Bản tin ngày 5-8-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
BBC có bài phỏng vấn ông Nguyễn Lê Minh, thành viên Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, về diễn biến mới ở Biển Đông: Phát hiện Mỏ Kèn Bầu ‘lớn nhất’ lịch sử, VN có lo TQ can thiệp? Ông Minh cho biết, “kết quả thử vỉa cả hai giếng khoan này, cho thấy tiềm năng trữ lượng khí rất lớn, ước tính từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf), tương đương 200 đến 255 tỷ mét khối khí tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng khí ngưng tụ (condensate)”.
Khả năng bị TQ đe dọa, ông Minh bình luận: “Về mặt chủ quyền, vị trí địa lý của mỏ nằm gần bờ, sâu trong thềm lục địa Việt Nam nên không ngại yếu tố Trung Quốc và cũng không có yếu tố Trung Quốc nào ở đây cả”. Nhưng cũng vì nó rất gần bờ, chỉ cách Quảng Trị 65km, nếu TQ vào đến đây gây hấn, liệu VN có cách gì chống đỡ khi giặc bước chân vào nhà?
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông lưu ý một diễn biến trước đó: “Như vậy trong ngày 3 và 4/8, tàu Hướng Dương Hồng 14 đã vào sâu khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khoảng cách sâu nhất cách Cam Ranh khoảng 130 hải lý. Hiện giờ tàu đang hội ngộ cùng Hải Dương Địa Chất 4 và 12 ở phía bắc quần đảo Trường Sa”.
Trước vụ Trung Quốc tập trận chiếm đảo trên Biển Đông: Đài Loan cảnh giác cao độ, theo báo Giao Thông. Một nguồn tin quân sự giấu tên nói với báo South China Morning Post, Hải quân Đài Loan đã điều động thêm 200 lính thủy quân lục chiến, để củng cố lực lượng đóng quân trên Quần đảo Pratas, mà phía TQ gọi là Đông Sa. Trước đó, Bắc Kinh “đã nhiều lần công khai tuyên bố rằng hòn đảo này phải được thu hồi bởi đại lục, kể cả bằng vũ lực nếu Bắc Kinh thấy cần thiết”.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Trung Quốc lo ông Trump có thể khơi chiến bãi cạn Scarborough. Ông Wang Yunfei, một sĩ quan hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu, có bài viết cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump “có thể khơi mào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông nhằm tăng tỉ lệ ủng hộ trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong số các vùng biển có nhiều thực thể tranh chấp, mục tiêu tấn công bất ngờ của Mỹ có thể là bãi cạn Scarborough”. Khả năng này có lẽ khó xảy ra, vì chính quyền Duterte “sáng nắng, chiều mưa” hiện tại đang tỏ thái độ nghiêng về Bắc Kinh nhiều hơn Washington.
Mời đọc thêm: Vấn đề Biển Đông: Phản đối yêu sách trái phép của Trung Quốc, Mỹ tái ủng hộ các quốc gia ven biển Đông Nam Á (TG&VN). – Liệu Indonesia có thực sự cứng rắn trước Trung Quốc (RFA). – “Cây gậy” và “củ cà rốt” trên Biển Đông (DĐDN). – Trung Quốc dịu giọng với Mỹ, phủ nhận bắt nạt trên biển Đông (NLĐ). – Trung Quốc lệnh tàu ngưng đánh bắt mực ở vùng biển quốc tế (PLTP).
Làm sao ngăn được người TQ vào VN?
Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vừa có Công điện gửi các đơn vị liên quan về vấn đề lập tàu vận chuyển đoàn chuyên gia từ Trung Quốc tới Quảng Ngãi, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Hôm nay, Hà Nội đã lập riêng tàu để vận chuyển đoàn chuyên gia từ Trung Quốc sang Quảng Ngãi.
Gần 2 tháng trước, Công ty vận tải đường sắt Hà Nội thông báo, gần 1.000 lao động Trung Quốc sẽ đến Quảng Ngãi. Tin lúc đó cho biết, đường sắt Hà Nội sẽ “vận chuyển gần 1.000 chuyên gia, lao động Trung Quốc từ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đến Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi). Chuyến tàu đầu tiên đã khởi hành ngày 12/6, đưa 137 lao động từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến ga Quảng Ngãi”.
Chẳng biết các lao động TQ này vào VN có tạo ra lợi lộc gì không, chỉ biết 6 tuần sau chuyến tàu đầu tiên đó, ca lây nhiễm 416 đã xuất hiện và chấm dứt 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng ở VN. Có thể những người TQ nhập cảnh hợp pháp đó khi vào VN đã được cách ly, nhưng đến lượt họ tạo điều kiện để người thân, bạn bè họ nhập cảnh trái phép vào VN. Cố gắng truy bắt mấy nhóm TQ vượt biên lẻ tẻ nhưng lập nguyên cả đoàn tàu đưa hàng ngàn người TQ vào VN như vậy, liệu có thể chặn người TQ mang bệnh vào VN?
