Tin khắp nơi – 15/03/2020
Sunday, March 15, 2020
5:04:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Virus corona: Sân bay Mỹ hỗn loạn vì kiểm tra sức khỏe
Tình trạng hỗn loạn đang diễn ra ở các sân bay Mỹ sau khi các biện pháp kiểm tra sức khỏe cho hành khách từ châu Âu tới bắt đầu được triển khai.Hành khách xếp hàng dài và phải chờ nhiều giờ để làm thủ tục kiểm tra sức khỏe trước khi đi qua khu vực hải quan.
Mỹ ra lệnh cấm hành khách từ Anh và Ireland bay vào Mỹ từ nửa đêm thứ Hai (giờ Mỹ).
Đến thời điểm này, Mỹ đã xác nhận hơn 2700 ca nhiễm virus corona, và 54 ca tử vong.
Phóng viên BBC thường trú tại Mỹ cho biết hiện có tâm lý bất an ngày càng tăng ở Mỹ, với lo ngại không đủ giường bệnh và ai sẽ trông trẻ em khi hàng ngàn học sinh Mỹ phải nghỉ ở nhà.
Virus corona: Anh sẽ yêu cầu tất cả người trên 70 tuổi tự cách ly
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
TQ: ‘Mất tích’ sau khi chỉ trích cách chính quyền xử lý dịch corona
Chuyện gì đang xảy ra tại các sân bay Mỹ?
Tại sân bay Chicago O’Hare và Dallas DFW, hành khách phải xếp hàng dài trong khi đợi kiểm tra sức khỏe.
Chính quyền Mỹ ra lệnh cấm công dân nước ngoài từ 26 nước khối Schengen và sau đó mở rộng ra cả Anh và Ireland phải kiểm tra sức khỏe từ thứ Ba 17/3.
Ruth Procopi, người đã sống ở Chicago hơn 20 năm, từ Anh quay lại Mỹ hôm thứ Bảy cho biết:
“Tôi hạ cánh xuống sân bay O’Hare khoảng 3.30 chiều hôm qua. Rất hỗn độn. Không có ai giải thích điều gì hết,” bà nói với BBC.
“Và tôi là một trong những người may mắn hơn. Tôi không có hành lý gửi riêng và vì tôi không đến từ một nước Schengen, tôi không phải làm các thủ tục kiểm tra sức khỏe thêm (tôi vẫn chưa rõ đó là thủ tục gì), nhưng tôi không biết điều đó cho tới khi đến lượt tôi.
“Chúng tôi được thông báo từ trên máy bay là sẽ có thủ tục kiểm tra sức khỏe, nhưng không có chi tiết. Chúng tôi không được báo [thêm thông tin] gì hết. Tôi phải xếp hàng gần hai tiếng.”
Thống đốc bang Illinois JB Pritzker nói tình trạng xếp hàng dài ở sân bay O’Hare là “không chấp nhận được.”
Nhiều người đăng trên Twitter hình ảnh và video của hành khách đợi làm thủ tục, tạo thành các đám đông lớn bên trong sân bay.
Hành khách được hỏi về lý lịch sức khỏe và kiểm tra triệu chứng ở sân bay.
Paige Hardy, một sinh viên Mỹ từ London về, nói với the New York Times rằng trên chuyến bay của cô đi Dallas có nhiều thông báo khó hiểu.
“Thực sự như một tình huống ngày tận thế,” cô nói.
Ở New York, có tin nhân viên hải quan đeo khẩu trang lên làm thủ tục cho hành khách trên các chuyến bay từ Paris tới.
Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mỹ Chad Wolf nói văn phòng của ông đang làm việc cùng các hãng hàng không để rút ngắn thời gian làm thủ tục.
Một số chuyên gia y tế công lưu ý rằng tình trạng đông người ở sân bay có khả năng khiến nhiều người bị lây virus corona hơn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51896878
Mỹ đưa thêm Anh và Ireland vào danh sách cấm du hành
Tổng thống Donald Trump ngày thứ Bảy loan báo sẽ mở rộng lệnh cấm du hành Châu Âu bằng việc đưa thêm Anh và Ireland vào danh sách, và đang cân nhắc áp đặt các hạn chế đối với việc đi lại trong những khu vực của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề vì virus corona lây lan.Theo các hạn chế du hành Châu Âu, công dân Mỹ, thường trú nhân có thẻ xanh và những người khác vẫn được phép trở về Mỹ, nhưng sẽ được chuyển đến 13 sân bay và phải rà soát sức khỏe và chịu lệnh cách li.
“Nếu bạn không phải du hành thì không nên làm điều đó,” ông Trump nói. Sau nhiều ngày miễn cưỡng, ông cũng cho biết ông đã làm xét nghiệm virus corona sau khi có một số tương tác với những người bị nhiễm bệnh. Nhà Trắng đã bắt đầu kiểm tra thân nhiệt của tất cả những người gần gũi với ông Trump; ông nói thân nhiệt của ông bình thường và ông cảm thấy khỏe.
Các hạn chế du hành mới được đưa ra trong khi Anh chứng kiến số người chết vì virus tăng gần gấp đôi so với ngày trước lên đến 21 người, và số người nhiễm đã tăng lên hơn 1.100 ca từ khoảng 800 ca ngày hôm trước. Ireland có 90 ca được xác nhận và một ca tử vong vào ngày thứ Sáu.
Mỹ hồi đầu tuần này nói rằng lệnh cấm 30 ngày đối với các chuyến bay chỉ bao gồm khu vực Schengen 26 quốc gia, là khu vực du hành không biên giới của Liên minh Châu Âu, không bao gồm Anh và Ireland. Phó Tổng thống Mike Pence nói các hạn chế đối với Anh và Ireland sẽ có hiệu lực vào nửa đêm tối ngày thứ Hai.
Ông Pence nói thêm rằng các quan chức chính quyền đang xem xét “một loạt các biện pháp” cho các hạn chế tiềm năng đối với việc du hành trong nước nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các dữ kiện,” ông Pence. nói “Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe các chuyên gia về các khuyến nghị.”
Hôm thứ Sáu, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, giải phóng 50 tỉ đôla cấp cho chính quyền cấp bang và cấp địa phương để đối phó với cuộc khủng hoảng.
https://www.voatiengviet.com/a/my-dua-them-anh-va-ireland-vao-danh-sach-cam-du-hanh/5329108.html
Bill Gates rút khỏi hội đồng quản trị Microsoft
để tập trung làm từ thiện
Nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates vừa thông báo rút khỏi hội đồng quản trị Microsoft để dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động từ thiện. Ông muốn tập trung vào y tế thế giới và phát triển toàn cầu, giáo dục và chống biến đổi khí hậu. Là một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới, ở tuổi 65, ông Gates cũng rời hội đồng quản trị công ty Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett.Tờ Forbes liệt ông Gates là người giàu thứ hai thế giới với khối tài sản trị giá 103.6 tỉ Mỹ kim, chỉ sau nhà sáng lập công ty Amazon, Jeff Bezos. Khối tài sản kếch xù của ông đến từ việc phát triển phần mềm cho máy tính cá nhân. Khi còn trẻ ông bỏ dở đại học tại trường Harvard, và chuyển đến Albuquerque ở New Mexico để cùng sáng lập nên Microsoft cùng người bạn thời thơ ấu, Paul Allen. Paul Allen đã qua đời vào năm 2018 vì bệnh ung thư. Công ty của họ tạo nên bước đột phá vào năm 1980 khi Microsoft đạt thỏa thuận tạo ra một hệ điều hành cho IBM, được biết đến với tên gọi MS-DOS. Microsoft được biết đến rộng rãi vào năm 1986 và chỉ trong một năm, Bill Gates, lúc đó ở tuổi 31 đã trở thành vị tỉ phú trẻ nhất thế giới.
Ông Gates làm việc trong hội đồng quản trị của Berkshire từ năm 2004, nhưng dành phần lớn thời gian cho tổ chức từ thiện mà ông thành lập cùng với vợ mình, Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates. Cặp vợ chồng được The Chronicle of Philanthropy gọi là nhà từ thiện hào phóng nhất Hoa Kỳ năm 2018, sau khi bỏ 4.8 tỷ Mỹ kim vào quỹ từ thiện của họ vào năm ngoái.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/bill-gates-rut-khoi-hoi-dong-quan-tri-microsoft-de-tap-trung-lam-tu-thien/
Các công ty mạng của Hoa Kỳ đồng ý
không hủy dịch vụ internet trong 60 ngày tới
Tin từ Washington, DC – Hôm thứ Sáu (13 tháng 03), cơ quan quản trị viễn thông Hoa Kỳ cho biết các nhà cung cấp internet lớn như Comcast, AT&T và Verizon đã đồng ý không hủy dịch vụ internet trong 60 ngày tới nếu khách hàng không thể thanh toán hóa đơn do coronavirus làm gián đoạn.Chủ tịch Ủy ban Viễn thông Liên bang Ajit Pai cho hay sau khi gọi cho hơn 50 công ty, họ cũng đồng ý miễn bất kỳ khoản thanh toán trể của khách hàng là dân cư hoặc doanh nghiệp nhỏ có kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch coronavirus. Họ cũng đồng ý mở các điểm truy cập Wi-Fi cho bất kỳ ai có nhu cầu. Hàng triệu người Hoa Kỳ dự kiến sẽ làm việc và học tập tại nhà, vì các doanh nghiệp và các tiểu bang kêu gọi mọi người tránh xa nơi làm việc và trường học để giảm nguy cơ lây lan coronavirus. Những công ty khác cũng đồng ý là công ty Google Fiber của Alphabet, Charter Communications, CenturyLink, Cox Communications, Sprint Corp, T-Mobile US. Nhiều công ty cũng đồng ý gỡ bỏ giới hạn băng thông (data limit) trong 60 ngày tới. Charter Communications cho biết họ sẽ cung cấp truy cập băng thông rộng (broadband) và Wi-Fi miễn phí trong 60 ngày, và miễn phí lắp đặt cho các gia đình có học sinh sinh viên không có dịch vụ này.
Đối với khách hàng có gói gọi điện thoại quốc tế, Sprint sẽ cung cấp giá cước gọi quốc tế miễn phí từ Hoa Kỳ đến các quốc gia có ổ dịch coronavirus lớn. Comcast thông báo đang tăng tốc độ internet cho tất cả người dùng có thu nhập thấp, trong khi AT&T cho biết họ đang bỏ giới hạn băng thông cho khách hàng thu nhập thấp mua gói giới hạn băng thông.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cac-cong-ty-mang-cua-hoa-ky-dong-y-khong-huy-dich-vu-internet-trong-60-ngay-toi/
Quận Cam xác nhận ca mắc coronavirus đầu tiên
bị lây nhiễm tại địa phương
Vào lúc 5 giờ 30 chiều thứ Sáu (13 tháng 03), Trung tâm y tế của quận Cam thông báo một phụ nữ ở độ tuổi 50 bị lây nhiễm coronavirus tại địa phương và hiện đang nằm viện cách ly trong tình trạng ổn định. Trang web của quận dùng để cập nhật thông tin về virus cũng bao gồm thống kê mới xác nhận số ca ở địa phương.Chi tiết về ba ca mới tại quận Cam cũng được xác nhận trong cuộc họp báo vào đầu giờ chiều cùng ngày. Trong đó có một người đàn ông ở độ tuổi 70 đang tự cách ly tại nhà, bị nhiễm virus khi đi du lịch. Một người đàn ông khác ở độ tuổi 30 tự cách ly tại nhà sau khi tiếp xúc với một ca nhiễm đã được xác nhận. Một người đàn ông ở độ tuổi 60, phải nhập viện cách ly, cũng bị nhiễm khi đi du lịch.
Theo trang web của Cơ quan Chăm sóc Sức khỏe quận Cam, hiện ở quận có 13 ca nhiễm coronavirus. Các viên chức y tế kêu gọi mọi người tiếp tục rửa tay thường xuyên, không chạm vào mắt và tránh xa người khác ít nhất sáu feet. Đồng thời họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ bình tĩnh để không tích trữ nhu yếu phẩm.
Các viên chức xác nhận rằng số bộ xét nghiệm coronavirus của cơ quan y tế quận Cam bị hạn chế khi chỉ có 1,124 bộ. Phó chủ tịch giám sát quận Cam, Andrew Đỗ thông báo với giới truyền thông rằng, có chín người đã thử nghiệm dương tính với coronavirus ở quận Cam.
https://www.sbtn.tv/quan-cam-xac-nhan-ca-mac-coronavirus-dau-tien-bi-lay-nhiem-tai-dia-phuong/
Thủy quân lục chiến Mỹ dự định mua tên lửa
tấn công hải quân nhằm đối phó
với các mối đe dọa an ninh ở Biển Đông
Trung tướng Eric Smith, Tư lệnh Tác chiến của Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết quân đội Mỹ đang có kế hoạch mua tên lửa đất đối hải trang bị cho tàu chiến nhằm đối phó với các mối đe dọa, thách thức an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Trung tướng Eric Smith, Tư lệnh Tac chiến của Thủy quân Lục chiến (05/3), cho biết Thủy quân lục chiến Mỹ muốn một hệ thống vũ khí có năng lực chủ động tìm kiếm và đuổi theo một con tàu đang di chuyển , thứ mà hiện nay họ chưa có. Trung tướng Eric Smith cho biết, “chúng ta phải có một hệ thống có thể đuổi theo tàu, đó là thứ quan trọng trong một môi trường tranh chấp ở Biển Đông hoặc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Thủy quân lục chiến hiện đang xem xét loại tên lửa chống hạm thế hệ thứ 5 Naval Strike Missile (NSM), có tầm bắn khoảng 1400km và đây có thể là dòng tên lửa bờ đối hải (GBASM) được lựa chọn. Tướng Smith cho biết thủy quân lục chiến Mỹ sẽ thử nghiệm hệ thống này vào tháng 6/2020.
NSM có khả năng bay sát mặt biển, khả năng cơ động cao và có thể tấn công mục tiêu từ phía bên, thay vì từ trên xuống. Tên lửa này cũng đã được triển khai trên các tàu tac chiến ven bờ của Hải quân Mỹ, một trong số đó được triển khai tới Thái Bình Dương cùng với tên lửa vào năm ngoái. NSM sẽ được bắn từ một bệ phóng trên xe chiến thuật hạng nhẹ không người lái. Giới chuyên gia quân sự cho biết, NSM là loại tên lửa hành trình chống hạm có khả năng tàng hình và rất khó phát hiện trên radar. Ngoài ra, nó có thể cơ động để tránh hệ thống phòng thủ của đối phương. Một điểm đáng chú ý là NSM có tầm bắn hơn 185 km, xa hơn 30% so với tên lửa diệt hạm Harpoon hải quân Mỹ sử dụng lâu nay. Tên lửa NSM còn được kết nối với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout để trinh sát và truy lùng nhiều mục tiêu khác nhau.
Trước đó, có nhiều thông tin cho biết Mỹ triển khai chiến hạm USS Gabrielle Giffords (LCS 10) mang theo tên lửa chống hạm tàng hình mới là thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc và các nước đối tác ở châu Á – Thái Bình Dương. LCS 10 là tàu chiến đấu ven bờ rất nhanh và mạnh của Hải quân Mỹ; được đóng theo lớp Independence và là chiếc thứ năm trong tổng số 9 chiếc đang phục vụ trong hải quân nước này. USS Gabrielle Giffords có trị giá khoảng 500 triệu USD cho mỗi tàu, được thiết kế cực kỳ đặc biệt với ba thân và có độ giãn nước rất thấp chỉ khoảng 3100 tấn; tàu dài127,4 m (418 ft), tốc độ 47 hải lý/h, phạm vi hoạt động 8.000 km; sức chứa 210 tấn, phi hành đoàn 40 nhân viên… Do là một tàu chiến đấu ven bờ, hoả lực được trang bị cho các tàu Independence là không quá mạnh. Cụ thể, tàu được trang bị pháo chính loại 57mm cùng với một tổ hợp tên lửa phòng thủ tầm gần SeaRAM. Ngoài ra, trên tàu còn có 4 khẩu súng máy 12,7mm cùng với 2 khẩu pháo 30mm và 24 ống phóng tên lửa AGM-114L Hellfire – hoả lực mạnh nhất trên tàu. Đáng chú ý, USS Gabrielle Giffords vừa được triển khai đến Biển Đông là chiếc đầu tiên được trang bị tên lửa tên lửa chống hạm thế hệ thứ 5 Naval Strike Missile (NSM). Thông thường, LCS 10 mang theo tên lửa chống hạm siêu thanh NSM, có tầm bắn hơn 180 km, phát hiện mục tiêu bằng công nghệ thụ động thông qua hình ảnh lưu trong bộ nhớ của tên lửa. NSM được dẫn đường đến mục tiêu kết hợp quán tính, GPS, tham chiếu địa hình và hồng ngoại chủ động và dữ liệu hình ảnh mục tiêu giai đoạn cuối. Công nghệ dẫn đường của NSM chính xác đến mức người điều khiển có thể chỉ định tên lửa bắn vào một điểm cụ thể trên tàu như phòng máy hoặc tháp chỉ huy. Ngoài sát thủ diệt hạm NSM, LCS 10 còn mang theo trực thăng trinh sát không người lái MQ-8C Fire Scout. MQ-8C mang theo gói cảm biến trinh sát tối tân giúp nâng cao khả năng nhận thức tình huống và hỗ trợ dẫn đường cho vũ khí.
Giới chuyên gia, phân tích quân sự nhận định việc Mỹ triển khai vũ khí mới gửi đi một thông điệp quan trọng và cuối cùng có thể “thay đổi cuộc chơi” ở Tây Thái Bình Dương. Theo đó, các vũ khí mới sẽ không chỉ gửi tín hiệu đến Trung Quốc mà cả những đối tác của Mỹ ở khu vực về năng lực răn đe cũng như sự cam kết của Washington đối với khu vực. Mỹ luôn khẳng định họ là một đối tác đáng tin cậy hơn Trung Quốc, đặc biệt trên Biển Đông, nơi Washington đang duy trì hoạt động tự do hàng hải như một phần của nỗ lực mà họ gọi là cam kết cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do. Ngoài ra, đây là bước đầu tiên tiến tới việc khắc phục tình trạng mất cân bằng quân sự ở khu vực.
Carl Schuster, nhà phân tích quốc phòng cho biết việc triển khai vũ khí mới gửi thông điệp quan trọng và cuối cùng có thể “thay đổi cuộc chơi” ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang có lợi thế 3 trên 1 về vệ tinh và tên lửa so với Mỹ. Đây là bước đầu tiên để khắc phục sự mất cân bằng trong những năm tới. Bên cạnh đó, các vũ khí có thể gửi thông điệp không chỉ cho Trung Quốc, mà còn
các đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á. Hiệu ứng tổng thể sẽ củng cố uy tín và sức mạnh răn đe của Mỹ trong khu vực. Nó làm cho quan hệ đối tác với Mỹ ít rủi ro hơn, vì việc triển khai thể hiện cam kết của Washington đối với khu vực.
