Tin khắp nơi – 11/07/2020
Saturday, July 11, 2020
3:17:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Nhà virus học đào thoát đến Mỹ, phơi bày Bắc Kinh giấu dịch – Hải Lam
Trong buổi phỏng vấn độc quyền với Fox News, một nhà virus học người Hồng Kông đang tị nạn ở Mỹ tuyên bố rằng Bắc Kinh đã biết về sự tồn tại của nCoV từ lâu trước khi công bố dịch. Nhà virus học này cũng cho biết, cấp trên của cô – người đứng đầu một phòng thí nghiệm của WHO – đã phớt lờ nghiên cứu của cô, vốn có thể cứu nhiều sinh mạng.
Vài giờ trước khi lên chuyến bay của hãng hàng không Cathay Pacific hôm 28/4 tới Mỹ, vị tiến sĩ đáng kính chuyên ngành virus học và miễn dịch học tại Trường Y tế Công Đại học Hồng Kông Li-Meng Yan đã lên kế hoạch đào thoát, chuẩn bị hành lý và thận trọng qua mặt hệ thống kiểm duyệt và camera trong khuôn viên trường.
Cô đã chuẩn bị sẵn hộ chiếu và ví, và đã sẵn sàng bỏ tất cả những người thân yêu của mình lại đằng sau. Nếu bị bắt, cô biết mình sẽ có thể bị tống vào tù – hoặc tệ hơn là bị “biến mất”.
Cô nói rằng cấp trên của cô, vốn là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, cũng phớt lờ nghiên cứu mà cô đang thực hiện.
Cô nói thêm rằng họ đáng nhẽ phải có nghĩa vụ nói cho thế giới biết, trong vai trò một phòng thí nghiệm được Tổ chức Y tế Thế giới chỉ định nghiên cứu về vi-rút cúm và đại dịch, đặc biệt là khi vi-rút này bắt đầu lây lan vào những ngày đầu năm 2020.
Cô Yan, hiện đang phải trốn chạy, cho biết chính phủ của đất nước cô sinh ra đang cố gắng hủy hoại danh tiếng của cô. Cô cũng cáo buộc những người bất lương trong chính phủ tổ chức một cuộc tấn công mạng nhằm mục đích bịt miệng cô. Những người này tạo một tài khoản Facebook giả mạo cô, tung một loạt tin đồn nói rằng cô bị bắt cóc sang Mỹ, rằng cô đang lừa dối mọi người, rằng thần kinh cô không ổn định. Cô cũng bị tấn công trên mạng xã hội Twitter. Tất cả là nhằm hủy hoại danh tiếng và bịt miệng cô.
Tiến sĩ Yan tìn rằng cô đang gặp nguy hiểm. Cô lo sợ mình sẽ không thể trở về nhà, cũng như có thể sẽ không bao giờ được gặp lại bạn bè hay người thân nữa.
Tuy nhiên, đối với cô, những rủi ro này là xứng đáng.
“Lý do tôi đến Mỹ là vì tôi muốn nói lên sự thật về dịch Covid”, cô Yan nói với đài Fox News từ một địa điểm bí mật.
Cô cho biết nếu cô cố gắng lên tiếng ở Hồng Kông, cô “sẽ biến mất và bị sát hại”.
Những tiết lộ của cô Yang cho thấy việc che giấu dịch bệnh là quyết định của cấp chính quyền cao nhất, rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát ngôn luận xoay quanh nCoV: Trung Quốc biết được thông tin gì, họ biết chúng khi nào và họ đã phát tán những thông tin sai lệch nào đến phần còn lại của thế giới.
Yan nói thêm rằng cô là một trong những nhà khoa học đầu tiên trên thế giới nghiên cứu về virus corona. Hồi cuối năm 2019, khi một ổ dịch giống SARS xuất hiện ở Vũ Hán, cô đã được cấp trên, Tiến sĩ Leo Poon từ phòng thí nghiệm trường Đại học – cũng là một phòng thí nghiệm điều trị cúm được chỉ định bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – yêu cầu bí mật tìm hiểu điều gì đang diễn ra.
“Chính phủ Trung Quốc từ chối cho phép chuyên gia nước ngoài, bao gồm cả những chuyên gia ở Hồng Kông, đến Trung Quốc nghiên cứu”, cô nói. “Vì vậy, tôi đã hỏi bạn bè tôi ở đại lục để có thêm thông tin”.
Yan có mạng lưới liên lạc ở khắp các cơ sở y tế khác nhau ở Trung Quốc đại lục, nơi cô trưởng thành và hoàn thành nhiều nghiên cứu ở đây. Cô cho biết đó chính là lý do cô được giao nghiên cứu này, đặc biệt vào thời điểm cô biết nhóm của cô không thể biết được toàn bộ sự thật từ phía chính phủ.
Một người bạn của cô, một nhà khoa học từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), đã cập nhật thông tin trực tiếp về các ca bệnh và hôm 31/12 đã cho Yan biết về khả năng lây truyền từ người sang người của nCoV, từ lâu trước khi Trung Quốc hay WHO thừa nhận điều này.
Cô Yan đã báo cáo một số phát hiện ban đầu của mình cho cấp trên.
“Ông ấy chỉ gật đầu,” cô Yan nhớ lại, và bảo cô tiếp tục làm việc.
Vài ngày sau, vào hôm 9/1/2020, WHO đã đưa ra một tuyên bố:
“Theo giới chức Trung Quốc, loại virus nghi vấn này có thể gây bệnh nặng ở một số bệnh nhân và không lây từ người sang người”.
Yan cho biết cô và các đồng nghiệp trên khắp Trung Quốc đã thảo luận về loại virus đặc biệt này, nhưng cô sớm nhận ra sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của họ.
Các bác sĩ và nhà nghiên cứu, những người trước đó từng thảo luận công khai về virus đột ngột trở nên “câm như hến”. Những người từ thành phố Vũ Hán – nơi sau này trở thành tâm dịch Covid-19 – đã trở nên im lặng. Những người khác thì được cảnh báo không được hỏi chi tiết cụ thể.
Các bác sĩ khi đó đã lan truyền nhau rằng: “Chúng ta không thể nói về nó, nhưng chúng ta cần phải đeo khẩu trang”, cô Yan kể lại.
Sau đó, số ca bệnh lây từ người sang người bắt đầu tăng theo cấp số nhân, theo các nguồn tin Yan có được và cô bắt đầu tìm hiểu sâu hơn để có câu trả lời.
“Có rất nhiều, rất nhiều bệnh nhân không được điều trị và chẩn đoán kịp thời”, cô Yan nói. “Các bác sĩ tại bệnh viện rất sợ, nhưng họ không thể đề cập đến nó. Các nhân viên của CDC đã cảm thấy rất sợ hãi”.
Cô cho biết cô đã báo cáo những khám phá của mình cho cấp trên một lần nữa vào ngày 16/1, nhưng ông ấy chỉ cảnh báo cô rằng: “Hãy giữ mồm giữ miệng và phải thật cẩn thận”.
“Giống như ông ấy từng cảnh báo tôi trước đây, ‘Đừng chạm vào lằn ranh đỏ’”, Yan nói, ám chỉ chính phủ Bắc Kinh. “Chúng ta sẽ gặp rắc rối và chúng ta sẽ bị biến mất”.
Cô cũng cho biết rằng giám đốc một phòng thí nghiệm có liên kết với WHO, Giáo sư Malik Peiris, biết về việc này nhưng không làm bất cứ điều gì.
GS Peiris cũng không trả lời yêu cầu bình luận của Fox News. Trang web của WHO liệt kê GS Peiris là “cố vấn” trong Ủy ban Khẩn cấp WHO về Bệnh Viêm phổi do Virus corona chủng mới 2019-nCoV.
Cô Yan rất thất vọng, nhưng không ngạc nhiên.
“Tôi biết điều này sẽ xảy ra bởi vì tôi hiểu được vấn nạn tham nhũng của những tổ chức quốc tế như WHO, cho đến chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc”, cô nói. “Về cơ bản … tôi chấp nhận nó nhưng tôi không muốn thông tin sai lệch này này lan ra thế giới”.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, một người cảnh báo sớm cho công chúng (người thổi còi) về Covid-19 nhưng đã bị chính quyền bịt miệng và bị chính căn bệnh này cướp đi tính mạng (ảnh chụp màn hình Twitter).
Tuy nhiên, WHO và Trung Quốc đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc về việc che giấu virus corona.
WHO cũng đã phủ nhận rằng cô Yan, TS Poon hoặc GS Peiris từng làm việc trực tiếp cho tổ chức này.
“Giáo sư Malik Peiris là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, từng tham gia các dự án của WHO và là thành viên của nhóm chuyên gia”, phát ngôn viên WHO Margaret Ann Harris tuyên bố trong một email. “Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ông ấy là một nhân viên của WHO, và ông ấy cũng không đại diện cho WHO”.
Cô Yan cho biết, cho dù cô có phải đối mặt với bất kỳ nguy hiểm nào, lương tâm đã thúc đẩy cô phải lên tiếng nói ra sự thật.
“Tôi biết họ đối xử với những người cảnh báo sớm về dịch bệnh như thế nào,” cô nói.
— Tiến sĩ Li-Meng Yan
Giống như nhiều người đi trước, một khi Yan quyết định lên tiếng chống lại chính quyền Trung Quốc, cô hiểu rằng cuộc sống của mình, cũng như những người thân yêu nhất của cô, đang gặp nguy hiểm.
Cô đã chia sẻ vấn đề này với Blogger Hồng Kông Lu Hong hiện đang sống ở Mỹ.
Sau khi cô chia sẻ một số giả thuyết và nghi vấn của mình về dịch viêm phổi Vũ Hán với Lu Hong, anh nói rằng cô cần phải rời đi, có lẽ là đến Mỹ; ở đây cô sẽ không phải tiếp tục lo sợ. Chỉ khi đó cô mới có thể được an toàn và có cơ hội lên tiếng.
Yan đã quyết định rời Hồng Kông, nhưng mọi chuyện trở nên phức tạp khi chồng cô, người cùng làm chung với cô tại phòng thí nghiệm và cũng là một nhà khoa học có uy tín, phát hiện ra cuộc gọi điện thoại giữa blogger Lu Hong và vợ mình.
Yan nói với Fox News rằng cô đã thuyết phục chồng đi cùng, và nói thêm rằng lúc đầu, chồng cô đã ủng hộ nghiên cứu của cô, nhưng nay lại đột nhiên thay đổi thái độ.
“Anh ấy đã rất tức giận,” cô nói. “Anh ấy đổ lỗi cho tôi, cố gắng làm tôi mất niềm tin … Anh ấy nói họ sẽ giết tất cả chúng tôi”.
Anh ấy nói họ sẽ giết tất cả chúng tôi”.
— Tiến sĩ Li-Meng Yan
Cảm thấy sốc và đau đớn, cô Yan quyết định rời đi một mình.
Cô đã nhận được tấm vé đến Mỹ vào ngày 27/4 và cô lên chuyến bay vào ngày hôm sau.
Khi cô đến sân bay quốc tế Los Angeles sau chuyến hành trình dài 13 giờ, cô đã bị các nhân viên hải quan chặn lại.
Nỗi sợ hãi siết chặt lấy cô. Yan không biết liệu cô sẽ phải ngồi tù hay bị đưa trở về Trung Quốc.
“Tôi phải nói với họ sự thật,” cô tâm sự. “Tôi đang làm điều đúng đắn. Vì vậy, tôi đã nói với họ rằng ‘Đừng bắt tôi quay trở lại Trung Quốc. Tôi đến đây để kể sự thật về Covid-19 … Xin hãy bảo vệ tôi. Nếu không, chính phủ Trung Quốc sẽ giết tôi”.
Sự việc đã được báo cáo cho FBI. Yan cho biết FBI đã đến và phỏng vấn cô trong nhiều giờ đồng hồ. Họ lấy điện thoại di động của cô làm bằng chứng và cho phép cô tiếp tục hành trình.
FBI nói với Fox News rằng họ chưa có đủ bằng chứng để xác nhận hay phủ nhận các tuyên bố của Yan.
Khi Yan đang cố gắng tiếp tục cuộc sống mới ở Mỹ, cô cho biết bạn bè và thân nhân của cô ở quê nhà đang phải hứng chịu sự sách nhiễu của chính quyền.
Cô Yan cho biết chính quyền đã kéo đến quê cô ở Thanh Đảo. Các đặc vụ của chính quyền đã lục tung căn hộ nhỏ của cô, thẩm vấn cha mẹ cô. Khi cô liên lạc với cha mẹ mình, họ đã cầu xin cô trở về. Họ nói rằng cô không biết hậu quả của những gì cô nói và cầu xin cô từ bỏ cuộc chiến với chính quyền.
Đại học Hồng Kông đã gỡ trang cá nhân của cô xuống và thu hồi quyền truy cập tài khoản và email làm việc của cô, bất chấp thực tế cô đã xin nghỉ phép và được chấp thuận. Trong một thông cáo gửi Fox News, một phát ngôn viên của trường cho biết Yan hiện còn phải là nhân viên của trường nữa.
“Tiến sĩ Li-Meng Yan không còn là nhân viên của trường chúng tôi nữa”, thông cáo viết. Và đó là lý do tại sao họ gỡ trang thông tin cá nhân của cô xuống.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói với Fox News rằng họ không biết Yan là ai và tái khẳng định rằng Trung Quốc đã xử lý đại dịch một cách anh hùng.
“Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về người này”, tuyên bố gửi qua email có ghi. “Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Mọi nỗ lực của chúng tôi đã được ghi lại rõ ràng trong sách trắng “Chiến đấu với COVID-19: Trung Quốc trong hành động” với sự minh bạch toàn diện. Thực tế nói lên tất cả”.
Về phần mình, WHO cũng tiếp tục bác bỏ mọi hành vi sai trái trong những ngày đầu của đại dịch. Nhiều nước đã lên án WHO phối hợp với Bắc Kinh giấu dịch. Gần đây WHO đã âm thầm thay đổi tiến trình xử lý dịch bệnh trên trang web của mình. Họ cho biết đã nhận được thông tin ban đầu về virus từ chính các nhà khoa học của WHO thay vì từ chính quyền Bắc Kinh, một ngôn luận họ đã duy trì trong suốt 6 tháng. Tuần trước chính quyền Tổng thống Trump đã chính thức đưa Mỹ ra khỏi WHO.
Theo Fox News
Hải Lam dịch và biên tập
Lên án Trung Quốc không ngăn dịch Vũ Hán,
Tổng thống Trump ‘không nghĩ đến’
đàm phán thương mại với Bắc Kinh
Minh Hòa
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/7 nói rằng hiện tại ông không quan tâm tới việc đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc, vì mối quan hệ giữa hai nước đã bị “tổn hại nghiêm trọng” vì dịch viêm phổi Vũ Hán COVID-19.
“Hiện giờ tôi không nghĩ đến nó”, Tổng thống Trump nói về thỏa thuận giai đoạn 2 với Trung Quốc, khi ông đi cùng các phóng viên trên chiếc Không lực Một, theo Axios.
Tổng thống Trump nói tiếp: “Mối quan hệ với Trung Quốc đã bị tổn hại nghiêm trọng. Lẽ ra họ đã có thể ngăn chặn được dịch bệnh, họ đã có thể ngăn chặn nó, nhưng họ đã không ngăn chặn nó”.
Ông Trump nhắc lại rằng chính quyền Trung Quốc đã ngăn không cho người từ Vũ Hán đi vào các khu vực còn lại của Trung Quốc, nhưng lại cho phép họ mang mầm bệnh đi khắp nơi trên thế giới.
Chính quyền Trump đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc vào tháng 1 năm nay, sau hàng loạt biện pháp trừng phạt thuế quan nhằm giải quyết mối quan hệ thương mại mà ông Trump nói là bất công đối với Mỹ. Tuy nhiên thỏa thuận giai đoạn 1 có nguy cơ bị đổ bể trước những xáo trộn gần đây trong mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Evan Rees, một nhà phân tích về châu Á-Thái Bình Dương tại công ty thông tin địa chính trị Stratfor, nói với tạp chí Forbes vào tháng trước, rằng khả năng cao là Trung Quốc sẽ không đáp ứng nghĩa vụ mua hàng Mỹ mà họ đã cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Ông Rees nói: “Tuy vẫn còn nguyên vẹn, nhưng tuổi thọ của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đang ngày càng bị nghi ngờ vì nhiều lý do, với nhiều nguyên nhân có thể làm hỏng thỏa thuận này, như Hồng Kông, Huawei, Đài Loan, Biển Đông và một số vấn đề nhân quyền”.
Hôm 9/7, chính quyền Trump đã áp lệnh trừng phạt đối với 3 quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có một thành viên của Bộ Chính trị, vì những người này tham gia vào các hành vi đàn áp nghiêm trọng người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc theo đạo Hồi khác.
Chính quyền Trump sắp ra tuyên bố về Biển Đông
trong bối cảnh đối đầu với Trung Quốc
Minh Hòa
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch đưa ra một thông báo vào tuần tới về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông, hãng thông tấn Bloomberg cho biết thông tin từ hai người quen thuộc với vấn đề này.
Bloomberg cho biết, nguồn tin tiết lộ với điều kiện giấu tên rằng Nhà Trắng dự kiến sẽ bày tỏ lập trường chính thức về Biển Đông vào tuần tới, trong bối cảnh quân đội Hoa Kỳ đang triển khai đồng thời 3 tàu sân bay ở khu vực tây Thái Bình Dương nhằm răn đe sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Hai trong số các tàu sân bay đã bắt đầu một cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 4/7.
Trước đó, Hoa Kỳ đã bày tỏ mối quan ngại về cuộc tập trận của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng các hành động của Trung Quốc là “bất hợp pháp”.
Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng thường cử các tàu chiến hiện diện trong khu vực nhằm đảm bảo các tuyến đường biển quốc tế được hoạt động tự do trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Nếu tuyên bố về Biển Đông được đưa ra như tiết lộ từ nguồn tin của Bloomberg, động thái này sẽ góp thêm sóng gió vào mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Chính quyền Tổng thống Trump gần đây liên tiếp đưa ra những bài phát biểu phơi bày những mối nguy hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Hoa Kỳ và thế giới, như một động thái chuẩn bị trước khi đưa ra những quyết sách đối đầu với thể chế này.
