Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 04/08/2020

Tuesday, August 4, 2020 7:30:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 04/08/2020

John Bolton: “Không nên giao cho ông Trump nhiệm kỳ thứ hai” – Mai Vân

Trong bối cảnh báo chí Pháp ra ngày hôm nay 04/08/2020 không tập trung trên một chủ đề chung nào, thông tin nổi bật nhất có lẽ xuất hiện trên nhật báo cánh hữu Le Figaro, với bài phỏng vấn mà cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton dành cho bẩy tờ báo lớn ở châu Âu trong đó có tờ báo Pháp. Le Figaro không ngần ngại trích nguyên văn câu nói của ông Bolton làm tựa bài trích dịch phần phỏng vấn: “Không nên giao cho ông Trump nhiệm kỳ thứ hai”.

Trong phần giới thiệu, Le Figaro trước hết cho biết là cựu cố vấn an ninh Mỹ đã trả lời phỏng vấn bằng video từ văn phòng của ông tại Washington. Nhóm phỏng vấn bao gồm đại diện của 8 tờ báo lớn ở châu Âu tập hợp trong liên minh báo chí gọi là Lena. Đó là các tờ Die Welt (Đức), Le Figaro (Pháp), El Pais (Tây Ban Nha), La Repubblica (Ý), La Tribune de Genève (Thụy Sĩ), Le Soir (Bỉ), Tages-Anzeiger (Áo) và Gazeta Wyborcza (Ba Lan).

Ông Bolton đã từng làm cố vấn an ninh cho tổng thống Trump trong suốt 17 tháng, nhưng giờ đây thì ông đang cố  ngăn cản ông Trump tái đắc cử. Mới đây, ông đã cho ra mắt độc giả một quyển sách (656 trang) The Room Where it Happened, với những tiết lộ nghiêm trọng về cung cách làm việc của đương kim tổng thống Mỹ.

Bolton: “Lần đầu tiên trong đời, tôi sẽ không bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Cộng Hòa”

Giống như những gì ông đã viết trong quyển sách, trong cuộc phỏng vấn, ông Bolton đã tỏ ra khá gay gắt với tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm.

Ông nhận xét: “Khi ông Trump giải quyết các vấn đề an ninh, ông không theo một chủ thuyết chính trị nào, cũng không có một suy nghĩ chiến lược nào… Do đó, lần đầu tiên trong cuộc đời của mình, tôi không bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tới đây. Tuy nhiên tôi cũng sẽ không bỏ phiếu cho Joe Biden, tôi chỉ sẽ viết một cái tên khác. Donald Trump không nên được giao nhiệm kỳ thứ hai.”

Ông Bolton còn phê phán: “Ông ấy vẫn tiếp tục suy nghĩ là ông ấy vẫn ở Trump Tower, lãnh đạo chính phủ theo ý ông và cũng thường nói thích ký thỏa thuận với Putin, Tập Cận Bình, Erdogan hay Kim Jong Un. Ông bị những  lãnh đạo độc tài thu hút”.

Bolton: “Trump chưa bao giờ có chiến lược chống đại dịch”

Trả lời câu hỏi về đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Mỹ, John Bolton cũng khá gay gắt :

“Tôi không biết là có thể khẳng định rằng virus corona gây thiệt hại nặng nề ở Mỹ hơn ở những nước khác hay không. Mỹ vẫn ở mức trung bình về tử vong. Nhưng đối với tôi, cách Mỹ thoát ra khỏi đại dịch như thế nào so với những nước khác không quan trọng, điều quan trọng là cách nước Mỹ xử lý khủng hoảng. Tôi cho là chúng tôi đã làm rất tệ. Và ông Trump là người chịu trách nhiêm chính vì ông chưa bao giờ có chiến lược chống đại dịch này”.

Cựu cố vấn an ninh Mỹ giải thích thêm: “Ông ấy nghĩ có thể trút bỏ trách nhiệm. Ngay từ đầu đại dịch, ông ấy đã phủ nhận là có vấn đề; dù tình hình không còn chút nghi ngờ nào. Những cộng tác viên ở Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh đã cảnh báo, nhưng ông Trump lúc đó không muốn nghe bất kỳ lời chỉ trích nào nhắm vào ông Tập Cận Bình, và nhất là không muốn nghe những tin xấu cho là kinh tế Mỹ sẽ bị con virus tác hại và như vậy ảnh hưởng đến khả năng tái đắc cử của ông.

Ông ấy đã mất hai tháng, tháng Giêng và tháng Hai, trong lúc mà trong khoảng hai tháng này, nước Mỹ có thể tiến hành một công cuộc chuẩn bị tầm cỡ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này”.

Le Figaro: Thể thao Pháp trước nguy cơ làn sóng Covid-19  thứ hai

Bài phỏng vấn ông John Bolton chỉ được Le Figaro gợi lên trong một dòng chữ ngắn trên trang nhất, còn hồ sơ chính được dành cho chủ đề thể thao Pháp thời hậu Covid qua hàng tựa lớn: “Thể thao Pháp trước nguy cơ tồn vong khi bắt đầu năm hoạt động mới”.

