Tin Biển Đông – 04/06/2020
Biển Đông: Ai có lợi nhất trong việc Philippines hoãn quyết định chấm dứt VFA với Hoa Kỳ?
Tina Hà Giang – BBC News Tiếng Việt
Nhận định về việc trì hoãn quyết định chấm dứt Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Hoa Kỳ, GS Carl Thayer nói chính thức thì Tổng thống Duterte giải thích quyết định này là để đáp lại đề nghị hỗ trợ Philippines chống lại đại dịch của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế vạch ra là, việc Duterte quay về với Trung Quốc trong bốn năm qua không mang lại lợi ích kinh tế gì cho Philippines như dự đoán ban đầu. Và lập trường ủng hộ Bắc Kinh của Duterte cũng đã không ngăn cản Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc khẳng định quyền kiểm soát các đảo và vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt qua email từ Canberra, Úc hôm 4/6, GS Carl Thayer nói rằng đồng thời, Hoa Kỳ cũng đã hết sức cố gắng để không cho mối quan hệ song phương xấu đi đến mức rạn nứt.
GS Carl Thayer: Tổng thống Trump đích thân và nhiều lần mời Duterte đến thăm Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã làm rõ cam kết của Hoa Kỳ đối với Philippines ở Biển Đông theo Hiệp ước Phòng thủ Lẫn nhau (MDT) năm 1951. Tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã chấp thuận việc bán một loạt vũ khí tiên tiến trị giá hơn 2 tỷ đôla cho Philippines.
Tóm lại, đã có sự phản đối trong chính phủ Philippines – gồm cả các quan chức quốc phòng cấp cao – về việc chấm dứt VFA với Hoa Kỳ. Cũng đã có sự phản kháng về mặt pháp lý của các thượng nghị sĩ, những người tìm kiếm phán quyết của Tòa án tối cao về việc liệu Duterte có quyền thu hồi VFA mà không có sự chấp thuận của Quốc hội hay không. Cuối cùng, thì dư luận Philippines trở nên bất mãn với Trung Quốc trong khi tỷ lệ thân Mỹ lên cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á trong cuộc trưng cầu dân ý gần đây.
Việc tổng thống Duterte đưa ra thông báo 180 ngày về việc chấm dứt VFA , là một phản ứng giận dữ trước việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối cấp Visa cho Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” Muff Dela Rosa thân thiết của Tổng thống Duterte. Chỉ có thể suy đoán rằng các nhà ngoại giao Mỹ cả ở Manila và Washington đã có các cuộc đàm phán bí mật để loại bỏ sự việc gây khó chịu đặc biệt này. Đồng thời, các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ có lẽ cũng đã làm việc hết tốc lực để tìm ra các cách thức và phương tiện để củng cố liên minh giữa hai bên thông qua các chương trình đào tạo.
BBC: GS nghĩ Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào, họ có thể làm gì để trừng phạt Philippines vì quyết định này?
GS Carl Thayer: Bắc Kinh sẽ tính toán đường dài. Trung Quốc sẽ tinh tế trong việc gây áp lực lên Philippines. Trung Quốc sẽ nhử ‘củ cà rốt’ trong quan hệ kinh tế trong khi vẫn liên tục gây áp lực ở Biển Tây Philippines.
Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines trong việc chống lại mối đe dọa của COVID-19. Trung Quốc cũng có thể chơi thẻ bài ‘Vành đai và Con đường’ bằng cách thông báo hỗ trợ tài chính cho dự án cưng Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng của Duterte, vào thời điểm thích hợp.
Trong khi đó, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc sẽ tận dụng những nhược điểm của Hoa Kỳ – sự lây lan của virus corona trong Hải quân Hoa Kỳ và tình trạng bất ổn dân sự ở nước này. Trung Quốc sẽ lập luận rằng Hoa Kỳ là một đồng minh không đáng tin cậy.
Trung Quốc sẽ thể hiện sự kiềm chế trong các hành động công khai trong khi tiếp tục thách thức các tàu hải quân và máy bay quân sự của Philippines khi họ đi qua Biển Tây Philippines, Trung Quốc cũng sẽ duy trì sự hiện diện của cái gọi là ‘ngư dân’ của họ ở vùng biển quanh Pagasa.
BBC: Việc Philippines tạm hoãn quyết định chấm dứt VFA với Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các cuộc xung đột ở Biển Đông ra sao? Những quốc gia nào sẽ có lợi nhất?
GS Carl Thayer: Việc tạm hoãn chấm dứt VFA trong 6 tháng có thể được kéo dài thêm 6 tháng nữa. Nếu không đạt được thỏa thuận, đồng hồ sẽ được đặt lại và việc chấm dứt sẽ tiếp tục. Sáu tháng tới đây sẽ là khoảng thời gian tế nhị khi Manila và Washington tìm ra cách để hướng tới tương lai.
