Tin khắp nơi – 10/07/2020
Friday, July 10, 2020
6:49:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Vì sao đối đầu Mỹ – Trung không phải là một «cuộc chiến tranh lạnh mới»? – Minh Anh
Thuật ngữ «chiến tranh lạnh» được dùng để chỉ cuộc tranh đua về hệ tư tưởng và quân sự giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong khoảng thời gian 1947 – 1991. Trên báo Le Figaro, ông Francis Journot, một chuyên gia cố vấn và là nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng, cuộc đọ sức lần này giữa Mỹ và Trung Quốc, không thật sự là một cuộc đối đầu giữa hai khối giống như xưa là giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản.
Kể từ khi lên cầm quyền năm 2013, Tập Cận Bình muốn áp đặt hệ thống chính trị Trung Quốc như là một mô hình thay thế cho chủ nghĩa tư bản và thúc đẩy hình thành một thế giới lưỡng cực. Cuối tháng 5/2020, ngoại trưởng Vương Nghị còn nhấn mạnh rõ hơn khi dọa dẫm Mỹ về một cuộc «chiến tranh lạnh mới». Nhưng chúng ta có thể nghĩ là sự so sánh tương đồng với thuật ngữ được phát minh ngay sau khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, trong cuộc xung đột hệ tư tưởng giữa Mỹ và Liên Xô là không thích hợp.
Hệ thống chính trị chủ nghĩa phát xít kiểu Trung Quốc?
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tập Cận Bình đã lên kế hoạch thách thức Hoa Kỳ. Trước Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập từng hứa: «Chúng ta phải chuẩn bị cho một giai đoạn cạnh tranh lâu dài và khắc nghiệt giữa các hệ thống chính trị. » (phát biểu trích trong tập sách Sắc đỏ rực của nhà nghiên cứu Hán học Alice Eckman).
Nhưng Trung Quốc không phải là Liên Xô và tính xác thực của bài diễn văn mang hơi hướng chủ nghĩa tư bản tại Davos và chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc rất đáng để tranh luận. Hơn nữa, nếu chúng ta nhìn vào cách trấn áp dữ dội những người phản đối hay việc cưỡng bức lấy nội tạng tù nhân chính trị, thì chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa dường như đang hướng đến một hình thái chủ nghĩa phát xít kiểu Trung Quốc. Sự tàn bạo này có thể gợi nhớ lại hành động tàn bạo của Đức Quốc Xã hay những hành vi ăn thịt người diễn ra trong suốt thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa nhân danh ý thức hệ cộng sản.
Về mặt ý thức hệ, việc xác định một cách chính xác hệ thống chính trị Trung Quốc mang tính chủ nghĩa cơ hội của Tập Cận Bình là điều không dễ, nhưng cho dù Liên Xô không phải là một mô hình đáng để cho các nền dân chủ ganh tỵ, và ngay cả khi Liên Xô trước đây có là một nền dân chủ đi chăng nữa, thì việc đồng hóa hệ thống chính trị Trung Quốc với học thuyết của Alexei Jdanov, người đã đưa ra lý thuyết chiến tranh lạnh là không mấy phù hợp. Nhà tư tưởng này chống chủ nghĩa phát xít và chê bai chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Bảy thập niên sau, Trung Quốc thực hiện những hành vi chẳng khác gì với những chế độ phát xít khát máu nhất và chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc là một mối họa lớn cho các nền dân chủ và nhân loại.
Tập Cận Bình và tham vọng hoàng đế thế giới
Theo ông Journot, việc nước Mỹ năm 2017 bầu chọn một tổng thống theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, mong muốn giảm thâm hụt thương mại to lớn gần 400 tỷ đô la với Trung Quốc còn giúp thêm cho chiến lược này của nhà độc tài Trung Quốc. Với tham vọng khoác lên người chiếc áo hoàng đế thế giới, Tập Cận Bình đã nắm lấy cơ hội bước vào một cuộc đọ sức tay đôi, trong thế « bằng vai phải lứa » với Donald Trump và cho phép ông ta có thể khoe khoang với người dân là ông đang đối đầu với lãnh đạo của siêu cường hàng đầu thế giới.
Vị thế này tạo thuận lợi cho mục tiêu xây dựng thế giới lưỡng cực lấy cảm hứng từ cuộc chiến Thiện – Ác thời chiến tranh lạnh của thế kỷ trước và đẩy các nước khác trên thế giới xuống hàng thứ yếu. Thái độ hung hăng của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong suốt cuộc khủng hoảng Covid-19 và tuyên bố của vị ngoại trưởng, theo chỉ đạo từ Quốc Hội Trung Quốc, cho thấy rõ Trung Quốc tin rằng họ đã bước qua một nấc mới. Kể từ giờ, Bắc Kinh không cần phải bận tâm đến ý kiến của những nước mà trong nhãn quan Trung Quốc là đã bị suy yếu hay lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc để mà phản đối.
Vẫn theo tác giả, Bắc Kinh sử dụng thuật ngữ « chiến tranh lạnh» nhằm làm quên đi cách xử lý cuộc khủng hoảng dịch tễ vào thời điểm công luận quốc tế có thái độ thù ghét đang phải đếm số nạn nhân của mình và phần đông trong số họ cho rằng chính sách bành trướng của Trung Quốc là một mối đe dọa kinh tế và một mối nguy hiểm nghiêm trọng.
Thế nhưng, hệ thống chính trị mà Trung Quốc có tham vọng muốn chia sẻ vì sự tốt đẹp cho tất cả mọi người này khác hẳn với mô hình chính trị chủ nghĩa Mác-xít – Lênin của Liên Xô. Ít ra nước này còn tập hợp được một số đông người dân và các nước gia nhập hệ thống vào thời đó. Ngày nay, có dân tộc nào tự nguyện mong muốn đặt mình dưới ách thống trị của Trung Quốc hay một chế độ tương tự được Trung Quốc khuyên bảo?
Liên minh nào cho Trung Quốc ?
Cho dù dự án của Bắc Kinh kém hấp dẫn, nhưng người khổng lồ châu Á này đang tìm cách nhân rộng các mối liên minh tạo thuận lợi cho việc mở rộng tầm ảnh hưởng địa chiến lược. Dĩ nhiên, người ta có thể hiểu là Nga cũng muốn tăng cường các mối quan hệ kinh tế nhất là trong lĩnh vực năng lượng và tham gia vào các cuộc tập trận chung, nhưng người ta cũng có thể nghi ngờ rằng nước Nga đi theo Trung Quốc một cách mù quáng. Với các nước láng giềng, Trung Quốc dường như đang làm cho một số đông quốc gia đứng lên chống lại mình, bao gồm cả Ấn Độ. Sau nhiều tuần lễ căng thẳng, cuộc đối đầu quân sự chết người đầu tiên sau 45 năm đã xảy ra hôm 15/06/2020 tại biên giới giữa hai nước.
Những kỳ đại hội hoành tráng của Trung Quốc, ngày nay được phủ một lớp ý thức hệ, ca tụng « một định mệnh chung cho nhân loại » và rất có thể gợi nhớ lại ở một số khía cạnh nào đó những thời khắc hào hùng của chủ nghĩa cộng sản, nhưng sự so sánh cũng chỉ dừng lại ở đó. Việc đồng hóa dự án của Trung Quốc với cuộc chiến tư tưởng phong phú từng làm mê hoặc lòng người trong suốt nửa thế kỷ có vẻ hơi kiêu căng tự phụ. Đó chẳng qua chỉ là một nỗ lực tái tạo cuộc xung đột Mỹ – Liên Xô, chứ chẳng có chút mùi vị gì về một cuộc tranh luận dân chủ hay sự gần gũi giữa triết lý của Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc với những nhà tranh luận nổi tiếng, những người từng làm náo động cuộc tranh luận lớn của thế kỷ XX xung quanh các vấn đề thiết yếu và hai khái nhiệm về thế giới.
Kể từ khi Trung Quốc giấu diếm việc xử lý khủng hoảng y tế, sự dè chừng, ngờ vực đối với chế độ Bắc Kinh kiêu căng đã trở nên phổ biến. Do vậy, việc tạo dựng ra cái gọi là « một cuộc chiến tranh lạnh mới » theo sáng kiến của Trung Quốc dường như là rất phiêu lưu. Đương nhiên, một vài nước trong đó có các đồng minh như Pakistan hay Iran, vẫn mơ tưởng đến một thế giới hậu phương Tây, nhưng hiếm nước nào lại mong muốn hứng chịu tình trạng hỗn loạn hay có một chế độ độc tài mà Trung Quốc chủ trương, thay vì có một hệ thống tư bản chủ nghĩa nhìn chung cho đến nay vẫn còn đáng tin tưởng hơn cho dù có nhiều biến tướng cần chỉnh sửa.
Mỹ phê chuẩn nâng cấp gói tên lửa 620 triệu đôla cho Đài Loan
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã phê duyệt gói nâng cấp tên lửa đất đối không Patriot trị giá 620 triệu đôla cho Đài Loan, một động thái nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc, theo Reuters.
Hoa Kỳ, cũng như hầu hết các quốc gia khác, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng luật pháp Hoa Kỳ quy định nước này có nghĩa vụ cung cấp cho hòn đảo này phương tiện để tự vệ.
Trung Quốc, vốn tuyên bố hòn đảo theo thể chế dân chủ này thuộc lãnh thổ của mình, như thường lệ đã chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Reuters dẫn thông cáo ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đài Loan đã đề nghị mua linh kiện để nâng cấp tên lửa Patriot “nhằm kéo dài thời gian sử dụng trong 30 năm”.
Thông cáo cho hay hãng Lockheed Martin sẽ là nhà thầu chính và tổng chi phí ước tính là 620 triệu đôla.
“Việc mua bán này là phục vụ các lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ bằng cách tiếp tục hỗ trợ bên mua trong việc nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang đồng thời nhằm duy trì khả năng phòng thủ”, thông cáo nêu rõ.
“Bên mua sẽ sử dụng khả năng này như biện pháp ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực và tăng cường bảo vệ lãnh thổ. Bên mua sẽ có thể dễ dàng đưa thiết bị này vào phục vụ lực lượng vũ trang của mình”.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ dự kiến thương vụ sẽ được triển khai trong tháng tới.
“Đây là lần thứ bảy chính quyền Donald Trump bán vũ khí cho Đài Loan. Điều này thể hiện tầm quan của việc đảm bảo an ninh, củng cố mối quan hệ đối tác an ninh hai bên và cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực”, bộ này cho biết.
Trong khi quân đội Đài Loan được đào tạo bài bản và được trang bị đầy đủ với hầu hết vũ khí, khí tài do Mỹ sản xuất, Trung Quốc lại áp đảo về số lượng và hiện đang gia tăng các thiết bị tiên tiến của riêng mình như máy bay chiến đấu tàng hình.
Mỹ bán 105 máy bay F-35 cho Nhật Bản giữa căng thẳng với TQ
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán 105 máy bay chiến đấu F-35 cho Nhật Bản giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc đang gia tăng.
Nhật Bản đã đề xuất mua 63 máy bay chiến đấu F-35A và 42 máy bay chiến đấu F-35, cùng 110 động cơ F135 Pratt & Whitney. Việc thực hiện thỏa thuận mua bán này, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và huấn luyện, sẽ kéo dài 25 năm.
Ước tính hợp đồng mua 105 máy bay chiến đấu F-35 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất trị giá khoảng 23 tỷ USD.
“Mỹ có lợi ích quốc gia khi hỗ trợ Nhật Bản phát triển và duy trì năng lực phòng vệ hiệu quả và mạnh mẽ”, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, đồng thời cho biết hợp đồng này sẽ không làm thay đổi cân bằng quân sự trong khu vực.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản leo thang trong thời gian gần đây.
Nhật Bản nhiều lần cáo buộc các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp tại quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông – nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Trong khi đó, Mỹ căng thẳng với Trung Quốc trong một loạt vấn đề từ chiến tranh thương mại, luật an ninh Hong Kong, cho tới đại dịch Covid-19.
Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) tuần này cho biết các tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát quần đảo Senkaku suốt 30 tiếng trước khi rút đi. JCG nói rằng “đây là vụ xâm nhập lãnh hải Nhật Bản lâu nhất của tàu Trung Quốc kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua một số đảo thuộc nhóm đảo Senkaku từ chủ sở hữu tư nhân hồi năm 2012″
Một nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản tuần trước kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe hủy chuyến thăm Nhật Bản cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nghị sĩ này nói đề xuất này nhằm phản đối việc Trung Quốc áp luật an ninh Hong Kong.
Mỹ trừng phạt quan chức TQ vụ đàn áp người Uighur ở Tân Cương
Hoa Kỳ vừa công bố các biện pháp trừng phạt đối với các chính trị gia Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.
Trung Quốc bị buộc tội giam giữ hàng loạt, đàn áp tôn giáo và buộc người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) và những người khác phải triệt sản.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào tài sản tại Hoa Kỳ của bốn quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đó là ông Trần Toàn Quốc, Bí thư đảng Cộng sản khu tự trị Tân Cương.
Ông Chu Hải Luân, cựu Phó Bí thư đảng Cộng sản khu tự trị Tân Cương.
Ông Vương Minh Sơn, Giám đốc và Bí thư đảng ủy cục công an Tân Cương.
Ông Hoắc Lưu Quân, cựu Bí thư đảng ủy cục công an Tân Cương.
Trung Quốc phủ nhận mọi hành vi ngược đãi người Hồi giáo ở Tân Cương.
Nhà chức trách Trung Quốc được cho là đã giam giữ khoảng một triệu người Uighur Hồi giáo trong các trại cải tạo trong những năm gần đây. Họ nói “đào tạo nghề” là cần thiết để chống lại chủ nghĩa cấp tiến và ly khai.
Ông Trần Toàn Quốc, thành viên Bộ Chính trị quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc từng bị Mỹ trừng phạt, chính quyền Trump cho hay nói. Ông này được coi là kiến trúc sư cho các chính sách của Bắc Kinh chống lại người thiểu số.
Mỹ hiện quy định việc thực hiện giao dịch tài chính với cả bốn người nói trên là phạm tội. Tài sản tại Mỹ của bốn quan chức Trung Quốc này cũng sẽ bị đóng băng.
Tuy nhiên, ông Hoắc Lưu Quân sẽ không bị trừng phạt về thị thực – lệnh cấm gia đình họ và những người khác vào Mỹ.
Các lệnh trừng phạt cũng đã được gửi tới Văn phòng Công an Tân Cương nói chung.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ đã hành động chống lại “sự lạm dụng khủng khiếp và có hệ thống” trong khu vực.
“Hoa Kỳ sẽ không đứng yên khi ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền nhắm vào người Uighur, người dân tộc Kazakhstan và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương,” ông nói trong một tuyên bố.
Ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ cũng đang đặt thêm các hạn chế về thị thực đối với các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc khác không được nêu tên được cho là chịu trách nhiệm về các vụ lạm dụng ở Tân Cương. Thành viên gia đình họ cũng có thể phải chịu những lệnh cấm này.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng cao do đại dịch virus corona.
Quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia của Trung Quốc lên Hong Kong cũng phải đối mặt với trích gay gắt từ phương Tây.
Trung Quốc đang làm gì ở Tân Cương?
Các nhóm quyền cho biết có tới một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại tù canh gác nghiêm ngặt trên khắp tỉnh Tân Cương.
Năm ngoái, BBC đã thấy các tài liệu bị rò rỉ cho thấy 15.000 người từ miền nam Tân Cương đã được đưa đến các trại chỉ trong một tuần.
Các tài liệu tương tự cho thấy các tù nhân chỉ có thể được tự do khi họ “hiểu sâu sắc bản chất bất hợp pháp, hình sự và nguy hiểm của hoạt động trong quá khứ của họ”.
Chính quyền Trung Quốc nói rằng người Uighur đang được giáo dục trong “các trung tâm đào tạo nghề” để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy nhiều người đang bị giam giữ vì chỉ đơn giản là bày tỏ đức tin của họ – ví dụ, cầu nguyện hoặc đeo khăn che mặt – hoặc vì có kết nối ở nước ngoài như với Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Uighur, hầu hết là người Hồi giáo, là người Thổ Nhĩ Kỳ và chiếm khoảng 45% dân số Tân Cương.
Tháng trước, một báo cáo của học giả Trung Quốc, ông Adrian Zenz, phát hiện Trung Quốc đang buộc phụ nữ ở Tân Cương phải triệt sản hoặc dùng dụng cụ tránh thai.
Báo cáo đã thúc đẩy các lời kêu Liên Hiệp Quốc mở một cuộc điều tra.
Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc đầu tiên bị Mỹ trừng phạt vì Tân Cương
Thụy My
Lần đầu tiên Hoa Kỳ hôm 09/07/2020 đã ban hành trừng phạt một ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc cùng với ba quan chức cao cấp khác theo luật Magnitsky, vì đã đàn áp người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh đe dọa trả đũa.
Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Tân Cương, Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) 64 tuổi bị đưa vào danh sách đen cùng với ba quan chức cao cấp khác. Trần Toàn Quốc và Chu Hải Luân (Zhu Hailun), phó bí thư Tân Cương ; Vương Minh Sơn (Wang Mingshan), giám đốc kiêm bí thư đảng ủy Công an Tân Cương, cùng với người thân từ nay không còn được đặt chân lên đất Mỹ. Hoắc Lưu Quân (Huo Liujun), cựu bí thư đảng ủy Công an Tân Cương cũng nằm trong danh sách nhưng không bị hạn chế nhập cảnh.
Lệnh trừng phạt được đưa ra theo luật Magnitsky, cho phép chính phủ Mỹ phong tỏa tài sản, cấm nhập cảnh những đối tượng vi phạm nhân quyền, cấm công dân Mỹ làm ăn với những người này. Một viên chức bộ Ngoại Giao Mỹ nói với Reuters, danh sách đen không phải là trò đùa, không chỉ mang tính biểu tượng mà còn ảnh hưởng đến tên tuổi, hạn chế khả năng di chuyển và kinh doanh.
Hệ thống trại tập trung quy mô đã mọc lên tại Tân Cương từ khi Trần Toàn Quốc được điều về làm bí thư tháng 8/2016. Trước đó khi làm bí thư Tây Tạng (2011-2016), ông ta đã trị vì với bàn tay sắt, dẫn đến hàng loạt vụ tự thiêu của các nhà sư Tây Tạng. Ngay trong năm đầu tiên tại Tân Cương, Trần Toàn Quốc đã tuyển mộ số lượng nhân viên an ninh tương đương với 5 năm ở Tây Tạng. Về mặt bắt người tùy tiện, ông ta là lãnh đạo tống giam nhiều người nhất tại Tân Cương trong 40 năm qua, theo nhà nghiên cứu Shawn Zhang, trường đại học British Columbia ở Canada.
Tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, đại diện những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong hoan nghênh quyết định trên, đồng thời kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu và các nước khác theo chân. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người bảo trợ đạo luật nói rằng động thái này đã được chờ đợi từ lâu, cần có những bước tiếp theo.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc ước lượng có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Tháng trước hãng tin AP cho biết Trung Quốc buộc triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ.
Hôm nay 10/07 Bắc Kinh loan báo sẽ có « các biện pháp trả đũa tương ứng đối với các tổ chức và cá nhân Mỹ có thái độ không tốt về các vấn đề liên quan đến Tân Cương », tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.
Mỹ dùng biện pháp đặc biệt bảo vệ 12.000 binh sĩ trên tàu sân bay ở Biển Đông
Hải quân Mỹ đang áp dụng các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn dịch COVID-19 trên 2 tàu sân bay nước này tập trận ở Biển Đông.
“Chúng tôi áp dụng các biện pháp phi thường để bảo vệ các thủy thủ khỏi COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn là mối đe dọa thực sự và đòi hỏi phải liên tục cảnh giác. Mọi người trên tàu đều đang chấp hành và được yêu cầu đeo khẩu trang”, Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy của lực lượng tấn công Carrier Strike Group 5 do tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu, cho biết hôm 8/7.
“Các biện pháp đang được thực hiện, mọi người trên tàu được yêu cầu đeo khẩu trang”, Chuẩn đô đốc George Wikoff cho biết thêm.
Chia sẻ với CNN, Chuẩn đô đốc Wikoff và Đô đốc James Kirk cho hay, tổng cộng có hơn 12.000 thủy thủ và phi công thực hiện cuộc tập trận của hai tàu sân bay ở Biển Đông.
Chuẩn đô đốc Wikoff và Đô đốc James Kirk – chỉ huy của lực lượng Carrier Strike Group 11 do tàu USS Nimitz dẫn đầu cũng cho biết, Hải quân Mỹ đã thực hiện các quy định giãn cách xã hội tại vị trí ngồi trong nhà ăn và đưa chuyên gia lên tàu, bao gồm các nhà vi trùng học và bổ sung thêm nhân viên y tế.
“Những biện pháp này đều mang lại hiệu quả và hiện chúng tôi chưa có ca nhiễm nào trên tàu”, Chuẩn đô đốc Wikoff nhấn mạnh.
Các biện pháp được Hải quân Mỹ áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Tàu này đã trở thành ổ dịch giữa Thái Bình Dương với hàng trăm thủy thủ mắc COVID-19. Điều này là hồi chuông cảnh báo đối với lực lượng Hải quân Mỹ trong việc nâng cao cảnh giác, bảo vệ lính trước dịch bệnh này.
Theo Hải quân Mỹ, tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã thực hiện một số cuộc tập trận chiến thuật được lên kế hoạch để tối đa hóa khả năng phòng không, và mở rộng phạm vi tấn công chính xác bằng máy bay trên tàu sân bay.
Đây là lần đầu tiên 2 tàu sân bay Mỹ tác chiến cùng nhau ở Biển Đông kể từ năm 2014. Hoạt động nhằm phô diễn sức mạnh của Hải quân Mỹ và đảm bảo cam kết của nước này trong việc ủng hộ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Hoa Kỳ và Trung Quốc bước vào cuộc đua vũ trụ, quyết định tương lai của nhân loại
Bình luận Lý Tịnh
Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, nói rằng kết quả cuộc đua vũ trụ giữa Mỹ – Trung sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của nhân loại, sẽ quyết định nhân loại có thể được hưởng quyền “tự do và tôn trọng” hay không, hay vẫn phải chịu đàn áp và bức hại. ĐCSTQ đã đặt ra các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ trong lĩnh vực vũ trụ.
