Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 01/04/2020

Wednesday, April 1, 2020 6:33:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 01/04/2020

Trump cảnh báo người Mỹ

về cuộc chiến chống Corona đầy ‘đau khổ’

Tổng thống Trump hôm 31/3 cảnh báo người dân Mỹ về hai tuần đầy “đau khổ” sắp tới, trong cuộc chiến chống virus Corona có thể khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, kể cả khi thực hiện nghiêm ngặt biện pháp giãn cách xã hội, theo Reuters.
Hãng tin Anh nói rằng đây là cuộc họp báo dường như cho thấy sự bi quan nhất về tình hình dịch bệnh của Tổng thống Trump, vốn bị chỉ trích vì tìm cách giảm nhẹ tác động của COVID-19 ở Mỹ trong giai đoạn bùng phát ban đầu.
Ông Trump đã kêu gọi người dân Mỹ tuân thủ hướng dẫn, theo đó hạn chế không tụ tập hơn 10 người, làm việc từ nhà và không đi ăn nhà hàng hay tới quán rượu.
“Điều hết sức cần thiết là người dân Mỹ phải tuân thủ các hướng dẫn trong vòng 30 ngày tới. Đây là vấn đề mang tính sống còn”, ông Trump nói.
XEM THÊM:
TT Trump thấy nhiều ‘túi đựng xác’ nạn nhân COVID-19 ở New York
Trong cuộc họp báo, điều phối viên về nỗ lực chống virus Corona của Nhà Trắng, bà Deborah Birx, đã đưa ra các biểu đồ dữ liệu cho thấy sự gia tăng mạnh các ca tử vong vì virus trong những tháng tới, trong khoảng từ 100 tới 240 nghìn người.
Theo Reuters, đây là con số được dự báo dựa trên số người Mỹ tuân thủ các nỗ lực chống virus Corona. Nếu không, con số người chết sẽ lên tới 2,2 triệu người.
Theo Reuters, những con số này đã buộc Tổng thống Trump phải hủy bỏ một dự định mà ông nêu ra tuần trước về việc đưa nền kinh tế Mỹ trở lại hoạt động như bình thường vào ngày 12/4.
Tổng thống Trump nói rằng hai tuần tới sẽ “đầy đau khổ”. Mô hình dữ liệu cho thấy con số tử vong ở khắp nước Mỹ sẽ tăng cao và lên tới mức đỉnh vào khoảng giữa tháng Tư.
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia, nói rằng chính quyền đang nỗ lực hết sức để giảm các con số đó.
Ông Fauci là người đầu tiên đưa ra dự đoán về việc virus Corona có thể làm từ 100 tới 200 nghìn người chết.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%81-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-corona-%C4%91%E1%BA%A7y-%C4%91au-kh%E1%BB%95-/5355043.html

Mỹ – Covid-19:

Donald Trump cảnh báo “hai tuần địa ngục”

Tú Anh
Hoa kỳ chuẩn bị tinh thần đối phó với đợt tử vong chưa từng xảy ra trong thời bình. Trong khi đại dịch Covid-19 chưa lên đến đỉnh, nhưng theo Reuteurs, trong ngày 30/03/2020 có ít nhất 850 người tử vong vì siêu vi Corona, đưa tổng số ca tử vong lên đến 3900 người chết. Bên cạnh đó, có 187.000 ca lây nhiễm. Không giấu tâm trạng bất lực, tổng thống Donald trump cảnh báo: hai tuần lễ tới sẽ vô cùng khủng khiếp.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật:
“Tôi muốn rằng người dân Mỹ chuẩn bị cho những ngày khó khăn sắp đến. Chúng ta sẽ có hai tuần lễ cực kỳ căng thẳng”. Giọng nói của tổng thống rất nghiêm trọng và cho dù có nói đến tia sáng cuối đường hầm, Donald Trump nhấn mạnh : Đó là hai tuần rất là, rất là đen tối.
Tiếp lời tổng thống, bác sĩ Deborah Brix trình bày sơ đồ dự báo của Nhà Trắng : chúng tôi nghĩ rằng sẽ có từ 100.000 đến 200.000 người chết. 
Đường biểu đồ cho thấy nếu biện pháp hạn chế đi lại, tụ tập  không được người Mỹ tôn trọng thì số tử vong có thể lên đến 2 triệu. Tình hình dịch lây lan ở nhiều thành phố như New York, Los Angeles, Chicago, Detroit, Dallas, Houston sẽ vượt tầm kiểm soát.
Donald Trump tự khen là đã làm tất cả để nước Mỹ không rơi vào tình thế xấu nhất theo nghĩa lẽ ra số nạn nhân tại Mỹ đã lên đến 2 triệu nếu không có công lao đóng góp của ông. Tuy nhiên, giọng điệu của chủ nhân Nhà Trắng cũng đã thay đổi triệt để khi báo động : hai hay ba tuần tới sẽ chẳng khác gì địa ngục.”
Kinh tế chao đảo
Theo thống kê Mỹ, trong ba tuần cuối tháng ba được đánh dấu bằng một làn sóng thất nghiệp : 3,3 triệu người ghi tên trợ cấp thất nghiệp, một con số kỷ lục. Xu hướng này sẽ còn tăng thêm nếu dịch vẫn còn.
Hàng không mẫu hạm bị lây nhiễm
Trong khi đó, hàng không mẫu hạm USS Theodor Roosevelt, sau những ngày thăm Đà Nẵng , Việt Nam, bị lây nhiễm siêu vi Corona. Tàu về thả neo ở đảo Guam. Trong bức thư bốn trang, Hạm trưởng  Brett Crozierxin bộ tư lệnh hải quân cho phép di tản một số thủy thủ để cách ly. Tuy nhiên, lời yêu cầu này đã bị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chối với lý do chiến hạm phải “túc trực đề phòng xung đột quân sự” cho dù đang có đại dịch.
Quân y được phái đến tận nơi chăm sóc, theo lời bộ trưởng Esper.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200401-usa-covid-19-donald-trump-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-hai-tu%E1%BA%A7n-%C4%91%E1%BB%8Ba-ng%E1%BB%A5c

Virus corona : Sự thức tỉnh muộn màng của nước Mỹ

Thụy My
Tại Hoa Kỳ, chỉ trong ba ngày qua số người chết do virus corona đã tăng gấp ba, lên đến hơn 4.000 người, trong đó một phần tư là tại New York. Mỹ hiện nay đứng nhất thế giới về số ca nhiễm, với hơn 188.000 trường hợp (tính đến ngày 01/04/2020), và vượt qua Trung Quốc về con số tử vong mà Bắc Kinh đưa ra (4.059/3.312). Vì đâu nên nỗi ?
Nguợc dòng thời gian, Le Figaro cho biết chỉ mới đây thôi, ngày 28/2, số ca dương tính với Covid-19 trên toàn nước Mỹ chỉ mới ở con số 15. Trong số những người bị nhiễm, có 12 người vừa mới ở ổ dịch Vũ Hán về. Người đầu tiên, một thanh niên khoảng 30 tuổi, được xác nhận dương tính hôm 21/1 tại bang Washington. Những người thân của anh này được đặt trong vòng giám sát, cũng như các bệnh nhân dương tính khác. Vào lúc đó, chỉ có ba trường hợp người tại chỗ bị lây nhiễm.
Nếu so với Ý, đã có đến 900 bệnh nhân và mười mấy thành phố bị cô lập, tình hình của Hoa Kỳ có vẻ không đáng lo ngại. Nhưng một nhà vi trùng học cảnh báo : con virus, lây từ người sang người và rất khó phát hiện nơi những người đã bị nhiễm nhưng không phát sinh triệu chứng, đang âm thầm tấn công. Diễn biến sau đó cho thấy họ có lý.
Chỉ một tháng sau, với 188.578 ca dương tính, nước Mỹ đã trở thành tâm dịch virus corona lớn nhất. Theo bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng, đại dịch này có thể làm cho từ 100.000 đến 200.000 người chết.
Số lượng lớnhành khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ
Nếu nói rằng nước Mỹ bị bất ngờ thì không đúng. Ngay từ ngày 7/1, Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh (CDC) đã lập ra một bộ phận để theo dõi sự tiến triển của con virus từ Vũ Hán. Mười ngày sau, các sân bay ở Los Angeles, New York và San Francisco được tăng cường kiểm soát. Mạng lưới này đóng góp vào việc phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên từ nước ngoài nhập vào.
Nhưng hàng ngày có đến 14.000 hành khách đến từ Trung Quốc, đây là một thử thách rất lớn. Thế nên vài ngày sau khi chế độ Bắc Kinh phong tỏa thành phố Vũ Hán, tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cấm các hành khách từ Vũ Hán đặt chân vào lãnh thổ nước Mỹ. Các công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ từ tâm dịch về vẫn được nhập cảnh, nhưng phải bị cách ly nghiêm ngặt. Cứ như là có thể chận được con virus ở biên giới.
Trên đất Mỹ, các nỗ lực phát hiện Covid-19 gặp trắc trở. Nhờ con virus đã được giải Mỹ, CDC đã có thể xét nghiệm từ ngày 20/1, nhưng bộ kit giao cho các phòng thí nghiệm được chứng nhận bị lỗi. Về phía Cơ quan quản lý dược phẩm (FDA) phản đối việc thương mại hóa bộ xét nghiệm do các bệnh viện hay công ty tư nhân đưa ra.
Kết quả là hệ thống y tế bị quá tải, và cường quốc số một thế giới rốt cuộc cũng cùng số phận với Ý, Pháp, Tây Ban Nha, không thể theo dõi sát sự lan tràn của con virus độc hại. Bác sĩ Anthony Fauci sau đó nhìn nhận trước Quốc Hội : « Hệ thống y tế không thực sự được trang bị cho nhu cầu hiện nay, đây là một thất bại ».
Tin xấu từ vùng ngoại ô Seattle
Cho đến giữa tháng Hai, chỉ có 460 người được xét nghiệm. Theo tính toán sau này của các nhà vi trùng học, lúc đó đã có khoảng mấy trăm người dương tính nhưng không có triệu chứng đang tự do di chuyển tại Hoa Kỳ. Nhưng phải đợi đến khi xảy ra những trường hợp tử vong đầu tiên, sự thật mới bắt đầu hiển hiện.
Benjamin Linas, giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở Boston University School of Medicine tóm lược : « Chúng ta đã mất đi một tháng, và lỡ mất dịp may quý giá để chận không cho dịch bệnh lan tràn. Khi nghiên cứu về dịch bệnh sau này, phản ứng của CDC và FDA chỉ có thể mô tả là một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử y tế cộng đồng ».
Ngày 28/2, tại Kirkland, ngoại ô Seattle, tin xấu đã xảy ra. Con virus từ Vũ Hán lan đến bang Washington một tháng trước đó, đã tấn công một phụ nữ 73 tuổi. Bệnh nhân này không hề đi Trung Quốc và cũng không có tiếp xúc nào với những người dương tính. CDC gởi ngay một ê-kíp chuyên về bệnh nhiễm đến viện dưỡng lão nơi bà cụ đang trú ngụ.
Hai tuần sau, bản án đã được tuyên. Qua điều tra, đã phát hiện được 167 ca bị lây nhiễm, trong đó có 101 người là cư dân tại chỗ. Tổng cộng có 34 người trong số này qua đời vì con virus độc hại. Đối với chính quyền địa phương, đây là dấu hiệu tỉnh thức. Nhân viên các viện dưỡng lão từ nay phải khám bệnh toàn diện, và các cuộc thăm viếng tạm thời bị cấm. Những cuộc tụ họp bị hạn chế, trường học đóng cửa, số ca dương tính bị phát hiện giờ đây lên đến hàng ngàn.
Sau nhiều tuần lễ trên thực địa, CDC nay có thể thực hiện việc xét nghiệm ở quy mô lớn. Số lượng người bị phát hiện dương tính cứ mỗi hai ngày lại tăng gấp đôi, vòng ảnh hưởng của đại dịch nay hiện rõ. Trên bản đồ được cập nhật sát sao của trường đại học John-Hopkins giờ đây chi chít những điểm đỏ, người Mỹ nhận ra rằng không tiểu bang nào thoát được con virus từ Vũ Hán. Tổng thống Donald Trump ban đầu tỏ ra khinh suất, nay phải công nhận tình hình là nghiêm trọng. Nhưng ý thức được thì đã quá trễ.
Lễ hội Mardi gras ở Louisiana
Cuối tháng Hai, hàng trăm ngàn người vô tư tập trung tại trung tâm thành phố New Orleans để mừng lễ hội Mardi gras. Với trên 3.300 ca dương tính và 151 người chết trong vòng ba tuần, Louisiana có tiến độ lây nhiễm kỷ lục.
Tại Florida, thống đốc Cộng Hòa không muốn cấm các cuộc tụ họp của « spring breaker » (sinh viên các bãi biển của tiểu bang này trong kỳ nghỉ mùa xuân), dù con virus đang lan tràn nhanh chóng, và tuổi trung bình của cư dân khá cao. Carl Bergstrom, giáo sư sinh học của trường đại học Washington tiếc nuối : « Sự thay đổi ý kiến của Nhà Trắng và thái độ trống đánh xuôi kèn thổi ngược của nhiều cơ quan y tế đã khiến người dân nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp được đưa ra, làm ảnh hưởng đến các thống đốc. Họ do dự không muốn áp đặt các biện pháp hạn chế vì gây mất lòng dân ».
Theo một cuộc thăm dò vào giữa tháng Ba của đài phát thanh công NPR, có 76% cử tri Dân Chủ coi con virus từ Vũ Hán là « mối đe dọa thực sự », tỉ lệ này đối với cử tri Cộng Hòa chỉ có 40%. Cũng theo giáo sư Bergstrom : « Đối với các chuyên gia từ nhiều năm qua đã chuẩn bị đối phó với một tình hình như thế, rất đáng tiếc là lời nói của các nhà khoa học không được tin tưởng, mà chỉ dựa vào niềm tin chính trị ».
Do chậm trễ hành động, Washington đã để mặc cho các tiểu bang tranh nhau mua thiết bị y tế. Cho đến thứ Hai đầu tuần, khoảng 20 thống đốc vẫn từ chối áp đặt phong tỏa. Giáo sư Carl Bergstrom dự báo : « Đến một lúc nào đó, chúng ta có thể hy vọng rằng việc phong tỏa ở nhiều nơi có thể làm phẳng lại đường cong của dịch bệnh. Nhưng tình hình hiện nay rất đáng lo ngại tại New York, Florida và nhiều tiểu bang nông nghiệp, nơi có cơ sở hạ tầng yếu kém hơn ».
New York im lặng trước cơn bão
Tại New York, ổ dịch lớn nhất với 76.000 ca dương tính và 1.550 người tử vong, thị trưởng Dân Chủ đã trễ tràng trong việc buộc đóng cửa trường học và nhà hàng. Ông giải thích đó là do sợ ảnh hưởng đến những người nghèo. Trong những ngày gần đây, các bệnh viện New York cật lực đối phó với đỉnh dịch. Rất nhiều giường bệnh đã được chuẩn bị tại các trung tâm hội nghị và địa điểm công cộng, nhưng cơ quan y tế lo ngại thiếu thuốc men, khẩu trang và máy thở.
AFP hôm 31/3 ghi nhận những chiếc lều y tế được dựng lên ở Central Park nổi tiếng. Công binh Mỹ sau tám ngày làm việc đã biến trung tâm hội nghị Javits Center ở Manhattan thành bệnh viện dã chiến 3.000 giường để giảm tải, giúp các bệnh viện khác tập trung chữa cho bệnh nhân Covid-19. Cách đó vài con đường, nổi lên giữa các tòa nhà chọc trời là chiếc bóng màu trắng của tàu bệnh viện đồ sộ Comfort, vừa đến hôm thứ Hai 30/3, có 1.000 giường bệnh. Một số địa điểm khác như trung tâm tennis Flushing Meadows ở khu Queens và các khách sạn dự trù tiếp nhận các bệnh nhân dương tính nhưng chưa đến nỗi trầm trọng.
Sau khi tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ trải qua « hai tuần lễ đau đớn », thống đốc New York kêu gọi người dân « không nên kỳ vọng quá nhiều để khỏi phải thất vọng mỗi buổi sáng khi thức dậy ». Tại đô thị chưa bao giờ vắng vẻ và yên tĩnh đến thế, mỗi tối lại nổ ra những tràng pháo tay cổ vũ nhân viên y tế, như đang diễn ra tại nhiều thành phố châu Âu. Khẩu trang hiện diện khắp nơi và các tòa nhà « chưa bao giờ được tẩy trùng kỹ như thế ».
New York hồi hộp đón bão, trận bão lẽ ra sẽ không hoành hành được nếu nước Mỹ thức tỉnh sớm hơn.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200401-virus-corona-s%E1%BB%B1-th%E1%BB%A9c-t%E1%BB%89nh-mu%E1%BB%99n-m%C3%A0ng-c%E1%BB%A7a-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%B9

Tổng thống Trump xem xét việc khuyến khích

người dân đeo khẩu trang nơi công cộng

Vào hôm thứ hai (30 tháng 3), Tổng Thống Donald Trump cho biết ông đang xem xét việc khuyến khích người dân Hoa Kỳ đeo khẩu trang nơi công cộng để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Ý tưởng này được cựu giám đốc của Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Scott Gottlieb nêu ra trong bản kế hoạch các biện pháp chống lại loại virus mới, nhưng nó đi ngược lại với chỉ thị trước đó của chính phủ rằng khẩu trang là không cần thiết.
Tại cuộc họp báo thường nhật, Tổng Thống cho biết chính quyền của ông có thể xem xét áp dụng biện pháp này trong một thời gian ngắn, nhưng cho biết thêm rằng tổng thống chưa thảo luận ý tưởng này với đội đặc nhiệm chống coronavirus. Theo một nguồn thạo tin, ý tưởng này sẽ “được thảo luận một cách nghiêm chỉnh”. Nguồn tin cho biết một vấn đề trong việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang là nguồn cung cấp khẩu trang hiện tại sẽ khó lòng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc người dân sử dụng khẩu trang đồng nghĩa với việc các nhân viên y tế sẽ thiếu nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ quan trọng này.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-xem-xet-viec-khuyen-khich-nguoi-dan-deo-khau-trang-noi-cong-cong/

Quân đội Mỹ sẽ dựng

hàng trăm bệnh viện dã chiến chống Covid-19

Các giới chức Hoa Kỳ đang muốn xây dựng hàng trăm bệnh viện dã chiến trên cả nước để đối phó với hàng ngàn trường hợp nhiễm virus corona mới mỗi ngày sau khi Mỹ trải qua “ngày chết chóc” hôm 30/3 với 575 trường hợp tử vong.
Công binh lục quân Hoa Kỳ, đơn vị đã chuyển đổi một trung tâm hội nghị ở New York thành một bệnh viện với 1.000 giường trong vòng một tuần, hiện đang tìm các khách sạn, ký túc xá, trung tâm hội nghị và những nơi có không gian rộng để xây dựng 341 bệnh viện dã chiến, chỉ huy công binh lục quân cho biết hôm 31/3.
Nói với chương trình “Good Morning America” của kênh ABC News, Trung tướng Todd Semonite cho biết “phạm vi là rất lớn”.
Ông nói: “Hiện tại chúng tôi đang tìm kiếm khoảng 341 cơ sở khác nhau trên khắp nước Mỹ”.
Các ca nhiễm virus ở Hoa Kỳ đã tăng hơn 20.000 trường hợp được xác nhận vào ngày 30/3, gây quá tải các bệnh viện vốn đang cạn kiệt bác sĩ, y tá, thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ.
Số người chết ở Hoa Kỳ đã vượt qua con số 3.000, nhiều hơn số người chết trong các cuộc tấn công vào ngày 11/9 năm 2001, trong khi các ca nhiễm tăng lên hơn 163.000, theo thống kê chính thức của Reuters.
Các quan chức Hoa Kỳ ước tính số người chết có thể lên tới 100.000 đến 200.000 người.
Công binh lục quân Hoa Kỳ đã cùng với các giới chức New York chuyển đổi Trung tâm Hội nghị Jacob Javits thành một cơ sở để điều trị cho bệnh nhân không nhiễm virus corona.
Việc chuyển đổi sẽ giúp giảm áp lực lên các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Ngoài ra, một bệnh viện dã chiến 68 giường cũng đã được khởi sự vào Chủ nhật tại Central Park của Manhattan.
Được hỗ trợ bởi Hệ thống Y tế Mount Sinai và tổ chức phi lợi nhuận Samaritan’s Purse, bệnh viện dã chiến dự kiến sẽ bắt đầu nhận bệnh nhân vào thứ Ba, Reuters dẫn lời Thị trưởng Bill de Blasio cho biết.
Trung tâm hội nghị được chuyển đổi chỉ nằm cách bến tàu một con đường, nơi tàu bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ Comfort vừa cập cảng vào ngày 30/3.
Bệnh viện nổi sẽ tiếp nhận 1.000 bệnh nhân không nhiễm virus corona vào thứ Ba.
Một bệnh viện dã chiến khác ở New York cũng đã được lên kế hoạch xây dựng tại Sân vận động Arthur Ashe, nơi diễn ra giải vô địch quần vợt Mỹ Mở rộng hàng năm.
Thị trưởng de Blasio cho biết các bệnh viện dã chiến được xây dựng nhằm giải phóng tất cả 20.000 giường bệnh trong các bệnh viện của thành phố để dành cho bệnh nhân nhiễm virus corona.
New York hiện vẫn thiếu bác sĩ, y tá, và ông de Blasio đã yêu cầu quân đội Mỹ trợ giúp.
Tại Los Angeles, tàu bệnh viện Mercy, tương tự như tàu Comfort, đã bắt đầu điều trị cho bệnh nhân.
Thống đốc Gavin Newsom cho biết số ca nhập viện vì COVID-19 đã tăng gần gấp đôi trong bốn ngày qua và số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt đã tăng gấp ba lần ở California.
Nhà chức trách ở New Orleans đang thiết lập một bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Hội nghị Ernest N. Morial, địa điểm đã chứa hàng ngàn người tị nạn bão Katrina vào năm 2005, để xử lý một lượng bệnh nhân dự kiến.
Các giới chức y tế Hoa Kỳ đang kêu gọi người dân Mỹ tuân thủ lệnh “ở trong nhà” cho đến cuối tháng 4 để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, có nguồn gốc từ Trung Quốc và đã lây nhiễm cho khoảng 3/4 triệu người trên thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-m%E1%BB%B9-s%E1%BA%BD-d%E1%BB%B1ng-h%C3%A0ng-tr%C4%83m-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-d%C3%A3-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-covid-19/5353890.html

