Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 25/04/2020

Saturday, April 25, 2020 4:40:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 25/04/2020

Tàu Indonesia đâm chìm tàu cá Việt Nam, 4 ngư dân mất tích

Tàu chấp pháp của Indonesia đã đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam khiến 4 ngư dân mất tích tại khu vực biển gần quần đảo Natuna của Indonesia hôm 19/4 vừa qua. Truyền thông trong nước trích thông tin từ Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, dựa theo thông tin từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, hôm 25/4.
Hôm 19/4, tàu chấp pháp Indonesia đã bắt giữ hai tàu cá của Bình Định số hiệu BĐ30942 TS với 6 lao động và tàu BĐ 30919 TS cùng 6 lao động khác, đồng thời va chạm gây chìm tàu cá BĐ 92039 gồm 6 lao động khiến 4 người mất tích. Vụ va chạm xảy ra trong vùng biển của Indonesia cách vùng phân định Việt Nam – Indonesia khoảng 160 hải lý.
Phía Việt Nam đã đề nghị phía Indonesia phát thông báo hàng hải, tổ chức tìm kiếm cứu nạn các ngư dân tàu cá bị nạn.
Cảnh sát biển Việt Nam cũng điều tàu CSB 8005 từ Vũng Tàu đến hiện trường, phối hợp với Indonesia để tìm kiếm người mất tích.
Những năm gần đây, nhiều ngư dân Việt Nam đã bị phía Indonesia bắt giữ khi đánh bắt cá ở khu vực gần quần đảo Natuna. Đây là khu vực có vùng chồng lấn chưa phân định giữa hai nước. Chính quyền Indonesia dưới thời của Tổng thống Joko Widodo từ năm 2014 đến nay đã mạnh tay với việc bắt giữ và đánh chìm các tàu cá nước ngoài vào đánh bắt cá ở vùng biển của nước này.
Hôm 1/3 vừa qua, Bộ Hàng hải Indonesia cho biết nước này đã bắt giữ 5 tàu cá và 68 ngư dân Việt Nam gần quần đảo Natuna.
Hồi tháng 4 năm ngoái, phía tàu kiểm ngư của Việt Nam đã va chạm với tàu hải quân của Indonesia để tìm cách giải cứu cho 2 tàu cá Việt Nam gần vùng biển Bắc Natuna. Vụ va chạm khiến một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị chìm, 12 ngư dân bị phía Indonesia bắt giữ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/indonesia-sank-vn-fishing-boats-4-missing-04252020114537.html

Chủ tịch huyện ở Thái Bình bị mất chức,

do vợ liên can vụ án Đường “Nhuệ”

Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương, ông Vũ Mạnh Thía được giao giữ chức Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn. Việc điều động cán bộ này được nói là vì vợ của ông Thía liên can trong vụ án Đường “Nhuệ”.
Truyền thông trong nước, vào ngày 24/4 cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình trong cùng ngày ra quyết định điều động như vừa nêu đối với ông Vũ Mạnh Thía.
Tin cho biết ông Thía là chồng của bà Trịnh Thị Minh Thúy, Trưởng phòng Trung tâm phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường. Bà Thúy, vào ngày 16/4, bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra trinh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố và bắt bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình căn cứ theo Quy định số 102 của Bộ Chính trị để điều động chức vụ cán bộ của ông Thía, vì theo quy định đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội.
Liên quan vụ án Đường “Nhuệ” đánh người tại trụ ở công an hồi năm 2014, báo giới quốc nội vào ngày 23/4 cho biết nạn nhân làm đơn tố cáo ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình đã dung túng, bỏ lọt tội phạm trong vụ việc này.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, hồi trung tuần tháng 4 đã khởi tố và bắt giam hai vợ chồng giám đốc Công ty Bất động sản Đường Dương, ông Nguyễn Xuân Đường, tức Đường “Nhuệ” và bà Nguyễn Thị Dương.
Một số Đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị Bộ Công an vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của địa phương trước sự phản ánh của dân chúng địa phương rằng có sự bao che của chính quyền cho các hoạt động phi pháp của băng nhóm Đường “Nhuệ” trong gần 10 năm qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/a-district-chairman-demoted-cause-of-his-wife-relating-to-duong-nhue-04242020134051.html

Chuyên gia Việt Nam bác bỏ luận cứ Trung Quốc

về công hàm Phạm Văn Đồng

Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt, London
Trung Quốc tới nay vẫn sử dụng thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958, nói đây là chứng cứ Việt Nam từ bỏ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
Biển Đông: Asean, Việt Nam và Mỹ cần “mạnh mẽ hơn”
Biển Đông: TQ tiếp tục ‘mềm nắn, rắn buông’ và tranh giành ảnh hưởng
Nhắc về Hoàng Sa, Trung Quốc nói công hàm Việt Nam ‘phi pháp, vô hiệu’
Vậy đánh giá mới nhất của các chuyên gia Việt Nam là thế nào?
Đó là ý kiến từ giới nghiên cứu luật pháp và chính trị quốc tế bình luận với BBC News Tiếng Việt trong dịp này.
Hôm 17/4/2020, bản công hàm từ năm 1958 do người đứng đầu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi cho người đồng cấp Chu Ân Lai của phía Trung Quốc đã được Bắc Kinh viện dẫn trong một công hàm (CML/42/2020) gửi lên Liên Hợp quốc, cùng lúc Bắc Kinh có các cáo buộc nói Việt Nam xâm phạm chủ quyền, xâm chiếm biển, đảo của Trung Quốc.
‘Bước leo thang, tuyên chiến’?
Bình luận về động thái này, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, hiện là Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật & Phát triển, từ Hà Nội nói:
“Trước hết, đây là một bước leo thang mới của Trung Quốc trong việc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ đã thể hiện rất rõ.
“Ngay tuyên bố của Trung Quốc cho rằng Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là thuộc về của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam rút khỏi và họ tuyên bố rằng Việt Nam đã chiếm những đảo và thực
thể mà Việt Nam hiện nay Việt Nam đang chấn giữ một cách hợp pháp, thì họ bảo rằng đó là những vị trí mà Việt Nam đã xâm lược, cũng như đã chiếm giữ bất hợp pháp.
“Thì đây theo tôi gần như một tuyên bố có thể nói là tuyên chiến rồi, đồng thời họ nói là họ sẽ bảo vệ lợi ích ở những vùng biển này, cũng như ở các đảo này, bằng mọi phương tiện và một cách kiên quyết, thì giới chuyên gia đã bình luận đây là một lời đe dọa về dùng vũ lực rồi, không phải là bình thường nữa.”
‘Nằm trong nghị trình’
Liên quan đến việc Trung Quốc công bố, viện dẫn công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, ông Hoàng Ngọc Giao bình luận:
“Theo tôi, tới lúc này, đây là câu chuyện có thể sẽ nằm trong nghị trình của một phiên giải quyết tranh chấp xét xử tại một cơ quan tài phán quốc tế rằng là công hàm này có giá trị pháp lý như thế nào, đến đâu.
“Trung Quốc đã dám công bố viện dẫn công hàm Phạm Văn Đồng, thì họ có dám ra trước cơ quan tài phán quốc tế để tranh luận, tranh lý với Việt Nam về giá trị của công hàm này và rộng hơn là tranh luận đi đến phán xử, phán quyết về ai mới là người có chủ quyền thực sự ở Hoàng Sa, Trường Sa hay không?
“Vì lúc đó phía Việt Nam trong hồ sơ khởi kiện cũng phải chuẩn bị cho kỹ, riêng cá nhân tôi với tư cách chuyên gia, tôi đồng tình với nhiều quan điểm cho rằng công văn, công hàm Phạm Văn Đồng này không có giá trị pháp lý nào cả.
“Bởi vì căn cứ vào Hiệp định Geneva năm 1954 về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, chia đất nước Việt Nam thành hai miền, chính trong Hiệp định đó đã quy định rất rõ Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc phía Nam của vĩ tuyến 17, và như vậy trực thuộc sự quản lý của Việt Nam Cộng Hòa.
GS Nguyễn Mạnh Hùng: ‘Giải pháp liên minh là không thực tiễn’
Đánh đổi chính trị?
Theo chuyên gia luật học này, công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 không có giá trị pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa và có thể được vô hiệu hóa, nhưng đánh đổi lại nhà nước Viện Nam hiện nay phải có sự đánh đổi chính trị, hay thay đổi về quan niệm và nhìn nhận lịch sử với một nhà nước đã bị đánh sập 45 năm trước ở miền Nam Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Giao nói tiếp:
“Thế thì từ trước đến nay, chính quyền ở Bắc Việt Nam và kể cả chính quyền Việt Nam bây giờ, trong các giới học thuật, đặc biệt học thuật về luật quốc tế, người ta vì những mục đích chính trị, cho nên người ta không chấp nhận Việt Nam Cộng Hòa như là một chủ thể độc lập của Công pháp Quốc tế.
“Và vì thế cho nên điều này cuối cùng xảy ra công hàm ‘bất lợi’, thì bây giờ nhà nước, chính phủ Việt Nam hiện nay mới bắt đầu nhận thấy một điều là nếu như mình phủ nhận sự tồn tại của một chính phủ, của một nhà nước chính danh, phù hợp pháp luật quốc tế, đó là Việt Nam Cộng Hòa, thì nó lại gây hại cho câu chuyện đấu tranh bảo vệ chủ quyền.”
“Do vậy hiện nay, quan điểm chính thức của những người lãnh đạo Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chắc chắn không thể phủ nhận vai trò chính danh của nhà nước Việt Nam Cộng hòa, tức là miền Nam Việt Nam trước đây, trước 30/4/1975 và điều này chỉ có lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và nó làm vô hiệu hóa Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958.
“Tất nhiên bên cạnh việc công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị ở chỗ là anh không thể công nhận cái gì mà anh không có được, thì ở đây còn một ý nữa đó là công hàm này, như nhiều chuyên gia đã nói, đó là ở cấp Thủ tướng, không phải ở cấp đại diện quốc gia là một nguyên thủ quốc gia và chưa được Quốc hội phê chuẩn.
“Bởi vì những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ quốc gia bao giờ cũng phải có sự phê chuẩn của Quốc hội, và vì thế cho nên về giá trị pháp lý của nó, thì nó cũng không có giá trị pháp lý ở chỗ đó nữa.
“Điểm thứ ba nữa là Công hàm Phạm Văn Đồng nó phản ánh như một động thái chính trị phe nhóm với nhau. Cùng là phe cộng sản, thời đó Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam để đánh Mỹ.
“Thế thì nó có thể hiểu như là một tuyên bố chính trị, một động thái chính trị giữa hai bên, chứ không thể coi nó có giá trị pháp lý gì hết.”
Khó khăn pháp lý?
Hôm 23/4, trả lời câu hỏi của khán, thính giả gửi cho một chương trình bình luận trực tuyến của BBC News Tiếng Việt hỏi rằng công hàm Phạm Văn Đồng 1958 gây khó khăn pháp lý gì cho cuộc đấu tranh về chủ quyền quốc gia và biển đảo của Việt Nam hiện nay, từ Đại học George Mason, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia chính trị học và bang giao quốc tế nói:
“Thực sự thì Trung Quốc đang bám vào cái đó và bảo rằng ở Việt Nam đã công nhận những điều khoản của họ rồi.
“Nhưng ngược lại chúng ta thấy có một số sự kiện cho thấy là Việt Nam cũng tương đối thay đổi. Ngày xưa, khi ông Nguyễn Tấn Dũng còn làm Thủ tướng chính phủ Việt Nam, thì ông cũng đã nói rõ rằng vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa là dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
“Thường thường, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gọi đó là chính quyền ‘ngụy quyền’ và không có giá trị, thẩm quyền gì cả, nhưng bây giờ Việt Nam chứng nhận là có, như vậy có nghĩa là bảo rằng nếu là do Việt Nam Cộng hòa quản lý, thì công hàm Phạm Văn Đồng tự nó không có hiệu quả gì cả.
“Bởi vì theo quan niệm gọi là chuyển quyền từ chính phủ này sang chính phủ khác, thì chính phủ miền Bắc, khi lãnh thêm miền Nam vào miền Bắc, thì lãnh thêm cả những tiêu sản và tích sản, những quyền lợi và nghĩa vụ.
“Nếu theo quan điểm của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, thì miền Bắc chỉ thừa hưởng của miền Nam Cộng hòa, do đó họ không chịu trách nhiệm, bởi vì đã không có nghĩa vụ thì miền Bắc không có nghĩa vụ.
“Đặc biệt là bây giờ trong Liên Hợp quốc, chúng ta thấy có văn bản rõ rệt vào tháng Giêng năm 1974, thì xảy ra vụ đó, thì ông Ngoại trưởng của Việt Nam Cộng hòa là ông Vương Văn Bắc đã viết văn thư cho ông Tổng Thư ký Liên Hợp quốc và yêu cầu đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an và Việt Nam Cộng hòa đã lên án Trung Quốc là xâm lấn Việt Nam.
“Thành ra những văn bản đó là những văn bản đã có ở trong Liên Hợp quốc rồi và theo luật pháp quốc tế thì nó cũng đúng.
“Cho nên đã có những động thái đó, còn bây giờ chúng ta chưa thấy tiếp tục từ hồi ông Nguyễn Tấn Dũng nói câu đó, thì sau này chúng ta chưa thấy gì cả.”
‘Không có nhượng chủ quyền’
Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà nghiên cứu Trung Quốc học bình luận:
“Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ủng hộ vấn đề là xung quanh các nước, hay xung quanh các đảo thì được 12 hải lý, thế thôi, chứ không phải chấp nhận là Trung Quốc có chủ quyền ở Hoàng Sa.
“Mà cũng giống như Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng vừa nói, vấn đề này không có động chạm gì đến vấn đề chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam Cộng hòa ngày xưa.
“Ngoài ra, tôi cũng cho rằng việc này chỉ là một công thư của một Thủ tướng công nhận vấn đề ở trên biển, vấn đề 12 hải lý, thôi.
“Nhưng mà cái đó không được chính quyền Việt Nam, trong đó có Quốc hội, trong đó có Chủ tịch nước ủy quyền, do đó Trung Quốc không thể dùng công thư đó để nói rằng là Việt Nam đã nhường chủ quyền ở Hoàng Sa cho Trung Quốc.”
Trong dịp này, theo dõi tình hình an ninh ở Biển Đông và khu vực, một số học giả, nhà quan sát đã chia sẻ ý kiến, bình luận của mình với BBC News Tiếng Việt.
Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt – Trung, nhà nghiên cứu chính trị học thuộc Đại học Bình Dương, nêu nhận định:
“Năm ngoái Trung Quốc đến Tư Chính chủ yếu là để cản trở Việt Nam ở mỏ Sao Vàng- Đại Nguyệt.
“Họ thất bại vì cuối cùng, Việt Nam vẫn hạ đặt được chân đến giàn khoan ở đây.
“Trong công bố nghiên cứu mới “Vấn đề Biển Đông: Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện nay”, tôi có viết rằng điều quan trọng là mặc dù mọi cản trở từ phía Trung Quốc, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ ở khu vực này”.
“Năm nay Việt Nam tiếp tục đặt giàn khoan ở đây, Trung Quốc cũng biết vậy nên sẽ quyết tâm phá.
“Bởi vậy, dự báo của tôi là tình hình sẽ căng thẳng và các hoạt động của Trung Quốc (gồm cả xâu chuỗi từ việc đâm chìm tàu cá cho đến các động thái khác) là đòn ra tay trước.”
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một chương trình phân tích, bình luận về Biển Đông và an ninh khu vực với sự tham gia của GS Nguyễn Mạnh Hùng và GS Ngô Vĩnh Long từ Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52424973

