Tin Biển Đông – 22/05/2020
Biển Đông: ‘Nếu Đông Nam Á cứ đi hai hàng, TQ sẽ hưởng lợi’ – Bùi Thư – BBC News Tiếng Việt
Nhà nghiên cứu Raul Pedrozo, chuyên gia luật quốc tế từng nhiều năm làm việc cho Hải quân Mỹ, nói các nước Đông Nam Á cần đứng lên chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Có những lúc, các quốc gia Đông Nam Á phải lựa chọn giữa việc tiếp tục thỏa hiệp hay cùng nhau đứng lên. Trung Quốc là kẻ bắt nạt. Cách duy nhất để chống lại kẻ bắt nạt là đẩy lùi nó và đứng lên bảo vệ lợi quyền của mình”, ông Raul Pedrozo trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 21/5.
Cựu sĩ quan hải quân từng làm cố vấn luật cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương cũng nói rằng các hoạt động của Hải quân Mỹ tại Biển Đông sẽ tiếp diễn để “trấn an bạn bè và đồng minh cũng như chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc”.
‘Không để Trung Quốc bắt nạt’
Gần đây, Trung Quốc gần đây đã gia tăng các hoạt động đáng chú ý tại Biển Đông khiến nhiều nước Đông Nam Á lo ngại. Nổi cộm nhất là hoạt động của tàu thăm dò, nghiên cứu hồi năm 2019 và đầu năm nay trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia.
Việc Trung Quốc điều máy bay quân sự ra đá Chữ Thập ở Trường Sa, ban lệnh cấm đánh bắt cá, tăng cường hoạt động của tàu chiến, tàu sân bay… là những bước đi gây quan ngại khác.
Cùng thời gian trên, Mỹ cũng gia tăng sự hiện diện và các hoạt động tại Biển Đông dù nước này đang chật vật đối phó với đại dịch Covid-19.
“Các chiến dịch Tự do Hàng hải của Mỹ (FONOPS) tại Biển Đông đã tăng trong một năm qua. Năm tài chính 2019, Mỹ triển khai 7 FONOPS; chỉ mới 8 tháng đầu năm tài chính 2020 (tính từ 1/10/2019 – PV),
Mỹ đã tiến hành 7 FONOPS. Tuy nhiên, các hoạt động khác của tàu và máy bay vẫn giữ mức tương đương với các năm trước”, giáo sư Pedrozo chia sẻ.
Ông Raul Pedrozo từng phục vụ trong Hải quân Mỹ, là cựu giáo sư luật quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hải quân (U.S. Naval War College), cố vấn luật quốc tế của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, trợ lý đặc biệt của Thứ trưởng phụ trách chính sách Bộ Quốc phòng. Năm 2014, ông từng công bố công trình dày 142 trang về tranh chấp tại Biển Đông.
“Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương như chúng tôi vẫn làm lâu nay để trấn an bạn bè và đồng minh, ngăn chặn sự bắt nạt của Trung Quốc và duy trì trật tự dựa trên luật lệ vốn đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực trong 75 năm qua”, Giáo sư Pedrozo nói thêm và cho biết ông không thấy đây là một sự thay đổi trong chiến lược hải quân của Hoa Kỳ.
Ý kiến trên khác với nhận định của Timothy Heath, chuyên gia quốc phòng cấp cao của Rand Corp., trên CNN trước đó, rằng việc duy trì sự hiện diện thường trực tại Biển Đông gợi ý về một chiến lược mới của Lầu Năm Góc nhằm khiến đối phương không bao giờ thoải mái.
Vào ngày 7/5, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cũng nói rằng Mỹ sẽ đứng cạnh các nước bạn bè và đồng minh để chống lại sự đàn áp và các yêu sách phi pháp đối với vùng biển quốc tế và các tài nguyên.
“Chúng tôi cam kết tuân thủ một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như thượng tôn pháp luật”, ông Aquilino nói trong một thông cáo của Hải quân.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chấm dứt mô hình cưỡng bách người dân Đông Nam Á trong vấn đề khai thác dầu mỏ, khí đốt và thủy sản ngoài khơi”.
Phát biểu của Đô đốc Aquilino nằm trong chuỗi các hoạt động truyền thông vốn được đẩy lên mạnh mẽ khác thường của Hải quân Mỹ thời gian gần đây.
