Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Thảm họa hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Wednesday, March 4, 2020 5:15:00 PM // ,

02/03/2020

Nhiệm kỳ của lãnh đạo Petro Việt Nam là hữu hạn, quyền lợi ích nhóm là vô hạn.

Tôi đã nói rồi, Biển Đông thì vẫn còn đó nhưng Đồng bằng sông Cửu Long thì chết trước.
“… ý kiến của nhà khoa học có hay, có đúng đến đâu mà không trung thành với Mác Lê, không nghe theo chỉ đạo của Trung cộng thì chính quyền CSVN dứt khoát bác bỏ, kiên quyết từ chối.”
Nguyễn Đình Cống 

 “… Chương trình “xây dựng nông thôn mới” đã dựng lên vô số cổng chào, bưu điện trung tâm, chợ,… ở vài ngàn xã. Dù chính quyền của 53/63 tỉnh, thành phố thi nhau kêu gọi đầu tư, xây dựng đủ thứ “trời ơi, đất hỡi” theo “tiêu chuẩn nông thôn mới”, cuối 2017 vẫn còn 15.277 tỉ đồng chưa thể thanh toán nhưng tiền giúp ĐBSCL “phát triển bền vững” thì không!”
Trân Văn

Sau gần một thập kỉ phản đối xây dựng đập thuỷ điện Luang Prabang, Việt Nam nay lại “tự bắn vào chân mình”.
Phú Lộc

Bài 1 – Đồng bằng Sông Cửu Long khóc GS Nguyễn Duy Xuân
Nguyễn Đình Cống
Đồng bằng sông Cửu Long đang hấp hối. Nước sông bị chặn bởi nhiều đập thủy điện và bị nhiễm mặn bởi triều dâng. Trên mười triệu nông dân đang lao đao. Nếu có người thấy trước được việc này, cảnh báo sớm, chính quyền, cùng các nhà khoa học và nhân dân hợp sức tìm giải pháp thì đã có thể tránh được tai họa, phát triển bền vững.
Phải chăng không có ai thấy trước và dự báo tình hình. Có đấy, nhưng nhà khoa học lỗi lạc và rất yêu nước ấy đã bị hắt hủi cho đến chết tại nhà tù Ba Sao năm 1986. Đó là GS Nguyễn Duy Xuân, sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Ông đã du học, nghiên cứu về nông nghiệp, thủy lợi, kinh tế tại Pháp, Anh và Mỹ trong nhiều năm. Ông về nước năm 1963 (lúc 38 tuổi), nghiên cứu và phụ trách nhiều công việc quan trọng về nông nghiệp, làm Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ
Tháng 4 năm 1975, sau khi thu xếp cho vợ con sang Guam, rồi sang Pháp tạm lánh, ông trở lại VN. Ngày 30 tháng 4, mặc dầu có trực thăng sẵn sàng chở ông đi di tản nhưng ông ở lại với mong  ước được đem kiến thức phục vụ cho nền nông nghiệp của đất nước, mà trước hết là phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Ông sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới để được làm khoa học phục vụ đất nước.
Ngày 13 tháng 5 ông trình diện chính quyền giải phóng, được tập trung đi học tập cải tạo tư tưởng trong vài ngày, nhưng rồi  bị giam giữ không xét xử tại nhà tù loại khắc nghiệt nhất. Năm 1983, ông Võ Tòng Xuân, khi làm đại biểu quốc hội có tìm đến thăm tù nhân Duy Xuân, có ý định cứu người thủ trưởng cũ của mình, nhưng rồi không kịp. Nhà khoa học lỗi lạc và yêu nước Nguyễn Duy Xuân bị bệnh cũng bình thường, nếu được chữa trị sẽ qua khỏi, nhưng nhà tù đã tạo điều kiện thuận lợi để ông từ giã cõi đời, mang kiến thức khoa học sang thế giới khác.

Nếu GS Nguyễn Duy Xuân không chết trong nhà tù, được sử dụng như kiểu ông Lương Định Của thì rồi đồng bằng sông Cửu Long có thoát khỏi tai họa như hiện nay hay không. Không biết được, không dám chắc, vì ý kiến của nhà khoa học có hay, có đúng đến đâu mà không trung thành với Mác Lê, không nghe theo chỉ đạo của Trung cộng thì chính quyền CSVN dứt khoát bác bỏ, kiên quyết từ chối.
Chỉ còn lại đồng bằng sông Cửu Long khóc than cho đứa con yểu mệnh của mình, đứa con phải bỏ đất mẹ ra đi mang theo bao oan khổ, tủi nhục. Tro cốt của GS Nguyễn Duy Xuân được con gái từ Pháp về đem gửi tại chùa Thiên Hưng, Bình Thạnh.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Bài 2 – ĐBSCL: Hạn mặn đang khốc liệt nhưng nóng bỏng hơn là chuyện xây đập Luang Prabang!