“Một khi chúng ta tự tin rằng chúng ta có sự hiểu biết chung về mối đe dọa do ĐCSTQ đặt ra, thì chúng ta có thể bắt đầu hành động”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết hôm 25/6.
Trong số nhiều phát biểu khác của giới chức Mỹ nhằm phơi bày ĐCSTQ, Ngoại trưởng Pompeo hôm 8/7 lên án chính quyền Trung Quốc “bắt nạt” Việt Nam ở Biển Đông, cũng như uy hiếp các nước khác trong hàng loạt các mối tranh chấp chủ quyền lãnh thổ khác.
Mỹ nâng cấp căn cứ gần đảo Guam đối phó TQ
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Không quân Mỹ đang nâng cấp căn cứ trên đảo Wake nằm giữa Hawaii và đảo Guam, trong nỗ lực đối phó với sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc.
Ảnh vệ tinh – được chụp bởi Planet Labs có trụ sở tại Mỹ – cho thấy cơ sở hạ tầng trên đảo Wake, hòn đảo nằm giữa đảo Guam và Hawaii do Không quân Mỹ điều hành đang được cải thiện cùng cơ sở mới đang được xây dựng, South China Morning Post cho biết.
Theo blog tin tức quân sự The Drive của Mỹ, Lầu Năm Góc đã rót hàng trăm triệu USD vào căn cứ này trong những năm gần đây. Một đường băng dài gần 3 km và cơ sở hạ tầng sân bay đã được nâng cấp. Một nhà máy điện năng lượng Mặt Trời lớn cùng một số cơ sở khác đang được xây dựng.
The Drive cho biết căn cứ trên đảo Wake có thể sử dụng như một phương án dự phòng cho quân đội Mỹ trong trường hợp các căn cứ lớn ở đảo Guam và Hawaii bị tấn công. Căn cứ này cũng có thể được triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.
Đảo Wake từng là nơi chiến đấu ác liệt giữa Mỹ và Nhật Bản sau cuộc tập kích vào Trân Châu Cảng năm 1941, nhưng tầm quan trọng của nó mờ dần sau chiến tranh.
Lu Li Shih, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan, cho biết Trân Châu Cảng ở Hawaii vẫn là một căn cứ quan trọng và việc nâng cấp cơ sở ở đảo Wake sẽ góp phần giúp bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi cuộc tấn công bằng tên lửa từ Trung Quốc.
Guam, một căn cứ quan trọng khác của Mỹ đã được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD để chống lại cuộc tấn công bằng tên lửa từ Triều Tiên. Tuy nhiên, năm ngoái, Trung Quốc đã giới thiệu tên lửa đạn đạo DF-26 được mệnh danh là “sát thủ đảo Guam” và tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 có thể tấn công lục địa Mỹ.
Do đó, việc nâng cấp căn cứ ở đảo Wake là một phần trong chiến lược tạo ra hệ thống phòng thủ nhiều lớp ở Thái Bình Dương, trải dài từ các căn cứ ở Philippines, Nhật Bản đến Hawaii. Trong đó đảo Guam đóng vai trò là tuyến phòng thủ thứ 2.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết việc nâng cấp đảo Wake có thể xem là một phần trong sự chuẩn bị của Lầu Năm Góc cho cuộc xung đột với quân đội Trung Quốc trong tương lai.
“Đảo Wake cung cấp một nền tảng thay thế cho lực lượng triển khai phía trước của Mỹ trong trường hợp căn cứ chính ở đảo Guam và Hawaii không hoạt động được, một trong những giải pháp cho thách thức ngày càng tăng từ quân đội Trung Quốc”, ông Koh nói.
Hoa Kỳ trừng phạt viên chức cao cấp nhất
của Trung Cộng
về vấn đề nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Năm (9/7), Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với viên chức Trung Cộng cao cấp nhất chưa bị nhắm đến vì các hành vi vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, một hành động có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Washington đưa Bí thư Đảng Cộng sản Chen Quanguo, một thành viên của Bộ Chính trị quyền lực Trung Cộng, và ba viên chức khác của Tân Cương vào danh sách đen. Hành động này được đưa ra sau nhiều tháng căng thẳng giữa Washington và với Bắc Kinh về cách Trung Cộng giải quyết đại dịch coronavirus và việc họ thắt chặt quyền kiểm soát đối với Hồng Kông. Một viên chức chính quyền cao cấp mô tả ông Chen là viên chức cao cấp nhất của Trung Cộng từng bị Hoa Kỳ trừng phạt.
Tòa đại sứ Trung Cộng tại Washington không trả lời yêu cầu bình luận. Nhưng Trung Cộng bác bỏ việc ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và tuyên bố rằng các trại của họ đào tạo nghề và là cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Các biện pháp trừng phạt được áp dụng theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu, cho phép chính phủ Hoa Kỳ nhắm đến những kẻ vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới bằng cách đóng băng bất kỳ tài sản nào của họ tại Hoa Kỳ, cấm du lịch Hoa Kỳ và cấm người dân Hoa Kỳ làm buôn bán với họ.
Các biện pháp trừng phạt cũng được áp dụng đối với Zhu Hailun, một cựu phó bí thư đảng ủy và phó bí thư hiện tại của cơ quan lập pháp khu vực, Đại hội đại biểu Nhân dân Tân Cương; Wang Mingshan, giám đốc và bí thư đảng ủy của Bộ Công an Tân Cương; và cựu bí thư Huo Liujun của ủy ban. (BBT)
Mỹ cảnh báo công dân
về nguy cơ giam giữ gia tăng ở Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày thứ Bảy cảnh báo công dân Mỹ nên “tăng cường cẩn trọng” tại Trung Quốc vì họ có nhiều nguy cơ trở thành đối tượng của việc thực thi pháp luật tùy tiện bao gồm giam giữ và cấm xuất cảnh.
“Công dân Mỹ có thể bị giam giữ mà không được tiếp cận với các dịch vụ lãnh sự Mỹ hoặc thông tin về tội mà họ bị cáo buộc,” Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một cảnh báo an ninh được ban hành cho công dân của mình tại Trung Quốc, nói thêm rằng công dân Mỹ có thể phải đối mặt với “các cuộc thẩm vấn và câu lưu kéo dài vì những lí do liên quan đến an ninh nhà nước.”
“Nhân viên an ninh có thể câu lưu và/hoặc trục xuất công dân Mỹ vì gửi những tin nhắn điện tử riêng tư chỉ trích chính phủ Trung Quốc,” bộ nói thêm mà không cần dẫn ra ví dụ cụ thể. Bộ cũng không cho biết điều gì đã đưa tới cảnh báo an ninh này.
Cảnh báo an ninh được đưa ra giữa lúc căng thẳng song phương gia tăng cường độ về một loạt các vấn đề từ đại dịch COVID-19, thương mại, luật an ninh Hong Kong mới và các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Uighur ở vùng Tân Cương.
Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ
duyệt xét lại visa của ký giả nước ngoài
Khoảng 76 ký giả người nước ngoài làm việc cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) tại Washington đang đối mặt với khả năng visa của họ, nhiều trường hợp hết hạn trong tháng này, có thể không được tái tục.
Một phát ngôn viên của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) ngày 9/7 cho biết USAGM đang đánh giá các đơn xin tái tục visa J-1 từng trường hợp một. Đài VOA có 62 nhân viên hợp đồng và 14 nhân viên toàn thời gian đang có mặt tại Mỹ theo visa J-1. Không rõ bao nhiêu ký giả tại những thực thể khác của USAGM cũng bị ảnh hưởng.
Cho đến nay không có ký giả nào trong số này đệ đơn xin gia hạn visa J-1 có vẻ như bị bác thẳng thừng. Tuy nhiên, có ít nhất một ký giả đã quá thời hạn chót để gia hạn và phải rời khỏi Mỹ vào cuối tháng này. Những ký giả khác của VOA còn một vài tuần nữa, trước khi có thể sẽ bị buộc về nước, nơi họ lo sợ có thể bị trả thù vì làm việc cho VOA.
Phát ngôn viên của USAGM nói việc duyệt xét lại visa nhằm cải tiến công tác quản lý, bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và đảm bảo là thẩm quyền tuyển dụng không bị lạm dụng.
J-1 là loại visa không định cư cho phép nhập cảnh Mỹ các cá nhân có năng lực đặc biệt, những người được chấp thuận cho tham gia các chương trình trao đổi dựa trên việc làm-và việc học. Visa này thường được cấp trong thời gian vài năm và được tái tục hay gia hạn. Tuy nhiên J-1 cũng nằm trong số một vài loại visa tạm thời bị chính quyền Trump cấm để đáp ứng với đại dịch virus corona, và vì chính quyền tin rằng những người có loại visa này chiếm mất việc làm của công dân Mỹ.
Do phải cung cấp nội dung báo chí chuyên nghiệp chất lượng cao trong hơn 40 ngôn ngữ, VOA thường gặp khó khăn trong việc tìm đủ nhân lực người Mỹ có kỹ năng làm báo lẫn khả năng ngôn ngữ cần thiết để đảm bảo các chương trình phát sóng của VOA. Trong những trường hợp này, VOA lâu nay dựa vào những cá nhân tuyển dụng từ những nước liên hệ hay những di dân mới đến còn phải mất một chặng đường dài mới trở thành công dân Mỹ.
VOA và những cơ quan chính phủ khác thường điều nghiên xem xét kỹ lưỡng việc tái tục các visa J-1, thường do bên thuê mướn lao động nộp đơn và đệ trình lên Bộ Ngoại giao. Trong quá khứ, một số ký giả nước ngoài tại VOA đã buộc phải rời khỏi công việc vì visa không được tái tục. Hiện chưa rõ tiến trình duyệt xét của USAGM năm nay khác với các năm trước ra sao.
“Để cải tiến quản lý cơ quan và bảo vệ an ninh quốc gia Hoa Kỳ, bắt buộc phải xác quyết là thẩm quyền tuyển dụng và các thủ tục nhân sự không bị lạm dụng. Do đó, USAGM đang tiến hành việc đánh giá toàn diện, từng trường hợp một, các nhân viên hợp đồng, hiện có visa J-1,” theo tuyên bố của phát ngôn viên USAGM. Lúc công bố tin này, USAGM chưa hồi đáp câu hỏi của VOA rằng liệu nhân viên toàn thời gian có visa J-1 có nằm trong cuộc duyệt xét năm nay hay không.
Tổng giám đốc USAGM, Michael Pack, được Tổng thống Donald Trump đề cử lãnh đạo USAGM cách đây hai năm. Nhưng với sự chống đối mạnh mẽ của phe Dân chủ, việc chuẩn nhận bị trì hoãn cho đến tháng 6 năm nay. Kể từ khi ông Pack được chuẩn nhận, các lãnh đạo của 5 mạng lưới truyền thông mà USAGM quản trị đã từ chức hay bị sa thải. Ông Pack nói với tờ Washington Times trong một cuộc phỏng vấn tháng này rằng ông đang nỗ lực điều chỉnh lại những quản lý yếu kém trong quá khứ.
“Kế hoạch của tôi, tôi nghĩ mọi người tại Tòa Bạch Ốc và những người khác biết, là đảm bảo các cơ quan này phải có trách nhiệm chu toàn nhiệm vụ, mà trong trường hợp của [Đài Tiếng nói Hoa Kỳ] là hiến chương của đài, đó là điều tôi định làm,” ông nói với Washington Times.
Amazon cấm nhân viên cài TikTok trên điện thoại
Bình luậnDu Miên
Amazon đã yêu cầu nhân viên gỡ bỏ ứng dụng chia sẻ video TikTok khỏi thiết bị di động của họ trước ngày 10/7 vì các “rủi ro bảo mật”, theo một bản ghi chú Amazon gửi tới nhân viên mà Reuters được thấy.
Trong email nêu rõ: “Do rủi ro bảo mật, ứng dụng TikTok không còn được phép [cái đặt] trên các thiết bị di động có thể truy cập vào [hệ thống] email của Amazon. Nếu bạn có TikTok trên thiết bị của mình, bạn phải xóa nó trước 10/7 để giữ quyền truy cập di động vào email của Amazon. Tại thời điểm này, bạn được phép sử dụng TikTok từ trình duyệt máy tính xách tay Amazon”.
Đại diện Amazon đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Trong một tuyên bố, đại diện phía TikTok cho biết: “Mặc dù Amazon không liên lạc với chúng tôi trước khi gửi email của họ và chúng tôi vẫn không hiểu mối quan ngại của họ, chúng tôi hoan nghênh một cuộc đối thoại để chúng tôi có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào họ có thể có và cho phép nhóm của họ tiếp tục tham gia vào cộng đồng của chúng tôi”.
Mạng xã hội chuyên chia sẻ video TikTok vốn thuộc sở hữu của Trung Quốc. Trong số các nền tảng kỹ thuật số phát triển nhanh nhất trong lịch sử, TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát nặng nề bên ngoài Trung Quốc. Ấn Độ đã cấm TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc vào tháng Sáu.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết hồi đầu tuần này rằng, Washington đang xem xét việc cấm TikTok tại Hoa Kỳ. Khi được hỏi người Mỹ có nên tải ứng dụng này, ông nói với Fox News rằng: “Chỉ khi bạn muốn thông tin cá nhân của mình rơi vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Trong tháng Ba, 2 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Hoa Kỳ đã đưa ra một dự luật nhằm cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên điện thoại do chính phủ cấp cho họ, trong bối cảnh gia tăng lo ngại về an ninh quốc gia xung quanh việc ứng dụng này có thể thu thập và chia sẻ dữ liệu về người dùng Hoa Kỳ với ĐCSTQ.
Năm ngoái, Hải quân Hoa Kỳ đã cấm các quân nhân sử dụng TikTok trên các thiết bị di động do chính phủ cấp, nói rằng ứng dụng video ngắn này đại diện cho mối “đe dọa an ninh mạng”.
Tháng 11/2019, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra một đánh giá an ninh quốc gia đối với việc chủ sở hữu TikTok là công ty Beijing ByteDance Technology lùng mua lại ứng dụng mạng xã hội Hoa Kỳ Musical.ly với giá 1 tỷ đô la Mỹ (khoảng 2,3 nghìn tỷ VNĐ). Reuters lần đầu tiên đưa tin về vấn đề này hồi năm ngoái.
Du Miên
Theo The Epoch Times
Hoa Kỳ : Thăm Florida,
tổng thống Trump vẫn làm ngơ trước đại dịch
Thụy My
Tổng thống Mỹ hôm qua, 10/07/2020, đã đến Florida, trong lúc bang này có số người bị lây nhiễm tăng vọt lên cao nhất nước. Ông Donald Trump tiếp tục nói rằng số ca dương tính tăng lên là do xét nghiệm nhiều hơn, và tổng thống Mỹ luôn tỏ ra lạc quan trước đại dịch đang đe dọa.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet cho biết thêm chi tiết:
Từ một tháng qua, số lượng xét nghiệm hàng ngày tại Hoa Kỳ đã tăng 33%, và số ca phát hiện dương tính tăng 167%. Rõ ràng là dịch bệnh đang lây nhanh, hơn nữa số tử vong đã đạt kỷ lục tại Florida, nơi tổng thống đến thăm hôm qua.
Tuy vậy, Donald Trump vẫn không nêu ra các nguy cơ của đại dịch, ông tập trung vào việc phục hồi kinh tế. Tổng thống tuyên bố : « Chúng ta nỗ lực mở lại các hoạt động kinh tế và các trường học trong các điều kiện chắc chắn và có trách nhiệm, để đất nước lại chạy đều 100%. Chúng ta đạt kỷ lục về việc làm, đạt nhiều kỷ lục trong những lãnh vực khác nhau, chúng ta sẽ có được một quý III tốt đẹp, và kinh tế sang năm sẽ là một trong những năm phát đạt chưa từng thấy ».
Tuy vậy, chiến lược của tổng thống Mỹ không được người dân hoan nghênh. Theo một cuộc thăm dò, chỉ có 33% người Mỹ ủng hộ việc quản lý khủng hoảng dịch tễ của chính phủ. Nhưng dường như Donald Trump vẫn muốn làm ngơ trước thực tế, hôm qua ông khẳng định: « Chúng ta có vị trí rất tốt trong các cuộc thăm dò thực sự ».
Châu Mỹ : Covid-19 vẫn hoàn hành dữ dội
Trong vòng 24 giờ qua, đã có thêm 63.643 ca dương tính mới trên toàn nước Mỹ, và 774 người tử vong vì Covid-19. Tổng cộng đại dịch virus corona đã làm 133.969 người thiệt mạng tại Mỹ, vượt xa các nước khác trên thế giới, và trên 3,18 triệu người bị lây nhiễm. Bang California hôm qua thông báo sẽ thả thêm 8.000 tù nhân để làm giảm tốc độ lây lan của virus trong các nhà tù bị quá tải.
Tại châu Mỹ La-tinh, Brazil hôm qua đã vượt ngưỡng 70.000 trường hợp tử vong, và trên 1,8 triệu người dương tính với virus corona, trong đó có đến 45.048 người bị lây nhiễm trong 24 giờ qua. Tổng thống nước này, ông Jair Bolsonaro từng cho rằng dịch corona chỉ là « cúm nhẹ », hôm thứ Ba thông báo đã bị dương tính, nhưng nói rằng sức khỏe của ông vẫn tốt. Brazil không có chính sách quốc gia để đối phó với đại dịch, thống đốc các bang tùy ý hành động.
Mỹ lập kỉ lục ngày thứ ba liên tiếp
với hơn 69.000 ca nhiễm Covid
Số ca nhiễm COVID-19 mới tăng lên hơn 69.000 ca trên toàn nước Mỹ vào ngày thứ Sáu, theo kiểm đếm của Reuters, lập kỉ lục ngày thứ ba liên tiếp trong khi Tổng thống Donald Trump đang thúc ép để trường học khắp cả nước mở cửa lại.
Tổng cộng chín bang của Mỹ – Alaska, Georgia, Idaho, Iowa, Louisiana, Montana, Ohio, Utah và Wisconsin – cũng đạt kỉ lục về số ca nhiễm trong một ngày.
