Đọc báo Pháp – 19//03/2020
Virus corona phơi bày một số nhược điểm
của Liên Hiệp Châu Âu
Thu HằngTừ khi dịch virus corona (Covid-19) bùng phát tại châu Âu, có lẽ Liên Hiệp Châu Âu chỉ vớt vát được một đồng thuận, mang tính biểu tượng, về đoàn kết chống dịch : Đóng cửa biên giới bên ngoài của khối và không gian Schengen từ 12 giờ ngày 17/03/2020 và kéo dài 30 ngày. Xã luận của nhật báo Le Monde (19/03/2020) nhận định : “Virus corona cho thấy rõ nhiều nhược điểm của Liên Hiệp Châu Âu”.
Thực vậy, các nước thành viên tự thân vận động, lo cho nước mình trước tiên, bất chấp lời kêu gọi tương ái của Ủy Ban Châu Âu. Những “ích kỷ” này được thể hiện qua việc nhiều nước thành viên đóng cửa đường biên giới với nước láng giềng, một quyết định đi ngược với tinh thần “đoàn kết” của khối. Chỉ trong vòng vài ngày, những đường biên giới bỗng được tái lập giữa các nước, trái với thỏa thuận Schengen ký năm 1985.
Dịch Covid-19 cũng cho thấy khả năng về dịch tễ của mỗi nước vì vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, điều này không cấm cản các nước thành viên phối hợp trên quy mô châu Âu để có được một phương án hành động chung. Theo xã luận của Le Monde, thực tế cho thấy mỗi nước đang “mạnh ai nấy làm”. Thậm chí, Đức và Pháp cấm xuất khẩu trang thiết bị y tế sang các nước thành viên, bất chấp vi phạm các quy định của thị trường chung.
Trên lĩnh vực kinh tế, quá trình phối hợp cấp Liên Âu bị hạn chế tối đa. Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu không có nhiều phương tiện, đặc biệt là về kế hoạch ngân sách, để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ đang khiến kinh tế thế giới lao đao. Điều này không có gì ngạc nhiên vì ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu chỉ chiếm hơn 1% GDP của mỗi nước thành viên. Cho đến nay, mọi ý định lập một chính sách kinh tế trên quy mô của khối đều bị thất bại. Xã luận cho rằng nếu không có một liên minh ngân hàng
hay đồng nhất về các thị trường vốn và đóng góp thêm vào ngân sách, thì mỗi nước sẽ lại tiếp tục hành động theo lợi ích riêng mà không bận tâm đến vấn đề của các nước láng giềng.
“Chỉ tinh thần đoàn kết giữa các nước mới giúp thoát khỏi khủng hoảng”
Tại sao Pháp và Đức cấm xuất sang các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu trang thiết bị y tế ? Vì thực ra, chính những nước này cũng đang bị thiếu hụt. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mà Liên Hiệp Châu Âu có thể điều phối, theo nhận định của nhà nghiên cứu kinh tế Hélène Rey trên Les Echos : “Chỉ có tình đoàn kết giữa các nước mới cứu chúng ta thoát khỏi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”.
Thứ nhất, cần huy động khẩn cấp mọi nguồn lực để tập trung sản xuất trang thiết bị y tế cần thiết (khẩu trang, đồ bảo hộ…), xây dựng bệnh viện dã chiến. Ủy Ban Châu Âu có thể giúp đỡ trong lĩnh vực này và tạo thuận lợi cho việc phân phối những thiết bị cần thiết phù hợp với thời điểm đỉnh dịch ở mỗi nước. Chuyên gia kinh tế không quên nhắc lại rằng việc các nước để chính phủ Ý đơn độc đương đầu với dịch Covid-19 là một sai lầm về đạo đức và chiến lược.
