Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 26/08/2020

Wednesday, August 26, 2020 6:43:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp  – 26/08/2020

Belarus: Giấc mộng cha truyền con nối của Loukachenko tan vỡ – Thụy My

Ngay từ khi lên nắm quyền, Loukachenko tổ chức lại cơ quan an ninh, vẫn giữ tên cũ là KGB. Nhiều nhà đối lập bị bắt cóc, ám sát hoặc mất tích. Đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ hiện nay, mưu toan cho con trai cưng Nikolai một ngày nào đó lên nối ngôi đang dần tan thành mây khói.

Kinh tế Pháp trước dịch bệnh là chủ đề chiếm trang nhất của nhiều tờ báo Paris hôm nay, 26/08/2020. La Croix nói về trợ giúp của chính phủ Pháp cho các doanh nghiệp trong mùa dịch, Le Figaro nhấn mạnh « Trước Covid, các công ty được kêu gọi hãy lạc quan »Libération chạy tựa « Những gì người dân Pháp chờ đợi » ở tổng thống Macron, Le Monde cho biết « Covid-19 : Lo ngại lại tăng lên tại các viện dưỡng lão ». Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến « Một tập đoàn Trung Quốc làm rung chuyển tài chính thế giới ».

« Hoàng tử bé » Nikolai có mặt bên tổng thống « trên từng cây số »

Về tình hình Belarus, theo Le Figaro, « Giấc mộng cha truyền con nối của Loukachenko tan vỡ ». Đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ, mưu toan cho con trai cưng Nikolai một ngày nào đó lên nối ngôi của ông Loukachenko đang dần trở thành bất khả thi.

Tờ báo mở đầu bài viết là hình ảnh đầy ấn tượng tối Chủ Nhật tuần trước, sau cuộc biểu tỉnh 100.000 người ở thủ đô Minsk. Tổng thống Alexandre Loukachenko bước xuống từ trực thăng, mặc áo giáp, mang súng AK. Nhìn quảng trường Độc Lập, nơi xuất phát cuộc biểu tình nay đã vắng lặng, ông phán : « Chúng nó đã lủi như chuột ! ». Người ta chú ý đến sự hiện diện của con trai ông là Nikolai, 15 tuổi bên cạnh, cũng đeo một khẩu Kalachnikov.

Đọc thêm: Belarus : Loukachenko chọn đối đầu, xuất hiện với áo giáp và súng AK

Nikolai hay còn gọi là « Kolia », « Hoàng tử bé », luôn có mặt bên cạnh cha từ năm lên ba, xuất hiện bên cạnh Obama, đức giáo hoàng… Cậu bé tóc vàng này thường được so sánh với hoàng tử William nước Anh. Cùng với video trên đây, Phủ tổng thống còn phổ biến một tấm ảnh khác : Loukachenko ngồi tại một chiếc bàn hội nghị lớn, thành viên tham dự cuộc họp chỉ có tùy viên báo chí của ông và…con trai cưng Kolia.

« Cha dân tộc » và những sắp đặt để truyền lại vương trượng

Chừng như Alexandre Loukachenko muốn lập nên một triều đại để trả thù số phận. Sinh năm 1954 tại một ngôi làng nhỏ gần biên giới Nga, Alexandre có cha vô danh, mẹ làm việc cho một hãng sữa quốc doanh, ông gắn bó với văn hóa nông trường kiểu Liên Xô. Năm 1975 lên thủ đô theo đuổi sự nghiệp chính trị, ông để lại vợ con ở tỉnh. Trở thành tổng thống Belarus thời kỳ hậu cộng sản từ năm 1994, Loukachenko vẫn duy trì hệ thống kinh tế chính trị dựa theo mô hình Xô Viết cũ.

Hai vợ chồng ông sống ly thân nhưng chưa hề ly dị. Ngoài hai con trai Viktor và Dimitri, tổng thống có thêm Kolia năm 2004 với một người phụ nữ chưa bao giờ được nêu tên. Người ta cho rằng mẹ của Kolia là Irina Abelskaya, bác sĩ riêng của Loukachenko. Viktor trở thành trợ lý an ninh cho cha, Dimitri lãnh đạo một câu lạc bộ thể thao.

