Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 07/07/2020

Tuesday, July 7, 2020 6:35:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 07/07/2020

Tập trận ở Hoàng Sa, Trung Quốc muốn ngăn Việt Nam kiện ra tòa quốc tế – Thụy My

Le Monde số đề ngày hôm nay 07/07/2020 ghi nhận « Bắc Kinh và Washington ghìm nhau ở Biển Đông » : Trung Quốc tập trận, gây căng thẳng với Việt Nam và Philippines. Hoa Kỳ phải biểu dương sức mạnh một cách mạnh mẽ chưa từng thấy.
Trung Quốc tập trận, Mỹ biểu dương lực lượng chưa từng thấy tại Biển Đông
Từ ngày 1 đến ngày 5 tháng Bảy, Trung Quốc tập trận quanh Hoàng Sa, quần đảo cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974. Đối với Hà Nội, vụ tập trận vừa rồi « vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam », ngoại trưởng Philippines cũng cho đây là một sự « khiêu khích trầm trọng ».
Ông Mathieu Duchâtel, phụ trách châu Á của Viện Montaigne nhận xét cuộc tập trận này « gồm cả kịch bản đổ bộ bằng hải lục quân, trong đó có lực lượng tuần duyên tham gia. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lực lượng này được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy trung ương. Như vậy Trung Quốc tăng cường khả năng chiếm các đảo của đối thủ ». Đối với nhà nghiên cứu, « việc chọn Hoàng Sa để tập trận là lời cảnh báo nhắm vào Việt Nam, vào lúc nước này ngày càng muốn đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế ».
Đọc thêm: Biển Đông : Việt Nam có thể sắp kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
Tuy nhiên không phải là Bắc Kinh đã thắng. Chuyên gia Duchâtel ghi nhận « Trung Quốc vẫn còn cách xa mục tiêu mở rộng quản lý hành chính trên Biển Đông để loại trừ tất cả sự hiện diện của các tàu Hoa Kỳ cực lực tố cáo vụ tập trận. Bộ Ngoại Giao Mỹ trong thông cáo ngày 03/07 đả kích : « Các hành động của Trung Quốc đi ngược lại cam kết không quân sự hóa Biển Đông, và tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Thông cáo còn tố cáo các hành vi nhằm « khẳng định các yêu sách bất hợp pháp và bất lợi » đối với các láng giềng Đông Nam Á.
Đặc biệt Hoa Kỳ đưa hai hàng không mẫu hạm Ronald Reagan và Nimitz đến khu vực, một sự triển khai lực lượng chưa từng thấy kể từ năm 2014. Từ Biển Philippines tiến vào Biển Đông hôm thứ Bảy 04/07, Hải quân Hoa Kỳ đã cho cất cánh hàng trăm lượt phi cơ tiêm kích, phi cơ thám sát và trực thăng. Trong vòng 28 giờ, một oanh tạc cơ B-52 Mỹ còn tham gia vào cuộc tập trận này.
Theo chuẩn đô đốc George M.Wikoff, chỉ huy hàng không mẫu hạm Ronald Reagan, cuộc tập trận « đưa ra dấu hiệu rõ ràng với các đối tác và đồng minh, rằng Hoa Kỳ cam đoan gìn giữ an ninh và ổn định khu vực ». Hồi tháng Tư, Hải quân Mỹ và Úc cũng đã tập trận chung trên Biển Đông, và đến tháng Sáu, Mỹ-Nhật tập luyện chung trên Biển Nhật Bản.
Bắc Kinh hung hăng để làm giảm quyết tâm của đối thủ
Hôm 03/07, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố « nguyên nhân căn bản của sự mất ổn định trên Biển Đông là hoạt động quân sự quy mô và một số nước ở cách khu vực hàng chục ngàn cây số biểu dương sức mạnh ».
Đến 06/07, Hoàn cầu Thời báo tố cáo hai đội hàng không mẫu hạm là « những con cọp giấy trước ngưỡng cửa Trung Quốc ». Tờ báo của đảng đe dọa là « Khu vực nằm trong tầm hoạt động của quân đội Trung Quốc, với các vũ khí có thể hủy diệt tàu sân bay. Cuộc tập trận của Mỹ chỉ là một sô diễn để che giấu sự mất thể diện trong việc kiểm soát dịch bệnh và mất đi lá bài Hồng Kông ».
Đọc thêm: Trung Quốc cảnh báo nguy cơ xung đột trên biển với Hoa Kỳ
Căng thẳng Mỹ-Trung cũng rất lớn xung quanh Đài Loan, không quân và hải quân Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều trong khu vực. Cũng theo Mathieu Duchâtel, cuộc tập trận mới nhất tại Hoàng Sa « diễn ra trong bối cảnh quân đội và tuần duyên Trung Quốc hoạt động rất nhộn nhịp tại các biên giới tranh chấp, cuộc đụng độ đẫm máu ở Himalaya, xâm phạm lãnh hải Senkaku trong thời gian kỷ lục 39 giờ, xâm nhập không phận Đài Loan ».
Chuyên gia nhận định việc Trung Quốc dùng đến vũ lực và có thái độ hung hăng là nhằm làm giảm đi quyết tâm của các đối thủ. Với trên 600 tàu chiến, hạm đội Trung Quốc nay đứng nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ.
Tự do ngôn luận Hồng Kông đã chết ngày 1 tháng Bảy
Còn tại Hồng Kông, Les Echos cho rằng « Đàn áp của Bắc Kinh cũng đe dọa đến việc làm ăn ». Giới kinh doanh đã sai khi nghĩ rằng luật an ninh quốc gia là công cụ chận đứng biểu tình, tái lập yên tĩnh ở Hồng Kông. Luật này đã làm thay đổi hẳn tính chất của trung tâm tài chính này.
Từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997 cho đến khủng hoảng thế giới năm 2008, rồi Cách mạng Dù cuối 2014, Hồng Kông đã trải qua nhiều giông bão, nhưng giới kinh doanh vẫn tin rằng Bắc Kinh không bao giờ phá vỡ trung tâm tài chính, nơi hai phần ba vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rót vào Hoa lục. Gần 400 công ty Pháp hiện diện tại Hồng Kông, tin tưởng đặc khu vẫn được giữ nguyên trạng.
Đọc thêm: Hồng Kông: Vụ tấn công quy mô vào một xã hội dân chủ từ sau thế chiến
Tất cả đã thay đổi một cách thô bạo vào ngày 01/07/2020, đúng 23 năm sau khi trao trả. Tập Cận Bình ngang nhiên vi phạm thỏa ước đã ký với Anh dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Gần 400 người biểu tình bị bắt ngay lập tức, phong trào Demosisto giải tán và một trong những thủ lãnh là La Quán Thông (Nathan Law) đi lưu vong. Các thương gia gỡ vội những áp-phích ủng hộ dân chủ, thư viện rút lại sách của các nhà đấu tranh, giới trẻ Hồng Kông xóa sạch nội dung Twitter, Telegram…Tự do ngôn luận đã chết tại Hồng Kông vào ngày 1 tháng Bảy năm nay.
Luật an ninh xóa đi thế mạnh của trung tâm tài chính Hồng Kông
Hồng Kông thịnh vượng nhờ vào thế mạnh cửa ngõ duy nhất đi vào Hoa lục với Nhà nước pháp quyền vững chắc. Nay quyền lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể phá vỡ độc lập tư pháp, và luật an ninh dễ dàng mở rộng sang lãnh vực kinh tế, thậm chí người ngoại quốc cũng có thể là mục tiêu.
