Tin Việt Nam – 15/03/2020
Sunday, March 15, 2020
5:35:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Luật sư Trần Quốc Thuận nói vụ Đồng Tâm:
”không thể làm thinh mãi”
Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành đại hội các cấp cơ sở tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ 13 và đây là chính dịp để các cấp đại hội đưa ra bàn luận về vụ tập kích Đồng Tâm đẫm máu hôm 09/01/2020 gây chết người và làm xôn xao dư luận, một cựu lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.“Câu chuyện mà người ta đang chờ đợi nhất, người ta cũng đang muốn làm cho rõ là sự kiện bắt nguồn từ đâu, từ ông Lê Đình Kình và từ nhóm Đồng Thuận đó, mà lại dùng lực lượng vũ trang mạnh như thế, thì nó là cái gì?” Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng trên, hôm 11/03 từ Sài Gòn, đặt câu hỏi.
Bàn tròn BBC: Covid-19 và ‘sức khỏe’ nền chính trị VN
Đảng vừa dẹp dịch, vừa lo Đại hội
Lúc nào chuyện gì ở đất nước Việt Nam này thì cũng là Việt Tân cả, Việt Tân đâu có ‘ba đầu, sáu tay’ như thế?
Vang tiếng Thủ Thiêm, Đồng Tâm trong phim ‘VN: Tiếng gào thét từ bên trong’
Virus corona: Đảng Cộng sản chuẩn bị thế nào cho Đại hội 13?
“Nó là cái gì mà cần phải sử dụng một lực lượng vũ trang đông đảo và trang bị vũ khí như thế mà xông vào trong nhà, trong xóm, bắt người này, bắt người kia, rồi cuối cùng có người chết.
“Thì tất cả chuyện đó phải giải quyết là nó là cái gì, sự thật là cái gì? Có người nói là Việt Tân, thì đến bây giờ cũng không thấy bắt được ông Việt Tân nào ra cả.
“Rồi nói mấy người này chống người thi hành công vụ, thì nửa đêm chống người thi hành công vụ cái gì?
“Bây giờ chung quanh cái đó, tôi nghe nhiều tin mà tôi không thể nói ra được vì tin đó thiếu kiểm chứng, nhưng mà người ta đang chờ đợi nhà nước, đảng và nhà nước phải trả lời cho rõ là tại làm sao phải sử dụng lực lượng vũ trang, trong khi đất nước hòa bình?
“Rồi giữa Thủ đô, mà thế này, thì cần gì phải làm một hành động vũ trang mạnh mẽ đến thế, cho nên đó là một câu chuyện, nói là Việt Tân, thì đâu có bắt được Việt Tân nào đâu?
“Lúc nào chuyện gì ở đất nước Việt Nam này thì cũng là Việt Tân cả, Việt Tân đâu có ‘ba đầu, sáu tay’ như thế? Nhưng có bắt được Việt Tân đâu, lâu lâu bắt được người nào đó, vu vơ, là ông già, bà cả gì đó tham gia Việt Tân, cũng xử gì đó, nhưng trong vụ này nói Việt Tân thế nọ, thế kia, đâu có bắt được Việt Tân đâu.
“Cho nên câu hỏi là trả lời rồi, dùng lực lượng vũ trang có tương xứng không? Xông vào trong đêm như thế có phải không? Và giữa Thủ đô trong khi đất nước hòa bình. thì đó là câu chuyện phải trả lời, tuy là nhỏ, nhưng sự việc rất lớn.”
Xã hội chủ nghĩa là không làm gì bạo lực, mà phải vận động cho quần chúng đồng thuận, thuyết phục quần chúng, thì đây là chuyện không bình thường
‘Không thể làm thinh’
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, chính quyền đã chưa sử dụng hết các công cụ phi bạo lực để giải quyết vụ việc tranh chấp hoàn toàn có tính chất dân sự ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ông nói:
“Đây là một sự kiện rõ ràng là dân sự, hoàn toàn là dân sự, nhưng mà chưa làm hết con đường thưa kiện về dân sự như là đưa ra tòa án rồi xét xử, rồi thế này, thế kia.