Đối với Le Figaro, vào lúc các trận thi đấu đang dần dần được tái lập trên đất Pháp, giới thể thao chuyên nghiệp vẫn bị con virus corona đe dọa, và chưa thoát khỏi nguy cơ sụp đổ về kinh tế, tài chánh.

Tờ báo Pháp ghi nhận là từ cuộc đua xe đạp nổi tiếng Tour de France cho đến Thế Vận Hội Tokyo hay Cúp Bóng Đá Châu Âu Euro, khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 đã làm đảo lộn lịch trình thể thao và dập tắt lòng cuồng nhiệt của số khán giả thường khi rất đông đảo.

Cuộc sống đang dần hồi phục trong các sân vận động và trên các con đường, kể cả ở Pháp, nhưng lưỡi hái tử thần của dịch Covid-19 vẫn đang lơ lửng trên các sự kiện thể thao, và đôi khi cũng đã giáng xuống rồi như trường hợp giải Lướt Sóng Mở Rộng tại Pháp, lẽ ra được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng 8 tới đây trên bãi biển Lacanau, nhưng lại vừa bị hủy bỏ vì 3 lý do: tình trạng dịch bệnh đáng lo ngại ở tỉnh Gironde, nơi có bãi biển, số lượng du khách tăng vọt trong vùng và xuất xứ địa lý khác nhau của các vận động viên.

Theo Le Figaro, trên bình diện tài chánh, ngân quỹ của các câu lạc bộ thể thao vốn đã bị hao tổn cực kỳ sau một mùa xuân đen tối vừa qua, giờ đây đang bị nguy cơ cạn kiệt nếu bị một làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Libération: Phong trào “chống khẩu trang” manh nha tại Pháp

Trang nhất Libération đề cập đến một vấn đề xã hội bắt đầu nổi cộm tại Pháp sau khi đã khuấy động một số nước phương Tây khác, từ Mỹ, Canada cho đến Anh, Đức: Sự xuất hiện của một  phong trào chống đeo khẩu trang vào lúc chính quyền muốn mở rộng quy định đeo khẩu trang, kể cả ở ngoài trời.

Dưới hàng tựa lớn: “Đeo khẩu trang lên!”, mô phỏng mệnh lệnh “Giơ tay lên!” thường thấy trong những phim cao bồi miền Viễn Tây Mỹ, Libération giải thích: “Vào lúc những kẻ chống khẩu trang ngày càng thể hiện công khai thái độ phản đối, nghi kỵ của họ, thủ tướng Jean Castex hôm thứ Hai (03/08) đã đến thành phố Lille (miền bắc nước Pháp) để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, kể cả ở ngoài trời, tại những khu vực đông người”.

Trong hồ sơ dài 4 trang bên trong, tờ báo nêu bật nỗ lực của chính phủ Pháp nhằm thúc đẩy mọi người đeo khẩu trang để tránh cho đất nước phải phong tỏa toàn diện trở lại một lần nữa nếu dịch Covid-19 tái bùng phát. Thành phố Lille là nơi đã bắt buộc người dân phải mang khẩu trang ngay cả trong các công viên, các khu chợ lộ thiên, các con phố đi bộ, và tất cả những nơi có đông người. Biện pháp cứng rắn này đang được nhân rộng ra nhiều nơi khác trên đất Pháp.

Tuy nhiên, Libération cũng ghi nhận là tại Pháp đã bắt đầu xuất hiện phong trào chống khẩu trang, với một lời kêu gọi biểu tình tỏ thái độ vào ngày 08/08 tới đây được loan truyền trên mạng.

Trước nước Pháp, nhiều cuộc biểu tình của giới chống khẩu trang đã nổ ra tại Mỹ, Canada, cũng như tại Anh, Đức.

Lập luận của thành phần chống đeo khẩu trang, theo Libération, rất lung tung, đặc biệt tại Mỹ. Một vài ví dụ được tờ báo liệt kê: nào là “khẩu trang rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí còn có giấu chip điện tử để theo dõi dân chúng, một cách giám sat rất hiệu quả nhờ có mạng 5G mà sóng sẽ khiến con người dễ bị nhiễm Covid hơn”, nào là “khẩu trang vô dụng vì virus corona không lưu hành nữa”…

Tại Pháp, Libération ghi nhận, đã xẩy ra một số vụ hành hung người khác khi bị nhắc nhở là phải đeo khẩu trang.

Les Echos: Chính phủ Pháp sẽ đánh thuế phụ thu trên các công ty bảo hiểm

Báo Les Echos tiếp tục nhấn mạnh trên các vấn đề kinh tế Pháp thời hậu phong tỏa. Tựa chính trang nhất tờ báo nêu bật sự kiện: “Nhà nước muốn đánh thuế các công ty bảo hiểm y tế như thế nào

Theo Les Echos, chính phủ Pháp đã có kế hoạch đánh thuế đặc biệt trên các công ty bảo hiểm và các công ty hay quỹ tương hỗ với lý do là các doanh nghiệp này đã chi ra rất ít trong thời gian nước Pháp bị phong tỏa.

