Ông Nguyễn Hòa Bình không phải là thẩm phán?
Friday, May 22, 2020
7:09:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
22-5-2020
Thẩm phán là một nghề đặc biệt. Đó là những người cầm cán cân công lý, có thẩm quyền xét xử các vụ án và quyết định hình phạt mà hình phạt cao nhất là tước đoạt mạng sống đối với những người vi phạm pháp luật, bị VKSND truy tố và bị kết luận là có tội sau quá trình xét xử. Vì vậy, theo quy định tại khoản 1 điều 67 luật tổ chức TAND, thì thẩm phán phải là những người “trung thành với tổ quốc và hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực”.
Có rất nhiều tiêu chuẩn mà một cử nhân luật phải đáp ứng để được trở thành thẩm phán. Nhưng điều quan trọng nhất, theo quy định tại khoản 1 điều 65 luật tổ chức TAND, là “phải được chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử”. Không được chủ tịch nước bổ nhiệm, không thể trở thành thẩm phán và không được phép xét xử các vụ án, bất kể là vụ án thuộc loại nào, ở cấp toà nào.
Theo Wikipedia tiếng Việt, thì ông Nguyễn Hòa Bình sinh ngày 24/5/1958, ông vào ngành công an từ năm 1980 và khởi nghiệp ở văn phòng công an huyện Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng). Từ đó, ông lần lượt làm việc ở công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, ở bộ công an, trưởng thành và thăng tiến dần lên chức thiếu tướng công an. Rồi từ thiếu tướng công an, ông được điều về làm bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi. Từ chức bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi, ngày 26/7/2011 ông được quốc hội khóa XIII bầu làm viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngày 13/4/2015, chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định bổ nhiệm ông vào chức danh kiểm sát viên VKSNDTC.
Ngày 8/4/2016, ông Nguyễn Hòa Bình được quốc hội khóa XIII bầu làm chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2011-2016. Ngày 27/7/2016, ông Nguyễn Hòa Bình được quốc hội khóa XIV tiếp tục bầu làm chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2016- 2021. Trước ngày 8/4/2016, ông Nguyễn Hòa Bình chưa từng công tác một ngày nào trong ngành tòa án.
Wikipedia là một kênh thông tin có độ tin cậy rất cao. Mọi thông tin về các chính khách đều được cập nhật đầy đủ, tỷ mỷ, chi tiết. Năm 2016, chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang. Sau khi ông Trần Đại Quang mất (21/9/2018 ) thì bà Đặng Thị Ngọc Thịnh làm quyền chủ tịch nước một thời gian ngắn rồi ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm vị trí này. Nhưng mục từ Nguyễn Hòa Bình trên Wikipedia không có một dòng nào ghi về việc ông Trần Đại Quang, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh hay ông Nguyễn Phú Trọng ký bổ nhiệm ông Nguyễn Hòa Bình vào chức danh thẩm phán TANDTC.
Theo quy định tại khoản 3 điều 67 luật tổ chức TAND, thì ông Nguyễn Hòa Bình không đủ tiêu chuẩn để trở thành thẩm phán, vì ông không được đào tạo nghiệp vụ xét xử. Phải chăng chính vì “vướng” khoản 3 điều luật trên, mà chủ tịch nước đã không ký quyết định bổ nhiệm chức danh thẩm phán TANDTC cho ông? Nếu đúng như vậy thì ông Nguyễn Hòa Bình chưa bao giờ là thẩm phán, dù ông là chánh án TANDTC?
Nên nhớ chức danh chánh án và chức danh thẩm phán khác nhau, có nhiệm vụ khác nhau. Chánh án TANDTC và chánh án TAND các cấp là người được quốc hội và HĐND các cấp bầu, làm nhiệm vụ quản lý về mặt nhà nước và điều hành hoạt động của các tòa án. Còn thẩm phán là người được chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử, là những người “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Không một ai, dù giữu chứcvụ gì, ở cương vị nào, được phép can thiệp vào các phiên tòa khi thẩm phán đang xét xử.
Nếu đúng là ông Nguyễn Hòa Bình chưa được chủ tịch nước bổ nhiệm làm thẩm phán, thì dù là một phiên tòa ở cấp huyện, ông cũng không có thẩm quyền xét xử. Và việc ông làm chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 5 vừa qua là việc ngồi xổm lên luật tổ chức TAND. Điều lạ lùng nữa là đến một việc đơn giản như thế, mà 16 vị trong HĐTP của TANDTC, toàn là tiến sỹ, thạc sỹ luật, cũng không hiểu? Hay là hiểu mà vẫn cúi đầu trước một chủ tọa không có thẩm quyền, không đủ tư cách xét xử? Một phiên tòa mà chủ tọa là người không phải là thẩm phán, thì có phải là một phiên tòa hợp pháp không? Bản án của nó có phải là một bản án hợp pháp không?
Hỏi, tức là đã trả lời!
0 comments