Lực lượng chức năng Quảng Ninh: Bắt giữ 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, trang Kinh Tế Đô Thị đưa tin. Hôm nay, Trạm Quản lý xuất, nhập cảnh – Công an TP Móng Cái vừa tiến hành kiểm tra đột xuất nhà nghỉ Lucky Hotel và phát hiện 2 người TQ nhập cảnh trái phép vào VN. “Cả 2 đối tượng đều không xuất trình được giấy tờ nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam. Các đối tượng khai nhận mục đích vượt biên trái phép vào Việt Nam để đi tìm việc làm”.
VTC có clip: Bộ đội Biên phòng Hà Giang đội mưa xuyên đêm truy bắt người nhập cảnh trái phép.
Công an tỉnh Cao Bằng vừa đề nghị cơ quan chức năng truy tố một bị can vì đã lên mạng xã hội rủ rê, đưa nhiều người sang Trung Quốc trái phép, theo trang Bảo Vệ Pháp Luật. Đó là Giàng Chính Dìn, ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, bị cáo buộc hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố Đinh Thị Ngọc Lệ ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn về hành vi “Môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”.
Phía điều tra cho biết, Dìn quen một người TQ và được hứa hẹn, nếu tìm được người đi sang lao động sẽ được bố trí làm việc nhẹ, thu thập cao. “Dìn đã sử dụng điện thoại và mạng xã hội để rủ rê, lôi kéo, thuyết phục những người không có việc làm ổn định, có nhu cầu đi lao động để đưa sang Trung Quốc làm thuê”.
VTC đặt câu hỏi về vụ 100 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép: Giám đốc Công an Đà Nẵng nói gì? Trong cuộc họp của UBND Đà Nẵng chiều nay, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, GĐ Công an TP Đà Nẵng, thừa nhận: “Mặc dù chúng ta hết sức nỗ lực nhưng tình hình người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và xu hướng đến Đà Nẵng ngày càng đông. Qua 6 vụ Công an Quảng Ninh khởi tố điều tra, trong đó có 2 vụ bắt giữ người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thì người ta khai báo là muốn đi vào Đà Nẵng”.
Tướng Viên thừa nhận, đã phát hiện 100 người nhập cảnh trái phép, “trong đó có 99 người Trung Quốc và một người Đài Loan” nhưng vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể để ngăn chặn hiện tượng này. Còn Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói: “Chúng ta có cả một hệ thống tới tận các tổ dân phố, nhưng không biết sao tê liệt hết, để hổng như thế này”.Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vừa xử lý 45 người nước ngoài nhập cảnh và cư trú trái phép ở Khánh Hòa, theo VOV. Quan chức Khánh Hòa cho biết, đã phát hiện 45 người nước ngoài không khai báo tạm trú, gồm 20 trường hợp đã hết hạn visa nhưng cư trú bất hợp pháp, 25 trường hợp không có giấy tờ tùy thân, có dấu hiệu nhập cảnh trái phép.
Báo Pháp Luật TP HCM bàn về vấn nạn ở Bình Thuận: Doanh nghiệp ‘ma’ bảo lãnh ‘lụi’ người nước ngoài nhập cảnh. Dựa trên lưu ý của Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã cảnh báo một số doanh nghiệp, cá nhân “lập danh sách đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh duyệt, cấp thị thực nhập cảnh cho nhiều trường hợp không đúng đối tượng”.
Cụ thể, những người này “không làm việc cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, không làm việc cho doanh nghiệp bảo lãnh, thậm chí có công ty bảo lãnh không có trụ sở và hoạt động thực tế”.
Chuyện ở Bình Dương: 6 người Trung Quốc nhập cảnh “chui” phải xét nghiệm Covid-19, VOV đưa tin. Trung tâm y tế huyện Bàu Bàng cho biết, đã tiếp nhận 6 người TQ này từ hôm qua 4/8. Trước đó, họ đã tìm đường nhập cảnh trái phép vào Bình Dương, rồi đến lưu trú tại TP Dĩ An và bị công an phát hiện giao Trung tâm y tế TP Dĩ An tổ chức cách ly theo quy định.
Báo Người Đưa Tin có bài: Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ ra nguyên nhân người Trung Quốc nhập cảnh trái phép mùa dịch bệnh. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, thành Hồ có nhiều người VN gốc Hoa sinh sống, làm việc và cư trú, họ vẫn giữ mối quan hệ nhân thân, làm ăn với công dân TQ. Hơn nữa, VN từng “ngạo nghễ thắng dịch” nên khiến một số người TQ có cảm giác đến đây sẽ được an toàn. “Sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều chuyên gia nước ngoài được giải quyết vào Việt Nam”.
Ông Phong nói không sai nhưng vẫn còn thiếu: Đó là sự phụ thuộc về chính trị quá lớn của VN vào TQ, dẫn tới sự phụ thuộc về kinh tế. Kết quả là người TQ vào VN làm “dự án” rồi mua nhà, mua đất như thể VN là “sân sau” của họ. Thế thì biết bao giờ mới ngăn được người TQ vào VN?