Ông Gingrich đã bình luận trên trang web Fox News rằng, ngày 30/5 là thời điểm tốt nhất để khám phá không gian. SpaceX và NASA đã đưa hai phi hành gia lên quỹ đạo vũ trụ. Đây là chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên từ Hoa Kỳ kể từ khi chương trình tàu con thoi được nghỉ hưu vào năm 2011.
Bài báo nói rằng, sự kiện này cũng có ý nghĩa lịch sử, “bởi vì đây là lần đầu tiên tàu vũ trụ được một công ty tư nhân thiết kế và chế tạo đã đưa các phi hành gia lên vũ trụ. Điều này cho thấy du hành vũ trụ trong tương lai sẽ được thúc đẩy bởi sự đổi mới và phát triển của Hoa Kỳ”.
Gingrich: Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trong cuộc đua vũ trụ
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực không gian. “Chúng ta đang bắt đầu vòng tiếp theo của cuộc đua vũ trụ. Đây là cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để xem ai sẽ thành công trước tiên trong việc tạo ra hệ thống du hành vũ trụ thương mại”, ông Gingrich nói.
Tương lai việc thăm dò không gian và đầu tư vào không gian vũ trụ như một cơ sở hạ tầng rất quan trọng đối với nhân loại.
Vũ trụ có rất nhiều tài nguyên vô hạn và có thể cung cấp cơ hội không giới hạn cho nhân loại. “Về lâu dài mà xét, đối với người Mỹ mà nói, không có vấn đề gì quan trọng hơn việc chiếm cứ vị trí lãnh đạo trong vũ trụ”.
Charles Miller, chủ tịch của NexGen Space LLC, một công ty dịch vụ không gian thương mại, từng nói rằng trong tương lai ai có thể giành thế chủ đạo trong vũ trụ, thì sẽ kiểm soát được địa cầu và xác định các nền văn minh và biết được giá trị thật sự của nó. Trong hai thập kỷ tới, liệu nhân loại có thể tận hưởng quyền tự do và tôn trọng, hay sẽ phải chịu nhận áp bức và đàn áp, sẽ được quyết định.
Bắc Kinh dường như biết rất rõ điều này. Hiện tại, Bắc Kinh có nhiều vụ phóng tên lửa đi vào không gian vũ trụ hơn Hoa Kỳ. Hơn nữa, chính phủ Bắc Kinh đã cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho các công ty hàng không vũ trụ để họ tích cực phát triển.
Ngoài ra, ĐCSTQ đang đánh cắp các công nghệ từ Hoa Kỳ và Nga, nhanh chóng phát triển khả năng không gian thương mại và đầu tư sức mạnh của mình để gây ảnh hưởng đến tương lai.
Ông Gingrich lưu ý rằng mối đe dọa tàu không gian của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ là có thật, và Hoa Kỳ không thể tự mãn. Hoa Kỳ cần cho phép các công ty tư nhân như SpaceX đổi mới và dẫn dắt Hoa Kỳ hướng tới ngành du lịch và cư trú vũ trụ trong tương lai. Ông cho rằng, những nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn NASA, mặc dù NASA có thể đóng một vai trò quan trọng, nó không thể tự vận hành.
Bài báo cáo cuối cùng đã cảnh báo: “Vũ trụ thực sự có nguồn tài nguyên vô hạn và có thể cung cấp cơ hội vô hạn cho nhân loại. Nếu chính quyền độc tài ĐCSTQ vượt qua Hoa Kỳ trong lĩnh vực vũ trụ, thì hy vọng sẽ rất nhanh biến thành tuyệt vọng”.
Trong cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu, tốc độ phát triển của NASA vẫn không dừng lại
Vào ngày 27/5, các phi hành gia của NASA đã cất cánh từ Hoa Kỳ lên quỹ đạo trên một tên lửa SpaceX của một công ty tư nhân.
Kể từ chuyến bay tàu con thoi cuối cùng của NASA vào năm 2011, các phi hành gia đã không đi vào quỹ đạo vũ trụ từ Hoa Kỳ, tên lửa Soyuz của Nga là cách duy nhất để các phi hành gia di chuyển đến các trạm vũ trụ. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên trong lịch sử bay vào vũ trụ của nhân loại, công ty tư nhân SpaceX đã đảm nhận sứ mệnh này.
SpaceX đã gửi hai phi hành gia NASA là Robert Behnken và Douglas Hurley đến Trạm vũ trụ quốc tế. Họ đã dùng tên lửa Falcon 9 do SpaceX cung cấp và vị trí cất cánh là Canaveral, Florida.
Phó Tổng thống Mỹ Pence cho biết, ngay cả trong một cuộc khủng hoảng quốc gia do đại dịch viêm phổi Vũ Hán, NASA vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình. Hai phi hành gia rời khỏi Trung tâm vũ trụ Kennedy, đó là một sự khích lệ lớn đối với Hoa Kỳ.
Lý Tịnh
Theo Secret China
Hoa Kỳ sẽ hành động để ngăn Trung Cộng thu thập dữ kiện về người Mỹ
Tin từ Washington, DC – Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có kế hoạch cấm ứng dụng TikTok do Trung Cộng sở hữu hay không, vào hôm thứ Tư tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, chính quyền tổng thống Trump sẽ thực hiện các bước để bảo đảm chính quyền Trung Cộng không thể lấy được thông tin cá nhân của công dân Hoa Kỳ thông qua viễn thông và mạng xã hội.
Ông Pompeo cũng ca ngợi những công ty kỹ thuật Hoa Kỳ Google, Twitter và Facebook vì đã từ chối cung cấp dữ kiện người dùng cho chính phủ Hồng Kông, sau khi Trung Cộng thiết lập luật an ninh quốc gia mới cho thành phố bán tự trị này, đồng thời ông Pompeo cũng kêu gọi các công ty khác noi theo những công ty kỹ thuật trên.
Hai ngày sau khi nói Washington đang xem xét về việc cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Cộng, bao gồm cả TikTok, ông Pompeo khẳng định rằng đánh giá của Hoa Kỳ không tập trung vào một công ty cụ thể nào mà đó là vấn đề an ninh quốc gia.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ lo lắng về an ninh quốc gia đối với việc giải quyết dữ kiện người dùng của TikTok. Họ lo lắng rằng luật pháp Trung Cộng yêu cầu các công ty trong nước hỗ trợ và hợp tác với công tác tình báo do Đảng Cộng sản Trung Cộng kiểm soát.
Ứng dụng này đang tìm cách thoát khỏi nguồn gốc Trung Cộng của nó để thu hút khách hàng toàn cầu. Ông Pompeo nhắc lại sự cần thiết của các đồng minh và cộng đồng quốc tế trong việc giúp định hình cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi chính quyền Trung Cộng. (BBT)
Mỹ sắp chung quyết lệnh cấm đối với 5 công ty Trung Quốc
Chính quyền Trump dự định tuần này sẽ chung quyết các quy định cấm chính phủ Mỹ mua hàng hóa hay dịch vụ của bất cứ công ty nào dùng sản phẩm từ 5 công ty Trung Quốc trong đó có Huawei, Hikvision và Dahua, một giới chức Mỹ cho biết.
Quy định theo luật năm 2019 có thể có ảnh hưởng rộng rãi hơn đối với những công ty bán hàng hóa và dịch vụ cho chính phủ Mỹ vì hiện nay họ cần chứng nhận là không dùng những sản phẩm của Dahua hay Vikvision dù hai công ty này nằm trong số những công ty hàng đầu bán thiết bị theo dõi và camera an ninh trên toàn thế giới.
Việc này cũng áp dụng cho sản phẩm của tập đoàn Hytera Communications và những trang bị viễn thông hay thiết bị di động như điện thoại thông minh của Huawei hay ZTE.
Bất cứ công ty nào dùng trang bị hay dịch vụ từ 5 công ty này trong vận hành hàng ngày sẽ không còn có thể bán hàng cho chính phủ mà không xin lệnh miễn trừ từ chính phủ Mỹ.
Hành động của Tòa Bạch Ốc được đưa ra giữa những căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng về cách thức ứng phó với virus corona, hành động của Trung Quốc đối với Hong Kong và gần hai năm thương chiến Mỹ-Trung.
Chính phủ Mỹ hàng năm ký hơn 500 tỉ đô la hợp đồng với các công ty tư, theo Văn phòng Kế toán của Chính phủ.
Quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 13/8.
Đây là nỗ lưc mới nhất của Washington nhằm cô lập các công ty Trung Quốc.
Năm ngoái, Mỹ đưa Huawei, Hikvision và các công ty khác vào danh sách đen về kinh tế, cấm các công ty này mua các bộ phận của công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Vào ngày 30/6, Ủy ban Truyền thông Liên bang chính thức chỉ định Huawei và ZTE đe dọa an ninh nước Mỹ, một tuyên bố cấm các công ty Mỹ sử dụng ngân quỹ của chính phủ trị giá 8,3 tỉ đô la để mua trang bị từ các công ty này.
Mỹ thực hiện đầy đủ lệnh cấm đối với các nhà thầu phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc
Bình luận Thanh Hương
Nhà Trắng cho biết họ sẽ thực thi mạnh mẽ một lệnh cấm của chính phủ đối với việc mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào từ các thực thể sử dụng công nghệ có chứa các thành phần do các công ty Trung Quốc sản xuất, khi các điều khoản của luật được thông qua vào năm 2018 sẽ có hiệu lực vào tháng 8 năm nay.
Chính quyền Tổng thống Trump tin rằng việc thực thi mạnh mẽ luật mới này là rất quan trọng để chống lại các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ đến từ các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc bao gồm Huawei và ZTE, theo lời một quan chức chính quyền cấp cao.
Điều này xảy ra khi Giám đốc FBI Christopher Wray công khai chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc vì các cuộc tấn công mạng đang diễn ra và các hành động thù địch khác. Các cuộc tấn công như vậy thường liên quan đến việc sử dụng các công nghệ đến từ các công ty có trụ sở tại Trung Quốc.
Phát biểu tại sự kiện của Học viện Hudson vào ngày 7/7 vừa qua, ông Wray cho biết: cứ sau 10 giờ đồng hồ, FBI lại mở một vụ phản gián mới liên quan đến Trung Quốc.
“Mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với thông tin và sở hữu trí tuệ của quốc gia chúng ta, và đối với sức sống kinh tế của chúng ta, là mối đe dọa gián điệp kinh tế và phản gián từ Trung Quốc”, ông nói.
Vào ngày 13/8/2018, Tổng thống Donald Trump đã ký thành luật Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019, được Quốc hội phê chuẩn với sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Mục 889 của NDAA có hai lệnh cấm đối với mua sắm của chính phủ liên bang.
Tiểu mục A, bắt đầu có hiệu lực vào tháng 8/2019, cấm các cơ quan liên bang mua thiết bị viễn thông, thiết bị giám sát video, và dịch vụ từ năm công ty được xác định có trụ sở tại Trung Quốc là Huawei, ZTE, Truyền thông Hytera, Hàng Châu Hikvision và Công ty Công nghệ Dahua.
Các công ty này không thể bảo đảm sự độc lập khỏi nhà nước cộng sản Trung Quốc, vốn từ lâu đã tham gia vào một quá trình xung đột với các quốc gia tự do như Hoa Kỳ.
Tiểu mục B, sẽ có hiệu lực vào ngày 13/8, rộng hơn nhiều. Nó cấm chính phủ liên bang ký hợp đồng với bất kỳ công ty nào mà phụ thuộc vào các sản phẩm, thiết bị hoặc dịch vụ từ năm công ty được liệt kê trong đạo luật – trừ khi họ được cấp phép.
Nhiều công ty Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng, vì việc tuân thủ sẽ gặp nhiều thách thức khi Tiểu mục B có hiệu lực. Các công ty tuyên bố rằng độ bao phủ rộng của luật và sự phức tạp của chuỗi cung ứng của chính phủ sẽ khiến các nhà thầu gặp khó khăn trong việc đáp ứng thời hạn tháng 8.
“Mối nguy hiểm mà quốc gia của chúng ta phải đối mặt đến từ các đối thủ nước ngoài như Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập vào hệ thống của chúng ta là rất lớn”, ông Russ Vought, giám đốc của Văn phòng Quản lý và Ngân sách, đã nêu trong một email.
Ông nói rằng với việc thực hiện đầy đủ lệnh cấm mua sắm liên bang, “chính quyền của Tổng thống Trump đang giữ cho chính phủ của chúng ta đủ mạnh mẽ để chống lại các mạng bất chính như Huawei”.
Việc thực thi đầy đủ lệnh cấm của chính quyền có nghĩa là tất cả các cơ quan liên bang muốn được cấp phép sẽ được yêu cầu tiến hành một phân tích an ninh quốc gia về hoạt động của họ. Điều đó sẽ giúp đảm bảo rằng mục đích của luật pháp nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng và mạng lưới thông tin liên lạc của Mỹ khỏi các tác nhân nước ngoài thù địch được đáp ứng và luật pháp được tôn trọng.
Đạo luật được Quốc hội thông qua đã không yêu cầu một cách rõ ràng việc kiểm tra an ninh quốc gia.
Bằng cách yêu cầu loại trừ hoàn toàn các công ty Trung Quốc khỏi việc mua sắm của chính phủ liên bang, chính quyền của Tổng thống Trump đang nhắm tới mục đích chống lại sự can thiệp của nước ngoài vào công nghệ và mạng lưới của Mỹ.
Lệnh cấm về cơ bản đưa ra tối hậu thư cho các công ty, buộc họ phải lựa chọn giữa chính phủ Hoa Kỳ và các công ty Trung Quốc.
Thanh Hương
Theo The Epoch Times
Giáo sư đại học Mỹ bị bắt với cáo buộc sử dụng 4 triệu USD tài trợ của Hoa Kỳ để tiến hành nghiên cứu cho Trung Quốc
Văn Thiện • 10/07/20•
Một giáo sư của Đại học bang Ohio bị buộc tội sử dụng hơn 4 triệu USD do Hoa Kỳ cấp để phát triển chuyên ngành thấp khớp và miễn dịch cho chính phủ Trung Quốc, theo một bản cáo trạng chưa được tiết lộ hôm thứ Năm.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) cho biết trong một thông cáo báo chí, ông Song Guo Zheng, 57 tuổi, đã bị bắt vào ngày 22/5 tại một sân bay ở thành phố Anchorage, Alaska khi đang chuẩn bị lên chuyến bay điều lệ đến Trung Quốc.
DOJ cho biết tại thời điểm bị bắt giữ, ông Zheng đang mang ba túi lớn chứa các thiết bị điện tử, hộ chiếu Trung Quốc hết hạn cho gia đình, chứng thư cho một tài sản ở Trung Quốc, và một số vật dụng khác.
Bản cáo trạng hôm thứ Năm cáo buộc Zheng với tội gian lận tài trợ vì không tiết lộ về việc ông đã tham gia vào một kế hoạch sử dụng khoảng 4,1 triệu USD tiền tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) để giúp chính phủ Trung Quốc. Ông đã được lệnh bắt giữ mà không có bảo lãnh vì một thẩm phán xác định ông có thể bỏ trốn.
Zheng cũng bị buộc tội báo cáo dối trá về việc làm của ông ở Trung Quốc trong khi cùng lúc được tuyển dụng tại Đại học bang Ohio, Mỹ.
Một bản khai được nộp sau khi bị bắt giữ cáo buộc rằng kể từ năm 2013, Zheng đã tham gia Kế hoạch Tài năng Trung Quốc, một chương trình do chính phủ Trung Quốc thành lập để tuyển dụng các cá nhân có kiến thức hoặc tiếp cận với sở hữu trí tuệ công nghệ nước ngoài.
Trợ lý Tổng chưởng lý An ninh Quốc gia John C. Demers cho biết: “Một lần nữa, chúng tôi phải đối mặt với một giáo sư tại một trường đại học Hoa Kỳ, thành viên của Kế hoạch Tài năng Trung Quốc. Ông này bị cáo buộc cố tình không tiết lộ mối quan hệ của mình với một trường đại học Trung Quốc và nhận tiền từ Chính phủ Trung Quốc để thu về hàng triệu USD tiền hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho việc mang lại lợi ích cho sức khỏe và hạnh phúc của người dân Mỹ – không phải để chiếm đoạt và bổ sung cho các mục tiêu nghiên cứu của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Zheng phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm vì tội gian lận hoặc ăn hối lộ, và tối đa 5 năm vì tội báo cáo dối trá. Trường hợp của ông dự kiến sẽ được trình lên bồi thẩm đoàn liên bang để có thể truy tố. Cuộc điều tra về ông vẫn đang được tiếp tục.
Văn Thiện
Theo foxnews
Gần 67% số người lao động bị sa thải vì đại dịch nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp cao hơn mức lương của họ
Những người thu nhập thấp bị ảnh hưởng rất nhiều nếu họ bị sa thải vì đại dịch coronavirus. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ đang nhận được các khoản trợ cấp đền bù cao gấp đôi mức lương của họ. Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) đã xem xét xu hướng việc làm trong ba tháng qua, cho thấy khoảng 2/3 nhân viên đã bị sa thải đạt đủ điều kiện để nhận trợ cấp cao hơn số tiền mà họ nhận được từ công việc cũ.
Trong một số trường hợp, sự gia tăng này là rất lớn. Theo một nghiên cứu của Peter Ganong, Joseph S. Vavra và Pascal J. Noel thuộc NBER, những người lao công thất nghiệp có thể nhận 158% tiền lương của họ, trong khi nhân viên bán lẻ có thể nhận được 142% số tiền họ kiếm được trước khi bị sa thải.
Nhìn chung, 3 nhà nghiên cứu nói trên phát hiện ra rằng 68% người thất nghiệp có thể nhận được trợ cấp cao hơn nhiều so với mức lương, với tỷ lệ chênh lệch trung bình là 134%. Những nghề nghiệp có tỷ lệ bồi thường thất nghiệp cao nhất so với tiền lương bao gồm dịch vụ ăn uống, người gác cổng và phụ tá y tế.
Số tiền trợ cấp bổ sung là kết quả của Đạo luật CARES nhằm cung cấp một chiếc bè cấp cứu cho những người lao động bị sa thải do đại dịch. Chương trình này mang lại cho hàng triệu công nhân 600 mỹ kim/tuần cộng với những gì họ thường nhận được trong các khoản trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, các công nhân được coi là thiết yếu, chẳng hạn như những người chăm sóc sức khỏe và nhân viên tại các cửa hàng tạp hóa, lại đang nhận được mức lương bình thường khi họ tiếp tục làm việc trong cuộc khủng hoảng.
Mặc dù CARES đã giúp mang lại sự ổn định tài chính cho các gia đình bị ảnh hưởng, nhiều người lo ngại rằng đạo luật này mang lại cho người lao động thêm động lực để không trở lại làm việc. Các khoản trợ cấp của Đạo luật CARES sẽ hết hạn vào cuối tháng 7. (BBT)
7 tiểu bang ảnh hưởng nặng nhất trước lệnh cấm sinh viên du học tiếp tục ở lại Hoa Kỳ nếu học trực tuyến toàn thời gian
Chính quyền tổng thống Trump vừa ra quyết định tước visa của những du học sinh học trực tuyến hoàn toàn vào kỳ mùa thu này tại các trường đại học. Quyết định này có thể khiến tình trạng cư trú của hơn 1 triệu sinh viên gặp rủi ro, và ảnh hưởng rất lớn đến một số tiểu bang của Hoa Kỳ.
Theo thống kê, tiểu bang California, New York, Texas, Massachusetts, Illinois, Pennsylvania và Florida sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách này, khi các sinh viên có visa F-1 hoặc M-1 buộc phải rời khỏi Hoa Kỳ hoặc chuyển đến những trường có giảng dạy trực tiếp trên lớp.
Theo dữ kiện từ Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA), bảy tiểu bang kể trên nằm trong số những tiểu bang có nhiều trường đại học dạy hệ bốn năm nhất, chiếm khoảng một nửa số du học sinh ghi danh học tại Hoa Kỳ trong năm học 2018-19. Nhìn chung, sinh viên quốc tế đã đóng góp 41 tỷ Mỹ Kim cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2018-19.
Tính đến nay, hai trường đại học tại Massachusetts – gồm đại học Harvard và MIT – đã nộp đơn kiện chính quyền tổng thống Trump vào hôm thứ Tư, nhằm tìm cách ngăn chặn chính sách này và tuyên bố chính sách này là bất hợp pháp. (BBT)
Tranh cãi chuyện tái mở cửa các trường học ở Mỹ
Một số người gốc Việt trong ngành giáo dục ở Mỹ không đồng tình với yêu cầu của chính quyền đòi các trường học phải mở cửa trở lại hoàn toàn do lo ngại cho sức khoẻ, tính mạng của học sinh, sinh viên và các giáo viên trong trường, theo tìm hiểu của VOA.
Trong buổi thảo luận về mở cửa lại trường học hôm thứ Ba ngày 7/7 có sự tham dự của Đệ nhất phu nhân Melania Trump và phó Tổng thống Mike Pence, Tổng thống Donald Trump được kênh ABC dẫn lời nói rằng: “Chúng tôi muốn mở cửa lại trường học. Ai cũng muốn điều này. Những người làm mẹ muốn, những người làm cha muốn, mấy đứa trẻ cũng muốn. Đã đến lúc mở cửa lại trường học.”
Tòa Bạch Ốc dẫn lời ông Trump nói rằng: “Nước Mỹ cần phải trở lại, và cần phải trở lại càng sớm càng tốt. Và tôi không xem đất nước chúng ta đã trở lại nếu như các trường học vẫn tiếp tục đóng cửa.”
Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos yêu cầu các trường học ở Mỹ ‘phải mở cửa hoàn toàn chứ không được học từ xa hay học bán thời gian’ trong năm học mới sắp khai giảng vào mùa Thu, theo tường thuật của AP. Bà thúc giục các trường học mở cửa giảng dạy đủ 5 ngày trong tuần và gọi việc học từ xa qua mạng là ‘thảm họa’.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), việc mở cửa hoàn toàn trường học với tất cả học sinh-sinh viên trở lại tham gia đầy đủ tất cả các hoạt động và chia sẻ sách vở, tài liệu, học cụ ‘có nguy cơ cao nhất sẽ bị lây nhiễm virus corona’.
‘Không khả thi’
Từ thành phố Sacramento, thủ phủ tiểu bang California, ông Phẻ Bạch, giáo viên dạy Hóa của trường trung học Mira Loma, nói với VOA rằng yêu cầu của Bộ trưởng Giáo dục DeVos ‘không khả thi’.
“Việc mở cửa lại hoàn toàn dính đến an toàn của số đông. Hiện giờ chúng ta không đủ bộ xét nghiệm cho tất cả các em và giáo viên nên rất nguy hiểm cho tính mạng của các em. Hơn nữa, các em đeo mặt nạ cả ngày cũng đâu chịu nổi,” ông lập luận.
Theo thầy giáo này, điều kiện để các trường học mở cửa lại hoàn toàn là ‘phải đảm bảo sức khoẻ của giáo viên và học sinh ít nhất từ 70% trở lên’ và nhất là khi có vaccine.
“Khi nào CDC nói là an toàn để mở cửa trở lại thì mình mới mở lại được,” ông nói thêm. “Nếu có một người nào đó bị nhiễm thì 100 người khác sẽ bị theo và sẽ bị cách ly. Không có người khác dạy thế thì sẽ rất là khổ.”
Do đó, ông dự đoán rằng các trường học trên khắp nước Mỹ ‘sẽ khó mà trở lại dạy bình thường trong mùa Thu này’ và ông chỉ ‘hy vọng vào mùa Đông mà thôi’.
Riêng về trường trung học Mira Loma nơi ông đang giảng dạy, giáo viên này cho biết hiện giờ nhà trường cân nhắc hai lựa chọn: một là mỗi tuần sẽ có hai ngày học trên lớp, ba ngày học qua mạng; hai là chia lớp ra làm đôi, một nửa học ca sáng, nửa kia học ca chiều.
Tuy nhiên, phải chờ đến ngày 13/7 tới đây thì nhà trường mới quyết định sẽ chọn giải pháp nào, ông cho biết.
Theo lời ông thì với cách dạy song song vừa trực tiếp vừa trực tuyến, các giáo viên ‘phải chuẩn bị hai giáo án’ nên rất vất vả, trong khi chia lớp ra làm hai thì các giáo viên phải dạy hai lần.
“Phụ huynh dĩ nhiên muốn con em mình trở lại trường tại vì ở nhà đã quá chán và các em dùng máy tính, các thiết bị điện tử quá nhiều. Tuy nhiên họ cũng sợ con cái mình đi học sẽ bị bệnh và đem về lây cho gia đình,” ông nói.
Do đó, người thầy giáo đồng thời cũng là một phụ huynh này cho rằng trường học không nên mở cửa lại hoàn toàn ngay mà ‘cần tìm giải pháp cân bằng’ giữa việc mở cửa lại và đảm bảo an toàn.
Với kinh nghiệm dạy học trong mùa dịch, thầy Phẻ cho rằng việc giảng dạy trực tuyến ‘không hiệu quả’.
Ông giải thích một số gia đình không đủ điều kiện trang bị máy tính cho con cái tham gia học trực tuyến hoặc có những gia đình chẳng hạn như ba mẹ đã ly dị sẽ thiếu sự theo dõi, đôn đốc việc học của con.
Riêng với môn Hóa mà ông đang giảng dạy, ông cho biết cần phải có sự thể hiện, minh họa, làm bài tập chỉ cho các em thấy để kích thích sự hứng thú theo dõi bài học, mà những việc này, theo ông, ‘rất khó làm qua mạng’.
“Dạy trực tuyến đòi hỏi tính kỷ luật ở các em để có thể kiểm soát thời gian và không gian của mình,” ông giải thích. “Tôi dạy các em không thấy mặt mày các em đâu nên chỉ dạy một chiều không biết các em có tiếp thu được không. Nếu bảo các em bật camera lên thì có những đứa còn nằm ngủ trên giường nữa.”
‘Dạy hỗn hợp’
Từ Đại học Công giáo Hoa Kỳ ở thủ đô Washington D.C., Giáo sư-Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn cho biết trong học kỳ mùa Thu tới đây, trường ông sẽ xây dựng chương trình giảng dạy hỗn hợp (hybrid) tức kết hợp cả học trên lớp và học ở nhà.
“Thí dụ như lớp có 30 sinh viên thì 15 em đến lớp, 15 em học qua mạng ở nhà. Đến hôm sau 15 em kia trở lại lớp còn 15 em đã đến lớp sẽ học ở nhà,” ông giải thích.
“Như vậy chúng tôi sẽ áp dụng được việc giãn cách xã hội là các em phải cách nhau 6 feet,” ông nói và cho biết trường ông năm nay sẽ khai giảng sớm hơn, rút gọn chương trình hơn để chấm dứt sớm hơn trước Lễ Tạ Ơn do dự trù dịch Covid-19 sẽ bùng phát trở lại vào mùa Đông.
Giáo sư Cường cho hay trường ông quyết định cho sinh viên trở lại lớp vì ‘nghĩ đến quyền lợi của sinh viên khi xin vào học ở trường.’
“Các sinh viên mơ ước khi đi học là học trực diện với giáo sư và các sinh viên khác,” ông nói.
“Dạy trực diện có lợi hơn tại vì nếu chỉ học trực tuyến thì không có cơ hội gặp thầy cô và bạn bè – vấn đề trao đổi ý kiến trong lớp rất quan trọng,” Giáo sư Cường phân tích bất lợi của việc học từ xa.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay thì trường của ông không thể mở cửa lại 100% theo yêu cầu của Bộ trưởng Giáo dục. Theo lời ông, nếu đúng nguyên tắc giãn cách xã hội thì sức chứa của trường bị giảm 50% nên không đủ phòng ốc để mở cửa cho tất cả sinh viên đi học trở lại.
Nếu sau thời gian mở cửa trở lại mà tình hình diễn biến tốt, trường của ông sẽ chuyển sang mở cửa hoàn toàn và kỳ Xuân năm sau, còn ngược lại sẽ chuyển sang học trực tuyến 100%, theo lời vị giáo sư này.
Về yêu cầu mở cửa lại trường học hoàn toàn, Giáo sư Cường nói ông ‘không ủng hộ’.
“Tôi thấy như vậy rất nguy hiểm cho các em sinh viên, tại vì các sinh viên đi học trở lại thì mình không thể hoàn toàn có thể điều khiển được hành động của các em,” ông nói.
Do đó, ông cho rằng không nên gấp gáp mở cửa lại trường học 100% mà ‘nên có thời gian chuyển tiếp dần dần để xem có chỗ nào sai sót thì điều chỉnh’.
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ngừng gia hạn visa cho ký giả nước ngoài
Tin Washington DC – Hàng chục ký giả nước ngoài làm việc cho Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA, cơ quan truyền thông quốc tế của chính phủ liên bang, sẽ không được gia hạn visa một khi visa hiện tại của họ hết hạn. Các nguồn tin của NPR cho biết, tổng giám đốc mới của Cơ quan truyền thông quốc tế Hoa Kỳ, ông Michael Pack, đã tỏ ý rằng ông sẽ không phê chuẩn việc gia hạn visa. Ngoài ra, vào thứ Tư, 8 tháng 7, ông Pack cũng sa thải ông Bay Fang, cựu lãnh đạo đài Á châu tự do, cũng là người bị ông Pack giáng chức trước đây.
Các ký giả nước ngoài được coi trọng nhờ khả năng ngôn ngữ của họ, vốn rất cần thiết cho các nhiệm vụ của VOA trong tư cách là cơ quan truyền thông quốc tế. Một ký giả ẩn danh của VOA cho biết, một số ký giả nước ngoài bị buộc trở về quốc gia của họ nhiều khả năng sẽ bị trừng phạt bởi các chế độ thù địch với Hoa Kỳ. Quyết định của ông Pack tương tự với chính sách chung của chính phủ Trump, vốn luôn tìm cách hạn chế diện visa cho phép người nước ngoài làm việc tại Hoa Kỳ, vì lo ngại những người này sẽ tranh giành việc làm với người Mỹ.
Tổng Thống Trump đề cử ông Pack làm tổng giám đốc cơ quan truyền thông quốc tế từ 2 năm trước, nhưng sự đề cử này chỉ mới được Thượng Viện chấp thuận vào tháng trước. Ngay khi nhậm chức, ông Pack ngay lập tức sa thải các giám đốc của mọi đơn vị dưới quyền, bao gồm cả các đài Âu châu tự do, Á châu tự do, và Phòng truyền thông Cuba. (BBT)
Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết: Biện lý quận Manhattan có thể lấy bản khai thuế của Tổng Thống Trump
Vào hôm thứ năm (ngày 9 tháng 7), Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã đưa ra 2 phán quyết trái chiều trong hai vụ kiện về việc liệu Tổng thống Trump có thể từ chối giao nộp bản khai thuế cá nhân cho các nhân viên điều tra hay không.
Với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết rằng Biện lý Quận Manhattan có thể yêu cầu và lấy bản khai thuế của Tổng thống, nhưng lại không cho phép Hạ viện làm điều tương tự. Cả hai trường hợp sẽ được tòa dưới tiếp tục xem xét.
Chánh thẩm John Roberts là người viết ra phán quyết, và ông được sự ủng hộ của các thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, Stephen Breyer, Sonia Sotomayor, Elena Kagan, Brett Kavanaugh và Neil Gorsuch. Riêng Thẩm phán Clarence Thomas Samuel Alito bỏ phiếu chống. Trong phán quyết của tối cao pháp viện, Chánh thẩm Roberts viết rằng hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ ghi rằng công chúng có quyền xem xét các bằng chứng của mọi người, và “mọi người” ở đây có cả Tổng thống Hoa Kỳ.
Đây là lần đầu tiên Tối Cao Pháp Viện trực tiếp phán quyết về một vấn đề liên quan đến cá nhân của Tổng thống Trump. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump là người kín tiếng nhất về tài chính của ông hơn bất kỳ tổng thống nào trong nhiều thập kỷ, từ chối công bố bản khai thuế cá nhân cho công chúng ngay cả khi ông đang nỗ lực tái tranh cử.
Vụ kiện từ Manhattan bắt nguồn từ một cuộc điều tra do Biện lý Quận Cy Vance Jr. theo đuổi về khoản tiền hối lộ mà Tổng thống Trump đã trả cho hai người phụ nữ ngay trước cuộc bầu cử năm 2016. (BBT)
Covid-19: Châu Mỹ lún sâu vào vực thẳm
Thanh Hà
Thêm hơn 65.000 ca lây nhiễm virus corona trong một ngày tại Mỹ, hệ thống y tế tại Panama “vỡ trận”, quyền tổng thống Bolivia dương tính với Covid-19.
Tính đến 8 giờ 30 tối ngày 09/07/2020, Mỹ ghi nhận thêm 65.500 ca dương tính với virus corona và 1.000 bệnh nhân tử vong, theo thẩm định của đại học Johns Hopkins. Trên toàn quốc, nước Mỹ đã có tổng cộng 3,11 triệu người bị nhiễm.
Bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng, nói đến “tình trạng rất khó khăn” của nước Mỹ trước dịch Covid-19. Ông mạnh mẽ chỉ trích các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa bất cẩn, và các quyết định “xem thường tất cả những khuyến nghị“. Trả lời báo The Hill qua cầu truyền hình, giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ cho rằng “các bang phải tạm ngừng tiến trình xóa bỏ các biện pháp phong tỏa” và điều đó không có nghĩa là phải “đóng cửa hoàn toàn” các sinh hoạt trên toàn quốc.
Mặc dù số ca nhiễm virus corona tại Mỹ tăng lên từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, tổng thống Trump cho đến hôm 09/7 vẫn khẳng định là tình hình đã khả quan hơn và số bệnh nhân tăng mạnh nhờ Mỹ cho xét nghiệm ồ ạt.
Nam Mỹ ʺvỡ trậnʺ
Sát cạnh với Hoa Kỳ, hôm 09/07/2020 cũng là ngày Mêhicô có số bệnh nhân cao nhất từ đầu mùa dịch với thêm 7.280 ca được phát hiện trong một ngày. Trên tổng số 127 triệu dân, Mêhicô sắp chạm ngưỡng 290.000 ca nhiễm và đã có 33.526 người tử vong. Mêhicô đứng thứ 5 trên thế giới về thiệt hại nhân mạng.
Trong khi đó hệ thống y tế Panama đã bị quá tải. Với vỏn vẹn 4 triệu dân, quốc gia này có lúc đã ghi nhận thêm hơn 1.000 ca dương tính với virus corona trong một ngày. Bác sĩ David Villalobos, giám đốc khoa cấp cứu tại thủ đô Panama báo động “hệ thống y tế nước này đã hoàn toàn sụp đổ. Không còn một bệnh viện nào ở thủ đô có thể đón nhận thêm bệnh nhân“.
Tại La Paz, quyền tổng thống Bolivia bà Jeanine Anez ngày 09/07/2020 cho biết bị nhiễm Covid-19, hiện tại sức khỏe vẫn tốt. Ba thành viên trong nội các cũng đã bị nhiễm bệnh. Sau tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, bà Jeanine Anez là lãnh đạo Nam Mỹ thứ nhì dương tính với virus corona chủng mới. Brazil tính đến ngày 10/07/2020 đã có hơn 69.000 bệnh nhân tử vong và hơn 1,75 triệu người bị nhiễm virus corona.
Max Hastings: ‘Anh cần làm gì với Rồng Trung Hoa’?
Sử gia Max Hastings nói chỉ có cách hồi phục liên minh thì Phương Tây mới đối phó được với ‘mối đe dọa là Trung Quốc’.
Viết trên báo Anh, tờ Sunday Times (05/07/2020), sử gia, nhà báo nổi tiếng của Anh Quốc, Sir Max Hastings, cho rằng “Anh hiện chỉ có thể đứng nhìn Trung Quốc bóp nghẹt tự do ở Hong Kong”.
Trong bài “Can we ever tame the Dragon?” (Chúng ta có khi nào thuần phục được Con Rồng?), ông Hastings, tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử Âu, Á, gồm cuốn ‘Vietnam, an Epic Tragedy 1945-1975′ vừa xuất bản năm 2019, nói Anh không thể nào một mình đối mặt với Trung Quốc.
Thậm chí, Liên minh Bắc Đại Tây Dương (Nato), theo ông, hiện hoàn toàn không thích hợp (unfit) để xử lý đe dọa từ Trung Quốc.
Về tuyên bố của lãnh đạo Anh liên quan đến khả năng cử Hải quân tới vùng Biển Đông, Sir Max Hastings viết:
“Thật là ngu ngơ nếu chúng ta bắt đầu trò múa kiếm, bằng cách gửi các hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoàng gia tới vùng biển Nam Trung Hoa, như lời Boris Johnson nói khi làm Bộ trưởng Ngoại giao.”
“Nước Anh cần bỏ cách giả vờ muốn tham gia vào một cuộc chiến nổ súng (shooting war) ở châu Á vào lúc này, và trong tương lai.”
Đánh giá tình hình một cách thực tiễn, Sir Max Hastings cho rằng đe dọa từ Trung Quốc với các nền dân chủ Phương Tây hiện nay nghiêm trọng hơn Liên Xô ngày xưa, vì một số lý do.
“Chúng ta thắng Chiến tranh Lạnh một phần vì kinh tế Liên Xô tự sụp đổ, một phần nhờ Nato vững chắc ghê gớm.”
“Ngày nay, vẫn chỉ có Hoa Kỳ đủ sức lãnh trách nhiệm chỉ đạo một liên minh chúng ta có thể hình dung ra chống lại Trung Quốc, như thời chống lại Liên Xô. Nhưng bây giờ Hoa Kỳ đang có một tổng thống theo đuổi các chính sách thiếu liền lạc một cách kinh ngạc, và ông ta khinh bỉ mọi đồng minh.”
Ông Hastings trích dẫn nhà nghiên cứu Pháp, Francois Heisburg và lo ngại từ Pháp là kể cả khi Trump tái đắc cử thì liệu có hay không một chiến lược hiệu quả chống lại Bắc Kinh.
Trong những ngày qua, không chỉ Max Hastings mà nhiều cây bút khác tại Anh, Mỹ nhận định ngày càng rõ về điều họ gọi là “những đe dọa của Trung Quốc”.
Đó là vấn đề độc quyền và kiểm soát nhân khẩu bằng phương tiện điện tử, số liệu lớn (big data) Bắc Kinh áp dụng với toàn bộ người thiểu số Uighur ở Tân Cương.
Họ lo ngại mô hình này không chỉ sẽ được làm với Hong Kong mà còn cho cả thế giới.
Đó là vấn đề kinh tế và cả căng thẳng Biển Đông mà các cây bút này cho là cách Trung Quốc thách thức luật chơi quốc tế.
Trong bối cảnh này, nhất là sự bất an tại Anh và châu Âu về tổng thống Trump, ông Hastings khẳng định “Đứng một mình, Anh Quốc không đủ mạnh để vào cuộc đấm đá chân tay (bare-knuckle showndown) với Trung Quốc”.
Mặt khác, ông cho rằng để tránh chiến tranh thì Anh và các nước Phương Tây vẫn phải cố gắng tìm cách “ngăn chặn sự hung bạo của Trung Quốc trong nước và trên trường quốc tế”.
Khẩu chiến ngày một công khai
Chính giới Hoa Kỳ, Anh, Úc và châu Âu nay công khai nói về thách thức và tham vọng thống trị của Đảng Cộng sản TQ và chủ tịch Tập Cận Bình, điều Trung Quốc bác bỏ.
Bộ trưởng Michael Gove gần đây nói Trung Quốc “đại diện cho những điều độc ác” (evil), và cần “chống lại sự áp bức” mà Trung Quốc thể hiện tại Hong Kong.
Về phía mình, Trung Quốc luôn khẳng định sự phát triển của nước này có mục tiêu vì hoà bình, thịnh vượng chung và phê phán thái độ “đơn cực”, trở lại “não trạng đối đầu của Chiến tranh Lạnh”.
Gần đây nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói (09/07/2020) trên trang web chính phủ Trung Quốc, thừa nhận “quan hệ với Hoa Kỳ đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ 1979.
Tuy thế, ông Vương Nghị kêu gọi hay bên cùng tìm hiểu các cách thức “để cùng tồn tại hòa bình”.
Còn với Anh Quốc, nước cựu thuộc địa làm chủ Hong Kong đến 1997, Bắc Kinh dành cho nhiều lời lẽ rất nặng.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh cảnh báo công khai nước Anh về một số quyết định, tuyên bố của Thủ tướng Boris Johnson về Hong Kong sau khi luật an ninh của Bắc Kinh tại Hong Kong có hiệu lực.
Ông Lưu trích dẫn câu nói của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Zbigniew Brzezinski, “Nếu chúng ta biến Trung Quốc thành kẻ thù, thì Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù” để nhắc nhở Anh nên “biết điều”.
Công nhân hãng Airbus biểu tình phản đối việc cắt giảm nhân sự
Tin từ Toulouse, Pháp/ Berlin – Hôm thứ tư (8/7), hàng ngàn công nhân của Airbus diễn hành dọc theo một phi đạo ở Pháp, và tổ chức một cuộc biểu tình ghế trống tại Đức để phản đối kế hoạch cắt giảm tới 15,000 nhân công của hãng.
Vào tuần trước, Airbus tuyên bố cắt giảm 11% lực lượng lao động, cho biết sự sống sót của hãng đang bị đe dọa do sự suy thoái du lịch hàng không trong bối cảnh khủng hoảng coronavirus. Tại phi trường Toulouse ở Pháp, khoảng 7,000 đến 9,000 công nhân đã rời khỏi các nhà máy và tổ chức biểu tình gần phi đạo, mang theo biểu ngữ phản đối việc cắt giảm nhân sự bắt buộc. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra tại Airbus. May mắn thay, các chuyến bay không bị ảnh hưởng.
Các nghiệp đoàn đã bắt tay vào đàm phán để cố gắng thu hẹp quy mô việc cắt giảm nhân sự. Bên cạnh đó, tại Hamburg, Đức, các công nhân đã đặt 2,000 chiếc ghế trống để tượng trưng cho những công việc mà họ bị mất. Người đứng đầu hiệp hội IG Metall cho biết, hãng Airbus có thể nắm bắt cuộc khủng hoảng để thuê lao động mới rẻ hơn bên ngoài châu Âu.
Tại thành phố Augsburg, Bavaria, các công nhân đã thả ra những chùm bong bóng bay màu đỏ kèm theo yêu cầu của họ. Airbus cho biết, họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà ngành công nghiệp này từng trải qua, và đã cam kết hạn chế tác động xã hội của việc tái tổ chức. Các hiệp hội đã lên tiếng khuyến cáo về việc cắt giảm này, chính phủ Pháp cũng cho rằng kế hoạch trên của hãng là không cần thiết. (BBT)
Pháp cấm đường bay nội địa: Vì môi trường hay lý do chính trị – kinh tế?
Thu Hằng
Người dân Pháp bị hạn chế di chuyển bằng máy bay ? Pháp sẽ lần lượt cấm các chuyến bay nội địa dưới hai tiếng rưỡi để giảm lượng khí thải CO2. Đây là một trong 149 đề xuất của Hội nghị Công dân vì Khí hậu và cũng là một trong những điều kiện để chính phủ Pháp cấp 7 tỉ euro trợ giúp hãng hàng không Air France.