Được biết, Mỹ nhiều lần nhấn mạnh họ là đối tác đáng tin cậy hơn so với Bắc Kinh, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi Hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, một phần trong cam kết Ấn Độ – Thái Bình Dương, tự do, cởi mở. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền phi lý chiếm trọn gần như toàn bộ Biển Đông, nói rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực đe dọa hòa bình và ổn định. Việc Mỹ bổ sung bất kỳ hỏa lực mới nào chắc chắn sẽ gặp phải phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc.
http://biendong.net/bien-dong/33535-thuy-quan-luc-chien-my-du-dinh-mua-ten-lua-tan-cong-hai-quan-nham-doi-pho-voi-cac-moi-de-doa-an-ninh-o-bien-dong.html
Phản ứng của các bên
sau vụ Triều Tiên phóng thử vũ khí mới nhất
Sáng ngày 9/3, Triều Tiên đã phóng 3 vật thể bay không xác định ra ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên biển của Nhật Bản. Đến thời điểm hiện tại chưa có xác nhận về thiệt hại gây ra từ vụ phóng này. Trước đó, ngày 2/3, Triều Tiên cũng đã phóng một vật thể bay tương tự. Các nước đã nhanh chóng phản ứng trước động thái trên của Bình Nhưỡng.Phản ứng từ Hàn Quốc
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) đưa ra thông báo xác nhận thông tin, Triều Tiên sáng 9/3 đã phóng 3 vật thể bay ra Biển Nhật Bản. Các vật thể được Triều Tiên phóng theo hướng Đông Bắc từ những khu vực gần thị trấn miền Đông Sondok thuộc tỉnh Hamgyong. Các vật phóng đã bay được 200 km, ở độ cao tối đa 50 km và vụ phóng nằm trong phạm vi cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật vẫn đang diễn ra ở Triều Tiên. Hiện quân đội Hàn Quốc đang được duy trì ở trạng thái sẵn sàng trực chiến, bám sát tình hình Triều Tiên, đề phòng khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thêm các vụ phóng. Một cuộc họp khẩn của các bộ trưởng Hàn Quốc liên quan đến an ninh cũng được tiến hành do Cố vấn An ninh Quốc gia nước này Chung Eui-yong chủ trì. Tại cuộc họp, các bộ trưởng Hàn Quốc đã chỉ ra rằng việc Triều Tiên tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận pháo binh hỗ hợp quy mô lớn sau các cuộc tập trận ngày 28/2 và 2/3 sẽ không giúp đem lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.
Phản ứng từ Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (9/3) khẳng định rằng đây là hành động đe đọa đến hòa bình, an toàn của Nhật Bản, đồng thời cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Abe Shinzo vẫn yêu cầu các quan chức chính phủ thu thập đầy đủ và phân tích thông tin về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, để cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe cũng yêu cầu thực hiện biện pháp để bảo vệ an toàn các chuyến bay và tàu thuyền đi lại trên biển, chuẩn bị đầy đủ cho các tình huống bất ngờ. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã tiến hành họp báo, thông báo về vụ phóng vật thể mà trước đó được coi là vụ phóng tên lửa. Hai bên cho biết rằng cự ly bay của vật thể khoảng 100-200km/h. Cùng ngày, Quốc hội Nhật Bản cũng tiến hành thảo luận, đánh giá tình hình và các biện pháp đối phó với động thái của Triều Tiên.
Phản ứng từ Mỹ
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân, ông Christopher Ford cho biết Mỹ đã sẵn sàng, có thiện chí và chuẩn bị đầy đủ cho việc bắt đầu các cuộc thảo luận cấp chuyên viên với Triều Tiên… Và ông mong muốn sẽ sớm nhận được hồi đáp từ phía Bình Nhưỡng. Trong khi, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng mới tái khẳng định vẫn có mối quan hệ rất tốt với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời nhấn mạnh rằng ông đã đối xử tốt với Bình Nhưỡng dù không nhượng bộ bất cứ điều gì.
Phản ứng từ Trung Quốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Trung Quốc đã nhận được các báo cáo liên quan. Đây là thời điểm quan trọng đối với bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy trân trọng việc giảm bớt căng thẳng, cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán. Các bên nên nỗ lực tích cực để thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa bán đảo để đạt được nền hòa bình bền vững cho bán đảo và khu vực”. Hiện Trung Quốc vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng trong
vấn đề Triều Tiên, khiến các nước nhất là Mỹ nhiều lần chỉ trích, kêu gọi Bắc Kinh có tiếng nói mạnh mẽ và tham gia nhiều hơn trong vấn đề này.
Phản ứng từ Triều Tiên
Phản ứng trước các chỉ trích từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên đã bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định các cuộc tập trận và phóng tên lửa của nước này chỉ nâng cao khả năng phòng vệ, không đe dọa bất kỳ các quốc gia nào. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng lên án hành động của các nước châu Âu kêu gọi họp khẩn là hành động bị chi phối bởi Mỹ. Đây là 2 vụ phóng đầu tiên kể từ sau khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ sớm cho ra mắt một “vũ khí chiến lược mới” hồi cuối tháng 12/2019. Các vụ phóng diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều lâm vào bế tắc hơn 1 năm nay. Bất chấp bối cảnh thế giới đang “gồng mình” chống lại dịch Covid-19 do virus SARS CoV-2 gây ra, Triều Tiên đã tiến hành các cuộc tập trận và phóng tên lửa như 1 động thái “phá tan sự im lặng”, khơi dậy lại tình hình bán đảo Triều Tiên “đáng được quan tâm”.
Giới chuyên gia, học giả khu vực
Việc Triều Tiên liên tục phóng các vật thể bay trong thời gian ngắn có thể Triều Tiên muốn cảnh báo rằng nước này sẽ thử nghiệm một loại vũ khí chiến lược mới trong năm 2020. Năm 2019, Triều Tiên đã tiến hành phóng 13 tên lửa trong bối cảnh đàm phán các bên liên quan, đặc biệt là đàm phán với Mỹ liên quan đến hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên rơi vào tình trạng bế tắc. Trong năm 2020, nhiều nhà phân tích cho rằng có khả năng cuộc đàm phán Mỹ – Triều có thể được tái mở. Theo đó, cuộc gặp Nhật – Triều tuy khả năng ít nhưng cũng có thể không có hy vọng sẽ được thực hiện đóng góp tháo gỡ vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
http://biendong.net/bien-dong/33534-phan-ung-cua-cac-ben-sau-vu-trieu-tien-phong-thu-vu-khi-moi-nhat.html
Thách thức các “yêu sách” chủ quyền của TQ:
Đô đốc Hải quân Mỹ tuyên bố
sẽ đi bất cứ nơi nào được luật quốc tế cho phép
Một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ đã nhắc lại lập trường, chính sách của Washington là tiếp tục đưa tàu thuyền hoặc máy bay đến bất cứ nơi nào theo luật quốc tế cho phép, trong bối cảnh cáo buộc mới nhất rằng một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc đã phóng tia laser tới máy bay quân sự Mỹ trong khi tiến hành tuần tra thường xuyên ở Biển Đông trong tháng 2.Đô đốc Hải quân Mỹ John Aquilino nhắc lại lập trường trên vào hôm 8/3 vừa qua. Tuy nhiên, ông John Aquilino từ chối bình luận về việc có bao nhiêu đợt thực hiện quyền tự do hoạt động hàng hải hoặc diễn tập quân sự mà Mỹ đang lên kế hoạch tiến hành trong năm nay ở Biển Đông. Được biết trước đó vào ngày 17/2, một khu trục hạm Trung Quốc đã nhắm tia laser vào một máy bay do thám P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ. Sự cố trên đã ngay lập tức thu hút các phản ứng cứng rắn từ Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, nói rằng các loại laser cấp vũ khí có thể gây ra tác hại nghiêm trọng đối với máy bay và thủy quân lục chiến, cũng như các hệ thống tàu và máy bay.
Năm 2019, Mỹ đã tiến hành tổng cộng 9 đợt tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, tăng mạnh so với năm 2018 và 2017. Trong hai tháng đầu năm nay, tàu sân bay USS Montgomery và tàu khu trục tên lửa USS Wayne E Meyer đã được triển khai trong phạm vi vài hải lý ngoài khơi đá Chữ Thập và Vành Khăn, hai trong số những hòn đảo nhân tạo lớn nhất do Trung Quốc bồi đắp trong vùng biển tranh chấp.
Trong cùng một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Đô đốc Aquilino bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Tổng thống Philippines R.Duterte bãi bỏ Thỏa thuận Thăm viếng quân sự giữa Mỹ và Philippines ngay cả khi ông bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hoạt động trao đổi hợp tác với Hải quân Mỹ. ‘Có một chút thất vọng rằng, tại thời điểm này, chúng tôi coi trọng liên minh của mình với Philippines, chúng tôi tiếp tục hoạt động cùng với hải quân Philippines và chúng tôi sẽ xem câu chuyện hiện tại này sẽ đi đến đâu”, ông Aquilino nói.
Những phát biểu của Đô đốc Hải quân Mỹ đưa ra khi tàu sân bay Theodore Roosevelt (CNV 71) chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ đang có chuyến thăm hữu nghị đến Việt Nam hôm 7-9/3. Đây là chuyến thăm có nhiều ý nghĩa cho thấy sự phát triển quan hệ song phương nói chung và hợp tác quốc phòng nói riêng giữa hai nước. Đồng thời, còn nhằm khẳng định những cam kết của Mỹ về tự do hàng
hải, hàng không và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Phát biểu với báo chí trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CNV 71) đang neo đậu tại vịnh Đà Nẵng, đại diện Đại sứ quán Mỹ khẳng định chuyến thăm Việt Nam lần này của tàu thể hiện sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước.
http://biendong.net/bien-dong/33533-thach-thuc-cac-yeu-sach-chu-quyen-cua-tq-do-doc-hai-quan-my-tuyen-bo-se-di-bat-cu-noi-nao-duoc-luat-quoc-te-cho-phep.html
Canada đối mặt với những đe dọa
do sự can thiệp từ Trung Quốc và Nga
Gordon CoreraPhóng viên an ninh, BBCMột ủy ban của Quốc hôi Canada đưa ra cảnh báo về sự can thiệp từ nước ngoài; trong khi một báo cáo tương tự tại Anh chưa được công bố.
Có một “mối đe dọa là rõ ràng và đang tiếp diễn” do “sự can thiệp đáng kể và liên tục từ nước ngoài” vào lĩnh vực công ở Canada, Chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh, Quốc hội Canada nói với BBC.
USS Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng: Mỹ gửi tín hiệu gì cho VN và TQ?
TQ lợi dụng việc hợp tác với đại học nước ngoài ra sao?
Dân biểu David McGuinty phát biểu như vậy khi ủy ban của ông công bố báo cáo thường niên, trong đó đưa ra một phác thảo chi tiết về những đe dọa, cũng như đệ trình chi tiết các khuyến nghị về những gì chính phủ nên làm đặng ứng phó với mối nguy nói trên.
Sự can thiệp từ nước ngoài này gồm một số hình thức như tác động vào tiến trình bầu cử, vào quá trình ra quyết định của chính phủ, vào nền tự do học thuật và truyền thông.
Nga và Trung Quốc được cho là chịu trách nhiệm cho những sự can thiệp này.
Nga và Trung Quốc luôn phủ nhận các cáo buộc nói trên về sự can thiệp của họ.
Ông McGuinty bình luận như vậy trong khi một báo cáo của Ủy ban Tình báo và An ninh của QUốc hội Anh vẫn chưa công bố báo cáo về sự can thiệp của Nga, dù bản báo cáo này đã hoàn thành từ một năm về trước.
Rủi ro với hệ thống chính trị Canada
Trên thực tế, các mối đe dọa từ sự can thiệp của nước ngoài thường được ẩn giấu, báo cáo của Ủy ban này viết và chỉ ra một loạt các hoạt động ẩn giấu như vậy.
Chúng gồm cách các quốc gia nước ngoài cố gắng và sử dụng sự dối lừa để mua chuộc các chính trị gia, gây ảnh hưởng lên việc đưa tin của các phương tiện truyền thông, giám sát một số cộng đồng sắc tộc cụ thể nào đó, quấy rối các nhà bảo vệ nhân quyền và can thiệp vào các quyền tự do hội họp, tự do thông tin và học thuật.
Nga bị cáo buộc đã dính líu vào các hoạt động gây ảnh hưởng lên hệ thống chính trị của Canada, để tác động vào việc ra quyết định của chính phủ và gây ảnh hưởng đến dư luận.
Cùng với những điều đó, còn có một loạt các “rủi ro đáng kể đối với các quyền và tự do của người Canada và chủ quyền của đất nước” gồm “sự khả năng xói mòn các tổ chức dân chủ của chúng tôi”, ông McGuinty nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn.
Một số chi tiết cụ thể của các hoạt động như vậy đã được điều chỉnh lại hoặc kiểm duyệt, bởi chúng chứa thông tin nhạy cảm.
Ông McGuinty cũng cho biết rằng, ủy ban của ông đã chỉ ra cách chính phủ cần làm gì để có thể “lật ngược thế cờ”.
Chúng gồm tăng cường kết nối và minh bạch hơn trong thông tin với công chúng; thúc đẩy sự đoàn kết nội bộ trong việc nhận biết và thấu hiểu các mối đe dọa; và cải thiện sự tham gia của các địa phương cũng như các trường đại học.
‘Mối đe dọa ngấm ngầm’
Ủy ban cũng xem xét cách các đồng minh khác giải quyết vấn đề này như thế nào.
Hoa Kỳ được xem là có trường hợp chịu sự can thiệp từ nước ngoài cao nhất, với việc các quan chức tình báo và thực thi pháp luật nước này nói rằng, Nga đã cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Trong khi đó, Úc được mô tả là “đi đầu” trong số các quốc gia phương Tây nhằm giải quyết chuyện này.
Ông McGuinty chỉ ra chiến lược mà Úc đưa ra, với một điều phối viên và một lực lượng đặc nhiệm, được phân bổ ngân sách đáng kể cho hoạt động; đồng thời, Úc cũng thông qua luật mới chống sự can thiệp từ nước ngoài mà trong đó, hình sự hóa một số hành vi can thiệp.
Úc ở thế tiến thoái lưỡng nan với Trung Quốc
Úc ngăn chặn ‘ngoại bang can thiệp nội bộ’
Úc dự kiến thông qua luật chống nước ngoài can thiệp
Một báo cáo từ Ủy ban Tình báo và An ninh của Anh, trong đó có đề cập đến sự can thiệp của Nga, đã hoàn thành vào tháng 3 năm ngoái và được gửi cho thủ tướng vào tháng 10 nhưng không được công bố trước cuộc bầu cử.
Một ủy ban mới vẫn chưa được thành lập, và ủy ban này sẽ phải đưa ra quyết định về việc có nên công bố báo cáo hay không và nếu có, thì công bố dưới hình thức nào.
Ông McGuinty, Chủ tịch Ủy ban tương đương của Canada, nói rõ rằng, ông cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là việc công chúng hiểu rõ những gì đang diễn ra.
“Chúng tôi nghĩ rằng, việc kết nối với người dân Canada là rất quan trọng và khiến họ hiểu rõ bản chất của mối đe dọa này”, ông nói.
“Ở một số khía cạnh, đây là một mối đe dọa ngấm ngầm. Đây là một vấn đề mà người Canada chưa hoàn toàn hiểu rõ, bởi chúng không được đề cập đúng mức. Và chúng tôi rất hy vọng, điều này sẽ châm ngòi cho những tranh luận.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51894489
Nghị viện Canada gấp rút phê chuẩn
hiệp ước thương mại USMCA
Tin từ OTTAWA, Canada – Một viên chức chính phủ hàng đầu cho biết vào hôm thứ Sáu (13/3), Nghị viện Canada đã gấp rút phê chuẩn hiệp ước thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) trước khi nghỉ ba tuần để giúp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Canada là nước cuối cùng trong ba bên ký kết chính thức thông qua hiệp ước; Hoa Kỳ và Mexico lên tiếng chúc mừng.Hạ viện, nơi vẫn còn nhiều tuần thảo luận, đã đồng ý phê duyệt ngay lập tức vào hôm thứ Sáu, sau khi các nhà lập pháp đối lập ngừng phản đối. Khi trả lời phỏng vấn với các phóng viên, Phó Thủ tướng Chrystia Freeland cho biết Thượng viện ủng hộ hiệp ước sau đó trong ngày. Bước duy nhất còn lại là sự chấp thuận chính thức của toàn quyền – đại diện của Nữ hoàng Elizabeth, nguyên thủ quốc gia Canada, nhưng việc này chỉ mang tính hình thức.
USMCA được thiết kế để thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mà Tổng thống Trump phản đối mạnh mẽ, do hiệp định này làm tổn thất hàng trăm ngàn việc làm của Hoa Kỳ. Phát ngôn viên của Ủy ban Tài chính Thượng viện cho biết trong một lá thư gửi cho Quốc hội Hoa Kỳ vào hôm thứ Tư (11/3),
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer gửi thông báo cho USMCA về ngày bắt đầu có hiệu lực, tức ngày 1 tháng 6. Các nhóm đại diện cho các nhà sản xuất xe hơi của Hoa Kỳ và nước ngoài – bao gồm General Motors, Toyota Motor và Volkswagen AG – cũng như các đại lý và nhà cung cấp xe hơi – cho biết họ “rất lo lắng” vì ngày 1 tháng Sáu, bao gồm các luật xuất xứ xe hơi mới. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nghi-vien-canada-gap-rut-phe-chuan-hiep-uoc-thuong-mai-usmca/
Virus corona và những bài học
từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha
Stephen DowlingBBC FutureSau Thế Chiến Thứ Nhất, đại dịch cúm quét khắp thế giới, giết chết ít nhất 50 triệu người. Sự kiện khủng khiếp này có thể dạy cho ta những bài học gì trong đại dịch cúm Covid-19 hiện nay?
Một trăm năm trước, một thế giới đang phải gượng dậy sau cuộc chiến toàn cầu vốn đã giết chết chừng 20 triệu người đột ngột phải tranh giành sự sống với một thứ thậm chí còn khủng khiếp hơn: bùng phát dịch cúm.
Covid-19: ‘Bệnh nhân số 0′ là ai?
Covid-19: Vì sao người dân đổ xô đi mua hàng?
Cúm Tây Ban Nha 1918 giết hàng triệu người bất kể giàu nghèo
Nụ hôn tử thần và gia vị cuộc sống
Đại dịch cúm mà về sau này được gọi là cúm Tây Ban Nha được cho là khởi phát từ những trại huấn luyện quân sự tù túng, chen chúc ở Mặt Trận Phía Tây.
Tình trạng mất vệ sinh – đặc biệt là ở cách chiến hào dọc biên giới Pháp – đã tạo điều kiện cho việc ủ bệnh và rồi lây lan mạnh.
Cuộc chiến kết thúc vào tháng 11/1918, nhưng khi những người lính trở về nhà thì họ cũng mang virus theo cùng, và thiệt hại sinh mạng còn lớn hơn so với những tổn thất trong chiến tranh đang chờ đợi; khoảng từ 50 triệu cho đến 100 triệu người được cho là đã tử vong vì đại dịch này.
Kể từ đó đến nay, thế giới đã phải trải qua nhiều đại dịch, trong đó có ít nhất là ba trận bùng phát cúm, nhưng không có đại dịch nào gây chết người khủng khiếp và lan rộng đến thế.
Vào lúc thế giới đang phản ứng lại nạn dịch Covid-19, BBC Future nhìn lại sự kiện dịch cúm Tây Ban Nha hồi hơn 100 năm trước để xem ta có thể học được gì từ một trong những nạn dịch tàn phá thế giới ghê gớm nhất trong lịch sử gần đây.
Viêm phổi thường là kẻ sát thủ
Nhiều người trong số những nạn nhân tử vong do Covid-19 đã có sẵn một chứng bệnh nào đó liên quan đến phổi, khiến cho hệ miễn dịch trong cơ thể trở nên yếu đi khi phải chống lại virus.
Đây là điểm tương đồng với dịch cúm Tây Ban Nha, tuy phải nói rằng tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp hơn nhiều lần so với cúm Tây Ban Nha.
Những người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch không đủ mạnh – là nhóm chiếm đa số trong những ca tử vong từ lúc dịch bệnh xuất hiện cho đến nay – dễ bị tổn thương hơn đối với các kiểu nhiễm trùng dẫn đến bệnh viêm phổi.
Ít nơi có thể thoát được dịch bệnh
Việc đi lại bằng đường hàng không mới chỉ đang trong giai đoạn trứng nước khi xảy ra đại dịch cúm Tây Ban Nha. Nhưng không có mấy nơi trên Trái Đất thoát được tác động kinh khủng của nó. Mức độ lan ra khắp thế giới của nó chậm hơn, đi theo đường hoả xa và xe chở khách chạy bằng hơi nước thay vì bằng đường hàng không như hiện nay. Một số nơi đã đứng vững được trong vài tháng, thậm chí vài năm trước khi dịch cúm tràn tới tàn phá, cướp đi nhiều sinh mạng.
Nhưng một số nơi đã giữ được cho dịch cúm không lan tới, thường là nhờ áp dụng các kỹ thuật căn bản mà về sau này được sử dụng trong suốt cả trăm năm qua.
Nhân loại sẽ không tránh khỏi đại dịch cúm chết chóc?