“Mà nhất là nhà nước Việt Nam này có việc gì cũng phải có Ban Dân vận, có Mặt Trận Tổ Quốc đi vào vận động thế này, thế kia, chưa làm tất cả những chuyện đó.
“Cho nên vấn đề sử dụng lực lượng vũ trang trong trường hợp như thế là đòi hỏi cần phải sử dụng lực lượng vũ trang không?
“Ở trong đất nước Việt Nam khi mà có chiến tranh, thì người ta sử dụng lực lượng vũ trang, thế còn đây đương hòa bình mà sử dụng lực lượng vũ trang như thế, đến chết người như thế, rồi chết là lính không chết mà chết ba ông sỹ quan, mà chết (cháy) đen như thế.
“Thì rõ ràng có một bài của Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Xuân Phú đã viết và phân tích, tôi cho là rất sâu sắc,
“Đó là một bài mà những câu hỏi đặt ra của Giáo sư, nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải trả lời chứ không thể làm thinh được…”
“Tôi cho rằng nếu không chứng minh được là đây là một cuộc tạm gọi là cuộc bạo loạn, cướp chính quyền, một cuộc là thế nào đó giữa thủ đô mà cần phải sử dụng lực lượng vũ trang để mà đè bẹp xuống, dập xuống, thì nếu không có trường hợp đó mà dùng lực lượng vũ trang, đó là hoạt động rất không bình thường.
Ở Việt Nam, chỉ có bạo loạn, cướp chính quyền mà như vậy may ra mới có thể xảy ra trường hợp (tập kích) đó, chứ còn bình thường không ai chấp nhận dùng lực lượng vũ trang như thế cả
“Bởi vì chưa dùng hết tất cả những công cụ mà nhà nước này, đảng này thường hay nói là phải vận động cho nhân dân, làm cho dân hiểu, cái đó chính là cái ‘Xã hội Chủ nghĩa’, xã hội chủ nghĩa là không làm gì bạo lực, mà phải vận động cho quần chúng đồng thuận, thuyết phục quần chúng, thì đây là chuyện không bình thường.
“Cho nên tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần là phải trả lời cho được là tại làm sao cần phải dùng lực lượng vũ trang mà hành động mạnh mẽ nửa đêm như thế?
“Còn nếu mà đem để xây bức tường đó thì có cần thiết phải làm như thế không? Bây giờ có nhiều nguồn tin lắm, nhưng mà không kiểm chứng, cho nên không thể nói được, tôi chỉ nói đến mức như thế thôi.”
‘Mô hình giải quyết ổn chưa?’
Bình luận về mô hình giải quyết vụ việc được cho là có tính chất tranh chấp dân sự, qua sự kiện tập kích Đồng Tâm đêm 08/01 rạng sáng ngày 09/01, Luật sư Thuận nói:
“Câu chuyện đó người ta đã nói nhiều, thường ở Việt Nam có hai con đường. Hiện giờ có nhiều con đường, nhưng hai con đường rõ nhất là đi vào khiếu nại, giải quyết của nhà nước có sự giúp đỡ của cơ quan thanh tra, rồi nhà nước giải quyết, rồi kiện lên Thủ tướng.
GS Tương Lai: ‘Tập kích Đồng Tâm là thiếu sáng suốt’
“Thì rõ ràng vụ khiếu nại, vụ kiện này là chỉ có thấy Thanh tra Chính phủ trả lời, qua báo chí, chỉ có thanh tra trả lời, chứ chưa thấy ông Thủ tướng trả lời là thế này, thế kia.
“Nếu mà như vậy cũng chưa cần thiết phải dùng bạo lực.
“Còn một con đường nữa là ra tòa.
“Ra tòa thì người ta cưỡng chế, người ta cưỡng chế thì cũng không cần gì phải dùng đến bạo lực.
“Cưỡng chế là lực lượng công an giữ trật tự thôi, chứ đâu có làm như thế.
“Cho nên cái câu hỏi là tại làm sao mà phải dùng lực lượng vũ trang mà xông vào nửa đêm như thế để, mà vào trong khu xóm mà yên lành như thế, thì cái đó là câu hỏi mà chưa có câu trả lời.
