Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 11/04/2020

Saturday, April 11, 2020 6:09:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 11/04/2020

Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn

để nắm lấy quyền lực ở Liên Hiệp Quốc

Thụy My
Thực trạng Tổ chức Y tế Thế giới thân Bắc Kinh, mà đại dịch virus corona đã chứng tỏ, chỉ là ví dụ mới nhất cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Có đến 4/15 cơ quan Liên Hiệp Quốc hiện do người Trung Quốc đứng đầu : FAO, UNIDO, ITU, ICAO. Bắc Kinh chi ra trên 200 triệu euro để giành cho được chiếc ghế ở FAO.
Đại dịch do con virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra luôn là chủ đề bao trùm của các tuần báo Pháp. « Virus corona : Khẩn cấp xã hội » – tựa chính của Courrier International. Hàng triệu người thất nghiệp trên thế giới, kinh tế ngưng đọng, nhiều lãnh vực suy sụp… Đại dịch Covid-19  làm tăng thêm bất bình đẳng, gây phẫn nộ cho những người trắng tay.
Le Point điều tra về cú sốc kinh tế mang tính lịch sử, chạy tựa « Cuộc khủng hoảng thế kỷ ». Sau hơn ba tuần phong tỏa, người Pháp tự hỏi đến bao giờ cơn ác mộng virus corona mới kết thúc – L’Obs phỏng vấn các chuyên gia và đề ra  « Ba kịch bản ra khỏi khủng hoảng ». Hồ sơ của L’Express dành cho « Macron, năm zéro ». Sau đại dịch, mọi thứ sẽ không còn như xưa… nhưng với cùng một nguyên thủ. Cuộc khủng hoảng buộc nước Pháp phải thay đổi các giá trị cũng như phương pháp hành động.
Virus corona tung hoành khắp nơi, đánh bạt mọi thời sự quốc tế
Tại Ý, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, L’Express đến với « Những người hùng ở bệnh viện Bergamo », từ nhiều tuần qua vẫn là tâm bão. Nằm cách Milano 60 km, tỉnh Bergamo đến cuối tháng Ba có đến gần 9.000 người dương tính và trên 2.000 trường hợp tử vong.
Với 900 giường bệnh trong đó có 80 giường chăm sóc đặc biệt, bãi đáp trực thăng 24/24 và 4.000 mét vuông dành cho cấp cứu, bệnh viện công hiện đại khai trương năm 2012 tưởng chừng sẽ đứng vững trước mọi cú sốc. Tuy nhiên bỗng chốc có hàng trăm bệnh nhân nhập viện, tất cả đều bị khó thở. Chỉ trong vòng một tháng, từ zéro ca đã lên đến 6.000 ca ! Bệnh viện phải cho các bệnh nhân khác chuyển viện để dành riêng cho Covid-19, đào tạo khẩn cấp kỹ thuật sử dụng máy trợ thở cho nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân nặng.
Hồ sơ của Courrier International lướt qua tình hình xã hội tại nhiều nước trên thế giới. Tại miền nam nước Ý, quả bom xã hội có nguy cơ bùng nổ vì nhiều người lao động không có hợp đồng, bỗng chốc mất việc và không được trợ cấp. Ở Nigeria, người dân sợ rằng sẽ chết đói trước khi bị con virus từ Vũ Hán giết chết. Từ Liban cho đến Libya, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra bất chấp lệnh giới nghiêm, tại Mêhicô những người bán hàng rong, giúp việc nhà, người làm công nhật vẫn cố làm việc bằng mọi giá. Tại Irak, Syria, Liban mà dịch Covid-19 từ Iran lan đến, chính quyền không dám công bố con số nạn nhân thực sự vì sợ dân chúng sẽ nổi dậy chống Teheran.
Cây bút Patrick Besson trên Le Point đặt dấu hỏi, những ngôi sao vẫn chiếm trang nhất các báo trước đây đâu cả rồi ? Các tập đoàn tội phạm Mêhicô, thảm kịch Syria luôn được nhắc đến hàng ngày từ nhiều năm qua, những chiến binh Kurdistan, khủng hoảng Venezuela rồi những đợt bắn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên…Tất cả đều đồng loạt biến mất trên truyền thông, nhường chỗ cho con virus siêu nhỏ từ Vũ Hán.
Nhà bình luận Bernard-Henri Lévy nhắc nhở « Ký ức bị quên lãng của virus corona ». Mùa hè 1968, một con virus vô danh từ Trung Quốc lan tràn trên thế giới làm ít nhất 1 triệu người chết trong đó 50.000 người tại Mỹ và 30.000 người tại Pháp. Dịch « cúm Hồng Kông » này ít ai còn nhớ đến ngoài các nhân viên y tế thời đó. Trước nữa, năm 1957-1958, xảy ra nạn dịch « cúm châu Á », xuất phát từ Quý Châu (Guizhou) và Vân Nam (Yunnan) làm tổng cộng 2 triệu người thiệt mạng, đa số nạn nhân có bệnh nền là tiểu đường và bệnh tim.
Tổng giám đốc WHO : « Thế giới phải biết ơn Trung Quốc » !
Về địa chính trị, đại dịch corona hiện nay chứng tỏ hiệu quả của việc Bắc Kinh sắp đặt những con cờ của mình trên trường quốc tế. Le Point phân tích « Trung Quốc đã nắm lấy quyền lực ở Liên Hiệp Quốc như thế nào ».
Ngày 29/01/2020, vào lúc thế giới bắt đầu nhận ra tầm cỡ của đại dịch với mức độ sát hại khủng khiếp của con virus từ Vũ Hán, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lại tuyên bố « Trung Quốc xứng đáng được chúng ta biết ơn và trân trọng ».
Chuyên gia François Godement, cố vấn về châu Á của Viện Montaigne, Paris nhận xét : « Tổng giám đốc WHO thường xuyên bênh vực Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này, chưa bao giờ có một lời nào chỉ trích Bắc Kinh. Ông ta không bao giờ đặt dấu hỏi về các con số mà Trung Quốc đưa ra, và một số tuyên bố của ông rõ ràng không thể chấp nhận được ».