Đọc thêm: Belarus : Khế ước xã hội tan vỡ, phụ nữ dẫn đầu phong trào phản kháng

Ngay từ khi lên nắm quyền, Loukachenko tổ chức lại cơ quan an ninh, vẫn giữ tên cũ là KGB. Bằng nhiều cách, từ trấn áp đến việc cho mật vụ xâm nhập, phe đối lập bị chia rẽ và loại khỏi chính trường. Nhiều nhà đối lập bị bắt cóc, ám sát hoặc mất tích – chẳng hạn cựu bộ trưởng Nội Vụ Youri Zakharenko hay Viktor Gontchar, cựu chủ tịch ủy ban bầu cử nắm giữ các bằng chứng gian lận của Loukachenko.

Theo một nhà quan sát, việc « Batka » (Cha dân tộc), tên mà Loukachenko thích được gọi, ông đặt Viktor phụ trách an ninh là để dọn đường cho con trai út Kolia. Loukachenko coi Belarus là sở hữu của mình, và tất nhiên sẽ truyền ngôi cho con. Nhưng giờ đây thậm chí còn chưa thể biết được Kolia có thể yên ổn nhập học vào mùa tựu trường sắp tới hay không.

Cách mạng Belarus có nguy cơ kéo dài

Cũng về Belarus, Libération cho rằng « Cuộc cách mạng ôn hòa có nguy cơ kéo dài ». Loukachenko đã đe dọa « lập lại trật tự », và không ai có thể là ngoại lệ, kể cả nhân vật nổi tiếng nhất nước là nhà văn nữ đoạt giải Nobel Văn chương năm 2015.

Bà Svetlana Alexievitch đã bị công an triệu tập, vì vai trò của bà trong Hội đồng điều phối – định chế của đối lập để tiến hành chuyển đổi dân chủ, bị nghi là âm mưu đảo chính. Hai thành viên khác của Hội đồng bị bắt hôm thứ Hai trong lúc đang đối thoại với công nhân, tương tự với các nhà lãnh đạo phong trào đình công.

Đọc thêm: Sự chín chắn và lằn ranh đỏ của cách mạng Belarus

Hội đồng điều phối vạch ra một phương án đấu tranh lâu dài, trong đó Hội đồng đại diện hợp pháp của xã hội dân sự. Trước hết là tổ chức trưng cầu dân ý để tái lập Hiến Pháp năm 1994, hạn chế quyền lực tổng thống và giới hạn trong hai nhiệm kỳ. Tiếp đến là thúc đẩy Quốc Hội và các đại biểu địa phương từ chức.

Nhà đối lập Navalny bị đầu độc : Đức thêm căng thẳng với Nga

Cũng tại châu Âu, Le Monde cho biết Đức xác nhận Alexei Navalny bị đầu độc, và nhà đối lập Nga đang được bảo vệ cẩn mật với chế độ yếu nhân.

Theo các bác sĩ Đức, xét nghiệm lâm sàng cho thấy có một chất ức chế thuộc nhóm cholinestérase. Ông Navalny vẫn đang hôn mê suốt năm ngày qua, tình trạng của ông là trầm trọng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Cụ thể chất độc này là gì thì chưa xác định được, nhưng sẽ để lại di chứng lâu dài, không loại trừ ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Dấu hiệu cho thấy Berlin coi đây là sự kiện nghiêm trọng : các nhân viên của Cơ quan cảnh sát hình sự Liên bang (BKA) được điều đến để giữ an ninh cho nhà đối lập Nga. Đây là một biệt lệ, vì theo một luật năm 2017, chỉ có các nhân vật trong chính phủ và Quốc Hội Đức mới được BKA bảo vệ, và « trong những trường hợp rất đặc biệt », là các « khách mời » của Liên bang. Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi chính quyền Nga khẩn cấp điều tra một cách minh bạch.

Ám sát chính trị tại Nga : Chưa bao giờ « tìm được » thủ phạm

Khi tiếp nhận Alexei Navalny, Đức bỗng dưng ở vị trí tuyến đầu, chỉ vài tháng sau khi Berlin tố cáo Matxcơva tấn công tin học vào Quốc Hội Đức năm 2015 và ám sát một người gốc Tchechenya tại một công viên ở Berlin tháng 8/2019. Đáng chú ý là bộ Ngoại Giao Nga vẫn im lặng trong vụ Navalny, và dù thân nhân nhà đối lập đã kiện ngay nhưng tư pháp Nga vẫn chưa cho mở điều tra.