Tại Texas, một điểm nóng khác, Thống đốc Greg Abbott ngày thứ Sáu cảnh báo ông có thể phải áp dụng các biện pháp khống chế mới nếu bang này không thể làm chậm lại số ca nhiễm và nhập viện hiện đang tăng ở mức phá kỉ lục bằng việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
California ngày thứ Sáu nói bang này sẽ phóng thích sớm tới 8.000 tù nhân từ các nhà tù để làm chậm sự lây lan của COVID-19 bên trong các cơ sở này. Tại Nhà tù Cấp Bang San Quentin, bên ngoài San Francisco, một nửa trong số khoảng 3.300 tù nhân đã xét nghiệm dương tính với virus.
Florida vẫn là một trong những điểm nóng trầm trọng nhất ở Mỹ và là một trong số ít các bang có số ca tử vong đang gia tăng, theo phân tích của Reuters về số ca tử vong trong hai tuần qua so với hai tuần trước đó.
Ngày thứ Năm, bang này báo cáo con số kỉ lục 120 người chết và thêm 92 người khác vào ngày thứ Sáu. Florida ghi nhận 11.433 trường hợp nhiễm virus corona mới trong ngày thứ Sáu, chỉ thấp hơn kỉ lục của bang một chút, và gần 7.000 ca nhập viện.
Hơn bốn chục bệnh viện ở Florida báo cáo các đơn vị hồi sức cấp cứu của họ đã đầy bệnh nhân.
Trong tháng này, Florida đã liên tục báo cáo nhiều ca nhiễm virus corona mới hàng ngày hơn bất cứ nước Châu Âu nào ở đỉnh điểm dịch bệnh. Thống đốc Florida Ron DeSantis, người theo Đảng Cộng hòa, đã khiến một số cư dân và các chuyên gia y tế tức giận vì đã hạ giảm mức độ nghiêm trọng của đợt tăng vọt này.
Tổng thống Trump tới Florida trong ngày thứ Sáu để tham dự một sự kiện tại Bộ chỉ huy miền Nam Hoa Kỳ và một sự kiện gây quỹ cho chiến dịch vận động tranh cử.
Tổng thống đã tranh cãi với các quan chức cấp bang và địa phương và các công đoàn giáo viên về việc mở lại các trường học và ngày thứ Sáu nói rằng Bộ Tài chính sẽ xem xét lại tư cách miễn thuế và nguồn tài trợ cho các trường vẫn đóng cửa.
Ông Trump trước đó đã tuyên bố sẽ cắt ngân sách liên bang cho các trường học và đuổi sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học ở Mỹ trừ phi trường của họ mở các lớp mà sinh viên đến học trực tiếp. Hầu hết nguồn ngân quỹ giáo dục được nhà chức trách cấp bang và địa phương cung cấp.
Số ca nhiễm được xác nhận ở Mỹ là hơn 3 triệu ca, theo một thống kê của Reuters, khơi lên lo ngại rằng các bệnh viện sẽ bị quá tải.
Gần 134.000 người Mỹ đã tử vong, một con số mà các chuyên gia cảnh báo có phần chắc sẽ tăng vọt cùng với sự gia tăng các ca nhiễm.
Nhìn chung, các ca nhiễm đang gia tăng ở 44 bang của Mỹ trong hai tuần qua so với hai tuần trước, theo phân tích của Reuters.
Tiểu bang California kiện ICE về kế hoạch
trục xuất sinh viên du học khỏi Hoa Kỳ
nếu họ chỉ học trực tuyến
Hôm thứ Năm (9 tháng 7), bộ trưởng Tư pháp California, Xavier Becerra tuyên bố rằng tiểu bang sẽ kiện quyết định của chính quyền tổng thống Trump về việc không cho phép du học sinh tham gia các khóa học trực tuyến tại Hoa Kỳ trong học kỳ mùa thu này. Sau thông báo này, đại học tiểu bang Nam California (USC) cho biết họ sẽ tìm cách mở lớp học trực tiếp cho sinh viên quốc tế, để du học sinh có thể duy trì tình trạng visa của họ.
Chưa rõ việc này sẽ thực hiện như thế nào, sau khi hồi đầu tháng này, USC tuyên bố các khóa học mùa thu sẽ chủ yếu được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hướng dẫn do Cơ quan Di trú và Thực thi Hải quan (ICE) ban hành đã vấp phải sự phản đối từ các trường đại học và các nhà lập pháp, họ cho rằng quyết định này đặt sinh viên vào vị trí bấp bênh và đe dọa sự an toàn của họ trước sự bùng nổ của đại dịch.
Hôm thứ Năm (09/07/2020), gần 100 thành viên của Quốc hội đã gửi thư đến Bộ Nội An, kêu gọi cơ quan này hủy bỏ chính sách. Điều kiện cấp visa cho sinh viên trước giờ vẫn luôn nghiêm ngặt, và việc đến Hoa Kỳ chỉ để học trực tuyến đã bị cấm.
ICE duy trì lệnh cấm đó trong hướng dẫn của cơ quan, nhưng vẫn linh động cho hình thức tổ chức lớp học kết hợp giảng dạy trực tuyến và trực tiếp. Cơ quan này đề nghị các sinh viên hiện đang theo học tại Hoa Kỳ xem xét các biện pháp khác như chuyển đến các trường có mở lớp học trực tiếp. Khi học kỳ mùa thu gần kề, các trường đại học đã phải vạch ra một con đường khác, xem xét sự lây lan của coronavirus.
Một số trường chọn các tổ chức lớp học trực tuyến, trong đó có đại học Harvard. Hôm thứ Tư (08/07/2020), đại học Harvard và đại học MIT cũng đã đệ đơn kiện hướng dẫn này. Vụ kiện được trình lên tòa án liên bang ở quận Massachusetts, vụ kiện tìm cách chặn hướng dẫn này vì cho rằng nó vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính. (BBT)
Bộ Trưởng Tài Chính Hoa Kỳ
ủng hộ gởi chi phiếu trực tiếp đến người dân
trong dự luật hỗ trợ kinh tế tiếp theo
Tin từ Washington – Hôm thứ Năm (9 tháng 7), Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho rằng ông ủng hộ một đợt gởi chi phiếu trực tiếp khác cho người dân Hoa Kỳ như là một phần của luật coronavirus tiếp theo và đang làm việc để được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 7. Ngoài ra, ông Mnuchin cũng nói với hãng CNBC rằng không phải tất cả hãng hàng không đã ký thỏa thuận vay nợ từ Bộ Tài chính sẽ cần các khoản vay tiếp theo, vì họ có thể đáp ứng nhu cầu tài chính của mình từ thị trường tài chính tư nhân.
Mặc cho hãng United Airlines thông báo 36,000 nhân viên của họ về khả năng cho nghỉ việc, ông Mnuchin nói ông tin rằng hầu hết các hãng hàng không đều muốn giữ lại càng nhiều nhân viên càng tốt, và Hoa Kỳ cần các hãng hàng không để hỗ trợ phục hồi kinh tế quốc gia.
Về tương lai của Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) trị giá 660 tỷ Mỹ kim, ông Mnuchin cho hay bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào đều sẽ chủ yếu dành cho các công ty thực sự cần số tiền này và các tiểu thương. Trước đó, ông cho rằng ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng có thể sẽ cần tiền viện trợ này hơn khi họ gặp khó khăn trong việc mở cửa trở lại.
Bộ Tài chính có kế hoạch xem xét tất cả các khoản vay PPP từ 2 triệu Mỹ kim trở lên, để xác định xem có nên xóa nợ cho họ hay không, nhưng ông Mnuchin nói phần lớn các khoản vay này sẽ đáp ứng điều kiện được xóa nợ. Theo ông Mnuchin, bất kỳ sự gia hạn nào của các khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ được giới hạn ở mức 100% hoặc ít hơn số tiền lương các lao động được trả trước khi họ nghỉ việc, nhằm tạo động lực cho họ quay trở lại làm việc. (BBT)
Hoa Kỳ sắp ngừng
trợ cấp thất nghiệp 600 Mỹ kim/tuần
Hôm thứ Năm (09/07/2020) bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin cho biết chính quyền Hoa Kỳ rút bớt trợ cấp thất nghiệp trong gói viện trợ coronavirus tiếp theo, để bảo đảm người lao động không nhận được trợ cấp nhiều hơn so với mức lương cũ.
Trong gói viện trợ coronavirus được ban hành vào tháng 03/2020, những người thất nghiệp được nhận trợ cấp tới 600 Mỹ kim/tuần cùng với các khoản trợ cấp thất nghiệp bình thường của họ, mà dư luận cho rằng điều đó đang khuyến khích người thất nghiệp không đi tìm việc làm. Hạ viện đã thông qua dự luật gia hạn trợ cấp 600 Mỹ kim/tuần cho đến tháng 12/2020.
Tác động của cái gói trợ cấp thất nghiệp tăng đang là đề tài được các nhà kinh tế học tranh luận sôi nổi giữa gần đây. Những người ủng hộ cho rằng lợi ích bổ sung này là chìa khóa giúp các gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói khi tỉ lệ thất nghiệp tăng lên, đồng thời họ lưu ý rằng khoản trợ cấp thường chỉ đủ bù đắp cho mức lương vốn đã tương đối thấp của họ trước đó.
Trong khi người phản đối lại cho rằng một số công ty đã và đang gặp khó khăn trong việc mướn người, mặc dù tỉ lệ thất nghiệp quốc gia trên 11%. Gói viện trợ bổ sung sẽ hết hạn vào cuối tháng 07/2020. Theo ông Mnuchin, hôm thứ Tư (08/07/2020), và Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows đã nói chuyện với lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell, mục tiêu của họ là sẽ thông qua dự luật viện trợ coronavirus tiếp theo trong khoảng thời gian từ ngày 20/07/2020 đến cuối tháng này.
Hôm thứ Năm (09/07/2020), hai chuyên gia kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ đã kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật viện trợ lớn hơn 1.5 ngàn tỷ Mỹ kim, với những hỗ trợ sẽ không hết hạn cho đến khi nền kinh tế Hoa Kỳ thoát khỏi nguy hiểm. (BBT)
Tổng thống Trump giảm án tù
cho cố vấn lâu năm Roger Stone
Tổng thống Donald Trump quyết định giảm án cho người bạn và cố vấn lâu năm của ông là Roger Stone vào ngày thứ Sáu, miễn cho ông này khỏi phải đi tù sau khi bị kết tội nói dối các nhà lập pháp điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ.
Quyết định của ông Trump giảm án cho ông Stone chỉ vài ngày trước khi ông Stone trình diện tại nhà tù cho thấy sự can thiệp quyết đoán nhất của tổng thống nhằm bảo vệ một cộng sự trong một vụ án hình sự. Đây cũng là lần mới nhất ông Trump sử dụng quyền khoan hồng của tổng thống để làm lợi cho một đồng minh của ông.
“Roger Stone đã chịu rất nhiều khổ sở,” Nhà Trắng nói trong một thông cáo. “Ông ấy đã bị đối xử rất bất công, cũng như nhiều người khác trong vụ việc này. Roger Stone giờ được tự do!”
Ông Stone, 67 tuổi, là bạn của ông Trump từ hàng chục năm qua và là một hoạt vụ lâu năm của Đảng Cộng hòa. Lẽ ra ông sẽ phải trình diện tại nhà tù liên bang ở Jesup, Georgia, để bắt đầu thụ án ba năm bốn tháng.
Quyết định giảm án của ông Trump thay vì ân xá trọn vẹn không xóa bỏ phán quyết kết tội hình sự đối với ông Stone.
Ông Stone là một trong số các cộng sự của ông Trump bị buộc tội trong các cuộc điều tra của cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga nhằm nghiêng cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho ứng cử viên Trump vào năm 2016.
Một bồi thẩm đoàn ở Washington vào tháng 11 năm 2019 đã tuyên ông Stone có tội đối với tất cả bảy tội hình sự cản trở cuộc điều tra của Quốc hội, năm tội danh khai man trước Quốc hội và can thiệp lời khai nhân chứng.
Ông Trump đã liên tục đả kích trên Twitter về vụ án của ông Stone, cáo buộc các công tố viên là nhũng lạm, trưởng bồi thẩm viên là thiên vị chính trị và thẩm phán đối xử bất công với bạn mình.
Ông Stone bị kết tội nói dối với Ủy ban Tình báo Hạ viện về những nỗ lực của ông ta liên lạc với WikiLeaks, website công bố những email gây tổn hại về đối thủ tranh cử của ông Trump, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, mà các quan chức tình báo Mỹ đã kết luận là bị tin tặc Nga đánh cắp.
Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho tổng thống thẩm quyền “giảm nhẹ và ân xá cho các hành vi phạm tội chống lại Hoa Kỳ, ngoại trừ trong các trường hợp luận tội.” Ông Trump đã sử dụng quyền khoan hồng này để làm lợi cho các đồng minh và các nhân vật chính trị có quen biết lớn.
Ăn đồ chiên, nướng có gây bệnh tật cho sức khỏe?
Miguel Trancozo TrevinoBBC Future
Từ việc sinh ra ra hóa chất độc hại tới làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, những bằng chứng mới nhất cho thấy một số cách nấu ăn gây hại cho sức khỏe. Ta nên làm gì để tránh?
“Toàn bộ lý do khiến con người tiến hóa là vì ta bắt đầu nấu ăn,” Jenna Macciochi khẳng định chắc nịch. “Khi chỉ ăn uống thực phẩm sống, ta phải ăn liên tục, vì cơ thể ta vất vả mới lấy được dưỡng chất từ thực phẩm sống.”
Các nhà sinh học từ lâu đã đồng tình với Macciochi, người chuyên nghiên cứu về tác động qua lại giữa lối sống và dinh dưỡng ảnh hưởng ra sao tới hệ miễn dịch của con người, tại Đại học Sussex.
Trong thực tế có cả một danh sách bằng chứng dài đáng kể cho thấy quá trình tiến hóa của con người có liên hệ trực tiếp với việc biết dùng lửa.
Khi tổ tiên của chúng ta biết nấu ăn và chế biến thực phẩm, họ đã khiến chất béo và calories trong thực phẩm dễ tiêu hóa hơn, và điều đó giúp làm tăng khoảng cách giữa năng lượng con người cần để tiêu hóa thức ăn với số năng lượng họ có thể chiết xuất từ thực phẩm. Mà như vậy cũng có nghĩa là con người đỡ phải nhai nhiều như trước.
Người ta từng cho rằng kỹ năng nấu nướng không chỉ giúp làm kích cỡ xương hàm của con người giảm xuống, mà còn có nghĩa là bộ não ta có thể tiến hóa và tăng kích cỡ lớn hơn – và có đủ khả năng dung chứa những hoạt động thần kinh (vốn rất hao tốn năng lượng) mà con người cần đến.
Nấu ăn cũng giúp tiêu diệt những vi khuẩn có hại có thể có bên trong và trên bề mặt thực phẩm, nhờ vậy bảo vệ giúp con người tránh không bị bệnh vì ngộ độc thực phẩm.
Vậy nhưng dù nấu ăn đem lại rất nhiều lợi ích thì liệu có xảy ra trường hợp quá trình chế biến thực phẩm với nhiệt độ cao có thể đem lại những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe không?
Xu hướng ngày càng phổ biến với chế độ ăn đồ tươi sống và nhiều chuyển đổi đến những kỹ thuật nấu nướng biến tấu hơn, các nhà khoa học khắp thế giới giờ đây chú tâm hơn tìm hiểu về những bữa ăn chế biến nóng sốt.
Acrylamide: Nguy cơ bị ung thư vì nấu quá kỹ
Không phải mọi phương thức nấu nướng đều giống nhau khi ta chuẩn bị một món ăn. Và với một số kiểu nấu nướng – như khi sử dụng nhiệt độ cực kỳ cao – thì thực phẩm ta nấu ra sẽ có khác biệt rất lớn.
Với những loại thực phẩm là tinh bột chẳng hạn, thì rủi ro mà Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) ở Anh Quốc đã ra cảnh báo về chất acrylamide. Đây là hóa chất thường được sử dụng trong công nghiệp để làm giấy, nhuộm và nhựa, nhưng nó cũng xuất hiện trong thực phẩm khi ta quay, chiên hoặc nướng đồ ăn ở nhiệt độ rất cao trong thời gian dài.
Những nguyên liệu nấu nướng giàu carbohydrate như khoai tây, các loại rau củ, bánh mì nướng, ngũ cốc, cà phê, bánh ngọt và bánh quy, là những loại nhạy cảm nhất, và phản ứng ta có thể thấy là khi tinh bột trong món ăn bắt đầu chuyển màu sẫm, chúng có thể hóa thành màu nâu vàng hay bắt đầu có vẻ như bị cháy.
Acrylamide được coi là nguyên nhân tiềm ẩn gây ung thư, mặc dù hầu hết bằng chứng hiện thời cho thấy mối liên hệ này đến từ động vật.
Để đề phòng, Macciochi nói, các nhà dinh dưỡng học và cơ quan về thực phẩm cho rằng tốt hơn là nên tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm với hàm lượng nhiều hóa chất acrylamide.
“Hầu hết các thí nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm với động vật, [nhưng] chúng tôi thực sự nghĩ rằng acrylamide có nguy cơ gây ung thư ở người, vì vậy mọi người nên ý thức đề phòng, và cũng để ý đến thực phẩm đã qua chế biến mà họ mua, có lẽ có hàm lượng acrylamide cao hơn vì quá trình chế biến công nghiệp,” bà nói thêm.
Để tránh hàm lượng acrylamides cao, FSA đề nghị ta nên hướng đến nấu thức ăn đến độ vàng vừa phải và tránh bỏ khoai tây vào tủ lạnh nếu sau đó định nấu ở nhiệt độ cao (vì khoai tây đông lạnh phóng thích đường, sau đó sẽ kết hợp với các amino acid và tạo ra acrylamide khi nấu). Nói chung là tránh nấu quá kỹ những thành phần này, và tránh tạo ra hợp chất acrylamide.
Tuy nhiên, nguy cơ này không dừng lại với quy trình nướng thức ăn.
“Những chất như acrylamide trong thực phẩm chỉ là một trong nhiều nguy cơ của chế độ ăn thời hiện đại,” Macciochi cảnh báo, “vì vậy tự chất này sẽ không tạo ra nguy cơ khiến bạn bị ung thư, nhưng nếu một người có chế độ ăn rất nghèo nàn, đó là thứ ta có thể thay đổi để tránh rủi ro.”