WHO tiếp tục lặp lại các lời lẽ của Bắc Kinh, rằng không có bằng chứng nào cho thấy virus lây từ người sang người, và mãi đến ngày 11/3 mới chịu tuyên bố đại dịch. Một nhà ngoại giao phương Tây thông thạo hồ sơ cho biết rõ ràng Trung Quốc đã gây áp lực do sẽ bất lợi cho mình, trong khi rất nhiều chuyên gia và tổ chức đã báo động về một thực tế khác hẳn. Vấn đề là một số nước trong đó có Pháp, dựa vào các thông cáo của WHO nên đã chậm trễ trong việc đối phó.
Bắc Kinh dùng mọi thủ đoạn để nắm lấy quyền lực tại Liên Hiệp Quốc
Thực trạng Tổ chức Y tế Thế giới thân Bắc Kinh chỉ là ví dụ mới nhất cho ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Có đến 4/15 cơ quan Liên Hiệp Quốc do người Trung Quốc đứng đầu : Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Một nhà ngoại giao Pháp cảnh báo : « Trung Quốc đang nắm lấy quyền lực tại Liên Hiệp Quốc. Xu hướng này càng mạnh hơn khi Hoa Kỳ của Donald Trump đang muốn rút lui ».
Cựu đại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc, Michel Duclos nhận xét, vào đầu những năm 2000 Trung Quốc chừng mực hơn. Tại Hội Đồng Bảo An, họ đứng phía sau Nga và chỉ lên tiếng khi nào lợi ích trực tiếp như Tây Tạng, Đài Loan bị đe dọa. Nhưng dần dần Bắc Kinh nhận ra nên đầu tư vào những chức vụ chủ chốt ở Liên Hiệp Quốc.
Biểu tượng rõ nhất là thắng lợi gây ngạc nhiên của ứng cử viên Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) của Trung Quốc cho chức tổng giám đốc FAO, tháng 6/2019. Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc vượt qua ứng cử viên người Pháp Catherine Geslain-Lanéelle của châu Âu và Davit Kirvalidze (Gruzia, được Hoa Kỳ ủng hộ). Đại sứ Pháp tại Trung Quốc lúc đó tố cáo : « Tất cả mọi người đều biết nhờ đâu người của Trung Quốc được bầu, mặc dù thua kém ứng viên Pháp về mọi mặt ».
Bốn tháng trước đó, Bắc Kinh không ngần ngại xóa món nợ 78 triệu đô la cho Cameroun để ứng viên Médi Moungui của nước này rút lui. Richard Gowan, thuộc International Crisis Group cho biết : « Bắc Kinh gây áp lực trực tiếp với các nước châu Phi vốn ở thế yếu ». Tổng cộng, Trung Quốc đã chi ra trên 200 triệu euro để giành cho được chiếc ghế ở FAO.
Trước đó năm 2015, Bắc Kinh cấp 2 tỉ đô la trong 10 năm cho quỹ vì hòa bình và phát triển. Động thái vừa giúp đánh bóng hình ảnh Trung Quốc vừa gây ảnh hưởng lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hướng về các lợi ích của Bắc Kinh. Chủ nghĩa đa phương phiên bản Trung Quốc chỉ nhằm thống trị, « trên thực tế, đó là song phương được nhân lên nhiều lần » – theo Jean-Maurice Ripert, cựu đại diện Pháp tại Liên Hiệp Quốc cuối những năm 2000.
Vô hiệu hóa các tổ chức quốc tế
Đối với Bắc Kinh, Liên Hiệp Quốc chỉ là phương tiện. Trung Quốc cũng không ngần ngại đưa ra những sáng kiến cạnh tranh như nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Con đường tơ lụa mới…Những dự án « quốc tế » mà Bắc Kinh là trung tâm, nhằm vô hiệu hóa Liên Hiệp Quốc một cách có phương pháp.
Các cán bộ Trung Quốc làm áp lực tại các ủy ban trực thuộc trong bất kỳ văn bản nào để đưa vào các quan điểm của đảng. Các từ ngữ của Tập Cận Bình « đôi bên cùng có lợi », « cộng đồng nhân loại  cùng chung vận mệnh» xuất hiện nhan nhản trong nghị quyết về Afghanistan, về giải trừ vũ khí trên không gian hay phát triển kinh tế xã hội ở châu Phi.
Không chỉ lạm dụng quyền phủ quyết, Bắc Kinh còn lập ra những liên minh nhằm ngăn chận những nghị quyết mình không ưa. Để phản đối việc mở rộng Hội Đồng Bảo An, có thể có lợi cho đối thủ Nhật Bản, Trung Quốc thẳng thừng đe dọa Jamaica, do đại diện nước này phụ trách việc chuẩn bị cải cách. Richard Gowan cho biết người của Trung Quốc đến thẳng Kingston (thủ đô Jamaica) dọa sẽ trừng phạt kinh tế nếu không rút lui.
Một lãnh vực được Bắc Kinh đặc biệt chú ý là nhân quyền, họ muốn vào Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để bảo đảm vô hiệu hóa cơ quan này. Từ khi Hoa Kỳ rút ra năm 2018, Bắc Kinh tha hồ làm mưa làm gió, đứng đầu một khối các nước độc tài (Cuba, Iran, Venezuela, Syria…). Nếu không đủ số phiếu để chận một văn bản, họ dùng thủ đoạn để ngăn các nhà ly khai phát biểu.
Quay lại với WHO – dưới sức ép của Bắc Kinh đã buộc Đài Bắc phải đứng ngoài – nếu tổ chức này chịu nghe lời cảnh báo từ ba tuần trước đó của Đài Loan về nguy cơ virus corona lây từ người sang người, thì đại dịch đã có thể ngăn chận được ngay từ đầu. Nay Trung Quốc dùng mọi cách để chối bỏ trách nhiệm, « gắp lửa bỏ tay người ».
Nobel văn chương 2010 : Đại dịch sẽ không gây hậu quả lớn nếu không xuất phát từ Trung Quốc
Giải Nobel văn chương người Pêru, Mario Vargas Llosa sau bài viết trên nhật báo tiếng Tây Ban Nha El Pais – nhấn mạnh rằng con virus corona xuất xứ từ Trung Quốc – thì tất cả các tác phẩm của ông đều biến mất trên các trang web thương mại ở Hoa lục !