Theo ước tính thì trong giai đoạn các sinh hoạt bị ngưng trệ, các công ty này đã tiết kiệm được khoảng 2,6 tỷ euro nhờ vẫn tiếp tục thu phí bảo hiểm của các cá nhân và tập thể, nhưng phần bồi hoàn cho khách hàng lại giảm đáng kể.

Các công ty bảo hiểm như vậy sẽ phải trả phần thuế phụ thu đầu tiên vào mùa thu tới đây, và phần còn lại vào năm 2021.

Le Monde: Quốc Hội Pháp sẽ thảo luận 40 đề xuất cải thiện ngành tư pháp

Riêng Le Monde thì dùng tựa lớn trang nhất để giới thiệu một thông tin độc quyền mà tờ báo có được: “Tính chất độc lập của Tư Pháp: Hướng cải thiện mà các dân biểu đề xuất”.

Theo báo Le Monde, ủy ban điều tra của Quốc Hội Pháp về “những trở ngại làm suy yếu tính chất độc lập của nền Tư Pháp” vừa hoàn tất nhiêm vụ hôm 09/07 vừa qua sau khi nghe phần điều trần của cựu bộ trưởng Tư Pháp Nicole Belloubet, người đã được tân bộ trưởng Eric Dupond-Moretti thay thế hai ngày trước đó.

Điều khiến tờ báo Pháp khá ngạc nhiên là mặc dù do hai dân biểu có quan điểm hoàn toàn đối lập nhau chủ trì – một người thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất LFI đối lập và người kia thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước LRM – nhưng ủy ban điều tra lại thống nhất được với nhau về một loạt nhận định chung về tình hình để đưa ra những đề nghi phù hợp.

Theo Le Monde, như vậy là sẽ có khoảng 40 đề nghị cải tổ được đưa ra vào tháng 9 tới đây để Quốc Hội thảo luận, liên quan đến mọi lãnh vực, từ quy chế của các thẩm phán công tố đến những quy định chặt chẽ hơn đối với những cuộc điều tra sơ bộ…

Tờ báo Pháp nhận định: Nhiều khuyến nghị mà ủy ban này đưa ra chắc chắn sẽ được tân bộ trưởng Tư Pháp hoan nghênh. Từ ngày nhậm chức, ông Dupond-Moretti đã không giấu giếm là ông mong muốn cải thiện một cách cụ thể cách làm việc của ngành Tư Pháp.

Ngành xuất khẩu rượu Pháp chịu tác hại đồng thời của Covid-19 và trừng phạt Mỹ

Riêng về kinh tế, Le Monde đã ghi nhận trong môt hàng tựa “Covid-19 góp phần cùng với trừng phạt của Mỹ làm xuất khẩu rượu của Pháp sụt giảm”.

Theo Le Monde, cảnh quan ngành rượu xuất khẩu của Pháp hiện rất ảm đạm. Theo tờ báo trong 5 tháng đầu 2020, rượu xuất khẩu giảm 26% so với cùng thời kỳ năm 2019. Riêng vào tháng 5 thì bị tuột đến -45%, tương tự như tháng 4.

Càng đau hơn nữa là ngành này đã cố sức để từ năm này sang năm nọ góp phần giảm được mức thất thu thương mại Pháp. Thế nhưng guồng máy đã bị trục trặc ngay trước khủng hoảng Covid-19, đẩy một phần thể giới vào phong tỏa. Mây đen đã kéo dần trên bầu trời làng rượu Pháp.

Le Monde đi ngược lên cú sốc đầu tiên, đó là vào ngày 18/10/2019. Trong cuộc tranh chấp Airbus-Boeing, Châu Âu đối đầu với Mỹ, tổng thống Donald Trump quyết định đánh thuế trên một số sản phẩm Châu Âu trong đó có rượu của Pháp, ngoại trừ loại rươu sủi bọt (bulle).

Và từ đấy các loại rượu vang: Bordeaux, Bourgogne hay Provence đều bị thuế 25%  khi vào thị trường Bắc Mỹ. Trừng phạt này kéo dài thêm 6 tháng vào ngày 15/02/2020. Song song tại Châu Á, các sự cố tại Hồng Kông cũng làm cho rượu Pháp không bán được.

Trong bối cảnh căng thẳng này, dịch Covid-19 còn làm cho tình hình nghiêm trọng hơn, Các quán nước, nhà hàng đóng của tại nhiều nước. Các phi trường cũng đóng, những cửa hàng “duty free” bị ứ đọng hàng và rượu Pháp tuột dốc ở các thị trường chính của mình.

