Tưởng Niệm Cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy và Những Bước Chân Người Lưu Dấu – Thanh-Thủy
Thursday, July 16, 2020
5:14:00 PM
//
- Slider
,
Tham Luận
Được mời đến dự buổi thuyết-trình chánh-trị do Cộng-Đồng Người Việt Tự-Do Tại Ý tổ-chức, diễn-giả là Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy, trong lòng tôi hoàn-toàn chưa có ý-niệm gì về chánh-trị và các chánh-khách mà ngày trước 30/4/75 tôi thường được thấy tên tuổi trên các báo-chí ở Saigon.
Tôi quyết-định đến dự buổi thuyết-trình là do lòng háo-hức, mong ước có sự ra đời một phong-trào tranh-đấu nhằm lật đổ chế-độ độc-tài Cộng-sản Việt-Nam với một đường-hướng phục-quốc và kiến-quốc rõ-ràng hơn là đến để biết Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy là ai.
Hồi còn ở Việt-Nam, tôi không mấy cảm-tình với những người hoạt-động chánh-trị vì một lý-do đơn-giản là họ thường gây ra những sự xáo-trộn ở hậu-phương như các vụ tổ-chức xuống đường, các phong-trào sinh-viên, các phong-trào phản-chiến, v.v… trong khi ngoài mặt-trận anh em chiến-sĩ quốc-gia ngày càng đổ máu nhiều hơn trước sự tấn-công xâm-lược của Cộng-sản Hà-nội. Đến khi làn sóng đỏ tràn-ngập và nhuộm đỏ khắp ba miền đất nước, hàng ngày những cảnh-tượng bi-đát, đe-dọa nặng-nề do chế-độ mới mang đến cho nhân-dân, mọi người sống trong lo-âu, sợ-hải, tôi lại càng oán-hận những người chỉ biết bon-chen, lợi-dụng thời-thế để mong chiếm-đoạt chánh-quyền hơn là dồn mọi nổ-lực để chống lại kẻ thù chung. Hậu-quả là bao nhiêu nổi thống-khổ mỗi ngày mỗi đè nặng lên đầu người dân vô tội và bao nhiêu chiến-sĩ đã bỏ mình một cách tức-tưởi trước cũng như sau những ngày tàn cuộc chiến.
Buổi thuyết-trình được tổ-chức vào ngày 10/6/1981 tại trung-tâm thành-phố Verona, nơi có nhiều thắng-cảnh đẹp và lưu-dấu những trang tình-sử Juliette-Roméo, thuộc miền Bắc nước Ý. Tôi lây-quây tìm nơi đậu xe, xong, cả gia-đình 7 người lững-thững hướng về phía chổ hội-trường theo họa. đồ chỉ-dẫn.
Trước cửa hội-trường là một khoảng trống, nhiều nhóm người đến trước tụ họp chuyện trò, vui cười. Khi vừa đến nơi thì một người bạn là cựu đại-úy quân-cụ mà trước kia tôi đã quen khi còn lang-thang cuộc đời binh-nghiệp ở Nha-Trang tách nhóm người đến chào và nắm tay tôi, vừa đi vừa nói:” Có anh đến tôi vui lắm, lại đây tôi giới-thiệu”. Tôi cúi đầu chào theo người bạn, một người đang đứng trước mặt, ăn mặc chĩnh-tề, hình dáng đơn-giản, khoan-thai, tóc bạc hoa râm, vừa mĩm miệng cười vừa khom mình chào lại chúng tôi, vừa đưa tay bắt với nét mặt hiền-từ như Đức Phật.
Người bạn giới-thiệu:” Thưa thầy, đây là anh Thanh-Thủy, một chiến-hữu của chúng tôi và đây là gia-đình, vợ con của anh”. Quay lại tôi, anh nói:” Xin giới-thiệu với anh, đây là thầy Huy, Giáo-sư Nguyễn-Ngọc-Huy từ Hoa-Kỳ mới sang. Giáo-sư sẽ cho chúng ta biết về vấn-đề kháng-chiến phục-quốc”.
Tôi giựt mình, cúi đầu chào thêm một lần nữa trong khi giáo-sư vẫn còn nắm tay tôi và nói:” Hân-hạnh được biết anh”. Tôi tự thốt trong lòng:” Trời! Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy là người nầy sao? Một người ốm-yếu, nhỏ-nhắn, hiền-lành, dáng-độ từ-bi nầy là Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy?”. Tôi cảm thấy bâng-khuâng và trong lòng vô cùng trống-trải nên không còn biết nói được gì, lặng thinh giữa số người đang đứng xung quanh bàn-tán đủ thứ chuyện.
