Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 09/07/2020

Thursday, July 9, 2020 6:21:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 09/07/2020

Bắc Kinh xây «Vạn Lý Trường Thành công nghệ số» ở Hồng Kông? – Thùy Dương

Về thời sự nước Pháp, Le Monde đặc biệt chú ý đến cải tổ nội các qua hàng loạt bài viết, nhưng nhìn ra quốc tế, chín ngày sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới đối với Hồng Kông, đây vẫn là đề tài được báo Le Monde quan tâm, với 4 bài viết.
Trong bài « Hồng Kông dưới sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền Bắc Kinh », thông tín viên Florence de Changy cho biết từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới đối với Hồng Kông, mọi việc diễn ra rất nhanh chóng. Sáng sớm thứ Tư 08/07, « văn phòng an ninh » của Bắc Kinh được khai trương, với trụ sở đặt tại trung tâm khu Causeway Bay, khu phố thương mại sầm uất của đặc khu, « trái tim biểu tượng » của phong trào phản kháng của người dân Hồng Kông chống chính quyền Bắc Kinh.
Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong) được chỉ định là trưởng văn phòng bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Ông Trịnh nổi tiếng là người cứng rắn và giữ chức vụ cao trong bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nói thạo tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ được dùng ở Hồng Kông. Quyền hành của các nhân viên văn phòng bảo vệ an ninh quốc gia gần như là vô hạn, bởi họ không bị chính quyền đặc khu hành chính kiểm soát.
Trong khi đó, thông tín viên Simon Leplâtre từ Thượng Hải cho biết Google, Facebook, Twitter đã tạm ngưng hợp tác với nhà chức trách Hồng Kông và có thể sẽ bị buộc phải rời khỏi thành phố vì đã từ chối cung cấp các thông tin cá nhân người dùng cho chính quyền đặc khu theo quy định của luật an ninh quốc gia mới. Khác với dân Hoa lục, người dân Hồng Kông cho đến nay vẫn được tự do tiếp cận các trang web, mạng xã hội, ứng dụng toàn cầu như Google, Facebook, Whatsapp, Twitter, Tiktok, Telegram … Nhưng với luật an ninh mới, « Vạn Lý Trường Thành công nghệ số », bộ máy kiểm duyệt của chính quyền Bắc Kinh để chặn các trang web của phương Tây, có thể sắp lan đến cả Hồng Kông.
Trước khi nội dung luật an ninh quốc gia mới được công bố, nhiều người dân Hồng Kông đã đề cao cảnh giác, xóa hết các thông tin nhạy cảm khỏi tài khoản trên các mạng xã hội. Nhà nghiên cứu Séverine Arsène, chuyên gia về chính phủ điện tử của Trung Quốc, nhận định là không dễ để xác định ranh giới giữa việc ủng hộ độc lập và kích động, hay thù nghịch chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông. Một trong những hệ quả của sự không chắc chắn này là hành động trấn áp của chính quyền.
Đối với các doanh nghiệp, cũng có nhiều điều không chắc chắn. Theo cách chính quyền Hồng Kông diễn giải luật hôm 06/07, nếu cảnh sát nghi ngờ « một tin nhắn điện tử » là mối đe dọa đối với « an ninh quốc gia », thì nhà chức trách có thể yêu cầu trang mạng, nhà xuất bản hoặc nhà cung cấp mạng xóa hoặc hạn chế quyền truy cập nội dung, nếu không tuân thủ thì những người chịu trách nhiệm sẽ chịu án tù.
Cho đến nay, các trang mạng vẫn đánh giá tính hợp pháp của các yêu cầu từ chính quyền Trung Quốc. Theo báo cáo của Facebook, trong nửa cuối năm 2019, mạng xã hội này đã nhận được 241 yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng từ chính quyền Hồng Kông, nhưng chỉ hợp tác trong 46% số trường hợp. Về phần mình, Google đã từ chối một số yêu cầu từ chính quyền Hồng Kông trong các cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ năm 2019. Các yêu cầu thông tin của cảnh sát Hồng Kông đã tăng gấp đôi trong nửa cuối năm 2019, sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu.
Vấn đề là, theo Elliott Zaagman, một chuyên gia công nghệ tại Trung Quốc và người dẫn chương trình « Nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc », nếu Facebook, Google hoặc một số công ty lớn khác của Mỹ tuân thủ luật này, thì họ có thể gặp vấn đề với chính phủ nhiều nước, nhất là Mỹ, nhưng nếu các tập đoàn này từ chối hợp tác với Bắc Kinh, họ có nguy cơ bị chặn ở Hồng Kông. Ông Zaagman không loại trừ khả năng vì những căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ là quá lớn, các tập đoàn công nghệ Tây phương  sẽ không thể vào thị trường Hoa lục, mà thị trường Hồng Kông cũng nhỏ, nên các công ty này sẽ rút lui hỏi Hồng Kông và chính quyền Bắc Kinh như vậy sẽ dần dần thiết lập « bức tường công nghệ số » ở đặc khu.
Hiện giờ vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Hồng Kông muốn có được các công cụ kiểm duyệt tương đương ở đại lục. Kiểm duyệt các trang mạng lớn của phương Tây sẽ có tác động lớn đến danh tiếng của Hồng Kông với vị thế là trung tâm tài chính mở ra thế giới, nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc đã cho thấy họ sẵn sàng hy sinh vế kinh tế, với cái cớ là để bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.
Phản ứng yếu ớt của châu Âu
Trong bài xã luận « Liên Hiệp Châu Âu và thách thức từ Hồng Kông », Le Monde chỉ trích phản ứng yếu ớt của Liên Âu. Thay vì có biện pháp cứng rắn, châu Âu chỉ có những phát ngôn mang tính ngoại giao thể hiện mối quan ngại. Đối với Le Monde, điều này cho thấy Liên Âu đang lúng túng, không thoải mái khi phải phản ứng trước « cú ra đòn » của Bắc Kinh. Lý do là Liên Âu đã dính bẫy kinh tế của Trung Quốc. Một số nước thành viên Liên Âu trong những năm qua đã nhượng bộ Bắc Kinh và chấp nhận quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc.