Bạn sẽ làm gì nếu biết trước ngày mình lìa đời
Nơi sự can đảm chặn đứng được Cái chết Đen
Tại Alaska, một cộng đồng cư dân ở Vịnh Bristol đã hầu như không bị hề hấn gì. Họ đóng cửa trường học, cấm các buổi tụ tập đông người nơi công cộng, và cắt đứt liên lạc giữa ngôi làng với con đường chính. Đây là một hình thức công nghệ thấp của việc áp dụng lệnh cấm đi lại đã được dùng tại ở một số vùng ngày nay, chẳng hạn như tại Vũ Hán của Trung Quốc và vùng bắc Italy, nhằm chặn tình trạng virus corona lan rộng.
Các bác sỹ đã mô tả bệnh cúm Tây Ban Nha như một “nạn diệt chủng về y tế lớn nhất trong lịch sử”.
Vấn đề không chỉ ở chỗ nó giết chết bao nhiêu người, mà là một lượng rất lớn các nạn nhân tử vong thuộc nhóm dân số trẻ, khoẻ mạnh.
Thông thường, một hệ miễn dịch khoẻ mạnh có thể đối phó được một cách hợp lý đối với cúm, nhưng loại cúm này tấn công nhanh tới mức nó áp đảo hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng phản ứng thái quá, được gọi là bão cytokine (tức là cơn bão các phân tử protein được tiết ra từ tế bào của hệ thống miễn dịch), làm dịch tràn màng phổi, khiến cho phổi trở thành hồ chứa hoàn hảo cho đợt nhiễm trùng thứ hai.
Điều thú vị là những người cao tuổi lại không dễ bị lây nhiễm, có lẽ bởi họ đã trải qua một loại cúm rất giống với cúm Tây Ban Nha, xảy ra với nhiều cộng đồng dân số hồi thập niên 1830.
Với chủng virus corona mới đang hoành hành hiện nay, người cao tuổi và người có bệnh nền được coi là nhóm nhiều rủi ro nhất. Dẫu cho tỷ lệ tử vong thấp, nhưng tỷ lệ này ở những người trên 80 tuổi lại rất cao.
Y tế công là hàng phòng thủ tốt nhất
Cúm Tây Ban Nha bùng phát vào thời điểm thế giới vừa trải qua một cuộc chiến toàn cầu, khi mà các nguồn lực công cần cấp nhất đều được hướng tới phục vụ quân sự.
Ý tưởng về một hệ thống y tế công khi đó còn đang trong giai đoạn trứng nước – ở nhiều nơi, chỉ tầng lớp trung lưu hoặc giàu có mới có khả năng đi khám bác sỹ.
Trận cúm giết chết nhiều người ở các khu ổ chuột và các khu nghèo đô thị, trong các cộng đồng dân không được ăn uống đủ dinh dưỡng, không có điều kiện sinh hoạt vệ sinh, và thường là ở những người đã có bệnh nền.
Dịch cúm đã thúc đẩy sự phát triển những hệ thống y tế công tại các nước phát triển, do các khoa học gia và chính phủ cách nước nhận ra rằng các đại dịch có thể lan ra nhanh chóng hơn so với trước kia.
Việc chữa trị cho từng trường hợp một sẽ là không đủ – để đối phó với các đại dịch trong môi trường đô thị, chính phủ các nước cần phải huy động các nguồn lực như thể họ đang trong thời chiến, phải cách ly những người có triệu chứng bị bệnh, tách các ca bị bệnh nhẹ khỏi các ca bị nặng hơn, và hạn chế việc đi lại di chuyển của người dân, để bệnh dịch có thể dần dần tự biến mất.
Các biện pháp y tế cộng đồng mà chúng ta thấy đang được áp dụng ngày nay ở nhiều nước trên thế giới nhằm nỗ lực chặn sự lây lan của virus corona là một trong những tác dụng lâu bền nhất của đại dịch cúm Tây Ban Nha.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-51899140
Các nước trên thế giới đóng cửa biên giới,
hạn chế đi lại nhằm tránh lây lan coronavirus
Hôm thứ bảy (14/3), các quốc gia trên thế giới tiếp tục đóng cửa biên giới, áp đặt các yêu cầu nhập cảnh và cách ly nghiêm ngặt, và hạn chế các hoạt động tụ họp đông người nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Hiện tại, toàn thế giới đã có hơn 138,000 người bị nhiễm bệnh và hơn 5,000 người tử vong.Hãng Apple cho biết, họ sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng bán lẻ không nằm tại Trung Cộng cho đến ngày 27/3. Các quốc gia khác cho đóng cửa các viện bảo tàng, địa điểm du lịch và các sự kiện thể thao để giảm thiểu nguy cơ lan truyền coronavirus. Colombia cho biết sẽ đóng cửa biên giới với Venezuela, và ngăn chặn những du khách đã đến châu Âu hoặc châu Á. Trong khi đó, lệnh cấm nhập cảnh của Hoa Kỳ đối với hầu hết mọi du khách từ châu Âu Châu kể cả du khách từ Anh Quốc và Ireland đã bắt đầu hiệu lực vào lúc không giờ sáng thứ Bảy. Saudi Arabia sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế trong 2 tuần, bắt đầu từ chủ nhật ngày 15/3. Đài Loan sẽ yêu cầu du khách từ châu Âu, Anh và Ireland tự cách ly trong 14 ngày. Tây Tân Lan cũng thực hiện một biện pháp tương tự cho tất cả những người nhập cảnh vào quốc gia này.
Thủ tướng Jacinda Ardern kêu gọi các tàu du lịch không đến Tây Tân Lan cho đến ngày 30/6. Chile, Úc và Anh sẽ thực hiện lệnh cấm các sự kiện công cộng và việc tụ họp đông người. Thủ đô Manila, Philippines tuyên bố thực hiện giới nghiêm vào ban đêm và kêu gọi các trung tâm thương mại đóng cửa trong 1 tháng.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cac-nuoc-tren-the-gioi-dong-cua-bien-gioi-han-che-di-lai-nham-tranh-lay-lan-coronavirus/
‘Virus corona mới’ đáng được gọi là ‘virus Vũ Hán’
Hương ThảoTrung Quốc đáng được nhắc đến với cái tên virus mà họ đã làm phát tán ra thế giới. Sự bùng phát của virus corona là đại dịch đầu tiên của thập kỷ mới, và như vậy, thật đáng ngạc nhiên khi có một cuộc tranh luận gay gắt về cách gọi tên nó mà không xúc phạm đến công bằng xã hội.
Ông Paul Gosar, dân biểu Cộng hòa tại Arizona, đã bị mất đi thiện cảm mà ông có được trong một số khu vực nhất định, khi ông gọi nó là “virus Vũ Hán,” một cái tên hoàn toàn phù hợp nhưng lại bị coi là kỳ cục và không thể chấp nhận được.
Các dân biểu cánh tả tố cáo Gosar. Họ cáo buộc ông đã gọi virus SARS-CoV-2 bằng một cái tên không phù hợp lắm. Theo họ, Vũ Hán ở Trung Quốc, một quốc gia không thuộc phương Tây và người da vàng sống ở đó; vì vậy, gọi virus bằng tên của thành phố đó là phân biệt đối xử. Dân biểu Ted Lieu (D., Calif.) đã giận dữ phản đối cách gọi tên “virus Vũ Hán” của nhà lập pháp Cộng hòa này, cói đó là “một ví dụ về sự thiển cận cho phép nó lây lan ở Hoa Kỳ. Virus này không bị giới hạn bởi quốc gia hay chủng tộc.”
Rõ ràng, là một người da trắng sống ở Hoa Kỳ, Gosar hoàn toàn nhận thức được điều này; Nếu không, ông đã không tự cách ly mình trước khả năng bị nhiễm bệnh và có thể truyền virus cho người khác.
Loại virus này lần đầu tiên được biết đến ở Vũ Hán, các trường hợp ban đầu tập trung quanh một khu chợ động vật hoang dã và thành phố đang bị phong tỏa vẫn là tâm điểm của dịch bệnh Trung Quốc kể từ đó. Tính đến giữa tháng hai, khu vực Vũ Hán chiếm 86 phần trăm của tất cả các trường hợp ở Trung Quốc. Do đó tất nhiên, loại virus này có liên quan đến Vũ Hán, và đã thường được gọi là virus Vũ Hán trên báo chí (ít nhất là trước khi Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên chính thức cho virus và căn bệnh này).
Đặt tên cho một loại virus gắn với địa danh sau khi phát hiện ra ổ dịch đầu tiên là điều bình thường. Virus West Nile xuất hiện ở quận West Nile, miền Bắc Uganda vào những năm 1930. Nó tương tự như virus viêm não St. Louis, bùng phát vào khoảng St. Louis, Mo., vào năm 1933 và virus viêm não Nhật Bản, gây ra dịch ở Nhật Bản bắt đầu từ những năm 1870. Coxsackie ở bang New York, Marburg ở Đức và Hendra ở Úc đều có virus được đặt theo tên của chúng. MERS, gây ra bởi một loại virus được xác định lần đầu tiên vào năm 2012, là viết tắt của Hội chứng hô hấp Trung Đông, hoặc thậm chí còn khó nghe hơn – cúm lạc đà.
Không ai cảm thấy có gì khó chịu trong bất kỳ điều này, nhưng chúng ta sống trong một thời kỳ nhạy cảm hơn, và vô lý hơn.
WHO đã ban hành hướng dẫn vài năm trước cảnh báo về việc đặt tên bệnh theo vị trí địa lý hoặc động vật (cúm lợn, cúm gia cầm, thủy đậu) hoặc các tổ chức thành viên hoặc nghề nghiệp (bệnh Legionnaires). Liên quan đến đợt bùng phát mới nhất, WHO đã cảnh báo rằng “những từ và ngôn ngữ nhất định có thể có ý nghĩa tiêu cực đối với con người và gây ra thái độ kỳ thị.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, một loại virus hoành hành bắt đầu ở Trung Quốc, hiện đã phong tỏa toàn bộ nước Ý và gây ra sự gián đoạn và nỗi sợ hãi trên khắp thế giới có thể tạo ra các thái độ kỳ thị đối với Trung Quốc. Mặc dù vậy, điều này sẽ xảy ra bất kể virus được đặt tên là gì.
Các quan chức Trung Quốc muốn ngăn chặn việc sử dụng tên virus Vũ Hán, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo hoàn toàn hài lòng khi đề cập đến cái tên đó.
Sự tranh chấp quốc tế như vậy về tên của một loại virus hoặc bệnh không phải là mới. Bệnh giang mai là bệnh Neapolitan, bệnh Pháp hoặc bệnh Ba Lan, tùy thuộc vào người đặt tên cho nó. Cúm năm 1918 được biết đến với tên là cúm Tây Ban Nha, mặc dù người Tây Ban Nha gọi nó là cúm Pháp. Thực sự thì không có lý do chính đáng để đặt tên cúm Tây Ban Nha.
Nhưng trường hợp của Trung Quốc thì khác. Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng đàn áp các cảnh báo về virus corona mới, tạo cho nó cơ hội vàng để trở thành một đại dịch quốc gia và sau đó là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Do đó, Trung Quốc đáng được gắn với cái tên virus mà họ đã làm nhiều điều tệ hại giúp phát tán nó ra thế giới, bất kể Bộ ngoại giao hay giới cảnh sát nhạy cảm của họ nói gì.
Theo National Review
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/virus-corona-moi-dang-duoc-goi-la-virus-vu-han.html
Dịch Covid-19 :
Làng bóng đá châu Âu trong tình trạng bất an
Anh VũTới tấp các thông báo hủy, hoãn các cuộc thi đấu thể thao được giới chức khắp nơi đưa ra trong những ngày qua đang làm tê liệt thể thao thế giới, đặc biệt là làng bóng tròn châu Âu.
Sau Ý, Tây Ban Nha, giải vô địch quốc gia Pháp, Anh, cũng như giải đấu lớn của châu lục đã phải dừng vô thời hạn. Làng thể thao thế giới đang trong hoàn cảnh sức khỏe bất an và kinh tế bất ổn.
Trước đà lây lan nhanh rộng dịch Covid-19, các quyết định cho thi đấu kín không khán giả chỉ là những biện pháp nửa vời không thể bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng cũng như cho chính các vận động viên. Lần lượt các liên đoàn quản lý bóng đá ở châu Âu đã phải ra quyết định ngừng các giải đấu.
Sau Ý đến Tây Ban Nha rồi tới lượt Pháp quyết định cho dừng tất cả các trận đấu vô thời hạn. Hôm thứ Sáu v13/03, Anh cũng đã phải cho tạm ngừng Premier League. Trong khi đó tại Đức, sau nhiều cân nhắc, do dự muốn cố giữ vòng đấu 26 bằng các trận đấu không khán giả, cuối cùng Bundesliga cũng đã phải hoãn mọi trận đấu chưa biết đến bao giờ.
Về phần định chế quản lý bóng đá châu Âu – UEFA, hôm thứ Sáu đã quyết định cho hoãn một loạt các trận lượt về vòng 1/8 của Cúp C1 cũng như của Europa League trước khi bị các quyết định hành chính ở các nước cấm. Vào thứ Ba 17/03, Liên đoàn Bóng đá châu Âu sẽ có cuộc họp qua vidéo để quyết định về số phận của giải đấu lớn nhất là EURO 2020, lần đầu tiên tổ chức trên 12 quốc gia, dự kiến khai cuộc giữa tháng Sáu. Nhiều phỏng đoán cho rằng có thể UEFA sẽ phải cho lùi giải sang năm 2021.
Trận vòng loại EURO 2020 giữa đội tuyển Pháp với Ukraina và Phần Lan dự kiến vào các ngày 27 và 31/03 sẽ được UEFA quyết định sau cuộc họp này. Không có gì bảo đảm các trận đấu sẽ được duy trì
trong khi nhiều trận vòng loại khác dự trù cuối tháng này cũng đã bị buộc phải dừng lại vì những quy định phòng dịch khẩn cấp.
Virus corona giờ đã bắt đầu lây lan vào các câu lạc bộ châu Âu theo đúng nghĩa đen của nó. Nhiều cầu thủ được xác nhận nhiễm Covid-19 khiến cho một loạt các câu lạc bộ Arsenal, Real Madrid, Juventus hay Chelsea đã phải cách ly.
Vì sức khỏe của cộng đồng cũng như của chính bản thân vận động viên, các quyết định hủy hoặc ngừng thi đấu đều được dư luận cũng như các vận động viên ủng hộ hoàn toàn. Tuy nhiên, đó cũng là những quyết định rất khó khăn đối với các nhà quản lý. Bên cạnh vấn đề sức khỏe, còn có những mối lo kinh tế.
Theo như phân tích của chuyên gia Trần văn Mui, thể thao chuyên nghiệp hiện nay là một ngành công nghiệp không khói hái ra tiền, các lịch trình thi đấu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khá lâu trước khi giải đấu diễn ra và liên quan đến hàng loạt lĩnh vực kinh tế :
Ô.Trần Văn Mui – Texas -Hoa Kỳ
Không chỉ có bóng đá, giải đấu bóng bầu dục ở châu Âu, giải đua xe Công thức 1 (Formula 1) sau khi hủy khai mạc vòng đua Grand Prix tại Úc, thì các chặng đua tiếp theo ở Bahrein, dự kiến ngày 22/3, cũng như chặng Việt Nam ngày 5/4 đều bị hoãn vô thời hạn.
Một loạt các giải đấu quốc tế khác từ đua xe đạp, golf đến tennis, bất kể quy mô danh tiếng thế nào, tổ chức ở đâu đều tạm dừng vô thời hạn. Tất cả phụ thuộc vào cuộc chiến chống đại dịch virus corona trên toàn cầu.
http://www.rfi.fr/vi/th%E1%BB%83-thao/20200315-dich-covid-19-lang-bong-d-chau-au-trong-tinh-trang-bat-an
Anh và EU “bất đồng nghiêm trọng”
về mối quan hệ trong tương lai
Sau vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên về một thỏa thuận mới thời hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier đã lên tiếng thừa nhận tồn tại “những bất đồng nghiêm trọng” giữa Anh và EU về mối quan hệ song phương trong tương lai.Tiến trình đàm phán được khởi động chỉ hơn một tháng sau khi Anh rời EU. Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên từ ngày 2 đến 5-3 vừa qua tại Brussels (Bỉ). Mục tiêu mà Anh và EU đặt ra khi đàm phán là phải đạt được một thỏa thuận về quan hệ song phương trong tương lai trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 31-12-2020, từ đó tạo điều kiện để các nội dung trong thỏa thuận này bắt đầu được khởi động từ năm 2021. Sự tham gia của đội ngũ quan chức và chuyên gia đàm phán lên đến hơn 200 người phần nào cho thấy quyết tâm của cả Anh và EU trong việc đạt được một thỏa thuận toàn diện.
Sau khi vòng đàm phán đầu tiên kết thúc, ông Michel Barnier nhấn mạnh hiện vẫn còn 4 điểm khác biệt lớn giữa EU và Anh. Một là, phía Anh không muốn đưa ra các quy tắc chung ràng buộc về mặt pháp lý trong lĩnh vực cạnh tranh và kinh doanh. Hai là, Anh từ chối chấp nhận nghĩa vụ thực thi Công ước châu Âu về quyền con người, đồng thời không công nhận các quyết định của Tòa án Công lý châu Âu trên lãnh thổ nước mình, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hợp tác giữa cảnh sát EU và Anh. Ba là, Anh muốn ký kết một loạt thỏa thuận với EU về các lĩnh vực hợp tác khác nhau trong khi EU đề xuất tập hợp thành một thỏa thuận liên kết bao trùm toàn bộ. Cuối cùng là về đánh bắt cá, EU muốn đưa ra chi tiết hạn ngạch cho các vùng biển và các loài cá, còn phía Anh đề nghị tuân thủ nguyên tắc tiếp cận bình đẳng với vùng biển của nhau. “Những khác biệt giữa hai bên không có gì là đáng ngạc nhiên, nhất là chỉ sau một vòng đàm phán. Tôi nghĩ một thỏa thuận vẫn khả thi, dù cho rất khó khăn”, AP dẫn lời ông Michel Barnier.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Chính phủ Anh nhận định, vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra trên tinh thần xây dựng và nghiêm túc, song một thỏa thuận là “khó khăn”. Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan tuyên bố EU và Anh khởi động tiến trình đàm phán về mối quan hệ trong tương lai đã giúp bầu không khí được cải thiện sau nhiều tuần London đưa ra những bình luận tiêu cực.
Theo AP, vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại thủ đô London của Anh vào ngày 18-3 tới. Cứ khoảng 2-3 tuần, hai bên sẽ tiến hành một vòng đàm phán luân phiên giữa London và Brussels cho đến ngày 30-6 tới, như mốc thời gian đề ra trong thỏa thuận Brexit. Anh và EU dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tới để quyết định xem liệu có cần phải tiếp tục đàm phán hay không.
Lịch trình đàm phán gấp gáp như vậy đang là sức ép bởi Anh và EU phải vượt qua các bất đồng không hề nhỏ để vừa đạt được thỏa thuận, vừa kịp triển khai đúng thời gian. Nhiều chuyên gia cảnh báo Anh và EU sẽ không thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay nếu hai bên không chịu nhân nhượng. Trong trường hợp này, cả hai bên sẽ đều bị thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là Anh và Ireland-thành viên EU phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại với London. Theo tính toán của các chuyên gia từ Liên hợp quốc, nếu không đạt được thỏa thuận nào với EU, nước Anh sẽ mất đến 29 tỷ euro (32 tỷ USD) doanh thu xuất khẩu mỗi năm khi EU là điểm đến của gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Anh.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33523-anh-va-eu-bat-dong-nghiem-trong-ve-moi-quan-he-trong-tuong-lai.html
Virus corona: Anh sẽ yêu cầu người trên 70 tuổi
tự cách ly trong thời gian dài
Anh Quốc đang lập kế hoạch để cách ly người cao tuổi trên 70 trong một thời gian dài để bảo vệ họ khỏi virus corona, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói.Ông nói với BBC: “Khoảng thời gian chúng tôi yêu cầu họ ở trong nhà là một yêu cầu [hy sinh] rất lớn – một thời gian rất dài.”