Nhưng vụ ông Kình giữa thủ đô, có cần tấn công ban đêm và có cần phải bắt người, rồi mổ bụng người ta ra như thế hay không? Đó là câu chuyện mà nghe nó, người Việt Nam dùng chữ là rất nhẫn tâm
“Cho nên ở Việt Nam, chỉ có bạo loạn, cướp chính quyền mà như vậy may ra mới có thể xảy ra trường hợp (tập kích) đó, chứ còn bình thường không ai chấp nhận dùng lực lượng vũ trang như thế cả.”
‘Phải đưa ra Quốc hội’
Theo cựu quan chức Văn phòng Quốc hội này, vụ việc tập kích và bố ráp Đồng Tâm hôm 09/01 cần phải được đưa ra Quốc hội Việt Nam:
“Tôi cho rằng đã đến lúc phải đưa ra trước Quốc hội và báo cáo cho toàn thể nhân dân người ta biết bên trong là gì? Nguyên thế nào? Cái nào đúng, cái nào không đúng, cái nào phù hợp?
“Đó là câu chuyện không thể để yên được, cho nên bây giờ mọi việc có thời gian để mà trầm tư lại.
Đồng Tâm: Vì sao Quốc hội VN cần “vào cuộc điều tra”?
“Người ta nói rằng qua vụ AVG, Tổng Bí thư hay nói rằng giải quyết như thế mới hay, giải quyết như thế mới nhân văn thế này, thế kia.
“Nhưng mà tại sao ông Lê Đình Kình lại đem ‘mổ bụng’ ông là thế nào? Tấn công vào ban đêm là thế nào?
“So với vụ AVG thì mấy ngàn tỷ đồng, có nhiều người gần như là tha bổng, thì như vậy là ‘nhân văn’.
“Nhưng vụ ông Kình giữa thủ đô, có cần tấn công ban đêm và có cần phải bắt người, rồi mổ bụng người ta ra như thế hay không?
“Đó là câu chuyện mà nghe nó, người Việt Nam dùng chữ là rất nhẫn tâm.”
‘Cảm thấy rùng rợn’
Nhìn thấy ông Kình chết và nhìn thấy ông bị phanh thây, mổ bụng ra, người ta nhìn thấy, người ta cảm thấy rùng rợn. Người ta nghĩ rằng chỉ có thời Trung Cổ thôi. Thời bây giờ không ai làm thế!
Bình luận về cái chết của ông Lê Đình Kình, một trong bốn người bị thiệt mạng trong vụ tập kích theo công bố tới nay từ nguồn của chính quyền và công an Việt Nam, Luật sư Thuận nói:
“Nhìn thấy ông Kình chết và nhìn thấy ông bị phanh thây, mổ bụng ra, người ta nhìn thấy, người ta cảm thấy rùng rợn.
“Người ta nghĩ rằng chỉ có thời Trung Cổ thôi. Thời bây giờ không ai làm thế!”
Luật sư Thuận cũng cho biết thêm rằng lẽ ra ông không muốn phát biểu, bình luận vụ việc vì đã có nhiều người đề cập rồi, nhưng tới nay đã hơn hai tháng, dư luận vẫn còn nhiều câu hỏi và chưa thỏa mãn với các lý giải, thông tin đưa ra của chính quyền, và lãnh đạo nhà nước và đảng Cộng sản, Quốc hội, chính phủ v.v…. chưa có ý kiến gì, nên ông ‘buộc lòng’ phải lên tiếng.
“Hai tháng, ba tháng rồi, đảng và nhà nước phải ra giải thích cho được tại sao lại sử dụng lực vũ trang như thế.
TS Quang A: ‘Sáng tỏ nhiều điều sau vụ tập kích Đồng Tâm’
“Bản thân tôi không thấy thuyết phục, không thấy nghe theo được, đó là một câu chuyện đáng buồn,” nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc hội nói với BBC News Tiếng Việt hôm 11 tháng Ba.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này và đường dẫn này để theo dõi ý kiến của Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận về chính trị Việt Nam, cũng như việc chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51892070
Việt Nam được hỗ trợ 30 triệu Mỹ kim từ UNDP
để giúp nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu
Tin từ Hà Nội: Báo chí nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin Quỹ Khí Hậu Xanh, thuộc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), viện trợ không hoàn lại hơn 30 triệu Mỹ kim cho ngành nông nghiệp Việt Nam ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.Khoản viện trợ này vừa được phê duyệt tại cuộc họp Ban điều hành lần thứ 25 của Quỹ Khí hậu Xanh, diễn ra ngày 11/3 tại Geneva, Thuỵ Sỹ. Số tiền viện trợ được sử dụng cho dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu.” Dự án này nhằm tập trung vào tối tân đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện an ninh nguồn nước và sinh kế.