Người dân nghĩ gì về tình hình biển đảo hiện nay?

Diễm Thi, RFA
Những người theo dõi truyền hình cho biết liên tiếp những ngày qua, cơ quan truyền thông Nhà Nước Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc như một cách kêu gọi lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của người dân.
Ông Đức Minh, một cựu sĩ quan quân đội từ Sài Gòn nói với RFA:
“Tôi thấy đó là một hiện tượng lạ. Tôi đang phân vân không biết có phải giới cầm quyền Việt Nam thay đổi quan điểm về ngoại giao với Trung Quốc hay không, nhưng bản thân lại không tin lắm vào việc họ thay đổi…
Nhiều người dân trong nước vẫn bị an ninh sách nhiễu về việc đeo khẩu trang có dòng chữ No-U”.
Ông Minh liên tục phản đối Trung Quốc trên facebook cá nhân của mình và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam đừng quá nhu nhược. Bản thân ông cho biết dù không còn trẻ nhưng ông sẵn sàng tái ngũ, cầm súng đánh giặc khi tổ quốc cần.
Còn cô Lê Thị Tuyết, một công nhân ở Tây Ninh thì nêu suy nghĩ đơn giản của mình khi trò chuyện cùng RFA:
“Mất nước là do lỗi của những ông lớn, những lãnh đạo đã để Trung Quốc xâm lấn. Em là một người dân mà em có biết gì đâu. Chuyện đó để Nhà nước lo thôi. Mình ở Việt Nam mà, họ làm như thế nào mình cũng phải chịu thôi.”
Theo ghi nhận của RFA, chỉ một số ít người dân tin vào báo chí và truyền thông nhà nước. Đa số họ chỉ lấy thông tin từ chính quyền để tham khảo rồi tìm hiểu thêm trên mạng xã hội, từ nguồn đáng tin cậy.
Anh Trần Trọng Nhân từ Buôn Mê Thuột nói với RFA rằng, có hai góc nhìn từ người dân. Một góc nhìn từ những người dân bàng quan với thời cuộc và góc nhìn từ những người dân trăn trở với hiện tình đất nước. Là một người luôn quan tâm đến thời cuộc, anh Nhân cho biết bản thân anh biết tin tức về biển đảo qua nhiều nguồn, nhưng trên mạng xã hội là chính. Nguồn chính thống từ trong nước thì anh ít theo dõi, chỉ coi một vài chương trình coi họ nói gì, họ phản ứng như thế nào thôi. Anh nói:
“Với lòng yêu quê hương đất nước em rất thao thức với hiện tình biển đảo, nhưng nếu bây giờ kêu em xuống đường chống Trung Quốc như trước thì em sẽ không đi. Em đã nhiều lần xuống đường và lần nào cũng bị chính quyền đàn áp. Lúc nào họ cũng nói với em rằng, các anh không phải lo. Có đảng và nhà nước lo rồi.
Lâu nay dân lên tiếng, mọi người lên tiếng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì bị bắt bỏ tù. Bây giờ trước tình hình nguy cấp hơn bao giờ hết, đảng và nhà nước tự lo đi.”
Anh Nhân nói thêm rằng, với những người dân khác, khi mà báo đài lên tiếng mấy hôm nay thì họ cũng có lòng căm ghét Trung Quốc nhưng họ chỉ dừng lại ở đó, không có hành động cụ thể gì cả.
Anh Nguyễn Văn Khánh từ Hà Nội, người theo dõi rất kỹ những diễn biến từ hôm 30 tháng 3 đến hôm nay, nói với RFA:
“Từ lâu rồi em không coi TV, không đọc báo trong nước mà chỉ nghe và đọc BBC, CNN, RFA…Tin tức trong  nước cũng chỉ đọc online thôi.
Về Hoàng Sa thì thực sự Việt Nam đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát từ năm 1974 rồi. Còn Trường Sa thì hiện có hơn 20 thực thể có quân đồn trú của Việt Nam.”
Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ từ tháng giêng năm 1974 và gọi quần đảo này là Tây Sa. Từ ngày 30 tháng 3 đến 10 tháng 4, Việt Nam đã liên tục gửi 3 công hàm đến Liên Hiệp Quốc để phản đối những đòi hỏi về chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Anh Lê Văn Tài từ Vĩnh Long chia sẻ với RFA:
“Tin tức biển đảo thì tôi coi trên internet từ những nguồn khả tín. Báo chí nhà nước thì họ cho nghe cái gì mình biết cái đó thôi. Chỉ coi để tham khảo và suy đoán. Không thể là thông tin chính thống mà tin tưởng được. Tôi coi những đài như VOA, RFA, BBC…Gần đây có những trang mạng dẫn link tiếng Anh.
Với tư cách là một người dân, tôi thấy chuyện biển đảo đã ‘xong’ từ lâu rồi. Mất rồi không còn hy vọng gì nữa. Không có lối thoát. Bao nhiêu năm nay chính phủ có làm được gì đâu ngoài phản đối lấy lệ!”
Công hàm 1958
Trung Quốc vừa qua đã dùng công hàm 1958 gửi lên LHQ về Trường Sa và Hoàng Sa như là một bằng chứng cho lập luận của mình.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc dùng công hàm này để ‘bắt chẹt’ Việt Nam. Năm 2014, khi Trung Quốc đưa ra Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 để biện luận cho những hành động của họ tại Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã họp báo phản đối cho rằng công hàm đó vô hiệu.
Lúc bấy giờ Thạc sĩ Hoàng Việt lên tiếng với RFA về vấn đề này:
Không có ông nào ở miền Bắc lúc đó có quyền nói về công nhận Hoàng Sa Trường Sa được cả. Bởi vì lúc đó theo Hiệp định Geneve 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc, rõ ràng là một bên từ vĩ tuyến 17 trở ra là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; một bên từ vĩ tuyến 17 trở vào là Việt Nam Cộng Hòa. Rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hòa còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì có tư cách gì mà nói đến.”
Với những người dân bình thường thì họ nghĩ gì trong thời điểm hiện nay?
Anh Lê Văn Tài từ Vĩnh Long khẳng định công hàm 1958 rõ ràng là đã ‘bán nước’ bởi nó đã công nhận quyết định chủ quyền biển đảo Trung Quốc đưa ra trước đó. Theo anh Tài thì ngoài công hàm này còn nhiều thứ ở bên trong mà có thể người dân chưa biết. Trung Quốc dùng công hàm này để đe dọa Việt Nam, nếu phản ứng nó sẽ ‘xì’ thêm nhiều chuyện kinh thiên động địa nữa.
Anh Nguyễn Văn Khánh nêu ý kiến :
“Công hàm của ông Phạm Văn Đồng gửi ông Chu Ân Lai năm 1958 em cho rằng đó thực sự là một công văn bán nước, không thể biện bạch. Với vai trò là một ông Thủ tướng, trên là ông Hồ thì không thể nói câu lúc đó không quản lý vùng lãnh hải ấy mà do VNCH quản lý, nên tuyên bố của ông Đồng là vô giá trị.
Em cho rằng truyền thống đánh giặc và truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam có từ hàng ngàn năm nay. Khi tinh thần của người Việt Nam đã trỗi dậy thì không một ai có thể cản trở.”
Trong khi đó, anh Trần Trọng Nhân lại cho rằng Trung Quốc sử dụng công hàm này để khẳng định chủ quyền biển đảo là không hợp lý. Người cộng sản Việt Nam bị cài bẫy từ thời đó rồi. Anh giải thích:
“Năm 1958 Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc quyền quản lý của cộng sản Bắc việt mà thuộc quản lý của Việt Nam Cộng Hòa.
Đối với cộng sản Việt Nam bây giờ, nếu họ phủ nhận công hàm này, không công nhận công hàm này thì họ phải công nhận tính chính danh của thể chế Việt Nam Cộng Hòa.”
Điều này từng được Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói đến từ năm 2017 với báo chí trong nước rằng, về pháp lý quốc tế cũng như về mặt lịch sử, Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị rất hiển nhiên không thể chối cãi.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-do-people-think-about-the-situation-of-the-sea-and-islands-today-dt-04242020150110.html