Khói bếp và bệnh ung thư phổi
Hiệu ứng từ nấu nướng không chỉ truyền qua thức ăn, mà còn qua những thứ ta hít vào.
Đầu tiên, bản thân bếp nấu là nguồn chính gây bệnh ở nhiều quốc gia đang phát triển.
Ở những nơi dùng các loại nhiên liệu đun nấu là gỗ, rơm rạ thải, và than, khói bếp trong nhà có thể tăng lên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khói nhà bếp là nguyên nhân gây ra 3,8 triệu trường hợp chết yểu mỗi năm.
Nhưng một số nguyên liệu nhất định trong thực phẩm ta nấu cũng có thể gây ra ô nhiễm không khí trong nhà.
Một nghiên cứu năm 2017, do Tạp chí Nghiên cứu Ung thư và Ung bướu Lâm sàng công bố, tìm thấy bằng chứng khi ta hít phải khói do dầu ăn gây ra cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi.
Các nhà khoa học phân tích 23 nghiên cứu về 9.411 ca bệnh ung thư ở Trung Quốc, và cho thấy không chỉ có phụ nữ nấu ăn trong tình trạng không có hệ thống thông khí tốt trong nhà bếp có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn, mà cả các phương pháp nấu ăn khác nhau cũng gây ra hệ quả khác nhau.
Chẳng hạn như chiên xào làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, trong khi chiên thức ăn ngập dầu thì không làm tăng nguy cơ.
Các nghiên cứu khác cũng cung cấp bằng chứng cho thấy nếu hít phải khói từ dầu ăn trong thời kỳ mang thai có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, khiến trẻ bị nhẹ cân khi sinh.
Năm 2017, các nhà khoa học ở Đài Loan so sánh hàm lượng aldehydes – một nhóm các hợp chất phản ứng rộng, mà nhiều hợp chất trong số đó độc hại với con người – sinh ra từ các phương pháp nấu nướng khác nhau.
Trong nghiên cứu này, các tác giả chỉ ra rằng khói bốc lên từ dầu hướng dương khi nấu ở nhiệt độ cao và phương thức chiên ngập dầu và chiên trong chảo có nguy cơ sản sinh ra lượng aldehyde lớn hơn, trong khi đó các loại dầu ăn có hàm lượng chất béo không bão hòa thấp, như dầu cọ hay dầu hạt cải, cũng như các phương thức nấu nướng nhẹ nhàng hơn như chiên xào, thì không có xu hướng tạo ra hàm lượng lớn hợp chất này hoặc những hợp chất được cho là có hại khác.
Thịt nấu chín và bệnh tiểu đường
Người ăn thịt nên suy nghĩ lại cách họ nấu thịt và mức độ thường xuyên ăn thịt.
Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy phương thức nấu trực tiếp với lửa như nấu thịt đỏ, đặc biệt là nướng bằng chảo hoặc nướng than cũng như các phương thức nấu sử dụng nhiệt độ cao, như quay thịt trong lò, có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường ở những phụ nữ thường sử dụng thịt đỏ ở Hoa Kỳ – mặc dù người ta chưa rõ vì sao nguy cơ này chỉ tác động đến phụ nữ mà không ảnh hưởng đến đàn ông.
Một nghiên cứu khác chỉ ra mối liên hệ tương tự giữa cách nấu trực tiếp trên ngọn lửa hoặc nấu ở nhiệt độ cao và bệnh tiểu đường Type 2 ở người ăn thịt đỏ, thịt gà và cá ít nhất 15 lần mỗi tháng, bất kể là nam hay nữ, ăn nhiều hay ít chừng nào.
Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là không có nghiên cứu nào trong số này kiểm soát các yếu tố về lối sống như thể thao hoặc các nhân tố khác trong chế độ dinh dưỡng của họ, trong đó có hàm lượng đường họ tiêu thụ, vì vậy có thể còn có những thứ đằng sau nữa tác động đến kết quả được đưa ra.
Tuy nhiên, một số phương thức nấu ăn thay thế do các nhà nghiên cứu đề xuất như luộc hay hấp có vẻ không gây ra nguy cơ mắc tiểu đường.
Các phương pháp nấu ăn khác
Trong thế kỷ qua, phương thức nấu nướng đã tiến hóa và đa dạng hơn, và nấu nướng dần dịch chuyển khỏi những nguồn nhiệt thời nguyên thủy.
Lò vi sóng, bếp điện và lò nướng bánh giờ đây có mặt gần như trong mọi nhà, đem lại các phương thức thay thế cho ngọn lửa nhiệt độ cao.
Ngày càng nhiều các nhà khoa học chỉ ra rằng sử dụng lò vi sóng là cách nấu ăn lành mạnh hơn, tùy thuộc vào món bạn nấu.
Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây từ Thụy Điển cho thấy một trong những cách lành mạnh nhất để nấu nấm là sử dụng lò vi sóng. Phương thức này làm tăng đáng kể các chất chống oxy hóa – là hợp chất giúp bảo vệ tế bào khỏi tình trạng hư hỏng. Trái lại, luộc hoặc chiên nấm làm giảm hàm lượng chất chống oxy hóa.
Trong thực tế bằng chứng khoa học cho thấy phương thức tốt nhất để giữ lại được các vitamin và dưỡng chất khi nấu rau là sử dụng thời gian nấu ngắn và dùng càng ít nước càng tốt.
Điều đó có nghĩa là sử dụng lò vi sóng là cách nấu tốt vì sẽ khiến ít dưỡng chất mất đi hơn – không giống như khi ta luộc rau, khiến dưỡng chất đều trôi vào nước luộc hết.
“Hấp rau cũng tốt hơn là luộc, bất cứ thứ gì bạn nấu trong thời gian dài ở nhiệt độ cao đều có vẻ gặp nhiều vấn đề hơn, làm giảm giá trị dinh dưỡng hoặc gây ra một số hợp chất không tốt, như acrylamide,” Macciochi giải thích.
Một vấn đề khác với cách chiên đồ ăn, hay các kiểu nấu nướng có dầu ăn, đó là sẽ có vấn đề xảy ra khi một số loại chất béo được làm nóng lên. Hóa ra quá trình đốt nóng có thể khiến dầu ăn trải qua hàng loạt phản ứng hóa học, vì vậy khi bạn nấu ở nhiệt độ cao, bạn gặp rủi ro sẽ cho ra món có thành phần thay đổi ít nhiều so với thành phần ban đầu bạn bỏ vào nấu.
Không phải mọi loại dầu ăn đều mẫn cảm và dễ thay đổi như vậy.
Ví dụ, dầu olive có “điểm bốc khói” khá thấp, so với những loại chất béo bão hòa như dầu dừa. Đây là mức nhiệt độ mà dầu sẽ bắt đầu thay đổi – khi dầu bắt đầu bốc hơi và mất một số hợp chất tốt cho sức khỏe, như hợp chất oleocanthal chống viêm.
Đây cũng là mức nhiệt độ mà dầu bắt đầu sinh ra các hợp chất độc hại, như một số aldehyde.
Macciochi vẫn đề xuất nên sử dụng dầu olive trong hầu hết quá trình nấu nướng vì loại dầu này rất tốt cho sức khỏe, chỉ là không nên dùng trong nấu ăn công nghiệp, hoặc khi chế biến bất cứ món gì cần thời gian nấu kéo dài.
Tuy nhiên, dù một số kiểu nấu ăn có chứa rủi ro, thì bỏ hẳn việc nấu chín thức ăn lại có nguy cơ gây hại hơn rất nhiều.
Một nghiên cứu của Đức về những người tuân thủ chế độ ăn chỉ dùng đồ tươi sống hầu như không qua chế biến trong vài năm nhận thấy đàn ông giảm 9kg cân nặng, trong khi phụ nữ giảm 12kg cân nặng.
Vào cuối kỳ nghiên cứu, một số người đáng kể bị tình trạng thiếu cân – và khoảng một phần ba số phụ nữ không còn kinh nguyệt đều đặn.
Các tác giả kết luận với một thông điệp khá nhẹ nhàng theo kiểu khoa học “chế độ ăn thực phẩm tươi sống nghiêm ngặt không được khuyến khích áp dụng thời gian kéo dài”.
“Rốt cuộc thì việc nấu chín thịt và nấu carbohydrate là cách tốt để giúp tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng trong các loại thực phẩm này, ngược lại so với việc ăn sống,” Macciochi nhận định, “vì thử nghĩ tới một củ khoai tây sống xem, sẽ cực kỳ khó hấp thụ chất dinh dưỡng từ nó chứ đừng nói đến chuyện chỉ là ăn cảm thấy ngon lành.”
Có vẻ như tổ tiên của chúng ta mơ hồ đã hiểu đúng điều gì đó, hẳn là vậy.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Covid-19: Mất việc,
nhân viên vườn thú trở lại chăm sóc thú miễn phí
Navin Singh Khadka
“Lý do tôi thức dậy mỗi sáng là để được ở bên những con vật tuyệt đẹp này. Không biết tương lai của chúng sẽ ra sao thật kinh khủng.”
Jenna Lowe 23 tuổi. Cô làm việc cho vườn thú Cango Wildlife đã hai năm.
Nằm ở ngoại ô thị trấn Oudtshoorn, Nam Phi, Cango Wildlife đã phát triển trong hơn 40 năm qua từ một trang trại nuôi cá sấu nhỏ thành một vườn thú được quốc tế ghi nhận về các nỗ lực bảo tồn.
Cango Wildlife hiện là nhà của 90 loài động vật và bò sát.
Khi ba tuần phong tỏa ở Nam Phi được nới rộng tới tháng Ba, Jenna được cho biết là vườn thú phải đóng cửa do dịch bệnh. Cô, cùng với hai phần ba số nhân viên, được cho hay họ sẽ bị cho nghỉ việc, ít nhất là thời điểm này.
Nhưng điều đầu tiên mà cô nghĩ tới là điều gì sẽ xảy ra với những con báo và vượn cáo mà cô từng chăm sóc?
Đồng nghiệp của Jenna, Angelique Oktober, cũng có cùng suy nghĩ: “Chúng tôi là mẹ của các con vật này và mẹ không bao giờ bỏ con khi các con cần mẹ nhất,” cô gái 25 tuổi nói với BBC.
Sáng hôm sau, Jenna và Angelique trở lại trong bộ đồng phục và làm việc – nhưng không có lương. Khi tới nơi, họ thấy mình không phải là những người duy nhất tự nguyện trở lại làm việc miễn phí.
Hơn 40 nhân viên khác đã quyết định đặt quyền lợi của động vật lên trên, và trở lại làm tình nguyện viên cho Cango Wildlife để giúp vườn thú tiếp tục vượt qua đợt phong tỏa do virus corona.
Chủ vườn thú đã buộc phải cắt giảm số lượng nhân viên từ 78 xuống còn 24 để giữ cho sở thú tiếp tục sống sót trong đại dịch.
Craig Gous, quản lý cao cấp tại Cango Wildlife, người đã làm việc tại đây hơn 20 năm, cho biết: “Rất nhiều người trong số chúng tôi không nhận được lương nhưng vẫn ở lại, giúp giữ cho chiếc thuyền không bị chìm.”
“Chúng tôi làm việc với những động vật nguy hiểm và nhạy cảm, vì vậy đó không phải là một công việc dễ dàng”, ông Gous, người chuyên chăm sóc hổ, sư tử trắng châu Phi và báo đốm cho biết. “Tôi có một niềm đam mê rất sâu sắc đối với nơi này. Tôi đặt ưu tiên cho nó trên mọi thứ khác trong cuộc sống của tôi.”
“Chỉ khi chúng tôi nghĩ về ‘đám mây’ Covid-19 không thể nào trĩu nặng hơn nữa, là chúng tôi đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm,” chủ vườn thú, Andrew Eriksen nói với BBC,
“Một số nhân viên đã trở lại làm việc, và họ tiếp tục chăm sóc các con vật của chúng tôi với niềm tự hào – mà hoàn toàn không trông đợi gì được trả lương.”
Ưu tiên bảo vệ động vật
Có hơn 4.000 động vật tại vườn thú Cango Wildlife và chủ vườn nói rằng chi phí khoảng 118.000 đôla để chăm sóc chúng mỗi tháng. Trước đại dịch, trang trại đã đón khoảng 120.000 du khách mỗi năm.
Nhưng vườn thú đã đóng cửa bốn tháng nay, kể từ khi chính phủ Nam Phi tuyên bố phong tỏa toàn quốc.
Các lệnh phong tỏa đã dần được nới lỏng theo từng giai đoạn, nhưng ngành du lịch vẫn chưa được phép mở cửa trở lại.
“Đây không chỉ là một thách thức để duy trì hoạt động,” ông Eriksen nói.
“Chúng tôi không nhận được nguồn quỹ hỗ trợ tài chính nào từ chính phủ và thu nhập của chúng tôi dựa hoàn toàn vào khách du lịch,”
Ông nói ban đầu ông đã đăng ký cho nhân viên bị nghỉ việc ở đây với một quỹ hỗ trợ của chính phủ Nam Phi để giúp trả họ một phần lương.
“Chương trình này chỉ trong ba tháng và đã bốn tháng kể từ khi chúng tôi đóng cửa, vì vậy bây giờ họ thậm chí không nhận khoản hỗ trợ đó.”
Sở thú bị thách thức bởi đại dịch
Các sở thú và thủy cung trên khắp thế giới đã nói rằng các lệnh phong tỏa khiến họ khó mà sóng sót, mặc dù một số chính phủ cung cấp quỹ hỗ trợ. Sở thú Chester của Anh đã cảnh báo hồi đầu tháng này rằng cái giá của lệnh phong tỏa là “có nguy cơ bị tuyệt chủng”.
“Những tháng vừa qua cực kỳ khó khăn với các thành viên của chúng tôi”, Gavrielle Kirk-Cohen, giám đốc truyền thông tại Hiệp hội Sở thú và Thủy cung Thế giới (WAZA) cho biết.
“Nhiều sở thú là các tổ chức phi lợi nhuận, thu nhập của họ đến từ du khách,” bà nói.
“Tiền thu được không chỉ nuôi sống động vật và đảm bảo tiêu chuẩn phúc lợi động vật cao nhất, mà còn đóng góp và hỗ trợ nhiều nỗ lực bảo tồn trên toàn thế giới.”
WAZA có tổng số khoảng 300 thành viên. Ước tính có hơn 10.000 sở thú trên toàn cầu, nhưng không có số liệu chính thức.
Động vật trong một sở thú trống trơn
Những nhân viên sở thú trở lại làm việc miễn phí tại Cango Wildlife nói rằng hành vi của các loài động vật đã thay đổi kể từ khi đất nước đóng cửa với du khách.
“Các con vật đang tự hỏi tại sao không có khách,” bà Lowe nói. “Chúng nhấp nhổm suốt để xem có ai vào không.
“Chúng cũng ít ngủ hơn trước đây, vì vậy chúng tôi tới thăm chúng nhiều nhất có thể.”
Các chuyên gia sở thú cho biết lệnh phong tỏa đã làm sâu sắc thêm mối liên kết giữa động vật và người chăm sóc chúng ở nhiều sở thú trên khắp thế giới.
“Đây là điều mà cuộc khủng hoảng này đã làm sáng tỏ”, Dave Morgan của Tổ chức phúc lợi động vật, một tổ chức từ thiện quốc tế giúp các sở thú chăm sóc động vật. “Mối quan hệ giữa động vật và người giữ chúng dường như đã sâu sắc hơn giữa những khó khăn do lệnh phong tỏa mang lại.”
Không được trả lương trong đại dịch
Một số cựu nhân viên đã trở lại làm việc tình nguyện tại Cango Wildlife đang phải vật lộn mà không được trả lương, và đã phải tìm cách khác để kiếm sống trong đại dịch.
Craig Gous đã kinh doanh bán hàng nửa ngày và đang cố gắng duy trì hoạt động đó trong khi vẫn làm tình nguyện ở sở thú.
“Tôi đã không thể trả tiền thuê nhà và các hóa đơn khác như bảo hiểm,” anh nói.
“Tôi đã phải làm việc thêm tới sáu giờ nữa trong khi đã dành 10 đến 12 giờ chăm sóc động vật để trả tiền cho các hóa đơn và giữ một mái nhà trên đầu.”
Jenna Lowe cũng cảm thấy khó khăn, nhưng đã được truyền cảm hứng từ những con thú mà cô vẫn tình nguyện chăm sóc.
“Đối với tôi, bằng cách nào đó, việc này còn hơn cả động vật và sức khỏe của chúng. Chúng là trọng tâm đời sống của tôi”, cô nói.
“Nhìn thấy những con thú hạnh phúc đem lại tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường vào một ngày nào đó.”
Vai trò của tế bào T
trong việc bảo vệ con người trước COVID
Trong lúc giới khoa học thắc mắc liệu sự hiện diện hay vắng mặt của kháng thể chống virus corona có thể quyết định khả năng miễn nhiễm, một số nhà khoa học đang nghiên cứu một thành phần khác của hệ thống miễn nhiễm, được gọi là tế bào T, về vai trò của tế bào này trong việc bảo vệ nhân loại giữa đại dịch.
Những cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy một số bệnh nhân phục hồi từ COVID xét nghiệm âm tính với kháng thể virus corona lại phát triển tế bào T đáp ứng với việc lây nhiễm COVID-19.
Dù các cuộc nghiên cứu đó còn ở quy mô nhỏ và chưa được các chuyên gia bên ngoài duyệt xét lại, nhưng một số khoa học gia giờ đây cho biết những người chỉ bị nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể loại được việc bị lây nhiễm nhờ sự đáp ứng của tế bào T.
Phát hiện này thêm vào những bằng chứng là một vaccine hiệu nghiệm sẽ cần phải bắt tế bào T làm việc cộng với việc sản xuất ra kháng thể. Phát hiện vừa kể cũng có thể có ảnh hưởng đến một vài cách điều trị đang được phát triển. Khám phá này cũng cho thấy sự miễn nhiễm khi bị phơi nhiễm hoạt động như thế nào.
“Ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy những người bị phơi nhiễm COVID có đáp ứng bằng kháng thể trong ngắn hạn, hay có đáp ứng bằng tế bào T, cho dù là không có hoặc có ít đáp ứng kháng thể,” bác sĩ Alessandro Settle, giáo sư và là thành viên của Trung tâm Bệnh truyền nhiễm và Vaccine thuộc Viện La Jolla ở California nói với Reuters.