Đồng-bào đến mỗi lúc một nhiều, anh đại-diện cộng-đồng mời tất cả vào hội-trường. Sau phần chào cờ và giới-thiệu của anh Châu-Sên-Hái, Chủ-Tịch Cộng-Đồng, Gs. Huy được mời lên diễn-đàn trước sự vỗ tay liên-tục của cữ-tọa.
Lần đầu tiên dự thính một buổi thuyết-trình về chánh-trị, tôi say-sưa theo-dỏi, Gs. Huy lần lần đưa mọi người vào những vùng ánh sáng kỳ-lạ, những chân trời mới đầy niềm tin và hy-vọng cho một tương-lai sáng-lạn trong công cuộc tranh-đấu để quang-phục lại quê-hương. Với giọng nói điềm-đạm, bình-dị từ đầu cho đến cuối, không một lời khích-động, không một tiếng khoa-trương, Giáo-sư đã dẫn-chứng bằng những sự-kiện lịch-sử, những mấu-chốt của vấn-đề thực-tế để đi đến kết-luận về một đường-hướng phục-quốc và kiến-quốc là vấn-đề làm được, mọi người hiện-diện tin-tưởng là có thể làm được với những quyết tâm.
Hình-ảnh và đức-độ của Gs. Huy ngày hôm đó làm cho tôi suy-nghĩ rất nhiều, suy nghĩ về quan-niệm của tôi đối với những người hoạt-động chánh-trị, đặc-biệt đối với Gs.Huy, suy-nghĩ về một tổ-chức kháng-chiến duy-nhứt mới ra đời và công-khai hoạt-động, đó là Liên-Minh Dân-Chủ Việt-Nam với các mục-tiêu, việc làm và chánh-sách của nó sẽ được áp-dụng sau khi đất nước quét sạch bóng quân thù. Tôi liên-tưởng đến quảng đời hạnh-phúc sẽ tràn-ngập trên quê-hương sau những năm dài điêu-tàn trong tay giặc Cộng và sau đó tôi ngấm-ngầm vận-động để tìm bạn, tìm thân-hữu và tìm chiến-hữu để chờ đợi…
Chánh-phủ Ý bắt đầu nhận người tị-nạn chánh-trị Việt-Nam vào mùa hè năm 1979. Năm ấy, đợt người đầu tiên đặt chân lên thành-phố nổi Venezia (Venise) vào ngày 20/8/79 gồm khoảng một ngàn người do 3 chiến hạm lớn thuộc lực-lượng hải-quân Ý được biệt-phái sang ngoài khơi biển Mã-Lai và vịnh Thái-Lan để cứu-vớt người Việt vượt biên. Sau một tháng thi-hành sứ-mạng nhân-đạo, 3 chiến-hạm mang tên Vittorio Veneto, Andrea Dorea và Strompoli quay về mang theo gần một ngàn người vừa được cứu sống trong cõi chết trên biển Đông, những tấm thân bi-thảm với lòng chất-ngất căm-hờn.
Sau một thời-gian ngắn ở trong các trại tị-nạn của hội Hồng-Thập-Tự Ý, tất cả đều được phân-chia sống rãi-rác khắp nơi trên các vùng thuộc miền bắc Ý. Số người ít-oi lại sống trên một địa-bàn quá rộng lớn nên đã tan.biến nhanh-chóng vào xã-hội địa-phương, vì vậy, việc tìm-kiếm chiến-hữu để tạo-dựng cơ-sở vào lúc ấy phải mất rất nhiều thời giờ và sự khó-khăn cũng không nhỏ vì thiếu đủ mọi phương-tiện. Cộng-đồng được thành-hình là do một số anh em có thiện-chí cố-gắng đứng ra đảm-nhận với đầy-dẫy những trở-ngại, nhưng dầu trở-ngại, Cộng-đồng cũng phải được thành-hình để vừa có tiếng nói chung, vừa tạo nhịp cầu liên-lạc để tìm lại chút hơi thở của quê-hương, sưỡi ấm lòng được phần nào trong cuộc-đời tạm-thời lìa xa xứ-sở.
Được tin trễ Gs.Huy trở lại Ý, sẽ có buổi nói chuyện với kiều-bào và báo-chí địa-phương lần thứ hai vào chiều chúa nhựt ngày 20/5/1982 tại thành-phố Milano, một thành-phố kỹ-nghệ vào bật nhứt nước Ý, chúng tôi cố-gắng thu-xếp và lái xe đến dự sau khi điện-thoại liên-lạc với ban tổ-chức.