Tại Mỹ, thị trường hàng đầu của rượu Pháp, xuất khẩu giảm 59% vào tháng 5. Trung Quốc, Hồng Kông cũng tuột 51% vào tháng 5.

Giai đoạn quan trọng sắp tới là 12/08. Bầu trời có sáng sủa hơn không vì ngành rượu Pháp sẽ biết Mỹ có duy trì thuế cho 6 tháng nữa hay không.

Đã có một dấu hiệu tích cực phía bên này bờ Đại Tây Dương với việc Airbus quyết định chấp hành quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Đây là điều kiện cần thiết để thương lượng kết thúc cuộc tranh chấp. Châu Âu yêu cầu Mỹ bãi bỏ ngay trừng phạt. Có điều phải xem ông Trump trả lời như thế nào.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200804-john-bolton-trump-nhi%E1%BB%87m-k%E1%BB%B3-hai

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Ba Lan sẽ có đến 5.500 lính Mỹ luân phiên đồn trú. 

Thông tin được bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận ngày 03/08/2020. Đây là kế hoạch nằm trong một thỏa thuận được Washington và Vacxava ký kết, dựa trên quy chế của Ba Lan trong khối NATO. Như vậy, Mỹ sẽ điều thêm 1.000 quân luân phiên vào lực lượng 4.500 quân đã được triển khai tại Ba Lan. Năm 1997, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã hứa với Nga là không thiết lập căn cứ thường trực tại các nước thuộc khối Đông Âu cũ.

(AFP) – Giải Nobel Hòa Bình John Hume qua đời sáng 03/08/2020, thọ 83 tuổi. 

Là sáng lập viên đảng Xã hội-Dân chủ và Lao động Bắc Ailen, John Hume đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải Bắc Ailen. Năm 1998, ông được trao giải Nobel Hòa Bình cùng với David Trimble, nhà lãnh đạo Tin Lành của đảng Liên minh Ulster, vì « đã nỗ lực để tìm ra một giải pháp hòa bình » cho 3 thập niên xung đột khiến hơn 3.500 người chết. Vào tháng 04/1998, một hiệp định hòa bình, được gọi là Thứ Sáu Tuần Thánh, đã được ký tại Belfast giữa Anh, Ireland và các đảng Tin Lành và Công Giáo Bắc Ailen.

(AFP) – Interpol cảnh báo các vụ tin tặc « khai thác nỗi sợ » Covid-19 gia tăng. 

Từ tháng 01-04/2020, Interpol, trụ sở tại Lyon (Pháp), đã phát hiện được gần 907.000 thư rác (spam), 737 sự cố và 48.000 đường dẫn có hại, « tất cả đều liên quan đến virus corona ». Theo cảnh báo ngày 04/08/2020 của Tổ chức cảnh sát quốc tế, số vụ tin tặc tăng với « tốc độ đáng báo động », khai thác nỗi sợ và tâm trạng bất an trước tình hình kinh tế-xã hội bất ổn định vì Covid-19 gây ra.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200804-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 4/8:

Ông Trump nói Mỹ phải nhận được tiền

khi ByteDance bán TikTok

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (4/8) của DKN xin gửi tới quý độc nội dung tóm lược của những tin sau:

Ông Trump nói Mỹ phải nhận được tiền khi ByteDance bán TikTok

Hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump cho rằng chính phủ Mỹ sẽ nhận được một phần tài chính trong thương vụ công ty ByteDance của Trung Quốc bán ứng dụng chia sẻ video TikTok cho doanh nghiệp Mỹ, theo SCMP.

Ông Trump đưa ra phát biểu này sau khi tuyên bố rằng ByteDance sẽ không được kinh doanh ở Mỹ nếu không bán TikTok cho doanh nghiệp ở nước này trước ngày 15/9.

“Một phần không nhỏ số tiền giao dịch sẽ phải chuyển vào ngân khố Mỹ, vì chúng tôi đã giúp thỏa thuận này trở thành hiện thực. Họ không có quyền gì, trừ khi chúng tôi cấp quyền cho họ”, Tổng thống Trump phát biểu tại một cuộc họp báo.

Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử hạt nhân bí mật

Triều Tiên đang tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, và nhiều quốc gia nhận định rằng Bình Nhưỡng “có thể đã phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ tương thích với đầu đạn của tên lửa đạn đạo”, theo một báo cáo bí mật của Liên Hợp Quốc mà Reuters tiếp cận được hôm thứ Hai,

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho hay, mặc dù Bình Nhưỡng đã không thử nghiệm công khai vũ khí hạt nhân kể từ tháng 9/2017, nhưng nhiều nước tin rằng Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử nghiệm bí mật để phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ.

Báo cáo này đã được đệ trình lên ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên của Liên Hợp Quốc.

Kho dự trữ lương thực của Trung Quốc bị nghi có vấn đề

Kho dự trữ lương thực chiến lược của Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại về chất lượng của ngũ cốc, đặc biệt là ngô, sau khi một kho cấm không cho chụp ảnh sản phẩm lưu trong kho của họ, SCMP đưa tin hôm thứ Ba.

