Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 02/05/2020

Saturday, May 2, 2020 4:58:00 PM // ,

“Theo tôi, thực chất của việc dựng tượng đài là một dự án tiêu tiền ngân sách. Vì sao việc dựng tượng đài lại trở nên rầm rộ trong nhiều năm trở lại đây?
“Là vì dự án tượng đài có lá bùa là liên quan đến lãnh tụ và các vị anh hùng dân tộc hoặc những nhân vật nổi tiếng trong sử sách. Việc dựng tượng đài sẽ đảm bảo về mặt chính trị khiến cho cấp trên nhanh chóng phê duyệt, đồng tình và ít khi bị bác bỏ.
“Từ lá bùa này, việc dự toán và quyết toán thuận lợi, vì sẽ không ai để xảy ra lùm xùm sợ ảnh hưởng đến chính trị. Số tiền làm tượng đài bao giờ cũng khủng và việc đội giá sẽ bị bỏ qua. Đó là lý do mà phong trào làm tượng đài trở nên rầm rộ.”
Trước câu hỏi ngành Tòa án và ngành khoa học lịch sử, ngành mỹ thuật, điêu khắc, tạc tượng, đặc biệt là những bên tư vấn, tham mưu chuyên môn cho dự án, có thể có những việc gì đáng làm và ưu tiên hơn, Tiến sỹ Xuân Diện nói:
“Qua vụ việc dựng tượng Vua Lý Thái Tông cho thấy là thứ nhất ngành Toà án đưa ra tối kiến và khi bị dư luận phản đối thì chống chế yếu ớt.
“Thứ hai, các giáo sư, tiến sĩ tham gia tư vấn thì tệ hơn nữa. Họ không hiểu biết hoặc cố tình đánh lẫn lộn “nhân vật tiêu biểu” với “biểu tượng” và xúi Toà án tối cao đi vào chỗ bế tắc.
“Thứ ba là nhà điêu khắc thì lười sáng tạo và đi theo lối mòn sáo rỗng dẫn đến ba mẫu thiết kế vừa mâu thuẫn Á – Âu, vừa rập khuôn máy móc và kém sáng tạo, lệ thuộc, sao chép.
“Và cuối cùng thứ tư, về phối cảnh kiến trúc cũng vậy. Đó là một bản vẽ pha trộn Á – Âu, mô phỏng đơn giản, kém sáng tạo.
“Bản vẽ ban đầu phối cảnh Quảng trường Công lý, nơi đặt tượng Vua Lý, rất lạ. Cột vòng cung tại sảnh tòa sẽ khiến người ta nghĩ ngay đến vành móng ngựa. Đặt Vua như vậy, nhìn ngoài vào khác gì Vua đang đứng sau vành móng ngựa. May là dừng”.
Tuy nhiên qua sự kiện này, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện cũng rút ra thêm một số điểm mà theo ông là đáng tuyên dương:
“Mạng xã hội nhanh chóng lên tiếng, giới luật sư rất có trách nhiệm, báo chí làm đúng chức năng và kịp thời; và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao biết lắng nghe, biết sợ dư luận.”
‘Đất nước của tượng đài và lăng mộ?’
Cũng hôm thứ Sáu, khi được BBC News Tiếng Việt liên lạc, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu, một nhà quan sát từ Việt Nam, nhắc lại quan điểm mà ông đã viết mới đây trên Facebook:
“Dựng tượng tiêu biểu ngành, tạc tượng lưu danh các chánh án, có phải Tòa án Nhân dân Tối cao đang muốn tiên phong mở đường cho một xu thế làm suy yếu đất nước?
“Nếu bộ nào cũng dựng tượng các bộ trưởng, ngành nào cũng dựng tượng đầu ngành, thì đất Hà Nội đâu đủ chỗ cho các tượng đây?
“Những năm gần đây, hình thành phong trào xây tượng đài. Cả nước xây tượng đài. Tốn kém vô kể về tiền bạc và đất đai.
“Cũng những năm gần đây, hình thành phong trào xây lăng mộ. Các quan càng to lăng mộ càng lớn. Có người lăng mộ còn chiếm nhiều đất hơn cả vua.”
Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu, người ta không thể “lưu danh cho hậu thế” bởi tượng đài và lăng mộ do mình tự dựng lên. Hậu thế sẽ dỡ bỏ nếu hậu thế không tự nguyện tôn vinh.
Ông Nguyễn Ngọc Chu đề nghị:
“Điều mà Tòa án Nhân dân Tối cao cần làm – là chấm dứt các án oan sai, chấm dứt hối lộ trong xử án, chấm dứt án bỏ túi, chấm dứt chạy án, và loại bỏ các quan tòa dốt nát về trình độ, băng hoại về đạo đức ra khỏi ngành tòa án. Lúc đó nhân dân sẽ tự động tôn vinh ngành tòa án.
“Đừng biến Việt Nam thành đất nước của tượng đài và lăng mộ,” Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu viết trên Facebook cá nhân của ông.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52514173

Ngành tòa án hết đòi dựng tượng vua đến tượng các cố chánh án!