Đổi lại, Air France sẽ giảm 40% chuyến bay nội địa từ nay đến năm 2021 và đến năm 2024 phải giảm được 50% khí thải CO2 từ các chuyến bay trong nước. Thực ra, các tuyến bay nội địa không phải là nguồn lợi nhuận cho Air France, thậm chí còn bị lỗ nếu máy bay có chưa đầy 70-80% hành khách.
Thế nhưng, dịch Covid-19 trở thành cơ hội để chính phủ Pháp, một cổ đông chính của Air France, thúc đẩy tái cấu trúc hãng hàng không, gặp khó khăn về kinh tế từ nhiều năm nay. Các nghiệp đoàn khó có thể phản đối quyết định của chính phủ trước thực tế nghiêm trọng không thể phủ nhận được do dịch Covid-19 gây ra : 98% máy bay ngừng hoạt động trong giai đoạn phong tỏa, đến đầu tháng 07/2020 vẫn có đến 2/3 máy bay đỗ trong kho.
Trả lời phỏng vấn đài BFM TV ngày 25/05, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire cho biết :
« Đối với Air France, nguyên tắc cũng tương tự với tập đoàn Renault, đó là đổi mới, hiện đại hóa đội máy bay để thải ít khí CO2 hơn, bỏ những tuyến bay mà ngành đường sắt cũng có những chặng tương tự nhưng lại xả ít khí thải hơn.
Chính phủ hỗ trợ Air France với một số điều kiện. Những tuyến bay có khoảng cách bay dưới 2 giờ 30 sẽ bị hủy, trừ những tuyến nối với những sân bay để bay đi quốc tế. Hiện tại, chính phủ đang thảo luận với Air France về lịch trình, hiện chưa được xác định, nhưng quy định đã được ấn định và sẽ được tôn trọng, đó là không có chuyện đi máy bay trong khi lại có một tuyến tầu hỏa hoạt động trên cùng khoảng cách đó dưới 2 giờ 30 phút ».
Trong quyết định, chính phủ chỉ nêu lên những lý do sinh thái ; không một hãng hàng không nào khác được mở những chặng đã bị hủy. Luật sư Lionel Guijarro, chuyên về luật hàng không, nhận định với trang LCI ngày 23/06 rằng lý do môi trường được đưa ra hoàn toàn phù hợp với luật châu Âu : « Lý do môi trường được nêu lên rõ ràng. Ngoài ra cần phải có một phương tiện giao thông thay thế và đã tồn tại, cả hai điều kiện này đều có đủ. Cuối cùng, không được có bất kỳ sự thay đổi nào về cạnh tranh, và ở điểm này, ông quốc vụ khanh đã nêu rõ là quyết định sẽ áp dụng đối với tất cả các hãng hàng không ».
Quyết định gây hệ quả lâu dài được đưa ra trong thời gian ngắn
Công luận khá bất ngờ về quyết định nhanh chóng được quốc vụ khanh đặc trách Giao Thông Jean-Baptiste Djebbari thông báo ngày 22/06. Trên đài Europe 1 (24/06), nhà báo Nicolas Beytout ngạc nhiên vì « chưa bao giờ thấy một quyết định dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng, lại được đưa ra mà lại ít suy xét về tác động sau này » :
« Vì sinh thái thì đây là điều tốt, nhưng với điều kiện phải kiểm soát được chi phí liên quan đến vấn đề này. Dĩ nhiên trong đó có cả chi phí về kinh tế và xã hội, có nghĩa là sẽ có vài tỉ euro liên quan đến hoạt động và vài nghìn việc làm biến mất khỏi những cụm cảng hàng không ở các thành phố lớn như Lyon, Bordeaux, hoặc ở tất cả những sân bay khác có quy mô trung bình và nằm cách các cụm cảm hàng không quốc tế dưới 2 tiếng rưỡi bay.
Quyết định này gây ảnh hưởng mạnh đến sức hấp dẫn của các địa phương, cũng như cho trụ sở của các doanh nghiệp lớn cần kết nối với phần còn lại của thế giới. Nói tóm lại, đây là quyết định mang tính chuyên quyền lớn nhất từ lâu nay và được đưa ra trong khi tổng thống Emmanuel Macron hứa tiến hành một giai đoạn phi tập trung mới và phân quyền cho các địa phương. Thật sự là không thể hiểu nổi ! »
Đối với hành khách, họ sẽ bị mất thêm chi phí và thời gian di chuyển từ các nhà ga đến sân bay, thường nằm ở ngoại ô. Người ta sẽ nhanh chóng hiểu ra rằng có lẽ trung chuyển ở Amsterdam hoặc Luân Đôn sẽ thuận tiện hơn là ở Paris và như vậy ô nhiễm cũng được đẩy sang các nước khác. Tuy nhiên, chính phủ Pháp trấn an rằng những tuyến bay nối chuyến với tuyến quốc tế, chủ yếu là ở hai sân bay Roissy – Charles de Gaulle và Orly ở Paris, sẽ không bị nhắm đến trong sắc lệnh cấm đường bay nội địa.
Ngành đường sắt thêm độc quyền phong tỏa đất nước ?
Hủy các tuyến bay nội địa, hành khách sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ngành đường sắt Pháp, trong khi đây là lĩnh vực nổi tiếng với những cuộc đình công kéo dài trên quy mô lớn. Nhà báo Nicolas Beytout nhận định :
« Khi hủy tất cả mọi đường bay nội địa giữa các thành phố như Lyon, Marseille, Bordeaux, Nantes, Strasbourg và khi mọi di chuyển sẽ phó thác cho ngành đường sắt Pháp SNCF thì có lẽ công ty này còn được thêm độc quyền trong ngành giao thông công cộng và công đoàn CGT sẽ có thêm quyền lực khổng lồ để phong tỏa cả đất nước. Và đó được gọi là ‘sinh thái xã hội’ ».
Chính phủ trấn an công ty SNCF sẽ không còn thế độc quyền vì theo Hiệp ước Đường sắt (Pacte ferroviaire) kí tháng 06/2018, ngành đường sắt Pháp dần dần mở cửa cho cạnh tranh từ cuối năm 2020. Trong vòng hai năm nữa, nhiều công ty đường sắt khác có thể đưa ra những đề xuất hấp dẫn hơn, như tầu cao tốc giá rẻ. Về đường bộ, sẽ có nhiều tuyến xe khách đường dài có thể hưởng lợi từ việc bỏ các chuyến bay nội địa.
Thế nhưng, phải chờ ít nhất thêm hai năm nữa, trong khi cơ sở hạ tầng đường sắt chưa đạt mức hoàn thiện ở nhiều nơi, khiến nhiều chính quyền địa phương lo ngại về khả năng thu hút, hấp dẫn của vùng. Quốc vụ khanh đặc trách Giao thông tỏ ra hiểu vấn đề này : « Vùng núi phía đông, các thành phố như Limoges, Brive, Castres, Aurillac, Clermont-Ferrand hiện vẫn chưa có giải pháp đường sắt vững chắc. Từ Paris đến Limoges, mất 3 tiếng rưỡi đi tầu và có rất nhiều chuyến bị trễ, trên đường thì lại có nhiều công trường tu sửa ».
Giải pháp thay thế thật sự thân thiện với môi trường hơn ?
Máy bay bị chỉ mặt điểm tên là phương tiện gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Nữ sinh Thụy Điển Greta Thunberg, biểu tượng của phong trào chống biến đổi khí hậu, từng vượt Đại Tây Dương sang Mỹ bằng thuyền buồm vào năm 2019 và luôn từ chối đi máy bay. Cũng tại quê hương của cô bé, phong trào « Flygskam » (Flight shame / Xấu hổ khi đi máy bay), xuất hiện từ năm 2018, đã khiến ngành hàng không Thụy Điển lao đao. Còn tại Pháp, phong trào này ngày càng có chỗ đứng trong xã hội.
Hủy những chuyến bay nội địa bắt nguồn từ đề xuất sửa đổi trong Luật Định hướng di chuyển được hai dân biểu Delphine Batho, thuộc đảng Xanh và François Ruffin, thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) đưa ra ngày 03/06/2019. Theo giải thích của nhà báo François Langlet trên đài RTL (03/06/2019), có nhiều động cơ giải thích cho đề xuất này :
« Thứ nhất, máy bay ô nhiễm hơn tầu hỏa. Chuyến đi bằng máy bay của một người thải lượng khí CO2 gấp 50 lần cùng chặng đường đi bằng tầu cao tốc. Thứ hai, người ta vẫn nói là chỉ có người giầu mới đi máy bay, chứ không phải người bình dân. Thứ ba, máy bay được hưởng cách lách thuế bất công vì nhiên liệu kerosene không bị đánh thuế, trái với xăng dầu cho đường bộ.
Đúng là máy bay gây ô nhiễm hơn những phương tiện giao thông khác và chắc chắn là hơn rất nhiều so với tầu hỏa, nhưng đó chỉ là về khí thải CO2. Trong khi đó, điện sử dụng cho ngành đường sắt là điện hạt nhân. Đừng quên là rác thải nguyên tử tồn tại đến tận 100.000 năm và còn có nhiều nguy cơ khác.
Đơn cử một ví dụ để so sánh về mức tiêu thụ nguyên liệu, theo mô phỏng của cơ quan quản lý hàng không dân dụng, chặng bay Marseille-Paris tốn mất 31 lít kerosene cho mỗi hành khách. Đúng là rất nhiều, nhưng vẫn còn ít hơn so với đa số các loại xe hơi chạy xăng dầu. Nếu muốn loại khí thải CO2, tại sao không cấm luôn cả tuyến đường cao tốc Paris-Marseille và ô tô chạy trên chặng đường đó. Phương tiện này còn tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn nếu chỉ có một người trên xe ! »
Trong khi quyết định hủy các chuyến bay nội địa dưới 2 giờ 30 của chính phủ vẫn đang bị phản đối, hai nghị sĩ này đã đề xuất thêm một dự thảo luật khác vào ngày 30/06/2020 : Lập « Hạn ngạch khí thải cá nhân » để hạn chế người dân sử dụng máy bay vì ngành hàng không thải từ 5-8% lượng khí thải trên thế giới, riêng tại Pháp là gần 10%.
Giải thích trên đài RMC / BFM TV ngày 02/07, nữ dân biểu hiện thuộc nhóm Sinh thái – Dân Chủ – Tương ái (Ecologie Démocratie Solidarité) mới thành lập tại Hạ Viện, cho biết : « Ý tưởng mà chúng tôi bảo vệ, đó là lập một hệ thống quota khí thải mà mỗi năm, tất cả mọi người có mức khí thải bằng nhau và người ta có thể tích lũy theo thời gian để có thể thỉnh thoảng đi du lịch ». Nếu không sử dụng hết số kilomet được đi bằng máy bay trong năm đó thì có thể dồn cho năm sau nhưng không được chuyển nhượng cho người khác.
Hiện tại, ý tưởng này mới chỉ được đề xuất áp dụng cho du lịch cá nhân, nhưng theo bà Batho, cũng cần phải suy nghĩ đến các chuyến bay công vụ. Thêm một đề xuất chắc chắn sẽ gây tranh luận gay gắt vì tác động đến quyền tự do đi lại của cá nhân !
Virus corona: Pháp ra khỏi tình trạng khẩn cấp y tế
Thụy My
Tòa Bảo Hiến của Pháp hôm 09/07/2020 đã thông qua đạo luật tổ chức việc ra khỏi tình trạng khẩn cấp về y tế kể từ ngày mai 11/07, tuy nhiên vẫn cho phép giới hạn việc di chuyển, tập họp cho đến mùa thu tới.
Theo Tòa Bảo Hiến, chỉ có thể cấm người và xe cộ qua lại, cũng như cấm dùng phương tiện công cộng tại những nơi mà virus đang lan tràn ; nhưng không cấm người dân ra khỏi nhà và các khu vực lân cận.
Dự luật này được Quốc Hội Pháp thông qua hôm 02/07. Khi thảo luận, Thượng Viện cố giảm thiểu tối đa những hạn chế, nhưng sau đó Hạ Viện đã đưa thêm vào văn bản khả năng cấm di chuyển hoặc đóng cửa tạm thời những cơ sở tại một số vùng lãnh thổ mà virus vẫn còn hoành hành.
Đối với bộ trưởng Y Tế Olivier Véran, tuy không còn tình trạng khẩn cấp về y tế, nhưng « nếu không duy trì một số biện pháp, thì chẳng khác nào coi như không có nguy cơ dịch bệnh tái phát ». Theo ông, nếu cần phải ra lệnh phong tỏa một lần nữa như hôm 17/03, chính phủ sẽ tuyên bố một tình trạng khẩn cấp mới.
Trong 24 giờ qua, tại Pháp có 14 người tử vong tại bệnh viện vì Covid-19, nâng tổng số nạn nhân lên 29.979 người. Số bệnh nhân phải thở máy tiếp tục giảm còn 512 người, chủ yếu tại bốn vùng Ile de France, Grand-Est, Hauts-de-France và lãnh thổ hải ngoại Guyane.
Về mặt kinh tế, tối qua Hạ Viện đã thông qua ngân sách khẩn cấp đợt 3, dành thêm 45 tỉ euro để trợ giúp ngành du lịch, xe hơi và hàng không. Dự luật này hiện đang được Thượng Viện xem xét. Các dân biểu cũng dự định giảm thuế cho nhân viên y tế, quân nhân và báo chí, nhưng đa số đề nghị được đưa vào kế hoạch tái thúc đẩy chung sẽ được thảo luận vào tháng Chín tới.
Tính từ đầu đại dịch, chính phủ đã dành đến 460 tỉ euro để cứu vãn nền kinh tế Pháp, trước nguy cơ tổng sản phẩm nội địa sụt giảm đến mức lịch sử là 11% trong năm 2020, và nợ công lên đến 120,9% GDP. Bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire cảnh báo từ nay đến cuối năm có thể đến 800.000 người bị mất việc.
Ý cấm hành khách từ 13 nước nhập cảnh
Chính quyền Ý hôm qua 09/07/2020 đã cấm hành khách từ Brazil và 12 nước khác nhập cảnh cho đến khi có lệnh mới. Tất cả những ai đã trú ngụ hoặc quá cảnh trong hai tuần qua tại những nước sau đều bị cấm vào Ý : Brazil, Armenia, Bahrein, Bangladesh, Bosnia & Herzegovina, Chi lê, Koweit, Bắc Macedonia, Moldova, Oman, Panama, Pêru, Cộng hòa Dominicana.
Ý bị thiệt hại nặng do đại dịch với gần 35.000 người chết và 242.000 ca dương tính. Gần đây dịch virus corona dường như đã nằm trong tầm kiểm soát, với số tử vong liên tục giảm, tuy số ca nhiễm mới vẫn tăng.
Ý cũng đang cân nhắc kế hoạch loại bỏ Huawei
Bình luận Đông Phương
Trước lời kêu gọi của Hoa Kỳ và động thái của Anh Quốc gần đây, nước Ý cũng đang bắt đầu cân nhắc việc loại bỏ “bóng ma” của công nghệ Trung Quốc khỏi hệ thống mạng 5G của nước này.
Vương quốc Anh và Ý trước đây đã bỏ qua sự phản đối của Hoa Kỳ và cho phép Công ty Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G của nước mình. Tuy nhiên, gần đây Vương quốc Anh đã có những hành động thiết thực để đẩy nhanh việc loại bỏ công nghệ 5G của Huawei. Hôm 8/7, tờ La Repubblica của Ý đưa tin rằng chính phủ nước này đang xem xét liệu có nên loại trừ Huawei khỏi các dự án xây dựng mạng 5G của Ý hay không.
Bài báo cũng tuyên bố, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Ý là ông Roberto Gualtieri và Bộ trưởng Quốc phòng Ý Lorenzo Guerini đã chính thức đưa ra vấn đề này. Khi Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio gặp Đại sứ Mỹ tại Rome vào tuần trước, cuộc đàm phán cũng bao gồm các vấn đề về Huawei.
Ông Di Maio nói, “Chính phủ Ý cũng đang thay đổi thái độ và quyết sách, giống như các nước đồng minh châu Âu”.
Thành viên của Ủy ban An ninh Quốc gia của Quốc hội Ý là ông Enrico Borghi cho biết, Ý có khả năng sẽ sử dụng Quỹ phục hồi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán của Liên minh Châu Âu (EU) để phát triển mạng 5G của nước này.
Ý là quốc gia công nghiệp phương Tây đầu tiên tham gia sáng kiến ”Một vành đai, một con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chính phủ nước này đã bất chấp sự phản đối của Hoa Kỳ và hợp tác với Huawei để xây dựng mạng 5G của Ý. Tuy nhiên, đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán và “Luật An ninh Quốc gia Hong Kong” đã khiến cộng đồng quốc tế dần nhận ra sự xấu xa của ĐCSTQ, chính phủ và người dân các nước châu Âu ngày càng mạnh mẽ lên tiếng phản đối ĐCSTQ.
Vào tháng Một năm nay, Vương quốc Anh cũng từng chấp thuận cho Huawei tham gia vào “phần không quan trọng” trong mạng lưới 5G của Anh. Tuy nhiên, gần đây họ đã có các động thái để loại bỏ dần các thiết bị Huawei đã được cài đặt trong mạng 5G, và lập ra thời gian biểu để loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei. Theo tin tức mới nhất, việc loại bỏ có thể được hoàn thành sớm nhất vào cuối năm nay.
Vào ngày 2/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng Vương quốc Anh nên thận trọng trong quyết định của mình về Huawei, vì chính phủ không muốn cơ sở hạ tầng quan trọng bị quản chế bởi “các nhà cung ứng có khả năng thù địch với quốc gia”.
Đông Phương
Theo NTDTV
Ổ dịch Covid-19 tại Hà Lan hé lộ mối quan hệ mật thiết với Bắc Kinh
Thiện Lành
Bài viết này là quan điểm của tác giả Li Yan đăng trên tờ The Epoch Times. Quan điểm trong bài viết là ý kiến riêng của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên. Dưới đây là toàn văn bài viết:
Năm nay, Covid-19 đã lan truyền nhanh chóng trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nỗ lực che giấu tình hình dịch bệnh thực tế ở Trung Quốc đại lục, gây ra những tổn thất khôn lường cho thế giới.
Cho đến nay, Covid-19 đã lan rộng ra hầu hết các quốc gia, với gần 12 triệu người nhiễm và gần 550.000 ca tử vong do căn bệnh này – nếu chúng ta tin vào số liệu ca tử vong chính thức của Trung Quốc: 4.634. Trên thực tế, nhiều người Trung Quốc tin rằng con số thực tế ít nhất cao gấp 10 lần con số này.
Đối mặt với sự mất mát to lớn về người và của, chính phủ và người dân các nước cần khẩn trương nhận thức rõ mối liên hệ giữa bệnh dịch và ĐCSTQ, và những gì mỗi cá nhân và quốc gia nên làm để đẩy lùi dịch bệnh và tự cứu lấy chính mình.
Lịch sử đen tối của ĐCSTQ là sự đan xen giữa chiến tranh, nạn đói nhân tạo, bệnh dịch và những cái chết oan, thấm đẫm máu và nước mắt của người dân đại lục.
Trong 70 năm cầm quyền, ĐCSTQ đã sát hại khoảng 80 triệu người dân Trung Quốc. Nó đã phá hủy văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa. Trong 30 năm trở lại đây, từ vụ thảm sát các sinh viên ủng hộ dân chủ năm 1989 tại Thiên An Môn, cho đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu từ năm 1999 và hiện vẫn đang tiếp diễn, việc đàn áp và đánh lừa người dân Trung Quốc đã mang đến món nợ khổng lồ cho ĐCSTQ, cũng như những người ở phần còn lại của thế giới đã mở đường cho nó hoặc đồng lõa với nó bằng cách nhắm mắt làm ngơ.
Trong gần 40 năm, ĐCSTQ đã sử dụng toàn cầu hóa và lợi ích kinh tế để đưa các quốc gia khác nằm dưới sự ảnh hưởng của ĐCSTQ. Sự xâm nhập của ĐCSTQ vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, đi sâu vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Ví dụ về các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ bao gồm các chương trình của Viện Khổng Tử, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hay gã khổng lồ viễn thông Huawei. Bằng cách đánh lừa người dân và chính phủ các nước trong hệ thống lợi ích kinh tế của mình, ĐCSTQ khiến họ lâu ngày thành quen với hệ tư tưởng vô thần luận, đồng thời dung túng cho sự cai trị chuyên chế của nó và đi ngược lại các giá trị truyền thống và tâm linh.
Bất hạnh chắc chắn sẽ xảy đến với những quốc gia, khu vực và tổ chức nào qua lại mật thiết, tăng cường quan hệ và ủng hộ ĐCSTQ. Con đường lan truyền của Covid-19 ra khắp thế giới thường nối gót các quốc gia, thành phố, tổ chức, thậm chí những cá nhân có liên hệ mật thiết đến ĐCSTQ.
Hà Lan và mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc
Hà Lan – một quốc gia nhỏ được xếp hạng ở vị trí thứ 133 toàn cầu về diện tích đất liền và thứ 69 về dân số – là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch viêm phổi Vũ Hán, còn gọi là Covid-19.
Tính đến ngày 17/6, Hà Lan báo cáo hơn 50.000 trường hợp lây nhiễm và hơn 6.000 ca tử vong. Thành phố Tilburg và tỉnh North Brabant đã trở thành nơi khởi phát dịch tại nước này, khi bệnh nhân đầu tiên được xác định ở Tilburg và thành phố này cũng ghi nhận số lượng bệnh nhân cao nhất trong cả nước.
Sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 ở Hà Lan xảy ra là do nước này đã xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh trong những năm gần đây. Đặc biệt thành phố Tilburg đóng vai trò then chốt trong mối quan hệ hợp tác song phương Trung Quốc-Hà Lan ở dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn gọi là Một vành đai, Một con đường). Thành phố này cũng có rất nhiều mối hợp tác làm ăn với Trung Quốc.
