Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 10/07/2020

Friday, July 10, 2020 6:52:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 10/07/2020

TQ có gì để đấu với Mỹ ở Biển Đông?

Truyền thông Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh luôn sẵn sàng đối đầu trước những thách thức từ Mỹ ở Biển Đông.
Ông Wang Yunfei, sĩ quan hải quân Trung Quốc nghỉ hưu cho rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trước “các mối đe dọa” từ Mỹ ở Biển Đông.
“Trung Quốc đã vài lần trải qua những mối đe dọa từ Mỹ ở Biển Đông với sự hiện diện của các tàu sân bay”, ông Wang chia sẻ trên Phoenix Television.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”.
Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
“Quyết tâm bảo vệ chủ quyền và các lợi ích trên biển của Trung Quốc không hề bị dao động sau mối đe dọa mới nhất từ phía Mỹ. Quân đội Trung Quốc hiện sẵn sàng và sẽ giải quyết mối đe dọa này một cách dễ dàng”, ông Wang nói thêm.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh hoàn toàn nắm quyền kiểm soát tình hình.
“Trung Quốc có rất nhiều loại vũ khí diệt tàu sân bay như các tên lửa được mệnh danh ‘sát thủ diệt tàu sân bay’ DF-21D và DF-26. Biển Đông hoàn toàn nằm trong phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc. Việc để tàu sân bay nào của Mỹ di chuyển trong khu vực là tùy vào ý muốn của quân đội Trung Quốc”, Thời Báo Hoàn Cầu nhấn mạnh.
Thậm chí, theo ông Wang, trong năm 2019, Trung Quốc đã cho tiến hành các cuộc tập trận phóng tên lửa đạn đạo, tên lửa chống hạm phóng từ trên không và tên lửa chống hạm ở Biển Đông là nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công vào tàu sân bay của nước ngoài.
Ông Wang cho hay, cuộc tập trận quy mô lớn của hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan sẽ biến thành mục tiêu “thực” để hải quân Trung Quốc thử nghiệm năng lực chiến đấu.
Đáng nói, theo ông Wang, Trung Quốc có thể tiến hành thêm các cuộc tập trận ở Biển Đông trong tháng Tám tới.
Còn ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định, nguy cơ leo thang căng thẳng Mỹ – Trung ở Biển Đông hiện còn
thấp do hai bên vẫn tránh “dùng vũ lực chống lại nhau”. Bởi theo ông Koh, Trung Quốc vẫn đang tập trung phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Chính quyền Bắc Kinh cáo buộc Mỹ “có lý do nhưng không công khai” khi điều động hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông tập trận. Truyền thông Trung Quốc cũng khẳng định Bắc Kinh luôn sẵn sàng đối đầu trước thách thức từ Mỹ.
Cụ thể, hôm 6/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh tình hình ở Biển Đông vẫn ổn định. Song ông Triệu cáo buộc Mỹ đang khuấy động căng thẳng giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á.
“Mỹ chủ tâm tiến hành tập trận quy mô lớn ở Biển Đông và mục đích là phô trương sức mạnh. Mỹ có nhiều lý do, nhưng không nói ra. Mỹ đang tạo ra sự chia rẽ trong khu vực và tiến hành quân sự hóa Biển Đông”, phát ngôn viên Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích Mỹ.
Còn theo Chuẩn Đô đốc George Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, mục đích tập trận của hải quân Mỹ trên Biển Đông là “thể hiện tín hiệu rõ ràng tới các đối tác và đồng minh rằng chúng tôi cam kết đảm bảo an ninh và ổn định của khu vực”.
Ông Wikoff từ chối tiết lộ vị trí mà hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông. Tướng Mỹ nói thêm, các cuộc tập trận của hải quân Mỹ không chỉ là phản ứng trước quân đội Trung Quốc mà còn với hành động bành trướng quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực”.
Trước đó, trong tuyên bố thông báo về hoạt động tập trận của hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông, Lầu Năm Góc nhấn mạnh “sự kiện này nhằm thể hiện quyền của tất cả quốc gia có thể bay qua, đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Đợt tập trận quy mô lớn trên Biển Đông được hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến hành bắt đầu từ ngày 4/7. Đáng nói sự kiện này trùng với thời điểm quân đội Trung Quốc triển khai cuộc tập trận kéo ài 5 ngày gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) bắt đầu từ hôm 1/7.
Chia sẻ trên Twitter, quân đội Mỹ cho biết thêm, các máy bay ném bom chiến lược B-52 cũng đã tham gia đợt tập trận với hai nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông. Ngoài ra, hoạt động của hai tàu sân bay Mỹ không bị phía Trung Quốc quấy rối.
Điều này được thể hiện qua chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 6/7 của Chuẩn Đô đốc James Kirk từ tàu sân bay USS Nimitz.
Theo Tướng Kirk, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến hành tập trận trên Biển Đông khi gần đó là sự xuất hiện của lực lượng hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, hoạt động liên lạc với các tàu Trung Quốc vẫn được tiến hành, do đó không xảy ra sự cố hay va chạm.
“Họ nhìn chúng tôi và chúng tôi cũng nhìn thấy họ”, Chuẩn Đô đốc Kirk nói.
Hồi đầu tháng Sáu, hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ cũng đã triển khai tập trận ở biển Philippine.
Đây là lần hiếm hoi ba nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹ là USS Nimitz, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan cùng hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong cùng một thời điểm.

