Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 20/08/2020

Thursday, August 20, 2020 6:23:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 20/08/2020

Liên Âu can thiệp vào khủng hoảng Belarus nhưng ngại phản ứng từ Nga – Mai Vân

Trên trang nhất các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay, 20/08/2020 có hai chủ đề lớn đã đẩy toàn bộ các hồ sơ khác xuống hàng thứ yếu: Cuộc đảo chánh quân sự tại Mali và quyết định của Liên Hiệp Châu Âu can thiệp vào Belarus. Điểm được các báo nêu bật là châu Âu đã đứng ra bênh vực phong trào biểu tình chống bầu cử gian lận và trừng phạt giới lãnh đạo tại Minsk, nhưng lại cố tránh khiêu khích Nga.

Trong bài viết mang tựa đề: “Belarus: Châu Âu rón rén vì ngại khiêu khích Matxcơva”, Le Figaro nhận thấy thách thức thực sự đối với châu Âu là tránh được kịch bản Nga sáp nhập Crimée của Ukraina vào năm 2014.

Cố lôi kéo Nga vào một giải pháp cho Belarus

Đối với 27 nước Liên Âu, không thể chỉ ngồi yên quan sát, nhất là nếu Belarus xích lại gần Nga. Nhưng cũng không thể can thiệp quá mạnh, xen quá mức vào nội tình Belarus để thêm củi lửa cho Loukachenko. Châu Âu không quên tuyên bố của Matxcơva, đã nói đến hành động “can thiệp của thế lực ngoại bang” tuy không nêu đích danh châu Âu.

Theo Le Figaro, chính việc lo ngại Nga đưa quân can thiệp đã thúc đẩy Bruxelles tổ chức cuộc họp bất thường. Và cũng không lạ gì khi Charles Michel, Emmanuel Macron và Angela Merkel đều đã nhấc điện thoại để trao đổi với Vladimir Putin, và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đã ghi nhận tuyên bố của điện Kremlin là Nga không có ý muốn can thiệp quân sự vào Belarus.

Về tiến trình chính trị, châu Âu yêu cầu chính quyền Belarus tiến hành một cuộc đối thoại quốc gia, nhưng tránh kêu gọi bầu cử lại, mà chỉ hỗ trợ cho nguyện vọng dân chủ của người dân Belarus. Và châu Âu cũng không còn nghĩ đến việc làm trung gian hòa giải. Trách nhiệm này được giao  phó cho Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE mà Nga cũng là một thành viên.

Libération: Putin trong tư thế cân nhắc hơn thiệt

Về phần Libération, tờ báo thiên tả này La Croix có cái nhìn hơi khác đồng nghiệp Le Figaro. Bài viết “Belarus: Châu Âu xen vào, Nga kín đáo”, nhấn mạnh đến việc châu Âu đã không công nhận thắng lợi của ông Loukachenko, trong lúc mà Putin, dù chính thức ủng hộ đồng minh của mình, nhưng không quá lộ liễu.

Tờ báo ghi nhận là thủ tướng Đức và tổng thống Pháp đã thúc giục ông Putin gây sức ép với Loukachenko để ông chấp nhận đối thoại với đối lập và từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Phủ tổng thống Pháp thì kêu gọi một sự “phối hợp” giữa Nga và châu Âu để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Belarus.

Về phía Nga, ông Putin vẫn tiếp tục ủng hộ đồng minh chính trị, kinh tế, quân sự lâu năm của mình nhưng chỉ chỉ trích một cách nửa vời việc châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ Belarus.

Đối với Libération, tuy có những tuyên bố bực dọc, gây lo ngại trong những ngày qua, Nga lúc này có vẻ không sẵn sàng “lội nước” để cứu vãn chế độ sắp sụp đổ của Loukachenko.

Tờ báo trích dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng “Putin đang cân nhắc lợi hại sao cho không phải trả giá cao. Hậu thuẫn cho Loukachenko có lợi lộc gì không? Hay là tác động đến tiến trình chuyển tiếp, gây ảnh hưởng với lãnh đạo tương lai và cả tương lai của đất nước” mà ông không muốn thấy thoát khỏi ảnh hưởng Nga.

Ý kiến chung các chuyên gia là khi nào cuộc phán kháng ở Belarus không có màu sắc bài Nga và thẳng thừng thiên châu Âu thì Putin sẽ không can thiệp.