Đường sắt tốc hành Thành Đô – Châu Âu: Dấu mốc trong dự án Vành đai và Con đường
Tỉnh North Brabant là một địa danh quan trọng trong dự án Vành đai và Con đường ở Hà Lan. Năm 2016, Đường sắt cao tốc Thành Đô Châu Âu, kết nối Thành Đô và Tilburg, chính thức khai trương. Đây là tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa trực tiếp duy nhất từ Trung Quốc đến Hà Lan. So với 45 ngày vận chuyển bằng đường biển, chỉ mất 15 ngày để đi hết tuyến đường sắt cao tốc, với chi phí thấp bằng 1/4 so với vận tải hàng không.
Tilburg là thành phố lớn thứ sáu ở Hà Lan, với dân số 217.000 người. Thành phố có kênh đào Wilhelmina chảy qua. Với vị trí đắc địa, Tilburg là một trung tâm thương mại và giao thông. Các ngành công nghiệp chính trong thành phố bao gồm sản xuất len, máy móc, thiết bị điện và đồ da.
Trong khi Hà Lan là một cửa ngõ quan trọng đến châu Âu, Tilburg được biết đến như là “cửa ngõ hậu cần” của thành phố, nơi kết nối trực tiếp với Rotterdam, cũng như thị trấn Moerdijk ở North Brabant, cũng như tới Anh và Pháp. Ngoài ra, nhiều công ty quốc tế lớn cũng đặt các kênh phân phối ở đây. Đó là lý do công ty GVT của Hà Lan được Trung Quốc chọn để vận hành tuyến Đường sắt tốc hành Thành Đô-Châu Âu.
Tuyến đường sắt cao tốc là một cột mốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ. Nó đã thiết lập một tuyến hậu cần mới để BRI thâm nhập vào châu Á và châu Âu. Tuyến đường này đi qua Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức và Hà Lan, kéo dài tổng cộng 10.947 km. Thông qua tuyến đường sắt cao tốc này, một lượng lớn đồ điện, quần áo và giày dép Trung Quốc được vận chuyển nhanh chóng đến Hà Lan và tới các khu vực xa hơn, trong khi rượu vang, sữa bột, xe thành phẩm và các hàng hóa khác từ Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha có thể dễ dàng thâm nhập thị trường Trung Quốc, đưa dự án BRI lên một tầm vóc mới. Hai điểm đầu cuối, Tilburg và Thành Đô, cũng đã trở thành hai thành phố chị em, đặt nền móng biến Cảng Rotterdam trở thành một phần quan trọng của BRI ở Hà Lan.
Trên thực tế, mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa tỉnh North Brabant và Trung Quốc có lịch sử lâu dài. Phó Thống đốc Bert Pauli của tỉnh North Brabant nói với kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc tờ Nhân dân Nhật báo hồi năm 2017 rằng, hơn 30 năm trước, tập đoàn điện tử Philips, một doanh nghiệp nổi tiếng của Hà Lan có trụ sở tại tỉnh này, đã thành lập một nhà máy ở Nam Kinh, Trung Quốc, để sản xuất linh kiện TV. Ngày nay, có đến hơn 130 công ty trong tỉnh đã thành lập các chi nhánh tại khu vực ven biển phía đông Trung Quốc. Với nền tảng sẵn có này, không lạ gì khi Tilburg được chọn là một cột mốc quan trọng trong dự án BRI.
Hà Lan, được mệnh danh cửa ngõ vào châu Âu, có một ngành công nghiệp hậu cần phát triển. Với vị trí địa lý ưu việt, Hà Lan đã thiết lập một mạng lưới giao thông đường thủy, đường bộ và đường hàng không rất tiên tiến. Nó đã trở thành một trong những trung tâm phân loại hàng hóa quan trọng nhất châu Âu. Do đó, dự án Vành đai và Con đường đã chọn Hà Lan làm điểm liên kết giữa hai mạng lưới giao thông đường bộ và đường biển.
Thông qua Cảng Rotterdam và Sân bay Amsterdam Schiphol, hai trung tâm vận chuyển hàng hóa chủ chốt ở châu Âu, hàng hóa từ Hà Lan có thể đến bất kỳ thị trường lớn nào ở EU trong vòng hai ngày.
Khi ĐCSTQ thúc đẩy BRI ở Hà Lan, mục tiêu chính là hợp tác với Cảng Rotterdam và ngành công nghiệp hậu cần địa phương, để mở ra một trung tâm chủ chốt trong dự án “Con đường tơ lụa trên biển và đất liền”.
Cảng Rotterdam vận chuyển hàng hóa đến và đi từ hơn 1.000 cảng trên toàn cầu. Nhiều nhà ga khác cũng có các cơ sở chuyển tải đường sắt, nói cách khác hàng hóa có thể được chuyển trực tiếp lên tàu tại nhà ga, khiến nó trở thành một sự lựa chọn hoàn hảo trong việc tiếp cận các khu vực sâu trong vùng nội địa châu Âu.
Nhà ga công-ten-nơ Euromax tại bến cảng Rotterdam hiện là nhà ga bốc xếp hàng hóa không người lái tiên tiến nhất trên thế giới, với công suất xử lý hàng năm ước tính khoảng 7 triệu công ten nơ tiêu chuẩn dài 6 m, trong đó 25% số lượng container có xuất xứ từ Trung Quốc.
Người Hà Lan nghĩ rằng việc tham gia “con đường tơ lụa mới” sẽ cho phép mạng lưới các cơ sở giao thương của họ được mở rộng và thu được lợi ích lớn hơn. Đặc biệt, chính quyền tại Cảng Rotterdam đã bị cám dỗ bởi thực tế rằng, ngoài việc kinh doanh hàng hải truyền thống từ châu Á, vận tải chung trên bộ và trên biển sẽ cho phép nó kết nối với Đường sắt tốc hành Thành Đô – Châu Âu qua hai thành phố Tilburg và Duisburg, Đức. Mạng lưới hậu cần châu Á – Châu Âu sẽ đưa ra nhiều lựa chọn hơn. Với khả năng kết nối được cải thiện, cảng cũng sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn.
Dự án Vành đai và Con đường của ĐCSTQ đã gia nhập mạng lưới các cảng châu Âu thông qua Công ty vận tải biển Trung Quốc (COSCO Shipping) thuộc sở hữu nhà nước. Tháng 5/2016, COSCO Pacific Co., Ltd., một công ty con của COSCO Shipping Group, đã ký một thỏa thuận chuyển nhượng vốn với ECT Participations B.V., một công ty con của Hutchison Port Group của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành.
COSCO Pacific đã mua 35% cổ phần trong nhà ga container Euromax do ECT sở hữu với mức giá 125 triệu euro. Sau khi hoàn tất việc mua lại, cùng với các cổ phần hiện có trước đây, COSCO Pacific đã sở hữu 47,5% cổ phần trong nhà ga container Euromax, từ đó trở thành cổ đông lớn nhất của nó.
COSCO Shipping nắm giữ quyền kiểm soát cổ phần hoặc quyền sở hữu tại nhiều nhà ga ở các nước EU như Tây Ban Nha. Khi vốn đầu tư tiếp tục gia tăng, doanh nghiệp này sẽ có nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn và có khả năng lựa chọn cảng nào thích và cảng nào nên tránh. Sau khi Vành đai và Con đường Trung Quốc mang cổ đông lớn nhất đến cho Cảng Rotterdam, cảng này sẽ có khả năng kết nối và mở rộng kinh doanh lớn hơn, nhưng bản thân Hà Lan không ghi nhận sự cải thiện khả năng phân bổ các tuyến hậu cần giữa các cảng.
Sẽ có thêm các tuyến đường sắt tốc hành kết nối với Trung Quốc
Ngoài việc thúc đẩy Cảng Rotterdam – cảng lớn nhất Châu Âu – gia nhập Vành đai và Con đường, thành phố Tilburg cũng khuyến khích nhiều doanh nghiệp Hà Lan xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đến Trung Quốc.
Hai năm sau khi khánh thành tuyến Đường sắt tốc hành Thành Đô Châu Âu năm 2016, doanh nghiệp hậu cần Hà Lan Nunner đã mở một tuyến vận chuyển hàng hóa khác đến Trung Quốc. Chuyến tàu đầu tiên đã rời Amsterdam vào ngày 7/3/2018, di chuyển 11.000 km trước khi đến thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang.
Đây là tuyến tàu trực tiếp đầu tiên giữa một cảng Hà Lan và Trung Quốc. Erwin Cootjans, Chủ tịch Nunner, cho biết Amsterdam được chọn làm điểm khởi đầu cho tuyến vận chuyển hàng hóa vì cảng này có kết nối đường thủy nội địa đến một số thành phố của Hà Lan như Kampen, Groningen, Meppel, Leeuwarden và Harlingen. Ngoài ra còn có các tuyến đường liên kết nhanh từ Amsterdam và Antwerp thông qua tuyến vận chuyển đường biển ngắn đến Anh và Scandinavia.
Vào tháng 5/2018, CH Robinson, một tập đoàn hậu cần vận chuyển hàng hóa quốc tế, đã tuyên bố mở một dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt mới, với một đầu nối với tám thành phố của Trung Quốc gồm Trịnh Châu, Tô Châu, Vũ Hán, Hạ Môn, Nghĩa Ô, Thâm Quyến, Quảng Châu và Trùng Khánh, và đầu kia nối với tám thành phố châu Âu bao gồm Malaszewicze, Hamburg, Duisburg, Milan, Tilburg, Lyon, Paris và Barking, nằm ở 4 nước Đức, Pháp, Anh và Hà Lan.
Giao dịch với Trung Quốc càng nhiều, thâm hụt càng lớn
Hà Lan là một quốc gia thương mại lớn và đã duy trì được thặng dư thương mại trong nhiều năm. Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan dần nhận ra rằng trong khuôn khổ BRI, mặc dù các dịch vụ hậu cần mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn, nhưng quốc gia này đã không nhận được nhiều lợi ích thực tiễn. Ngược lại, xuất hiện tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng.
Kết quả thống kê từ Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) cho thấy, năm 2016, kim ngạch song phương giữa Hà Lan và Trung Quốc đạt tổng cộng 82,49 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm trước. Cụ thể, xuất khẩu của Hà Lan sang Trung Quốc đạt 11,51 tỷ USD, tăng 11,9%; nhập khẩu của Hà Lan từ Trung Quốc đạt 70,98 tỷ USD, giảm 3,8%; và thâm hụt thương mại cho Hà Lan là 59,47 tỷ USD.
Tuy nhiên, vào năm 2017, kim ngạch song phương đạt 107,4 tỷ USD, tăng 30,9%. Xuất khẩu của Hà Lan sang Trung Quốc đạt 13,54 tỷ USD, tăng 19,1%; nhập khẩu từ Hà Lan từ Trung Quốc đạt 93,86 tỷ USD, tăng 32,8%. Thâm hụt thương mại năm đó tăng vọt 35%, cán mốc 80,32 tỷ USD.
Năm 2018, kim ngạch song phương đạt 112,64 tỷ USD, tăng 4,7%. Xuất khẩu của Hà Lan sang Trung Quốc đạt 12,56 tỷ USD, giảm 6,4%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 100,80 tỷ USD, tăng 6,2%. Mặc dù Hà Lan đã nâng thứ hạng của mình từ đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong toàn EU lên số hai vào năm ngoái, thâm hụt thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng, đạt 87,52 tỷ USD vào năm 2018.
Ngày càng nhiều người nhận ra rằng dự án “Vành đai và Con đường Lợi ích” đã trở thành “Vành đai và Con đường Dịch bệnh”. Hà Lan là một ví dụ minh họa. Tất cả các đối tác quan trọng của BRI, chẳng hạn như Hà Lan, Iran, Ý và Tây Ban Nha, đều trở thành những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Ngay cả Thụy Sĩ, một quốc gia trung lập, cũng từng lọt top 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong một khoảng thời gian. Nước này cũng từng ký một lá thư bày tỏ ý định tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
(Nguồn ảnh thumbnail: (Trái: Albert Herring/Wikimedia Commons, Phải: ảnh chụp màn hình Youtube/CGTN))
https://www.dkn.tv/the-gioi/o-dich-covid-19-tai-ha-lan-he-lo-moi-quan-he-mat-thiet-voi-bac-kinh.html
Hàng ngàn người biểu tình chống nhà lãnh đạo Serbia
bất chấp các khuyến cáo về nguy cơ virus
Tin từ BELGRADE, Serbia – Vào hôm thứ Tư (8/7), cảnh sát Serbia bắn hơi cay vào những người biểu tình chống chính phủ sau khi bị ném đá và pháo sáng, khi hàng ngàn người biểu tình trước tòa nhà quốc hội Belgrade bất chấp các khuyến cáo rằng những cuộc tụ họp này có thể lan truyền coronavirus.
Tối hôm trước, tình trạng bạo lực nổ ra khi một đám đông xông vào tòa nhà quốc hội để phản đối kế hoạch tái lập một lệnh phong tỏa sau một đợt gia tăng đột biến mới trong các trường hợp COVID-19. Bốn mươi ba cảnh sát và 17 người biểu tình bị thương và 23 vụ bắt giữ được thực hiện.
Dù Tổng thống Aleksandar Vucic ám chỉ vào hôm thứ Tư rằng ông có thể hủy bỏ khỏi kế hoạch giới thiệu một lệnh phong tỏa cuối tuần, nhưng những người biểu tình bắt đầu tập trung trước tòa nhà quốc hội Serbia vào khoảng 6 giờ chiều (16:00 GMT).
Trong bài phát biểu trước toàn quốc vào hôm thứ Tư (8/7), ông Vucic kêu gọi mọi người ngừng tham dự các cuộc biểu tình chống chính phủ để tránh lây lan thêm coronavirus. Hầu hết những người biểu tình vào tối hôm thứ Tư đều đeo khẩu trang, thổi còi và la hét “Vucic leave!” khi họ đối đầu với cảnh sát chống bạo động đang bảo vệ khu nhà Nghị viện. Một số người ném đá và pháo sáng vào cảnh sát, và phía cảnh sát đáp trả bằng hơi cay. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nebojsa Stefanovic cho biết 10 cảnh sát bị thương. Ông không nêu rõ có bao nhiêu người biểu tình bị thương. Hình ảnh trên TV cho thấy cảnh sát đánh đập người biểu tình. (BBT)
Kazakhstan nói tin Trung Quốc tuyên bố
nước này xuất hiện bệnh viêm phổi lạ
nguy hiểm hơn Covid-19 là ‘tin giả’
Băng Thanh
Kazakhstan đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc nói rằng nước này đang bùng phát bệnh viêm phổi lạ gây tử vong nhiều hơn Covid-19. Bộ Y tế Kazakhstan nói rằng tin tức mà Đại sứ quán Trung Quốc công bố là “tin giả”.
Trước đó, vào ngày 9/7, trong một tuyên bố được đăng trên mạng xã hội WeChat, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, Kazakhstan hiện đang xuất hiện bệnh viêm phổi lạ và trong nửa đầu năm 2020, căn bệnh này đã khiến 1.772 người thệt mạng, với 628 người tử vong trong tháng 6, bao gồm cả công dân Trung Quốc.
“Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này cao hơn nhiều so với bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona gây ra”, Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố.
Tuy nhiên, vào hôm 10/7, Bộ Y tế Kazakhstan cho biết các thông tin trên đều là “tin giả”.
“Thông tin được công bố bởi một số phương tiện truyền thông Trung Quốc liên quan đến một loại viêm phổi mới ở Kazakhstan là không chính xác”, Bộ Y tế Kazakhstan cho biết.
Kazakhstan hiện có tổng cộng gần 55.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 264 ca đã tử vong.
Luật an ninh mới bắt đầu phá vỡ
nền kinh tế ủng hộ dân chủ của Hồng Kông
Tin từ HỒNG KÔNG – Ngay sau khi luật an ninh quốc gia mới của Hồng Kông có hiệu lực vào tuần trước, ông Ivan Ng gỡ bỏ tất cả các bức tranh, bích chương và cờ có chủ đề biểu tình khỏi danh sách các mặt hàng được bán tại cửa hàng Inestep Printing của ông.
Cô Sandra Leung tại Wefund.hk, nơi bán các tác phẩm nghệ thuật và phụ kiện theo chủ đề biểu tình, cho biết cô đình chỉ việc bán các thiết bị bảo hộ được những người biểu tình sử dụng, những lá cờ với khẩu hiệu “giải phóng Hồng Kông”, và các mặt hàng khác có in những khẩu hiệu phổ biến.
Ông Jeffrey Cheong, chủ sở hữu của Hair Guys Salon, cho biết ông đóng cửa cửa hàng của ông trong vài ngày vào tuần trước để loại bỏ các vật trang trí ủng hộ dân chủ. Ng, Leung và Cheong là ba trong số 4,500 tiểu thương trong nền “kinh tế vàng” của Hồng Kông, chuyên hỗ trợ những người biểu tình ủng hộ dân chủ và ngược lại. Sự hỗ trợ đó đang có dấu hiệu suy yếu trước luật mới.
Cô Leung cho biết cô thu hồi các mặt hàng mà cô mô tả là “nhạy cảm”, như mặt nạ phòng độc được sử dụng bởi người biểu tình và các mặt hàng có khẩu hiệu chống cảnh sát. Luật mới nghiêm cấm những gì bị Trung Cộng mô tả rộng rãi là hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài, với án tù chung thân cho những người phạm tội.
Luật này có hiệu lực vào cuối hôm thứ ba tuần trước, khoảng một giờ trước lễ kỷ niệm 23 năm ngày Trung Cộng giành lại quyền kiểm soát thuộc địa cũ của Anh Quốc. (BBT)
Hồng Kông bị yêu cầu xóa sách, phim,
chương trình truyền hình ‘đe dọa’ Trung Quốc
Hải Lam
Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, hôm 9/7 đưa tin rằng Hồng Kông phải cấm phim, chương trình truyền hình, sách báo và bài đăng trực tuyến vi phạm luật an ninh mới, cụ thể là đe dọa Trung Quốc, và những người tham gia chương trình hay bán các tài liệu này có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời thư ký an ninh Hồng Kông John Lee Ka-Chiu tuyên bố rằng, luật an ninh đã sửa chữa một số “lỗ hổng”, ví dụ như trao cho cảnh sát quyền hạn mới để “xóa thông tin kích động người khác phạm tội hoặc tham gia vào các tội ác gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Ông Lee đe dọa rằng nếu các nhà xuất bản, các nhà cung cấp dịch vụ không xóa những thông tin đe dọa an ninh quốc gia, thì họ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Thời báo Hoàn Cầu cũng đăng rằng, đại diện của bất kỳ tổ chức nào hoạt động tại Hồng Kông hoặc các tổ chức nước ngoài nên cung cấp thông tin cho cảnh sát, để họ có thể “chuẩn bị phòng ngừa trong trường hợp có vấn đề xảy ra”, và “để đánh giá rủi ro đối với an ninh quốc gia”. Tờ báo này đang ám chỉ các công ty công nghệ như Twitter, Google, Telegram vì họ đã lên tiếng từ chối cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Hồng Kông.
Theo Breitbart, giờ đây, nhiều nhà bán sách và các nhà cung cấp truyền thông lo sợ rằng họ có thể bị truy tố theo luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh vì tội “truyền bá” tài liệu.
“Các hành động của Bắc Kinh tại Hồng Kông đã tạo thành công bầu không khí sợ hãi. Bạn không cần một bộ máy kiểm duyệt hàng tỷ đô la khi không có gì được nói”, người sáng lập trang web theo dõi Trung Quốc GreatFire.org nói với Vice News hôm 7/7.
“Cách thức hoạt động của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) là, vì nó tùy ý thiết lập các quy tắc và có thể làm bất cứ điều gì muốn, nên nó tạo ra các chủ đề mơ hồ và nhiều người chọn cách thận trọng. Đó là những gì mà luật an ninh quốc gia của ĐCSTQ mang đến Hồng Kông”, nhà hoạt động dân chủ Kong Tsung Gan bình luận.
Rama Jit Singh Chima, giám đốc chính sách châu Á của Access Now, lập luận rằng Trung Quốc cố tình xây dựng luật an ninh mơ hồ, đáng sợ và không tôn trọng các tiêu chuẩn pháp lý mà Hồng Kông có quyền được hưởng, cũng như phớt lờ các luật nhân quyền quốc tế.
Lãnh đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong:
Hồng Kông đang dần trở thành Tây Tạng thứ hai
Băng Thanh
Trong một cuộc phỏng vấn với AFP gần đây, lãnh đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong nói rằng, Hồng Kông đang có số phận tương tự như Tây Tạng sau khi Trung Quốc áp luật an ninh mới.
Ông Lobsang Sangay, lãnh đạo của chính phủ Tây Tạng lưu vong nói với AFP rằng, chính quyền Trung Quốc đang lừa dối người dân Hồng Kông giống như cách họ lừa dối người Tây Tạng vào năm 1951 khi họ hứa để cho Tây Tạng được tự trị.
Ông Sangay cho biết, chính quyền Trung Quốc từng hứa sẽ duy trì nguyện vọng của người dân Tây Tạng theo Hiệp định 17 điểm được ký giữa hai bên vào năm 1951 nhưng sau đó đã đưa ra những luật lệ nhằm đàn áp, phá hủy các quyền tự do của Tây Tạng.
“Nếu các vị theo dõi sự chiếm đóng của Trung Quốc đối với Tây Tạng và (các sự kiện) sau đó, các vị sẽ thấy nó đang được nhân rộng ở Hồng Kông”, ông Lobsang Sangay, 51 tuổi nói với AFP từ Dharamsala, Ấn Độ, nơi chính phủ lưu vong có trụ sở.
“Một quốc gia, hai chế độ đã được hứa hẹn với Tây Tạng….Nhưng ngay sau khi có chữ ký của các quan chức Tây Tạng trong Hiệp định 17 điểm, dưới sự cưỡng chế, từng điều khoản của Hiệp định 17 điểm đã bị vi phạm”.
“Vì vậy, những gì các vị thấy ở Hồng Kông. Luật cơ bản đã được hứa với người dân ở Hồng Kông nhưng những gì các vị thấy là vi phạm tất cả các điều khoản đã từng hứa”.
Ông Lobsang Sangay, lãnh đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong trong cuộc phỏng vấn với hãng AFP (ảnh chụp từ video cuộc phỏng vấn).