Hai công dân Canada đang ngồi tù tại Hoa lục, nhằm trả đũa vụ bắt giám đốc tài chính Hoa Vi (Huawei). Tỉ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) đang ở khách sạn Four Seasons, Hồng Kông bỗng « mất tích » rồi xuất hiện tại Hoa lục. Tổng giám đốc Cathay Pacific bị mất chức vì ủng hộ người biểu tình, sự ra đi của ông được…đài truyền hình công Trung Quốc loan báo. Ngân hàng BNP Paribas phải sa thải một nhân viên ủng hộ phong trào dân chủ, ngân hàng HSBC tuyên bố ủng hộ luật an ninh…
Đọc thêm: Tập Cận Bình đối mặt với Hồng Kông, thành trì « thế lực thù địch »
Sebastian Veg, giám đốc nghiên cứu EHESS nhận định : « Trong lăng kính Bắc Kinh, thà để cho trung tâm tài chính bị xói mòn dần, hơn là để yên một phong trào phản kháng lâu dài ».
Luật an ninh Hồng Kông : Châu Âu phản ứng dè dặt
Trước việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông, Liên Hiệp Châu Âu (EU) chỉ có thể trả đũa một cách thận trọng – đó là nhận xét của Le Monde.
Cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ, Pierre Vimont nhận định châu Âu chỉ có thể đóng vai quan sát viên, như các nhân tố khác. Thứ Hai 22/06 sau hội nghị với Tập Cận Bình, các lãnh đạo châu Âu Charles Michel và Ursula von der Leyen nhắc đi nhắc lại « quan ngại sâu sắc », nhưng không một chi tiết nào về việc trả đũa. Muốn khẳng định vị trí trên trường quốc tế và không dính vào xung đột Mỹ-Trung, nhưng EU vẫn chưa tìm được phương thức. Một nhà ngoại giao cho rằng bà Angela Merkel « không phản đối việc trả đũa Trung Quốc, với điều kiện không phải Đức đứng ra hành động ».
Thủ tướng Đức hồi tháng 9/2019 đã dẫn đầu một phái đoàn thăm Bắc Kinh đến lần thứ 12, trong lúc cuộc đấu tranh dân chủ đang sôi sục ở Hồng Kông, và có những tiết lộ về trại cải tạo Tân Cương. Bà làm ngơ trước những chỉ trích đối với 5G của Hoa Vi, và không chúc mừng bà Thái Anh Văn tái đắc cử như Paris và Luân Đôn đã làm.
Thận trọng và thực dụng, Berlin hy vọng một liên hệ quân bình, trước hết về kinh tế, sau mới đến các chủ đề khác. Vấn đề là trước mắt Bruxelles và Bắc Kinh khó thể tìm được đồng thuận về địa chính trị. Cũng theo ông Vimont : « Thực tế chưa ai tìm được cách buộc chế độ Trung Quốc phải nhượng bộ ».
Trung Quốc lợi dụng đại dịch để mua chuộc Pháp
Trong khi đó tình báo Pháp cho biết Trung Quốc tìm cách mua chuộc « bạn bè » Pháp thông qua việc cung cấp khẩu trang – mặt hàng vô cùng hiếm hoi trong thời kỳ đỉnh dịch virus corona.
Hôm 05/04, hai người thuộc một hiệp hội Trung Quốc bị câu lưu sau khi bị bắt quả tang tại quận 16 Paris với trên 10.000 khẩu trang dành cho nhân viên y tế. Hai ngày sau, ba sinh viên Trung Quốc cũng bị bắt tại Hauts-de-Seine khi đang phân phát các « kit Covid » gồm khẩu trang FFP2 và găng. Đại sứ quán Trung Quốc đã can thiệp vào các vụ này. Quận 13 Paris, nơi có nhiều người châu Á sinh sống, và một số thành phố khác của Pháp cũng nhận được sự giúp đỡ « hào hiệp » tương tự, kể cả từ Hoa Vi, mà theo tình báo Pháp là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Paris trước những tuyên bố của Bắc Kinh.
Pháp : Nội các mới mà cũ, với một ít ngạc nhiên
Tựa chính các báo Paris hôm nay 07/07/2020 tập trung cho sự kiện Pháp cải tổ nội các. Le Figaro chạy tựa « Chính phủ Castex : Macron tìm kiếm con đường cánh hữu », Les Echos cho rằng đây là « Thách thức của Macron để tái thúc đẩy nhiệm kỳ ». Libération tóm tắt những nét chính của các khuôn mặt nổi bật trong nội các mới : người thì quay trở lại chính trường, người từ đảng Xanh và một nhân vật gây tranh cãi. La Croix chạy tựa lớn « Ngạc nhiên và kế tục », còn Le Monde ra từ chiều hôm trước nói về « Lộ trình chính trị của thủ tướng Jean Castex ».
Trong bài xã luận « Casting và kịch bản », Le Figaro nhận định trong thành phần nội các mới, màu xanh (cánh hữu) rõ ràng lấn át màu hồng (cánh tả) và màu xanh. Đặc biệt bản thân việc bổ nhiệm nhân vật Éric Dupont-Moretti đã là một sự kiện. Đưa một luật sư thường gây tranh cãi và vừa nộp đơn kiện Viện Kiểm sát Tài chính, lên làm bộ trưởng tư pháp, theo tờ báo, cũng như quăng lựu đạn vào một thùng thuốc súng. « Casting » đã xong, bây giờ đến kịch bản. Những cuộc khủng hoảng trước mặt, từ dịch tễ,
kinh tế cho đến văn hóa, chính trị, đòi hỏi sự kiên quyết lẫn khôn khéo, trật tự và đoàn kết – những giá trị không tả cũng không hữu.
Nhật báo thiên tả Libération trong bài xã luận nhấn mạnh đến việc đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của tổng thống Emmanuel Macron luôn là « Chiếc vỏ rỗng », và việc bổ nhiệm ông Jean Castex làm thủ tướng cho thấy ông Macron muốn nắm cả điện Matignon. Một sự tính toán cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, với nguy cơ đơn độc trong cuộc chiến.
Còn theo La Croix, từ nhiều thập niên qua có một điều không hề thay đổi trong cuộc sống chính trị nước Pháp, đó là đến cuối ngày mới loan báo thành phần chính phủ, và hôm qua cũng vậy. Một sự ngạc nhiên giả tạo, rốt cuộc là một ê-kíp gần giống như cũ, trừ hai ngoại lệ ở bộ Tư Pháp và Văn Hóa.
Tờ báo ghi nhận tuyên bố chính sách của tân thủ tướng Jean Castex bị đẩy lùi lại sau Quốc khánh 14/07 để tổng thống có thể phát biểu trước. Nhận xét thứ hai, là thời gian không còn nhiều để ghi dấu ấn. Nước Pháp đang trong tình thế tế nhị là phải có những quyết định phong tỏa rồi lại dỡ bỏ để bảo đảm cả an toàn lẫn hoạt động kinh tế. Ông Jean Castex đã có kinh nghiệm trong việc này, và nếu nội các mới hoạt động tốt, thì thời gian còn lại của nhiệm kỳ sẽ hữu ích cho đất nước.
https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200707-t%E1%BA%ADp-tr%E1%BA%ADn-%E1%BB%9F-ho%C3%A0ng-sa-trung-qu%E1%BB%91c-mu%E1%BB%91n-ng%C4%83n-vi%E1%BB%87t-nam-ki%E1%BB%87n-ra-t%C3%B2a-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF

Tin tổng hợp
(AFP) – Việt Nam: Thêm một người lãnh án tù vì đăng bài trên Facebook. 
Hôm nay, 07/07/2020, một thanh niên ở Việt Nam đã bị Tòa án tỉnh Lâm Đồng kết án 8 năm tù với tội danh “chống phá nhà nước”, chỉ vì đã đăng các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng Facebook. Theo tổ chức Human Rights Watch, Nguyễn Quốc Đức Vượng, 29 tuổi, đã bị bắt vào tháng 11 năm ngoái sau khi bày tỏ sự ủng hộ dân chủ và chia sẽ các thông tin về các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông.
(Reuters) – Bắc Kinh tăng cường bộ máy trấn áp giới bất đồng chính kiến. 
Theo thông tin của Viện Kiểm Sát Trung Quốc, ngày 06/07/2020, Bắc Kinh vừa thành lập thêm một tổ công tác nhằm « duy trì ổn định xã hội », thuộc nhóm điều phối mang tên « Xây dựng một nước Trung Hoa hòa bình », do ông Quánh Thanh Côn (Guo Shengkun), bí thư Ủy ban chính trị Pháp luật Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc điều hành (được thành lập vào tháng 04/2020). Nhiệm vụ cụ thể của nhóm là « trấn áp mọi hình thức xâm nhập, lật đổ, phá hoại, hoạt động khủng bố bạo lực ». Cùng ngày với thông báo thành lập tổ công tác trên, giáo sư luật Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), một trong những tiếng nói đối lập cuối cùng tại Trung Quốc, bị bắt tại nhà riêng ở Bắc Kinh.
(AFP) – Úc cảnh báo về nguy cơ bắt giữ tùy tiện ở Trung Quốc. 
Hôm nay, 07/07/2020, bộ Ngoại Giao Úc cảnh báo các công dân của nước này, nếu họ đến Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước. Thông cáo của bộ Ngoại Giao Úc nhắc lại là chính quyền Trung Quốc đã bắt giam nhiều người nước ngoài bị xem là “gây phương hại cho an ninh quốc gia”.
(Reuters) – Biển Đông: Bắc Kinh đả kích Washington phô trương cơ bắp. 
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 06/07/2020, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc lên án Hoa Kỳ  cố tình đưa hai hàng không mẫu hạm vào Biển Đông, trong lúc hải quân Trung Quốc tập trận, để phô trương sức mạnh và gây chia rẽ các nước trong vùng. Hạm trưởng tàu sân bay USS Nimitz, tướng James Kirk,  cho biết tàu chiến hai bên nhìn thấy nhau, nhưng không xảy ra sự cố.
(Reuters) – Việt Nam: Cuộc đua F1 sẽ diễn ra tháng 11. 
Cuộc đua đầu tiên sẽ diễn tại Hà Nội. Ban tổ chức đã thông báo như trên hôm qua, 06/07/2020, trong bối cảnh mà từ ba tháng qua ở Việt Nam không có ca nhiễm mới trong nước. Cuộc đua Vietnam Grand Prix theo lẽ đã diễn ra vào tháng 4 vừa qua.
(AFP) – Virus corona có nguy cơ bay trong không khí. 
Trong một bức thư ngày 06/07/2020, hơn 230 nhà khoa học đã đánh động Tổ Chức Y Tế Thế Giới về « khả năng lây nhiễm Covid-19 qua không khí », chứ không chỉ trực tiếp bằng nước bọt (do ho, hắt hơi và lời nói). Một trong những biện pháp giúp tránh virus bay trong không khí là bật quạt mạnh để thông gió những khu vực công cộng khép kín.
(AFP) – Úc : Dịch Covid-19 tái phát ở Melbourne, người dân bị phong tỏa. 
Ngày 07/07/2020, hơn 5 triệu người dân ở thành phố lớn thứ hai của Úc được lệnh ở nhà trong vòng 6 tuần, do số ca nhiễm virus corona tăng nhanh trong thời gian gần đây. 191 ca mới trong vòng 24 giờ.
(AFP/NHK) – Nhật Bản : Gần 50 người thiệt mạng, 12 người mất tích vì mưa lũ. 
Ngày 07/07/2020, lực lượng cứu hộ tiếp tục chạy đua với thời gian để cứu người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây lụt lội và lở đất ở phía tây nam đất nước hai ngày cuối tuần. Mưa lớn còn kéo dài đến khoảng thứ Năm 09/07.
(RFI) – 180 người vượt biển được tầu Ocean Viking cứu đã đến đảo Sicile. 
Cuối cùng sau hai tuần được tầu của tổ chức nhân đạo SOS Méditérrannée cứu trên Địa Trung Hải, số người nhập cư trên đã được chuyển sang tầu bảo vệ dân sự Moby Zaza ở Sicile, Ý, vào chiều 07/07/2020. Tất cả sẽ bị cách ly trên tầu trong vòng 14 ngày để tránh mọi nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
(AFP) – Châu Âu: Bruxelles cố gắng giúp Serbia và Kosovo nối lại tiếp xúc.
Sau thất bại của Washington hôm 27/06, Bruxelles sẽ tìm cách thuyết phục Serbia và Kosovo, vùng lãnh thổ đòi độc lập từ năm 2008, ngồi vào bàn đối thoại. Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti và tổng thống Serbia Aleksandar Vuvic sẽ gặp nhau vào ngày 12/07 tại Bruxelles qua nỗ lực vận động của Pháp và Đức. Xung khắc Serbia và Kosovo là một trong những cơ nguy gây khủng hoảng ở Balkan.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200707-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 7/7:

