phải chắc chắn tuân thủ mệnh lệnh của ĐCSTQ. Tờ Epoch Times bình luận, rõ ràng điều này đi ngược lại “quy tắc nghề nghiệp” của các tổ chức quốc tế.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hồi tháng 4, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro chỉ ra ĐCSTQ đã nắm quyền kiểm soát 1/3 số cơ quan trong Liên Hợp Quốc.

Ông nói rằng trong vòng mười năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã rất nỗ lực kiểm soát các thể chế này bằng cách bầu người của họ vào làm các lãnh đạo cao nhất. Họ cũng đã tác động và kiểm soát các tổ chức trực thuộc khác thông qua những lãnh đạo bị mua chuộc, ví như Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros, cùng một số lãnh đạo ở cấp khu vực.

Trong đợt dịch viêm phổi Vũ Hán, WHO đã thông đồng với Bắc Kinh giấu dịch, góp phần khiến dịch bệnh cục bộ tại đại lục lan rộng ra khắp thế giới, trở thành đại dịch toàn cầu. Hồi tháng 7, chính quyền Tổng thống Trump đã chính thức đưa Mỹ ra khỏi WHO.

Ông Navarro tiết lộ chính quyền ĐCSTQ đã kiểm soát 5 trong tổng số 15 cơ sở trực thuộc.

15 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc là: Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế, Tổ chức lao động quốc tế, Tổ chức hàng hải quốc tế, Quỹ tiền tệ quốc tế, Liên minh viễn thông quốc tế, UNESCO, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc, Liên minh Bưu chính Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Tổ chức Khí tượng Thế giới, Tổ chức Du lịch Thế giới.

Navarro cho biết ĐCSTQ đã bổ nhiệm các quan chức ĐCSTQ làm lãnh đạo cao nhất của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, Tổ chức Hàng không Dân dụng, Liên minh Viễn thông và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc.

Qu Dongyu là Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc,. Ông này nguyên là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.

Liu Fang hiện là Tổng thư ký của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Trước ông này từng là Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc.

Houlin Zhao, Tổng thư ký đương nhiệm của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), trước đây từng phục vụ trong Bộ Bưu chính Viễn thông Trung Quốc. Ông được Bắc Kinh giới thiệu vào ITU trong nhiều năm cho đến khi đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký.

Tổng giám đốc Li Yong của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc hiện nay (United Nations Industrial Development Organization, viết tắt UNIDO), trước từng là Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc.

Thậm chí, nhiều tổ chức quốc tế thiết yếu chưa bị Trung Quốc thâu tóm nhưng các vị trí lãnh đạo quan trọng đều có người của ĐCSTQ đảm nhiệm.

Sau khi bị thâu tóm, các tổ chức quốc tế này đã giúp ĐCSTQ thực hiện các chính sách của Bắc Kinh, giành lấy các lợi ích chính trị, quân sự và kinh tế cho ĐCSTQ, phá hoại các giải pháp đa phương đối với các thách thức toàn cầu. Những thách thức này bao gồm các hành vi vi phạm nhân quyền, phổ biến vũ khí hạt nhân, đại dịch, khủng hoảng kinh tế thế giới …

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-xam-nhap-nghiem-trong-lien-hop-quoc-nghi-vien-my-de-xuat-du-luat-cai-to.html

 

Ủy ban Mỹ:

Trung Quốc sử dụng công nghệ để trấn áp người dân

Hải Lam

Trong một tuyên bố chung với Fox News tuần này, Chủ tịch Robin Cleveland và Phó Chủ tịch Carolyn Bartholomew của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung cho rằng việc chính quyền Trung Quốc sử dụng công nghệ như một công cụ đàn áp để giám sát người dân là “có động cơ chính trị”.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất quyết sản xuất và sử dụng công nghệ để giám sát và theo dõi người dân đại lục. Động cơ đằng sau quyết định sử dụng các công cụ đàn áp này là chính trị, và mục đích là nhằm duy trì sự thống trị của đảng”, tuyên bố chung có viết.

Chính phủ Trung Quốc đã giám sát mọi ngóc ngách của Bắc Kinh bằng hệ thống camera giám sát tối tân. Các thuật toán nhận dạng khuôn mặt được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu bí mật, và có thể khiến một người gặp rắc rối pháp lý ngay cả khi họ làm điều gì đó ở trước cửa nhà mình. Những tin nhắn điện thoại cá nhân có nội dung úp mở về chính trị cũng có thể khiến một người mất việc.

Theo Fox News, công nghệ giám sát đã trở thành một ngành kinh doanh bùng nổ ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Rất nhiều hãng công nghệ khởi nghiệp đã chuyển đến Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu thị trường tại đây, với sự khuyến khích của chính quyền ĐCSTQ.

Một số nhà hoạt động nhân quyền cho rằng ngành này đã nhanh chóng trở thành một công cụ quan trọng trong việc đàn áp và lạm dụng người dân, đặc biệt đối với các nhóm dân tộc thiểu số.

Bắc Kinh sử dụng một hệ thống được gọi là Nền tảng Hoạt động Chung Tích hợp (IJOP), có khả năng giám sát toàn bộ dân số đại lục. Hệ thống này được phát triển bởi một nhà thầu quân sự thuộc sở hữu nhà nước là Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (IJOP).

“Hệ thống có thể nhanh chóng lập ra danh sách tên những người bị phân loại là “đáng ngờ” – rồi sau đó sẽ được đánh dấu để bắt giữ trong tương lai. Danh sách được lập chỉ dựa trên thói quen du lịch nước ngoài, các ứng dụng di động được cài đặt và các cụm từ khóa được sử dụng trong tin nhắn cá nhân, thậm chí đôi lúc chỉ thông qua việc đơn giản như là hỏi người khác xem họ có thể cầu nguyện ở đâu”, Fox News cho biết.

Joseph Humire, Giám đốc điều hành của Trung tâm Xã hội Tự do An toàn (SFS), nói với Fox News rằng Tân Cương đóng vai trò “hệ thống giám sát trung ương đầu não” tại Trung Quốc của chính quyền đại lục. IJOP gợi ý mọi người điền thông tin nhận dạng, ví như khi nào bạn để râu, rời khỏi nhà, hoặc nhóm máu của bạn…

Trao đổi với Fox News, ông nói: “Những ứng dụng này cố gắng xác định thói quen sinh hoạt của bạn, và nếu chính quyền Trung Quốc xác định được bất kỳ sự thay đổi nào, họ sẽ đến gõ cửa nhà bạn”.

Ông Xiaoxu “Sean” Lin, một nhà vi sinh vật học cho biết: “Nó đang nhắm đến toàn bộ dân chúng với trọng tâm là bất kỳ ai có tư duy độc lập”.

“Nhiều công nghệ liên quan đến nhận dạng khuôn mặt bao gồm phân tích Đường nét Cử động Khuôn mặt (Facial Action Unit), nhận dạng nét mặt, phân tích mạng lưới thần kinh sâu, nhận dạng chuyển động cơ mặt, mô hình hóa cấu trúc khuôn mặt, học sâu và công nghệ siêu máy tính”, ông Xiaoxu nói thêm.

https://www.dkn.tv/the-gioi/uy-ban-my-trung-quoc-su-dung-cong-nghe-de-tran-ap-nguoi-dan.html

 

Bộ trưởng Y tế Mỹ tới Đài Loan

Bộ trưởng Y tế và các dịch vụ nhân sinh Alex Azar tới Đài Loan hôm 9/8, trở thành quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ thăm hòn đảo này trong vòng bốn thập kỷ, theo Reuters.

Hãng tin Anh đưa rằng Trung Quốc đã lên án chuyến thăm này, gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ – Trung.

Ông Azar tới sân bay Songshan trên chiếc máy bay của chính phủ Mỹ vào cuối giờ chiều ngày 9/8. Tới đón ông Azar là đại diện ngoại giao Mỹ ở Đài Loan Brent Christensen và Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan Tien Chung-kwang.

Reuters đưa tin, theo quy định về COVID-19, các quan chức không bắt tay nhau và phải đeo khẩu trang, kể cả ông Azar.

Tin cho hay, ông Azar tới Đài Loan để tăng cường hợp tác kinh tế và y tế cộng đồng cũng như hỗ trợ vai trò quốc tế của Đài Loan trong cuộc chiến chống COVID-19.

Vào ngày 10/8, ông sẽ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác y tế với chính phủ Đài Loan và tới thăm Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh. Bộ trưởng Mỹ cũng dự kiến sẽ gặp Tổng thống Thái Anh Văn.

Ông Azar và phái đoàn đã phải xét nghiệm virus Corona trước khi đặt chân tới Đài Loan.

Họ cũng sẽ phải đeo khẩu trang trong suốt chuyến thăm và thực hiện việc giãn cách xã hội.

https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-y-t%E1%BA%BF-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%9Bi-%C4%91%C3%A0i-loan/5536506.html

 

Chuyên gia: Ẩn ý của Hoa Kỳ

sau chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế tới Đài Loan

Hương Thảo

Trong một bài bình luận về 3 vấn đề thời sự liên quan đến động thái của chính quyền Trung Quốc thời gian gần đây, chuyên gia Đường Hạo đã chỉ ra sơ đồ chiến lược trong chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ.

Sau đây là trích đoạn bình luận của ông Đường Hạo, được Epoch Times tổng hợp:

Chủ nhật tuần này (9/8), Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar sẽ đến thăm Đài Loan. Ông Azar cũng sẽ gặp Tổng thống Thái Anh Văn của Trung Hoa Dân Quốc thay mặt cho Tổng thống Trump.

Ông Azar không chỉ là quan chức nội các Hoa Kỳ đầu tiên thăm Đài Loan trong sáu năm qua, mà còn trở thành quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ năm 1979. Khi quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức đóng băng trong 40 năm, thì quan hệ Mỹ-Đài đã bước vào thời điểm ấm nhất trong 40 năm.

Vậy tại sao chính quyền Trump lại cử Azar thăm Đài Loan vào thời điểm này, đồng thời chuẩn bị bán 4 máy bay do thám không người lái tiên tiến cho Đài Loan?

Trước hết, Mỹ cử Bộ trưởng Bộ Y tế thăm Đài Loan, một mặt muốn tuyên dương thành tích xuất sắc của Đài Loan trong công tác phòng chống dịch với cộng đồng quốc tế, đồng thời giúp Đài Loan chống lại sự thờ ơ, đàn áp và gạt ra ngoài lề của ĐCSTQ và Tổ chức Y tế Thế giới, giúp Đài Loan nâng cao vị thế quốc tế.

Mặt khác, Hoa Kỳ dùng động thái này để ngầm chỉ trích sự che đậy toàn diện của ĐCSTQ đối với dịch bệnh và tìm nguyên nhân đã khiến virus hoành hành thế giới.

Thứ hai, Mỹ đã cử các quan chức cấp cao trong nội các đến thăm Đài Loan để bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Đài Loan chống lại ĐCSTQ, bởi vì vị trí chiến lược độc nhất của Đài Loan có thể nói là nằm trên “tuyến đầu chống lại ĐCSTQ”.

Do đó, Hoa Kỳ có ý định lấy lập trường này để bày tỏ rằng Hoa Kỳ sẽ trở thành hậu thuẫn của Đài Loan chống lại ĐCSTQ. Đài Loan là một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong Khu vực Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đồng thời, nước này kêu gọi các đồng minh của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ủng hộ Đài Loan và chống lại ĐCSTQ.

Ngoài ra, Hoa Kỳ đã cử các quan chức cấp cao đến thăm Đài Loan, “đầu tàu chống ĐCSTQ toàn cầu”, cũng có thể vì muốn sử dụng điều này để nhắc lại quyết tâm tổ chức một “liên minh chống ĐCSTQ” ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hoặc thành lập một “NATO ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”

Trước đây, do sức ép của ĐCSTQ, các nước lớn trên thế giới không dám cử quan chức cấp cao đến thăm Đài Loan, nhưng lần này Mỹ đã dẫn đầu để phá vỡ sự phong bế của ĐCSTQ, giúp các nước cùng nhau theo dõi, cùng nhau ứng phó, cùng nhau tổ chức một liên minh giữa NATO và Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.

Ngoài ra, chuyến thăm của ông Azar tới Đài Loan ở một mức độ nào đó là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm gây áp lực ngoại giao lên ĐCSTQ. Trong khi nâng cấp quan hệ tương tác giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, đồng thời hạ nhiệt quan hệ Mỹ-Trung, nó đã gây áp lực lên ĐCSTQ từ một góc độ khác bằng cách “tách rời ngoại giao”.

Bất kể Mỹ có thực sự muốn cắt đứt quan hệ ngoại giao với ĐCSTQ hay không, sự gia tăng tương tác giữa Mỹ và “Trung Hoa Dân Quốc – Đài Loan” cũng đủ để khiến ĐCSTQ cảm thấy sự khác biệt giữa “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “Trung Hoa Dân quốc” trên mọi phương diện, bao gồm hệ thống chính trị, bầu không khí xã hội, lịch sử và văn hóa, tự do và cởi mở…

Vì vậy, việc Mỹ cử Azar đến thăm Đài Loan lần này không chỉ để bày tỏ tình hữu nghị và sự khẳng định với Đài Loan, mà còn để kêu gọi các đồng minh trên thế giới hợp lực với Đài Loan để chống lại ĐCSTQ và chống lại sự bành trướng của ĐCSTQ.

Do đó, chính phủ Đài Loan và khu vực tư nhân cũng nên tận dụng tốt cơ hội này để hội nhập Đài Loan tích cực hơn vào làn sóng chống ĐCSTQ toàn cầu này, để Đài Loan có thể đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong một “liên minh NATO Châu Á – Thái Bình Dương” trong tương lai, một vai trò tiên phong quan trọng hơn của Đài Loan, giành được sự công nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Theo Li Hao, Epoch Times

Hương Thảo biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/chuyen-gia-an-y-cua-hoa-ky-sau-chuyen-tham-cua-bo-truong-y-te-toi-dai-loan.html

 

Tổng thống Trump gửi thư tới lưỡng viện,

nhấn mạnh mối đe dọa của WeChat

Bình luậnĐông Phương

Hôm 6/8, Tổng thống Trump đã ký hai sắc lệnh hành pháp liên quan đến TikTok và WeChat. Sau đó ông Trump đã gửi một bức thư đến Thượng và Hạ viện, nhấn mạnh mối đe dọa của WeChat đối với Hoa Kỳ.

WeChat ban đầu là một phần mềm trò chuyện trực tuyến được Tencent tung ra vào năm 2011, nhưng giờ đây nó đã trở thành một ứng dụng tích hợp truyền thông xã hội, thanh toán điện tử và trò chơi di động.

Hôm 6/8, Nhà Trắng đã công bố nội dung một bức thư mà Tổng thống Trump gửi cho Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện, nhấn mạnh mối đe dọa mà WeChat gây ra cho nước Mỹ và người gốc Hoa.

Tổng thống Trump cho biết trong bức thư rằng, theo Luật Quyền lợi Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), Luật Khẩn cấp Quốc gia (National Emergencies Act) và Mục 301, “Tôi xin thông báo rằng tôi đã ban hành một lệnh hành pháp”. Đây là biện pháp ứng phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia trên phương diện chuỗi cung ứng dịch vụ cùng với công nghệ thông tin và truyền thông.

Ông Trump nói rằng, nói một cách cụ thể thì do các ứng dụng di động do các công ty của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) phát triển và sở hữu lan rộng ở Hoa Kỳ, tiếp tục đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Hoa Kỳ, nên “Để bảo vệ đất nước của chúng ta, tôi đã ban bố lệnh hành pháp ngày 6/8/2020… để giải quyết mối đe dọa do ứng dụng di động TikTok gây ra. Hiện tôi đã có một bước tiến mới trong việc đối phó với ‘WeChat’ – một ứng dụng di động khác cũng gây ra mối đe dọa tương tự”.

Trong thư viết: “WeChat là ứng dụng nhắn tin tức thời, vừa là phương tiện truyền thông mạng xã hội, vừa là ứng dụng thanh toán điện tử thuộc sở hữu của công ty Tencent Trung Quốc (Tencent Holdings Limited). Theo báo cáo, phần mềm này có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, bao gồm cả người dùng ở Hoa Kỳ. Giống như TikTok, WeChat cũng sẽ tự động có được một lượng lớn thông tin của người dùng, có nghĩa là ĐCSTQ có khả năng lấy thông tin cá nhân và thông tin độc quyền của người Mỹ”.

“Ngoài ra, WeChat vẫn có thể theo dõi thông tin cá nhân và bí mật của công dân Trung Quốc khi họ đến Hoa Kỳ, do đó giúp ĐCSTQ có được một cơ chế giám sát chặt chẽ tình hình của các công dân Trung Quốc – những người mà có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời họ được hưởng lợi ích của xã hội tự do. Theo báo cáo, giống như TikTok, WeChat cũng sẽ kiểm duyệt nội dung mà ĐCSTQ cho là nhạy cảm về mặt chính trị và cũng có thể được sử dụng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền thông tin sai lệch có lợi cho ĐCSTQ”.

Để đối phó với mối đe dọa này, 45 ngày sau ngày ký lệnh hành pháp, sẽ không cá nhân hoặc công ty nào thuộc quyền quản lý của tư pháp Hoa Kỳ có thể thực hiện các giao dịch liên quan đến WeChat với Tencent hoặc bất kỳ công ty con nào của Tencent.

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường On Device, WeChat chiếm 93% thị phần tại Trung Quốc đại lục. Tính đến tháng 3/2018, WeChat có hơn 1 tỷ người dùng tích cực trên toàn thế giới.

Tencent là một trong những công ty công nghệ giá trị nhất ở Trung Quốc. Ở Hoa Kỳ, WeChat chủ yếu được người Mỹ gốc Hoa sử dụng. Theo dữ liệu của Sensor Tower, ứng dụng này đã được tải xuống 19 triệu lần kể từ năm 2014. Lệnh cấm của Tổng thống Trump đối với WeChat đương nhiên khiến người gốc Hoa lo ngại.

Hôm 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã mở rộng hoạt động “Làm sạch Mạng lưới” (Clean Network) để thực hiện các biện pháp ngăn chặn nhiều ứng dụng Trung Quốc và các công ty viễn thông Trung Quốc truy cập thông tin nhạy cảm của công dân và công ty Mỹ.

Ông James Lewis, một chuyên gia khoa học và công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Hoa Kỳ, cho biết lệnh hành pháp được ký hôm 6/8 của Tổng thống Trump giống với tuyên bố của ông Pompeo.

Theo New York Times, so sánh tác động của hai lệnh cấm này với TikTok và Wechat thì dường như Wechat bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, vì TikTok có thể thoát nạn nhờ đàm phán thu mua với công ty Mỹ. Microsoft hiện đang đàm phán với Bytedance và tranh thủ thời gian để đạt được thỏa thuận thu mua trong khoảng thời gian 45 ngày.

Đông Phương

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/the-gioi/tong-thong-trump-gui-thu-toi-thuong-ha-vien-nhan-manh-moi-de-doa-cua-wechat-doi-voi-hoa-ky-60092.html

 

Lệnh cấm WeChat của Tổng thống Trump

 lần đầu tiên động đến ‘Vạn lý tường lửa’

của ĐCSTQ

Bình luậnĐông Phương

Hôm 6/8, việc Tổng thống Mỹ Trump lần đầu tiên ban hành sắc lệnh cấm sử dụng WeChat đã đánh vào trung tâm giám sát mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì ứng dụng di động này liên quan mật thiết đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội Trung Quốc.

Tờ Washington Post đưa tin, các lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump đánh dấu nỗ lực đầu tiên của Hoa Kỳ nhằm chống lại hệ thống kiểm duyệt “Vạn lý Tường lửa” của ĐCSTQ. Bởi trước nay ĐCSTQ vẫn luôn kiểm soát người dân bằng cách xây dựng bức tường ảo của riêng mình, chính là các ứng dụng như TikTok, WeChat.

Bài báo viết: “Rõ ràng là chính quyền Tổng thống Trump đang ngắm chuẩn vào một dịch vụ có vị trí cực kỳ trọng yếu trong đời sống xã hội, thương mại và giao dịch ngoại thương của Trung Quốc”.

Bà Danielle Cave, Phó giám đốc Trung tâm Chính sách Internet Quốc tế thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho biết: “WeChat không chỉ là một ứng dụng trò chuyện. Nó là một trong số ít siêu ứng dụng ‘tất cả trong một’ trên thế giới mà người dùng có thể sử dụng để nhận tin tức, thanh toán hóa đơn, đặt chỗ du lịch và mua sắm trực tuyến”.

Các công ty Trung Quốc từ trước đến nay luôn không có uy tín trong việc bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Mặc dù Tencent đã nhiều lần tuyên bố rằng dữ liệu của người dùng quốc tế được lưu trữ ở nước ngoài và hoạt động kinh doanh của WeChat ở các thị trường phương Tây vẫn còn rất hạn chế, nhưng sự kiểm soát của WeChat đối với người Trung Quốc ở nước ngoài lại khiến người ta cực kỳ kinh ngạc.

Trong bức thư Tổng thống Trump gửi các nhà lãnh đạo Nghị viện hôm 6/8 viết rằng: “WeChat vẫn có thể theo dõi thông tin cá nhân và bí mật của công dân Trung Quốc khi họ đến Hoa Kỳ, do đó giúp ĐCSTQ có được một cơ chế giám sát chặt chẽ tình hình của các công dân Trung Quốc – những người mà có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời họ được hưởng lợi ích của xã hội tự do”.

“Theo báo cáo, giống như TikTok, WeChat cũng sẽ kiểm duyệt nội dung mà ĐCSTQ cho là nhạy cảm về mặt chính trị và cũng có thể được sử dụng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền thông tin sai lệch có lợi cho ĐCSTQ”.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng WeChat vẫn là nguồn tiếp nhận tin tức phổ biến nhất của cộng đồng người Hoa di cư ra nước ngoài, điều này khiến người Hoa ở nước ngoài cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch từ ĐCSTQ.

Trong những năm gần đây, cộng đồng người Hoa ở New York và những nơi khác đã nổi lên tranh cãi về việc WeChat lan truyền tin tức sai sự thật về chính trị ở Hoa Kỳ.

Năm 2018, nhà nghiên cứu Trương Trì (Zhang Chi) thuộc “Trung tâm Tin tức Kỹ thuật số” của Mỹ phát hiện ra rằng, 79% tin tức của người dùng tiếng Trung Quốc đến từ các nhóm trò chuyện WeChat. Một cuộc khảo sát đối với những người nói tiếng Quan Thoại ở Úc cũng cho thấy, 60% người được hỏi cho biết WeChat là nguồn lấy tin tức và thông tin chính của họ.

Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times, ông Hoành Hà (Heng He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói rằng WeChat là một công cụ quan trọng để ĐCSTQ can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ. Bởi vì hiện nay vẫn còn một tỷ lệ khá cao số người Hoa ở Mỹ vẫn đang đọc tin tức từ WeChat, vậy nên việc ĐCSTQ sử dụng WeChat để tiến hành phong tỏa tin tức hiệu quả hơn bất kỳ công cụ nào trong quá khứ.

Ngoài ra, tin tức về việc chính quyền Trung Quốc dựa vào lịch sử cuộc trò chuyện trên WeChat để theo dõi những người bất đồng chính kiến ​​ở Trung Quốc, chặn tài khoản người dùng và các nhóm WeChat ở nước ngoài cũng liên tiếp bị phanh phui.

Tính đến tháng 4 năm nay, hàng nghìn Hoa kiều đã tham gia vụ kiện tập thể chống lại WeChat.

Vào ngày 30/5, Ủy ban Liên minh Bảo vệ Quyền lợi người Trung Quốc của Hoa Kỳ đã công khai một bức thư cho biết, Tencent đã kiểm duyệt và đơn phương chặn, khóa tài khoản, khóa nhóm của người dùng WeChat ở nước ngoài với lý do có nội dung nhạy cảm và vi phạm các quy định. Họ đã can thiệp vào quyền tự do ngôn luận của người Mỹ gốc Hoa, can thiệp và phá hoại nền chính trị của người Mỹ gốc Hoa và can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Những hành vi nay vi phạm nghiêm trọng

luật pháp Hoa Kỳ, vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và quyền hợp pháp của công dân theo Hiến pháp Hoa Kỳ.

Trước cuộc bầu cử liên bang năm 2019 ở Canada, cơ quan an ninh mạng của Nghị viện nước này đã bất ngờ đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của WeChat, cảnh báo các Nghị sĩ và viên chức làm việc trong Nghị viện không được sử dụng WeChat vì nó có “rủi ro an ninh mạng tiềm ẩn”.