Nhà lãnh đạo có học vấn ở Harvard cũng chỉ trích luật an ninh mà chính phủ Trung Quốc đang thực thi ở Hồng Kông. Luật an ninh phiên bản Hồng Kông, đang phải đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, sẽ hình sự hóa việc kêu gọi độc lập hoặc tự chủ cho Hồng Kông.
“Người dân Hồng Kông đang theo đuổi những quyền chính đáng của họ – nhân quyền và quyền dân chủ cơ bản”, ông nói.
“Những gì các vị thấy [ở Hồng Kông] đã diễn ra ở Tây Tạng. Chúng tôi đã là nạn nhân của một luật an ninh quốc gia. Thật không may, nó đang được thực hiện tại Hồng Kông”.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Sangay cũng cảnh báo Ấn Độ không nên tin tưởng các chính sách của Bắc Kinh ở biên giới tranh chấp giữa hai nước. Ấn Độ và Trung Quốc đã có tranh chấp biên giới trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp trở nên tệ hơn khi gần đây, hai mươi binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc ẩu đả với các lực lượng Trung Quốc tại khu vực Ladakh.
Sau các cuộc đàm phán ngoại giao, Ấn Độ hôm 6/7 tuyên bố quân đội Trung Quốc đang dọn dẹp lều và các cơ sở hạ tầng khác dọc theo biên giới tranh chấp.
“Giảm leo thang là tốt, kéo quân trở về là tốt. Nhưng chúng tôi luôn nói rằng hãy nên xác minh, xác minh, xác minh, chứ đừng tin tưởng Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng sự giảm leo thang là có thật. Chúng tôi hy vọng không có cuộc ẩu đả nào khác quay trở lại”, ông nói.
“Chúng tôi không muốn chiến tranh. Chúng tôi muốn hòa bình trong khu vực. Nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn trở thành số một trên thế giới và số một vững mạnh ở châu Á”.
Trong cuộc phỏng vấn, Sangay cho biết, ông ủng hộ lệnh cấm của chính phủ Ấn Độ đối với các ứng dụng của Trung Quốc bao gồm mạng xã hội WeChat, được người Tây Tạng trên khắp thế giới sử dụng để liên lạc với người thân ở Trung Quốc.
“Trong sáu hoặc bảy năm qua, tôi không khuyến khích mọi người sử dụng WeChat vì những lo ngại về bảo mật. Nó bị nghe lén. Họ có thể nghe nó và người thân của các vị có thể gặp rắc rối”, ông cho biết.
TQ đưa ‘máy xúc nhện’ đến gần biên giới Ấn Độ
Công binh Trung Quốc sử dụng “máy xúc nhện” có thể di chuyển trên mọi địa hình để tăng tốc độ làm đường và xây công trình gần Ấn Độ.
“Máy xúc nhện”, những cỗ máy hạng nặng có cách di chuyển giống như những con nhện, xuất hiện trong video dài hơn hai phút đăng tuần trước trên trang Weibo của lực lượng quân đội Trung Quốc đóng tại Tây Tạng. Các máy xúc này làm việc tại khu vực cao nguyên bên sông Yarlung Tsangpo, phía Ấn Độ gọi là Brahmaputra.
Máy xúc nhện thường được trang bị bốn trục thủy lực gắn bánh lốp và hai càng mở rộng có ngàm, giúp xe có thể vượt qua chướng ngại vật, băng qua hào hoặc suối, leo trèo và làm việc trên địa hình gần như thẳng đứng. Quân đội Trung Quốc dùng những cỗ máy này để đẩy nhanh tốc độ xây dựng đường sá và các công trình công binh trên khu vực dãy Himalaya, gần biên giới Ấn Độ.
Trung Quốc và Ấn Độ gần đây tăng cường nâng cấp các công trình dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa được phân định dài 3.488 km giữa hai nước. Các dự án xây dựng làm gia tăng tình trạng đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó có đợt đụng độ kéo dài tại cao nguyên Doklam năm 2017 và vụ ẩu đả chết người ngày 15/6 tại thung lũng Galwan khiến hàng chục binh sĩ hai nước thương vong.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý rút bớt lực lượng dọc theo LAC, song cả hai phía tiếp tục đưa quân tiếp viện lên vùng biên giới, nâng cấp và cải tạo cơ sở vật chất ở các khu vực xa xôi hẻo lánh.
Xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng trên khu vực dãy Himalaya, với độ cao trung bình hơn 4.000 m, là công việc khó khăn do địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Khu vực này thường xảy ra động đất, sạt lở và lũ lụt.
Việc vận chuyển các thiết bị xây dựng hạng nặng lên biên giới cũng là nhiệm vụ nguy hiểm. Hai người Ấn Độ bị thương khi cây cầu đổ sập trong lúc xe tải chở máy xúc của họ đi qua ngày 22/6. Chiếc máy xúc này khi đó đang được đưa tới để làm đường từ làng Milam, bang Uttarakhand, tới gần biên giới Trung Quốc.
Các binh sĩ Trung Quốc trong video của lực lượng đồn trú tại Tây Tạng đang thi công tại khu vực chưa có đường sá và hoạt động xây dựng đang được triển khai với tiến độ nhanh chóng.
Quân đội Trung Quốc đang biên chế hai mẫu máy xúc nhện của hãng Máy móc Xây dựng XCMG, một mẫu nặng 11 tấn và có thể di chuyển với tốc độ 10 km/h, mẫu còn lại có thể điều khiển từ xa. Ngoài công binh, lực lượng vũ cảnh cũng sử dụng những loại máy xúc này trong ứng phó tình trạng khẩn cấp.
Chính quyền Bắc Kinh che đậy các ca nhiễm
virus Corona Vũ Hán mới trong khu dân cư
Bình luậnNguyễn Minh
Một người dân địa phương cho biết giới chức thành phố Bắc Kinh đang che đậy thông tin về các trường hợp nhiễm virus Corona Vũ Hán mới tại một khu dân cư.
Một người dân địa phương tên Li cho biết, 2 người cư trú tại khu dân cư Liuyi, thuộc quận Đại Hưng (Daxing), thành phố Bắc Kinh, mới đây bị phát hiện nhiễm virus Corona Vũ Hán.
Cô Li cho biết, toàn bộ khu nhà nơi 2 bệnh nhân này cư trú, có khoảng 1.000 cư dân, bị phong toả từ ngày 4/7 sau khi phát hiện các ca nhiễm mới. Chỉ có một cánh cổng nhỏ được mở để giao hàng nhu yếu phẩm.
Tuy nhiên, Uỷ ban Y tế thành phố Bắc Kinh lại báo cáo rằng không có bất kỳ bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán nào được xác nhận tại khu dân cư Liuyi trong những ngày gần đây.
Cô Li đã chia sẻ một tài liệu của chính quyền thành phố Bắc Kinh, trong đó liệt kê các doanh nghiệp và khu dân cư tại 43 địa điểm ở thành phố Bắc Kinh cần được khử trùng và [người dân/nhân viên] cần thực hiện xét nghiệm axit nucleic.
Tuy nhiên, trong danh sách này, không có khu dân cư Liuyi thuộc quận Đại Hưng. Cô Li cho rằng chính quyền thành phố Bắc Kinh cố tình không liệt kê khu Liuyi nhằm che giấu các ca nhiễm bệnh mới.
Dưới đây là trang đầu tiên trong tài liệu của chính quyền Bắc Kinh liệt kê những địa điểm cần được khử trùng bắt buộc và thực hiện xét nghiệm virus Corona Vũ Hán mà The Epoch Times có được.
Cô Li cho biết, các nhân viên mặc đồ bảo hộ hiện đang canh giữ bên trong cổng của tòa nhà khu dân cư phức hợp Liuyi, bên ngoài cổng là những người mặc trang phục màu đen xám. Ngoài ra còn có các trạm kiểm soát.
Tất cả người dân Bắc Kinh hiện phải chịu sự giám sát chặt chẽ khi đi qua các trạm kiểm soát an ninh và mỗi người đều phải đo thân nhiệt. Người dân phải xuất trình thẻ cư trú để vào khu nhà của mình, đồng thời hàng hóa cần giao tới phải để lại ở vệ đường bên ngoài cổng.
Cô Li nói thêm rằng, các trạm kiểm soát hiện do nhân viên từ các công ty an ninh tư nhân quản lý, thay vì các tình nguyện viên địa phương.
Cô Li nhận định: “Không ai có thể làm việc nhiều giờ như vậy. Phải thuê người làm theo hợp đồng thời vụ”.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times
TQ kêu gọi ‘giải phóng năng lượng tích cực’
trong quan hệ với Mỹ
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng mối quan hệ Trung-Mỹ phải đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập vào năm 1979 nhưng hai nước có thể quay trở lại đúng hướng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ xây dựng chính sách về Trung Quốc hợp lý hơn
“Trung Quốc và Mỹ nên cùng nhau tìm cách để cùng tồn tại hòa bình và giải phóng thêm nhiều năng lượng tích cực”, ông Vương nói trong bài phát biểu đăng trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
“Chính sách hiện tại của Mỹ đối với Trung Quốc dựa trên những đánh giá sai lầm về chiến lược, thiếu cơ sở thực tế, mang đầy cảm xúc và định kiến chống lại đảng cộng sản. Hai quốc gia không nên tìm cách thay đổi nhau. Trung Quốc không thể trở thành một nước Mỹ khác. Hệ thống chính trị theo đường lối xã hội chủ nghĩa là phù hợp với Trung Quốc và là sự lựa chọn của nhân dân”, theo ông Vương.
Ngoại trưởng Vương bày tỏ kỳ vọng Mỹ sẽ xây dựng chính sách về Trung Quốc hợp lý hơn. Tăng cường đối thoại, tách bạch các vấn đề khác nhau, đặt sang một bên những bất đồng và hợp tác chống lại đại dịch Covid-19 sẽ giúp dẫn dắt mối quan hệ song phương đi đúng hướng, ông Vương nhận định.
Tuyên bố được đưa ra giữa lúc căng thẳng Washington-Bắc Kinh leo thang liên quan đến nhiều vấn đề như đại dịch Covid-19, Hồng Kông, Đài Loan và Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 8.7 nhấn mạnh thế giới không nên cho phép “hành động bắt nạt” của Bắc Kinh diễn ra khi nhắc đến vấn đề tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ.
Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sắp ban hành hàng loạt sắc lệnh hành pháp liên quan Trung Quốc và khuyến khích đưa dây chuyền sản xuất về nước.
Trung Quốc sẽ đáp trả cấm vận của Mỹ
về quyền của người Uighur
Trung Quốc hôm thứ Sáu 10/7 tuyên bố sẽ có biện pháp tương xứng để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vàocác quan chức cấp cao Trung Quốc bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền của nhóm thiểu số người Uighur theo Hồi giáo.
Theo Reuters, Bắc Kinh mô tả các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ là ‘vô cùng bất lợi’ cho mối quan hệ song phương, vốn đã căng thẳng vì những bất đồng về cách Trung Quốc xử lý vụ bột phát dịch Covid-19 và việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với Hong Kong.
Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) và ba quan chức cấp cao khác tại khu tự trị Tân Cương, gồm ông Wang Mingshan – Giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy Công an Tân Cương, ông Zhu Hailun – bí thư đảng ủy Ủy ban Chính trị và Luật pháp Tân Cương và ông Huo Liujun – cựu quan chức công an tại Tân Cương.
Một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả ông Trần Toàn Quốc, một Ủy viên Bộ Chính trị, là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất bị chính phủ Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt. Ông nói:
“Biện pháp này không phải là một trò đùa. Không những nó mang tính biểu tượng và tác động tới uy tín của người bị phạt, mà nó còn có hệ quả thực tế, cản trở khả năng di lại trên thế giới và công việc làm ăn của đối tượng.”
Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), nói quyết định của Hoa Kỳ là một sự can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ Trung Quốc.
“Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ hãy sửa lại quyết định sai lầm này. Nếu Hoa Kỳ tiến hành ý định, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.”
Vẫn theo Reuters, các biện pháp trừng phạt của Washington được áp dụng theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu, cho phép chính phủ Mỹ trừng phạt những cá nhân đã vi phạm nhân quyền trên kháp thế giới bằng cách đóng băng tài sản của họ tại Hoa Kỳ, cấm du lịch sang Mỹ, và đồng thời, cấm công dân Mỹ làm ăn với họ.
Nghị hội Uighur Thế giới, nhóm Uighur lưu vong lớn nhất, hoan nghênh động thái này và kêu gọi Liên minh châu Âu và các nước khác hãy đề ra các biện pháp cấm vận tương tự.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio là người bảo trợ cho dự luật đã được Tổng thống Trump ký thành luật vào tháng 6.
Xả lũ Tam Hiệp, Bắc Kinh làm ngập Vũ Hán
để ngăn cản cuộc điều tra Covid-19 của WHO?
Quý Khải
Tác giả Akshay Narang đã có một bài bình luận trên TFI Post với tựa đề “Trung Quốc cố tình xả lũ làm ngập Vũ Hán để ngăn chặn cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO”. Dưới đây là toàn văn bài bình luận:
Không ai có thể đoán được Bắc Kinh đang mưu tính điều gì. Đầu tiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giấu dịch cục bộ tại đại lục, khiến nó bùng phát thành đại dịch toàn cầu. Và giờ đây, Trung Quốc có thể đang cố gắng xả lũ ngập thành phố Vũ Hán – tâm chấn ban đầu của đại dịch Covid-19 – nhằm ngăn chặn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến thành phố này tiến hành cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 dự kiến vào tuần tới, trong bối cảnh nghi vấn virus này khởi phát từ Viện Virus học Vũ Hán, một phòng thí nghiệm cấp cao đặt tại thành phố này.
Vũ Hán đang chứng kiến trận lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1961. Có 8 người đã tử vong và thành phố này do đó đã bị ‘phong tỏa’ một lần nữa. Cục Khí tượng Trung Quốc đã phát cảnh báo về mưa bão trong 31 ngày tới.
Nhưng nhiều nghi vấn đang được đặt ra xoay quanh ý định thực sự của Bắc Kinh và liệu những đợt lũ lụt tàn khốc ở miền Trung Trung Quốc, bao gồm cả ở Vũ Hán, có thực sự là một thiên tai hay không?
Ở trung tâm của toàn bộ cuộc tranh luận này là một con đập khổng lồ nằm cách Vũ Hán 368 km. Đó là đập Tam Hiệp – nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới được xây dựng trên sông Dương Tử.
Nằm ở huyện Di Lăng, làng Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, con đập này được giới quan sát cho là nguyên nhân gây ra tình cảnh lũ lụt tàn khốc ở miền Trung Trung Quốc khiến hàng triệu người đối mặt với nguy hiểm.
Theo nhận định của tờ TFI Post, các báo cáo cho thấy tình trạng lũ lụt ở Vũ Hán và các nơi khác là kết quả trực tiếp của việc thủy điện Tam Điệp mở các cửa xả lũ. Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố rằng con đập này không có liên hệ gì đến tình trạng lũ lụt hiện nay.
Theo Taiwan News, người dân ở dưới hạ lưu con đập đã lên án chính quyền âm thầm xả nước ở thượng nguồn để cứu con đập khỏi bị vỡ. Họ còn có văn kiện mật được lưu hành nội bộ về việc này. Vào ngày 29/6, chính phủ Trung Quốc rốt cục đã thừa nhận việc họ đã thực hiện việc xả nước lũ lần đầu vào năm ngoái.
Chính phủ Trung Quốc cũng nhấn mạnh rõ rằng một làn sóng nước lũ mới đang tràn vào khu vực lưu vực Tam Hiệp.
Chính quyền Trung Quốc nói rằng con đập đang trên bờ vực sụp đổ. Tình hình này thúc bách phải mở các cửa xả lũ của con đập. Do đó, các thành phố Nghi Xương và Vũ Hán ở Hồ Bắc vốn nằm ở hạ lưu sông Dương Tử, bên dưới đập Tam Hiệp đều đang bị nước lũ hoành hành.
Các nhà hoạt động Trung Quốc lo ngại rằng việc xả nước lũ từ đập Tam Hiệp là có chủ đích. Jennifer Zeng, một nhà hoạt động Trung Quốc tại Mỹ nhận định rằng hành động xả lũ này được thực hiện có chủ đích.
Bà Zeng tin rằng chính quyền Trung Quốc muốn xóa sổ bằng chứng chống lại Trung Quốc và vai trò của nó trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Trung Quốc có rất nhiều điều để che giấu. Bắc Kinh đã và đang báo cáo giảm số lượng ca nhiễm và tử vong do Covid-19 của họ. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng có ít hơn 100.000 ca nhiễm và chỉ có 3.300 trường hợp tử vong trên cả nước vì căn bệnh này.
Nhưng những con số này thật sự đáng tin cậy. Trong suốt tháng 12 và tháng 1, Trung Quốc đã tất bật che giấu hơn là khống chế đại dịch.
Các báo cáo về việc Vũ Hán phân phối 40.000 chiếc bình đựng hài cốt trong 10 ngày đã kể cho chúng ta biết một câu chuyện hoàn toàn khác. Và sau đó vào đầu tháng 6, đã có báo cáo về 200 bệnh nhân không có triệu chứng có kết quả xét nghiệm dương tính ở tâm dịch Vũ Hán. Một lần nữa đây mới chỉ là
những con số chính thức của Bắc Kinh. Chúng ta không bao giờ có thể biết được nếu Vũ Hán vẫn còn vật lộn với dịch Covid-19 vốn khởi phát ở đây.
Không chỉ vậy, Bắc Kinh cũng muốn đánh lạc hướng sự chú ý khỏi phòng thí nghiệm đáng ngờ thuộc Viện Virus học Vũ Hán. Trên khắp thế giới, đã có nhiều quan điểm cho rằng nCoV bắt nguồn từ đây, nơi hoạt động nghiên cứu liên quan đến virus corona được triển khai từ nhiều năm về trước. Với tình hình lũ lụt lan rộng, Trung Quốc có thể dễ dàng hơn trong việc ngăn chặn thế giới tiếp cận phòng thí nghiệm đáng ngờ này.
Vũ Hán vì thế đang trở thành bí ẩn lớn nhất đối với thế giới nói chung. Cho đến nay, song song với việc tự hỏi liệu virus Vũ Hán có phải là nhân tạo hay không, chúng ta giờ cũng nên tự hỏi liệu tình cảnh lũ lụt ở Vũ Hán hiện nay có phải do con người tạo ra hay không.
Mưa vượt kỷ lục, Hồ Bắc nâng mức cảnh báo,
lũ phá nhịp cầu 800 năm tuổi ở Giang Tây
Triệu HằngTỉnh Hồ Bắc Trung Quốc đã nâng phản ứng khẩn cấp phòng chống lũ lụt lên cấp 2 từ cấp 3 hôm thứ Năm (9/7), sau khi lượng mưa ở 4 thành phố của tỉnh vượt mức kỷ lục. Lũ lụt làm bay mái và phá vỡ một nhịp của cầu Thải Hồng 800 năm tuổi ở huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây.
Mưa xối xả đã nhấn chìm tỉnh Hồ Bắc vào thứ Tư (8/7) và lũ lụt gây ra cảnh ngập bị ngập úng, sạt lở đất, tràn hồ chứa và gây ra gián đoạn giao thông, đài Tiếng nói Hồ Bắc thuộc truyền hình Hồ Bắc đưa tin hôm thứ Năm.
Lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 9 triệu người, 14 người chết, 5 người mất tích và 204.400 người sơ tán trên 17 thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc vào hôm thứ Năm. Hơn 3.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 5.000 ngôi nhà khác bị hư hại. Thiên tai đã gây ra thiệt hại về tài sản lên đến 11,1 tỷ nhân dân tệ (1,57 tỷ USD) cho tỉnh này. Mực nước của sông Dương Tử đoạn chảy qua Hồ Bắc cũng tăng.
Thống kê của Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc cho thấy từ ngày 1/6 đến ngày 7/7 năm nay có 6 cơn mưa lớn ở trung và hạ lưu sông Dương Tử.
Quận Bà Dương (Poyang) ở tỉnh Giang Tây vào tối thứ Năm nâng phản ứng khẩn cấp chống lũ lụt lên cấp 1, vì mực nước đã vượt quá mực nước lũ năm 1998. Hơn 9.000 người bị đe dọa bởi nước lũ và đã sơ tán, cơ quan chức năng địa phương cho biết.
Cầu Thải Hồng còn gọi là cầu Vồng, tại thị trấn Thanh Hoa, huyện Vụ Nguyên (Wuyuan), tỉnh Giang Tây. Cầu có kiến trúc gỗ xây theo kiểu hành lang gồm 11 tòa mái đình trên 4 trụ đá. Đây là di tích lịch sử quốc gia, được coi là một trong những cầu cổ đẹp nhất Trung Quốc. Theo video từ phương tiện truyền thông Trung Quốc, các mố đá của cầu vẫn đứng vững, nhưng một nhịp cầu bị cuốn trôi, tốc mái, bị hư hại nặng. Chính quyền quận Vụ Nguyên yêu cầu cư dân giúp tìm các phần của cây cầu bị lũ cuốn, truyền thông địa phương đưa tin.
Cũng ở tỉnh Hồ Bắc, một thảm họa lở đất đã xảy ra ở một ngôi làng thuộc Hoàng Mai, Hoàng Cương vào khoảng 3:15 sáng thứ Tư khiến 8 người thiệt mạng. Thi thể của một em nhỏ 14 tuổi được tìm thấy vào khoảng 4:30 chiều cùng ngày. Trong số 9 người dân làng khác mất tích hoặc bị cuốn trôi thì chỉ một bà lão 80 tuổi sống sót, truyền hình CGTN đưa tin.
“Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền tỉnh ngay lập tức hỗ trợ, bao gồm các thiết bị dò tìm người còn sống, các chuyên gia địa chất và máy xúc máy đào”, Wu Guozheng, người đứng đầu Cục quản lý khẩn cấp Hoàng Mai nói. “Trận mưa lớn năm nay là chưa từng có. Lở đất ở làng này là rất hiếm nên dân làng nghĩ rằng việc sơ tán là không cần thiết. Nhưng rồi nó đã xảy ra”.