Theo chuyên gia Pedrozo, sở dĩ các chiến dịch này được truyền thông mạnh hơn là do “hành vi bá đạo của Trung Quốc”.
“Trung Quốc trực tiếp ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á thực thi chủ quyền và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong EEZ của họ cũng như ở vùng biển quốc tế”, ông nói. “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện một cách hòa bình hoạt động hàng hải và hàng không, theo nguyên tắc tự do và hợp pháp, và sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, theo ông Pedrozo, cách duy nhất buộc Trung Quốc ngừng “hành động bắt nạt” là cùng nhau đứng lên.
“Nếu các quốc gia Đông Nam Á cứ đi hai hàng, Trung Quốc sẽ tiếp tục hưởng lợi. Cho dù Trung Quốc gây sức ép thông qua hoạt động quân sự và áp lực kinh tế, các quốc gia trong vùng phải chống lại hành động đó, thách thức Trung Quốc về mặt ngoại giao. Các nước cần hợp tác với nhau để bảo vệ chủ quyền và tài nguyên. Đầu hàng trước sự lấn tới của Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho an ninh quốc gia của tất cả các quốc gia Đông Nam Á”, ông cảnh cáo.
‘Hợp tác hải quân với Việt Nam phát triển nhanh’
Việt Nam và Mỹ từng có quá khứ đối đầu, nhưng theo ông Pedrozo, hợp tác quân sự giữa hai nước trong thời gian qua “đã phát triển nhanh chóng”, đặc biệt là về hải quân.
“Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ lợi ích chung trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ nhằm bảo vệ chủ quyền, nguồn lợi kinh tế và quyền cá nhân của tất cả các quốc gia”, ông nói.
Chuyên gia Pedrozo cũng đưa ra các ví dụ cụ thể về hợp tác hải quân:
“Năm 2017, Mỹ đã chuyển giao một tàu tuần tra bờ biển lớp Hamilton cho Việt Nam, hiện đang thực hiện nhiệm vụ an ninh hàng hải ở Biển Đông. Một tàu thứ hai cũng sẽ sớm được bàn giao. Năm 2018, tàu USS Carl Vinson đã có chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng. Cũng trong năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận hàng hải lớn nhất thế giới. Năm 2018, Mỹ đã chuyển 12 tàu tuần tra nhanh Metal Shark cho Cảnh sát biển Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ bảo an hàng hải. Vào năm 2020, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã thăm Đà Nẵng, là tàu sân bay thứ hai của Hoa Kỳ đến Đà Nẵng trong vòng hai năm”.
Quan trọng hơn, theo ông Pedrozo, Mỹ cũng đang cung cấp sự trợ giúp và thiết bị để Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải, chống lại các hoạt động vi phạm do tàu cá và tàu của chính quyền Trung Quốc thực hiện trong vùng lãnh hải hoặc EEZ của Việt Nam.
“Hoa Kỳ hoan nghênh các tuyên bố công khai của Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không cho tất cả các quốc gia trên Biển Đông”, ông nhấn mạnh.
Chuyên gia Pedrozo cũng đánh giá “việc tiếp cận vịnh Cam Ranh sẽ mang lại lợi ích lớn cho Hải quân Hoa Kỳ và sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng Việt Nam đã chán ngấy với hành vi bắt nạt và ác ý của Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông không cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng để một cường quốc nước ngoài đặt căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình.
“Có lẽ điều này sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, nhưng không phải trong tương lai gần”, ông nói.
‘Úc có vai trò lớn tại Biển Đông’
Ngày 18/5, trả lời phỏng vấn tờ Economic Times, Cao ủy Úc tại Ấn Độ Barry O’Farrell nói: “Tàu chiến và máy bay Úc sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông và ủng hộ các nước khác có hành động tương tự”.
Ông cũng bày tỏ quan ngại về hành vi quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.
Trước đó, hôm 22/4, Bộ Quốc phòng Úc cho hay tàu hộ vệ tên lửa HMAS Parramatta đã tập trận với các tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.
“Duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở không phải là trách nhiệm riêng của Hải quân Hoa Kỳ”, chuyên gia Pedrozo nhận định. “Tất cả các nước cùng chia sẻ trách nhiệm đó. Hoa Kỳ khuyến khích tất cả các quốc gia hỗ trợ nhau bảo vệ quyền và tự do hàng hải của cộng đồng quốc tế trên bề mặt, trong lòng biển và trên bầu trời các đại dương”.
Ông Pedrozo nói rằng Úc là một trong những đồng minh đáng tin cậy và có giá trị nhất của Mỹ, và Hải quân Mỹ đánh giá cao hoạt động tập luyện chung với Hải quân Hoàng gia Úc.
“Hoa Kỳ hoan nghênh việc triển khai tàu HMAS Parramatta gần đây ở Biển Đông và việc tàu này tham gia tập trận chung với các tàu USS America, USS Bunker Hill và USS Barry ngoài khơi Malaysia”, ông nói.
Theo ông Pedrozo, đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự cam kết và việc tiếp tục hiện diện của Úc trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Năm 2019, một đội gồm bốn tàu của Hải quân Hoàng gia Úc đã được triển khai ba tháng tới khu vực, trong khuôn khổ chiến dịch Endeavour 2019 Ấn Độ-Thái Bình Dương, tham gia các cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia và huấn luyện quân sự với Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cao ủy Australia tại Ấn Độ bày tỏ quan ngại
trước hành vi dùng tàu hải cảnh và dân binh ngăn cản
các nước khai thác dầu khí ở Biển Đông
Tiếp sau hàng loạt chính trị gia lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, Cao ủy Australia tại Ấn Độ Barry O’Farrell đã bày tỏ lo ngại về hành vi quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông, trong đó lên án mạnh mẽ thái độ và cách hành xử của Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn tờ Economic Times của Ấn Độ hôm 18/5, Cao ủy Barry O’Farrell cho rằng “Tàu chiến và máy bay Australia sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông và ủng hộ các nước khác có hành động tương tự”. Ông lo ngại về hành vi quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.
Ông O’Farrell cho rằng có nhiều quan ngại về những hành động “cản trở hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia khác”, cùng việc sử dụng tàu hải cảnh và tàu dân binh phục vụ cho các hoạt động “nguy hiểm và mang tính bắt nạt”. Ông hối thúc các bên có những động thái ý nghĩa để hạ nhiệt căng thẳng, xây dựng lòng tin thông qua đối thoại.
Theo ông, các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế, bởi bất cứ hành động mang tính bắt nạt hay cưỡng ép nào cũng có thể dẫn tới leo thang tình hình. Bình luận được quan chức
Australia đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19.
Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh, tàu dân binh hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan West Capella của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Việt Nam và các nước kiên quyết phản đối các hành động phi pháp này của Trung Quốc, đồng thời đề nghị các nước tuân thủ quy định liên quan của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông. Hải quân Mỹ trong tháng 4 đã triển khai nhiều tàu chiến duy trì hiện diện và tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Tàu chiến Mỹ và Australia cũng đã tiến hành cuộc diễn tập chung ở khu vực gần tàu khoan West Capella.
Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, khẳng định Mỹ “cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông”, kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt kiểu bắt nạt các nước Đông Nam Á trong hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt và đánh bắt hải sản. Sinh kế của hàng triệu người dân trong khu vực này phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đó”.
Giới chuyên gia Đông Nam Á nhận định các thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang từng bước hướng tới một lập trường chung và nhất quán hơn để phản đối Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng, trong đó đáng chú ý là cùng là tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi tháng 7/2016. Điều này cho thấy sự cần thiết phải thống nhất lập trường chung giữa các thành viên ASEAN để tạo thành một nền tảng trong xử lý vấn đề Biển Đông với Trung Quốc trong tương lai.
Việc ngày càng nhiều các quan chức, lãnh đạo các nước thể hiện quan điểm bất bình trước chính sách và hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đó cho thấy dư luận đang đứng về luật pháp và các chuẩn mực trong ứng xử quốc tế và trách nhiệm của các quốc gia nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Nếu các nước để Trung Quốc “tự tung tự tác” ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ áp dụng cách hành xử như vậy với tất cả các nước khác trên thế giới. Bởi vậy, các nước cần đề cao trật tự dựa trên luật lệ, điều mang lại lợi ích chung cho cộng đồng quốc tế.
0 comments