Vì sao chủ yếu quan chức về hưu lên tiếng

khi Trung Quốc gây hấn?

Trong bốn tháng đầu năm 2020, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những hành động khiêu khích nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông, khiến tình hình tại vùng biển đang tranh chấp này thêm căng thẳng.
Truyền thông Trung Quốc vào ngày 5/3/2020 đồng loạt đăng Báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) nói rằng có tổng cộng 311 tàu cá Việt Nam đã xâm nhập vào khu vực nội địa gần đảo Hải Nam, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vào tháng 2, với mục đích đánh bắt cá và làm gián điệp bất hợp pháp.
Và tiếp đến là Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, nhưng lại cho rằng tàu cá Việt Nam tự đụng vào tàu Trung Quốc.
Vào ngày 18/04/2020, Trung Quốc thông báo thành lập hai quận thuộc “thành phố Tam Sa”, đó là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa), hai quần đảo mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Mỗi lần Trung Quốc gây hấn, như thường lệ các phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại cho phát đi phát lại cái mà nhiều người trong nước ví như ‘đoạn băng rè’ phản đối hành động của Trung Quốc và tuyên bố vùng biển đó thuộc chủ quyền Việt Nam…
Trong khi đó những vị quan chức về hưu có những phát biểu khá mạnh mẽ. Như Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cho rằng Nhà cầm quyền Trung Quốc từ xưa đến nay là “bậc thầy” về lợi dụng thời thế. Ông này lên án Trung Quốc lợi dụng cả thế giới đang lo chống dịch Covid-19 để gây hấn, đâm chìm tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, bắt tám ngư dân Việt Nam.
Hay như ông Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng cũng có bài lên án Trung Quốc, cảnh báo Bắc Kinh về hành động sai trái của họ.
Tiếng nói của họ khi không còn giữ chức vụ, nhất là những chức vụ cao cấp trong hệ thống chính trị Việt Nam, thì những phân tích đó không đại diện cho quan điểm của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.
-Đinh Kim Phúc

Vì sao chỉ quan chức Việt Nam về hưu mới dám lên tiếng phản đối Trung Quốc?
Trả lời RFA hôm 24 tháng 4 năm 2020 liên quan vấn đề này, Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, nói:
“Phản ứng trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông, cũng như phân tích âm mưu chiến lược của Trung Quốc đối với biển Đông, đối với Việt Nam cũng như khu vựa Đông Nam Á, thì toàn xuất hiện những quan chức, mà đứng trước tên các quan chức đó toàn là chữ ‘nguyên’ với chữ ‘cựu’… Chúng ta biết rằng, các quy định của đảng cộng sản Việt Nam trong nội bộ, có 19 quy định mà đảng viên không được làm, đó là nói những vấn đề trái quan điểm, đường lối của đảng cộng sản Việt Nam. Những vị này khi phát ngôn, vẫn phân tích được những âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc, nhưng tiếng nói của họ khi không còn giữ chức vụ, nhất là những chức vụ cao cấp trong hệ thống chính trị Việt Nam, thì những phân tích đó không đại diện cho quan điểm của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.”
Chính vì vậy theo Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, không thấy có một vị cán bộ đương chức nào, dám đứng lên phân tích, hay tố cáo các hành động hiện nay của Trung Quốc trên biển Đông, mà toàn các vị về hưu, các vị không giữ chức vụ nữa, đó là một vấn đề thực tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với RFA hôm 23/4, cho rằng:
“Tôi nghĩa chuyện ấy cũng là bình thường, trong phản ứng đối với những hành động của TQ, thì cần phải có sự phân công lao động giữa các tầng lớp khác nhau, và chúng tôi cũng đấu tranh rất mạnh mẽ. Về mặt chính thức, ông Trọng, ông Phúc nói là khó, Bộ trưởng ngoại giao nói là khó… người ta phải để người phát ngôn của Bộ ngoại giao, để cho tướng tá về hưu nói. Chúng tôi cũng rất muốn là để cho xã hội dân sự lên tiếng một cách mạnh mẽ. Đó là sự phân công lao động mà ở đâu cũng thế.”
Trước đó, khi phát biểu tại phiên họp Quốc hội hồi tháng 10 năm 2019, Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chỉ gọi là “nước ngoài” chứ không nêu đích danh “Trung Quốc” khi đề cập đến tình hình biển đảo bị xâm phạm chủ quyền ở thời điểm đó.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng, ở Việt Nam có những vấn đề cảm thấy khó hiểu, một mặt Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên bố phải kiên quyết và khéo léo trong vấn đề biển Đông, nhưng mặt khác lại rất dè dặt và ngại đụng chạm khi nhắc đến tên Trung Quốc. Ông nói tiếp:
“Thông thường giới quân đội phải là giới lên tiếng mạnh mẽ nhất, nhưng dường như thời gian qua những tướng quân đội lại phát biểu rất nhẹ nhàng. Tôi không hiểu những bước đi của Việt Nam như thế nào cũng như chính sách của Việt Nam ra sao? Nó cho thấy cho thấy chính sách của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông thiếu sự nhất quán.”
Trong khi đó vào ngày 22/4/2020, báo chí do nhà nước kiểm soát đồng loạt có bài viết với tựa đề “Người dân kịch liệt phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, nội dung viết về việc người dân bày tỏ sự bất bình và kịch liệt phản đối hành động phi lý của Trung Quốc khi ngang nhiên thành lập khu Tây Sa và Nam Sa.
Trên thực tế, khi người dân thật sự phản đối Trung Quốc bằng cách mặt áo, đeo khẩu trang NoU phản đối bản đồ hình lưỡi bò của Trung Quốc thì bị công an sách nhiễu bắt bớ.
Đã gần 10 năm, chuyện áo NoU từ 2011 đến giờ, rồi chuyện khẩu trang NoU cũng bị công an ngăn chặn, bỏ tù. Nó thể hiện rất rõ, phơi bày bộ mặt thật của họ mà thôi.
-TS Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhận định:
“Chuyện họ lạm dụng từ ngữ thì cổ như lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam, không có gì là lạ. Lúc nào họ cũng nói nhân dân… nhưng không có một khảo sát nào cả. Họ lạm dụng từ nhân dân, công an nhân dân, cái nào cũng nhân dân. Ví dụ ông thủ tướng vừa nói gì, thì sau chưa được nửa ngày, cái loa của hệ thống đã ầm ỉ kêu lên là nhân dân nhiệt tình ủng hộ… họ chuyên môn lạm dụng những từ ngữ như vậy. Việc họ trấn áp những người lên tiếng, ví dụ đến giờ đã gần 10 năm, chuyện áo NoU từ 2011 đến giờ, rồi chuyện khẩu trang NoU cũng bị công an ngăn chặn, bỏ tù. Nó thể hiện rất rõ, phơi bày bộ mặt thật của họ mà thôi.”
Không chỉ gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc mới đây sau khi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 đến vùng biển VN, cũng đã đưa tàu này đến gần khu vực Malaysia thăm dò dầu khí, cho tàu cá với sự tháp tùng của tàu hải cảnh đánh cá ở vùng biển Natuna của Indonesia. Trong khi các nước Đông Nam Á đang tập trung mọi nguồn lực chống dịch Covid-19, Bắc Kinh lại tiếp tục có những hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông, khiến tình hình tại vùng biển đang tranh chấp này thêm căng thẳng.
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, nhận định:
“Trong 4 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hành động khiêu khích trên biển Đông, bằng cách tố cáo Việt Nam đưa tàu đánh cá uy hiếp đảo Hải Nam, uy hiếp căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Hải Nam. Và tiếp đến là đụng tàu cá Việt Nam, rồi gởi công hàm đến Ủy ban ranh giới Liên Hiệp Quốc để tố cáo những hành động của Việt Nam, của Philippines, Malaysia… Nhìn chung Đông Nam Á đang đứng trước một miệng hố của ranh giới chiến tranh, nhưng nếu phân tích kỹ những gì xảy ra trên thực địa thì chúng ta thấy những cơ sở để dấn đến một cuộc chiến tranh, dù là chiến tranh cục bộ trên biển Đông, thì chưa đủ điều kiện.”
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cho biết thêm, hiện nay rất nhiều người phân tích âm mưu thủ đoạn tình hình trên biển Đông, nhưng ông chưa thấy bất cứ một chuyên gia trong và ngoài nước nào, đưa ra kịch bản trên biển Đông ít nhất là trong năm 2020. Ông cho biết những kịch bản này:
“Kịch bản thứ nhất, nếu TQ lợi dụng Việt Nam và các nước, đặc biệt là các siêu cường đang lo chống trả đại dịch covid-19, họ tiến hành một cuộc chiến tranh cục bộ trên biển Đông, để đánh chiếm hết những gì còn lại trên quần đảo Trường Sa, để đặt thế giới vào sự việc đã rồi, tuy họ là nước thường trực của Hội đồng bảo an LHQ, là siêu cường kinh tế và quân sự. Khả năng thứ hai, TQ cũng tiến hành chiến tranh cục bộ trên biển Đông từ 4 đến 8 tuần thì các cường quốc trên thế giới sẽ phản ứng như thế nào? Thứ ba, nếu có cuộc chiến tranh tổng lực trên biển đông nhằm phân chia lại Đông Nam Á giữa Mỹ và TQ thì có dẫn đến một cuộc chiến tranh khu vực hay chiến tranh thế giới lần thứ 3 hay không?”
Theo Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, đó là những kịch bản cần nêu ra, vì nếu  không chuẩn bị những kịch bản đánh giá tình hình thực tế, thì sẽ không giải quyết được vấn đề ở Đông Nam Á, ở Biển Đông, không cảnh giác cho thế giới thấy được những âm mưu thủ đoạn ‘thâm độc’ của Trung Quốc hiện nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-are-only-retired-officials-speaking-when-china-gets-aggressive-04242020130719.html