Bắc Kinh lại lu loa

về cuộc tập trận của Hoa Kỳ tại Biển Đông

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (7/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bắc Kinh lại lu loa về cuộc tập trận của Hoa Kỳ tại Biển Đông
Trung Quốc lu loa rằng Hoa Kỳ “có những động cơ đen tối” khi điều hai tàu sân bay tới tập trận ở Biển Đông. Truyền thông của Bắc Kinh đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc sẵn sàng chống lại các thách thức từ Washington, theo bản tin tối thứ Hai của SCMP.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, hôm thứ Hai, tuyên bố tình hình ở Biển Đông vẫn ổn định, nhưng cáo buộc Hoa Kỳ đang khuấy động rắc rối giữa Bắc Kinh và các quốc gia Đông Nam Á bằng những động cơ đen tối, nói thêm rằng Mỹ muốn thông qua cuộc tập trận để “khoe cơ bắp”.
Hoa Kỳ đã cử hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz đến Biển Đông để thực hiện một cuộc tập trận quân sự bắt đầu từ thứ Bảy, trong khi Trung Quốc cũng đang có một cuộc tập trận ở vùng biển này.
Trung Quốc cảnh báo Anh không can thiệp Hồng Kông
SCMP đưa tin, Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo London rằng Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với “những hậu quả” nếu chính phủ của ông Boris Johnson cư xử với Trung Quốc như kẻ thù.
Trong bối cảnh Trung-Anh căng thẳng vì các vấn đề liên quan tới luật an ninh Hồng Kông và Huawei, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, Lưu Hiểu Minh, hôm thứ Hai, nói rằng việc chính phủ Anh có kế hoạch trao hộ chiếu hải ngoại cho người Hồng Kông là “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Ông Lưu cũng đả kích các chính trị gia Anh vì “những nhận xét vô trách nhiệm” về luật an ninh Hồng Kông, nói rằng những bình luận như thế có thể ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư trong tương lai của Trung Quốc vào Anh.
“Chúng tôi muốn trở thành bạn của các bạn. Chúng tôi muốn trở thành đối tác của các bạn. Nhưng nếu các bạn muốn biến Trung Quốc thành một quốc gia thù địch, các bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả”, ông Lưu đe dọa.
Trung Quốc bắt người lên án Tập Cận Bình
Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ giáo sư luật Xu Zhangrun, người đã viết các bài tiểu luận chỉ trích cách xử lý đại dịch Covid của Chủ tịch Tập Cận Bình và cáo buộc người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng cách cai trị “chuyên chế”, theo bản tin tối thứ Hai của SBS News.
Ông Xu đã bị hơn 20 người đưa ra khỏi nhà của ông ở ngoại ô Bắc Kinh, một trong những người bạn giấu tên của ông cho biết.
Giáo sư Xu vào tháng Hai đã viết một bài luận lên án văn hóa dối trá và kiểm duyệt được ông Tập ủng hộ, nói rằng chính thứ văn hóa này đã gây ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Hệ thống lãnh đạo của Trung Quốc đang tự phá hủy cấu trúc quản trị”, ông Xu viết trong bài tiểu luận được các trang web nước ngoài công bố, và nói thêm rằng sự hỗn loạn ở tâm dịch Hồ Bắc phản ánh các vấn đề mang tính hệ thống ở nhà nước Trung Quốc.
Trung Quốc “được lãnh đạo bởi một người đàn ông, người này ở trong bóng tối và cai trị một cách chuyên chế, không có phương pháp quản trị, mặc dù ông ta có kỹ năng vận dụng quyền lực khiến cả nước đau khổ”, ông Xu viết.
Ông Pompeo: Mỹ đã nhận lời EU đối thoại về Trung Quốc
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ gần đây đã nhận lời tham gia một cuộc đối thoại giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu để bàn về những thách thức và mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra, Breitbart đưa tin hôm thứ Hai.
“Tôi vui mừng thông báo rằng Hoa Kỳ đã nhận lời mời của ông Josep Borell [quan chức ngoại giao EU] tham gia một thảo luận giữa Mỹ và EU về Trung Quốc. Tôi rất vui vì điều này”, ông Pompeo nói.
“Tôi mong muốn những người bạn của Mỹ ở châu Âu bảo vệ những giá trị này trong thời đại của chúng ta. Điều đó có thể định hình thế giới với một tương lai tốt đẹp, tương tự như những gì họ đã làm trong quá khứ, Chúng tối sẽ cùng nhau bảo vệ những giá trị này”, ông Pompeo nói.
Ông Pompeo cho biết theo kế hoạch dự kiến cuộc đối thoại sẽ bắt đầu trong tuần tới và các cuộc đối thoại tương tự giữa Mỹ-EU sẽ được tiếp tục trong tương lai.
Báo cáo khoa học mới chỉ ra đường lây lan khác của nCoV
Reuters hôm thứ Hai đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nghiên cứu một báo cáo kêu gọi họ cập nhật hướng dẫn về virus Vũ Hán sau khi hơn 200 nhà khoa học, trong một lá thư gửi WHO, đưa ra bằng chứng rằng nCoV có thể lây lan thông qua các hạt nhỏ lưu truyển trong không khí.
Hiện tại WHO cho rằng virus Vũ Hán lây lan chủ yếu qua các giọt nhỏ thoát ra từ mũi và miệng của người nhiễm bệnh và những giọt này nhanh chóng chìm xuống đất.
Nhưng trong một bức thư ngỏ gửi WHO, được công bố vào thứ Hai trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng, 239 nhà khoa học ở 32 quốc gia đã đưa ra bằng chứng cho thấy các hạt có virus Vũ Hán bám vào di truyển trong không khí có thể lây nhiễm Covid cho những người hít phải chúng.
Những nhà khoa học này tin rằng những hạt nhỏ hơn chứa virus không chìm xuống đất mà bay trong không khí.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-7-7-bac-kinh-lai-lu-loa-ve-cuoc-tap-tran-cua-hoa-ky-tai-bien-dong.html

