Tin Biển Đông – 11/04/2020
Giữa cơn đại dịch Covid-19 hoành hành,
TQ vẫn không quên “thèm khát” Biển Đông
Từ cuối năm 2019 đến nay, virus Corona khởi phát từ Trung Quốc, gây ra bệnh dịch nguy hiểm giết chết hàng nghìn người Trung Quốc, sau đó lan nhanh ra toàn thế giới, kéo theo hàng trăm nghìn người bị lây nhiễm, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, biến thành đại dịch Covid-19 lớn chưa từng thấy trong 2 thế kỷ qua và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Giữa lúc cả thế giới, trong đó có Trung Quốc, đang phải “sốt vó” đương đầu với đại dịch virus chết người này, thì Bắc Kinh lại vẫn không quên lợi dụng cơ hội để hiện thực hóa tham vọng “chủ quyền” theo “đường chín khúc” ở Biển Đông. Họ đã
tiến hành nhiều hoạt động cả trên thực địa và tuyên truyền, nổi bật có thể nói đến hai hành động rất đáng phải lên án trước dư luận.
Việc làm thứ nhất
Ngày 16/3/2020, trên trang Facebook và Twiter chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Italia đăng tải bài viết nói về tình đoàn kết giữa hai nước. Đó là năm 2008, khi Trung Quốc trong cơn hoạn nạn do thảm họa động đất ở Tứ Xuyên gây ra thì người Italia đã ra tay cứu giúp. Nay, cả nước Italia đang phải đương đầu với đại dịch Covd-19 hoành hành tại quốc gia hình chiếc ủng này thì đây là thời cơ để người Trung Quốc hỗ trợ lại người Italia chống dịch. Hàng đoàn chuyên gia, bác sỹ Trung Quốc mang theo thiết bị y tế, đồ phòng hộ và thuốc chữa bệnh đã nhập cảnh vào Italia tham gia chống dịch. Vì thế, bài viết của sứ quán Trung Quốc tại Roma mới nói rằng: “Forse te ne sei dimenticato, ma noi ricorderemo per sempre. Ora tocca a noi aiutarti…” (dịch là: Bạn có thể đã quên, nhưng chúng tôi sẽ luôn nhớ. Bây giờ chúng tôi sẽ giúp bạn). Kèm theo bài viết là bức hình thể hiện hai nhân viên y tế mặc trang phục có màu cờ của Trung Quốc và Italia đang cùng nâng bản đồ của hai nước, hàm ý biểu lộ sự “tương thân, tương ái” lẫn nhau.
Tuy nhiên, cộng đồng mạng nhanh chóng phát hiện, trong tấm bản đồ của Trung Quốc, họ đã cố tình vẽ cả “đường chín khúc” mà nước này từng dùng để thể hiện yêu sách “chủ quyền” vô căn cứ và trái luật pháp quốc tế ở Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngay sau khi phát hiện sự việc trên, hàng loạt độc giả trên thế giới đã nhanh chóng chụp lại hình ảnh và kêu gọi phản đối ý đồ xấu của Trung Quốc. Vô số tài khoản đã để lại lời nhắn bên dưới bài viết bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhiều tài khoản của người nước ngoài thay nhau đăng bình luận với nội dung: “Chúng tôi cảm thông với người dân Italia và Trung Quốc trong những thời điểm khó khăn hiện nay, nhưng yêu cầu Chính phủ Trung Quốc hãy ngưng nói dối về Biển Đông, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chúng tôi bác bỏ mọi ý đồ thiết lập đường chín khúc phi pháp”.
Theo tờ báo South China Morning Post của Trung Quốc tiết lộ, hiện nay TrungQuốc đang mở chiến dịch “ngoại giao virusCorona” ở châu Âu và nhiều nước khác trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đã lắng xuống tại nước này nhưng lại đang diễn biến xấu tại nhiều nơi khác trên khắp địa cầu. Giới chức Italia mới đây cho hay, sẽ tiếp nhận 5 triệu khẩu trang cùng 2 nhóm chuyên gia y tế Trung Quốc đến hỗ trợ đối phó dịch Covid-19. Tương tự đối với Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Arancha Gonzalez Laya đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị chỉ vài giờ trước khi Tây Ban Nha siết chặt việc đi lại trên cả nước. Ông Vương Nghị đã chia sẻ thành công chống đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc và hứa sẵn sàng hỗ trợ các nước có nhu cầu, cũng như xuất khẩu trang thiết bị y tế và đồ bảo hộ đến Tây Ban Nha qua các kênh thương mại. Đáng chú ý, việc Trung Quốc đề nghị hỗ trợ Italia và Tây Ban Nha chống đại dịch Covid-19 lại trùng hợp với thời điểm Italia “trách cứ” các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) không hỗ trợ thiết bị y tế giúp nước này chống dịch và trong bối cảnh giữa Mỹ và châu Âu có nhiều căng thẳng.