Virus corona: Thuyền trưởng hàng không mẫu hạm

từng ghé Đà Nẵng cầu cứu Lầu năm góc

Thuyền trưởng hàng không mẫu hạm Mỹ với hơn 4.000 thành viên thủy thủ đoàn đã kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp để ngăn chặn sự bùng phát của virus corona trên tàu.
Nhiều người trên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt đã có kết quả dương tính với virus corona. Tàu hiện đang cập cảng tại đảo Guam.
“Chúng ta không phải đang trong thời chiến. Thủy thủ không cần phải hy sinh tính mạng”, Thuyền trưởng Brett Crozier viết trong một lá thư gửi cho Lầu năm góc.
Thuyền trưởng Crozier đề nghị cách ly gần như toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn.
Trong thư Thuyền trưởng Crozier nói rằng với số lượng lớn các thủy thủ sống trong các không gian hạn chế trên tàu sân bay, cách ly các cá nhân bị nhiễm virus corona là không thể.
Sự lây lan của virus corona hiện vẫn đang “tiếp diễn và tăng tốc”, ông cảnh báo, trong lá thư gửi đi ngày 30/3.
“Hành động mang tính quyết định là cần thiết,” ông nói.
“Loại ra phần lớn nhân viên khỏi tàu sân bay hạt nhân được triển khai của Mỹ và cách ly họ trong hai tuần có vẻ như là một biện pháp to lớn. Đây là nguy cơ cấp bách.”
Hiện chưa rõ có bao nhiêu thành viên thủy thủ đoàn trên Theodore Roosevelt nhiễm virus corona. Theo tờ San Francisco, nơi đăng tải đầu tiên về bức thư, cho biết ít nhất 100 thủy thủ đã bị nhiễm bệnh.
Trả lời hãng tin Reuters, một phát ngôn viên của Hải quân Hoa Kỳ cho biết các dịch vụ “nhanh chóng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của các thủy thủ tàu USS Theodore Roosevelt”.
Tình hình ở Mỹ ra sao?
Hôm thứ Ba, số người chết vì coronavirus ở Mỹ đã vượt qua con số được ghi nhận ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát. Ít nhất 3.400 người đã chết.
Số trường hợp được ghi nhận dương tính với virus là hơn 175.000, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, theo sự kiểm đếm bởi Đại học Johns Hopkins.
New York có ​​số lượng ca nhiễm virus lớn nhất và thống đốc của tiểu bang, Andrew Cuomo, cảnh báo rằng đỉnh dịch vẫn còn đang đến.
“Chúng ta vẫn đang leo lên núi. Trận chiến quyết định là trên đỉnh núi”, ông nói.
Các bệnh viện dã chiến đang được xây dựng ở Công viên Trung tâm và các địa danh khác ở New York để giúp giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế của thành phố.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52102027

California kêu gọi nhân viên và các chuyên viên

y tế đã về hưu quay lại làm việc để tăng cường

lực lượng chăm sóc sức khỏe

Tin từ California – Vào hôm thứ hai (30 tháng 3), do lo ngại về số lượng người nhiễm COVID-19 sẽ tăng mạnh trong những tuần tới, Thống Đốc Gavin Newsom công bố một nỗ lực mới nhằm mở rộng lực lượng chăm sóc sức khỏe tại California.
Trên Twitter, thống đốc Newsom đã đăng tải thông tin tuyển dụng, khuyến khích những người đủ điều kiện hãy truy cập trang web healthcorps.ca.gov và ghi danh tham gia. Điều kiện ghi danh bao gồm:  Từ 18 tuổi trở lên;   Đủ điều kiện để làm việc tại Hoa Kỳ;   Có giấy phép lái xe hoặc passport hợp lệ và thẻ an sinh xã hội;  Có giấy phép California hợp lệ để thực hành khám lâm sàng hoặc là một sinh viên y khoa hoặc điều dưỡng;  Chưa từng bị tước giấy phép hay chứng nhận. Tình nguyện viên sẽ được trả lương và bảo hiểm malpratice.
Ông Newsom cho biết các viên chức hiện đang vạch ra ngân sách để trả lương cho họ, và vốn sẽ đến từ ngân sách liên bang và tiểu bang. Thống đốc Newsom đưa ra tuyên bố này khi California chứng kiến số bệnh nhân COVID-19 tăng gấp đôi trong các bệnh viện và tăng gấp ba số bệnh nhân trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) trong bốn ngày qua.
Tính đến thứ hai, đã có 1,432 bệnh nhân coronavirus đã nhập viện ở California, 597 người trong số đó phải vào ICU. California dự đoán số ca nhiễm sẽ tăng khi hàng ngàn người đang chờ kết quả xét nghiệm của họ và hàng ngàn người khác vẫn chưa được xét nghiệm.
Ngoài việc xét nghiệm, các viên chức tiểu bang cũng đang nỗ lực mở rộng sức chứa của bệnh viện lên 5,000 giường và mua thêm khoảng 10,000 máy thở. Bên cạnh đó, các viên chức tiểu bang cho biết thêm rằng có it nhất 135 người đã chết vì COVID-19 ở California. (BBT)
https://www.sbtn.tv/california-keu-goi-nhan-vien-va-cac-chuyen-vien-y-te-da-ve-huu-quay-lai-lam-viec-de-tang-cuong-luc-luong-cham-soc-suc-khoe/

Các bãi đậu xe ở Las Vegas trở thành nơi trú ẩn tạm thời

của người vô gia cư trong khủng hoảng coronavirus

Một bãi đậu xe ở Las Vegas đã trở thành nơi trú ẩn tạm thời cho hàng trăm người vô gia cư, sau khi một người đàn ông ở nhà tạm trú được xét nghiệm dương tính với coronavirus, buộc cơ sở đó phải đóng cửa. Nơi trú ẩn ngoài trời nằm trong bãi đậu xe của Cashman Center, bắt đầu hoạt động hôm thứ Bảy (28/03/2020) sau khi Hội từ thiện Công giáo ở miền nam tiểu bang Nevada, một nơi tạm trú qua đêm 500 giường nằm dành cho nam giới, phải đóng cửa do một cư dân bị nhiễm bệnh.
Hình ảnh của những người lang thang ở nơi trú ẩn tạm thời cho thấy họ gần nhau nằm trên đường bê tông có các ô sơn trắng. Hướng dẫn liên bang khuyên mọi người nên duy trì khoảng cách 6 feet so với nhau. Nơi tạm trú sẽ mở cửa từ 6 giờ chiều đến 8 giờ sáng hàng ngày, chiếu và chăn của người vô gia cư sẽ được khử trùng mỗi ngày. Trước khi người vô gia cư có thể vào nơi tạm trú ngoài trời, họ phải được các sinh viên y khoa của đại học Touro kiểm xem họ có các triệu chứng coronavirus hay không. Nơi tạm trú dự kiến sẽ mở cửa cho đến thứ Sáu (03/04/2020), cho đến khi nơi trú ẩn của Hội từ thiện Công giáo mở cửa trở lại.
https://www.sbtn.tv/cac-bai-dau-xe-o-las-vegas-tro-thanh-noi-tru-an-tam-thoi-cua-nguoi-vo-gia-cu-trong-khung-hoang-coronavirus/

Tổ chức Samaritan’s Purse xây dựng

bệnh viện dã chiến tại Central Park, New York

để điều trị bệnh nhân COVID-19

Tin từ New York – Khi một tuần mới bắt đầu tại New York, nơi có ổ dịch coronavirus lớn nhất Hoa Kỳ, đã có những hình ảnh mới trên khắp thành phố như một minh chứng nhắc nhở người dân tiểu bang về cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Tàu y tế USNS Comfort đã cập cảng tại Pier 88 với 1,000 giường bệnh và 12 phòng phẫu thuật nhằm giảm căng thẳng cho các bệnh viện tiểu bang. Trong khi đó tại Central Park, một bệnh viện dã chiến khẩn cấp vừa được dựng lên ngay giữa công viên này.
Các hình ảnh do CBS News thu được cho thấy những dãy lều bệnh viện màu trắng nằm dọc theo East Lawn, bên cạnh đó là thảm cỏ thường dành cho các gia đình tham dự picnic và tắm nắng, đã chuyển thành một khu vực chăm sóc hô hấp với 68 giường thông thường và 10 giường chăm sóc đặc biệt, và được trang bị đặc biệt để đối phó đại dịch.
Vào chủ nhật (ngày 29 tháng 3), tổ chức cứu trợ Kitô giáo Samaritan’s Purse – hợp tác với Mount Sinai Health System và các cơ quan liên chính phủ – đã tập hợp các tình nguyện viên từ các nhà thờ ở thành phố New York và xây dựng một bệnh viện dã chiến đối diện với Mount Sinai Hospital ở Manhattan khi trời đang đổ mưa.
Trong lúc New York vẫn là tâm điểm của cuộc khủng hoảng coronavirus ở Hoa Kỳ, những cơ sở y tế bổ sung này sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn, cũng như vai trò của các nhân viên y tế tình nguyện sẽ ngày càng lớn. Bệnh viện dã chiến ở Central Park dự kiến sẽ mở vào thứ ba (ngày 31 tháng 3). (BBT)
https://www.sbtn.tv/to-chuc-samaritans-purse-xay-dung-benh-vien-da-chien-tai-central-park-new-york-de-dieu-tri-benh-nhan-covid-19/

Nhà hàng New York

cấp thức ăn miễn phí cho nhân viên y tế

Ông Luca Di Pietro là chủ 5 nhà hàng Ý tại thành phố New York. Khi thống đốc tiểu bang ra lệnh đóng cửa các nhà hàng trừ việc mua mang đi và giao thức ăn, ông Di Pietro quyết định vẫn mở cửa một nhà hàng. Vào ngày 19/3, một khách hàng gọi đến và đặt mua 40 phần ăn để giao cho các bác sĩ và y tá Bệnh viện Thành phố New York. “Việc này làm tôi nhận ra rằng những người này đã quá tải. Bất cứ chuyện gì bên ngoài có thể làm được đều đáng được cám ơn,” ông Di Pietro nói. Và một ý tưởng loé lên trong đầu ông.
Ông Pietro vận động sự giúp đỡ của gia đình và nhân viên. Cùng nhau những người này lập một trang mạng và phát động một chương trình có tên là “Nuôi những người ở tuyến đầu Thành phố New York.”
“Tôi có một người bạn giúp tôi lập trang mạng chỉ trong một đêm,” cô Isabella Di Pietro, con gái của chủ nhân nói. “Do đó chúng tôi cùng nhau xếp đặt mọi chuyện, đặt một cái tên, nhờ người làm việc trên truyền thông xã hội và chúng tôi được mọi người hưởng ứng ngoài sức tưởng tượng kể từ đó.”
Kể từ khi chương trình được phát động, ông Di Pietro nói chương trình “Nuôi những người ở tuyến đầu Thành phố New York” đã quyên góp được hơn 100.000 đô la và giao vài ngàn phần ăn.
Ông Jerome Kapelus, giám đốc tài chánh của một doanh nghiệp chuyên về chơi game trên mạng, là một trong những người đóng góp tiền bạc cho nỗ lực này. Ông nói “Đây là một quyết định rất dễ. Ai cũng có lợi. Ông Luca có thể giữ lại một số nhân viên và quan trọng nhất là mang lại tình thương, sự biết ơn và thức ăn cho những nhân viên y tế ở tuyến đầu.”
“Chương trình này đã tăng lên gấp bội,” ông Di Pietro nói. “Mỗi ngày chúng tôi giao thức ăn nhiều hơn…Ngày hôm nay chúng tôi giao 100 phần ăn cho các nhân viên phòng cấp cứu.” Ông Pietro cho biết các y tá nói với ông là ông cũng tiết kiệm thì giờ quý báu cho họ. Họ không còn phải cởi bỏ quần áo bảo hộ, rời khỏi bệnh viện để mua thức ăn và trở lại.
Sáng kiến này giúp ông Di Pietro giữ được công việc kinh doanh và, nhờ sự rộng lượng của những người đóng góp, ông đang hỗ trợ những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại virus corona tại thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nước Mỹ.
(BTV Aaron Fedor)
https://www.voatiengviet.com/a/nh%C3%A0-h%C3%A0ng-new-york-c%E1%BA%A5p-th%E1%BB%A9c-%C4%83n-mi%E1%BB%85n-ph%C3%AD-cho-nh%C3%A2n-vi%C3%AAn-y-t%E1%BA%BF-/5354308.html

Ford và General Eletric

dự kiến sản xuất 50,000 máy thở trong 100 ngày

Tin từ Detroit – Vào hôm thứ hai (30 tháng 3), công ty Ford Motor cho biết họ sẽ sản xuất 50,000 máy thở trong 100 ngày tới tại một nhà máy ở Michigan hợp tác với đơn vị chăm sóc sức khỏe của General Electric – GE Healthcare – và sau đó có thể lắp ráp thêm 30,000 máy mỗi tháng để đáp ứng số lượng bệnh nhân nhiễm coronavirus.
Vừa qua, GE Healthcare đã cấp giấy phép cho một loại máy thở với thiết kế đơn giản hơn sử dụng áp suất không khí chứ không phải điện năng, đồng thời thiết kế này cũng đã nhận được sự chấp thuận từ Cơ Quan Quản tri Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).
Với máy thở mới, Ford có thể đáp ứng nhu cầu của hầu hết bệnh nhân COVID-19. Các viên chức ở những tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đã yêu cầu  chính quyền Tổng Thống Trump và các nhà sản xuất tăng tốc độ sản xuất máy thở để đối phó với sự gia tăng của bệnh nhân.
Hiện tại, các bệnh viện ở New York buộc phải sử dụng một máy thở cho hai bệnh nhân, trong khi New Orleans có quá ít máy thở cần thiết để đáp ứng sự gia tăng bệnh nhân COVID-19. Vào thứ sáu tuần trước (ngày 27 tháng 3), Tổng thống Trump cho biết ông sẽ viện dẫn Defense Production Act để chỉ thị các nhà sản xuất, bao gồm Ford và General Motors, sản xuất máy thở. Đến thứ hai, chủ tịch nghiệp đoàn  United Auto Workers và các viên chức khác đã so sánh nỗ lực của ngành công nghiệp xe hơi để chế tạo máy thở với việc sản xuất máy bay thả bom trong Đệ Nhị Thế chiến tại Detroit.
Ford cho biết họ có kế hoạch bắt đầu sản xuất máy thở tại một nhà máy ở Ypsilanti, Michigan, với 500 công nhân của United Auto Workers. Họ cho biết kế hoạch sản xuất tại cơ sở này sẽ bắt đầu vào ngày 20 tháng 4 sắp tới. Đó là khoảng thời gian các viên chức New York dự đoán số người nhiễm COVID-19 sẽ đạt mức cao nhất tại tiểu bang của họ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/ford-va-general-eletric-du-kien-san-xuat-50000-may-tho-trong-100-ngay/

Hơn 42.000 người trên thế giới tử vong

vì virus Vũ Hán

Hải Lam
Theo cập nhật của worldometer lúc 8h29 ngày 1/4 (giờ Việt Nam), dịch Covid-19 xuất hiện tại 202 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 858.127 ca nhiễm, trong đó 42.140 người đã tử vong.
Hiện Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 188.280 ca nhiễm (tăng 24.492) và 3.883 ca tử vong (tăng 742). Theo số liệu này, số ca tử vong tại Mỹ đã vượt Trung Quốc, nước khởi phát của dịch Covid-19, dù số liệu chính quyền Bắc Kinh đưa ra làm dấy lên nhiều nghi ngờ.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 31/3, Tổng thống Trump gọi Covid-19 là “tai họa” và ông muốn tất cả người dân Mỹ chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày khó khăn phía trước.
Mỹ đã vượt qua Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu khác để trở thành nước đi đầu trong xét nghiệm sàng lọc virus Vũ Hán. Xét nghiệm nhanh và nhiều là một trong những yếu tố khiến Mỹ phát hiện nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nhất trên thế giới.
New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Theo CNN, nhiều nhân viên y tế từ Atlanta đã đáp chuyến bay tới New York để giúp thành phố này chiến đấu với dịch viêm phổi Vũ Hán.
Ý vẫn là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai trên thế giới. Nước này báo cáo thêm 4.053 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 105,792. Nước này cũng báo cáo 837 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên 12,428, chiếm khoảng 30% số ca tử vong trên thế giới.
Reuters cho hay, số người chết vì virus Vũ Hán trong vòng một ngày tại Lombardy, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Ý, đã giảm mạnh. Lombardy ghi nhận thêm 381 ca tử vong mới, mức thấp nhất kể từ ngày 25/3, nâng tổng số lên khoảng 7.199. Số ca nhiễm mới ở đây cũng giảm 3 ngày liên tiếp, cho thấy tình hình đang cải thiện nhanh hơn những khu vực khác trong nước. Lombardy có thêm 1.047 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên khoảng 43.208. Tuy nhiên, số người chết hàng ngày tại vùng Piedmont lân cận lại tăng mạnh so với hôm trước.
Nước Ý hôm 31/3 treo cờ rủ và dành một phút mặc niệm gần 11.600 người chết vì Covid-19, thảm họa chết chóc nhất nước này kể từ Thế chiến II. Thành phố Vatican cũng treo cờ rủ nhằm thể hiện sự đoàn kết với Ý.
Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ 2 châu Âu và thứ 3 thế giới, ghi nhận thêm 7.967 ca nhiễm virus Vũ Hán, nâng tổng số lên 95.923. Nước này cũng ghi nhận thêm 748 người chết vì Covid-19, mức tăng kỷ lục trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong lên 8.464. Madrid vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.
Theo AFP,  Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3, ban đầu dự kiến được áp đặt trong vòng hai tuần, đã được kéo dài tới ngày 11/4. Nước này cũng đang tìm cách tăng cường xét nghiệm, thu thập nguồn kit từ khắp nơi trên thế giới, đặt mục tiêu xét nghiệm 50.000 người/ngày, thay vì mức 20.000 hiện nay.
Đức hiện ghi nhận 71.808 ca nhiễm (tăng 4.923) và 775 ca tử vong (tăng 130). Tỷ lệ tử vong tại nước này ở mức thấp, chỉ khoảng 1,07% dù Đức hiện là vùng dịch lớn thứ 3 châu Âu và thứ 5 trên thế giới.
Theo Reuters, thành phố Jena ở Đức quyết định yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang khi đi mua sắm hoặc đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, đẩy mạnh nỗ lực hạn chế lây nhiễm virus corona và trở thành thành phố đầu tiên ở Đức áp dụng biện pháp này.
Pháp, vùng dịch lớn thứ 4 châu Âu, ghi nhận thêm 499 người chết vì nCoV, mức cao nhất trong vòng một ngày, nâng tổng số ca tử vong lên 3.523, vượt Trung Quốc. Số ca nhiễm nCoV tại Pháp cũng tăng mạnh thêm 7.578, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại nước này lên 52.128.
Theo AFP, giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Quốc gia Jerome Salomon phát biểu trong cuộc họp báo hôm 31/3 rằng: “Đây là tình trạng hoàn toàn chưa từng có trong lịch sử y học Pháp”, thêm rằng các bệnh viện phía đông đất nước, một trong những “điểm nóng” của đại dịch, đang chịu áp lực vô cùng lớn. Tình hình tại thủ đô Paris và khu vực xung quanh “cũng khó khăn”.
Anh hiện ghi nhận 25.150 ca nhiễm (tăng 3.009) và 1.789 ca tử vong (tăng 381). Nước này đang trong tình trạng phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn dịch nCov.
Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, và thứ 7 trên thế giới với 44.605 người nhiễm (tăng 3.110) và 2.898 ca tử vong (tăng 141).
AFP cho hay, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 31/3 cho biết chính quyền sẽ đóng cửa các công viên trên toàn quốc vào ngày 1/4, nhằm ngăn chặn những buổi dã ngoại gia đình thường diễn ra để đánh dấu ngày thứ 13 của kỳ nghỉ Tết Ba Tư. Chính quyền cũng ngừng in tất cả ấn phẩm truyền thông của Iran ít nhất đến ngày 8/4, kêu gọi các hãng đăng bài trực tuyến
Trung Quốc chưa công bố số liệu mới. Ủy ban Y tế Quốc gia (NHS) của Trung Quốc hôm 31/3 thông báo nước này bắt đầu thống kê những bệnh nhân Covid-19 không xuất hiện triệu chứng vào tổng số ca nhiễm trên toàn quốc.
Hàn Quốc báo cáo thêm 125 ca nhiễm và 4 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt là 9,786 và 162. Theo Korea Times, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-hae hôm 31/3 thông báo kỳ thi đánh giá năng lực đại học của Hàn Quốc, còn gọi là suneung, sẽ bắt đầu từ ngày 3/12, chậm hơn hai tuần so với lịch dự kiến vào ngày 19/11.
Tại Đông Nam Á, vùng dịch lớn nhất khu vực vẫn là Malaysia với 2.766 ca nhiễm và 43 ca tử vong.
Thái Lan hiện có 1.651 ca nhiễm, cao số 2 tại khu vực, trong đó 10 người đã tử vong.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ 3 ở Đông Nam Á, hiện ghi nhận 1.528 ca nhiễm và 136 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong ở nước này hiện vẫn cao nhất khu vực. Tổng thống Indonesia hôm 31/3 tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về sức khỏe cộng đồng và thông báo biện pháp hỗ trợ người thu nhập thấp.
https://www.dkn.tv/the-gioi/hon-42-000-nguoi-tren-the-gioi-tu-vong-vi-virus-vu-han.html