Cặp bài trùng Macron-Merkel lại phối hợp hành động vì châu Âu

Bài phân tích về quyết định của Liên Hiệp Châu Âu liên quan đến Belarus đã được Le Figaro lồng vào hồ sơ chung về cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Đức mở ra hôm nay tại Pháp mà tờ báo nêu bật trên trang nhất trong hàng tựa chính: “Merkel và Macron chăm lo cho một châu Âu đang chịu nhiều áp lưc”.

Le Figaro đã điểm qua những vấn đề đang khiến hai lãnh đạo hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu nhức đầu: Không kể đến kế hoạch vực dậy kinh tế cần phải triển khai, thủ tướng Đức và tổng thống Pháp còn phải phối hợp hành động trên hồ sơ Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Brexit, Mali, bên cạnh nhiều hồ sơ khác nữa.

Theo tờ báo, sau cú phối hợp ngoạn mục đã cho phép thông qua kế hoạch vực dậy kinh tế châu Âu thời hậu Covid vào cuối tháng 7, Angela Merkel và Emmanuel Macron gặp nhau lại vào hôm nay ở Brégançon tại Pháp, nơi tổng thống Pháp đang nghỉ hè.

Đối với Le Figaro, lời mời của ông Macron cho thấy tầm quan trọng mà ông dành cho quan hệ cá nhân với thủ tướng Đức, với biết bao thách thức đang chờ đợi hai nhà lãnh đạo: Cụ thể hóa đề án vay mượn của châu Âu với bao nhiêu là cuộc thảo luận kỹ thuật phức tạp, phối hợp đáp án chung trước dịch Covid-19 đang tăng lây nhiễm trở lại, gọt dũa các giải pháp của Liên Âu trước tình hình Belarus, đưa ra cùng một tiếng nói đối với Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng sức ép lên Hy Lạp, chuẩn bị cho tình huống không có thỏa thuận về Brexit với Luân Đôn…

Theo Le Figaro, quả là đối với Paris và Berlin, các tình trạng khẩn cấp đang dồn dập, trong bối cảnh giữa hai lãnh đạo không phải lúc nào cũng dễ nhất trí, đặc biệt là trên hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp.

Trên các vấn đề này, Le Figaro cho rằng tổng thống Pháp có thể khai thác mối ưu tư hiện này của bà Merkel, muốn dựa trên đầu tàu Pháp-Đức để trau chuốt di sản châu Âu của mình.

Đảo chánh ở Mali, Pháp không khỏi lo ngại

Một trong những chủ đề bao trùm trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay là cuộc đảo chánh tại Mali, một nước châu Phi đồng minh của Pháp đang vất vả chiến đấu chống các nhóm thánh chiến Hồi Giáo.

Dưới hàng tựa lớn trang nhất: “Tại Mali, một cuộc đảo chánh khiến Pháp lo ngại”, Le Monde đã tóm lược sự kiện, theo đó tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta, còn được gọi theo tên tắt là IBK, tại chức từ năm 2013, đã bị lật đổ hôm 18/08 trong một cuộc đảo chánh quân sự. Ông đã bị một nhóm quân nhân bắt giữ vào buổi trưa, đến tối thì loan báo quyết định từ chức trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia.

Le Monde ghi nhận là giới quân nhân đảo chánh khẳng định là họ muốn thiết lập một tiến trình « chuyển tiếp chính trị dân sự » sau khi vị tổng thống bị phản đối dữ dội từ nhiều tháng nay bị lật đổ. Một phát ngôn viên của phe đảo chánh cũng cho biết là giới chỉ huy cuộc đảo chánh sẽ tôn trọng các cam kết quốc tế của nước Mali.

Đối với tờ báo Pháp, Paris hiện đang lo ngại rằng cuộc khủng hoảng bùng lên ở Mali sẽ tạo ra một khoảng trống chính trị tại một quốc gia đồng minh của Pháp trong cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến đang hoành hành ở vùng ba biên giới Mali, Burkina Faso và Niger.

Trong bài viết trang trong mang tựa « Sau cuộc đảo chính ở Mali, Pháp lo ngại an ninh trong khu vực sẽ tiếp tục xấu đi », Le Monde nêu bật các lý do khiến Paris lo lắng : Đó là việc Mali là một quốc gia không có toàn vẹn lãnh thổ, với quyền lực trung ương quá yếu, nhưng lại là một đồng minh của Pháp trong cuộc chiến chống lại các nhóm thánh chiến và là một nhân tố then chốt trong khu vực châu Phi nói tiếng Pháp.