Đuờng dài hơn 4 giờ lái xe, 10 giờ tối chúng tôi đến hội-trường và buổi thuyết-trình cũng vừa mới bắt đầu trước đó 15 phút. Thấy chúng tôi từ xa đến, Giáo-sư bước xuống chào và bắt tay chúng tôi với nụ cười hiền-hậu cùng nét vui tươi rạng-rỡ với vẻ cảm-động sâu-xa chợt hiện trên gương mặt người lãnh-tụ khã-kính. Buổi thuyết-trình được tiếp-tục lại ngay sau đó trong bầu không-khí trang-nghiêm với sự theo dỏi một cách phấn-khởi của mọi người.
Sau phần thuyết-trình là phần giải đáp các câu hỏi. Tôi còn nhớ, một ký-giả Ý của nhựt báo Il Gazzettino có hỏi là, theo anh, qua các tài-liệu sách vở, anh được biết dân-tộc VN là một dân-tộc quật-cường, một dân-tộc anh-hùng, bất-khuất đã bao lần đánh đuổi giặc ngoại-xâm mạnh hơn mình gắp bội, vậy vì lý-do gì mà sau khi bị Cộng-sản Hà-nội tấn-công, nhân-dân miền Nam có trên một triệu quân lại phải chịu buông súng đầu hàng vô điều-kiện và cho đến nay vẫn chưa nghe thấy một tổ-chức võ-trang nào nổi dậy. Trong khi đó, dân-tộc A-Phú-Hãn là một dân-tộc ít người biết đến, nhưng sau khi bị Cộng-sản Liên-Xô xua quân xâm-lược thì họ lại nổi lên khắp nơi các phong-trào kháng-chiến vũ-trang?
Không một chút do-dự, Giáo-sư nói, miền Nam VN kễ từ vĩ-tuyến 17 trỡ vào là một quốc-gia dân-chủ, dân-tộc thuần-nhứt với một lực-lượng quân-đội hùng-mạnh nhờ có kỹ-luật rất cao. Khi một vị Tổng-Thống ra lịnh đầu-hàng thì tất cả mọi cấp dầu không muốn nhưng cũng phải tuân-lịnh để rồi sau đó họ tự-sát để bảo-toàn danh-dự.
Vì hầu hết vũ-khí đều bị tước-đoạt cho nên những người chống lại chế-độ chưa có điều-kiên nổi lên nhưng họ vẫn đang tiếp-tục tổ-chức tranh-đấu trong vòng bí-mật. Còn A-Phú-Hản là một quốc-gia còn sống theo từng bộ-lạc, quân-đội của họ được tổ-chức riêng theo mỗi bộ-lạc và không có tánh-cách thuần-nhứt, cho nên, lệnh từ trên đưa xuống không ảnh-hưởng hết được khắp nước. Vì vậy, khi Liên-Xô đưa quân sang xâm-lăng, rất nhiều bộ-lạc vẫn còn nguyên lực-lượng riêng cho nên họ có điều-kiện tổ-chức được các nhóm kháng-chiến.
Đến 12 giờ khuya mọi người chia tay, Giáo-sư bắt tay chào từng anh chị em và trở về Pháp. Riêng chúng tôi đến 5 giờ sáng ngày thứ Hai mới về đến nhà, ngồi một mình đầu óc miên-man nghĩ-ngợi về những điều vừa mới được nghe. Chừng nào anh em mới cho ra mắt cơ-sở tại Ý? Chừng nào mình mới có thể trở về được quê-hương? Uống những ly cà-phê đen do Bà-Xã pha để quên đi mệt-mõi, để tỉnh-táo đôi mắt, để nhìn suốt những khoảng không-gian dài, để khai-sáng một ý-thức mà trong đó tôi chợt thấy lấp-lánh những niềm-tin…Đồng hồ reo 7 giờ sáng, thì ra tôi đã thức suốt đêm, chuẫn-bị ăn điểm-tâm và đi làm việc như thường ngày, nhưng trong đầu lúc nào cũng theo đuổi một số ý-tưởng đẹp, tôi cảm thấy vui và thơ-thới trong lòng, quên hẳn đi một đêm dài không ngủ…
Lần thứ ba Giáo-sư đến Ý với hai anh Thái-Quan và Nhữ-Đình-Hùng, thuyết-trình vào buổi chiều thứ bảy 11/6/1983 cũng tại thành-phố Milano, lần nầy Giáo-sư có đem theo một số đặc-san Tự-Do Dân-Bản khổ nhỏ mới vừa phát-hành tại California và một vài tờ khổ lớn gắp đôi đã được phát-hành đầu tiên. Tôi bắt đầu đọc báo nầy kễ từ đó. Thuở ấy báo-chí Việt-ngữ đến Ý rất hiếm-hoi, được tờ báo nào là anh em chuyền nhau đọc say-mê, đọc nhiều lần và đọc thích-thú như đọc thơ tình ở cái tuổi hai mươi. Tôi rất vui và hừng chí khi đọc trong đó bài thơ Giã Bạn Lên Đường của thi-sĩ Đằng-Phương, lời chú-thích của Tòa-soạn trên bài thơ làm cho tôi tin-tưởng nhiều hơn về sự kết-hợp chặt-chẻ giữa hải-ngoại và quốc-nội. Đằng-Phương là một thi-sĩ mà tôi rất mến-mộ qua hai bài thơ Ngày Tang Yên-Báy và Ngọn Đuốt Việt-Nam mà tôi đã học năm Đệ Lục, tôi nghĩ, Đằng-Phương hiện đang ở hải-ngoại và cộng-tác với LMDCVN vì bài thơ nầy được sáng-tác vào năm 1976.
