Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 14/06/2020

Sunday, June 14, 2020 3:24:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 14/06/2020

Trung Quốc ‘có thể lập ADIZ ở Biển Đông

nếu quan hệ với Mỹ xấu đi’

Một nhà nghiên cứu quốc phòng của Hoa Kỳ nói Trung Quốc có thể công bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nếu đánh giá quan hệ với Washington ngày càng xấu đi.
Ông Edmund J. Burke đang là nhà nghiên cứu quốc phòng tại RAND, tổ chức nghiên cứu nổi tiếng đặt ở Hoa Kỳ.
Những ngày gần đây, tin đồn về một kế hoạch lập ADIZ của Bắc Kinh bao trùm lên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại nổi lên, xuất phát từ một bài báo của South China Morning Post đặt ở Hong Kong.
Bài của South China Morning Post dẫn nguồn giấu tên nói Bắc Kinh đã có kế hoạch về ADIZ ở Biển Đông từ 2010, cùng lúc khi định lập ADIZ ở Biển Hoa Đông.
Ngày 23/11 năm 2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập vùng ADIZ ở Biển Hoa Đông tạo ra phản đối từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vùng ADIZ này bao trùm lên quần đảo Senkaku do Nhật đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư Đài.
Nó cũng bao trùm vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc và vùng biển mà Hoa Kỳ xem là hải phận quốc tế.
Ông Edmund J. Burke nói với BBC News Tiếng Việt: “Hoàn toàn đáng tin khi cho rằng Bắc Kinh đã cân nhắc vùng ADIZ ở Biển Đông, đánh giá cả lợi ích và thiệt hại quân sự, chính trị.”
“Tôi không ngạc nhiên nếu quả thực họ đã nghĩ về việc này 10 năm trước.”
“Khi đó, họ còn chưa cải tạo đất, xây dựng căn cứ quân sự để hỗ trợ hàng không ở đó, và vì thế họ có lẽ nghĩ rằng chưa nên làm.”
Mấy năm qua Trung Quốc đã cải tạo, bồi đắp đất ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Edmund J. Burke đặt ra các giả thiết về nội hàm vùng ADIZ mà Trung Quốc có thể tuyên bố lập ở Biển Đông.
“Nếu nó bao trùm các đảo, quần thể mà các nước khác đòi chủ quyền, rủi ro sẽ cao hơn.”
“Vùng ADIZ của Trung Quốc cũng có thể sẽ không bao trùm các đảo đó nhưng thách thức quy tắc quốc tế về an toàn bay, với các chuyến tuần tra liên tục.”
“Dù sao, một vùng ADIZ của Trung Quốc sẽ thể hiện tính chất kiểm soát đối với các nước có tranh chấp.”
Ông Edmund J. Burke nhận định Trung Quốc sẽ cân nhắc ADIZ trong tương quan với Hoa Kỳ.
“Nếu Bắc Kinh cho rằng môi trường an ninh khu vực, và quan hệ với Hoa Kỳ, đang xấu đi, họ có thể đánh giá chi phí chính trị của việc lập ADIZ là chấp nhận được.”
Ít ai cho rằng có khả năng xung đột vũ trang nếu Trung Quốc đơn phương lập ADIZ ở Biển Đông.
Trước đó nói với BBC News Tiếng Việt, từ U.S. Naval War College, Hoa Kỳ, Giáo sư về Luật biển Quốc tế James Kraska nói:
“Rủi ro lớn nhất của vùng ADIZ Biển Đông là nó sẽ phục vụ như lý lẽ bổ sung cho đường chín đoạn phi pháp của Trung Quốc.”
“Như thế, ảnh hưởng lớn nhất sẽ mang tính chất địa chính trị chứ không phải quân sự,” giáo sư James Kraska phân tích.
Ông Edmund J. Burke thì nhận xét nên cẩn thận về sự tính toán nhầm của các nước.
“ADIZ tự nó không làm tăng rủi ro xung đột.
“Nhưng cách Trung Quốc tuần tra, thực thi ADIZ có thể làm tăng căng thẳng.”