Giới truyền thông cho rằng, sau khi số ca nhiễm virusCorona trong nước giảm, Trung Quốc tìm cách “thể hiện trách nhiệm” khi cử chuyên gia và đưa trang thiết bị đến các nước có số ca nhiễm tăng nhanh. Việc các nước đang chật vật đối phó với Covid-19 lại là “cơ hội” cho Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ vật chất “giúp” các nước chống lại đại dịch chết người này. Đây là việc làm “nghĩa hiệp” và đáng khen. Tuy nhiên, lợi dụng việc giúp các nước chống đại dịch Covid-19 để tuyên truyền về “đường chín khúc” phi pháp lại cho thấy “dã tâm” của Trung Quốc đối với Biển Đông chưa dừng lại. Một chuyên gia về biển của ASEAN nhận xét, tham vọng “độc chiếm” Biển Đông của Trung Quốc đã có từ lâu, với mục đích trở thành cường quốc biển để bá chủ thế giới. Chính vì vậy, khi chưa đạt được mục đích đó thì không dễ gì mà Trung Quốc từ bỏ. Thậm chí, ngay lúc đang phải ứng phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc cũng không quên “thèm khát” Biển Đông.
Việc làm thứ hai
Ngày 23/3/2020, Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đã xây dựng 2 trạm nghiên cứu biển mới ở đá Chữ Thập và đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa. Đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đánh giá sự kiện này, nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam của Singapore cho rằng, các cơ sở này tạo thành một phần quan trọng trong mạng lưới quan sát đại dương được Trung Quốc “miệt mài” xây dựng trong những năm gần đây. Ông Collin Koh chỉ rõ:
Thứ nhất, việc Bắc Kinh lựa chọn thời điểm Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang gồng mình chống đại dịch Covid-19 để thông báo việc làm trên là có ý đồ. Theo đó, Trung Quốc phần nào lợi dụng thực tế chính phủ các nước ASEAN đang phải tập trung lo đối phó với dịch bệnh Covid-19 mà không chú ý nhiều tới Biển Đông, để hành động. Trong bất cứ trường hợp nào, giới cầm quyền ở Bắc Kinh vẫn không từ bỏ ý đồ “biến biển của người khác thành biển của mình”. Đó là lý do tại sao họ tiếp tục gây áp lực quân sự đối với Đài Loan và lên tiếng phản ứng trước hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) của chiến hạm Mỹ USS McCampbell gần quần đảo Hoàng Sa hôm 10/03/2020.
Thứ hai, việc xây dựng 2 trạm nghiên cứu biển trên của Bắc Kinh có thể được xem là ví dụ cho thấy, Trung Quốc sẽ không tạm ngưng các hoạt động tại Biển Đông chỉ vì Covid-19. Trong suy nghĩ của họ, mọi thứ vẫn chuyển động dù đại dịch nguy hiểm này đang “quét” qua thế giới. Các động thái mới trên cho thấy bất chấp các kịch bản, Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động phi pháp tại Biển Đông. Chỉ là khi virus tấn công, nó cho thấy cảm giác cấp bách hơn nữa khi Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động phi pháp và rằng họ sẽ không từ bỏ chỉ vì một diễn biến nào đó.
Thứ ba, so với các hoạt động “quân sự hóa” và tuần tra ở Biển Đông, các biện pháp dân sự, phi quân sự thường ít bị để ý hơn. Nhưng hiệu quả cuối cùng là như nhau. “Những hoạt động này sẽ dẫn đến các kết quả tương tự là thúc đẩy các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, củng cố các tiền đồn mà họ chiếm đóng trái phép. Các cơ sở nghiên cứu biển trên cũng không hề vô hại như những gì mà Bắc Kinh nói. Trung Quốc gắn cho nó cái mác là được thiết kế để đóng góp kiến thức khoa học biển ở Biển Đông, nhưng chính nó tạo thành một phần quan trọng trong nỗ lực hợp nhất dân sự và quân sự của Trung Quốc. Dữ liệu thu thập thông qua các cơ sở nghiên cứu biển sẽ được sử dụng cho các mục đích quân và dân sự”, ông Collin Koh kết luận.