Người trên 70 tuổi và người trẻ hơn nhưng có nguy cơ nhiễm cao sẽ được thông báo họ phải ở nhà trong thời gian dài, với thực phẩm và thuốc men thiết yếu được đưa tới tận cửa.
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
Virus corona: Châu Âu giờ là ‘tâm điểm của đại dịch’
Covid-19: Ba lý do khiến Anh có thể khác Ý
Chính phủ Anh đang chịu áp lực cần hành động nhiều hơn để chống dịch sau khi số người tử vong ở Anh lên tới 21 hôm thứ Bảy.
Tất cả những ca tử vong ở Anh đến nay là những người trên 60 tuổi và có bệnh nền.
Bộ trưởng Y tế Anh nói những ai không có triệu chứng có thể đến thăm những người trên 70 tuổi với điều kiện họ giữ khoảng cách 2 mét.
Ông xác nhận hệ thống y tế công NHS không có đủ máy thở để điều trị cho số người có thể gặp tình trạng nguy kịch do nhiễm virus. Ông nói chính phủ đang có kêu gọi phản ứng như trong thời chiến từ các hãng để sản xuất thêm máy thở.
NHS sẽ ngừng tất cả các ca mổ không khẩn cấp và thực hiện một chương trình huấn luyện rộng để đào tạo cho nhân viên y tế từ các khoa cách chữa trị cho các bệnh nhân nguy kịch vì nhiễm virus.
Khi được BBC hỏi khi nào biện pháp mới sẽ bắt đầu, ông Matt Hancock nói:
“Sẽ bắt đầu trong những tuần tới – tôi sẽ không đưa ra thêm chi tiết nào về thời điểm thực hiện vì chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm cần tuyên bố, dựa theo lời khuyên khoa học, rằng đã đến lúc thực hiện biện pháp đó.”
“Chúng tôi biết rằng khi yêu cầu người dân làm những chuyện như vậy, họ sẽ thấy mệt mỏi, và chúng cũng có tác động tiêu cực,” ông nói thêm.
Covid-19: Kinh nghiệm từ Đại dịch cúm Tây Ban Nha
Covid-19: Nước Đức điềm tĩnh, người Việt vẫn hoang mang
Thư từ Mỹ: Việt kiều làm gì khi Cô Vi tấn công?
Ông Hancock có tuyên bố này sau khi chiến lược của chính phủ Anh bị một số nhà khoa học chỉ trích. Họ viết thư ngỏ thúc giục các bộ trưởng đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn để ngăn Covid-19 lây lan rộng.
Ông Jonathan Ashworth, phụ trách về y tế của đảng đối lập (đảng Lao động Anh) nói người dân không muốn có chính sách không rõ ràng của chính phủ.
“Người dân muốn lời khuyên rõ ràng. Thủ tướng phải phát biểu trước người dân hàng ngày và giải thích rõ tại sao chính sách lại thay đổi,” ông nói trên kênh Sky News.
Tổng số ca xét nghiệm dương tính được xác nhận ở Anh hiện nay là 1.140, với 37.746 người đã được xét nghiệm.
Hiện nay chỉ các bệnh nhân trong bệnh viện được xét nghiệm.
Thủ tướng Boris Johnson sẽ kêu gọi các công ty Anh tham gia một “nỗ lực toàn quốc” để sản xuất thêm máy thở và các dụng cụ y tế khác “một cách nhanh chóng” để giúp hệ thống y tế công NHS đương đầu với dịch virus corona.
Chính phủ sẽ mua hàng ngàn giường trong các bệnh viện tư để tăng công suất cho NHS nếu cần thiết.
Một điều luật khẩn cấp cho chính phủ có quyền lực tạm thời để đối phó với dịch sẽ được công bố vào tuần tới.
Lãnh đạo đảng đối lập đã yêu cầu “được xem khẩn” bản dự thảo luật và yêu cầu gặp thủ tướng để bàn về cuộc khủng hoảng y tế.
Đảng Lao động đã kêu gọi chính phủ công bố mô hình và dữ liệu khoa học mà chính phủ đang sử dụng để đưa ra các chính sách.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51896866
3 phụ nữ Anh Quốc bị cách ly tại Việt Nam
Ba phụ nữ trẻ đến từ London đang bị cách ly trong một bệnh viện bỏ hoang tại Việt Nam, dù vậy họ vẫn luôn giữ thái độ tích cực. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam theo dõi sức khỏe của những người phụ nữ này vì họ bay cùng chuyến bay Vietnam Airlines với một hành khách có kết quả dương tính với coronavirus.Ba người phụ nữ này là cô Lucy, 22 tuổi, chị của cô tên là Alice, 25 tuổi và bạn của họ là Hanna Ahlberg, 23 tuổi. Cô Lucy Parker bay từ London đến Hà Nội vào ngày 2 tháng 3 trước khi gặp chị Alice và những người bạn ở Việt Nam. Vài ngày sau khi cô Lucy rời khỏi máy bay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam truy tìm họ đến tận nhà nghỉ ở Vịnh Hạ Long.
Cảnh sát còn đến chỗ ở của họ để bảo đảm những người phụ nữ này không bỏ trốn và nhân viên nhà nghỉ phải đốt nệm và các vật dụng khác mà họ từng tiếp xúc. Hai ngày rưỡi sau khi được kiểm tra virus, họ nhận được kết quả âm tính. Sau đó, họ được đưa đến một bệnh viện bỏ hoang ở Ninh Bình, miền bắc Việt Nam để cách ly thêm 12 ngày nữa.
Tính đến nay, họ đã cách ly được bảy ngày. Cô Alice cho biết bệnh viện này ban đầu là một trại tị nạn và có thể “khá đáng sợ vào ban đêm”. Trong nhà vệ sinh thì không có vòi sen mà chỉ có 1 cái xô để tắm rửa và giặt giũ. Bên cạnh đó, vấn đề ngôn ngữ cũng đang gây khó khăn cho những người phụ nữ trên. Thức ăn, thậm chí cả súp, đều được đựng trong một cái túi.
Theo đài BBC đưa tin, hiện có ít nhất 30 trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận tại Việt Nam, trong đó có bảy người Anh Quốc. (BBT)
https://www.sbtn.tv/3-phu-nu-anh-quoc-bi-cach-ly-tai-viet-nam/
Virus corona:
Anh và Việt Nam tương phản nhau về cách chống dịch
Luật sư Hoàng Đức ThắngGửi cho BBC News Tiếng Việt từ London, AnhLuật sư Hoàng Đức Thắng ở London (Anh) so sánh cách chống dịch ‘lạnh lùng’ của chính phủ Anh và phong trào ‘toàn dân chống Covid-19′ ở Việt Nam:
Cho tới hôm 14/3/2020, “mồng 51 Tết” như cách gọi bất đắc dĩ của các cha mẹ học sinh ở Việt Nam có con phải nghỉ học để phòng dịch, thì dịch Covid-19 đã lan ra gần như toàn thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố đại dịch toàn cầu, qua đó mở đường tạo cơ sở pháp lý và hành chính cho các nước áp dụng rộng rãi các biện pháp quyết liệt như tạm thời dừng xuất nhập cảnh từ các khu vực có dịch, khu trú cách ly bắt buộc các khu vực có dịch, hạn chế một số quyền con người có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao như quyền tụ tập, hội họp đông người, quyền tự do di chuyển, quyền tự do biểu đạt…
‘Chúng tôi phải chọn điều trị bệnh nhân nào, và buông ai, như thời chiến tranh’
Virus corona: Châu Âu giờ là ‘tâm điểm của đại dịch’
Covid-19: Tự cách ly thế nào khi sống chung với người khác?
Nhiều nước đã nhanh tay áp dụng các quyền này, dù điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động thường nhật của xã hội từ việc học tập, thương mại, vận tải, giải trí… Và với đà lây lan dường như
chưa có điểm dừng hiện nay của dịch bệnh, những nước còn lại có lẽ sẽ cũng sớm theo lối đi của những nước đi trước.
Cách thức phòng chống virus corona của từng quốc gia khác nhau, tùy theo tình hình và điều kiện từng nước, với nhiều điểm khác biệt khá thú vị.
Ở đây tôi chỉ xin nhắc đến vài điểm trong việc phòng chống dịch ở Vương quốc Anh và Việt Nam, trong đó chủ yếu nói về Vương quốc Anh.
Chính phủ và y tế Anh nói thật và ‘ngửa bài’ với dân
Thứ nhất, về nhận thức về dịch bệnh, thông tin từ các cơ quan y tế Anh như PHE, NHS và MOH đều chỉ rõ đây là virus nằm trong dải virus cúm nhưng là chủng mới có chung gốc với Virus SARS ngày trước…
Vấn đề đặt ra là với các loại virus, y học hiện đại hiện mới dừng ở mức độ sử dụng vacxin (vaccine) để phòng ngừa và sử dụng thuốc kháng virus (anti-viral) để điều trị khi cơ thể đã bị nhiễm virus, mà cả hai phương thức này đều chưa có với virus corona.
Ngay các dự kiến lạc quan nhất cũng dự báo, sẽ chỉ có vaccine từ sau tháng 9 năm nay và thuốc kháng virus vau 12 tháng nữa.
Nói một cách giản đơn, đây là căn bệnh vô phương cứu chữa với một số nhóm dân cư.
Nói cách khác, thẳng thắn tuy có phần phản cảm, với căn bệnh này thì khỏe sống yếu chết, không phân biệt sang hèn và cũng không đếm xỉa gì đến địa vị xã hội hay vị thế cá nhân.
Người nhiễm bệnh nếu cơ thể chống chọi được khỏi sẽ tự khỏi còn nếu cơ thể quá yếu thì sẽ ra đi dù có can thiệp bằng máy tim phổi nhân tạo (ECMO) đi chăng nữa, và các bệnh viện sẽ không thể chữa khỏi bệnh mà chỉ giúp người bệnh kháng cự bằng cách cố gắng duy trì chức năng nhân tạo cho các cơ quan đang kiệt quệ – theo cách cơ quan y tế Anh giải thích.
Sự thẳng thắn đến mức trần trụi này có lẽ tương phản với truyền thông từ phía Việt Nam, khi mà thông tin nhà nước đăng hàng ngày đều nói, các bệnh viện Việt Nam đã chữa khỏi bệnh nhân bị nhiễm virus corona.
Các mạng xã hội của Việt Nam và Trung Quốc, tuy vậy, lại dẫn rất nhiều nguồn đích danh các bác sĩ đang điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona tại các bệnh viện, theo đó khẳng định bệnh nhân tự khỏi và các biện pháp can thiệp của bênh viện chỉ gồm các giải pháp tăng cường thể lực chung như truyền dịch, bù điện giải, giảm sốt…v.v…
Thứ hai, về biện pháp phòng tránh, Việt Nam dựa vào sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục, theo kiểu mệnh lệnh hành chính, với các quy phạm rất cụ thể được đưa vào các văn bản có tính quy phạm pháp luật mà ví dụ cụ thể gần nhất là Chỉ thị số 13-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/3/2020, trong đó yêu cầu “tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới”.
Anh thì công bố ngay từ rất sớm quy trình chống dịch theo 4 bước (Contain-Delay-Research-Mitigate, tôi tạm dịch là Gói gọn mầm bệnh – Làm chậm lây nhiễm – Nghiên cứu miễn dịch, và – Giảm nhẹ thiệt hại). 4 bước này được tiến hành song song, chuẩn bị và hỗ trợ cho nhau.
Trên cơ sở chiến lược phòng chống này, chính phủ Anh tiếp tục đưa ra các điều chỉnh dựa trên các kết quả khoa học, sự phát triển về nhận thức cũng như tình hình phát triển dịch bệnh trên thực tế.
Covid-19: Nước Đức điềm tĩnh, người Việt vẫn hoang mang
Virus corona: Ai, đang làm gì, ở đâu, để chặn dịch?
Covid-19: Ba lý do khiến Anh có thể khác Ý
Các biện pháp trên thực tế mà phía Anh Quốc áp dụng đều dựa trên cách tiếp cận bình tĩnh và có phần lạnh lùng như nói ở trên, hướng tới việc giảm nhẹ thiệt hại, không chỉ về con người mà còn đỡ tổn thất cho các mặt đời sống xã hội và tránh việc ngừng trệ các dịch vụ thiết yếu.
Đồng thời, phía Anh cũng hướng tới việc sử dụng các biện pháp tác động gây ảnh hưởng “ kép” không chỉ giúp khắc phục tình trạng hiện tại, mà còn giúp phục hồi sức sản xuất, phục hồi nhịp sinh hoạt thường nhật khi dịch giảm nhẹ.
Vậy nên các biện pháp đang được sử dụng hầu hết đều mang tính đòn bẩy (giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, chi trả tiền nghỉ ốm theo mức chuẩn quốc gia cho người lao động xin nghỉ tự nguyện để phòng dịch, không gọi trở lại hàng loạt y bác sỹ nghỉ hưu mà phân luồng bệnh nhân từ xa và phát huy triệt để khả năng tự kháng bệnh của cá nhân, không cấm nhập cảnh hoặc đóng cửa biên giới mà kiểm soát người nhiễm trên cơ sở triệu chứng bệnh, không đóng cửa trường học mà cho nghỉ các học sinh ốm và tăng cường khử khuẩn…).
Tương phản với Anh, Việt Nam đang áp dụng một chính sách quyết liệt hơn nhiều, mà tôi gọi là theo mô hình “Trung Quốc trừ“, giống như Trung Quốc đã làm nhưng giảm nhẹ hơn một chút. Các trường học đóng cửa trên phạm vi toàn quốc, các địa điểm có người đã xác nhận mắc bệnh bị cô lập bắt buộc trên diện rộng và những người nhiễm hoặc nghi nhiễm bị cách ly.
Mới đây nhất, Việt Nam còn từ chối nhập cảnh với những người đến từ vùng có dịch, hoặc chỉ đơn giản là có dừng đổi máy bay ở vùng có dịch, trong đó có Anh Quốc và toàn bộ các nước thuộc EU.
Tính hiệu quả của các biện pháp này với tổng thể bệnh dịch chung là điều sẽ chỉ được đánh giá sau khi cơn dịch này lắng xuống, nhưng có thể thấy ở thời điểm hiện tại, ngay tại Anh. có nhiều ý kiến phản đối và cho rằng, chính phủ Anh đã không vào cuộc quyết liệt và bỏ lỡ thời cơ chặn dịch lây lan.
Truyền thông giải thích liên tục
Thứ ba, về chính sách áp dụng. Bên cạnh các biện pháp cụ thể mang định hướng y tế, ở tầm chính sách chung, chính phủ Anh ban hành nhiều văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thông nhất cho việc áp dụng các biện pháp liên quan đến bệnh dịch, trong đó nổi bât là Luật Phòng chống virus corona 2020 (The Health Protection – Coronavirus- 2020).
Chính phủ Anh và các cơ quan truyền thông Anh Quốc, gồm BBC, cũng rất nhanh nhậy trong việc mở một cuộc chiến truyền thông, để bảo đảm thông tin đầy đủ và nhanh chóng đến người dân và kíp thời giải đáp những thắc mắc của họ.
Thời lượng chiếm sóng của các chương trình liên quan đến virus corona trực tuyến trên các phương tiện tương tác cao như mạng internet hay truyền hình việc rất lớn đến mức độ hầu như suốt ngày bạn đều có thể xem môt kênh truyền hình hỏi đáp trực tuyến liên quan những thắc mắc của người dân về virus corona.
Rất nhiều trang mạng riêng cho việc phổ biến thông tin về virus corona được thiết lập và cặp nhật theo thời gian thực. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet được yêu cầu định tuyến dịch vụ để các thông tin cấp thiết về virus corona được hiện lên trên mọi kết quả tìm kiếm.
Các nhà lãnh đạo thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để trực tiếp cặp nhật thông tin chính sách có liên quan đến virus corona cho người dân với tần suất dày đặc. Ví dụ như, với Thủ tướng Anh Boris Johnson, không có ngày nào người đứng đầu chính phủ này không xuất hiện trước ống kính truyền hình về virus corona. Có ngày, ông trực tiếp thông tin cho đại chúng đến bốn lần.
Cách sử dụng ngôn từ của ông Johnson cũng hướng đến sự đồng cảm và thẳng thắn. Ví như trong lời phát biểu của ông trước các phóng viên về virus corona, ông đã nói: “I have to level with you, I have to level with public, that some family may lose loved ones before their time” (Xin tạm dịch là: “Tôi phải ngửa bài với các quý vị, tôi phải thắng thắn với đại chúng rằng, vì đại dịch này mà nhiều gia đình trong chúng ta sẽ phải vĩnh biệt người thân của mình sớm hơn lẽ thường”).
Tại thời điểm ấy, ông cũng nhắc đến việc, mặc dù lúc đó số người bị nhiễm bệnh ở Anh Quốc chỉ hơn 600 người, nhưng các chính sách của chính phủ, dựa trên dự đoán theo mô hình (modelling) của các nhà khoa học, là thực ra trong cộng đồng hiện nay, số người mắc bệnh sẽ khoảng 10-20 lần hơn như thế.
Cách tiếp cận như vậy tuy có gây bức xúc cho một số người nhưng không gây hoảng loạn trong đại đa số người dân và mang lại sự sự bình tĩnh trong cộng đồng, với ngầm ý là chúng ta đã có sự chuẩn bị cho mọi tình huống.
Đây cũng là cách tiếp cận của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, ví dụ như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dự đoán có thể 60-80% dân số Đức sẽ nhiễm virus; còn Văn phòng Nhà Trắng của Mỹ thì dự đoán khoảng 20% dân số Mỹ có thể nhiễm bệnh.
Cách tiếp cận như vậy khác biệt nhiều với cách tiếp cận kiểu “đại đoàn kết” của Việt Nam, nơi “cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc”. Và với sức mạnh ấy, cho tới nay, Việt Nam chưa có ca tử vong nào và số người nhiễm bệnh chỉ vài chục người.
Có người nói rằng, chính sức mạnh tổng hợp ấy, chứ không phải thời tiết nóng ấm và khả năng tự kháng của con người Việt Nam – do không khí ẩm ướt, nóng và lạnh đan xen, cộng với nồng độ bụi cao, nên mức độ nhiễm lạnh và cúm mùa của người Việt Nam hang năm có thể đạt mức gần tuyệt đối – sẽ làm nên chiến thắng cho Việt Nam trong cuộc chiến chống bệnh dịch này.
Bên cạnh đó, Luật Phòng chống virus corona 2020 ở trên lại làm gợi nhớ đến xu hướng lập pháp theo kiểu làm luật “khung” của Viêt Nam và câu hỏi bao giờ Việt Nam có thể ban hành các văn bản luật điều chỉnh trực tiếp và trọn vẹn một vấn đề thực tế, dù định hướng ấy đã nhiều lần được bàn thảo và Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được sửa đổi nhiều lần?
Vì sao dân Anh bình tĩnh đến lạ lùng?
Thứ tư, về phản ứng của cộng đồng. Người dân Anh phản ứng với virus corona một cách khá bình tĩnh.
Trên nhiều diễn đàn, nỗi lo lắng có xuất hiện, nhưng kèm theo sự hài hước vốn có của người Anh.
Ngoài phố, chỉ lác đác một số người gốc Á hoặc du khách Trung Quốc đeo khẩu trang.
Và tại các siêu thị, vẫn rất nhiều hàng hóa. Có chuyện là một số hàng hóa mà người gốc Á tiêu thụ là chủ yếu, như gạo nếp – ‘sticky rice’ mà dân Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan thường ăn – có hôm tăng giá khoảng 5% nhưng lại giảm ngay.
Virus corona: Vì sao phụ nữ và trẻ em ít bị nhiễm?