Trả lời phỏng vấn tuần báo Le Point, nhà văn nhận định « Virus corona làm hài lòng tất cả những kẻ thù của tự do ».  Theo nhà văn, đại dịch là cái cớ lý tưởng để các Nhà nước độc tài hạn chế quyền tự do của người dân. Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã đàn áp các bác sĩ cảnh báo, làm chậm trễ nhiều tuần lễ khiến nạn dịch hoành hành, gây thảm họa cho toàn thế giới. Thật phi lý nếu coi Trung Quốc là hình mẫu, vì chỉ là một chế độ độc tài có mở cửa về kinh tế.
Còn trên L’Express, Mario Vargas Llosa cho rằng « Sự mọi rợ nguyên thủy luôn sẵn sàng tái sinh dưới lớp áo con người hiện đại ». Tuy vậy hậu quả từ đại dịch sẽ bớt nặng nề hơn nếu không xuất phát từ Trung Quốc. Cũng như thảm họa Tchernobyl, đến nay vẫn không thể nào biết được những gì đã thực sự diễn ra vào ngày 26/04/1986 tại Ukraina thuộc Liên Xô cũ, vì ngay cả những tài liệu trình lên cấp cao cũng giả tạo. Trong một đất nước tự do với nền báo chí đa dạng, sẽ không bao giờ có sự mù mờ này.
Nhà văn thấy rằng một trong những mặt tích cực của virus corona là khiến người dân các nước dân chủ nhận ra giá trị của nhân quyền, các quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận…được thụ hưởng lâu nay.
Các bác sĩ Cuba, nô lệ thời hiện đại
Từ châu Mỹ la-tinh, các nhân viên y tế Cuba đến hỗ trợ các nước đang quá tải vì dịch Covid-19. Nhưng theo L’Express, hậu trường của sự kiện này chẳng có gì đáng ca ngợi.
Từ ngày 22/3, Cuba gởi 37 bác sĩ và 15 y tá đến làm việc tại vùng Lombardia của Ý, và gần đây Paris cũng đã chấp nhận để các bác sĩ Cuba tăng cường cho bốn đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Đây là một thắng lợi ngoại giao của La Habana.
Tuy nhiên theo đơn kiện của Prisoners Defenders có trụ sở tại Madrid, sau khi đến nước ngoài là trưởng phái đoàn thu lại hộ chiếu của các bác sĩ, lương của họ bị chính phủ giữ lại 90%. Họ không được mang theo gia đình, không được mang theo bằng cấp bác sĩ trong hành lý, và những ai « đào ngũ » có thể lãnh án từ 3 đến 8 năm tù.
Vì sao Mỹ thiệt hại nặng nhưng ông Trump lại được thêm tín nhiệm ?
Nhìn sang nước Mỹ, L’Obs ghi nhận một nghịch lý, tỉ lệ tín nhiệm của Donald Trump vẫn lên cao tuy lâu nay tổng thống không coi nạn dịch virus corona là nghiêm trọng, làm ngơ trước những cảnh báo.
Bảy ngày trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng Giêng 2017, ê-kíp Nhà Trắng của Obama đã có báo cáo về « kịch bản ác mộng » của một đại dịch. Đến năm 2019, kịch bản « Crimson Contagion » dự báo nếu đại dịch xảy ra, từ 54.000 đến nửa triệu người Mỹ có thể thiệt mạng, và khiến nền kinh tế bị thiệt hai từ 413 đến 3.790 tỉ đô la.
Tuy nhiên đội ngũ Nhà Trắng bị thay đổi thường xuyên, và người chịu trách nhiệm về nguy cơ dịch tễ đã rời bỏ công việc trong chính quyền Trump. Bản thân ông Trump cũng không quan tâm đến những báo cáo loại này. Đến ngày 31/01/2020, khi quyết định đóng cửa biên giới với những người từ Trung Quốc đến nhưng không phải là công dân Mỹ, thì đã quá muộn : trước đó một tháng, 300.000 người từ Trung Quốc đã nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Hậu quả tai hại nay đã rõ, nhưng vì sao tỉ lệ tín nhiệm của ông Trump đã không bị sụt giảm mà còn tăng lên 4 điểm ? Theo giáo sư Dan Wood, đối với tổng thống « không giống ai » này « một bộ phận cử tri yêu mến ông, một bộ phận khác ghét cay ghét đắng, và ai cũng khư khư  ý kiến. Chỉ có một số rất nhỏ người trung dung, và như vậy không nên chờ đợi những thay đổi lớn trong các cuộc thăm dò ».
Brexit, nạn nhân của virus corona
Còn tại châu Âu, « Brexit là nạn nhân gián tiếp của virus corona », theo L’Express. Cuộc khủng hoảng dịch tễ cho thấy Anh quốc lệ thuộc nhiều vào châu Âu trong những lãnh vực chủ chốt, và như vậy, Luân Đôn cùng với Bruxelles nên tạm hoãn vụ ly dị, vì lợi ích của cả đôi bên.
Những đoàn xe tải vẫn nối nhau ở Calais để đưa sang Anh thực phẩm tươi, dược phẩm, khẩu trang…Dù Brexit hay không, nước Anh không còn là một hòn đảo tách biệt với châu lục. Đại dịch tấn công như vũ bão, và đến phiên vị thủ tướng chủ trương « miễn dịch cộng đồng » – để cho 250.000 người chết nhằm bảo vệ hoạt động kinh tế – phải nhập viện ở khoa hồi sức tích cực ! Đồng nhiệm châu Âu Michel Barnier thì tiếp tục chống chọi với con virus.
Boris Johnson hoặc người kế nhiệm của ông sẽ phải quyết định việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu trước ngày 30/6. Tối Chủ nhật 5/4, chỉ có một bà cụ 93 tuổi là tìm được những từ ngữ đúng đắn để cổ vũ đồng bào mình trong đại dịch : đó là Nữ hoàng.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200411-trung-qu%E1%BB%91c-d%C3%B9ng-m%E1%BB%8Di-th%E1%BB%A7-%C4%91o%E1%BA%A1n-%C4%91%E1%BB%83-n%E1%BA%AFm-l%E1%BA%A5y-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-%E1%BB%9F-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c

