Tin Việt Nam – 04/05/2020
Monday, May 4, 2020
5:54:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Hội Nghề cá Việt Nam phản đối lệnh đánh bắt tại Biển Đông của Trung Quốc
Hội Nghề Cá Việt Nam vào ngày 4 tháng 5 chính thức phản đối lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đưa ra kể từ ngày 1 tháng 5 cho đến ngày 16 tháng 8 tại khu vực Biển Đông.
Theo tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam thì Hội Nghề Cá trong ngày thứ hai, ngày 4 tháng 5 có văn bản gửi Văn Phòng Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối Ngoại Trung ương của đảng cộng sản Việt Nam. Nội dung phản đối Trung Quốc ban hành Quy chế Cấm đánh bắt cá trên Biển Đông năm 2020.
Hội Nghề Cá Việt Nam dẫn nguồn từ các trang thông tin về cái gọi là ‘Quy chế cấm đánh bắt trên Biển Đông; phạm vi cấm trải dài từ phía bắc Biển Đông đến 12 vĩ độ Bắc, bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa. Hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 đến 16 tháng 8.’
Hội Nghề Cá cho rằng quy chế đó xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam; vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 và các văn bản pháp lý liên quan.
Hội Nghề Cá Việt Nam cũng nhắc đến việc Trung Quốc vào ngày 18 tháng Tư vừa qua công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc thành phố Tam Sa để quản lý cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà theo Hội này thuộc chủ quyền Việt Nam.
Như vậy cho đến lúc này Hội Nghề Cá là tổ chức nghề nghiệp của ngư dân Việt Nam lên tiếng phản đối đầu tiên về lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra cho năm nay.
Tân Hoa Xã của Trung Quốc vào ngày 1 tháng 5 loan tin cho biết năm nay Bắc Kinh sẽ thực thi nghiêm khắc lệnh cấm đánh bắt đưa ra.
Kể từ năm 1999, Trung Quốc mỗi năm đều cho công bố lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực Biển Đông như vừa nêu. Mục tiêu được Bắc Kinh nói nhằm bảo vệ sự phát triển của nguồn cá cũng như bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc.
Hội Nghề Cá Việt Nam là một tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tập trung những cá nhân và tổ chức thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong những lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ và hậu cần dịch vụ nghề cá. Hội này do Bộ Nội Vụ ký quyết định thành lập vào ngày 5/5/2000.
Sắp mở phiên phúc thẩm vụ VN Pharma
Phiên phúc thẩm vụ án Công ty VN Pharma nhập thuốc trị ung thư giả sẽ được mở vào ngày 18 tháng 5 năm 2020. Thông tin từ TAND Cấp cao tại TP.HCM được báo trong nước loan hôm 4 tháng 5.
Tin cho biết phiên xử dự kiến diễn ra trong ba ngày và sẽ triệu tập gần 200 cá nhân và 12 bị cáo đến tòa dù các bị cáo có kháng cáo hay không.
Cấp phúc thẩm cho biết cơ quan điều tra Bộ Công an cung cấp chứng cứ mới về nguồn gốc thuốc ung thư giả mà ông Nguyễn Minh Hùng, cựu chủ tịch VN Pharma, cho nhập về bán. Chứng cứ có được do kết quả hỗ trợ tư pháp của phía Ấn Độ xác minh nguồn gốc lô thuốc của một công ty nước này sản xuất.
Bản án sơ thẩm xác định các bị cáo đã có hành vi làm giả giấy tờ, chứng từ để nhập khẩu lô thuốc 9.300 hộp H-Capita rồi nâng khống giá trị để bán kiếm lời.
Toàn bộ lô thuốc làm giả về nguồn gốc xuất xứ, tạp chất định danh không đủ tiêu chuẩn, hồ sơ kỹ thuật thuốc đã bị làm giả, thuốc là thuốc kém chất lượng.