Đông Phương

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/lenh-cam-wechat-cua-tong-thong-trump-lan-dau-tien-dong-cham-den-trung-tam-van-ly-tuong-lua-cua-dcstq-60098.html

 

Hoa Kỳ giảm số binh sĩ ở Afghanistan

xuống ‘dưới 5 nghìn’

Hoa Kỳ dự kiến sẽ cắt giảm số binh sĩ của nước này ở Afghanistan xuống “con số dưới 5 nghìn” vào cuối tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói trong cuộc phỏng vấn phát ngày 8/8, theo Reuters.

Hãng tin này đưa thêm rằng đây là các thông tin chi tiết tiếp theo thông báo cắt giảm quân Mỹ mà Tổng thống Trump đưa ra đầu tuần trước.

Tin cho hay, Hoa Kỳ hiện có khoảng 8.600 binh sĩ ở Afghanistan.

Trong một cuộc phỏng vấn với Axios, ông Trump nói rằng Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm con số đó xuống còn khoảng 4 nghìn.

Ông Esper thông báo về việc cắt số binh sĩ ở Afghanistan trong cuộc phỏng vấn với Fox News.

Trong một tin khác liên quan tới Afghanistan, theo Reuters, chính phủ nước này hôm 9/8 đồng ý sẽ thả 400 tù nhân Taliban “nòng cốt” để mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt gần hai thập kỷ chiến tranh.

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-k%E1%BB%B3-gi%E1%BA%A3m-s%E1%BB%91-binh-s%C4%A9-%E1%BB%9F-afghanistan-xu%E1%BB%91ng-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-5-ngh%C3%ACn-/5536567.html

 

Mỹ lập kỉ lục với hơn 5 triệu ca nhiễm virus corona

Mỹ lập kỉ lục về số ca virus corona vào ngày thứ Bảy với hơn 5 triệu người đã bị nhiễm, theo số liệu được kiểm đếm bởi Reuters, trong khi quan chức bệnh truyền nhiễm hàng đầu của đất nước khơi lên hi vọng vào đầu tuần này rằng một loại vắc-xin hữu hiệu có thể được đưa ra thị trường vào cuối năm.

Với một trong số 66 người dân bị nhiễm bệnh, Mỹ dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm COVID-19, theo phân tích của Reuters. Mỹ đã ghi nhận hơn 160.000 ca tử vong, gần một phần tư tổng số ca tử vong của thế giới.

Trong khi đó cũng trong ngày thứ Bảy, Tổng thống Donald Trump kí các sắc lệnh hành pháp nhằm hỗ trợ kinh tế cho những người Mỹ bị tổn thương bởi đại dịch sau khi Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận với Quốc hội.

Ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ báo cáo mức tăng trưởng việc làm của Mỹ đã chậm lại đáng kể trong tháng 7, cho thấy viện trợ bổ sung của chính phủ là một nhu cầu cấp thiết.

Bác sĩ Anthony Fauci ngày thứ Tư nói với Reuters rằng đến cuối năm nay có thể có ít nhất một loại vắc-xin hữu hiệu và an toàn. Nhưng ông Trump có cái nhìn lạc quan hơn, nói rằng có thể Mỹ sẽ có vắc-xin vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11.

https://www.voatiengviet.com/a/my-lap-ki-luc-voi-hon-5-trieu-ca-nhiem-virus-corona/5535990.html

 

Covid-19: Trump ký lệnh trợ cấp

 sau khi đàm phán bất thành với Quốc hội

Tổng thống Trump nói với các phóngv iên hôm thứ Bảy tại câu lạc bộ chơi golf của ông ở New Jersey

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa ký sắc lệnh hỗ trợ kinh tế cho hàng triệu người Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ông nói ông buộc phải làm vậy sau khi việc đàm phán với Quốc hội bất thành.

Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn ‘khác’ của bùng phát Covid-19

Kết quả các cuộc thăm dò của Trump và Biden hiện giờ ra sao?

Hoa Kỳ sẽ vượt qua dịch Covid-19 còn VN cần làm gì?

Các biện pháp hỗ trợ mới

Các biện pháp hỗ trợ mới bao gồm trợ cấp thất nghiệp, tạm ngưng thu thuế thu nhập, và gia hạn các khoản cho sinh viên vay.

Một số trong những biện pháp này nhiều khả năng sẽ phải đối diện với những thách thức pháp lý, do Quốc hội mới là cơ quan nắm quyền chi tiêu cấp liên bang chứ không phải là tổng thống.

Đối thủ Joe Biden từ Đảng Dân chủ nói rằng đây là “một loạt những biện pháp nửa vời”.

Hiện chưa rõ liệu bước đi này có làm chấm dứt được việc đàm phán giữa quan chức cao cấp của Chính phủ và các gương mặt cao cấp của phe Dân chủ liên quan tới việc đưa ra gói kích thích kinh tế hay không.

Việc đàm phán đã đổ bể hôm thứ Sáu, sau hai tuần thảo luận.

Ông Trump nói rằng hàng chục triệu người Mỹ mất việc sẽ được trợ cấp 400 đô la mỗi tuần – thấp hơn so với mức 600 đôla trợ cấp thất nghiệp mà mọi người nhận được cho tới 31/7.

Tổng thống cũng nói rằng các tiểu bang sẽ gánh chịu 25% các khoản chi mới – so với các khoản trước đây hoàn toàn được cấp ngân khoản từ chính quyền liên bang.

Ông đang tìm kiếm cách chuyển tiền từ một gói cứu trợ thảm họa đã được chuẩn thuận từ trước cho các tiểu bang.

Ông Trump nói rằng việc chi trả sẽ tùy thuộc vào các tiểu bang – vốn đã phải đối diện với những khoản thâm hụt ngân sách lớn do đại dịch – trong việc xác định bao nhiêu tiền lấy từ khoản quỹ đó để chi trả trợ cấp. Điều này có nghĩa là khoản trợ cấp tới đây có thể sẽ chỉ ở mức là 300 đôla một tuần.

Trong số các biện pháp cứu trợ mới còn có việc tạm ngưng thu thuế thu nhập, là khoản chi trả cho An sinh Xã hội và các chương trình liên bang khác – cho tới khi hết năm, tạm ngưng hoàn trả khoản nợ liên bang của sinh viên, và các nỗ lực giảm thiểu việc đuổi người ra khỏi nhà khi không trả được tiền nhà, tuy nhiên, đây không phải là lệnh cho đình hoãn trả nợ.

Tranh cãi về quy mô cứu trợ

Hạ viện, hiện do Đảng Dân chủ kiểm soát, đã thông qua một gói cứu trợ trị giá 3,5 nghìn tỷ đô la Mỹ, nhưng bị Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát bác bỏ.

Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, nói rằng trong quá trình đàm phán, họ đã hạ con số xuống mức thấp hơn, 2 nghìn tỷ đô la, nhưng phe Cộng Hòa muốn đưa ra một chương trình trị giá 1 nghìn tỷ đô la.

Bà Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số trong Thượng viện Chuck Schumer gọi hành động của Tổng thống là “sơ sài” và nói chúng là “những tuyên bố chính sách không hiệu quả, yếu kém và hạn hẹp” nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế.

Ông Biden, đối thủ của Tổng thống Trump trong kỳ bầu cử tháng 11 tới cáo buộc ông đã đẩy hệ thống an sinh xã hội vào thế “rủi ro chết người” khi trì hoãn việc thu thuế, và gọi các biện pháp này là một thủ đoạn cay độc khác nữa nhằm hướng trách nhiệm đi nơi khác.

Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Mitch McConnell từ đảng Cộng hòa nói rằng ông ủng hộ tổng thống “tìm cách khai thác các cơ hội để đạt được trợ cấp thất nghiệp và các khoản hỗ trợ khác cho những người cần đến nhất”.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong tháng Bảy, nhưng là mức giảm thấp hơn nhiều so với hồi tháng Năm và tháng Sáu, làm yếu đi hy vọng phục hồi kinh tế.

Số lượng tử vong ở Hoa Kỳ do đại dịch virus Corona đã vượt quá 160.000.

Mỹ hiện có mức nhiễm mắc Covid-19 cao hơn nhiều so với bất kỳ nước nào khác, gần năm triệu người, và tỷ lệ nhiễm bệnh ở nước này đã tăng nhanh chóng trong hè qua.

Quốc hội đã phân bổ quỹ cứu trợ khoảng 3 nghìn tỷ đô la.

Đến nay, một số gương mặt phe Cộng hòa trong Quốc hội không muốn chi tiêu thêm nữa, và gần nửa các Thượng nghị sĩ Cộng hòa nói họ sẽ phản đối bất kỳ dự luật cứu trợ nào mới.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53678088

 

Bất chấp phong tỏa do COVID-19,

Mỹ vẫn tạo thêm 1,8 triệu việc làm trong tháng 7

Bình luậnThủy Tiên

Nền kinh tế Hoa Kỳ đã thêm 1,8 triệu việc làm vào tháng 7 cho dù một làn sóng các trường hợp nhiễm virus corona Vũ Hán buộc hầu hết các bang phải tạm dừng hoặc thay đổi quyết định mở cửa trở lại. Mức tăng biên chế được Bộ Lao động báo cáo hôm thứ Sáu vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức 4,8 triệu việc làm được tạo ra trong tháng 6, mức cao nhất từng được ghi nhận. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 11,1% trong tháng 6 xuống còn 10,2%.

Các nhà kinh tế được Refinitiv khảo sát đã dự đoán rằng ​​bản báo cáo sẽ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 10,5% và nền kinh tế có thêm 1,6 triệu việc làm.

“Chúng tôi đã thấy sự gia tăng rất đáng lo ngại các trường hợp nhiễm COVID-19 ở nhiều bang đã mở cửa trở lại để kinh doanh, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng tổng thể nền kinh tế Hoa Kỳ đã đi sang bước ngoặt mới và mức tăng việc làm vững chắc được công bố hôm nay sẽ được duy trì”, ông Tony Bedikian, giám đốc điều hành của Citizens Bank cho biết.

Các ước tính trước khi có báo cáo này thay đổi rất lớn trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng rằng các trường hợp nhiễm COVID-19 bùng lên trên toàn quốc và một đợt đóng cửa kinh doanh mới sẽ làm hỏng sự phục hồi sớm của thị trường việc làm từ cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái.

Dữ liệu cho thấy, trong ba tháng qua, nền kinh tế đã thêm được trở lại chưa đến một nửa – khoảng 42% – của 22 triệu việc làm đã bị mất trong đại dịch. Vẫn còn hơn 10,6 triệu người Mỹ thất nghiệp so với tháng 2.

Mức thất nghiệp, ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, dự kiến ​​sẽ vẫn tăng khi các hướng dẫn giãn cách xã hội được giữ nguyên trong các tiểu bang đang chống chọi với sự gia tăng trở lại các trường hợp nhiễm COVID-19.

Tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống còn 1,18 triệu, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu vào giữa tháng 3. Con số cho thấy vẫn còn một số lực dẫn động đằng sau sự thay đổi của thị trường việc làm.

Ngành giải trí và dịch vụ khách hàng một lần nữa chiếm phần lớn số việc làm được tạo ra trong tháng trước, với 592.000 vị trí mới được bổ sung. Khoảng 504.800 trong số đó là trong các cơ sở thực phẩm và đồ uống – một trong những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch khi các bang yêu cầu các nhà hàng và quán bar đóng cửa và yêu cầu người Mỹ ở nhà.

Việc làm trong chính phủ tăng 301.000, bán lẻ đã đạt mức tăng là 258.300 và sản xuất tăng 26.000. Dịch vụ giáo dục và y tế có thêm 215.000 lao động.

Những con số này phản ánh sự vật lộn của nền kinh tế để phục hồi sau cuộc khủng hoảng do virus gây ra, đã khiến cho GDP của quốc gia – thước đo lớn nhất về hàng hóa và dịch vụ do một quốc gia sản xuất – giảm xuống mức kỷ lục 32,9% tính theo năm trong quý từ tháng 4 – tháng 6.

Báo cáo này đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và các quan chức Nhà Trắng đang cố gắng đàm phán một đợt viện trợ khẩn cấp khác cho các gia đình, doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhưng các cuộc đàm phán về thỏa thuận này đang trong tình trạng bế tắc, gây rủi ro cho hàng nghìn tỷ đô-la cứu trợ.

Thủy Tiên

Theo Fox Business

https://www.ntdvn.com/kinh-te/bat-chap-phong-toa-do-covid-19-my-van-tao-them-18-trieu-viec-lam-trong-thang-7-60214.html

 

Việc phân phát ba lô và đồ dùng học tập mang lại

cảm giác bình thường cho trẻ em ở Los Angeles

Trong một nỗ lực để bắt đầu năm học mới trong đại dịch coronavirus, hàng ngàn ba lô đựng đồ dùng học tập được phân phát ở Los Angeles cho các gia đình có thu nhập thấp vào hôm thứ Sáu (7/8).

Bà Octavia Reyes, 43 tuổi, đã xúc động khi nhận được đồ dùng học tập và một hộp trái cây tươi. Bà Reyes cho biết ngôi nhà của bà có sáu thành viên trong gia đình, nhưng chỉ có hai người trong số họ hiện đang giữ được việc làm. Dòng xe chờ nhận đồ kéo dài bên ngoài bãi đậu xe lớn đến con phố đông đúc gần trung tâm Los Angeles.

Bà Connie Arzate là một phần của đoàn xe lớn, có chồng và hai con đi cùng. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, gia đình bà gặp khó khăn trong việc kiếm sống qua ngày. Hầu hết các trường học ở California sẽ bắt đầu năm học mới với hình thức học từ xa. Ông Michael là cha của hai đứa trẻ và cho biết rằng ông không thể chờ đợi ngày chúng có thể trực tiếp trở lại trường học. (BBT)

https://www.sbtn.tv/viec-phan-phat-ba-lo-va-do-dung-hoc-tap-mang-lai-cam-giac-binh-thuong-cho-tre-em-o-los-angeles/

 

Hủy bỏ đình chỉ việc học của một học sinh

đăng lên mạng xã hội bức ảnh

về hành lang đông đúc của nhà trường

Em Hannah Watters, 15 tuổi, học sinh lớp 10 tại trường trung học North Paulding High School (NPHS) ở Dallas, Georgia, bị đình chỉ học trong vòng 24 giờ sau khi đăng lên mạng xã hội bức ảnh chụp hành lang đông đúc tại trường học của em. Tuy nhiên, mới đây, mẹ của em đã xác nhận với ABC News rằng hình phạt trên đã được hủy bỏ.

Vào hôm thứ Ba tuần này, em chụp ảnh các bạn cùng lứa khoác vai nhau, hầu như phớt lờ các hướng dẫn về khoảng cách xã hội, một số học sinh khác cũng không đeo khẩu trang. Chán nản với việc khó giữ khoảng cách an toàn với các học sinh khác, em Hannah đã đăng bức hình em chụp lên Twitter ngay sau khi các lớp tan học vào thứ Ba. Sau đó, ban giám đốc nhà trường đã nhanh chóng đình chỉ em Hannah.

Vào thứ Tư vừa qua, cùng ngày em Hannah được thông báo về việc em bị đình chỉ học, một thông báo đã được đưa ra qua hệ thống liên lạc nội bộ tại trường trung học North Paulding High School, theo đó học sinh được khuyến cáo về hậu quả nếu dám phát tán ảnh hoặc video ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của trường.

Theo đài ABC đưa tin, mẹ của em Hannah đã viết một lá thư cho hiệu trưởng trường trung học North Paulding phản đối hình phạt dành cho con gái của bà. Hình phạt đình chỉ học em Hannah đã được hủy bỏ vào sáng thứ Sáu (7/8), và em dự kiến sẽ trở lại trường vào thứ Hai tuần sau. (BBT)

https://www.sbtn.tv/huy-bo-dinh-chi-viec-hoc-cua-mot-hoc-sinh-dang-len-mang-xa-hoi-buc-anh-ve-hanh-lang-dong-duc-cua-nha-truong/

 

Hướng dẫn mở lại trường đại học của California

 bao gồm giới hạn đối với các lớp học trực tiếp

và ký túc xá

Vào hôm thứ Sáu (7 tháng 8), các viên chức y tế tiểu bang California cho biết trong hướng dẫn được chờ đợi từ lâu, về cách trường học có thể hoạt động khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt rằng: khi các trường đại học ở California mở cửa trở lại vào mùa thu này, họ phải tuân thủ các hạn chế nghiêm ngặt dành cho các lớp học trực tiếp và rất nhiều hạn chế cho cuộc sống trong ký túc xá và khuôn viên trường.

Sự chậm trễ của tiểu bang trong việc ban hành hướng dẫn đã khiến các trường đại học gặp khó khăn khi họ phải tranh nhau lập các kế hoạch mở cửa lại mà không biết có được các viên chức y tế công cộng của quận và tiểu bang chấp thuận hay không, và nó sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn sinh viên như thế nào khi chỉ vài ngày nữa là học kỳ mùa thu bắt đầu.

Hầu hết các trường đại học, bao gồm cả hệ thống đại học tiểu bang California, UC và Cal State rộng lớn, đã thông báo kế hoạch khai giảng học kỳ mùa thu với chủ yếu là các lớp học trực tuyến. Quy định nghiêm ngặt của tiểu bang nghiêm cấm các các cơ sở nằm trong danh sách 38 quận cần giám sát tình hình dịch Covid-19 tổ chức giảng dạy trong nhà.

Một số học viện, bao gồm USC và Claremont McKenna College, đã đột ngột hạn chế lại kế hoạch đưa một số sinh viên trở lại trường, thông báo rằng sẽ bắt đầu các lớp học trong tháng này với việc đào tạo từ xa và khả năng tiếp cận ký túc xá rất hạn chế. (BBT)

https://www.sbtn.tv/huong-dan-mo-lai-truong-dai-hoc-cua-california-bao-gom-gioi-han-doi-voi-cac-lop-hoc-truc-tiep-va-ky-tuc-xa/

 

Số ca tử vong do COVID-19

đạt 10,000 người tại California

California đã vượt qua 10,000 ca tử vong do coronavirus, trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ có số ca tử vong cao thứ ba kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm nay. Con số này được ghi nhận vào hôm thứ sáu (ngày 7 tháng 8), với 10,024 ca tử vong kể từ ca nhiễm coronavirus đầu tiên tại tiểu bang được phát hiện vào tháng 2.

New York và New Jersey có số ca tử vong cao nhất và cao thứ hai ở Hoa Kỳ, lần lượt là 32,000 và 16,000. Ca tử vong đầu tiên do COVID tại Hoa Kỳ xuất hiện tại Quận Santa Clara thuộc San Francisco Bay Area vào tháng 2. Tuy nhiên, cũng trong thứ sáu, một viên chức y tế hàng đầu của California cho biết một trục trặc kỹ thuật gây ra sự chậm trễ trong việc thu thập thông tin xét nghiệm coronavirus đã được khắc phục – nhưng có thể mất tới 48 giờ để dữ kiện được cập nhật.

Bộ trưởng Y tế và Xã Hội, Tiến sĩ Mark Ghaly cho biết có thể có tới 300,000 hồ sơ đã bị tồn đọng – nhưng không phải tất cả trong số này đều là ca nhiễm coronavirus và một số có thể bị lặp lại. Ông Ghaly cho biết thêm rằng vấn đề bắt nguồn từ một máy chủ máy (server) bị ngừng hoạt động vào cuối tháng Bảy.

https://www.sbtn.tv/so-ca-tu-vong-do-covid-19-dat-10000-nguoi-tai-california/

 

Thống Đốc Andrew Cuomo tuyên bố

tất cả các trường học tại tiểu bang New York

đã đạt tiêu chuẩn để mở cửa trở lại và dạy học trực tiếp

Tin từ New York – Vào hôm thứ sáu (ngày 7 tháng 8), Thống đốc New York Andrew Cuomo tuyên bố tất cả học khu tại tiểu bang có thể mở cửa trở lại và dạy học trực tiếp vào mùa thu do tỷ lệ lây nhiễm coronavirus thấp.

New York, một trong những ổ dịch COVID-19 khi dịch bệnh vừa bùng phát tại Hoa Kỳ, hiện đã đạt tiêu chuẩn mở cửa trở lại mà ông Cuomo đặt ra vào tháng 7, với tỷ lệ lây nhiễm bệnh dưới 5% trong 14 ngày. Ông Cuomo cho biết tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 cho kết quả dương tính vào hôm thứ Năm là 1% trên toàn tiểu bang.

Thống đốc cho biết với New York đang trong tình trạng tốt nhất trên cả nước để tiến hành mở cửa trường học, và cho biết các học khu sẽ có sự linh hoạt trong việc quyết định có cho học sinh học trực tiếp tại lớp toàn thời gian hay vừa học trực tuyến vừa học trực tiếp.

Thị trưởng Thành phố New York Bill de Blasio đã đặt ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn đối với học khu tại đây, chỉ cho phép họ mở cửa khi tỷ lệ lây nhiễm đạt 3% hoặc thấp hơn. Tháng trước, ông de Blasio đã đưa ra một kế hoạch mở cửa lại “kết hợp”, cho phép học sinh dành ba ngày ở trường và hai ngày học ở nhà.

Cuomo cho biết ông muốn các học khu đăng kế hoạch mở cửa trở lại vào cuối tuần tới và nêu chi tiết về cách học trực tuyến, xét nghiệm COVID-19 và theo dõi người bị nhiễm của họ. Thống đốc cũng kêu gọi các học khu tổ chức thảo luận với phụ huynh và giáo viên để xoa dịu những lo lắng về việc đi học trở lại cũng như minh bạch các thông tin về tình hình dịch bệnh. (BBT)

https://www.sbtn.tv/thong-doc-andrew-cuomo-tuyen-bo-tat-ca-cac-truong-hoc-tai-tieu-bang-new-york-da-dat-tieu-chuan-de-mo-cua-tro-lai-va-day-hoc-truc-tiep/

 

Biểu tình ở Mỹ mang dư âm

Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông

Bình luậnNguyên Hương • 08:23, 09/08/20• 877 lượt xem

Một cuộc họp bàn về mối đe dọa của Trung Quốc của các nhà lãnh đạo bảo thủ cho thấy, Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi thể chế và đối mặt với một cuộc cách mạng văn hóa nếu người biểu tình giành được quyền kiểm soát các thành phố và lật đổ các tượng đài.

Ngày 3/8/2020, trong bối cảnh biểu tình bạo lực lan rộng khắp đất nước Hòa Kỳ và sự căng thẳng sâu sắc của mối quan hệ Mỹ-Trung, các quan chức chính phủ, thượng nghị sĩ và các cố vấn của Tổng thống Trump đã họp mặt tại khách sạn Trump International.

Steve Bannon, Cựu chiến lược gia của Tổng thống Trump nói rằng đã đến lúc người dân Hoa Kỳ phải thức tỉnh, đồng thời, hàng loạt các diễn giả đều coi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là trung tâm của các mối đe dọa về kinh tế, an ninh quốc gia và văn hóa.

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, người mới xuất bản cuốn sách trắng về việc đại tu mối quan hệ Mỹ-Trung cho biết: “Triết lý của ĐCSTQ, một thứ triết lý tương tự như chủ nghĩa mác xít đang tràn ngập đường phố ở Portland, Chicago, và thậm chí không xa chúng ta, ngay tại Washington DC”.

“Bây giờ, những kẻ bạo loạn này tuyên bố họ đang chiến đấu để cải cách hệ thống tư pháp hình sự. Nhưng trên thực tế, họ đang phá hủy các biểu tượng văn hóa, phá hủy các giá trị của gia đình và hoàn toàn chối bỏ lịch sử”.

Sự kiện này do Trung tâm Tín ngưỡng và Tự do Falkirk của Đại học Liberty tổ chức. Thành viên tham dự hội thảo bao gồm rất nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng và phản đối Trung Quốc trong chính phủ của Tổng thống Trump.

Ông Bannon phát các video bài phát biểu của diễn giả  từ phòng của khách sạn vào buổi sáng. Trong số các diễn giả có Peter Navarro, Giám đốc Chính sách Sản xuất và Thương mại của Nhà Trắng và Michael Pillsbury, tác giả cuốn sách Cuộc chạy đua một trăm năm [The Hundred Year Marathon], một cuốn sách có tác động quan trọng đến tư duy quản trị.

Toàn bộ sự kiện diễn ra khi Tổng thống Trump đang tăng cường tấn công Bắc Kinh. Nội các của ông tin rằng vấn đề này có thể giúp chiến dịch đấu tranh của Tổng thống liên kết hệ thống nhắn tin của ông về các vấn đề việc làm, kinh tế, nhập cư, chiến tranh văn hóa và COVID-19.

Ông Bannon cho biết hiện giờ có rất nhiều người vẫn không hề biết về cách thức mà các thế hệ lãnh đạo Hoa Kỳ đã giúp Trung Quốc thu hút đầu tư nước ngoài và được sử dụng các tài sản trí tuệ cần thiết, giúp Trung Quốc phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Ông nói: “Chúng ta cần làm cho người dân Hoa Kỳ thức tỉnh trước những gì là sự thật. Khi chúng ta hành động như một trung tâm để làm sáng tỏ sự thật thì dân chúng sẽ tự khắc ủng hộ chúng ta”.