Theo thông tin từ Văn phòng Tòa án Nhân dân Tối cao được truyền thông trong nước trích dẫn, ngoài việc dự kiến xây dựng 1 bức tượng vua Lý Thái Tông cao 5,3m, ngành này còn dự tính xây dựng nhiều bức tượng bán thân các cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đặt tại Quảng trường Công lý thuộc trụ sở mới của cơ quan này ở Hà Nội.
Trả lời RFA hôm 1/5, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói:
“Khi mà dựng tượng thì người ta phải thẩm định người đó có đáng được tổ chức mức độ đó hay không? Tôi nghĩ những người phụ trách phải có những hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà kiến trúc, bên cạch đó phải có cơ quan có thẩm quyền. Câu chuyện đó thì rõ ràng Bộ công an Việt Nam họ cũng đã làm như thế, họ dựng tượng các ông Bộ trưởng công an các thời kỳ từ năm 1945 trở lại đây. Có nhiều ý kiến, nhưng tôi nghĩ không phải chỗ nào cũng làm như thế mà phải có lãnh đạo thống nhất, của ban tư tưởng, của giới chuyên môn. Chứ trong tình hình đất nước nghèo đói, mà dựng tượng này tượng kia, thì tạo phản cảm không tốt cho xã hội.”
Thực tế, các cố chánh án được nêu tên chưa từng được công chúng ghi nhớ như những người có sự đóng góp sâu sắc cho sự giữ gìn công lý ở chốn pháp đình, đến mức phải dựng tượng để vinh danh.
-LS Đặng Đình Mạnh

Trước đó, Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, dự kiến tượng vua Lý Thái Tông đúc bằng đồng đỏ nguyên khối, sẽ được đặt tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao và các Tòa án Nhân dân các cấp… Tuy nhiên, do không dựng được tượng vua Lý tại các tòa án trên cả nước, vì phản ứng của công luận, Tòa án Nhân dân Tối cao quay sang dựng tượng các cố chánh án.
Khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 1/5 liên quan vấn đề này, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định:
“Có vẻ như tục bái vật tưởng chừng đã bị khai tử cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thì bây giờ đang tái sinh mạnh mẽ trong tư duy các quan tòa sở hữu nhiều bằng cấp cao vời vợi.
Thực tế, các cố chánh án được nêu tên chưa từng được công chúng ghi nhớ như những người có sự đóng góp sâu sắc cho sự giữ gìn công lý ở chốn pháp đình, đến mức phải dựng tượng để vinh danh. Nếu không muốn nói, sự thiếu vắng công lý trong các bản án tòa tuyên ngày nay, một phần, đều là di sản của các cố chánh án đời trước để lại.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnhcơ quan quản lý có thể dựng tượng các ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm, dân oan Thủ Thiêm, Tiên Lãng, Đồng Tâm, Dương Nội, Vườn Rau Lộc Hưng … và sắp tới đây là Hồ Duy Hải tại các sảnh chính của tòa án thì sẽ hữu dụng và ý nghĩa hơn. Vì hằng ngày ra vào trụ sở tòa án, nhìn ngắm các bức tượng dân oan bị mất trắng cuộc đời, tài sản … vì sự sai lầm của các thẩm phán tiền nhiệm, sẽ nhắc nhở các thẩm phán đương chức về món nợ công lý mà ngành tòa án chưa trả được cho người dân nuôi cơm áo cho mình.
Nhà báo, Facebooker Bạch Hoàn khi trao đổi với RFA hôm 1/5 qua tin nhắn liên quan vấn đề này, nhận định một cách mỉa mai:
“Tôi đề nghị ngành toà án chi trăm tỉ, ngàn tỉ để đúc đồng dựng tượng luôn cả các chánh án đương nhiệm chứ không chỉ là các cố chánh án.
Hãy đặt các tượng đồng đỏ nguyên khối ấy ở tất cả các toà án trên khắp đất nước. Nhờ có tượng, dân oan khắp nơi biết rõ bộ mặt nào đã gây ra oan khiên cho họ.
Nhờ có tượng, mai này nhân dân không quên những ai đã dẫn dắt nền tư pháp của đất nước này – một nền tư pháp của những cái đầu dù sống giữa thời đại văn minh nhưng vẫn muốn mang vua chúa ra làm biểu tượng công lý.”
Không chỉ ngành tư pháp Việt Nam muốn đúc tượng, hầu như địa phương nào của Việt Nam cũng muốn xây tượng đài, quảng trường với chi phí lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.
Mới nhất là trường hợp xảy ra ở Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, một trong những huyện mà theo báo chí trong nước là nghèo nhất cả nước, nhưng lại đang xây dựng tượng đài với kinh phí khoảng 14 tỉ đồng. Đó là dự án xây dựng Tượng đài chiến thắng Khâm Đức do Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn thực hiện, trên diện tích đất rộng khoảng 10 hecta.