Thực tế, mạng lưới quan sát đại dương này nghe qua thì giống như các vệ tinh quan sát trái đất, có vẻ khá dân sự và “vô hại”. Nhưng về mặt quân sự, nó liên quan tới việc nghiên cứu hàng hải, bao gồm cả khu vực dưới đáy biển, phục vụ các hoạt động quân sự và tuần duyên của Trung Quốc tại Biển Đông. Nói cách khác, các trạm nghiên cứu của Trung Quốc sẽ cho phép và tạo điều kiện để Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động trên Biển Đông cũng như tối ưu hóa việc sử dụng chiến thuật “cưỡng chế” tại vùng biển chiến lược này.
Xem xét hai hành động, việc làm trên của Trung Quốc trong khi cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành, cần thiết phải cảnh báo: Các hành vi Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền các nước tại Biển Đông sẽ tiếp tục leo thang và bất cứ ai đó chớ nên mong đợi Trung Quốc sẽ trở nên ôn hòa hơn ở vùng biển này vì đại dịch Covid-19. Tới đây, để xoa dịu sự chỉ trích của dân chúng trong nước về phản ứng chậm chạp trước hiểm họa của đại dịch, cũng như để tập trung giải quyết các mâu thuẫn, yếu kém khác ở bên trong đang có xu hướng nổi lên, nhất là những khó khăn nảy sinh sau đại dịch Covid-19, rất có thể Trung Quốc sẽ đẩy những mâu thuẫn, khó khăn đó ra bên ngoài bằng cách “gây sự” ở Biển Đông, “trò chơi” mà Bắc Kinh xưa nay vốn hết sức “lão luyện”. Vì thế, các nước có lợi ích, chủ quyền ở Biển Đông nên hết sức cảnh giác, “chống dịch như chống giặc” nhưng cũng nên “chống giặc không kém gì chống dịch”.
Giới quân sự các nước không nên coi thường
Trong những ngày đầu của năm 2020, giới chuyên gia quân sự, an ninh ở các nước, nhất là ở Mỹ và Nhật Bản đã dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về giá trị chiến lược và quân sự của các “tiền đồn” mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép trên Biển Đông từ năm 2013 và nay tiếp tục củng cố, cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa.
Một số người cho rằng, việc Trung Quốc đã mở rộng thêm khoảng 12.000 km2 đất đai trên 7 cấu trúc mà nước này đã chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông với hàng loạt thiết bị cảm biến tầm xa, cơ sở hạ tầng cảng biển, đường băng, các kho nhiên liệu và vũ khí quân sự trên đó không có gì đáng quan ngại đối với an ninh của nước Mỹ, kể cả khi xảy ra xung đột quân sự Mỹ – Trung trong khu vực Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, ngày càng có nhiều ý kiến phản bác và báo động về tính chất nguy hiểm của các “tiền đồn” trên đối với Quân đội Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự giữa hai nước.
“Trường phái” coi thường giá trị và năng lực quân sự của phía Trung Quốc trên các đảo nhân tạo do họ xây dựng trái phép trên Biển Đông thì lập luận, phân tích như sau:
Thứ nhất, họ dựa vào những nhận định của Cơ quan tình báo Mỹ rằng, các căn cứ mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông sẽ có năng lực đáng kể trong việc triển khai sức mạnh tấn công quân sự của Trung Quốc trên biển nếu như Bắc Kinh triển khai đáng kể lực lượng quân sự hiện đại nhất đến các căn cứ trên vào cuối năm 2016. Thế nhưng, ba năm sau nhận định đó, Trung Quốc hình như vẫn chưa triển khai thêm nhiều máy bay chiến đấu hay các loại vũ khí tầm xa hiện đại khác có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền tới Trường Sa. Trong khi đó, báo cáo của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc năm 2019 cũng cho rằng, họ không thấy bất kỳ hoạt động “quân sự hóa” mới nào kể từ khi Trung Quốc đặt các tên lửa phòng không và chống hạm trên quần đảo Trường Sa vào năm 2018. Có thể, phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực đối với hành động phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa là một phần lý do khiến Bắc Kinh không có thêm hoạt động nào nhằm tăng cường năng lực quân sự trên các đảo. Tướng Joseph Dunford – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, gần đây đã phát biểu rằng, nếu hoạt động “quân sự hóa” các đảo của Trung Quốc “chững” lại, thì đó là vì chúng đã đạt được khả năng quân sự mà Trung Quốc cần.
