BizLIVE - 
Nhiều yếu tố đan xen tác động cùng lúc đối với giá cà phê hiện nay.
Brazil được mùa, giá cà phê tiếp tục “nhảy múa”
Ảnh minh họa/Quang Trí
  •  Giá rất thấp, người dân không muốn bán ra, nhà xuất khẩu gặp khó nguồn hàng cho các hợp đồng đã ký

  •  Tháng 6, xuất khẩu cà phê tăng khá so với tháng trước

  •  Vụ thu hoạch mới của Brazil dự báo sản lượng đạt kỷ lục, tăng cung trong khi cầu trên thế giới chưa ổn định bởi quan ngại Covid-19 tái bùng phát

Tuần đầu tháng 7/2020, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên liên tục tăng nhẹ nên nhiều người hy vọng đà tăng sẽ duy trì. Tuy nhiên, như từng thể hiện gần đây, giá lại thất thường và tiếp tục “nhảy múa”.
Đầu tuần này, giá cà phê có xu hướng giảm, qua ngày 7/7 giảm mạnh 400 - 500 đồng/kg phá vỡ đà tăng của tuần trước đó, nhưng hôm qua (8/7) đã tăng lại 300 đồng/kg.
Người dân không muốn bán ra khi giá giảm
Sáng ngày 8/7, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam tăng 300 đồng/kg và toàn miền đang dao động trong khoảng từ 30.700 - 31.200 đồng/kg.
Cụ thể, tại Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà (Lâm Đồng) tăng lên mức 30.700 đồng/kg; tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum hiện ở mức 31.100 - 31.200 đồng/kg. Giá cà phê R1 giao tại cảng TP.HCM ở ngưỡng 33.000 đồng/kg.
Một doanh nhân ở TP.HCM cho biết, nguồn cung trong nước có biểu hiện hạn chế và khi giá cà phê đang giảm xuống mức rất thấp thì tâm lý người dân không muốn bán ra, dẫn đến thương nhân và nhà xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua để xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính xuất khẩu cà phê tháng 6/2020 đạt 140 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với tháng 5/2020, nhưng so với tháng 6/2019 giảm 3% về lượng và giảm 1,9% về trị giá.
Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 955 nghìn tấn, trị giá 1,609 tỷ USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân cà phê tháng 6/2020 ước đạt 1.693 USD/tấn, giảm 0,02% so với tháng 5/2020 nhưng tăng 1,1% so với tháng 6/2019. Bình quân 6 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt khoảng 1.685 USD/tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó, riêng xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 5/2020 đạt 109,5 nghìn tấn, trị giá 158,12 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và giảm 14,4% về trị giá so với tháng 5/2019. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu cà phê Robusta tăng 4,9% về lượng và tăng 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 694,6 nghìn tấn, trị giá 1,029 tỷ USD.
Xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường tăng, gồm: Đức, Nhật Bản, Algeria, Bỉ, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường giảm, như: Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Nga, Malaysia, Anh, Pháp.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta tháng 5/2020 đạt 1.444 USD/tấn, tăng 0,04% so với tháng 5/2019, nhưng bình quân 5 tháng giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta đạt mức 1.482 USD/tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Brazil được mùa kéo giá cà phê thế giới tuột dốc
Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 8/7, giá cà phê thị trường thế giới ghi nhận tăng trở lại; giá cà phê Robusta tại sàn London giao tháng 9/2020 tăng 16 USD/tấn (mức tăng 1,36%) giao dịch ở mức 1.191 USD/tấn. Trong khi đó tại sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2020 cũng tăng 2,15 cent/lb (mức tăng 2,19%) giao dịch ở mức 100,3 cent/lb.
Nhưng trước đó, vào ngày 7/7, mở cửa phiên giao dịch giá cà phê thị trường thế giới giảm mạnh, giá cà phê Robusta tại London kỳ hạn giao tháng 9/2020 giảm 24 USD/tấn (mức giảm 2%) giao dịch ở mức 1.175 USD/tấn, và kỳ hạn giao ngay tháng 11 giảm thêm 23 USD, còn 1.194 USD/tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình. Trong khi đó tại sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2020 cũng giảm 0,8 cent/lb (mức giảm 0,77%) giao dịch ở mức 103,2 cent/lb.
Tương tự, giá cà phê Arabica tại sàn New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 5,05 cent, xuống 98,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 5 cent, còn 100,9 cent/lb, các mức giảm rất mạnh.
Theo các nhà phân tích, việc thu hoạch vụ mùa mới ở Brazil đang tiến triển tốt, với dự báo sản lượng đạt kỷ lục làm nguồn cung cà phê toàn cầu trở nên dư thừa, và tỷ giá đồng Real vẫn đang ở mức có lợi để nông dân đẩy mạnh bán ra tiếp tục tạo áp lực lên giá cà phê thế giới.
Nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thị trường yếu còn do căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc; giữa Hoa Kỳ - EU khiến sức mua trên thị trường hàng hóa nông sản thấp.
Bên cạnh mối lo làn sóng đại dịch Covid-19 bùng phát lần 2 ngày càng gia tăng và những bất ổn liên quan đến sự phục hồi của các nền kinh tế vẫn là một khía cạnh giảm giá, và mang lại tâm lý rủi ro trên các thị trường hàng hóa đã tác động tiêu cực lên thị trường cà phê.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 3% trong năm 2020. Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nhận định, nếu GDP toàn cầu giảm 1% sẽ khiến tiêu thụ cà phê giảm 0,95%.
“Giá cà phê thêm đà tuột dốc còn do nỗi thất vọng của ‘tay đầu cơ’ khi các dự báo cho thấy Brazil đang thu hoạch cà phê Robusta trong điều kiện thời tiết thuận lợi với dự báo được mùa, đồng Real Brazil giảm mạnh có lợi cho người trồng cà phê nước này, và Indonesia bắt đầu tham gia thị trường đang tạo áp lực lên giá cà phê thế giới”, một thương nhân ở TP.HCM cho biết.
QUANG TRÍ