Vũ Kim Hạnh
Nói chuyện CoViD hay bất cứ chuyện nào về thời sự châu Á và thế giới với tôi đều cần thiết. Nhưng thiết tha hơn cả vẫn là chuyện sinh mệnh đồng bằng sông Cửu Long đang lâm nguy. Và nóng bỏng và nguy hiểm hơn nữa lại là chuyện xây đập Luang Pranbang. Xin bắt đầu bằng một chuyện mới, đau lòng ở Bến Tre.

Cào đất phù sa mặt ruộng đem bán!

Mới đầu, tôi không dám đọc và càng không dám nhìn bức ảnh, xe cơ giới cào phù sa trên mặt ruộng đem bán… vì thảm quá, thương tâm quá. “Do không trồng được lúa vụ 3 giữa hạn mặn khốc liệt và cũng để giải quyết tình trạng mặt ruộng mùa kế cao hơn mực nước ngọt trên các kênh nội đồng nên nông dân ở hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm (Bến Tre) đã cào nhiều tấn đất trên mặt ruộng để đi bán lấy tiền hay đổi phân thuốc cho mùa tới”.

Nước mặn đã xâm nhập bao trùm toàn bộ tỉnh Bến Tre (độ mặn 1 phần ngàn). Ở khách sạn, sáng đánh răng phải phun nước ra vì mặn. Toàn tỉnh có hơn 5.000 ha diện tích lúa Đông Xuân (vụ 3-2019 &2020) có khả năng cao mất trắng, gần 20.000 cây ăn trái đang khát nước tưới. Hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh (sử dụng hệ thống cấp nước tập trung) đều bị ảnh hưởng của hạn mặn, nguồn nước sinh hoạt hiện nay đa phần tại các nhà máy nước là trên 2‰. Nguồn vốn TW phòng chống hạn mặn dự định đắp các đập tạm, xây các hồ nước trữ ngọt và hệ thống thủy lợi bắc-nam Bến Tre còn ở đâu?
Trước khi nói về chuyện xây đập Luang Prabang bên Lào, mời bạn xem bản đồ mô tả các tác nhân làm tổn thương dòng sông mẹ Mekong bên dưới bài và chú thích ở đây.

Một ĐBSCL đã và đang bị tổn thương do những nguyên nhân: (1) do các con đập thượng nguồn, (2) do nạo vét cát dưới lòng sông, (3) do nước biển dâng, (4) do ô nhiễm sông rạch, (5) còn phải kể tới những dự án sai lầm ngăn mặn phá hủy sự cân bằng hệ sinh thái mong manh của vùng châu thổ sông Mekong. Tính tới 2020, đã có 11 con đập dòng chính khổng lồ của Trung Quốc trên khúc sông Lancang-Mekong thượng nguồn; có thêm hai con đập dòng chính của Lào (Xayaburi và Don Sahong) đã hoạt động từ 2019. Dự án Luang Prabang 1460 MW, sẽ là con đập dòng chính lớn nhất trên sông Mekong của Lào. Theo New York Times ngày 15-2-2020, hơn 10 con đập trong kế hoạch nằm rải rác hạ lưu Mekong cùng hàng trăm con đập khác tại các phụ lưu đang bóp nghẹt đường sống của 60 triệu người.