Lệnh cấm chụp ảnh kho dự trữ lương thực xuất hiện sau khi vào khoảng giữa tháng Bảy, trên mạng xã hội Weibo lan truyền một video ghi lại hình ảnh một đống ngô ở kho Sinograin, thuộc Zhaodong, một thành phố cấp quận thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Theo hình ảnh từ video, phần lớn hạt ngô trong kho dường như bị mốc, bị bở vụn và bị trộn với các dị vật khác.

Trong những tuần gần đây, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần đề cập tới vấn đề bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, sau những ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, lũ lụt ở miền nam và hạn hán ở khu vực phía bắc, bên cạnh những tác động lớn từ bất ổn trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

Chánh văn phòng Tổng thống Brazil nhiễm nCoV

Ông Walter Netto, quan chức thân cận của Tổng thống Brazil Bolsonaro, trở thành quan chức cấp bộ trưởng thứ bảy ở nước này nhiễm nCoV và đang tự cách ly, theo Reuters.

Văn phòng Tổng thống Brazil cho biết Chánh văn phòng Walter Souza Braga Netto có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV hôm 3/8 nhưng không có triệu chứng. Ông sẽ tự cách ly và làm việc từ xa cho đến đợt kiểm tra y tế tiếp theo.

Ông Pompeo thảo luận với Taliban về hòa bình ở Afghanistan

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Hai đã hội đàm trực tuyến với đặc phái viên của Taliba, Mullah Baradar Akhund, để thảo luận về tiến trình đi tới hòa bình ở Afghanistan, theo Reuters.

Các cuộc thảo luận bao gồm việc Taliban yêu cầu chính phủ Afghanistan trả tự do cho các tù nhân là người của Taliban, Suhail Shaheen, phát ngôn viên của Taliban tại Doha cho biết trên Twitter.

Việc thả tù nhân Taliban đã trở thành một trở ngại lớn cho việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình ở Afghanistan, từng được dự kiến diễn ra từ ngày 19/3/2020.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-4-8-ong-trump-noi-my-phai-nhan-duoc-tien-khi-bytedance-ban-tiktok.html

 

Điểm tin thế giới tối 4/8:

Trung Quốc tiếp tục ‘dọa’ Mỹ;

Phe Dân chủ cản trở cứu trợ Covid

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (4/8) của DKN xin gửi tới quý bạn đọc những tin sau:

Trung Quốc tiếp tục ‘dọa’ Mỹ

Hôm thứ Ba, Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa nếu Hoa Kỳ kiên trì hành động thù địch với các nhà báo Trung Quốc, những người sẽ bị buộc phải về nước nếu không được gia hạn thị thực, theo Reuters.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn hàng ngày rằng không có nhà báo Trung Quốc nào ở Hoa Kỳ được gia hạn thị thực kể từ ngày 11/5.

“Hoa Kỳ đã và đang leo thang hành động chống lại các nhà báo Trung Quốc”, ông Uông nói với các phóng viên. “Hoa Kỳ nên lập tức sửa chữa lỗi lầm và dừng hành động của mình”.

“Nếu Hoa Kỳ nhất định làm thế, Trung Quốc sẽ có phản ứng cần thiết và hợp pháp để bảo vệ lợi ích của mình”, ông Uông đe dọa.

Ông Trump nói phe Dân chủ cản trở tiền cứu trợ dân

Hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump nói rằng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Đảng Dân chủ đang chặn đợt viện trợ thứ tư được đề xuất cho những người Mỹ chịu ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo BreitBart..

“Những gì đảng Dân chủ muốn là ngăn chặn [việc cứu trợ] và tất cả những gì họ thực sự quan tâm là tiền hỗ trợ đó dùng giải cứu các thống đốc và thị trưởng thiên tả”, ông Trump nói.

Ông Trump nói rằng các bang như Chicago, Portland và thành phố New York là những địa phương không nên nằm trong danh sách nhận tiền cứu trợ. Đây là những bang và thành phố có người đứng đầu thuộc phe Dân chủ.

Bão lớn đổ bộ Trung Quốc

Một cơn bão lớn đã ập vào các khu vực ven biển phía đông Trung Quốc vào thứ Ba và đang hướng về trung tâm tài chính của Thượng Hải, AP đưa tin.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết Bão Hagupit đã đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang vào khoảng 3h30 sáng, với sức gió thổi lên tới 136,8km /h tại vị trí tâm bão.

Cơn bão này di chuyển về phía bắc với tốc độ khoảng 25km/h theo hướng Thượng Hải, trời u ám vào sáng thứ Ba và mưa to vào buổi chiều.

Trung Quốc: Cháy nhà máy, ít nhất 6 người thiệt mạng

Ít nhất 6 người đã thiệt mạng và 4 người bị thương sau một vụ nổ xảy ra tại một nhà máy hóa chất ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào ngày 3/8/2020, SCMP dẫn tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết.