Việt Nam giao thiệp với Trung Quốc,

khẳng định lập trường nhất quán về Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 23-4 cho biết đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những hành động hung hăng và khiêu khích ở Biển Đông. Sau khi đâm chìm một tàu cá Việt Nam, Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập chính quyền quản lý Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngoài ra, Bắc Kinh ngày 19-4 cũng công bố “tên chuẩn và tọa độ của 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông”, vốn dĩ đa số nằm ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong diễn biến tương tự, Trung Quốc cũng có động thái gửi công hàm khác lên Liên Hiệp Quốc tiếp tục xuyên tạc chủ quyền Biển Đông, đáp lại công hàm khẳng định chủ quyền chính nghĩa của Việt Nam ngày 30-3.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 23-4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết việc Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc là việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Ngô Toàn Thắng nêu: “Trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm, yêu sách phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không phù hợp với luật pháp quốc tế, cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, ngày 30-3-2020 vừa qua, Việt Nam đã lưu hành công hàm tại Liên Hiệp Quốc để bác bỏ các yêu sách này, như đã được nêu trong nhiều văn bản tại Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế liên quan.
Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc.
Ngày 10-4-2020, Việt Nam lưu hành công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông của các nước liên quan khác. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền tại vùng biển của mình ở Biển Đông, được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982. Mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 19-4 đã ra phản ứng chính thức sau khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập các quận “Tây Sa” và quận “Nam Sa” thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, tương ứng tên gọi dành cho Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Việt Nam ở Biển Đông.
Trong thông cáo tối 19-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Trước đây, năm 2012, Trung Quốc cũng trắng trợn thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, để quản lý các khu vực gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi Bacclesfield và bãi cạn Scarborough.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/34327-viet-nam-giao-thiep-voi-trung-quoc-khang-dinh-lap-truong-nhat-quan-ve-bien-dong.html

Facebook nhắc khéo điều gì?

Tuấn Khanh
Cuộc va chạm giữa nhà cầm quyền Việt Nam và tập đoàn Facebook đã khiến bật ra một số điều thú vị. Theo tin từ Reuters, suốt trong 7 tháng, kể từ cuối năm 2019, phía các nhà mạng của Việt Nam cùng phối hợp gây khó cho Facebook ở Việt Nam, làm cho trang này liên tục trở thành dạng offline, khiến cập nhật và theo dõi rất khó khăn. Dĩ nhiên, đây không thể là một cuộc hợp tác tự phát, mà chắc chắn là phải từ lệnh và chiến dịch phát đi từ ông Lê Mạnh Hùng, hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chuyện này được xác nhận bởi bà Amy Sawitta Lefevre – Quản lý chính sách truyền thông của Facebook, và bà xác nhận việc Hà Nội có đưa ra cụ thể danh sách các trang và bài cần phải được chận, vốn bị coi là gây khó chịu riêng với nhà cầm quyền, nhưng lại nằm trong quyền tự do ngôn luận của người dân.
Còn nhớ, vào khoảng trung tuần tháng Tư/2020, đột nhiên bản đồ Facebook không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi sự sau đó, được dàn xếp và coi là lỗi kỹ thuật. Ngay sau đó, Facebook chuyền tin cho Reuters cho biết tình trạng kiểm duyệt ở Việt Nam. Rồi hôm nay, tức một tuần sau sự việc, Facebook ở Việt Nam đã bắt đầu dịu đi tình trạng khó truy cập. Có hay không, sự đáp trả im lặng bằng kỹ thuật số giữa Việt Nam và Facebook? Dĩ nhiên, đó là tùy vào suy nghĩ riêng của người đọc.
Thông điệp cũng nhắc rằng bài bị chận, bị xóa ở Việt Nam, nhưng vẫn đọc thấy ở các quốc gia khác. Tức Facebook, bằng cách nào đó, đã nhắc đến việc cần sử dụng VPN (virtual private network).
Nhưng không chỉ vậy, Facebook còn để lại một thông điệp ẩn của bà Amy Sawitta Lefevre – Quản lý chính sách truyền thông của Facebook – rằng cần lưu ý là mặc dù những nội dung này đã bị chặn ở Việt Nam, nhưng nó vẫn có thể được xem ở các quốc gia khác trên thế giới. Tức Facebook nắm giữ một công cụ phân phối thông tin theo IP định vị từng địa phương. Chẳng hạn, Hoàng Sa và Trường Sa có thể hiển thị ở nhiều nước, trừ Trung Quốc, nhưng cũng có thể chỉ còn duy nhất hiển thị ở Việt Nam, tùy theo ứng xử của Hà Nội với Facebook.
Thông điệp cũng nhắc rằng bài bị chận, bị xóa ở Việt Nam, nhưng vẫn đọc thấy ở các quốc gia khác. Tức Facebook, bằng cách nào đó, đã nhắc đến việc cần sử dụng VPN (virtual private network).
VPN (*) là gì? Nói nhanh, vắn tắt, đó là một công cụ mã hóa, giúp bạn đi bằng đường hầm bí mật, thoát qua hệ thống kiểm duyệt ở Việt Nam, giấu tung tích của mình để là một người tự do và ẩn danh.
Chắc nhiều người đọc sẽ hỏi những loại nhu liệu này hợp pháp hay không? Xin nói rõ, đây là một thủ thuật tin học hợp pháp và được sử dụng trên toàn thế giới, để bảo vệ chính mình theo quyền bảo vệ riêng tư, cũng như bảo vệ chính bản thân mình trong thế giới có quá nhiều bất cập, đặc biệt từ các quốc gia độc tài.
Trong bối cảnh luật an ninh mạng, và nghị định 15/2020 luôn có những cáo buộc mơ hồ, việc sử dụng VPN đang là một giải pháp tối cần thiết cho từng người Việt Nam. Với mức thuê bao thấp nhất là 10.000 đồng hay 20.000 đồng Việt Nam, mỗi ngày, bạn có thể được bảo vệ an toàn nhất bởi các công ty độc lập và kinh nghiệm ở thế giới tự do, chống lại sự theo dõi, loại bỏ các kiểu thu thập thông tin về bạn. Hơn nữa, bạn có thể xem được mọi thông tin bị kiểm duyệt, và thậm chí là truy cập nhanh hơn.
Nếu không, chọn một VPN miễn phí, đổi quảng cáo, quyền lợi tối thiểu cho điện thoại thông minh như Open VPN connect hoặc Free VPN Proxy cũng có thể đem lại những tiện lợi này.
Ở Trung Quốc, mặc dù bị ngăn cản bằng đủ các hệ thống tối tân nhưng hàng trăm triệu người Trung Quốc vẫn sử dụng được Youtube, Google, Facebook, Twitter… bởi qua VPN.
Tương tự như cách làm với các nhà mạng quốc tế khác, Bắc Kinh cấm tất cả những công ty VPN nào không đặt máy chủ ở Trung Quốc (Việt Nam ắt sớm muộn gì cũng vậy), và xóa các ứng dụng gây khó chịu như vậy trên Appstore hoặc Google Play. Nhưng điều đó, chỉ tạo thêm sự thách thức đối với các nhà cung cấp, thông qua việc cài đặt trực tiếp bằng apk hay ipa(*), có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Và dù Trung Quốc tốn hàng trăm tỉ nhân dân tệ để chận lại, vẫn có những VPN hàng đầu (NordVPN, ExpressVPN, CyberGhost…) cứ trơ trơ và mở cửa, giúp người dân Trung Quốc tìm đến thế giới tự do trên không gian ảo.
Thông điệp của Facebook để lại khá rõ cho người Việt, về một cánh cửa phụ vào không gian tự do. Dĩ nhiên đó cũng là một cách chạy chữa của tập đoàn này trước việc phải thỏa hiệp và kiểm duyệt với nhà cầm quyền trong việc tấn công vào tự do ngôn luận ở Việt Nam. Nhưng dẫu sao, cách nhắc khéo này, cũng giúp cho người dân Việt Nam một lựa chọn.
————-
(*) VPN tạo một đường hầm bảo mật, được mã hóa, an toàn qua Internet giữa máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng của bạn và bất kỳ trang web hoặc ứng dụng nào bạn đang cố truy cập.
Điều này được thực hiện bằng cách chuyển hướng kết nối của bạn thông qua máy chủ VPN ở một quốc gia khác, chuyển đổi danh tính, cho thấy bạn xuất hiện trên một trang web hoặc qua ứng dụng, là bạn chỉ là một khách truy cập khác của địa phương, khác nơi bạn đang ở.
Bạn trở nên ẩn danh một cách hiệu quả khi địa chỉ IP của bạn (danh số xác định kết nối trực tuyến trên thiết bị của bạn với nhà mạng mà bạn thuê bao) được thay thế bằng địa chỉ của máy chủ VPN đưa ra, dĩ nhiên là bất định và không có thật.
Tất cả những gì bạn cần, là một ứng dụng VPN trên thiết bị của bạn hoặc chọn loại miễn phí, và tốt hơn nữa mua hoặc thuê bao với giá cả phải chăng. Các VPN tốt nhất hoạt động trên máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại thông minh và máy tính bảng – thậm chí là Smart TV, với sự hỗ trợ của cáp ethernet hoặc dongle Chromecast.
Khi bạn muốn che giấu vị trí thực tế của mình, chỉ cần khởi chạy ứng dụng VPN, chọn quốc gia mà bạn muốn kết nối rồi chuyển qua sử dụng trình duyệt của bạn và bất kỳ ứng dụng nào như bạn thường làm. VPN sẽ là người che chắn cho bạn.
Dưới đây là danh sách những VPN miễn phí và trả tiền tốt nhất 2020, theo bình chọn của VPN Mentor https://bit.ly/3eWyUpk
(*) Các file cài đặt riêng, phải tải về trên android hoặc ios, không cần qua các trang tập trung ứng dụng như appstore hay google play.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-does-facebook-hint-about-04242020123544.html

