Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 25/04/2020

Saturday, April 25, 2020 4:11:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 25/04/2020

Tàu TQ bị tố nhắm pháo vào chiến hạm Philippines trên Biển Đông

Bộ Tư lệnh miền Tây của Philippines hôm 23.4 lên án Trung Quốc có hành động thù địch và vi phạm luật quốc tế khi hệ thống kiểm soát pháo của khinh hạm Trung Quốc nhắm vào khinh hạm Philippines trên Biển Đông.
Theo thông cáo của Bộ Tư lệnh miền tây Philippines (Wescom), trong lúc khinh hạm BRP Conrado Yap tuần tra gần một nhóm thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 17.2, thủy thủ đoàn phát hiện “có sự tương tác radar” của một tàu chiến màu xám trong khu vực.
Khinh hạm Conrado Yap lập tức ra cảnh báo qua vô tuyến và khi đó tàu đối phương ngang nhiên đáp lại: “Chính phủ Trung Quốc có chủ quyền đối với Biển Đông, các đảo và vùng biển lân cận”, theo trang tin The Rappler dẫn lại thông báo từ Wescom.
Thủy thủ đoàn tàu Conrado Yap lặp lại cảnh báo đối với tàu chiến Trung Quốc, nhưng tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra phản ứng như trên. Thủy thủ tàu Conrado Yap xác định tàu chiến Trung Quốc là chiếc khinh hạm mang số hiệu 514.
Sau đó, thủy thủ tàu Conrado Yap “quan sát thấy” hệ thống kiểm soát pháo của khinh hạm 514 nhắm về phía họ. “Hệ thống kiểm soát pháo này có thể được dùng để chỉ định và theo dõi mục tiêu và điều khiển tất cả pháo chính trên tàu sẵn sàng khai hỏa trong vòng một giây”, Wescom khẳng định. Sau đó, khinh hạm của hai bên tiếp tục hành trình mà không gây ra sự cố nào.
Dù Conrado Yap không có hệ thống hỗ trợ điện tử để xác định hệ thống kiểm soát pháo của khinh hạm 514 nhắm vào chiến hạm Philippines, “việc xác định bằng mắt khẳng định ý đồ thù địch này”, theo thông cáo từ Wescom. Thông cáo còn nhấn mạnh đó là “hành động thù địch của phía chính phủ Trung Quốc”.
Nhà phân tích quân sự Antonio Custodio, cựu cố vấn của Hội đồng An ninh quốc gia Philippines, nhận định hành động trên có thể bị xem như tàu chiến Trung Quốc xem tàu Philippines là mục tiêu và điều này “không thể chấp nhận trong thông lệ quân sự chung vì đó là hành động thù địch có thể dẫn tới tính toán sai lầm rồi căng thẳng leo thang và cuối cùng là xung đột”.
Wescom công bố chi tiết về vụ khinh hạm Trung Quốc nhắm pháo vào tàu chiến Philippines một ngày sau khi Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cho hay Manila gửi công hàm phản đối về “việc chĩa pháo có radar dẫn bắn vào tàu hải quân Philippines”, nhưng ông không cung cấp chi tiết về vụ việc.
Vụ việc ngày 17.2 là một trong những hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông. The Rappler nhắc lại vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 2.4. Đến ngày 18.4, chính phủ Trung Quốc ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để lần lượt kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trước những hành động này, chính phủ Việt Nam luôn kiên quyết khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu hôm 19.4: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới”.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó, và không có những việc làm tương tự trong tương lai”, bà Hằng nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, ngày 3.4, đại diện Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

Mỹ điều tàu chiến răn đe TQ trên Biển Đông:

Hoan nghênh Mỹ thực thi pháp luật trên biển

Sau khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Malaysia, Mỹ đã đưa ra tuyên bố lên án, chỉ trích hành động trên, đồng thời điều tàu chiến đến vùng biển này để cảnh cáo Bắc Kinh.
Theo thông tin trên, sau khi tàu Hải Dương 8, một tàu nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc, đã được phát hiện hoạt động gần một tàu thăm dò do công ty dầu khí Petronas của Malaysia điều hành, Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng “hành vi bắt nạt” tại vùng biển tranh chấp, do lo ngại về các hành động khiêu khích của Bắc Kinh cản trở sự phát triển dầu khí ngoài khơi Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ (18/4) đã ra tuyên bố: “Mỹ lo ngại trước các thông tin về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của các bên tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc nên chấm dứt thói bắt nạt của mình và kiềm chế các hành động khiêu khích, gây bất ổn như vậy”.
Ngay sau đó, Mỹ đã điều 02 tàu chiến đến hoạt động trong vùng biển này nhằm cảnh cáo và răn đe các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Hoa Kỳ Nicole Schwegman (20/4) cho biết, “tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai và đang hoạt động ở Biển Đông”, khẳng định “thông qua sự hiện diện hoạt động liên tục của chúng tôi ở Biển Đông, chúng tôi đang làm việc… để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, và các nguyên tắc quốc tế làm nền tảng cho an ninh và thịnh vượng cho Ấn Độ
- Thái Bình Dương”, nhấn mạnh “Mỹ ủng hộ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác để xác định lợi ích kinh tế của chính họ”. Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Fred Kacher, tư lệnh Nhóm tấn công viễn chinh USS America, xác nhận lực lượng của ông có giáp mặt với lực lượng hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong tuần này và mọi sự tương tác diễn ra an toàn và chuyên nghiệp.
Bà Schwegman không nói rõ vị trí chính xác của các tàu chiến nhưng các nguồn tin an ninh của Reuters cho biết chúng ở gần tàu Hải Dương Địa Chất 8 và tàu khoan West Capella do Petronas vận hành. Theo đó, tàu đổ bộ tấn công USS America (19/4) xuất hiện cách bãi Vũng Mây khoảng 35 hải lý về phía Tây Bắc và cách tàu khoan West Capella do Malaysia vận hành ở vùng chồng lấn thềm lục địa khoảng 100 hải lý về phía Bắc. Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu USS America đang lao nhanh về phía Nam.
Bên cạnh đó, trang USNI News thuộc Học viện Hải quân Mỹ cho biết ngoài USS America, hai tàu tác chiến ven bờ USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords (luân phiên triển khai đến Singapore) cũng đang có mặt ở Biển Đông. Trong khi đó, Dịch vụ Phổ biến Thông tin Quốc phòng Trực quan (DVIDS), thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 19/4 cũng đăng tải nhiều hình ảnh tàu đổ bộ USS America tiến hành diễn tập bay cho các đơn vị F-35B, MV-22 Osprey và thủy quân lục chiến với chú thích vị trí hoạt động tại Biển Đông. USS America là “soái hạm” của Nhóm Tác chiến Viễn chinh America, thuộc Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 31, đang hoạt động trong khu vực chịu trách nhiệm của Hạm đội 7. Nhiệm vụ của tàu là thúc đẩy năng lực tương tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực, “đóng vai trò lực lượng sẵn sàng ứng phó để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Trung Quốc thời gian qua thực hiện hàng loạt hành vi sai trái nhằm củng cố cho yêu sách chủ quyền phi lý. Nước này ngày 18/4 thông báo thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trực thuộc “thành phố Tam Sa”, một ngày sau còn công bố danh sách tên những thực thể trên Biển Đông do họ tự tiện đặt ra. Liên quan vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (19/4) tuyên bố: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.
Ngoài ra, về việc Mỹ tăng cường hiện diện, tuần tra, tập trận ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định “với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và một quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phù hợp với UNCLOS 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý liên quan; thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”; đồng thời nhấn mạnh “duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực. Các quốc gia cần có trách nhiệm đóng góp một cách xây dựng và tích cực vào mục tiêu chung này, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.

‘Tứ giác kim cương’ quay lại Biển Đông?