Nhiều chính phủ cảnh báo phạt tù

nếu nói đùa về dịch Covid-19 ngày Cá tháng Tư

Hải Lam
Dù hôm nay là ngày Cá tháng Tư (1/4), nhưng nhiều chính phủ trên thế giới đã khuyến cáo người dân không nói đùa về dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay, thậm chí một số nơi còn phạt tù những ai vi phạm.
Ngày Cá tháng Tư là dịp mà nhiều gia đình, người dùng mạng xã hội và các tập đoàn thường đưa ra những trò đùa, nhưng hiện nay, ít người có tâm trạng pha trò khi số người nhiễm bệnh và chết vì virus Vũ Hán ngày càng gia tăng và hàng tỷ người đang phải sống dưới lệnh phong tỏa.
Google, một tập đoàn nổi tiếng với các trò đùa vào ngày này, đã nói với các nhân viên rằng họ sẽ “bỏ truyền thống đó trong năm nay để tôn trọng tất cả những người đang chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19”, theo một email nội bộ mà Business Insider xem được.
Nhiều tin đồn trực tuyến về dịch Covid-19 khiến chính phủ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bảo vệ công dân của họ. Một số nơi cảnh báo sẽ phạt tù những ai đưa ra những trò đùa liên quan đến dịch bệnh.
Đài Loan, nơi được coi là hình mẫu cho cách đối phó với dịch bệnh, đã cảnh báo những người lan truyền thông tin sai lệch liên quan đến virus Vũ Hán sẽ phải đối mặt với 3 năm tù và khoản tiền phạt 3 triệu Đài tệ (100.000 USD).
“Vào ngày Cá tháng Tư, chúng ta có thể thể hiện sự hài hước của mình, nhưng chúng ta không thể pha trò về đại dịch để tránh vi phạm pháp luật”, Tổng thống Thái Anh Văn đăng trên Facebook của bà.
“Tôi chúc mọi người có một ngày Cá tháng Tư không chỉ hài hước mà còn lành mạnh và an toàn”, bà viết.
Thái Lan cũng có chính sách tương tự về ngày Cá tháng Tư, cảnh báo có thể phạt người nói đùa về dịch bệnh đến 5 năm tù.
“Nói đùa về dịch Covid-19 trong ngày Cá tháng Tư là hành vi phạm pháp”, chính phủ Thái Lan thông báo trên Twitter.
“Có thể có những người không có mục đích tốt … những người có thể lợi dụng ngày Cá tháng Tư này và cho rằng họ sẽ không phải đối mặt với pháp lý”, Krissana Pattanacharoen, phó phát ngôn viên cảnh sát quốc gia, nói với các phóng viên hôm 31/3.
Tại Ấn Độ, nơi mà thông tin sai lệch, đặc biệt là trên Whatsapp, vẫn còn là một vấn đề phổ biến, các chính trị gia đưa ra những lời kêu gọi tương tự.
“Chính phủ nhà nước sẽ không cho phép bất cứ ai lan truyền tin đồn, tin hoảng loạn về Corona”, Bộ trưởng Nội vụ bang Maharashtra Anil Deshmukh viết trên Twitter.
“Chúng tôi kêu gọi công dân xác minh thông tin và chỉ chia sẻ thông tin từ các nguồn đáng tin cậy và không bị đánh lừa bởi tin tức giả mạo”, Pranay Ashok, phát ngôn viên của Cảnh sát Mumbai, nói với AFP, và thêm rằng bất kỳ ai bị phát hiện lan truyền tin giả đều sẽ bị truy tố.
Theo AFP
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/nhieu-chinh-phu-canh-bao-phat-tu-neu-noi-dua-ve-dich-covid-19-ngay-ca-thang-tu.html

Nghiên cứu: COVID-19 có thể lây nhiễm

 qua không khí ở khoảng cách xa

Quý Khải
Một nghiên cứu mới được công bố vào cuối tuần qua cho thấy virus corona chủng mới có thể lây truyền qua không khí, trang Fox News đưa tin ngày 31/3.
Trong một nghiên cứu hợp tác giữa Trung tâm Y tế Đại học Nebraska (UNMC), Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Nebraska và một số cơ sở khác, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vật liệu di truyền từ virus gây bệnh viêm phổi Vũ Hán trong các mẫu không khí từ cả trong lẫn ngoài các phòng ở của bệnh nhân Covid-19. Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp “bằng chứng hạn chế cho thấy tiềm năng lây nhiễm qua không khí của căn bệnh này có tồn tại”, các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù họ cảnh báo những phát hiện này gợi ý tiềm năng chứ không khẳng định việc lây nhiễm qua không khí.
Với mục đích tìm hiểu rõ hơn về sự phát tán của chủng virus mới, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu phẩm không khí và bề mặt từ 11 phòng bệnh của 13 người có kết quả dương tính với virus Vũ Hán trong quá trình cách ly ban đầu. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vật liệu di truyền virus trên các vật phẩm thường dùng, như giấy vệ sinh, nhưng cũng có trong các mẫu không khí, từ đó chỉ ra rằng “SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm rộng rãi trong môi trường” (SARS-CoV-2 là tên chính thức của loại vi-rút gây bệnh COVID-19).
Virus không chỉ được phát hiện bên trong phòng bệnh của các bệnh nhân COVID-19, mà “các máy lấy mẫu không khí từ các hành lang bên ngoài các phòng nơi các nhân viên y tế ra vào cũng cho kết quả dương tính”, nghiên cứu cho biết.
Vì sao SARS-CoV-2 nên được gọi là Virus Trung Cộng?
Chính quyền Trung Quốc đã biết đến ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán từ ngày 17/11/2019. Thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bưng bít thông tin và trừng phạt những người tiết lộ sự thật ra công chúng.
Khoảng 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán tới nhiều nước trên thế giới trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố này từ ngày 23/1/2020.
Trong khi SARS-CoV-2 bị nghi ngờ có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Vũ Hán, ĐCSTQ đang cố gắng đổ tội cho Mỹ, Ý, hay bất kỳ quốc gia nào khác về nguồn gốc của dịch bệnh.
Để chỉ rõ trách nhiệm của ĐCSTQ dẫn đến sự bùng phát của virus Vũ Hán trên toàn cầu, nhiều chuyên gia, kênh truyền thông và chính khách trên thế giới gọi SARS-CoV-2 là “Virus Trung Cộng” (CCP Virus).
“Những phát hiện này cho thấy bệnh dịch có thể lây lan trực tiếp (giọt dịch phát tán ở khoảng cách tiếp xúc gần khi một người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện) cũng như tiếp xúc gián tiếp (vật phẩm bị nhiễm virus và lây truyền qua đường không khí) và cho thấy việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa cách ly trong không khí là điều thích hợp”, nghiên cứu kết luận, đồng thời lưu ý rằng những phát hiện cũng cho thấy các bệnh nhân nhiễm virus Trung Cộng, ngay cả những người chỉ có triệu chứng nhẹ, “cũng có thể tạo ra các hạt sol khí virus (còn gọi là aerosol trong không khí) và làm nhiễm bẩn các bề mặt có nguy cơ lây bệnh”.
Các tác giả nghiên cứu cũng cho biết các kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của các thiết bị bảo vệ cá nhân hay PPE (personal protective equipment), và việc sử dụng các phòng cách ly áp lực âm cho bệnh nhân COVID-19 hiện đã nhập viện.
James Lawler, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, đã nói trong một tuyên bố: “Nhóm chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan qua không khí đối với các bệnh nhân ban đầu mà chúng tôi chăm sóc. Báo cáo này đã củng cố cho nghi ngờ của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi duy trì việc để bệnh nhân nhiễm bệnh trong phòng cách ly áp lực âm và sẽ duy trì các nỗ lực để làm điều đó – ngay cả với số lượng bệnh nhân gia tăng. Các nhân viên y tế hành nghề sẽ được trang bị các thiết bị bảo vệ cá nhân ở mức độ phù hợp. Rõ ràng, cần nhiều nghiên cứu hơn để có thể mô tả đúng rủi ro đến từ môi trường trong hoàn cảnh dịch bệnh này”.
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu cách thức virus corona chủng mới lây truyền, mặc dù Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết loại virus này chủ yếu lây truyền từ người sang người, ví như khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Các giọt bụi nước từ đường hô hấp của họ sau đó có thể lọt vào mũi và miệng của những người khác xung quanh (đó là lý do tại sao các
quan chức đang thúc giục mọi người đứng cách xa nhau ít nhất 1,8 m khi ở nơi công cộng). Chạm vào một vật dính virus – các nghiên cứu gần đây phát hiện thấy virus có thể sống trên các bề mặt trong nhiều giờ và nhiều ngày – và sau đó chạm tay bẩn vào mắt, mũi hoặc mặt của bạn cũng là một khả năng lây bệnh tiềm tàng.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu gần đây cũng phát hiện thấy virus có thể lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt thông qua đường lây truyền phân-miệng . Các nhà khoa học từ Bệnh viện Nhân dân thuộc Đại học Vũ Hán và Viện Virus học Vũ Hán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc mới đây đã phát hiện ra vật liệu di truyền virus trong mẫu phân và bệnh phẩm trực tràng của một số bệnh nhân, theo thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc vào tháng 2.
Theo Fox News
Quý Khải dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghien-cuu-covid-19-co-the-lay-nhiem-qua-khong-khi.html

Xu hướng nam giới tử vong

vì virus Vũ Hán cao hơn nữ giới

Triệu Hằng
Các nhà khoa học và chuyên gia y tế đang tìm hiểu xem ai là người dễ bị tổn thương nhất vì Covid-19, nhưng có một xu hướng đang nổi rõ: Đàn ông có nhiều khả năng tử vong vì virus Vũ Hán hơn phụ nữ.
Mô hình này xảy ra ở hầu hết mỗi quốc gia khi các nhà nghiên cứu đang gấp rút đối chiếu dữ liệu từ các cơ quan y tế.
“Chúng tôi đang nhận thấy, xét trên từng quốc gia đã cung cấp dữ liệu cho chúng tôi, phân tích dữ liệu giới tính cho biết tỷ lệ tử vong vì virus ở nam giới cao hơn nữ giới, dường như từ 10% lên tới hơn gấp đôi”, giáo sư Sarah Hawkes, giám đốc Trung tâm UCL về Giới và Sức khỏe toàn cầu (Anh) cho biết.
Cơ quan trụ sở của Sáng kiến Sức khỏe Toàn cầu 50/50 (Global Health 50/50 initiative) đã bắt tay thực hiện dự án đối chiếu dữ liệu về giới và Covid-19 từ khắp nơi trên thế giới.
Dù ban đầu có sự nhấn mạnh rằng, chủ yếu người già nhiễm virus Vũ Hán hoặc người có tình trạng bệnh nền có nguy cơ tử vong vì SARS-CoV-2, nhưng các kết quả đối chiếu nay cho thấy, giới tính nam cũng là một yếu tố.
Dữ liệu từ Trung Quốc lần đầu tiên cho thấy, 64% nam giới tử vong vì Covid-19 so với 36% nữ giới tử vong, theo Sáng kiến Sức khỏe Toàn cầu 50/50.
Số liệu từ Pháp, Đức, Ý, Hàn Quốc và Tây Ban Nha đã xác nhận mô hình này.
Trong hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, 71% số ca tử vong vì virus Vũ Hán ở Ý là nam, trong khi ở Tây Ban Nha, số đàn ông đã chết vì virus gần gấp đôi với số ca tử vong là nữ.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, một phần của điều này là sinh học nhưng một phần lớn của sự khác biệt này cũng được thúc đẩy bởi hành vi giới tính, chẳng hạn mức độ hút thuốc và uống rượu ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới”, giáo sư Hawkes nói với tờ FRANCE 24.
Tại Pháp, các số liệu từ Viện Y tế Công cộng cho thấy, từ ngày 1/3 đến 22/3, có 57% tử vong vì Covid-19 là nam giới với độ tuổi trung bình là 81.
Tuy nhiên, giáo sư Hawkes cho biết, khoảng cách giới là không đáng kể khi nói về lây nhiễm, phụ nữ có nguy cơ nhiễm bệnh cao như nam giới.
Theo France24 ngày 31/3/2020
Triệu Hằng dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/xu-huong-nam-gioi-tu-vong-vi-virus-vu-han-cao-hon-nu-gioi.html

Virus corona: Những cách phong tỏa,

phòng chống khác lạ trên thế giới

Các nước trên toàn thế giới đang áp dụng các biện pháp chưa từng có nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan virus, từ những biện pháp khắc nghiệt, nhẹ nhàng, cho tới những biện pháp đầy tính sáng tạo.
Chúng tôi xem xét một số các biện pháp khác lạ mà các nước đang áp dụng để chống dịch bệnh Covid-19.
Virus corona: Thế giới khủng hoảng, cứu trợ tiền bạc bao nhiêu mới đủ?
Những gì chúng ta vẫn chưa biết về virus corona
Covid-19: Sai lầm chết người khi uống nước phòng bệnh
1) Panama
Quốc gia vùng Trung Mỹ, nơi cho đến nay đã có gần 1.000 trường hợp được xác định dương tính, đã công bố áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, phân chia người dân theo giới tính nhằm chặn sự lây lan của virus.
Từ thứ Tư, nam giới và phụ nữ sẽ chỉ được ra khỏi nhà trong hai giờ đồng hồ mỗi lần, và vào các ngày khác nhau.
Không ai được phép ra ngoài vào các ngày Chủ Nhật.
“Biện pháp kiểm dịch tuyệt đối này không nhằm gì khác ngoài việc gìn giữ sự sống cho mọi người,” Bộ trưởng An ninh Juan Pino nói trong một cuộc họp báo.
2) Colombia
Tại một số thị trấn của nước này, người dân được phép ra ngoài dựa theo số ghi trên thẻ căn cước cá nhân của mỗi người.
Ví dụ như người dân ở Barrancabermeji với số thẻ căn cước có chữ số cuối cùng là 0, 7 hoặc 4 sẽ được phép ra khỏi nhà vào thứ Hai, còn những người có số cuối là 1, 8 hoặc 5 thì được đi ra vào thứ Ba.
Quốc gia Bolivia gần đó cũng áp dụng cách thức tương tự.
3) Serbia
Đã có lúc chính phủ nước này áp dụng “giờ dắt chó đi dạo”, từ 20:00 đến 21:00 đối với những ai bị phong toả. Tuy nhiên, biện pháp này nay đã được bỏ đi sau khi vấp phải sự phản đối từ những người nuôi chó.
Một bác sỹ thú y nói rằng việc bỏ qua giờ đi dạo ban đêm có thể sẽ làm tồi tệ thêm tình trạng sức khoẻ của những con chó có vấn đề về tiểu tiện, và “làm trầm trọng tình trạng vệ sinh trong nhà của những người nuôi chó”.
4) Belarus
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã khiến khá nhiều người ngạc nhiên về cách hành xử của ông trong đợt bùng phát dịch bệnh virus corona.
Ông đã cười nhạo vào ý kiến cho rằng nước ông cần phải kiềm chế sự lây lan dịch bệnh, bởi vì ông không hề nhìn thấy con virus này “bay lượn xung quanh”.
Nói với một phóng viên truyền hình tại một trận đấu khúc côn cầu trên băng trong nhà, ông cũng nói rằng việc có đám đông tới xem trận đấu là không sao vì độ lạnh của sân thi đấu sẽ làm cho virus không lây lan được.
Không có bằng chứng nào cho thấy điều đó đúng, và ta thì không thể nhìn thấy virus corona bằng mắt thường được.
Không giống như hầu hết các nước châu Âu khác, Belarus không áp dụng bất kỳ hạn chế nào đối với các sự kiện thể thao.
“Chả hề có virus nào ở đây hết,” ông Lukashenko nói. “Quý vị không hề nhìn thấy nó bay lượn xung quanh phải không? Tôi cũng không, Đây là một cái tủ lạnh. Thể thao, mà nhất là thể thao trên băng, trong cái tủ lạnh này, là cách chữa, chống virus tốt nhất!”
Ông cũng nhắc tới việc uống vodka và thường xuyên xông hơi, coi đó là các cách tốt để trừ diệt virus – hoàn toàn khác với lời tư vấn chuyên khoa.
5) Thuỵ Điển
Khác với các nước láng giềng, Thuỵ Điển có thái độ khá dễ dãi trong việc áp dụng các biện pháp phong toả, bất chấp việc đã có gần 4.500 trường hợp xác định dương tính tại nước này.
Chính phủ hy vọng là người dân sẽ xử sự một cách phù hợp, và đặt niềm tin vào người dân là họ sẽ biết làm điều đúng đắn.
Nước này cấm tụ tập hơn 50 người vào Chủ Nhật, nhưng các trường học dành cho học sinh dưới 16 tuổi vẫn mở.
Các quán rượu, nhà hàng vẫn có thể mở cửa đón khách, và nhiều người vẫn có các hoạt động giao tiếp xã hội như ngày thường.
Chiến lược này đang làm phân rẽ ý kiến cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, tuy nhiên chỉ thời gian mới trả lời được là liệu cách làm có tính dễ dãi này của Thuỵ Điển có gây tác dụng ngược hay không.
6) Malaysia
Lời khuyên được đưa ra tại Malaysia cũng gây tranh cãi không kém.
Chính phủ bị buộc phải xin lỗi sau khi Bộ Phụ nữ đăng các hình biếm hoạ lên mạng, theo đó nói các bà vợ hãy ăn mặc đẹp, trang điểm và tránh mè nheo chồng trong thời gian nước này phong toả một phần.
Người dùng trên mạng xã hội ngay lập tức lên tiếng chỉ trích các poster trên, và chúng sau đó đã được gỡ bỏ.
7) Turkmenistan
Trong lúc đó thì tin tức nói Turkmenistan có cách tiếp cận hoàn toàn khác trong việc đối phó đại dịch… và cấm dùng từ “virus corona”.
Theo trang tin độc lập ‘Turkmenistan Chronicle’ – là trang bị cấm ở quốc gia Trung Á này – thì chính phủ đã dỡ bỏ từ này khỏi các ấn phẩm giới thiệu thông tin y tế.
Kênh phát thanh Azatlyk nói rằng người dân nếu nói về virus này hoặc đeo khẩu trang nơi công cộng có thể sẽ bị bắt.
Giới chức nói không có trường hợp nhiễm virus nào được ghi nhận tại Turkmenistan, quốc gia có đường biên với Iran, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
8) Áo
Trong lúc Tổ chức Y tế Thế giới nói những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang trừ khi chăm sóc cho người ốm, thì Áo bắt buộc mọi người phải dùng khi vào siêu thị.
Quy định mới được Thủ tướng Sebastian Kurz đưa ra, có hiệu lực từ thứ Tư, và hàng triệu khẩu trang đã được cung cấp.
Tuy đeo khẩu trang là điều phổ biến ở nhiều nơi tại châu Á, nhưng Áo mới chỉ là quốc gia châu Âu thứ tư buộc dùng khẩu trang nơi công cộng – theo sau các nước Cộng hòa Czech, Slovakia, và Bosnia và Herzegovina.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52122617

Virus corona: Thế giới khủng hoảng,

cứu trợ tiền bạc bao nhiêu mới đủ?