[Video] Chiết Giang xả lũ:
Sức nước gần 8.000 tấn mỗi giây,
mặt sông như biển gặp bão, cá bắn lên trời
Phụng Minh
Nhìn mặt sông, người ta có thể liên tưởng tới những thước phim điện ảnh về thảm họa thiên nhiên kinh hoàng.
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 8/7, hồ chứa Tân An ở tỉnh Chiết Giang đã mở 9 cửa để xả hoàn toàn, với tổng lưu lượng là 7.800m³/mỗi giây. Đây là lần đầu tiên mở toàn bộ cửa xả lũ của con đập sau 61 năm kể từ khi hồ chứa Tân An được xây dựng (1959). Mực nước của hạ lưu sông Tân An tăng hơn 5 mét và người dân dọc theo dòng sông đã sơ tán trong đêm.
Theo báo cáo chính thức, việc xả lũ bắt đầu vào sáng ngày 7/7. Ban đầu, ba cửa được mở ra, sau đó là năm cửa và sau đó là bảy cửa. Đến 9 giờ sáng ngày 8/7, tất cả 9 cửa đã được mở. Theo video ghi lại, áp lực nước mạnh đã khiến mặt sông trông như đại dương trước cơn bão lớn.
Đài truyền hình Đông Phương cho biết, với tốc độ dòng chảy 7.800m³/giây thì sau 30 phút xả lũ, lượng nước được xả có thể lấp đầy Tây Hồ. Trước việc đập thủy điện mở cửa toàn bộ 9 cổng xả lũ, toàn thành phố Hàng Châu đã bố trí 938 cơ sở lưu trú tránh lũ, khẩn cấp di chuyển 43.808 người tới nơi an toàn.
Theo một video được cư dân mạng công bố, kể từ khi hồ chứa Tân An bị ngập lụt, mực nước ở hạ lưu sông Tân An đã tăng rất cao. Chỉ trong 24 giờ, mực nước sông đã tăng hơn 5 mét. Đoạn video cho thấy quá trình nước dâng cao: Hồ chứa nước Tân An lúc đầu mở 3 cửa để xả lũ, mực nước dâng cao hơn 1 mét, lũ lụt tràn ra lối đi ven sông, tiếp tục mở thêm 2 cửa, mực nước dâng cao hơn 2 mét, và hơn một nửa đoạn vỉa hè ven sông đã bị nhấn chìm, tiếp tục mở 2 cửa nữa và mực nước tăng hơn 1 mét. Cái chòi bên sông chỉ còn nhìn thấy đỉnh, khi 9 cửa xả được mở hoàn toàn, cái chòi này đã bị ngập hoàn toàn.
Sau khi hồ chứa Tân Cương mở tất cả 9 cửa xả nước lũ, gần như tất cả các thành phố và thị trấn ở hạ lưu sông đều bị ngập lụt. Nhiều ô tô và ngôi nhà bị lũ cuốn trôi. Nước sông đã lên tới tầng hai và một số nơi có độ sâu là 10 mét.
Từ video dưới đây, bạn có thể trải nghiệm sức mạnh của việc xả lũ: nước bắn tung lên độ cao hàng chục mét khiến cá bay tung tóe trên không trung.
Theo Soundofhope
Phụng Minh biên dịch
Dị tượng: Trong 1 tuần phát sinh 14 trận động đất,
Trung Quốc sẽ có biến lớn?
Bình luậnMinh Thanh
Thiên tai thảm họa liên tiếp kéo đến Trung Quốc, bệnh dịch, lũ lụt và động đất đồng loạt tấn công, có thể nói là họa vô đơn chí. Theo thông tin do Trạm địa chấn Trung Quốc công bố vào ngày 8/7, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, đã có 14 trận động đất xảy ra trên cả nước, hầu hết có cường độ trên 3 độ richter.
Theo các ghi chép trong lịch sử, vào những năm cuối của các triều đại Trung Quốc đều xuất hiện thảm họa trùng trùng. Ngoài ra, nhật thực hình khuyên hàng trăm năm hiếm gặp đã xuất hiện vào tháng 6 năm nay. Theo dự đoán của nhà chiêm tinh đời Đường Lý Thuần Phong: không quá 3 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ diệt vong.
Trong một tuần xảy ra 14 trận động đất
Vào lúc 10h39 sáng ngày 8/7, trạm địa chấn Trung Quốc đo được trận động đất mạnh 4,2 độ richter tại quận Đông Xuyên, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (tại tâm chấn 26,02 độ vĩ Bắc và 103,13 độ kinh Đông), với độ sâu 14 km.
Được biết, trận động đất này có “rung chấn rất mạnh”. Có 20 ngôi làng và thị trấn trong phạm vi 20 km đều có chấn động mạnh và người dân địa phương rất sợ hãi. Một số cư dân mạng đại lục than thở rằng “mục tiêu lớn nhất vào năm 2020 là sống sót”.
Theo dữ liệu của trang mạng Trạm địa chấn Trung Quốc, trong vòng một tuần kể từ ngày 2/7, có tổng cộng 14 trận động đất đã xảy ra ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Tân Cương, Tây Tạng và các nơi khác, hầu hết đều có cường độ lớn hơn 3 độ richter, trong đó có 4 trận động đất trên 4 độ richter.
Các quan chức Trung Quốc cho rằng đây là “những trận động đất rất nông” với độ sâu tiêu cự dưới 15 km. Tuy nhiên, do mưa bão liên tục trong hơn một tháng, các thảm họa địa chất như sạt lở núi và đất đá trôi đã xuất hiện thường xuyên hơn ở một số khu vực dễ xảy ra động đất, gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính mạng và tài sản của người dân.
Ngoài ra, các trận động đất thường xuyên ở Tứ Xuyên và Quý Châu trên thượng nguồn sông Dương Tử cũng làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn của đập Tam Hiệp. Trước đó, một số chuyên gia thủy lợi đã cảnh báo rằng mối nguy cơ lớn nhất của đập Tam Hiệp là động đất và sạt lở núi xảy ra ở thượng nguồn. Đến nay, những tai họa này đều đã xuất hiện.
Mỗi khi sắp kết thúc triều đại, đều liên tiếp xảy ra tai họa
Gần đây, mọi người đã phát hiện ra nhiều dự ngôn cổ xưa đều dự đoán rằng người Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều tai họa trong năm nay. Theo các ghi chép của sách sử Trung Quốc, vào những năm cuối của các vương triều đều liên tiếp xảy ra tai họa. Như vậy, thực trạng hôm nay có lẽ là điềm báo Trung Quốc sắp có biến lớn.
Theo cuốn biên niên sử Trung Quốc cổ đại “Trúc thư kỷ niên” có ghi chép: “Những năm cuối triều nhà Hạ đã xảy ra 2 lần động đất lớn. “Một đêm vào năm Đế Quý thứ 15, sao băng rơi như mưa. Sau đó xảy ra động đất lớn, khiến sông Y, sông Lạc cạn khô”. “Năm Đế Quý thứ 30, núi Cù Sơn bị sạt lở”.
Những năm cuối triều nhà Thương đã xảy ra một trận động đất lớn. Sách “Trúc thư kỷ niên” có ghi chép: “Mùa xuân năm Đế Tân thứ 43, núi Nghiêu sạt lở”. Theo “Hoài Nam Tử” ghi chép: “Thời Ân Trụ núi Nghiêu sạt lở, 3 con sông đều khô cạn”.
Trong những năm cuối thời Tây Chu, kinh đô và các vùng lân cận như Kinh Thủy, Vị Thủy và Lạc Thủy đều xảy ra động đất. Hơn nữa còn xuất hiện khí hậu và hiện tượng tự nhiên dị thường cũng xảy ra. “Trúc thư kỷ niên” ghi: “Mùa đông năm U Vương thứ 3, xảy ra một trận động đất lớn. Vào tháng 6, mùa hè năm thứ 4, có sương giá”. Những gì được mô tả ở đây thực sự là thời tiết khí hậu bất thường “đông ấm hạ lạnh”. Mùa đông mà nóng thì có nhiều côn trùng có hại, mùa hè lạnh thì làm tổn hại đến hoa màu.
Vào cuối thời nhà Tần, đã có một trận lụt hiếm thấy. Vào thời điểm đó, Sơn Đông, An Huy và nhiều nơi đã biến thành đầm lầy đầy nước do mưa kéo dài. Vào cuối triều đại Tây Hán, từ thời Nguyên Đế, các thảm họa tiếp diễn từ năm này qua năm khác và tiếp tục cho đến khi Tây Hán bị diệt vong. Các thảm họa bao gồm lũ lụt, hạn hán và côn trùng…
Vào cuối triều đại Đông Hán, đã xảy ra nhiều đại dịch. Vào năm cuối của triều đại Đông Hán, năm 217, một dịch bệnh vô cùng nghiêm trọng bùng phát khắp đất nước. Vào thời điểm đó, “nhà nhà thây chết khô, phòng thất kêu khóc thảm thiết”.
Sự thảm khốc của dịch bệnh thật khó mà tưởng tượng được. Vào thời điểm đó, ở nhiều nơi quan tài đều bán sạch, những tiếng thảm thiết tràn ngập khắp nơi, bất kể là người giàu hay nghèo, đều bị nhiễm bệnh dịch. Người nghèo không có tiền mai táng người nhà, vì vậy nơi nào cũng là cảnh tượng “ra khỏi cửa chỉ toàn thấy xương trắng đầy đồng”, “xương trắng lộ ở ngoài, ngàn dặm không có tiếng gà gáy”.
Trong thời kỳ lịch sử đầy biến động Tam Quốc – Lưỡng Tấn, đã có 60 trận hạn hán, 56 trận lũ lụt, 54 trận cuồng phong, 53 trận động đất, 35 trận mưa đá và 17 đợt dịch bệnh, 14 đợt nạn châu chấu, 13 lần nạn đói vì mất mùa và 2 lần sương giá và bão tuyết.
Theo “Tấn Thư – Ngũ hành chí” ghi chép: Vào những năm cuối của triều đại nhà Tấn đã xảy ra động đất Tứ Xuyên. “Hai châu Tần, Ung gặp đại hạn, dịch bệnh, nạn đói ở Quan Trung, đấu gạo vạn quan tiền”. “Châu Thanh, Từ , U và Tứ bị hạn hán. Trong tháng 12, có 12 đợt hạn hán trong quận” cùng với bão, sương giá và lũ lụt.
Vào cuối triều đại nhà Tùy, Sơn Đông và Hà Nam bị lũ lụt tấn công, bao phủ hơn 40 quận, không lâu sau lại xuất hiện dịch bệnh. Trong đó, tình hình dịch bệnh ở Sơn Đông đặc biệt nghiêm trọng, “rất nhiều người chết”. Trong những năm cuối cùng của nhà Tùy, dịch bệnh hoành hành ở khu vực Quan Trung, hơn nữa “hạn hán làm tổn hại mùa màng”.
Từ cuối triều đại nhà Đường cho đến lúc diệt vong, cũng xuất hiện một đại dịch. Dịch bệnh ở Giang Hoài xảy ra tình huống là: “vùng Giang Hoài gần đây, do lũ lụt và hạn hán, cùng với dịch bệnh, người đói khát lưu vong, 10 phòng có 9 phòng trống”. Vào cuối triều đại nhà Đường, dịch bệnh xảy ra ở Hoài Nam khiến vô số quân nhân và dân thường tử vong.
Vào cuối triều đại Nam Tống, đã có một trận đại dịch khiến nhiều người chết ở Vĩnh Gia, Chiết Giang. Dịch bệnh này kéo dài rất lâu. Khi triều đại Nam Tống diệt vong, ôn dịch lại lần nữa giáng xuống. Trong thành Hàng Châu, “khí dịch bốc lên, số người bệnh và người chết không đếm xuể”.
Vào thời Hoàng đế Thuận Đế, những năm cuối cùng của triều đại Nguyên, là thời kỳ dịch bệnh hoành hành lớn nhất trong lịch sử của nhà Nguyên, sách sử ghi lại có hơn 12 lần. Cứ bình quân 3 năm phát sinh ôn dịch một lần, người chết vô số. Một lần đại dịch ở kinh đô kéo dài đằng đẵng hai năm.
Trong những năm cuối cùng của nhà Minh, ôn dịch xảy ra khắp nơi. Vào năm Sùng Trinh thứ 14, khu vực Bắc Kinh – Thiên Tân và Ngô Giang, Giang Tô, đều bị ôn dịch tấn công. Trong “Ngô Giang Chí” ghi chép: “Người nằm ngổn ngang, số người chết không xuể”.
Vào năm Sùng Trinh thứ 16, 17, ôn dịch lại hoành hành ở Sơn Tây. Năm Sùng Trinh thứ 17, dịch bệnh lại tới phủ Đại Đồng, trong khi huyện Linh Khâu nặng nhất “hơn một nửa số người chết”. Trong đại dịch ở Lộ An, “người bệnh nổi hạch, hoặc nhổ đờm ra máu, không dám thăm hỏi phúng viếng, người cùng nhà chết không dám chôn cất”.
Vào mùa xuân năm Sùng Trinh thứ 17, Ngô Giang lại xảy ra đại dịch, kéo dài hơn một tháng và cướp đi rất nhiều sinh mạng. Trong cùng năm đó, bệnh dịch hạch gây ra tình trạng khốn khổ “10 phòng đến 9 gian trống, và thậm chí có gia đình tận tuyệt”.
Năm cuối cùng của nhà Thanh dường như không thể thoát khỏi vận rủi này, dịch bệnh hoành hành liên tục. Trong 34 năm Quang Tự, có đến 19 năm phát sinh dịch bệnh; trong 3 năm Tuyên Thống có 2 năm xảy ra dịch bệnh. Các dịch bệnh tại thời điểm đó là dịch tả, bệnh dịch hạch và sốt rét. Năm 1902, dịch tả hoành hành ở Bắc Kinh và Thiên Tân, người chết vô số. “Có những người chết trong tích tắc, có người nửa ngày chết”.
Năm đó, An Huy, Hắc Long Giang cũng bị dịch tả nghiêm trọng. Nửa tháng sau, “thành phố này không có bóng người, mặt đường gần như không thấy vết chân”, mỗi ngày có đến 700-800 người chết. Năm 1910, bệnh dịch hạch hoành hành tại một số khu vực ở Đông Bắc, số người chết rất nhiều.
Tại sao vào cuối các triều đại, tai họa lại liên tiếp kéo đến và tàn khốc như vậy? Cổ nhân Trung Quốc từ lâu đã nói rằng: Thiên tai và Nhân họa là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Một nguyên nhân trọng yếu tạo thành ‘nhân họa’, đó chính là quân vương không coi trọng việc tu sửa đạo đức.
Nhà chiêm tinh dự đoán: Không quá 3 năm, ĐCSTQ sẽ diệt vong
Vào ngày 21/6 năm nay, nhật thực hình khuyên trăm năm hiếm có đã xuất hiện ở Trung Quốc. Theo dự đoán của nhà chiêm tinh học thời Đường – Lý Thuần Phong, “Nhật thực mà có quầng sáng bên cạnh, mây trắng thấp thoáng, thiên hạ đại loạn, đại binh khởi, thần giết vương, vương thất vị”. Điều này ám chỉ rằng nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ có thể bị thuộc hạ thanh toán và mất quyền lực.
Ngoài ra, nhật thực năm nay gần như là nhật thực toàn phần với hơn 99% toàn bộ bề mặt tròn của mặt trời bị che phủ. Theo cuốn sách “Ất Tỵ Chiêm” của Lý Thuần Phong, “Nhật thực toàn phần, mất thiên hạ, mất nước, thần giết vua, con giết cha, không quá 3 năm” ["thực tận, vong thiên hạ, đoạt quốc, thần thí quân, tử thí phụ, bất xuất tam niên"]. Thiên tượng này dự báo rằng, không quá 3 năm, ĐCSTQ sẽ diệt vong.
Minh Thanh
Theo NTDTV
49 người Việt Nam làm việc bất hợp pháp
ở Campuchia bị thẩm vấn
Tổng cục Di Trú (GDI), tỉnh Koh Kong, Campuchia tiến hành thẩm vấn 49 người Việt Nam lao động bất hợp pháp tại tỉnh này để lập hồ sơ và trả họ về nước.
Tờ Pnom Penh Post, vào ngày 9/7 dẫn lời của Giám đốc Kem Sarin, thuộc Cục Điều tra và Thủ tục cho biết thông tin vừa nêu.
Nhân viên GDI và Chính quyền tỉnh Koh Kong đã phát hiện 49 người quốc tịch Việt Nam, trong đó có 3 phụ nữ cư trú bất hợp pháp trên 18 tàu khai thác cát ở thị trấn Sre Ambel, quận Bak Angroth và làng Cher Tal Pneas.
Sau khi điều tra, Chính quyền Koh Kong cho biết tất cả họ đều không có hộ chiếu và giấy tờ hợp pháp.
Cảnh sát trưởng Sam Khitvean của tỉnh Koh Kong, vào ngày 9/7 nói với Pnom Penh Post rằng trách nhiệm của họ phải thực thi luật di trú và phía cảnh sát đang hợp hợp tác với cơ quan GDI trong việc tạm giam 49 người Việt Nam này.
Ông cảnh sát trưởng Sam Khitvean, cho biết thêm trước đây từng xảy ra trường hợp 1, 2 người Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Campuchia đã bị trả về nước.
Liên quan nhóm 49 người Việt Nam vừa bị phát hiện làm việc bất hợp pháp ở Koh Kong, Giám đốc Kem Sarin xác nhận theo quy định của luật pháp thì 49 người này phải bị trả về nước vì họ đang sinh sống và làm việc bất hợp pháp ở Campuchia. Đồng thời, GDI cũng phải thực hiện bước kế tiếp theo quy định pháp luật đối với các chủ doanh nghiệp khai thác cát.
Bầu cử lập pháp Singapore :
Kết quả đã được biết trước
Thanh Hà
Sau một chiến dịch vận động tranh cử được thu gọn trong 9 ngày, ngày 10/07/2020 hơn 2,65 triệu cử tri Singapore được kêu gọi bầu lại Quốc Hội.
Thủ tướng mãn nhiệm, Lý Hiển Long và đảng cầm quyền Hành Động Nhân Dân (PAP) được dự báo dễ dàng tái đắc cử. Đảng này liên tục cầm quyền từ khi Singapore dành được độc lập năm 1965. Tuy nhiên, mọi chú ý lần này hướng về gia đình của thủ tướng Lý Hiển Long đang bị chia rẽ : em trai ông là ông Lý Hiển Dương lại ủng hộ phe đối lập.
Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Gabrielle Maréchaux cho biết thêm :
“Tại Singapore, hai anh em một nhà trở thành những đối thủ chính trị. Người anh cả là thủ tướng mãn nhiệm vận động cử tri dồn phiếu cho đảng Hành Động Nhân Dân cầm quyền kể từ khi Singapore giành được độc lập.
Như vậy quốc gia nhỏ bé và giàu có này vẫn sẽ đoàn kết trong mùa đại dịch mà tới nay Singapore vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được tình hình. Còn người em thì đã đi theo phe đối lập và qua những tin nhắn hoặc đoạn video đăng tải trên Facebook đã chỉ trích chính quyền mà gương mặt tiêu biểu nhất là anh trai ông.
Cả hai đều là con của ông Lý Quang Diệu, người cha lập quốc Singapore. Tới nay, ông Lý Quang Diệu vẫn còn được sùng bái vì đã đưa quốc gia nhỏ bé Đông Nam Á này trở thành một thị trường tài chính quốc tế.
Việc hai anh em một nhà cùng tranh giành di sản chính trị của cha, càng gây thêm hoang mang vào lúc Singapore đã phải đối mặt với virus corona. Đại dịch mà chính quyền đương nhiệm coi là một cuộc “khủng hoảng hiện sinh” buộc quốc gia này phải xem xét lại mô hình phát triển.
Singapore vốn lệ thuộc rất nhiều vào trao đổi mậu dịch với thế giới bên ngoài, đặc biệt là về mặt lương thực thực phẩm. Công luận không phải lúc nào cũng tán đồng việc sử dụng vòng đeo tay để theo dõi và kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh. Thêm vào đó, hàng ngàn người lao động nhập cư sống trong những khu tập thể và đấy chính là nơi dịch bệnh bùng phát gây hoảng sợ.
Giới quan sát vẫn tin rằng đảng cầm quyền sẽ giành được thắng lợi trong cuộc tuyển cử lần này, tuy nhiên đa số ở Quốc Hội có thể sẽ không áp đảo như mong đợi và điều đó có thể làm thay đổi đường hướng chính trị của đảng cầm quyền”.
Phát hiện thi thể ngư dân Indonesia đông cứng
trên tàu cá TQ
Thi thể đông lạnh của một ngư dân Indonesia đã được tìm thấy trên một tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ.
Cảnh sát Indonesia cho biết họ đã chặn hai chiếc tàu ở eo biển Malacca trong tuần này sau khi nhận được tin rằng một ngư dân đã chết trên một trong những con tàu.
Ngày 9.7, các chức trách cho biết họ tìm thấy thi thể đông lạnh của một ngư dân trên một trong số tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ, nói thêm rằng họ nghi ngờ có hành vi độc ác trong cái chết của thuyền viên.
AFP dẫn lời Harry Golden Hart, phát ngôn viên cảnh sát tỉnh Riau, cho biết, người đàn ông 20 tuổi có thể đã bị tra tấn và thi thể của anh ta đã được giữ trong tủ đá của tàu cá Lu Huang Yuan Yu 117 kể từ cuối tháng 6.
“Nạn nhân bị thương, nhưng chúng tôi đang tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết” – ông Hart nói.
Hàng chục thuyền viên Trung Quốc, Indonesia và Philippines đã bị thẩm vấn liên quan đến cái chết của người đàn ông.
Các chuyên gia chống buôn người nói rằng ngành công nghiệp đánh cá đang bị thách thức bởi lao động cưỡng bức và những người lao động bị bóc lột có thể phải đối mặt với việc không trả tiền, làm việc quá sức, bạo lực và tử vong.