Giáo sư Ngô Bảo Châu trong một lần bình luận trên trang cá nhân của mình cho rằng: “trẻ em cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, mà bỏ hàng ngàn tỷ dựng tượng đài, thì không khốn nạn, cũng thần kinh”.
Từ Nha Trang hôm 1/5, nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA ý kiến của mình:
“Việt Nam có nạn tượng đài lâu nay rồi, cũng như các nước độc tài cộng sản trước đây như Liên Xô cũ, khối Đông Âu… ở đâu cũng có tượng được. Chuyện Tòa án Nhân dân Tối cao đề xuất làm tượng Vua Lý, rồi dư luận phản đối lại chuyển sang làm tượng của 4 ông cố chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Tôi biết ông Phạm Văn Bạch khi tôi còn nhỏ, rồi ông Trịnh Hồng Dương là người cuối cùng… Tôi thấy họ chả có gì xuất sắc cả, chẳng qua là họ đứng đầu ngành tòa án thôi.”
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, nếu tìm hiểu kỹ lưỡng thì chắc gì những vị cố chánh án đó, là những tài năng về nghiệp vụ, cũng như trong sáng về đạo đức… kể cả có đúng như thế, thì ông Tạo cũng cho là không cần thiết dựng tượng, vì sẽ gây lãng phí vô cùng. Theo ông hãy dùng tiền đó để làm những việc thiết thực hơn. Ông cho biết thêm:
“Ai cũng biết ngành tòa án Việt Nam không độc lập, xét về nhiều mặt, nó không đúng. Chẳng hạn những người đấu tranh cho nhân quyền đúng ra phải được ghi công, thì bị kết án rất nặng nề. Nhưng cũng khó trách họ vì họ cũng chỉ là người của chế độ này thôi. Tòa án Việt Nam thì cứ trên bảo sao thì làm vậy. Rõ ràng là nguyên tắc xét xử ở Việt Nam rất buồn cười, rất yếu kém, mà mấy ông đó cầm đầu ngành tòa án mấy chục năm nay như thế mà lại lập tượng đài thì là chuyện buồn cười và vô lý.”
Ai cũng biết ngành tòa án Việt Nam không độc lập, xét về nhiều mặt, nó không đúng. Chẳng hạn những người đấu tranh cho nhân quyền đúng ra phải được ghi công, thì bị kết án rất nặng nề.
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Theo dự án được công bố, 4 cố Chánh án mà Tòa án Nhân dân Tối cao muốn dựng tượng gồm: ông Trần Công Tường (giai đoạn 1958-1959), ông Phạm Văn Bạch (giai đoạn 1959-5/1981), ông Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997) và ông Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002).
Theo điều tra của Tổ Chức Project 88, chính quyền Việt Nam hiện đang cầm tù 269 nhà hoạt động và 143 người khác có nguy cơ bị bắt. Đây chỉ là những con số thống kê được, trong thực tế, con số những nhà hoạt động bị bắt giữ, bị đe dọa còn cao hơn.
Đặc biệt trong năm 2019, nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp một cách thô bạo, với những bản án ‘bỏ túi’ vô cùng khắc nghiệt. Có người bị kết án lên đến 11 năm tù giam với cáo buộc bị cho là ‘tuyên truyền hay xuyên tạc, chống phá nhà nước’…
Tiêu biểu như trường hợp thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh đã bị Tòa Án Nghệ An kết án 11 năm tù giam vì đã dạy cho học sinh tập hát bài “Trả Lại Cho Dân” một sáng tác của Nhạc sĩ Việt Khang. Hay vụ Tòa Án An Giang đã xử ông Trần Thanh Giang, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, với bản án 8 năm tù giam.
Và nhiều trường hợp khác như ông Nguyễn Chí Vững, môt Facebooker đã bị Tòa Án Tỉnh Bạc Liêu kết án 6 năm tù giam, hay ông Phạm Văn Điệp (Thanh Hóa), ông Đoàn Viết Hoan, Võ Thường Trung, Ngô Xuân Thành, Nguyễn Đình Khuê, Huỳnh Minh Tâm và cô Huỳnh Thị Tố Nga (đều ở Đồng Nai)… Tất cả đều bị kết án tội danh tuyên truyền chống nhà nước, với mức án từ 5 năm tù trở lên.
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, điều mà tòa án thiếu là công lý, chứ không phải là biểu tượng ông vua, và càng không phải là tượng các ông bà cố chánh án. Làm tròn thiên chức của pháp đình là ban phát công lý, thì mỗi thẩm phán sẽ đều được hãnh diện khắc tượng trong lòng nhân tâm, chứ cần chi đến những bức tượng vô tri vô giác, làm ông phỗng bị chê trách giữa chợ đời muôn trùng oan khuất…
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/should-statues-of-the-chief-justices-be-erected-05012020125924.html