Theo trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen được báo giới dẫn lời cho biết đây là dự án do UNDP và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng thiết kế nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cộng sản Việt Nam cũng cho biết dự án này sẽ được thực hiện trong 6 năm, với kỳ vọng mang lại lợi ích gián tiếp cho hơn 335 ngàn người và lợi ích trực tiếp cho hơn 220 ngàn người ở 5 tỉnh miền Trung bao gồm Đak Lak, Đak Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa.
UNDP và nhiều tổ chức khác chưa lên tiếng hay đưa ra các giải pháp chống hạn ở Đồng bằng Sông Cửu Long với nguyên nhân chính là dòng nước của sông Mekong bị suy giảm vì nhiều đập thuỷ điện của Trung Cộng và Lào.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/viet-nam-duoc-ho-tro-30-trieu-my-kim-tu-undp-de-giup-nong-nghiep-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau/
Việt Nam :
Cả một bệnh viện bị phong tỏa vì bệnh nhân 52
Thu HằngTính đến ngày 15/03/2020, Việt Nam ghi nhận 54 trường hợp nhiễm virus corona, trong đó có 16 trường hợp đã khỏi. Ca thứ 54 là một du khách người Latvia, từ Tây Ban Nha đến thành phố Hồ Chí Minh ngày 08/03.
Tuy nhiên, toàn bộ bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh đã bị phong tỏa từ ngày 14/03 do bố mẹ của bệnh nhân (BN) số 52 làm việc tại đây. Trang VnExpress trích thông báo của Sở Y tế Quảng Ninh sáng 15/03, cho biết toàn bộ nhân viên y tế và 113 bệnh nhân nội trú bệnh Viện Lao và Phổi đã được cách ly. Bệnh viện cũng ngừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị từ ngày 14/03.
Nữ bệnh nhân 52 đang được điều trị ở Bệnh viện dã chiến cơ sở số 2 tại thành phố Hạ Long. Cô là người đi trên chuyến bay VN54 từ Luân Đôn về Hà Nội – chuyến bay được coi là nguồn lây lan virus corona chính tại Việt Nam hiện nay. Bệnh nhân đi taxi từ Nội Bài về Hạ Long ngay trong sáng 09/03/2020. Bố mẹ BN52 là hai trong số 8 người tiếp xúc gần, tất cả đều được cách ly, trong đó có sáu người cho kết quả xét nghiệm âm tính. Sáu tư người khác tiếp xúc với 8 người trên cũng được hướng dẫn cách ly.
Người Việt ở nước ngoài không nên về nước mùa dịch
Theo trang Thông Tin Chính Phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước khuyến cáo học sinh, sinh viên, người Việt Nam đang ở nước ngoài không về Việt Nam trong thời gian có dịch, trường hợp thật sự cần thiết phải nhập cảnh Việt Nam, phải được cách ly theo quy định.
Ngoài ra, rất nhiều biện pháp nhập cảnh được áp dụng gắt gao hơn. Theo thông báo ngày 14/03 của bộ Ngoại Giao Việt Nam, « những người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch cần có đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để có thể thực hiện chuyến bay (đặc biệt là các giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có) ».
Đối với du khách đã đến Việt Nam, tất cả các khách sạn, nhà nghỉ du lịch… phải kiểm tra khai báo y tế du lịch khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ 06 giờ ngày 07/03. Ngoài ra, du khách nước ngoài cũng phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng tập trung đông người từ ngày 16/03. Tuy nhiên, theo một phóng sự của VnExpress ngày 15/03, rất nhiều du khách nước ngoài tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, không đeo khẩu trang vì họ cho rằng chỉ người nhiễm virus corona mới phải đeo.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200315-viet-nam-ca-mot-benh-vien-bi-phong-toa-vi-benh-nhan-52
Covid-19: ‘Nếu bùng phát quá lớn, có thể hoãn Đại hội 13?’