Khi virus vượt qua được phòng thủ ban đầu của cơ thể – gồm các bạch huyết cầu chống nhiễm trùng – thì một đáp ứng ‘thích nghi’ được phát động, kích thích việc sản xuất những tế bào nhắm tấn công kẻ xâm nhập. Những tế bào đó bao gồm những kháng thể có thể nhận ra được virus và bao vây, ngăn không cho xâm nhập vào tế bào của chủ nhân, cũng như tế bào T vốn có thể giết cả những virus ngoại nhập và những tế bào đã bị nhiễm virus.
Sáu tháng đại dịch toàn cầu với hơn 12 triệu người bị nhiễm COVID, con người vẫn chưa biết được liệu đáp ứng kháng thể đối với chủng virus này có mạnh mẽ và lâu dài hay không.
“Tế bào T thường quan trọng trong việc kiểm soát việc lây nhiễm virus. Chúng ta đang thấy chứng cứ của việc này,” ông John Wherry, giám đốc Viện Miễn nhiễm thuộc Trường đại học Pennsylvania nói với Reuters.
Một cuộc nghiên cứu nhỏ mới đây của Pháp, chưa được các chuyên gia duyệt xét, phát hiện là 6 trong 8 thành viên gia đình tiếp xúc kế cận với người nhà bị COVID-19 phát triển đáp ứng tế bào T, nhưng không xét nghiệm dương tính với kháng thể.
Một cuộc nghiên cứu của Thụy Điển trên 200 người phát hiện đáp ứng tế bào T mạnh mẽ trong hầu hết những người bệnh nhẹ hay không có triệu chứng, sau khi họ bị nhiễm virus corona, dù có hay không có đáp ứng kháng thể.
‘Bộ nhớ’
Chú trọng đến đáp ứng tế bào T cũng có thể mở rộng tầm mắt về tiềm năng miễn nhiễm dài hạn.
Có một số chứng cứ là tế bào T phát triển sau khi phơi nhiễm với các virus corona gây ra cảm cúm thông thường có thể giúp chống lại virus corona chủng mới, được biết dưới tên SARS-CoV-2.
Một cuộc nghiên cứu của Viện La Jolla phát hiện tế bào T phản ứng với SARS-CoV-2 trong khoảng một nửa các mẫu máu được thu thập từ năm 2015 và 2018. Điều này cho thấy là những tế bào của hệ thống miễn nhiễm phát triển sau những lây nhiễm trước đây với virus corona gây bệnh cảm thông thường, và rằng chúng có thể giúp bảo vệ chống lại chủng virus mới.
Các ứng viên vaccine chống COVID-19 hiện đang được thử nghiệm nhằm tạo kháng thể và tạo đáp ứng tế bào T. Những phát hiện mới nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xác định đáp ứng tế bào T trong những thí nghiệm lâm sàng trên người.
Sau khi bị lây nhiễm hay được tiêm vaccine, hệ thống miễn nhiễm giữ lại một số tế bào ‘bộ nhớ’ sẵn sàng tấn công virus đó trong lần bị nhiễm tiếp theo.
Nhiều nước dùng xét nghiệm máu tìm kháng thể để ước lượng có bao nhiêu người bị nhiễm COVID cho dù họ không có triệu chứng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết mức kháng thể có liên hệ đến việc phơi nhiễm virus thế nào hoặc chúng tồn tại bao lâu. Cũng chưa biết là các tế bào nào trong hệ thống miễn nhiễm kết hợp với nhau sẽ mang lại sự bảo vệ đáng kể.
Rất khó đo lường mức độ tế bào ‘bộ nhớ’ T, đặc biệt là nếu những tế bào đó là những hạch hay ở những khu vực khó tiếp cận trong cơ thể. Thêm vào đó, đáp ứng tế bào T có tính đa dạng cao độ.
Chuyên gia WHO đến Trung Quốc
để lên kế hoạch điều tra
nguyên nhân đại dịch COVID-19
Bình luậnNguyễn Minh
Ngày 10/7, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Bắc Kinh để lên kế hoạch cho việc điều tra nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
WHO cho biết, một chuyên gia về động vật học và một nhà dịch tễ học sẽ gặp các đối tác Trung Quốc tại Bắc Kinh để thiết lập phạm vi và các điều khoản tham chiếu cho cuộc điều tra quốc tế do WHO dẫn đầu với mục đích nghiên cứu hình thức mà virus Corona Vũ Hán lây truyền từ động vật sang người.
Một cụm nhiễm viêm phổi Vũ Hán được phát hiện vào cuối năm 2019. Nguyên nhân ban đầu được cho là từ một chợ thực phẩm tươi sống tại thành phố Vũ Hán miền Trung Trung Quốc. Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện trước đó lại cho thấy rằng việc lây truyền từ động vật sang người có thể đã xảy ra ở nơi khác.
Để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai, Trung Quốc đã cấm buôn bán động vật hoang dã và đóng cửa một số chợ, đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt.
Nhiệm vụ của WHO lần này rất nhạy cảm về mặt chính trị trong bối cảnh Hoa Kỳ, nhà tài trợ chính cho WHO, đã cắt đứt quan hệ với tổ chức này với cáo buộc WHO xử lý kém khiến đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát và thông đồng với chính quyền Trung Quốc.
Ngày 10/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên cho biết: “Trung Quốc đã đi đầu trong việc mời các chuyên gia của WHO điều tra và thảo luận về việc truy tìm virus”.
Tuy nhiên, ông Triệu nói: “Hoa Kỳ không chỉ tuyên bố rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, mà còn chính trị hóa vấn đề phòng chống dịch và chơi một trò chơi ‘vô ích’ để đẩy trách nhiệm”.
Tại Hội nghị Y tế Thế giới (WHA) diễn ra trong tháng Năm, hơn 120 quốc gia đã kêu gọi thực hiện cuộc điều tra về nguồn gốc của virus. Trung Quốc nêu ý kiến rằng WHO phải dẫn đầu cuộc điều tra và phải đợi cho đến khi đại dịch được kiểm soát thì mới tiến hành điều tra. Hiện số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán tại Mỹ, Brazil và Ấn Độ đang tiếp tục gia tăng.
Trước đó, vào tháng Hai, WHO đã có chuyến làm việc về virus Corona Vũ Hán tại Trung Quốc. Sau đó, trưởng nhóm làm việc là tiến sĩ Bruce Aylward, đã ca ngợi những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh và việc chia sẻ thông tin của chính quyền Trung Quốc. Các quan chức Canada và Mỹ đã chỉ trích ông Bruce Aylward vì lời khen quá rộng lượng của vị này.
Hồi tháng Một, tờ Associated Press đã có được bản ghi âm cuộc họp nội bộ của các quan chức WHO, cho thấy rằng, các quan chức của WHO đã ‘âm thầm’ thất vọng về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, cũng như việc khó tiếp cận được với dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc. Những quan chức này đã phàn nàn về việc Trung Quốc trì hoãn công bố bản đồ trình tự gen virus Corona Vũ Hán hơn một tuần.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của WHO cũng đã ‘âm thầm’ phàn nàn trong các cuộc họp trong tháng Một rằng Trung Quốc đã không chia sẻ đầy đủ dữ liệu để đánh giá mức độ lây lan của virus từ người sang người và nguy cơ lây lan ra các khu vực khác trên Thế giới, làm bỏ lỡ thời điểm quan trọng cho nghiên cứu.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
Covid-19 : Pháp vượt ngưỡng 30.000 ca tử vong
Thanh Phương
Tính đến tối hôm qua, 10/07/2020, số người chết vì dịch Covid-19 tại nước Pháp đã vượt qua ngưỡng 30.000 vào lúc nhà chức trách kêu gọi người dân hết sức cảnh giác với nguy cơ bùng phát làn sóng thứ hai của đại dịch virus corona.
Theo các số liệu do Tổng cục Y tế công bố, tính đến tối hôm qua, tổng số ca tử vong vì dịch Covid-19 đã lên tới 30.004 người. Trong khi đó, số bệnh nhân nặng phải nằm trong phòng hồi sức tiếp tục giảm, nay đã xuống dưới ngưỡng 500 người ( 496 ). Tổng cộng hiện chỉ còn 7.062 người đang nằm viện do bị nhiễm virus corona chủng mới.
Nhưng cơ quan Y tế Công cộng Pháp ( Santé publique France ) hôm qua báo động virus corona ( SARS-CoV- 2 ) đang có xu hướng lan truyền nhanh hơn trên lãnh thổ nước Pháp chính quốc. Trước tình hình này, nhà chức trách Pháp kêu gọi người dân phải hết sức cảnh giác với nguy cơ bùng phát làn sóng thứ hai của dịch Covid-19.
Trong chuyến đi thăm thành phố Dijon hôm qua, thủ tướng Jean Castex đã kêu gọi mọi người hãy đeo khẩu trang, vì theo ông, cách tốt nhất để chống dịch bệnh đó là ngăn ngừa. Về phần bộ trưởng Y Tế Olivier Véran, ông nhấn mạnh : « Dân Pháp rất muốn đi nghỉ hè, rất muốn quên đi những gì họ đã trải qua trong những tháng gần đây. Nhưng có một điều họ không được quên, đó là các biện pháp ngăn ngừa ».
Một trong những chỉ số cần được theo dõi sát đó là chỉ số R, tức là số người bị lây từ một bệnh nhân Covid-19. Trong những tuần qua, tỷ lệ lây nhiễm tính trung bình trên toàn quốc là thấp hơn 1, nhưng nay đã vượt qua ngưỡng này, tức là lên tới 1,05, dựa theo các kết quả xét nghiệm huyết thanh cho phản ứng dương tính với virus corona.
PUBLICITÉ
Trả lời hãng tin AFP, bà Sophie Vaux, thuộc cơ quan Y tế Công cộng Pháp, cho biết thêm là số ca nhiễm mới được xác nhận đang có xu hướng tăng, tuy là tăng còn chậm, nhưng cũng nên rất cảnh giác.
Theo cơ quan Y tế Công cộng Pháp, trước thời điểm giữa tháng 4, có gần 7% dân số Pháp đã bị nhiễm virus corona chủng mới, tức khoảng hơn 4.368.000 người.
Nhạc phim Moulin Rouge:
Ly cocktail nhạc pop thịnh soạn
Moulin Rouge (Cối xay gió đỏ) – Phim ca nhạc sắp kỷ niệm 20 năm ngày ra mắt với câu chuyện tình buồn lấy bối cảnh tại hộp đêm khét tiếng nhất Paris. Bộ phim từng được đề cử tới 8 giải Oscar nhưng chỉ thắng hai giải phụ Thiết kế trang phục và Chỉ đạo Nghệ Thuật xuất sắc.
Tuy nhiên, theo Gia Trình, ít người để ý rằng thành công của phim có đóng góp không nhỏ của yếu tố nhạc phim đặc sắc. Đạo diễn Baz Luhrman là người tiên phong trong việc sử dụng nhạc pop hiện đại để mô phỏng cuộc sống phù hoa tại kinh đô ánh sáng hơn 100 năm trước.
Ý tưởng mới mẻ : pop hóa phim ca nhạc
Lấy bối cảnh Paris năm 1899, đạo diễn Baz Luhrman thổi vào Moulin Rouge (2001) luồng gió mới. Với kinh nghiệm xuất phát từ opera, ông dũng cảm lồng vào nhạc phim những bản hit pop/rock đương đại của thập niên 1990 – 2000, thế hệ MTV soán ngôi giải trí. Từ bản alternative rock Smells like teen spirits (Mùi linh hồn trẻ) của nhóm Nirvana, The show must go on của nhóm Queen đến bản hòa ca gợi dục của bộ tứ Lil Kim, Mya, Pink, Christina Aguilera (Lady Marmalade), soundtrack nhạc phim mang đậm hơi thở hiện đại hơn là cổ điển. Tuy nhiên, Luhrman không thể bỏ qua điệu nhảy cancan tốc váy rất nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20.
Điều gì khiến cho đạo diễn gốc Úc sử dụng chất liệu âm nhạc 100 năm sau để mô tả thế giới giải trí sôi động tại Moulin Rouge ? Baz pha chế một loại cocktail mới cho thể loại ca nhạc : sự kết hợp lạ lẫm giữa sân khấu, opera, điện ảnh và văn hóa pop/rock đương đại tạo nên bệ phóng cho thể loại musical mới mẻ.
Hãy lắng nghe cô gái điếm thượng lưu Satine (Nicole Kidman thủ vai) thể hiện liên khúc Sparkling Diamond để nói về đẳng cấp ngôi sao của mình tại hộp đêm Moulin Rouge. Đó là sự kết hợp bản hit Material girl (Cô gái vật chất) do Madona trình diễn năm 1985 và ca khúc đinh Diamonds are girls best friend của Marilyn Monroe trong phim Gentleman prefers blonde (Quý ông say mê cô gái tóc vàng) năm 1953. Khán giả không những theo dõi diễn biến phim mà còn được chiêu đãi màn trình diễn ca múa nhạc live sống động tại hộp đêm Moulin Rouge.
Hiện đại hóa mô-típ cổ điển
Bộ phim mở màn với tấm màn nhung đỏ gạt sang hai bên, camera bay nhanh trên bối cảnh dựng giống Paris, xuyên qua các căn hộ thu nhỏ rồi tập kết tại Cối Xay gió đỏ. Moulin Rouge có cốt truyện khá cổ điển khi đề cập chuyện tình éo le giữa nhà viết kịch trẻ tuổi Christian và ngôi sao quyến rũ nhất Moulin Rouge, Satine. Một ngôi sao nổi tiếng như Satine gặp nhiều rắc rối vì ông chủ hộp đêm Zidler hứa sẽ trao Satine cho công tước xứ Worchester. Đổi lại, vị công tước sẽ rót tiền cải tạo Moulin Rouge thành nhà hát và biến Satine sẽ thành một nữ diễn viên siêu sao. Chuyện tình tay ba trở nên gay cấn hơn do sự giằng xé của Satine giữa hai thái cực : tình và tiền.
Hầu hết khán giả đoán rằng phim hội tụ những bản ballad song ca mùi mẫn trong bối cảnh hoàn hảo cho tình yêu và thơ ca, đồi Monmartre, Paris. Trên thực tế, màu sắc âm nhạc của phim rất đa dạng. Sử dụng các ca khúc kinh điển trong các phim ca nhạc như The Sound of Music (1965) và nhạc pop thời kỳ MTV, Baz khơi gợi khán giả Satine chính là hóa thân của Madonna hiện đại vì cô quá yêu vật chất trong Material girl.
Đạo diễn sáng tạo trên cốt chuyện cổ điển bằng thủ pháp : phim lồng trong phim, nhân vật liên tưởng nhân vật trên sân khấu ca nhạc. Phải chăng siêu sao Moulin Rouge cũng nổi tiếng ngang ngửa với quả bomb sex tóc vàng Marylin Monroe vì say mê với món quà kim cương từ các quý ông ?
Ở góc độ trái ngược, sự chất phác hay nét si tình, ghen tuông trong tình yêu của Christian đều gắn với các bản nhạc tên tuổi các ngôi sao pop rock như David Bowie (Nature Boy), The Police (Roxanne). Đặc biệt là bản hit Your song (Bài ca cho em) gắn với tên tuổi của Elton John trở thành điểm nhấn của phim khi cặp đôi diễn viên khiêu vũ say mê dưới bầu trời Paris ngập ánh sáng trăng và sao.
I sat on the roof and kicked off the moss ; Well, a few of the verses, well, they’ve got me quite cross ; But the sun’s been quite kind while I wrote this song ; It’s for people like you that keep it turned on ; So excuse me forgetting, but these things I do ; You see I’ve forgotten if they’re green or they’re blue ; Anyway the thing is what I really mean ; Yours are the sweetest eyes I’ve ever seen.
Anh ngồi trên mái nhà, giẫm lên rêu phong ; Một vài khổ thơ khiến anh nhầm lẫn ; Mặt trời khá tử tế khi anh viết bài ca này ; Bởi vì nó dành cho em, người luôn giữ cho ánh nắng luôn tràn ngập ; Xin lỗi em nếu anh đã quên nhưng không thể quên những gì anh làm ; Vì em sẽ hiểu anh chỉ quên màu sắc nó là xanh lá cây hay xay dương ; Dẫu sao anh chỉ muốn nói rằng ; Đôi mắt em là đôi mắt ngọt ngào nhất anh từng thấy.
Ekip sản xuất tài năng
Một nghịch lý dễ nhận thấy khi các ca sỹ tham gia đóng phim thường bị đánh giá thấp. Ở chiều ngược lại, các diễn viên đi hát hoặc đóng phim musical lại được khen ngợi. Điều này hoàn toàn đúng với sức hút hai ngôi sao chính Nicole Kidman và Ewan McGregor vì họ có thể ca hát như ca sỹ chuyên nghiệp không phải lồng giọng.
Baz Luhrman nhận xét rằng Nicole và Ewan hoàn toàn phù hợp với vai diễn : “Họ không cần là ca sỹ tên tuổi, chỉ cần có thể diễn xuất qua giọng hát và lay động cảm xúc khán giả”. Baz vô tình để ý Nicole và Ewan trong hai vợ kịch khác nhau trên sân khấu Broadway và quyết định ráp nối hai ngôi sao trong dự án phim Moulin Rouge. Giọng nam của Ewan có phần nổi trội hơn giọng Nicole về độ vang và độ dày nhưng cả hai lại có sự hòa hợp và bổ trợ ăn ý trong nhiều liên khúc tình yêu.
Ngoài ra, bổ trợ cho giọng hát là kỹ thuật thu thanh khá đa dạng nhờ yếu tố công nghệ. Thứ nhất, phim áp dụng kỹ thuật playback truyền thống : hai diễn viên chính thu âm và phát lại (playback) trên trường quay. Thứ hai, họ sẽ hát live thu tiếng trực tiếp không có sự can thiệp công nghệ. Cuối cùng, Baz sử dụng kỹ thuật mới mẻ : diễn viên chính hát trực tiếp trong phim và sau đó giọng hát sẽ được thay thế với công nghệ digital khiến cho họ bị khóa môi như hát lip-sync. Ca khúc chủ đạo trong phim Come what may cũng được áp dụng kỹ thuật dưới nhiều hình thức khác nhau.