Trong ba năm liền, ba lần đến Ý, tôi chỉ được gặp Giáo-sư Huy với những chào hỏi xã-giao ngắn-ngủi sau những buổi thuyết-trình, sau đó, Giáo-sư lên đường ngay để sang các quốc-gia khác, vấn-đề thảo-luận riêng chỉ giữa Giáo-sư và những anh em trong ban tổ-chức, đại đa-số là những anh em cựu sinh-viên miền Nam du-học trước năm 1975, tôi không được có chưn trong ban tổ-chức nên không được vào dự các buổi họp riêng nầy, niềm tôn-kính Giáo-sư tôi chỉ giữ riêng trong lòng. Đôi lúc gặp được các anh em trong ban tổ-chức, tôi có đặt vấn-đề thành-lập cơ-sở LMDCVN tại Ý thì được anh em trả lời là: “Chờ Giáo-sư gởi hồ-sơ qua”. Tôi nghĩ thầm là sao Giáo-sư gởi hồ-sơ quá lâu vậy, hay là cán-bộ ở Ý chưa có ai ? Ba năm rồi mà hồ-sơ vẫn chưa tới trong khi đó thì một số đoàn-thể khác đang phát-động rần-rộ, một số anh em không chờ đợi được nên đã gia-nhập vào những tổ-chức nầy.
Ngày 10/10/1983, Giáo-sư trở lại Ý và lưu lại đến ngày 14/10/1983. Thời-gian nầy Giáo-sư có dịp đi nói chuyện nhiều nơi xa-xôi có người Việt sinh-sống như vùng Reggio Emilia, Torino, Milano và Treviso. Tại Treviso, sau phần thuyết-trình, có một Việt-kiều xin đặt câu hỏi, trước khi hỏi, ông ấy nói:” Thưa Ngài”, Giáo-sư chận lại mĩm cười và nhẹ-nhàng nói:” So với anh chị em, tôi đáng tuổi-tác như thế nào, anh chị em cứ xưng-hô như thế đó, cho tôi xin đứt hai chữ thưa Ngài”.
Sau buổi nói chuyện nầy, anh em đưa Giáo-sư về nhà của một thân-hữu ở gần đó ăn cháo gà, đoàn người tham-dự buổi nói chuyện lưu-luyến kéo theo, kẻ ngồi người đứng chật nhà, chuyện-trò nhộn-nhịp như Tết. Kẻ hỏi Giáo-sư chuyện nầy, người hỏi việc kia, Giáo-sư vui-vẻ vừa ăn vừa trả lời vừa kễ chuyện cho đến gần 2 giờ sáng mà nhiều anh chị em còn chưa muốn về. Bầu không-khí thân-mật và vui-tươi hôm ấy từ trước đến nay chưa từng thấy trên cái xứ người Việt ít-oi, rãi-rác, cuộc sống rất là quạnh-quẽ đìu-hiu.
Năm sau, ngày 05/3/1984, Giáo-sư trở lại Ý lần thứ năm và lưu lại cho đến ngày 11/3/84. Thời-gian nầy Giáo sư ở mỗi nơi vài ngày, ít nhiều tùy sự sắp-xếp của ban tổ-chức. Đầu tiên Giáo-sư ở Milano 2 ngày để gặp-gỡ một số nhân-vật của đảng Liberal Ý, sau đó Giáo-sư xuống Padova để thuyết-trình trước một số đảng viên Thiên-Chúa Giáo do ông Thị-Trưởng Camposampiero Marcello Pagetta tổ-chức.. Hôm ấy anh trưởng ban tổ-chức đang sửa-chữa nhà nên có nhờ tôi để Giáo-sư ngủ trọ một đêm ở nhà tôi. Trưa hôm đó, Giáo-sư dùng một buổi cơm gia-đình thân-mật tại nhà, nhân dịp chuyện-trò vui-vẻ giữa gia-đình tôi và Giáo-sư, tôi có hỏi là bao giờ Giáo-sư mới có thể đặt cơ-sở LMDCVN tại Ý để anh chị em ở đây có môi-trường sinh-hoạt?