Tại phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 10 năm 2019, hai ông Võ Mạnh Cường (Cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) bị tuyên 20 năm tù và Nguyễn Minh Hùng (Cựu chủ tịch, tổng giám đốc VN Pharma) bị tuyên 17 năm tù với tội danh buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo khoản 4 Điều 157 BLHS.
Phiên phúc thẩm từng dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm 2020, sau đó hoãn đến tháng 4 năm 2020 và lại hoãn một lần nữa do dịch COVID-19.
Phiên xử phúc thẩm Vũ ‘nhôm’
và 2 cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng
Phiên xử phúc thẩm vụ án thâu tóm loạt dự án bất động sản và nhà đất công sản liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’ và hai cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến vừa diễn ra tại Tòa án nhân dân Cấp cao Hà Nội vào sáng ngày 4/5.
Báo trong nước loan tin cùng ngày, cho biết thêm phiên xử lần này diễn ra do 20 bị cáo bị kết tội trong phiên sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” làm đơn kháng cáo.
Tại tòa ngày 4/5, ông Trần Văn Minh, nguyên chủ tịch UBND Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011, đưa ra những yêu cầu như mời nguyên Chủ tịch Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh để làm rõ thêm chứng cứ, phân định trách nhiệm quản lý nhà đất ở Đà Nẵng; triệu tập đại diện Bộ Công an làm rõ việc hợp tác với UBND TP Đà Nẵng trong việc tổ chức thực hiện Nghị định, Pháp lệnh tình báo, giải thích tính pháp lý của văn bản do Thứ trưởng Bộ Công an ký gửi ông đề nghị cho phép công ty bình phong Bắc Nam của Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất.
Trong khi đó, ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’ lại phản đối thông tin ông bị bắt khi đang bị truy nã mà là tự chủ động về nước khi thấy tin bị khởi tố. Ngoài ra, ông cũng đề nghị tòa không gọi ông bằng tên Trần Văn Sáu và Trần Đại Vũ vì tên này được sử dụng trong vụ án khác.
Các luật sư của ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014, cũng có đưa ra đề nghị tòa triệu tập những tổ chức, cá nhân có liên quan đến kháng nghị của ông Chiến bao gồm: Hội đồng định giá, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công ty Daewon của Hàn Quốc, giám định viên tư pháp Bộ Tài chính, và UBND TP Đà Nẵng…
Trong phiên sơ thẩm diễn ra ngày 13/1, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án ông Trần Văn Minh 17 năm tù về hai tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Cùng tội danh trên, ông Văn Hữu Chiến bị tuyên 12 năm tù.
Đối với ông Phan Văn Anh Vũ bị tổng hợp hình phạt 25 năm tù trong đó 17 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và 8 năm tù “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Theo cáo trạng, ông Vũ ‘nhôm’ đã được các ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến tạo điều kiện nhận quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 dự án, gây thiệt hại 22.000 tỉ đồng trong thời gian dài từ 2006 đến 2014.
Cách chức Phó Chủ tịch huyện vì chống đối
lực lượng phòng chống dịch COVID-19
Ông Lưu Văn Thanh, Huyện uỷ viên – Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, vừa bị bãi nhiệm, cách hết chức vụ trong Đảng, chính quyền và đại biểu Hội đồng Nhân dân vì hành vi chống đối, lăng mạ lực lượng phòng chống dịch COVID-19.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 4 tháng 5 trích quyết định vừa được thông qua của Hội đồng Nhân dân huyện Hớn Quản đưa ra trong kỳ họp bất thường thứ 15, khoá XI diễn ra cùng ngày.
Ông Lưu Văn Thanh là nhân vật xuất hiện trong một video clip được lan truyền trên mạng xã hội từ hôm 12/4, ghi lại cảnh ông này không đeo khẩu trang, có hành vi chống đối, không chấp hành việc đo thân nhiệt tại một chốt kiểm dịch của thị xã Bình Long (giáp thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản).