Virus corona: Làm thế nào để tránh lây nhiễm
Ngay với các tin tức gây ‘sốc’ như dự báo đánh giá của chính phủ Anh rằng, số lượng người ốm có thể lên đến phần đông dân số, với khoảng 20% lực lượng lao động ốm tới mức phải nghỉ làm việc; hay đánh giá của các chuyên gia dịch tễ học hàng đầu rằng, cách tốt nhất để vượt qua dịch bệnh này là hướng tới việc dịch bị tự bão hòa trong quần thể dân cư – tôi tạm dịch như vậy từ chữ ‘herd immunity’, thường được dịch là miễn dịch đám đông – khi 60-70% dân số bị nhiễm virus, cũng không làm đại đa số người dân hoảng sợ, mà họ chú ý hơn đến những dự đoán về tính chịu nhiệt kém của virus và khả năng dịch bệnh bị đẩy lui một cách tự nhiên khi mùa hè đến.
Việc các quan chức cấp cao cũng nhiễm bệnh (như trường hợp Thứ trưởng Y tế Anh gần đây, hay rộng ra, vợ Thủ tướng Canada khi thăm Anh, hoặc là các quan chức châu Âu khác) cũng cho thấy tính “bình đẳng” của virus này và người dân cũng không soi mói danh tính của những người nhiễm bệnh.
Ngược với không khí tại Anh, ở Viêt Nam có sự lo lắng thường xuyên và liên tục về khả năng bị nhiễm virus và dường như, có một niềm tin rằng, mình có thể tránh được virus một cách tuyệt đối, trong khi số đông những người khác có thể bị nhiễm.
Nhiều phương tiện thông tin đại chúng đeo bám và đăng tải chi tiết nhân thân của những người nhiễm bệnh và nhiều bậc cha mẹ lo lắng tới mức tìm mọi cách đưa con cái đang học ở châu Âu về Việt Nam để “ tránh” lây nhiễm virus.
Không chỉ muốn sống mà hãy nâng cao giá trị sống
Tâm lý lo sợ và hoảng hốt trong phần lớn người dân ở một đất nước, mà chỉ gần đây thôi, nhiều người dân còn quen câu cửa miệng “sống nay chết mai”, hay “sống cho qua ngày”, và nhiều người sẵn sàng thí mạng trong các cơn nóng giận chỉ vì các tranh chấp nhỏ, khiến cho người ta thấy ngạc nhiên.
Nhưng nếu căn bệnh này giúp người dân nâng cao được ý thức của mình, không chỉ vì mạng sống mà còn về các giá trị sống, thì cũng thật đáng mừng.
Covid-19: Mạng xã hội Việt Nam, những ngày nóng dịch
Virus corona: Covid-19 ‘có thể giúp Đảng Cộng sản Việt Nam cải tổ’
Virus corona: Đảng Cộng sản chuẩn bị thế nào cho Đại hội 13?
Về mặt cá nhân, tôi nghĩ mùa dịch này là lúc chúng ta hãy thêm yêu đời, yêu người hãy ở bên các bậc cha mẹ và người thân già yếu, hãy làm những việc mình còn đắn đo, hãy chăm sóc và nâng niu những gì mình đã lỡ làng…
Có thể, chúng ta không có được sự uyên thâm của các chuyên gia, chúng ta chẳng có được sự cân nhắc các lợi ích đa chiều như của các nhà chính trị; và thậm chí, chúng ta cũng chẳng có được sự tự quyết bất đắc dĩ của “người tiêu dùng/người dân thông thái”.
Nhưng có lẽ, chúng ta sẽ duy trì được sự bình tĩnh và điềm đạm để đón nhận và xử lý sự việc bằng nhận thức và hiểu biết chung, cũng như có được sự vững tin vào một mùa hè nắng đẹp đang đến gần, dù rằng bây giờ có lẽ nhiều người ở Anh cũng ao ước “bao giờ cho hết tháng Ba”.
Mùa hè, chỉ ba tháng nữa thôi, rất gần rồi!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Hoàng Đức Thắng, người sống và hành nghề tại London, Anh Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51892962
Vương quốc Anh xem xét trừng phạt
các bác sĩ thu hoạch nội tạng sống ở Trung Quốc
Hương ThảoVương quốc Anh hiện đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người vi phạm nhân quyền, đặc biệt là đối với các bác sĩ Trung Quốc có liên quan đến mổ cướp nội tạng.
Vào ngày 1/3/2020, một tòa án độc lập có trụ sở tại London, Vương Quốc Anh đã đưa ra phán quyết rằng, chính quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hoạt động mổ cướp nội tạng sống đối với các tù nhân lương tâm và bán cho thị trường cấy ghép tạng để kiếm lời.
Lord Philip Hunt, cựu Bộ trưởng y tế Anh, nói với mạng truyền hình NTD hôm 2/3: “[Chính phủ Anh] phải xem xét sử dụng luật Magnitsky chống lại các bác sĩ và những người khác liên quan đến những vụ lạm dụng nhân quyền khủng khiếp này”.
“Chúng tôi biết rằng Trung Quốc tuyên bố có một quy trình quyên góp tạng tự nguyện như những gì chúng tôi làm ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, số lượng ca cấy ghép diễn ra ở Trung Quốc quá lớn so với số lượng tình nguyện quyên góp. Chúng tôi biết rằng phải có một cách khác để có các cơ quan nội tạng đó”, ông nói.
Luật Magnitsky được thông qua bởi quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2012, nhắm vào các quan chức Nga liên quan đến một kế toán thuế tên là Sergei Magnitsky, đã chết trong tù sau khi cáo buộc các quan chức Nga liên quan đến gian lận thuế quy mô lớn.
Vào năm 2017, một phiên bản toàn cầu của Đạo luật Magnitsky đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nhằm cho phép Hoa Kỳ xử phạt những người vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.
Tại Anh, lấy cảm hứng từ luật Magnitsky, vào ngày 21/2/2017, Hạ viện nước này nhất trí thông qua sửa đổi Dự luật tài chính hình sự, nhằm cho phép chính phủ đóng băng tài sản của những người vi phạm nhân quyền quốc tế ở Anh. Vào ngày 1/5/2018, Hạ viện Anh, đã “sửa đổi Magnitsky” vào Dự luật trừng phạt và chống rửa tiền, cho phép chính phủ Anh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền thô bạo.
Ông Lord Tariq Ahmad, Bộ trưởng nhân quyền của Vương quốc Anh, nói với mạng truyền hình NTD rằng ông chưa thể bình luận về các chi tiết cụ thể của luật pháp và ông sẽ xem xét báo cáo việc chính quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục mổ cướp nội tạng sống, do tòa án độc lập Anh đưa ra hôm 1/3.
Báo cáo hôm 1/3 của Tòa án độc lập tại Anh chỉ ra rằng, các chính phủ trên thế giới đã không tiến hành điều tra các cáo buộc chống lại Trung Quốc về hành động mổ cướp nội tạng sống, và theo đó đã để “biết bao nhiêu người phải chết một cách khủng khiếp và vô tội”.
Cũng trong ngày 1/3, Nhật báo Bắc Kinh ở Trung Quốc đưa tin, chuyên gia ghép phổi hàng đầu của Trung Quốc là Trần Tĩnh Du (Chen Jingyu), đã hoàn thành ca phẫu thuật ghép phổi đầu tiên trong 5 giờ, cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Bệnh nhân là một người đàn ông 59 tuổi, được chẩn đoán nhiễm COVID-19 vào ngày 27/1. Ngày 24/2, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Truyền nhiễm Vô Tích và đến ngày 29/2, đội ngũ phẫu thuật do ông Du đứng đầu đã tiến hành phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân này, với nguồn gốc phổi đến từ “một bệnh nhân chết não”, theo Nhật báo Bắc Kinh.
Như vậy, chỉ trong 5 ngày từ khi bệnh nhân nhập viện (từ 24/2 đến 29/2), người này đã nhận được hai lá phổi phù hợp để thay thế, trong khi trên thế giới người bệnh muốn nhận được phổi phù hợp để thay thế thì phải chờ đợi rất nhiều năm.
Điều này chứng minh cho kết luận của tòa án độc lập ở Anh vào ngày 1/3: “Nguồn nội tạng cấy ghép được cung ứng nhanh như vậy chỉ có thể xảy ra khi có một hệ thống ngân hàng của những người hiến tạng sống. Người hiến tạng có thể hy sinh để đáp ứng yêu cầu nội tạng”.
“Đã đến lúc không thể bỏ qua vấn đề này nữa. Đây là tội ác chống lại nhân loại. Đã đến lúc nhân loại phải hành động”, Bà Susie Hughes, giám đốc điều hành và là thành viên đồng sáng lập nhóm vận động Liên minh Quốc tế nhằm chấm dứt lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc cho biết.
https://www.dkn.tv/the-gioi/vuong-quoc-anh-xem-xet-trung-phat-cac-bac-si-thu-hoach-noi-tang-song-o-trung-quoc.html
Covid-19 : Pháp ra lệnh đóng cửa hàng quán,
vũ trường chống dịch
Tú Anh|Minh AnhVới 4.500 trường hợp lây nhiễm, tăng gấp đôi trong vòng ba ngày, trong đó có 300 ca nghiêm trọng, dịch siêu vi corona chủng mới bước vào « giai đoạn thứ ba » tại Pháp. Biện pháp đối phó mới được công bố : Nhà hàng, quán rượu, rạp chiếu phim, phòng trà, hộp đêm trên toàn quốc đóng cửa kể từ 0 giờ ngày 15/03/2020 cho đến khi có lệnh mới.
Chỉ một ngày sau khi tổng thống Emmanuel Macron ra lệnh đóng cửa toàn bộ trường học trên toàn quốc, nước Pháp phải vội vã nâng lên cấp chiến dịch chống Covid-19. Tối 14/03, thủ tướng Edouard Philippe thông báo biện pháp hạn chế tụ tập : Kể từ 0 giờ, tất cả những tụ điểm tiếp đón công chúng không cần thiết cho sinh hoạt quốc gia phải đóng cửa cho đến khi có lệnh mới. Dân Pháp được kêu gọi « tôn trọng hơn nữa tinh thần kỷ luật, bổn phận công dân trong hoàn cảnh nghiêm trọng của đất nước ».
Lãnh vực ẩm thực, giải trí, như nhà hàng, quán giải khát, phòng trà, hộp đêm, rạp chiếu phim, nhà hát kịch được lệnh ngưng hoạt động. Lãnh vực buôn bán cũng bị ảnh hưởng trừ tiệm bán thực phẩm, siêu thị, tiệm thuốc tây, ngân hàng, quán bán thuốc lá (tabac) và các cơ quan nhà nước phục vụ công ích như sở thuế và bưu điện vẫn tiếp tục mở cửa.
Trong chiều hướng này, vòng một cuộc bầu cử chính quyền địa phương, ngày Chủ Nhật 14/03, vẫn duy trì với những biện pháp vệ sinh dịch tễ nghiêm ngặt.
Theo giải thích của tổng giám đốc Tổng Nha Y tế Jérôme Salomon, cho dù đó đây vẫn còn một số ổ dịch riêng lẻ, dịch đã bắt đầu lan rộng trên toàn quốc, nhưng « không phải vì siêu vi biết đi mà vì do chính con người gieo rắc ».
Mục tiêu của chính quyền Pháp hiện nay là thi hành các biện pháp « ngăn đường, cản lối siêu vi » một cách tối đa, chặn bớt mức độ gia tăng số bệnh nhân mới mỗi ngày, để bệnh viện và nhân viên y tế không bị quá tải, hầu có thể tập trung vào những trường hợp thập tử nhất sinh.
Giai đoạn ba nghĩa là gì ?
Các biện pháp triệt để được thông báo ngày 14/3/2020 khẳng định cuộc chiến chống dịch của chính phủ Pháp bước vào cấp độ 3. Bước mới này có ý nghĩa gì ?
Một điều chắc chắn các biện pháp triệt để của giai đoạn 3 sẽ tác động mạnh đến cuộc sống của người dân Pháp. Đối với chính phủ Pháp, giờ không chỉ bảo vệ người dân mà còn phải duy trì sự vận hành của cả xã hội. Nghĩa là « không chỉ ngăn chận đà lây của virus corona, mà còn phải quản lý cả những hệ quả của dịch bệnh sao cho vẫn duy trì được cuộc sống xã hội và đời sống kinh tế của quốc gia », theo như giải thích của bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran ngày 04/3/2020.
Do vậy, việc đóng cửa nhà trẻ và các cơ sở học đường từ mẫu giáo đến bậc đại học trong mục đích giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm trong những thành phần dân chúng có rủi ro cao nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Ưu tiên của chính phủ hiện nay là bảo vệ các nhân viên y tế lúc bình thường đã bị quá tải, giờ đang trên tuyến đầu chống dịch. Thứ đến là an toàn sức khỏe cho các công chức nhằm bảo đảm cho sự vận hành bộ máy dịch vụ công, cũng có một vai trò cốt lõi để đối phó với dịch bệnh, có nguy cơ kéo dài nhiều tuần lễ. Chính phủ Pháp cảnh báo : « Một trận đại dịch cúm là một cơn khủng hoảng nguồn nhân sự ».
Trong hoàn cảnh này, mọi công dân được khuyến cáo nên hạn chế di chuyển cá nhân không cần thiết và nếu có, ưu tiên dùng các phương tiện cá nhân. Về điểm này, chính phủ cũng phải tìm kiếm một sự cân bằng, giữa việc giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm có liên quan đến việc dùng phương tiện công cộng và tránh tình trạng quá tải trên các trục đường chính và xa lộ.
Ngoài ra, bộ Kinh Tế và Tài chính Pháp thiết lập một cơ chế giám sát giá cả và cung ứng hàng hóa tại các điểm phân phối cũng là nhằm tránh xảy ra tình trạng « nâng giá bán quá mức các mặt hàng thiết yếu trong trường hợp có khủng hoảng hay hụt nguồn hàng ».
Ở giai đoạn ba này, các bác sĩ và bệnh viện thành phố phải chuẩn bị tư thế để đối mặt với cú sốc. Cách tiếp nhận các ca bệnh nhân bị nghi nhiễm hay được xác định nhiễm Covid-19 ở cấp độ ba này phải thay đổi. Nghĩa là, « chỉ tiến hành xét nghiệm Covid-19 ở những ca có các biểu hiện nghiêm trọng. Việc truy tìm những ca có khả năng lây nhiễm là điều không thể », theo như giải thích của bác sĩ Marc Noizet, khoa cấp cứu.
Tác động đến đời sống người dân
Chị Thùy Dương, sống tại Guyancourt, ngoại ô Paris, cho RFI Tiếng Việt biết cảm nhận về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ :
Thuy Duong_Guyancourt
« Tất nhiên là đến thời điểm này, ai cũng biết là chính phủ Pháp đưa ra những biện pháp gần như là mạnh nhất vì đã bước sang giai đoạn « báo động khẩn cấp » cuối cùng trong chiến dịch chống virus corona. Đối với cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng rất đúng đắn và tôi rất tin tưởng là sẽ không thể nào có những biện pháp tốt hơn được nữa. Còn kết quả đến đâu thì phải chờ thêm diễn biến tình hình của dịch bệnh và ý thức của mỗi người dân.
Còn cụ thể về biện pháp thứ nhất là đóng cửa trường học, gia đình tôi có hai cháu học cấp 2 và cấp 3. Đúng là sẽ có những sự thay đổi, nhưng không qua lo lắng như một số nhà khác, ví dụ chuẩn bị thi cấp 3, đại học và những gia đình có con nhỏ cần, thì rất khó khăn trong việc tìm cách trong việc tìm cách giữ con để vẫn đi làm được. Tuy nghỉ nhưng không phải là kiểu nghỉ hè. Chương trình học sẽ vẫn được các thầy cô làm bằng mọi cách, qua internet, để giao bài cho các cháu làm hoặc có những giờ học trực tuyến.
Gia đình tôi rất thích đi ra ngoài, nhất là vào cuối tuần vào cuối tuần để đi các bảo tàng hoặc là đi ăn nhà hàng, thậm chí chúng tôi có một vài vé đã mua từ trước đây cả năm để đi xem hòa nhạc đến bây giờ thì hoàn toàn không được thực hiện. Bây giờ, mỗi cuối tuần cả nhà phải nghĩ xem là làm gì thay vào đó.
Tuy đúng là có xáo trộn nhưng nếu suy nghĩ một cách tích cực thì chúng ta lại nghĩ rằng phải thích nghi. Thay vào đó, vì dụ ở nhà, chúng tôi chơi những trò chơi tập thể nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn và đi ra ngoài, rất may quanh nhà tôi có nhiều rừng, nên có thể chạy hoặc đi bộ, hít thở để thay đổi không khí và giúp giữ vững thể chất và tinh thần ».
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200315-covid-19-phap-ra-lenh-dong-cua-hang-quan-vu-truong-chong-dich
Đức chặn Mỹ lôi kéo
công ty nghiên cứu vaccine chống virus Corona
Berlin đang tìm cách ngăn chặn Washington thuyết phục một công ty Đức đang nghiên cứu vaccine chống virus Corona chuyển sang Mỹ, theo Reuters.Hãng tin Anh dẫn lời các chính trị gia Đức nói rằng không một nước nào nên độc quyền về bất kỳ một loại vaccine nào trong tương lai.
Các nguồn tin trong chính phủ Đức hôm 15/3 nói với Reuters rằng chính quyền Mỹ đang tìm cách tiếp cận một loại vaccine tiềm năng chống COVID-19 mà công ty CureVac của Đức đang nghiên cứu.
XEM THÊM:
Việt Nam trong nhóm nhận 37 triệu đôla chống Corona của Mỹ
Trước đó, tờ Welt am Sonntag của Đức đưa tin rằng Tổng thống Trump đã đề nghị cấp vốn để thuyết phục CureVac chuyển sang Mỹ, và chính phủ Đức sau đó cũng đã có đề xuất về tài chính để thuyết phục công ty này ở lại Đức.
Tờ Welt am Sonntag cũng dẫn lời một nguồn tin giấu tên của Đức nói rằng ông Trump muốn độc quyền tiếp cận vaccine trị virus Corona cho Mỹ và “chỉ cho riêng Mỹ”.
Một phát ngôn viên Bộ Kinh tế Đức nói rằng Berlin “rất quan tâm” tới việc sản xuất vaccines ở Đức và châu Âu, theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BB%A9c-ch%E1%BA%B7n-m%E1%BB%B9-l%C3%B4i-k%C3%A9o-c%C3%B4ng-ty-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-vaccine-ch%E1%BB%91ng-virus-corona/5329692.html
Covid-19 : Tây Ban Nha phong tỏa đi lại trong hai tuần
Tú AnhLà nước thứ hai trong tâm dịch châu Âu với 193 người chết, Tây Ban Nha ban hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhiều : kể từ Chủ Nhật 15/03/2020, toàn quốc cách ly trong hai tuần lễ, theo mô hình của Ý.
Tất cả mọi di chuyển của người dân từ nơi này qua nơi khác cũng như các phương tiện giao thông công cộng bị kiểm soát chặt chẽ. Trong thành phố, người dân Tây Ban Nha chỉ có quyền ra khỏi nhà để đi chợ. Chính phủ xã hội thông báo biện pháp triệt để này để chống đại dịch sau nhiều ngày cân nhắc.
Từ Madrid, thông tín viên François Musseau tường thuật :
« Đến tiệm thuốc tây, đi siêu thị mua thức ăn, dẫn chó đi dạo… đó là những sinh hoạt hiếm hoi mà chính phủ Tây Ban Nha cho phép trong mùa đại dịch. Thời gian còn lại, người dân dứt khoát phải ở trong nhà, không được ra đường.
Để bảo vệ sức khỏe của mình và để bảo vệ sức khỏe người khác nữa tại các tụ điểm công cộng cho nên người dân không được phép vào công viên, vườn hoa công cộng.
Một cách tổng quát, việc di chuyển chỉ được cho phép trong trường bất khả kháng hầu giảm thiểu tối đa cơ hội lây lan của virus corona.
Cảnh sát, vệ binh quốc gia và quân đội có trách nhiệm kiểm soát việc đi lại của cá nhân. Chỉ có những người mà nghề nghiệp đòi hỏi phải di chuyển mới được phép. Đó là lý do mà các phương tiện giao thông công cộng phục vụ thành phố như xe điện, hay xa hơn như xe lửa, máy bay vẫn được duy trì nhưng số hành khách không được quá 50% số ghế, để giữ một khoảng cách an toàn.