Nghịch lý và đe dọa lớn từ đập Luang Prabang

Vâng, thời điểm này, vấn đề nóng bỏng nhất là dự án đập Luang Prabang. Đến hôm nay, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết hạn tiến trình Tham khảo Trước (10-2019 – 4-2020) cho dự án Luang Prabang. Nếu không có hành động tức thời và chuyển biến quyết liệt từ phía Việt Nam, lễ động thổ khởi công xây con đập Luang Prabang sẽ diễn ra vào tháng 4-2020. Đó sẽ là một ngày bi thảm cho toàn thể 20 triệu cư dân 13 tỉnh miền Tây.
Ngày 4-11-2019, Bộ Tài nguyên Môi trường cùng Ủy ban sông Mekong Việt Nam (UBSMKVN) tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về dự án Luang Prabang. Tường thuật sự kiện này, báo Người Lao Động (5-11-2019) ghi: “Đánh giá về tác động của thủy điện này đối với vùng hạ lưu là Việt Nam, UBSMKVN cho rằng tác động của tổ hợp các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu sông Mê Kông rất nghiêm trọng… Các tài liệu phía Lào gửi chưa đánh giá toàn diện. Chưa tính toán dòng chảy sau công trình; chưa rõ quy trình vận hành hồ thủy điện cũng như hệ thống giám sát, dự báo; chưa đưa ra biến động dòng chảy hạ lưu và ngập lụt lòng hồ tác động hệ sinh thái ra sao, bảo tồn các loại cá… Bài báo không nhắc đến chi tiết liên quan một trong các chủ đầu tư là…Tổng Công ty Điện lực Dầu khí VN. Sau đó, báo Tài Nguyên Môi Trường (4-11-2019) thông tin: chủ đầu tư dự án Luang Prabang là công ty TNHH Năng lượng Luang Prabang của Lào, với hai cổ đông: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam góp 38% vốn chủ sở hữu; Công ty TNHH PT của Lào giữ 37%; và chính phủ Lào sở hữu 25% vốn.
Trên Asia Sentinel (23-12-2019), cựu viên chức ngoại giao Mỹ David Brown, vào cuối tháng 12/2019, viết: “Con đập dự kiến tại Luang Prabang sẽ là một thảm họa chính trị tuyệt đối của Việt Nam”!

Ngay thời điểm này, đồng bằng sông Cửu Long đang chứng kiến tình hình khốc liệt. Tháng 2-2020, lượng nước Mekong đổ về ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016. Hiện tượng ngập mặn đã xâm nhập vào các kênh rạch nội đồng ven sông Hậu. “Hạn hán và xâm nhập mặn đang gây thiếu nước nghiêm trọng”: 3.600 hécta lúa ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng có nguy cơ mất trắng. 26.000 hộ dân tỉnh này cũng đang thiếu nước sạch sử dụng. Trà Vinh có hơn 10.000 héc-ta lúa đông xuân thiếu nước tưới, khả năng mất trắng 50%. Bến Tre đang “mặn chát tứ bề”.
Những người ủng hộ nói rằng, việc tham gia dự án Luang Prabang sẽ giúp Việt Nam kiểm soát được thiết kế sao cho giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng đối với ĐBSCL. Tuy nhiên,chỉ cần tham khảo một chút: chủ đầu tư đập Xayaburi, công ty Thái Lan CK Power, cho biết họ đã chi hơn 600 triệu USD để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có việc dựng các “bậc thang” cho cá và lắp hệ thống cổng để trầm tích có thể lọt qua. Tuy nhiên, ngay sau khi Xayaburi hoạt động (tháng 10-2019), nước sông Mekong, từ màu nâu chocolate thông thường đã biến thành màu xanh dương trong vắt tại các khu vực cực Nam tức là TRẦM TÍCH NÂU PHÙ SA ĐÃ BIẾN MẤT. Đó là tình trạng “nước đói” (“hungry water”). Nước đói không chứa trầm tích nên chảy cực mạnh, phá hoại kinh khủng, ăn lở vào bờ và gây sụp lún. “Nước đói” đang dịch chuyển nhanh vào Campuchia khiến hồ Tonle Sap lớn nhất Đông Nam Á cạn dần, chết khô.
Chừng nào “nước đói” tràn ngập ĐBSCL? Câu chuyện công ty Thái Lan CK Power liên quan gì đến dự án Luang Prabang? PetroVietnam tham gia đầu tư đập Luang Prabang, sẽ thu được bao nhiêu, so với tình thế bi thảm khốc liệt mà hàng triệu người ĐBSCL có thể phải gánh chịu?

Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, tác giả quyển Last Days of the Mighty Mekong, ghi nhận: gần đây, mỗi năm có đến 300.000 người Việt phải bỏ xứ. Nhiều khu vực ĐBSCL, nơi sinh sống của 20% dân số Việt Nam, đang “lún” xuống biển. Ông đã tặng cuốn sách cho chị Phạm Chi Lan. Một bạn trẻ đang dịch cuốn sách. Chúng tôi sẽ giới thiệu những lần tới.
Ảnh 3: đập Xayaburi chắn ngang dòng Mekong.