Sự việc được xác định diễn ra vào khoảng 7 giờ sáng ngày 3/4/2020. Trong video, ông Thanh còn có hành vi đập tay lên bàn nhiều lần, chỉ vào mặt, chửi các các bộ tại chốt kiểm dịch dù có một người phụ nữ đi cùng ngăn cản.
Tại kỳ họp của Hội đồng Nhân dân huyện Hớn Quản hôm 4/5, đã có 25/27 phiếu tán thành bãi nhiệm chức vụ của ông Lưu Văn Thanh. Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Bình Phước cũng ra quyết định cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông này.
Ông Lưu Văn Thanh bị nhận định có hành vi sai trái về mặt chủ trương về phòng, chống dịch COVID-19; thiếu chuẩn mực đạo đức cán bộ, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, phạm vào quy định những điều Đảng viên không được làm.
Sau khi vụ việc bị lan truyền trên mạng xã hội, ông Thanh đã bị tạm đình chỉ công tác. Tin nói ông này cũng đã viết đơn xin từ chức và thư xin lỗi gửi đến tổ chức.
Nhiều học sinh
phải đóng tiền “đồng phục” khẩu trang
Tin Vietnam.- Báo Giáo dục Việt Nam ngày 1 tháng 5 năm 2020 loan tin, sau thời gian nghỉ tránh dịch coronavirus, đến nay nhiều học sinh trên toàn quốc được thông báo sẽ đi học lại vào ngày 4 tháng 5 tới, với điều kiện phải đeo khẩu trang khi ngồi học. Lợi dụng chuyện này, có những trường đã nghĩ ra “kế sách” kiếm tiền bằng cách yêu cầu học sinh đeo “đồng phục” khẩu trang.
Dù tác giả bài viết không nói rõ sự việc xảy ra ở trường nào, và địa phương nào, nhưng nguyên nhân của việc đồng phục khẩu trang được giáo viên giải thích là: học sinh đeo khẩu trang đồng phục có in tên lớp, logo lớp lên khẩu trang, và cả lớp cùng đeo khẩu trang cùng màu, cùng kiểu để cho giáo viên dễ cai quản trò của mình, đồng thời ba mẹ dễ nhận ra con.
Các phụ huynh cho biết, bản thân con mình đi học đã phải mặc đồng phục quần áo có in tên lớp, rồi thêm đồng phục cặp sách và giờ đây thì là đồng phục khẩu trang.
Một phụ huynh cho biết, trước khi con mình chuẩn bị đi học gia đình đã mua 5 khẩu trang kháng khuẩn đạt chất lượng để con mình đeo, nhưng giờ đây lại phải mua thêm khẩu trang đồng phục cho con mình. Việc này được tác giả bài báo cho rằng, đối với những gia đình khá giả thì không sao, nhưng với những gia đình khó khăn, lại bị thất nghiệp trong đợt dịch thì nó trở thành gánh nặng cho các phụ huynh.
An Nhiên
Trong 6 năm có hơn 400 thanh tra xây dựng
tại TPHCM bị xử lý
Từ năm 2013 đến năm 2019, kể từ khi chuyển lực lượng thanh tra xây dựng về Sở Xây dựng, có hơn 409 trường hợp thanh tra xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử… bị kiểm điểm, kỷ luật.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 4/5 và cho biết số liệu này được Sở Nội vụ nêu ra tại tờ trình gửi Ủy ban Nhân dân (UBND) TPHCM về đề án thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện.
Trong số 409 trường hợp thanh tra xây dựng vi phạm, có 14 công chức bị buộc thôi việc, các mức còn lại là cảnh cáo… và một cán bộ ở Nhà Bè bị khởi tố hình sự.
Trước đó, vào tháng 2 năm 2019, trong buổi làm việc với ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND TPHCM đã kiến nghị được sát nhập các đội thanh tra thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện… để thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện.