Theo Le Monde, cho dù 27 nước Liên Âu biết có những điều chưa sẵn sàng làm, nhưng họ phải chia sẻ với nhau về những điều họ thực sự muốn làm. Ít nhất châu Âu cũng có thể đề nghị tiếp đón những người Hồng Kông muốn chạy trốn chế độ độc tài Bắc Kinh. Nếu muốn trở thành một tác nhân toàn cầu và được tôn trọng, Liên Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc lên tiếng chống lại Trung Quốc và thống nhất về hàng loạt biện pháp chung và đáng tin cậy.
Hải quân Mỹ phô trương sức mạnh trước Trung Quốc
Về quan hệ Trung – Mỹ, báo Le Figaro có bài đáng chú ý « Hải quân Mỹ phô trương sức mạnh trước Trung Quốc ». Washington muốn ngăn chặn ý đồ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Lần đầu tiên từ nhiều năm trở lại đây, hôm thứ Bảy 04/07, Mỹ điều động đồng thời hai tàu sân bay hạt nhân USS Ronald-Reagan và USS Nimitz đến vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đến 90 %, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.
Còn tàu sân bay USS Theodore-Roosevelt, mặc dù nhiều thành viên thủy thủ đoàn bị nhiễm virus corona hồi tháng Ba và tàu phải neo đậu trong một thời gian, cũng đã quay trở lại vùng biển tây Thái Bình Dương, thách thức sự vươn lên của Trung Quốc trong khu vực. Le Figaro trích dẫn Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết những cuộc diễn tập này là một thông điệp của Washington nhắm đến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trấn an các nước khác trong vùng và tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh trong khu vực.
Trong thời gian qua, để khẳng định ưu thế của mình ở biển Đông, nhằm thực hiện chiến lược biến vùng biển từ Đài Loan đến Philippes thành « ao nhà của Trung Quốc », Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động của hải quân, với những cuộc thao dợt quy mô lớn. Các cuộc diễn tập của hải quân Trung Quốc đã bị Lầu Năm Góc chỉ trích là đe dọa « sự ổn định » của khu vực. Le Figaro trích dẫn nhận định của một đô đốc hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu, đăng trên Nhân Dân nhật báo, theo đó rất hiếm khi các cuộc diễn tập của Mỹ diễn ra cùng lúc với các cuộc thao dợt của Trung Quốc. Sự hiện diện của hai hàng không mẫu hạm Mỹ cho thấy Washington coi biển Đông là nơi có mối đe dọa cấp trung bình, nghĩa là một cuộc chiến tranh cục bộ có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Các chiến lược gia của Mỹ hiện giờ lo ngại về khả năng Trung Quốc gia tăng bành trướng quanh quần đảo Hoàng Sa trong bối cảnh hậu Covid căng thẳng.
Le Figaro kết luận hoạt động phô trương sức mạnh của Mỹ cũng nhằm trấn an Đài Loan, bởi quân đội Trung Quốc đang tăng cường diễn tập trên không và trên biển ngoài khơi Đài Loan, sau khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử tổng thống Đài Loan. Đông Sa, do Đài Loan kiểm soát, sẽ là mục tiêu của một cuộc tập trận của Trung Quốc vào mùa hè này, mô phỏng một cuộc xâm nhập, có thể là với xe tăng lội nước.
Kế hoạch của châu Âu để phát triển năng lượng từ hydrogène (H2)
Trong lĩnh vực năng lượng, báo Les Echos cho biết Ủy Ban Châu Âu ngày 08/07 đã giới thiệu kế hoạch phát triển nguồn năng lượng đầy hứa hẹn từ Hydrogène. Thông điệp Bruxelles gửi đến các nhà công nghiệp : để đạt được mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050, châu Âu sẽ buộc phải đầu tư ồ ạt vào sản xuất năng lượng từ hydrogène : không chỉ có khả năng lưu trữ điện, việc sử dụng hydrogène không phát thải ra khí CO2.
Hiện nay năng lượng từ hydrogène chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sản lượng điện của châu Âu, nhưng Bruxelles đã đặt chỉ tiêu đến năm 2050 điện Hydrogène sẽ chiếm 12-14% tổng sản lượng điện. Để đạt mục tiêu này, Ủy Ban Châu Âu ước tính số tiền đầu tư sẽ là 180-470 tỉ euro vào năm 2050.
Cũng trong ngày hôm qua, một “liên minh hydrogène” đã được thành lập, với sự tham gia phối hợp của các nhà công nghiệp, 14 quốc gia thành viên Liên Âu và đại diện của xã hội dân sự. Theo ông Thierry Breton, ủy biên châu Âu đặc trách thị trường nội địa, điện hydrogène sẽ trở thành một ngành công nghiệp thực sự trong tương lai. Bruxelles sẽ phải sớm đề ra các quy định hỗ trợ tài chính công cho ngành này.
Pháp : Chủ tịch Hội đồng khoa học cảnh báo về nguy cơ làn sóng dịch thứ hai
Trở lại với đại dịch Covid-19, mặc dù tại Pháp, trong những ngày qua tình hình dịch bệnh có xu hướng dịu đi, số ca nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, ngày mai 10/07 nước Pháp sẽ ra khỏi tình trạng khẩn cấp về y tế, nhưng chủ tịch Hội đồng khoa học Jean-François Delfraissy, vẫn cảnh báo về nguy cơ làn sóng dịch thứ hai bùng nổ vào mùa thu, nhất là vào tháng 10 và 11. Mặc dù biện pháp phong tỏa trên diện rộng để chống dịch ít có khả năng xảy ra một lần nữa, thế nhưng chủ tịch Hội đồng khoa học khuyến cáo người dân nên thận trọng và chịu khó làm xét nghiệm tầm soát.
Ông Delfraissy lấy làm tiếc là hiện Pháp có khả năng làm 700 000 xét nghiệm tầm soát mỗi tuần nhưng số xét nghiệm trên thực tế chỉ đạt 400 000. Lý do là những người có những biểu hiện nhiễm bệnh nhẹ ít đi xét nghiệm. Chủ tịch Hội đồng khoa học cho rằng các điểm xét nghiệm tầm soát phải được triển khai rộng rãi trên đường phố, để người dân dễ được tiếp cận hơn. Nhà nước cũng phải xây dựng chiến lược phát triển xét nghiệm tầm soát, chẳng hạn ở những nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm, những khu vực người dân ít tiếp cận với các cơ sở y tế, những người trong hoàn cảnh khó khăn …
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200709-b%E1%BA%AFc-kinh-v%E1%BA%A1n-l%C3%BD-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-th%C3%A0nh-c%C3%B4ng-ngh%E1%BB%87-s%E1%BB%91-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng

Tin tổng hợp
(RFI) – Pháp : Tân bộ trưởng Nội Vụ gặp đại diện lực lượng cảnh sát.
Ông Gérald Darmanin đã tiếp các nghiệp đoàn cảnh sát chiều 08/07/2020 nhằm tìm cách cải thiện mối quan hệ giữa chính phủ và lực lượng cảnh sát, được cho là xấu đi dưới thời người tiền nhiệm Castaner. Lực lượng cảnh sát cho là bị chính phủ bỏ rơi, trong khi đang chịu sức ép vì bị lên án sử dụng bạo lực trấn áp người biểu tình. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp hứa sẽ có những biện pháp trong vòng 15 ngày tới.
(AFP) – Phục hồi nguyên trạng tháp nhà thờ Đức Bà Paris.
Ý kiến này đang được tán đồng đông đảo. Ngày 09/07/2020, tân bộ trưởng Văn Hóa Pháp Roselyne Bachelot tổ chức một cuộc họp của Ủy ban tham vấn về cách thức tái thiết Nhà Thờ Đức Bà, gồm 3 hồ sơ cụ thể : kèo, mái và tháp nhọn. Tổng thống Pháp là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc phục hồi tháp nhọn theo thiết kế vào thế kỷ XIX của kiến trúc sư Viollet-le-Duc.
(AFP) – Nga : Nhà của nhiều nhà đối lập bị khám xét. 
Đợt khám xét được tiến hành sáng 09/07/2020 và nhắm vào những nhà đối lập phản đối sửa đổi Hiến Pháp : nữ dân biểu Ioulia Galiamina, tổng biên tập cơ quan truyền thông MBkh và hai lãnh đạo của tổ chức đối lập « Nước Nga mở » của nhà tỉ phú lưu vong Mikhaïl Khodorkovski. Theo phe đối lập, lý do thực của các cuộc khám xét có lẽ là cuộc biểu tình được dự kiến vào ngày 15/07 để lên án việc « sửa đổi Hiến Pháp » được người dân bỏ phiếu ngày 01/07 cho phép ông Putin tại vị đến năm 2036.
(AFP) – Chính phủ Anh trình kế hoạch tái thiết kinh tế 30 tỉ bảng Anh. 
Kế hoạch được bộ trưởng Tài Chính Rishi Sunak trình ngày 08/07/2020 tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khách sạn, du lịch và bất động sản. Theo Quỹ Tiên Tệ Quốc Tế, GDP của Anh sẽ giảm hơn 10% trong năm 2020 và viễn cảnh phục hồi kinh tế vẫn còn xa vời.
(AFP) – Dân Ý tiết kiệm được 34,4 tỉ euro trong ba tháng phong tỏa. 
Ngoài ra, theo điều tra được Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Censis công bố ngày 09/07/2020, khoảng 68% người dân Ý lo ngại cho tình hình kinh tế của họ ,dù 71% trong số này không bị giảm lương trong thời gian phong tỏa, 39% đã tiết kiệm hơn thường lệ. Vẫn theo thăm dò trên, khoảng 34,1% người dân Ý coi tiền tiết kiệm là công cụ bảo vệ họ về mặt kinh tế.
(AFP) - Các tổ chức nhân quyền tố cáo chính quyền Cam Bốt lợi dụng dịch virus corona trấn áp đối lập. 
Hai tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền : Đài quan sát Bảo vệ những người đấu tranh nhân quyền (OMCT ) và Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), hôm nay, 09/07/2020 công bố báo cáo, cho biết, « các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường , đất đai, các lãnh đạo công đoàn, người đấu tranh vì quyền phụ nữ, nhà báo, hoạt động trên mạng…tất cả đang phải đối mặt với đợt trấn áp tăng cường từ phía Nhà nước » Cam Bốt. Các vụ bắt giữ, sách nhiễu, hăm dọa đối lập Cam Bốt gia tăng mạnh trong thời gian dịch bệnh này.
(AFP) – Tổng thống Trump nêu khả năng cấm Tiktok ở Mỹ. 
Trong một buổi phỏng vấn ngày 08/07/2020, nguyên thủ Mỹ cho biết « đó là điều mà chúng tôi đang xem xét ». Một lần nữa, ông Trump lên án Bắc Kinh về cách xử lý dịch Covid-19 : « Những gì họ (Trung Quốc) gây ra cho đất nước chúng ta và thế giới là một điều xấu hổ ». Trước đó, ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Washington tính đến khả năng cấm nhiều ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có Tiktok, do nghi ngờ gián điệp.
(AFP) – Facebook xóa tài khoản liên quan đến tổng thống Brazil Bolsonaro.
Hôm qua, 08/08/2020, mạng xã hội lớn nhất thế giới này thông báo đã cho xóa hàng chục tài khoản Facebook tại nhiều nước, vì phối hợp  bóp méo thông tin, trong đó đặc biệt có một số tài khoản liên quan đến tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro. Người phụ trách chính sách an ninh của Facebook, Nathaniel Gleicher cho biết Facebook lần này đã xóa 35 tài khoản Facebook, 38 tài khoản Instagram có nguồn gốc từ Canada, Ecuador, Ukraina và Hoa Kỳ. 
 (AFP) -Tổng thống Mỹ cố gắng sưởi ấm quan hệ với Mêhicô.
 Ngày 08/07/2020 tổng thống Trump đón tiếp nồng hậu đồng nhiệm Andres Manuel Lopez Obrador. Nguyên thủ Mêhicô dành chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Hoa Kỳ nhân dịp hiệp định tự do mậu dịch Mỹ- Mêhicô và Canada chính thức có hiệu lực. Tổng thống Trump ca ngợi « hợp tác » song phương, sự gần gũi giữa hai quốc gia có đường biên giới chung nhằm xua tan những lời lẽ hằn học từng nhắm vào người nhập cư Mêhicô và nhất kế hoạch xây tường chống người nhập cư từ Mêhicô vào Mỹ.
(AFP) – Một tác phẩm của Alexander Calder được bán đấu giá 4,9 triệu euro. 
Theo thông báo ngày 08/07/2020 của nhà bán đấu giá Artcurial, chủ sở hữu mới là một nhà sưu tập châu Âu. Tác phẩm điêu khắc bằng thép sơn đen cao 3,5 mét của nghệ sĩ người Mỹ được thẩm định ban đầu từ 2,5 đến 3,5 triệu euro. Tác phẩm này được gắn trang trí ở lối vào ngôi làng du lịch Belambra Clubs ở miền nam nước Pháp trong suốt 57 năm, trước khi được chủ sở hữu hiện nay quyết định bán đấu giá.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200709-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 9/7:

Mỹ-Úc-Nhật kêu gọi Triều Tiên quay lại đàm phán

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng nay, thứ Năm (9/7), của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ-Úc-Nhật kêu gọi Triều Tiên quay lại đàm phán
Các Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ, Úc và Nhật Bản đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động làm gia tăng căng thẳng và quay trở lại đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân, Yonhap đưa tin tối thứ Tư.
Trong cuộc họp trực tuyến ba bên vào thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, và những người đồng cấp phía Úc, Nhật Bản là Linda Reynold, và Taro Kono, đã chia sẻ “mối quan ngại sâu sắc” rằng chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế, theo một tuyên bố chung sau cuộc họp do Lầu Năm Góc phát hành.
Họ cũng lên án Triêu Tiên về các hành vi vi phạm nhiều lần các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và bày tỏ lo ngại về tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng họ không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi lệnh cấm đối với các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hạt nhân.
Các bộ trưởng cũng tái khẳng định cam kết thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, bao gồm ngăn chặn quốc gia này vận chuyển trái phép dầu mỏ, than đá và các hàng hóa bị trừng phạt khác.
Trung Quốc rút quân khỏi điểm nóng với Ấn Độ
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy quân đội Trung Quốc đã rút khỏi khu vực nơi họ đụng độ với phía Ấn Độ tại Thung lũng Galwan cách đây ít tuần, SCMP đưa tin tối thứ Tư.
Hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies chụp hôm thứ Ba cho thấy các lều, xe và quân đôi Trung Quốc đóng tại vị trí trọng yếu đã được thu về, trong khi đó một bức tường ở phía Ấn Độ cũng đã biến mất.
Ấn – Trung đều đã tuyên bố sẽ nới lỏng hoạt động quân sự dọc đường kiểm soát thực tế giữa hai nước. Động thái này xuất hiện sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có cuộc thảo luận với cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval vào hôm Chủ nhật.
Giữa căng thẳng, Trung Quốc tìm tới Nga
Trung Quốc và Nga nên sát cánh cùng nhau chống lại bá quyền và chủ nghĩa đơn phương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư, theo SCMP.
Ông Tập nói rằng điều cần thiết là Bắc Kinh và Moscow phải tăng cường liên lạc và hợp tác chiến lược giữa tình hình toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, theo kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN.
Cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Putin diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Trung – Mỹ ngày càng căng thẳng, bên cạnh đó, mối quan hệ Trung-Ấn đã trở nên xấu hơn từ sau vụ tranh chấp biên giới căng thẳng ở vùng núi Himalaya giữa hai nước vào tháng trước.
Ông Pompeo: Không để Trung Quốc lấy thông tin người Mỹ
Washington sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo chính phủ Trung Quốc không truy cập được vào thông tin cá nhân của công dân Mỹ thông qua mạng viễn thông và truyền thông xã hội, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Tư, sau khi được hỏi liệu Mỹ có kế hoạch cấm sử dụng ứng dụng TikTok của Trung Quốc hay không, theo Reuters.
Ông Pompeo cũng ca ngợi hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ là Google, Twitter và Facebook vì đã “không đầu hàng” trước yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Hồng Kông. Đồng thời, ông cũng kêu gọi các công ty khác có động thái tương tự sau khi Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia mới cho thành phố bán tự trị.
Phát biểu của ông Pompeo đưa ra hai ngày sau khi ông nói Washington “chắc chắn đang xem xét” cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng hành động của chính phủ Hoa Kỳ không tập trung vào một công ty cụ thể mà đó là vì vấn đề an ninh quốc gia.
Huawei kêu gọi Anh đừng vội quyết định về mạng 5G
Reuters cho hay, công ty công nghệ Trung Quốc Huawei, hôm thứ Tư, đã kêu gọi chính phủ Anh không nên vì Mỹ mà đưa ra bất kỳ quyết định tốn kém nào để loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi dự án xây dựng mạng 5G.
Động thái của Huawei được đưa ra sau khi nhiều hãng truyền thông đưa tin Thủ tướng Boris Johnson đã nhận được báo cáo đánh giá của cơ quan an ninh về nguy cơ dài hạn khi sử dụng thiết bị Huawei.
Chính phủ của ông Johnson từng cho phép sử dụng tới 35% thiết bị Huawei cho mạng 5G ở Anh, với điều kiện các thiết bị này không phải là phần “cốt lõi” liên quan đến dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, có thể Anh sẽ chuyển sang dùng thiết bị Mỹ khi cơ quan an ninh đưa ra đánh giá về sự nguy hiểm của Huawei.
Thủ tướng Bờ Biển Ngà đột tử
Ông Amadou Gon Coulibaly, Thủ tướng của Bờ Biển Ngà vừa qua đời sau khi ông dự một cuộc họp nội các ở dinh tổng thống hôm 8/7, theo Aljazeera.
Ông Coulibaly, 61 tuổi, qua đời ngay sau khi đổ bệnh trong một cuộc họp nội các ở dinh tổng thống và được đưa tới bệnh viện. Trước khi ra đi, ông đã ở Pháp hai tháng để điều trị y tế. Ông mới quay về nước hôm 2/7.
Ông Coulibaly là ứng cử viên của đảng cầm quyền RHDP trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng Mười. Aljazeera nhận định, cái chết của ông có khả năng gây ra một cuộc cạnh tranh lớn giữa nhiều thành viên trong đảng cầm quyền.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-9-7-my-uc-nhat-yeu-cau-trieu-tien-quay-lai-dam-phan.html