Thứ hai, lĩnh vực kinh tế sẽ phải hứng một cú sốc rất mạnh. Dựa trên những phân tích về tình hình tại Trung Quốc trong thời dịch, bà Hélène Rey nhận định tăng trưởng của Pháp sẽ bị giảm mạnh và cấp độ còn tùy vào thời gian của dịch. Hai giả thuyết được nêu lên : Nếu các biện pháp dịch tễ nghiêm ngặt được áp dụng trong vòng ba tháng dẫn đến việc giảm 25% hoạt động và sau đó mọi chuyện trở lại bình thường, thì GDP hàng năm của Pháp sẽ giảm 5% so với mức kỳ vọng ; Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài và quy mô tác động trực tiếp lớn hơn, Pháp sẽ có thể sẽ ghi nhận mức suy thoái từ 10% trở lên cho năm 2020 so với dự kiến.
Bà Hélène Rey đánh giá cao các biện pháp của các chính phủ và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, phù hợp với quy mô cú sốc mà cả thế giới đang trải qua, vì những biện pháp đó giúp các doanh nghiệp tránh bị phá sản, cũng như hỗ trợ sức mua của người lao động, nếu không, việc tạm thời ngừng hoạt động hiện nay sẽ biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế lâu dài và đau đớn hơn.
Vấn đề đặt ra là sau khủng hoảng, nợ công của các nước sẽ tăng một cách đáng kể. Vì vậy, theo chuyên gia Pháp, cần phải xử lý tình huống này với các đối tác của khu vực đồng euro một cách thống nhất tối đa có thể. Ví dụ có lẽ đã đến lúc cân nhắc đến một ngân sách châu Âu đủ mạnh để đối phó với những chi phí cho dịch tễ và chi phí thất nghiệp tạm thời cho các nước thành viên khối đồng tiền chung euro. Nguyên tắc tương ái cần được áp dụng trọn vẹn.
Cùng nhau vượt qua dịch
Đợt dịch Covid-19 này cho thấy “không gì có vẻ là vững chắc. Không gì có vẻ là ổn định, đáng tin cậy”, theo đánh giá trong bài xã luận của Libération.
Dịch Covid-19 cho thấy rõ những vấn đề về cấu trúc, xã hội và chính trị. Những bất bình đẳng lại càng lộ rõ. Và chính những người có cuộc sống bấp bênh nhất, những người yếu đuối nhất và những người dễ bị tổn thương nhất lại là những người sẽ phải gánh chịu những ngày tháng nặng nề nhất.
Đợt dịch này cũng cho thấy rõ những nguy hiểm của khuynh hướng dân túy, bằng chứng là nhiều nước cho tuyên truyền cứ như dịch bệnh không dám động đến nước họ, hoặc virus corona là “virus ngoại quốc”. Xã luận của Libération cũng đưa ra quan điểm “phải có một hành động chung đối với đại dịch”. Phải ưu tiên “chúng ta” hơn là “họ” vì tư tưởng dân túy chẳng giúp được gì trong trường hợp này.
Pháp ban hành “tình trạng khẩn cấp dịch tễ”
Chỉ trong vòng vài ngày, hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt liên tục được chính phủ Pháp công bố : đóng cửa trường học, các tụ điểm vui chơi giải trí hàng quán, người dân được yêu cầu ở nhà… Pháp chuẩn bị bước vào giai đoạn “tình trạng khẩn cấp dịch tễ”.
Nhật báo La Croix giải thích với việc ban hành tình trạng khẩn cấp dịch tễ, chính phủ có thể được phép đưa ra các biện pháp đặc biệt, thậm chí “hạn chế quyền tự do đi lại, tự do hội họp và cho phép trưng dụng tài sản hoặc dịch vụ cần thiết”. Luật về “Tình trạng khẩn cấp”, có từ năm 1955, từng được áp dụng sau loạt vụ khủng bố ở Paris và tỉnh Saint-Denis năm 2015. Nếu ban hành tình trạng khẩn cấp, chính phủ có thể sẽ kéo dài thời gian phong tỏa, nhiều hơn 15 ngày như hiện nay.