Trong video vụ cháy được SCMP chia sẻ, một cột khói đen lớn bốc lên từ hiện trường. Một cư dân mạng chạy xe tại một con đường cách xa đám cháy cũng vẫn có thể quan sát được cột khói.

Đài Loan dùng dexamethasone điều trị Covid

Đài Loan đã phê chuẩn việc sử dụng tạm thời thuốc dexamethasone, một loại thuốc chống viêm và dị ứng có giá rẻ, để điều trị cho bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.

Phó tổng giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan Jen-hsiang-Chuang, hôm thứ Ba nói với các phóng viên rằng, các chuyên gia y tế đã quyết định tạm thời cho phép dùng dexamethasone điều trị Covid, nhưng các thủ tục vẫn cần phải hoàn thành trước khi triển khai việc này.

Đài Loan thông báo họ có 476 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Hầu hết các ca nhiễm Covid ở hòn đảo này tới từ bên ngoài và gần như tất cả đã hồi phục. Hòn đảo này được đánh giá cao vì có số người nhiễm virus Vũ Hán ở mức thấp nhờ vào cách phòng chống dịch hiệu quả.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-4-8-trung-quoc-tiep-tuc-doa-my-phe-dan-chu-can-tro-cuu-tro-covid.html

 

Tạp chí kinh tế

Cạnh tranh quyết liệt về khí đốt

Thanh Hà

Trước khi dịch Covid-19 làm tê liệt toàn cầu, giá khí đốt trên thế giới đã rơi xuống mức « tệ hại nhất » từ 2011 khiến các nhà sản xuất thua lỗ nặng. Thị trường được dự báo chỉ khởi sắc trở lại trong từ 4 đến 7 năm nữa. Hiện tượng dư thừa sản xuất tuy nhiên không làm nản lòng các nguồn cung cấp chính của thế giới như là Úc hay Qatar, Nga, Mỹ.

Cuộc chạy đua tranh giành thị phần ngày càng gắt gao hơn với những mặt trận mới liên tục được mở ra.

Thị trường ảm đạm

Trong sáu tháng đầu năm 2020 giá khí hóa lỏng (GNL) được đo lường theo đơn vị triệu BTU giảm đi mất 57 % và đã rơi xuống còn 2 đô la/1 triệu BTU, chỉ còn bằng 1 phần 10 so với thời điểm 2011. Dầu hỏa từng đi vào huyền thoại nhờ đã làm giàu cho những gia đình nổi tiếng như Rockefeller ở Hoa Kỳ hay các ông vua trên vương quốc Ả Rập Xê Út, Brunei. Nhưng tới nay chưa một ai tay không thành tỷ phú nhờ khí đốt. Dầu hỏa từng tác động đến thế cân bằng địa chính trị của thế giới trong thế kỷ 20, khí đốt mãi cho đến gần đây vẫn còn « ẩn mình trong bóng tối ». Thế nhưng nhờ các kỹ thuật khai thác mới, nhờ các « mạng ống dẫn ngày càng dày đặc » thị trường khí đốt đã được mở rộng.

Năm năm trước đây có 17 quốc gia xuất khẩu khí đốt, cung cấp cho 33 khách hàng. Nhờ công nghệ khai thác khí đá phiến, Mỹ đã nhập cuộc và trở thành một nguồn cung cấp hàng đầu của thế giới. Đó là chưa kể đến một số đối tác mới, vừa « chân ướt chân ráo » bước vào thị trường như Israel, Ai Cập Hy Lạp và Síp  trong vùng Địa Trung Hải.

Cũng từ 2015 tới nay, các đường ống dẫn khí đốt đua nhau ra đời ở Bắc Mỹ, châu Âu và cả châu Á. Nhờ vậy các bên « cung » và « cầu » dễ « kết nối » với nhau hơn. Theo thẩm định của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (AIE) trong báo cáo được công bố đầu năm 2020, nếu như không vì đại dịch Covid-19 nhu cầu tiêu thụ của thế giới đang từ 3.900 tỷ mét khối một năm trong năm 2018 sẽ tăng lên thành 4.100 tỷ vào năm nay, trước khi đạt ngưỡng 4.450 tỷ mét khối vào khoảng 2025.

Nhưng virus corona đã làm đảo lộn tình hình : giao thông hàng hải, hàng không và cả trên bộ đều giảm mạnh, các nhà máy giảm nhịp độ hoạt động, hàng loạt các hàng quán phải đóng cửa trong một thời gian … Về phía các nguồn cung cấp, các hoạt động khai thác và sản xuất khí hóa lỏng cũng đã bị chựng lại. Thêm vào đó là câu hỏi quan trọng nhất là khi nào thế giới khống chế được dịch bệnh, thì tới này chưa ai có thể trả lời.