TS Phạm Đỗ ChíGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Florida, Hoa Kỳ
Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đã tuyên bố hôm thứ sáu ở Washington D.C. 27/3 rằng kinh tế thế giới đã ở vào cơn suy thoái và hiện có 81 quốc gia đang cầu cứu khẩn cấp cứu trợ tài chính của định chế quốc tế quan trọng này.
Ký họa từ khu cách ly của du học sinh Anh được 45.000 tương tác
Virus corona: Trump gia hạn khoảng cách xã hội cho đến hết 30/4
Bà thêm rằng IMF đã sẵn sàng can thiệp với một gói tài chính là 1,000 tỷ đô la Mỹ để cứu trợ các nước hội viên ứng phó với hiểm họa suy thoái đó, phát xuất từ cơn đại dịch COVID 19.
Lời xác nhận trên cho thấy cơn đại dịch cúm Coronavirus đã đưa đến cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vai trò quan trọng có thể gọi tới sự can thiệp của 2 định chế tài chính quốc tế lớn nhất là IMF và World Bank (Ngân hàng Thế giới).
Nhưng điều quan trọng phải nói ngay là IMF và WB không thể dùng khả năng tài chính khổng lồ của mình để cung ứng gói cứu trợ tài chính thông thường đi kèm các biện pháp kinh tế kích cầu theo mô hình Hoa kỳ-Anh quốc để chống suy thoái mới đây.
Sống tại Hoa Kỳ, tôi nhận thấy, đành rằng một phần lớn gói cứu trợ dùng để trợ cấp các cá nhân qua cơn khủng hoảng vì mất việc và các doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động phải dính vào nợ nần, nhưng nhận xét kỹ có thể thấy ngay rằng đồng đô la hay bảng Anh vứt vào đời sống kinh tế hàng ngày chưa chắc đã có hiệu quả chặn được con virus quái ác hoành hành không ngừng nghỉ và gây ra bệnh tật và thương vong tăng theo cấp số nhân hàng tuần.
Việc Hoa Kỳ và các nước Tây Âu ra lệnh phong tỏa (lockdown) và cách ly chính là nguyên nhân gây ra tê liệt sự đi lại và các hoạt động kinh tế.
Không chặn được cơn dịch hiệu quả thì kinh tế càng đi sâu vào suy thoái tiếp và nặng thêm. Do đó đã có dự đoán cho rằng với đà tăng lây nhiễm khủng khiếp của dịch bệnh ở Mỹ, gói cứu trợ khổng lồ 2,200 tỷ đô chỉ là bước đầu, HK còn cần thêm các gói vài nghìn tỷ kế tiếp trong vài tháng tới.
Nhìn lại nhanh các thời điểm chính của cơn dịch COVID 19, Trung Quốc (TQ) đã để lỡ cơ hội phòng chống qui mô cơn dịch từ khoảng đầu tháng 12/2019 xuất phát từ Vũ Hán. Và đã chịu hậu quả nặng nề khi cơn đại dịch bùng phát ở TQ và kéo theo sự phong tỏa đi lại của 600-700 triệu người ở đa số các tỉnh lớn, sau đó là sự sụp đổ của toàn nền kinh tế cho đến nay.
Nhận định sai tình hình ban đầu
Bài học từ Trung Quốc và các lời tuyên bố xem nhẹ lúc bắt đầu cơn dịch nêu trên cho đến giữa tháng 1/2020 đã bị lập lại bởi chính Hoa kỳ từ cuối tháng 1/2020 lúc có bệnh nhân lây nhiễm đầu tiên ở tiểu bang Washington bên bờ Tây nước Mỹ. Bên bờ Đông, chính phủ trung ương liên bang đã nhận định sai tình hình trong suốt 5-6 tuần, do thiếu các phương tiện xét nghiệm trên cả nước để không biết rằng cơn lây nhiễm đã lan rất rộng, và đã không kịp ra lệnh phong tỏa kịp thời.
Từ đầu tháng 3 lúc có thêm các dụng cụ xét nghiệm, cũng là lúc nắm bắt được thực trạng của cơn dịch thì lại thành quá muộn để ngăn chặn hiệu quả cơn lây lan đó. Từ thiếu dụng cụ xét nghiệm, tình trạng “vỡ trận” ở vài tiểu bang lớn Hoa kỳ, nhất là bang New York và điển hình là thành phố New York (NYC), đã cho thấy HK đang thiếu toàn diện các thứ khác : dụng cụ bảo hộ như khẩu trang và quần áo phòng bị thích hợp cho nhân viên y tế, các trung tâm xét nghiệm, các dụng cụ xét nghiệm nhanh, các nhà thương hay khu chữa bệnh COVID 19 chuyên biệt, các máy thở, và nhất là các thuốc chữa trị vẫn còn đang thời kỳ thử nghiệm thô sơ; chưa nói gì đến các thuốc chủng ngừa (“vaccines”) còn cần 12-18 tháng nữa mới cho các kết quả khoa học chính xác đầu tiên.
Nay đại dịch đã thành đại họa cho Mỹ, suy thoái kinh tế HK có thể trở thành đại suy thoái cho cả thế giới, và cơn dịch cúm sẽ lan ngược ra lại khắp thế giới nếu Mỹ không có chính sách chữa trị quyết liệt và nhất là hiệu quả trong vài tháng tới đây! Và đó là lý do thị trường chứng khoán sụp đổ tan tành mà người viết chưa muốn nhắc tới trong bài này!
Người viết muốn đặc biệt nhấn mạnh tới hai chọn lựa lúc này cho nước Mỹ:
1) Chính phủ trung ương phải dùng tới các người chỉ huy phải là các chuyên gia y tế nhiều kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm, và trao quyền cho các Thống đốc phối hợp trong từng tiểu bang, thống nhất các việc như tuyên bố phong toả, lập nhà thương hay khu điều trị chuyên trách, đặt mua khẩu trang loại tốt và các dụng cụ phòng hộ cho nhân viên y tế, lập khu xét nghiệm và đặt mua thêm thật nhiều dụng cụ xét nghiệm từ khu vực tư nhân trong nước (thay vì làm bởi CDC) và nhất là nhập cảng lập tức từ nước ngoài (Hàn quốc, Nhật bản).
Còn về chữa trị sẽ cần chế tạo thêm máy thở và lập kho thuốc dự trữ chiến lược gồm vài thứ đã dùng có hiệu quả bên Á châu như Hàn quốc, TQ…
2) Chính phủ trung ương chỉ đưa ra các chiến lược tổng quát, trao quyền rộng rãi cho các tiểu bang thực hiện các kế hoạch chống dịch chi tiết nêu trên, và nhất là lên tiếng kêu gọi các tổ chức từ thiện tư nhân lớn hay các đóng góp tư nhân tài trợ các chương trình chống dịch ở từng tiểu bang.
Người viết nghiêng về đề nghị này vì còn có thể huy động nhiều sáng kiến tư nhân và các đóng góp tài chính tự nguyện rộng rãi, cùng sự tổ chức phân quyền rộng rãi thích hợp với các điều kiện địa phương vì thời gian đã quá gấp rút.
Cần kết nối cả thế giới, gồm Việt Nam:
Trong tiến trình này, IMF và WB còn giúp được ngay chính các cường quốc như Mỹ, Tây Âu, Nhật có phương tiện ngăn chặn được cơn dịch nhanh hơn, nhờ cách tổ chức phòng chống dịch chi tiết nêu dưới đây, nhấn mạnh vào nguyên tắc phân công trong các nước hội viên, về việc tổ chức sản xuất và phân phối các dụng cụ phòng và chữa bệnh, hay thuốc chủng ngừa.
IMF sẽ giữ vai trò cung cấp và tư vấn tài chính. WB ngoài cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển còn có thể tư vấn và giám sát kỹ thuật.
Cho cơn đại dịch Covid 19 và ngăn ngừa cơn Đại Suy Thoái Thế giới có thể xảy ra vào cuối năm 2020 hay sang đầu năm 2021, IMF và WB có thể cung cấp tài chính và phối hợp với các nước trong nhóm OECD để tổ chức việc sản xuất và phân phối các dụng cụ và thuốc men liên hệ đến việc chống dịch như sau:
thiết lập một tổ chức nhỏ quốc tế mới (“Oversight Organization”) để thiết lập và thanh sát các việc sau, được giao cho các nước chuyên biệt.
sản xuất khẩu trang, y phục phòng hộ và nước tẩy trùng: TQ và các nước Đông Nam Á trong đó gồm Việt Nam vốn có giá lao động thấp;
sản xuất các dụng cụ xét nghiệm: Hàn quốc và Nhật bản đã có kinh nghiệm và trình độ khoa học cao;
sản xuất máy thở: Nhật, Mỹ và các nước Tây Âu;
nghiên cứu thêm và sản xuất vài thứ thuốc chữa trị có sẵn : Pháp (Plaquenil); Mỹ (Remdevisir; Hydroxychloroquine…)
nghiên cứu và sản xuất các thứ vaccines trong vòng 12-18 tháng: Mỹ , Nhật , Tây Âu, TQ…
Các hoạt động này sẽ tạo ra một nền kinh tế – y tế mới hỗ trợ cho tất cả các nước tham gia, vừa chống dịch bệnh, vừa tạo công ăn việc làm, thúc đẩy xuất khẩu.
Bệnh tật, tử vong và tâm lý xấu
Cho sự can thiệp sắp tới của IMF và WB, nếu có, các biện pháp tiền tệ và tài khoá kiểu Mỹ và Anh không thể đáp ứng với tình hình bệnh tật và tâm lý đang làm tê liệt mọi nền kinh tế thế giới.
IMF dù có nghìn tỷ đô không thể gửi phái đoàn đi giải cứu 81 nước một lúc và đưa ra các biện pháp stimulus mong mỏi, vì điều quan trọng là liệu pháp cần thiết: giúp các nước hội viên chặn sớm được cơn dịch COVID 19.
Tất cả phải tuỳ theo đầu tàu là Mỹ và Tây Âu chặn được bệnh và tái lập sinh hoạt kinh tế để tái tạo mức “tổng cầu” cho các nước khác trên thế giới trong giai đoạn phục hồi: đó mới là stimulus thật sự trong tương lai, còn chính sách kích cầu của IMF lúc này không làm được gì cho 81 nước đó.
Tiền của IMF và World Bank nếu có đủ chỉ là để cứu trợ khẩn cấp và tạm thời, chứ không phải là để kích thích các nền kinh tế, nên các giải pháp khác nữa như nêu trên mới có thể góp phần giúp thế giới chống lại dịch bệnh và tạo nền tảng cho các hợp tác toàn cầu về sau, khi nhân loại đối mặt với các thách thức khác.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Phạm Đỗ Chí từ Florida.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-52092101

Virus corona:

Khủng hoảng đào sâu hố ngăn cách Âu-Mỹ

Thùy Dương
Dịch bệnh Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng về y tế mà còn là cuộc chiến về ngoại giao, địa chính trị giữa các nước, nhất là Trung Quốc, Nga, Mỹ và châu Âu. Về quan hệ Âu-Mỹ, « sự xa cách cả về chính trị và cảm xúc, do chủ nghĩa đơn phương và thái độ khinh thường của chính quyền Donald Trump liệu có bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khủng hoảng virus corona hay không ? » là câu hỏi của báo Le Monde ngày 27/03/2020.
Trong những năm gần đây, châu Âu đã nhiều lần thất vọng về Hoa Kỳ. Hai ví dụ điển hình nhất liên quan tới việc tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran. Cuộc họp qua cầu truyền hình của ngoại trưởng các nước nhóm G7 hôm thứ Tư 25/03 càng khiến cho công chúng cảm thấy cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn những bất đồng giữa Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
Hội nghị đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung. Trong cuộc họp, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một mình thúc đẩy việc sử dụng thuật ngữ « virus Vũ Hán » để đổ lỗi cho Trung Quốc. Về phần mình, ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, nhấn mạnh là « cần chống lại mọi hành động biến cuộc khủng hoảng thành công cụ để thực hiện mục tiêu chính trị ».
Hồi đầu tháng 03, Mỹ đã cho đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ 26 quốc gia khu vực Schengen, gây phản ứng bất bình từ Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 12/03, trong một thông cáo « bất thường », chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, gọi biện pháp nói trên của Mỹ là một quyết định « được đưa ra một cách đơn phương và không có sự tham khảo ý kiến ». Việc Mỹ không áp dụng biện pháp đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ Vương quốc Anh càng cho thấy rõ ý đồ trừng phạt có chọn lọc của Washington mang tính chính trị.
Thêm vào đó, chính quyền Mỹ đã không thể hiện tình đoàn kết tương thân tương ái cơ bản đối với các đối tác châu Âu khi các quốc gia này phải vất vả đối phó với virus corona. Trong khi đó, Donald Trump lại gửi một lá thư cho nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, theo lời kể của Bình Nhưỡng, để đề nghị hỗ trợ Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Hôm Chủ Nhật 22/03, Donald Trump cũng khẳng định « chìa tay » giúp Bình Nhưỡng, và nhắc tới tên một nước khác cũng có khả năng nhận được sự trợ giúp của Mỹ. Đó là Iran.
Mong muốn phá hủy và chia rẽ châu Âu
Có một điều khó có thể khiến tổng thống Mỹ buồn lòng: Liên Hiệp Quốc đã « biến mất khỏi màn hình radar ». Chỉ có các định chế của Liên Hiệp Quốc, chẳng hạn như tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) hoặc Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Về Người Tị Nạn (UNHCR), là đang xông pha trên tuyến đầu trong lĩnh vực riêng của họ. Hoạt động bàn bạc thống nhất diễn ra ở nơi khác.
Một hội nghị qua kết nối video giữa các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ các nước thành viên nhóm G7, do Hoa Kỳ chủ trì năm nay, được tổ chức vào ngày 16/03, dựa theo đề xuất của ​​Paris, trước khi Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) tuyên bố mua 750 tỷ euro trái phiếu, trước khi Liên Hiệp Châu Âu đình chỉ quy tắc vàng về thâm hụt ngân sách tối đa 3%. Nhóm G7 đã mở đường cho các biện pháp « phi thường » này và cho biết các nước trong khối sẵn sàng làm « bất cứ điều gì cần thiết » để đảm bảo cho sự ổn định của thế giới.
Chia sẻ hoàn toàn các dữ liệu dịch tễ học, xây dựng các dự án chung về nghiên cứu … Thông cáo cho thấy G7 có rất nhiều dự định tốt đẹp. Tuy nhiên, khối 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới lại không đưa ra được một đáp án chung nào về hai điểm quan trọng sống còn đối với cuộc chiến y tế chống dịch bệnh: Sản xuất khẩu trang y tế và máy trợ thở. Chỉ có các nước Liên Hiệp Châu Âu là cùng nhau tìm nguồn hàng khẩn cấp để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng này. Đối với các nước còn lại, mọi hợp đồng, thỏa thuận đều diễn ra dưới hình thức ký kết song phương, chẳng hạn giữa một số nước thành viên G7 với Trung Quốc.
Nghiêm trọng hơn nữa, tổng thống Donald Trump đã tìm cách giữ độc quyền của nước Mỹ về các nghiên cứu do phòng thí nghiệm tư nhân CureVac của Đức thực hiện, liên quan đến việc phát triển vác-xin phòng bệnh. Chính phủ Đức đã phản đối động thái của Washington. Ủy Ban Châu Âu đã cung cấp khoản tín dụng 80 triệu euro để tài trợ cho công việc nghiên cứu của CureVac nên hành động của Mỹ không được chấp nhận.
Nhà sử học Justin Vaïsse, tổng giám đốc Diễn Đàn Hòa Bình Paris, nhận xét : « Điều đó vượt xa sự xa cách và thiếu hiểu biết. Điều khiến Donald Trump khác biệt so với Barack Obama, như chúng ta thấy trong giai đoạn này, là mong muốn phá hủy và chia rẽ châu Âu. »
Diễn Đàn Hòa Bình là một sáng kiến ​​của Pháp. Khi Diễn Đàn được tổ chức lần thứ hai, vào tháng 11/2019 tại thủ đô Pháp, đại sứ Hoa Kỳ tại Paris thậm chí đã không đến tham dự, một cử chỉ rõ rệt cho thấy thái độ thù địch. Đối với Diễn Đàn sắp tới, theo lời mời của phủ tổng thống Pháp, các nhà tổ chức sẽ tập trung vào cách đối phó với virus corona và các biến thể của nó.
Ông Justin Vaïsse muốn tin rằng vẫn tồn tại một nước Mỹ khác, một nước Mỹ gắn bó hơn với chủ nghĩa đa phương. Theo giám đốc Diễn Đàn Hòa Bình, ông Trump có khả năng cảm nhận nơi nào có tiềm năng chính trị và nơi nào ông có thể tấn công, nhưng nếu Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, ông ấy có thể đưa trở lại thế giới một nước Mỹ quen thuộc hơn so với nước Mỹ thời Donald Trump.
Căng thẳng trong nội bộ NATO
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump đã điện đàm với nhau hôm thứ Năm 19/03, 2 ngày sau cuộc họp qua video của lãnh đạo các nước G7. Một nguồn tin ngoại giao nhận định với Le Monde: « Cuộc khủng hoảng đa phương không phải là điều mới mẻ, từ 3 năm nay chúng ta đã biết quan điểm của Mỹ như thế nào. Thế nhưng, hợp tác là một nhu cầu cần thiết, chẳng hạn liên quan đến việc hồi hương công dân Pháp từ Mỹ và công dân Mỹ hiện đang ở Pháp. »
Tại điện Elysée – phủ tổng thống Pháp, các quan chức đang tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch và liên hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Giờ vẫn chưa phải lúc đúc kết các bài học cho lâu dài. Một cố vấn của tổng thống Pháp Macron cho biết : “ Chương trình nghị sự về chủ quyền và bảo vệ tại châu Âu, chúng tôi thấy rằng nó thậm chí còn mang tính thời sự hơn”. Lộ trình đã rõ ràng: Châu Âu phải hội nhập nhiều hơn và bớt ngây thơ trước Trung Quốc và Mỹ.
Tổ chức trong đó quan hệ giữa các đồng minh được xem xét kỹ lưỡng là Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương. Về quân sự, virus corona để lại hai hệ quả. Defender Europe 20 là một trong những cuộc tập trận lớn nhất của Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh, quy tụ 37.000 binh sĩ từ 18 nước, trong đó có 20.000 quân nhân đến từ Hoa Kỳ. Đây là cách phô trương tình đoàn kết một cách ngoạn mục nhắm đến nước Nga. Các cuộc diễn tập theo kế hoạch chủ yếu diễn ra vào tháng Tư và Năm. Tuy nhiên, quân số dự kiến hiện giờ đã phải giảm bớt đi.
Vấn đề điều động quân trong khối NATO cũng được xem xét lại. Khi vội vã đóng cửa biên giới, Ba Lan đã khiến Pháp tức giận, bởi về lý thuyết, Ba Lan cản trở sự di chuyển quân của các lực lượng hỗ trợ cho các nước vùng Baltic nếu những quốc gia này bị tấn công. Việc khả năng đó thậm chí còn không được nhiều nước nghĩ tới cho thấy cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ có thể kéo theo việc sửa đổi các kế hoạch phòng vệ với Mỹ.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200401-virus-corona-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-%C4%91%C3%A0o-s%C3%A2u-h%E1%BB%91-ng%C4%83n-c%C3%A1ch-%C3%A2u-m%E1%BB%B9