Về phía những người VN xa xứ tìm đường vượt biên về nước, sáng nay, lực lượng biên phòng Cao Bằng bắt giữ 4 người nhập cảnh trái phép qua khu vực mốc 804, theo báo Pháp Luật VN. Đồn Biên phòng Ngọc Côn đã phát hiện 4 người nhập cảnh trái phép từ TQ về VN qua khu vực mốc 804 thuộc xóm Đoỏng Luông – Chi Choi, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh. Họ là người dân tộc ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, sang Phúc Kiến, TQ làm thuê.
Mời đọc thêm: Lập đoàn tàu riêng vận chuyển 56 chuyên gia Trung Quốc đến Quảng Ngãi (ANTĐ). – Quảng Ninh: Liên tiếp phát hiện, tạm giữ các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép (PL Plus). – 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép trốn trong khách sạn ở Quảng Ninh (TP). – Đà Nẵng phát hiện 100 người nước ngoài nhập cảnh trái phép (VOV). – 100 người nhập cảnh trái phép, Công an Đà Nẵng phải giải trình (PLTP).
– Nữ giám đốc tổ chức cho hàng chục người xuất cảnh trái phép (PLTP). – Xử lý hình sự gia đình đón người Trung Quốc nhập cảnh trái phép (Zing). – Bình Dương làm rõ đường đi của 6 người Trung Quốc (NLĐ). – TP.HCM tăng cường giám sát nhập cảnh từ Campuchia (PLTP). – Phát hiện hai vụ người Việt đi lao động nước ngoài nhập cảnh trái phép (Tin Tức). – BĐBP Cao Bằng: Tiếp tục phát hiện, bắt giữ nhiều lao động nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc (BP).
Cán bộ địa phương sai phạm
Chuyện ở Thanh Hóa: Kế toán trường THPT Nông Cống 3 tham ô tiền tỷ bị bắt, theo Infonet. Công an tỉnh Thanh Hóa xác nhận, đã bắt tạm giam Lê Mai Sáng cựu kế toán trường THPT Nông Cống 3 về tội tham ô tài sản. Theo điều tra của công an, do nợ nần cá nhân nên từ tháng 1/2019 đến tháng 8/2019, khi đang làm kế toán, Sáng “đã lập ra 22 bộ chứng từ khống và giả mạo chữ ký của Hiệu trưởng trường THPT Nông Cống 3 để làm thủ tục rút tiền tại kho bạc hơn 1,1 tỉ đồng”.
VTC đưa tin: Một huyện ở Sóc Trăng bị phát hiện sai phạm hơn nửa tỷ đồng. Thanh tra tỉnh Sóc Trăng vừa phát hiện 4 đơn vị trực thuộc UBND huyện Long Phú “quản lý, sử dụng thanh quyết toán, chứng từ kế toán chưa đúng các văn bản quy định hiện hành. Việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ các định mức, nội dung chi chưa quy định chặt chẽ”.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ký quyết định chuyển việc Chủ tịch huyện ở Gia Lai có nhiều dấu hiệu sai phạm, theo báo Tiền Phong. Chủ tịch Nguyễn Hồng Linh bị chuyển tới giữ chức PGĐ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ hôm nay. Vụ “điều chuyển” này “khiến nhiều lãnh đạo tỉnh và người dân Gia Lai băn khoăn”, vì lúc còn làm lãnh đạo UBND huyện Chư Sê, ông Linh liên quan đến nhiều sai phạm trên địa bàn huyện này, trách nhiệm và việc khắc phục những sai phạm ở Chư Sê này thế nào khi vị này “ra đi”.
Vào ngày 25/6/2020, ông Linh đã ký công văn số 1175 với nội dung: “Khi có ý kiến của UBND huyện Chư Sê, các dự án điện mặt trời áp mái của các tổ chức, cá nhân trên địa huyện này mới được đấu nối vào lưới điện” khiến Công ty Điện lực Gia Lai, Sở Công thương Gia Lai và một số tổ chức, cá nhân liên quan phản đối.
Mời đọc thêm: Phớt lờ chỉ đạo của tỉnh, Chủ tịch huyện Chư Sê bị điều đi nơi khác (NNVN). – Để dân khiếu nại kéo dài, Chủ tịch huyện Chư Sê được điều về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng — Làm rõ vụ chủ tịch xã “mượn” 50 triệu đồng tiền bán trụ sở ấp (NLĐ). – Kế toán giả chữ ký hiệu trưởng chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng (VNN).
***
Thêm một số tin: Công dân Việt bị thương trong vụ nổ ở Liban — “Chính quyền Việt Nam ‘hình sự hóa’ quyền tự do ngôn luận của người dân” (RFA). – EU yêu cầu Việt Nam thúc đẩy nhân quyền khi thực thi EVFTA (VOA). – Đê biển Tây xuất hiện nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng (Tin Tức).
0 comments