Từ 20 năm qua dưới chính quyền Putin, các vụ hành hung, ám sát mang tính chính trị nhắm vào các chính khách, nhà báo ở Nga đều có một điểm chung là « không tìm được » thủ phạm. Năm 2007, khi Luân Đôn điểm mặt chỉ tên những kẻ ám hại cựu điệp viên Alexandre Litvinenko, Matxcơva còn tặng cho trưởng nhóm đặc nhiệm chiếc ghế dân biểu. Trường hợp luật sư Serguei Magnitsky bị sát hại trong tù cũng vậy.

Trong những năm gần đây, chế độ Putin còn phát minh ra cách sử dụng các tác nhân tư nhân để có thể phủi tay, đặc biệt là các hoạt động ở nước ngoài. Nhiều nhà quan sát nhắc lại rằng, khi tố cáo tham nhũng trong giới ăn trên ngồi trốc, Navalny đã tạo ra một danh sách dài những kẻ thù. Trong số đó có những đại gia nổi tiếng về bạo lực như Evgueni Prigojine, liên quan đến các mạng lưới tung tin giả và lực lượng lính đánh thuê Wagner. Trong quá khứ, tên ông ta đã từng được nêu ra trong vụ đầu độc người chồng của một cộng sự viên thân cận với Navalny.

Bầu cử Mỹ : Loạt pháo của Cộng Hòa nã vào phe Dân Chủ

Liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ, Les Echos nhận định « Đảng Cộng Hòa nã pháo vào đối thủ Dân Chủ ».

Đại Hội đảng Cộng Hòa khai mạc hôm thứ Hai tại Charlotte, Bắc Carolina, cũng phong phú và đầy ngạc nhiên như nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump. Ông Trump mỗi ngày đều xuất hiện cho đến khi đọc bài diễn văn chấp nhận đề cử vào ngày cuối cùng của Đại Hội, tại Nhà Trắng. Cho dù những người có trách nhiệm trong đảng khẳng định Đại Hội sẽ mang lại thông điệp tích cực, khác với « Đại Hội đám tang » của Dân Chủ, bài nói chuyện của Donald Trump và các diễn giả khác chủ yếu nhắm vào Joe Biden.

Ông Trump tái xác nhận ý muốn hạn chế tối đa việc bỏ phiếu qua bưu điện, cho rằng đó là « vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ » vì dễ gian lận. Ông phê phán hành động của các thống đốc và thị trưởng Dân Chủ trong đại dịch « muốn đóng cửa đất nước để số liệu kinh tế trở nên u ám », và khẳng định cuộc bầu cử ngày 03/11 là « quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ ».

Donald Jr đả kích « các vụ nổi dậy, cướp bóc, phá hoại mà Biden và Dân Chủ nói là biểu tình ôn hòa ». Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley so sánh kết quả hoạt động « mạnh mẽ, thành công » của tổng thống với những « yếu kém, thất bại » của cựu phó tổng thống. Đồng thời phản bác luận điệu của Dân Chủ « Nước Mỹ chưa bao giờ là một đất nước kỳ thị ». Tim Scott, thượng nghị sĩ da đen duy nhất trong đảng Cộng Hòa chê trách phát biểu trước đây của ông Biden, rằng nếu một người da đen không bầu cho ông ta thì không phải là người da đen thực thụ. Một khuôn mặt rất được chờ đợi trong lần phát biểu tới là Melania Trump, đệ nhất phu nhân vô cùng kín tiếng.

Bản án tử hình của Mỹ dành cho Hoa Vi

Trong bài « Hoa Vi và ZTE xuống dốc ngay tại Hoa lục », Les Echos cho biết trước các trừng phạt của Washington, hai tập đoàn Trung Quốc phải tìm cách giảm bớt sự hiện diện của công nghệ Mỹ trong sản phẩm.

Nỗ lực của Washington ngăn chận tham vọng Bắc Kinh trong công nghệ 5G đã gây thiệt hại nặng nề. Hoa Vi (Huawei) và ZTE, hai tập đoàn viễn thông mới đây đành phải hãm lại nhịp độ lắp đặt các trạm 5G và yêu cầu các nhà cung ứng giao nguyên vật liệu ít đi. Mục tiêu là giảm tối đa vật liệu và công nghệ Mỹ, vì Washington không ngừng siết lại gọng kềm.

Chiến dịch tấn công vào Hoa Vi của tổng thống Donald Trump đã mang lại kết quả. Sau Úc, New Zealand, Nhật, Anh, đến lượt Ấn Độ loại Hoa Vi ra khỏi mạng 5G, nhưng một cách âm thầm (như Pháp): bí mật yêu cầu các công ty Ấn không sử dụng. Một tin rất xấu, vì Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh thứ nhì thế giới với 850 triệu khách hàng.