Cũng tin liên quan, hôm 4/5, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường xem xét lại Dự thảo Nghị định sửa đổi Luật Đất đai.
Vì nếu Dự thảo được thông qua sẽ khiến Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước không được thực hiện dự án phân lô bán nền.
Dự thảo mới mở rộng phạm vi các khu vực ‘không được phép’ thực hiện các dự án phân lô bán nền đối với “các khu vực không nằm trong địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh. Điều này có nghĩa không chỉ Hà Nội, TPHCM, mà kể cả Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… và nhiều tỉnh thành khác, đều không được thực hiện dự án phân lô bán nền.
HoREA cho rằng chỉ nên cấm phân lô bán nền tại các quận nội thành, các quận nội thành phát triển, khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm… Còn tại các xã thuộc khu vực nông thôn các huyện ngoại thành, kể cả tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ thì vẫn có thể xem xét, cho phép một số dự án phân lô bán nền.
Virus corona: Hàng triệu học sinh Việt Nam
ở 63 tỉnh thành trở lại trường
Truyền thông Việt Nam đưa tin hàng triệu học sinh từ mầm non đến THPT trên toàn quốc hôm nay ào ạt trở lại trường, sau ba tháng phải ở nhà vì đại dịch virus corona.
Sáng thứ Hai 4/5, quang cảnh tại các trường học thuộc 63 tỉnh thành đông vui, nhộn nhịp như những ngày khai trường hàng năm.
Có khác chăng là mọi người có thêm một ”đồng phục mới.” Nhiều hình ảnh cho thấy các em học sinh và thầy cô đều mang khẩu trang đến trường, kể cả trong lớp học lẫn sân trường.
Theo VN Express, từ cuối tháng Tư, hơn 30 địa phương đã cho học sinh THCS, THPT đi học lại, hôm nay cho tiếp trẻ mầm non, tiểu học đến trường. Trong khi đó, 18 tỉnh thành cũng vừa cho học sinh các lớp trở lại lớp học.
Báo Tuổi Trẻ trường trình rằng, thầy Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám, thuộc TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Trường chuẩn bị rất kỹ. Ngay cổng vào đích thân chúng tôi phân làm 5 luồng, chi đoàn giáo viên đội mũ chống khuẩn để trực tiếp đo thân nhiệt cho học sinh chứ không phải để bảo vệ trường làm. Còn các phòng học cho phân luồng và giãn cách 1m,” để bảo đảm giảm thiểu tối đa tình trạng lây lan.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học. Theo đó, trường nào đạt từ 7 tiêu chí trở xuống bị đánh giá “không an toàn và không được phép hoạt động”.
Trong ba tháng nghỉ để phòng dịch, học sinh đã tiếp tục học qua truyền hình và trực tuyến. Nhiệm vụ của các nhà trường là vừa phòng dịch, vừa tổ chức dạy và học, cố gắng hoàn thành năm học trước ngày 15/7, vẫn theo VN Express.
Hàng ngàn hồ chứa nước đang bị xuống cấp hư hỏng
Tổng cục Thủy lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào ngày 4/5 thông tin tin cho biết, cả nước có 6.648 hồ chứa nước thủy lợi, khoảng 1.150 hồ chứa đã được xây dựng từ lâu đến nay đang bị xuống cấp hư hỏng.
Trong tổng số các hồ chứa thủy lợi trên cả nước, hơn 6.000 hồ có dung tích trên 50.000 m3 với tổng dung tích khoảng 12 tỷ m3 và 56 hồ thủy điện bậc thang với tổng dung tích phòng lũ khoảng gần 10 tỷ m3.
Thống kê cho thấy, cả nước đã xây dựng được 110 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với hơn 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cổng tưới tiêu, 234.000 cây số kênh mương, gần 26.000 cây số đê và bờ. Tổng năng lực của hệ thống thủy lợi đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cấp thoát nước phục vụ công nghiệp và dân sinh.