Chiến dịch Barkhane của Pháp dứt khoát bị tác động

Nhật báo Công Giáo La Croix cũng dành tựa chính trang nhất cho tình hình Mali, nhưng nhìn thấy là nước này đã tiến thêm “một bước vào chốn mịt mù“.

Đối với La Croix, sau khi bị giới quân nhân đảo chánh lật đổ, tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keïta đã tuyên bố từ chức, giải tán chính phủ và Quốc Hội. Trong lúc đó thì phe đảo chánh đã lên tiếng kêu gọi thiết lập một “tiến trình chuyển tiếp chính trị dân sự” với mục tiêu là tổ chức được một cuộc “tổng tuyển cử đáng tin cậy” thể hiện tính dân chủ và yêu cầu hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Theo La Croix, đây là một “tiến trình chuyển tiếp đầy nguy cơ” do việc người dân đã mất niềm tin nghiêm trọng đối với giới chính trị Mali, trong lúc đất nước này tiếp tục bị các nhóm thánh chiến Hồi Giáo đe dọa.

Boubacar Traoré, giám đốc Văn Phòng Tham Vấn về an ninh châu Phi Afriglob cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay tại Mali là làm sao “tạo lại tính chính đáng cho Nhà nước và áp đặt được quyền lực quốc gia” trên người dân vốn đã phải liên tục trải qua những cuộc khủng hoảng chính trị.

Đối với nước Pháp, La Croix ghi nhận là cuộc đảo chánh đã đặt ra một thách thức mới cho chiến dịch Barkhane mà Pháp đang tiến hành chống thánh chiến Hồi Giáo tại Mali.

Cho dù ngay trong những phát biểu đầu tiên, phe đảo chánh ở Mali đã nhấn mạnh đến tính bền vững của các hoạt động quốc tế đang diễn ra ở Mali, thì cho dù không bị đe dọa, nhưng chiến dịch Barkhane vốn bao trùm vùng 3 biên giới Mali, Burkina Faso và Niger sẽ gặp thêm trở ngại trong một môi trường bất ổn và biên giới bị khép kín.

Đảo chánh ở Mali: 7 năm lãng phí?

Đề tài Mali cũng hiện diện trên trang nhất tờ báo thiên tả Libération, dù không phải là chủ đề số một, dưới dạng một câu hỏi ngắn gọn: “Đảo chánh tại Mali: Đe dọa hay hy vọng?

Trong một hồ sơ dài 4 trang bên trong, Libération giải thích rõ ràng hơn. Cuộc đảo chánh là một mối đe dọa vì đánh dấu sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc ổn định đất nước.

Libération nhắc lại rằng vào năm 2012, tại Mali cũng đã xẩy ra một cuộc đảo chánh quân sự, lật đổ chế độ của tổng thống Amadou Toumani Touré, với hệ quả là đẩy miền bắc Mali vào vòng tay các nhóm thánh chiến. Pháp đã phải tung chiến dịch Serval để can thiệp và tái chiếm miền bắc. Sau đó, Ibrahim Boubacar Keïta, được bầu lên làm tổng thống Mali rồi được bầu lại vào mùa hè năm 2018.

Thế nhưng, tình hình Mali vẫn không yên, miền bắc Mali không những chưa được bình định mà giờ đây, đến lượt miền trung Mali cũng bị lực lượng thánh chiến liên tục tấn công. Và chế độ IBK, bị người dân phản đối ngày càng dữ dội, đã lại bị cuộc đảo chánh quân sự hôm thứ Ba vừa qua lật đổ một cách dễ dàng.

Tuy nhiên theo Libération, cuộc đảo chánh lần này dường như lại được cả phe đối lập lẫn người dân Mali ủng hộ vì họ rất chán ngán chế độ tệ hại đương quyền, và đây chính là dấu hiệu hy vọng.

Thanh niên Thái Lan đòi cải tổ chế độ quân chủ

Về châu Á, Libération nhìn về Thái Lan với biểu tình sôi sục và ghi nhận trong hàng tựa : Người Thái đòi hỏi “cải tổ chế độ quân chủ”.