Ngoài việc gây áp lực lên các đồng minh, Hoa Kỳ còn đánh vào tận gốc : cấm Hoa Vi mua các chip điện tử nếu trong đó có công nghệ và phần mềm của Mỹ. Tuần trước Mỹ còn cho thêm 38 chi nhánh của Hoa Vi vào danh sách đen để chận trước việc tập đoàn này né trừng phạt. Dan Wang, công ty tư vấn Gavekal ở Bắc Kinh nhìn nhận « Chính phủ Mỹ đã kết án tử cho Hoa Vi ». Như vậy « Hoa Vi sẽ không còn là sản xuất thiết bị mạng 5G và điện thoại thông minh, một khi vật liệu tồn kho cạn kiệt vào đầu năm tới ».

Vì sao công nghệ Trung Quốc không thể phổ biến toàn cầu ?

Nhìn chung trong ngành công nghệ, Les Echos đặt vấn đề, vì sao BATX (Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi), bốn tập đoàn lớn của Trung Quốc tương đương với GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) của Mỹ không thể bước ra ngoài biên giới để trở thành tên tuổi quốc tế ? Trong khi Alibaba có trị giá thậm chí gấp ba Amazon trên thị trường chứng khoán.

Theo chuyên gia François Godement, một phần do văn hóa, nhưng chủ yếu vì thị trường đã bão hòa. Nhiều nền tảng công nghệ Trung Quốc thực chất là cóp lại phiên bản Mỹ, và khi các sản phẩm này xuất hiện trên thị trường châu Âu chẳng hạn, thì người tiêu dùng không việc gì phải cài đặt WeChat trong khi đang sử dụng WhatsApp rất tốt.

Riêng TikTok, từ 2018 trở thành ứng dụng ưa thích của giới trẻ nhiều nước, có hy vọng quốc tế hóa, nhưng thực tế diễn ra ngược lại. Hoa Kỳ và Ấn Độ ra lệnh cấm sử dụng : thêm hai cây gậy mới thọc vào bánh xe, con đường bước ra thế giới của công nghệ Trung Quốc hãy còn dài dằng dặc.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200826-belarus-gi%E1%BA%A5c-m%E1%BB%99ng-cha-truy%E1%BB%81n-con-n%E1%BB%91i-c%E1%BB%A7a-loukachenko-tan-v%E1%BB%A1

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Địa Trung Hải : Châu Âu tập trận trong bối cảnh căng thẳng Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ.

Hải quân Pháp, Ý, Chypre và Hy Lạp tập trận chung từ thứ Tư 26 cho đến thứ Sáu 28/08/2020 ở phía nam và tây nam đảo Chypre, đông Địa Trung Hải. Cuộc phô diễn lực lượng diễn ra vào lúc xung khắc giữa Ankara và Athens, hai thành viên NATO, lên cao độ. Khẳng định quyết tâm bảo vệ « nguồn tài nguyên quốc gia » ở Hắc Hải, biển Aegean và Địa Trung Hải, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Hy Lạp đừng phạm sai lầm đưa đến tiêu vong. Lời tuyên bố đầy đe dọa này được đưa ra một ngày sau khi ngoại trưởng Đức đến Athens và Ankara tìm cách hạ nhiệt. Ngoại trưởng Heiko Maas kêu gọi cả hai bên đừng đùa với lửa.

(AFP) – WHO/OMS – Châu Phi triệt hết bệnh sốt gây bại liệt. 

Đó là thông báo chính thức của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong một buổi lễ tượng trưng tại Lagos ngày 25/08/2020. Theo bà Rose Lake, chủ tịch Ủy ban chứng nhận của OMS/WHO Châu Phi, sau bốn năm không ghi nhận một ca sốt bại liệt nào, Ủy ban tuyên bố « châu Phi đã diệt trừ được siêu vi man rợ Polio ». Giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Châu Phi Matshidiso Moeti lạc quan : Từ nay, trẻ con chào đời tại châu Phi không còn sợ căn bệnh sốt teo cơ quái ác Polio này.

(AFP) – Tin đồn xấu về sức khỏe lãnh tụ Bắc Triều Tiên một lần nữa được xua tan. 