Hai ngày đầu phong tỏa, nhiều đô thị lớn của Pháp yên lặng bất thường, trái ngược với hình ảnh khẩn trương bên trong các bệnh viện. Nhật báo Le Monde dành hai trang để những bệnh nhân Covid-19 kể lại chuyện của họ, những lo lắng, những tác động đến tâm lý và thể chất. Các bệnh viện chuẩn bị tinh thần để đón hàng loạt bệnh nhân mới, đồng thời cũng phải chuẩn bị tâm lý “bỏ ai, chăm sóc ai” nếu xảy ra tình trạng quá tải, thiếu máy thở.
Ngày 17/03, Tổng cục Y tế Pháp đã gửi đến các y bác sĩ một cuốn hướng dẫn những trường hợp ưu tiên. Đây là “Thế tiến thoái lưỡng nan của nhân viên y tế”, theo nhận định trên trang nhất của La Croix. Bệnh nhân nào được ưu tiên ? Dựa theo tiêu chí nào ? Nhật báo Công Giáo phản ánh “những quy tắc ưu tiên khó khăn trong bệnh viện”.
Pháp đang phải đối mặt với tình trạng tương tự ở Ý. Bước sang ngày phong tỏa thứ ba, “nhiều câu hỏi đang làm sứt mẻ đoàn kết dân tộc”. Le Figaro cho biết phe đối lập chất vấn về sự trì trệ của chính phủ trong xử lý khủng hoảng, từ vấn đề kiểm tra ở biên giới, thiếu khẩu trang, thiếu bộ xét nghiệm virus corona… Chưa dừng ở đó, theo một bài viết của Le Monde, cựu bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn như châm thêm dầu vào lửa, khi cho biết bà từng khuyến cáo thủ tướng Edouard Philippe ngay từ tháng Hai là không nên tổ chức bầu cử địa phương khi dịch đạt đỉnh.
30 dự án vác-xin chạy đua chống virus corona
Cuộc chiến tìm vác-xin chống virus corona đã diễn ra từ đầu năm, nhưng càng khẩn trương hơn trong thời gian gần đây. Công ty Moderna Therapeutics và NIH đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Mỹ. Và hiện có khoảng “30 dự án vác-xin chạy đua chống virus corona”, theo Le Figaro.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu một sản phẩm có hiệu quả cần nhiều thời gian. Nhà nghiên cứu Etienne Declory, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) nhận định với Le Figaro : “Quá trình đưa được một loại vác-xin ra thị trường rất lâu, tổng cộng phải cần ít nhất 2 năm… Sau những đợt thử nghiệm đầu tiên trên động vật, thì cần phải có ba đợt thử nghiệm trên người”. Viện Pasteur của Pháp cũng đang phát triển một loại vác-xin chống virus corona mới nhưng để có thể sử dụng rộng rãi, cũng phải chờ đến năm 2021.
Trong khi chờ đợi, các bác sĩ vẫn phải sử dụng những loại thuốc đã có (chống HIV, Ebola…) để điều trị triệu chứng cho người bệnh. Thuốc chloroquine, được một bệnh viện ở Marseille, khẳng định có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Chính phủ Pháp đồng ý cho sử dụng, nhưng theo Le Figaro, dựa trên nhận định của nhiều chuyên gia, thì “phải thận trọng với thuốc Chloroquine”.
Sản xuất trong thời phong tỏa vì dịch Covid-19
Trong khi toàn bộ người dân được yêu cầu ở nhà, trừ những trường hợp bất khả kháng, thì chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục “làm việc dù có virus” do lo ngại nhiều lĩnh vực thiết yếu phải ngừng hoạt động do thiếu nhân lực, theo trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos.
Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire khuyến khích : “Tất cả những ai có thể thì nên đi làm, nhất là trong những lĩnh vực thiết yếu”. Tổ chức giới chủ Medef nghiên cứu cách làm tại Ý để điều phối các biện pháp dịch tễ và duy trì hoạt động sản xuất.