Châu Âu : Virus corona tiếp tục lây lan mạnh,

hơn 30 nghìn người chết

Anh Vũ
Theo số liệu thống kê của AFP tính đến sáng ngày hôm nay, 01/04/2020, châu Âu vẫn đang là vùng dịch Covid-19  lớn nhất thế giới với hơn 30 nghìn người chết, trong đó Tây Ban nha và Ý chiếm 2/3.
Ba nước có số tượng tử vong cao nhất  lần lượt là Ý, Tây Ban Nha và Pháp.
Tại Ý, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc được áp dụng từ hơn 3 tuần này đã bắt đầu cho những tín hiệu khả quan, số lượng người nhiễm mới hàng ngày ở Ý bắt đầu giảm dần từ vài ngày nay (hơn 1660 ca). Tuy nhiên con số thống kê tính đến tối qua vẫn còn rất nặng  nề : trong vòng 24 giờ nước này đã có thêm 837 người chết, nâng tổng số ca tử vong ở Ý từ đầu dịch là 12.428.
Đến nay, nước Ý  ghi nhận có hơn 105 nghìn trường hợp nhiễm Covid-19. Hôm qua cả nước Ý đã treo cờ rũ và dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ tới những người đã thiệt mạng vì virus corona cũng như để tỏ lòng cảm ơn các thầy thuốc, nhân viên y tế đang trên tuyến đầu chống đại dịch.
Tại Tây Ban Nha, nước châu Âu thứ 2 sau Ý về mức độ thiệt hại nhân mạng do Covid-19. Theo số liệu mới nhất của bộ Y Tế nước này công bố vào trưa hôm nay, trong vòng 24 giờ qua cả nước có thêm 864 người chết vì Covid-19. Như vậy số ca tử vong ở Tây Ban Nha đã vượt qua ngưỡng 10 nghìn. Số ca nhiễm cũng vượt con số 100 nghìn (102.136 người).
Cũng giống như ở Ý, Các biện pháp phong tỏa cách ly đã mang lại chút ít hy vọng, tỷ lệ ca nhiễm mới tiếp tục giảm. Số ca nhiễm mới hàng ngày chỉ tăng 8% so với mức tăng 20%  trước đây một tuần .
Tại Anh, tình hình tiếp tục trầm trọng với con số người chết vì Covid-19 tiếp tục tăng. Hôm qua Anh đã có thêm 381 nạn nhân, nâng tổng số ca tử vong lên 1789 trong tổng số hơn 25 nghìn ca nhiễm.
Trong khi đó các nước hiện còn bị tác động của dịch ở mức độ tương đối nhẹ hơn cũng cũng bắt đầu tăng cường các biện pháp phòng chống trong dân chúng, đó là trường hợp của Áo, nước có số lượng ca nhiễm và tử vong vì Covid 19 tương đối thấp ở châu Âu (128). Bắt đầu từ hôm nay chính phủ Áo yêu cầu người dân đến chợ phải đeo đeo khẩu trang.
Thông tín viên RFI tại Vienna, Isaure Hiace cho biết thêm chi tiết :
“Bắt đầu từ ngày hôm nay (01/04), người dân Áo đi chợ, một trong số rất ít hoạt động đi lại được phép, sẽ được phát khẩu trang ở lối vào. Từ giờ đến siêu thị, mọi người buộc phải đeo khẩu trang. Đó là các loại khẩu trang y tế dùng trong phẫu thuật để tránh lây nhiễm sang người khác. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz giải thích : « Sẽ là sai lầm nghĩ rằng các khẩu trang như vậy bảo vệ được người đeo. Nhưng nó giúp hạn chế lây truyền virus qua không khí. Đeo khẩu trang không phải là thói quen của chúng ta và đây sẽ là một thay đổi lớn. Nhưng phải làm như vậy để giảm hơn nữa đà lây lan của virus ».
Chính phủ muốn tới đây sẽ mở rộng việc bắt buộc đeo khẩu trang trong những hoàn cảnh khác, chẳng hạn như trên các phương tiện giao thông công cộng. Việc tăng cường các biện pháp bảo vệ là cần thiết bởi cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài và khó khăn, thủ tướng Áo cảnh báo.
Ông nói : «  Đây là một cuộc chạy đua marathon. Chúng tôi có nghĩa vụ phải trung thực với các vị. Nhiều người không thể nghĩ điều gì sẽ xảy ra trong những tuần tới đây. Quả thực lúc này là khoảng lặng trước cơn bão. Chúng ta đã thấy cơ bão này hung dữ đến mức nào khi nhìn sang nước láng giềng Ý của chúng ta ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200401-ch%C3%A2u-%C3%A2u-virus-corona-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-l%C3%A2y-lan-m%E1%BA%A1nh-h%C6%A1n-30-ngh%C3%ACn-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt

Virus corona: Bé trai 13 tuổi ở Anh tử vong

Một bé trai 13 tuổi vừa tử vong vì virus corona, một bệnh viện ở London, Anh Quốc, cho hay.
Ismail Mohamed Abdulwahab, từ Brixton phía nam London, chết tại Bệnh viện King’s College Hospital sáng thứ Hai 30/3. Đây được cho là trường hợp trẻ tuổi nhất thiệt mạng vì Covid-19 tại Anh.
Kêu gọi đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ được nhiều hưởng ứng
Chuyện tình dục thời virus corona: Những điều bạn cần biết
Hành trình vào tâm dịch và chuyện tình xuyên biên giới
Người phát ngôn của bệnh viện cho hay hiện giới chức đang điều tra cái chết của cậu bé, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Số ca tử vong ở Anh cho đến thứ Hai 30/3 là 1.789.
Số ca tử vong lớn nhất trong ngày là 381.
Gia đình cậu bé Ismail cho hay họ ‘hơn cả tan nát’ vì sự ra đi của cậu, theo một tuyên bố do bạn bè của gia đình phát đi.
Họ cho hay cậu bé không có vẻ có bệnh tật gì, và được xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm thứ Sáu. Cậu được nhập viện hôm thứ Bảy.
Phóng viên Y tế của BBC Nick Triggle nhận định rằng rất hiếm khi vị thành niên nhiễm Covid-19 mà trở nặng.
“Chỉ 0.3% những người trẻ tuổi có triệu chứng cần phải nhập viện và chỉ 0.006% chết – hay nói cách khác, cứ 30.000 trường hợp nhiễm thì 2 người trong nhóm tuổi này sẽ không thể sống sót,” ông nói.
“Nhưng nó vẫn xảy ra, và trường hợp đáng buồn này cho thấy điều đó.”
Gia đình Ismail cho hay cậu được đưa tới bệnh viện khi bắt đầu có triệu chứng và bắt đầu khó thở.
“Cậu bé được dùng máy thở, sau đó rơi vào hôn mê, và đã ra đi sáng thứ Hai,” bạn bè của gia đình cho hay.
“Chúng tôi được biết rằng cậu bé không có bệnh nền, và chúng tôi vô cùng đau buồn.”
Mark Stephenson, Giám đốc tại Madinah College, phía tây nam London, nơi chị của Ismail làm việc, đã thành lập một quỹ kêu gọi quyên tiền trang trải chi phí đám tang cậu bé.
Một tuyên bố trên trang quyên góp cho hay Ismail qua đời “mà không có người thân nào bên cạnh do bản chất dễ lây của Covid-19″.
Phân tích: Covid-19 nguy hiểm thế nào với người trẻ tuổi?
Richard Warry, BBC News
Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em và thanh thiếu niên ít có khả năng tử vong vì Covid-19 hơn người lớn.
Các triệu chứng có xu hướng nhẹ hơn ở trẻ em, ngược lại với cúm, khi trẻ em có nguy cơ biến chứng cao hơn.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định vì sao điều này có thể xảy ra. Có thể cơ thẻ của trẻ em có khả năng đối phó với virus.
Hệ thống miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành và thường có xu hướng phản ứng thái quá với nhiễm trùng. Nhưng vius corona dường như không kích thích hệ thống miễn dịch của trẻ theo cách này.
Một giả thuyết cho rằng trẻ em có thể kháng cự tốt hơn vì chưa tiếp xúc với các loại virus corona khác, nhẹ hơn.
Kết quả là người trưởng thành đã phát triển kháng thể, nhưng vì những kháng thể đó không khớp với Covid-19 nên chúng có thể gây hại cho cơ thể nhiều hơn là có lợi.
Tất cả điều này không có nghĩa là những người trẻ tuổi – đặc biệt là những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn – hoàn toàn an toàn trước tác động của Covid-19, vì trường hợp này cho thấy điều đó một cách bi thảm.
Bác sĩ Nathalie MacDermott, giảng viên lâm sàng tại King College London, nói rằng cái chết của Ismail “nhấn mạnh tầm quan trọng rằng tất cả chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể để giảm sự lây lan ở Anh và trên toàn thế giới”.
Bà nói thêm: “Điều quan trọng là nhân viên điều tra đánh giá xem liệu các khám nghiệm sau cái chết có cần thiết không để hiểu thêm về nguyên nhân chính xác vì sao cậu bé tử vong.
“Mặc dù các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn mãn tính được biết là dẫn đến kết quả tồi tệ hơn đối với người nhiễm Covid-19, chúng tôi đã nghe nói về các trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi không có vấn đề sức khỏe vẫn không chống đỡ nổi căn bệnh này.
“Điều cần thiết là chúng tôi thực hiện nghiên cứu để xác định lý do tại sao có một tỷ lệ tử vong xảy ra bên ngoài các nhóm dự kiến là không chống đỡ được bệnh này, vì nó có thể chỉ ra tính nhạy cảm di truyền tiềm ẩn về cách hệ thống miễn dịch tương tác với virus.”
Tiến sĩ Vanessa Sancho-Shimizu, nhà nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và virus học tại Đại học Hoàng gia London cho biết việc này nhấn mạnh rằng “tuy cực kỳ hiếm nhưng các số liệu chẳng có nghĩa gì cả khi bệnh này tấn công người thân của chúng ta, và không có chỗ cho sự tự mãn trong đại dịch này.”
Tiến sĩ Simon Clarke, phó giáo sư về vi trùng học tế bào tại Đại học Reading, cho biết:
“Bất kỳ cái chết sớm nào cũng là tin bi thảm, nhưng cái chết của bất kỳ đứa trẻ nào cũng đặc biệt đáng buồn – và cái chết đầu tiên của một đứa trẻ ở Anh sau khi được xác định dương tính với Covid-19 đặc biệt quan trọng.
“Bài học từ các quốc gia như Trung Quốc là trong khi người già có nhiều khả năng tử vong vì nhiễm virus corona, thì người trẻ chắc chắn không tránh khỏi điều đó.”
“Trẻ em có thể bị nhiễm virus, và mặc dù chúng có nhiều khả năng có các triệu chứng nhẹ, chúng vẫn có thể truyền nó cho những người dễ bị tổn thương hơn. Trong những trường hợp hiếm gặp, chúng cũng có thể bị bệnh nặng hoặc tử vong.”
“Đây là một lời nhắc nhở rằng chúng ta phải thực hiện nghiêm túc lời khuyên của giới chức y tế như ở nhà, rửa tay và giữ khoảng cách với tất cả những người khác.”
“Thông điệp cho đến nay dường như là bằng cách làm theo hướng dẫn, bạn có thể cứu được cuộc sống của cha mẹ hoặc ông bà mình.”
“Trường hợp này chưa thể nhắc nhở chúng ta rằng ở nhà cũng có thể cứu sống một đứa trẻ hay đứa cháu yêu quý.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove mô tả sự gia tăng các ca tử vong mới Vương quốc Anh là “gây sốc ” trong cuộc họp giao ban hàng ngày của chính phủ.
“Bây giờ hoàn toàn không phải là lúc để mọi người tưởng tượng có thể có bất kỳ sự thư giãn hay buông lơi” của bất cứ biện pháp phong tỏa nào, ông nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52116820

Covid-19: Pháp bước vào tuần lễ phong tỏa thứ ba,

số tử vong vẫn tăng vọt

Tú Anh
Thiệt hại nhân mạng do siêu vi Corona chủng mới gây ra chưa có chiều hướng giảm sút tại Pháp.Số tử vong đã lên hơn 3.500 với 499 nạn nhân được ghi nhận trong ngày 31/03/2020. Tính trung bình mỗi phút có ba người chết. Biện pháp di tản bệnh nhân giải tỏa áp lực tiếp tục được tăng tốc áp dụng cho Paris và vùng phụ cận.
Theo bộ Y Tế, một phần ba bệnh nhân từ trần trong khi được cấp cứu là từ các bệnh viện ở Paris và vùng phụ cận, đang mấp mé quá tải. Sau khi hoành hành ở các tỉnh vùng đông nước Pháp, đại dịch lan đến thủ đô từ những ngày qua.
Để giảm áp lực, hôm nay chuyến TGV trang bị đặc biệt được sử dụng để di tản một số bệnh nhân ở Paris về các khu vực ít dịch.
Phương án này đã được thực hiện nhiều lần ,cũng trong mục đích giảm nhẹ công việc cho các bệnh viện tại miền đông, ổ dịch đầu tiên. Tổng cộng cho đến hôm nay, các bệnh viện ở vùng Bretagne và miền tây nam nước Pháp đã nhận 288 bệnh nhân di tản.
Song song với nỗ lực này, ba nước láng giềng Thụy Sĩ, Đức và Luxembourg tiếp tục nhận bệnh nhân của Pháp.
Tại Paris, sau khi huy động bác sĩ, y tá hồi hưu, đến lượt sinh viên y khoa ngoại trú năm thứ tư, nhân viên hộ lý được đào tạo khẩn cấp trong một ngày, để lao vào công việc cấp cứu, hối sinh, lẽ ra phải mất hàng tháng.
Hôm nay, thủ tướng và bộ trưởng Y Tế phải ra điều trần trước Quốc Hội về “tác động, hệ quả và cách quản lý” chống dịch.
Ngày hôm qua, khi thăm một trong bốn công ty chế tạo khẩu trang, tổng thống Macron cho biết chính phủ sẽ chi ra 4 tỷ euro để đặt mua thuốc, khẩu trang, máy hô hấp. Không nói đến Trung Quốc, chủ nhân điện Elysée cho biết từ nay nước Pháp sẽ ưu tiên sản xuất và sử dụng hàng nội địa, không để lệ thuộc nước ngoài.
Bốn nhà bào chế của Pháp cho biết thêm sẽ hợp tác sản xuất Hydroxy Chloroquine, thuốc trị sốt rét, mà giai đoạn thử nghiệm lâm sàng chống siêu vi corona đã được tiến hành.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200401-covid-19-ph%C3%A1p-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-v%C3%A0o-tu%E1%BA%A7n-l%E1%BB%85-phong-to%CC%89a-th%E1%BB%A9-ba-s%E1%BB%91-t%E1%BB%AD-vong-v%E1%BA%ABn-t%C4%83ng-v%E1%BB%8Dt

Virus corona : Cuộc chạy đua vô vọng tìm máy trợ thở ?

Thanh Phương
Sau cuộc chạy đua để sản xuất và nhập khẩu khẩu trang bảo hộ y tế, trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, các chính phủ trên toàn thế giới, đặc biệt là những nước bị nặng nhất, đang ráo riết
đẩy mạnh sản xuất trong nước và gia tăng nhập khẩu các máy trợ thở, rất cần để điều trị những bệnh nhân nặng, phải nằm trong phòng hồi sức tại các bệnh viện đã hoặc đang quá tải.
Cuộc chạy đua tìm máy trợ thở cũng giống như cuộc chạy đua với tử thần, bởi vì khi bệnh nhân Covid-19 bị suy hô hấp nặng, máy trợ thở, được sử dụng trong nhiều tuần, là cơ may duy nhất để cứu sống bệnh nhân này.
Do dịch bệnh lây nhanh với tốc độ chóng mặt, đa số các bệnh viện tại Pháp nay bị thiếu máy trợ thở, khiến cho tại một số nơi, bác sĩ đã buộc phải chọn lọc bệnh nhân cần cứu sống, thường là chọn bệnh nhân trẻ hơn, để mặc cho tử thần lấy mạng người lớn tuổi hơn. Để tránh cho các bác sĩ khỏi đi đến những trường hợp đau lòng này, chính phủ  Pháp đề ra mục tiêu tăng gấp ba số máy trợ thở. Thế nhưng, tại miền đông nước Pháp, các bệnh viện vẫn chưa nhận được những máy mà chính phủ hứa cấp cho họ.
Khi đến thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang y tế hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron đã loan báo là 10 ngàn máy trợ thở sẽ được giao cho các bệnh viện ở Pháp từ đây đến giữa tháng 5. Tại Pháp, cho tới nay chỉ có hãng Air Liquide là nhà cung cấp duy nhất, nhưng tập đoàn này đang có sự hỗ trợ của 3 tập đoàn khác là Schneider Electric ( thiết bị điện tử ), Valeo ( thiết bị xe hơi ) và PSA ( sản xuất xe hơi ). Các máy trợ thở do tổ hợp này sản xuất sẽ được trang bị cho 5.000 giường bệnh hiện nay, để đạt mục tiêu mà bộ Y Tế Pháp đề ra là khoảng 14.000 giường.
Tính trên toàn thế giới, nhu cầu về máy trợ thở hiện nay là hàng trăm ngàn máy. Tại châu Âu, điều đáng mừng là các máy trợ thở còn được sản xuất với số lượng lớn gần các nước của châu lục này. Tuy nhiên, cho dù các nhà máy vận hành 24 giờ/24, 7 ngày/7, khả năng công nghiệp hiện tại của châu Âu cũng không đáp ứng nổi nhu cầu.
Tại Đức, Drägerwerk, một những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này, đã tăng gấp bốn sản lượng và đã phải tuyển dụng thêm 500 người để đáp ứng các đơn đặt hàng ồ ạt đổ tới. Công ty này có thể giao 10.000 máy cho nước Đức và 10.000 máy mà các chính phủ nước ngoài đặt hàng. Nhưng giám đốc công ty cho biết họ không thể đáp ứng những yêu cầu khác nữa.
Hoa Kỳ, nay là quốc gia bị dịch nặng nhất thế giới cả về số ca lây nhiễm lẫn số ca tử vong, cũng có ngành sản xuất máy trợ thở, nhưng khả năng sản xuất quá thấp, không thể đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay. Chỉ riêng thành phố New York, tâm dịch ở Mỹ, đang cần đến 30.000 máy trợ thở, còn tính trên toàn nước Mỹ, nhu cầu lên tới 80.000 máy.
Để góp phần đáp ứng nhu cầu khẩn cấp, nhiều ngành khác, đặc biệt là ngành công nghiệp xe hơi, cũng đã tham gia sản xuất máy trợ thở. Chính là tại Hoa Kỳ mà các nhà sản xuất xe hơi tham gia tích cực nhất, với 3 hãng  Tesla, Ford, et General Motors đang liên kết với các nhà sản xuất thiết bị y tế để cố gắng sản xuất máy trợ thở ở quy mô lớn.
Vấn đề là tổng thống Trump đã để mất quá nhiều thời gian, sau nhiều ngày không ý thức về tầm mức kinh khủng của dịch Covid-19. Mãi đến ngày 18/03, tổng thống Trump mới kích hoạt Luật Sản xuất Quốc phòng, có từ thời chiến tranh Triều Tiên thập niên 1950, cho phép tổng thống yêu cầu ngành công nghiệp ở Mỹ tăng cường sản xuất các thiết bị và vật tư y tế quan trọng để chống dịch. Rồi đến ngày 27/03, ông Trump mới ký sắc lệnh buộc tập đoàn xe hơi General Motors sản xuất máy trợ thở, với lời hứa hẹn là nước Mỹ sẽ “sản xuất 100.000 máy trong 100 ngày sắp tới“. Nhưng cho dù có thiện chí đến đâu, phải mất khá nhiều thời gian để huy động phương tiện sản xuất. Theo dự kiến đến cuối tháng 4 General Motors nhận được nguyên vật liệu để sản xuất máy trợ thở, khi đó đỉnh dịch ở New York có lẽ đã qua rồi.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200401-virus-corona-cu%E1%BB%99c-ch%E1%BA%A1y-%C4%91ua-v%C3%B4-v%E1%BB%8Dng-t%C3%ACm-m%C3%A1y-tr%E1%BB%A3-th%E1%BB%9F