Đang uống ly sinh-tố, Giáo-sư đặt vội đặt ly xuống bàn, quay nhìn tôi và nói:” Mấy năm trước tôi đã có gởi hồ-sơ qua Ý hai lần để thành-lập cơ-sở, anh có hỏi anh em trong ban tổ-chức không? Tôi nghĩ là cơ-sở Ý đã có lâu rồi chớ ! Thôi được, để một chút nữa hỏi lại anh trưởng ban tổ-chức thì rõ”. Khi anh ấy đến Giáo-sư liền hỏi ngay, anh ấy trả lời một câu rất ngắn gọn:” Tôi làm mất hết rồi !”. Im-lặng một lúc với nét mặt hơi thoáng buồn, Giáo-sư nhẹ-nhàng hỏi:” Vậy lần nầy về Mỹ tôi sẽ gởi thêm một lần nữa, và tôi sẽ gởi cho ai?”. Tôi nói nhanh như sợ bị lỡ dịp:” Xin Giáo-sư gởi cho tôi, mọi việc tôi lo sau khi nhận được hồ-sơ”.
Tối hôm đó, sau khi rất thành-công trong buổi nói chuyện, về lại nhà, tôi và Giáo-sư tâm-tình rất nhiều, tôi hỏi lung-tung, hỏi mọi thứ những việc xa gần cho thỏa-mản những ấm-ức mà từ gần bốn năm nay tôi luôn ấp-ủ trong lòng.
Giáo-sư rất cởi-mở và bình-dị, tuy mới lần đầu tiên có dịp nói chuyện riêng, nhưng Giáo-sư xem tôi như người thân từ thuở nào. Đột nhiên Giáo-sư hỏi:” Hồi trước, khi học trường Đại-Học Kiến-Trúc Saigon, anh có biết Gs.Lê Minh Cảnh không?”
Tôi đáp:” Thưa Giáo-sư, tôi có một người thầy dạy môn Bê-Tông Cốt Sắt Thực-Hành tên Phạm-Minh-Cảnh, trường Kiến-Trúc Saigon không có giáo-sư nào tên Lê-Minh-Cảnh”.
Với giọng buồn buồn xa-xăm, Giáo-sư nói:” Anh nói đúng, anh Cảnh đó là anh cột chèo của tôi, vợ anh Cảnh là chị ruột của nhà tôi”.
Thấy vợ tôi rộn-ràng trong việc bếp-núc, Giáo-sư nói:” Chị cũng như nhà tôi, ngày xưa khi còn sống, nhà tôi lo hết mọi việc trong nhà từ việc nhỏ-nhặt cho đến việc chăm-sóc con cái và nuôi luôn tôi. Tôi chỉ biết lo công việc bên ngoài, viết-lách và hoạt-động chách-trị. Việc nhà tôi không biết gì hết” .
Sau câu nói, Giáo-sư ngồi trầm-ngâm vẻ mặt buồn, có lẽ giây phút nầy Giáo-sư đang thả tâm-hồn về hương-linh người bạn đời quá-cố thân-yêu. Tôi vô tình không hiểu, chợt Giáo-sư chép miệng:
” Nhà tôi bị chết đuối tại Vũng Tàu vì tai-nạn tắm biển!”.
Hôm sau, Giáo-sư lên đường sang tỉnh Bergamo vì tối hôm đó Giáo-sư sẽ thuyết-trình trong buổi họp do ông Romano, Thị-Trưởng kiêm Chủ-Tịch đảng Dân-Chủ Thiên Chúa Giáo vùng Lombardia tổ-chức. Chiều đó tôi cũng đến tỉnh nầy và điện-thoại mời các anh em ở lân-cận đến họp tại nhà một thân-hữu để nghe Giáo-sư chỉ-thị.
Hơn nửa tháng sau, tôi nhận được phong thơ đầu tiên của Giáo-sư từ Mỹ gởi qua, trong đó có một bức thơ với lời dặn-dò, thăm hỏi và một mẫu đơn xin gia nhập vào LMDCVN, một bản Tuyên-Ngôn và Điều-Lệ. Tôi liền điện-thoại triệu-tập một phiên họp tại nhà vào ngày thứ bảy 24/4/1984.
Một Ban Điều-Hành Tạm-Thời được thành-lập ngay, những anh em có mặt đều ký tên gia-nhập vào LMDCVN. Tôi đúc-kết một tờ trình gởi về Thiếu-tướng Phạm-Đăng-Lân lúc ấy là Tổng-Thơ-Ký Liên-Khu-Bộ Âu-Châu để xin được hợp thứ hóa, đồng-thời đề-cử một phái-đoàn hùng-hậu sang dự Đại-Hội LKBÂC kỳ 3 được tổ-chức tại Hòa-Lan vào tháng 7/1984.