Điểm tin chiều 7/7:

Trung Quốc không còn thuận lợi

để triển khai các dự án đại thủy điện

Huệ Minh
Mục Điểm tin kinh tế ngày 7/7 của Đại Kỷ Nguyên có những thông tin: Trung Quốc không còn thuận lợi để triển khai các dự án đại thủy điện; Huawei đối mặt với việc bị cấm tại nhiều nước…
Trung Quốc không còn thuận lợi để triển khai các dự án đại thủy điện
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin, các điểm dễ dàng đặt các tuốc-bin khổng lồ trên các sông Trung Quốc đã cạn kiệt, trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời có chi phí sản xuất ngày cảng rẻ. Do vậy, các nhà phát triển đập thủy điện của Trung Quốc thấy không đáng để xây dựng các siêu thủy điện mới ở các vị trí khó khăn. Tương lai của thủy điện ở Trung Quốc sẽ là các dự án có quy mô ngày càng nhỏ và thủy điện tích năng
Trung Quốc đã bắt đầu kỷ nguyên xây dựng đập thủy điện từ thập niên 1950 và dần lên đỉnh cao trong hai thập kỷ qua. Hiện tại Trung Quốc đã gần như hoàn thất xây dựng 5 trong số 10 nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 10 năm.
Tuy nhiên với trình độ xây dựng và kỹ thuật non kém thời kỳ trước đó, Trung Quốc đã hứng chịu các thảm họa như vụ vỡ đập chứa nước Bản Kiều và đập chứa nước Thạch Mạn Than ở tỉnh Hà Nam trong một siêu bão năm 1975 khiến 240.000 người thiệt mạng.
Khi Trung Quốc vươn mình lên trường quốc tế năm 1990, ngành công nghiệp thủy điện cũng trỗi dậy theo với dự án chắn dòng Trường Giang để xây dựng thủy điện Tam Hiệp. Dự án gây ra cuộc tranh cãi lớn bất thường ở Trung Quốc.
Hiện tại, việc tìm kiến và lựa chọn các đại thủy điện mới khó khăn hơn vì các đập thủy điện lớn cần dòng chảy lớn có độ dốc cao nhưng nước này đã tận dụng gần hết các điểm thuận lợi để xây đại thủy điện. Trung Quốc cũng đang hướng ra ngoài với các dự án thủy điện toàn cầu và đầu tư lớn tại các nước Nam Á, Đông Nam Á, Châu Phi và Mỹ Latin.
Huawei đối mặt với việc bị cấm tại nhiều nước
Theo báo Dân trí đưa tin, Anh đã bắt đầu loại bỏ thiết bị Huawei khỏi hệ thống mạng 5G dù trước đó chính phủ Anh đã cho phép Huawei được tham gia triển khai tại nước này. Thậm chí Huawei có thể đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn không được tham gia triển khai 5G tại Anh. Quyết định này đưa ra sau những cảnh báo về trừng phạt cứng rắn của Mỹ đối với các quốc gia sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei.
Ngoài ra, nhiều chính trị gia Anh cũng lo ngại khi sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei. Theo cảnh báo của cựu lãnh đạo Cục tình báo bảo mật của Anh, cơ quan tình báo Anh không đảm bảo rằng công nghệ của Huawei có thể sử dụng an toàn mà không chịu sự chi phối của chính quyền Bắc Kinh.
Chính phủ Anh sẽ sớm đưa ra thông báo chính thức về vấn đề này trong tháng
Trong khi đó, dù chưa có lệnh cấm chính thức, Chính phủ Pháp cũng đang kêu gọi các nhà mạng trong nước không sử dụng thiết bị của Huawei, ngăn chặn Huawei triển khai các hệ thống mạng cốt lõi, nhiều rủi ro và có khả năng giám sát các thông tin nhạy cảm của người dùng.
Trước đó, Chỉnh phủ nhiều quốc gia khác như Úc, New Zealand, Canada… đã ban hành lệnh cấm sử dụng thiết bị của Huawei trong việc triển khai mạng 5G.
Việt Nam thử nghiệm thương mại thiết bị 5G vào tháng 10
Theo báo Thanh Niên đưa tin, sáng nay 6/7/2020, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT – TT) đã thành lập tổ công tác thúc đẩy phát triển 5G tại Việt Nam nhằm định hướng, hỗ trợ các tổ chức, tập đoàn công nghệ đẩy nhanh việc nghiên cứu, triển khai sớm công nghệ 5G tại Việt Nam.
Đồng thời, Bộ TT – TT triển khai lắp đặt thử nghiệm mạng 5G do Viettel và Vinsmart sản xuất tại trụ sở. Trong sáng 6/7 điện thoại sử dụng 5G đầu tiên do Vinsmart sản xuất đã ra mắt, tạo tiền đề cho việc thử nghiệm thương mại trên thiết bị 5G của Việt Nam vào tháng 10 tới.
Trong năm 2020, Bộ TT – TT sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu trung tâm các tỉnh, thành phố.
Nương theo giá trong nước, thịt heo nhập khẩu giá vẫn cao
Theo báo Người lao động, nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu đã tăng đến 300% so với cùng kỳ năm 2019, dù nhập giá khá rẻ, tuy nhiên người tiêu dùng mua lẻ vẫn chịu giá cao, do vậy, không có tác dụng hỗ trợ trong việc giảm giá heo trong nước.
Chênh lệch giữa giá thịt đông lạnh nhập khẩu và thịt tươi sống ở các chợ bán lẻ không đáng kể. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Big C, cốt lết nhập khẩu giá 108.000 đồng/kg, ba rọi 159.500 đồng/kg, còn tại một chuỗi kinh doanh thịt heo nhập khẩu, giá thịt heo đông lạnh tương đương với giá thịt tươi sống bán ở chợ: ba rọi 200.000 đồng/kg, cốt lết 150.000 đồng/kg, sườn non 214.000 đồng/kg.
Theo ông Văn Đức Mười, chuyên gia chăn nuôi cho rằng nhà nước cần kiểm soát giá bán thịt heo nhập khẩu để khuyến khích tiêu dùng bằng giá rẻ hợp lý, giúp người tiêu dùng chuyển đổi thói quen thay thế thịt nội, góp phần cân đối cung – cầu.
Về phía doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng họ chỉ bán sỹ, các đơn vị bán lẻ tùy theo chiến lược kinh doanh mà định giá bán lẻ, doanh nghiệp không kiểm soát được. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn vì thời gian kéo dài từ khi đặt hàng đến khi thịt nhập về Việt Nam khiến giá thị trường tăng lên. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị nhà nước cần có chính sách bình ổn giá kèm hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhập hàng và bán ra với giá được ấn định đến người tiêu dùng.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-chieu-7-7-trung-quoc-khong-con-thuan-loi-de-trien-khai-cac-du-an-dai-thuy-dien.html