Áo yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi đi chợ

Tin Vienna, Áo – Vào thứ Hai, 30 tháng 3, chính phủ Áo đã ra lệnh bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi chợ, nhằm làm chậm đà lây lan của Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên một chính phủ châu Âu ra lệnh bắt buộc kiểu này. Thủ Tướng Áo Sebastian Kurz cho biết, khẩu trang sẽ được phát ở trước cửa các ngôi chợ, và người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi vào chợ mua sắm thực phẩm.
Ông Kurz cũng thừa nhận khẩu trang là điều xa lạ với văn hóa nước Áo, và mệnh lệnh mới là một thay đổi đáng kể đối với người dân. Việc đeo khẩu trang lâu nay vẫn là chủ đề tranh cãi giữa phương Đông và phương Tây, khi nhắc đến các phương pháp giúp làm giảm sự lây lan của coronavirus. Tuy nhiên,
hành động của Áo cho thấy châu Âu có vẻ bắt đầu thay đổi tư tưởng về khẩu trang. Số khẩu trang sắp được phân phát tại Áo là thấp hơn mức tiêu chuẩn y tế, và chỉ có tác dụng ngăn người đeo khẩu trang làm lây lan vi khuẩn, mỗi khi họ ho hoặc hắt hơi. Thủ Tướng Kurz nói, hiện tại, tốc độ truyền nhiễm của Covid-19 là rất cao. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, vào thứ Ba, 31 tháng 3, Áo đang có 10,109 ca bệnh và 128 ca tử vong.
Vài giờ sau thông báo của Thủ Tướng Kurz, chính phủ Đức cũng tỏ ý sẽ có hành động tương tự. Theo Bộ Y Tế Đức, việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng có thể sẽ được cân nhắc, sau khi chính phủ nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội hiện tại
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/ao-yeu-cau-nguoi-dan-phai-deo-khau-trang-khi-di-cho/

Nga điều máy bay chở hàng đến Mỹ,

 trợ giúp chống dịch virus corona

Một máy bay vận tải quân sự của Nga cất cánh từ một sân bay ở ngoại ô Moscow vào sáng sớm thứ Tư 1/4, chuyên chở các thiết bị y tế và khẩu trang đến Mỹ để giúp Washington chống virus corona, còn gọi là Covid-19, theo tin của truyền hình nhà nước Nga. Chuyến bay này do Bộ Quốc phòng Nga thực hiện.
Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra đề xuất rằng Nga có thể giúp đỡ, khi ông điện đàm với Tổng thống Donald Trump hôm 30/3. Trong cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận cách tốt nhất để đối phó với Covid-19.
“Ông Trump đã chấp nhận sự trợ giúp nhân đạo này”, Phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, được hãng thông tấn Interfax dẫn lại lời vào tối 31/3. Bản thân ông Trump cũng đã hồ hởi nói về sự giúp đỡ của Nga sau cuộc gọi điện với ông Putin.
Số ca xác nhận nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã tăng lên 187.000 và gần 3.900 người đã chết vì virus này.
Ở Nga, nơi một số bác sĩ tỏ ra nghi ngờ về tính chính xác của dữ liệu chính thức, bảng thông kê chính thức cho thấy số ca nhiễm được xác nhận là 2.337, với 17 trường hợp tử vong.
Ông Peskov, người phát ngôn của ông Putin, cho biết Moscow hy vọng Hoa Kỳ cũng có thể cung cấp trợ giúp y tế cho Nga nếu có lúc cần phải như vậy.
“Có một điều quan trọng cần lưu ý là khi đưa ra đề xuất trợ giúp với các đồng nghiệp Mỹ, tổng thống [Putin] giả định rằng khi các hãng sản xuất thiết bị và vật tư y tế ở Mỹ lấy được đà, họ cũng sẽ có thể đối ứng nếu cần thiết”, ông Peskov nói.
Ông Peskov cũng được báo chí trích lời nói rằng Nga và Trung Quốc đã hợp tác theo cách tương tự, bởi vì “khi mà tình hình hiện nay ảnh hưởng đến mọi người, không có ngoại lệ nào, thì không có cách nào khác là phải làm việc cùng nhau trên tinh thần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau”.
Nga cũng đã sử dụng quân đội của mình để điều các máy bay chở hàng viện trợ tới Ý, giúp cho các hoạt động chống virus corona lây lan.
Việc làm này của Nga làm lộ ra thực tế rằng Liên hiệp châu Âu thất bại, không thể trợ giúp nhanh chóng cho một nước thành viên đang gặp khủng hoảng, và trao cho ông Putin cơ hội đánh bóng hình ảnh ở trong và ngoài nước.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-dieu-may-bay-cho-hang-den-my-tro-giup-chong-dich-covid-19/5355202.html

Virus corona: Hoa Kỳ  có thể giảm trừng phạt với Iran

 trong bối cảnh có dịch

Anh Vũ
Theo Reuters, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày hôm qua, 31/03/2020, đã ngỏ ý cho biết là Hoa Kỳ có thể sẽ xem xét giảm nghẹ trừng phạt đối với Teheran trong nỗ lực chung chống đại dịch virus corona. Tuy nhiên chưa có biện pháp cụ thể nào được tiết lộ.
Trước các nhà báo tại Washington hôm qua, ông Mike Pompeo nhấn mạnh, các nguồn lực nhân đạo được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt được Washington tái lập đối với Iran từ sau khi Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Chưa hẳn là một thông báo nhưng phát biểu của lãnh đạo Ngoại Giao Hoa Kỳ cho thấy dấu hiệu thay đổi sau khi gần đây tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng yêu cầu Mỹ giảm nhẹ các trừng phạt Iran trong hoàn cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu và Iran là nước đang hứng chịu nặng nề trận dịch Covid-19.
Cho đến giờ, hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn ngăn chặn nhiều công ty thực hiện trao đổi hàng hóa mang tính chất nhân đạo, như trang thiết bị vệ sinh, y tế, thuốc men. Teheran lên án Hoa Kỳ là « khủng bố y tế », khi lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn cản Teheran được tiếp cận mua bán các vật tư thiết bị chống dịch virus corona đang hoành hành ở Iran.
Mặc dù đang gặp khó khăn chống đỡ với dịch Covid-19, hôm qua, Berlin thông báo các nước châu Âu gồm Đức, Pháp và Anh đã xuất khẩu các thiết bị y tế sang Iran, trong khuôn khổ các giao dịch được thực hiện nhờ cơ chế mậu dịch đặc biệt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi đó, hôm qua, chính quyền Trump cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh  trừng phạt nhằm vào Venezuela, nhưng với điều kiện các thành viên đối lập và đảng cầm quyền đồng ý được với nhau thành lập một chính phủ lâm thời không có Nicolas Maduro.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200401-virus-coronahoa-k%E1%BB%B3-c%C3%B3-th%E1%BB%83-gi%E1%BA%A3m-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-v%E1%BB%9Bi-iran-trong-b%E1%BB%91i-c%E1%BA%A3nh-c%C3%B3-d%E1%BB%8Bch

Chiến hạm Nhật va chạm tàu TQ, rách vỏ

Tàu khu trục JS Shimakaze của Nhật thủng một lỗ sau va chạm với tàu cá Trung Quốc trên biển Hoa Đông, không ai bị thương.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết tàu khu trục JS Shimakaze thủng một lỗ rộng khoảng một mét ở mạn trái sau sự cố va chạm xảy ra đêm qua trên biển Hoa Đông, cách đảo Yakushima của Nhật Bản khoảng 650 km về phía tây.
Tuy bị rách vỏ, khu trục hạm Nhật vẫn duy trì khả năng di chuyển trên biển. Thủy thủ đoàn chiến hạm Nhật Bản và tàu cá Trung Quốc đều không có người bị thương. “Chúng tôi đang điều tra chi tiết sự việc”, Bộ trưởng Kono viết trên Twitter.
JS Shimakaze là một trong hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Hatakaze, được Nhật Bản biên chế hồi tháng 3/1988.  Đây là những chiến hạm đầu tiên của Nhật được trang bị động cơ turbine khí. JS Shimakaze có thể đóng vai trò kỳ hạm của nhóm tác chiến hải quân, thay thế vai trò của các khu trục hạm cỡ lớn trong trường hợp chúng đang bảo dưỡng hoặc bị hư hại trong chiến đấu.
Tàu dài 150 m, rộng 16 m và có lượng giãn nước đầy tải 6.050 tấn. Mỗi chiếc mang được 6 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, tên lửa phòng không tầm trung RIM-66 Standard, rocket chống ngầm ASROC, hai pháo đa dụng Mark 42 cỡ nòng 127 mm, hai bệ pháo phòng thủ cực gần Phalanx và ngư lôi 324 mm.
http://biendong.net/bien-dong/33852-chien-ham-nhat-va-cham-tau-tq-rach-vo.html

Thủ tướng Đài Loan nói COVID-19

nên được gọi là ‘Viêm phổi Vũ Hán’

Băng Thanh
Nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tìm cách chối bỏ nguồn gốc của bệnh COVID-19, Thủ tướng Đài Loan, ông Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) tuyên bố cần nói rõ đại dịch này là “Viêm phổi Vũ Hán”.
Taiwan News đưa tin, tại một cuộc chất vấn chính phủ của Quốc hội Đài Loan vào ngày 31/3, nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) Thái Dịch Dư (Tsai Yi-yu) đã hỏi quan điểm của Thủ tướng Tô về việc chính quyền Trung Quốc né tránh sử dụng cụm từ “Vũ Hán” khi nói về COVID-19 và tìm cách cứu vãn hình ảnh của họ trong thảm họa toàn cầu.
Thủ tướng Tô đã trả lời rằng dịch virus corona là bắt nguồn ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, do đó nó phải được gọi là “viêm phổi Vũ Hán”. Ông cũng bình luận rằng việc Bắc Kinh yêu cầu thế giới thay đổi tên gọi của dịch bệnh cho thấy chính quyền Trung Quốc đang thiếu niềm tin vào chính mình.

Cũng trong cuộc chất vấn, nhà lập pháp Thái Dịch Dư đã chỉ ra những thủ thuật mà chính quyền Trung Quốc biện hộ cho những sai lầm của họ trong việc ngăn chặn dịch COVID-19. Một trong số các thủ thuật là chối bỏ nguồn gốc của virus viêm phổi này, và tuyên bố việc đề cập đến “Vũ Hán” là một hình thức phân biệt chủng tộc.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh lại nhận được sự hậu thuẫn của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom, một người được cho là có cảm tình đặc biệt đối với chính quyền Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh đối mặt với sự phẫn nộ của nhiều nước trên thế giới, ông Tedros lại lên tiếng khen ngợi các hành động chống dịch của Trung Quốc. Ông Thái cho biết ông Tedros thậm chí còn ca ngợi chính quyền Trung Quốc đã “giúp thế giới có thời gian” chuẩn bị cho dịch bệnh.
Thủ tướng Tô đã đồng ý với ý kiến của ông Thái và nói rằng thực tế căn bệnh là bắt nguồn ở Vũ Hán, vì vậy thế giới đã đặt cho nó cái tên là bệnh viêm phổi Vũ Hán. Ông Tô cũng chỉ ra thực tế rằng nhiều bệnh truyền nhiễm lớn trên thế giới đã được đặt tên theo nơi xuất phát của chúng, như sởi Đức, viêm não Nhật Bản.
Theo ông Tô, Trung Quốc hiện đang tung các chiến dịch tuyên truyền để ca ngợi hoạt động ngăn chặn dịch bệnh của họ ở trong nước. Nhưng theo ông Tô, những chiến dịch tuyên truyền như vậy có thể gây phản tác dụng nếu nó trở nên thái quá. Ông Tô nói rằng Đài Loan từ lâu đã học cách không tin tưởng Trung Quốc, vì vậy, Đài Loan đã cực kỳ thận trọng khi dịch bệnh bắt đầu.
https://www.dkn.tv/the-gioi/thu-tuong-dai-loan-noi-covid-19-nen-duoc-goi-la-viem-phoi-vu-han.html

TQ lên tiếng vụ Hà Lan

thu hồi 600.000 khẩu trang không đạt chuẩn

Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan hôm nay nói rằng họ đang theo dõi sát sao cuộc điều tra của giới chức Hà Lan về vụ việc thu hồi hơn 600.000 chiếc khẩu trang nhập từ Trung Quốc và rằng Hà Lan chớ “chính trị hoá” sự việc.
Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan Xu Hong đưa ra bình luận này sau khi giới chức Hà Lan thu hồi hơn 600.000 chiếc khẩu trang bị phát hiện không phù hợp để dùng cho nhân viên y tế trong các phòng cấp cứu.
“Đại sứ quán rất chú ý đến tin đưa hôm 28/3 về những chiếc khẩu trang “có lỗi” mà chính phủ Hà Lan mua từ Trung Quốc, và đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Hà Lan để xác nhận thông tin”, ông Xu nói trong thông cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán.
Ông Xu nói rằng ông đã nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Y tế, Phúc lợi và Thể thao Hà Lan Martin van Rijn hôm 29/3 và Trung Quốc sẽ hỗ trợ Hà Lan điều tra chất lượng khẩu trang “nếu cần thiết”.
Theo Bộ Y tế, Phúc lợi và Thể thao Hà Lan, số khẩu trang trên không vừa vặn và các lớp lọc không hoạt động đúng cách. Chưa biết lô khẩu trang này Hà Lan mua hay được tặng.
Trung Quốc đẩy mạnh đưa hàng y tế ra các nước trong bối cảnh dịch COVID-19 lan khắp các châu lục và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Nhưng gần đây xuất hiện một số thông tin hoài nghi về chất lượng đồ bảo hộ cũng như dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 từ Trung Quốc.
Ông Xu gạt bỏ những quan ngại rằng Trung Quốc gắn vấn đề chính trị vào hoạt động hỗ trợ y tế. Ông cho rằng những hỗ trợ này không nên bị chính trị hoá.
Tuần trước, chính phủ Tây Ban Nha nói rằng những dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 họ mua từ hãng công nghệ sinh học Bioeasy Thâm Quyến thông qua một công ty cung cấp ở Tây Ban Nha chỉ có độ chính xác 30%. CH Séc trước đó nói các dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19 từ Trung Quốc có độ chính xác dưới 20%.
Bộ Y tế Philippines hôm qua xin lỗi về phát biểu của thứ trưởng bộ này trước đó nói rằng 2 lô dụng cụ xét nghiệm COVID-19 mà Trung Quốc cung cấp không đủ tiêu chuẩn.
http://biendong.net/bien-dong/33851-tq-len-tieng-vu-ha-lan-thu-hoi-600000-khau-trang-khong-dat-chuan.html

Báo chí, truyền thống và giới khoa học TQ ngụy biện

 cho việc nước này đang tàn phá

nghiêm trọng hệ sinh thái san hô ở Biển Đông

Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 từng nêu rõ hoạt động cải tạo đất-xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc đã “gây tổn thất nặng nề cho môi trường san hô”. Để tìm cách chối bỏ điều này,báo chí, truyền thống và giới khoa học Bắc Kinh đã ra sức đưa ra những lý lẽ ngụy biện.
Chiêu thức tuyên truyền, bao biện của TQ
Từ lâu Trung Quốc đã biết sự suy thoái môi trường ở vùng biển nhạy cảm, nhưng những năm tháng tranh chấp Biển Đông giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng đã che mờ nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xử lý vấn nạn này. Bắc Kinh tuyên bố đã phục hồi các bãi san hô bị hủy diệt, nhưng không thể rõ khâu phục hồi này có hiệu quả hay không. Chuyên gia của nhiều cơ quan, gồm Viện Hải dương Nam Hải thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) và Học viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc (CAFS) tuyên bố đã lập một Hiệp hội bảo vệ các bãi san hô Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam, và tổ chức này sẽ do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc quản lý. Theo kế hoạch hành động 10 năm vừa được Bộ trên công bố, Trung Quốc phải hạn chế sự xói mòn của san hô ở các bãi chính, và lập các khu bảo tồn để bảo vệ 90% san hô của Biển Đông kể từ năm 2030.
Đi kèm kế hoạch này, một báo cáo của CAS nói hệ san hô ở Biển Đông đã bị suy thoái nặng, nhưng quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) có sự đa dạng san hô lớn nhất. Báo cáo viết: “Vài năm qua, từ tác động chung của hoạt động của con người và sự thay đổi thời tiết, diện tích các bãi san hô ở nhiều khu vực khác nhau đã bị giảm. Hoạt động của con người được cho là nguyên nhân lớn của sự suy thoái của lớp san hô ở Nam Hải”. Gần đây, trên một số trang mạng của Trung Quốc như South China Morning Post, China News Service… đăng tải thông tin cho biết, hồi tháng 1/2019, Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết nước này đã lập các cơ sở bảo tồn-phục hồi sự tăng trưởng của san hô ở Đá Chữ Thập, Đá Xubi và Đá Vành Khăn. Đây là 3 trong 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bộ Tài nguyên nước này đang tích cực tiến hành các biện pháp nhằm khôi phục hệ sinh thái của các rạn san hô ở Biển Đông. Các trang mạng trên khoe rằng, các cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bảo vệ và khôi phục các rạn san hô sẽ được xây dựng tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn (3 bãi đá chìm trong 7 thực thể mà Trung Quốc chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa). Tờ Thời báo Hoàn Cầu thậm chí còn trích dẫn tuyên bố của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, trong đó có đoạn nêu: “Mục đích của các cơ sở này là củng cố hoạt động bảo vệ hệ sinh thái tại Biển Đông, cũng như đảm bảo nghĩa vụ bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái khu vực”
Sự thật không thể bác bỏ
Từ năm 2013, Trung Quốc đã cải tạo đất và phá hủy các bãi san hô ở Biển Đông để xây 7 căn cứ quân sự lớn, có đủ cảng, đường băng cho máy bay cất – hạ cánh và trạm radar, ụ tên lửa. Các đảo nhân tạo có tổng diện tích 3,5 triệu km2 nhằm củng cố cho những yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh. Một nghiên cứu của Đại học British Columbia (ở Canada) nói nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông đã suy giảm từ 5% đến 30% trong tổng cấp độ hồi 1950, chỉ vì nạn đánh bắt bừa bãi, thảm động thực vật nay trở nên hiếm hoi. Báo cáo viết: “Hậu quả của những tác động tới các bãi san hô, cùng với sự thay đổi thủy động lực thay đổi và các chất dinh dưỡng được giải phóng, là khả năng gây ra hậu quả sinh thái trên diện rộng và lâu dài cho các rạn san hô bị ảnh hưởng và rộng hơn là hệ sinh thái của quần đảo Trường Sa và có thể là xa hơn nữa”.
Từ năm 2013 đến 2016, các cuộc xây dựng đảo nhân tạo để lập căn cứ quân sự Trung Quốc đã phá nát các bãi san hô: “Riêng tàu cuốc Thiên Tân đã chở 4.500 m3 vật liệu/giờ, đủ đổ gần đầy hai hồ bơi tiêu chuẩn thi đấu Olympic. Nhà sinh học biển Johnn MacManus thuộc Đại học Miami (Mỹ) viết: Khâu nạo vét “đã giết chết mọi thứ” sống quanh các bãi san hô này. Ông David Baker, một giáo sư ngành khoa học thủy sản ở Đại học Hồng Kông, nói Trung Quốc đang có một giải pháp “từ ngọn đến gốc” để bảo vệ hệ sinh thái Biển Đông, với sự thực thi các biện pháp khác như cấm đánh cá kể từ mùa hè 2019. Ông cảnh báo: “Tôi nghĩ một trong những điều đi kèm với việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông, chính là việc quản lý môi trường. Điều tôi thật sự lo ngại về việc bảo tồn Biển Đông đang bị xem thường, bởi bối cảnh chính trị-xã hội cho đến các nhóm lợi ích, nhất là ngành đánh
cá rất quyền lực”. Công tác bảo tồn của Trung Quốc cũng có thể bị các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông đánh giá là một động thái của Bắc Kinh, nhằm mở rộng quyền kiểm soát vùng biển này.
http://biendong.net/bien-dong/33844-bao-chi-truyen-thong-va-gioi-khoa-hoc-tq-nguy-bien-cho-viec-nuoc-nay-dang-tan-pha-nghiem-trong-he-sinh-thai-san-ho-o-bien-dong.html