Ngày 26/08/2020 truyền thông Bắc Triều Tiên công bố hình ảnh ông Kim Jong Un chủ trì một cuộc họp phòng chống virus corona và nguy cơ lũ lụt. Cuộc họp nói trên được thông báo là diễn ra hôm 25/08/2020. Những hình ảnh này được đưa ra vào lúc, theo một vài nguồn tin từ Seoul, ông Kim Jong Un đang trong tình trạng hôn mê và quyền lực tại Bình Nhưỡng hiện trong tay người em gái, bà Kim Yo Jong.

(Reuters) - Sức khỏe thủ tướng Nhật tiếp tục là một nghi vấn. 

Ba nguồn tin thông thạo từ phủ thủ tướng Nhật ngày 26/08/2020 cho biết Shinzo Abe sẽ lại đi khám bác sĩ vào ngày Thứ Sáu 28/08/2020. Theo tiết lộ của truyền thông Tokyo, trong cuộc họp báo ngày mai, thủ tướng Abe sẽ giải thích về tình trạng sức khỏe của ông đồng thời tập trung  vào hồ sơ giải quyết khủng hoảng y tế do virus corona. Trong hai tuần qua, thủ tướng Nhật đã hai lần vào bệnh viện. Theo phát ngôn viên phủ thủ tướng Nhật, tìn đồn ông Abe có thể từ chức vì lý do sức khỏe, hoàn toàn “không mang tính thời sự”.

(AFP) – Làng bóng thế giới rúng động vì tin cầu thủ Lionel Messi chia tay đội bóng FC Barcelona. 

Cho dù hợp đồng còn hiệu lực đến cuối tháng 6/2021, nhưng tối 25/08/2020 cầu thủ Achentina đơn phương thông báo muốn từ giã đội bóng Tây Ban Nha. Lý do Barça vừa trải qua một mùa bóng “tệ hại” và cầu thủ từng 7 lần đoạt giải bóng vàng này vô cùng thất vọng. Nếu Messi ra đi trước khi hết hạn hợp đồng, khoản tiền bồi thường cho câu lạc bộ FC Barcelona có thể lên đến 700 triệu euro.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200826-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 26/8:

Bắc Kinh không muốn có chiến tranh lạnh;

 Nga bác tin Tổng thống Putin đầu độc ông Navalny

Lục Du

Sáng nay, thứ Tư (26/8), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Bắc Kinh không muốn có chiến tranh lạnh

Thế giới phải tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói hôm thứ Ba khi đề cập đến căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, theo Reuters.

Phát biểu trong chuyến thăm Ý, ông Vương nói rằng điều quan trọng đối với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) là tăng cường quan hệ và hợp tác hơn nữa trong cuộc chiến chống đại dịch Covid.

“Trung Quốc không bao giờ muốn có Chiến tranh Lạnh, bởi vì Chiến tranh Lạnh sẽ là một bước thụt lùi”, ông Vương nói với các phóng viên. “Chúng tôi sẽ không để các quốc gia khác làm điều này vì lợi ích riêng của họ, đồng thời gây tổn hại đến lợi ích các quốc gia khác”.

Nga bác tin Tổng thống Putin đầu độc ông Navalny

Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến vụ nghi ngờ đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny, người đang hôn mê tại một bệnh viện ở Đức, theo The Guardian.

Ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin đã gọi các báo cáo về vụ nghi đầu độc ông Navalny là “vội vàng” sau khi một bệnh viện ở Berlin, nơi ông Navalny đang điều trị, xác nhận rằng người thường xuyên chỉ trích Putin đã bị nhiễm chất ức chế cholinesterase.

Ông Dmitri Peskov hôm thứ Ba nói rằng những cáo buộc chống lại Tổng thống Putin về vụ đầu độc ông Navalny là thứ “tiếng ồn vô nghĩa” và là những “câu chuyện nhàn rỗi”. “Chúng tôi không thể coi những lời buộc tội này là nghiêm trọng”, ông Peskov nói trong một cuộc họp báo thường kỳ. “Những lời buộc tội này không thể nào đúng sự thật”.

Belarus: Lãnh đạo phe đối lập tuyên bố không lùi bước

Lãnh đạo phe đối lập ở Belarus bà Svetlana Tikhanovskaya tuyên bố sẽ không từ bỏ phong trào đấu tranh cho dân chủ bất chấp việc chính phủ Tổng thống Alexander Lukashenko mới bắt giữ hai đồng sự của bà để uy hiếp người biểu tình, The Guardian đưa tin hôm thứ Ba.