Tin tổng hợp
(AFP) – Nghiên cứu Trung Quốc: Virus gây bệnh Covid-19 có thể lan xa tới 4 mét qua đường không khí. 
Trung tâm Phòng và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), hôm 10/04, đăng tải một nghiên cứu được thực hiện tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, Trung Quốc, theo đó, virus corona mới có thể lây truyền qua đường không khí, với tầm xa tới bốn thước. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của nghiên cứu nói trên là chỉ cho biết có dấu vết virus, chứ không cho biết rõ số lượng virus có thể hiện diện ở khoảng cách này, vì vậy không xác định được đây có phải là khoảng cách gây lây nhiễm hay không.
(Forbes) – Singapore đóng cửa nhà ga T2 ở sân bay Changi. 
Singapore quyết định đóng cửa nhà ga T2 tại sân bay quốc tế Changi trong vòng 18 tháng kể từ ngày 01/05/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo bộ trưởng Giao Thông Singapore hôm 06/04 các chuyến bay còn hoạt động sẽ được phân bổ đến những nhà ga còn lại của sân bay.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa 31 thành phố trong vòng 48 tiếng.
Lệnh phong tỏa có hiệu lực trong hai ngày 11 và 12/04/2020, áp dụng cho cả hai thành phố lớn Ankara và Istanbul, nhằm ngăn đã lây nhiễm virus corona. Theo bộ Y Tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt ngưỡng 1.000 người chết vì Covid-19 và có hơn 47.000 ca nhiễm tính đến ngày 10/04.
(Yonhap) – Bình Nhưỡng mở phiên họp Quốc Hội.
687 đại biểu ngày 10/04/2020 tụ họp về Bình Nhưỡng để dự phiên họp thường niên đầu năm. Theo giới quan sát, hội nghị lần này sẽ tập trung vào hai lĩnh vực chính là kinh tế và y tế, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và Mỹ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, do giám sát một cuộc diễn tập pháo binh, nên không tham gia cuộc họp.
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên : Đã bắt đầu hình thành khu vực kinh tế tư nhân.
Một phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) công bố gần đây nhận thấy nền kinh tế Bắc Triều Tiên đã bắt đầu dần dần được tự do hóa trong 20 năm gần đây. Quốc gia khép kín này hướng dần đến một hệ thống kinh tế « linh hoạt », vừa có sự kiểm soát của Nhà nước, vừa là thị trường. Báo cáo do ông Vincent Koen, trưởng ban nghiên cứu của OCDE nêu rõ số lượng thị trường tự do, dưới tên gọi « jangmadang » tại Bắc Triều Tiên tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 2010-2019, thu hút khoảng 1,1 triệu người lao động Bắc Triều Tiên.
(AFP) – Số lượng cuộc gọi qua ứng dụng Teams tăng hơn 1.000% vào tháng 03/2020. 
Chỉ riêng ngày 31/03, đã có 2,7 tỉ phút đàm thoại qua ứng dụng Teams. Đây là con số kỉ lục, tăng thêm 200% so với 900 triệu phút vào ngày 16/03. Nhu cầu sử dụng dịch vụ visioconference tăng cao như vậy là do nhân viên làm việc từ xa vì tránh dịch Covid-19. Theo ông Jared Spataro, phó chủ tịch Microsoft 365, đợt dịch này sẽ « thay đổi cách làm việc ». Chỉ trong tháng Ba, số người sử dụng Teams tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi mỗi ngày so với tháng Giêng.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200411-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 11/4:

Ông Trump nói ‘có thể vào tuần tới’

sẽ có thông báo về WHO

Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (11/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Ông Trump nói ‘có thể vào tuần tới’ sẽ có thông báo về WHO
Fox News đưa tin, Tổng thống Trump vào thứ Sáu (10/4) nói rằng, “có thể vào tuần tới” sẽ có một thông báo về Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi cho biết chính quyền của ông có thể cắt giảm tài trợ của Hoa Kỳ đối với WHO, vì sự thất vọng với tổ chức này trong suốt đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Có thể vào tuần tới, chúng tôi sẽ có một thông báo về tổ chức y tế thế giới”, Tổng thống Trump nói tại cuộc họp báo của Lực lượng đặc nhiệm chống virus corona của Nhà Trắng vào thứ Sáu. “Như các vị đã biết, chúng tôi đã tài trợ cho họ khoảng 500 triệu USD một năm và chúng tôi sẽ nói về chủ đề đó vào tuần tới. Chúng ta sẽ có nhiều điều để nói về nó”.
“Trung Quốc đã tài trợ cho họ ít hơn 40 triệu USD trong những năm qua. Chúng tôi đã tài trợ tiền cho họ hơn 10 lần [Trung Quốc]”, Tổng thống cho biết.
Con trai của ông Trump đồng ý Mỹ nên công nhận Đài Loan là một quốc gia
Taiwan News đưa tin, con trai đầu của Tổng thống Trump, Donald Trump Jr. đã tuyên bố trên mạng xã hội vào ngày 9/4 rằng, ông đồng ý với một đề xuất mà theo đó, Hoa Kỳ nên chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia.
Trước đó, vào hôm 9/4, ông Benny Johnson, giám đốc sáng tạo tại tổ chức phi lợi nhuận bảo thủ Turning Point USA viết trên Twitter rằng, ông đề nghị Hoa Kỳ công nhận Đài Loan là một quốc gia sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.
Sau đó cùng ngày, Donald Trump Jr. đã chụp ảnh màn hình dòng tweet của ông Benny Johnson và đăng nó lên trang Facebook của mình với chú thích: “Tôi đồng ý. Ai đồng ý với tôi?”. Trong vòng 12 giờ, bài đăng đã nhận được 54.000 lượt thích, 5.500 bình luận và 11.000 lượt chia sẻ.
Bệnh nhân mắc Ebola chết ở Congo, dập tắt hy vọng dịch Ebola chấm dứt
Theo Reuters, chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết hôm thứ Sáu rằng, ca nhiễm Ebola tại nước này sau hơn 50 ngày đã qua đời, dập tắt hy vọng về việc dịch Ebola có thể chấm dứt.
Các nhà chức trách y tế cho biết trong một tuyên bố, người đàn ông vừa mới qua đời, 26 tuổi, ở Beni, một thị trấn ở miền đông Congo, được phát hiện nhiễm bệnh từ ngày 17/2, sau đó phát triển các triệu chứng vào ngày 27/3 và qua đời trong bệnh viện vào sáng 9/4.
Amazon đang xây dựng phòng thí nghiệm kiểm tra virus Vũ Hán cho nhân viên
Theo Breitbart ngày 10/4, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã bắt đầu xây dựng một phòng thí nghiệm để kiểm tra virus Vũ Hán cho nhân viên của mình.
“Một nhóm thuộc Amazon với nhiều kỹ năng – từ các nhà khoa học nghiên cứu và quản lý chương trình đến các chuyên gia mua sắm và kỹ sư phần mềm – đã chuyển từ công việc hàng ngày của họ sang một nhóm chuyên dụng để thực hiện sáng kiến ​​này”, Amazon cho biết. “Chúng tôi đã bắt đầu lắp ráp các thiết bị cần thiết để xây dựng phòng thí nghiệm đầu tiên của chúng tôi và hy vọng sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm số lượng nhỏ nhân viên tuyến đầu của chúng tôi”.
Liverpool: Kenny Dalglish xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán
Theo BBC ngày 10/4, huyền thoại của Liverpool, ông Kenny Dalglish đã cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán và đang ở trong bệnh viện, mặc dù không có triệu chứng gì.
“Thật bất ngờ, kết quả xét nghiệm dương tính nhưng ông ấy vẫn không có triệu chứng”, gia đình Dalglish cho biết.
Dalglish giành được 4 chức vô địch giải hạng nhất Scotland, nay được gọi là giải bóng đá Ngoại hạng Scortland khi chơi cho câu lạc bộ Celtic, trước khi chuyển đến Liverpool vào năm 1977. Tại Liverpool, Kenny Dalglish đã 8 lần giành chức vô địch nước Anh, cả trên cương vị huấn luyện viên trưởng và cầu thủ. Nhưng đáng kể nhất phải là 3 chức vô địch Cúp C1 vào các năm  1978, 1981, 1984.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-11-4-ong-trump-noi-co-the-vao-tuan-toi-se-co-thong-bao-ve-who.html

Điểm tin thế giới chiều 11/4:

Số liệu Covid-19 Trung Quốc cung cấp

 thấp hơn thực tế hàng triệu ca

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Bảy (11/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Hàn Quốc: Nhiều bệnh nhân khỏi Covid-19 tái mắc
Các quan chức Hàn Quốc hôm thứ Sáu (10/4) báo cáo 91 bệnh nhân được cho là đã khỏi Covid-19 lại có kết quả dương tính khi tái xét nghiệm, theo CBC.
Jeong Eun-kyeong, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nói trong một cuộc họp ngắn rằng virus có thể đã được “kích hoạt lại từ bên trong” chứ không phải là do bệnh nhân bị tái nhiễm từ bên ngoài.
Viễn cảnh tái mắc Covid-19 là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, vì nhiều quốc gia hy vọng những người từng bị mắc nay đã khỏi sẽ phát triển khả năng miễn dịch để ngăn chặn sự hồi sinh của đại dịch. Các quan chức y tế Hàn Quốc cho biết vẫn chưa rõ nguyên nhân đằng sau, và các cuộc điều tra dịch tễ học vẫn đang được tiến hành.
Số liệu Covid-19 Trung Quốc cung cấp thấp hơn thực tế hàng triệu ca
Một báo cáo do Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) công bố trong tuần đã bác bỏ số liệu báo cáo Covid-19 chính thức của Trung Quốc là không khả thi, đồng thời ước tính số ca nhiễm thực sự ở Trung Quốc là vào khoảng 2,9 triệu, gấp hàng trăm lần tổng số 81.907 ca nhiễm mà Bắc Kinh tuyên bố hôm thứ sáu (10/4) vừa qua, theo Breitbait.
Báo cáo trích dẫn số liệu từ truyền thông nhà nước Trung Quốc vào tháng 1 để chứng minh rằng số người rời khỏi Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trước khi thành phố và tỉnh này bị phong tỏa – một số lượng lớn người về quê dịp sát Tết hàng năm – sẽ lây nhiễm cho nhiều người hơn nhiều so với tuyên bố chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trung Quốc tuyên bố ‘chuẩn bị cho cuộc xung đột quân sự’ với Đài Loan
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự có máy bay chiến đấu gần Đài Loan vào thứ Sáu (10/4) như một phần của “cuộc tập huấn quân sự nhắm vào hòn đảo này”, Breitbait trích dẫn từ truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm thứ Sáu.
Thời báo Hoàn Cầu, một cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản, cho biết nhiều máy bay chiến đấu – bao gồm máy bay ném bom H-6, máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay chiến đấu J-11 – đã thực hiện một cuộc tập trận tầm xa phía trên vùng biển phía tây nam, gần đảo Đài Loan.
Lực lượng vũ trang Đài Loan đang đang theo dõi chặt chẽ vùng trời và vùng biển xung quanh, theo người phát ngôn quân đội Đài Loan Shih Shun-wen.
Nhân viên y tế Hoa Kỳ kiện Bắc Kinh vì tích trữ vật tư y tế toàn cầu
Một nhóm nhân viên y tế đang tìm cách buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chịu trách nhiệm trong việc tích trữ đồ bảo hộ cá nhân (PPE), khi các nhân viên y tế tuyến đầu đang phải vật lộn chiến đấu với virus Vũ Hán ở Hoa Kỳ, theo The Epoch Times.
Các nhân viên y tế đang kiện chính quyền Trung Quốc trong một vụ kiện được Tập đoàn Luật Berman thu xếp và đệ trình lên tòa án Florida hôm thứ Tư (8/11). Vụ kiện tuyên bố rằng ĐCSTQ đang cố tình
mua ồ ạt mặt nạ bảo hộ y tế, tấm che mặt và mắt, và các thiết bị bảo hộ khác, đồng thời chặn xuất khẩu các mặt hàng này, nhằm bán lại chúng với mức giá cao hơn đáng kể.
Nguyên Đại sứ Mỹ tại LHQ yêu cầu điều tra WHO về phản ứng trước đại dịch
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã chỉ trích cơ quan phụ trách y tế toàn cầu lớn nhất WHO, bày tỏ lo ngại tổ chức này che đậy thông tin quan trọng về Trung Quốc vốn có thể giúp làm chậm sự lây lan của dịch Covid-19, theo Washington Examiner.
Bà Haley nói với người dẫn chương trình Fox News Sean Hannity hôm thứ Tư rằng mối quan hệ thân mật giữa Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới là mối đe dọa đối với chủ quyền Hoa Kỳ và việc này cần phải  được điều tra.
“Hoa Kỳ tài trợ 22% ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới”, bà Haley nói. “Nhưng việc này thậm chí còn lớn hơn quy mô của Tổ chức Y tế Thế giới, đây là về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các tổ chức đa phương, đa quốc gia này”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-11-4-so-lieu-covid-19-trung-quoc-cung-cap-thap-hon-thuc-te-hang-trieu-ca.html