Về phần giới chính trị gia Tây Ban Nha, họ tuyên bố tuân thủ kỷ luật để làm gương nhưng nhiều người đã bị lây nhiễm trong đó có nữ bộ trưởng bộ bình đẳng nam nữ, phó thủ tướng Pablo Iglesias và phu nhân thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ».
Tình hình Châu Âu, tâm dịch thế giới, theo WHO
Tại Ý, nước thứ hai trên thế giới bị dịch Covid-19 hoành hành sau Trung Quốc, trong 24 giờ qua, có thêm 3.500 ca lây nhiễm mới, với tổng số bệnh nhân là gần 22.000 và 1.441 người chết.
Đan Mạch thông báo có người chết đầu tiên. Chính phủ Áo kêu gọi dân chúng tự cách ly và thông báo tháo khoán 4 tỷ euro hỗ trợ các công ty bị tác hại.
Thụy Sĩ cho biết sẽ huy động thêm các tiểu đoàn quân y để giúp bệnh viện dân y chống dịch. Kể từ Chủ Nhật 15/03, hàng quán, tụ điểm giải trí ở bang Tessin, sát biên giới với Ý sẽ đóng cửa.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200315-covid-19-tay-ban-nha-phong-toa-di-lai-trong-hai-tuan
Nữ tổng thống đầu tiên của Hy Lạp
tuyên thệ nhậm chức
Tin từ Athens, Hy Lạp – Hôm thứ Sáu (13/03/2020), nữ tổng thống đầu tiên của Hy Lạp, một cựu thẩm phán tòa án tối cao đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, gần hai tháng sau khi phần lớn thành viên quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu bầu cho bà. Buổi lễ tuyên thệ của tổng thống Katerina Sakellaropoulou, 63 tuổi, diễn ra tại một tòa nhà quốc hội gần như trống trơn, một biện pháp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.Chỉ một số ít viên chức và một số nhà báo tham gia. Hy Lạp đã đóng cửa các trường học, đại học, rạp chiếu phim, nhà hát, phòng tập thể dục và hộp đêm, và chính quyền đã khuyến cáo mọi người ở nhà và tránh các cuộc tụ họp lớn trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Đất nước này cho đến nay đã có 117 ca xác nhận nhiễm virus và một ca tử vong. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên truyền hình nhà nước. Tân tổng thống đã từng đứng đầu Hội đồng Nhà nước, tòa án hành chính cao nhất nước, kể từ năm 2018. Bà tiếp quản nhiệm kỳ tổng thống năm năm từ chính trị gia bảo thủ kỳ cựu Prokopis Pavlopoulos. Trong một bài phát biểu ngắn tại dinh tổng thống, bà Sakellaropoulou đã nói về cuộc chiến chống coronavirus và cuộc khủng hoảng di dân Syria từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần đây là hai thách thức chính của đất nước. Nữ tổng thống cũng kêu gọi tất cả người Hy Lạp tuân thủ nghiêm ngặt mọi hướng dẫn của các cơ quan y tế để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, và trong buổi tuyên thệ, mọi người không bắt tay hoặc ôm nhau chúc mừng.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nu-tong-thong-dau-tien-cua-hy-lap-tuyen-the-nham-chuc/
Syria : Xung đột sang năm thứ 10,
Damas vẫn chưa làm chủ phía đông
Minh AnhChủ Nhật, 15/3/2020, xung đột tại Syria bước vào năm thứ mười. Hơn 380 ngàn người chết, trong đó hơn 116 ngàn thường dân, theo số liệu mới nhất của đài Quan Sát Nhân Quyền Syria. Khoảng từ 11-25 triệu người dân phải di tản.
Bắt nguồn từ các cuộc biểu tình đòi dân chủ, cuộc xung đột dần theo thời gian biến thành một cuộc chiến phức tạp, với sự can dự của nhiều nhóm nổi dậy, nhiều phe thánh chiến và cường quốc ngoại bang.
Thông tín viên RFI trong khu vực Paul Khalifeh điểm lại tình hình cuộc xung đột tàn khốc này :
« Trước khi Nga can dự vào cuộc xung đột, tháng 9/2015, quân đội Syria chỉ kiểm soát được khoảng hơn 10% lãnh thổ. Đó là một vùng lãnh thổ bị đứt đoạn, bao gồm cả thủ đô Damas và nhiều thành phố lớn, trong khi đa số các vùng nông thôn đều rơi vào tay của phe nổi dậy và quân thánh chiến.
Năm năm sau đó, với sự hỗ trợ của Nga, Iran và phe Hezbollah tại Liban, các đạo quân của chính phủ lần lượt lấy lại kiểm soát biên giới với Jordani và Liban, một phần biên giới với Irak. Quân đội Syria tái chiếm được 70% diện tích lãnh thổ, khôi phục lại nhiều tuyến giao thông giữa các vùng, gần đây nhất là xa lộ M5, đi xuyên Syria từ Bắc đến Nam, qua cả Damas và Aleppo.
Theo thời gian, quân đội Syria và các đồng minh của Damas tiêu diệt các lữ đoàn của phe đối lập có vũ trang, và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, từng kiểm soát đến phân nửa đất nước. Đà thắng xông lên,
quân đội Damas đã kiểm soát một phần lớn tỉnh Idleb, ổ kháng cự cuối cùng của phe nổi dậy và quân thánh chiến.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một tác nhân lớn sau cùng có ảnh hưởng tại vùng tây bắc. Vùng đất phía đông bắc Syria, do người Kurdistan kiểm soát, vẫn còn nằm ngoài vòng kiểm soát của chính quyền trung ương. Cùng với các đồng minh, Bachar al-Assad đảo ngược thế cờ, hiện tương quan lực lượng nghiêng về phía ông. Tuy nhiên, ông ngự trị trên một đất nước điêu linh, với cơ sở hạ tầng bị phá hủy và nền kinh tế bị tàn phá nặng nề ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200315-syria-xung-dot-nam-thu-10-damas-van-chua-lam-chu-phia-dong
Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa:
Bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên (09/3) đã bắn 3 “vật thể bay chưa xác định” từ bờ biển phía Đông ở tỉnh Nam Hamgyong của Triều Tiên.JCS cho biết 3 vụ phóng được thực hiện từ một thị trấn ở tỉnh Nam Hamgyong của Triều Tiên, vụ phóng nằm trong khuôn khổ hoạt động tập trận bắn đạn thật đang diễn ra, trong đó Bình Nhưỡng sử dụng các bệ phóng tên lửa đa nòng. Các vật thể bay của Triều Tiên đã đi xa 200 km và đạt độ cao tối đa 50 km so với mực nước biển. Hiện quân đội Hàn Quốc đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, đồng thời quan sát nhất cử nhất động bên phía miền Bắc.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cũng thông báo nhanh rằng vật thể bay phóng từ Triều Tiên không đi vào địa phận Nhật Bản và cũng không đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản lên án rằng việc Triều Tiên liên tiếp bắn các vật thể bay, được coi là tên lửa đạn đạo, là vấn đề vô cùng nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản; đồng thời cam kết sẽ nỗ lực tiếp tục cảnh giới và thu thập thông tin để bảo vệ tới cùng tính mạng và tài sản của người dân. Phản ứng trước diễn biến trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng ngày đã cho triển khai lực lượng thu thập và phân tích thông tin về vụ phóng các vật thể bay của Triều Tiên; đồng thời vẫn yêu cầu nội các thực hiện biện pháp để bảo vệ an toàn các chuyến bay và tàu thuyền đi lại trên biển, chuẩn bị đầy đủ cho các tình huống bất ngờ.
Vụ thử trên diễn ra trong bối cảnh Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế Christopher Ford (05/3) cho biết, Mỹ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên một cách sớm nhất có thể, đồng thời hy vọng sẽ được Bình Nhưỡng hồi đáp. Theo ông Christopher Ford, “từ quan điểm của Bộ Ngoại giao, sự thật vẫn là chúng tôi sẵn sàng, có thiện chí và chuẩn bị đầy đủ cho sự khởi đầu của những cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên… Chúng tôi đang sẵn sàng cho điều đó và mong muốn nhận được hồi đáp từ họ và tiến về phía trước một cách sớm nhất có thể”.
Trước đó, Triều Tiên (02/3) cũng bắn 2 tên lửa được cho là tên lửa đạn đạo từ Wonsan, thuộc bờ biển phía Đông, hướng về phía biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông). Đây là vụ phóng tên lửa mới nhất của nước này kể từ hôm 28/11/2019, đánh dấu lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng tên lửa từ Wonsan sau khi thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Ngay sau vụ việc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu phản đối Triều Tiên tập trận. Họ cho rằng các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Bỉ, Estonia, Pháp, Đức và Anh lên án các vụ thử tên lửa này làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định khu vực cũng như quốc tế.
Trước phản ứng của cộng đồng quốc tế, Bộ Ngoại giao Triều Tiên (07/3) đã gọi những động thái của châu Âu trước các vụ phóng thử tên lửa gần đây của Triều Tiên là “hành vi liều lĩnh… do Mỹ xúi giục”; đồng thời lên tiếng chỉ trích các quốc gia châu Âu “phản ứng thái quá” khi kêu gọi tổ chức một cuộc họp với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để lên án các vụ phóng tên lửa Triều Tiên hôm 02/3. Trước đó, Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và là một quan chức cấp cao trong chính phủ, đã giải thích các cuộc phóng tên lửa hôm 2/3 chỉ là các cuộc tập trận quân sự, không có ý đồ đe dọa ai; cho rằng Hàn Quốc không có tư cách chỉ trích Triều Tiên khi chính họ đã tiến hành các cuộc tập trận riêng hay chung với Mỹ. Cô cho rằng việc Seoul lên án Bình Nhưỡng là một “hành động thực sự vô nghĩa” và “hoàn toàn ngu ngốc”, so sánh động thái này như “con chó sủa trong sợ hãi”.
Tuyên bố của Kim Yo-jong phản ánh sự bế tắc trong quan hệ liên Triều sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều thứ hai tháng 2/2019 không đạt được kết quả. Kể từ đó, Bình Nhưỡng kêu gọi Seoul từ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế và củng cố quan hệ kinh tế liên Triều nhưng Hàn Quốc từ chối. Giới chuyên gia nhận định, việc Kim Yo-jong đưa ra một tuyên bố lên án mạnh mẽ như vậy cho thấy Triều Tiên đang gia tăng áp lực với Hàn Quốc và tuyên bố này có thể báo hiệu rằng địa vị của cô đã gia tăng trong bộ máy chính quyền Triều Tiên.
http://biendong.net/bien-dong/33539-trieu-tien-tiep-tuc-thu-ten-lua-ban-dao-trieu-tien-ngay-cang-cang-thang.html
Sau thất bại thảm hại,
Quốc dân Đảng Đài Loan chính thức có Chủ tịch mới
Nhận kết quả thất bại nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử, buộc Quốc dân Đảng Đài Loan phải tiến hành cải tổ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri. Với chiến thắng áp đảo, nghị viên Giang Khải Thần chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc dân đảng.Quốc dân đảng Đài Loan (07/3) đã công bố kết quả bầu cử Chủ tịch đảng. Theo kết quả cuối cùng, Nghị viên Giang Khải Thần đã giành chiến thắng áp đảo, với số phiếu gấp đôi đối thủ là cựu Phó chủ tịch Hạo Long Bân. Tân Chủ tịch Giang Khải Thần năm nay 48 tuổi, từng có thời gian du học ở Mỹ và tham gia chính trường từ năm 2010. Sáng ngày 9/3, Ủy viên lập pháp thuộc Quốc Dân Đảng, tuyên thệ nhậm chức chủ tich Quốc Dân Đảng. Các cựu chủ tịch Quốc Dân Đảng Ngô Bá Hùng, Mã Anh Cửu và Ngô Đôn Nghĩa đều đến dự Lễ nhậm chức.
Phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Giang Khải Thần cho biết, sự kết thúc của cuộc bầu cử là sự khởi đầu của đoàn kết, Quốc Dân Đảng cần phải có sự “đối thoại” giữa các thế hệ chứ không phải “đối kháng”, cần phải “hợp tác” giữa các thế hệ chứ không phải “xung đột”. Ông sẽ làm tốt vai trò kế thừa, thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các thế hệ khác nhau trong đảng, cùng nhau đi về phía trước. Bên cạnh đó, tân Chủ tịch Giang Khải Thần cho biết, “trong những năm gần đây, do những thay đổi nhanh chóng trong tình hình của trong và ngoài nước, nền tảng của sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bờ eo biển Đài Loan thực sự đã gặp phải những thách thức lớn, trong tương lai, chúng ta cần phải xây dựng lại, nhưng vào lúc này, việc quan trọng nhất của Quốc Dân Đảng là cải cách nội bộ. Xét đến cùng, chúng ta phải giành lại niềm tin của xã hội Đài Loan mới có thể thảo luận đến vấn đề làm thế nào để kéo gần thỏa thuận chung giữa hai bờ eo biển Đài Loan”. Ông Giang cũng tuyên bố sẽ sớm hoàn thành công tác phân công các vị trí chủ chốt, thực hiện lời hứa cải tổ Quốc dân đảng, bao gồm điều chỉnh đường lối lẫn tìm kiếm nhân tài mới cho đảng, qua đó khôi phục “vinh quang đã mất”. Đáng chú ý, liên quan “Đồng thuận 1992” (với nguyên tắc “Một Trung Quốc” là tư tưởng chủ đạo), ông Giang nhấn mạnh “nguyên tắc cơ bản của ông là tuân thủ các giá trị của hệ thống tự do và dân chủ của Trung Hoa Dân Quốc và sẽ nỗ lực phấn đấu vì hòa bình và hạnh phúc chung của hai bờ eo biển Đài Loan, nhưng trong giai đoạn hiện nay, việc quan trọng nhất của Quốc Dân Đảng là cải tạo, cải cách, phải giành được sự tín nhiệm của người dân trước mới có thể nói về vấn đề hai bờ eo biển Đài Loan”. Ngoài ra, tân Chủ tịch Quốc dân đảng cũng đề xuất 03 biện pháp cải tổ nội bộ Quốc dân đảng theo hướng hợp tác giữa các thế hệ, nội địa hóa và số hóa. Trước hết, trong cách bố trí sắp xếp nhận sự của Quốc dân đảng sẽ ưu tiến sử dụng nhân sự trẻ có trình độ chuyên môn và kết hợp với những người cao niên có kỹ năng làm việc trong đảng để hỗ trợ kết nối và truyền kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ. Thứ hai, các đảng chính trị cần phải nhạy cảm với biến động của dư luận. Thứ ba, Quốc dân đảng phải được hiện đại hóa và số hóa. Trong tương lai, hoạt động của Quốc dân đảng và giao tiếp bên ngoài sẽ yêu cầu sử dụng một số lượng lớn công nghệ truyền thông.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cũng gửi lời chúc mừng đến tân Chủ tịch Quốc Dân Đảng Giang Khải Thần, đồng thời bày tỏ hy vọng hai đảng có thể cùng nhau tăng cường cơ chế dân chủ của Đài Loan và cạnh tranh lành mạnh trên cơ chế dân chủ này. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Quốc dân đảng Mã Anh Cửu cho rằng thách thức lớn nhất của ông Giang Khải Thần trong tương lai sẽ là cải cách nội bộ của Quốc dân đảng. Tuy nhiên, ông Mã Anh Cửu vẫn bày tỏ quan điểm của mình về Quốc dân đảng. Ông Mã cũng tái khẳng định sự ủng hộ chiến lược “thân Mỹ, hòa hợp Đại lục và hữu nghị với Nhật Bản”.
Đámg chú ý, sau khi ông Giang Khải Thần giành chiến thắng, giới chức Trung Quốc không đưa ra các tuyên bố cũng như bày tỏ chúc mừng chiến thắng của ông Giang. Người phát ngôn Văn phòng Quan hệ Đài Loan Chu Phong Liên (07/3) chỉ đưa ra thông cáo báo chí cho biết ông lưu ý kết quả của cuộc bầu cử Quốc dân đảng; nhấn mạnh trong nhiều năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng có mối quan hệ thân thiết trên cơ sở chính trị chung chống lại thế lực “Đài độc”, cho biết hai bên cần củng cố niềm tin lẫn nhau và tương tác tích cực, tích cực thúc đẩy sự phát triển hòa bình của các mối quan hệ qua eo biển, và thúc đẩy lợi ích và phúc lợi của người dân ở hai bên eo biển. Bên cạnh đó, Chu Phong Liên cũng cho biết rằng tình hình hiện tại của các mối quan hệ xuyên eo biển rất căng thẳng và hy vọng rằng dưới sự lãnh đạo của Giang Khải Thần, Quốc dân đảng sẽ trân trọng và duy trì nền tảng chính trị hiện có của hai bên, đóng vai trò là cầu nối liên lạc giữa các eo biển và cố gắng giữ hòa bình chung. Tuy nhiên, lần này Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã không gửi tin nhắn chúc mừng như thường lệ.
Theo Giáo sư Fan Shiping, Khoa Chính trị của Đại học Sư phạm Đài Loan cho rằng đây không phải là “tín hiệu tốt” đối với tân Chủ tịch Quốc dân đảng. Giáo sư Fan Shiping nhận định rắc rối hiện tại của Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc “không quan tâm” đến sự tồn tại của Giang Khải Thần và chính trong dư luận nội bộ Đài Loan cũng không ai thảo luận về cuộc bầu cử chủ tịch Quốc Dân Đảng.
Được biết, Quốc dân đảng thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, buộc Chủ tịch Ngô Đôn Nghĩa cùng toàn bộ thành viên Ủy ban trung ương Quốc dân đảng phải chịu trách nhiệm cho thất bại bằng cách từ chức.
http://biendong.net/bien-dong/33532-sau-that-bai-tham-hai-quoc-dan-dang-dai-loan-chinh-thuc-co-chu-tich-moi.html
Virus corona: Trùm bất động sản TQ ‘mất tích’
sau khi chỉ trích chính quyền xử lý dịch
Một cựu chủ tịch tập đoàn bất động sản Trung Quốc từng chỉ trích ông Tập Cận Bình trong việc xử lý dịch virus corona đã mất tích, Reuters dẫn lời ba người bạn của ông này cho biết.Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), năm nay 69 tuổi, cựu chủ tịch tập đoàn bất động sản nhà nước Huayuan và từng là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bạn bè ông nói với Reuters rằng họ không liên lạc được với ông kể từ ngày 12/3.
Trung Quốc: Khi Covid-19 không nghe lời Đảng Cộng sản
Phương Phương ở Vũ Hán: ‘Quan chức Trung Quốc rất giỏi đẩy trách nhiệm’
WeChat của Trung Quốc chặn từ khóa liên quan đến virus
“Nhiều người bạn của chúng tôi đang tìm kiếm ông ấy,” người bạn thân và nữ doanh nhân Wang Ying nói với Reuters và mô tả rằng họ đang cực kỳ lo lắng.
“Nhậm Chí Cường là một nhân vật của công chúng và sự mất tích của ông được nhiều người biết đến. Những tổ chức nào chịu trách nhiệm cho việc này cần đưa ra một lời giải thích hợp lý và hợp pháp, càng sớm càng tốt”, bà nói, theo Reuters.
Trước đó, ông Nhậm trong một bài viết chia sẻ với những người bạn đã chỉ trích một bài phát biểu của ông Tập vào ngày 23/2, mà báo chí nhà nước loan tin là được truyền hình trực tiếp tới 170 ngàn quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo New York Times, những tuần gần đây, một bài viết của ông Nhậm được lan truyền trong giới tinh hoa ở Trung Quốc và hải ngoại, trong đó, cáo buộc chính phủ nước này bịt miệng những người đưa ra thông tin cảnh báo về dịch bệnh và cố gắng che giấu sự bùng phát của dịch, bắt đầu ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12.
Trong bài viết này, tuy không trực tiếp nêu tên ông Tập, nhưng theo New York Times, ông ám chỉ về nhà lãnh đạo Trung Quốc và liên tục nhắc đến bài phát biểu và hành động của ông Tập.
“Tôi thấy không phải là một vị hoàng đế đứng đó để khoe bộ quần áo mới của ông ta, mà là một chú hề cởi trần và khăng khăng tiếp tục làm hoàng đế”, ông viết.