Các diễn giả đều lần lượt chỉ trích Trung Quốc đã không ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán khi nó bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020.

Dave Brat, cựu dân biểu tiểu bang Virginia và là người tổ chức sự kiện này, cho rằng điều đó có nghĩa là ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về các vấn đề, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp cao, trường học phải đóng cửa, cuộc sống người dân bị gián đoạn, và những cuộc biểu tình trên khắp đất nước Hoa Kỳ.

Ông Brat nói: “Đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc cách mạng văn hóa đang diễn ra ở Hoa Kỳ”.

Cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc đã chứng kiến ​​cảnh Mao Trạch Đông, Tổng bí thư ĐCSTQ thanh trừng tàn dư của xã hội tư bản cũng như phá hủy xã hội truyền thống của Trung Quốc. Các viện bảo tàng bị lục soát, tượng Phật bị phá hủy, và nhiều khía cạnh của đời sống văn hóa đã được thay đổi với hệ tư tưởng Maoist là kim chỉ nam.

Những cáo buộc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, các vấn đề an ninh quốc gia, sự căng thẳng về Hồng Kông, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và tình trạng chủ quyền của Đài Loan đã chi phối mối quan hệ nhiều thập kỷ của hai nước. Mục đích của chính sách Hoa Kỳ là ngăn chặn các vấn đề trên để có thể thúc đẩy phát triển thương mại, kinh tế và hợp tác giữa hai quốc gia.

Những biểu hiện gần đây nhất của sự xuống cấp trầm trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung là sự kiện ngày 3/8 khi chính quyền Trung Quốc tiếp quản tòa nhà nơi từng là Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô để đáp trả lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston của Washington.

Dân biểu Brian Babin ở Texas, một  trong số các thành viên của tổ chức Freedom Caucus, cho biết vấn đề virus viêm phổi Vũ Hán ít nhất đã bắt đầu cảnh báo người dân Hoa Kỳ về những mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc.

Ông Babin nói: “Nếu có bất cứ điều gì được làm rõ từ đại dịch này, thì một thực tế là kẻ thù muốn hạ bệ chúng ta một cách trần trụi và muốn thay thế vị trí cường quốc số 1 của chúng trên Trái đất này”.

Nguyên Hương

Theo Washington Examiner

https://www.ntdvn.com/the-gioi/cac-cuoc-bieu-tinh-o-hoa-ky-mang-du-am-cua-cuoc-cach-mang-van-hoa-cua-mao-trach-dong-60152.html

 

Tổng Thống Trump sẽ tham gia hội nghị

về vấn đề viện trợ quốc tế cho Lebanon

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Sáu (7/8), Tổng thống Trump cho biết ông sẽ tham gia một hội nghị với tổng thống Lebanon và các nhà lãnh đạo thế giới khác vào hôm Chủ nhật, để thảo luận về việc viện trợ cho Lebanon sau vụ nổ cảng Beirut tàn khốc trong tuần này.

Tổng thống  Trump cho biết trên Twitter rằng ông trò chuyện riêng với Tổng thống Lebanon Michel Aoun và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, những người cũng sẽ tham gia cuộc họp. Tổng thống Trump cho biết ông thông báo với ông Aoun rằng ba máy bay lớn của Hoa Kỳ đang trên đường đến Lebanon để vận chuyển hàng tiếp tế và nhân sự.

Tại một cuộc họp báo tại câu lạc bộ golf của ông ở Bedminster, New Jersey, tổng thống Trump cho biết Hoa Kỳ đang làm việc với các viên chức Lebanon để xác định các nhu cầu về sức khỏe và nhân đạo. Phát ngôn viên Judd Deere của Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng tổng thống Trump và ông Macron trò chuyện qua điện đàm và “bày tỏ nỗi buồn về tổn thất nhân mạng và sự tàn phá ở Beirut”.

Vụ nổ ở thủ đô Lebanon vào hôm thứ Ba giết chết 154 người và làm 5,000 người bị thương. Pháp và các quốc gia khác gấp rút viện trợ khẩn cấp cho Lebanon, bao gồm cả các bác sĩ, cùng hàng tấn thiết bị y tế và thực phẩm.

Vào hôm thứ Sáu (7/8), Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ hỗ trợ hơn 15 triệu mỹ kim, bao gồm viện trợ lương thực cho 50,000 người trong ba tháng. Cơ quan này cho biết họ cũng yêu cầu quân đội Hoa Kỳ vận chuyển đủ vật tư y tế và dược phẩm để hỗ trợ tối đa 60,000 người trong ba tháng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-se-tham-gia-hoi-nghi-ve-van-de-vien-tro-quoc-te-cho-lebanon/

 

Brazil: Hơn 100.000 người chết

và hơn 3 triệu ca nhiễm Covid-19

Theo số liệu chính thức, ngày hôm qua, 08/08/2020, Brazil đã củng cố vị trí nước bị Covid-19 tác hại nặng nề thứ hai thế giới. Với tổng cộng 100.477 trường hợp tử vong và 3.012.412 ca nhiễm được xác nhận, quốc gia Nam Mỹ 212 triệu dân này chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, do tình trạng thiếu xét nghiệm tại nước này, các nhà quan sát cho rằng các số liệu chính thức của Brazil, nhất là con số lây nhiễm, còn thấp xa so với thực tế, được cho cao hơn gấp 6 lần.

Theo nhận định của thông tín viên RFI, Martin Bernard tại Sao Paulo, tình hình rất đáng lo ngại vì số nạn nhân Covid-19 tiếp tục tăng vọt trong bối cảnh không thấy mảy may dấu hiệu cải thiện nào.

« Từ gần 3 tháng nay, Brazil ngày nào cũng ghi nhận trung bình 1.000 người chết vì Covid-19 và cũng không thấy có xu hướng giảm sụt nào. Tuy nhiên, những con số không hề làm tổng thống Bolsonaro của nước này nao núng: “Cuộc sống vẫn tiếp tục” như ông đã tuyên bố trong tuần.

Tổng thống Brazil nằm trong số 3 triệu ca nhiễm virus corona, cũng như phu nhân của ông cùng 8 bộ trưởng khác – tức là 1/3 chính phủ.

Tại Brazil, biện pháp chống dịch có dấu hiệu không nghiêm ngặt, trong lúc việc gỡ bỏ cúng diễn ra một cách rất lộn xộn, người dân lại tụ tập trở lại, tạo ra nhiều ổ dịch mới.

Một bác sĩ chuyên về chăm sóc tích cực ở bệnh viên Sao Paulo đã phải thốt lên : “Chúng tôi đã không thực hiện đưọc chính sách cách ly, virus cứ tự do lan truyền, hiện diện ở mọi nơi và không tha bất kỳ ai”.

Trong tình hình đó, theo vị bác sĩ, thì làm sao mà chiến thắng được dịch bệnh. »

Tình hình cả châu Mỹ Latinh đều tồi tệ

Tương tự như tại Brazil, tình hình châu Mỹ Latinh nhìn chung vẫn rất tồi tệ.

Chi Lê vào hôm qua 08/08/2020 đã vượt mốc 10.000 ca tử vong vì Covid-19, năm tháng sau khi ca đầu tiên xuất hiện tại nước này. Đây là số liệu chính thức do chính quyền Chi Lê công bố, dựa trên các tiêu chí quốc gia, nhưng nếu tính theo các tiêu chí của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, thì con số này lên đến 13.426 trường hợp.

Theo thống kê của Đại Học Mỹ Johns Hopkins tính đến sáng nay, 09/08, trong danh sách các nước châu Mỹ Latinh có số người chết cao nhất vì Covid-19, ngoài Brazil, đứng thứ hai thế giới, còn có Mêhicô, xếp thứ ba với hơn 52.000 ca tử vong, Peru, thứ 9 với hơn 20.000 ca, và Colombia, thứ 12, với hơn 12.500 ca.

Về số ca nhiễm được xác nhận, 5 nước châu Mỹ Latinh nói trên cũng nằm trong Top 10 của những quốc gia có nhiều người bị nhiễm virus corona nhất.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200809-brazil-h%C6%A1n-100-000-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-v%C3%A0-h%C6%A1n-3-tri%E1%BB%87u-ca-nhi%E1%BB%85m-covid-19

 

Lãnh đạo thế giới

tổ chức hội nghị viện trợ cho Beirut

Giới lãnh đạo quốc tế sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hôm Chủ Nhật để tăng viện trợ cho Beirut, sau vụ nổ lớn tàn phá thủ đô Lebanon hôm thứ Ba.

Hội nghị trực tuyến – do Pháp và Liên Hiệp Quốc tổ chức – sẽ bắt đầu lúc 1400 giờ Lebanon.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông dự định tham gia cuộc gọi.

Các quan chức ước tính vụ nổ tại nhà kho chứa 2.000 tấn amoni nitrat, gây thiệt hại lên tới 15 tỷ USD.

Vụ nổ khiến ít nhất 158 người chết, 5.000 người bị thương và 300.000 người mất nhà cửa.

Hàng ngàn người xuống đường ở Beirut sau vụ nổ

Lebanon: Vụ nổ lớn làm 100 người chết, 4000 bị thương

Hôm thứ Bảy, hàng nghìn người đã xuống đường, với cảnh sát bắn hơi cay vào những người biểu tình đang ném đá và một số người biểu tình xông vào các tòa nhà của chính phủ.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab cho biết ông sẽ yêu cầu tổ chức bầu cử sớm, như một cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Vấn đề sẽ được thảo luận trong nội các vào thứ Hai.

Lebanon trước đó đã sa lầy vào một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và đang vật lộn để đối phó với đại dịch virus corona, trước khi vụ nổ làm tan tành Beirut xảy ra.

Một phong trào biểu tình chống chính phủ đã nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, được thúc đẩy bởi tình hình tài chính và đồng tiền sụp đổ.

Chuyện gì xảy ra hôm Chủ Nhật?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Beirut hôm thứ Năm, và tuyên bố ông muốn điều phối viện trợ quốc tế cho đất nước này.

Một tuyên bố từ phủ tổng thống Pháp cho biết hội nghị hôm Chủ nhật “nhằm huy động các đối tác quốc tế chính của Lebanon và tổ chức phối hợp hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế”.

Đại diện từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nga, Ai Cập, Jordan và Vương quốc Anh đều sẽ tham gia, cùng nhiều người khác được mời tham dự.

Trong một loạt các dòng tweet, Tổng thống Trump cho biết ông đã thảo luận về “sự kiện thảm khốc” ở Beirut với ông Macron và bản thân sẽ tham gia cuộc gọi.

“Mọi người đều muốn giúp đỡ!” ông viết.

Một số quốc gia đã cam kết viện trợ hàng triệu đôla và cử tàu bè, nhân viên y tế và vật chất đến hỗ trợ Beirut.

Nhưng các cơ quan của Liên Hiệp Quốc kêu gọi giúp đỡ nhiều hơn và cảnh báo về thách thức lớn ở trước mặt. Nhiều ngôi nhà không có nước hoặc điện, ngày càng có nhiều lo lắng về tình trạng thiếu lương thực, và các ca nhiễm Covid-19 đang tăng đột biến trong nước – một thách thức nữa đối với các bệnh viện vốn đã quá tải.

Người phát ngôn của Unicef, Marixie Mercado, nói với các phóng viên tại Geneva hôm thứ Sáu rằng: “Nhu cầu rất khẩn cấp và rất lớn.

Điều gì xảy ra tại các cuộc biểu tình?

Hội nghị viện trợ diễn ra trong bối cảnh đang diễn ra sự phẫn nộ về việc chính phủ không thể ngăn chặn vụ nổ.

Từ 5.000 đến 10.000 người đã tụ tập biểu tình hôm thứ Bảy, để thể hiện cơn thịnh nộ đó và cũng để tưởng nhớ những nạn nhân của vụ nổ.

Vụ nổ Beirut: Tiếp tục tìm nạn nhân, một công dân VN bị thương

Thời khắc thảm họa với chính sách Trung Đông của Hoa Kỳ

Khi các cuộc biểu tình diễn ra, những giá treo cổ giả đã được dựng lên ở Quảng trường Liệt sĩ để thể hiện quan điểm của người biểu tình đối với các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước.

Các cuộc giao tranh bắt đầu từ rất sớm, với cảnh sát dùng đạn cao su và hơi cay để đối phó với gậy và đá do người biểu tình ném vào.

Cảnh sát xác nhận với hãng tin Reuters rằng đạn thật đã được bắn ở trung tâm Beirut, mặc dù không rõ do ai bắn.

Một viên chức đã chết sau khi rơi vào trục thang máy trong một khách sạn, được cho là sau khi bị những người biểu tình đuổi theo đến đó.

Hội Chữ thập đỏ địa phương cho biết họ đã điều trị cho 117 người bị thương tại hiện trường. 55 người khác được đưa đến bệnh viện.

Hàng chục người biểu tình đã xông vào các bộ chính phủ và trụ sở của hiệp hội ngân hàng nước này.

Các cuộc đột kích bắt đầu sau khi một nhóm người hô vang khẩu hiệu chống chính phủ và đốt chân dung Tổng thống Michel Aoun tiến vào bộ ngoại giao và kêu gọi chiếm đóng tất cả các bộ.

Các báo cáo cho thấy lực lượng an ninh đã chiếm lại các tòa nhà từ người biểu tình.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53711147

 

Covid 19: WHO phân phối trang thiết bị

chống dịch từ Dubai

Tú Anh

Trên thế giới, siêu vi corona tiếp tục lây lan. Để đáp ứng với nhu cầu khẩn cấp hàng ngày, từ Dubai, trung tâm điều hành chiến dịch cứu trợ và hậu cần của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (OMS/WHO) gần như

mỗi ngày phải gửi hàng cúu trợ bằng đường hàng không đến hàng trăm nước trên thế giới từ khi đại dịch bùng lên.

Từ thủ đô Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, thông tín viên Nicolas Keraudren tường thuật:

Đây là một tình thế chưa từng xảy ra. Và chỉ trong vòng 8 tháng, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã từ trung tâm điều phối ở Dubai chuyển đi một số lượng hàng cứu trợ tương đương với 5 năm hoạt đông.

Theo ông Robert Blachard, chỉ huy ê-kíp khẩn cấp: “Thách thức lớn nhất của chúng tôi là phải đáp ứng nhu cầu về trang thiết bị y tế.  Hiện thời, chúng tôi không có đủ hàng dự trữ để đáp đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi nơi”.

Đai đa số dụng cụ, thiết bị y khoa, nhất là áo choàng bảo hộ, đều làm tại Trung Quốc, sau đó được gửi đến trung tâm điều hành cứu trợ ở Dubai trước khi được phân phối cho các nước có nhu cầu.

Theo Robert Blanchard, vấn đề là nhu cầu thế giới đã vượt qua khả năng của các cơ xưởng chế tạo.Và theo nhận xét của ông thì trong tương lai, nhu cầu này còn tăng cao hơn nữa.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới sẽ cố gắng rút tỉa bài học từ đại dịch Covid 19. Robert Blanchard giải thích: “Cuộc khủng hoảng này cho thấy cần phải tích trữ, tồn kho nhiều hơn nữa các trang thiết bị cần kíp trong trường hợp khẩn cấp. Có như thế, chúng ta mới không bị lệ thuộc vào một nhà sản xuất và để có thể đa dạng hóa các nguồn cung ứng hậu cần.

Ngoài siêu vi corona, Tổ Chức Y Tế Thế Giới còn phải tiếp tục đáp ứng với nhiều cuộc khủng hoảng khác như dịch tả, sốt tê liệt và sốt rét.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200809-covid-19-who-ph%C3%A2n-ph%E1%BB%91i-trang-thi%E1%BA%BFt-b%E1%BB%8B-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-t%E1%BB%AB-dubai

 

Giới lập pháp Anh kêu gọi trừng phạt cảnh sát

Hong Kong lạm dụng quyền, có hành vi bạo lực

Bình luậnNguyễn Minh

“Sự đối xử của cảnh sát Hong Kong với các nhân viên cứu trợ nhân đạo và sự can thiệp của họ trong các bệnh viện đã khiến những người biểu tình bị thương không nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết kịp thời”, các nhà lập pháp Anh cho biết.

Một nhóm các nhà lập pháp Anh đã thúc giục chính phủ Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt với Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và các quan chức cấp cao khác vì cho phép cảnh sát sử dụng bạo lực tàn ác với những người dân biểu tình ủng hộ dân chủ.

Trong một báo cáo về sự đối xử với nhân viên cứu trợ trong các cuộc biểu tình, các nhà lập pháp cho biết Lực lượng Cảnh sát Hong Kong (HKPF) đã “vi phạm các nguyên tắc và luật nhân đạo quốc tế, nhân quyền quốc tế và Tuyên bố chung Trung – Anh”.

“Vương quốc Anh cần nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt theo đạo luật Magnitsky với những người lãnh đạo cấp cao trong chính quyền Hong Kong chịu trách nhiệm trong việc cho phép cảnh sát sử dụng bạo lực tàn ác, bao gồm nhưng không giới hạn chỉ với những người sau đây: Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nha và Ủy viên cảnh sát”, Nhóm Nghị sĩ toàn đảng nói về vấn đề Hong Kong.

Trong các cuộc biểu tình bắt đầu từ năm ngoái phản đối việc chính quyền Hong Kong đưa ra luật dẫn độ với Trung Quốc đại lục, các nhân viên cứu trợ nhân đạo đã phải chịu “sự uy hiếp, quấy rối, đe dọa, bạo lực thể xác và bắt giữ”, báo cáo cho biết.

Báo cáo chỉ ra rằng, các nhân viên sơ cứu là nhóm chính bị đối xử như vậy; ngay cả các bác sĩ và y tá cũng “nhận được sự đối xử trái với luật nhân quyền quốc tế”.

Vương quốc Anh cần “tìm hiểu xem liệu các nhân viên cứu trợ nhân đạo được nhắm mục tiêu có thuộc chính sách Công ước Người tị nạn hay không và xem xét cách thức để hỗ trợ họ tốt nhất”, các nhà lập pháp khuyến cáo.

Tháng Bảy, chính phủ Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên theo Đạo luật Magnitsky mới đối với 25 người Nga và 20 người Saudi. Các nhà lập pháp Anh đã thúc giục chính phủ nhắm mục tiêu vào những người chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp ở Hong Kong.

Họ cho biết: “Sự đối xử của cảnh sát Hong Kong với các nhân viên cứu trợ nhân đạo và sự can thiệp của họ trong các bệnh viện đã khiến những người biểu tình bị thương không nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết kịp thời”.

“Những hành động này cũng có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc y tế của người dân nói chung, bởi vì tính độc lập và bảo mật của các bệnh viện bị giảm sút do sự can thiệp ngày càng tăng từ cảnh sát Hong Kong”, theo báo cáo.

Cuộc điều tra kéo dài 5 tháng, không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy nhân viên cứu trợ nhân đạo đã tham gia vào các hành động thù địch khiến cảnh sát bỏ qua các biện pháp bảo vệ mà nhân viên cứu trợ lẽ ra được nhận.

Nhóm nghị sĩ toàn đảng về vấn đề Hong Kong là một nhóm liên đảng không chính thức gồm 12 nghị sĩ từ Hạ viện và Nghị viện.

Nhóm này được thành lập vào tháng 11/2019, tập trung vào các vấn đề khủng hoảng chính trị và xã hội đang leo thang ở Hong Kong do luật dẫn độ.

Nguyễn Minh

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/the-gioi/cac-nha-lap-phap-anh-keu-goi-trung-phat-canh-sat-hong-kong-lam-dung-quyen-co-hanh-vi-bao-luc-60207.html

 

Belarus: Bầu tổng thống trong áp bức,

Lukachenko cùng đường?

Tú Anh

Tại Belarus,các phòng phiếu đã mở cửa từ sáng sớm cho đến 17 giờ, giờ quốc tế chiều nay 09/08/2020. Năm lần trước, Lukachenko luôn chiến thắng áp đảo nhưng lần này tình thế có vẻ nghiêm trọng hơn.Tổng thống Belarus đối đầu với một nũ ứng cử viên lợi hại: Svelta Tikhanoskaia,mà người chồng đang nằm trong nhà tù của Lukachenko. Cảm thấy chiếc ghế tổng thống bị đe dọa, nhà độc tài bắt thêm hàng loạt nhà hoạt động.

Trong số những người bị bắt có Maria Kolesnikova, một trong ba nữ ứng cử viên. Bà được thả sau nhiều giờ bị câu lưu. Tiếp theo là Maria Moroz, giám đốc vận động tranh cử của nữ ứng cử viên sáng chói nhất là Svelta Tikhanovskaia, bị cảnh sát bắt hôm thứ Bảy.

Theo đặc phái viên Daniel Vallot,bản thân của Svelta Tikhanovskaia cũng lo ngại bị bắt bất cứ lúc nào cho nên bà đã rời nhà, ẩn trú một nơi khác.

Tố chức nhân quyền ở Belarus cũng cho biết một số quan sát viên độc lập muốn theo dõi bầu cử cũng bị bắt từ nhiều ngày trước.

Cuộc bầu cử được mô tả là “thủ tục hợp thức hóa” nhiệm kỳ 6 của tổng thống Alexander Lukachenko, lần này không diễn ra như chế độ dự kiến.

Theo giới quan sát tại chổ,lý do rất đơn giản: Sau khi các ứng cử viên của mình bị trấn áp, đối lập Belarus đã lập ra một liên danh đoàn kết với bà Svelta Tikhanovskaia, sau khi chồng của bà, cũng là môt trong các ứng cử viên đối lập, bị bắt giam.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200809-belarus-b%E1%BA%A7u-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trong-%C3%A1p-b%E1%BB%A9c-lukachenko-c%C3%B9ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng

 

Vụ nổ Beirut: Người biểu tình giận dữ xuống đường

Nhiều người biểu tình giận dữ ở Beirut đã xông vào bộ ngoại giao, trong cuộc biểu tình phản ứng về vụ nổ hôm thứ Ba làm ít nhất 158 người chết.

Trong khi đó, hàng ngàn người cũng xuống đường, và xảy ra bạo lực.

Thủ tướng Hassan Diab nói ông sẽ yêu cầu bầu cử sớm để giải quyết khủng hoảng.

Vụ nổ hôm thứ Ba tại khu vực cảng phá hủy nhiều nơi ở thành phố Beirut và bùng lại nỗi tức giận đã có từ lâu trong người dân về tầng lớp chính trị bất tài và tham nhũng.

Khối lượng lớn ammonium nitrate, được đưa xuống chứa ở cảng từ một tàu biển nhưng chưa được chuyển đi, là nguyên nhân gây ra vụ nổ này.

Vụ nổ Beirut: Tiếp tục tìm nạn nhân, một công dân VN bị thương

Lebanon: Vụ nổ lớn làm 100 người chết, 4000 bị thương

Nhưng ở Lebanon người dân đã mất lòng tin cao độ, và phong trào biểu tình chống chính phủ bùng lên hồi tháng Mười năm ngoái, được tiếp lửa thêm bởi khủng hoảng kinh tế và đồng tiền mất giá.

Hai bộ trưởng tìm cách đi thăm hai khu dân cư bị phá hủy nghiêm trọng trong những ngày gần đây đã bị đuổi đi.

“Sau ba ngày dọn dẹp, bỏ những mảnh vỡ vụn và thấm thía nỗi mất mát…đã đến lúc chúng tôi để cho nỗi tức giận nổ tung và trừng phạt họ,” Fares Halabi, nhà hoạt động 28 tuổi, nói với hãng tin AFP trước khi các cuộc biểu tình bắt đầu.

Người biểu tình sẽ bắt đầu diễu hành ở khu vực bị tàn phá nặng nhất gần cảng và đi tới Quảng trường Các liệt sỹ, tâm điểm của cuộc nổi dậy chống chính phủ năm ngoái.

Ngoài việc thể hiện sự giận dữ, cuộc biểu tình cũng còn có ý nghĩa tưởng nhớ các nạn nhân của vụ nổ, làm hơn 5000 người bị thương và hơn 300.000 người mất chỗ ở.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun bác bỏ yêu cầu có cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ. Ông nói giới chức địa phương có thể điều tra liệu vụ nổ này có phải được gây ra bởi “can thiệp từ bên ngoài” như một trái bom hay không.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ tham gia một hội nghị cứu trợ trên mạng vào Chủ Nhật. Hội nghị do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức.

Ông Macron được người dân xúm quanh khi ông đi thăm Beirut hồi đầu tuần ngay sau khi có vụ nổ.

Pháp, nước cai trước đây cai trị thuộc địa Lebanon, giữ quan hệ kinh tế gần gũi với nước này. Pháp đã hoãn nợ quốc gia cho Lebanon hồi tháng Ba nhưng không đạt được sự nhất trí với các tổ chức cho vay quốc tế để cứu nền kinh tế.