Ám chỉ Trung Quốc ‘nguy hại và cường quyền’,

Mỹ-Nhật-Úc thể hiện lập trường cứng rắn về Biển Đông

Minh Hòa
Ba nước đồng minh Mỹ – Nhật – Úc đã chung tay bày tỏ một lập trường cứng rắn nhằm phản đối các hành vi “nguy hiểm và cường quyền” của Trung Quốc tại Biển Đông, theo chuyên trang đa ngôn ngữ về Đông Nam Á BenarNews.
Trang tin này đưa tin, ba quốc gia đã công bố một bản tuyên bố chung sau khi các bộ trưởng quốc phòng của họ họp mặt ở thủ đô Washington của Mỹ hôm 7/7.
BenarNews cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kono Taro và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynold chủ yếu thảo luận về tình hình dịch virus Vũ Hán, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Bản tuyên bố cho biết các bộ trưởng “bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về các sự cố gần đây, trong đó có việc tiếp tục quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, sử dụng các tàu bảo vệ bờ biển và dân quân hàng hải một cách nguy hại và cưỡng chế, cũng như hành vi cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác”.
Mặc dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, bản tuyên bố này là sự ám chỉ rõ ràng đến những hành vi gây hấn của Bắc Kinh thời gian gần đây, trong đó có việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm gián đoạn hoạt động thác dầu của Việt Nam và đối tác quốc tế.
Tuyên bố chung cũng khẳng định: “Liên quan đến Biển Đông, các bộ trưởng đã củng cố lập trường phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế nhằm thay đổi hiện trạng, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không”.
Trung Quốc nhanh chóng phản ứng lại tuyên bố chung của Mỹ – Nhật – Úc, cáo buộc rằng “một số nước bên ngoài khu vực” đang làm mất ổn định Biển Đông. ” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 8/7 tuyên bố: “Một số quốc gia ngoài khu vực, xuất phát từ động cơ ích kỷ, thường xuyên thổi phồng các vấn đề liên quan đến Biển Hoa Đông và Biển Đông, thậm chí cử cả các tàu quân sự và máy bay tiên tiến với quy mô lớn vào các vùng biển có liên quan, nhằm thúc đẩy quân sự hóa và đe dọa nền hòa bình cũng như ổn định trong khu vực”.
Mỹ – Nhật – Úc không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng gần đây đã bày tỏ lập trường vững chắc hơn đối với việc duy trì các tuyến đường biển tự do của thế giới trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng quân sự nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 8/7 đã góp thêm tiếng nói chỉ trích Trung Quốc liên quan đến hàng loạt cuộc tranh chấp của nước này với các quốc gia khác. Ông Pompeo nói: “Từ các dãy núi của Himalaya đến Vùng biển đặc quyền của Việt Nam, Quần đảo Senkaku, và xa hơn nữa, Bắc Kinh có cả một danh sách dài về tranh chấp lãnh thổ. Thế giới không nên cho phép hành vi bắt nạt này diễn ra, cũng không nên cho phép nó tiếp diễn”.
Cùng ngày, hải quân Nhật Bản đã tập trận cùng với hai tàu sân bay Mỹ gồm USS Ronald Reagan và USS Nimitz, theo thông cáo báo chí của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ triển khai hai tàu sân bay cùng một lúc ở Biển Đông trong ít nhất bốn năm qua và điều này được cho là một thông điệp mạnh mẽ nhằm phản đối yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.