Việt Nam tiếp tục muốn kiểm soát thông tin mạng xã hội

Trong dự thảo đưa ra hôm 29/4 có đề nghị sửa đổi và bổ sung một số điều trong Nghị định năm 2013 về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet. Bộ TT&TT Việt nam cho rằng Facebook và Google vẫn chưa tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Bộ này muốn những công ty này phải có giấy phép do chính phủ Việt Nam cấp để thiết lập mạng xã hội tại Việt Nam và tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho biết luật an ninh mạng khi được ban hành năm 2018 vẫn chưa được rõ, gây khó khăn trong công tác quản lý, nên cần sửa đổi, bổ sung:
“Nghị định về Facebook và Google khi họ đăng phải phản ảnh một cách trung thực, ví dụ như việc hiển thị bản đồ Việt Nam không đúng, thì có thể yêu cầu gỡ bỏ bản đồ đó đi, vì có thể chặn việc đó lại vì nó xâm phạm an ninh quốc gia.
Luật an ninh mạng năm 2018 có những điều chưa được rõ, ví dụ như là những việc tung tin giả, thì phải xử lý hình sự. Ví dụ như vừa rồi liên quan đến Covid-19, có người đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, như việc chưa có ca nào tử vọng nhưng có người lại nói trên mạng xã hội là có nhiều người chết, gây hoang mang dư luận xã hội. Nên người này bị xử phạt cho việc tung tin thất thiệt, sẽ bị xử lý về mặt hình sự.”
Đó là những lý do theo luật sư Hậu về sự ra đời của Nghị định số 15 thay thế cho Nghị định 174, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực internet:
“Nghị định 15 này ban hành để xử phạt các hành vi trong lãnh vực vô tuyến viễn thông, qui định về những hành vi về thông tin điện tử và torng đó có điều khoản cũng nêu rõ hành vi vi phạm, cũng như trách nhiệm sử dụng mạng xã hội, phần lớn người dùng internet nên lưu ý. Đó là việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín cá nhân, hoặc tuyên truyền, bạo lực, dâm ô, tội ác, tệ nạn xã hôi, mê tín dị đoan…v.v;”
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đăng thông tin không đúng sự thật, vì vậy phải đưa ra cơ chế pháp lý này để xử lý đối với những thông tin không đúng, gây hoang mang và mất trật tự xã hội.
Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV và là Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Bkis thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, ủng hộ quyết định yêu cầu Facebook và Google phải có giấy phép để hoạt động ở Việt Nam vì theo ông, các công ty hoạt động ở quốc gia nào phải tuân thủ luật pháp của quốc gia đó. Ông Quảng có chỉ ra một ví dụ như Liên minh châu Âu cũng đã ban hành các quy định về quyền riêng tư và các công ty như Facebook bắt buộc phải tuân theo.
Ngoài ra, ông Quảng cho biết các công ty trong nước hiện phải tuân thủ luật pháp Việt nam chặt chẽ hơn công ty nước ngoài như Facebook và Google, tạo ra sự mất cân bằng trong cạnh tranh thị trường:
“Tôi cũng được biết những quy định về quản lý mạng xã hội ở Việt Nam cũng thuộc loại không quá chặt chẽ, nhưng cũng không quá lỏng. Nhưng mà các công ty trong nước hiện nay đang phải tuân thủ chặt chẽ hơn là các công ty nước ngoài. Tôi cho rằng cũng phải công bằng giữa các công ty trong nước và nước ngoài.”
Ông Lê Ngọc Sơn, thuộc Viện Khoa học Truyền thông của Đại học Công nghệ Ilmenau ở Đức, cho rằng qui định của Việt Nam dành cho những công ty mạng xã hội nước ngoài phải có giấy phép hoạt động phù hợp với các thông lệ đang diễn ra trên thế giới. Ông Sơn chỉ ra vai trò quan trọng của mạng xã hội trong việc thể hiện quyền tự do ngôn luận, nhưng mặt trái của việc này liên quan đến những hành vi phát tán thông tin thất thiệt, ảnh hưởng đến quyền lợi công dân.
“Theo thông lệ, các nước ở châu Âu như Đức, nơi mà tôi đang làm việc, cũng đã yêu cầu các nhà mạng tuân thủ các luật pháp sở tại, trong đó có qui định tuân thủ bảo mật. Đồng thời, liên quan đến các thông tin thất thiệt mà đưa lên nhà mạng xã hội đó thì họ phải có trách nhiệm phối hợp cùng nhà nước để có một đội đặc nhiệm để có thể phản ứng ngay lại khi các thông tin thất thiệt đó lưu hành trên mạng và ảnh hưởng đến quyền lợi người khác.”
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng việc quản trị thông tin mạng xã hội như là một liều thuốc chính sách và không có gì là tuyệt đối trong một thế giới đa chiều như hiện nay. Ông nghĩ không có chính sách nào hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, vì điều đó còn tùy thuộc vào cách thức quản lý và tình trạng xã hội hiện tại.
Nhà báo Võ Văn Tạo có nhận định rằng nhà nước Việt Nam rất ngại thông tin trên mạng mà họ không kiểm soát được. Ông Tạo cho rằng, Nghị định mới có thể sẽ gây tác động đến những hãng truyền thông của nước ngoài và các nhà chức trách nên cân nhắc quyền lợi của quốc gia vì cái lợi của internet đem lại cho kinh tế xã hội rất lớn. Việc kiểm soát và chặn thông tin không có lợi cho chính phủ Việt Nam luôn xảy ra trong nhiều năm qua tại Việt Nam:
“Những người mà quan sát, đọc thông tin trên mạng ở Việt Nam, ai cũng biết có nhiều trang mạng, đài báo bị chặn nhiều, ví dụ như Đài Á Châu Tự Do của Hoa Kỳ, đài BBC…v.v., đều bị chặn. Tại vì người dùng internet thì nhiều, nhưng mà những người biết kỹ thuật vượt tường lửa thì không nhiều lắm. Chính phủ Việt Nam họ muốn hạn chế thông tin mà họ không muốn người dân biết. Chứ những người có chút hiểu biết sẽ bày cho nhau để vượt qua những bức tường lửa đó, để đọc được những thông tin khách quan, trung thực, đa phương của thế giới mà không khó khăn mấy.”
Vừa rồi, bài viết thời sự của RFA đăng ngày 14/4 với chủ đề thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng kiều bào trợ giúp cho đất nước chống lại dịch bệnh Covid-19 đã bị ngăn chặn phát tán trên mạng xã hội trong nước.
Anh VTL, chuyên viên về cơ sở hạ tầng và an ninh mạng, cho biết hiện tại người dùng ở Việt Nam vẫn sử dụng mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube bình thường. Tuy nhiên, trước đây khi có những lần những trang mạng này bị chặn, người dùng có hiểu biết về kỹ thuật có thể dùng phương pháp VPN (Virtual Private Network – mạng riêng ảo) để truy cập. Nhưng việc sử dụng VPN đòi hỏi phải đóng phí và thường có thể gây cho việc truy cập chậm hơn khi phải qua đường nối khác để vào thay vì có thể truy cập trực tiếp.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, nếu Facebook không hợp tác suông sẻ với chính phủ Việt Nam trong việc quản lý thông tin đăng tải trên mạng xã hội, thì tình huống xấu nhất có thể xảy ra là việc hoạt động của cong ty này sẽ bị chặn hoàn toàn ở Việt Nam, vì người dùng sẽ mất đi một phương tiện trao đổi thông tin mà lâu năm đã được sử dụng rộng rãi trong nước.
Vào ngày 23/4, người phát ngôn của Facebook cũng cho RFA biết qua email rằng, Facebook phải cam kết hạn chế thêm một số nội dung theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam để tránh bị chặn hoạt động hoàn toàn. Người phát ngôn này cho biết nếu Facebook bị chặn hoàn toàn ở Việt Nam sẽ gây thiệt hại bất lợi đến cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ ở nước này khi họ mất quyền sử dụng dịch vụ và công cụ quảng bá thương hiệu của mình để tiếp cận khách hàng mới.
Tuy nhiên, người phát ngôn Facebook khẳng định nếu có thể, Facebook vẫn cố gắng kiên quyết từ chối tuân thủ gỡ bài, thông tin của người dùng theo yêu cầu của Việt Nam nếu bài viết đó không vi phạm quy định cộng đồng của tập đoàn này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-wants-to-continue-censoring-information-on-social-media-05012020151813.html

Vì sao các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Việt Nam không hiệu quả?