Điểm tin thế giới tối 7/7:

Mỹ cân nhắc cấm mạng xã hội Trung Quốc

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (7/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Mỹ cân nhắc cấm mạng xã hội Trung Quốc
Ngoại trưởng Mike Pompeo cuối ngày 6/7 (giờ Mỹ) cho biết chính quyền Washington đang cân nhắc việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok, do lo ngại an ninh quốc gia.
“Liên quan đến các ứng dụng của Trung Quốc trên điện thoại mọi người, tôi có thể cam đoan rằng Mỹ sẽ xử lý ổn thỏa”, ông Pompeo phản hồi sau khi biên tập viên Laura Ingraham của Fox News hỏi về khả năng cấm ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, cụ thể là TikTok.
“Tôi không muốn tiết lộ thông tin sớm hơn Tổng thống, nhưng vấn đề đó đang được chúng tôi nghiên cứu”, ông Pompeo nói thêm.
Chiết Giang xả lũ hồ thủy điện
Hồ thủy điện Tân An Giang ở Chiết Giang hôm nay mở 7 cửa xả lũ, khi mực nước vượt giới hạn và vẫn có xu hướng dâng cao, theo hãng tin China News.
Mực nước ở hồ chứa Tân An Giang dâng lên tới 107,29 mét sáng nay, trong khi mưa lớn được dự báo tiếp tục trút xuống, buộc chính quyền Chiết Giang ra lệnh mở ba cổng xả lũ của hồ lúc 10h hôm nay và mở thêm 4 cổng nữa trước 17h. Giới chức cho biết cổng sẽ đóng khi mực nước hồ hạ xuống 107 mét.
Đợt xả lũ này từ hồ Tân An Giang có thể ảnh hưởng tới 8 thị trấn và thành phố dưới hạ lưu với 300.000 dân.
Trung Quốc: Xe buýt chở học sinh lao xuống hồ
Tờ SCMP dẫn tin từ giới chức Trung Quốc cho biết, 21 người chết và 15 người bị thương khi chiếc xe buýt chở học sinh lao qua rào chắn, rơi xuống hồ chứa Hồng Sơn ở thị trấn An Thuận, tỉnh Quý Châu.
Trong số 36 người trên xe buýt có học sinh, nhưng chưa rõ con số cụ thể. Hiện cũng chưa rõ các nạn nhân tử vong tại hiện trường hay bệnh viện và có còn người mất tích hay không. Cơ quan quản lý khẩn cấp tỉnh Quý Châu cho biết 19 xe cứu hỏa, 21 xuồng cứu hộ và 97 nhân viên, trong đó có 17 thợ lặn, đã được triển khai tới hiện trường.
Vụ tai nạn trên xảy ra khi Trung Quốc đang tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học (cao khảo). Một số học sinh trên xe được cho là vừa tham gia cao khảo vào buổi sáng cùng ngày.
UAE sẽ xét nghiệm Covid-19 cho 2 triệu người
Reuters đưa tin, chính phủ các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hôm 6/7 thông báo kế hoạch xét nghiệm Covid-19 cho 2 triệu người, tương đương khoảng 20% ​​dân số, trong hai tháng tới.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 ở UAE tăng nhanh trở lại sau khi giới chức dỡ lệnh hạn chế ngăn virus lây lan vào hôm 24/6.
Carrie Lam tuyên bố luật an ninh không khiến Hồng Kông ‘u ám’
Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam hôm nay tuyên bố rằng luật an ninh quốc gia không phải sự bi quan và u ám đối với thành phố, trong bối cảnh đạo luật này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và các nước trên thế giới.
“Tôi chắc chắn rằng, khi thời gian trôi qua, và những nỗ lực cùng thực tế đang diễn ra, niềm tin về chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ cũng như tương lai của Hồng Kông sẽ tăng lên”, bà Carrie Lam tuyên bố.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-7-7-my-can-nhac-cam-mang-xa-hoi-trung-quoc.html