Tổng thống Donald Trump là một trong số các lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ tham gia hội nghị cứu trợ ảo này.

Hôm thứ Sáu, các cơ quan của LHQ cảnh báo về một khủng hoảng nhân đạo ở Lebanon, trong đó có thể có tình hình thiếu thực phẩm và không đủ khả năng chống dịch Covid-19.

Nhiều quốc gia đã tuyên bố sẽ viện trợ, với Hoa Kỳ tuyên bố hôm thứ Sáu nước này dự định sẽ gửi ngay thực phẩm và thuốc men trị giá 15 triệu USD.

Anh Quốc đã gửi 5 triệu bảng Anh viện trợ khẩn cấp và cử một tàu Hải quân Hoàng gia tới Lebanon.

Chuyện gì đang xảy ra với cuộc điều tra?

Tổng thống và thủ tướng Lebanon nói 2.750 tấn ammonium nitrate – hóa chất được dùng phổ biến để làm phân bón nhưng cũng có thể làm chất nổ – được chứa trong một nhà kho ở cảng mà không có đảm bảo về an toàn từ năm 2014, khi nó được chuyển lên bờ từ một tàu chở hàng bị kẹt, tàu MV Rhosus.

Nhiều người dân Lebanon đã không thể tin nổi chính quyền lại có quyết định cất trữ khối lượng lớn hóa chất gây nổ trong một nhà kho rất gần trung tâm thành phố.

Hôm thứ Ba, ông Aoun hứa hẹn một cuộc điều tra minh bạch sẽ được các nhà chức trách Lebanon tiến hành, và sẽ “quy trách nhiệm cho những ai lơ là và áp dụng sự trừng phạt nặng nề nhất cho họ”.

Tuy vậy, có lời kêu gọi điều tra quốc tế ngày một lớn.

Vị tổng thống loại trừ khả năng này hôm thứ Sáu. Ông nói: “Mục tiêu đằng sau lời kêu gọi mở điều tra quốc tế về vụ nổ ở cảng là để làm loãng sự thật.”

Tổng thống cũng nói cuộc điều tra của chính phủ sẽ xem xét ba khả năng: lơ là, tai nạn và cái mà ông gọi là “can thiệp từ bên ngoài qua một tên lửa hay trái bom hay các hành động khác”.

Các quan chức nói vụ nổ dường như được gây ra bởi một ngọn lửa và hiện không có bằng chứng cho thấy có khả năng thứ ba mà ông Aoun đề cập đến.

Hai mốt người đã bị bắt giữ – trong đó có Badri Daher, tổng giám đốc của Cục Hải quan Lebanon.

Phong trào Hezbolla do Iran hậu thuẫn, một phong trào ủng hộ chính phủ chia sẻ quyền lực, phủ nhận có bất kỳ sự liên quan nào tới vụ nổ.

Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố trong một bài phát biểu:

“Không một vỏ đạn, không một nhà máy tên lửa, không một khẩu súng, không một trái bom, không một viên đạn, không có nitrates. Không có gì hết. Không phải lúc này, cũng không phải trong quá khứ.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53706605

 

Liban khủng hoảng:

Chính quyền tỏ dấu hiệu nhượng bộ phản kháng

Tú Anh

Đối mặt với lòng căm phẩn của người dân Liban sau hai vụ nổ hóa chất tàn phá một phần thủ đô, làm 158 người chết và hơn 6000 người bị thương, chính quyền Liban đặt trên quyền lợi cộng đồng tôn giáo, dường như phải lùi một bước.Thủ tướng Hassan Diab đề nghị bầu Quốc Hội trước kỳ han.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường thuật:

Lần đầu tiên từ khi khủng hoảng xảy ra, thủ tướng Hassan Diab nói đến giải pháp bầu lại Quốc Hội, một trong những yêu sách của đối lập và phong trào phản kháng xã hội.

Chiều thứ Bảy (08/08/2020), thủ tướng Liban cho biết vào thứ Hai này,ông sẽ đề nghị với nội các một dự luật để tổ chức bầu cử lại Quốc Hội hầu đưa Liban ra khỏi cuộc khủng hoảng mà ông cho là do “cấu trúc”.

Hassan Diab mời gọi “tất cả các chính đảng” cùng nhau đồng thuận về những bước kế tiếp và ông sẳn sàng đảm nhận trách nhiệm thêm hai tháng nữa cho đến khi đi đến một thỏa thuận.

Các đảng chính trị chưa phản ứng về đề nghị này.Tuy nhiên,trước đó vài giờ, thủ lãnh phe Druz, Wallid Joumblatt, yêu cầu tổ chức bầu Quốc Hội trước kỳ hạn,trong khuôn khổ một đạo luật không đặt trên cơ sở cộng đồng tôn giáo.

Một số dân biểu đối lập đã tuyên bố từ chức để lôi kéo các đồng viện khác.

Với năm dân biểu từ nhiệm trên tổng số 128, chưa đủ để tạo ra một thay đổi lớn. Chỉ có quyết định của khối đông nhất là phe Hồi giáo Suni của cựu thủ tướng Saad Hariri mới có thể làm thay đổi cục diện.

Trong số các dân biểu từ chức làm gương có Kataeb Samy Gemeyel (Thiên Chúa Giáo), một nữ dân biểu độc lập và một dân biểu thuộc cộng đồng Hồi Giáo Druz, Marvan Hamadé.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200809-liban-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-t%E1%BB%8F-d%E1%BA%A5u-hi%E1%BB%87u-nh%C6%B0%E1%BB%A3ng-b%E1%BB%99-ph%E1%BA%A3n-kh%C3%A1ng

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật:

TQ có thể trả giá đắt về vấn đề Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono hôm 7/8 cảnh báo việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung Quốc có thể gây ra phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế.

Hôm 7/8, trong cuộc phỏng vấn với CNN Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, cho biết những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông gây ra phản ứng nghiêm khắc từ cộng đồng quốc tế.

“Bất cứ ai muốn dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng đều sẽ phải trả giá đắt”, Bộ trưởng Kono nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, mọi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cải tạo các bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông là “không đúng trật tự thế giới”.

Ngoài ra, Trung Quốc đã lắp đặt các khẩu đội tên lửa và triển khai máy bay chiến đấu cùng máy bay ném bom trên một số đảo nhân tạo đó. “Điều này đang gây mất ổn định. Trật tự hàng hải mở và tự do ở Biển Đông cũng quan trọng như bất kỳ nơi nào khác, và những gì xảy ra ở đó… sẽ khiến cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc”, ông Taro nói.

Về tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh Tokyo không đơn phương leo thang tình hình và tin rằng Bắc Kinh cũng đồng quan điểm. Theo đó động thái điều tàu vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku hơn 100 ngày liên tiếp của Trung Quốc vừa mới chấm dứt hồi đầu tháng 8 do bão Hagupit.

Cuối tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper kêu gọi các đồng minh và đối tác của Mỹ, bao gồm Nhật Bản cần tăng cường gây áp lực đối với Trung Quốc. Ông Esper cáo buộc Bắc Kinh coi thường các cam kết quốc tế ở Biển Đông.

Trong khi đó, hôm 5/8, tại Diễn đàn An ninh Aspen Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng cho biết Tokyo và Canberra đang “thực hiện hành động cụ thể để hỗ trợ những người bạn ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á”, trong khi Australia và Mỹ đều chia sẻ các giá trị chung.

http://biendong.net/diem-tin/36265-bo-truong-quoc-phong-nhat-tq-co-the-tra-gia-dat-ve-van-de-bien-dong.html

 

30 công ty Nhật đã nhận được trợ cấp,

rời từ Trung Quốc sang Đông Nam Á

Bình luậnĐông Phương

30 công ty Nhật Bản đã nhận được trợ cấp của chính phủ và có kế hoạch sử dụng số tiền này vào việc chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. 30 công ty này đã nhận được tổng cộng 12 tỷ yên Nhật (khoảng 113 triệu USD) tiền trợ cấp.

Hãng tin Bloomberg đưa tin ngày 7/8, sau khi virus Corona Vũ Hán bùng phát, Chính phủ Nhật Bản đã rất nhanh tuyên bố rằng họ sẽ chi tổng cộng 2,2 tỷ USD để giúp các công ty Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc và quay trở lại Nhật Bản, đồng thời cung cấp 220 triệu USD để giúp những công ty có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc và chuyển sang các quốc gia khác.

Tính đến tháng 7, gói trợ cấp đầu tiên đã được tung ra với tổng trị giá 70 tỷ yên (tương đương 653 triệu USD), mang lại lợi ích cho 87 công ty, bao gồm cả 30 công ty đã chuyển đến Đông Nam Á.

Trong đó, công ty Panasonic và nhà sản xuất phụ tùng ô tô Denso Corp sẽ chuyển đến Indonesia; nhà máy sản xuất đĩa thủy tinh dùng trong ổ cứng HOYA sẽ chuyển sang Việt Nam và Lào; nhà máy sản xuất găng tay cao su của Sumitomo sẽ được chuyển đến Malaysia; dây chuyền sản xuất nam châm đất hiếm của Shin-Etsu sẽ chuyển đến Việt Nam, v.v.

Công ty Fujikin của Nhật Bản sẽ sử dụng các khoản trợ cấp để chuyển dây chuyền sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam. Theo báo cáo, một nửa trong số 30 công ty nói trên đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Bloomberg dẫn lời ông Shinya Nojima, Chủ tịch Fujikin, nói rằng trước khi chính phủ Nhật Bản công bố chính sách trợ cấp, công ty đã xem xét việc nâng cao năng lực sản xuất của Việt Nam. Chính sách trợ cấp của chính phủ đến rất đúng lúc vì các nhà cung ứng Trung Quốc đã từng đóng cửa nhà máy do dịch bệnh nên khách hàng của Fujikin cũng lo lắng về việc các đơn đặt hàng có thể được hoàn thành đúng thời hạn hay không.

Ông Satoshi Kitajima, Phó Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), cũng cho biết có rất nhiều công ty đang chuyển sản xuất sang Việt Nam. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, số lượng các công ty Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng cao rõ rệt, ngay cả trước khi xảy ra chiến tranh thương mại và bệnh dịch bùng phát thì cũng đã xuất hiện tình trạng các công ty Nhật Bản chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Từ đầu năm nay, các nước Đông Nam Á đã tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Hồi tháng 7, ông Datuk Seri Azmin Ali, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia, cho biết việc các công ty Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc là cơ hội tốt để Malaysia thu hút đầu tư nước ngoài.

Hồi tháng 5, Tổng thống Indonesia cho biết sẽ giải quyết mọi vấn đề đối với đầu tư nước ngoài. Hồi tháng 6, Chính phủ Indonesia thông báo rằng 7 công ty nước ngoài sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia, với tổng vốn đầu tư 850 triệu USD, trong đó có 3 công ty của Nhật Bản.

Bloomberg cũng đề cập rằng trong 10 năm qua, lượng đầu tư ròng của Nhật Bản vào Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines là khoảng 139 tỷ đô la Mỹ.

Đông Phương

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/the-gioi/30-cong-ty-nhat-da-nhan-duoc-tro-cap-roi-tu-trung-quoc-sang-dong-nam-a-60086.html

 

Đài Loan: Bộ trưởng Y Tế Mỹ tới Đài Bắc

trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung

Tú Anh

Bất chấp phản ứng phẫn nộ của Bắc Kinh từ nhiều ngày nay, bộ trưởng Y Tế Mỹ Alex Azar đến Đài Bắc vào ngày hôm nay 08/08/2020. Đây là chuyến thăm viếng dầu tiên của một bộ trưởng Mỹ từ nhiều chục năm nay tại hải đảo mà Trung Quốc không loại trừ khả năng “thống nhất” bằng quân sự.

Theo hãng Blomberg, bộ trưởng Y Tế và Xã Hội của chính phủ Donald Trump đã đặt chân đến Đài Loan vào hôm nạy. Theo chương trình, ông sẽ lần lượt tiếp xúc với đồng sư và ngoại trưởng Đài Loan.

Nội dung của chuyến thăm viếng này, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, là thảo luận về các biện pháp chống dich và cung cấp thêm cho Đài Loan các phương tiện y tế, theo thông báo của bộ Y Tế Mỹ.

Bị Trung Quốc cô lập trong Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Đài Loan một mình đương đầu với siêu vi corona với kết quả ngoạn mục. Bộ trưởng Y Tế Alex Azar không quên nhấn mạnh đến điều mà ông gọi là “quan điểm chung”: “Một chế độ dân chủ và tự do là mô hình bảo vệ sức khỏe hiệu nghiệm nhất”.

Giới chuyên gia xem chuyến viếng thăm của bộ trưởng Y Tế trong chính phủ Donald Trump là một tín hiệu khuyến cáo Bẵc Kinh trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày căng thẳng từ kinh tế, thuơng mại, cho đến Covid-19 và Biển Động.

Trong bối cảnh này, theo bản tin NewsWeek hôm nay, hình ảnh vệ tinh xác nhận Trung Quốc tập trung nhiều xe lội nước đổ bộ và các dàn tên lửa PCL 191 về bờ biển đối diện với Đài Loan.

Trong khi đó, đảo Đông Sa của Đài Loan đã được tăng cường 200 thủy quân lục chiến đề phòng Trung Quốc ra tay bất ngờ biến cuộc tập trận đổ bộ thành tấn công quân sự.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200809-%C4%91%C3%A0i-loan-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-y-t%E1%BA%BF-m%E1%BB%B9-t%E1%BB%9Bi-%C4%91%C3%A0i-b%E1%BA%AFc-trong-b%E1%BB%91i-c%E1%BA%A3nh-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-m%E1%BB%B9-trung

 

Cư dân Hồng Kông đưa ra những phản ứng trái chiều

 về lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ

đối với đặc khu trưởng Carrie Lam

Những người dân Hồng Kông trò chuyện với Reuters vào hôm thứ Bảy (8/8) cho biết các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các viên chức hàng đầu của Hồng Kông sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hồng Kông, trong khi các nhà hoạt động và những cư dân khác hoan nghênh thông tin này.

Vào hôm thứ Sáu (7/8), Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam, các cảnh sát trưởng hiện tại và trong quá khứ của lãnh thổ cùng 8 viên chức hàng đầu khác vì vai trò của họ trong việc cắt giảm các quyền tự do chính trị ở lãnh thổ này.

Các biện pháp trừng phạt được áp đặt theo một lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump ký kết vào tháng trước để trừng phạt Trung Cộng vì những hành động của nước này chống lại giới bất đồng chính kiến ở Hồng Kông, và là hành động mới nhất từ chính quyền của ông chống lại Bắc Kinh trước thềm tranh cử vào tháng 11. Những cư dân khác lo sợ về tác động đối với nền kinh tế Hồng Kông.

Nhà hoạt động Joshua Wong của Hồng Kông phát hành một video tuyên bố ngay sau khi lệnh trừng phạt được công bố, thúc giục chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh trao cho người dân Hồng Kông quyền bầu cử tự do và các quyền khác được cam kết theo Tuyên bố chung Trung Cộng – Anh Quốc. Đây là hiệp ước được ký kết giữa Trung Cộng và Anh Quốc đặt ra các điều khoản để Hồng Kông quay về quyền cai trị của Trung Cộng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cu-dan-hong-kong-dua-ra-nhung-phan-ung-trai-chieu-ve-lenh-trung-phat-cua-hoa-ky-doi-voi-dac-khu-truong-carrie-lam/

 

Nathan Law: Mỹ trừng phạt 11 quan chức

Trung Quốc và Hồng Kông ‘chỉ là khúc dạo đầu’

Hương Thảo

Điều này một lần nữa, làm rõ ràng hơn và củng cố chiến lược tấn công của tổng thống Trump vào chính quyền Trung Quốc.

Về việc chính quyền Trung Quốc đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, Tổng thống Trump đã tuyên bố vào ngày 7/8 rằng 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, bao gồm cả Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam sẽ bị trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng và được thực thi sớm nhất trong vòng 24 giờ. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói “Hoa Kỳ sẽ không đứng yên khi người dân Hồng Kông bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp”.

La Quán Thông (Nathan Law), chủ tịch Đảng ‘Tất cả vì tháng 11’, dự đoán rằng các lệnh trừng phạt đối với bà Carrie Lam và những quan chức khác mới “chỉ là một khúc dạo đầu”, theo Sound Of Hope ngày 8/8.

Tên của 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông (HK) bị Hoa Kỳ trừng phạt bao gồm Đặc khu trưởng Carrie Lam; Bộ trưởng Tư pháp HK Zheng Ruohua; Bí thư Cục Hiến pháp và Đại lục HK Zeng Guowei;Lãnh đạo Văn phòng Chính quyền Trung ương Bắc Kinh tại Hồng Kông về Duy trì An ninh Quốc gia Zheng Yanxiong; Giám đốc Văn phòng kiêm Ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia kiêm Tổng thư ký Chen Guoji; Thư ký Cục An ninh HK Lý Gia Dục; Ủy viên Cảnh sát HK Tang Bingqiang; Cựu Ủy viên Lực lượng Cảnh sát HK Lu Weicong; Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Ma Cao

Xia Baolong; Phó Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Ma Cao Trương Hiểu Minh và Giám đốc Văn phòng Liên lạc Lạc Huệ Ninh.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 7/8, mặc dù phiên bản Hồng Kông của Đạo luật An ninh Quốc gia tuyên bố bảo vệ an ninh của Hồng Kông, nhưng nó thực sự là một công cụ để ĐCSTQ đàn áp nền dân chủ của Hồng Kông. Do đó Hoa Kỳ sẽ tuân theo “Đạo luật Tự trị Hồng Kông” và “Bình thường hóa Hồng Kông” do Tổng thống Mỹ Trump ký vào tháng Bảy, ra lệnh hành pháp trừng phạt những người chịu trách nhiệm phá hoại tự do và dân chủ của Hồng Kông, hạn chế thị thực của những quan chức này và đóng băng tài sản của họ.

Trang web của Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố tên đầy đủ bằng tiếng Trung và tiếng Anh, ngày sinh, địa chỉ, số chứng minh thư và số hộ chiếu của 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông bị trừng phạt.

Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ trong tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng hành động của chính quyền Hồng Kông là không thể chấp nhận được và vi phạm cam kết của ĐCSTQ đối với khuôn khổ một quốc gia, hai chế độ và hiệp ước đã đăng ký lên Liên hợp quốc – Tuyên bố chung Trung-Anh. Ông Pompeo cũng đã tweet rằng “Hoa Kỳ sẽ không đứng yên khi người dân Hồng Kông bị áp bức bởi ĐCSTQ”.

Hãng truyền thông Hoa Kỳ Bloomberg đưa tin rằng điều này thể hiện cuộc tấn công của tổng thống Trump vào ĐCSTQ một lần nữa và cũng cho thấy thái độ cứng rắn của ông đối với ĐCSTQ.

La Quán Thông, chủ tịch đảng sáng lập “Hương Cảng Chúng chí”, cũng đăng trên Facebook rằng Tổng thống Trump gần đây đã đẩy mạnh khắc chế Tiktok và WeChat vốn được ĐCSTQ sử dụng để lan truyền tin tức sai sự thật, và rằng Hồng Kông sẽ mất quy chế đối xử đặc biệt. Anh cho biết, điều này sẽ khiến “Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông cạn kiệt”, và chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt đối với bà Lâm và các quan chức ĐCSTQ “chỉ là một khúc dạo đầu”.

Tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch cũng tuyên bố rằng động thái này là một cột mốc quan trọng trong việc cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc biểu tình của người Hồng Kông, và kêu gọi chính phủ các nước khác cũng kích hoạt Đạo luật Magnitsky của chính họ để xử phạt những quan chức có liên quan nhằm bảo vệ nhân quyền ở Hồng Kông.

Theo Soundofhope

Hương Thảo biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/nathan-law-my-trung-phat-11-quan-chuc-trung-quoc-va-hong-kong-chi-la-khuc-dao-dau.html

 

Hong Kong quá rủi ro, giới nhà giàu Hong Kong

 chuyển vàng ra khỏi đất nước

Bình luậnTâm An

Giới nhà giàu Hong Kong đang tăng cường chuyển số vàng của mình ra khỏi trung tâm tài chính này với hy vọng bảo toàn được tài sản và tránh được tác động hà khắc của luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt.

Theo tờ Financial Times đưa tin hôm thứ Sáu (ngày 7/8), một đại lý và nhà cung cấp vàng có trụ sở tại Hong Kong cho biết xu hướng này bắt đầu khi thành phố phải đối mặt với các cuộc biểu tình hàng loạt trong 12 tháng qua vì dự luật dẫn độ mới.

Vào tháng 5, Trung Quốc đã áp đặt một đạo luật hà khắc đối với luật pháp và nền dân chủ của Hong Kong. Mặc dù Bắc Kinh khẳng định luật này là cần thiết vì các lý do an ninh, các nhà phê bình cho rằng điều này áp đặt sự kìm kẹp pháp lý đối với hòn đảo và vi phạm chính sách “Một quốc gia, hai hệ thống” đã có từ năm 1997.

Các nhà đầu tư đang đổ xô vào đầu tư vàng để tránh rủi ro tài chính đối với cuộc biểu tình lớn nhất mọi thời đại tại đây. Tuy nhiên, trong khi đó, nhiều nhà đầu tư giàu có ở Hong Kong đang chuyển vàng ra khỏi đất nước vì lo ngại về luật pháp hà khắc của Bắc Kinh.

Tờ Financial Times đã trích dẫn lời một số chuyên gia về vàng, rằng nhiều người giàu của thành phố này đang tìm cách chuyển vàng đến các quốc gia có môi trường địa chính trị an toàn hơn, chẳng hạn như Singapore hoặc Thụy Sĩ.

Trong vòng 12 tháng qua, các nhà đầu tư tư nhân đã chuyển khoảng 10% số vàng đang sở hữu tại Hong Kong sang các nước như Singapore và Thụy Sĩ, theo ông Joshua Rotbart, giám đốc J Rotbart & Co- một đơn vị môi giới và cung cấp dịch vụ cất giữ vàng ở Hong Kong.

Ông cho biết rằng xu hướng này đã tăng tốc khi các cuộc biểu tình hàng loạt diễn ra vào năm ngoái về dự luật dẫn độ giữa Hong Kong và Trung Quốc. Ông nói: “Nhiều khách hàng hiện nay đánh giá Hong Kong là khu vực rủi ro hơn so với các khu vực tài phán khác”.

Trung Quốc là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, nhưng chính quyền đại lục cấm đưa kim loại quý ra nước ngoài. Nhờ đó mà Hong Kong đã trở thành nơi cất giữ vàng tiện lợi cho những nhà đầu tư quốc tế và giới nhà giàu đại lục.

Một nhà phân tích giấu tên tại Hong Kong cho biết một số nhà đầu tư còn lo sợ khả năng “chọn nhầm phe” trong trường hợp xảy ra biến động chính trường. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung cũng là yếu tố thúc đẩy thay đổi nơi gửi vàng.

Ronan Manly, nhà phân tích kim loại quý tại BullionStar có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Các nhà đầu tư đang chuyển vàng từ Hong Kong sang Singapore vì họ không thích rủi ro và sự bất ổn”.

Manly nói rằng “sự ổn định và pháp quyền” là những lo ngại thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển vàng ra khỏi Hong Kong. Ông cho biết: “Trong tâm trí người nắm giữ vàng, lo ngại ngày một tăng, về an toàn cho vàng của họ và thậm chí là quyền sở hữu tài sản”.

Cuộc ‘biểu tình’ lịch sử của vàng

Lần đầu tiên giá vàng trên mức 2.000 USD/oz trong tháng này, do các nhà đầu tư kỳ vọng về các biện pháp kích thích tiền tệ lớn hơn và không có dấu hiệu cho thấy căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Hong Kong giảm bớt.

Theo Business Insider, sự leo thang của giá vàng đã tăng tốc vào cuối tháng 7, sau khi căng thẳng ngoại giao Mỹ-Trung trở nên tồi tệ và các nhà đầu tư đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn.

Hoa Kỳ đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston và Trung Quốc sau đó đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô vào cuối tháng trước.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ trong vài tháng qua, sau khi Hoa Kỳ vạch trần việc virus Corona Vũ Hán bắt nguồn từ Trung Quốc đã giết chết hơn 700.000 người và lây nhiễm cho hàng triệu trên toàn cầu, cho đến sự kiện Bắc Kinh ban hành luật an ninh ở Hong Kong và căng thẳng giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông.

Trước đây, các nhà phân tích cho rằng luật an ninh này có thể mở đường cho việc các công ty hủy niêm yết hàng loạt và chuyển hoạt động sang nước láng giềng Singapore, đồng thời làm suy yếu vị thế của trung tâm tài chính lớn thứ sáu thế giới này.