Biển Đông: Hoa Kỳ quyết can dự mạnh mẽ hơn,

 ủng hộ Asean trước Trung Quốc?

Công thư gần đây của Hoa Kỳ gửi Liên Hiệp Quốc (LHQ) chứng tỏ Washington muốn đẩy tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước lên nghị trình hàng đầu thời gian tới, theo một bình luận từ Philippines.
Hôm 1/6, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft đã yêu cầu lưu hành công thư như một văn bản chính thức gửi đến tất cả thành viên LHQ và Hội đồng Bảo an.
Công thư này để sự đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ ngày 12/12/2019.
Tin cho biết trong thư, Hoa Kỳ nói họ phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
“Mỹ yêu cầu Trung Quốc một lần nữa tuân thủ các quy định quốc tế về tuyên bố chủ quyền như đã nêu trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực thi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài về Biển Đông và ngừng các hành động khiêu khích trong khu vực”, Đại sứ Mỹ nói trong thư.
Thời điểm lá thư của Hoa Kỳ
Bà Jacqueline Joyce F. Espenilla, giảng viên Trường Luật, Đại học Philippines (University of the Philippines College of Law) , nói với BBC News Tiếng Việt rằng thời điểm lá thư của Hoa Kỳ rất quan trọng.
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982, đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Ban đầu phán quyết này được một số người hy vọng có thể mở đường tiến tới giải quyết các tranh chấp về quyền đối với các vùng biển ở Biển Đông.
Tuy nhiên, bà Jacqueline Joyce F. Espenilla chỉ ra rằng tình hình từ 2016 đến gần đây đã nhạt đi.
“Xung lực từ phán quyết tòa 2016 nói chung giảm đi, một phần không nhỏ vì chính phủ tổng thống Duterte không muốn dùng thắng lợi của Philippines do nguyên nhân kinh tế và chính trị.”
“Vẫn thỉnh thoảng có va chạm, đa số là với Việt Nam quanh quần đảo Hoàng Sa, Indonesia ở quần đảo Natuna, và mọi nước có tranh chấp ở Biển Đông đều kiên quyết trong tuyên bố của họ.”
“Tuy nhiên, ưu tiên vừa qua chủ yếu nhằm cố gắng có Bộ Quy tắc ứng xử.”
Nhưng bà Jacqueline Joyce F. Espenilla nói sau khi phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ gửi công hàm ngày 12/12/2019, tình hình trở nên khác đi.
“Công hàm Trung Quốc lập tức thúc đẩy phản ứng ngoại giao của Việt Nam, Philippines và thú vị là cả Indonesia, vốn là nước thường tránh liên quan.”
Ngày 12/12/2019, Malaysia có Công hàm số HA 59/12 liên quan đến Đệ trình về thềm lục địa mở rộng của mình tại Biển Đông lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS).
Cùng ngày, Trung Quốc gửi Công hàm số CML/14/2019 tại LHQ phản đối Đệ trình trên của Malaysia.
Ngày 6/3/2020, Philippines gửi liên tiếp Công hàm số 000191-2020 để phản đối Công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc và Công hàm số 000192-2020 để phản đối Đệ trình của Malaysia.
Ngày 23/3/2020, Trung Quốc gửi Công hàm số CML/11/2020 phản đối Philippines.
Ngày 2/4/2020, Tổng thư ký LHQ cho lưu hành công hàm số 22/HC-2020 của Phái đoàn thường trực Việt Nam để phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông thể hiện trong hai công hàm số CML/14/2019 và Công hàm số CML/11/2020.