Nếu VFA không bị bãi bỏ, sự hồi sinh của liên minh Hoa Kỳ-Philippines sẽ góp phần ổn định Biển Đông. Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Philippines theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng sẽ đóng vai trò như một biện pháp răn đe, đặc biệt là sau cam kết bằng lời sẽ khởi động Hiệp ước Phòng thủ Lẫn nhau (MDT) nếu lực lượng quân đội Philippines bị tấn công. Hoa Kỳ có thể hỗ trợ nhận thức về lĩnh vực hàng hải, huấn luyện Lực lượng Vũ trang Philippines để bảo vệ lãnh thổ, và bằng cách duy trì sự hiện diện của lực lượng hải quân và không quân Hoa Kỳ tại đây.
Sự hồi sinh của mối quan hệ quốc phòng tốt giữa Philippines và Hoa Kỳ có thể thu hút sự hỗ trợ từ Nhật Bản, Úc và các cường quốc hàng hải khác cho sự kết hợp các hoạt động hải quân ở Biển Đông.
Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều được hưởng lợi từ trấn an này của Hoa Kỳ. Việt Nam giờ sẽ ít phải đối mặt hơn với áp lực cho Hải quân Hoa Kỳ quyền truy cập nhiều hơn vào các cảng của mình.
BBC: Cụ thể quyết định trì hoãn quyết định chấm dứt VFA với Mỹ của Philippines giúp Việt Nam như thế nào trong việc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông?
GS Carl Thayer: Hoa Kỳ gần đây đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối và thách thức các yêu sách của Trung Quốc với các quyền lịch sử, cũng như việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với các đảo ở vùng Biển Đông.
Sự can thiệp gần đây của hải quân Hoa Kỳ vào vùng biển ngoài khơi Đông Malaysia để hỗ trợ thăm dò dầu khí trước sự quấy rối của Trung Quốc cũng đã bày tỏ sự khuyến khích rằng Hoa Kỳ sẽ làm điều tương tự nếu Trung Quốc thách thức bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí nào ở vùng biển Việt Nam gần Bãi Tư Chính.
Việt Nam và Indonesia sẽ được khích lệ bởi thách thức pháp lý của Hoa Kỳ với Trung Quốc vì điều này củng cố đệ trình của họ lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
BBC: Theo giáo sư,quyết định vừa rồi của Philippinescòn mang ý nghĩa gì nữa không?
GS Carl Thayer:Philippines gần đây đã có chính sách tuyên bố mạnh mẽ hơn về chủ quyền tại Biển Đông thông qua các lập luận pháp lý dựa trên Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, trong vụ kiện chống lại Trung Quốc. Philippines cũng đề nghị hỗ trợ ngoại giao cho Việt Nam sau vụ chìm tàu đánh cá Việt Nam vào tháng Tư vừa qua.
Hai nước là đối tác chiến lược. Có khả năng là Philippines và Việt Nam sẽ phối hợp tốt hơn các chính sách Biển Đông của họ, đặc biệt là các chiến lược pháp lý. Vào một thời điểm nào đó trong tương lai, máy bay trinh sát hàng hải và tàu hải quân của Hoa Kỳ có thể thực hiện các chuyến thăm tạm thời tới cả hai nước khi họ bay qua và đi vào biển Đông.
Việt Nam – Singapore: Nhất trí duy trì hòa bình,
ổn định, tự do và an ninh hàng hải, hàng không
ở Biển Đông
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông; nhất trí cùng nỗ lực giữ gìn đoàn kết và lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (29/5), hai bên đã trao đổi về hợp tác song phương và khu vực trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp toàn diện của Chính phủ Singapore nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và giảm thiểu tác động về kinh tế-xã hội của Covid-19; tin tưởng rằng Singapore sẽ sớm khống chế hoàn toàn được dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và khu vực trong bối cảnh hiện nay, đánh giá cao việc hai nước hỗ trợ nhau vật tư y tế và phối hợp hồi hương công dân; cảm ơn sự ủng hộ, đóng góp tích cực của Singapore và cá nhân Thủ tướng Lý Hiển Long vào thành công của Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với dịch Covid-19 (14-4-2020). Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ ấn tượng về thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19; cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chia sẻ, hỗ trợ vật tư y tế cho Singapore. Thủ tướng Lý Hiển Long đánh giá cao vai trò và các sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm thúc đẩy hợp tác nội khối cũng như giữa ASEAN với các đối tác quan trọng trong ứng phó và giảm thiểu tác động nhiều mặt của dịch bệnh.