Tạp chí đặc biệt

Covid-19 : Thách thức nghiệt ngã cho người nghèo

Minh Anh
Covid-19 làm lộ rõ bất bình đẳng xã hội ở Mỹ và có nguy cơ đẩy nửa tỷ người dân trên thế giới vào cảnh bần hàn ; Thủ tướng Anh vắng mặt vì nhiễm bệnh, ngoại trưởng tạm điều hành với quyền lực hạn chế; Quân đội Pháp bị virus corona tấn công và tại Rumani, bác sĩ từ nhiệm vì sợ nhiễm Covid-19. Trên đây là nội dung chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Nửa tỷ dân rơi vào cảnh bần cùng vì Covid-19
Những nỗ lực đẩy lùi tình trạng đói nghèo của thế giới từ nhiều thập niên qua có nguy cơ trở thành « dã tràng xe cát ». Tổ chức Oxfam, ngày 09/04/2020, trong báo cáo mang tựa đề « Cái giá của nhân phẩm » báo động nửa tỷ người dân, tức khoảng 10% dân số thế giới có nguy cơ bị rơi vào cảnh bần cùng, vì dịch bệnh virus corona chủng mới.
Các nước đang trên đà phát triển ở châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh đặc biệt bị tác động mạnh. Oxfam kêu gọi các nước trong khối G20 và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) khẩn cấp lập kế hoạch cứu trợ tức thì để tránh bất ổn xã hội. Trả lời câu hỏi của RFI, Robin Guittard, phát ngôn viên Oxfam tại Pháp, cho biết thế giới nên có những giải pháp nào để hỗ trợ các nước nghèo.
« Cần phải biết rằng đối với nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Phi, vào thời điểm này, dịch virus corona trước khi là một cuộc khủng hoảng dịch tễ đã là một cuộc khủng hoảng kinh tế. Bởi vì nguyên nhiên liệu rớt giá thê thảm, hay nếu khoảng hơn 80 tỷ đô la đầu tư bị rút đi… thì người ta không thể nào để nửa tỷ dân rơi vào cảnh nghèo đói trong tương lai.
Nếu như có sự bất ổn, nghèo đói sẽ còn lan rộng hơn nữa, và điều này sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực chung hơn nữa trong tương lai để đối phó nếu như chúng ta không làm gì hết ngay từ bây giờ. Thế nên cần có tình liên đới, cần tái phân bổ các nguồn tài nguyên ở cấp độ toàn cầu.
Chính vì điều này, chúng tôi đặc biệt kêu gọi hủy trả nợ cho năm 2020, để có thể cung cấp tiền mặt tức thì cho các nước nghèo nhất và ở cấp độ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, định chế này nên giải ngân 1.000 tỷ đô la thông qua điều mà chúng tôi gọi là ‘thành lập tiền tệ’, nghĩa là IMF có khả năng in tiền để có thể phân chia cho các nước nghèo nhất ».
Covid-19 : Người Mỹ gốc châu Phi là những nạn nhân chính
Tại Mỹ, dịch virus corona tràn đến như những cơn sóng thần: Hơn 16.500 người chết và hơn 460 ngàn ca nhiễm bệnh tính đến sáng ngày 10/04/2020. Cũng như bao nhiêu nơi khác, người cao tuổi là những đối tượng tấn công chính của virus corona chủng mới.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI, Anne Corpet tại Washington, phần đông nạn nhân của Covid-19 là cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi. Bản thân tổng thống Donald Trump cũng nhìn nhận tình trạng này.
« Tại Chicago, tỷ lệ người da đen chết vì virus corona cao gấp 6 lần so với người da trắng. Bang Louisiana cũng vậy, 70% bệnh nhân tử vong đều thuộc cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi, vốn chỉ chiếm có 32% dân số của bang. Tình trạng này tương tự tại các bang Michigan, New Jersey hay North Carolina.
Hiện chưa có các số liệu trên cấp độ toàn quốc, nhưng người da đen chiếm tỷ lệ cao trong số các nạn nhân của đại dịch. Có nhiều nguyên nhân : Người Mỹ gốc châu Phi sống chủ yếu ở trung tâm thành phố trong những khu vực có mật độ dân cư đông hơn ; Phần đông làm những công việc dễ bị phơi nhiễm, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ và khó có thể làm việc ở nhà…
Đó còn là một trong những cộng đồng nghèo khổ nhất, khó tiếp cận các dịch vụ y tế, tình trạng sức khỏe của họ nhìn chung kém hơn so với những người da trắng. Người Mỹ gốc châu Phi thường mắc các chứng bệnh béo phì, hen suyễn, các vấn đề về tim mạch và phổi nhiều hơn so với các nhóm sắc dân khác, và điều này càng làm cho họ trở nên mong manh hơn trước con virus.
Tóm lại, dịch bệnh chỉ làm cho chiếc hố ngăn cách xã hội đã có ở Mỹ càng thêm sâu thẳm ! »
Anh : Thủ tướng nhiễm Covid-19, ngoại trưởng tạm quyền
Tại Anh, thủ tướng Boris Johnson nhập viện điều trị tăng cường vì nhiễm Covid-19. Vì không có phó thủ tướng, việc điều hành đất nước được tạm trao cho ngoại trưởng Dominic Raab.
Trên đài RFI, bà Florence Faucher, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và Chính trị đối chiếu lưu ý rằng quyền lực của ông Raab trong giai đoạn này là rất hạn chế.
« Ông ấy chỉ xử lý những công vụ cần phải giải quyết hiện tại và không được đưa ra các quyết định có tính chất tương lai. Những vấn đề đó sẽ phải được ông Boris Johnson xem xét, một khi ông hết bệnh. Quy trình ra quyết định tại một quốc gia, nơi có một chính phủ chịu trách nhiệm trước hết với Quốc Hội, không dựa trên một cá nhân.