Ông Rotbart cũng thừa nhận rằng một số khách hàng đang lo lắng rằng luật này có thể dẫn đến sự gia tăng tội phạm trong thành phố.

Tâm An

Theo Business Insider

https://www.ntdvn.com/kinh-te/hong-kong-qua-rui-ro-gioi-nha-giau-hong-kong-chuyen-vang-ra-khoi-dat-nuoc-60060.html

 

Con đường thăng tiến của lãnh đạo đương nhiệm ĐCSTQ

 sau khi cản trở phong trào dân chủ sinh viên năm 1989

Bình luậnNguyễn Minh

Tập Cận Bình – người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có bề dày thành tích về việc tuân thủ chặt chẽ các chỉ đạo từ chính quyền trung ương trong quá trình lên nắm quyền.

Vụ Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn diễn ra vào ngày 4/6/1989. Lúc bấy giờ, ông Tập đang là bí thư cấp ủy địa phương của ĐCSTQ thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến.

Ông Tập nhận chức vụ bí thư cấp ủy tại Phúc Kiến vào năm 1988. Sau đó 1 năm, phong trào dân chủ sinh viên bùng nổ ở Trung Quốc. Họ kêu gọi cải cách dân chủ trong chính phủ Trung Quốc và tổ chức các cuộc biểu tình quần chúng gần Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh. Theo ước tính của các nhóm nhân quyền, vào ngày 4/6, chính quyền Bắc Kinh đã đưa quân đội đến để dập tắt các cuộc biểu tình, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Gần đây, một trang web chính thức của ĐCSTQ đã đăng một cuộc phỏng vấn của văn phòng phát thanh và truyền hình Phúc Kiến vào tháng 7/2017. Người được phỏng vấn là cựu giám đốc anh ninh công cộng ở thành phố Ninh Đức Chen Youcheng, đã tiết lộ những phản ứng của ông Tập với phong trào sinh viên vào ngày 4/6/1989.

Phản ứng của ông Tập trước phong trào sinh viên

Khi phong trào sinh viên diễn ra, ông Chen Youcheng đang là giám đốc an ninh công cộng ở thành phố Ninh Đức. Ông cho biết phong trào sinh viên cũng ảnh hưởng đến địa phương. Một nhóm sinh viên ở tỉnh Chiết Giang đã đi qua thành phố Ninh Đức để đến Phúc Kiến. Họ viết các khẩu hiệu của phong trào lên các phương tiện giao thông.

Vào thời điểm đó, ông Tập Cận Bình đang là bí thư thành ủy tại thành phố Ninh Đức, đã đưa ra chỉ thị như sau: “Đầu tiên, chúng ta phải hiểu và tuân theo các chỉ thị của trung ương và đảng. Thứ hai, chúng ta phải kiên quyết ngăn không cho sinh viên tiến vào Phúc Kiến, và các khẩu hiệu cũng không được xuất hiện ở Ninh Đức hoặc Phúc Kiến”.

Ông Chen cho biết, các trạm kiểm soát đã được thiết lập theo hướng dẫn của ông Tập tại ranh giới tỉnh Fenshuiguan. Một mặt, họ thuyết phục sinh viên quay về trường, mặt khác, họ rửa sạch các khẩu hiện trên các biển báo của các phương tiện giao thông.

Trong thời điểm nhạy cảm về chính trị, ông Chen nói rằng ông Tập đã đưa ra nhiều chỉ thị để đảm bảo sự ổn định và duy trì an ninh công cộng trong toàn khu vực.

Vào ngày 30/7/1989, ông Tập cũng đã gặp cảnh sát địa phương và chụp ảnh để thể hiện sự “duy trì sự nhất quán cao độ với ĐCSTQ và kiên quyết tuân theo sự chỉ huy của chính quyền này”.

Một năm sau khi phong trào sinh viên nổ ra, ông Tập được thăng chức làm Bí thư thành ủy thành phố Phúc Châu. Năm 1993, ông trở thành tỉnh ủy viên tại tỉnh Phúc Kiến. Năm 1996, ông Tập được thăng chức làm Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến, và năm 1999, lên làm Phó tỉnh trưởng kiêm Tỉnh trưởng lâm thời, và cuối cùng vào năm 2000 là Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến.

Kết quả với những quan chức khác

Những quan chức không phản đối cuộc đàn áp của ĐCSTQ với phong trào sinh viên đã bị cách chức hoặc bị gạt ra ngoài lề. Ví dụ điển hình là Triệu Tử Dương, khi đó đang là Tổng Bí thư của ĐCSTQ. Ông Triệu đã phản đối cuộc đàn áp phong trào sinh viên của nhà lãnh đạo tối cao lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình; vậy nên ông Triệu đã bị cách chức và bị quản thúc tại gia trong 15 năm cho đến tháng 1/2005, khi ông qua đời.

Khi ấy, Thư ký chính sách của ông Triệu là Bao Tong cũng bị cách chức và bị bắt trước khi vụ thảm sát diễn ra vào tháng Sáu. Thư ký Bao bị bỏ tù trong 7 năm. Đây là quan chức cấp cao nhất bị kết án trong phong trào dân chủ sinh viên Trung Quốc năm 1989.

Nguyễn Minh

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/con-duong-thang-tien-cua-lanh-dao-duong-nhiem-cua-dcstq-sau-khi-can-tro-phong-trao-dan-chu-sinh-vien-nam-1989-59838.html

 

Liệu Trung Quốc có thực tâm hoà hoãn với Hoa Kỳ?

Nguyễn Trường

Chính sách của Trung Quốc qua phát biểu của Vương Nghị

Trong buổi trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã ngày 6/8, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có những đánh giá về quan hệ Trung – Mỹ hiện nay và đưa ra phản hồi về một số điểm đối đầu chính trong quan hệ giữa hai nước.

Ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc luôn duy trì tính liên tục và ổn định trong chính sách đối với Mỹ, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức trong quan hệ Trung-Mỹ, đồng thời đưa ra tín hiệu rằng Trung Quốc không mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục đi đến đáy. Ông thừa nhận quan hệ Trung-Mỹ đang đối mặt với cục diện nghiêm trọng nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, song Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc tạo ra “Chiến tranh Lạnh mới”.

Phân tích về bài phát biểu mới nhất của Vương Nghị, các học giả cho rằng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra chủ trương cơ bản là “dĩ hòa vi quý” trong chính sách đối với Mỹ, nhấn mạnh không muốn đấu nhau với Mỹ đến mức cả hai bên tổn hại, đều thua và trong thời gian tới cũng không chạy đua với Mỹ về việc gây ra sức ép lên nhau, thậm chí có thể áp dụng các biện pháp đối phó linh hoạt hơn. Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh chia rẽ quan hệ Trung-Mỹ, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đối phó với tình hình xấu nhất.

Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc luôn mong muốn cùng Mỹ xây dựng “quan hệ Trung-Mỹ phối hợp hài hòa, hợp tác và ổn định”, đồng thời sẵn sàng ứng phó một cách bình tĩnh và hợp lý trước những kích động và nôn nóng của Mỹ, xoa dịu cục diện căng thẳng hiện nay thông qua đối thoại bình đẳng và mang tính xây dựng.

Ông cho rằng cần phải thiết lập một khuôn khổ rõ ràng cho quan hệ Trung-Mỹ, bao gồm cả việc từ chối chia rẽ, duy trì hợp tác. Ông chỉ rõ, bên cạnh việc tạo ra lợi ích phát triển sáng tạo, toàn cầu hóa và thương mại tự do cũng mang lại những mâu thuẫn và vấn đề đối với cơ cấu kinh tế và phân phối lợi ích của mỗi bên. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh hơn nữa thông qua tự cải cách, thay vì mong đợi việc “chia rẽ, tách rời” để giải quyết vấn đề.

Theo ông Vương Nghị, lợi ích Trung–Mỹ giao thoa sâu sắc, việc tách rời một cách cưỡng bức sẽ gây ra tác động lâu dài đến quan hệ song phương và gây nguy hiểm cho an ninh của chuỗi công nghiệp quốc tế và lợi ích của các nước.

Phó giáo sư Thành Hiểu Hà của Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng bài phát biểu mới nhất của Vương Nghị cho thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Mỹ về cơ bản là ổn định, phát đi các tín hiệu “hòa hợp” và “hướng về phía trước”. Chuyên gia Thành Hiểu Hà dự đoán trước khi chính phủ khóa mới của Mỹ lên nắm quyền, Trung Quốc sẽ không nhất thiết phải áp dụng chiến lược ngoại giao trả đũa tương xứng trong ngoại giao với Mỹ, khiến quan hệ Trung-Mỹ không thể kiểm soát và tiếp tục xấu đi. Ông nói: “Trong thời gian tới, có thể thấy Trung Quốc suy nghĩ lý tính nhiều hơn, khoan dung và không muốn leo thang thêm xung đột ngoại giao với Mỹ”.

Về cơn bão ngoại giao xung quanh việc đóng cửa trụ sở tổng lãnh sự quán của nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong tháng 7/2020, ông Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc không mong muốn và không có lợi ích trong việc gây ra một “cuộc chiến ngoại giao” với Mỹ, nhưng cảnh báo rằng “nếu Mỹ tiếp tục phạm sai lầm, thì Trung Quốc sẽ theo đến cùng”.

Ngày 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có bài phát biểu cứng rắn về Trung Quốc tại Thư viện Tổng thống Nixon ở California. Các nhà phân tích cho rằng đây là một trong những yếu tố trực tiếp để ông Vương Nghị tổ chức buổi phỏng vấn này.

Về tuyên bố của ông Pompeo rằng các chính sách tiếp xúc với Trung Quốc của các chính quyền Mỹ tiền nhiệm đã thất bại, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng lập luận này đã trở lại tâm lý Chiến tranh Lạnh, phủ nhận hoàn toàn những thành tựu của trao đổi Trung-Mỹ trong mấy chục năm qua. Ông nói rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối việc tạo ra một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới” và nhấn mạnh: “Trung Quốc ngày nay không phải là Liên Xô năm xưa, chúng tôi càng không có ý định trở thành một nước Mỹ thứ hai”.

Vương Nghị khẳng định Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể tôn trọng chế độ xã hội của Trung Quốc, tôn trọng sự lựa chọn của người dân Trung Quốc và từ bỏ chủ nghĩa can thiệp đã thất bại. Nguyên văn trong phát biểu của ông ta như sau: “Mỹ cũng nên vứt bỏ mộng tưởng về cải tạo Trung Quốc theo nhu cầu của mình, đình chỉ can thiệp vô lý vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đình chỉ chèn ép ngang ngược các quyền lợi chính đáng của Trung Quốc”.

Phó giáo sư Lý Minh Giang của Học viện Quan hệ Quốc tế Rajalenan thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore) cho rằng bài phát biểu của Vương Nghị mang đậm ý tứ kêu gọi gửi đến Mỹ, nhằm truyền tải những thông điệp chính sách rõ ràng hơn tới Mỹ, nhưng hiệu quả thực tế còn hạn chế.

Lý Minh Giang cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với sức ép to lớn từ chủ nghĩa dân tộc ở trong nước. Bài phát biểu của Vương Nghị cũng là lý lẽ gửi đến người dân Trung Quốc, không để người dân  trong nước hiểu lầm phản ứng bình tĩnh và lý trí của chính quyền Trung Quốc trước sự hung hăng của Mỹ là đang nhượng bộ và chịu khuất phục trước Mỹ.

Vấn đề biển Đông trong phát biểu của Vương Nghị

Ở một khía cạnh khác, Vương Nghị chỉ ra rằng Mỹ gần đây đang không ngừng gieo rắc các rắc rối ở Biển Đông, vi phạm cam kết không nghiêng về bên nào trong nhiều năm qua, đồng thời cố ý gây chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), qua đó nhằm mục đích “trói buộc các nước trong khu vực lên chiếc chiến xa của Mỹ, từ đó phục vụ chính trị nội bộ và địa chiến lược của Mỹ”.

Ông Vương Nghị cảnh báo Biển Đông không thể trở thành chiến trường của chính trị quốc tế, đồng thời kiến nghị loại bỏ mọi sự can thiệp, nhanh chóng nối lại tham vấn về “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC). Điều này cho thấy có khả năng Trung Quốc hy vọng thông qua những hành động cụ thể để giảm bớt căng thẳng gần đây trên Biển Đông nhằm đạt được COC để giảm sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề Biển Đông. Bộ Ngoại giao Và cũng có khả năng Trung Quốc sẽ hành động để đẩy nhanh đàm phán COC nhằm trấn an các nước Đông Nam Á, tuy nhiên bản COC này phải “theo ý” Trung Quốc.

Hoa Kỳ tiếp tục cảnh báo âm mưu của Trung Quốc

Ngày 6/8, Lầu Năm Góc cho biết, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã bày tỏ quan ngại về hành động “gây bất ổn” của Trung Quốc gần Đài Loan và Biển Đông.

Phát biểu trước các phóng viên, người phát ngôn của Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nêu rõ: “Bộ trưởng Esper cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc tuân thủ luật pháp, pháp chế, tiêu chuẩn và đáp ứng những cam kết quốc tế”.

Người phát ngôn cũng cho biết thêm Bộ trưởng Esper tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương “mang tính xây dựng, ổn định và hướng tới một kết quả”.

Ngày 5/8, trả lời câu hỏi tại Diễn đàn an ninh Aspen trực tuyến, Bộ trưởng Mark Esper cho rằng thế giới đang chứng kiến Trung Quốc ngày càng trở nên “hung hăng hơn” trong đại dịch COVID-19 và hành động theo cách trái với quy tắc quốc tế. Trung Quốc đang cố gắng lợi dụng thảm họa COVID-19 để tạo lợi thế cho các mục đích tuyên truyền. Các hành vi của Trung Quốc đã thực sự quá mức, chúng tôi thấy họ tiếp tục cố gắng và phô trương sức mạnh ở Biển Đông.

Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Esper nêu rõ: “Trung Quốc đã đánh chìm một tàu cá Việt Nam vài tháng trước”

Thời gian gần đây, Trung Quốc đang xây dựng một loạt tổ hợp giám sát trải rộng trên nhiều khu vực ở Biển Đông. Nhiều địa điểm thuộc vùng biển của Trung Quốc, song một số khác lại thuộc vùng biển quốc tế.

Dư luận đang dấy lên nhiều lo lắng, ít nhất là bởi khả năng phục vụ cả các mục tiêu dân sự và quân sự của mạng lưới này. Dù có bề ngoài là các công trình và hệ thống dân sự, song những hạ tầng được nhắc đến có thể là một phần nỗ lực của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) nhằm kiểm soát Biển Đông. Rất khó để tưởng tượng những dữ liệu giám sát mà hệ thống này thu về sẽ không được PLAN tiếp cận và sử dụng cho các mục tiêu quân sự. Đây cũng có thể chỉ là “bề nổi” của mạng lưới giám sát quy mô hơn, hầu hết đều nằm dưới đáy biển, những hạ tầng góp phần củng cố lợi thế chiến lược của Trung Quốc trong khu vực trước các quốc gia khác, và có thể được dùng để giám sát hoạt động của Hải quân Mỹ.

Thêm nữa, Trung Quốc mới đây đã sửa đổi các quy định về đường thủy với nội dung nhấn mạnh các “vùng duyên hải”, thay vì cụm từ “ngoài khơi” như trước. Trang tin Indo-Pacific News cho rằng “Trung Quốc đang tích cực thể hiện quyền kiểm soát tại vùng biển (Biển Đông). Vì vậy việc thay đổi cụm từ ngoài khơi sang duyên hải có thể là bước tiếp theo để quốc gia này hợp thức hóa các tuyên bố chủ quyền của mình (tại Biển Đông)”. Chưa rõ các tổ hợp giám sát đang được thiết lập rộng khắp ở Biển Đông có thực sự hữu ích cho mục tiêu này hay không, song sự hiện diện của chúng trong các vùng biển khu vực cũng đã có những ý nghĩa biểu tượng rất đáng chú ý.

Tiến sỹ Collin Koh, nhà nghiên cứu làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam School cho rằng mạng lưới này không chỉ đơn thuần có giá trị biểu tượng trên phương diện chính trị. Ông nói: “Khu vực này bao gồm các vùng biển nhạy cảm… Hải Nam là căn cứ quan trọng của Hải quân PLA, với tư cách không chỉ là một căn cứ của lực lượng hải quân, mà còn là căn cứ đảm bảo năng lực răn đe hạt nhân trên biển”. Ông cho rằng những tổ hợp kể trên phản ánh khả năng kiểm soát ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với vùng biển khu vực, và trong trường hợp cần thiết, những hạ tầng này có thể nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu phục vụ vấn đề an ninh.

Theo một số nguồn tin, các tổ hợp giám sát mới được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo ngoài khơi bờ biển phía Đông của đảo Hải Nam. Cùng với các đảo nhân tạo và Vạn lý Trường thành Ngầm, những hạ tầng này thiết lập nên một mạng lưới giúp Trung Quốc thâu tóm quyền kiểm soát khu vực, thậm chí là cả vùng biển quốc tế. Và từ đó, Trung Quốc sẽ từng bước củng cố sự hiện diện của mình ở khắp mọi ngõ ngách của Biển Đông.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/does-china-really-want-to-recocile-with-the-us-08082020135457.html

 

6 lý do ‘ngoại giao chiến lang’ của Trung Quốc

bỗng hạ giọng

Hương Thảo

Trong một bài bình luận về 3 vấn đề thời sự liên quan đến động thái của chính quyền Trung Quốc thời gian gần đây, chuyên gia Đường Hạo đã chỉ ra 6 lý do ngoại giao “chiến lang” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột nhiên dịu giọng.

Sau đây là trích đoạn bình luận của ông Đường Hạo, được Epoch Times tổng hợp:

Hội nghị Bắc Đới Hà là một khái niệm đề cập đến việc các quan chức cấp cao hiện tại và đã nghỉ hưu của ĐCSTQ đến khu vực Bắc Đới Hà để nghỉ hè vào khoảng đầu tháng 8 hàng năm. Đồng thời, thông qua dịp không chính thức này để đàm phán và thảo luận các vấn đề chính trị. Cuộc họp này có tác động đáng kể đến việc sắp xếp nhân sự và các chính sách trong tương lai của chế độ ĐCSTQ.Hội nghị Bắc Đới Hà không nằm trong lịch trình chính thức và khá kín đáo. Tuy nhiên, lịch trình gần đây của lãnh đạo Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường từ ngày 31/7 chưa được cập nhật, có thể có nghĩa là họ đã đến Bắc Đới Hà để tham dự cuộc họp.

Điều đáng chú ý là cách đây ít lâu, ĐCSTQ và Hoa Kỳ đều đã đưa ra những tuyên bố và hành động cứng rắn, còn truyền thông chính thức và Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì thi nhau cắn xé thế giới theo kiểu “sói chiến” (chiến lang), gây bất bình và lên án từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, vào đêm trước của Hội nghị Bắc Đới Hà, những giọng điệu sói chiến của ĐCSTQ đột nhiên biến mất.

Vào ngày 30/7, Thôi Thiên Khải, đại sứ của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã viết cho trang tin tức chính trị của Hoa Kỳ Politico, rằng Trung Quốc sẵn sàng dùng “thiện chí và sự chân thành để phát triển quan hệ Trung-Mỹ”, rằng “tương lai và vận mệnh của quan hệ Trung-Mỹ vẫn là đối thoại và hợp tác thay vì đối đầu”.

Vào ngày 4/8, Thôi Thiên Khải một lần nữa nhấn mạnh tại một diễn đàn rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc nên hợp tác, không nên đối đầu. Cùng ngày, có thông tin cho rằng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại Trung Quốc, một lần nữa sẽ hội đàm với đại diện Lighthizer của Mỹ để đánh giá việc thực hiện hiệp định thương mại.

Vào ngày 5/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa xã rằng “Trung Quốc sẽ đối mặt với sự hối thúc và quan ngại của Mỹ bằng sự bình tĩnh và lý trí”. Ông ta cũng đề xuất rằng Mỹ và Trung Quốc nên “tránh đối đầu” và “đối thoại thẳng thắn”; “Từ chối phân tách và duy trì hợp tác”.

Nói cách khác, chính sách ngoại giao sói chiến của ĐCSTQ dường như thay đổi hình dạng ngay lập tức, trở thành “ngoại giao chim bồ câu”. Các quan chức ĐCSTQ đột ngột thay đổi giọng điệu từ xã hội đen hung hãn thành biểu hiện nhân tính. Tại sao vậy? ĐCSTQ đã thực sự thay đổi quan điểm của mình? Dĩ nhiên là không.

Theo tôi, đây chỉ là việc ĐCSTQ tạm thời buông sự hung dữ của loài sói và dùng vẻ ngoài “ranh mãnh và xảo quyệt” của loài sói để tìm cách tự bảo vệ tạm thời. Tại sao? Có một số lý do chính:

Lý do 1: Hội nghị Bắc Đới Hà ẩn chứa cuộc đấu tranh nội bộ khốc liệt

Hiện tại, hội nghị Bắc Đới Hà đã bắt đầu. Trong hai năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã tạo ra hàng loạt thất bại và di chứng do hàng loạt đánh giá sai lầm, không chỉ về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, mà còn có vấn đề Hồng Kông, bầu cử Đài Loan, quản lý dịch bệnh, và tình hình Biển Đông. Sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc, dịch bệnh và thiên tai vẫn là những rủi ro lớn.

Do đó, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có khả năng phải đối mặt với sự chỉ trích và công kích từ nhiều phe phái khác nhau trong đảng và những lão niên của triều đại trước, khiến ông Tập Cận Bình phải chịu áp lực thoái vị. Do đó, đối với ông Tập Cận Bình, tính cấp thiết và tầm quan trọng của những áp lực chính trị trong nước hiện nay và các cuộc đấu tranh phe phái quan trọng hơn quan hệ Mỹ – Trung.

Do đó, chính quyền Bắc Kinh muốn kêu gọi hợp tác với Mỹ trong thời điểm hiện tại, đưa ra “quân bài không chiến tranh” và tập trung giải quyết cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng.

Lý do 2: Tránh leo thang xu hướng chống cộng quốc tế và giảm áp lực chống Tập Cận Bình

Từ chiến tranh thương mại, Hồng Kông, dịch bệnh đến Biển Đông, ĐCSTQ đã áp dụng các biện pháp hung hãn và khiêu khích đối với hàng loạt vấn đề này, gây bức xúc thế giới, và khiến Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới lên tiếng phản đối ĐCSTQ, thậm chí dần dần hình thành một “liên minh chống ĐCSTQ” để ngăn chặn và cô lập ĐCSTQ, với các hành động ngày càng quyết liệt.

Do đó, Bắc Kinh có thể đã cảm thấy áp lực to lớn và quyết định tạm gác tư thế “con sói chiến tranh hung dữ” và đeo mặt nạ “chim bồ câu hòa bình” để trước tiên cố gắng ngăn chặn cuộc điều tra của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Kinh, đồng thời cũng để xoa dịu sự phản đối trong ĐCSTQ đối với những người nắm quyền.

Lý do 3: Lo lắng Mỹ sẽ hoàn toàn “điểm huyệt để phong bế”

Hoa Kỳ gần đây đã chỉ cử “Bốn hiệp sĩ” đưa ra một “cuộc thảo luận cộng đồng” toàn diện, kêu gọi toàn thế giới và nhân dân Trung Quốc hợp lực chống lại ĐCSTQ và thúc đẩy sự thay đổi của chế độ ĐCSTQ.

Mỹ cũng đã tiến hành một loạt cuộc chiến thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh ngoại giao, chiến tranh truyền thông… và đã thông qua một số dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các

công ty Trung Quốc và quan chức ĐCSTQ; thậm chí còn chuẩn bị đóng băng tài sản các đảng viên ĐCSTQ và gia đình họ ở nước ngoài bằng các biện pháp xử phạt tài sản, cấm nhập cảnh, hủy visa…

Gần đây, Hoa Kỳ đã chặn thêm TikTok và WeChat phiên bản nước ngoài, đồng thời tuyên bố sẽ “thanh lọc mạng” và có kế hoạch chặn tất cả các ứng dụng điện thoại di động và thiết bị mạng 5G liên quan đến ĐCSTQ, đồng thời chuẩn bị tách rời khỏi Trung Quốc trên Internet và công nghệ.

WeChat, vốn được người Hoa ở nước ngoài sử dụng phổ biến, cũng bị chỉ trích là “phần mở rộng của ĐCSTQ”.

Hãy nghĩ về điều đó, những ứng dụng phần mềm Trung Quốc mà Hoa Kỳ nhắm tới không chỉ là công cụ giúp ĐCSTQ đánh cắp dữ liệu từ người dùng ở nước ngoài và giám sát xã hội ở nước ngoài, mà quan trọng hơn, những phần mềm và công ty này liên quan đến lợi ích to lớn của các nhóm quyền lực và giàu có của ĐCSTQ.