Tới nay, việc tiến hành đại hội các cấp cơ sở vẫn diễn ra bình thường, nhưng nếu dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, có thể ‘phải lùi’ Đại hội 13 lại, theo nhà phân tích chính trị Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp.Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 12/03/2020, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas – Singapore) nói:
“Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng Giêng năm 2021 sẽ có đại hội này, từ nay đến đó sẽ còn khoảng 10 tháng.
Bàn tròn BBC: Covid-19 và ‘sức khỏe’ nền chính trị Việt Nam
Virus corona: Covid-19 ‘có thể giúp Đảng Cộng sản Việt Nam cải tổ’
Virus corona: Đảng Cộng sản chuẩn bị thế nào cho Đại hội 13?
Virus corona: Bệnh nhân 21 gây ra bình luận bức xúc ở VN
Vụ Đồng Tâm: ‘Cách hành xử nhẫn tâm, như thời Trung Cổ’
“Cho đến nay mà nói việc chuẩn bị về mặt văn bản, văn kiện xảy ra một cách bình thường, không có cản trở gì hết.
“Và việc tổ chức đại hội từ cấp cơ sở trở lên cũng chưa có bất kỳ một thay đổi nào và theo kế hoạch, thì người ta bắt đầu tổ chức đại hội vào tháng Tư 2020 từ cơ sở, từ cơ sở thấp nhất trở lên.
“Và đến tháng Mười là gần như là phải xong toàn bộ đến cấp tỉnh thành, thế thì dường như dịch này không có ảnh hưởng gì đến tiến trình chuẩn bị đại hội cả.
“Tuy nhiên, chúng ta chưa biết dịch này phát triển đến đâu, cũng phải lường một khả năng lớn là nếu dịch bùng phát lớn quá.
“Đến một số lượng lớn, ví dụ không thể đủ người để mà chữa, không có đủ sức để mà chữa, hoặc là thế nào đấy, thì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ xã hội.
“Thì biết đâu có thể hoãn đại hội cơ sở, mà hoãn đại hội cơ sở, thì phải hoãn đại hội ở cấp tỉnh thành, mà có khi là có thể dẫn đến hoãn đại hội toàn quốc,” Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với BBC.
Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn Thứ Năm của BBC về Covid-19 và ‘sức khỏe’ nền chính trị Việt Nam và việc chuẩn bị cho Đại hội ĐCS lần thứ 13,
https://www.bbc.com/vietnamese/media-51892064
Không khai báo bệnh trung thực trong thời dịch bệnh,
xử lý ra sao?
Trong những ngày qua, nhiều người quan tâm đặc biệt đến bệnh nhân thứ 21 nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Bệnh nhân này được xác định là ông Nguyễn Quang Thuấn, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng chính phủ, Phó chủ tịch Hội Đồng Lý luận Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Trước đó tên bệnh nhân thứ 21 này chỉ được viết tắt trên các báo trong nước.Tin phát hiện ông Thuấn đi chung chuyến bay VN0054 từ London về Việt Nam hồi đầu tháng 3 và ngồi cạnh bệnh nhân N.H.N., tức người bị nhiễm thứ 17. Ông Thuấn sau đó tiếp xúc với 96 người.
Từ ngày trở về hôm 2 tháng 3 cho đến 6 tháng 3, Ông Nguyễn Quang Thuấn tham gia một số cuộc họp tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã Hội và Hội Đồng Lý Luận Trung ương.
Trường hợp bệnh nhân N.H.N., khi nhập cảnh vào Việt Nam được cho biết đã không khai báo về việc đi du lịch đến Ý. Đây là quốc gia hiện có số ca nhiễm cao nhất trên thế giới ngoài Trung Quốc.