Trong Đại-Hội nầy Giáo-sư có nhắc lại câu:” Thao-trường đỗ mồ hôi, chiến-trường bớt đỗ máu” để chỉ-thị cho anh chị em nên sữa-soạn chuẫn-bị cho một tranh-đấu gay-go sắp tới.
Nhân lời phát-biễu của ký-giã Nguyễn-Ang-Ca đề-nghị Giáo-sư nên sang Úc Châu một chuyến để gặp lại các cựu môn-sinh, Giáo-sư ngẫu-hứng hai câu thơ:
Úc-Châu dù xa-tít chân mây,
Nếu là bằng hữu thì tôi sẳn-sàng đi
Anh chị em có mặt trong Đại-Hội ngày hôm ấy chắc còn nhớ hai câu thơ nầy ?
Ngày 01/12/1984 Giáo-sư trở lại Ý lần thứ sáu. Một phiên họp được tổ-chức tại Romano di Lombardia thuộc tỉnh Bergamo, vào lúc 22giờ30, dưới sự Chủ-tọa của Giáo-sư và đông-đủ anh chị em tham-dự, Ban Điều-Hành Tạm-Thời tự-động giải-tán, thay vào đó một Ban Chấp-Hành Khu-Bộ Ý/Liên Minh Dân Chủ Việt Nam được bầu lên: Khu-Bộ Ý-Đại-Lợi được chánh-thức ra mắt. Giáo-sư hân-hoan ký tên vào Biên-Bản xác-nhận.
Từ nay nước Ý đã có cơ-sở, mỗi năm khi sang chủ-tọa Đại-Hội, LKBÂC đều dành cho Khu-Bộ Ý một tuần lễ để Giáo sư sang sinh-hoạt. trước hoặc sau Đại-Hội trong chương-trình thăm-viếng các cơ-sở, tiếp-xúc, thuyết-trình với các chánh-giới Tây-phương và kiều bào, thân-hữu.
Cần nhấn mạnh là mỗi năm LKBÂC đều có tổ-chức Đại-Hội do chính Giáo-sư chủ-tọa: Lần 1 năm 1982 tại Paris, lần 2 năm 1983 tại Đức, lần 3 năm 1984 tại Hòa-Lan, lần 4 năm 1985 tại Ý, lần 5 năm 1986 tại Paris, lần 6 năm 1987 tại Bỉ, lần 7 năm 1988 tại Đức, lần 8 năm 1989 tại Hòa-Lan, lần 9 năm 1990 dự-trù tại Pháp nhưng vì phải tổ-chức Đại-Hội Thế-Giới kỳ 1 tại Hòa-Lan nên dời lại năm 1991, tổ-chức tại Lyon.
Những kỷ-niệm vui buồn, gian-khổ với giáo-sư đã hằn sâu trong lòng anh em từng lặn-lội đó đây, đưa rước. Những đêm sinh-hoạt chuyện-trò, vui-vẻ cởi-mở cũng có, nghiêm-trọng bàn tính công việc cũng có, những lúc 2, 3 giờ sáng anh em còn lái xe chở Giáo-sư trên những đoạn đường dài trở về nhà sau những lần thuyết-trình hoặc gặp-gỡ đồng bào ở các vùng xa-xôi.