Một khi các công ty và phần mềm này bị Hoa Kỳ loại bỏ, và nguy cơ các quốc gia khác cũng làm theo, thì chắc chắn sẽ gây tổn hại lớn đến lợi ích của các nhóm quyền lực của ĐCSTQ. Do đó, ĐCSTQ có thể đã cố gắng thực hiện nhấn phanh khẩn cấp nhằm làm dịu Hoa Kỳ, với hy vọng ngăn Hoa Kỳ và các quốc gia khác hoàn toàn “hạ bệ ĐCSTQ” và phá hủy kho bạc và ví tiền của giới quyền lực của ĐCSTQ.

Lý do 4: Quân đội Hoa Kỳ sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông

Trước đó, việc ĐCSTQ thường xuyên quân sự hóa và bành trướng ở Biển Đông không chỉ xung đột với các nước láng giềng ở Biển Đông mà còn liên tục gây hấn với Mỹ để biến Biển Đông trở thành kho thuốc súng quốc tế mới.

Gần đây, Mỹ không chỉ điều hai hàng không mẫu hạm đến Biển Đông và Ấn Độ Dương, mà còn tiến hành một số cuộc tập trận chung với Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Ấn Độ và các nước đồng minh khác, thậm chí còn cử máy bay quân sự bay gần đất liền Trung Quốc để trinh sát tình báo quân sự. Rõ ràng, Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho cuộc chiến thực tế lâu dài ở Biển Đông.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị tích cực của Hoa Kỳ cho chiến tranh dường như đã khiến ĐCSTQ phát hiện ra điều gì đó không ổn. Họ nhận thấy rằng các phương pháp “giả vờ” và “tấn công văn hóa và đe dọa quân sự” không thể đánh lừa chính quyền Trump. Thay vào đó, nó đã thu hút một số lượng lớn quân đội và sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ vào Biển Đông. Bị bao vây tứ phía, Bắc Kinh cảm thấy áp lực hơn.

Chúng tôi đã phân tích nhiều lần trước đây rằng ĐCSTQ hiện không có đủ sức mạnh chiến đấu để chống lại Hoa Kỳ, và có quá nhiều rủi ro và khủng hoảng phải lo lắng. Có lẽ Hoa Kỳ cũng đã nhìn ra điểm này. Vì vậy, họ sẵn sàng “chơi ra chơi” trước các chiêu trò dọa dẫm “uốn cong cơ bắp” của ĐCSTQ, khiến nó phải rút lui và hô hào “tìm kiếm hòa bình” và “hợp tác” để tránh trường hợp hai bên thực sự giao chiến với nhau. Bởi sự đối đầu quân sự có thể khiến sự thật về sức mạnh quân sự của ĐCSTQ được phơi bày ra thế giới, và cũng có thể mang đến một cuộc khủng hoảng chính trị cho những kẻ nắm giữ quyền lực.

Lý do 5: Kinh tế trong nước suy thoái và nguồn cung lương thực eo hẹp

Tình hình kinh tế ở Trung Quốc vẫn còn khó khăn, vấn đề thất nghiệp và khủng hoảng nợ vẫn còn trầm trọng. Ngoài ra, trong những ngày gần đây, lũ lụt, châu chấu, côn trùng di cư mùa thu, thời tiết khắc nghiệt và tham nhũng đã làm tổn hại nghiêm trọng đến lịch trình sản xuất và cung cấp lương thực của Trung Quốc.

Do đó, một khi Mỹ và Trung Quốc gây chiến, không chỉ người dân và quân đội Trung Quốc đồng thời rơi vào khủng hoảng lương thực, mà nền kinh tế và tài chính của Trung Quốc cũng sẽ sụp đổ, khó có thể chống chọi với sự tàn phá của chiến tranh.

Lý do 6: Khiến địch bị dịch, chờ thay đổi

Sau khi đọc năm yếu tố đầu tiên, bạn sẽ hiểu tại sao ĐCSTQ không sẵn lòng và không muốn gây chiến với Hoa Kỳ. Vì vậy, ĐCSTQ hy vọng sẽ tạm thời dịu đi để làm chậm đà và áp lực của Hoa Kỳ, đồng thời câu kéo thêm thời gian để nạn dịch tiếp tục hoành hành Hoa Kỳ và thế giới, làm suy yếu sức mạnh kinh tế và quân sự của các nước, cho phép ĐCSTQ từng bước có được lợi thế so sánh.

Mặt khác, đó cũng là kế hoãn binh để chờ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, để xem ông Trump có thể được bầu lại làm Tổng thống hay không, rồi mới quyết định chiến lược tiếp theo để đối phó với Mỹ.

Chạy nếu không thể chiến đấu và giả vờ hợp tác nếu không thể chiến đấu, đây là chiến lược ngụy trang phổ biến trong lịch sử ĐCSTQ. Bây giờ ĐCSTQ đang nhẫn nhịn với Hoa Kỳ, hiển nhiên cũng muốn làm suy yếu thực lực của đối phương bằng dịch bệnh, ém binh chờ thời để lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ.

Theo Li Hao, The Epoch Times

Hương Thảo biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/6-ly-do-ngoai-giao-chien-lang-cua-trung-quoc-bong-ha-giong.html

 

Hoàn Cầu Thời Báo:

Trung Quốc liên tục tập trận để cảnh báo

các hoạt động của Mỹ ở Đài Loan và Biển Đông

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 9/8 cho biết quân đội Trung Quốc trong các tuần qua và các tuần tới đã và sẽ liên tục có các cuộc tập trận đổ bộ và trên biển nhằm cho thấy sự quyết tâm và khả năng của quân đội nước này, và cảnh báo Mỹ không nên có những hành động nguy hiểm gần Đài Loan và ở Biển Đông.

Hoàn Câu Thời Báo trích thông tin từ Truyền hinh Trung ương Trung Quốc cho biết Bộ binh Trung Quốc đóng ở tỉnh Quảng Đông mới đây đã thực hiện một cuộc tấn công trên bờ biển, giả định một sự đối đầu giữa bên tấn công và bên phòng vệ ở tỉnh Hải Nam.

Theo đó, một lữ đoàn đã lên một tàu đổ bộ vào chiều tối, ra khơi và đêm và đến tiền tuyến vào sáng sớm hôm sau. Với sự trợ giúp của pháo đạn thật từ nhiều hệ thống phóng tên lửa, lực lượng đổ bộ đã chiếm được bờ biển.

Thuỷ quân lục chiến của quân đội Trung Quốc mới đây cũng đã tập trận ở Quảng Đông, có sử dụng các thiết bị lưỡng cư và tàu tấn công.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, từ ngày 16 đến 17 tháng 8, hai cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển sẽ được thực hiện ở tỉnh Chiết Giang.

Những cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc diễn ra vào lúc có những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, hôm 8/8, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ đã xuất hiện ở biển Hoa Đông, trong khi một máy bay P-8A săn tàu ngầm của Mỹ được phá hiện đang thu thập thông tin ở khu vực eo biển Đài Loan.

Cũng theo Hoàn Cầu Thời Báo, tỏng vòng nửa năm qua, Hoa Kỳ dưa máy bay đến khu vực Biển Đông hơn 2.000 lần.

Từ ngày 17 đến 31 tháng 8 tới đây, Hoa Kỳ và các nước sẽ có cuộc tập trận thường niên mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/pla-forces-hold-landing-drills-amid-us-military-provocations-08092020101312.html

 

TQ xây dựng mạng lưới giám sát ở biển Đông

Trung Quốc đã và đang xây dựng một loạt các nền tảng giám sát trải dài trên các phần của biển Đông. Một số được nói là nằm trong vùng biển Trung Quốc, nhưng một số thiết bị đang trôi nổi trên vùng biển quốc tế.

Chuyên gia hàng hải H.I Sutton viết trên tạp chí Forbes rằng, điều này gây tranh cãi, khi các thiết bị giám sát mang tính lưỡng dụng, có nghĩa là có thể được sử dụng cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

“Mặc dù có vẻ bề ngoài là dân sự, nhưng đây có thể được xem là một phần trong các nỗ lực của hải quân Trung Quốc (PLAN) nhằm kiểm soát biển Đông. Thật không thực tế khi cho rằng PLAN không truy cập các dữ liệu này cho mục đích quân sự. Và chúng có thể là một phần của mạng cảm biến lớn hơn nhiều, hầu hết chúng không được nhìn thấy bên dưới các con sóng. Điều này củng cố lợi thế chiến lược của Trung Quốc so với các quốc gia khác trong khu vực và có thể được sử dụng để theo dõi các động thái của hải quân Mỹ”, tác giả Sutton viết.

Theo nghiên cứu của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, các nền tảng giám sát là một phần những gì Trung Quốc gọi là Mạng lưới thông tin biển xanh. Một số thông tin về chúng đã được tiết lộ tại triển lãm hàng hải và hàng không vũ trụ quốc tế Langkawi năm 2019.

Các nền tảng này được trang bị một loạt cảm biến và thiết bị thông tin liên lạc. Chúng bao gồm các tháp cảm biến điện-quang/hồng ngoại, radio tần số cao. Hầu hết có một vòm radar lớn, có thể là cảm biến chính. Các nền tảng không có người, và hiếm khi cần bảo trì. Với các nền tảng này, Trung Quốc được cho là đã tăng cường phạm vi phủ sóng radar trên biển Đông.

Theo Forbes, một mạng lưới bên dưới các con sóng được gọi là Vạn lý trường thành dưới biển. Đây sẽ là một mạng lưới thiết bị định vị thủy âm đặt dưới đáy biển. Ở một số khía cạnh, nó tương tự hệ thống SOSUS nổi tiếng được hải quân Mỹ triển khai trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng công nghệ được ứng dụng ở đây mới hơn nhiều và phù hợp với môi trường khu vực.

“Việc Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng mạng lưới cảm biến ở đáy biển là chuyện công khai, nhưng công nghệ, vị trí của chúng là một bí mật quân sự. Và không giống như các nền tảng cảm biến nổi, tàu bè đi qua không thể phát hiện mạng lưới cảm biến này”, ông Sutton viết.

Những năm gần đây, Trung Quốc xây dựng các căn cứ không quân và trạm radar trên các rạn san hô mà họ chiếm đóng trái phép. “Các tòa nhà trên đảo (nhân tạo) thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Các nền tảng giám sát thì không”, ông Sutton nhận định.

Indo-Pacific News, một tài khoản Twitter chuyên theo dõi các hoạt động của Trung Quốc trên biển, cho rằng gần đây Trung Quốc xây dựng lại các quy định vận tải biển, chỉ định khu vực đặt mạng lưới giám sát là “vùng nước ven bờ”. Indo-Pacific News nhận định, cho dù các nền tảng giám sát có trực tiếp tham gia quá trình ra quyết định hay không, chúng đều mang tính biểu tượng ở những vùng biển này, nơi sự hiện diện rất có ý nghĩa.

Tiến sĩ Collin Koh, thành viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, tin rằng, đó không chỉ là biểu tượng chính trị. “Khu vực này có nhiều địa điểm nhạy cảm”, ông Koh nói. “Hải Nam là một căn cứ quan trọng đối với PLAN, không chỉ là một trung tâm của lực lượng hải quân mà còn là công cụ răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc”.

Những nền tảng giám sát mới được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo ngoài khơi bờ biển phía đông của Hải Nam. Kết hợp với các đảo nhân tạo và “Vạn lý trường thành” dưới biển, chúng cung cấp cho Trung Quốc cơ sở hạ tầng để kiểm soát khu vực, ngay cả trong vùng biển quốc tế.

http://biendong.net/doc-bao-viet/83-phap-luat-bien/36259-tq-xay-dung-mang-luoi-giam-sat-o-bien-dong.html

 

TQ “phát điên”

vì Bộ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ thăm Đài Loan

Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Aza đã đáp máy bay hành chính của Hoa Kỳ và đến sân bay Tùng Sơn Đài Bắc vào chiều Chủ nhật(9/8) theo giờ địa phương.

Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar (phải) dự kiến có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khi đến thăm hòn đảo cuối tuần này.

Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan, ông là quan chức nội các cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan chấm dứt vào năm 1979 và là quan chức nội các Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Đài Loan trong sáu năm.

Bắc Kinh tuyên bố rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối các trao đổi chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.

Theo Agence France-Presse, Bộ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ Alex Azar sẽ bắt đầu chuyến thăm ba ngày tới Đài Loan. Trong chuyến thăm, ông sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan đưa tin rằng Thứ Hai tới (10 tháng 8) Azar sẽ đến Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan để ký một bản ghi nhớ hợp tác.

Trần Thì Trung, chỉ huy Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Trung ương, cho biết nội dung hợp tác Đài Loan-Hoa Kỳ sẽ không được công bố vào ngày mai, và các trao đổi về y tế, sức khỏe và vật chất sẽ được thảo luận.

Theo báo cáo, các quan chức từ Bộ Ngoại giao Đài Loan và Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan sẽ tham dự lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác vào thứ Hai. Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan dẫn lời ông Trần Thì Trung cho biết, cùng với sự tham gia của giới truyền thông, “số lượng người khá đông và CDC đang đẩy mạnh các cuộc tập trận lặp đi lặp lại để thực hiện phân tách các tuyến giao thông và bảo vệ cá nhân”.

Tờ “United Daily News” của Đài Loan đưa tin người phát ngôn của Bộ Y tế Hoa Kỳ tuyên bố rằng chuyến đi của Azar là để “chuyển tải sự khẳng định của Hoa Kỳ về những thành tựu của Đài Loan trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh viêm phổi Corona mới, đồng thời chứng kiến rằng Đài Loan và Hoa Kỳ có chung niềm tin rằng một xã hội dân chủ và cởi mở là thành công. Cách duy nhất để đối phó với dịch bệnh”.

Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan tuyên bố trong một thông cáo báo chí đăng trên trang web chính thức của họ vào ngày 5 tháng 8 rằng “Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký” Đạo luật Du lịch Đài Loan “vào năm 2018 để cử các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đến Đài Loan và nhắc lại rằng Hoa Kỳ và Đài Loan Tình hữu nghị, theo đuổi lợi ích chung và ủng hộ các giá trị chung kết nối Hoa Kỳ, Đài Loan và gia đình dân chủ toàn cầu. Chuyến thăm này là một phần trong chính sách này của Hoa Kỳ”.

Thông cáo báo chí nêu rõ, “Trong chuyến thăm Đài Loan, Bộ trưởng Azhar cũng sẽ có bài phát biểu quy mô lớn trước các sinh viên sau đại học về y tế công cộng và cựu sinh viên của chương trình đào tạo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ. Bộ trưởng sẽ nhấn mạnh vai trò của Đài Loan trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Đóng vai trò kiến tạo trong lĩnh vực này”.

Chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Azza trùng với thời điểm quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc ngày càng xấu đi. Đồng thời, chỉ còn chưa đầy 90 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 11.

Mặc dù Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí chính của Đài Loan, họ vẫn thận trọng trong việc duy trì liên lạc chính thức với Đài Loan.

Douglas Paal, cựu giám đốc Văn phòng Đài Bắc của Hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan, nói rằng chính quyền Trump vẫn chú ý (và không vượt qua) lằn ranh đỏ của Trung Quốc, vì vậy không có quan chức Mỹ nào chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề an ninh quốc gia đến thăm Đài Loan.

Trong một cuộc phỏng vấn với Agence France-Presse, Baodaoge cho biết: “Trên thực tế, họ (chính quyền Trump) không chọn cử cố vấn an ninh quốc gia hoặc những người khác đến thăm Đài Loan. Mục đích là cố gắng tiến gần nhất có thể đến lằn ranh đỏ của Trung Quốc, nhưng họ không muốn đi qua nó”.

Hôm thứ Tư (5/8), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tuyên bố trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối các trao đổi chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Ông nói: “Vấn đề Đài Loan là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ”. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Nguyên tắc một Trung Quốc được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Mọi nỗ lực phớt lờ, phủ nhận hoặc thách thức nguyên tắc một Trung Quốc sẽ thất thủ”.

Bắc Kinh tưởng muốn “phát điên” khi Mỹ chuẩn bị kí hợp đồng vũ khí cực lớn với Đài Loan hợp đồng trị giá lên đến 4 tỷ 623,5 triệu USD. Hợp đồng bao gồm 100 khẩu pháo tự hành M-109A6, 11 hệ thống dàn phóng phản lực nhiều nòng cơ động cao (HIMARS) M-142, 10 máy bay trực thăng săn ngầm MH-60R “Seahawk”, 4 chiếc máy bay trinh sát không người lái MQ-9B “SeaGuardian”. Đài Loan còn đặt mua các tên lửa chống hạm Harpoon loại đặt trên bờ.

Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ bán máy bay không người lái cho Đài Loan. MQ-9B “SeaGuardian” có khung thân có thể mang vũ khí, nhưng tiền đề là phải được hợp đồng của chính phủ Mỹ cho phép.

Máy bay trinh sát không người lái mang tên MQ-9B “SeaGuardian” có tầm hoạt động tới 6.000 hải lý (11.100 km), lớn hơn nhiều so với phi đội máy bay không người lái hiện có của Đài Loan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã tuyên bố trong một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 7/8, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và quy định của ba thông cáo chung Trung-Mỹ, đặc biệt là các quy định của “Thông cáo ngày 7 tháng 8” và gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng các chuẩn tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”.

Ông Uông nhắc lại rằng, vấn đề Đài Loan có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Quyết tâm bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc là không thể lay chuyển.

Trung Quốc đề nghị phía Mỹ nhận thức đầy đủ tác hại nghiêm trọng của việc bán vũ khí cho Đài Loan và chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan và mọi quan hệ quân sự giữa Mỹ với Đài Loan, để không làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan.

T.P

http://biendong.net/diem-tin/36274-tq-phat-dien-vi-bo-truong-bo-y-te-hoa-ky-tham-dai-loan.html

 

Huawei ngừng sản xuất

chip điện thoại thông minh vì chế tài của Mỹ

Đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei cho biết họ sẽ ngừng sản xuất chip điện thoại thông minh tiên tiến nhất của họ vào tháng 9 do các chế tài của Mỹ, gây nên “tổn thất to lớn.”

Huawei – nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới – đã trở thành một vấn đề then chốt trong mối quan hệ địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ nói Huawei đề ra mối nguy đáng kể về an ninh mạng vì các thiết bị của công ty có thể được dùng để do thám.

Áp lực của Mỹ đối với các nhà cung cấp của Huawei đã khiến bộ phận chip HiSilicon của công ty không thể tiếp tục sản xuất bộ chip, những linh kiện quan trọng cho điện thoại di động, Giám đốc điều hành Huawei Dư Thừa Đông phát biểu trên một diễn đàn công nghệ vào ngày thứ Sáu. Ông nói bộ chip Kirin 9000 cao cấp của công ty sẽ đình chỉ sản xuất từ ngày 15 tháng 9 do các chế tài của Mỹ.

Washington đã ngăn chặn Huawei tiếp cận nguồn cung cấp kinh kiện và công nghệ ở Mỹ bao gồm nhạc của Google và các dịch vụ điện thoại thông minh khác vào năm ngoái.

Những hạn chế đó được siết chặt vào tháng 5 khi Nhà Trắng cấm các nhà cung cấp trên toàn thế giới sử dụng công nghệ của Mỹ để sản xuất các linh kiện cho Huawei.

Công ty Sản xuất Thiết bị Bán dẫn Đài Loan (TSMC) sản xuất chip Kirin 9000 sử dụng thiết bị của Mỹ đã ngừng nhận đơn đặt hàng từ Huawei kể từ tháng 5 vì lo ngại có thể bị ảnh hưởng.

“Điện thoại di động của Huawei không có nguồn cung cấp chip, điều này khiến lượng hàng của chúng tôi trong năm nay thấp hơn 240 triệu chiếc (xuất xưởng năm ngoái),” ông Dư nói. “Đây là tổn thất to lớn đối với chúng tôi.”

Washington cũng đã phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm cô lập công ty này của Trung Quốc, vốn đang dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu để triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông 5G.

Chính phủ Anh đã nhượng bộ trước áp lực ngày càng tăng của Mỹ và đầu tháng này tuyên bố đến năm 2027 sẽ loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G của mình, bất chấp cảnh báo trả đũa từ Bắc Kinh.

Úc và Nhật Bản cũng đã có những bước đi ngăn chặn hoặc hạn chế sự tham gia của Huawei trong việc triển khai mạng 5G của họ, trong khi các nhà khai thác viễn thông Châu Âu bao gồm Telenor của Na Uy và Telia của Thụy Điển đã không chọn Huawei làm nhà cung cấp.

https://www.voatiengviet.com/a/huawei-ngung-san-xuat-che-tai-thong-minh-vi-che-tai-cua-my/5535966.html

 

Dấu ấn tuần qua: Trong khi chịu đòn đau,

 Bắc Kinh đáp trả Mỹ bằng những ‘cú đánh phủi bụi’

Lục Du

Những diễn biến của mối quan hệ Mỹ-Trung tuần qua cho thấy, trong khi Hoa Kỳ “ra đòn” nhanh, mạnh, dứt khoát và chính xác về phía Bắc Kinh, thì chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục chỉ biết “múa máy” và tung những “cú đánh” vô lực về phía đối phương.

Trong bài phát biểu tại Thư viện Richard Nixon hôm 23/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chỉ ra rằng điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sợ nhất là sự thật, sợ hơn bất cứ kẻ thù nào của họ.

Điều mà ông Pompeo khẳng định đã được minh chứng bằng lịch sử, chính quyền Trung Quốc được cho là sinh ra từ dối tra và nó cần duy hộ dối trá để tồn tại, vì thế lực lượng này luôn coi sự thật là kẻ thù lớn nhất cần phải triệt hạ.

Việc Bắc Kinh bị Hoa Kỳ và nhiều nước dân chủ cáo buộc sử dụng các công ty công nghệ như Huawei, ZTE, hay các ứng dụng TikTok hoặc WeChat để thu thập thông tin tình báo đã phản ánh phần nào phương thức tồn tại dựa vào lọc lừa và dối trá của chính quyền Trung Quốc.

Hiểu rõ vấn đề, các “đòn” tấn công của Hoa Kỳ từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền thường tập trung vào việc răn đe và ngăn chặn hành vi xuất phát từ bản chất dối trá của Bắc Kinh. Và theo thời gian, các cú “ra đòn” của chính quyền Trump về phía ĐCSTQ ngày càng trở nên dồn dập hơn, khiến Bắc Kinh không khỏi “tối tăm mặt mũi”.

Tiếp tục ‘hứng đòn’

Một trong những “đòn” mạnh mẽ nhất trong tuần qua mà Hoa Kỳ giáng về phía chính quyền Trung Quốc là việc Tổng thống Trump, vào thứ Năm, đã ký sắc lệnh cấm mọi thực thể thuộc Mỹ giao dịch với công ty mẹ của hai ứng dụng làm gián điệp cho Bắc Kinh là TikTok và WeChat.

Một chuyên gia bình luận với đại ý rằng, nếu các nước tự do cũng làm như Mỹ thì sẽ khiến Trung Quốc trở thành ốc đảo và phải từ bỏ tham vọng làm bá chủ Internet.

Trong hôm thứ Năm, Tổng thống Trump cũng đã ký sắc lệnh hành pháp thúc đẩy việc sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế trong nước để tránh phải phụ thuộc vào nguồn cung các loại sản phẩm này từ Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng 10 quan chức khác của chính quyền đặc khu và Trung Quốc đại lục vì làm suy yếu quyền tự trị của hòn đảo.

Cùng ngày, Chính quyền Trump công bố kế hoạch buộc các doanh nghiệp Trung Quốc không tuân thủ các chuẩn mực kế toán của Hoa Kỳ phải huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Cũng trong ngày thứ Sáu, Reuters đưa tin, Hoa Kỳ đang trong quá trình đàm phán để chuyển giao ít nhất 4 máy bay không người lái tân tiến cho Đài Loan, giúp hòn đảo thường xuyên bị Bắc Kinh dọa nạt vững tin hơn trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền.

Những ‘cú đánh phủi bụi’

Không chấp nhận bị tấn công, Bắc Kinh đã “vùng lên” đáp trả Hoa Kỳ bằng một số phát biểu và động thái, nhưng chủ yếu chỉ mang tính trình diễn.

Một ngày sau khi Mỹ ra lệnh cấm TikTok và WeChat, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối” hành động này của Mỹ.

Trước đó một ngày, giống như mọi khi, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến lại đăng đàn để chống Mỹ bằng “mồm”. Lần này ông Hồ thách đố Hoa Kỳ với khẩu khí rất mạnh rằng “Nếu Hoa Kỳ thực sự có khả năng và dám chơi lớn, thì hãy quyết định ‘thiết lập quan hệ ngoại giao’ với Đài Loan và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh đi. Có dám không?”.