Đó là một vài trường hợp không khai báo trung thực tình trạng sức khỏe bản thân khi có tiếp xúc những ca bệnh trong tình hình dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới và tại Việt Nam. Đến tối ngày 14 tháng 3, Bộ Y Tế Việt Nam công bố thêm 4 ca nhiễm nâng tổng số nhiễm bệnh từ đầu mùa dịch đến nay lên 53 người.
Ví dụ như anh biết mà không khai báo, thì sẽ quy vào vi phạm hành chính. Còn nếu như để lây lan và anh biết rằng sẽ lây lan, làm cho rất nhiều người bị lây nhiễm; thậm chí là do cái lây lan đó làm cho nhiều người chết, thì trường hợp này sẽ bị xử lý hình sự.–LS Nguyễn Văn Hậu
Chủ trương xử lý nghiêm trường hợp không khai báo
Vừa qua vào ngày 10 tháng 3, Văn phòng Chính phủ Việt Nam ra thông báo dẫn yêu cầu của ÔngThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý các trường hợp không trung thực trong việc khai báo tình trạng sức khỏe bản thân khi có khả năng nhiễm bệnh và lây lan cho người khác.
Theo yêu cầu của thủ tướng Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương ngoài công bố thông tin liên quan đến dịch bệnh kịp thời, đầy đủ và minh bạch, còn cần phải xử lý nghiêm các trường hợp cụ thể cố tình không khai báo hoặc không trung thực về tình trạng dịch bệnh. Những vi phạm này sẽ bị xử lý theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Quy trình tiến hành xử lý như thế nào?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiêm Đoàn luật sư TP. HCM cho RFA biết quy trình tiến hành xử lý thuộc về cơ quan khởi tố như công an, viện kiểm soát và bộ đội biên phòng. Ông trình bày thêm:
“Điều luật hình sự khai báo về vấn đề y tế, tôi nhớ có điều luật thậm chí khai báo sai thực tế về việc giấu bệnh để làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng có thể bị phạt tù đến 12 năm. Nếu mà khai báo không trung thực dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe của cộng đồng thì có thể đi tù đến 12 năm. Tôi không nhớ tối thiếu là bao nhiêu, nhưng tối đa 12 năm, tối thiểu cũng 2 năm.”
Cũng theo ông Nghiêm, luật hình sự đã có quy định rất rõ về nghĩa vụ của người dân trong việc khai báo trung thực về bệnh tật, bệnh dịch, tiền sử bệnh tật. Dựa theo quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hành vi che giấu hay cố ý không khai báo hay khai báo thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm sẽ bị đưa ra truy tố trước pháp luật.
Về những trường hợp không khai báo trung thực để dẫn đến lây lan dịch bệnh, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM, nhận định:
“Tôi thấy các trường hợp đó tùy theo tính chất, mức độ; nếu họ không ý thức được thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo qui định. Ví dụ như anh biết mà không khai báo, thì sẽ quy vào vi phạm hành chính. Còn nếu như để lây lan và anh biết rằng sẽ lây lan, làm cho rất nhiều người bị lây nhiễm; thậm chí là do cái lây lan đó làm cho nhiều người chết, thì trường hợp này sẽ bị xử lý hình sự.”
Luật sư Hậu cũng nói rõ trong quy định Bộ luật Hình sự năm 2015, có Điều 240 nếu trường hợp nào biết bệnh nhưng không khai báo, không thực hiện cách ly mà đi ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, người đó sẽ xử lý hình sự.