Tờ báo phỏng vấn bà Christine Cabasset, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Đương Đại, để tìm hiểu thêm về những cuộc biểu tình của sinh viên Thái Lan gần đây, chưa từng thấy về quy mô cũng như đòi hỏi, sẵn sàng tố cáo nền quân chủ Thái Lan. Hôm Chủ Nhật 16/08 vừa qua, đã có 10.000 người xuống đường, điều chưa từng thấy từ năm 2016.

Theo chuyên gia Cabasset, những người biểu tình có 4 yêu sách chính: Trước tiên họ đòi hỏi giải tán Quốc Hội, tức là muốn thủ tướng Prayuth ra đi; họ cũng muốn có một Hiến Pháp mới, vì Hiến Pháp hiện tại là do chế độ quân phiệt soạn ra; đòi hỏi thứ 3 là chấm dứt sách nhiễu đối lập. Riêng yêu sách thứ tư là điều chưa từng có từ trước đến nay: Cải tổ chế độ quân chủ.

Theo bà Christine Cabasset, đòi hỏi thứ tư còn mang tính lịch sử. Quốc vương hiện tại Rama X, lên ngôi tháng 5/2019. Người cha, quốc vương Rama IX – đã trị vì suốt 69 năm – rất được kính trọng, nhưng quốc vương mới không có được hào quang này. Ông sống phần lớn thời gian tại Đức và bị chỉ trích về cuộc sống xa hoa.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Pháp, phải lưu ý người Thái không đòi bãi bỏ nền quân chủ mà chỉ muốn hiện đại hóa, muốn Quốc Hội có quyền kiểm soát nhà vua, hoàng gia và tài sản của vua.

Vấn đề là ở Thái Lan, chỉ trích chế độ quân chủ là việc làm rất nguy hiểm. Chiếu theo luật khi quân nghiêm khắc hiện hành, thì mọi chỉ trích có thể dẫn đến án tù giam.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200820-li%C3%AAn-%C3%A2u-can-thi%C3%AA%CC%A3p-va%CC%80o-khu%CC%89ng-hoa%CC%89ng-belarus-nh%C6%B0ng-nga%CC%A3i-pha%CC%89n-%C6%B0%CC%81ng-t%C6%B0%CC%80-nga

 

Tin tổng hợp

(CGTN & TTVN) – Đập Tam Hiệp đạt đỉnh lũ lịch sử. 

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20/08/2020, lưu lượng nước đổ về đập thủy điện lớn nhất thế giới, khánh thành năm 2006, ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã lên đến 75.000 mét khối/giây. Trước áp lực này, đập Tam Hiệp đã phải mở 11 cửa xả lũ, với lưu lượng xả 49.400 mét khối/giây. Cũng trong ngày 20/08, báo chí Việt Nam cho biết nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thông báo xả lũ suốt 8 giờ trên sông Hồng, nhưng không cho biết lưu lượng xả, khiến phía Việt Nam vất vả đối phó.

(AFP) - Hồng Kông : Các nội dung « nhạy cảm » bị rút khỏi sách giáo khoa. 

Báo chí Hồng Kông hôm 20/08/2020 loan báo, các nhà xuất bản ở đặc khu được yêu cầu rút khỏi sách giáo khoa các nội dung như khái niệm bất tuân dân sự, hình ảnh một số khẩu hiệu của phong trào đấu tranh dân chủ, và tên một số đảng phái. Nghiệp đoàn giáo chức Hồng Kông (HKPTU) tố cáo việc kiểm duyệt này, kêu gọi chính quyền bảo đảm tự do trong ngành giáo dục.

(SCMP) – Ấn Độ và Trung Quốc cùng gởi chiến đấu cơ đến biên giới. 

Các chiến đấu cơ tân tiến nhất được điều đến những căn cứ không quân gần biên giới Ấn-Trung ở Himalaya. Các hình ảnh vệ tinh từ thứ Hai 17/08/2020 cho thấy hai phi cơ tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc xuất hiện tại căn cứ Hòa Điền (Tân Cương) cách khu vực tranh chấp Aksai Chin 320 km. Ấn Độ đã triển khai năm chiến đấu cơ hiện đại Dassault Rafale đến Ladakh, bay tuần tra ban đêm ở vùng núi Himachal Pradesh.