Nỗi lo từ cuộc cãi vã

về tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng

Từ Nguyên Trực
Thời gian vừa qua, biển Đông liên tục “dậy sóng” bởi các hành động hung hăng nối tiếp hung hăng của Trung Cộng. Trung Cộng vẫn đang thể hiện là một “tay chơi” kiên nhẫn và đầy mưu mẹo. Những vấn đề nội bộ của Trung Cộng cũng nóng bỏng khi quốc gia này đang đối mặt với những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội từ trong nước đến ngoài nước. Trong bối cảnh đó, tung ra vài chiêu tại biển Đông là dư luận cả thế giới im bặt vì đã dồn hết chú ý vào đó.
Sự kháng cự của các quốc gia ASEAN có lúc tưởng chừng như vô vọng, nhưng lại được “bơm” bởi một số tuyên bố khích lệ từ các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ. Dư luận Việt Nam đang nức lòng khi lần đầu được thấy tận mắt các Công hàm của Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc phản đối các lập luận của Trung Cộng. Tuy nhiên, niềm hưng phấn ấy không giữ được lâu.
Ngày 17/4/2020, Trung Cộng tung một Công hàm nhiều ý nghĩa khác nhau cho Việt Nam. Một số chuyên gia lo lắng khi nhận được tín hiệu đe doạ sử dụng vũ lực từ Trung Cộng. Ngoài ra, cũng có chuyên gia nhận thấy rằng, trong Công hàm này, Trung Cộng lại tiếp tục đưa một “cái áo mới” là Tứ Sa chồng lên ái áo cũ “đường lưỡi bò” cho lập luận hòng chiếm cả biển Đông của Trung Cộng.
Nhưng dư luận Việt Nam dửng dưng trước điều đó, mà tất cả lại đổ dồn về một vấn đề khác. Đó là việc Trung Cộng lại tiếp tục khơi lại luận điểm Việt Nam đã chính thức công nhận chủ quyền của Trung Cộng tại Tây Sa (Tức Hoàng Sa) và Nam Sa (Tức Trường Sa) thông qua cái mà Trung Cộng gọi là “Công hàm năm 1958” do ông Phạm Văn Đồng – Thủ tướng Việt Nam khi đó ký tên trực tiếp.
Những tranh luận ồn ào về văn bản này lại được dịp bùng lên. Và rất nhanh, như mọi cuộc tranh luận khác, cuộc tranh luận đã nhanh chóng trở thành một cuộc cãi vã. Là cãi vã bởi vì, chẳng ai muốn nghe ai, chẳng ai đếm xỉa gì đến lập luận, mà chỉ cố gắng tìm cách thể hiện. và áp chế quan điểm của riêng mình, còn ai nghe hay không mặc kệ.
Cãi vã đầu tiên là liên quan đến tên gọi của văn bản này. Phía Trung Cộng gọi nó là Công hàm ( Tiếng Anh gọi Công hàm là Notes hoặc Công hàm ngoại giao: Notes Verbales), Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc trong một số văn bản gửi lên Liên Hợp Quốc gọi nó là Thư (Tiếng Anh: Letters). Một số người khác thì gọi nó là Công thư, hàm ý là một thư của Chính phủ, khác với thư của cá nhân.
Cãi vã thứ hai và nhiều nhất là việc nội dung văn bản này có ràng buộc Việt Nam như phía Trung Cộng tuyên bố là đã cấu thành sự công nhận chính thức của phía Việt Nam với chủ quyền của Trung Cộng trên hai quần đảo này. Một số học giả Việt Nam ở trong nước và hải ngoại ra sức phân tích rằng, văn bản này không hẳn đã khiến Việt Nam “thua trắng” nếu ra Toà án quốc tế phân xử.
Tuy vậy, cuộc cãi vã vẫn bùng lên và chưa đến hồi lắng dịu. Trong bài này, tác giả không tập trung vào phân tích tính pháp lý của văn bản vì nhiều người đã trình bày. Và ngay trong nhiều văn bản chính thức của Phái đoàn Thường trực Việt Nam gửi lên Liên Hợp Quốc cũng thể hiện những nội dung đó rồi.
Một số luật gia trẻ tuổi thấy bùng lên cơ hội muốn thể hiện khả năng bản thân, thông qua việc phản biện và phê phán các lập luận trước đã đưa ra để “trấn an” công luận. Một số nhà nghiên cứu khác cũng lên tiếng chê bai ông Phạm Văn Đồng, ý muốn nói rằng “đáng đời thằng bán nước”. Cá biệt có nhà nghiên cứu còn cho rằng, tất cả những lập luận bảo vệ Việt Nam như vậy, ông ta đã thấy trước và chỉ có cách theo lập luận của ông ta mà thôi.
Điều rất ngạc nhiên của người viết khi chứng kiến cuộc cãi vã “kinh khiếp” này. Cũng sẽ có người nói rằng, với tinh thần khoa học thì phải mổ xẻ điểm yếu, điểm mạnh của mỗi bên, để có được những sức mạnh pháp lý cần thiết. Thế nhưng, nếu nói về khoa học, có mấy người nào chịu khó đọc tất cả các lập luận của các bên để đưa ra một cái nhìn khách quan, nhiều chiều nhưng phải được đặt trên tổng thể các lập luận đó. Xin nhắc rằng, lập luận về chủ quyền của mỗi bên đều là một tập hợp nhiều luận điểm khác nhau, được hỗ trợ bởi nhiều luận cứ và các bằng chứng lịch sử pháp lý, thế nhưng dường như dư luận Việt Nam, kể cả một số người được cho là nhà nghiên cứu, vẫn chỉ nhìn vào một luận điểm duy nhất với tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng, vậy thì điều đó có thực sự đã có cái nhìn khoa học? Nếu chỉ nhìn vào một phần mà không nhìn vào tổng thể thì có khác gì “thầy bói mù sờ voi”. Vậy thì làm sao mà đã có thể khẳng định được mạnh yếu trong lập luận của mỗi bên?
Cuộc cãi vã này nếu chấm dứt thì kẻ thắng duy nhất lại là Trung Cộng. Chỉ một đòn “đàn chỉ thần công” này thôi đã hạ gục bao nhiêu sự hả hê của dư luận Việt Nam chỉ mới được hân hoan vài ngày trước đó.
Nếu các luật gia, nhà nghiên cứu người Việt đang ra sức cãi vã trên Facebook chịu khó tìm hiểu kỹ, thì tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng chỉ là một trong vài “tuyên bố” gây ra một vài sự bất lợi cho phía Việt Nam mà thôi. Tôi ví dụ nhé, còn tuyên bố của Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm năm 1953, Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Việt Nam năm 1965. Thế nhưng, Trung Cộng thích nhất và hay xài nhất chính là tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng, cho dù, tuyên bố này mù mờ hơn rất nhiều và chưa chắc đã có pháp lý mạnh hơn so với tuyên bố của ông Ung Văn Khiêm và của Bộ Ngoại Giao năm 1965.
Vấn đề cần phải nói trong câu chuyện biển Đông hôm nay, không chỉ là chủ quyền của ai? Cái mà Việt Nam có nhiều bằng chứng chủ quyền nhất là Hoàng Sa thì giờ Trung Cộng đã nắm trọn. Lấy lại Hoàng Sa trước một Trung Cộng đầy xảo quyệt và gian manh thì chỉ có thể sử dụng “gươm súng”, vì thế vẫn còn là một tương lai xa vời vợi, cho dù chúng ta vẫn biết rằng chỉ còn 1% hy vọng, chúng ta vẫn phải luôn kiên trì đeo đuổi.
Về Trường Sa thì Việt Nam thông tin chính thức cho biết là đang nắm giữ 21 thực thể, trong đó có 9 “đảo nổi”, 12 “đảo chìm”, tổng cộng là 33 điểm đóng quân. Trong vấn đề chủ quyền tại Trường Sa thì giả dụ, nếu điều tệ hại nhất xảy ra là tất cả các lập luận chủ quyền của Việt Nam bị “vô hiệu” thì theo nguyên tắc “chiếm hữu theo thời hiệu” trong luật quốc tế, được nhắc lại trong Án lệ Pedra Branca năm 2008 thì ai đang giữ cái gì sẽ được tiếp tục giữ cái đó như Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) đã phán xử trong Vụ Pedra Branca. Cho dù Malaysia kế thừa chủ quyền từ Tiểu vương Johor, đã thực thi chủ quyền sớm nhất trên Pedra Branca, tuy nhiên vì Singapore đang chiếm hữu nó trong thực tế, chiếm hữu bằng biện pháp hoà bình, nên Singapore được ICJ trao quyền tiếp tục sở hữu Pedra Branca.
Với tình hình hiện nay, Việt Nam “giữ lại những gì mình đang có” đã là đầy khó khăn, chứ giấc mơ “lấy lại những gì đã mất”, thu hồi lại Hoàng Sa và toàn bộ Trường Sa, sẽ là câu chuyện của một tương lai xa vời.
Điều cấp bách đáng nói hơn cả vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa ở đây là việc Trung Quốc đang xâm chiếm gần hết vùng biển của Việt Nam, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là những vùng biển mà Việt Nam đương nhiên có quyền hưởng trong việc thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng này. Các tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, băng cháy, các loại hải sản, các tuyến vận tải biển… trên các vùng này phải thuộc về Việt Nam. Thế nhưng, mọi người đang thấy đó, Trung Quốc ngày trước vẽ ra tấm áo “dơ dáy” là “đường lưỡi bò”, bây giờ lại khoác lên tấm áo “Tứ Sa” hòng che đậy cho dã tâm chiếm đoạt các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, vấn đề vùng biển này lại nằm trong quy định của Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (Gọi tắt tiếng Anh là UNCLOS). Và nhờ có UNCLOS, Việt Nam mới có lý do để đòi hỏi các vùng biển của chúng ta, chứ nếu không, chắc chúng ta có khi đã trở thành “nước không có biển” như anh bạn Lào vậy.
Vì thế, nếu giấc mơ nghiên cứu biển Đông với những vấn đề thực sự ảnh hưởng tới tương lai đất nước, thì có bao nhiêu việc phải làm, phải nghiên cứu. Người viết luôn ủng hộ các tranh luận khoa học để tìm ra các lập luận mới bảo vệ đất nước, nhưng cần nghiên cứu và tìm hiểu một cách thật sự khoa học, tránh rơi vào cuộc cãi vã triền miên không có lối thoát. Và trong lúc chúng ta đang cãi vã, thì kẻ thù đang từ từ gặm nhấm biển của chúng ta.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/worries-arising-from-argument-about-pham-van-dong-letter-to-china-04242020113658.html