Indonesia và Đông Nam Á là những nguồn lao động chính như vậy và những người môi giới vô đạo đức nhắm vào người nghèo và ít học với những lời hứa về mức lương tốt trên biển.
Vào tháng 6, hai thuyền viên Indonesia đã nhảy xuống một chiếc thuyền Trung Quốc để thoát khỏi những gì họ mô tả là lạm dụng và điều kiện khủng khiếp.
Họ sau đó đã được giải cứu bởi một tàu đánh cá Indonesia và cảnh sát cho biết hôm 9.7 rằng họ đã bắt giữ 9 người về các cáo buộc lạm dụng.
Một tháng trước đó, xác 3 thuyền viên Indonesia bị ném xuống biển từ một tàu mang cờ Trung Quốc.
Indonesia sau đó nói rằng những người đàn ông này đã chết vì bệnh tật, trong khi Trung Quốc mô tả việc hải táng trên biển là phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thương chiến Ấn-Trung:
Đòn phản công ‘không khoan nhượng’ của Ấn Độ
khiến Trung Quốc điêu đứng
Bình luậnTâm An
Gần đây, Trung Quốc đang phải trả giá cho những cuồng vọng bành trướng quân sự chính trị của mình khi Ấn Độ không ngại ngần khơi mào và leo thang cuộc thương chiến Ấn-Trung giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Liên minh “hùng mạnh” Five Eyes đã có những động thái quyết liệt hướng đến Trung Quốc. Gần đây, Ấn Độ – người bạn láng giềng trong nhiều năm qua, với nền kinh tế hai nước phụ thuộc lẫn nhau, cũng đã quyết định “cắt đứt” với Trung Quốc.
Mối quan hệ ‘không thể bình thường’ với Trung Quốc, Ấn Độ chính thức khai chiến
Sự kiện hai mươi binh sĩ Ấn Độ bị sát hại trong một cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa làm người dân và chính quyền Ấn Độ vô cùng phẫn nộ. Ấn Độ đã di chuyển 30.000 quân tới biên giới tại Himalaya. Thủ tướng Modi tuyên bố “chủ nghĩa bành trướng” phải chấm dứt, và chính thức “khai chiến” cuộc thương chiến Ấn-Trung.
Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ và Trung Quốc cho hay: “Đây là một bước ngoặt rất nguy hiểm trong quan hệ hai nước. Với những gì đã xảy ra tại Thung lũng Galwan – và rất nhiều máu đã đổ – mối quan hệ này không thể bình thường được nữa”.
New Delhi tuyên bố sẽ cắt đứt các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Làn sóng tẩy chay các sản phẩm “Made in China” nổi lên rầm rộ tại Ấn Độ, khi chính quyền yêu cầu nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon phải làm rõ xuất xứ của sản phẩm.
Thậm chí, sau làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, Hiệp hội các chủ doanh nghiệp dịch vụ ăn uống và khách sạn Delhi (DHROA) – đại diện cho 3.000 khách sạn và nhà nghỉ bình dân ở thủ đô Ấn Độ, cam kết sẽ cấm công dân Trung Quốc ở trong khách sạn và nhà hàng tại Ấn Độ.
Ông Sandeep Khandelwal, chủ tịch Hiệp hội doanh nhân toàn Ấn Độ CAIT, nói với truyền thông VICE: “Chúng tôi yêu cầu Hiệp hội Khách sạn Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc như đồ gia dụng, đồ nội
thất và các sản phẩm điện tử. Tuy nhiên, Hiệp hội còn tiến thêm bước nữa khi cam kết cấm tất cả công dân Trung Quốc đặt phòng hoặc bàn ăn tại nhà hàng, khách sạn của họ”. Theo ông, ước tính hàng năm có khoảng 800.000 người Trung Quốc đến thủ đô Delhi của Ấn Độ.
Bộ Viễn thông Ấn Độ đã ra lệnh cho các công ty viễn thông Ấn Độ như BSNL, MTNL và các công ty tư nhân khác cấm sử dụng các thiết bị do Trung Quốc sản xuất và thiết bị có nguồn gốc giao dịch từ Trung Quốc. Đồng thời, Bộ này cũng gấp rút sửa đổi các điều kiện của quy trình đấu thầu nâng cấp mạng 4G của BSNL và cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu.
“Điểm nóng” của thương chiến là việc thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, hạn chế đầu tư của Trung Quốc và cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc khỏi điện thoại Ấn Độ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hoan nghênh lệnh cấm của Ấn Độ đối với các ứng dụng Trung Quốc, nói rằng động thái này sẽ “tăng cường sự toàn vẹn của Ấn Độ, an ninh quốc gia”.
Tiến thêm một bước, chính phủ Ấn Độ cấm Trung Quốc tham gia đầu tư vào các dự án đường bộ và điện lực. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đường bộ và Đường cao tốc Ấn Độ Nitin Gadkari đã tuyên bố vào ngày 1/7 rằng các công ty Trung Quốc sẽ không được phép tham gia vào các dự án đường bộ của nước này, theo The Hindu.
Trong hai tuần qua, các Bộ khác nhau đã làm lại hồ sơ đấu thầu để loại trừ các công ty Trung Quốc khỏi các dự án quan trọng. Cơ quan hải quan Ấn Độ đã tăng cường kiểm tra hàng hóa Trung Quốc tại các cảng Ấn Độ.
Các báo cáo cho biết chính phủ đang xem xét kiềm chế thương mại và mua sắm nhắm vào Trung Quốc. Chính phủ cũng đang tăng cường xem xét các khoản đầu tư của Trung Quốc vào nhiều lĩnh vực và cân nhắc quyết định rút khỏi các thử nghiệm 5G của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, tại Ấn Độ.
Các động thái này có khả năng khiến các công ty Trung Quốc tốn hàng tỷ USD thu nhập trong tương lai. Thông điệp rõ ràng từ Delhi là không thể tiếp tục quan hệ thương mại và đầu tư với chính quyền Trung Quốc như bình thường.
Từ đe dọa, bắt nạt đến dụ dỗ: chiêu bài quen thuộc của Trung Quốc không có tác dụng trong thương chiến Ấn-Trung
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã từng dẫn đầu một cuộc tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc vào năm 2016 và 2017, khi Seoul triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực (THAAD) của Hoa Kỳ. Trung Quốc sau đó đã áp dụng hạn chế du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc, khiến nước này phải “trả giá” bằng thiệt hại hàng triệu USD doanh thu du lịch. Trung Quốc cũng sử dụng các biện pháp pháp lý để đóng cửa gần 90 cửa hàng Lotte Mart thuộc sở hữu của Hàn Quốc tại đại lục.
Năm 2010, Trung Quốc bắt đầu hạn chế xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm sang Nhật Bản – thành phần quan trọng của nhiều ngành công nghiệp điện tử – sau vụ va chạm gần các đảo trong cuộc tranh chấp về vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Hai năm sau đó, các cuộc biểu tình rầm rộ do chính quyền Trung Quốc tổ chức liên quan đến vấn đề biển đảo, dẫn đến việc tẩy chay các thương hiệu Nhật Bản; trong một số trường hợp, các vụ bạo lực nhắm vào các cửa hàng và xe hơi có thương hiệu Nhật Bản.
Với Philippines, vì một cuộc tranh chấp về bãi cạn ở Biển Đông năm 2012, Trung Quốc đã khiến nền kinh tế Philippines “điêu đứng” khi hạn chế nhập khẩu chuối và hạn chế du lịch, khiến nước này mất đi hàng triệu USD doanh thu.
Gần đây, chính quyền Trung Quốc cũng đã phát động chiến tranh thương mại với Úc để trả đũa việc nước này đi đầu trong nỗ lực kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19. Bên cạnh đó, quan hệ Canada-Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi Ottawa bắt giữ một lãnh đạo cấp cao của Huawei.
Không có gì lạ trong các động thái của chính quyền Trung Quốc khi họ thường xuyên triển khai các biện pháp đối phó kinh tế, từ việc hạn chế tiếp cận thị trường đến tẩy chay hàng hóa đối với các tranh chấp của chính họ với các quốc gia khác, từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến Philippines và Mông Cổ.
Vào tháng 4/2020, The Global Times, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xuất bản một bài xã luận tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã trao cho chính quyền Modi sự tin tưởng sai lầm, và rằng Hoa Kỳ cuối cùng sẽ từ bỏ Ấn Độ. Tờ này thậm chí còn tìm cách “ly gián” quan hệ Mỹ-Ấn khi tuyên bố rằng Washington có thể can thiệp nhằm làm xấu đi mối quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc.
Sau đó, The Global Times dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc đe dọa rằng cuộc thương chiến chỉ có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào người dân và nền kinh tế Ấn Độ khi Trung Quốc từ lâu đã là một đối tác thương mại quan trọng đối với Ấn Độ. Từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, Ấn Độ đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 65 tỷ USD từ Trung Quốc, chiếm gần 14% tổng kim ngạch nhập khẩu, theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc đã mua hàng hóa trị giá 16,6 tỷ USD từ Ấn Độ, theo CNN.
Trong trường hợp vụ tranh chấp biên giới với Ấn Độ dẫn đến thương chiến, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh và Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi kêu gọi Ấn Độ xem xét các động thái, cho biết các biện pháp chọn lọc và phân biệt đối xử nhắm vào các ứng dụng nhất định của Trung Quốc là đi ngược lại xu hướng chung của thương mại quốc tế và thương mại điện tử, và không có lợi cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh thị trường ở Ấn Độ.
Đáp lại, giới chức cấp cao của Quân đội Ấn Độ nói với tờ Hindustan Times vào ngày 5/7 rằng Ấn Độ đã chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc “đối đầu lâu dài”.
Ấn Độ ‘quyết không khoan nhượng’, Trung Quốc trả giá đắt
Hôm 1/7, Economic Times của Ấn Độ đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã quyết định xóa bỏ tài khoản Weibo với 240.000 người theo dõi đến từ Trung Quốc đại lục. Hiện ông đã xóa sạch dữ liệu trong tài khoản của mình, bao gồm cả ảnh chụp chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giám đốc dự án Ấn Độ tại Viện Brookings (Washington, Mỹ) Tanvi Madan cho rằng: “Điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho quan điểm rằng sự phụ thuộc về kinh tế có thể xoa dịu các căng thẳng chính trị”.
Mối đe dọa về “nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn gấp 5 lần so với Ấn Độ” và “một Trung Quốc đang trỗi dậy” không làm Ấn Độ nao núng, thương chiến Ấn-Trung tiếp tục leo thang khi vào ngày 4/7, truyền thông Ấn Độ The Print đưa tin rằng chính phủ Ấn Độ cho biết họ sẽ không tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – gồm 15 quốc gia thành viên.
Thủ tướng Modi cũng tuyên bố Ấn Độ sẽ không gia nhập vào bất kỳ hiệp định thương mại nào có ĐCSTQ, và cho biết quốc gia này đã đưa ra một kế hoạch kinh tế đặc biệt “Ấn Độ tự cung tự cấp” (Admanirbar Bharat) vào tháng 5/2020, theo The Epoch Times.
Theo ANI, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh cho biết, nước này sẽ không nhập khẩu thiết bị năng lượng từ Trung Quốc. Phát biểu trong hội thảo trực tuyến, ông Singh nói: “Ấn Độ nhập khẩu thiết bị năng lượng trị giá 710 tỷ Rupee (9,4 tỷ USD), bao gồm nhập khẩu 210 tỷ Rupee (2,8 tỷ USD) từ Trung Quốc… Đây là những gì chúng tôi không thể cho phép khi nước này xâm chiếm lãnh thổ của chúng tôi… chúng tôi sẽ không mua bất cứ thứ gì từ Trung Quốc”.
Theo Reuter, chính phủ Ấn Độ đang xem xét khoảng 50 đề xuất đầu tư liên quan đến các công ty Trung Quốc theo chính sách sàng lọc mới, cho dù là tài trợ mới hay bổ sung, bất chấp sự chỉ trích từ các nhà đầu tư Trung Quốc và Bắc Kinh khi gọi chính sách này là sự “phân biệt đối xử”.
Có hơn 800 công ty Trung Quốc ở Ấn Độ, hoạt động rộng khắp trong nhiều ngành nghề, bao gồm năng lượng, đường sắt, thép, ô tô, thiết bị hạng nặng, viễn thông, hóa dầu, dược phẩm, bất động sản và đồ gia dụng.
Theo tính toán của Chính phủ Trung Quốc, chỉ trong 3 năm từ 2014-2017, đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đã tăng gấp 5 lần lên khoảng 8 tỷ USD. Một nghiên cứu được Viện Brookings Ấn Độ công bố vào tháng 3/2020, ước tính tổng số tiền đầu tư hiện tại và theo kế hoạch của Trung Quốc vào Ấn Độ là 26 tỷ USD.
Geethanjali Nataraj, giáo sư kinh tế tại Viện Hành chính công Ấn Độ (IIPA) chỉ ra rằng: “Các công ty Trung Quốc đã phải đối mặt với các hạn chế thương mại từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác, và họ phải đối mặt với áp lực quá mức. Do đó, không dễ để Trung Quốc bỏ qua một thị trường lớn như Ấn Độ”.
Trong khi đó, Ấn Độ có khả năng “mất nhiều hơn” khi tham gia vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Gokhale, cựu ngoại trưởng Ấn Độ, nói rằng các nước không còn có thể bỏ qua những vi phạm của Bắc Kinh và phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo The New York Times.
Một nhà ngoại giao Ấn Độ cho biết “Ấn Độ đại diện cho một con đường, và Trung Quốc đại diện cho một con đường khác”. Cả hai đã không thể “đi chung” một con đường nữa. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có lẽ Ấn Độ đã có “con đường đã chọn”, và con đường ấy mở đầu bằng cuộc thương chiến Ấn-Trung không khoan nhượng.
Tâm An
Úc kiên quyết không nhượng bộ Trung Quốc
trong vấn đề Hồng Kông
Thanh Phương
Vốn đã xấu đi từ nhiều tháng qua, quan hệ giữa Úc và Trung Quốc càng thêm căng thẳng trong vấn đề Hồng Kông, nhất là do thái độ của Canberra nhất quyết không lùi bước trước Bắc Kinh.
Bất chấp những lời cảnh cáo của Bắc Kinh, ngày 09/07/2020, thủ tướng Scott Morrison thông báo đình chỉ hiệp định dẫn độ giữa nước Úc với Hồng Kông. Đối với ông, đạo luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt ở Hồng Kông là « một sự thay đổi căn bản tình hình » ở đặc khu hành chính này.
Thủ tướng Morrison cũng đã thông báo quyết định triển hạn visa thêm 5 năm cho các sinh viên và lao động có tay nghề, biến nước Úc thành nơi lánh nạn cho dân Hồng Kông. Quyết định nói trên sẽ được áp dụng ngay đối với 10 ngàn người Hồng Kông hiện đang sống ở Úc và sau 5 năm triển hạn visa, những người đó có thể xin thường trú ở Úc. Như vậy là Canberra theo chân Luân Đôn, vào đầu tháng 7 đã quyết định cấp giấy cư trú cho 3 triệu người Hồng Kông ở Anh Quốc.
Cũng giống như đối với Luân Đôn, chỉ vài giờ sau, Bắc Kinh, qua lời đại sứ Trung Quốc tại Canberra, đã lên tiếng chỉ trích nặng nề các lãnh đạo Úc. Vị đại sứ này lên án chính phủ Canberra « can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc », cảnh cáo là nếu không ngừng can thiệp, nước Úc sẽ chẳng khác gì « tự bắn một viên đạn vào chân mình ».
Dự trù khả năng Bắc Kinh sẽ trả đũa, chính phủ của thủ tướng Morrison từ nhiều ngày qua đã cảnh báo các công dân của họ ở Trung Quốc và Hồng Kông về « nguy cơ bị bắt giữ tùy tiện với những lý do mơ hồ liên quan đến an ninh quốc gia ».
Quan hệ giữa hai nước đã nóng lên kể từ giữa tháng Tư, khi Canberra dám lên tiếng yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Ngoài việc chỉ trích chính phủ Morrison theo chân Hoa Kỳ, Trung Quốc còn cho thi hành nhiều biện pháp trả đũa kinh tế đối với nước Úc. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, nên dĩ nhiên là các biện pháp trả đũa này đã gây thiệt hại nặng nề cho nước Úc.
Nhưng vì sao chính phủ của thủ tướng bảo thủ Morrison lại nhất quyết không tỏ ra mềm yếu với Bắc Kinh ? Theo tờ Le Monde hôm nay, lý do chủ yếu đó là vì, đối với Canberra, Trung Quốc nay là mối đe dọa ngày càng lớn. Tham vọng khu vực của Bắc Kinh nay lấn sang cả « sân sau » của nước Úc, đó là khu vực nam Thái Bình Dương. Không những thế, Trung Quốc còn tìm cách can thiệp vào chính trị nội bộ nước Úc. Hôm 19/06 vừa qua, Canberra thông báo đã là mục tiêu của một cuộc tấn công tin học từ một « tác nhân Nhà nước ». Tuy thông báo không nêu tên nước nào, nhưng mọi con mắt đều nhìn về phía Trung Quốc.
Không chỉ tìm cách ngăn chận sự can thiệp của nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, vào chính trị nội bộ nước Úc, chính phủ thủ tướng Morrison còn thay đổi chiến lược phòng thủ, kể từ nay tập trung chủ yếu lực lượng tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực mà theo Canberra đã trở thành « tâm chấn của một sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng » và cũng là nơi mà nguy cơ xung đột đang gia tăng.
Là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, nước Úc cũng đang tăng cường quan hệ với các cường quốc khu vực khác, như Nhật Bản và Ấn Độ, là những nước có hiềm khích với Trung Quốc. Theo hãng tin Bloomberg ngày 10/07, Ấn Độ dự trù mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar vào cuối năm 2020.
Cho tới nay chỉ có Mỹ và Nhật tham gia cuộc tập trận này. Nếu Úc nhận lời thì đây sẽ là lần đầu tiên bốn nước thuộc nhóm Đối thoại an ninh bốn bên QUAD và cũng là bốn nền dân chủ lớn, tập trận chung với nhau, củng cố thêm liên minh đối đầu với Trung Quốc.
Vấn đề là, vào lúc mà tác động của dịch Covid-19 còn rất nặng nề, nước Úc, đúng hơn là nền kinh tế Úc, sẽ chống đỡ được trong bao lâu, nếu Trung Quốc gia tăng các biện pháp trả đũa thái độ kiên quyết của chính phủ thủ tướng Morrison ?
Covid-19 : Úc sẽ giảm số công dân
được phép hồi hương
Thanh Phương
Úc sẽ cắt giảm phân nửa số công dân được phép trở về nước, vào lúc mà nhà chức trách của quốc gia này đang nỗ lực ngăn chận dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại thành phố lớn thứ hai của Úc.
Hãng tin AFP dẫn thông báo của thủ tướng Scott Morrison hôm nay, 10/07/2020, cho biết kể từ thứ Hai 13/7, chỉ có 4.000 công dân hoặc những người có thẻ thường trú được phép trở về nước Úc mỗi ngày, thay vì 8.000 như hiện nay.
Theo lời thủ tướng Morrison, biện pháp này là cần thiết vì nước Úc phải tập trung nguồn lực để ngăn chận dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại một cách rất đáng ngại tại Melbourne, nơi đã có thêm 288 ca nhiễm trong vòng 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm mới mỗi ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại thành phố lớn thứ hai của Úc.
Lệnh phong tỏa hôm qua đã được tái lập đối với 5 triệu dân của Melbourne trong 6 tuần. Người dân Melbourne đón nhận biện pháp này như thế nào? Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse gởi về bài phóng sự :
20% dân số nước Úc lại bị phong tỏa. Tại Melbourne, thật khó mà chấp nhận tin này. Nhưng đối với Emilie, sống tại Úc từ 20 năm nay, thà cẩn trọng quá mức còn hơn : « Tốt hơn là phải lo xa, phải ngăn ngừa, bởi vì đúng là gần đây chỉ có hai người chết do virus corona, nhưng đó là những người chết trong cô đơn, không có gia đình bên cạnh, không có một người nào chung quanh họ, bởi vì đối với con virus này thì phải làm như vậy thôi ».
Nhưng về phần Justin thì anh khó chấp nhận việc phong tỏa trở lại: « Điều này đã tác động đến cuộc sống xã hội của tôi, nhưng tôi đoán rằng làm như thế là tốt nhất, cho dù tôi không đồng ý. Tôi nghĩ là chúng ta đã phản ứng quá đáng ».
Tác động của dịch Covid-19 ở Úc, quốc gia hiện chỉ có khoảng 100 ca tử vong tính từ đầu mùa dịch, nhẹ hơn rất nhiều so với ở Hoa Kỳ hay ở châu Âu. Nhưng ngược lại, hậu quả của việc phong tỏa trở lại đối với nền kinh sẽ rất là nặng nề. Như trường hợp của Justin chẳng hạn : anh đã bị thất nghiệp bán phần và nay đã hầu như mất hết hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm lại được việc làm của mình.
Anh nói: « Đối với tôi và đối với nhiều người khác, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà hàng, biện pháp phong tỏa trở lại chính là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài. »
Theo thẩm định của chính phủ Úc, việc tái lập phong tỏa sẽ gây thiệt hại khoảng 600 triệu euro mỗi tuần.
Hồng Kông đóng cửa trường học
Hãng tin AFP cho biết chính quyền Hồng Kông, ngày 10/7 thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ các trường kể từ thứ Hai, 13/7, sau khi thấy số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại đặc khu hành chính này tăng vọt trong những ngày qua.
Còn theo hãng tin AP, hai chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới sẽ đến Bắc Kinh để gặp các đồng nhiệm Trung Quốc trong hai ngày 11 và 12/07 nhằm chuẩn bị cho một phái đoàn của tổ chức này đến điều tra về nguồn gốc của dịch Covid-19.
0 comments