(AFP) – Gián điệp : Na Uy trục xuất một nhân viên ngoại giao Nga. 

Thứ Tư 19/08/2020, hai hôm sau khi bắt quả tang một công dân Na Uy trao tài liệu cho một nhân viên ngoại giao Nga trong một nhà hàng, Oslo cho biết đã thông báo tin này cho Sứ quán Nga và yêu cầu nhân viên Nga, thực sự là điệp viên, từ nay đến cuối tuần  phải rời Vương quốc. Theo hồ sơ tư pháp, nghi can Na Uy tên Harsham Singh Tathgar, hoạt động trong ngành dầu hỏa, nhìn nhận đã trao cho điệp viên Nga nhiều thông tin, đổi lại « các khoản tiền quan trọng » nhưng khẳng định là các tài liệu này « không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia ». Trên FaceBook, Sứ quán Nga cho rằng « trợ lý đại diện thương mại » bị câu lưu mà không có lý do chính đáng.

(AFP) – Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quân nhân Mali đảo chính lập tức quay về doanh trại. 

Ngoài ra, các thành viên Hội Đồng Bảo An họp khẩn hôm 19/08/2020 còn yêu cầu trả tự do ngay cho tất cả các nhà lãnh đạo bị bắt, nhấn mạnh sự cần thiết phải « tái lập Nhà nước pháp quyền, hướng về trật tự hiến định ». Tổng thống Mali, Ibrahim Boubacar Keïta, bị phe đảo chính lật đổ tối thứ Ba 18/08 đã từ chức. Dù các quân nhân đảo chính đã có những tuyên bố trấn an, nhưng Liên minh châu Phi đã ngưng tư cách thành viên của Mali.

(AFP) – Google bị trục trặc trên toàn thế giới. 

Nhiều dịch vụ phổ biến của Google như Gmail hôm 20/08/2020 bị rối loạn trong nhiều tiếng đồng hồ. Google cho biết dịch vụ Gmail đã được tái lập đối với một số người sử dụng và tập đoàn này đang tiếp tục khắc phục. Sự cố bắt đầu xảy ra vào 5 giờ GMT, việc gởi các mail và tập tin đính kèm, ghi lại các cuộc họp video, tạo tập tin trên Drive đều không thực hiện được, chủ yếu tại châu Âu, Đông Nam Á và Nhật Bản.

(Vietnamnet) – Covid-19 : Việt Nam hiện có 150 ổ dịch.

Trong lúc chính quyền thông báo đã kiểm soát được ổ dịch thành phố Hải Dương, và bộ Giáo Dục cho biết chuẩn bị tiến hành kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đợt 2, bộ Y Tế hôm 20/08/2020 báo động về số lượng 150 ổ dịch đã có, và yêu cầu tất cả các địa phương « rà soát các kịch bản ứng phó ». Quyền bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long  nhấn mạnh « nếu dịch xảy ra ở các địa phương khác, sẽ bùng phát không kém Đà Nẵng ». Ngày 20/08, Việt Nam thông báo có thêm 14 ca nhiễm mới, trong đó có 12 ca trong nước và 2 ca nhập cảnh.

(AFP) – Covid-19 : Châu Âu chống dịch trọng điểm, không phải phong tỏa toàn xã hội. 

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), hôm 20/08/2020, khen ngợi các quốc gia thuộc Liên Hiệp Châu Âu đã « chuẩn bị tốt », khoanh vùng, đẩy lùi dịch ngay tại các địa phương, có nguy cơ bùng phát. Châu Âu « vừa xử lý được dịch bệnh, vừa duy trì được các hoạt động kinh tế và giáo dục » là ghi nhận của đại diện WHO tại châu Âu, ông Hans Kluge.

(AFP) – Covid-19 :  Liên Hiệp Châu Âu ký hợp đồng thứ 4 mua vac-xin.

Ủy Ban Châu Âu hôm 20/08/2020, thông báo đã đặt mua 225 triệu liều vac-xin của hãng bào chế Đức CureVac. Ba hợp đồng trước đó là mua của hãng dược Pháp Sanofi (300 triệu), của hãng dược Mỹ Johnson & Johnson (400 triệu) và hãng dược Anh-Thụy Điển AstraZeneca (300 triệu liều).

(AFP) – Bác sĩ Fauci : Mỹ sẽ không bắt buộc toàn dân tiêm vac-xin.