Phát biểu của ông Hồ đưa ra sau khi Mỹ có kế hoạch cử Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar tới thăm Đài Loan. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối chuyến thăm này, tuy nhiên, Đài Bắc hôm thứ Năm xác nhận rằng chuyến đi của ông Azar sẽ vẫn diễn ra vào ngày Chủ nhật (9/8). Hôm thứ Tư, nhà báo Bill Gertz của Washington Times đưa ra đề nghị: Hoa Kỳ nên thay đổi chính sách “một Trung Quốc” và công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.

Hôm thứ Tư, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải, cáo buộc Mỹ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông khi liên tục điều tàu đến khu vực này. Cùng ngày, Taiwan News đưa tin, Bắc Kinh tự ý phân loại các tuyến hàng hải quốc tế nằm giữa đảo Hải Nam và Hoàng Sa.

Trước đó một ngày, hôm thứ Ba, Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối các hành động cứng rắn của chính quyền Trump đối với các phóng viên của họ tại Mỹ, khi không gia hạn thị thực cho những người này, nói rằng Hoa Kỳ “đạo đức giả”, và hăm dọa Bắc Kinh sẽ có hành động đáp trả.

Sợ hãi

Những “cú đánh túi bụi” của chính quyền Trump về phía Bắc Kinh dường như đã làm cho thế lực cầm quyền ở Trung Quốc “thấm đòn”. Các phản ứng của lực lượng này trong tuần qua thể hiện rõ điều đó, họ đã phải hạ giọng với Mỹ, và làm lộ ra phần nào sự sợ hãi, mặc dù vẫn bộc lộ “thói giảo biện” vốn là bản chất.

Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã hôm thứ Tư, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã “trải lòng” về mối quan hệ Trung-Mỹ. Ông Vương nói rằng Bắc Kinh không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh lạnh mới, và rằng Trung Quốc sẵn sàng tái khởi động đối thoại với Hoa Kỳ ở tất cả các cấp để giảm bớt căng thẳng và “đưa ra một khuôn khổ rõ ràng” trong mối quan hệ giữa hai nước.

“Trung Quốc ngày nay không phải là Liên Xô trước đây. Chúng tôi không có ý định trở thành một Hoa Kỳ khác. Trung Quốc không xuất khẩu ý thức hệ và không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”, ông Vương nói.

“Thông điệp của chúng tôi khá rõ ràng: chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng hành động với thái độ kiêu ngạo và thành kiến, mà hãy đối thoại mang tính xây dựng với chúng tôi trên cơ sở bình đẳng”, ông Vương nói thêm.

Đề cập tới Biển Đông, một điểm xung đột lớn trong quan hệ Mỹ-Trung, ông Vương nói đây là “ngôi nhà chung của các quốc gia trong khu vực”, và đưa ra lời khuyên rằng không nên để vùng biển này trở thành “một sàn đấu chính trị quốc tế”.

Tiếp theo, ông Vương có ý tứ với Hoa Kỳ rằng “tâm lý tổng bằng không” (người thua, ta được) nên được loại bỏ và hai nước nên làm việc cùng nhau trong việc ngăn chặn đại dịch viêm phổi Vũ Hán và khôi phục kinh tế, đóng vai trò có trách nhiệm trong thế giới đa phương.

Trong một động thái muốn làm hòa với Mỹ, hôm thứ Năm, Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm Giám đốc Văn phòng Ngoại giao của ĐCSTQ, Dương Khiết Trì, đã đăng một bài viết, hơn 6000 ngàn chữ, trên Tân Hoa Xã, với tựa đề “Kiên định gìn giữ và ổn định mối quan hệ Trung-Mỹ bằng mọi giá”.

Ngoài phần trách nhẹ Mỹ lấy lệ, phần lớn nội dung bài viết ôn lại kỷ niệm 41 năm “Hữu nghị Trung – Mỹ”, truyền thông điệp rằng “hợp tác sẽ có lợi cho cả hai, còn như đấu đá sẽ gây tổn hại cho cả hai”, đồng thời cho rằng cần phải “hợp tác và cùng có lợi” với Mỹ, triển khai đối thoại và gắn kết với nhau trên nhiều lĩnh vực, và rằng “Phía Trung Quốc trước sau vẫn mở rộng cánh cửa đối thoại và thắt chặt tình hữu nghị với Hoa Kỳ”.

Kết cục tất yếu

Rõ ràng, không dễ để các quan chức của ĐCSTQ xuống nước như thế này với Mỹ, ngoài sức ép mạnh mẽ từ Washington khiến Bắc Kinh “khó thở”, thì những khó khăn mà lực lượng này đang gặp phải là hệ quả tất yếu từ lịch sử sinh tồn bất hảo của ĐCSTQ khiến họ phải hành xử theo cách này.

Gian manh và độc ác rốt cuộc sẽ không thể có kết cục tốt đẹp, đây là quy luật đã được tổng kết trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn minh nhân loại, cũng như trong giáo lý của các chính giáo vốn giúp duy trì đạo đức cho con người.

Li Hengqing, một cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa từng ​​tham gia cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, chia sẻ với The Epoch Times rằng ĐCSTQ, lực lượng luôn tìm cách để người dân lẫn lộn họ với nhân dân Trung Quốc, là loại “nói dối không đỏ mặt”. Còn giáo sư Hứa Chương Thuận, một nhà hoạt động nhân quyền bị tù đầy nhiều năm, nói rằng suốt 70 năm cầm quyền ĐCSTQ đã tạo ra “núi xác chết và biển máu”.

Ngày 22/7, trong chuyến khảo sát thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm, Tổng Bí Thư ĐCSTQ Tập Cận Bình buột miệng nói ra câu: “gây dựng cơ nghiệp đã khó, giữ vững cơ nghiệp càng khó hơn”. Người ta cho rằng ông Tập nói gở, báo hiệu ngày trả giá cho thói gian manh và độc ác của ĐCSTQ không còn xa.

https://www.dkn.tv/khac/dau-an-tuan-qua-trong-khi-chiu-don-dau-bac-kinh-dap-tra-my-bang-nhung-cu-danh-phui-bui.html

 

TQ đã chuẩn bị để hạ bệ đồng USD thế nào?

Sau khi Nga nhận đòn trừng phạt từ Mỹ thì Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị kỹ càng để đối mặt chứ không phải tránh né đòn của Mỹ.

 Đồng nhân dân tệ đang thực sự thách thức đồng USD?

Trung Quốc đã lao vào cuộc chiến thương mại với Mỹ hơn 1 năm qua và chuẩn bị trước nguy cơ bước vào cuộc chiến mới: cuộc chiến tài chính.

Đề xuất loại bỏ Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán ngân hàng SWIFT (thông qua Mã định danh doanh nghiệp – Business Identifier Codes – BIC) đã bắt đầu xuất hiện ở Nghị viện Mỹ, khi những nhà lập pháp Mỹ đồng tình với quan điểm cho rằng, chính Trung Quốc là nguồn cơn khiến dịch bệnh bùng phát và phát tán sang Mỹ.

Thực tế cho thấy, việc ngắt kết nối Trung Quốc – nền kinh tế sản xuất lớn nhất thế giới – khỏi SWIFT sẽ dẫn đến sự sụp đổ tài chính toàn cầu. Bắc Kinh tham gia kinh doanh quốc tế bằng đồng USD, và cả ở nước ngoài, họ sở hữu tài sản phi tài chính với số tiền ước tính khoảng 2.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu trong bối cảnh Washington đã dùng đến chiêu thức này để khởi động cuộc đối đầu tài chính thì Trung Quốc rõ ràng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh đã chuẩn bị cho cuộc chiến này từ năm 2014, khi Nga đã phải đón lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ vì sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea.

Thứ nhất, sau các sự kiện năm 2014, khi vấn đề Nga có thể bị ngắt kết nối khỏi SWIFT được đặt ra, Trung Quốc đã ra mắt hệ thống chuyển khoản ngân hàng quốc gia CIPS (Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc) vào năm 2015. Người Trung Quốc thường xuyên tận dụng các công nghệ đã được kiểm chứng, thậm chí cải tiến chúng: khi thanh toán bằng Nhân dân tệ, chi phí giảm do không cần phải chuyển đổi tiền tệ và các hoạt động khác.

Các chuyên gia lưu ý rằng không loại trừ khả năng kết nối CIPS Trung Quốc với SPFS của Nga. Nếu cần thiết, nó có thể được triển khai và sử dụng trong khuôn khổ hiệp hội không chính thức BRICS (Brazil, Russia, India, China và South Africa), nhóm chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu.

Thứ hai, vào năm 2016, đồng Nhân dân tệ đã được đưa vào rổ quyền rút vốn đặc biệt của IMF, giúp tăng vị thế của nó như một công cụ tài chính toàn cầu.

Thứ ba, Bắc Kinh đang tích cực thúc đẩy ý tưởng về “đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số” như là một phần của tiền điện tử đầy hứa hẹn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – DCEP (Thanh toán tiền điện tử kỹ thuật số Digital Currency Electronic Payment – DC/EP).

Thay vì dự trữ bằng đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tính tiền kỹ thuật số của mình cho các ngân hàng thương mại. Không giống như bitcoin, đây là phiên bản điện tử của đồng tiền quốc gia Trung Quốc, được đảm bảo bởi dự trữ nhà nước.

Khách hàng sẽ có thể mở ví trong ngân hàng và sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để thanh toán với nhau với chi phí thấp hơn và mức độ bảo mật cao, vì điều này giúp loại bỏ nguy cơ bị trừng phạt của bên thứ ba. Sáng kiến này đã gây ra mối quan tâm lớn trong Cục Dự trữ Liên bang (FED) Mỹ.

Tại Trung Quốc, việc phổ biến đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng được quảng bá tích cực. Các thử nghiệm thí điểm về “đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số” đã được tổ chức tại bốn thành phố lớn của Trung Quốc và sẽ ra mắt thế giới vào dịp diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/36234-tq-da-chuan-bi-de-ha-be-dong-usd-the-nao.html

 

Đảng viên ĐCSTQ là thành viên cấp cao nhất

tại công ty mẹ của TikTok

Bình luậnDu Miên

ByteDance – chủ sở hữu Trung Quốc của ứng dụng chia sẻ video TikTok, có hơn 130 nhân viên thuộc Đảng bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trực thuộc công ty. Nhiều người trong số những nhân viên này làm việc ở các vị trí quản lý, một tài liệu nội bộ tiết lộ.

Số lượng Đảng viên ĐCSTQ nắm giữ các vị trí trong ban quản lý ByteDance càng chứng tỏ mối quan hệ của công ty với chế độ độc tài này, làm dấy lên những lo ngại về an ninh đối với TikTok.

Theo luật, các công ty Trung Quốc được yêu cầu thành lập các đơn vị trực thuộc ĐCSTQ ngay tại văn phòng của họ để đảm bảo rằng các chính sách kinh doanh và nhân viên tuân theo đường lối của ĐCSTQ. Công ty ByteDance được thành lập vào tháng 3/2012, sau đó đã thành lập Đảng bộ vào tháng 10/2014.

Theo quy định của ĐCSTQ, ủy viên thuộc Đảng bộ của công ty được bổ nhiệm tại các hội nghị chính trị. Các thành viên này sẽ phục vụ theo nhiệm kỳ 5 năm.

Không rõ chính xác có bao nhiêu Đảng viên hoặc ủy viên Đảng bộ trong số 60.000 nhân viên của ByteDance tại 230 văn phòng toàn cầu; danh sách mà The Epoch Times có được chỉ là một phần của danh sách các ủy viên Đảng bộ  tại trụ sở chính của công ty ở Bắc Kinh.

Theo danh sách nội bộ, tại văn phòng trụ sở chính, có ít nhất 138 nhân viên – hầu hết ở các vị trí quản lý hoặc kỹ thuật – thuộc thành ủy Bắc Kinh có sức ảnh hưởng tại công ty. 60 người trong danh sách nắm giữ vai trò quản lý.

Tài liệu này bao gồm chi tiết tên họ đầy đủ, giới tính, ngày sinh, ngày gia nhập ĐCSTQ, số chứng minh nhân dân và vị trí công việc của từng thành viên trong công ty, chẳng hạn như quản lý hoặc kỹ thuật.

Bản danh sách được tiết lộ trong bối cảnh chính phủ Hoa Kỳ đang tăng cường giám sát TikTok và các ứng dụng do Trung Quốc sở hữu khác vì lý do an ninh quốc gia. Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, dữ liệu cá nhân của người Mỹ do TikTok thu thập có thể bị Bắc Kinh truy cập, vì các công ty Trung Quốc đều phải tuân theo ĐCSTQ.

ByteDance đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Ngày 6/8, Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh hành pháp cấm các giao dịch của Hoa Kỳ với ByteDance và gã khổng lồ internet Trung Quốc Tencent Holdings Ltd. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau 45 ngày. Tổng thống Trump cũng đã trao cho ByteDance cơ hội đến ngày 15/9 để bán TikTok cho Microsoft hoặc một công ty Mỹ khác. Microsoft xác nhận rằng họ đang đàm phán để mua ứng dụng đình đám này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo từng cho biết, các hành động của chính quyền Hoa Kỳ nhắm vào các ứng dụng của Trung Quốc nhằm giải quyết “một loạt các rủi ro an ninh quốc gia do phần mềm kết nối với ĐCSTQ gây ra”.

Danh sách các Đảng viên cho thấy mức độ liên kết với ĐCSTQ của ByteDance, và sự gắn bó trong lịch sử lâu dài của gã khổng lồ công nghệ về việc hợp tác với các cơ quan chức năng để kiểm duyệt.

Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty là ông Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) và các giám đốc điều hành cấp cao khác đã nhiều lần công khai bày tỏ mong muốn công ty ủng hộ các mục tiêu của ĐCSTQ.

James Carafano, phó chủ tịch Viện Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quỹ Di sản, cho biết số lượng thành viên ĐCSTQ tại ByteDance là điển hình cho các công ty Trung Quốc.

“Tất cả các công cụ quyền lực đều gắn liền với ĐCSTQ, và bao gồm cả các công cụ quyền lực kinh tế”, ông Carafano nói với The Epoch Times.

Ông nói rằng ở Trung Quốc, không có sự minh bạch về mối liên kết giữa các công ty tư nhân và ĐCSTQ, do đó “các công ty này thực sự không nên được đối xử và tin cậy theo cách bạn vẫn thực hiện với các công ty khác trong thương mại toàn cầu.”

Phó chủ tịch Carafano cho biết, sự hiện diện của ByteDance tại Hoa Kỳ thông qua TikTok làm dấy lên lo ngại, vì công ty này sẽ có quyền truy cập vào lượng lớn dữ liệu cá nhân của người Mỹ. Những đảm bảo từ TikTok rằng họ hoạt động độc lập với ByteDance là “không có giá trị”, ông nói thêm.

Ông Carafano cho biết: “Đó là một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc. Bạn không tin tưởng vào phần mềm [đó]. Bạn không tin tưởng vào việc họ xử lý dữ liệu. Và bạn không tin rằng họ độc lập với sự chỉ đạo của [ĐCSTQ]“.

Danh sách thành viên ĐCSTQ trong các cấp quản lý của ByteDance

Zhang Fuping, “tổng biên tập” kiêm phó chủ tịch của công ty, trước đây từng được nhắc đến trong các tin tức của truyền thông Trung Quốc với tư cách là thư ký ủy ban ĐCSTQ của công ty. Tên của ông cũng xuất hiện trong danh sách tên mà The Epoch Times có được.

Phó chủ tịch Zhang phụ trách các nhiệm vụ liên quan đến kiểm duyệt cho các nền tảng mạng xã hội của công ty.

Trong các bản tin trước đây của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Zhang cho biết luôn sẵn sàng thúc đẩy các chính sách kiểm duyệt của ĐCSTQ.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4/019 với Tân Hoa xã, ông Zhang giải thích rằng an ninh mạng đối với công ty có nghĩa là “dư luận có thể được dẫn dắt theo hướng đúng đắn… tràn đầy năng lượng tích cực và thúc đẩy các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”.

Danh sách tên nội bộ mà The Epoch Times có được tiết lộ rằng nhiều quản lý cấp cao của ByteDance cũng là ủy viên Đảng bộ công ty.

Ủy viên Đảng bộ Zhang Nan (nam) được liệt kê là nhân viên trực tiếp báo cáo cho một trong 14 giám đốc điều hành hàng đầu của ByteDance, trong một sơ đồ tổ chức do trang tin tức The Information thu được vào tháng 4/2019. 14 người đó sẽ báo cáo trực tiếp cho Giám đốc điều hành Trương Nhất Minh.

Nhân viên Zhang Nan đã được thăng chức vào tháng Ba lên vị trí giám đốc kinh doanh của ứng dụng Feishu, theo một báo cáo của trang tin công nghệ Lei News của Trung Quốc. Công cụ này kết hợp các ứng dụng cộng tác khác nhau vào một nền tảng duy nhất.

Trong khi đó, Meng Haibo là giám đốc bộ phận công vụ của ByteDance, theo một báo cáo năm 2018 của tờ báo nhà nước Youth Hangzhou. Ông phụ trách “các vấn đề liên quan đến hợp tác với chính phủ” và đứng đầu các dự án phân tích dữ liệu lớn, theo báo cáo.

Dang Liya, quản lý cấp cao của các ứng dụng đào tạo ngôn ngữ của ByteDance, đã gia nhập Đảng vào năm 2013.

Các nhân viên khác trong danh sách là những người quản lý cấp thấp hơn tại các cơ sở kinh doanh khác nhau của công ty, theo nghiên cứu của The Epoch Times.

Ví dụ, Xia Yong là tổng biên tập của Toutiao, một ứng dụng tổng hợp tin tức phổ biến thuộc sở hữu của ByteDance, trong khi Xia Manxue là giám đốc sản phẩm thương mại ở đó, theo trang LinkedIn của cô.

Chính sách tuyển dụng của công ty cũng ưu tiên cho các Đảng viên. Ví dụ: thông báo tuyển dụng việc làm gần đây của công ty cho vị trí “biên tập viên” phụ trách theo dõi nội dung liên quan đến các vấn đề thời sự đã nêu rõ rằng vị trí tuyển dụng này “ưu tiên cho các ứng viên là đảng viên ĐCSTQ”.

ByteDance hợp tác với cảnh sát của ĐCSTQ

Vào ngày 25/4/2019, ByteDance đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan phụ trách lực lượng cảnh sát của đất nước này.

Cảnh sát địa phương thường xuyên bắt bớ và giam giữ những người đăng thông tin bị chính quyền cho là nhạy cảm.

Tại buổi lễ ký kết, Giám đốc Cục Tuyên giáo Bộ Công an Chiêm Tuấn (Zhan Jun) phát biểu: “Chúng ta nên sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến mới để truyền tải tiếng nói tốt  đẹp của cảnh sát Trung Quốc, kể những câu chuyện tốt đẹp về cảnh sát, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của cảnh sát chúng ta, và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa cảnh sát và nhân dân”.

Truyền thông nhà nước China Police Net đưa tin rằng ByteDance sẽ giúp thiết lập và vận hành tài khoản Toutiao và Douyin cho từng sở cảnh sát trong tất cả các chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc — ở cấp

thành phố và quận — cũng như tại Bộ Công an Quốc gia. Báo cáo cho biết thêm, ByteDance sẽ giúp quảng bá các bài đăng do tài khoản cảnh sát tạo ra.

Theo bản báo cáo, cảnh sát Trung Quốc sở hữu hơn 50.000 tài khoản mạng xã hội trên nhiều nền tảng khác nhau và có hơn 100 triệu người theo dõi.

Du Miên

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/dang-vien-dcstq-la-thanh-vien-cap-cao-nhat-tai-cong-ty-me-cua-tiktok-59819.html

 

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lao dốc trước e ngại

 lệnh trừng phạt tiềm tàng của chính quyền Mỹ

Quý Khải

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lao dốc trước e ngại lệnh trừng phạt tiềm tàng của chính quyền Mỹ

Ảnh từ Reuters.

Tổng thống Trump vừa ban hành sắc lệnh hành pháp cấm hai ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc, làm dậy sóng thị trường tài chính. Trong khi các lệnh trừng phạt đối với ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok được bàn luận rộng rãi trong vài tuần qua, thì lệnh cấm WeChat — và có khả năng là cả công ty mẹ Tencent  —  có thể có nhiều tác động hơn, theo bình luận của Fan Yu trên tờ The Epoch Times ngày 8/8.

Tin tức về lệnh cấm của Chính quyền Trump đối với WeChat ở Mỹ đã khiến cổ phiếu Tencent lao dốc tới 10% tại sàn Hồng Kông hôm thứ Sáu (7/8), trước khi phục hồi và đóng cửa phiên giao dịch với giá trị thị trường giảm khoảng 5%. Nói cách khác, lệnh hành pháp của ông Trump đã làm bốc hơi 35 tỷ USD giá trị của Tencent.

Mặc dù WeChat có 1 tỷ người dùng trên toàn cầu, nhưng số người dùng ở Mỹ rất nhỏ và chủ yếu giới hạn trong những người Trung Quốc ở hải ngoại và các chủ doanh nghiệp Mỹ đang tìm kiếm cách thức liên lạc nhanh chóng hơn với các nhà cung cấp Trung Quốc của họ. Vì vậy, sự sụt giảm giá trị thị trường lên tới 35 tỷ USD là không tương xứng với hoạt động kinh doanh của WeChat tại Hoa Kỳ.

Tencent không phải là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc duy nhất cảm thấy đau đớn. Tập đoàn Alibaba – giao dịch trên sàn NYSE – cũng giảm 5%, tức 36 tỷ USD giá trị thị trường. NetEase, một công ty trò chơi điện tử và truyền thông Trung Quốc giao dịch trên sàn Nasdaq, cũng giảm 3,2% vào ngày 7/8. SOHU, một công ty internet khác của Trung Quốc giao dịch trên sàn Nasdaq, cũng giảm 7,1%.

Tập đoàn Tencent mở rộng xúc tu tại Mỹ

Một nhà giao dịch tại Hồng Kông yêu cầu được giấu tên cho bình luận, sự biến động giá cổ phiếu của Tencent là do sự mơ hồ ban đầu trước sắc lệnh hành pháp của chính quyền Trump và sự lo ngại phạm vi lệnh cấm có thể vượt ra ngoài WeChat và áp dụng cho chính công ty mẹ Tencent. Giả định này có tác động lớn hơn nhiều so với lệnh cấm WeChat.

Lệnh hành pháp sẽ cấm tất cả các giao dịch “liên quan đến WeChat của bất kỳ cá nhân nào, hoặc liên quan đến bất kỳ tài sản nào, nằm trong quyền tài phán của Mỹ, với tập đoàn Tencent Holdings Ltd.… hoặc bất kỳ công ty con nào của thực thể này”.

Để giảm thiểu các suy đoán sai lệch, Nhà Trắng hôm thứ Sáu đã nói rõ rằng lệnh hành pháp chỉ chặn các giao dịch của WeChat, chứ không tác động đến các thực thể khác mà Tencent nắm giữ vào thời điểm này, theo báo cáo của tờ LA Times.

Tencent là một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới và có mạng lưới nhiều chi nhánh ở Hoa Kỳ, chủ yếu dưới hình thức sở hữu cổ phần thiểu số trong các công ty, đầu tư vào các start-up, và xây dựng mối quan hệ đối tác cho thị trường châu Á.

Tập đoàn này sở hữu nhiều cổ phần trong các doanh nghiệp trò chơi điện tử của Mỹ. Riot Games, nhà phát triển, nhà xuất bản và nhà tổ chức game thể thao điện tử có trụ sở tại Los Angeles, cũng thuộc sở hữu của Tencent. Riot Games được biết đến với việc phát triển game Liên Minh Huyền Thoại, một trò chơi trực tuyến nổi tiếng được phát hành vào năm 2009 và là một trong những trò chơi nhượng quyền thể thao điện tử phổ biến nhất.

Tencent cũng có cổ phần thiểu số trong Epic Games, nhà phát triển và phát hành tựa game nổi tiếng Fortnite có trụ sở tại Bắc Carolina và nhà xuất bản trò chơi lớn Activision Blizzard. Ngoài trò chơi điện tử, Tencent cũng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc với cổ phần thiểu số trong Spotify và Tập đoàn Universal Music Group.

Mối lo ngại đối với các doanh nghiệp Trung Quốc

Tuy nhiên, sự dao động giá trị hàng loạt và sự biến động giá trị của các cổ phiếu Trung Quốc còn liên quan đến xu hướng chính sách của Mỹ đối với các công ty đại lục. Chính vì vậy không thể loại trừ khả năng chính quyền Mỹ sẽ có các hành động tiếp theo chống lại Tencent và các công ty Trung Quốc khác.

Các hành động gần đây của Hoa Kỳ chống lại TikTok và khả năng công ty này sẽ được bán lại cho Microsoft là kết quả của những lo ngại xoay quanh vấn đề bảo mật dữ liệu, gián điệp và kiểm duyệt người dùng Mỹ của công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc của ứng dụng.