Phát biểu trước ủy ban đối ngoại quốc hội châu Âu trong một hội nghị trực tuyến từ nơi sống lưu vong ở quốc gia láng giềng Lithuania, bà Tikhanovskaya cho biết chính phủ Lukashenko đã bắt giữ và đe dọa những người tham gia phong trào đấu tranh dân chủ. Tuy nhiên, bà khẳng định: “Việc đe dọa không có tác dụng. Chúng tôi sẽ không nhụt chí. Chúng tôi yêu cầu chính phủ tôn trọng các quyền cơ bản của chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu tất cả các tù nhân chính trị được trả tự do”.

Hôm thứ Hai, cảnh sát Belarus đã bắt giữ thủ lĩnh các cuộc đình công Sergei Dylevsky và phụ tá chính trị của Tikhanovskaya, Olga Kovalkova. Nhà văn đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich cũng bị cảnh sát triệu tập. Cả ba nhân vật này đều nằm trong một hội đồng điều phối bảy người mới được thành lập để lãnh đạo phong trào dân chủ ở Belarus.

Các cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống Lukashenko từ chức ở Belarus đã bước sang tuần thứ ba và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Lukashenko bị cáo buộc gian lận để giành quyền lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 6 liên tiếp trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng.

Triều Tiên huy động 6000 tin tặc đánh cắp tiền

Tướng Paul Nakasone, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ, cho biết Triều Tiên đang sử dụng các tin tặc để đột nhập và đánh cắp tiền từ các hệ thống tài chính quốc tế để sử dụng cho các chương trình phát triển vũ khí của mình, theo Yonhap.

Tướng Nakasone đưa ra phát biểu này trong một bài viết đăng hôm thứ Ba trên tạp chí Foreign Affairs của Hoa Kỳ, nói thêm rằng Bình Nhưỡng đang sử dụng các chiêu thức tấn công mạng như một cách thức đối phó với các lệnh trừng phạt khác nhau của công đồng quốc tế.

Trong một báo cáo công bố tuần trước, Quân đội Mỹ nghi ngờ Triều Tiên đang duy trì một lực lượng tin tặc lên tới 6.000 người. Nhiều chuyên gia tin rằng bắt đầu từ năm 2016 các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên bắt đầu tập trung hơn vào việc đánh cắp tài chính, bên cạnh việc thu thập các thông tin nhạy cảm.

Afghanistan: Taliban tấn công, ít nhất 15 người thiệt mạng

Taliban đã tổ chức một loạt các cuộc tấn công ở Afghanistan hôm thứ Ba khiến 15 người chết và hàng chục người khác bị thương, Fox News đưa tin.

Một kẻ đánh bom liều chết đã phục kích một chiếc xe tải ở phía bắc tỉnh Balkh, giết chết 2 lính biệt kích Afghanistan và một dân thường, theo Munir Ahmad Farhad, phát ngôn viên tỉnh trưởng.

Hanif Rezaie, phát ngôn viên quân đoàn Afghanistan ở miền bắc, cho biết: “Hầu hết dân thường bị thương là phụ nữ và trẻ em”, rồi thông tin thêm rằng có ít nhất 35 người bị thương trong vụ nổ, và hàng chục ngôi nhà của người dân gần đó đã bị phá hủy.

Một vụ tấn công khác cũng đã xảy ra ở Balkh, các nhà điều tra tin rằng đây là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào cựu quan chức chính phủ Abdul Raouf và gia đình ông. Adil Shah Adil, phát ngôn viên cảnh sát trưởng tỉnh cho biết 5 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công, bao gồm ông Raouf.

Cũng trong ngày thứ Ba, một cuộc tấn công vào một trạm kiểm soát các lực lượng ủng hộ chính phủ ở phía tây tỉnh Ghor đã giết chết 8 binh sĩ và khiến 5 người bị thương, Arif Aber, phát ngôn viên tỉnh trưởng cho biết. Vụ tấn công ở quận Shahrak đã khơi mào một cuộc đấu súng kéo dài 5 giờ đồng hồ.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-26-8-bac-kinh-khong-muon-co-chien-tranh-lanh-nga-bac-tin-tong-thong-putin-dau-doc-ong-navalny.html

 

Điểm tin thế giới tối 26/8:

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi người ‘ghét chiến tranh’

bầu cho ông Trump;

Kim Jung Un kêu gọi chống Covid và lũ lụt

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (26/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi người ‘ghét chiến tranh’ bầu cho ông Trump

Thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul hôm 25/8 kêu gọi cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Tổng thống Trump “nếu ghét chiến tranh”, theo New York Post.