Hai Thủ tướng nhất trí cùng nỗ lực giữ đà phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore thông qua duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương, tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp nhiều thách thức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam hoan nghênh các bộ, ngành chức năng hai nước trao đổi để sớm ký thỏa thuận song phương về thương mại gạo, theo đó, Singapore sẽ nhập khẩu gạo Việt Nam ổn định và lâu dài. Hai bên cũng nhất trí trao đổi kế hoạch sớm mở lại đường bay, dần khôi phục đi lại một cách an toàn giữa hai nước nhằm đón đầu, tạo cú hích mới cho quan hệ thương mại-đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước giai đoạn hậu dịch. Thủ tướng Lý Hiển Long đề xuất hai nước cân nhắc thiết lập cơ chế “làn xanh” để tạo thuận lợi cho việc di chuyển phục vụ các mục đích thiết yếu.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của Singapore trong điều phối quan hệ ASEAN-EU nhiệm kỳ 2018-2021. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông; nhất trí cùng nỗ lực giữ gìn đoàn kết và lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam – Singapore phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Hai bên đã tích cực phối hợp triển khai mối quan hệ Đối tác Chiến lược trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, giáo dục – đào tạo, văn hóa… Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc ở cấp cao và các cấp. Gần đây nhất là năm 2017, Thủ tướng Lý Hiển Long hai lần thăm Việt Nam thăm chính thức tháng 3/2017 và tháng 11/2017 nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC. Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng 2 lần thăm Singapore và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 và 33. Tháng 7/2018, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Singapore và dự các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN cũng như các cuộc họp liên quan. Tháng 9/2018, Thủ tướng Lý Hiển Long thăm Việt Nam và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN. Hai nước hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN cũng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhằm không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của hai nước trong ASEAN cũng như trên thế giới, góp phần giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả và kịp thời với các thách thức đang
nổi lên, tích cực đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông… Bên cạnh đó, hợp tác quốc phòng – an ninh cũng ngày càng được mở rộng, tăng cường một cách thực chất và hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực giao lưu tàu hải quân, chống khủng bố, an ninh mạng…
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm qua không ngừng phát triển và mở rộng. Singapore giữ vững là nhà đầu tư vào Việt Nam lớn nhất trong ASEAN và thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản, với 2.190 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 48 tỷ USD, trải trên 18/21 ngành theo hệ thống phân ngành của Việt Nam. Hiện Singapore đã đầu tư tại 48/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Về thương mại, Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN và thứ 6 trên thế giới. Tính đến tháng 10/2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 17,3 tỷ USD. Cơ cấu thương mại cải thiện theo hướng cân bằng hơn. Ngoài ra, Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, du lịch, lao động, văn hóa và giao lưu nhân dân ngày ngày càng mở rộng và phát triển, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước. Hiện nay, có khoảng 12.000 người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Singapore. Hàng năm có khoảng 260.000 người Singapore đi du lịch Việt Nam và từ Việt Nam có khoảng 500 ngàn người đi du lịch Singapore.
Liên quan vấn đề Biển Đông, trong những năm gần đây, để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như môi trường xung quanh thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội, Singapore đã và đang nỗ lực thúc đẩy các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Về cơ bản, Singapore không phải là nước tranh chấp, không có đòi hỏi về chủ quyền tại Biển Đông, giữ lập trường trung lập không nghiêng về bên nào. Tuy nhiên, Singapore quan tâm vấn đề Biển Đông là vì Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông liên quan đến lợi ích kinh tế của nước này. Do đó, Singapore hy vọng các bên tranh chấp kiềm chế, giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về luật biển.
Trong các tuyên bố, phát biểu của lãnh đạo cao của Singapore (Thủ tướng Lý Hiển Long, cựu Ngoại trưởng Shanmugam, Ngoại trưởng Vivian BalaKrishnan…) đều thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền, song khẳng định Singapore có lợi ích và mong muốn các vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Singapore cũng cho rằng ASEAN sẽ không phân định và giải quyết vấn đề cụ thể giữa các quốc gia yêu sách chủ quyền. Thay vào đó, ASEAN có thể thiết lập một khuôn khổ mang lại các điều kiện cần thiết để các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thương lượng một giải pháp hòa bình.
Tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore tiếp tục cho rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC.
Không những vậy, Singapore cũng đã tích cực đưa ra các sáng kiến, ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp của các nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc (3/2016), với vai trò là Điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết Singapore đã đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển mở rộng (CUES) với các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông nhằm tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trên biển.
0 comments