BAO GIỜ THÔI HẾT CĂM THÙ?
Thứ Năm, 04/30/2020 - 04:01 — nguyenlanthang
Chiến tranh luôn là một điều rất tồi tệ, cho cả hai phía. Nhưng có lẽ, sau cuộc chiến, chưa có cuộc chiến tranh nào trên thế giới này lại có nhiều bia căm thù như cuộc chiến tranh Nam Bắc ở Việt Nam.
Tôi chỉ dùng Google map thôi mà tìm thấy có 9 cái bia căm thù đã được đánh dấu trên dải đất hình chữ S thương đau này. Và không chỉ trên bản đồ, còn rất nhiều bia căm thù khác được dựng lên trong lòng người Việt Nam ta. Nếu chưa tin điều đó, bạn hãy thử dạo một vòng, xem các bình luận quanh những chủ đề về ngày 30/4 được đưa ra trên Facebook trong những ngày tháng tư này.
Căm thù, là một cảm xúc rất con người. Căm thù, là điều không tránh khỏi khi ai đó bị tổn thương sâu sắc. Nhưng khi lòng căm thù không được hoá giải mà lại chủ ý nuôi dưỡng thì dần dần nó còn gây ra những điều tệ hại cho con người hơn rất nhiều lần nỗi đau họ từng phải gánh chịu.
Trong truyền thống văn hoá của người Việt Nam, Phật giáo là đức tin truyền thống, có ảnh hưởng chủ đạo đến tâm tư tình cảm của người dân từ hàng ngàn năm nay. Hãy xem đạo Phật dạy: "Lòng sân hận chẳng những làm cho tự thân bị bức bách, khổ não mà còn mang lại sự bất an cho tha nhân và xã hội. Đối với bản thân, người ôm lòng sân hận dễ gây lầm lỗi, tạo những nghiệp bất thiện làm nhân khổ cho đời này và đời sau. Khi cơn giận nổi lên, người ta không làm chủ được cảm xúc, không kiểm soát được suy nghĩ, hành động, lời nói, từ đó dễ tạo ra những nghiệp bất thiện. Lòng sân hận che mờ tâm trí khiến cho con người không nhận ra bản chất của sự việc, không có khả năng xử lý các tình huống gặp phải một cách tích cực, đúng đắn có lợi cho mình và người. Lòng sân hận khiến cho con người không có được cảm xúc an lạc hạnh phúc, cuộc sống mất đi niềm vui, ý nghĩa." - trích Phật học lược khảo, tác giả Thiện Đức.
Sau này, khi Đạo Thiên Chúa du nhập vào Việt Nam, cũng không có điều kinh nào dạy con người ta về lòng thù hận. Hãy xem trong Kinh Hoà Bình viết thế này:
"Lạy Chúa từ nhân!
Xin cho con biết mến yêu
Và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm..."
Xin cho con biết mến yêu
Và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm..."
Vậy từ khi nào, người Việt Nam lại dạy nhau thói nuôi dưỡng lòng căm thù rất tệ hại ấy? Tôi cho rằng ấy là từ khi chủ nghĩa cộng sản du nhập vào Việt Nam. Hãy xem một tư liệu có từ thời cải cách ruộng đất, khi lòng căm thù được coi là một giá trị cần học tập, giáo dục cho quần chúng.
Lòng căm thù có một sức mạnh rất ghê gớm. Nó có thể thúc đẩy người ta làm những điều phi thường. Nhưng cũng làm cho con người trở thành quỷ dữ, bởi khi đó con người chẳng còn chút đạo lý gì hết. Sự nguy hiểm của lòng căm thù ta đã thấy rõ trong cải cách ruộng đất, khi nó được giáo dục, nuôi dưỡng một cách bài bản. Lòng căm thù đó đã khiến vợ tố chồng, con tố cha, làng xóm tan nát, người với người trong xã hội chẳng còn chút tình nghĩa gì nữa mà coi nhau như kẻ thù.
Bài học trên thế giới về thành quả của việc hoá giải hận thù còn nguyên đó. Hãy xem lịch sử cuộc nội chiến Nam Bắc ở Mỹ. Hãy tìm hiểu xem người ta đối đãi với nhau ra sao sau chiến thắng. Họ cũng dựng rất nhiều bia mộ để kỉ niệm sự kiện đó, nhưng không có cái bia nào mang tên căm thù như ở Việt Nam. Abraham Lincoln từng nói: "Khi viên đạn xuyên vào một người lính dù thuộc bên nào đi nữa, thực ra nó đã xuyên vào trái tim một người mẹ"; "Tại sao lại ăn mừng chiến thắng? Những kẻ thua trận chẳng phải là đồng bào của ta hay sao?". Nếu nước Mỹ ngày ấy dựng bia căm thù thì thử hỏi người Mỹ có được giàu có, sung túc như ngày hôm nay không?
Cuộc chiến ở Việt Nam đã qua đi tròn 45 năm, nhưng vẫn để lại nỗi đau, cho cả hai phía, bởi vì lòng căm thù vẫn được nuôi dưỡng, trong cả hai phía. Vẫn có những lấn cấn trong mọi mặt đời sống, xã hội không thể đồng thuận vì lòng căm thù đó. Để dân tộc này gạt bỏ quá khứ, gác hết thương đau, nắm tay nhau kiến thiết tương lai, trước hết, hãy đập bỏ hết những cái bia căm thù ấy đi.
Yêu thương tất cả!
0 comments