Như vậy về mặt quân sự, những gì Trung Quốc đòi hỏi từ các căn cứ trên ít hơn nhiều so với khả năng đáp ứng rõ ràng của chúng. Việc Trung Quốc không có “bước tiến” mới đáng kể nào để mở rộng hoạt động quân sự trên quần đảo Trường Sa, thậm chí họ còn mất mát một chút và việc “quân sự hóa” hơn nữa trên các thực thể Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép không thể giúp họ kiểm soát được Biển Đông trong thời bình và vì thế có lẽ cũng không mang tính quyết định trong thời chiến. Hơn nữa, khoảng cách và sự cô lập của các căn cứ so với Trung Quốc đại lục khiến chúng rất dễ bị ảnh hưởng, tính hữu dụng về mặt quân sự của chúng sẽ nhanh chóng giảm bớt khi có một cuộc xung đột quân sự xảy ra kéo dài. Trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột quân sự (nếu điều đó xảy ra), các căn cứ này sẽ cung cấp cho Hải quân Trung Quốc các vị trí để triển khai tên lửa và các cuộc không kích phủ đầu, cũng như tiếp viện tàu và máy bay. Nhưng quần đảo Trường Sa cách địa điểm tiếp viện gần nhất của nước này – các căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam, hơn 500 hải lý. Trong khi, ở gần Trường Sa hơn nhiều là Philippines, một đồng minh đôi khi “dở chứng” của Mỹ nhưng không phải là không ngày càng lo ngại về những ý định của Trung Quốc.
Thứ hai, các căn cứ được xây dựng trên các thực thể nhân tạo ở quần đảo Trường Sa rõ ràng là các mục tiêu cố định, quy mô tương đối nhỏ và biệt lập, lại không có tài sản dân sự trên đó và hầu như không có khả năng “che chắn” hay bảo vệ trước các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa mới, những cuộc đột kích lên đảo và hoạt động bắt giữ mà quân đội Mỹ đang triển khai. Nếu xảy ra một cuộc xung đột với Mỹ, khi các căn cứ này bị hư hại và xuống cấp do các cuộc không kích và tấn công của bom và tên lửa, thì việc sửa chữa và tiếp viện sẽ trở nên ngày càng tốn kém và đầy thách thức, buộc quân đội Trung Quốc phải dùng đến lực lượng tàu chiến và không quân để yểm trợ. Song có lẽ họ muốn sử dụng lực lượng này để bảo vệ những nơi khác hơn là bảo vệ các hòn đảo mà tính hữu dụng của chúng đang nhanh chóng giảm sút.
Thứ ba, giá trị chiến lược của các căn cứ do Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa cũng rất mơ hồ. Các căn cứ này cách eo biển Singapore hơn 800 hải lý, cách các tuyến đường biển thay thế gần nhất là eo biển Sunda và Lombok của Indonesia hơn 1.600 hải lý. Vị trí của các căn cứ nói trên có thể giúp Trung Quốc kiểm soát khu vực phía trong của Biển Đông, nhưng không thể kiểm soát được những nút thắt ở trong và ngoài vùng biển này.
Thứ tư, môi trường khí hậu của khu vực Biển Đông không thuận lợi đối với hầu hết các hệ thống quân sự tiên tiến nhất của Trung Quốc. Năm 2017, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về các biện pháp đặc biệt được yêu cầu để bảo vệ hoạt động triển khai các máy bay chiến đấu J-11 đến quần đảo Trường Sa trong thời gian ngắn trước tác động của sức nóng và độ ẩm ở quần đảo này. Những nghiên cứu gần đây hơn cho biết, các vấn đề về môi trường ở quần đảo Trường Sa thậm chí còn nghiêm trọng hơn, do sức nóng và độ ẩm khiến các cấu trúc vỡ vụn, thiết bị máy móc bị hư hỏng và một số hệ thống vũ khí thậm chí còn bị phá hủy dần dần. Đây là mối lo của Trung Quốc về khả năng chống chịu của các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã xây dựng trái phép ở Trường Sa trước tác động của thời tiết khắc nghiệt của Thái Bình Dương.