Trung Quốc đã hành xử ngang ngược ở Biển Đông và các điểm nóng chính trị khác trong giai đoạn này, và điều này khiến Bắc Kinh có nguy cơ đối đầu với cộng đồng quốc tế.
Hai đồng minh của Mỹ lần lượt là Nhật và Úc đã bắn tín hiệu đáng chú ý. Bộ Quốc phòng Úc ngày 22-4 xác nhận một tàu hộ vệ của nước này đã tham gia tập trận với 3 tàu chiến Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi bày tỏ quan ngại về chuyện Trung Quốc tự tiện thành lập chính quyền quản lý Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nó gợi lại những suy nghĩ về “tứ giác kim cương” (QUAD) Mỹ – Nhật – Ấn – Úc, được cho là bộ tứ an ninh để kiềm tỏa sức ảnh hưởng và các hành động ngày càng lộng hành của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Úc, Nhật lên tiếng
Thông báo của phía Úc được đưa ra một ngày sau khi Hải quân Mỹ xác nhận hai tàu chiến của nước này đã hoạt động ở Biển Đông, gồm tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill.
Nguồn tin của Reuters nói các tàu Mỹ đã ở gần khu vực tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đang hoạt động, tức cũng gần địa điểm hoạt động của tàu khoan West Capella do công ty dầu mỏ quốc doanh của Malaysia Petronas vận hành.
Theo lời Bộ Quốc phòng Úc, “trong vài ngày qua”, tàu hộ vệ HMAS Parramatta lớp ANZAC đã tập trận cùng USS America, USS Bunker Hill và một tàu khác của Mỹ, được biết là USS Barry. Trong tuyên bố gửi Reuters, Bộ Quốc phòng Úc cho biết trong quá trình tập trận, nhóm tàu đã mài giũa khả năng tương tác giữa hải quân Mỹ và Úc, bao gồm tiếp nhiên liệu trên biển, vận hành trên không, thao tác dưới biển, diễn tập liên lạc.
Trong khi đó người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc nói tàu HMAS Parramatta đã tiến hành một đợt triển khai diện rộng xuyên qua khu vực phía nam và đông nam châu Á trong hai tháng gần đây, nhằm củng cố ổn định và an ninh khu vực.
Các chuyên gia quốc phòng cũng tin rằng việc Úc tham gia tập trận hàng hải với tàu Mỹ đã được lên lịch trước đó nhiều tháng. Tuy nhiên Đài ABC (Úc) cũng lưu ý về tính thời điểm của việc công bố này, vì nó diễn ra giữa lúc nhiều nước đang thể hiện mối lo ngại với “việc mở rộng của Trung Quốc trong khu vực”, mà cụ thể là việc tự tiện đặt tên hai đơn vị quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Theo ABC News, bất kể đại dịch do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) đã bắt đầu từ tháng 1, các quan chức Úc vẫn theo sát tình hình trong thời điểm “Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động của mình trên khu vực Biển Đông quan trọng về mặt chiến lược”.
Đài Úc trích dẫn việc Việt Nam trình công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối công hàm tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc hồi đầu tháng 4.
Đi đêm nhiều và… gặp ma?
Một lần nữa, các bản tin nói về hoạt động gây hấn của Trung Quốc tiếp tục nhắc tới yếu tố “đại dịch COVID-19″, phản ánh mối lo ngại của Mỹ về khả năng Bắc Kinh lợi dụng sự chú trọng của các nước vào đại dịch để đẩy nhanh mục tiêu gặt hái lợi ích chính trị trong các vấn đề nóng của thế giới. Và COVID-19 cũng có khả năng sẽ ảnh hưởng tới cục diện quốc tế liên quan tới Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông.
Trong một cuộc điện đàm ngày 21-4 về chủ đề COVID-19, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã phản đối Trung Quốc về chuyện Bắc Kinh đưa tàu qua vùng nước tranh chấp giữa hai nước gần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Hãng Kyodo cho biết Trung Quốc đã 7 lần xâm nhập vào vùng biển do Nhật kiểm soát trong năm nay, và gần nhất là sự hiện diện của 4 tàu Trung Quốc cuối tuần trước.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Motegi trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nêu quan ngại về chuyện Trung Quốc thành lập chính quyền quản lý Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc với những hành động gây hấn và khiêu khích gần đây ở Biển Đông rõ ràng đã khiến Mỹ, Nhật và Úc lên tiếng trực tiếp hoặc gián tiếp.
Tín hiệu về một liên minh “tứ giác kim cương” (QUAD) Mỹ – Nhật – Úc và Ấn Độ do Mỹ dẫn đầu ít nhiều có thể ngăn cản âm mưu bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh cả thế giới đang chống chọi với dịch bệnh.
Ấn Độ chọn cách tiếp cận nào?
Về phần Ấn Độ, báo ThePrint trong tháng này cũng nêu vấn đề về sợi dây liên kết giữa các đồng minh của Mỹ đối với Trung Quốc liên quan tới COVID-19. Trong bài viết ngày 14-4, ThePrint đặt dấu hỏi rằng Mỹ, Nhật và Úc đã chất vấn Trung Quốc về COVID-19, vậy Ấn Độ sẽ chọn cách tiếp cận nào?
Cựu đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Arun Singh cho rằng Ấn Độ không nhất thiết phải dính vào chiến dịch chống lại Trung Quốc đối với vấn đề COVID-19, nhưng chẳng hề gì khi yêu cầu sự minh bạch. Trong khi đó, giáo sư chính trị quốc tế Rajesh Rajagopalan tại ĐH Jawaharlal Nehru khẳng định Ấn Độ nên ủng hộ các đồng minh QUAD để đảm bảo Trung Quốc không đổ lỗi COVID-19 cho những người khác.
Nhìn chung, Ấn Độ lâu nay vẫn giữ cự ly vừa phải với Trung Quốc để cân bằng lợi ích quốc gia. Nhưng nếu Mỹ thành công trong việc thuyết phục rằng Trung Quốc dùng COVID-19 để áp đặt chủ quyền phi pháp cũng như giành lợi thế trong các điểm nóng toàn cầu khác, đại dịch có thể chính là con dao hai lưỡi dành cho Bắc Kinh.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.