Tổng cục Thủy lợi cho biết thêm Chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước trên cả nước đã sửa chữa, nâng cấp được 633 hồ chứa nước các loại. Tuy nhiên vẫn còn hơn 1.150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xã lũ cần phải được sửa chữa và nâng cấp.
Tổng cục Thủy lợi lo ngại rằng những hồ nước bị xuống cấp hư hỏng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng điều tiết nước và đặc biệt là ảnh hưởng lớn tới việc an tòan cho người dân trong mùa mưa lũ.
Việt Nam:
Có nên đóng Đoàn Thanh niên trước, lập Bộ sau?
Võ Ngọc ÁnhGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Washington, Hoa Kỳ
Thành lập Bộ Thanh niên trên cơ sở nâng cấp tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng Sản hiện nay – đây là đề xuất của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc Hội vào ngày 20/4/2020 vừa rồi.
Có thêm Bộ Thanh niên cũng sẽ không giúp cho thế hệ trẻ của Việt Nam tốt hơn chừng nào mà họ còn bị trói bởi ý thức hệ cộng sản thông qua Đoàn Thanh niên.
Đoàn Thanh niên Cộng sản và tôi
Ngày 5/6/2011, khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Sài Gòn, tôi được một cô gái mặc áo đỏ cờ vàng, có vóc dáng cân đối, khuôn mặt ưa nhìn tiếp cận.
Em đi bên tôi từ đoạn Nam Kỳ Khởi Nghĩa giao nhau với Nguyễn Thị Minh Khai đến giao nhau với Lê Thánh Tôn. Em xưng tên Quyên, ở Củ Chi, tham gia biểu tình để phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Như nhiều người khác tôi vừa đi vừa hô, “Đả đảo Trung Cộng xâm lược! Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”
Đi bên tôi, em nhẹ nhàng đề nghị, “Không cần hô đả Trung Cộng xâm lược đâu anh. Mình hô Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam được rồi”.
Không lâu sau đó, tôi lại gặp em trong trụ sở thành đoàn TP. HCM khi đến đây tham dự phổ biến cuộc thi kỹ thuật dành cho học sinh, sinh viên.
Lần này em mang áo đoàn, tay ôm xấp giấy. Tôi hiểu ra mình đã gặp ‘hàng nào’ trong lúc đi biểu tình và lý do em không muốn hô, “Đả đảo Trung Cộng Xâm Lược”.
Xa hơn, hồi ở quê, cứ đến mỗi dịp hè, tôi nhận được vài cái giấy mời tham gia sinh hoạt Đoàn ở thôn. Khi đi học đại học, bí thư chi đoàn lớp lại bảo tôi đi học lớp cảm tình Đoàn một ngày để được kết nạp.
Tôi vẫn chưa tham gia buổi sinh hoạt, học tập, hay kết nạp liên quan đến Đoàn Thanh niên ở bất cứ đâu. Vì điều này khi ký các giấy tờ để nhận bằng tốt nghiệp đại học tôi gặp một chút khó khăn hơn những bạn khác.
Tôi từng nghĩ chiến dịch tình nguyện Mùa hè Xanh của Đoàn Thanh niên Cộng sản là một việc làm hiếm hoi có ích cho cộng đồng.
Tôi đã từng đến ba bốn nơi có chiến dịch Mùa hè Xanh hoạt động thời sinh viên và cả khi rời trường. Tôi nhận thấy, hoạt động nặng tính hình thức, phong trào, tuyên truyền hơn hiệu quả thực tế cho công sức, thời gian mà những người trẻ đã bỏ ra. Suy nghĩ chiến dịch có ích của tôi bị vơi đi rất nhiều.
Đoàn Thanh Niên là tổ chức của đảng Cộng Sản, được tổ chức dưới hình thức tổ chức xã hội dân sự dành cho người trẻ.