Tạp chí kinh tế

Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc :

Nói dễ, làm khó

Thanh Hà
Dùng đòn kinh tế để trả đũa Bắc Kinh sau xung đột ở biên giới Ấn - Trung là một bàn thua được báo trước đối với chính quyền New Delhi. Trên đây là nhận định của nhà báo Patrick de Jacquelot, nguyên là phóng viên của báo kinh tế Les Echos tại Ấn Độ về chiến dịch vận động quần chúng « tuyên chiến » với hàng Made in China.
Chỉ vài giờ sau xung đột ở biên giới Ấn – Trung trong vùng thung lũng Ladakh trên dãy Himalaya, đã rộ lên những lời kêu gọi tẩy chay các công ty và hàng Trung Quốc. Rồi lời nói đi đôi với hành động : Hình ảnh một cư dân tại bang Gujarat liệng màn hình tivi Made in China qua cửa sổ đã được truyền thông Ấn Độ loan tải ra khắp thế giới. Tại thủ đô New Delhi, một quan chức địa phương trên mạng xã hội Whatsapp « tuyên chiến » với những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Một viên tướng về hưu xem
việc tẩy chay hàng Trung Quốc là hình thức cụ thể nhất để « tấn công vào cột sống » của nước láng giềng muốn xâm lấn lãnh thổ của Ấn Độ.
Cố gắng trả đũa để giữ thể diện quốc gia ?
Về mặt chính thức, hai tuần sau vụ đụng độ đẫm máu trên dãy Himalaya, New Delhi tìm nhiều cách để « trả đũa » Bắc Kinh. Biện pháp thứ nhất là ban hành lệnh cấm người dân Ấn Độ sử dụng 59 ứng dụng do các tập đoàn Trung Quốc cung cấp, trong lúc 65 % điện thoại di động đang lưu hành tại quốc gia Nam Á này đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Chỉ riêng ứng dụng chia sẻ video như TikTok cũng của Trung Quốc đang thu hút đến 120 triệu thanh niên Ấn Độ và đây cũng là thị trường lớn nhất của TikTok ngoài Hoa lục.
Kế tới là việc tăng cường các hàng rào thuế quan nhắm vào 300 mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Chính quyền Modi cũng đã « mạnh mẽ khuyến khích » cơ quan Nhà nước « giảm mức độ lệ thuộc » vào hàng Trung Quốc. Cổng mua bán trên mạng Government E-market của Nhà nước yêu cầu các nhà cung cấp ghi rõ xuất xứ những mặt hàng bán ra ở địa chỉ này.
Gần như cùng lúc, New Delhi tăng tốc thắt chặt luật đầu tư nước ngoài mà chủ yếu là nhằm cản đường các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mở thêm địa bàn trên xứ sở của Bollywood. Cũng chính quyền của thủ tướng Narendra Modi kêu gọi các tập đoàn viễn thông Ấn Độ « tránh » mua trang thiết bị của Hoa Vi. Một phương tiện khác nữa cho phép Ấn Độ « thọc gậy bánh xe » nước láng giềng là kéo dài thủ tục hành chính ở hải quan mỗi khi hàng của Trung Quốc cập các cảng Ấn Độ trước khi được chuyển đi tiếp sang một quốc gia thứ ba.
Hiệu quả nào khi đang lệ thuộc vào giao thương với Trung Quốc về nhiều mặt ?
Câu hỏi đặt ra liệu Ấn Độ có đủ sức dùng đòn kinh tế trả đũa Trung Quốc vụ giao tranh đẫm máu, cướp đi sinh mạng 20 quân nhân Ấn Độ ở đường biên giới chung giữa hai nước hay không ?
RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với nhà báo độc lập Patrick de Jacquelot của báo Asialyst. Ông từng là thông tín viên thường trực của nhật báo kinh tế Les Echos tại New Delhi trong nhiều năm.
Trao đổi mậu dịch Ấn-Trung cho đến năm 2019 là như sau : Ấn Độ xuất khẩu 16,3 tỷ đô la sang Trung Quốc và mua vào 65,3 tỷ hàng Trung Quốc. Như vậy Ấn Độ bị thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc gần 50 tỷ đô la và đó là một số tiền rất lớn. Nhìn qua, có vẻ như việc tẩy chay hàng Trung Quốc có hại cho phía Bắc Kinh. Sự thật hoàn toàn ngược lại bởi vì 14 % hàng của Ấn Độ làm ra để bán cho Trung Quốc. Trong chiều ngược lại thì Ấn Độ chỉ chiếm có từ 1 đến 2 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Thành thử Ấn Độ có tẩy chay hàng Trung Quốc đi chăng nữa, cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc không hề hấn gì bởi thị trường Ấn Độ không chiếm một vị trí quá lớn trong số những khách hàng của Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, nếu Trung Quốc ngưng mua hàng của Ấn thì các công ty Ấn Độ sẽ rất kẹt”.
Trung Quốc là đối tác thương mại thứ nhì của Ấn Độ chỉ sau có Mỹ. Ấn Độ và Trung Quốc là hai mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng của toàn cầu. Về thương mại, hai nước đông dân nhất địa cầu này rất cần lẫn nhau vậy về mặt cơ cấu đôi bên trao đổi với nhau những gì ? Patrick de Jacquelot đi sâu thêm vào chi tiết.