Về mức phạt cụ thể cho hành vi che giấu dịch bệnh, ông Hậu cho biết, vào năm 2007, Quốc hội đã ban hành luật phòng chống lây nhiễm bệnh dịch nguy hiểm viêm đường hô hấp cấp. Quy định này nằm trong luât phòng chống lây nhiễm dịch bệnh. Trong điều này có qui định, nếu như người biết bệnh mà che giấu sẽ bị xử phạt hành chính, với mức phạt cao nhất là 10 triệu đồng. Trường hợp cố tình lây nhiễm bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự. Ông cho biết:
“Ngoài mức phạt tiền, nếu mà hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sư thì trước mắt xử lý vi phạm hành chính trong trong lãnh vực y tế tại điều 10 của Nghị định 176, phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Còn nếu như cố tình lây nhiễm qua người khác thì có thể phạt tù không giam giữ cho đến 2 năm, 3 năm, 10 năm cho đến 12 năm tùy theo tính chất, mức độ gây nguy hiểm. Ví dụ như phạt tù từ 10 năm đến 12 năm dành cho hành vi dẫn đến công bố dịch và làm chết từ 2 người trở lên, do tác nhân là anh trốn tránh. Anh không thực hiện việc khai báo mà trốn tránh cách ly để gây nhiễm cho cộng đồng, nếu như làm chết người sẽ bị xử lý hình sự tùy theo tính chất và mức độ.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc ban hành luật này của chính phủ phù hợp với Hiến pháp Việt Nam, trong đó có quy định nếu cá nhân nào xâm phạm đến sức khỏe cộng đồng, quyền con người và quyền công dân của cá nhân này sẽ bị hạn chế theo pháp luật.
Dù y tế nước ta và pháp luật có chặt chẽ đến đâu, nhưng nếu người dân thiếu ý thức về tình trạng dịch bệnh thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Do đó những chế tài này sẽ làm cho người ta ý thức hơn.–LS Nguyễn Văn Hậu
Nhóm bệnh COVID-19 thuộc vào nhóm A, đặc biệt nguy hiểm khi lây lan cho người và có sự lan truyền cho cộng đồng. Khi có bệnh dịch này xảy ra, Thủ tướng đã ban hành quyết định 173 phải công bố bệnh dịch và Bộ Y tế đã bổ sung bệnh dịch này thuộc nhóm A, thuộc diện đặc biệt nguy hiểm, có khả năng phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, hành vi trốn khai báo, trốn cách ly dẫn đến lây bệnh cho người khác sẽ chịu trách nhiệm hình sự về lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi năm 2017). Ông Hậu nhận định:
“Dù y tế nước ta và pháp luật có chặt chẽ đến đâu, nhưng nếu người dân thiếu ý thức về tình trạng dịch bệnh thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Do đó những chế tài này sẽ làm cho người ta ý thức hơn. Tôi cũng thấy người dân Việt Nam bắt đầu sạch sẽ hơn, người ta cẩn trọng hơn và đi đâu người ta đều rửa tay, đeo khẩu trang để bảo vệ mình. Từ cái quy định này mà tôi thấy ý thức nó tốt hơn, cũng như WHO có công bố Việt Nam có số người lây nhiễm rất ít.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-to-tackle-failures-to-declare-the-disease-truthfully-during-epidemics-03142020161546.html
Hơn 300 bệnh nhân tâm thần
sắp bị đói vì coronavirus 19
Tin Vietnam.- Ngày 14 tháng 3 năm 2020, ông Trần Mạnh Hổ, người cai quản cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức, tức trung tâm chăm sóc người bị bệnh tâm thần ở thôn Thanh Bình 1, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho biết, hơn 300 bệnh nhân của trung tâm đang đứng trước nguy cơ bị đói.Theo ông Hổ, cơ sở Trọng Đức là do những người thiện nguyện thành lập nên vì vậy mọi hoạt động của cơ sở đều trông mong vào những tấm lòng hảo tâm trong xã hội. Do là cơ sở tư nhân nên họ không hề nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào của nhà cầm quyền địa phương.
Từ khi cơ sở được thành lập đến nay, nhiều gia đình có người thân bị bệnh tâm thần đã đưa người bệnh đến cơ sở Trọng Đức nhờ chăm sóc, nhưng phần lớn trong số họ mang người đến giao cho trung tâm rồi không quay lại thăm, cũng như hỗ trợ vật chất cho trung tâm nuôi người bệnh.