Đây là nơi tập hợp phong trào trói tư tưởng Cộng Sản, XHCN vào thanh thiếu niên. Thông qua Đoàn, Đảng muốn dần kiểm soát con người về toàn diện. Cho nên các đề xuất của Đoàn xưa nay chưa thoát ra được các điều trên.
Đảng Cộng sản trao nhiều đặc quyền cho tổ chức Đoàn để tạo sự ảo tưởng, xác định sai mục tiêu của thanh niên Việt Nam. Nó kiềm hãm sự phát triển của trí tuệ trong đội tuổi có nhiều sự lãng mạn, sáng tạo, sung sức nhất của đời người.
Tổ chức Đoàn đã hạn chế sự suy tư của thanh niên cho một xã hội dân chủ, tự do, công bình. Với đảng Cộng Sản thì khác. Đoàn Thanh niên là cánh tay nối dài đắc lực của đảng. Tôi không tham gia Đoàn vì lẽ đó.
Có quá nhiều đặc quyền
Thông tin từ trang điện tử Trung ương Đoàn cho thấy tổ chức này tiêu tốn khoảng 350 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, con số này khó phản ánh đúng thực tế tiền chi cho Đoàn.
Nhìn vào trụ sở, con người, xe cộ mà tổ chức này đang nắm giữ sẽ phần nào phân tích được điều này. Chẳng kém bất kỳ bộ nào và dọc từ trung ương đến cấp phường xã, thôn, bản.
Ở Việt Nam, con đường thăng tiến chính trị qua tổ chức Đoàn Thanh niên luôn chắc chắn, nhanh nhất và thiết lập ‘nấc thang’ lên chức vị cao. Bởi thế, nhiều ‘thái tử đỏ’ ở Việt Nam thường được nhét vào đảm nhiệm công tác Đoàn.
Chính quyền, đảng Cộng Sản xưa đến nay có nhiều biệt đãi cho tổ chức Đoàn Thanh niên từ trung ương đến địa phương.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1996, Sở Khoa học và Công nghệ có cấp kinh phí nghiên cứu khoa học cho người dưới 35 tuổi thông qua Chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật trẻ.
Tuy nhiên, Sở không cấp tiền trực tiếp mà thông qua thành Đoàn thành phố. Trong rất nhiều năm qua Thành Đoàn lấy đến 30% trong tổng kinh phí cấp cho việc nghiên cứu để chi vào mục chi phí quản lý đề tài nghiên cứu. Trong khi đó quy định chung chi phí quản lý này chỉ được giới hạn ở mức 5%.
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố vẫn chủ quản nhưng Thành Đoàn là đơn vị chủ trì nghiên cứu, dù Thành Đoàn chẳng có phòng thí nghiệm, thiết bị, người làm khoa học nào.
Chủ trì công trình nghiên cứu thường phải là viện, trường, công ty, nơi người chủ nhiệm đề tài làm việc, hoặc đảm bảo về mặt khoa học.
Thành Đoàn trở thành siêu chủ nhiệm. Chủ nhiệm của các chủ nhiệm đề tài. Với cái mác “Đoàn”, tổ chức này dễ dàng sử dụng trang thiết bị ở nơi khác, chất xám của nhà khoa học khác chẳng cần mở lời, xin, mượn, trả công.
Lúc nghiệm thu công trình nghiên cứu hội đồng khoa học có thêm vị cán bộ Đoàn không cần nói về khoa học.
Hồi năm 2013, thủ tướng Việt Nam lúc đó ông Nguyễn Tấn Dũng còn chỉ đạo cho tổ chức Đoàn Thanh niên xây dựng mạng xã hội thanh niên với kinh phí dự tính 200 triệu USD.
Cũng may sau đó việc này bị dừng lại.