FB Vũ Kim Hạnh

Bài 3 – Đồng Bằng Sông Cửu Long, chuyên gia và… Bộ Chính Trị

Trân Văn
Những cánh đồng lúa khô hạn ở Sóc Trăng, 2016.
Những cánh đồng lúa khô hạn ở Sóc Trăng, 2016.
Tuần rồi, chính quyền tỉnh Cà Mau kêu gọi các chuyên gia giúp tìm đường thoát: Thiếu nước tưới, nông dân phải bỏ hoang 18.000 héc ta đất trồng lúa. 42.000 héc ta rừng đang khô héo. Số điểm sụt, lún đã vượt quá mức 1.000 trong đó có nhiều tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã,… tổng chiều dài các đoạn đường có bề mặt đột nhiên sụt, lún là 21,6 cây số. Không chỉ có đường, nhiều đoạn kênh, rạch, đê ngăn nước mặn cũng bị sụt, lún, biến dạng. Ngoài ra, hiện có 20.500 gia đình thiếu nước ăn uống, tắm giặt… Đặc biệt đáng ngại khi thiệt hại chưa ngừng ở đó mà sẽ tăng nhanh và cao hơn khi hạn hán càng ngày càng nghiêm trọng (1)!
Tình trạng vừa kể không chỉ xảy ra ở Cà Mau mà là thực trạng chung của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Gần đây, cứ tới mùa khô, mực nước của hệ thống sông, rạch ở ĐBSCL tụt xuống, nước mặn từ biển lại tràn vào thế chỗ nhưng năm nay, phạm vi xâm nhập của nước mặn vào khu vực ĐBCSL đã vượt qua mức 100 cây số! Tổng cục Thủy lợi của Bộ NN PTNT loan báo, mùa khô năm nay, nước mặn xâm nhập ĐBSCL xảy ra sớm hơn, sâu hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016 (vốn đã được cho là chưa từng có). Thậm chí mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn nữa do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu và thượng lưu sông Mekong bị chặn để khai thác thủy điện!
***
Nhìn một cách tổng quát, tương lai của ĐBSCL – nơi cư trú của khoảng 17 triệu người – càng ngày càng ảm đạm. Khu vực có diện tích khoảng 40.500 cây số vuông từng nổi tiếng vì sự phong phú của đủ loại sản vật tự nhiên, từng là vựa lúa cung cấp tới 90% lượng gạo xuất cảng, 60% lượng thủy sản xuất cảng, giữa thập niên 2010 còn đạt tốc độ tăng trưởng 7,8%, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung của Việt Nam (6,8%) đang tuột từ từ xuống đáy vì cơ hội sinh tồn, phát triển giảm dần. Bởi càng ngày càng khó sống, càng ngày càng nhiều cư dân ĐBSCL bỏ xứ tha hương. Từ giữa thập niên 2010, tỉ lệ tăng dân số cơ học (mức chênh lệch giữa xuất cư và nhập cư) của ĐBSCL luôn luôn là âm.
Một số chuyên gia ước đoán, trong mười năm từ 2008 đến 2018, có khoảng 1,7 triệu cư dân ĐBSCL ly hương. Nói cách khác, môi trường sống biến đổi theo hướng khắc nghiệt hơn, cơ hội thoát khỏi nghèo đói càng ngày càng nhỏ hơn là lý do chính khiến mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 24.000 dân và con số này càng ngày càng tăng (2). Đáng ngạc nhiên là tác động của biến đổi khí hậu, của việc khai thác thượng nguồn sông Mekong làm thủy điện đến tương lai của ĐBSCL đã được cảnh báo từ đầu thập niên 2010 (3) và được minh họa rõ ràng hơn qua đợt hạn hán chưa từng thấy vào mùa khô 2015 – 2016 ở ĐBSCL nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ ban hành… nghị quyết!
Nghị quyết 120/NQ-CP được công bố hồi cuối năm 2017 nhằm giúp ĐBSCL “phát triển bền vững”, giúp khu vực này “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” giống như một họa phẩm trên giấy, ĐBSCL tiếp tục được sử dụng như một thứ công cụ giúp hệ thống công quyền có thể đạt các chỉ tiêu tăng trưởng do hệ thống chính trị đề ra. Vì chỉ khai thác và đầu tư theo kiểu nhỏ giọt, ĐBSCL trở thành khu vực thiếu thốn đủ thứ, từ hạ tầng giao thông đến cơ hội giáo dục, chăm sóc y tế… Mức thu nhập trung bình tính theo đầu người/năm ở ĐBSCL chỉ dao động trong khoảng từ 80% đến 85% so với mức thu nhập trung bình tính theo đầu người/năm của Việt Nam.