Năm 1987, sau khi chia tay ở Đại-Hội LKBÂC tại Vương-quốc Bỉ, chúng tôi trở về Ý để sắp-xếp công việc để Giáo-sư sang theo chương-trình đã được định trước. Vài hôm sau thì Giáo-sư sang, tháp-tùng còn có ch/h Trần-Văn-Lâm của LKBÂC. Được điện-thoại thông-báo Giáo-sư sẽ đến ga xe lửa Padova vào lúc 11giờ đêm ngày 19/6/87. Chúng tôi đã có mặt tại nhà ga vào lúc 10giở30 tối vì đề-phòng xe lửa có thể đến sớm. Lúc đó nhằm đầu mùa hè ở Âu-Châu nên các hệ-thống sưỡi trên xe lửa đều ngưng hoạt-động. Vì liên tiếp nhiều ngày có mưa lớn nên thời-tiết trở nên lạnh-lẽo và chúng tôi đợi Giáo-sư trong cơn mưa lạnh đó. Đến 12giờ đêm vẫn chưa thấy Giáo-sư đến, chúng tôi nóng lòng đi đi, lại lại trong cảnh vắng-vẻ thênh-thang của hành-lang nhà ga, bổng chợt thấy ở phía xa, cuối khu của đường rầy khác có hai bóng người đang lom-khom dưới ánh đèn vàng nhạt-nhòa. Nghi-ngờ, chúng tôi đổi khu hầm và chạy vội đến một khoảng khá xa. Đến nơi, chúng tôi vừa ngỡ-ngàn vừa xúc-động thấy Giáo-sư mang trước ngực một chiếc cặp nặng đựng hồ-sơ, tay xách một túi nhỏ, tay kéo một xe đẩy cá-nhân với chiếc vali hành-lý, bước đi mệt-mõi, nặng-nhọc và lạnh run, Ch/h Lâm bên cạnh cũng không khá gì hơn vì đang bị đau chân. Thì ra xe lửa đến trể và đổi đường rầy. Ai thấy Giáo-sư trong tình-cảnh nầy mà không chua-xót, hình-hài khô-héo, ho sù-sụ từng cơn theo mỗi bước đi…Về đến nhà chúng tôi gần 1giờ khuya, vợ tôi đã bày-biện các thức ăn nóng và cũng đang nóng ruột chờ-đợi, anh em Chi-Bộ Vicenza có mặt đầy-đủ, thôi thì kẻ thoa dầu, người cạo gió, làm massage. Một lúc sau, Giáo-sư khỏe lại, ngồi ăn uống, chuyện-trò vui-vẻ, thân-mật với anh chị em như không có chuyện gì mệt-mỏi trong cuộc hành-trình dài vừa qua.
Ngày 19/6/1988, Giáo-sư đi Roma để dự lễ Phong-Thánh các vị tử đạo VN và ngày hôm sau 20/6 trở về Bắc Ý theo chương-trình làm việc. Tháp-tùng với Giáo-sư lần nầy có Ông bà Bs.Nguyễn-Tôn-Hoàn và Ch/h Đỗ-Trọng ở Oregon (Hoa-Kỳ). Lúc ấy vào khoảng trên 10giờ đêm, mưa to, gió lớn, chúng tôi đến nhà ga Padova đón-rước, nhưng cũng vì xe lửa đến trễ, nóng lòng chạy tới, chạy lui, tôi đóng vội cửa xe mà quên lấy chìa khóa ra, nên khi phái-đoàn tới, buộc lòng phải phá kiếng xe để mở cửa. Về đến nhà dưới cơn mưa dầm, nhưng Giáo-sư rất ấm lòng trong tình chiến-hữu bên cạnh sự hiện-diện của đông-đủ anh chị em với những khuôn mặt mừng-rỡ sau những mối lo-âu.
Chiều hôm sau, Giáo-sư thuyết-trình thành-công tại Thị-xã Montebelluna (Treviso) với sự tham-dự đông-đảo của người Ý, do chính ông Thị-trưởng tổ-chức. Sau đó, ông Thị-trưởng De Longhi nhân-danh nhân-dân thị-xã gắn Huy-Hiệu Thị-Xã Danh-Dự cho Giáo-sư Huy và Bs.Nguyễn-Tôn-Hoàn, đồng thời kêu gọi nhiều người Ý gia-nhập vào UBQTYTVNTD (CIVL). Đóng góp vào chương-trình là một buổi ăn dã-chiến thuần-túy VN và văn-nghệ với các bản hùng-ca do Khu-Bộ Ý đảm-trách, khoản-đải các quan-khách. Hôm ấy, khi về nhà Giáo-sư thật vui.
Lần chót, Giáo-sư sang Ý từ ngày 08/ đến 12/4/1989, chúng tôi sang Bern, Thủ-đô Thụy-Sĩ để rước Giáo-sư về sau một buổi thuyết-trình với Cộng-đồng VN tại đó. Đường dài trên 700 km, chúng tôi lái xe gần suốt đêm, Giáo-sư nằm nghĩ ở băng sau, nhưng thỉnh-thoảng vẫn nói chuyện với chúng tôi cho vui. Lúc nầy Giáo-sư đã bịnh nhiều, giọng nói hơi khó-khăn, ho và sặc nhiều. Đêm cuối cùng tại nhà tôi, Giáo-sư thức đến hơn 2giờ sáng để giúp tôi sắp-xếp lại Khu-Bộ. Sáu giờ sáng, tôi chở Giáo-sư ra ga xe lửa Padova để sang Marseille (Pháp). Tại nhà ga, trước khi chia tay, Giáo-sư vỗ nhẹ vào vai tôi ân-cần nói:” Trong việc điều-hành, anh ráng cởi-mở một chút, đừng cứng quá không có lợi. Có lẽ tháng 6 tới tôi sẽ trở lại Ý, anh coi sắp-xếp công việc với anh em để tôi sang làm việc”.