Điểm tin chiều 9/7 – Báo Mỹ:

Việt Nam là một trong những điểm sáng của Châu Á

sau dịch Covid-19

Minh Hạnh
Mục Điểm tin kinh tế ngày 9/7 của Đại Kỷ Nguyên có những thông tin – Bloomberg:  Mỹ cân nhắc các biện pháp áp dụng với Hong Kong nhằm trừng phạt Trung Quốc; Báo MỸ: Việt Nam là một trong những điểm sáng của Châu Á sau dịch Covid-19…
Bloomberg: Mỹ cân nhắc các biện pháp áp dụng với Hong Kong nhằm trừng phạt Trung Quốc
Theo báo Bloomberg đưa tin, một số cố vấn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn hạn chế khả năng các nhà băng Hong Kong mua đô la Mỹ nhằm trừng phạt Trung Quốc sau các động thái gần đây của với thành phố này.
Hong Kong đã neo nội tệ vào USD từ năm 1983, cho phép tỷ giá dao động trong biên độ rất nhỏ, thường quanh 7,8 đô la Hong Kong một đô là Mỹ. Hệ thống này được bảo đảm bằng 440 tỷ USD dự trữ ngoại hối, tương đương hơn gấp đôi số tiền đang lưu thông tại thành phố này. Một cách khác để Mỹ gây sức ép lên hệ thống neo tỷ giá của Hong Kong là Bộ Tài chính Mỹ hạn chế các nhà băng Mỹ cung cấp đô là cho Ngân hàng Hong Kong và Trung Quốc.
Theo Xia Le – kinh tế trưởng khu vực châu Á tại BBVA Hong Kong nhận định ý tưởng siết chặt nguồn cung đôla cho Hong Kong có thể khiến kinh tế Mỹ – Trung Quốc tách rời nhau nếu thực hiện. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định việc này khó khả thi, Trung Quốc nhiều khả năng trả đũa bằng các tác động lên các tài sản của Mỹ, như trái phiếu chính phủ và cổ phiếu.
Theo một số nguồn tin đây là biện pháp nằm cuối danh sách ưu tiên, một số lựa chọn khác gồm hủy bỏ hiệp định dẫn độ giữa Mỹ và Hong Kong, hoặc chấm dứt hợp tác với cảnh sát Hong Kong.
Báo Mỹ: Việt Nam là một trong những điểm sáng của Châu Á sau dịch Covid-19
Theo báo CNBC của Mỹ, các chuyên gia kinh tế đã đánh giá nền kinh tế Việt Nam tuy chịu một số ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng vẫn là một trong những điểm sáng nhất của Châu Á sau đại dịch.
Cụ thể, doanh số bán lẻ, nhập khẩu và mảng sản xuất công nghiệp đều tăng trưởng trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, tốt hơn nhiều so với phần lớn các nền kinh tế trong khu vực. Đặc biệt, khi nền kinh tế nhiều nước trên thế giới suy giảm vào quý II/2020 so với cùng kỳ năm trước thì GDP của Việt Nam lại tăng nhẹ 0,36%, và là điểm sáng hiếm hoi trên thế giới.
Theo chuyên gia Teather nhận định nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng và có vị thế vô cùng tốt để mở rộng thị phần ra thế giới trong mảng xuất khẩu. Việt Nam cũng được coi là một lựa chon tốt cho các nhà máy muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Ngoài ra, với việc Thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU) vừa được quốc hội phê chuẩn vào tháng trước cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngooài tại Việt Nam.
Giá vàng thế giới chạm định 1.800 USD sau 9 năm
Theo Reuters đưa tin, giá vàng chiều 8/7 lên 1.802 USD một ounce, lần đầu tiên vượt 1.800 USD kể từ cuối năm 2011 và hiện tại giá vẫn giá vẫn dao động quanh mốc này.
Do đại dịch bùng phát trên toàn cầu nên nhiều nhà đầu tư đã tìm đến các công cụ trú ẩn, do vậy giá vàng trong thời gian gần đây giá vàng liên tiếp đi lên.
Các quỹ ETF vàng cũng tăng mua vàng vật chất, theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới cho biết, quỹ này đã bổ sung 104 tấn kim loại quý, trị giá 5,6 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích thị trường, từ đầu năm giá vàng đã tăng gần 20% và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 1.900 USD trong ngắn hạn nhưng cũng có thể sẽ thay đổi trong trung đến dài hạn, nhu cầu mạnh nhất xuất phát từ các nước chịu tác động lớn nhất đại dịch như Mỹ, Anh.
Tại thị trường Việt Nam, giá mua bán vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện quanh 49,95 – 50,35 triệu đồng một lượng, tiếp tục lập đỉnh mới. Tập đoàn DOJI niêm yết giá một lượng tại 50,02 – 50,17 triệu đồng. Còn Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện mua bán quanh 49,9 – 50,18 triệu đồng).
Các thị trường xuất khẩu lao động chủ lực sắp khôi phục trở lại
Theo báo BizLive đưa tin từ Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) mới đây, Malaysia đã chính thức thông báo áp dụng Lệnh hạn chế di chuyển giai đoạn phục hồi từ 10/6/2020 đến 31/8/2020, theo đó lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia có thể trở lại làm việc, tuy nhiên chỉ được phép nhập cảnh sau 31/8/2020.
Ngoài ra, tại 3 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chiếm tới hơn 90% tổng số lao động Việt Nam đi nước ngoài cũng đã chuẩn bị mở cửa trở lại.  Sau khi dịch Covid-19 tại các thị trường này được kiểm soát, các giới chủ sử dụng lao động đều muốn tiếp nhận người lao động Việt Nam trở lại làm việc để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Cụ thể, từ cuối tháng 6 và đầu tháng 7, Hàn Quốc đã nối lại kỳ thi năng lực tiếng Hàn tại một số tỉnh của Việt Nam để chuẩn bị mở cửa trở lại cho lao động. Đài Loan cũng bắt đầu tiếp nhận lao động từ đầu tháng 7. Tại Nhật Bản, dự kiến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Nhật Bản sẽ mở cửa trở lại thị trường.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-chieu-9-7-bao-my-viet-nam-la-mot-trong-nhung-diem-sang-cua-chau-a-sau-dich-covid-19.html