Ban hành quyết định mới về thu hút, trọng dụng nhân tài
Quyết định số 297/QĐ-BNV về Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, vào ngày 28/4/2020 ký ban hành thay cho Quyết định số 470/QĐ-BNV, được ký vào ngày 05/6/2019.
Theo đó, kế hoạch đề án này được nói là nhằm nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, giải pháp để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thu hút những người tài giỏi, trong đó có chính sách thu hút người gốc Việt về nước làm việc.
Đồng thời, đề xuất cơ chế phát hiện bồi dưỡng tài năng cho những học sinh, sinh viên; nhất là các sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc cả trong nước lẫn nước ngoài để đào tạo thành nguồn cán bộ cốt cán.
Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiến hành khảo sát tại 10 bộ ngành và địa phương và khảo sát tập trung vào chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao và thực trạng tuyển dụng, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thực tế tuyển dụng và sử dụng nhân tài
Đài RFA ghi nhận chủ trương thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy các cơ quan nhà nước được Chính phủ Việt Nam thực hiện qua những kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức. Truyền thông, báo giới quốc nội thường trực đưa tin liên quan các kỳ thi tuyển dụng này và luôn phanh phui tình trạng quan liêu, sai trái xảy ra tại các kỳ thi. Điển hình một trong những trường hợp mới nhất, được ghi nhận vào đầu hạ tuần tháng 3 vừa qua, là Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông ký quyết định công nhận cho con trai chưa có bằng đại học được tuyển dụng vào viên chức.
Mặc dù vậy, các kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức được đánh giá như là sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã và đang từng bước thay đổi hệ thống nhân sự nhà nước.
Ông Lê Huân, một người từng tham dự kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức ở tỉnh An Giang, vào tối ngày 1/5 cho RFA biết ông đã đậu kỳ thi tuyển và được nhận vào làm việc ở một cơ quan hành chính nhà nước. Ông Huân chia sẻ ông cảm thấy hài lòng về môi trường làm việc trong những năm qua:
“Mình hài lòng. Những gì không hài lòng thì mình có quyền góp ý. Người ta cũng dân chủ, cũng cho mình nói ý kiến của mình.”
Tuy vậy, không ít người quan tâm đến tình hình thu hút, trọng dụng nhân tài của Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng hiệu quả rất thấp.
Đối với những người nghiên cứu khoa học thuần túy thì việc về nước đúng là lãng phí. Bởi vì nghiên cứu khoa học cần sáng tạo, cần nghĩ điều người khác không dám nghĩ, làm những điều người khác chưa dám làm. Tuy nhiên ở nước mình thì người nghĩ những điều người khác không dám nghĩ và làm những việc người khác không dám làm thì khó lắm. Nói chung guồng máy không hoan nghênh những người dám nghĩ dám làm như thế. Nghiên cứu khoa học thì ở đâu cũng có cái hay và có cái dở nên có thể gọi là khác biệt. Không phát huy được trong công việc và suy nghĩ khác cách suy nghĩ thông thường của Việt Nam nên khó hòa hợp và hội nhập, không còn phù hợp với môi trường đó nữa
-Tiến sĩ An Hà