Ông Nhậm cũng viết rằng việc Đảng Cộng sản cầm quyền hạn chế quyền tự do ngôn luận đã làm trầm trọng thêm dịch virus corona.
Cảnh sát Bắc Kinh đã chưa trả lời các đề nghị qua điện thoại và fax của Reuters hôm 15/3 để đưa ra bình luận về chuyện này. Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng chưa ngay lập tức trả lời đề nghị qua fax của Reuters.
Vụ ông Nhậm mất tích giữa khi việc thảo luận về dịch bệnh trên truyền thông địa phương và mạng xã hội đã bị thắt chặt kiểm duyệt trong những tuần gần đây tại Trung Quốc.
Cũng theo New York Times, chính quyền Trung Quốc cũng đang ra sức tuyên truyền cho hình ảnh ông Tập như một anh hùng đang lãnh đạo đất nước giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh toàn dân nhằm chống lại virus.
Virus corona tiết lộ vô số cách thế giới e sợ Trung Quốc
Chủ hiệu sách Quế Mẫn Hải ở Hong Kong bị án tù 10 năm
Người Uighur bị đưa đi cải tạo chỉ vì ‘để râu’ và ‘che mặt’
Ông Nhậm vốn có biệt danh là ‘Khẩu đại bác’ (The Cannon) do trước đây ông từng viết bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội, công khai chỉ trích các chính sách của chính phủ, như chính sách nghiêm ngặt của Trung Quốc hạn chế dân số ở các thành phố lớn.
Ông cũng từng viết rằng, thay vì phục vụ cho đảng, truyền thông Trung Quốc nên phục vụ cho người dân.
Ông bị xem là mất tinh thần của người đảng viên và năm 2016, từng bị quản chế một năm, sau đó bị theo dõi sát sao.
Khi đó, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Weibo đóng cửa tài khoản của ông, mà khi đó đã có hơn 30 triệu người theo dõi, và cho rằng, ông Nhậm phát tán thông tin bất hợp pháp.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51894490
TQ cải tiến tàu chiến Type 053:
Bước chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh với Mỹ
Truyền thông Trung Quốc cho biết, Hải quân nước này đã hoàn thành quá trình cải tiến, nâng cấp tàu khu trục Yupe 053H3 nhằm bổ sung mạnh mẽ cho lực lượng phòng thủ ngoài khơi của Trung Quốc.Lớp khinh hạm Type- 053 (định danh theo NATO là Jianghu – Giang Hỗ) được Hải quân Trung Quốc phát triển và chế tạo với số lượng lớn làm tàu hộ vệ tên lửa. Các tàu Type 053 vốn là tàu khu trục hạm hạng nhẹ nhưng sau đó được Trung Quốc chuyển đổi mục đích sử dụng, cải tiến chúng thành các loại hình tàu hộ vệ. Đa phần các tàu thuộc lớp Type 053 có thiết kế gần giống nhau và hầu hết các loại Type 053 đều được Trung Quốc triển khai phi pháp tuần tra, tập trận và điều đến các đảo, đá ở Biển Đông như Phú Lâm, Gạc Ma, Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn, Tri Tôn.
Các tàu khinh hạm loại này hiện gồm mấy loại của lạc hậu lớp Type 053 vốn đang bị thay thế nhanh chóng bằng các tàu mới đưa vào biên chế lớp Type 054А (Type 054 chỉ được đóng 2 chiếc và là biến thể quá độ). Chủ lực của đội tàu khinh hạm lạc hậu của Trung Quốc là các lớp Type 053H2G và Type 053H3. Type 053H2G được đóng vào đầu thập niên 1990 và được đưa vào biên chế hải quân từ năm 1991-1994. Tàu có lượng giãn nước đầy đủ 2.250 tấn, chiều dài 111,7 m, tầm hoạt động 4.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 18 hải lý/h, trang bị 6 bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-1 tầm bắn 40 km hay các tên lửa chống hạm hiện đại hơn tầm bắn đến 120 km, hệ thống tên lửa phòng không HQ-61 với bệ phóng mang 6 tên lửa tầm bắn đến 10 km (tương tự hệ thống tên lửa phòng không Sea Sparrow). Vũ khí pháo gồm 1 ụ pháo hai nòng 100 mm (tầm bắn 22 km, trọng lượng quả đạn 15,9 kg), 4 ụ pháo hai nòng 37 mm, 2 hệ thống phóng bom Type 87 và các thiết bị rải nhiễu, 1 trực thăng (Niên giám “Jane’s Fighting Ships 2004-2005” nêu có 2 trực thăng trên các tàu Type 053H2G và Type 053H3 – trang 128-129, nhưng điều này đáng ngờ vì do hạn chế về kích thước của tàu (chiều rộng chỉ khoảng 11 м), kích thước hăng-ga và bố trí hai bên hăng-ga 2 ụ pháo 37 mm.
Trong khi đó, Type 053H3 là sự phát triển tiếp theo của Type 053H2G và có thân tàu, lượng giãn nước và kích thước trên tàu giống nhau. Các tàu này được đóng từ cuối thập kỷ 1990, được đưa vào biên chế từ năm 1998 đến đầu những năm 2000. Khác biệt chủ yếu so với Type 053H2G là việc lắp hệ thống tên lửa phòng không HQ-7 (Naval Crotale) với bệ phóng mang 8 ống phòng, các vũ khí còn lại gần như giống hoàn toàn Type 053H2G. Tàu này được trang bị các hệ thống phát hiện mục tiêu bay Type 517 (Knife Rest) và phát hiện mục tiêu bay/mặt nước Type 360 (DRBV-15 SEA TIGER của Pháp), dẫn
đường Decca 1290 của công ty Racal, điều khiển hỏa lực Type 343G, Type 345 (Castor III) và Type 341G Rice Lamp.
Theo giới chuyên gia, đã tham gia hải quân Trung Quốc khoảng 20 năm trước, tàu khu trục Type 053H3 đã trở nên lỗi thời vào thời điểm Trung Quốc phát triển khinh hạm Type- 054 và tàu hộ tống Type 056 mới hơn. Bên cạnh đó, hệ thống điện lực của 053H2 thiết kế phi khoa học đã dẫn đến rất nhiều sự cố, hệ thống động lực thiếu tin cậy, hệ thống kiểm soát rủi ro trên tàu cũng có nhiều hạn chế, thiết kế vỏ tàu không chắc chắn, rất dễ gặp sự cố thủng thân tàu hoặc rò rỉ nước.
Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh liên tục điều các loại hình vũ khí (tàu chiến, máy bay…) hiện đại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khiến các tàu khu trục Type 053 của Trung Quốc không còn đáp ứng được yêu cầu tác chiến. Việc này buộc Chính quyền Bắc Kinh phải đưa ra các phương án cải tiến, nâng cấp tàu chiến hoặc đóng mới các loại tàu mới, có khả năng răn đe hơn. Tuy nhiên, để tiết kiệm kinh phí và thời gian đóng tàu, phương án nâng cấp các tàu Type 053 là một trong những lựa chọn quan trọng của Bắc Kinh. Theo giới phân tích, với một hệ thống tên lửa phòng không mới và hệ thống vũ khí tầm gần, một khinh hạm Type 053H3 nâng cấp đã tham gia một cuộc tập trận hải quân gần đây và các nhà phân tích hy vọng nó sẽ trở thành sự bổ sung mạnh mẽ cho lực lượng phòng thủ ngoài khơi của Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu cho biết tàu khu trục Type 053H3, trải qua chương trình hiện đại hóa giữa vòng đời, đã được nhìn thấy lần đầu tiên sau khi nâng cấp tham gia một cuộc tập trận thực sự trong một báo cáo chính thức. Cuộc tập trận trên diễn ra tại Hạm đội Nam Hải, trong đó có một đoạn video cho thấy con tàu chiến trong cuộc tập trận. Theo đó, khinh hạm Type 053H3 đã thay thế tên lửa đất đối không tầm ngắn HHQ-7 cũ bằng hệ thống tên lửa phòng không HHQ-10 tiên tiến hơn. Con tàu cũng được trang bị một hệ thống vũ khí tầm gần mới, được cho là phát triển từ hệ thống AK-630 của Nga với pháo xoay 30 mm sáu nòng. Bên cạnh đó, Type 053H3 vẫn được trang bị vũ khí tầm ngắn có nghĩa là con tàu có nhiều khả năng thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ ngoài khơi, phối hợp với loại tàu tiên tiến hơn nhưng nhỏ hơn là tàu hộ tống lớp Type-056.
Việc Trung Quốc nâng cấp thành công và biên chế tày Tyoe 053 cho hạm đội Nam Hải được cho là bước chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh với Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hành động trên của Trung Quốc cũng sẽ đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Theo đó, khi Trung Quốc triển khai tàu chiến mới cải tiến ở Biển Đông sẽ đi ngược lại các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển trong khu vực. Ngoài ra, khi Trung Quốc triển khai tàu chiến mới cải tiến ở Biển Đông cũng sẽ vi phạm các thỏa thuận song phương, đa phương mà Trung Quốc đã ký kết; cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)
Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây, Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/33537-tq-cai-tien-tau-chien-type-053-buoc-chuan-bi-cho-cuoc-canh-tranh-voi-my.html
Thăm Vũ Hán: Thông điệp muộn màng
của Chủ tịch Tập Cận Bình
Truyền thông Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (10/3) đã tới thăm thành phố Vũ Hán, trung tâm bùng phát dịch bệnh toàn cầu do virus corona gây ra. Hành động này của ông Tập được cho là gửi thông điệp khẳng định dịch Covid-19 đã được khống chế thành công.Trái ngược với Thủ tướng Lý Khắc Cường, người đã đến Vũ Hán ngay khi dịch bệnh bùng phát, ông Tập Cận Bình đợi đến khi dịch Covid-19 hoàn toàn được khống chế và tình trạng lây lan của dịch bệnh đã giảm tốc đáng kể, mọi sự chú ý của nước này hiện tập trung vào việc ngăn chặn các ca lây nhiễm từ bên ngoài, như Iran, Italia và Hàn Quốc mới tới thủ phú tỉnh Hồ Bắc. Truyền thông Trung Quốc cho biết ông Tập Cận Bình tới Vũ Hán vào thời điểm Trung Quốc ghi nhận thêm 19 ca nhiễm virus trong ngày 10/3 và ông sẽ đi kiểm tra các nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, thăm nhân viên y tế, bệnh nhân và những người ở tiền tuyến chống Covid-19.
Hành động này của ông Tập khiến giới truyền thông, chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế nhận định là thông điệp cho thấy, Bắc Kinh tin rằng những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của nước này thực sự hiệu quả. Giáo sư Trương Minh, Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định “sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình ở Vũ Hán có nghĩa là Trung Quốc có thể sẽ sớm tuyên bố chiến thắng virus”. Hiện thời, việc phong toả ở tỉnh Hồ Bắc, nơi Vũ Hán là thủ phủ, đã được nới lỏng. Cùng thời điểm ông Tập Cận Bình thăm Vũ Hán, toàn bộ các bệnh viện dã chiến tại thành phố này đã được đóng cửa. Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích rằng sau khi bùng phát bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, Tập Cận Bình đã không xuất hiện ở Vũ Hán trong một thời gian dài, vì vậy ông đã bị dư luận chỉ trích. Và cuộc kiểm tra đột ngột của ông Tập ở Vũ Hán tại thời điểm này có thể bị ép buộc bởi hai mối quan tâm lớn. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng chính trị, thứ hai là tác động của nền kinh tế. Giới học giả Trung Quốc cho rằng mục đích chính của chuyến thăm Vũ Hán của Tập Cận Bình là để khuyến khích mọi người nhanh chóng quay trở lại sản xuất. Dịch bệnh này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc, khiến nền kinh tế rơi vào bế tắc và chịu tác động to lớn chưa từng thấy. Nhiều chuyên gia và học giả đã phân tích và chỉ ra rằng dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP xuống còn khoảng 3% trong quý đầu tiên.
Trong khi đó, Đài RFI (11/3) cho biết giới trong chuyến thị sát này của ông Tập Cận Bình, lực lượng cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành “bao vây” trùng điệp, ngăn chặn người dân có thế tiếp xúc gần với ông Tập. Một số video và cuộc trò chuyện cho thấy Tập Cận Bình đi qua khu phố và cảnh sát đóng quân trên đường phố được bảo vệ bởi các cửa sổ kính hoặc ban công trên đường phố, nhiều lính bắn tỉa được lệnh cảnh giác và sẵn sàng bắn hạ mục tiêu trên nóc các tòa nhà cao tầng xung quanh. Tờ New York time (11/3) nhận định khi sự chậm trễ ban đầu của chính phủ Trung Quốc và sự nhầm lẫn có chủ ý đã đẩy nhanh sự lây lan của virus Covid-19, ông Tập Cận Bình và các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc khác đã phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ từ trong và ngoài nước. Bây giờ các trường hợp nhiễm bệnh trong nước đang giảm, phản ứng của họ là mô tả Trung Quốc là nước tiên phong trong việc kiểm soát toàn cầu đối với virus Covid-19. Mặc dù các phương tiện truyền thông chính thức đã dành nhiều thời gian để đưa tin về chuyến thăm Vũ Hán của Tập Cận Bình, nhưng việc tuyên truyền này không làm giảm bớt nỗi đau và nỗi buồn do dịch bệnh gây ra, cũng không thể sửa chữa những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra. Hàng trăm triệu người Trung Quốc vẫn sống dưới những hạn chế cách ly tương tự, và việc đi lại giữa các thành phố vẫn bị hạn chế.
Được biết, truyền thông nhà nước Trung Quốc đang phát động một chiến dịch tuyên truyền mới nhằm nhổ tận gốc cái họ gọi là các “tư tưởng độc hại” và khơi dậy lòng yêu nước trong quần chúng. Chiến dịch này được khởi động đúng vào thời điểm có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh Covid-19 chết người đang giảm đà lây nhiễm ở Trung Quốc đại lục, với số ca mắc mới đã giảm liên tiếp trong 4 ngày qua. Bên cạnh đó, truyền thông Trung Quốc cũng đang tích cực ca ngợi các nỗ lực của nước này trong việc chống lại dịch bệnh; cho rằng phương Tây, đặc biệt là Mỹ, “nợ Trung Quốc một lời xin lỗi về virus corona chủng mới” vì tất cả những sự vu khống và hả hê trước đây. Báo chí Trung Quốc cũng phản bác quan điểm của phương Tây cho rằng Vũ Hán là nơi sinh ra virus SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19). Họ trích dẫn các điều tra ban đầu của giới chức y tế Mỹ, Italy, Iran… phát hiện ra rằng nhiều người bị nhiễm bệnh Covid-19 ở các nước này không có tiếp xúc với người Trung Quốc hoặc công dân các nước châu Á khác trước khi họ lâm bệnh. Thực tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của Mỹ tuần trước đã thừa nhận rằng có vài ca nhiễm “không rõ nguồn gốc” lây từ đâu.
http://biendong.net/bien-dong/33536-tham-vu-han-thong-diep-muon-mang-cua-chu-tich-tap-can-binh.html
Trung Quốc chỉ trích
bình luận của quan chức Mỹ về dịch Covid-19
Trung Quốc vừa lên tiếng chỉ trích quan chức Mỹ đã có những phát biểu thiếu trách nhiệm nhằm đổ lỗi cho Bắc Kinh trong việc để bùng phát dịch bệnh Covid-19.Vào hôm 11-3, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã cáo buộc Trung Quốc phản ứng chậm chạm trong những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19 và điều này đã lấy đi của thế giới 2 tháng để có thể ứng phó với sự lây lan của loại virus nguy hiểm.
Phản hồi với bình luận của ông O’Brien, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã chỉ trích đây là những lời lẽ “vô trách nhiệm” từ một quan chức không giúp gì cho nỗ lực chống dịch của Mỹ.
“Chúng tôi mong một số quan chức Mỹ hãy tập trung sức lực cho việc ứng phó với virus và thúc đẩy sự hợp tác, đồng thời không đổ lỗi cho Trung Quốc”, ông Cảnh Sảng nhấn mạnh.
Virus corona mới xuất hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ tháng 12-2019. Trong khi Trung Quốc đang cho thấy sự khởi sắc trong kiểm soát dịch bệnh thì những tuần gần đây đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm ở các nước khác.
Tính đến ngày 12-3, hơn 119.000 người đã nhiễm virus trên toàn cầu và gần 4.300 ca tử vong, hầu hết ở Trung Quốc. Mỹ đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm và 30 ca tử vong.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33514-trung-quoc-chi-trich-binh-luan-cua-quan-chuc-my-ve-dich-covid-19.html
Thêm bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc
dung túng cho việc mổ cướp nội tạng
Lục DuChính quyền Trung Quốc coi số lượng người được ghép tạng là một bí mật nhà nước. Tuy nhiên sự thật đang dần hé lộ, những bằng chứng xuất hiện ngày càng nhiều đang củng cố cho kết luận: nguồn cung nội tạng cho hệ thống ghép tạng của Trung Quốc có liên hệ với các tù nhân lương tâm bị hành quyết.
Hệ thống cấy ghép tạng ở Trung Quốc có thể thực hiện được điều thần kỳ không đâu làm được. Ai có nhu cầu mua nội tạng người chỉ cần 24 đến 72 giờ sẽ được đáp ứng. Trong khi đó, với một yêu cầu tương tự ở Hoa Kỳ, người ta sẽ phải đợi ít nhất 300 ngày. Nguồn tạng dồi dào và dễ dàng ở Trung Quốc khiến người ta đặt ra câu hỏi, làm thế nào hệ thống ghép tạng ở quốc gia Đông Á này lại định vị, xác minh và kết nối được với một người hiến tạng nhanh đến vậy?
Tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khuynh tả (VOC) hôm thứ Ba (10/3) đã công bố một báo cáo với tiêu đề “Thu hoạch nội tạng và hành quyết phi pháp ở Trung quốc: Một đánh giá với các bằng chứng” của chuyên gia về Trung Quốc, Matthew P. Robertson. Để hoàn thành báo cáo này, ông Matthew đã thu thập và nghiên cứu các bằng chứng quan trọng đối với các cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc cho phép thực hiện các vụ hành quyết phi pháp phục vụ cho việc thu hoạch nội tạng bán kiếm lợi.
Báo cáo của ông Matthew, cùng với phán quyết của Tòa án Anh nói rằng Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục chống lưng cho nạn mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh khi cộng đồng thế giới đang tỏ ra thờ ơ với vấn đề nghiêm trọng này.
Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Cấy ghép tạng Quốc tế đã dễ dàng chấp thuận tuyên bố của chính quyền Trung Quốc rằng hệ thống cấy ghép tạng của nước họ hoạt động dựa trên nguyên tắc đạo đức và sự tự nguyện của người hiến tạng. Các chính phủ trên thế giới, và thậm chí nhiều tổ chức nhân quyền, đã không đặt ra vấn đề với một hiện tượng không bình thường đó là làm sao Trung Quốc lại có thể có hệ thống cấy ghép tạng phát triển nhanh với quy mô quá lớn và nguồn cung nội tạng quá dễ dàng như vậy.
Với việc tiếp tục có thêm các bằng chứng về nạn buôn bán nội tạng, cũng như các dấu hiệu cho thấy người Duy Ngô Nhĩ là nạn nhân mới nhất của hệ thống cấy ghép tạng Trung Quốc, thì rõ ràng ở thời điểm hiện tại rất cần các hành động và sự phối hợp quốc tế để đẩy lùi tội ác này.
Ông Matthew nhận thấy rằng, bắt đầu từ năm 2000, Trung Quốc đã nhanh chóng có được một hệ thống cấy ghép tạng thực hiện được hàng chục ngàn ca cấy ghép các bộ phận trong cơ thể người mỗi năm. Đó là một con số quá lớn nếu so sánh với các hệ thống cấy ghép tạng khác trên thế giới.
Ban đầu, chính quyền Trung Quốc tuyên bố nguồn tạng đều được lấy từ những người tự nguyện. Tuy nhiên khi không trả lời được các câu hỏi, họ nói rằng nguồn tạng được lấy từ các tù nhân bị hành quyết, mặc dù vậy câu trả lời này vẫn không thuyết phục, vì số lượng tử tù được thống kê ở nước này từ năm 2000 trở đi có xu hướng giảm, nhưng số người được ghép tạng lại có xu hướng tăng.