Moulin Rouge là điểm sáng cho sự trở lại của thể loại phim ca nhạc sau nhiều năm vắng bóng. Thông qua đó, khán giả cảm nhận sự cầu kỳ và tâm huyết của bàn tay pha chế cocktail âm nhạc của đạo diễn người Úc. Không chỉ đơn thuần là ý tưởng mới mẻ pop hóa phim ca nhạc, Moulin Rouge là kho tài nguyên quý giá về tài năng của êkip sản xuất từ đạo diễn đến diễn viên.
Suddenly the world seems such a perfect place ; Suddenly it moves with such a perfect grace ; Suddenly my life doesn’t seem such a waste ; It all revolves around you ; And there’s no mountain too high ; No river too wide ; Sing out this song and I’ll be there by your side ; Storm clouds may gather ; And stars may collide ; [Ewan:] But I love you ; [Nicole:] I love you ; Until the end of time.
Bất chợt thế giới này trở thành nơi hoàn hảo ; Bất chợt di chuyển với sự duyên dáng ; Bất chợt cuộc đời anh không còn vô nghĩa ; Khi có em ở bên ; Không có ngọn núi quá cao ; Không có con sông nào quá rộng ; Hãy cất tiếng hát bài ca này và anh luôn ở bên em ; Bão tố có thể kéo tới, các ngôi sao có thể va chạm ; Nhưng anh sẽ yêu em tới trọn đời.
Đức phản ứng thận trọng
với luật an ninh quốc gia của Trung Quốc
Các nước Phương Tây đều có phản ứng về luật an ninh quốc gia Trung Quốc, nhưng theo các cách khác nhau. Nếu như Mỹ, Anh, Canada hay Úc đều đã đưa ra các biện pháp cụ thể thì Liên Hiệp Châu Âu vẫn có phản ứng chừng mực về hồ sơ này.
Tiêu biểu là trường hợp nước Đức, vừa nắm quyền chủ tịch Liên Hiệp từ đầu tháng 7, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh. Tuy vậy, ngày 10/07, Berlin đã « mời » đại sứ Trung Quốc tới Bộ Ngoại Giao để trao đổi về vấn đề Hồng Kông.Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascl Thibault tường trình:
Từ vài tuần nay, bà Angela Merkel bị chỉ trích về thái độ dè dặt trong hồ sơ sơ này. Trong diễn văn trước Nghị Viện Châu Âu hôm thứ Tư vừa qua ( 8/7), thủ tướng Đức chỉ nói vài câu xa xôi về Hồng Kông. Bà vẫn trung thành với chủ trương ưu tiên đối thoại và cho rằng, về lâu dài, phát triển quan hệ kinh tế sẽ kéo Trung Quốc xích gần lại với Phương Tây.
Lần chính phủ Đức tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma năm 2007 đã thuộc về lịch sử. Đảng Xã Hội Dân Chủ, nằm trong liên minh lớn, tỏ ra gay gắt hơn. Ngoại trưởng Đức năm ngoái đã tiếp đón Hoàng Chi Phong ở Berlin khiến Bắc Kinh nổi đóa.
Không lâu sau khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực, Bộ Ngoại Giao Đức đã cảnh báo công dân của mình có thể gặp rủi ro ở Hồng Kông nếu có những phát ngôn chống Trung Quốc. Điều 38 của luật an ninh quốc gia là mối đe dọa với các kiều dân nước ngoài.
Việc triệu mời đại sứ Trung Quốc tại Đức sẽ không làm Bắc Kinh hài lòng nhưng đó là một bước thận trọng. Đại sứ Trung Quốc được nghe nhắc lại về « mối quan ngại » trước việc bộ luật mới tác động đến quyền tự trị của Hồng Kông và các quyền tự do cơ bản.
Ngoài vấn đề lợi ích kinh tế, Đức, với vai trò chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, chắc chắn không muốn quá cứng rắn, tránh gây chia rẽ trong 27 nước thành viên.
Hà Lan tuyên bố kiện Nga ra Tòa án châu Âu
vì vụ bắn rơi máy bay MH17
Bình luậnNguyễn MinhNgày 10/7, chính phủ Hà Lan cho biết sẽ đệ đơn kiện Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu với cáo buộc liên quan đến vụ bắn rơi máy bay chở khách MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, tại không phận Ukraine 6 năm trước đây.
Trong số 298 nạn nhân trên chuyến bay, có khoảng 200 người Hà Lan. Chính phủ nước này yêu cầu nước Nga phải chịu trách nhiệm về vụ máy bay MH17 bị bắn rơi vào ngày 17/7/2014. Điện Kremlin đã liên tục phủ nhận sự liên quan đến vụ việc này.
Trong một bức thư gửi tới Quốc hội, Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok đã viết: “Việc đệ trình [đơn kiện Nga về vụ bắn rơi máy bay MH17] là một bước tiến mới trong nỗ lực của chúng ta nhằm tìm ra sự thật, công lý và trách nhiệm”.
Ngoại trưởng Blok cho biết, chính phủ Hà Lan sẽ cung cấp cho tòa án tất cả thông tin về máy bay MH17 [đã bị bắn hạ], qua đó hỗ trợ vụ kiện của thân nhân các nạn nhân.
Máy bay chở khách MH17 đã bị bắn hạ bằng một tên lửa được phóng từ lãnh thổ do phiến quân thân Moscow chiếm đóng tại khu vực miền Đông Ukraine, khi máy bay này đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur. Tất cả những người trên máy bay MH17 đều thiệt mạng.
Sau nhiều năm thu thập bằng chứng, một nhóm điều tra chung quốc tế (JIT) do Hà Lan dẫn đầu vào năm ngoái cho biết, bệ phóng tên lửa dùng để bắn máy bay MH17 đặt tại một căn cứ của quân đội Nga ở bên kia biên giới.
JIT đã ban hành lệnh bắt giữ 4 nghi phạm và tiến hành xét xử vắng mặt những nghi phạm này tại Hà Lan vào đầu năm nay.
Bốn nghi phạm được cho là đã vận hành hệ thống tên lửa ngắm bắn máy bay MH17. Trong số này, có 3 người Nga và 1 người Ukraine. Hiện những nghi phạm này được cho là đang lẩn trốn tại Nga.
Năm 2019 Hà Lan và Úc đã có các cuộc đàm phán với Nga về vụ bắn rơi máy bay MH17. Năm nay Hà Lan mong muốn tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán với Nga dù sẽ kiện Nga ra Toà án Châu Âu.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đổi bảo tàng
thành nhà thờ Hồi Giáo
Thanh Phương
Hôm qua, 10/07/2020, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo là viện bảo tàng Hagia Sophia, nguyên là một nhà thờ Chính Thống Giáo Đông Phương, sẽ được chuyển đổi thành nhà thờ Hồi Giáo, bất chấp các cảnh báo của nước ngoài.
Tòa án hành chính cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận yêu cầu của nhiều hiệp hội, hủy bỏ quyết định của chính phủ năm 1934 cấp cho Hagia Sophia quy chế của một viện bảo tàng. Ngay sau phán quyết nói trên, tổng thống Erdogan thông báo công trình kiến trúc từng là nhà thờ Chính Thống Giáo Đông Phương sẽ được mở cửa cho tín đồ Hồi Giáo vào cầu nguyện.
Là một trong những công trình lớn, tiêu biểu cho kiến trúc Byznatine, được xây dựng vào thế kỷ 6, Hagia Sophia, nằm tại Istanbul, được tổ chức UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới. Đây cũng là một trong những địa điểm tham quan thu hút nhiều du khách nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, với 3,8 triệu người đến chiêm ngưỡng vào năm 2019.
Sau khi Constantinople bị đế quốc Ottoman chiếm năm 1453, Hagia Sophia được chuyển thành nhà thờ Hồi Giáo, trước khi trở thành một viện bảo tàng vào năm 1934. Vào lúc đó, lãnh đạo của nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ non trẻ, Mustafa Kemal muốn « tặng » công trình kiến trúc này cho nhân loại.
Nhiều quốc gia, nhất là Nga và Hy Lạp, cũng như Pháp và Hoa Kỳ, đã cảnh báo Ankara là không nên biến Hagia Sophia thành nhà thờ Hồi Giáo. Đây là dự án mà tổng thống Erdogan, thuộc đảng Hồi Giáo bảo thủ, đã vận động từ lâu.
Hôm qua, các nước nói trên đã có phản ứng ngay. Hy Lạp lên án « với một sự cứng rắn nhất » quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, xem đây là « một sự khiêu khích đối với thế giới văn minh ». Hoa Kỳ cho biết rất « thất vọng », còn Pháp thì tỏ ý « lấy làm tiếc ».
Cho dù du khách vẫn tiếp tục được vào tham quan Hagia Sophia, việc công trình kiến trúc quan trọng của lịch sử Thiên Chúa Giáo biến thành nhà thờ Hồi Giáo đang gây ra những căng thẳng tôn giáo. Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga tỏ ý lấy làm tiếc là mối quan ngại của hàng triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo đã không được tòa án Thổ Nhĩ Kỳ lắng nghe.
ASEAN cần thận trọng trước đề xuất
tái đàm phán COC của Trung Quốc
Lý Thế Dân
Trung Quốc liên tiếp biểu dương sức mạnh
Trong thời gian qua, lợi dụng lúc quốc tế, nhất là Mỹ, tập trung đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện tại hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là trên các đảo nhân tạo được xây dựng rõ ràng với mục đích quân sự. Giờ đây, khi gần như đã khống chế được dịch COVID-19, Bắc Kinh lại càng gia tăng các hoạt động tại Biển Đông.
Nhìn một cách bao quát, cuộc tấn công trên tất cả các mặt trận của Trung Quốc tạo ra một ấn tượng về một cường quốc đang trỗi dậy. Trung Quốc đồng thời phát động một cuộc giao tranh trên biên giới với Ấn Độ, quân sự hóa Biển Đông, trấn áp Hong Kong, gây sức ép với Đài Loan, đối đầu với Nhật Bản về các quần đảo tranh chấp.
Tại biển Đông thời gian qua, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã hoàn tất 5 ngày tập trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Trung Quốc không cho biết chi tiết về cuộc tập trận này, mà chỉ mô tả đó là các cuộc tập trận “cao độ” trong bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu.
Ngày 9/7, Thời báo Hoàn Cầu – ấn bản của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – lại cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tổ chức các cuộc tập trận phòng không giả định ở khu vực duyên hải của tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Khu vực tập trận này là nơi thường xuyên chứng kiến nhiều hoạt động do thám trên không của các máy bay quân sự Mỹ trong những ngày qua.
Tiếp đó, một chuyên gia quân sự giấu tên Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng các cuộc tập trận của PLA được lên lịch trình tiến hành thường xuyên và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng các hoạt động do thám cự ly gần trên không của Mỹ gây ra nhiều mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc, vì vậy các cuộc tập trận lần này cũng cho thấy PLA luôn sẵn sàng phòng thủ trước mọi hành động gây hấn thù địch. Chuyên gia quân sự trên nhận định các cuộc tập trận phòng không lần này có thể được coi là một lời cảnh báo của PLA đối với Mỹ rằng những hành động khiêu khích của họ không nên đi xa hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng PLA có thể điều máy bay chiến đấu để ngăn chặn máy bay Mỹ và tạm thời đình chỉ các hoạt động quân sự mà máy bay Mỹ đang tiến hành do thám khi họ tiếp cận.
Trong khi đó, kể từ năm 2017, đây là lần đầu Mỹ triển khai 3 nhóm tác chiến tàu sân bay vào vùng Biển Đông có tranh chấp và các vùng biển lân cận. Trước đó, 10 năm mới có một màn trình diễn sức mạnh khác của hải quân Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Dường như Washington muốn chuyển tải một thông điệp, trong khi chưa rõ liệu Trung Quốc có chú ý đến thông điệp như vậy trong một bầu không khí tranh cãi đang leo thang hay không.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam – Kritenbrink phát biểu ngày 7/7 rằng: “Chúng tôi phản đối những nỗ lực của một số nước trong khu vực nhằm tìm cách can thiệp vào hoạt động thăm dò năng lượng vốn đã có lâu đời ở Biển Đông, bao gồm cả Việt Nam, tại những lô đã được thiết lập lâu nay.
Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các quốc gia không sử dụng vũ lực hoặc hành động cưỡng ép, hoặc bắt nạt để tìm cách thúc đẩy lợi ích của họ”.
Trung Quốc đề xuất đàm phán về COC với âm mưu gì?
Cùng với việc thể hiện sức mạnh và sự đe doạ trước các đối thủ thông qua nhiều hình thức, đặc biệt với các cuộc tập trận gần đây, tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc lại tuyên bố đồng ý nối lại đàm phán với các đối tác Đông Nam Á về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Tuyên bố trên được Trung Quốc đưa ra trong cuộc tham vấn với giới lãnh đạo Đông Nam Á hôm 1/7. Từ đầu năm nay, Trung Quốc và các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chưa thể dành thời gian cho chủ đề này do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Vậy Trung Quốc muốn gì khi đưa ra đề nghị tiếp tục đàm phán về COC với ASEAN? Một mặt, Trung Quốc đưa ra đề nghị tiếp tục đối thoại về COC. Thế nhưng, trong suốt 6 tháng qua, Trung Quốc đã ít nhất 8 lần điều máy bay xâm phạm không phận Đài Loan và đưa tàu thăm dò tới quấy phá các vùng biển mà Malaysia và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
COC được xem là một công cụ pháp lý mang tính ràng buộc nhằm “giảm căng thẳng, duy trì hòa bình, ổn định và an ninh” tại vùng biển này. Tiến trình đàm phán COC được dự trù vào đầu năm nay đã bị gián đoạn do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra(COVID-19). Lần gần đây nhất các bên thảo luận với nhau về COC là tháng 10/2019. Bắc Kinh từng bày tỏ mong muốn COC nhanh chóng được hoàn tất để có hiệu lực vào năm 2021, thậm chí còn nêu lên viễn cảnh kết thúc đàm phán trong năm nay.
Có hai lý do để giải thích cho đề nghị nối lại đàm phán COC từ Trung Quốc.
Lý do thứ nhất, trước sự phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia ASEAN, đặc biệt từ các quốc gia như Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị nối lại đàm phán về COC như một biện pháp “tạo ra hình ảnh thân thiện” của Trung Quốc. Việc Trung Quốc tạo ra các căng thẳng đối với nhiều quốc gia cùng lúc đã góp phần tạo ra bộ mặt thật “xấu xí” của Trung Quốc, nên Trung Quốc cũng cần “mặc tấm da cừu cho bộ mặt sói” của mình.
Mới đây, trong hội nghị cấp cao trực tuyến ngày 26/6 dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nước Đông Nam Á đã tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết với nước láng giềng khổng lồ này. Trong bản quyên bố chung, ASEAN đã nêu bật mối quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), xem đây là “cơ sơ để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp” phù hợp với luật pháp quốc tế.
Không đi sâu vào chi tiết và không trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung của ASEAN lên án các vụ tàu khảo sát Trung Quốc cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia, hay các vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm hồi tháng 4 và tháng 6/2020, việc Bắc Kinh lập hai quận mới ở Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định thêm quyền quản lý các khu vực này.
Lý do thứ hai, đó là với đề nghị của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm này cho thấy Bắc Kinh tin rằng họ sẽ quay trở lại bàn đàm phán trong thế mạnh, trong khi nhiều nước ASEAN đã bị COVID-19 làm suy yếu, nhất là về mặt kinh tế, nên rất cần sự trợ giúp kinh tế từ Trung Quốc và theo đó, Trung Quốc có thể tác động các quốc gia này, nắm chắc phần có lợi thế. Ngoài ra, các cuộc tập trận dồn dập của hải quân Trung Quốc và những hành động nhằm phô trương sức mạnh của guồng máy quân đội Trung Quốc tại Biển Đông gần đây cũng là một sự đe doạ các nước ASEAN là phải nghe lời “thiên triều” trong việc hoàn tất COC theo ý Trung Quốc.
Tuy nhiên, dường như các quốc gia ASEAN đang “thức tỉnh”. Với sự xuất hiện của Hoa Kỳ như một lực lượng đối trọng với Trung Quốc tại khu vực biển Đông, các quốc gia ASEAN đang tìm thấy những “liều thuốc trợ lực” để cùng cất lên tiếng nói, bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Chắc chắn, với các diễn biến như hiện nay, Trung Quốc khó lòng có thể “ép” ASEAN đi đến một bản COC phục vụ theo mục đích của Trung Quốc được. Chúng ta hãy cùng chờ xem.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Em gái của chủ tịch Bắc Hàn bác bỏ
khả năng về một hội nghị thượng đỉnh khác,
nhưng cho rằng “điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra”
Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Theo truyền thông nhà nước, cô Kim Yo Jong, em gái của chủ tịch Bắc Hàn, cho biết một hội nghị thượng đỉnh khác với Hoa Kỳ sẽ chỉ có lợi cho Washington vào thời điểm này, đồng thời cho biết thêm rằng đất nước của bà không có ý định “đe dọa Hoa Kỳ”.
Vào hôm thứ Sáu (10/7), hãng tin KCNA cho biết theo ý kiến cá nhân của cô Kim, một hội nghị thượng đỉnh khác giữa chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rất có thể sẽ không diễn ra trong năm nay, nhưng “điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra”.
Vào hôm thứ Năm (9/7), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết ông rất hy vọng về việc nối lại các cuộc đàm phán với Bắc Hàn về vấn đề giải trừ nguyên tử, và dường như để ngỏ khả năng về một hội nghị thượng đỉnh khác giữa các nhà lãnh đạo giữa hai bên.
Bình luận của cô Kim Yo Jong được đưa ra một ngày sau khi người đứng đầu của Hoa Kỳ về vấn đề Bắc Hàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Stephen Biegun, kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Seoul, nơi ông bác bỏ suy đoán rằng ông đang tìm cách gặp gỡ các viên chức Bắc Hàn trong chuyến đi, nhưng tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đàm phán. Các tuyên bố gần đây của Bắc Hàn bác bỏ ý tưởng về các cuộc đàm phán mới, và ông Kim nhắc lại sự phản đối của Bình Nhưỡng đối với những gì được xem là các chính sách thù địch của Hoa Kỳ. (BBT)
Cư dân mạng Đài Loan xôn xao bởi bức ảnh chụp
nữ khách hàng ‘không đầu’ tại tiệm McDonald
Băng Thanh
Mặc dù tháng cô hồn ở Đài Loan phải đến tận ngày 19/8 mới bắt đầu nhưng hàng ngàn cư dân mạng nước này đã một phen bị hoảng sợ khi nhìn thấy bức ảnh chụp một nữ khách hàng “không đầu” tại một cửa hàng McDonald.