Tôi bắt tay chào Giáo-sư và lặng-lẽ bước đi, trong lòng có một gì chút bồn-chồn, ray-rức…
Tháng 5/89 tôi có nhận được thơ của Giáo-sư gởi từ Hoa-Kỳ cho biết tháng 6 Giáo-sư không sang Âu-Châu được, vì vậy không sang Ý được như dự-liệu. Từ đó, Giáo-sư đã vĩnh-viễn không bao giờ đến Ý nữa !!
Gần mười năm qua, Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy đã đem đến cho anh chị em chúng tôi những niềm vui lớn-lao, những kỷ-niệm sâu-đậm và những tình thương chan-hòa trong tình gia-đình, tình chiến-hữu và tình thầy trò. Trong niềm vui lớn-lao nầy, chúng tôi thấy được một chân-lý,một con đường phải đi, những ánh sáng vinh-quang trong công cuộc quang-phục quê-hương, đất nước lúc nào cũng le-lói trong niềm tin, trong những quyết tâm.
Chúng tôi thường liên-tưởng đến ngày giải-phóng được dân-tộc, anh em trở về nhìn thấy sự reo vui, hạnh-phúc của đồng-bào từ Nam chí Bắc, kinh cũng như thượng, đèn liên-hoan sáng rực dưới một vòm trời bao-la mà từ lâu bị đấm-chìm trong bóng tối âm-u. Gs. Nguyễn-Ngọc-Huy, vị anh-hùng của dân-tộc, với đôi mắt đẫm lệ, mĩm miệng cười tươi, vẫy tay chào đồng-bào trên khắp ba miền đất nước. Giáo-sư sẽ cùng với anh chị em đốt lên những Ngọn Đuốc Việt-Nam trên đĩnh Ba-Vì, trên ngọn Trường-Sơn và Thất-Sơn để đánh dấu chấm dứt một thời-kỳ đen-tối của lịch-sử, đốt cháy mọi hận-thù oan-nghiệt, xóa tan những oán-hờn chồng-chất. Dân-tộc Việt-Nam sẽ trở về với đặc-thù của giống-nòi Hồng-Lạc, cần-mẫn, hiền-từ và khoang-dung, độ-lượng.
Nhưng, nay Giáo-sư đã nằm xuống, đoạn đường tranh-đấu còn dang-dở, anh em chiến-hữu khắp nơi như bị một chấn thương rĩ máu, con đường mà Giáo-sư đã vạch ra, anh chị em quyết chí đi cho trọn với một quyết-liệt hơn, với những ngọn lửa rực trong lòng, với những bàn tay nắm chặt nối-kết nhau, thề quyết vượt qua mọi chông gai đề hoàn-thành ý-nguyện của người đã khuất.
Giáo-sư ơi! Xin Người hãy bình-tâm an-nghĩ nơi Cõi Nước Nhược Non Bồng, những bước chân của Người nơi trần-thế lúc nào cũng còn lưu-dấu trong lòng anh chị em chúng tôi khắp nơi, nó luôn nhắc-nhở chúng tôi những kỷ-niệm để vững lòng trên suốt đoạn đường tranh-đấu.
Một điều đối với riêng tôi luôn được ghi khắc trong lòng một tâm nguyện là trong những lần sang Ý công-tác, trong những buổi cơm thân mật gia-đình, Gs.Nguyễn-Ngọc-Huy thường nhẹ-nhàng nói với tôi:” Mình nên tranh-đấu với tình thương rộng-rải, đừng nên giữ lòng thù-hận quá nặng-nề vì thù-hận sẽ sanh ra thù-hận, biết đến bao giờ mới gội rữa cho hết được. Giải-phóng đất nước khỏi chế-độ Cộng-sản xong, mình đừng nên trả thù trả oán gì hết mà đem hết sức để xây-dựng lại quê-hương. Được như vậy mới tránh được tang-tốc cho đồng-bào đã chịu quá nhiều đau-khổ và việc phục-hưng đất nước mới được dễ-dàng”. Tôi nhớ đời những lời nói đầy Tâm Phật của một vị lãnh-tụ khả-kính, thật vô cùng cao quý đáng để cho riêng tôi và người đời suy-ngẫm!
Một nén hương lòng kính dâng đến cố Giáo-sư Nguyễn Ngọc Huy và cũng để thắp sáng trong lòng tất cả anh chị em một chân-lý.
Thanh-Thủy
TB. Bài viết nầy của Thanh Thủy ngày 27/12/1990 trong Tập tài liệu Những Vầng Mây Trắng của tác giả và được điều chĩnh ngày 14/7/2020 do sự yêu cầu của anh TTK/TĐV Dương Tấn Hải dành riêng cho Diễn Đàn TĐV và Tập San TĐV do anh đảm trách để thay thế cho bài tham luận 151.
0 comments