Cái người trẻ Việt Nam cần hôm nay không phải có thêm Bộ Thanh niên mà là cởi trói về tư tưởng để họ hiểu thế nào, tự do, dân chủ, văn minh…
Thanh niên không phải quanh quẩn ở việc tự kiểm duyệt suy nghĩ, bị nỗi sợ chi phối. Có như thế mới kích hoạt được sự sáng tạo, đóng góp vào phát triển đất nước về kỹ thuận, công nghệ, kinh tế, văn hóa…
Trao cho thanh niên thật sự là những người chủ tương lai của tổ quốc Việt Nam không bị định đoạt bởi duy nhất đảng Cộng Sản.
So sánh Singapore ít dân vẫn có Bộ Thanh niên và Thể thao thì Việt Nam cũng nên có như cách của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội chỉ là nói được việc cho mình.
Bà Ngân nên nhìn thấy Nhật, Hàn, Đài Loan, Mỹ, Pháp, Israel… không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng Sản, người trẻ ở các nước này vẫn liên tục tạo ra sự sáng tạo, đất nước họ phát triển hơn.
Người trẻ Việt Nam cần được tự do chọn tổ chức mình gắn bó ngoài thời gian học tập, làm việc bằng việc chấp dứt sự độc quyền của Đoàn Thanh niên trong trường học từ phổ thông, cao đẳng, đại học, đến công sở, doanh nghiệp nhà nước.
Cần xóa bỏ tổ chức Đoàn Thanh niên trước khi thành lập Bộ Thanh niên chứ không phải là sự nâng cấp.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, sinh năm 1978, có nguyên quán tại tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, hiện đang sinh sống tại thành phố Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ.
Báo giới lo Nghị định 15/2020
làm giảm truy cập, cản trở tin bài lan tỏa
Nhiều nhà báo và người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam đang bày tỏ băn khoăn, lo ngại về Nghị định 15/2020 có điều khoản về phạt tiền tới 20 triệu đồng về hành vi chia sẻ tác phẩm báo chí mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu.
Nghị định 15/2020 của chính phủ Việt Nam về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin bắt đầu có hiệu lực hôm 15/4. Trong nghị định, một điều khoản viết rằng hành vi “cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu” có thể bị phạt 5-10 triệu đồng (đối với cá nhân), 10-20 triệu đồng (đối với tổ chức).
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ rằng có thể hiểu được khi nhà chức trách phạt đối với việc chia sẻ các sản phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật chưa được phép lưu hành hoặc bị cấm lưu hành, nhưng họ cảm thấy băn khoăn về quy định phạt đối với việc chia sẻ các bài báo “mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”.
Ông Mai Phan Lợi, một chuyên gia về báo chí-truyền thông có 20 năm kinh nghiệm, nói với VOA rằng điều khoản của nghị định mới, mà nhiều người đang thắc mắc, có mục đích tốt là đưa ra chế tài để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
… nếu cơ quan thực thi là Bộ Thông tin-Truyền thông mà không có thông tư hay quyết định làm rõ về việc chia sẻ thông tin báo chí, thì việc lạm quyền, xử oan người chia sẻ hoàn toàn có thể xảy ra.
Chuyên gia Mai Phan Lợi
Tuy nhiên, ông Lợi chỉ ra với VOA rằng câu chữ trong nghị định mới của chính phủ không làm rõ, không viết một cách chặt chẽ là việc sao chép bài báo khác như thế nào với việc chia sẻ đường dẫn trên mạng (link) của bài báo. Điều đó tạo ra cảm giác dường như “có sự vi phạm nào đó đối với quyền chia sẻ thông tin, quyền tự do thông tin”, theo lời ông Lợi.
Trong nhiều năm nay, các báo mạng và trang tin tức online của Việt Nam có nút “share” (chia sẻ) cạnh các tin, bài để người đọc dễ dàng lan truyền chúng đến bạn bè hoặc các nhóm, diễn đàn đặt trên nền tảng mạng xã hội.