Vào ngày 9/7, trên mạng xã hội Facebook, trong nhóm (group) mang tên Baofei Commune, một thành viên của nhóm cho biết, vào tối hôm trước, anh nhìn thấy một khách hàng nữ dường như đang bị ngã trên bàn nhưng anh cảm thấy rất bối rối khi không thấy đầu của cô ấy.
Anh kể rằng anh muốn lại gần và hỏi cô: “Làm thế nào cô có thể ăn ở McDonald mà không có đầu?”, và nghĩ rằng, nếu đầu của cô ấy bị cắt đứt, thì phải có máu phun ra hoặc vết máu chứ.
Khi nhìn kỹ hơn, cuối cùng anh cũng nhận ra đầu của người phụ nữ đang ở dưới gầm bàn và cô ấy hình như đang ngủ, mặc dù trong tư thế khá lạ lùng. Anh cho biết, anh rất ấn tượng với cái cổ linh hoạt của người phụ nữ, nhưng lo lắng rằng cô ấy có thể sẽ khiến mình bị thương.
Bài đăng nhanh chóng nhận được hơn 6.000 lượt thích và hơn 500 bình luận, như:
“Khi tôi lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh, tôi đã nghĩ, ‘tại sao lại không có đầu?’”.
Có đủ thứ kỳ lạ trên thế giới này”.
“Điều này có thể khiến ai đó sợ chết khiếp”.
“Đây có phải là một con người?”.
“Người qua đường sẽ sợ chết khiếp khi họ nhìn thấy điều này”.
Sau khi bài đăng này được chia sẻ trên nhóm mang tên Supernatural Commune trên Facebook, một số cư dân mạng cho biết họ đã nhìn thấy một người trông giống người trong bức ảnh, mặc quần áo giống như vậy và cổ của người này trông khác thường dị dạng.
Một cư dân mạng suy đoán: “Bức ảnh chắc là chụp cùng một người. Dường như có điều gì đó không ổn với cột sống cổ của cô ấy và cô ấy không cố tình làm mọi người sợ hãi đâu”.
Theo Taiwan News
Băng Thanh dịch và biên tập
Hồng Kông : Đối lập bầu cử sơ bộ,
một viện thăm dò bị khám xét
Thụy My
Hôm nay, 11/07/2020, phe đối lập Hồng Kông tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ra các ứng cử viên cho cuộc bầu cử lập pháp tháng Chín tới, dưới cái bóng đầy đe dọa của luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt. Trước đó cảnh sát Hồng Kông đột kích vào một viện thăm dò đã giúp phe đối lập tổ chức cuộc bầu cử này.
Cuộc bầu cử nhằm cố gắng gia tăng cơ hội giúp các ứng viên dân chủ đạt đa số trên 35/70 ghế tại Nghị Viện Hồng Kông vào ngày 06/09 tới, để có thể ngăn chận các đề nghị của chính quyền. AFP ghi nhận, tuy 12 giờ trưa các phòng phiếu mới mở cửa, nhưng trước đó nhiều người dân Hồng Kông đã xếp hàng dài chờ.
Dù chỉ liên quan đến phe đối lập, nhưng nhiều nhà quan sát nhận định số người tham gia sẽ cho thấy ý kiến của người dân đối với luật an ninh của Trung Quốc. Lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong tuyên bố, cuộc bầu cử sơ bộ là cơ hội đầu tiên để chứng tỏ người dân Hồng Kông không bao giờ cúi đầu trước Bắc Kinh.
Trước đó, vào tối qua 10/07/2020, cảnh sát đã đột ngột ập vào Viện nghiên cứu thăm dò dư luận (PORI), một cơ quan độc lập đã trợ giúp phe dân chủ trong việc tổ chức bầu cử. Giám đốc viện là ông Chung Đình Diệu (Robert Chung) nói với các nhà báo, cảnh sát đã sao chép các tập tin trong máy tính.
Theo cảnh sát thì các máy tính của viện đã bị xâm nhập, làm lộ thông tin cá nhân. Ông Chung Đình Diệu đã đạt được « cam kết bằng miệng » từ phía cảnh sát là sẽ không sử dụng các thông tin không liên quan đến vụ này. Ông khẳng định hệ thống bỏ phiếu rất an toàn, hoạt động này là hợp pháp và minh bạch.
Một cựu dân biểu dân chủ, ông Âu Nặc Hiên (Au Nok Hin), cũng đã hỗ trợ việc tổ chức bỏ phiếu, nói rằng cảnh sát tìm cách xâm nhập vào các hoạt động của đối lập. Vụ khám xét trên rất có thể liên quan đến cuộc bỏ phiếu sơ bộ, mang tính răn đe.
PORI thường xuyên tổ chức các cuộc thăm dò dư luận, và theo đó lòng tin của công chúng đối với các nhà lãnh đạo cũng như cảnh sát đã sụt giảm hẳn kể từ phong trào biểu tình. Cuộc thăm dò mới nhất công bố hôm qua cho thấy 61% người được hỏi nghĩ rằng Hồng Kông « không còn là thành phố tự do » từ khi luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt bắt đầu có hiệu lực vào tuần trước.
Tại Paris, chiều nay diễn ra một cuộc biểu tình để ủng hộ người dân Hồng Kông, chống lại việc chế độ độc tài của Tập Cận Bình áp đặt luật an ninh quốc gia lên đặc khu. Đoàn biểu tình tuần hành từ quảng trường Bastille đến quảng trường République, bắt đầu từ 14 giờ.
Mưa lớn ở Giang Tây khiến một ngôi nhà 3 tầng
biến mất trong 5 giây
Tâm Thanh
Mưa lớn liên tục đã gây ra thảm họa tại Trung Quốc, mực nước hồ Bà Dương dâng cao, gây ra lũ lụt ở nhiều khu vực thuộc tỉnh Giang Tây. Tình hình khu vực Cảnh Đức, Nam Xương, Thượng Nhiêu vô cùng nghiêm trọng.
Ngày 8/7, một video lan truyền trên mạng cho thấy một ngôi biệt thự 3 tầng sau khi bị ngập lụt tầng 1 đã bị đổ nghiêng và hoàn toàn chìm vào trong nước trong vòng chưa đầy 5 giây, hình ảnh khiến người xem đều sợ hãi.
Theo tin tức thời tiết Trung Quốc, từ 8 giờ ngày 7/7 đến 8 giờ ngày 8/7, phía Bắc Giang Tây và một số khu vực như Nam Xương, Cửu Giang và Thượng Hải có mưa rất lớn. Lượng mưa ở thị trấn Liên Hoa Sơn, huyện Bà Dương, thành phố Thượng Nhiêu đạt 547,2 mm. Lượng mưa một ngày đã ngang với với lượng mưa hàng năm của Bắc Kinh.
Ngoài ra, con đập tại thị trấn Du Đôn, huyện Bà Dương cũng bị vỡ. Một người phụ trách nói với “báo Nam Phương Đô Thị” rằng: Phần bờ đê bị vỡ nằm ở gần Ủy Ban thôn Địch Khê, thị trấn Du Đôn, Trước mắt vẫn chưa xử lý kịp để chặn nguồn nước. Theo truyền thông địa phương tỉnh Giang Tây cho biết, phần bờ đê bị vỡ dài khoảng 40m.
Người phụ trách có liên quan tại Ủy ban thị trấn Du Đôn, huyện Bà Dương cũng đã xác nhận rằng, tới 8 giờ tối, tại địa phương có tổng cộng có 4 tòa nhà bị lũ cuốn trôi, tất cả đều cao 2 hoặc 3 tầng. Các tòa nhà bị sập chủ yếu nằm ở thôn Địch Khê và thôn Cảng Hồ của thị trấn. Đồng thời, họ chỉ ra rằng vì mực nước địa phương vẫn đang dâng cao và tiếp tục tràn vào trong nhà nên hiện tại không thể tiến hành soát và xây dựng lại.
Huyện Bà Dương đã nâng cấp ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ từ cấp III lên cấp II.
Theo Thiên Bình, secretchina.com
Tâm Thanh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/mua-lon-o-giang-tay-khien-mot-ngoi-nha-3-tang-bien-mat-trong-5-giay.html
Hồ chứa nước xả lũ hệt như phim,
người đàn ông biến mất trong 6 giây,
vỡ đập khiến 15 làng xã bị nhấn chìm
Vũ Dương
Liên tục những hình ảnh về cảnh xả lũ ở Trung Quốc cho thấy một mùa mưa lũ bất thường, mang lại nhiều tai ương cho người dân nơi đây.
Những trận mưa lớn vẫn tiếp diễn ở miền nam Trung Quốc, trong đó các tỉnh Hồ Bắc, Chiết Giang và Giang Tây hứng chịu thảm họa nặng nề nhất. Hồ chứa Tân An, hồ chứa lớn nhất ở phía vùng Hoa Đông thuộc tỉnh Chiết Giang, xả lũ liên tục trong hơn 50 giờ đồng hồ, cảnh tượng giống như bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng.
Người đàn ông đánh bắt cá bị nước lũ “nuốt chửng” chỉ trong 6 giây
Thành phố Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam mưa bão liên tục trong nhiều ngày khiến mực nước ở nhiều con sông dâng cao. Ngày 8/7, một người đàn ông ở huyện Vũ Lăng Nguyên đã mạo hiểm thả lưới để đánh bắt cá. Kết quả không may rơi xuống dòng nước đang chảy xiết. Chỉ vỏn vẹn 6 giây, nước lũ đã nuốt chửng và cuốn trôi người đàn ông. Một người trên bờ tình cờ đã quay lại cảnh tượng kinh hoàng này.
Đoạn video cho thấy một người đàn ông thả lưới bên dòng sông chảy xiết để đánh bắt cá. Sau vài giây, anh ta bị nước lũ kéo xuống sông và ngay lập tức bị dòng lũ cuốn trôi. Mặc dù người đàn ông đã gắng sức vùng vẫy, nhưng vẫn không thắng được thế nước cuồn cuộn, kết quả anh đã biến mất trong dòng nước lũ.
Cùng ngày, chính quyền huyện Vũ Lăng Nguyên đã đưa ra thông báo, nói rằng người đàn ông rơi xuống nước họ Đường, là nhân viên bảo vệ của một công ty dịch vụ ở thị trấn Trương Gia Giới. Chiều ngày 8/7, sau giờ làm việc anh đã cùng đồng nghiệp đi bộ dọc bờ sông. Khoảng 4 giờ 15 phút, người đàn ông họ Đường bất ngờ rơi xuống nước, đến nay vẫn không rõ tung tích.
Mưa lũ ở miền nam Trung Quốc đã kéo dài hơn một tháng, tình hình lũ lụt ở nhiều tỉnh đã mở rộng thêm bước nữa. Ngoài ra, hồ chứa Tam Hiệp toàn lực xả lũ, mực nước dọc theo bờ từ đoạn sông Dương Tử từ cửa khẩu hồ Động Đình, huyện Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc đến cửa biển ở Thượng Hải, toàn bộ đều vượt ngưỡng báo động.
Từ những video được đăng tải trên mạng cho thấy, từ ngày 29/6, từ sau khi đập Tam Hiệp bắt đầu xả lũ, nhiều thành phố của tỉnh Hồ Bắc ở hạ du con đập như: Nghi Xương, Vũ Hán… đã bị ngập nặng. Đến ngày 7/7, mực nước sông Dương Tử đã tăng thêm 3 mét. Hiện tại, công viên Giang Than ở Hán Khẩu đã bị ngập hoàn toàn, với độ sâu gần 2 mét. Cồn đất Bạch Sa ở lòng sông Dương Tử gần như bị ngập hoàn toàn.
Hồ Bà Dương bị vỡ đập, 15 làng xã bị nhấn chìm
Mưa lớn liên tục ở lưu vực sông Dương Tử đã lan đến vùng hạ du, khiến mực nước sông Dương Tử dâng cao. Đài quan sát khí tượng số 8 Thượng Hải cũng đưa ra cảnh báo mưa bão màu xanh, chính quyền địa phương cũng nâng phản ứng khẩn cấp đối với lũ lên cấp 4.
Đập Tam Hiệp xả lũ khiến mực nước sông Dương Tử dâng cao và đổ dồn về hồ Bà Dương, cộng thêm tác động của mưa lớn kéo dài liên tục. Ngày 8/7, mực nước hồ Bà Dương và các nhánh sông của nó đã tăng mạnh, gây lũ lụt nghiêm trọng, toàn bộ tỉnh Giang Tây đưa ra cảnh báo khẩn.
Ngày 9/7, mực nước của bờ đập Trung Châu, huyện Bà Dương đạt 23,39 mét, vượt quá mực nước báo động 3,89 mét; mực nước Cổ Huyện Độ, con sông bên ngoài bờ đập Trung Châu đạt 23,43 mét, vượt quá mực nước cao nhất năm 1998 là 0,25 mét. Do thời gian dài bị ngâm trong nước, cộng thêm đất ở thân đê chất lượng kém, khả năng chống thấm nước yếu, khoảng 9h35 tối ngày 19/7, bờ đập Trung Châu đã bị vỡ, 15 làng xã đã bị ngập, nước lũ ngập đến tận mái nhà.
Hồ chứa nước Tân An xả lũ, cảnh tượng hệt như phim kinh dị
Không chỉ thảm họa ở lưu vực sông Dương Tử trầm trọng, mà “hồ chứa nước Tân An”, con đập lớn nhất vùng Hoa Đông, nằm ở thượng nguồn của sông Tiền Đường, cũng đang đối mặt với thử thách nghiêm trọng.
Theo dữ liệu mới nhất từ chính quyền Trung Quốc, việc xả lũ đã được thực hiện vào lúc 10h ngày 7/7 đến 15h ngày 9/7. Tổng lượng nước xả của hồ chứa Tân An (còn gọi là hồ Thiên Đảo) là 1,298 tỷ mét khối, trong đó lượng nước xả từ cửa cống là 1,063 tỷ mét khối. Dựa trên dung tích khoảng 14,5 triệu mét khối nước của Hồ Tây (Hàng Châu) mà tính, tổng lượng nước xả trong khoảng 53 giờ của con đập này bằng khoảng 90 lượng nước của Tây Hồ.
Hồ chứa Tân An được hoàn thành vào năm 1959 và là hồ chứa lớn nhất vùng Hoa Đông với tổng dung tích lưu trữ 21,626 tỷ mét khối nước. Đây là dự án kiểm soát nước quan trọng nhất ở thượng nguồn sông Tiền Đường.
Có video cho thấy tình huống hồ chứa Tân An mở toàn bộ 9 cửa cống xả lũ. Có thể thấy rằng nước lũ cuồn cuộn dâng trào, và một cây cầu ở hạ nguồn con đập đã bị dòng lũ đánh sập, cộng thêm sắc trời u tối, không ít cư dân mạng đã kêu lên “giống hệt như bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng vậy”!
Có người thậm chí đã quay lại video hiện trường thành phố dọc theo bờ sông Tân An trước và sau khi xả lũ. Khi mở 1 cửa cống xả lũ, cái đình nghỉ mát bên bờ sông bị ngập một nửa. Khi mở 5 cửa cống, cái đình chỉ còn lại phần mái. Khi mở 7 cửa cống, chỉ thấy phần chóp đỉnh của cái đình, đến khi mở toàn bộ 9 cửa cống, cái chòi nghỉ mát đã bị nhấn chìm hoàn toàn.
Báo cáo cho biết, tính đến 15h ngày 9/7, mực nước của hồ chứa Tân An đã giảm 0,17 mét so với mực nước cao nhất 108,39 mét khi “9 cửa cống xả lũ được mở hoàn toàn” vào ngày 8/7. Kỹ sư trưởng của Ủy ban tài nguyên nước thành phố Kiến Đức cho biết, dòng chảy vào hồ chứa thời điểm cao nhất từng đạt đến 22.000 m3/s. Sau khi “toàn bộ 9 cửa cống được mở”, dòng chảy vào hồ giáng hạ dần dần đến 5.770 m3/s của hiện tại. 23 làng quê và thị trấn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Dai Ming, NTDTV
Vũ Dương biên dịch
TQ tiết lộ hình ảnh
bên trong phòng thí nghiệm Vũ Hán
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đăng tải video ghi nhận hoạt động bên trong phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus học Vũ Hán.
Trong một động thái hiếm hoi, truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ hình ảnh bên trong phòng thí nghiệm của Viện virus học Vũ Hán, vốn là tâm điểm của những đồn đoán về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Theo kênh Channel News Asia, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đăng tải video ghi nhận hoạt động bên trong phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus học Vũ Hán (TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc).
Phòng thí nghiệm này là nơi chuyên nghiên cứu các mầm bệnh rất nguy hiểm loại 4 kể từ khi khánh thành năm 2017.
Đoạn video chỉ có vài giây hình ảnh về những khu vực bên trong phòng thí nghiệm và không cung cấp thông tin mới về hoạt động của nơi này. Những hình ảnh này được quay thông qua lớp cửa kính dày. CCTV cho biết do những quy định an toàn nên không thể tiếp cận ở cự ly gần hơn.
Video của CCTV chủ yếu tập trung vào việc phản bác những nghi ngờ rằng virus gây bệnh COVID-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm này.
“Không hề có vụ tai nạn nào làm rò rỉ mầm bệnh từ phòng thí nghiệm” – ông Yuan Zhiming, Giám đốc Phòng thí nghiệm An toàn sinh học quốc gia Vũ Hán khẳng định.
“Một dịch bệnh hay đại dịch do bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào gây ra chắc chắn sẽ là tâm điểm chú ý của công chúng. Do sợ hãi và cảm giác bất lực cũng như do thiếu thông tin, nhiều người sẽ tự nhiên liên kết một ổ dịch trong khu vực với phòng thí nghiệm gần đó nhất. Khi họ hiểu hơn về tình hình và phòng thí nghiệm, tin đồn sẽ dần tan biến” – ông Yuan nói.