Và may mắn, trung tâm luôn được các đoàn từ thiện ghé thăm giúp đỡ. Nhưng hơn 1 tháng nay do dịch coronavirus 19 bùng phát ở Việt Nam, nhiều người sợ nhiễm bệnh nên cơ sở đã không có bất kỳ đoàn từ thiện nào tới giúp đỡ. Hậu quả là số lượng lương thực trong trung tâm sắp cạn kiệt, đồng nghĩa với việc hơn 300 bệnh nhân đứng trước cảnh sẽ bị đói ăn. Ông Hổ cho biết, gạo và mì tôm là hai thứ trung tâm cần nhất lúc này.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hon-300-benh-nhan-tam-than-sap-bi-doi-vi-coronavirus-19/
Đến lượt người dân Sài Gòn
bị “phong toả” vì dịch coronavirus 19
Tin Saigon.- Báo Tuổi trẻ ngày 14 tháng 3 năm 2020 loan tin, hơn 1,054 người dân sống trong chung cư Hoà Bình, nằm trên đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, Sài Gòn đã bị “bế quan toả cảng”, nội bất xuất, ngoại bất nhập từ tối ngày 13 tháng 3. Nguyên nhân là do Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đã phát hiện ra một nam thanh niên 31 tuổi dương tính với coronavirus 19.Nam thanh niên này là ca bệnh số 48 ở Việt Nam bị nhiễm do tiếp xúc với thương gia người Bình Thuận cũng bị nhiễm coronavirus 19. Sau khi tiếp xúc với thương gia người Bình Thuận, nam thanh niên đã về tiếp xúc với nhiều người sống trong chung cư Hoà Bình.
Đến trưa ngày 14 tháng 3, kết quả xét nghiệm cho thấy có 20 người sống trong chung cư âm tính với dịch bệnh. Hiện tất cả họ đang phải tự cách ly 14 ngày theo quy định. Tất cả mọi người trong chung cư không được ra ngoài, và người ngoài không được vào trong.
Theo báo cáo của bộ Y tế Cộng sản Việt Nam, tính đến chiều ngày 14 tháng 3, đã có 52 người Việt bị nhiễm bệnh dịch.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/den-luot-nguoi-dan-sai-gon-bi-phong-toa-vi-dich-coronavirus-19/
Việt Nam tạm cấm nhập cảnh
công dân nhiều nước châu Âu để chặn Corona
Việt Nam hôm 15/3 bắt đầu chính thức tạm cấm các công dân của hơn 20 nước châu Âu nhập cảnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủng virus Corona mới (COVID-19), ít ngày sau khi Mỹ có bước đi tương tự.Bộ Ngoại giao cho biết rằng kể từ ngày 15/3, Việt Nam “tạm thời chưa cho nhập cảnh” người nước ngoài đến từ hoặc đã đi qua 26 nước thuộc khu vực Schengen và Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong vòng 14 ngày trước khi đến Việt Nam với mục đích du lịch, thăm thân nhân, du học và việc riêng.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam hôm 13/3 cũng thông báo “tạm dừng cấp thị thực tại cửa khẩu cho tất cả người nước ngoài, không phân biệt quốc gia và vùng lãnh thổ”.
Quyết định này có hiệu lực trong 30 ngày nhưng “không áp dụng với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao và công vụ”.
Ngoài ra, “các trường hợp người nước ngoài là chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao khi nhập cảnh phải qua kiểm tra y tế và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp tại doanh nghiệp, cơ sở lưu trú theo đúng quy định”.
Trong một biện pháp mà chính quyền trong nước nói là để ngăn chặn COVID-19 lây lan, từ ngày 16/3, Việt Nam yêu cầu người dân cũng như người nước ngoài phải “đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng…”
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan “chỉ đạo bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.
Ít ngày trước Việt Nam có bước đi trên, Hoa Kỳ hôm 11/3 đã cấm việc đi lại từ châu Âu (trừ Anh) vì theo Tổng thống Trump, Mỹ hiện có ít hơn hẳn các ca nhiễm COVID-19 so với châu Âu.
Ông Trump nói rằng nhiều ca nhiễm mới ở Mỹ có nguồn gốc từ những người từng tới châu Âu.
Sau khi Anh có thêm nhiều các ca nhiễm mới, Hoa Kỳ hôm 14/3 cũng mở rộng việc cấm trên đối với Anh và Ireland.
https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-t%E1%BA%A1m-c%E1%BA%A5m-nh%E1%BA%ADp-c%E1%BA%A3nh-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-nhi%E1%BB%81u-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ch%C3%A2u-%C3%A2u-%C4%91%E1%BB%83-ch%E1%BA%B7n-corona/5329594.html
0 comments