Điểm tin thế giới tối 9/7:

Vương Nghị tuyên bố

Trung Quốc không có ý định thay thế Mỹ

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (9/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc không có ý định thay thế Mỹ
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm nay tuyên bố nước này chưa bao giờ có ý định thách thức hay thay thế Mỹ, cũng như đối đầu toàn diện với Mỹ.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Tổ chức nghiên cứu và Truyền thông Trung – Mỹ ở Bắc Kinh được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói rằng mối quan hệ giữa hai cường quốc đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất từ khi thiết lập bang giao năm 1979, song hai nước có thể trở lại đúng đường.
Để thực hiện được điều này, ông Vương Nghị cho rằng Mỹ và Trung Quốc không nên tìm cách sửa đổi lẫn nhau, mà cần hợp tác để cùng tồn tại hòa bình giữa các hệ thống và nền văn minh khác nhau.
Đề cập về chính sách của Trung Quốc với Mỹ, Vương Nghị tuyên bố: “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Trung Quốc không bao giờ có ý định thách thức hoặc thay thế Mỹ, hay đối đầu toàn diện với Mỹ”.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong những tháng gần đây trở nên nguội lạnh, do một loạt vấn đề, như Covid-19, Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng. Washington cáo buộc Bắc Kinh cố tình giấu dịch Covid-19, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ và thế giới. Chính quyền Tổng thống Trump cũng lên án Trung Quốc về những vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và làm xói mòn quyền tự do ở Hồng Kông.
Hàn Quốc nói Mỹ đề cao việc đàm phán với Triều Tiên
Chính phủ Hàn Quốc hôm nay nói rằng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên, mặc dù Bình Nhưỡng tuyên bố không có ý định gặp các quan chức Washington, theo Reuters.
“Ông Biegun nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại cuộc đàm phán với Triều Tiên”, văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến Thứ tưởng Ngoại giao Stephen Biegun, kiêm đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
Ông Biegun đã kết thúc chuyến công du 3 ngày tại Hàn Quốc, và tới Nhật Bản vào hôm nay.
Ca nhiễm Covid-19 ở Tokyo tăng kỷ lục
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản hôm nay đưa tin Tokyo ghi nhận 224 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu mức tăng hàng ngày cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bùng phát.
Bà Yuriko Koike, thống đốc Tokyo, cho biết một trong những yếu tố dẫn tới sự gia tăng các ca nhiễm gần đây là do việc mở rộng xét nghiệm. Phần lớn người nhiễm mới gần đây trong độ tuổi 20-30.
Trung Quốc chỉ trích Úc về vấn đề Hồng Kông
Chính quyền Trung Quốc hôm nay phản đối việc Úc đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông và gia hạn thị thực cho hàng nghìn người dân hòn đảo, theo trang tin news.com.au.
“Trung Quốc cực kỳ lấy làm tiếc và phản đối những cáo buộc vô căn cứ cũng như các biện pháp mà chính phủ Úc công bố liên quan đến Hồng Kông”, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra tuyên bố.
Đồng thời, vị quan chức ngoại giao cũng chỉ trích Úc “can thiệp thô bạo” vào các vấn đề của Trung Quốc.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông vì luật an ninh quốc gia, đồng thời gia hạn thị thực thêm 5 năm cho khoảng 10.000 người Hồng Kông đang sống tại nước này. Canberra cho rằng luật an ninh làm suy yếu mô hình ‘Một quốc gia, Hai chế độ’ và luật cơ bản, cũng như mức độ tự trị cao của Hồng Kông vốn được bảo đảm theo tuyên bố chung Trung-Anh.
Thị trưởng Seoul mất tích
Cảnh sát Seoul huy động lực lượng để tìm kiếm Thị trưởng Seoul Park Won-soon ngay sau khi con gái báo ông mất tích chiều nay, theo Yonhap.
Con gái của Thị trưởng Park báo cảnh sát vào khoảng 17h17 (15h17 giờ Hà Nội) rằng ông “đã rời khỏi nhà được khoảng 4-5 tiếng sau khi để lại những lời giống như di chúc và điện thoại của ông hiện tắt”.
Cảnh sát đang mở cuộc tìm kiếm toàn diện, huy động máy bay không người lái và chó nghiệp vụ.
Cảnh sát hiện tập trung tìm kiếm tại khu phố Sungbuk của Seoul, nơi tín hiệu điện thoại di động của ông Park được phát hiện lần cuối
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-9-7-vuong-nghi-tuyen-bo-trung-quoc-khong-co-y-dinh-thay-the-my.html

 Tạp chí tiêu điểm

Libya: Trò nguy hiểm của Ankara

hay nước cờ sai của Paris ?