Với những lập luận và phân tích như trên, nên những người theo “trường phái coi thường” cho rằng, sự hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa là có thật, nhưng vai trò của chúng rất mờ nhạt, không có gì đáng quan ngại về mặt quân sự đối với Mỹ, một nước có nền kinh tế và tiềm lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới.
Ở chiều đối lập, “trường phái” không coi thường giá trị và năng lực quân sự của phía Trung Quốc trên các đảo nhân tạo lại khẳng định: sẽ là một “sai lầm nguy hiểm” khi coi thường hay xem nhẹ mức độ
nguy hại của các “tiền đồn” quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông và cho rằng các “tiền đồn” đó sẽ bị Mỹ tiêu diệt dễ dàng khi xảy ra chiến tranh.
Greg Poling, Giám đốc Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, Mỹ là người thuộc “trường phái không coi thường” đã quả quyết: Thật sai lầm khi cho rằng, các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên 7 hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông chỉ “dọa” được các nước láng giềng nhỏ bé trong vùng, chứ không thể tồn tại được trước hỏa lực hùng mạnh của quân đội Mỹ. Trên thực tế, nếu chiến sự bùng nổ thì chính Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, sẽ là bên kiểm soát vùng biển và không phận Biển Đông nhờ vào các căn cứ của họ trên các đảo nhân tạo. Bên cạnh đó, với cách bố trí lực lượng như hiện nay của Mỹ trong khu vực, thì trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột, Washington phải mất rất nhiều công sức và tổn thất trước khi vô hiệu hóa được các “tiền đồn” đó để có thể tung lực lượng vào Biển Đông. Điều này cho thấy giá trị quân sự của các “tiền đồn” mà Bắc Kinh đã xây dựng được ở Biển Đông là rất đáng kể. Theo ông Poling, sự khác biệt giữa nhìn nhận của giới chuyên gia và suy nghĩ chung thường thấy ở nhiều người Mỹ về giá trị chiến lược của các “tiền đồn” quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông là một điều rất đáng quan ngại. Bởi hầu hết những người quan tâm, theo dõi tình hình Biển Đông đều nhận thấy, các căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông có giá trị rất lớn trong việc làm thay đổi tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc nếu như giữa hai nước xảy ra một cuộc xung đột trong tương lai.
Có rất nhiều học giả, chuyên gia quân sự nghiên cứu về an ninh Biển Đông tán đồng với quan điểm của Giám đốc AMTI, tiêu biểu trong số này là chuyên gia Ankit Panda – Biên tập viên cao cấp của chuyên san Nhật Bản The Diplomat. Nhà phân tích chiến lược của Nhật Bản đánh giá: Phân tích của ông Poling là một lời phản bác đầy sức thuyết phục, chống lại suy nghĩ “nông cạn” hiện nay cho rằng, các “tiền đồn” mà Trung Quốc xây dựng gấp rút ở quần đảo Trường Sa là một “nhược điểm” chiến lược lớn của Bắc Kinh nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Mỹ. Ông nhận xét, “nếu chỉ đơn thuần coi các tiền đồn đó rất xa đất liền Trung Quốc, do đó nó không thể làm gì được trước một lực lượng trên không và trên biển rất mạnh của Quân đội Mỹ thì thật ngớ ngẩn”. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, các căn cứ quân sự đó trước hết có giá trị trong thời bình, cho phép Bắc Kinh tiến hành các hoạt động cưỡng chế nhằm áp đặt yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc tại Biển Đông với các bên tranh chấp khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, kể cả Indonesia, nước cũng bị Trung Quốc tranh chấp một phần vùng đặc quyền kinh tế. Còn trong thời chiến, các “tiền đồn” của Trung Quốc ở Trường Sa không chỉ là “bia” đỡ đạn, mà còn góp phần tăng cường hỏa lực cho quân đội Trung Quốc, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình hiện trường và phục vụ công tác hậu cần. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có địa thế tốt để sử dụng tên lửa chống hạm và phòng không trên các cơ sở này để ngăn chặn Hải quân Mỹ và các nước khác trong khu vực. Thậm chí, Không quân Trung Quốc vẫn có khả năng xuất phát từ các căn cứ ở Trường Sa để gây khó khăn cho lực lượng quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Trung Quốc đã có ba sân bay dài trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi, đủ sức cho máy bay chiến đấu sử dụng. Các sân bay này có thể bị Mỹ tấn công ngay từ đầu, nhưng không thể bị phá hủy hoàn toàn, và Trung Quốc có thể khôi phục các đường băng này không lâu sau một cuộc tấn công. Bằng chứng rất dễ chứng minh là cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ vào căn cứ không quân Syria ở Shayrat năm 2017, nhưng Mỹ đã không thể vô hiệu hóa được căn cứ này.