Ngày 19/08/2020, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Hoa Kỳ về các bệnh truyền nhiễm, thông báo chính quyền Liên bang sẽ không bắt buộc toàn dân tiêm chủng, mà tùy theo các nhóm có nguy cơ, ví dụ như các nhân viên y tế, hay trẻ em. Vài giờ trước đó, thủ tướng Úc thông báo tiêm chủng chống Covid-19 sẽ là bắt buộc với toàn dân, ngoại trừ một số trường hợp không tiêm chủng vì lý do y tế.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200820-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 20/8:

Nối tiếp vợ, ông Obama có kế hoạch

nói xấu ông Trump;

Mỹ dừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông

Lục Du

Sáng nay, thứ Năm (20/8), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:

Nối tiếp vợ, ông Obama có kế hoạch nói xấu ông Trump

Tài liệu rò rỉ cho thấy, trong bài phát biểu vào thứ Tư trước các đảng viên đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dự định sẽ nêu ra các thất bại của Tổng thống Trump khiến 170.000 người Mỹ chết vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán, làm mất hàng triệu việc làm và đe dọa nền dân chủ cả trong và ngoài nước, theo Reuters

Vợ của ông Obama, bà Michelle, đã lên tiếng chỉ trích ông Trump hôm thứ Hai rằng Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ không có năng lực và “đơn giản là không thể trở thành người mà chúng ta cần”.

Sau đó ông Trump đã phản pháo khi nói trên Twitter rằng ông sẽ không thể trở thành Tổng thống Mỹ nếu như không phải vì những việc làm của ông Obama, chồng bà Michelle, ám chỉ rằng sự yếu kém của vị tổng thống da màu đã khiến cử tri Mỹ chọn ông làm tổng thống trong cuộc bầu cử hồi cuối năm 2016.

Mỹ dừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông hôm thứ Tư, theo SCMP. Đây là động thái trừng phạt tiếp theo của Washington đối với Bắc Kinh kể từ khi lực lượng đang nắm quyền ở Trung Quốc bị chỉ trích vì thông qua luật an ninh quốc gia nhằm bóp nghẹt tự do của đặc khu này.

Hiệp ước dẫn độ là một trong ba thỏa thuận song phương giữa Hoa Kỳ với Hồng Kông mà chính quyền Trump tuyên bố sẽ đình chỉ.

Bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Các thỏa thuận này bao gồm việc [dẫn độ] những tội phạm đào tẩu tự thú, chuyển giao những người bị kết án và miễn thuế đối ứng đối với các khoản thu có được từ hoạt động quốc tế của các con tàu”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết động thái này thực hiện theo lệnh hành pháp ngày 14/7 của Tổng thống Donald Trump, trong đó tuyên bố rằng, vì luật an ninh quốc gia, Hồng Kông “không còn đủ tự chủ để nhận được sự đối xử đặc biệt trong mối quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Trung Quốc & Nga đối nghịch EU trong vấn đề Belarus

Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện xu hướng đối lập trong vấn đề Belarus. Trung Quốc và Nga cho thấy họ muốn bảo vệ Tổng thống Lukashenko thì EU từ chối kết quả bầu cử bị người dân Belarus lên án là gian lận, giúp vị tổng thống đã tại vị 26 năm tiếp tục nắm quyền, theo bản tin hôm thứ Năm của SCMP.

Chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích “các thế lực nước ngoài” làm hỗn loạn Belarus, còn chính phủ Nga đe dọa sẽ điều quân đội tới giúp ông Lukashenko dập tắt các cuộc biểu tình rầm rộ trong những ngày qua.

Sau một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến khẩn cấp, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel đã gửi một thông điệp tới người dân Belarus rằng EU “đứng về phía các bạn”.

Các cuộc biểu tình lớn chưa từng có trong lịch sử của Belarus phản đối và yêu cầu Tổng thống Lukashenko từ chức đã bước sang ngày thứ 11.

Úc bắt giữ tàu cá chở 2 tấn Cocaine

Một con thuyền đánh cá đang vận chuyển 2 tấn cocaine đã bị chặn ở vùng biển Australia vào cuối tuần qua. Đây là vụ buôn bán ma túy bất hợp pháp lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện ở Australia, nhà chức trách Úc cho biết thông tin hôm thứ Tư, theo Fox News.