Dù gì đi chăng nữa, những quyết định này phải được tập thể cùng đưa ra, thường thông qua các cuộc họp mà người ta gọi là ʺCobra Meetingʺ. Và rất có thể trong tuần tới, Boris Johnson có thể tham gia trở lại các cuộc thảo luận. Bằng không, các cuộc tranh luận sẽ diễn ra cùng với các chuyên gia.
Theo truyền thống, chính phủ Anh và nhất là thủ tướng Anh chỉ là người đứng đầu trong số các bộ trưởng ngang hàng. Mỗi bộ trưởng phải lo lấy bộ của chính mình. Trong một chiều hướng nào đó, việc tập trung quyền lực ở Anh nhẹ hơn ở Pháp. Khi có khủng hoảng, Pháp có xu hướng tập trung mọi quyền ra quyết định về điện Elysée (phủ tổng thống) ».
Covid-19 « kẻ thù tàng hình » của binh sĩ Pháp
Đang trên đường làm nhiệm vụ ở Đại Tây Dương, hàng không mẫu hạm của Pháp Charles de Gaulle phải rút ngắn hành trình và quay về Pháp. Giống như chiếc hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, giờ đến lượt lính thủy Pháp bị nghi nhiễm virus corona chủng mới.
Dịch Covid-19 dường như cũng đang âm thầm lây lan trong quân đội Pháp. Gần 4.000 ca nhiễm hay có khả năng nhiễm đã được xác định theo như tiết lộ của Ban Quân Y. Trả lời đài RFI, ông Didier Lanteri, bác sĩ, trưởng Ban Quân Y cho biết tình hình cụ thể và các phương cách đối phó.
« Chúng tôi cũng bị tác động cũng như là thường dân nói chung. Trong quân đội, chúng tôi ghi nhận có gần 4.000 ca nhiễm bệnh và rất có khả năng ở ngay cả trong bộ Quân Lực, một con số hoàn toàn phù hợp với số thống kê quốc gia.
Từ khi nước Pháp được đặt dưới lệnh phong tỏa, chúng tôi cũng chuyển sang chế độ gọi là PCA – Kế hoạch Hoạt động Liên tục. Nghĩa là ngay khi việc làm việc từ xa có thể, nhất là đối với bộ tham mưu, chúng tôi ưu tiên cho làm việc từ xa.
Còn đối với các lực lượng quân đội, chúng tôi buộc phải giảm thiểu đáng kể các công tác chuẩn bị tác chiến và huấn luyện. Chúng tôi cũng đề ra các biện pháp cho các điểm sinh hoạt tập thể và bất luận thế nào, khi chúng tôi không thể nào làm khác đi được, chúng tôi phải tuân thủ giãn cách xã hội, giống như là người dân đang làm ».
Rumani : Bác sĩ từ nhiệm vì sợ nhiễm Covid-19
Tại Pháp, để chống dịch Covid-19, chính phủ kêu gọi sự đóng góp tình nguyện của cả giới y khoa, từ sinh viên cho đến cả những người về hưu. Lời kêu gọi này đã được đông đảo người ngành y ủng hộ, kể cả những người đang làm nghị sĩ quốc hội. Thế nhưng, ở Rumani, nơi số ca nhiễm bệnh và tử vong thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, nhưng nhiều bệnh viện và thành phố phải đối mặt với tình trạng các nhân viên y tế từ nhiệm.
Thông tín viên Benjamin Ribout tại Bucarest giải thích :
« Ngày 23/03/2020, tại Arad, tây nam đất nước, 83 nhân viên bệnh viện tỉnh đã xin nghỉ phép, cộng thêm 8 bác sĩ từ nhiệm. Bệnh viện này không phải là ca đơn lẻ duy nhất, vì hiện tượng nhân viên y tế ‘‘đào ngũ’’ đang diễn ra trên khắp cả nước. Trên tuyến đầu chống dịch, giới chuyên ngành chỉ trích tình trạng thiếu phương tiện và nêu lên các nguy cơ. Nhưng đối với một vị bác sĩ khoa nhiễm xin ẩn danh này, còn có những nguyên nhân khác.
Ông nói : “Người ta từ nhiệm vì sợ hãi hay bởi vì họ cảm thấy không có năng lực. Các bác sĩ không biết là chuyện gì sẽ xảy ra cho họ. Trong khoa nhiễm của tôi, về mặt trang thiết bị, người ta có đủ những thứ cần thiết và người ta có thể chữa trị cho bệnh nhân.
Điều lo lắng chủ yếu là ở những khoa khác. Trưởng khoa và một bộ phận nhân viên hoang mang. Có nhiều mối ngờ vực vì người ta cũng không quen hợp tác với các chuyên gia khác. Tất cả những điều này cũng đến từ những vấn đề về nhân sự. Có rất nhiều người thiếu năng lực và do vậy không thể đảm nhiệm được đúng chức năng của mình.”
Tình hình còn trở nên khó khăn tại một đất nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên y tế từ nhiều năm qua. Tại Suceava, phía bắc Rumani, tâm dịch virus corona chính, một phần tư số bác sĩ và y tá đã từ nhiệm.
Vị bác sĩ trên giải thích tiếp : “Quý vị có thể hình dung được tác động sẽ ra sao tại một thành phố như Suceava, đây chính là một thảm họa. Nhiều bác sĩ rất có thể bị đưa ra xét xử, nếu việc họ từ nhiệm dẫn đến việc đóng cửa khoa và sau đó là có người chết. Đó cũng là những gì đã xảy ra cho khoa phẫu thuật, vì đã không thể chữa trị cho một thanh niên 25 tuổi có vấn đề về đường ruột. Người này đã không được chữa trị và đã qua đời”.
Bối rối, chính phủ Rumani chưa cho biết phải trừng phạt những bác sĩ đó như thế nào. Cũng phải nói rõ thêm là chính phủ thuộc đảng xã hội – dân chủ tiền nhiệm đã tăng gần như gấp đôi lương bác sĩ cách nay hai năm nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân viên y tế. »
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200411-quoc-te-dich-benh-khoa-hoc-xa-hoi-covid19

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.