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từ Sài Gòn vào tối ngày 1/5, nói với RFA theo nhận định của ông tại Việt Nam tồn tại hai yếu tố quan trọng khiến cho những người tài giỏi, đặc biệt là giới trẻ không muốn làm việc trong các cơ quan nhà nước. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng nêu lên yếu tố thứ nhất:
“Chế độ giáo dục đào tạo tuyên truyền và giáo dục tầm bậy bạ mà vẫn có bằng cấp gây phản cảm xã hội cà gây cản trở cho sự phát triển của giáo dục. Ví dụ như họ ban phát những cái bằng tại chức cho những người đã có chức quyền rồi mới đi học, mà nhiều khi cũng không có giờ tới lớp và gần như không học hành gì cả nhưng vẫn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhất là mới hồi năm ngoái, họ đã ban hành đạo luật chính thức công nhận bằng tại chức ngang tầm với bằng chính quy. Có nghĩa là họ để cho những người vô học có bằng ngang tầm với những người học hành nghiêm túc mới có thể có được tấm bằng. Như vậy, một cách đương nhiên họ khuyến khích bằng dỏm, họ khuyến khích những cách giáo dục lung tung. Và do đó, những vị trí có quyền lực, những vị trí có thể giúp được nhiều cho xã hội đã bị những người học bằng chuyên tu, học bằng tại chức lấy hết, chiếm hết thì làm sao tuổi trẻ có động lực để phát huy việc học thuật của mình sau này đóng góp cho xã hội, cho quốc gia?”
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh về yếu tố thứ hai:
“Những cơ sở nhà nước liên quan các khâu nghiên cứu khoa học là những nơi cơ cấu nhân sự khép kín. Và cuối cùng thì những nơi đó rất đông đảo những người phải nói là bất tài, thiếu tầm, thiếu tâm hiện hữu chiếm chỗ, chiếm việc và họ là các lực cản đối với sự tham gia của những người trẻ có tài năng.”
Trong một lần trò chuyện với một số du học sinh Việt Nam quyết định ở lại nước ngoài làm việc mà không về nước, Đài RFA được nghe Tiến sĩ An Hà, từ Anh Quốc, bày tỏ:
“Đối với những người nghiên cứu khoa học thuần túy thì việc về nước đúng là lãng phí. Bởi vì nghiên cứu khoa học cần sáng tạo, cần nghĩ điều người khác không dám nghĩ, làm những điều người khác chưa dám làm. Tuy nhiên ở nước mình thì người nghĩ những điều người khác không dám nghĩ và làm những việc người khác không dám làm thì khó lắm. Nói chung guồng máy không hoan nghênh những người dám nghĩ dám làm như thế. Nghiên cứu khoa học thì ở đâu cũng có cái hay và có cái dở nên có thể gọi là khác biệt. Không phát huy được trong công việc và suy nghĩ khác cách suy nghĩ thông thường của Việt Nam nên khó hòa hợp và hội nhập, không còn phù hợp với môi trường đó nữa.”
Hiệu quả của Nghị quyết mới?
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng Nghị quyết về Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài mà Bộ Nội vụ vừa ký ban hành là việc làm đáng được khuyến khích. Thế nhưng, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng khẳng định điều đầu tiên và cơ bản mà Chính phủ và Nhà nước Việt Nam phải làm là thay đổi tư duy và cách thức làm việc. Bằng không thì các nghị quyết thu hút, trọng dụng nhân tài đều không mang lại hiệu quả cao.
Trong khi đó, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New South Wales, ở Úc, lên tiếng với RFA rằng ông lưu ý đến khái niệm “nhân tài” được đề cập trong Nghị quyết mới về Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Qua ứng dụng messenger, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết quan điểm của ông:
“Năm nay, tôi thấy đề án có đề cập đến câu hỏi ‘thế nào là nhân tài’, rồi trả lời rằng ‘chỉ có quần chúng Nhân dân mới đánh giá được một người có tài hay không’. Theo tôi đây là một sai lầm. Trước hết, hãy bỏ qua khái niệm ‘nhân tài’, vì đó là khái niệm rất ư là chung chung và các lí thuyết gia chẳng ai đồng thuận thế nào là ‘nhân tài’. Kế đến là để nhận dạng một nhà khoa học, một giáo sư, hay một chuyên gia, quần chúng không thể làm việc đó. Chỉ có người trong ngành mới có thể đánh giá khả năng chuyên môn của một chuyên gia trong ngành (trong khoa học người ta gọi là “peer reviewer”).”
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh rằng“Không nên sáng tạo ra một cách bình duyệt bởi quần chúng làm gì. Thật ra, câu hỏi là ‘ai là quần chúng’?”.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn là người hướng dẫn rất nhiều sinh viên Việt Nam đến Úc học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa và ông cũng thường xuyên về Việt Nam công tác và làm việc. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng từng phổ biến một bài viết về cơ hội và khó khăn của Việt Nam trong việc thu hút chuyên gia nước ngoài. Trong bài viết vừa nêu, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đề ra một số biện pháp như Việt Nam phải sẵn sàng đầu tư cho phòng “lap” nghiên cứu, trao quyền độc lập cho các nhà khoa học và tiền lương phải hợp lý.
Tôi đã làm trong 20 năm cuối đời cho giáo dục Việt Nam và gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đến nỗi mà tôi có cảm tưởng như mình đang sống lưu vong tại quê hương Việt Nam
-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng
Vào tối khuya hôm 1/5, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói với RFA rằng trong thực tế những ai muốn về làm việc ở Việt Nam thì đã về. Họ tự tìm đến các trường đại học hay viện nghiên cứu, chứ họ không trông chờ gì từ một chánh sách chung. Và dù bản thân ông đóng góp ý kiến của mình như thế, nhưng ông không nhìn thấy được viễn ảnh gần trong tương lai về chủ trương này của Chính phủ Việt Nam, bởi lý do là môi trường làm việc trong hệ thống nhà nước luôn do Đảng quyết định. Giáo sư Nguyễn văn Tuấn buông lời một câu kết luận với chúng tôi:
“Không có hy vọng gì đâu. Bởi vì bao nhiêu năm nay họ cũng như vậy mà!”
Và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, một vị giáo sư dành hết thời gian nghỉ hưu ở Vương quốc Bỉ trở về Việt Nam tận sức đóng góp cho ngành giáo dục của nước nhà, nhưng ông phải ngậm ngùi rằng:
“Tôi đã làm trong 20 năm cuối đời cho giáo dục Việt Nam và gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đến nỗi mà tôi có cảm tưởng như mình đang sống lưu vong tại quê hương Việt Nam.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-vietnam-government-fail-in-hiring-talented-employees-05012020144045.html

Việt Nam không phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, thêm 2 ca tái dương tính

Tính đến chiều ngày 2/5, Việt Nam đã trải qua 16 ngày không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng.
Tổng số người nhiễm COVID-19 trên cả nước tính đến chiều ngày 2/5 là 270 ca, trong số này có 219 ca đã chữa khỏi và không có ca tử vong nào.
Tuy nhiên cũng trong ngày 2/5, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết có thêm 2 bệnh nhân tái dương tính với virus corona chủng mới, nâng tổng số tái dương tính trên cả nước lên 14 ca.
Sở Y tế TP. HCM cho biết hai ca dương tính trở lại đã được đưa và Bệnh viện dã chiến Củ Chi và hiện sức khoẻ đã ổn định.
2 bệnh nhân này gồm: bệnh nhân số 124, 52 tuổi, quốc tịch Brazil, xuất viện ngày 14/4; và bệnh nhân số 235, 25 tuổi, quốc tịch Anh, được xuất viện vào ngày 13/4.
TP Hồ Chí MInh đã ghi nhận tổng cộng 53 trường hợp nhiễm COVID-19, trong số này có bệnh nhân sô 91 được nói là trong tình trạng nguy kịch, vẫn tiếp tục được thở máy và lọc máu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-2-positive-with-covid-19-again-05022020102520.html