Ấn Độ đã ​​cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc vào tháng 6, và đã lập một danh sách mới gồm 275 ứng dụng khác của Trung Quốc mà họ đang điều tra vì những lo ngại về quyền riêng tư người dùng và an ninh quốc gia. Danh sách mới này đang được New Delhi cân nhắc này bao gồm một số ứng dụng khá nổi tiếng mà cũng phổ biến ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như AliExpress, PubG, các ứng dụng do công ty điện tử tiêu dùng Trung Quốc Xiaomi vận hành và trò chơi điện tử do NetEase phát hành.

Chính quyền Trump cũng có thể kiểm tra các công ty và sản phẩm đã có trong “danh sách đen” của mình, trong đó có các công ty bị cấm mua công nghệ của Mỹ.

Những người chơi Liên Minh Huyền Thoại năm ngoái đã phát hiện ra rằng hệ thống trò chuyện trực tuyến của họ đã kiểm duyệt cụm từ “Uighur” (Duy Ngô Nhĩ), một nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Trung Quốc hiện đang hứng chịu sự đàn áp của chính quyền Bắc Kinh. Riot Games đã thừa nhận sai sót và xin lỗi người dùng của mình.

Ngay cả Zoom, ứng dụng họp trực tuyến phổ biến, cũng có thể lọt tầm ngắm vì những vi phạm của mình. Zoom được thành lập bởi doanh nhân người Mỹ gốc Hoa Eric Yuan nhưng đã vướng phải tranh cãi vì định tuyến “nhầm” dữ liệu cuộc gọi quốc tế sang các máy chủ đặt tại Trung Quốc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/co-phieu-cong-nghe-trung-quoc-lao-doc-truoc-e-ngai-lenh-trung-phat-tiem-tang-cua-chinh-quyen-my.html

 

Vụ nổ ở Li-băng có khiến Tập Cận Bình sợ hãi?

Bắc Kinh ra lệnh khẩn

Hương Thảo

Động thái sau vụ nổ ở Li-băng của chính quyền Trung Quốc khiến người ta nhớ lại vụ nổ Thiên Tân năm 2015.

Một vụ nổ lớn đã xảy ra ở Beirut, thủ đô của Li-băng, vào thứ Ba (4/8) khiến ít nhất 135 người thiệt mạng và 5.000 người bị thương. Hơn 300.000 người mất nhà cửa. Nguyên nhân điều tra chính thức ban đầu cho rằng sự cố là do “sự cẩu thả và bất cẩn” của các đơn vị liên quan.

Báo chí nước ngoài tiết lộ, hải quan địa phương đã 6 lần cảnh báo cơ quan tư pháp về việc 2.750 tấn phân bón hóa học “amoni nitrat” ​​tồn kho trong kho cảng là rất nguy hiểm và được yêu cầu xuất khẩu, nhưng không nhận được phản hồi, cuối cùng nó đã gây ra vụ nổ tương đương một vụ nổ hạt nhân nhỏ.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các video về tên lửa tập trung trên mặt đất đã khiến các thuyết âm mưu tràn lan. Các nhà chức trách Trung Quốc đại lục, nơi từng xảy ra nhiều vụ tai nạn nổ lớn, cũng sợ hãi và khẩn trương họp để yêu cầu kiểm tra. Vụ nổ Thiên Tân xảy ra ở Trung Quốc vài năm trước càng bị nghi ngờ liên quan đến các cuộc đảo chính và tấn công ám sát.

Chính quyền Trung Quốc khẩn trương họp “rút kinh nghiệm” sau vụ nổ ở Li-băng

Các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, Văn phòng Ủy ban An toàn Lao động của Quốc vụ viện và Cục Quản lý Khẩn cấp đã tổ chức một cuộc họp video vào hôm thứ Tư (5/8), yêu cầu “rút kinh nghiệm sâu sắc về những vụ nổ lớn như ở Beirut, Li-băng”, “mở cuộc thanh tra đặc biệt quốc gia và chấn chỉnh về an toàn lưu trữ hóa chất nguy hiểm”, và “đánh giá việc thực hiện các biện pháp chấn chỉnh sau vụ nổ 812 (ngày 12/8) Cảng Thiên Tân năm 2015”.

Cuộc họp nhấn mạnh rằng các cảng, bến tàu, kho hậu cần và nơi tập trung hóa chất phải là những đối tượng trọng điểm giám sát. Bộ phận quản lý khẩn cấp có trách nhiệm giám sát các doanh nghiệp có liên quan để đảm bảo hệ thống thông gió, làm mát, thân thiện với môi trường, tránh lửa, nghiêm cấm tàng trữ các hóa chất ‘chống chỉ định’ lẫn nhau để đảm bảo hoạt động hiệu quả của hệ thống chữa cháy và các thiết bị giám sát.

Cuộc họp cũng yêu cầu các Sở Giao thông vận tải, Hải quan các cấp kiểm tra các cảng, bãi, bến hàng hóa có chứa hóa chất nguy hiểm, điều tra, xử phạt các đối tượng sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép amoni nitrat và các chất nổ dân dụng khác, đồng thời triển khai hệ thống đăng ký, phê duyệt giấy phép

mua bán. Cục Quản lý Khẩn cấp đã cử nhiều đoàn giám sát thực hiện kiểm tra và giám sát đặc biệt hơn 7.600 công ty hóa chất nguy hiểm và hơn 22.000 nguồn nguy hiểm.

Ở Trung Quốc thường xuyên xảy ra các sự cố an ninh, và các vụ nổ nhà máy xảy ra hầu như hàng tháng. Mới đây, ngày 8/7, nhà máy sản xuất pháo ở thị trấn Nam Phong, Tứ Xuyên mới phát nổ “mây hình nấm”.

Trong số các vụ tai nạn nổ nhiều năm qua, vụ “Tai nạn nổ kho chứa hóa chất nguy hiểm ở cảng Thiên Tân” xảy ra vào khuya ngày 12/8/2015 là nghiêm trọng nhất, tương đương với việc kích nổ 445 tấn thuốc nổ TNT. Vụ tai nạn khiến 165 người chết, 8 người mất tích (thường được cho là đã bị hủy hoại thân thể tới không thể thu hồi hoặc thổi thành tro) và 798 người bị thương.

Tuy nhiên, sau vụ tai nạn, chính quyền ĐCSTQ vẫn sơ suất, vào ngày 21/3/2019, “tai nạn nổ tại nhà máy hóa chất Thiên Gia Nghi, huyện Hưởng Thủy, tỉnh Giang Tô” lại xảy ra khiến ít nhất 78 người chết và 617 người bị thương.

Nguyên nhân của hai vụ nổ này tương tự như vụ nổ Beirut, và cả hai đều do việc bảo quản hóa chất trong kho không đúng cách.

Tai nạn nổ nhà máy hóa chất Thiên Gia Nghi ở huyện Hưởng Thủy, tỉnh Giang Tô ngày 21/3/2019, đến ngày 14/11 mới có kết quả điều tra chính thức, hai phó tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm, nhưng chỉ bị cảnh cáo và lập biên bản.

Ông Liu Kaiming, Giám đốc Viện Quan sát Xã hội Đương đại Thâm Quyến, một tổ chức phi chính phủ, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Trung ương rằng, nhìn chung, các nhà máy Trung Quốc, đặc biệt là các nhà máy hóa chất, vẫn được quản lý lỏng lẻo. Quan niệm của chính phủ về sản xuất an toàn chủ yếu là “không có tai nạn, không chết”. Nhiều nhà máy hóa chất khởi đầu là những “xí nghiệp do làng, xã quản lý”. “Ông chủ là một nông dân. Không có khái niệm sản xuất an toàn trong tâm, và ông ấy chỉ muốn kiếm tiền”. Trước những yêu cầu liên quan của chính phủ, những ông chủ này đầu tiên nghĩ cách đối phó để làm sao qua mặt hải quan một cách tạm thời. “90% các nhà máy hóa chất của Trung Quốc đang hối lộ quan chức để vượt qua đánh giá về phòng cháy chữa cháy và kiểm tra môi trường”.

Ông Liu Kaiming chỉ ra rằng sự thông đồng giữa các quan chức và doanh nhân là một vấn đề không mới. Mặc dù Trung Quốc đã đưa các chỉ số bảo vệ môi trường vào các đánh giá hoạt động của chính quyền địa phương trong những năm gần đây, hiệu quả kinh tế vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sự thăng tiến của các quan chức.

Liên quan đến việc hai vị phó tổng giám đốc chỉ bị chỉ trích và cảnh cáo, trong một báo cáo có tựa đề “Nhà máy hóa chất huyện Hưởng Thủy đã trở thành một nồi áp suất chính trị! Bảo vệ những chiếc mũ đen là linh hồn của chính quyền”, bài viết trích dẫn và phân tích rằng thực trạng những ‘vụ nổ lớn’ ở Trung Quốc đã nhiều lần xảy ra, nhưng cách xử lý vẫn không mấy cải thiện. Tổng bí thư, Thủ tướng vẫn ra chỉ thị, sau đó cử những cán bộ cấp cao đến hiện trường tìm trách nhiệm, chỉ để trấn an dư luận. Người dân trở thành vật tế thần.

Theo tiền lệ, những quan chức phải chịu trách nhiệm đó sẽ “trở lại vị trí” sau một khoảng thời gian, và công chúng không còn tin vào cái gọi là khẩu hiệu “kiểm tra đến cùng” của ĐCSTQ.

Nghi ngờ trong vụ nổ lớn ở Thiên Tân: Ám sát Tập Cận Bình

Bóng đen của thảm kịch vụ nổ cảng Thiên Tân năm 2015 vẫn còn đó, bởi có tin đồn đây là vụ ám sát các quan chức cấp cao Trung Nam Hải.

Vào ngày 12/8/2015, một vụ nổ đã xảy ra tại một kho chứa hóa chất nguy hiểm ở cảng Thiên Tân, vụ nổ đã tạo ra một đám mây hình nấm khổng lồ và gây ra hai trận động đất. Các số liệu chính thức cho thấy 165 người đã thiệt mạng, 8 người mất tích và 798 người bị thương.

Truyền thông Nhật Bản dẫn quan điểm của lực lượng cứu hỏa nước này vào thời điểm đó cho rằng chấn động của vụ nổ lớn ở Thiên Tân đã làm nổ tung cửa ra vào và cửa sổ cách đó 2 km. Trừ phi là một kho đạn lớn phát nổ, nếu không, một vụ nổ hóa chất nói chung không thể có quy mô lớn như vậy.

Có một bài báo mạng đặt câu hỏi rằng vụ nổ là một cái bẫy được thiết kế nhân tạo. Bài báo cho rằng có lý khi cho rằng vụ nổ là một âm mưu phá hoại: Theo các báo cáo liên quan và các cuộc điều tra sau đó, được biết nguyên nhân là do cháy một phương tiện giao thông (xe container), vậy ngọn lửa bùng cháy như thế nào? Nó là nhân tạo? Thiên Tân nằm ở phía bắc, và sự cố xảy ra ở cảng biển, nhiệt độ vào ban đêm sẽ không làm chất cháy tự phát cháy, và không có sấm sét. Làm thế nào ngọn lửa này bùng cháy? Đây giống như một cái bẫy được thiết kế tốt.

Bài báo “Sự khởi đầu và kết thúc của thảm họa do con người và bom ở Thiên Tân” đăng trên tờ Tuần báo Caixin của đại lục cũng trích lời các nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp rằng đây là “tai nạn phức tạp nhất”. Bài báo dẫn lời một người trong cuộc nói rằng “80% vụ nổ ở Thiên Tân là một thảm họa do con người tạo ra”.

Cũng có tin đồn rằng bộ phận an ninh của ĐCSTQ đầu tiên đã suy đoán rằng đây là một âm mưu đáng sợ. Thậm chí còn có tin đồn rằng các quan chức cấp cao của Trung Nam Hải sẽ đến Thiên Tân để họp, và chất nổ sẽ được sử dụng để ám sát.

Tuyên bố này đã được chứng thực bởi tạp chí Dongxiang của Hồng Kông, tạp chí này đã đề xuất vào tháng 7 năm đó rằng một số cuộc họp có tính bí mật cao sẽ được tổ chức tại Khu vực mới Thiên Tân Binhai. Một vụ nổ đã thực sự xảy ra ở Binhai New Area hơn một tháng sau đó.

Wen Yunchao, một nhà văn đại lục sống tại Hoa Kỳ, tin rằng: Theo các nguồn tin trong nước, ngày 12/8 là ngày cầm quyền thứ 1.000 của Tập Cận Bình. Một sự việc tồi tệ như vậy xảy ra ở Thiên Tân. Đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên không?

Sau vụ nổ năm đó, ông Tập Cận Bình chỉ ra chỉ thị ở Bắc Kinh, cử ông Lý Khắc Cường đến hiện trường “thu dọn” hậu quả.

Tuy nhiên, vào ngày 5/2/2016, báo cáo điều tra của Đội điều tra vụ nổ cảng Thiên Tân của Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố rằng vụ tai nạn là vi phạm trách nhiệm an toàn sản xuất đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân trực tiếp là do nitrocellulose trong vật chứa được làm khô cục bộ, dưới tác động của nhiệt độ cao và các yếu tố khác, nó làm tăng tốc độ tỏa nhiệt, tích tụ nhiệt và tự bốc cháy, cuối cùng gây nổ các hóa chất nguy hiểm như amoni nitrat.

Theo Yue Wenxiao, Sound of Hope

Hương Thảo biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/vu-no-o-li-bang-co-khien-tap-can-binh-so-hai-bac-kinh-ra-lenh-khan.html

 

Mỹ trừng phạt lãnh đạo Hồng Kông:

Cố vấn Trung Quốc kêu gọi tránh trả đũa

Thu Hằng

Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và nhiều quan chức Hồng Kông bị bộ Tài Chính Mỹ chính thức trừng phạt từ ngày 07/08/2020. Tuy nhiên, nhiều cố vấn chính phủ Trung Quốc khuyến cáo Bắc Kinh tránh ăn miếng trả miếng do nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của Washington trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.

Trang South China Morning Post trích nhận định ngày 08/08 của ông Vương Huy Diệu (Wang Huiyao), giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn Cầu Hóa tại Bắc Kinh, kiêm cố vấn cho chính phủ, cho rằng « Trung Quốc hoàn toàn có thể phớt lờ lệnh trừng phạt ».

Theo ông, biện pháp của Mỹ « chỉ mang tính tượng trưng » vì « không giống như quan chức các nước Trung Đông, quan chức Trung Quốc không có tài sản ở Mỹ ».

Ông Vương Huy Diệu cho rằng trả đũa Mỹ, chỉ đạt được rất ít hiệu quả, nhưng lại càng khiến công luận Mỹ chống Bắc Kinh nhiều hơn và càng khiến cử tri Mỹ ủng hộ tổng thống Trump sắp mãn nhiệm.

Trong khi đó, ông Lạc Huệ Ninh, trưởng Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông, một đối tượng bị trừng phạt, tỏ ra chế nhạo biện pháp của Washington khi phát biểu sẽ gửi 100 đô la làm tài sản để Mỹ đóng băng.

Thêm một hồ sơ có thể bị Bắc Kinh đánh giá là Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ Trung Quốc. Trong một thông cáo chung gửi đến đài Fox News, và được trang Live Mint đăng ngày 09/08, chủ tịch Robin Cleveland và phó chủ tịch Carolyn Bartholomew của Ủy Ban Nghiên Cứu Kinh Tế và An Ninh Mỹ-Trung lên án đảng Cộng Sản Trung Quốc ủng hộ và khuyến khích sử dụng công nghệ giám sát người dân, như camera siêu hiện đại, hệ thống nền tảng hoạt động chung tích hợp (IJOP), sử dụng thuật toán nhận diện khuôn mặt dựa vào hình ảnh được lưu trong dự liệu mật…

Theo Fox News, do đảng Cộng Sản Trung Quốc khuyến khích, ngành kinh doanh công nghệ giám sát bùng nổ ở Trung Quốc. Nhiều công ty khởi nghiệp đã chuyển đến quốc gia đông dân nhất hành tinh này để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200809-m%E1%BB%B9-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-c%E1%BB%91-v%E1%BA%A5n-trung-qu%E1%BB%91c-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-tr%C3%A1nh-tr%E1%BA%A3-%C4%91%C5%A9a

 

Thái Lan tiếp tục xuống đường biểu tình

bất chấp việc các nhà hoạt động đã được thả ra

Tin từ Bangkok – Hôm thứ Bảy (8 tháng 8), hơn 1,000 người biểu tình chống chính phủ đã diễn ở trung tâm tài chính của thủ đô Bangkok, sau khi 2 lãnh đạo biểu tình bị bắt giữ và đã được thả ra trong đêm.

Hôm thứ Sáu (7 tháng 8), luật sư nhân quyền Anon Nampa 35 tuổi và nhà hoạt động, sinh viên Panupong Jadnok 23 tuổi đã bị giam giữ với cáo buộc tổ chức một loạt các cuộc biểu tình đòi quyền dân chủ mở rộng hơn. Các cáo buộc chống lại Anon và Panupong bao gồm xúi giục và vi phạm lệnh khẩn cấp được áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Trong một cuộc biểu tình hôm thứ Hai (3 tháng 8), ông Anon cũng đã đưa ra một lời kêu gọi hiếm hoi về việc cải cách chế độ quân chủ hùng mạnh, nhưng ông không bị buộc tội về điều đó. Anon và Panupong xuất hiện trong tình trạng sức khỏe tốt khi họ rời khỏi tòa án và cam kết sẽ tiếp tục phản đối. Tuy nhiên, việc họ được thả ra không xoa dịu hơn 1,000 người biểu tình chống chính phủ ở khu mua sắm của Bangkok. Họ hô vang “Cảnh sát tránh ra” và “Chế độ độc tài sẽ sụp đổ”, chào bằng 3 ngón tay thể hiện sự ủng hộ dân chủ, yêu cầu giải tán quốc hội, sửa đổi hiến pháp và mở các cuộc bầu cử mới.

Các cuộc biểu tình đã trở lại đường phố của Thái Lan để kêu gọi loại bỏ chính phủ của nhà lãnh đạo thực hiện cuộc đảo chính năm 2014, Prayuth Chan-ocha sau một cuộc bầu cử gây tranh cãi năm ngoái, mà các nhà hoạt động cho là được thiết kế để bảo đảm quyền lực của ông. (BBT)

https://www.sbtn.tv/thai-lan-tiep-tuc-xuong-duong-bieu-tinh-bat-chap-viec-cac-nha-hoat-dong-da-duoc-tha-ra/

 

Ấn Độ tiếp tục cấm thêm 47 ứng dụng di động TQ

Do quan hệ với Trung Quốc trở nên xấu đi sau khi quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ và gây ra đụng độ trên tuyến biên giới, chính phủ Ấn Độ tuyên bố tiếp tục áp dụng các biện pháp trả đũa trên lĩnh vực công nghệ.

Dân chúng Ấn Độ đốt sản phẩm Trung Quốc để bày tỏ phản đối quân đội Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ và gây xung đột đổ máu ở biên giới Trung – Ấn

Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông ngày 4/8, chính phủ Ấn Độ tiếp tục nâng cấp các biện pháp trừng phạt đối với các ứng dụng di động Trung Quốc  . Theo tin của truyền thông Ấn Độ, các cửa hàng Google Play và App Store của Apple đã loại bỏ các ứng dụng tìm kiếm Baidu và Sina Weibo theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Các báo cũng dẫn lời các quan chức chính quyền nói rằng tới đây sẽ có thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc bị cấm.

Trang The Times of India ngày 4/8 trích dẫn nguồn tin thông thạo về vấn đề này nói rằng hai ứng dụng Baidu và Sina Weibo nằm trong số 47 ứng dụng bị chính quyền địa phương tuyên bố cấm vào ngày 27/7. Trước đó, vào đầu tháng 6, chính phủ Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, bao gồm cả nền tảng phim ngắn TikTok (phiên bản Douyin ở nước ngoài), trình duyệt UC Browser của Alibaba và WeChat của hãng truyền thông di động Tencent.

Cho đến nay, chính phủ Ấn Độ chưa công bố đầy đủ danh sách 47 ứng dụng được thông báo bị cấm vào hôm 27/7, nhưng các báo chỉ ra rằng nhiều ứng dụng trong danh sách này là phiên bản thu gọn của các ứng dụng đã được thông báo bị cấm hồi tháng 6, chẳng hạn như TikTok Lite… Các báo trước đó tuyên bố chính phủ Ấn Độ đang xem xét 275 ứng dụng di động của Trung Quốc và có thể cấm tất cả hoặc một phần trong danh sách 275 ứng dụng nằm trong “danh sách đen” này.

Theo các báo, chính phủ Ấn Độ trước đó đã thành lập một ủy ban thẩm tra đánh giá phần mềm ứng dụng của các công ty Trung Quốc. Thành viên bao gồm đại diện các bộ Nội vụ, Điện tử và Công nghệ thông tin, Pháp luật và Tư pháp cùng Tiểu tổ ứng dụng máy tính (CERT-in).

Một quan chức cao cấp của chính phủ Ấn Độ giấu tên nói rằng chính phủ Ấn Độ đang cố gắng xây dựng luật hoặc quy tắc để tạo điều kiện cho việc thẩm tra xem xét các ứng dụng Trung Quốc tại thị trường Ấn Độ.

Khi quan hệ Trung-Ấn trở nên căng thẳng, truyền thông Ấn Độ trước đó cho biết Bộ Giáo dục Ấn Độ đã quyết định tái thẩm định các Viện Khổng Tử và các lớp học Khổng Tử do Hán Biện Trung Quốc lập ra ở 7 trường đại học ở Ấn Độ. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ ngày 4/8 đã phản ứng nói rằng, tất cả các Học viện Khổng Tử đều được thành lập sau khi phía Ấn Độ tự nguyện đề nghị và ký thỏa thuận hợp tác ràng buộc về mặt pháp lý trên cơ sở có đầy đủ các điều kiện để hoạt động. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng Viện Khổng Tử đã được cộng đồng giáo dục Ấn

Độ công nhận rộng rãi vì đã thúc đẩy việc dạy và học tiếng Trung ở Ấn Độ và thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ông ta mong cơ quan hữu quan của Ấn Độ “hãy xem xét khách quan và công bằng các Viện Khổng Tử và sự hợp tác giáo dục đại học giữa hai nước Trung – Ấn, tránh chính trị hóa vấn đề này”.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/36235-an-do-tiep-tuc-cam-them-47-ung-dung-di-dong-tq.html

 

Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc rút quân,

ngừng xây dựng ở vùng biên giới Depsang

Thu Hằng

Chỉ huy Sư Đoàn Bộ Binh số 3 của Ấn Độ, thiếu tướng Abhijit Bapat và người đồng cấp Trung Quốc đã hội đàm hơn 6 tiếng ngày 08/08/2020 tại khu vực giáp ranh Dalaut Beg Oldie-Tien Wien Dien (DBO-TWD), vùng biên giới Ladakh, nơi xảy ra tranh chấp giữa hai nước. Phía Ấn Độ đã yêu cầu Trung Quốc rút hết quân khỏi khu vực Depsang-Daulat Beg Oldie, DBO), ở phía đông Ladakh và ngừng mọi hoạt động xây dựng.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc huy động lực lượng quân nhân hùng hậu, cũng nhiều xe tăng, xe thiết giáp đến khu vực tranh chấp và tình hình căng thẳng hơn sau vụ đụng độ chết người giữa quân nhân hai nước ngày 15-16/06.

Theo trang mạng báo Times of India, phía Ấn Độ muốn thúc đẩy tiến độ giải giới dọc đường kiểm soát Ấn Độ-Trung Quốc (LAC) và ở một số điểm có tranh chấp. New Delhi cũng nhấn mạnh đến việc tái lập nguyên trạng tại tất cả các vùng ở phía bắc bang Ladakh như trước ngày 05/05/2020.

Các cuộc đàm phán quân sự song phương được bắt đầu từ ngày 06/07, chỉ một ngày sau cuộc điện đàm gần hai tiếng giữa cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về cách giảm căng thẳng trong khu vực. Trước đó, các cuộc gặp gỡ cấp tướng đã được tiến hành vào tháng Năm và Sáu.

Cuộc họp ngày 08/08 được cho là bước trọng tâm đầu tiên giải trừ vũ khí ở khu vực Daulat Beg Oldi và Depsang. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình hiện nay, quân đội Ấn Độ vẫn được đặt ở mức báo động cao nhất và sẵn sàng trực chiến ở dọc đường ranh giới ở Ladakh và nhiều khu vực giáp ranh.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200809-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-trung-qu%E1%BB%91c-r%C3%BAt-qu%C3%A2n-ng%E1%BB%ABng-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-%E1%BB%9F-v%C3%B9ng-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-depsang 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.