Giáo sư kinh tế Philippe Chalmin đại học Paris Dauphine, chuyên gia về năng lượng và nguyên liệu, trên đài RFI, lưu ý : thị trường khí đốt thế giới đang trong giai đoạn ảm đảm cho dù các nhà sản xuất đã giảm mức đầu tư đến 70 tỷ đô la trong giai đoạn 5 năm sắp tới với hy vọng giữ được giá thành ở mức « có thể chấp nhận được, tức là khoảng từ 8 đến 9 đô la 1 triệu BTU ». Thế nhưng hy vọng này tạm thời bị virus corona xua tan :

Philippe Chalmin : « Thị trường khí đốt có hai nét đặc thù so với dầu hỏa. Thứ nhất, nhiên liệu này ít là mục tiêu của các nhà đầu cơ. Điểm thứ nhì là tới nay đã có rất nhiều khoản đầu tư vào công nghiệp khai thác khí đốt. Chẳng hạn như Úc, Qatar và cả Mỹ đã chi ra những số tiền rất lớn để sản xuất và xuất khẩu khí đốt. Giá trên thị trường lại đang rơi xuống mức thấp chưa từng thấy, thậm chí Mỹ không thể tiếp tục sản xuất và bán ra khí hóa lỏng vì không có lời. Hồi năm 2011 giá khí đốt trên thị trường, là 20 đô la đổi lấy 1 triệu BTU. Hiện thời chúng ta mua vào 1 triệu BTU với giá là 2 đô la. Đương nhiên dịch Covid-19 đã khiến tình hình thêm nghiêm trọng, thị trường thêm sa sút. Nhưng rõ ràng là thế giới đang trong cảnh dư thừa sản xuất và cung cao hơn cầu. Đây có thể là một tín hiệu tốt vì như vậy ta có thể dùng khí đốt thay cho than đá, giảm thiểu lượng CO2 thải ra ».

Đọ sức Úc và Qatar 

Giáo sư Chalmin vừa nói đến cuộc chạy đua giữa Qatar và Úc : 2018 là một cột mốc quan trọng trên thị trường khí đốt toàn cầu. Úc qua mặt Quatar trở thành nguồn cung cấp số 1 của thế giới về khí hóa lỏng (GNL) mà hai khách hàng quan trọng nhất của Canberra, theo thứ tự, là Nhật Bản và Trung Quốc. Úc đã soán ngôi của Doha với xuất khẩu 77 triện tấn GNL trong năm 2019. Khả năng xuất khẩu của Qatar năm ngoái là 71 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu đó Úc dự trù đẩy mạnh đầu tư vào các khu vực giàu tài nguyên ở miền bắc như dự án Ichthys, mở rộng hợp tác với tập đoàn Inpex của Nhật hay Total của Pháp để đưa khí đốt từ khu vực này đến thẳng Nhật Bản qua cảng Darwin. Gần như cùng lúc giàn khoan ngoài khơi Broome, miền đông nước Úc tăng công suất.

Có điều trong cuộc chạy đua khai thác nguồn năng lượng hóa thạch này, Úc phải đối mặt với các đối thủ đáng gờm là Qatar và cả Mỹ hay Nga. Dohar phản công và đề ra kế hoạch nâng xuất khẩu lên thành 126 triệu vào năm 2027.

Giáo sư Yves Jegourel, đại học Bordeaux miền nam nước Pháp, đồng điều hành tạp chí về thị trường nguyên liệu thế giới Cyclope giải thích :

Yves Jegourel : « Mãi đến lúc này chúng ta mới chú ý đến yếu tố địa chính trị trên thị trường khí đốt. Tới nay người ta gắn liền dầu hỏa và địa chính trị, điều đó dễ hiểu. Nhưng theo tôi khí đốt cũng quan trọng không kém và càng ngày càng chiếm vị trí then chốt trên bàn cờ quốc tế cho dù là giá khí đốt trên thế giới giảm đi mất 57 % từ đầu năm 2020 tới nay. Đối với hồ sơ khí đốt hai mặt trận đang mở ra. Mặt trận thứ nhất là châu Á mà ở đó Trung Quốc là nguồn tiêu thụ lớn nhất. Về phía các nhà cung cấp thì Úc và Qatar là hai đối thủ chính. Cả hai đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này. Năm ngoái, lần đầu tiên xuất khẩu của Úc qua mặt Qatar. Nhưng xin phép được nói thêm là « cuộc chiến mới chỉ mở màn ». Qatar còn có những mỏ ở phía bắc với trữ lượng rất lớn và dự trù nâng khả năng sản xuất đang từ 75 triệu tấn lên thành 120 triệu vào quãng năm 2027. Về phía Úc, Canberra thông báo còn thừa sức nâng khả năng cung ứng. Nói cách khác, hai nhà sản xuất này sẵn sàng lao vào một cuộc chiến về giá cả để tranh thủ thị trường. Mặt trận thứ nhì là châu Âu. Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đang gây khó khăn cho các nhà sản xuất Mỹ. Nga đánh đường vòng, tránh né khỏi Urkaina để rót khí đốt đến tận châu Âu. Dự án này một khi đi vào hoạt động, đương nhiên xuất khẩu của Mỹ sẽ giảm mạnh. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ đòi ban hành các biện pháp trừng phạt ».