Mặt khác, theo ông Panda, do diện tích các đảo nhân tạo khá lớn, như trong trường hợp Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi, để có thể phá hủy được hoàn toàn các cơ sở mà Trung Quốc dùng làm điểm tựa cho hải quân, không quân và có thể là cả lực lượng tên lửa chiến lược của họ nữa trong tương lai, Mỹ sẽ cần đến một khối lượng rất lớn tên lửa tầm xa có độ chính xác cao, nhưng đây là điều có lẽ khó thực hiện được trong thời gian ngắn.
Chuyên gia Panda còn nêu thêm một giá trị quân sự khác của các “tiền đồn” quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa mà “trường phái coi thường” không nhìn thấy. Đó là những “tiền đồn” này có thể làm căn cứ cho lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đang hình thành. Theo đó, trước những quan ngại về khả năng lực lượng hạt nhân trên bộ của mình dễ bị triệt hạ trong một cuộc xung đột quân sự, nên Trung Quốc dự tính sẽ đưa tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo loại 094 vào Biển Đông để khi cần thiết, tìm cách thâm nhập vào chuỗi đảo đầu tiên để phóng tên lửa đạn đạo JL-2 (loại trang bị cho tàu ngầm) vào các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Dự tính trên xuất phát bởi lý do tàu ngầm hạt nhân loại 094 của Trung Quốc nhất thiết phải đến được chuỗi đảo thứ nhất vì tên lửa JL-2 không đủ tầm bắn để tấn công nước Mỹ nếu đặt từ trên đất liền.
Bên cạnh đó, các “tiền đồn” của Trung Quốc ở Trường Sa có thể góp phần đáng kể vào việc giúp Bắc Kinh không chỉ ngăn chặn hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, qua đó tăng cường khả năng “sống còn” của các tàu ngầm tấn công hạt nhân được triển khai khi xung đột nổ ra, mà còn trở thành địa bàn để Hải quân Trung Quốc từ đó tung ra các chiến dịch chống ngầm, phát hiện và đẩy lùi các phương tiện giám sát dưới đáy biển của Mỹ, bao gồm cả tàu ngầm và các loại tàu lặn tự hành khác.
Xem xét những tranh luận trên của giới chuyên gia quân sự, an ninh các nước, có thể rút ra hai kết luận sau:
Một là, việc Trung Quốc xây dựng trái phép các ‘tiền đồn” quân sự trên Biển Đông là dấu ấn quân sự to lớn, bất chấp cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 là không “quân sự hóa” các đảo; bất chấp tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng các cơ sở hạ tầng phòng thủ “cần thiết” này được xây dựng là nhằm bảo đảm an toàn hàng hải và cứu trợ thiên tai. Việc Trung Quốc đầu tư tốn kém tiền của, gấp rút xây dựng các ‘tiền đồn” quân sự trên dứt khoát không phải là để “trưng bày”.
Hai là, các đảo nhân tạo của Trung Quốc từ lâu đã bị coi là biểu hiện cụ thể của các hành vi coi thường luật pháp quốc tế và làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, phục vụ Bắc Kinh thực hiện các mục tiêu ở khu vực. Trong lúc mục đích chính của các đảo nhân tạo này là nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền phi lý theo “đường chín khúc” mà Trung Quốc tự vẽ ra, thì trong thời chiến, chúng có thể phát huy năng lực quân sự rất đáng kể. Vì thế, không chỉ Mỹ mà bất cứ nước nào có quyền và lợi ích ở Biển Đông đều không thể xem thường giá trị chiến lược và những uy hiếp quân sự từ những “tiền đồn” này của Trung Quốc.
0 comments