Cuộc chiến giá dầu và con bài của TQ ở Biển Đông

Cuộc chiến giá dầu giữa Nga vàSaudi Arabi tiếp diễn trong tình hình giá daàu thế giới tiếp tục lao dốc thảm hại. Tổng thống Nga và Mỹ đã đồng ý kế hoạchmở cuộc tham vấn song phương, tìm cách ổn định thị trường năng lượng, tránh gây thiệt hại cho hai nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới.
Trong khi các “ông lớn” đều sôi lên sùng sục thì Trung Quốc, một quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới đang quan sát và lặng lẽ chờ thời. Bắc Kinh vẫn rất kín tiếng về vấn đề nóng bỏng này, trong khi đó lại huênh hoang nói rằng, họ đang giương cao ngọn cờ khôi phục nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19
Cuối tháng 3 vừa qua, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ chạm đáy 20 USD, giá dầu Brent Biển Bắc xuống 23 USD/thùng. Mức giá các loại dầu ở mức thấp nhất trong 18 năm qua. Do giá dầu lao đốc như chiếc xe không có phanh hãm trong bối cảnh chính phủ nhiều nước áp đặt lệnh phong tỏa nhằm phòng, chống dịch Covid-19, khiến nhu cầu dầu mỏ sụt giảm rất mạnh. Giá dầu lao dốc còn do các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabi và Nga chạy đua tăng sản lượng sau khi hai bên không đạt thỏa thuận cắt giảm nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác ngoài khối (OPEC+).
Bất chấp sức ép từ Mỹ – nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới – Saudi Arabi tuyên bố sẽ không đàm phánvới Nga để cân bằng thị trường dầu mỏ. Thậm chí Saudi Arabi còntuyên bố, từ tháng 5 tới sẽ tăng lượng xuất khẩu dầu thêm 600 nghìn thùng/ngày, đạt mức kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung vẫn tăng trong khi nhu cầu giảm mạnh khiến thị trường “vàng đen” bị chao đảo. Sắp tới dự báo nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm từ 15 đến 20 triệu thùng/ngày, (giảm 20% so với năm 2019) chonên việc các nước cắt giảm lượng lớn sản lượng sẽ là việc không thể không làm.
Mỹ sẽ là nước thiệt hại nghiêm trọng trong cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabi. Giá dầu xuống thấp đe dọa các nhà sản xuất ở Mỹ vì chi phí quá cao, giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp dầu đá phiến. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi đây là cuộc chiến dầu mỏ “điên rồ”. Bở tới đây giá dầu thô của Mỹ có thể giảm xuống dưới mức 20 USD/thùng, theo đó nhiều công ty dầu mỏ của Mỹ đối mặt nguy cơ phá sản.
Trong lúc con thuyền dầu mỏ sắp đăm, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin đã điện đàm nhất trí để các quan chức năng lượng hàng đầu hai nước thảo luận về thị trường dầu mỏ toàn cầu.  Hai bên đồng ý sẽ phối hợp chặt chẽ hơn giữa hai nước thông qua Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Việc tìm cách cứu con thuyền sắp đắm tạobước ngoặt mới trong “ngoại giao dầu mỏ” toàn cầu kể từ khi OPEC+ thất bại trong việc tìm kiếm một thỏa thuận cắt giảm sản lượng và châm ngòi cho cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabi.
Về phía Trung Quốc, trong thời gian qua, nước này đã nhiều lần tìm cách can thiệp và ngăn cản các hoạt động khai thác của Malaysia và Việt Nam. Bình tĩnh nhìn lại có thể thấy Bắc Kinh đã nhìn rất xa vấn đề dầu mỏ. Trung Quốc đã có “lộ trình” trong việc liên tục gây áp lực lên các hoạt động khai thác dầu khí của nước khác trong khu vực. Chẳng thế mà báo chí quốc tế từng bình luận rằng, Biển Đông có thể trở thành một “vùng Vịnh thứ hai”, với trữ lượng dầu khí lớn kèm theo nguy cơ xung đột cao.
Trong “lộ trình” tưởng như chỉ có kinh tế đơn thuần, Trung Quốc đã tìm mọi cách cản trở việc thăm dò và khai thác dầu khí của các nước khác, nhằmtiến tới độc chiếm các vùng khai thác, hoặc ít nhất buộc các nước trong ASEAN phải chấp nhận cho các công ty Trung Quốc khai thác chung, như trường hợp của Philippines.
Về mặt lí thuyết, Trung Quốc đưa các điều khoản ngăn cấm sự hiện diện của “các nước bên ngoài khu vực”. Từ đó họ tạo cớ xua đuổi, hoặc tạo áp lực lên công ty nước ngoài thuộc các quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng hợp tác cùng khai thác với các nước trong khu vực. Việc làm này là mũi tên nhằm vào hai đích: giành miếng bánh tài nguyên và gây áp lực chính trị.
Trong cuộc chiến biển Đông và dầu khí này Trung Quốc ngánnhất là Mỹ. Chỉ có Mỹ mới đủ tiềm lực kinh tế và quân sự để đối đầu với Trung Quốc. Tìm các “giải hòa” Bắc Kinh lên tiếng đề nghị Mỹ có
thể hiện diện ở Biển Đông nếu như tích cực thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên với các nước có tranh chấp.
http://biendong.net/dam-luan/33869-cuoc-chien-gia-dau-va-con-bai-cua-tq-o-bien-dong.html

TQ đang phải trả giá

cho những hành vi đê hèn trên Biển Đông

Trung Quốc đã không từ thủ đoạn để độc chiếm tài nguyên và kiểm soát Biển Đông. Tuy nhiên, hành vi của Trung Quốc đã, đang và sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích. Nhìn từ nhiều khía cạnh cho thấy, Trung Quốc đang phải trả giá đắt cho những hành vi đê hèn của mình ở Biển Đông.
Hành vi không thể chấp nhận
Trung Quốc đi ngược lại cam kết không quân sự hóa trên Biển Đông do chính Tập Cận Bình đưa ra. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã triển khai phi pháp nhiều loại hình vũ khí tấn công trên các thực thể chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa như điều máy bay quân sự Tây An Y-7 tới đá Vành Khăn; thiết lập hơn 40 cơ sở radar khác nhau trên 7 đảo đá ở Trường Sa; triển khai 03 xe đặc chủng mang thiết bị phá song quân sự trên đá Vành Khăn và cũng đã triển khai một số hệ thống phá sóng tại đá Chữ Thập; điều máy bay Thiểm Tây Y-8 tới đá Xu Bi; triển khai tên lửa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập; triển khai phi pháp một loạt khí tài như hệ thống tên lửa đất đối không hoặc đối hạm, radar, xe hậu cần, thiết bị phá sóng đến đảo Phú Lâm; đưa máy bay ném bom, kể cả Tây An H-6K tới ở đảo Phú Lâm; kích hoạt và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; đưa tàu tìm kiếm cứu nạn “Nam Hải cứu 115”, có bãi đáp cho trực thăng cứu hộ cỡ trung tới neo đậu thường trú tại Đá Xu Bi; điều tàu chiến có tên lửa dẫn đường Type 054A ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa… Hành động trên của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế, buộc Bắc Kinh “muối măt” thừa nhận quân sự hóa trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là một trong những nước có cách hành xử thô bạo, nguy hiểm và có phần tàn độc đối với ngư dân các nước đang đánh bắt cá trên Biển Đông. Việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển hay lực lượng chấp pháp (Cảnh sát biển, Ngư chính…) tấn công, cướp bóc, đâm chìm tàu cá của ngư dân các nước đang đánh bắt cá hợp pháp trên Biển Đông không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, thay vì nhận sai và bồi thường cho ngư dân các nước, Chính quyền Trung Quốc lại ngang nhiên cho rằng lực lượng chấp pháp của minh “không hề tấn công” tàu cá các nước, khẳng định “tàu Trung Quốc đã cứu vớt” tàu cá các nước… Trong năm qua, tàu dân quân biển của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Philippines khi đang nghỉ đêm tại vùng biển bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc 22 ngư dân trôi dạt trên biển là một ví dụ điển hình. Không chỉ đâm chìm tàu cá các nước, lực lượng chức năng của Trung Quốc còn kiêm nhiệm chức năng “cướp biển”. Tàu cá QNa-91441 của ngư dân Quảng Nam (2/6/2019) bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 46305 chặn cướp tài sản khi đánh bắt cá trong vùng biển gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo thông tin trên, tàu cá của ngư dân Quảng Nam có số hiệu QNa-91441 khai báo rằng tàu bị “tàu Trung Quốc mang số hiệu 46305 áp sát, yêu cầu mở hầm tàu và đưa hết mực khô bên trong rồi vận chuyển sang ca nô chở về tàu 46305”. Vụ cướp được ghi nhận xảy ra tại vị trí 15 độ 42 phút Bắc, 111 độ 34 phút Đông, thuộc đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thuyền trưởng tàu QNa-91441 cho biết, “trong khi khống chế và lấy mực, có người trên tàu Trung Quốc nói tiếng Việt với các ngư dân rằng đây thuộc vùng biển Trung Quốc nên cấm khai thác. Ngoài ra người này còn dọa sẽ cắt hết lưới và lấy hết dụng cụ hành nghề nếu phát hiện ngư dân Việt Nam lần sau”. Tin cho hay trị giá của 2 tấn mực khô vào khoảng 250 triệu đồng, nhưng thiệt hại chung do chuyến đi gặp trở ngại có thể cao hơn gấp đôi.
Bắc Kinh không có chủ quyền trên Biển Đông
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn sử dụng giọng điệu “Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực Biển Đông” và rằng “khu vực này là do tổ tiên để lại”. Tuy nhiên, đây chỉ là cách Trung Quốc đánh lừa cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh thực chất không có cơ sở pháp lý cũng như chứng cứ lịch sử để khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông. Từ khía cạnh luật quốc tế và chứng cứ lịch sử đều chứng minh Trung Quốc không có chủ quyền đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa từ Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng các quy định luật pháp quốc tế hiện hành, bao gồm Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Không những vậy, bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, lịch sử. Trung Quốc (7/5/2009) nhằm khẳng định “chủ quyền” sai trái của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, đã gửi công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc “phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc theo quy định của UNCLOS”, Trung Quốc cũng đã gửi kèm một sơ đồ trên đó thể hiện “đường 9 đoạn” của mình trên Biển Đông. Trong công hàm Trung Quốc đã nêu quan điểm “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó”. Với lập luận “đường 9 đoạn” Trung Quốc đã thể hiện yêu sách của mình đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi, đó là Trung Quốc đã bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn. Công hàm này là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về ý nghĩa pháp lý quốc tế của “đường 9 đoạn”  và cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc không hề đưa ra bất cứ một lời giải thích hoặc chứng cứ pháp lý khẳng định nước này có “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.
Trong khi đó, Tòa trọng tài theo phụ lục VII của LHQ (7/2016) đã ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, trong đó tuyên bố: Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng UNCLOS quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước UNCLOS liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại UNCLOS. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn” hay còn được gọi là “đường lưỡi bò”.
Trung Quốc đang phải trả giá
Đầu tiên, cộng đồng quốc tế đã nhận rõ bản chất nham hiểm và thủ đoạn xảo trá của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một mặt, Trung Quốc rất biết cách chọn thời điểm để tiến hành các hoạt động phi pháp của mình, khiến cộng đồng quốc tế trở tay không kịp, mặt khác Bắc Kinh không từ bất cứ thủ đoạn gì để làm, miễn là đạt được âm mưu của mình, cho dù thủ đoạn đó đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh khu vực, vi phạm luật quốc tế và bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Ngoài ra, Trung Quốc đã dần lộ rõ bộ mặt thật của hình tượng “nước lớn có trách nhiệm” đối với cộng đồng quốc tế. Trước những hành động của Bắc Kinh, sẽ chẳng có một nước nào trên thế giới tin vào những gì mà Trung Quốc luôn tuyên truyền bấy lâu nay về việc phát triển hòa bình, không chạy đua vũ trang hay có trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Trái lại với những gì tuyên bố, Trung Quốc đang là nước gây bất ổn trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và lợi ích của tất cả chúng ta.
Thứ hai, khi các nước không còn lòng tin vào Trung Quốc thì đương nhiên là sức ảnh hưởng chính trị, kinh tế, ngoại giao của Bắc Kinh cũng sẽ tụt lùi theo.
Thứ ba, Trung Quốc đừng mộng tưởng rằng quân sự hóa được ở Biển Đông là có thể kiểm soát hoàn toàn khu vực này và cũng đừng mơ mộng rằng cộng đồng quốc tế sẽ để yên cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Trong bối cảnh tất cả các nước đều nỗ lực chung tay vì mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới, thúc đẩy cùng nhau sống có trách nhiệm và tôn trọng luật pháp quốc tế, thì không cớ gì lại để Trung Quốc, một trong sáu nước thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lại sống “ngoài vòng pháp luật”.
Thứ tư, tuy Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei là những nước nhỏ về cả kinh tế, quân sự và địa lý nhưng họ đều có lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước thiết tha và tinh thần bất khuất trong việc giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Họ sẽ triển khai tất cả các biện pháp mà luật pháp quốc tế cho
phép để bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc mình. Hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ không đe dọa được họ.
Nhìn chung, với những hành vi sai trái trên Biển Đông, Trung Quốc không chỉ bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích mà còn bị các nước xa lánh, coi thường. Do đó, để duy trì vị thế và tầm ảnh hưởng của minh, Trung Quốc cần chấm dứt ngay lập tức hoạt động phi pháp trên Biển Đông, tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
http://biendong.net/bien-dong/33843-tq-dang-phai-tra-gia-cho-nhung-hanh-vi-de-hen-tren-bien-dong.html

Huawei khuyến cáo Hoa Kỳ đang đùa với lửa

nếu cắt nguồn cung cấp vật liệu của hãng

Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Hãng kỹ thuật Huawei của Trung Cộng đang đối mặt với 1 năm khó khăn chưa từng thấy, khi phải chống đỡ các ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và cả các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Hoa Kỳ. Theo bản tin từ Bloomberg, chủ tịch luân phiên Eric Xu vào thứ Ba, 31 tháng 3, nói rằng ông đã biết về việc Washington muốn siết chặt lệnh trừng phạt Huawei, bằng cách yêu cầu hãng sản xuất bán dẫn TSMC của Đài Loan ngừng bán chip điện tử cho Huawei.
Ông Xu nói, chính quyền Trung Cộng sẽ không tha thứ cho hành động của Hoa Kỳ, và việc làm của Washington cũng sẽ phá hoại chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuyên bố của ông Xu là lời đáp trả mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Huawei đối với các lệnh trừng phạt của chính phủ Trump.
Lên tiếng trước các phóng viên trong buổi họp báo công bố doanh thu năm 2019, ông Xu nói Hoa Kỳ đang đùa với lửa và có thể sẽ gây ra thiệt hại mang tính thảm họa cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu tình huống này xảy ra, sẽ không chỉ một mình hãng Huawei bị tổn hại. Ông Xu cho biết ông không nghĩ rằng chính quyền Trung Cộng sẽ đứng yên để Huawei bị Hoa Kỳ bắt nạt, và Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả.
Trước đó, Tòa Bạch Ốc được cho là đang cân nhắc yêu cầu các hãng sản xuất bán dẫn nổi tiếng, như TSMC của Đài Loan và Samsung của Nam Hàn, ngừng bán chip bán dẫn cho Huawei. Kế hoạch này nếu được thực hiện sẽ khiến Huawei không thể tiếp cận với công nghệ chip bán dẫn mới hiện nay.  Vào thứ Ba, Huawei báo cáo lợi nhuận ròng của hãng chỉ tăng 5.6%, cũng là tốc độ tăng chậm nhất trong 3 năm qua.
Ngô Bảo
https://www.sbtn.tv/huawei-khuyen-cao-hoa-ky-dang-dua-voi-lua-neu-cat-nguon-cung-cap-vat-lieu-cua-hang/

Trung Quốc bắt đầu báo cáo

các ca nhiễm Covid-19 ‘không triệu chứng’

Triệu Hằng
Giới chức y tế Trung Quốc hôm thứ Tư (1/4) đã bắt đầu báo cáo về các trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng không xuất hiện triệu chứng vào tổng số ca nhiễm trên cả nước.
Theo Reuters, đây là một động thái nhằm xua tan nỗi sợ hãi của công chúng về những ca nhiễm virus bị giấu nhẹm. Tính đến ngày 1/4, chính quyền Trung Quốc tuyên bố nước này đã có hơn 81,554 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3.312 ca tử vong. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần vì chính quyền Trung Quốc bị nghi ngờ làm giả số liệu và che giấu mức độ nghiêm trọng thật sự của dịch viêm phổi Vũ Hán.
Reuters cho biết, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho các cơ quan y tế chuyển hướng sự chú ý của công chúng sang các trường hợp “nhiễm virus nhưng không triệu chứng” và công bố dữ liệu đó.
Giới chức y tế tỉnh Liêu Ninh là cơ quan đầu tiên làm như vậy vào hôm thứ Tư. Reuters cho biết trang web của chính quyền Liêu Ninh tuyên bố tỉnh này có 52 ca nhiễm virus corona “không có triệu chứng” kể từ ngày 31/3.
Tỉnh Hồ Nam tuyên bố trên website của tỉnh rằng họ có 4 trường hợp như vậy, tất cả đều là nhập cảnh từ nước ngoài.
Kể từ ngày 1/4, Ủy ban Sức khỏe Quốc gia của Trung Quốc sẽ báo cáo số lượng các nhiễm không có triệu chứng vào dữ liệu cộng dồn của quốc gia, theo Reuters.
Gần đây, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng tuyên truyền rằng họ đã “chiến thắng” đại dịch, từ đó nới lỏng việc phong tỏa các điểm nóng virus. Tuy nhiên, các nhà quan sát lo ngại rằng việc gỡ bỏ quá sớm các lệnh phong tỏa có thể sẽ khiến hàng ngàn người “nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng” quay trở lại cuộc sống thường ngày và tiếp xúc với hàng ngàn người khác.
Cho tới nay, chính quyền Trung Quốc đã không tính những ca “không có triệu chứng” vào dữ liệu chính thức về số người nhiễm Covid-19 ở nước này, mặc dù các trường hợp này đã được biết đến. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) gần đây trích dẫn các tài liệu chưa công bố cho biết con số này là 40.000.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-bat-dau-bao-cao-cac-ca-nhiem-covid-19-khong-trieu-chung.html

Virus corona:

Trung Quốc đối mặt với tai tiếng “hàng dỏm”