Ngày 10/4/2020, Phái đoàn Việt Nam tiếp tục gửi Công hàm số 24/HC-2020 đề cập Công hàm ngày 12/12/2019 của Malaysia và Công hàm số 25/HC-2020 đề cập các Công hàm ngày 10/4/2020 của Philippines.
‘Sự quay lại mạnh hơn của Hoa Kỳ’
Về công thư ngày 1/6 của Hoa Kỳ, bà Jacqueline Joyce F. Espenilla quan tâm việc nó xảy ra cùng lúc, khi ngày 2/6, Philippines đã đình chỉ việc hủy Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng, cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này.
“Hoạt động của Manila mở đường cho sự quay lại mạnh hơn của Hoa Kỳ trong vùng.”
“Lá thư của Mỹ ra dấu là họ một lần nữa tập trung vào Biển Đông, gửi thông điệp cho Đông Nam Á rằng Washington ủng hộ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.”
Nhìn rộng hơn, bà Jacqueline Joyce F. Espenilla nhấn mạnh cáo buộc về sự hung hăng của Trung Quốc trên biển được đặt vào bối cảnh căng thẳng chung với Hoa Kỳ.
“Đó là một phần trong danh sách than phiền về tình báo, tấn công mạng, thương mại bất công, và cáo buộc về Covid-19.”
“Khi gửi thư cho LHQ, Hoa Kỳ thực tế đã đặt tranh chấp Biển Đông trở lại sân khấu chính trị, trong lúc thế giới trở nên thù địch hơn với Trung Quốc,” bà Jacqueline Joyce F. Espenilla nói.
‘Trung Quốc muốn tận dụng sự biết ơn’
Trong khi đó, từ Đại học Quốc gia Úc, Giáo sư Leszek Buszynski giải thích vì sao Trung Quốc gần đây lại gửi các công hàm lên LHQ.
“Có vẻ như Trung Quốc muốn tận dụng sự biết ơn trong Đại hội đồng LHQ, sau khi đã gửi khẩu trang chống virus corona cho các nước, sau dự án Vành đai – Con đường, hỗ trợ kinh tế cho châu Phi và các nước như Lào, Campuchia.”
“Bằng cách này, họ muốn vô hiệu hóa phán quyết của Tòa năm 2016, nói rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.”
Giáo sư Leszek Buszynski đang nghiên cứu về Biển Đông, và là chuyên gia về an ninh châu Á.
Giáo sư Leszek Buszynski dự đoán Trung Quốc hy vọng LHQ sẽ thông qua một nghị quyết ủng hộ Bắc Kinh về Biển Đông.
“Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ đạt được nghị quyết đó, vì Đại hội đồng LHQ có nhiều tiếng nói khác nhau, không phải tất cả đều biết ơn Trung Quốc.”
‘Sự phản đối chính thức rõ nhất của Mỹ’
Bà Jacqueline Joyce F. Espenilla, giảng viên Trường Luật, Đại học Philippines, nhận xét công thư của Mỹ gửi LHQ là rất đặc biệt.
“Có lẽ lá thư là sự phản đối chính thức rõ nhất của Mỹ về đòi hỏi của Trung Quốc trên Biển Đông.”
“Tôi nhấn mạnh chữ Chính thức, vì trước đây Mỹ cũng đã phản đối lập trường của Trung Quốc phi chính thức khi đưa tàu đi vào vùng tranh chấp.”
“Lá thư của Đại sứ Kelly Craft nêu lại một số điểm trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài về Biển Đông, đây là việc Mỹ chưa từng làm.”
Bà Jacqueline Joyce F. Espenilla chỉ ra rằng với việc ra quan điểm rất gần với Việt Nam, Philippines…Washington “thực tế là đang bộc lộ sức nặng ảnh hưởng đằng sau các nước”.
“Nó có thể khuyến khích các nước nhỏ khẳng khái hơn trong việc phản bác sự hung hăng của Trung Quốc, lập một mặt trận đoàn kết.”
“Phần lớn sự bạo gan của Trung Quốc xuất phát từ việc họ lợi dụng được sự mất đoàn kết trong vùng,” bà nói

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.