“Nếu các bạn ghét chiến tranh như tôi, nếu các bạn muốn chúng ta ngừng gửi 50 tỷ USD mỗi năm tới Afghanistan để xây đường và cầu thay vì xây những công trình đó tại Mỹ, thì các bạn cần ủng hộ Tổng thống Trump thêm một nhiệm kỳ nữa”, ông Paul phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC) ngày 25/8.

Ông Paul nói thêm: “Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong một thế hệ tìm cách kết thúc chiến tranh thay vì bắt đầu một cuộc chiến. Ông ấy dự định sẽ kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan. Ông ấy đang đưa những người lính của chúng ta về nhà. Hãy so sánh những thành tích của Tổng thống với Joe Biden thảm hại, người liên tục kêu gọi thêm nhiều cuộc chiến tranh. Ông Biden đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến tranh ở Iraq mà Tổng thống Trump gọi là sai lầm địa chính trị tồi tệ nhất của thế hệ chúng ta”.

Kim Jung Un kêu gọi chống Covid và lũ lụt

Reuters dẫn tin từ hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jung Un đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, kêu gọi nỗ lực chống dịch Covid-19 và bão lũ.

KCNA đưa tin, cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên đã “đánh giá những điểm yếu về kiểm soát đường xâm nhập của virus nguy hiểm và công việc phòng chống đại dịch khẩn cấp của chính quyền”.

Ngoài ra, cuộc họp còn thảo luận về các biện pháp ứng phó khẩn cấp nhằm hạn chế thiệt hại về con người và mùa màng bởi bão Bavi sắp đổ bộ vào Triều Tiên trong vài ngày tới.

Canada gây sức ép lên Trung Quốc về vụ bắt công dân và Hồng Kông

Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Rome hôm 25/8 và thúc giục Bắc Kinh trả tự do cho hai công dân Canada bị giam giữ, theo Reuters.

Chính quyền Otawa cho biết, trong chuyến đi tới châu Âu, ông Champagne đã gặp ông Vương tại một khách sạn trong 90 phút.

Mối quan hệ hai nước trở nên xấu đi vào tháng 12/2018 sau khi cảnh sát Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Huawei theo yêu cầu của Mỹ. Sau đó, Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig với cáo buộc gián điệp.

“Bộ trưởng Champagne một lần nữa nhấn mạnh rằng trường hợp của Michael Kovrig và Michael Spavor vẫn là ưu tiên hàng đầu … và Canada tiếp tục kêu gọi Trung Quốc trả tự do ngay lập tức cho cả hai người này”, Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố.

Một quan chức chính phủ Canada nói rằng, ông Champagne cũng bày tỏ sự phản đối cách Bắc Kinh đối xử với Hồng Kông.

Thủ tướng Nhật sẽ tham vấn bác sĩ trước họp báo

Ba nguồn tin nói với Reuters, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chủ trì họp báo ngày 28/8 để cung cấp thông tin về sức khỏe cá nhân.

Các nguồn tin hôm nay tiết lộ, ông Abe có kế hoạch tổ chức cuộc họp báo vào chiều 28/8. Truyền thông địa phương đưa tin, Thủ tướng Abe dự kiến ​​sẽ đưa ra lời giải thích về sức khỏe của ông và nói về các biện pháp ứng phó Covid-19 của chính phủ.

Cũng theo các nguồn tin này, trước khi tổ chức họp báo, ông Abe sẽ có các cuộc tham vấn với bác sĩ, có thể là trực tiếp đến bệnh viện để kiểm tra hoặc trao đổi qua điện thoại.

Thủ tướng Abe hai tuần qua đã tới bệnh viện hai lần, trong đó có một lần kéo dài hơn 7 tiếng tại bệnh viện ở Tokyo. Ông không đề cập chi tiết về hai chuyến đi đó, mà chỉ khẳng định muốn đảm bảo sức khỏe tốt và sẽ cố gắng hết sức cho công việc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-26-8-nghi-si-my-keu-goi-nguoi-ghet-chien-tranh-bau-cho-ong-trump-kim-jung-un-keu-goi-chong-covid-va-lu-lut.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.