Ai sẽ vào ‘tứ trụ’ tại Đại hội Đảng 2021?

Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức Năm năm một lần, nó được ví như một ngọn hải đăng của hệ thống chính trị một Đảng tại Việt Nam. Mỗi lần Đại hội, Đảng lại nỗ lực “trình làng” một thế hệ lãnh đạo mới chất lượng mang đậm hàm ý “đổi mới”. Kể từ những ngày đầu năm trước Đại Hội cho đến những Hội nghị Trung ương cuối cùng trước khi “chốt” các nhân vật ở tầng cao nhất, chủ đề nhân sự luôn sôi động, thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Có thể còn quá sớm để đưa ra các nhận định hay dự đoán về giàn lãnh đạo chủ chốt mới tại Đại hội Đảng XIII, (dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021). Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta có thể dựa trên các dữ liệu “cứng” như các quy định “thành văn” được Đảng ban hành về lựa chọn nhân sự, cấu trúc hệ thống lựa chọn từ trên xuống theo truyền thống vẫn còn ổn định, và cuối cùng là các quy ước “bất thành văn” để đưa ra những phân tích, phán đoán cơ bản.
Không thể phủ nhận rằng các Đại hội kể từ hai thập niên trở lại đây sự dân chủ trong Đảng đã được gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt đối với vấn đề chuẩn bị nhân sự chủ chốt cho mỗi kì Đại hội. Các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn về các vị trí nhân sự chủ chốt của Đảng được ban hành chi tiết. Các thông tin về nhân sự chủ chốt, quy trình bỏ phiếu đều được công khai tối đa. Đó sẽ là những yếu tố quan trọng để các phân tích và phán đoán trở nên chất lượng hơn.
Bộ Chính trị và ba nhóm thế hệ
Bộ chính trị Đại hội khóa XII có 19 người nhưng hiện nay chỉ còn 16 Ủy viên làm việc. Theo các quy định về độ tuổi, chúng tôi tạm thời chia làm ba nhóm.
Nhóm thứ Nhất là những người quá tuổi tái cử Ủy viên Bộ Chính trị theo quy định, và phải rời vị trí sau Đại hội XIII (trên 65 tuổi vào ngày bầu cử Đại hội), tạm gọi là nhóm “Bộ Tám” bao gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước và 7 người sinh vào những năm 1953, 1954, 1955. Cụ thể, nhóm này gồm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (SN 1944), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (SN 1954), bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội (SN 1954), ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư, (SN 1953), bà Tòng Thị Phóng, phó Chủ tịch thường trực Quốc hội (SN 1954), ông Trương Hòa Bình Phó Thủ tướng thường trực (SN 1955), ông Ngô Xuân Lịch Bộ trưởng Quốc phòng (1954), và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP HCM (SN 1953).
Như vậy “Bộ Tám” về nguyên tắc sẽ không tái cử Đại hội khóa XIII (chiếm 50% số lượng Ủy viên Bộ chính trị hiện nay) tương đối phù hợp với nguyên tắc kế cận.
Nhóm thứ Hai gồm Sáu Ủy viên Bộ Chính trị, là nhóm theo quy định được cơ cấu tái cử, (dưới 65 tuổi vào ngày bầu cử Đại hội XIII) sinh vào các năm 1957, 1958, 1959 tạm gọi là nhóm “Bộ Sáu”. Cụ thể bao gồm, ông Phạm Minh Chính, trưởng ban Tổ chức TƯ (SN 1958), bà Trương Thị Mai, trưởng ban Dân vận (SN 1958), ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao (SN 1959), ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ (SN 1957), ông Tô Lâm Bộ trưởng Công an (SN 1957), ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội (SN 1959).
Nhóm thứ Ba là nhóm sinh từ năm 1961 trở về sau, tạm gọi là “Nhóm 2026”, tức là nhóm không những tái cử ở nhiệm kì Đại hội XIII, mà còn đủ tuổi để tái cử vào nhiệm kì Đại hội XIV (2026), bao gồm hai ông là Võ Văn Thưởng trưởng ban Tuyên giáo TƯ (SN 1970) và ông Nguyễn Văn Bình, (SN 1961) trưởng ban Kinh tế TƯ.
Ai sẽ là Tổng Bí thư?
Trong trường hợp Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không tái cử Đại hội XIII, chúng ta bắt đầu tiến hành “diễn dịch” của Quy định 90-QĐ/TW về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lí” được ban hành ngày 4.8.2017. Đoạn quy định chức danh Tổng Bí thư ngoài các tiêu chí chung có một điều kiện đặc biệt, ứng cử viên phải “có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Trong các phiên họp của Ban chấp hành TƯ hiện nay ngoài Tổng Bí thư chỉ có Ba chức danh là Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và Thường trực Ban bí thư được phép ngồi Chủ tọa và điều hành phiên họp.
Trong lịch sử và theo truyền thống kể từ thời Tổng bí thư Lê Duẩn tại Đại hội VI (1986), các nhân vật phải nắm giữ vị trí từ Thường trực ban bí thư trở lên cho đến các vị trí cao nhất mới có khả năng kế cận trở thành Tổng bí Thư.
Cụ thể ở đây, tại Đại hội VI (1986) là ông Nguyễn Văn Linh, trước đó ông là Thường trực Ban bí thư, Đại hội VII (1991) ông Đỗ Mười, trước đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Thủ tướng hiện nay), Đại hội VIII (1996) ông Đỗ Mười tiếp tục tái cử. Tại Hội nghị TƯ tháng 12/1997, Ban Chấp hành T.Ư đã bầu ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, ông Lê Khả Phiêu lúc đó là Thường Vụ Bộ chính trị, một trong bốn vị trí cao nhất, sau Tổng bí thư Đỗ Mười. Đại hội IX (2001), là ông Nông Đức Mạnh, trước đó ông là Chủ tịch Quốc hội, Đại hội X (2006) ông Nông Đức Mạnh tiếp tục tái cử. Đại hội XI (2011) là ông Nguyễn Phú Trọng, ông lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, Đại hội XII (2016), ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái cử.
Với Quy định về chức danh Tổng Bí thư, và theo lịch sử lựa chọn các vị trí quyền lực nhất từ trên xuống được “truyền thống hóa” kể từ thời Tổng bí thư Lê Duẩn, thì hiện nay các ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, và ông Trần Quốc Vượng hiện sẽ có nhiều lợi thế.
Tuy nhiên trong ba người, thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân có vẻ như không được truyền thống hay lịch sử “ưu ái”, vì trong lịch sử cũng như theo truyền thống Đảng chưa có Tổng bí thư nào là nữ. Ngoài ra Tổng bí thư qua tất cả các thời kì cũng đều là người miền Trung và miền Bắc.
Xét trên nhưng quy ước bất thành văn đó thì hiện nay mọi cặp mắt đang đổ dồn về bộ đôi hai ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Quốc Vượng.
Với các tiêu chí, “đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định), cho thấy việc quy định ứng cử viên Tổng Bí thư phải “đi địa phương” hay tham gia trọn một nhiệm kì Bộ Chính trị đã không còn “cứng” như trước.
Nhóm “Tứ trụ” và ẩn số “miền Nam”
Việc Đảng chưa có chủ tương nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, nên đến Đại hội XIII, khả năng cao chúng ta lại chứng kiến sự quay lại của cấu trúc bốn chức danh chủ chốt (thường gọi là “Tứ trụ”).
Vậy những ai có khả năng tiến đến những chiếc ghế còn lại trong “Tứ trụ” bao gồm Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.
Quy định 90-QĐ/TW đối với chức danh Chủ tịch Nước đều có các tiêu chí chung cụ thể bao gồm uy tín (được hiểu là không bị các kỉ luật về Đảng, hoạc mức độ tín nhiệm cao trong Bộ chính trị đã được bỏ phiếu), năng lực nổi trội, lĩnh vực công tác. Nếu “áp” các tiêu chí chung cho nhóm “Bộ Sáu”, và “nhóm 2026” thì cả 8 vị trí tái của Bộ chính trị đều có cơ hội ngang nhau. Tuy nhiên theo tiêu chí của chức danh này là “kinh qua và nổi trội trong các lĩnh vực công tác an ninh, đối ngoại, tư pháp..,” thì ba ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, ông Tô Lâm Bộ Trưởng Công an, và ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức TƯ sẽ có lợi thế hơn.
Đối với chức danh Thủ tướng, ngoài các tiêu chí chung, theo lịch sử và truyền thống tất cả các Thủ tướng hay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (trước đây) kể từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều trưởng thành từ Phó Thủ tướng. Đó là các ông Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc. Điều này thể hiện tiêu chí cho việc chọn lựa nhân sự Thủ tướng đặt yếu tố “kinh nghiệm trong điều hành bộ máy Hành pháp” lên hàng đầu.
Như vậy các lợi thế sẽ thuộc về các Phó thủ tướng hiện nay, ông Trương Hòa Bình, ông Phạm Bình Minh, và ông Vương Đình Huệ. Hai ông Trịnh Đình Dũng và ông Vũ Đức Đam không tham gia Bộ Chính trị.
Trong Ba Phó thủ tướng thì ông Trương Hòa Bình sinh năm 1955 thì hiện nay không đủ tiêu chuẩn tuổi để tái cử Bộ Chính trị, và về lĩnh vực phụ trách ông cũng chuyên trách về mảng nội chính, tư pháp. Ông Phạm Bình Minh chủ yếu phụ trách lĩnh vực đối ngoại. Ông Vương Đình Huệ, nếu xét về tiêu chí thứ ba trong quy định chức danh Thủ tướng là cần “có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế – xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế,” thì có vẻ như là người có nhiều lợi thế nhất.
Cuối cùng là chức danh Chủ tịch Quốc hội, cả hai nhóm “Bộ Sáu” và “nhóm 2026” gồm Tám Ủy viên Bộ Chính trị có thể tái cử đều có cơ hội như nhau để tiến đến chức danh đứng đầu cơ quan Lập pháp này. Tuy nhiên nếu theo tiêu chí của chức danh Chủ tịch Quốc hội như “có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật…” thì bà Trương Thị Mai (SN 1958), Trưởng ban Dân Vận hiện nay đang có lợi thế hơn cả.
Bà Mai, từng là Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề của Xã hội của Quốc hội, và cũng là Ủy viên Thường vụ Quốc hội hai khóa liền từ 2007-2016.
Bà Mai hiện cũng là một trong Ba người có thâm niên tham gia Ban chấp hành TƯ chính thức lâu nhất (Ba khóa, từ Đại hội X, 2006) trong số “bộ Tám tái cử” cùng với hai người còn lại là ông Hoàng Trung Hải tham gia ban chấp hành TƯ Bốn khóa, từ Đại hội IX (2001) ông Vương Đình Huệ từ Đại hội X (2006).
Bà là đại biểu Quốc hội có thâm niên cao nhất trong nhóm “Bộ Tám” Ủy viên Bộ Chính trị có khả năng tái cử hiện nay. Nếu không có gì thay đổi Bà sẽ tham gia làm Đại biểu Quốc hội ít nhất trọn 24 năm (kể từ năm 1997 cho đến Đại hội 2021) là người tham gia sinh hoạt nghị trường hơn hai thập kỉ liên tục.