Tàu Coralynne đã bị chặn vào đêm thứ Bảy ngoài khơi Newcastle sau khi các sĩ quan tình báo Úc thấy con tàu này nhận những kiện hàng hóa đáng ngờ từ một con tàu nước ngoài.

Lực lượng Biên phòng Australia cho biết 1,98 tấn cocaine có nguồn gốc từ Hoa Kỳ được chứa trong 1.890 kiện hàng đã được đưa ra khỏi tàu đánh cá hiện đang cập cảng Sydney. Cơ quan này cho biết giá trị của lô hàng cấm này lên đến 616 triệu USD.

Afghanistan: Đánh bom, ít nhất 4 người thiệt mạng

Có ít nhất 4 người chết và 13 người bị thương sau các vụ đánh bom nhắm vào các cơ quan chính phủ ở Afghanistan, các quan chức địa phương cho biết thông tin hôm thứ Tư, theo Fox News.

Hai quả bom gắn vào nhau phát nổ ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã giết chết hai nhân viên công lực, trong đó có một sĩ quan cảnh sát và làm bị thương hai người khác, cảnh sát thông tin.

Trong một vụ khác ở Puli Khumri, thủ phủ tỉnh Baghlan ở phía bắc Afghanistan, một quả bom nhắm vào một chiếc xe của cơ quan tình báo tỉnh, khiến 2 người tử vong và 11 người bị thương, bao gồm cả quân đội và dân thường, Nazir Najem, người phát ngôn của tỉnh trưởng tỉnh Baghlan cho biết.

Hiện chưa có lực lượng nào đứng ra nhận trách nhiệm cho các vụ tấn công. Phát ngôn viên lực lượng Taliban, Zabiullah Mujahid, nói rằng ông không biết có các vụ nổ ở Kabul, theo AP.

Mỹ sẽ khôi phục hầu hết lệnh trừng phạt Iran

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư cho biết, ông đang chỉ đạo Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) rằng Mỹ có kế hoạch khôi phục hầu như tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã bị đình chỉ trước đây đối với Iran, theo Reuters.

Trước đó vào thứ Ba, Reuters đưa tin ông Pompeo có thể sẽ đến New York vào thứ Năm để thúc đẩy các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran, và sẽ cuộc gặp với với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.

Hiện Nga và Trung Quốc đang tìm cách cản trở Hoa Kỳ trừng phạt chính phủ Iran, lực lượng bị coi là kẻ quấy rối và bảo trợ cho các tổ chức khủng bố khét tiếng ở Trung Đông.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-20-8-noi-tiep-vo-ong-obama-co-ke-hoach-noi-xau-ong-trump-my-dung-hiep-uoc-dan-do-voi-hong-kong.html

 

Điểm tin thế giới tối 20/8:

Ông Obama đăng đàn nói xấu ông Trump;

Trung Quốc chỉ trích Mỹ

vì ngừng hiệp ước với Hồng Kông

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (20/8) của DKN xin gửi tới quý bạn đọc nội dung tóm lược của những tin sau:

Ông Obama đăng đàn nói xấu ông Trump

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Tư đã ra mặt công kích người kế nhiệm Donald Trump, nói rằng ông Trump không phù hợp với chức vụ mà ông đang nắm giữ, và cho rằng việc bỏ phiếu cho ông Joe Biden vào cuối năm nay là điều cần thiết để đảm bảo cho sự tồn tại của nền dân chủ Mỹ, theo Reuters.

“Ông ấy không chú tâm đến công việc; không quan tâm đến việc tìm kiếm điểm chung; không quan tâm đến việc sử dụng quyền hành lớn để giúp đỡ bất cứ ai ngoài bản thân và bạn bè của mình; không quan tâm đến việc đối đãi một cách đúng đắn đối với vai trò tổng thống ngoài việc lợi dụng nó để thu hút sự chú ý mà ông ấy khao khát”, ông Obama chỉ trích ông Trump trong đêm thứ ba của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ.

“Donald Trump không làm tốt được công việc bởi vì ông ấy không thể”, ông Obama nhân xét. “Và hậu quả của thất bại đó là nghiêm trọng”.