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm 2017, trong năm năm từ 2010 đến 2015, Việt Nam đã chi 850 tỉ để thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”. Đến cuối năm 2015, Quốc hội Việt Nam “nhất trí”, từ 2016 đến 2020 sẽ chi thêm 193 ngàn tỉ đồng nữa để… tiếp tục thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”! Chương trình “xây dựng nông thôn mới” đã dựng lên vô số cổng chào, bưu điện trung tâm, chợ,… ở vài ngàn xã. Dù chính quyền của 53/63 tỉnh, thành phố thi nhau kêu gọi đầu tư, xây dựng đủ thứ “trời ơi, đất hỡi” theo “tiêu chuẩn nông thôn mới”, cuối 2017 vẫn còn 15.277 tỉ đồng chưa thể thanh toán nhưng tiền giúp ĐBSCL “phát triển bền vững” thì không!
ĐBSCL có thể “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” khi bề mặt sụt, lún, nước biển dâng, hạn hán, không thể chủ động khi thượng nguồn Mekong bị các công trình thủy điện chặn nguồn nước chảy xuống hạ lưu? Từ những trường hợp như Hà Lan, Israel,… các chuyên gia khẳng định là có nếu nghiên cứu kỹ lưỡng, suy tính cẩn thận để xác định giải pháp phù hợp. Chẳng hạn muốn hóa giải tác hại của sụt, lún bề mặt thì phải cấp đủ nước, ngưng khai thác nước ngầm, thay đổi cả tư duy lẫn cách thức qui hoạch trong nhiều lĩnh vực (4),…
Vấn đề nan giải nhất không nằm ở những biến đổi trong tự nhiên mà nằm trong đầu từng thành viên… Bộ Chính trị, thành viên chính phủ, chính quyền các địa phương. Làm sao có thể “phát triển bền vững” khi viễn kiến của những cá nhân có thẩm quyền quyết định chỉ chạm đến thời điểm… cuối nhiệm kỳ và vì vậy chỉ chọn những giải pháp có lợi nhất cho chính cá nhân mình? Làm sao có thể giúp ĐBSCL “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” khi tất cả mọi thứ vẫn chỉ phụ thuộc vào những cá nhân có thẩm quyền lựa chọn – phê duyệt giải pháp nhưng chỉ biết “kinh tế chính trị Mác – Lenin”, thạo “Xây dựng đảng” và thuộc “Lịch sử đảng”?…
Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Bùi Trinh – một chuyên gia kinh tế – vừa mới cảnh báo: “Đồng bằng sông Cửu Long ốm thì cả nước cũng yếu” (5) kèm theo khá nhiều dẫn chứng. Giữa lúc ĐBSCL đang trải qua giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” nhưng dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ bận tâm đến chuyện làm sao để COVID-19 không ảnh hưởng đến khả năng đạt “chỉ tiêu tăng trưởng” đã được đề ra cho năm nay, nên ông Trinh mới lưu ý, môi trường ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nếu chỉ lao vào tăng trưởng GDP sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về môi trường từ đó ảnh hưởng ngược lại đến niềm say mê GDP.
Tương lai của ĐBSCL nói riêng, tương lai của Việt Nam nói chung khiến người ta mong các viên chức hữu trách sẽ tỉnh ra, ngộ được đâu là chính, đâu là phụ, ở vị trí lãnh đạo quốc gia, dân tộc nên xem cái gì là ưu tiên hàng đầu nhưng trước giờ, những phân tích, cảnh báo như phân tích, cảnh báo của ông Bùi Trinh không phải là ít và dù hết sức rõ ràng, những phân tích, cảnh báo ấy vẫn chỉ như những cơn gió thổi qua một căn nhà trống! Thành ra mong thì cứ mong, còn… thở còn nên… hy vọng dẫu không chắc các thành viên Bộ Chính trị, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội, thành viên chính phủ,… có khả năng hiểu được những điều vốn hết sức đơn giản đó!
T.V.
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/ca-mau-moi-cac-nha-khoa-hoc-giup-khac-phuc-thiet-hai-do-han-man-20200220125518483.htm
(2) https://tuoitre.vn/dan-dbscl-dan-bo-xu-do-bien-doi-khi-hau-20180110085014275.htm
(3) https://vnexpress.net/khoa-hoc/mat-40-dong-bang-cuu-long-neu-nuoc-bien-dang-mot-met-2225111.html
(4) https://baocantho.com.vn/-megastory-nhin-ve-tuong-lai-dong-bang-song-cuu-long-a114618.html
(5) https://www.thesaigontimes.vn/td/300337/dong-bang-song-cuu-long-om-thi-ca-nuoc-cung-yeu-.html
T.V.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/dong-bang-song-cuu-long-mekong-han-han/5306762.html