Vài ngày vừa qua, theo quan sát của VOA, nhiều người bày tỏ trên mạng rằng lâu nay họ mặc nhiên cho rằng khi hiển thị nút “share” đó, các báo mạng và trang tin đã đồng ý cho công chúng có quyền chia sẻ miễn phí và tùy ý. Nhưng giờ đây, nghị định mới đang làm họ phải suy nghĩ lại.
Chuyên gia Mai Phan Lợi giải thích:
“Hai hành vi sao chép tác phẩm báo chí và share link bài báo là hai hành vi hoàn toàn khác nhau. Nhưng nghị định mới lại không làm rõ được điều này, dẫn tới những người sử dụng mạng xã hội cảm thấy cực kỳ băn khoăn, thậm chí là bức xúc”.
Dẫn lại thực tế mới xảy ra như là một tiền lệ xấu, khi chính phủ cách đây vài tuần ban hành quy định về cách ly xã hội để chống dịch Covid-19 nhưng mỗi địa phương hiểu một cách, buộc Văn phòng Chính phủ sau đó phải gửi ra một văn bản dài để làm rõ cách ly xã hội là gì, ông Mai Phan Lợi cảnh báo về nguy cơ một số lực lượng có thẩm quyền sẽ áp dụng Nghị định 15/2020 một cách máy móc. Ông nói:
“Lực lượng thực thi nghị định này, ví dụ như công an hay đặc biệt là lực lượng thanh tra, thì chưa chắc họ đã hiểu rành rẽ. Hoàn toàn có thể nghĩ rằng việc chế tài được áp dụng tùy tiện hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng đối với nghị định này, nếu cơ quan thực thi là Bộ Thông tin-Truyền thông mà không có thông tư hay quyết định làm rõ về việc chia sẻ thông tin báo chí, thì việc lạm quyền, xử oan người chia sẻ hoàn toàn có thể xảy ra”.
Không chỉ gây ra tâm lý e sợ, đề phòng ở phía người đọc, điều khoản không rõ ràng của nghị định mới còn sẽ dẫn đến thiệt hại cho các cơ quan báo chí, khi người sử dụng mạng xã hội dừng hoặc giảm chia sẻ đường link các bài báo.
Nếu quy định này không được làm rõ, số đông hiểu nhầm thì dẫn tới người sử dụng mạng xã hội không chia sẻ nữa, thì các bài báo Việt Nam chịu cảnh cơ hội đến với người đọc ít đi.
Chuyên gia Mai Phan Lợi
Tính đến giữa năm 2010, Việt Nam có trên 60 triệu người dùng Facebook, chiếm 57% dân số.
Lâu nay, nhiều báo mạng ở Việt Nam chứng kiến lượng người truy cập sụt giảm, nhiều trang báo phụ thuộc vào người sử dụng mạng xã hội chia sẻ các bài báo của họ để tăng lượt xem, theo lời chuyên gia Mai Phan Lợi. Vì vậy, việc áp dụng cứng nhắc Nghị định 15/2020 có thể giáng đòn không mong muốn vào báo chí online, ông Lợi lưu ý.
Ông nói thêm:
“Nếu quy định này không được làm rõ, số đông hiểu nhầm thì dẫn tới người sử dụng mạng xã hội không chia sẻ nữa, thì các bài báo Việt Nam chịu cảnh cơ hội đến với người đọc ít đi. Những đài báo nước ngoài cho độc giả thoải mái chia sẻ họ lấy được thế trận và họ lan tỏa rất rộng”.
Gần như cùng thời điểm Nghị định 15/2020 được ban hành, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố bảng xếp hạng tự do báo chí trên thế giới hôm 21/4, trong đó Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia toàn thế giới, thuộc nhóm cuối bảng.
Việt Nam vẫn bị xếp vào số các nước là “kẻ thù của tự do báo chí” dù đứng trên hai nước cộng sản khác là Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng xếp dưới Lào.
0 comments