Cuối cùng cần nói thêm một truyền thống “bất thành văn” có tính chất vùng miền khó có thể bỏ qua đó là kể từ sau năm 1975, Bốn vị trí cao nhất chưa bao giờ vắng mặt một nhân vật đến từ Miền Nam. Bộ Chính trị khóa XII hiện nay có Bốn nhân vật đến từ Miền Nam bao gồm bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Bến Tre), ông Nguyễn Thiện Nhân (Trà Vinh), ông Trương Hòa Bình (Long An), ông Võ Văn Thưởng (Vĩnh Long).
Tuy nhiên trong Bốn nhân vật trên theo quy định bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Trương Hòa Bình đã quá tuổi tái cử Bộ Chính trị. Nhân vật miền Nam theo quy định đủ tuổi tái cử là ông Võ Văn Thưởng (SN 1970), Trưởng ban Tuyên giáo TƯ trưởng thành khá trẻ, ông sinh năm 1970. Vì vậy việc “Tứ trụ” khóa XIII có “cơ cấu cứng” một nhân vật đến từ Miền Nam hay không vẫn còn là một ẩn số lớn.
Nhóm “ngoài Tứ Trụ”
Theo nguyên tắc đến hết Khóa này số lượng Ủy viên Bộ Chính trị vẫn có thể được bổ sung để đạt trở lại con số 19 như Đại hội XII đã bầu. Nếu số lượng Ủy viên Bộ Chính trị trở lại con số 19 thì các vị trị
“Tứ trụ” được dự kiến cho Đại hội XIII như phân tích ở trên theo chúng tôi không bị ảnh hưởng. Nó chỉ ảnh hưởng đối với vị trí của nhóm ở dưới, nhóm “Bộ Tám” tái cử.
Đối với vị trí Thường trực Ban Bí thư, cơ hội cũng chia đều cho nhóm “Bộ Tám” Ủy viên Bộ chính trị tái cử. Tuy nhiên các nhân vật đang điều hành công tác Đảng hiện nay được chú ý hơn bao gồm các ông Phạm Minh Chính, bà Trương Thị Mai, ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Văn Bình.
Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, nếu ông Ngô Xuân Lịch không tái cử, theo truyền thống kế cận sẽ là một nhân vật đến từ lực lượng vũ trang là Bộ Quốc phòng. Hiện nay trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư chỉ có ông Lương Cường (SN 1957) Bí thư TƯ Đảng, công tác tại Bộ Quốc phòng, ông là Đại tướng, và là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Những người ủng hộ ông đương nhiên là muốn một kịch bản lặp lại như ở Đại hội XI, lúc đó ông Ngô Xuân Lịch cũng là Bí thư TƯ Đảng và là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Vị trí Bộ trưởng Ngoại giao nếu ông Phạm Bình Minh rời đi để tiến đến một vị trí cao hơn sau hai nhiệm kì chúng ta sẽ có Tân bộ trưởng Ngoại giao. Nhân vật này theo truyền thống Bộ trưởng sẽ là người từ Bộ này, người hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp. Duy nhất trong quá khứ tại Đại hội X (2006), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm từ Chính phủ sang kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, do lúc đó Bộ này khủng hoảng nhân sự (chỉ bầu được một Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương, đó là Thứ trưởng Phạm Bình Minh). Bộ Ngoại giao hiện có hai thứ trưởng là Bùi Thanh Sơn và Lê Hoài Trung đều là Trung ương Ủy viên.
Các vị trí còn lại như các Trưởng các ban Đảng bao gồm, Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận, Kinh tế, các Bộ trưởng Công an, Bí thứ Hà Nội, TP HCM theo chúng tôi vẫn còn là ẩn số cho đến khi cấu trúc các vị trí chủ chốt bên trên ổn định.
Theo nguyên tắc việc cơ cấu các Ủy viên Bộ chính trị để bầu tại Đại hội thường nhắm vào các chức danh cụ thể, ngược lại các chức danh đó phải được cơ cấu “cứng” là Ủy viên Bộ chính trị nắm. Như vậy hai Bí thư TƯ Đảng hiện nay là ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lí luận TƯ, và ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ hiện nay đang có nhiều lợi thế để “ngồi vào” chiếc ghế Ủy viên Bộ chính trị kế tiếp. Vì thường hai vị trí này theo truyền thống đều được cơ cấu “cứng” phải là Ủy viên Bộ Chính trị nắm.
“Khoảng trống 6X”
Trong số 23 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư hiện nay, chỉ có ba nhân vật sinh ở thế hệ 6X đó là ông Nguyễn Văn Bình Ủy viên Bộ Chính trị (1961), ông Trần Cẩm Tú, Bí thư TƯ Đảng (1961), và ông Trần Thanh Mẫn Bí thư TƯ Đảng (1962).
Điều đặc biệt lưu ý đó là hiện trong Bộ Chính trị chỉ có một nhân vật duy nhất ở thế hệ 6X đó là ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961, điều đó cho thấy đang có một khoảng trống thế hệ cho nhóm lãnh đạo thế hệ 6X, hay sự thiếu vắng những lãnh đạo chủ chốt thế hệ 6X.
Điều đó dẫn đến việc Đại hội XIV (2026) một thế hệ lãnh đạo “6X,7X” nhiệm kì Bộ Chính trị Ban Bí thư Khóa này nếu được tái cử chỉ còn Bốn nhân vật là các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, Trần Cẩm Tú và Trần Thanh Mẫn. Đó là một tỉ lệ kế cận 6X khá khiêm tốn.
Do vậy chúng tôi nhận định tại Đại hội XIII chủ yếu sẽ là sự bổ sung “thế hệ tuổi từ giữa cho đến cuối 6X” cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư để đảm bảo vững chắc nguyên tắc kế thừa các thế hệ lãnh đạo.
Theo như phân tích trên đây cùng với truyền thống thâm niên và kế thừa lãnh đạo nếu không có gì thay đổi, các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, ông Trần Cẩm Tú, và Trần Thanh Mẫn, sẽ tiến đến những vị trị cao nhất trong hệ thống quyền lực tại Đại hội XIV (2026).
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/34347-ai-se-vao-tu-tru-tai-dai-hoi-dang-2021.html