Bài 4 – Đầu tư thuỷ điện ở Lào, Việt Nam chung tay huỷ hoại sông Mekong?

Phú Lộc
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2020/01/thuydien5_sgfc.jpg
Liệu chúng ta có phải là thế hệ cuối cùng được mưu sinh trên dòng Mekong hùng vĩ? Ảnh: Thanh Niên.
Cuối năm 2019, giữa lúc giới khoa học đang đầy quan ngại về tình trạng của dòng Mekong trước biến đổi khí hậu và thuỷ điện, chính phủ Lào công bố kế hoạch xây dựng thuỷ điện Luang Prabang sau khi đã hoãn hơn 10 năm. Đáng chú ý hơn, nhà đầu tư lớn nhất của dự án này là một công ty quốc doanh đến từ Việt Nam – đất nước có tiếng nói phản đối dự án mạnh mẽ nhất trước đó.
Quyết định này không chỉ đe doạ tương lai của dòng sông, mà còn đánh mất uy tín cùng những nỗ lực bảo vệ sông Mekong của chính phủ Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Lại một con đập nữa…
PV Power (Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) góp 38% vốn (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD) trong dự án thuỷ điện Luang Prabang dự kiến khởi công năm 2020 và hoàn tất năm 2027. Dự án có công suất 1.460MW này là một phần trong kế hoạch bán “vốn tự có” để xóa đói giảm nghèo của chính phủ Lào.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2020/01/0d14e715-9ebc-4c7d-bb21-0cb378302b8e.jpeg
Nhà máy sẽ được đặt tại làng Houygno thuộc tỉnh Luang Prabang, cách thủ phủ tỉnh khoảng 25km và cách đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 2.036km.
Kế hoạch xây dựng con đập này đã có từ năm 2007. Việt Nam và Lào khi đó ký với nhau một biên bản ghi nhớ, ủy quyền cho PV Power xây dựng nhà máy thủy điện Luang Prabang.
Vào thời điểm đó, thủy điện vẫn được xem là một nguồn năng lượng lành mạnh và hữu dụng, và vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về các tác động của nó đối với môi trường và sinh kế của người dân.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, một loạt các dự án xây đập ở hạ nguồn sông Mekong của Lào đã dẫn đến phản đối và quan ngại sâu sắc từ chính phủ Việt Nam.
Ít nhất là từ cuối năm 2010, khi Lào thông báo về kế hoạch xây dựng đập Xayaburi trên dòng sông Mekong, Việt Nam là nước phản đối mạnh mẽ nhất, khi kêu gọi tạm hoãn dự án 10 năm vì các tác động của nó đến ĐBSCL.
Những tiếng nói mạnh mẽ của chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ đã trở thành động lực cho các nhóm xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, giới chuyên gia và học giả trong khu vực lên tiếng bảo vệ dòng sông Mekong.
Sau gần một thập kỷ phản đối, giờ đây Việt Nam lại trở thành đối tác với Lào trong dự án thủy điện Luang Prabang. Chính phủ Việt Nam dường như đã thay đổi thái độ và đứng về phía những dự án có khả năng hủy hoại dòng sông cũng như tương lai của 60 triệu người phụ thuộc vào nó.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2020/01/image8-1.jpg
Hạ lưu dòng Mekong trong một đợt hạn hán kéo dài. Nguồn: Baritta Wangkiat/AFP Forum
TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu (Dragon Institute – Mekong), Đại học Cần Thơ trả lời RFA tháng 11/2019 rằng sự kiện này phải được xem là một hành động cực kỳ nghiêm trọng, dẫn nhanh đến sự hủy hoại hệ sinh thái và cuộc sống ở hạ lưu ĐBSCL.
“Các quan chức Việt Nam đồng lõa với quyết định hợp tác xây dựng dự án thủy điện Luang Prabang phải chịu trách nhiệm lịch sử và chính trị với nhân dân Việt Nam”, ông nói.
… góp phần huỷ hoại dòng sông
Các bằng chứng khoa học về những tác động ngầm của dự án Luang Prabang là rất rõ ràng. Các tác động chính bao gồm hủy hoại nguồn cá, mất trầm tích và thay đổi dòng chảy, gây nguy hại đến an ninh lương thực và sinh kế của cộng đồng lưu vực sông”, theo tổ chức International Rivers.
Các đập thủy điện đã ngăn chặn sự di cư của khoảng 160 loài cá. Các nguồn cá di cư không thể đến được nơi sinh sản, và đang gặp nạn. “Cá cần phải di cư về nơi thượng nguồn xa xôi (Bắc Lào) để sinh sản, và cá con phải quay trở lại vùng đồng bằng ngập nước ở ĐBSCL và Biển Hồ (Tonlé Sap) để kiếm ăn. Bất kỳ trở ngại nào đối với sự di cư của cá có thể đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng.”, Marc Goichot (cố vấn cao cấp của chương trình Greater Mekong thuộc tổ chức World Wildlife Fund) cho biết trên tờ The Guardian.
Bên cạnh đó, việc thiếu phù sa và trầm tích hàng năm làm ĐBSCL thay vì được bồi đắp thì đang trong quá trình tan rã do xâm nhập mặn và mực nước biển dâng. Sự trù phú một thời của vùng đồng bằng này đang dần biến mất, mùa lũ về muộn hơn dẫn đến thiếu nước, trong khi các mạch nước ngầm ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đang dần cạn nước.
Năm 2019, khu vực này đã trải qua một đợt hạn hán thảm khốc, và sau đó là một đợt lũ kỷ lục. Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân, nhưng chính việc trữ nước trong các hồ chứa và xả nước tùy tiện đã làm trầm trọng thêm các tác động xấu trong giai đoạn chuyển mùa. Theo các nhà môi trường, những con đập quy mô lớn, đặc biệt là những con đập được xây dựng trên dòng chảy chính của sông, là nguyên nhân chính cho khủng hoảng sông Mekong.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2020/01/mrc-photo-3.jpg
Một bé gái ở làng Khokkhan, một trong sáu ngôi làng sẽ hoàn toàn bị nhấn chìm khi xây thuỷ điện Luang Prabang. Ảnh: Zsombor Peter/VOA.
Cái giá phải trả là vô cùng lớn không chỉ cho Lào hay Việt Nam. Trước hết, con đập sẽ buộc 17.700 dân làng di dời chỉ để nhường chỗ cho hồ chứa nước khổng lồ. Sinh kế của người dân Lào chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì các chương trình tái định cư ở Lào thường đền bù không thỏa đáng. Rộng hơn, dự án này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình của hạ lưu sông Mekong – vùng đất trũng là nơi kiếm sống của 20 triệu người Việt Nam và 10 triệu người Campuchia.
Con đập này cũng đe doạ sự tồn vong của các di sản văn hoá. Vì chỉ cách thủ đô hoàng gia cổ đại Luang Prabang có 25km, dư luận lo ngại rằng nếu tai nạn đập xảy ra thì di sản văn hóa được UNESCO công nhận này sẽ bị phá hủy đến mức không thể khắc phục.