Nga –Thổ Nhĩ Kỳ và lá bài khí đốt

Bàn cờ khí đốt của thế giới đã biến động từ cuối năm năm 2019 khi mỏ Leviathan ở ngoài khơi Israel bắt đầu sản xuất ra được những tấn GNL đầu tiên song song với Tamar và Dalit. Ai Cập cũng đã trông thấy viễn cảnh kinh tế tươi sáng hơn với mỏ Zhor ở ngoài khơi Địa Trung Hải. Đầu năm nay, hai quốc gia liên quan này đã cùng với Hy Lạp và Síp họp lại nhằm cùng nhau hợp tác khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập cuộc để tranh phần. Đó là một trong những động lực chính thúc đẩy Ankra can thiệp quân sự vào Libya ngay từ những ngày đầu năm 2020, trước diễn đàn của nhóm 4 nước Ai Cập, Israel Hy Lạp và Síp khai mạc.

Về phần nước Nga, mạng đường ống dẫn khí đốt được xem là « một tâm điểm trong chiến lược địa chính trị của Matxcơva » : Các dự án Nord Stream 2, Turkish Stream hay đường ống cho phép đưa khí đốt từ vùng Siberia sang đến tận Trung Quốc đều theo đuổi cùng một mục đích.

Nords Stream 2 nối liền Nga với Đức đi qua biển Baltic, tránh được một điểm nhậy cảm là Ukraina một khi đi vào hoạt động cho phép Nga cung cấp trực tiếp khí đốt cho Liên Âu. Khi đó thị phần của các nhà sản xuất Mỹ tại Lục Địa Già càng bị thu hẹp lại. Đó là lý do khiến Nhà Trắng liên tục đe dọa « trừng phạt » các quốc gia và công ty liên quan đến Bắc Hải Lưu 2.

Turkish Stream là đường ống 1.100 cây số cho phép các nhà sản xuất Nga tranh thủ được các nước Nam Âu. Cuối cùng dự án đường ống Siberia trải dài trên 3.000 cây số nhằm trực tiếp rót cho Trung Quốc đến 38 tỷ mét khối khí đốt một năm. Theo giới trong ngành « về mặt kinh tế » chưa hẳn đây là một bài toán khôn ngoan bởi phía Nga phải vượt qua rất nhiều những thử thách về kỹ thuật tại một vùng đất với khí hậu rất khắc nghiệt, dù vậy các tập đoàn khí đốt của Nga đã trông thấy rõ hai lợi thế nhất định :

Thứ nhất là « giải tỏa bớt áp lực » trên mặt trận ở miền tây, tức là châu Âu, để cùng cấp cho các thị trường trong vùng Thái Bình Dương. Bởi như giáo sư Philippe Chalmin đại học Paris Dauphine ghi nhận, việc thế giới đã tìm thấy những nguồn cung cấp mới, đã « pha loãng ảnh hưởng của Matxcơva với các khách hàng truyền thống ». Châu Âu ít lệ thuộc hợn vào khí đốt của Nga. Đó là chưa kể những đòn trừng phạt của Âu-Mỹ sau vụ Kremlin thôn tính bán đảo Crimée hồi năm 2014 và cáo buộc Nga can thiệp vào miền đông Ukraina.

Lợi thế thứ nhì hiển nhiên là thắt chặt thêm quan hệ kinh tế với ông khổng lồ Trung Quốc. Agnias Grigas chuyên gia của Mỹ về năng lượng thuộc trung tâm nghiên cứu Atlantic Council, trụ sở tại Washington tin rằng, khí đốt là nguồn năng lượng trọng yếu trong tương lai bên cạnh dầu hỏa và sẽ từng bước thay thế than đá. Nhưng đây là một thị trường còn nhiều bất trắc. Các bất trắc đó bắt nguồn từ mức tiêu thụ của châu Âu, từ khả năng đến lượt Trung Quốc làm chủ công nghệ khai thác khí đá phiến và khả năng của thế giới biến khí đốt thành khí hóa lỏng.

Với ngần ấy những ẩn số, hai đồng tác giả điều hành báo cáo hàng năm Cyclope về nguyên nhiên liệu thế giới, Philippe Chalmin và Yves Jegourel cùng cho rằng, khí đốt là điểm nóng trên bàn cờ địa chính trị của thế giới. Câu lạc bộ các nhà cung cấp đang được mở rộng, cuộc đọ sức tranh giành thị phần ngày càng quyết liệt hơn.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200804-c%E1%BA%A1nh-tranh-quy%E1%BA%BFt-li%E1%BB%87t-v%E1%BB%81-kh%C3%AD-%C4%91%E1%BB%91t

 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.