Mỹ viện trợ cho Việt Nam hơn 9 triệu đô la giúp ứng phó với COVID-19

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/5 cho biết Hoa Kỳ đã quyết định viện trợ cho Việt Nam thêm 5 triệu đô la hỗ trợ kinh tế nhằm giảm thiểu những tác động do dịch bệnh COVID-19 gây nên.
Trước đó, Mỹ cũng đã viện trợ cho Việt Nam 4,5 triệu đô la nhằm hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, công tác xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm COVID-19, và kiểm tra sức khoẻ hành khách tại các điểm nhập cảnh.
Khoản tiền 5 triệu đô la mới được cho biết bao gồm hỗ trợ phục hồi khu vực tư nhân bằng cách giảm thiểu tác động tài chính của đại dịch COVID-19 lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết tác động phi tài chính mà các doanh nghiệp này phải đối mặt, hợp tác với các bên liên quan của chính phủ Việt Nam trong công tác hỗ trợ của chính phủ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong tuyên bố đưa ra viết rằng: “Sự trợ giúp này là cam kết của chúng tôi (Mỹ) giúp một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập”.
Từ ngay khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát vào tháng 12 năm ngoái, Hoa Kỳ đã cam kết một khoản hỗ trợ lên đến 775 triệu đô la giúp các nước, các tổ chức quốc tế trong việc đối phó với dịch bệnh.
Hồi tháng trước, Việt Nam đã trao cho phía Hoa Kỳ hơn 250.000 khẩu trang y tế các vật dụng y tế khác để đối phó với dịch bệnh COVID-19.
Hoa Kỳ hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 với hơn 1,1 triệu ca nhiễm bệnh và hơn 65.000 ca tử vong.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-provided-vn-with-another-usd-5-mil-05022020101724.html

Điểm tin kinh tế tuần qua: Nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng ‘thâu tóm’ doanh nghiệp Việt giữa Covid-19