Có phải là do nỗi sợ Trung Hoa?

Đập Luang Prabang chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm những mất mát của 20 triệu nông dân Việt Nam tại vùng ĐBSCL. Cũng với quyết định này, uy tín ngoại giao của chính quyền đã xuống thấp ngang với mực nước sông Mekong mùa cạn, đồng thời cuốn trôi nỗ lực hơn chục năm bảo vệ dòng sông của các chuyên gia, học giả và cộng đồng sống ven sông.
Liên minh Save the Mekong gọi chính phủ Việt Nam là vô lý, thất thường, và hành động ngược lại với những lời lẽ quan ngại được chính họ “nhai đi nhai lại” trong các tiến trình tham vấn trước (prior consultation) tại Ủy hội sông Mê Công (Mekong River Commission) từ trước đến nay.
Nhiều nhà phê bình Việt Nam cũng cho rằng sự thay đổi chính sách trên sẽ khiến chính quyền Hà Nội phải trả giá đắt về uy tín quốc tế của họ. PV Power là một công ty quốc doanh, và nếu công ty này đảm nhận dự án phát triển thủy điện Luang Prabang có thể được các bên hiểu là chính quyền Hà Nội đã chính thức “nhúng chàm” vào các dự án thủy điện của Lào.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2020/01/image1.jpg
PV Power tổ chức hội thảo về Thuỷ điện Luang Prabang, tháng 6/2019. Ảnh: PetroTimes.
Phát biểu ở Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án thủy điện dòng chính Luang Prabang ngày 4/11/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Lê Công Thành cho rằng quyết định đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn để giảm thiểu tác động xấu.
“Chúng ta có thể tham gia ngay từ đầu vào quá trình lựa chọn phương án thiết kế, thi công và vận hành công trình trên cơ sở điều tiết đa mục tiêu. Qua đó, góp phần giảm thiểu được tác động của không chỉ công trình thủy điện này mà còn của tổ hợp các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong”, ông nói.
Một nguồn tin giấu tên cho biết trên tờ The Diplomat rằng Việt Nam “không có lựa chọn nào khác”. Dù biết quyết định này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến ĐBSCL, nhưng nếu Việt Nam không phát triển đập thì Trung Quốc sẽ làm.
Quan điểm trên dường như trùng khớp với nỗi lo lắng về việc Trung Quốc mở rộng lợi ích dọc theo sông Mekong. Với gần mười đập thuỷ điện ở thượng nguồn và kế hoạch xây thêm ba con đập ở hạ lưu phần sông MeKong của Lào: Don Sahong (đang được xây dựng), Pak Beng và Pak Lay, Trung Quốc có một quyền lực rất lớn với các quốc gia hạ nguồn.
Thật vậy, các đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong giữ lại một lượng nước khổng lồ. Trong mùa khô và thời kỳ hạn hán, nước từ các đập thượng nguồn của Trung Quốc chiếm 40-50% lượng nước trong hệ thống Mekong. Theo chuyên gia Brain Eyler giải thích trên BBC tiếng Việt, lượng nước này có thể được dùng để giảm hạn hán ở hạ lưu nếu họ muốn. Điều không may là, Trung Quốc không dễ dàng đồng ý làm như vậy.
Nhiều người cho rằng vì lo ngại việc biến sông Mekong trở thành quân cờ chính trị của Trung Quốc nên Việt Nam đã “chộp” lấy một dự án xây đập khác ở Lào, để “nhận phần” nước và cũng để tự túc nguồn nước chống hạn trong mùa khô.
Việc viện dẫn “ông kẹ” Trung Quốc có thể thu hút được sự đồng tình của dư luận Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm này bị phản đối bởi nhiều chuyên gia tài nguyên nước. Một nguồn tin khác từ PetroVietnam thừa nhận rằng, cũng giống như những con đập khác, “đập Luang Prabang sẽ làm giảm lượng phù sa và lượng nước đến ĐBSCL”.
Bác sỹ Ngô Thế Vinh nhận định trên tờ RFA rằng chính các nhóm lợi ích như băng đảng mafia mai phục trong khắp các công ty quốc doanh đã lũng đoạn chính sách, khiến Việt Nam bị khuất phục và quy hàng trước chiến lược thủy điện của Lào.