“Có thể nói Ấn Độ chủ yếu bán nguyên liệu cho Trung Quốc và mua vào những mặt hàng có giá trị gia tăng. Thí dụ như bán sắt cho Trung Quốc nhưng mua vào thép, mua vào đồ điện và máy móc, vi tính… mà Trung Quốc làm ra. Những mặt hàng đó tối cần thiết cho đời sống hàng ngày của mỗi người dân Ấn Độ. Nhìn đến công nghệ cao, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu cho Ấn Độ. 80 % trang thiết bị năng lượng mặt trời của Ấn Độ được mua từ Trung Quốc ; 40 % trang thiết bị điện tử của Ấn Độ được nhập từ Trung Quốc và ngành công nghiệp xe hơi Ấn Độ lệ thuộc đến 25 % vào phụ tùng của Trung Quốc. Nói cách khác, cho dù là một ngành công nghiệp mũi nhọn, nhưng nếu không có Trung Quốc thì sẽ không có xe hơi Ấn Độ”.
Thỏa mãn niềm tự hào dân tộc
Theo quan điểm của nhà báo Jacquelot, kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc chỉ nhằm mục đích xoa dịu công luận Ấn Độ phẫn nộ vì cái chết của 20 người lính ở biên giới Ấn – Trung. Ông giải thích tiếp :
“Chẳng vậy mà từ khi New Delhi kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, chỉ trong vỏn vẹn khoảng một chục ngày, chính phủ đã hai lần nới lỏng biện pháp trả đũa Bắc Kinh gây hấn ở biên giới Ấn Trung. Hôm 30 tháng 6 chính quyền Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp cấm vận nhắm vào các sản phẩm cần thiết nhất trong ngành dược phẩm. Tuy rằng đây là một công nghệ xuất khẩu quan trọng của Ấn Độ nhưng các hãng dược phẩm Ấn lại lệ thuộc đến 60 % vào nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Cùng một ngày New Delhi cũng đã rút lại biện pháp đòi trừng phạt các tập đoàn nước ngoài hiện diện tại Ấn Độ làm ăn với Trung Quốc. Các tên tuổi như Samsung, Honda hay Toyota bị đưa vào danh sách này nhưng trừng phạt các tập đoàn nói trên thì chính nền công nghiệp của Ấn Độ bị thiệt hại trước hết”.
Từ công nghệ cao cho đến dược phẩm và ngay cả những mặt hàng điện tử thông dụng nhất, hay đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đều cần Trung Quốc. Nhà báo Patrick de Jacquelot nhấn mạnh kinh tế không là yếu tố gây căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh. Xung đột giữa hai ông khổng lồ châu Á này nằm ở vế ngoại giao và tranh chấp lãnh thổ :
“Vấn đề cốt lõi không nằm trong địa hạt kinh tế, mà xung đột Ấn – Trung thuộc về phạm trù ngoại giao và nhất là tranh chấp biên giới. Ấn Độ và Trung Quốc hoàn toàn không có tranh chấp về kinh tế hay thương mại. Nếu như trong những ngày sắp tới New Delhi và Bắc Kinh thu xếp được với nhau để làm dịu tình hình, thì sẽ không còn mấy ai chú ý tới kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc nữa. Ngược lại, nếu tình hình xấu đi thêm Ấn Độ bắt buộc phải cứng giọng hơn nữa. Nhưng như tôi vừa trình bày, khả năng hành động của New Delhi về mặt này rất hạn hẹp. Về kinh tế, Ấn Độ và Trung Quốc đang cần lẫn nhau. Ấn Độ cần hàng của Trung Quốc. Còn với Bắc Kinh, Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng không thể bỏ qua”.     
Tranh chấp lãnh thổ và lợi ích kinh tế 
Đây là lần đầu tiên từ năm 1975 máu lại đổ vì xung đột ở đường biên giới. Nhưng căng thẳng Ấn – Trung thì từ hơn 50 năm qua vẫn âm ỉ. Tình hình đã căng lên trở lại từ đầu tháng 5/2020 và đỉnh điểm là đêm 15 rạng sáng 16/06/2020 khi hàng trăm binh lính đôi bên lao vào một trận giáp lá cà. Chuyên gia quân sự Abhijit Iyer Mitra thuộc Viện Nghiên Cứu về Hòa Bình và các cuộc Xung Đột  (IPCS) của Ấn Độ lưu ý tình hình tại biên giới Ấn – Trung nóng lên đúng vào lúc New Delhi vừa cấp giấy phép cho một tập đoàn Úc khoan ba đường hầm lớn trong khu vực thung lũng Ladakh, đồng thời chính quyền cũng đã bật đèn xanh cho các dự án xây dựng hơn 60 trục lộ dài tổng cộng hơn 3.300 cây số dọc theo đường biên giới Ấn – Trung. Tất cả các dự án đó cho phép Ấn Độ mở rộng cơ sở hạ tầng tại một vùng lãnh thổ mang tính chiến lược này đối với Bắc Kinh.
Đành rằng Ấn Độ và Trung Quốc không có hiềm khích về kinh tế hay thương mại, nhưng dự án của New Delhi phát triển vùng thung lũng Ladakh tại một địa điểm nhậy cảm trên dãy Himalaya phần nào châm ngòi cho xung đột đẫm máu hôm 15/06/2020. Vấn đề còn lại là đôi bên liệu sẽ có dừng lại đúng lúc trước khi bước qua lằn ranh đỏ của một sự can thiệp quân sự hay không ?
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200707-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-t%E1%BA%A9y-chay-h%C3%A0ng-trung-qu%E1%BB%91c-n%C3%B3i-d%E1%BB%85-l%C3%A0m-kh%C3%B3

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.