Ông Matthew đã điều tra tỉ mỉ về hoạt động cấy ghép tạng ở Trung Quốc và phát hiện ra rằng các bệnh viện ở nước này đã thực hiện ghép tạng với số lượng gấp nhiều lần số tử tù bị hành quyết. Từ đó ông đi đến kết luận, chắc chắn ngoài số tạng lấy từ các tử tù, Trung Quốc còn có nguồn cung tạng khác lớn hơn nhiều.
Ông Matthew cũng đã tìm thấy thông tin về những ca ghép gan khẩn cấp (nghĩa là những ca ghép gan được thực hiện chỉ trong vòng 24 hoặc 72 giờ) từ sau năm 2000. Đây là những manh mối cho thấy ở Trung Quốc có nguồn cung cấp nội tạng gần như tức thì theo yêu cầu của bệnh nhân.
Nếu các tử tù không phải là nguồn cung cho phần lớn các ca cấy ghép tạng, thì ông Matthew cho rằng lời giải thích hợp lý duy nhất còn lại là nguồn cung nội tạng ở Trung Quốc kể từ năm 2000 trở đi chính là từ các tù nhân lương tâm.
Chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7/1999 trùng khớp với sự phát triển nhanh chóng của ngành cấy ghép tạng Trung Quốc kể từ 6 tháng sau đó. Yêu cầu xét nghiệm máu và kiểm tra sức khỏe theo chuẩn để lấy nội tạng, yêu cầu đưa tù nhân vào viện theo các cuộc gọi của bác sĩ, việc lính canh thường đe dọa tù nhân về việc mổ cướp nội tạng, hay việc các bác sĩ tham gia vào các ca phẫu thuật trong chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công là những bằng chứng củng cố cho kết luận của ông Matthew.
Do áp lực từ quốc tế, từ năm 2015 chính quyền Trung Quốc tuyên bố họ sẽ chỉ lấy nội tạng của những người hiến tạng tự nguyện. Mặc dù vậy, các phân tích pháp y trên các dữ liệu liên quan cho thấy thực tế họ không làm như tuyên bố. Quy mô của hệ thống cấy ghép tạng ở Trung Quốc không hề bị thu hẹp, và tuyên bố của chính quyền chỉ là một cách để đánh lừa cộng đồng quốc tế.
Trong cùng thời gian đàn áp Pháp Luân Công, chính quyền Trung Quốc cũng triển khai một chiến dịch quy mô lớn chống lại người Duy Ngô nhĩ ở Tân Cương. Những người thuộc sắc tộc thiểu số ở miền Tây Trung Quốc cũng bị xét nghiệm máu và bị đưa tới các địa phương khác bằng tàu hỏa. Các tù nhân Duy Ngô Nhĩ may mắn trốn được ra nước ngoài đã xác nhận điều này và nói rằng họ bị kiểm tra thể chất theo các quy định hiến tạng.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa số lượng nội tạng sẵn có ở Trung Quốc tăng nhanh chóng với việc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị bắt giam và bị buộc xét nghiệm máu và kiểm tra thể chất, củng cố nhận định tù nhân Duy Ngô Nhĩ là một nguồn lấy tạng sống khác của chính quyền Trung Quốc.
Theo nhà báo Murray Bessette, đối với các quan chức Trung Quốc, thông tin về số lượng cấy ghép tạng là một bí mật nhà nước. Trong trường hợp họ nhận được câu hỏi từ các phóng viên, họ thường lảng tránh hoặc tìm cách che dấu sự thật.
Nếu các cáo buộc nhà nước Trung Quốc ủng hộ và bảo trợ việc giết hại tù nhân để lấy nội tạng là không đúng, thì người ta mong muốn chính quyền Trung Quốc công khai bằng chứng nguồn tạng cung cấp cho hệ thống ghép tạng là hợp pháp và phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức. Nhưng thay vào đó, họ đã phối hợp với các chuyên gia y học quốc tế để đối phó với các cáo buộc bằng việc đưa ra các dữ liệu giả mạo từ một hệ thống hiến tạng tự nguyện nào đó có tên Potemkin.
Chính quyền Trung Quốc đã cư xử giống với hành vi của một kẻ chuyên làm những việc mờ ám, nhà báo Murray Bessette nhận định.
Cũng theo nhà báo Murray, giá của một ca cấy ghép tạng ở Trung Quốc không được tính bằng tiền mà bằng mạng sống của các tù nhân lương tâm có nội tạng bị chính quyền thu hoạch cưỡng bức. Đó là một cái giá quá đắt, nhà báo Murray kết luận.
https://www.dkn.tv/the-gioi/them-bang-chung-cho-thay-chinh-quyen-trung-quoc-dung-tung-cho-viec-mo-cuop-noi-tang.html
Mặc phong tỏa, dân Hồ Bắc biểu tình
phản đối giá thực phẩm quá đắt
Triệu HằngSau nhiều tuần lặng lẽ chấp nhận thi hành lệnh phong tỏa của chính phủ, rốt cuộc, một số cư dân của thành phố gần ổ dịch Vũ Hán đã tụ tập để phản đối việc họ bị ép giá quá cao cho những mặt hàng tạp hóa nhu yếu phẩm thông thường, vào thứ Năm (ngày 12/3).
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 14/3 đưa tin, cơ quan chính quyền địa phương đã kiểm soát quá chặt nguồn cung cấp thực phẩm cho hàng chục triệu người, buộc phải sống cô lập trên khắp tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong nhiều tuần qua.
Nhiều cư dân của thành phố Ứng Thành (Yingcheng), với 600.000 người dân, nằm cách Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh virus corona, khoảng 1 giờ lái xe, cho rằng giá hàng hóa mà họ được cung cấp là quá đắt.
Khi một người đàn ông bị cảnh sát bắt chỉ vì bán nhu yếu phẩm tương tự với giá rẻ hơn, một số người dân ở Ứng Thành cho là đã “phản ứng”.
Theo một bài đăng trên phương tiện xã hội của trung tâm chỉ huy chống dịch COVID-19 của chính quyền thành phố, cuộc biểu tình bắt đầu vào khoảng 7h30 tối (giờ địa phương) ở khu tổ hợp dân cư Sea Mountain, nơi có khoảng 8.000 người.
Bất chấp các quy định của lệnh phong tỏa, hàng trăm cư dân đã tập trung tại một sân bóng rổ trong khu tập thể để trút cơn giận. Họ chỉ giải tán sau khi giới chức địa phương và cảnh sát đến hiện trường.
Cuộc biểu tình được châm ngòi bởi việc một cư dân ở chung cư Sea Mountain tên là Cheng đã tận dụng mối quen biết cá nhân với những nguồn cung để bán hàng cho hàng xóm, SCMP dẫn Tin tức Bắc Kinh đưa tin hôm thứ Bảy.
Anh này bị bắt giam vì tội “bán hàng không giấy phép” và được thả sau khoảng 1 giờ, báo cáo nói.
Tình hình đã diễn ra hơn một tháng, cô Zhou nói: “một số loại rau cung cấp qua kênh của chính phủ đã ôi, héo, thậm chí là không ăn được. Chúng tôi rất tức giận vì chúng tôi bị tước quyền lựa chọn và tiếp cận với các sản phẩm rẻ hơn và tốt hơn”.
Theo SCMP
Triệu Hằng dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/mac-phong-toa-dan-ho-bac-bieu-tinh-phan-doi-gia-thuc-pham-qua-dat.html
Covid-19: Hệ quả từ sự lơ là,
quan liêu của Trung Quốc từ tháng 11/2019
Thu HằngTheo một số tài liệu chính phủ mà trang South China Morning Post đọc được hôm 13/03/2020, virus corona mới đã lây sang người tại Trung Quốc sớm hơn rất nhiều so với những thông tin được Bắc Kinh chính thức phê chuẩn. Nếu đúng như vậy, Bắc Kinh đã để mất ít nhất gần ba tháng quý giá để ngăn chặn dịch.
Người bị nhiễm đầu tiên là một người đàn 55 tuổi, sống ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ngày 17/11/2019, ông được chẩn đoán với những triệu chứng do loại virus mà sau này được gọi là Covid-19 gây ra và trở thành « bệnh nhân số 1 » của dịch Covid-19 đang lan rộng khắp thế giới.
Tuy nhiên, các báo cáo của chính phủ Trung Quốc không nêu rõ liệu bệnh nhân này đến từ Vũ Hán, thành phố được coi là tâm dịch, hay từ một thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc.
Hàng chục ca nhiễm mỗi ngày
Trang France 24, trích bài viết của South China Morning Post, cho biết kể từ ngày 17/11/2019, chính quyền ghi nhận từ một đến năm ca nhiễm mới mỗi ngày trên toàn tỉnh Hồ Bắc. Tất cả đều cần được điều trị các triệu chứng suy hô hấp cấp. Sau đó, từ ngày 15/12/2019, số ca tăng lên thành vài chục ca mỗi ngày.
Vẫn theo tài liệu chính thức trên, từ ngày 20 đến 27/12/2019, số ca nhiễm đã tăng lên gấp ba, với tổng số 180 bệnh nhân. Đến ngày 01/01/2020, tỉnh Hồ Bắc đã có đến 381 người bị nhiễm virus corona mới. Những tài liệu trên cho thấy Trung Quốc không chú ý đến nguy cơ khởi phát dịch mới cho đến giữa tháng 01/2020. Sau này, tất cả những ca trên mới được xác định là do virus corona mới.
Chỉ đến giữa tháng 02/2020, Bắc Kinh mới thông báo cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã phát hiện ca nhiễm virus corona mới vào ngày 08/12/2019, ba tuần sau khi phát hiện « bệnh nhân số 1 » và có 40 người bị nhiễm ở Vũ Hán và các vùng lân cận tính đến ngày 20/01.
Mất thời gian vàng bạc
Bắc Kinh bị chỉ trích gay gắt vì thiếu minh bạch thông tin về tình trạng dịch và để mất ba tuần quý giá có thể giúp ngăn đà lây lan của virus corona. Tuy nhiên, với thông tin mới này, có lẽ dịch Covid-19 đã
không lây lan trên diện rộng đến như vậy, nếu chính quyền địa phương ý thức được mức độ nguy hiểm của loại virus mới.
Jean-Séphane Dhersin, trợ lý giám đốc khoa học của Viện Khoa học Toán học Quốc gia Pháp, giải thích với trang France 24 : « Số người bị nhiễm virus càng lớn, thì càng chắc chắn là dịch sẽ bùng nổ ». Trong khi thế giới có gần 150.000 người bị nhiễm virus corona và có khoảng 5.500 người chết, tính đến ngày 14/03.
Bỏ qua những lời cảnh báo ngay từ giữa tháng 12/2019 của một số bác sĩ Trung Quốc về loại virus mới, thậm chí bắt giam và cảnh cáo họ, chính quyền tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán chỉ coi đó là một kiểu viêm phổi đặc biệt hoặc một mầm bệnh mới. Chỉ đến ngày 21/01/2020, Bắc Kinh mới chính thức thừa nhận virus corona chủng mới có khả năng truyền từ người sang người.
Vì thiếu minh bạch nên việc tìm kiếm « bệnh nhân số 0 » như « mò kim đáy biển », theo South China Morning Post. Việc tìm ra được « bệnh nhân số 0 » giúp giới chuyên gia hiểu được virus corona mới được truyền từ động vật sang người như thế nào. Nhà dịch tễ học người Mỹ Jonathan Meyer, khi trả lời The Guardian, cho rằng « rất có nhiều nhiều khả năng sẽ không bao giờ tìm ra được bệnh nhân số 0 ».
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200314-covid-19-ca-dau-tien-o-trung-quoc-co-tu-thang-11-2019
Covid-19 :
Philippines ban hành thiết quân luật tại Manila
Minh Anh|Tú Anh« Nội bất xuất, ngoại bất nhập », Manila – thủ đô của Philippines bắt đầu áp dụng lệnh cách ly toàn thành phố kể từ Chủ Nhật 15/03/2020 do tổng thống Rodrigo Duterte ban hành hôm 12/03.
Cảnh sát vũ trang đã được triển khai chặn các ngả đường đổ về thủ đô 12 triệu dân. Các chuyến bay nội địa đi từ và đến Manila đã bị hủy. Các cuộc tụ tập công cộng bị cấm trong vòng một tháng.
Tất cả người dân thủ đô tạm thời không được tự do ra vào thành phố trừ phi chứng minh được phải đi làm. Thiết quân luật cũng được áp dụng từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Lệnh được ra trong bối cảnh Philippines đã có 111 người bị nhiễm Covid-19, trong đó có 8 ca tử vong, theo như số liệu của chính quyền Philippines. Bộ trưởng Nội Vụ giải thích rằng Philippines thực hiện « giống như nước Ý cách nay hai tháng » nhằm biện minh cho các biện pháp triệt để của chính phủ.
Những điểm nóng khác
Số trường hợp lây nhiễm siêu vi Corona chủng mới trên thế giới đã lên đến gần 155.000 và ít nhất 6.000 người chết ở 137 quốc gia, theo tổng kết sáng 15/03. Iran chiếm kỷ lục với 113 người chết trong 24 giờ qua.
Là nơi phát xuất ca đầu tiên dịch Covid-19, Trung Quốc cho biết trong ngày 15/03 có thêm 20 ca mới, một con số thấp kỷ lục mới, trong đó có 16 người đến hay trở về từ nước ngoài. Theo lệnh mới, tất cả những hành khách từ nước ngoài về đến Bắc Kinh đều phải bị cách ly để không tái « nhập khẩu » siêu vi vào Hoa lục. Đài Loan cũng ghi nhận sáu ca mới và đều là người bản xứ từ Nhật Bản và Tây Ban Nha hồi hương.
Hàn Quốc, sau những nỗ lực vượt bậc, liên tiếp thấy dịch giảm dần với 76 ca mới được ghi nhận so với 107 ca ngày hôm trước. Số người khỏi bệnh cũng khá nhiều với 120 người rời bệnh viện hôm 15/03.
Trong khi đó, Iran từ nay là tâm dịch thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ý. Số người chết tại Iran là 724, thêm 113 nạn nhân trong 24 giờ qua.
Thế vận Tokyo ?
Tại Nhật Bản, thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa khẳng định Tokyo sẽ tổ chức Thế vận hội mùa hè như dự kiến. Tokyo phối hợp chặt chẽ với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế và không có gì thay đổi.
Châu Mỹ la tinh
Các nước Trung và Nam Mỹ bắt đầu áp dụng các biện pháp chống dịch sau khi nghi nhận những ca đầu tiên. Sau Venezuela đình chỉ các chuyến bay với châu Âu, đến lượt Panama, Bolivia ban hành biện pháp tương tự. Trong khi đó, Uruguay và Ecuador đóng cửa biên giới với các nước có dịch.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200315-covid-19-philippines-ban-hanh-thiet-quan-luat-tai-manila
Hàng trăm người xuống đường ở Bangkok
để kêu gọi chính phủ từ chức
Tin từ BANGKOK, Thái Lan – Hàng trăm người biểu tình ủng hộ dân chủ diễn hành tại nghị viện ở Bangkok vào ngày hôm qua, mặc áo phông đen để khóc thương cho Thái Lan cai trị bởi một chính phủ liên kết với quân đội. Sự bất mãn với chính quyền của cựu chỉ huy quân đội Prayut Chan-o-cha đang sôi sục, với một đảng đối lập tiến bộ, Đảng Tương lai mới, tan rã và nền kinh tế của nước này đình trệ khi khủng hoảng coronavirus gây thiệt hại cho ngành du lịch.Những người biểu tình gặp nhau trong khuôn viên trường đại học trong những tuần gần đây, nhưng hiện đang quay trở lại trên đường phố thủ đô. Thái Lan bầu chọn chính phủ bảo thủ của ông Prayut lên nắm quyền từ một năm trước. Đó là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính năm 2014 và được tổ chức theo Hiến pháp do quân đội soạn thảo. Cuộc biểu tình “Thứ Sáu Đen” (“Black Friday”0 sôi nổi nhưng ôn hòa kêu gọi chính phủ từ chức. Các phong trào dân chủ của Thái Lan – do sinh viên lãnh đạo – thường kết thúc trong các cuộc đàn áp đẫm máu bởi quân đội. Các phe đối lập cho biết họ sẽ cần phải khuấy động một liên minh già trẻ từ khắp các khu vực chính trị của Thái Lan để gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho chính phủ. Giờ đây, sinh viên – tập trung trên mạng truyền thông xã hội và cũng được thúc đẩy bởi phong trào biểu tình của Hồng Kông, đang dần huy động một lần nữa.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hang-tram-nguoi-xuong-duong-o-bangkok-de-keu-goi-chinh-phu-tu-chuc/
Bộ trưởng giao thông Indonesia
dương tính với COVID-19
Triệu HằngBộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia, ông Budi Karya Sumadi đã phải nhập viện sau khi nhiễm COVID-19.
Bộ trưởng Budi Karya Sumadi đang được chăm sóc đặc biệt sau khi xét nghiệm dương tính với chủng mới virus corona, tờ SBC dẫn lời một vị quan chức Indonesia cho biết hôm thứ Bảy (15/3).
Các trường học và các điểm du lịch ở Indonesia đã được lệnh đóng cửa.
Ông Budi Karya Sumadi đang được điều trị tại một bệnh viện quân đội ở Jakarta, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cho biết.
Ông Pratikno, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nói rằng ông Sumadi có tham gia vào các hoạt động sơ tán người Indonesia khỏi các tâm dịch và Tổng thống Joko Widodo đã đề nghị các bộ trưởng khác cũng xét nghiệm nCoV.
Achmad Yurianto, phát ngôn viên của chính phủ Indonesia cho biết quốc gia đông dân thứ tư thế giới đã tăng vọt từ 0 ca nhiễm từ hai tuần trước lên tới 96, với 5 ca tử vong.
Ông cũng cho biết, virus corona đã lan rộng ra bên ngoài Greater Jakarta tới Bandung ở Tây Java, Solo ở Trung Java, Manado tại Bắc Sulawesi, Pontianak tại Tây Kalimantan, cũng như các thiên đường nghỉ mát Bali và Yogyakarta.
Theo SBS
Triệu Hằng dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/bo-truong-giao-thong-indonesia-duong-tinh-voi-covid-19.html
Bộ trưởng Úc
từng gặp gỡ Ivanka Trump bị nhiễm coronavirus
Hôm thứ Sáu (13/03/2020) một chính trị gia cao cấp của Úc đã được xét nghiệm dương tính với coronavirus và đã vào bệnh viện cách ly, vài ngày sau khi ông trở về từ Washington trong chuyến đi gặp Ivanka Trump và Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr. Tuần trước, bộ trưởng Bộ Nội Vụ Peter Dutton đã có mặt tại Hoa Kỳ để tham gia cuộc họp với các thành viên của liên minh tình báo FiveEyes: Úc, Hoa Kỳ, Anh, Canada và New Zealand, trong đó có bộ trưởng William Barr.Theo một bức ảnh do tòa đại sứ Úc tại Washington đăng tải, ông Dutton cũng đã gặp con gái của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Ivanka vào ngày 06/03/2020. Hiện vẫn chưa rõ ông Dutton nhiễm virus khi nào. Ông Dutton nói rằng ông cảm thấy ổn nhưng chẩn đoán của ông sẽ làm tăng mối lo lắng về việc liệu các thành viên khác trong nội các, và thủ tướng Scott Morrison có thể bị nhiễm bệnh hay không.
Hôm thứ Sáu (13/03/2020) văn phòng thủ tướng xác nhận rằng ông Dutton đã tham dự một cuộc họp nội các vào thứ Ba (10/03/2020), nhưng những người khác đã tham gia sẽ không bị cách ly. Ông Dutton nằm trong số 184 người ở Úc được xác nhận nhiễm COVID-19. Hiện tại, bà Ivanka Trump, con gái kim cố vấn tổng thống Trump đã tự cách ly bằng cách làm việc tại nhà.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/bo-truong-uc-tung-gap-go-ivanka-trump-bi-nhiem-coronavirus/
0 comments