Chạy đua thuỷ điện

Các chuyên gia vẫn đang tiếp tục kêu gọi Việt Nam và Lào cân nhắc lại. Ngoài các lý do ảnh hưởng đến môi trường và sinh kế của người dân như đã trình bày ở trên, một nghiên cứu của Uỷ hội sông Mê công (MRC) năm 2018 cho rằng đây có thể là một tính toán thiếu khôn ngoan về mặt kinh tế.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2020/01/ap_laos_dam.jpg
Đập thuỷ điện Nam Theum 2 ở miền Trung Lào năm 2010, một trong những công trình đầu tiên trong mục tiêu trở thành cục pin của châu Á. Ảnh: David Longstreath/AP Photo.
Theo đó, đến năm 2040, Lào dự định xuất khẩu 11.739 MW điện sang Thái Lan, trong khi chính quyền Thái Lan thông báo nhu cầu của mình chỉ khoảng 4.274 MW. Lượng chênh lệch 7.500 MW này còn lớn hơn tổng công suất của bảy con đập trên dòng chính của Lào, bao gồm cả những dự án chưa xây dựng.
Các tổ chức vẫn không ngừng kêu gọi các quốc gia chú tâm vào năng lượng tái tạo. Với công nghệ sản xuất ngày càng tiên tiến, chi phí sản xuất điện mặt trời đã có thể giảm đến mức cạnh tranh được với thuỷ điện. Lấy ví dụ về Pak Lay, dự án thủy điện dòng chính trên sông Mekong vừa được phê duyệt năm ngoái. Sinohydro, là nhà thầu của dự án, dự định sẽ bán điện với giá US8.2¢ (0.082 USD) cho mỗi kWh. Trong khi đó, năng lượng mặt trời sẽ được bán với giá US7¢ hoặc ít hơn, cho mỗi kWh.
Đó rõ ràng là một lựa chọn không chỉ bền vững hơn, an toàn hơn, mà còn khả thi hơn về mặt kinh tế. Tuy nhiên, theo AsiaSentinel, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia sẽ thay đổi lựa chọn
Một con đập gây tranh cãi khác là Xayaburi vẫn được Lào đưa vào vận hành từ tháng 10/2019. Khoảng hơn một tháng sau, một trận động đất 6,1 độ richter xảy ra ngay trong khu vực này. Bắc Lào vốn là vùng động đất, và các con đập dày đặc sẽ còn làm tăng nguy cơ động đất do hồ chứa, do sức nặng thường trực của một lượng nước khổng lồ gây mất cân bằng địa chấn.
Không ai biết rằng tình hình phải trở nên tồi tệ đến mức nào mới đủ để cuộc chạy đua thuỷ điện này dừng lại.
P.L.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2020/02/dau-tu-thuy-dien-o-lao-viet-nam-chung-tay-huy-hoai-song-mekong/?fbclid=IwAR39r5u6Ze_j-aj7o_HFRRAJ7syqh5KbjQCdfQH0Od-Lk8o7u-xafCMacZU
QH0Od-Lk8o7u-xafCMacZU

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.