Ông Yuan cho hay một số người có thể xem phòng thí nghiệm là “hộp đen bí mật” nhưng khẳng định cơ sở này hoạt động “rất cởi mở và minh bạch”.
Ông Yuan nói rằng phòng thí nghiệm hy vọng trở thành một “nền tảng giao lưu quốc tế và nhìn thấy thêm nhiều nhà khoa học nước ngoài tới làm việc trong phòng thí nghiệm”.
Ông Yuan không đi sâu vào chi tiết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức Mỹ nhiều lần cho rằng virus gây bệnh COVID-19 có thể thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán.
Tuy nhiên, giới khoa học tin rằng COVID-19 có nguồn gốc từ loài dơi, có thể đã lây sang người thông qua một loài động vật khác.
Giới chức Trung Quốc trước đó cho hay virus lây lan từ một chợ bán đồ tươi sống ở Vũ Hán nhưng sau đó không xác nhận nguồn gốc của virus.
Mỹ và Úc đã kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang điều một nhóm chuyên gia y tế và một nhà dịch tễ học tới Trung Quốc trong tuần này để đặt cơ sở cho một cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19.
Theo trang thống kê Worldometer, tính đến nay hơn 12,3 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu và hơn 557.000 người tử vong. Mỹ hiện vẫn là vùng dịch nghiêm trọng nhất với hơn 3,2 triệu ca nhiễm và hơn 135.000 người tử vong.
Các vùng dịch nghiêm trọng khác là Brazil, Ấn Độ, Nga, Peru…
Dân TQ đòi chủ quyền vùng Vladivostok của Nga
Một số quan chức, người dùng mạng xã hội Trung Quốc quyết đòi lại Vladivostok vì cho rằng đây là lãnh thổ bị Nga “thôn tính” vào thế kỷ 19.
Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc hôm 2/7 đăng trên mạng xã hội Weibo thông điệp chào mừng kỷ niệm 160 năm thành lập thành phố Vladivostok thuộc vùng Primorsky của Nga. Tuy nhiên, bài đăng này nhanh chóng trở thành mục tiêu chỉ trích bằng thông điệp đòi chủ quyền của các quan chức ngoại giao, nhà báo và người dùng Internet Trung Quốc.
Nhà ngoại giao Chương Hạc Khánh, giám đốc Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Pakistan, bình luận dưới bài đăng rằng “Đây chẳng phải là vùng Hải Sâm Uy của chúng ta hồi trước hay sao?”.
Nhiều người dùng Weibo lập tức ủng hộ lập luận của Chương Hạc Khánh, cho rằng Nga đã “thôn tính” khu vực Vladivostok bằng “hiệp ước bất bình đẳng” vào thế kỷ 19.
“Ngày nay chúng ta chỉ có thể cam chịu, song người Trung Quốc sẽ ghi nhớ từ thế hệ này sang thế hệ khác”, một tài khoản Weibo viết. Một người khác bình luận: “Chúng ta phải tin rằng vùng đất tổ tiên này sẽ trở về trong tương lai”.
Phóng viên Trầm Thi Vĩ của đài Mạng truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) cũng tham gia vào cuộc tranh luận, khi cho rằng bài đăng của đại sứ quán Nga tại Trung Quốc không được chào đón trên Weibo.
“Lịch sử của Vladivostok bắt đầu năm 1860 khi Nga xây dựng một quân cảng tại đây. Tuy nhiên, thành phố này từng là Hải Sâm Uy (Đầm Hải Sâm) thuộc về Trung Quốc, trước khi bị Nga thôn tính thông qua Hiệp ước Bắc Kinh bất bình đẳng”, Trầm Thi Vĩ viết.
Vùng Primorsky của Nga, với thủ phủ là Vladivostok, từng là một phần khu vực Mãn Châu của nhà Thanh, song bị Đế quốc Nga kiểm soát từ năm 1860 sau khi Trung Quốc thua trong Chiến tranh Thuốc phiện lần hai với Anh và Pháp.
Vùng đất này được bàn giao cho Đế quốc Nga sau ba hiệp ước, mà Trung Quốc cho là “bất bình đẳng”, được nhà Thanh ký với Nga, Anh và Pháp năm 1860. Trong số này còn có hiệp ước cho thuê bán đảo Cửu Long, nay thuộc đặc khu hành chính Hong Kong, được ký giữa đại diện của Anh và nhà Thanh.
Tuy nhiên, Piotr Tsvetov, phó giáo sư bộ môn quan hệ quốc tế tại Học viện Ngoại giao Nga, cho rằng phản ứng “đòi chủ quyền vùng Vladivostok” của một số người Trung Quốc là “kỳ quặc” và “hàm hồ”. Tsvetov cho biết tiền đồn đầu tiên được quân đội Nga thời Sa Hoàng lập tại vịnh Zolotoi Rog vào ngày 2/7/1860, sau đó khu vực này được đặt tên Vladivostok (Người cai trị phương Đông) và hưởng quy chế đô thị năm 1880.
“Dù có một thôn làng người Hoa ở đây từ trước, đây không phải là cái cớ để tuyên bố đó là lãnh thổ của Trung Quốc. Moskva và Bắc Kinh đã giải quyết xong các tranh chấp cũ về biên giới trước đây bằng một loạt thỏa thuận. Hiệp ước Láng giềng Thân thiện, Hữu nghị và Hợp tác được lãnh đạo Nga – Trung ký ở Moskva ngày 16/7/2001 thừa nhận hai nước không còn yêu sách lãnh thổ với nhau”, phó giáo sư Tsvetov viết trên Sputnik.
Tsvetov nhận định giới chức Trung Quốc không có ý bác bỏ hiệp ước năm 2001 vì đây là thỏa thuận có lợi, cho rằng việc đòi chủ quyền vùng Vladivostok chỉ là giọng điệu của “những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan bá quyền”.
Tranh cãi về Vladivostok nổ ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng. Kênh WION TV của Ấn Độ chỉ ra rằng Trung Quốc đang có các khu vực tranh chấp với 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trung Quốc gần đây nhiều lần điều máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan, đụng độ với Ấn Độ tại khu vực biên giới, tổ chức tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho tàu tuần tra áp sát nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản và thông qua luật an ninh Hong Kong.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định biên giới Nga – Trung tương đối yên bình khi hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định trong khu vực. Trung Quốc và Liên Xô năm 1969 từng suýt nổ ra chiến tranh tổng lực vì tranh chấp một hòn đảo trên sông biên giới Ussuri. Đến năm 1991, hai bên bắt đầu đàm phán và đạt thỏa thuận cuối cùng về vấn đề biên giới năm 2008.
Học giả Trung Quốc bác nghi vấn Bắc Kinh
sắp lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông
Minh Hòa
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 10/7 đưa tin, một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố bác bỏ suy đoán rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, một động thái chắc chắn sẽ thu hút sự phản ứng mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và các nước trong khu vực.
Theo SCMP, một tổ chức Trung Quốc tự xưng là “Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược ở Biển Nam Hải” (tức Biển Đông của Việt Nam) đưa ra một bài viết nhận định rằng suy đoán về việc Bắc Kinh lập ADIZ ở Biển Đông là nhằm “cản trở sự hợp tác” giữa Trung Quốc và các nước láng giền trong khu vực.
Đồng tác giả của bài viết là Tào Quần (Cao Qun), một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao, và Bao Nghị Nam (Bao Yinan), phó giáo sư tại Đại học Hoa Đông Trung Quốc. Hai ông này tuyên bố rằng “không có bằng chứng cho thấy chính phủ Trung Quốc dự định công bố ADIZ ở Biển Đông trong tương lai gần”.
Bài viết của hai nhà nghiên cứu Trung Quốc đề cập đến các bài báo gần đây ở Hồng Kông, Đài Loan và phương Tây nhận định rằng Bắc Kinh khả năng sẽ sớm tuyên bố vùng ADIZ trên Biển Đông.
SCMP trích lời ông Charles Q. Brown Jnr’s, Tổng tư lệnh Không quân Hoa Kỳ, hôm 24/6 nhận xét rằng nếu Trung Quốc áp đặt vùng ADIZ ở Biển Đông, nó sẽ làm trái với “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp” và đi ngược với khái niệm về một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Hai ông Tào – Bao cho rằng việc thúc đẩy “những thuyết có tính chất đe đọa” như vậy sẽ “gây ra các mối căng thẳng ngoại giao và đụng độ tình cờ giữa Trung Quốc” và các nước khác như Nhật, Hàn và các quốc gia Đông Nam Á.
Trung Quốc đã áp đặt một vùng ADIZ ở Biển Hoa Đông vào tháng 11 năm 2013. Kể từ đó, xuất hiện lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ làm điều tương tự đối với Biển Đông, trong đó một quan chức trong quân đội Trung Quốc nói với SCMP vào tháng 5 rằng, khu vực ADIZ này dự kiến bao trọn các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Đông Sa.
Trung Quốc phóng tên lửa lần thứ 5 trong vòng 4 tháng
bất chấp phải trả giá cho nỗ lực thống trị không gian
Bình luậnNguyễn Minh
Trong nỗ lực thống trị không gian, ngày 10/7, chính quyền Trung Quốc thực hiện phóng tên lửa lần thứ 5 trong vòng 4 tháng qua, nhưng thừa nhận lại thất bại.
Vụ phóng tên lửa đầu tiên diễn ra hồi tháng Ba. Bắc Kinh đã phóng tên lửa Kuaizhou-11, tên lửa mang tàu sân bay lớn nhất mà Trung Quốc sở hữu cho đến nay, tại một căn cứ phóng ở Nội Mông. Vụ phóng này đã thất bại khi vừa cất cánh, làm hỏng 2 vệ tinh liên lạc.
Lần phóng tên lửa thứ 5 là vào tháng Bảy. Hiện chính quyền Trung Quốc vẫn đang xem xét nguyên nhân thất bại.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên kế hoạch cho việc ra mắt tên lửa Kuaizhou-11 từ cuối năm 2016, nhưng đã phải hoãn lại nhiều lần do những trục trặc kỹ thuật.
ĐCSTQ vẫn chưa cung cấp thông tin về thiệt hại tài chính ước tính sau những lần phóng tên lửa thất bại và các vệ tinh bị phá hủy.
Sự cố trước đây
Chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp thất bại trong nỗ lực đưa các vệ tinh vào không gian trong năm qua.
Ngày 16/6, Bắc Kinh phải cho tạm dừng việc phóng vệ tinh dẫn đường Beidou cuối cùng trong một tuần, do các vấn đề kỹ thuật. Một tuần sau đó, ĐCSTQ đã cho lắp đặt vệ tinh cuối cùng với mục đích cung cấp một hệ thống định vị toàn cầu (GPS) thay thế, nhằm cạnh tranh với hệ thống GPS của Hoa Kỳ.
Ngày 5/5, Bắc Kinh cho phóng tên lửa Trường Chinh-5B cỡ lớn với khả năng chở theo 20 tấn hàng hóa. Sau đó, tên lửa này đã rơi xuống Đại Tây Dương do gặp trục trặc, sau khi bay qua Công viên Trung tâm Los Angeles và New York.
Tháng Tư, Bắc Kinh phóng tên lửa Trường Chinh-3B mang theo vệ tinh viễn thông của Indonesia có tên là Palapa-N1, một vệ tinh viễn thông băng thông rộng. Tên lửa này đã phát nổ chưa đầy 1 phút sau khi cất cánh.
Ngày 16/3, Bắc Kinh đã thất bại khi phóng tên lửa phiên bản mới của mình, tên lửa Trường Chinh-7A, trong lần đầu tiên ra mắt.
Trong báo cáo đánh giá mối đe dọa không gian năm 2019, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington đã chỉ ra rằng, Trung Quốc là một trong 4 quốc gia có nguy cơ lớn nhất đối với các hệ thống hàng không vũ trụ của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã chi khoảng 11 tỷ USD (khoảng 255,92 nghìn tỷ VNĐ) cho các chương trình không gian.
Trích dẫn thông tin từ Trung Quốc cho biết: “Đạt được ưu thế về không gian có nghĩa là Trung Quốc phải đảm bảo khả năng sử dụng đầy đủ tài sản không gian của mình đồng thời làm suy giảm, phá vỡ hoặc phá hủy các khả năng không gian của đối thủ”.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
Bầu cử Singapore :
Phe đối lập giành được tỷ lệ phiếu lịch sử
Thanh Phương
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội tại Singapore hôm qua, 11/07/2020, đảng cầm quyền vẫn giữ được đa số, nhưng phe đối lập đã giành một tỷ lệ phiếu cao lịch sử.
Đảng Hành động Nhân dân ( PAP ), cầm quyền liên tục từ khi Singapore giành độc lập năm 1965, đã thu được 61,2% số phiếu, giành 83 trên tổng số 93 ghế của Quốc Hội mới. Kết quả này thấp hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2015, khi đảng PAP thu được 70% số phiếu.
Trong khi đó, Đảng Công nhân, đảng đối lập, giành được đến 10 ghế dân biểu, nhiều hơn 4 ghế so với kết quả cao nhất cho tới nay. Tuy không đánh bại đảng cầm quyền, nhưng những người ủng hộ đảng đối lập tối qua vẫn ăn mừng kết quả lịch sử này.
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên RFI trong khu vực Gabrielle Maréchaux tường trình :
Ở tất cả những nơi khác, tỷ lệ phiếu này có vẻ không có gì đáng nói, nhưng ở Singapore thì nó lại mang tính lịch sử. Re Ting Hu, nữ dân biểu mới được bầu của Đảng Công nhân tỏ xúc động nói :
« Tận đáy lòng, tôi xin cám ơn sự tin tưởng và niềm hy vọng mà đồng bào đã bày tỏ hôm nay. Chúng tôi nguyện sẽ làm việc hết mình để bảo đảm là sự tin tưởng này không bị đặt sai chỗ. Bởi vì chúng tôi không thể có kết quả như hôm nay nếu không có các ủng hộ viên nỗ lực làm việc suốt từ 10 năm qua.
Đứng chung danh sách tranh cử với cô, Jamus Lim còn hứng khởi hơn : « Chúng tôi hy vọng đã làm cho mọi người tin tưởng rằng giấc mơ về một con đường thay thế tương lai là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, nếu có can đảm nắm lấy những thời cơ đang đến với quý vị. »
Đảng của họ đã giành được 10 trên tổng số 93 ghế của Quốc Hội, một tỷ lệ chưa từng có tại một quốc gia mà việc sắp xếp các đơn vị bầu cử, chiến dịch tranh cử chớp nhoáng trong 9 ngày và các điều kiện ứng cử ngặt nghèo vẫn gây rất nhiều khó khăn cho phe đối lập. Kể từ năm 1995, tỷ lệ phiếu tệ nhất của đảng cầm quyền là 93% và nay kỷ lục đáng ngạc nhiên này bây giờ đã bị phá.
Tại các đơn vị bầu cử mà đảng Công nhân giành thắng lợi tối qua, David dường như đã chiến thắng Goliath và không khí lễ hội đã bao trùm suốt đêm qua.
Khi đi bỏ phiếu hôm qua, cử tri Singapore đã phải tuân thủ các quy định an toàn dịch tễ rất nghiêm ngặt trong bối cảnh đang có dịch Covid-19. Họ phải mang khẩu trang, đeo găng tay, đi bầu trong khoảng thời gian được ấn định trước để bảo đảm giãn cách xã hội.
Các phòng phiếu đã phải kéo dài thêm hai giờ, do cử tri phải xếp hàng rất lâu. Tại Singapore, mọi người dân đều phải đi bỏ phiếu, vì tham gia bầu cử là bắt buộc.
Hàng chục người Nepal thiệt mạng vì lũ lụt và lở đất
Minh Hòa
Các nhà chức trách Nepal hôm thứ Bảy (11/7) thông báo các trận mưa lớn đã gây ra lũ quét và lở đất, khiến ít nhất 23 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải sơ tán ở phía tây nước này.
Theo Reuters, giới chức Nepal cho biết 9 người tử vong và hơn 30 người mất tích ở huyện Myagdi, cách thủ đô Kathmandu 200 km về phía tây bắc.
Ở huyện Kaski gần đó có 7 người thiệt mạng, trong khi 7 người khác đã tử vong tại huyện Jajarkot ở phía cực tây.
Số người tử vong dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, trong khi các nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân tại hiện trường các vụ lở đất.
Nhiều địa phương tại Nepal đang ở trong tình trạng báo động cao về lở đất và lũ lụt do ảnh hưởng từ các trận mưa lớn, làm tăng lượng nước và tốc độ dòng chảy của các con sông.
Ấn Độ mời Úc tham gia tập trận hải quân
Tin từ NEW DELHI, Ấn Độ – Ấn Độ đang có kế hoạch mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar hàng năm mà cho đến nay chỉ bao gồm Nhật Bản và Hoa Kỳ, trong một hành động có thể khiến Trung Cộng phẫn nộ.
Theo tin từ BLOOMBERG, quyết định mời Úc tham gia vào cuộc tập trận xuất hiện khi Bắc Kinh và New Delhi đối đầu nhau trong căng thẳng biên giới nghiêm trọng nhất trong bốn thập niên. Theo các viên chức ẩn danh cấp cao của Ấn Độ, cuộc tập trận này sẽ tập hợp hải quân Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ ở Vịnh Bengal vào cuối năm nay.
Các viên chức cho biết vào tuần tới, New Delhi dự kiến sẽ dọn đường cho một lời mời chính thức tới Úc sau khi tham vấn với Hoa Kỳ và Nhật Bản, và được chính phủ phê duyệt lần cuối. Trong thời gian qua, Trung Cộng bất bình với liên minh không chính thức của bốn nền dân chủ, được thành lập lần đầu tiên vào năm 2004 để giúp các quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau thảm họa sóng thần và được hồi sinh vào năm 2017.
Sau khi đại dịch coronavirus được công bố, nhóm này phối hợp nỗ lực hàng tháng với Việt Nam, Nam Hàn và New Zealand. Phát ngôn viên Vivek Madhawal của của Hải quân Ấn Độ từ chối bình luận về vấn đề này. Dù các cuộc tập trận Malabar giữa hải quân Hoa Kỳ và Ấn Độ được thiết lập vào năm 1992, nhưng sự kiện thường niên này diễn ra thường xuyên hơn kể từ năm 2004 với sự tham gia của các quốc gia châu Á khác. (BBT)
0 comments