Minh Anh
Quan hệ Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây trở nên căng thẳng. Paris đặc biệt không ngừng lên án Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Libya. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, hành động gây ầm ĩ của Pháp đối với Thổ Nhĩ Kỳ còn nhằm mục đích che giấu những thất bại chiến lược trong cuộc xung đột tại Libya.
Libya : Nguồn cội của cuộc cãi vã Pháp – Thổ
Đỉnh điểm của căng thẳng là ngày 01/07/2020, Pháp thông báo ngưng tham gia chiến dịch Sea Guardian của NATO giám sát việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Paris phản đối thái độ im lặng của khối liên minh quân sự trước hành động được cho là « nguy hiểm », khi hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cho chiếu ra-đa dẫn đường bắn nhắm vào tầu chiến Pháp trên biển Địa Trung Hải ngày 10/06/2020.
Trước đó, Ankara và Paris đã có những lời qua tiếng lại gay gắt. Tổng thống Pháp khi tiếp đồng nhiệm Tunisia đã tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ « chơi trò nguy hiểm », có một « chính sách ngày càng hung hăng và quyết đoán tại Libya ». Nguyên thủ Pháp còn lên án Ankara « Syria hóa » cuộc xung đột tại Libya. Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả các cáo buộc của Paris khi ví nước Pháp là kẻ « đứng đầu trục xấu », chính sách của Pháp tại Libya là « mập mờ và không thể hiểu ».
Theo quan điểm của tờ Financial Times, những cuộc tranh cãi này làm lộ rõ những rạn nứt trong lòng khối NATO, giữa những nước có can dự vào Libya và làm dấy lên nhiều nghi vấn về những gì Paris thật sự muốn tìm kiếm trong khu vực.
Thời báo tài chính Anh cũng nhận thấy, căng thẳng giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng nhiều kể từ khi Ankara quyết định can thiệp quân sự vào Libya, hỗ trợ cho chính phủ Tripoli, khiến các lực lượng của tướng Haftar chuốc lấy một chuỗi thất bại trong những tuần qua.
PUBLICITÉ
Haftar : Paris đánh cược nhầm
Từ lâu nay, Libya là « sàn đấu » giữa hai phe vũ trang đối lập : Một bên là phe thống chế Khalifa Haftar, thống trị ở phía đông cùng với Quân đội Quốc gia Libya (ANL) và bên kia là chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) do ông Fayez al-Sarraj lãnh đạo ở phía tây. Phe thứ nhất được Nga, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ai Cập hậu thuẫn. Phe thứ nhì, về mặt chính thức, được quốc tế công nhận và đặc biệt có được sự hỗ trợ từ các đồng minh Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Và trong cuộc chơi lớn này, Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất ngầm ủng hộ tướng Haftar.
Theo phân tích của một số báo chí Anh – Mỹ, Paris đã phạm ít nhất hai sai lầm về chiến lược trong hồ sơ này để rồi giờ đây rơi vào thế đơn độc chống Ankara. Trang mạng Slate của Mỹ bản tiếng Pháp, trong bài viết có tựa đề « Vai diễn thảm hại của nước Pháp tại Libya », không ngần ngại cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian.
Sai lầm thứ nhất, theo như cách nói của ông Dominique Moisi, Viện Montaigne, trên tờ Les Echos, là Paris đã chọn nhầm « phe bại trận ». Khi tính toán cho những lợi ích kinh tế, nhất là cho ngành công nghiệp dầu lửa và an ninh đất nước, Pháp đã đánh giá quá cao vai trò của tướng Haftar.
Paris cho rằng vị thống chế này là người của Abu Dhabi và trong nhãn quan của ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (EAU) còn là « một đối tác lý tưởng. Họ giầu có, kỷ luật và cực kỳ quân sự hóa. Ngoại trưởng Pháp còn chia sẻ thái độ không khoan dung của EAU, cũng như của Ai Cập, đối với Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa dân túy Hồi giáo », theo như phân tích của nhà nghiên cứu Jalel Harchaoui, Viện Quan Hệ Quốc Tế Hà Lan.
Vẫn theo nhà nghiên cứu Hà Lan này, « tổng thống Macron, vốn không nắm rõ về tình hình khu vực, đã đi theo chân vị ngoại trưởng của mình. Kết quả là, tuy nước Pháp không trực tiếp tham chiến bên cạnh tướng Haftar, trái với những gì Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc, quả thật là Paris đã phủ một lớp áo phương Tây và ngoại giao cho Haftar. Đấy mới là điều thiết yếu ! »
Chính vì những lợi ích kinh tế và an ninh, Paris đã có những lập trường mập mờ. Trên danh chính ngôn thuận, với tư cách là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Pháp phải tỏ ra ủng hộ chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc Libya (GNA), do ông Fayez al Sarraj lãnh đạo, phe đối thủ của tướng Haftar. Đây chính là điểm mâu thuẫn khó chấp nhận, theo như nhận xét của ông Didier Billion, chuyên gia Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, trên kênh truyền hình Euronews:
« Tôi e rằng kiểu mâu thuẫn này sẽ làm tê liệt vai trò của nước Pháp tại Libya, bởi vì Pháp đã thật sự không biết chọn phe, thật sự không biết đưa ra những sáng kiến cần thiết.
Dĩ nhiên, một trong những mục tiêu của ông Macron đó là tìm cách tập hợp lại toàn bộ các bên chủ chốt. Nhưng rủi thay, ông ấy hay để cho sự kiêu ngạo lấn át, nên thường đưa ra các sáng kiến một cách đơn độc, mà không tham khảo các đối tác châu Âu và khối NATO.
Kết quả là giờ đây chính nước Pháp không còn trong thế ít nhất trong một trạng huống nào đó có thể gây áp lực thật sự đối với những tiến triển tại Libya. »