Nhật Ánh
Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin kinh tế nổi bật trong nước và quốc tế tuần qua (từ 25/4-1/5).
Điểm tin kinh tế trong nước:
1- Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn:
“Nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng ‘thâu tóm’ doanh nghiệp Việt giữa Covid-19”
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm đến nay lượng nhà đầu tư từ Trung Quốc thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức M&A của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt với tổng vốn góp là hơn 230 triệu đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng hơn 154 lượt giao dịch (tăng hơn 38%) với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu đô la.
Tuy nhiên, lo lắng của giới phân tích không chỉ dừng lại các doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm mà nó còn ảnh hưởng đến cả ngành, lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam khi doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm. Bởi lẽ theo các chuyên gia, việc các nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam có khả năng họ sẽ không rót vốn mở rộng đầu tư, sản xuất mà sẽ nhập hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giữa thương chiến Mỹ – Trung, hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ gặp khó khăn, không loại trừ các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chọn Việt Nam là nơi trung chuyển để “sơ chế” hàng hóa trước khi xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế. Điều này không chỉ đẩy các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đến chỗ khó khăn hay phá sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt Nam bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu trong đó có Mỹ và các nước châu Âu,…
Nói tóm lại, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 này, việc các nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào Việt Nam qua giao dịch góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh không chỉ dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam từng bước bị loại ra khỏi thị trường mà nguy cơ lớn hơn là sẽ có thể ảnh hưởng đến ngành, hàng hóa sản xuất trong nước.
2- Theo báo Vnexpress:
“Khoản lỗ chỉ trong quí 1 của Vietnam Airlines đã nhiều hơn lợi nhuận của cả năm 2019” do đại dịch Covid-19
Năm ngoái, Vietnam Airlines lãi khoảng 2.537 tỷ đồng của cả năm 2019, trong đó quý I lãi khoảng 1.200 tỷ đồng. Bất ngờ là riêng quý I năm nay, hãng hàng không này đã lỗ hơn 2.600 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính Vietnam Airlines vừa công bố. Doanh nghiệp này cho biết lỗ nặng do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không.
Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của Vietnam Airlines và nhiều hơn lợi nhuận ròng 2.500 tỉ đồng của cả năm 2019. Những năm trước, quí 1 luôn là thời điểm hãng hàng không quốc gia lãi lớn do tần suất khai thác chuyến bay tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán và sau Tết nguyên đán.
Trong văn bản giải trình, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết trước tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh thu bình quân của khách nội địa giảm 29%, khách quốc tế giảm 34%, doanh thu thuê chuyến giảm 49%.
3- Theo thời báo kinh tế Sài gòn online:
Kỷ lục buồn nhất trong lịch sử 60 năm của ngành Du lịch Việt Nam
Đúng như dự báo, tháng 4/2020 là tháng “thảm họa” của ngành du lịch với những kết quả không thể tệ hơn. Cả nước chỉ có hơn 26.000 lượt khách quốc tế trong khi chỉ vài tháng trước con số này là hàng triệu, đơn cử như hồi tháng Giêng đã có gần 2 triệu lượt khách đến Việt Nam.
Ngành du lịch Việt Nam đã có 60 năm lịch sử, tính từ ngày 9/7/1960, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam. Trong suốt hành trình đó, chưa khi nào du lịch lại phải đối mặt với tình trạng suy giảm khách sâu rộng như đợt khủng hoảng do Covid-19 đem lại lần này.
Dưới đây là những con số cho thấy mức độ tàn phá của Covid-19 với du lịch. Nhìn những con số này, một doanh nhân lâu năm trong ngành đã nói “chưa có kỷ lục nào buồn đến thế”.
Lượng Du khách từ tất cả các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Úc đều giảm trên 90%. Tháng 1 ghi nhận gần 2 triệu du khách, tháng 2 giảm xuống còn khoảng 1,2 triệu, tháng 3 có hơn 400 ngàn và tháng 4 chỉ còn hơn 26.000 du khách, vậy so với tháng 1 thì mức giảm của tháng 4 lên tới 98%.
Doanh thu lữ hành trong 4 tháng đầu năm 2020 của dịch vụ lữ hành từ một số tỉnh, thành phố lớn đã giảm mạnh, Bà Rịa- Vũng tàu giảm 62%, Khánh Hoà giảm 59%, TP. HCM giảm 58%, Hà Nội giảm 51% và Đà Nẵng giảm 41%.
Doanh thu lưu trú, ăn uống cũng giảm mạnh: Khánh Hoà giảm 52%, TP. HCM  giảm 45%, Hà Nội giảm 42%,  Bà Rịa – Vũng tàu giảm 42%, Đà Nẵng gỉam 41%.
4- Theo Zing:
FLC báo lỗ kỷ lục kể từ khi niêm yết
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2020 với doanh thu vẫn ghi nhận đà tăng trưởng nhưng lợi nhuận lỗ kỷ lục do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm, tập đoàn bất động sản nghỉ dưỡng này ghi nhận 4.768 tỷ đồng doanh thu, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong quí vừa qua của FLC đã tăng hơn gấp đôi lên 6.215 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp báo số âm 1.448 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 84 tỉ đồng).
Đây là số lỗ quý lớn nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý từ khi niêm yết hồi cuối năm 2011 đến nay. Lần gần nhất FLC thua lỗ cũng đã diễn ra từ quý II/2011, cách đây gần 10 năm.
Theo lãnh đạo tập đoàn, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận chuyển từ lãi sang lỗ kỳ này là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến hoạt động của các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản. Điều này khiến giá vốn hàng bán tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 và khiến tập đoàn rơi vào tình trạng kinh doanh không đủ bù giá vốn.
Điểm tin Kinh tế thế giới:
1- Theo báo Thanh niên:
“Kinh tế châu Á sắp ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm”
Tờ The Star ngày 16/4 đưa tin Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế châu Á năm nay sẽ lần đầu tiên ngừng tăng trưởng trong vòng 60 năm do đại dịch Covid-19 gây tác động chưa từng có đến lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu. Dự báo kinh tế châu Á sẽ đạt mức tăng trưởng 0% lần đầu tiên trong 60 năm qua, mức dự báo này hơn hẳn so với mức tăng trưởng 4,7% trong khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008, và mức 1,3% trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
2- Theo Thời báo kinh tế Sài gòn:
“Covid-19 tàn phá thị trường lao động Mỹ với 10 triệu người mất việc”
Hơn 6,6 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ trong tuần trước, tăng hơn 3.000% kể từ đầu tháng 3 và nâng tổng số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nền kinh tế thế giới lên gần 10 triệu chỉ trong vòng hai tuần qua. Con số choáng váng này cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của dịch Covid-19 trên thị trường lao động Mỹ.
Lượng người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ có thể thấp hơn con số thực tế vì nhiều bang không xử lý kịp lượng đơn khổng lồ do thiếu nhân sự, các trang web bị quá tải và đường dây điện thoại bị nghẽn.
Các nhà kinh tế dự báo cơn khủng hoảng dịch Covid có thể khiến 16-20 triệu người Mỹ mất việc, đẩy tỷ lệ thất nghiệp từ mức 3,5% trong tháng 2 lên mức 15,6% trong vòng vài tháng tới, vượt xa tỷ lệ thất nghiệp trong thời kỳ đại suy thoái kinh tế Mỹ 2007-2009.
3. Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn:
“Nhu cầu đi lại hàng không mất 2-3 năm để hồi phục
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo lượng hành khách đi lại hàng không trong năm nay sẽ giảm 50% so với năm 2019, đánh dấu sự kết thúc một thập kỷ tăng trưởng nhu cầu đi lại hàng không được thúc đẩy nhờ các hãng máy bay giá rẻ và nhu cầu tăng nhanh ở các thị trường mới nổi. Giám đốc điều hành IATA, Alexandre de Juniac, cho rằng các thị trường hàng không nội địa sẽ được mở cửa trở lại trước tiên một phần là vì các chính sách hàng không trong phạm vi quốc gia có thể được điều phối dễ dàng hơn và hành khách còn ngại đi du lịch nước ngoài. Ông cũng dự báo các tuyến bay quốc tế, thường sử dụng máy bay cỡ lớn, có thể mất vài năm để hồi phục về mức trước đại dịch Covid-19.
Giám đốc điều hành Boeing, David Calhoun, đồng tình nhận định này khi cho rằng nhu cầu đi lại hàng không sẽ mất 2-3 năm để phục hồi về mức của năm 2019. Ông dự báo các tuyến bay nội địa chặng ngắn có thể phục hồi trước các tuyến bay quốc tế khi các lệnh yêu cầu người dân ở nhà được dỡ bỏ.
Đồng thời vào ngày 29/4, Boeing công bố báo cáo tài chính cho thấy trong quí 1, hãng này lỗ 641 triệu đô la Mỹ và doanh thu giảm còn 16,9 tỷ đô la so với mức 22,9 tỷ đô vào cùng kỳ năm ngoái.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-kinh-te-tuan-qua-nha-dau-tu-trung-quoc-gia-tang-thau-tom-doanh-nghiep-viet-giua-covid-19.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.