Mai Vân
Tại Tây Ban Nha, Cộng Hòa Séc hay tại Hà Lan, một số khẩu trang và bộ xét nghiêm virus corona chế tạo tại Trung Quốc đã bị phát hiện là “hàng dỏm”. Bắc Kinh đã cố thanh minh, nhưng theo nhiều nhà quan sát, nếu ngày càng có thêm những sự cố như vậy, uy tín của Bắc Kinh sẽ càng bị tổn hại thêm.
Đây chính là quan điểm được nhật báo chính luận L’Opinion tại Pháp nêu lên trong bài phân tích ngày 30/03/2020 mang tựa đề: “Tính chất xác tín của Trung Quốc trong cơn thử thách của các bộ xét nghiêm thiếu chính xác”
Khẩu trang không khít
Tại Pháp, vấn đề chất lượng của khẩu trang nhập từ Trung Quốc đang đặt ra do việc Paris vừa quyết định đặt mua một tỷ chiếc. Mối quan ngại về chất lượng của các loai khẩu trang này đã nổi lên sau khi Hà Lan quyết định thu hồi gần 600.000 chiếc khẩu trang, tức là gần một nửa trong số 1,3 triệu chiếc mà nước này đã đặt mua tại Trung Quốc.
Lý do thu hồi là cho dù được gắn chứng chỉ chất lượng KN95 tương ứng với tiêu chuẩn FFP2 của châu Âu, giới y tế Hà Lan đã phát hiện ra nhiều chiếc khẩu trang không che kín được phần mặt cần che, hoặc là bộ lọc không hoạt động đúng cách.
Nhưng không chỉ có khẩu trang. Các bộ xét nghiệm virus corona nhập từ Trung Quốc cũng có vấn đề chất lượng.
Xét nghiệm cho kết quả sai
Tây Ban Nha đã đặt mua tại Trung Quốc một số thiết bị, vật tư y tế trị giá tổng cộng 467 triệu đô la, bao gồm 5,5 triệu bộ xét nghiệm, 950 máy trợ thở, 11 triệu đôi găng tay và 500 triệu chiếc khẩu trang.
Thế nhưng mới đây, giới y tế nước này đã báo động là gần 70% bộ xét nghiệm mua từ Trung Quốc đã cho kết quả không chính xác, một sai sót cực kỳ nguy hiểm. Chính phủ Trung Quốc đã ghi nhận vụ việc, nhưng như đã đổ lỗi cho chính quyền Tây Ban Nha là đã đặt mua từ một công ty không được chính quyền Trung Quốc cấp phép.
Công ty này cũng đã bán sản phẩm kém chất lượng của họ cho Cộng hòa Séc và một quan chức y tế địa phương của nước này đã từng tố cáo rằng 80% kết quả xét nghiệm từ các bộ kit xét nghiệm nhanh của Trung Quốc không chính xác.
Dùng y tế để xóa tiếng xấu về Hồng Kông và Tân Cương
Những tai tiếng kể trên về chất lượng sản phẩm Trung Quốc nổ ra vào lúc Bắc Kinh đang biến vấn đề hợp tác quốc tế và cung cấp thiết bị y tế thành ưu tiên ngoại giao, nhằm tô điểm lại hình ảnh đã bị xấu đi nhiều trong năm 2019 vì hai hồ sơ Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Việc huy động guồng máy công nghiệp đã giúp Bắc Kinh tăng cường nhanh chóng công việc sản xuất các bộ thử nghiệm và khẩu trang, ban đầu là để dùng trong nước, và gần đây bắt đầu được xuất khẩu rộng rãi ra toàn thế giới.
Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhiều công ty Trung Quốc đã được chính quyền chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn CE của Liên Hiệp Châu Âu để có thể bán qua các thị trường công nhận tiêu chuẩn này.
Các cáo buộc về chất lượng kém cỏi của bộ xét nghiệm và khẩu trang Trung Quốc dĩ nhiên đã khiến Bắc Kinh bực tức.
Chê phương Tây không biết sử dụng sản phẩm Trung Quốc
Một cách chính thức thì chính quyền Trung Quốc cam kết sẽ điều tra và khắc phục những thiếu sót trong sản phẩm của họ, nhưng bên cạnh đó cũng có những phản ứng lạ lùng, đổ lỗi cho nước ngoài.
Một ví dụ được báo L’Opinion trích dẫn là việc tờ Hoàn Cầu Thời Báo của chính quyền Trung Quốc,  ngày 28/03, đã thản nhiên cho rằng các sự cố liên quan đến một số bộ xét nghiệm virus corona của Trung Quốc bắt nguồn từ “sự hiểu biết không đầy đủ của một số quốc gia về các phương pháp thử nghiệm khác nhau”. Đối với tờ báo Pháp, trong một cuộc khủng hoảng y tế như hiện nay, vấn đề chất lượng của các sản phẩm được cung cấp cần đáp ứng những đòi hỏi cao.
Theo L’Opinion, hiển nhiên là uy tín của Bắc Kinh đang bị thử thách trong lĩnh vực này và họ không nên để xảy ra quá nhiều vấn đề về chất lượng sản phẩm, bằng không mọi nỗ lực để khôi phục hình ảnh bị hoen ố của họ có thể trở thành vô ích.
Châu Âu bất bình trước thái độ khoa trương của Bắc Kinh
Điều đó lại càng quan trọng hơn nữa khi mà ở châu Âu, một số quan chức đã tỏ ý bất bình trước thái độ khoa trương của chính quyền Trung Quốc liên quan đến hoạt động hợp tác. Những quan chức này đã có lý khi nhắc lại rằng vào cuối tháng 1, khi Bắc Kinh yêu cầu sự giúp đỡ từ Ủy Ban Châu Âu, Bruxelles đã gửi 56 tấn vật tư y tế qua Trung Quốc mà không quảng bá việc này để giữ thể diện cho đối tác.
Vào lúc dịch bệnh bùng phát ở châu Âu và Hoa Kỳ, tranh luận đang sôi nổi trên vấn đề xét nghiệm virus, không chỉ để quản lý tốt hơn tình hình hiện tại mà còn để làm chủ được tiến trình thoát khỏi khủng hoảng. Tình hình này đặt ra những thách thức rất đáng kể đối với giới sản xuất các bộ xét nghiệm, đặc biệt là ở Trung Quốc vốn dự định đóng vai trò hàng đầu trong lãnh vực này.
Đối với L’Opinion, điều mà Trung Quốc không nên quên chính là cho đến lúc này, bộ xét nghiệm mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới chủ yếu dựa vào được chế tạo ở Đức, chứ không phải là ở Trung Quốc!
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200401-virus-corona-trung-qu%C3%B4%CC%81c-%C4%91%C3%B4%CC%81i-m%C4%83%CC%A3t-v%C6%A1%CC%81i-tai-ti%C3%AA%CC%81ng-ha%CC%80ng-do%CC%89m

Covid-19:

Trung Quốc kích cầu nội địa để giữ tăng trưởng

Tú Anh
Trung Quốc, về mặt chính thức, đã khống chế được đại dịch xuất phát từ Vũ Hán nhưng lần đầu tiên Bắc Kinh công bố  phát hiện 1.367 ca Covid không có triệu chứng ho, sốt. Con số này sẽ gia tăng trong những ngày tới. Trên toàn quốc, trong 24 giờ qua, có 7 ca tử vong vì Covid-19.
Trong bối cảnh kinh tế  ngưng trệ, ngày 31/03/2020, Bắc Kinh thông báo chi ra hơn 130 tỷ đô la để kích cầu, đặc biệt là hỗ trợ cho các công ty nhỏ và trung bình. Lãnh vực xe hơi  được ưu đãi.
Từ Bắc kinh, thông tín viên Stephane Lagarde tường thuật :
“Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa sử dụng vũ khí ngân sách mà họ gọi là “đại pháo”. Thế nhưng, đầu máy kinh tế của cường quốc thứ hai thế giới khởi động một cách khó khăn. Do vậy, chính quyền Trung Quốc phải mở kho bạc.
Vấn đề là trong khi Trung Quốc cần khách hàng, thì đến lượt châu Âu và Hoa Kỳ lâm vào đại dịch Covid-19, kinh tế ngưng trệ, không mua hàng hoặc giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc.
Lẽ nào để cho các nhà máy, các công xưởng láp ráp chạy khống ? Do vậy, Trung Quốc bơm tiền kích cầu thị trường nội địa. Nỗ lực chính là hỗ trợ cho 25 triệu công ty vừa và nhỏ, nạn nhân vô tình của siêu vi Corona, sử dụng đến 40% nhân lực lao động đang đứng trước nguy cơ phải sa thải hàng loạt.
Trong số các biện pháp kích thích tiêu dùng, có biện pháp miễn thuế lưu hành trong hai năm cho người mua xe không gây ô nhiễm. Thị trường xe hơi tại Trung Quốc giảm đến 78% trong vòng một năm, tính đến tháng hai vừa qua.”
Đài Loan viện trợ 10 triệu khẩu trang cho châu Âu và Mỹ
Tin này được đích thân tổng thống Thái Anh Văn thông báo và được Bruxelles hoan nghênh, theo bản tin của Financial Times ngày 31/03/2020.
Theo tổng thống Đài Loan, dù đơn độc vì bị Bắc Kinh gây sức ép, hải đảo đã tự mình khống chế được đại dịch, đã đến lúc cần tỏ tình tương trợ với cộng đồng quốc tế. Theo Financial Times, nhã ý của Đài Bắc chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh tức giận.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200401-covid-19-trung-qu%E1%BB%91c-k%C3%ADch-c%E1%BA%A7u-n%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%8Ba-%C4%91%E1%BB%83-gi%E1%BB%AF-t%C4%83ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng

Trung Quốc ‘chối’ rằng họ không cung cấp

các sản phẩm y tế bị lỗi ở nước ngoài

Hương Thảo
Sau khi nhiều quốc gia phàn nàn rằng vật tư y tế nhập khẩu từ Trung Quốc cho kết quả xét nghiệm không chính xác và không đủ sự bảo hộ trước virus, Trung Quốc khẳng định rằng họ đang hoàn thành vai trò là một quốc gia lớn có trách nhiệm bằng cách đóng góp vô tư để chống lại virus Vũ Hán.
Theo tờ Taiwan News hôm 31/3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh tuyên bố nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang làm việc suốt ngày đêm để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm y tế ở nước ngoài và lên án ý tưởng cho rằng Trung Quốc đang sử dụng việc hỗ trợ vật tư y tế để thao túng dư luận.
Tuy nhiên, theo các tin tức gần đây, 80% bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh virus Vũ Hán mà Trung Quốc “tặng” Cộng hòa Séc đã bị lỗi. Và trên thực tế, các bộ dụng cụ xét nghiệm này không phải được tặng mà Bộ Y tế Cộng hòa Séc đã phải trả khoảng 14 triệu crowns (khoảng 546.000 USD) cho 100.000 bộ xét nghiệm, trong khi Bộ Nội vụ nước này chi trả cho 50.000 bộ còn lại, tờ Taiwan News dẫn báo cáo của Expats.cz.
Trong một cuộc họp nhân viên tại vùng Moravian-Silesian của Cộng hòa Séc do chuyên gia vệ sinh (hygienist), bà Pavla Svrcinova tổ chức, cho thấy tỷ lệ lỗi của các bộ dụng cụ thử nghiệm được phát hiện là 80%, khiến giới chức cho rằng chúng chỉ được sử dụng cho những cá nhân đã gần kết thúc kiểm dịch và trước đây chưa từng có kết quả dương tính.
“Chúng tôi đã kiểm tra chúng tại Bệnh viện Đại học Ostrava, nhưng không may là tỷ lệ lỗi khá cao. Vì vậy chúng tôi đang đợi kết quả xét nghiệm đầy đủ trên toàn quốc, và chúng tôi đang xem xét chỉ sử dụng chúng cho những người sắp hết thời hạn cách ly và chưa bao giờ có kết quả xét nghiệm dương tính vì nó có tác dụng với kháng thể”, bà Svrcinova cho biết.
Tương tự, theo tờ South China Morning Post ngày 27/3, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã ngừng sử dụng bộ kít xét nghiệm nhanh COVID-19 do một công ty Trung Quốc sản xuất sau khi nghiên cứu thấy nó không chính xác.
Cụ thể, hiệp hội nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và vi trùng học lâm sàng Tây Ban Nha (SEIMC), một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của Tây Ban Nha, đã đăng trên trang web của mình rằng họ phát hiện ra bộ tăm bông lấy dịch mũi (nose swabs) được công ty Công nghệ sinh học Thâm Quyến (Shenzhen Bioeasy Biotechnology) sản xuất có tỷ lệ chính xác dưới 30%.
Tờ nhật báo El País của Tây Ban Nha báo cáo rằng chính quyền thành phố Madrid đã quyết định ngừng sử dụng bộ kít của Công nghệ sinh học Thâm Quyến và Bộ Y tế Tây Ban Nha yêu cầu công ty này thay thế nguồn cung cấp.
Theo tờ Taiwan News, trong khi Trung Quốc ráo riết đưa thông điệp rằng “họ là một đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy” với thế giới, giám đốc chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, cảnh báo các quốc gia thành viên EU đang làm ăn với Trung Quốc hãy chuẩn bị chống lại ảnh hưởng của nước này với thủ đoạn “chính trị thông qua sự hào phóng”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-choi-rang-ho-khong-cung-cap-cac-san-pham-y-te-bi-loi-o-nuoc-ngoai.html

Chuyên gia Trung Quốc tìm ra kháng thể

chặn COVID-19 xâm nhập tế bào

Một nhóm khoa học gia Trung Quốc vừa tách một số kháng thể họ cho là “hết sức hiệu quả” trong việc ngăn chặn chủng virus Corona mới xâm nhập các tế bào, và bước tiến này có thể hữu ích trong việc ngăn chặn và điều trị COVID-19, theo Reuters.
Tin cho hay, hiện không có phác đồ điều trị hiệu quả căn bệnh xuất xứ từ Vũ Hán, Trung Quốc và đã lây lan ra toàn thế giới làm hơn 850 nghìn người nhiễm và 42 nghìn ca tử vong.
Ông Zhang Linqi tại Đại học Tsinghua nói rằng một loại thuốc được sản xuất với các kháng thể giống như kháng thể mà nhóm ông phát hiện có thể hữu hiệu hơn nhiều so với các cách chữa trị hiện thời.
XEM THÊM:
Lầu Năm Góc chưa tính sơ tán hàng không mẫu hạm từng thăm Đà Nẵng
Hồi đầu tháng Một, nhóm của ông Zhang và một nhóm khác tại Bệnh viện Nhân dân số 3 ở Shenzhen đã bắt đầu phân tích các kháng thể trong máu được lấy từ nhiều bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục, tách ra 206 kháng thể đơn dòng, cho thấy điều ông mô tả là khả năng “mạnh” nhằm trói buộc các protein của virus.
Theo Reuters, sau đó, các nhà nghiên cứu tiến hành một cuộc thử nghiệm khác nhằm kiểm tra xem liệu các kháng thể có thể thật sự ngăn chặn được virus Corona xâm nhập tế bào hay không.
Tin cho hay, trong số 20 kháng thể đầu tiên được kiểm tra, có 4 kháng thể có thể ngăn chặn virus Corona xâm nhập tế bào, và hai trong số đó làm việc này “hết sức tốt”.
Nhóm nghiên cứu đang tập trung xác định những kháng thể mạnh nhất và có thể kết hợp chúng để giảm nguy cơ virus Corona biến thể.
Theo Reuters, nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, có thể sản xuất hàng loạt kháng thể để thử nghiệm trên động vật rồi sau đó là trên người.
https://www.voatiengviet.com/a/chuy%C3%AAn-gia-trung-qu%E1%BB%91c-t%C3%ACm-ra-kh%C3%A1ng-th%E1%BB%83-ch%E1%BA%B7n-covid-19-x%C3%A2m-nh%E1%BA%ADp-t%E1%BA%BF-b%C3%A0o/5355311.html

Virus corona : Dường như chắc chắn

có làn sóng dịch thứ hai tại Trung Quốc

Đức Tâm
Trang mạng tuần báo Courrier International ngày 25/03/2020, có bài viết « Sự lây lan thầm lặng : Tại Trung Quốc, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai dường như tất yếu xẩy ra » cho biết, vào lúc cuộc sống tại Bắc Kinh đang trở lại bình thường, một chuyên gia dịch tễ được nhật báo Canada Globe and Mail hỏi, lên tiếng báo động rằng tỷ lệ người Trung Quốc bị nhiễm virus corona trong mùa đông qua quá thấp để có thể hy vọng là dịch bệnh này đã chấm dứt tại Trung Quốc.
Đó là những cảnh « không thể tưởng tượng nổi » cách nay một tuần, giờ đang diễn ra tại thủ đô Trung Quốc, phóng viên của nhật báo Canada Globe and Mail, tại Bắc Kinh viết : « Đông đảo người tụ tập trong các quán ăn. Giao thông nghẹt thở lại xuất hiện trên các tuyến đường. Tàu điện ngầm ngày càng đông hơn. Một cuộc chạy đua hối hả để quay lại sinh hoạt bình thường đang diễn ra trên toàn nước Trung Quốc ». Hôm thứ Ba (24/03), một tờ báo thân chính quyền tuyên bố rằng « Trung Quốc đã chiến thắng dịch Covid-19 ».
Thế nhưng, theo các chuyên gia mà nhật báo Canada phỏng vấn, thì lịch sử các đại dịch cho thấy, thái độ tự đắc như vậy dường như là quá sớm : « Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã cảnh báo về việc Trung Quốc vội vã tái thúc đẩy nền kinh tế trong lúc một phần rộng lớn của lãnh thổ trước đây ít bị phơi nhiễm với virus và do vậy, vẫn còn có nguy cơ bị dịch Covid-19 ».
Benjamin Cowling, chuyên gia dịch tễ thuộc đại học Hồng Kông, giải thích tình hình một cách rõ ràng như sau : « Do một phần lớn lãnh thổ Trung Quốc không thực sự có số người bị nhiễm cao trong đợt một, nên dân cư ở đó rất dễ bị nhiễm và có thể phải hứng chịu một đợt dịch nghiêm trọng. Sớm hay muộn, tất yếu sẽ có làn sóng dịch thứ hai. Đây là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi ».
Sự lây lan thầm lặng
Chuyên gia Benjamin Cowling nói đến khả năng một sự « lây lan thầm lặng » từ phía những người không biểu hiện hoặc có ít triệu chứng. Họ chỉ được phát hiện vào thời điểm xuất hiện khá nhiều trường hợp và do vậy, làm cho việc ngăn chặn virus khó khăn hơn.
Tờ Globe and Mail lưu ý, nếu như chính quyền Trung Quốc vẫn giữ thái độ cảnh giác, họ cũng cho biết là các biện pháp cách ly đối với hàng chục ngàn du khách từ nước ngoài vào không hoàn toàn hiệu quả và vẫn còn phát hiện ra những trường hợp bị lây nhiễm.
Hiệu trưởng trường y tế công cộng thuộc đại học Jiaotong Thượng Hải thừa nhận với nhật báo Canada : « Cuộc đấu tranh chống virus corona sẽ là một cuộc chiến lâu dài ». Ông nói : « Chúng tôi cần phải chuẩn bị không chỉ để đối phó với làn sóng dịch thứ hai mà phải đối phó mỗi ngày và mỗi tháng, cho đến khi có một vác-xin được bào chế thành công và được chứng minh là có hiệu quả ».
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200401-virus-corona-d%C6%B0%E1%BB%9Dng-nh%C6%B0-ch%E1%BA%AFc-ch%E1%BA%AFn-c%C3%B3-l%C3%A0n-s%C3%B3ng-d%E1%BB%8Bch-th%E1%BB%A9-hai-t%E1%BA%A1i-trung-qu%E1%BB%91c

Indonesia khánh thành bệnh viện COVID-19

 trên đảo từng đón thuyền nhân Việt

Indonesia sắp khánh thành một bệnh viện mới để chữa trị các bệnh nhân nhiễm virus Corona trên hòn đảo hoang Galang, nơi từng đón các thuyền nhân Việt Nam, theo Reuters.
Tin cho hay, tính tới ngày 1/4, Indonesia đã ghi nhận 1.677 trường hợp nhiễm virus Corona.
Có 157 trường hợp tử vong ở nước này, và đây là con số thiệt mạng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
XEM THÊM:
Chuyên gia Trung Quốc tìm ra kháng thể chặn COVID-19 xâm nhập tế bào
Tuy nhiên, theo Reuters, một số chuyên gia y tế và quan chức tin rằng con số nhiễm thực tế tại quốc gia có dân số 260 triệu người này có thể còn cao hơn, trong khi dữ liệu chính thức từ giữa tháng Ba cho thấy Indonesia chỉ có khoảng 12 giường bệnh trên 10 nghìn người.
Bệnh viện mới trên đảo Galang có khoảng 360 giường bệnh, các nơi cách ly và bãi đỗ trực thăng.
Nơi này sẽ được sử dụng để chữa trị các bệnh nhân nhiễm virus Corona cũng như làm nơi cách ly.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng bệnh viện này sẽ được khánh thành sớm nhất là vào ngày 6/4.
https://www.voatiengviet.com/a/indonesia-kh%C3%A1nh-th%C3%A0nh-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-covid-19-tr%C3%AAn-%C4%91%E1%BA%A3o-t%E1%BB%ABng-%C4%91%C3%B3n-thuy%E1%BB%81n-nh%C3%A2n-vi%E1%BB%87t/5355380.html

Úc điều tra chống bán phá giá

một số công ty xuất khẩu ống thép Việt Nam

Sản phẩm ống và ống dẫn bằng thép có xuất xứ từ Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá và trợ cấp tại Úc, bắt đầu từ ngày 31/3.
Báo trong nước loan tin ngày 1/4, trích thông báo từ Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC).
Theo đó, bên yêu cầu việc điều tra này là Công ty Orrcon Manufacturing, nhà phân phối và sản xuất thép của Úc. Không chỉ riêng Việt Nam mà Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan cũng bị điều tra trong lần này.
Thời kỳ điều tra thiệt hại từ 1/1/2016 tới 31/3/2020. Ngày sớm nhất để đưa ra quyết định sơ bộ là 1/6/ tới đây.
Hàng hóa bị điều tra là ống thép cacbon hàn cách điện, hợp kim hoặc không hợp kim, bao gồm phần rỗng hình tròn, hình chữ nhật và hình vuông được mạ hoặc không mạ kim loại bên ngoài. Thép nền là thép cuộn cán nóng hoặc cán nguội, được mạ hoặc không mạ. Nếu được mạ thì lớp mạ kim loại bên ngoài là nhôm hoặc hợp kim nhôm kẽm.
Những doanh nghiệp Việt có liên quan tới vụ điều tra này gồm Công ty TNHH Công nghệ Thép Chính Đại, Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại, Công ty cổ phần Sản xuất Thép Vina One, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thép Tây Nam, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ M&H Việt Nam, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, Wing Chun.
Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt khác cũng có thể liên quan trong vụ kiện lần này.
Trước đó, Bộ Công thương Việt Nam đã quyết định gia hạn thuế tự vệ đối với thép xây dựng và phôi thép thêm 3 năm, lần lượt ở mức 10,9% và 17,3% trước tháng 3/2020. Nếu không được gia hạn, mức thuế sẽ giảm dần lần lượt 1,5% và 2% mỗi năm đến năm 2023.
Quyết định vừa nêu có hiệu lực từ tháng 7/2016.
Việc gia hạn thuế tự vệ trong 3 năm tới của Bộ Công thương được coi như một biện pháp hữu ích để bảo vệ các công ty sản xuất trong nước khỏi áp lực trên thị trường thế giới, đặc biệt từ các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/australia-investigated-anti-dumping-of-several-vietnamese-steel-pipe-exporting-companies-04012020110445.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.