Trước khi nghỉ hưu ông Obama từng chất vấn kế hoạch phát triển kinh tế của ông Trump, nói rằng chỉ có cây đũa thần ông Trump mới có thể giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 3%. Tuy nhiên, trái ngược với những dự đoán của ông Obama, kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng GDP Mỹ đạt 3,18%, và trước khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán xảy ra, có thời điểm tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

Ông Obama cũng bị chỉ trích đã quá nhu nhược trước chính quyền Trung Quốc. Dưới thời vị tổng thống da màu, Bắc Kinh đã hoàn thành việc bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ vì ngừng hiệp ước với Hồng Kông

Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ sau khi Washington đình chỉ ba hiệp ước song phương với Hồng Kông, bao gồm hiệp ước dẫn độ và hiệp ước miễn thuế cho tàu bè, nhấn mạnh rằng việc chấm dứt những hiệp ước này sẽ gây hại cho cả hai bên, theo SCMP.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Năm cho biết Bắc Kinh ủng hộ quyết định đình chỉ thỏa thuận giữa Hồng Kông và Mỹ về tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự để trả đũa “những hành vi sai trái” của Hoa Kỳ.

“Chúng tôi ghi nhận tuyên bố của chính quyền Hồng Kông, trong đó phản đối và lên án mạnh mẽ việc đơn phương đình chỉ các thỏa thuận [của phía Mỹ]. Phía Trung Quốc hoàn toàn đồng ý với quan điểm của chính quyền Hồng Kông trong việc này”, ông Triệu nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Trung-Nga có thể bị Mỹ trừng phạt trong vấn đề Iran

Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo Nga và Trung Quốc không nên coi thường việc tái khởi động tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran, điều mà Tổng thống Trump đã chỉ đạo ông nêu ra tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc ở New York hôm thứ Năm, theo Reuters.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có chế tài Nga và Trung Quốc nếu họ từ chối tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran hay không, ông Pompeo nói với Fox News hôm thứ Tư rằng: “Chắc chắn vậy”.

Ông Pompeo sẽ gặp ông Dian Triansyah Djani – Đại sứ Indonesia tại Liên Hợp Quốc, người đang giữ chức chủ tịch HĐBA trong tháng 8 – để gửi đơn khiếu nại về việc Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Kim Jong Un thừa nhận không đạt mục tiêu kinh tế

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thừa nhận kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của ông đã không đạt được các mục tiêu trong nghị quyết, đồng thời cam kết sẽ công bố một kế hoạch mới tại đại hội đảng Lao động sẽ được tổ chức vào tháng Giêng năm tới, truyền thông KCNA của Triều Tiên đưa tin hôm thứ Năm, theo Yonhap.

“Nền kinh tế đã không được cải thiện khi liên tục đối mặt với tình hình căng thẳng cả trong lẫn ngoài và những thách thức đa dạng, bất ngờ từ nhiều phía”, ông Kim nói trong khi đọc một nghị quyết được thống nhất tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức hôm thứ Tư.

Rất hiếm khi lãnh đạo Triều Tiên thừa nhận thất bại trong chính sách của mình.

Các chuyên gia nhận định, ông Kim cũng có thể tận dụng thời điểm diễn ra đại hội đảng Lao động để công bố chính sách mới của Bình Nhưỡng đối với Hoa Kỳ sau khi đã biết kết quả ai là người chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump hay ông Biden.

Nga: Chính trị gia đối lập Putin hôn mê, nghi bị đầu độc

Ông Alexei Navalny, chính trị gia Nga đối lập với chính phủ Putin, đã rơi vào trạng thái hôn mê tại một bệnh viện ở Siberia hôm thứ Năm sau khi uống một tách trà. Người phát ngôn của ông Navalny, bà Kira Yarmysh, tin rằng tách trà mà ông uống đã bị bỏ thuốc độc, theo Reuters.

Ông Navalny bắt đầu cảm thấy mệt khi trở về Moscow từ Siberia bằng máy bay vào sáng thứ Tư. Ông đã được nhanh chóng đưa tới bệnh viện sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống thành phố Omsk.

“Chúng tôi cho rằng Alexei đã bị đầu độc bằng thứ gì đó trộn vào trà của ông. Đó là thứ duy nhất ông ấy uống vào buổi sáng. Alexi giờ đã bất tỉnh”, bà Yarmysh nói.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-20-8-ong-obama-dang-dan-noi-xau-ong-trump-trung-quoc-chi-trich-my-vi-ngung-hiep-uoc-voi-hong-kong.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.