Mèo đen bị chế biến

thành thuốc chống coronavirus ở Việt Nam

Các nhà hoạt động vì quyền động vật phản đối tình trạng những con mèo đen bị giết hại và chế biến để bán như một loại thuốc chữa trị coronavirus tại Việt Nam.
Tờ New York Post, vào ngày 24/4 dẫn thông tin từ Sáng hội “No to Dog Meat” (tạm dịch “Không ăn Thịt chó) cho South West News Service biết những con mèo đen bị nhúng vào nước sôi, lột da và bị nấu thành cao để bán như một loại thuốc chữa bệnh coronavirus tại Việt Nam.
Sáng lập viên Julia de Cadenet của “No to Dog Meat” mô tả lại những gì bà xem được qua một clip video. Đồng thời, bà cho biết tình trạng này diễn ra ở Hà Nội, và thậm chí được rao bán trên mạng trực tuyến.
Bà Julia de Cadenet nói rằng mọi người trên khắp thế giới đang rất sợ hãi đối với dịch bệnh coronavirus, nhưng không thể nào bào chữa được cho hành động dã man khủng khiếp của những người Việt Nam giết mèo như thế.
Đại diện của Sáng hội “No to Dog Meat” còn nhấn mạnh không có bằng chứng nào cho thấy ăn thịt mèo có thể chữa được bệnh coronavirus, và dù cho có chữa trị được chăng nữa thì hành vi độc ác vô nhân tính của những người ăn thịt mèo là không thể chấp nhận được.
Nhà vận động cho quyền động vật này cũng đã nêu cảnh báo ra với Anh và Liên Hiệp Quốc rằng việc chế biến thịt không vệ sinh, như buôn bán thịt chó và mèo, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Sáng hội “No To Dog Meat”, trụ sở chính tại Anh, công khai nhiệm vụ của họ là đấu tranh chống nạn giết mổ chó, mèo để lấy thịt.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/black-cats-turn-into-paste-sold-as-coronavirus-remedy-in-vietnam-04242020141639.html

Gần 5 triệu lao động Việt Nam

bị mất việc trong mùa dịch coronavirus 19

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 24 tháng 4 năm 2020 loan tin, theo dữ kiện của cơ quan Thống kê Cộng sản Việt Nam, tính đến giữa tháng 4 năm 2020, Việt Nam có gần 5 triệu người mất việc, và bị giảm việc làm do ảnh hưởng của dịch coronavirus.
Đây là kết quả điều tra của cơ quan Thống kê tại 131,000 công ty trên cả nước, cùng với báo cáo của 59 tỉnh, thành. Và con số này chưa phản ánh hết được thực tế, vì trong thời gian qua có nhiều người đi xuất cảng lao động ở ngoại quốc cũng bị mất việc phải trở về.
Ông Phạm Quang Vinh, phó trưởng cơ quan Thống kê cho biết, có khoảng 84.8% công ty được khảo sát trả lời họ đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Còn trong 4 tháng qua, có 67% các công ty đã phải cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ luân phiên, nghỉ không lương, và giảm lương.
Bà Vũ Thị Thuỷ, vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động cho biết, tình hình lao động việc làm ở Việt Nam có nhiều biến động. Ngoài ra, việc các nước đang thực hiện phong toả, không nhận lao động ngoại quốc trong đó có Việt Nam cũng khiến cho thị trường việc làm của Việt Nam thêm bế tắc, vì nhiều năm trở lại đây, hàng trăm ngàn người Việt luôn xem con đường đi xuất cảng lao động ở ngoại quốc là một giải pháp tối ưu để thoát nghèo.
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc ngân hàng Nhà nước Cộng sản chi nhánh Sài Gòn cho biết, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong tháng 3 giảm 8% do ảnh hưởng của dịch. Đặc biệt là có nơi giảm mạnh đến 50% từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Canada.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/gan-5-trieu-lao-dong-viet-nam-bi-mat-viec-trong-mua-dich-coronavirus-19/

Gỡ phong toả, đối mặt nhiều bất thường

Nguyễn Hà Hùng
Trước ngày Hà Nội gỡ bỏ “cách ly xã hội” cả tuần, hàng xóm rổn rảng, tay bắt, mặt mừng. Dịch chưa hết, nguy cơ virus biến thể, khắp nơi đã hô vang chiến thắng. Còn rất nhiều vấn đề lớn, đỉnh dịch có thể còn ở phía trước. Phải mất nhiều tháng, nếu quản lý tốt, mới quay về trạng thái bình thường. Mở cửa trở lại sẽ đối mặt nhiều bất thường, dấn thân, chấp nhận rủi ro và ưu tiên khắc nghiệt hơn.
Dấn thân nhiều hơn
Làm việc, học tập, sinh hoạt trong dịch bệnh là chẳng tiếc thân, ném mình vào rủi ro. Con người đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Họ phải tiếp xúc gần, tiếp xúc nhiều lần, thời gian dài với nhiều người, nhưng không biết cần tránh những ai. Nhận dạng được người có khả năng lây nhiễm không dễ dàng. Bệnh chưa có thuốc chữa, bệnh viện không đủ máy thở, phải xét nghiệm nhiều lần.
Để không bị mất việc, người làm nhiều khi phải chấp nhận những điều khoản ngặt nghèo mà trước đây họ không đồng ý. Để “theo kịp chương trình”, học trò và phụ huynh có thể phải chấp nhận thêm thiệt thòi mà trước đây họ không bằng lòng. Nguy cơ ốm bệnh và lây sang gia đình, cộng đồng gia tăng. Với mức sống của đa số người Việt Nam, tránh lây nhiễm cho người nhà vô cùng khó khăn.
Chấp nhận rủi ro cao hơn
Không được lựa chọn không gian, không được rút ngắn thời gian, không phải khó khăn lớn nhất. Vấn đề trước tiên là người làm, học sinh, người dân có bao nhiêu khẩu trang. Họ cần được thay đổi thường xuyên và tối đa bốn tiếng một lần. Chưa thấy kế hoạch khẩu trang của chính phủ. Ai đảm bảo họ vẫn được hưởng lương và không phải làm việc trong điều kiện mất vệ sinh? Thiếu nhiều thông tin căn bản.
Chưa có tiêu chuẩn trường học an toàn chống dịch nào được trưng cầu ý kiến phụ huynh và học sinh. Chưa rõ ai, mức độ chịu trách nhiệm, nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Bảo hiểm sức khỏe có thể chỉ là kỷ niệm của người quá cố. Rốt cuộc, người yếu thế hầu hết phải chấp nhận. Sao vội mừng đến thế? Có lẽ, sinh tồn trong nghèo đói và toàn trị khuyến khích lối sống “giản dị”, không cần biết và không quan tâm mình có những quyền gì.
Ưu tiên khắc nghiệt hơn
Trong phạm vi gia đình, khó nhất là quyết định cho trẻ em đến trường. Phụ huynh phải lựa chọn cho con “theo kịp chương trình” hoặc ở nhà. Những người không “theo chủ trương chung”, nếu là thiểu số, gần như chắc chắn không tránh được sự công kích, thậm chí lăng nhục. Ở Việt Nam, dư luận là bầy đàn có xuất xứ, sẵn sàng xé xác. Ở trong nhà mình hóa ra cũng không dễ.
Đối với xã hội, người nghèo sẽ khó khăn hơn. Vì sẽ có nhiều người nghèo hơn. Nguồn lực của xã hội chia sẻ cho người nghèo (nếu có) vốn đã ít, lại càng teo tóp. Người nghèo và những người “cận nghèo” có xu hướng mạo hiểm hơn và trở nên liều lĩnh hơn. Một tất yếu của khủng hoảng, mật đã ít nay lại ít hơn, ruồi vốn đông nay còn đông gấp bội. Đừng nghĩ khó khăn không ảnh hưởng đến mình.
Bất luận sang – hèn, con người ra quyết định dựa vào các giá trị họ coi là quan trọng, niềm tin họ tôn thờ. Bố mẹ coi hạnh phúc của con quan trọng hơn của mình, liệu có sẵn sàng đương đầu với chỉ trích của đám đông? Người nghèo có cơ hội lên tiếng? Sẽ có những đánh đổi, hạ thấp mục tiêu, giành giật khốc liệt và bấp bênh hơn trước. “Chắc chắn” là một giá trị hiếm hoi không có gì chắn chắn và mong manh hơn bất cứ lúc nào.
Chẳng có ai muốn bệnh tật, thiếu đói và diễn biến bất thường. Nỗ lực vượt qua khủng hoảng cũng cần thái độ tích cực, tinh thần lạc quan. Nhưng trước hết, phải thu thập đủ thông tin, căn cứ vững chắc, các kết luận chuyên môn và trải nghiệm thực tiễn. Diễn biến bất thường, hoàn cảnh khó khăn, mâu thuẫn lợi ích, quan điểm sống… đòi hỏi những đôi mắt mở to hơn.
Khó khăn dồn con người vào tình thế bắt buộc phải dấn thân, chấp nhận rủi ro, các ưu tiên khắc nghiệt. Thoát khỏi tình trạng phong tỏa tuy là một tín hiệu tích cực, nhưng chưa thể coi đó là chiến thắng COVID-19. Không thể sinh hoạt như ngày thường. Đã bất chấp khoảng cách giao tiếp an toàn, tiếp xúc bừa bãi, lại còn hô khẩu hiệu là mơ ngủ đấy.
Đừng nghe “Ru mãi ngàn năm”*. Dở lắm!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/social-disancing-removed-risks-remain-04242020120801.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.