Thổ Nhĩ Kỳ : Nước cờ bị bỏ quên ở Địa Trung Hải
Điểm sai lầm thứ hai, gây ngạc nhiên không ít cho giới phân tích là sự « mù quáng » của Quai d’Orsay (trụ sở của bộ Ngoại Giao Pháp), khi bỏ lơ yếu tố « Thổ Nhĩ Kỳ ». Trang mạng Slate thắc mắc: làm thế nào với một mạng lưới các nhà ngoại giao xuất sắc có mặt tại Bruxelles, Ankara và ngay cả trong dàn lãnh đạo Tổng Cục An Ninh Đối Ngoại (DGSE), nước Pháp đã không biết rằng từ năm 2011, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, mang tư tưởng Hồi Giáo – Chủ Nghĩa Dân Tộc, đã gắn kết hồ sơ Libya với vấn đề đông Địa Trung Hải ?
Tham vọng tái lập một đế chế Ottoman như thuở xưa là chuyện hiển nhiên, nhưng hồ sơ năng lượng đối với Ankara còn là vấn đề sống còn. Việc dự án lắp đường ống dẫn khí đốt của liên minh bốn nước Chypre, Hy Lạp, Israel và Ý, cho phép xuất khẩu 16 tỷ m3 khí ga sang châu Âu, được hình thành đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại và cảm thấy bất an. Đối với Ankara – cũng như đối với Matxcơva – đây không chỉ là một nguồn thu tài chính, mà còn là vấn đề an ninh, cũng như là những công cụ gây áp lực địa chính trị hiệu quả.
Đà tiến như vũ bão của Quân đội Quốc gia Lybia của tướng Haftar về Tripoli là cơ hội vàng để Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sự hiện diện tại Libya và giành quyền khai thác khí đốt trên vùng biển phía Đông Địa Trung Hải. Chuyên gia Didier Billion giải thích :
« Thế nên, Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bị đe dọa và bị gạt ra ngoài. Chính vì thế vào tháng 11/2019, đã có một cuộc họp giữa hai lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Libya, đúc kết việc vạch ranh giới các vùng lãnh thổ lãnh hải, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có được một vai trò quan trọng trong việc thăm dò dầu khí tại khu vực.
Nhưng đổi lại, người dân Lybia, đúng hơn là những người ủng hộ chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc Libya (GNA), được quốc tế công nhận, sẽ có được sự hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính sự tranh giành
về nguồn dầu khí tại vùng biển phía đông Địa Trung Hải này đã thúc đẩy nhanh hơn nữa chính sách can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya. »
Phản đối Ankara, « Paris đơn thương độc mã »
Việc Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt gởi quân và trang thiết bị quân sự, bất chấp lệnh cấm vận và những cam kết của nước này tại hội nghị quốc tế cho tương lai Libya hồi tháng Giêng năm 2020 ở Berlin, đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện. Pháp ngộ ra rằng « Haftar đã rơi vào thế bị động và giờ không còn giá trị gì nữa. Người Pháp cảm thấy bối rối, bởi vì một lần nữa họ phạm phải một sai lầm. Trước sai lầm này, họ phải biện minh và tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ », theo như một phân tích của một nhà ngoại giao châu Âu với Financial Times.
Paris ngỡ ngàng nhận ra rằng việc điều khiển Haftar theo kiểu chính sách châu Phi hậu thực dân giờ là điều không thể. Chiến lược dùng Haftar như một quân bài để chống quân thánh chiến tại Bắc Phi xem như cũng thất bại.
Chỉ có điều, vì đơn phương hành động nên những chỉ trích này của Paris giờ khó kiếm được sự đồng tình. Lên án Ankara vi phạm lệnh cấm vận, nhưng liệu Paris có thể công khai tố cáo Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ai Cập hay Nga cung cấp vũ khí cho Haftar hay không, khi mà chính bản thân Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất còn là một khách hàng quan trọng cho ngành công nghiệp vũ khí của Pháp ? Chuyên gia Billion phê phán:
« Ở đây có một chút gì đó đạo đức giả bởi vì chúng ta biết rất rõ là nhiều cường quốc cung cấp vũ khí cho nhiều phe khác nhau tại Libya, bất chấp nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ đúng là có cung cấp vũ khí cho Libya, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chưa hẳn là quốc gia duy nhất làm việc này. »
Vẫn theo chuyên gia Billion, trong hồ sơ này, nước Pháp bị cô độc. NATO tuy thông báo mở điều tra, nhưng sẽ khó đưa ra một lập trường dứt khoát như mong muốn của Paris, vì hết 2/3 số thành viên trong khối này đã không ủng hộ Pháp:
« NATO hiện đang trong một thế khó xử: Tổ chức này một mặt không thể không tỏ tình liên đới với Pháp, nhưng mặt khác, họ cũng không thể nào công khai lên án Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cho rằng ủy ban điều tra sắp được thành lập để tìm hiểu về các sự cố tại Libya đương nhiên sẽ làm công việc của mình, nhưng công việc này có nguy cơ mất nhiều thời gian, và NATO cũng sẽ không dứt khoát được lập trường của mình trong những ngày sắp tới. Điều này gần như là chắc chắn. »
Dẫu sao trong cuộc cãi vã này, nước Pháp vẫn còn một điều an ủi là Đức, Ý và Tây Ban Nha cũng có cùng một quan điểm : « Không muốn biên giới phía nam của châu Âu nằm trong tầm kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ », theo như kết luận của tướng Dominique Trinquand, chuyên gia về các vấn đề quân sự và cũng là cựu trưởng phái bộ quân sự Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc, với đài RFI !
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200709-ankara-paris-libya-chien-luoc-quoc-te

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.