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi rất nhiều lĩnh vực “không cần thiết” trong thời dịch bệnh (du lịch, nhà hàng…) ngừng hoạt động, nhân viên nghỉ việc, khiến người lao động trong một số lĩnh vực khác (thu ngân, cảnh sát…) bị sốc vì các biện pháp phong tỏa gần như triệt để và có cảm giác phải đối đầu với nguy hiểm khi họ đi làm. Cả nhật báo kinh tế Les Echos và Le Figaro lần lượt giải thích những quyền lợi của “người lao động và người sử dụng lao động trong cơn bão virus corona”.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200319-virus-corona-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-ch%C3%A2u-%C3%A2u-%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o
Tin tổng hợp
(AFP) – Hoa Kỳ : Donald Trump chính thức làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa.
Ngày 17/03/2020, tổng thống Mỹ đã có đủ số đại biểu cần thiết để được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. Đây chỉ là một thủ tục trong cuộc vận đông tranh cử của ông. Do việc ông không có đối thủ trong đảng, nhiều tiểu bang đã không tổ chức bầu cử sơ bộ, chỉ có Florida và Illinois là đã cố tổ chức vào hôm 17/03. Trong một tin nhắn trên Twitter, chủ tịch đảng Cộng Hòa Ronna McDaniel khen ngợi ông Trump là ứng viên đảng đề cử để tranh ghế tổng thống, và cho biết thêm là bang Florida đã cho tổng thống số đại biểu mà ông cần.
(AFP) – Tranh cử sơ bộ bầu tổng thống Mỹ : Cựu phó tổng thống Joe Biden giành thắng lợi tại ba tiểu bang Florida, Arizona và Illinois.
Ngày 17/03/2020, cựu phó tổng thống Biden, ứng cử viên tranh cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ, đã khẳng định được vị thế dẫn đầu, trong cuộc đọ sức với ứng cử viên Bernie Sanders. Tại Florida, ông Biden giành được 61% phiếu, so với 22% của đối thủ, theo kết quả kiểm 87% số phiếu. Thắng lợi của ứng cử viên Biden tại ba tiểu bang này đặt đối thủ Bernie Sanders trong tình thế hết sức khó khăn. Hiện tại, do dịch Covid-19, cả hai ứng cử viên, và cả tổng thống Trump, đều không tổ chức mít tinh tranh cử.
(AFP) - Thêm 147 người chết tại Iran vì Covid-19.
Thứ trưởng Y Tế Alireza Raisi Iran ngày 18/03/2020 cho biết đã có thêm hơn 1.000 ca dương tính với virus corona trong 24 giờ qua. Tới nay, tại Iran có 17.161 người nhiễm. Với 231 người nhiễm siêu vi chủng mới, khu vực thủ đô Teheran có số người bệnh nhân cao nhất trên toàn quốc.
(AFP) - Tây Ban Nha thông báo số ca nhiễm tăng tới mức “chóng mặt”.
Tính đến trưa 18/03/2020, trên toàn quốc có 13.700 người nhiễm virus corona, gần 600 người chết. Thống kê của bộ Y Tế nước này nói rõ khu vực gần thủ đô Madrid là ổ dịch lớn nhất. Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố với Quốc Hội : “thách thức đang ở trước mặt chúng ta”, số ca lây nhiễm sẽ còn tăng mạnh trọng những ngày tới.
(AFP) - Virus Corona có thể sống nhiều giờ trong không khí.
Theo một nghiên cứu được chuyên san y khoa New England Journal of Medicine (NEJM), công bố ngày 17/03/2020, virus corona chủng mới, có khả năng như virus Sars, sống nhiều giờ ngoài cơ thể con người, trên những mặt bằng khác nhau, bằng nhựa hay thép không gỉ (inox), carton (đến cả 24 tiếng) hay cả trong không khí. Theo các tác giả công trình nghiên cứu, đặc tính đó của con virus có thể giải thích quy mô rộng lớn của dịch Covid-19 hiện nay, với con virus có khả năng lây nhiễm nhanh chóng từ người sang người.
(AFP) – Bất chấp Covid-19, Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế khẳng định tiếp tục chuẩn bị cho Thế Vận mùa hè tại Nhật.
Ngày 17/03/2020, CIO nhấn mạnh hiện thời chưa cần thiết phải đưa ra một quyết định triệt để. Thông báo của Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế được đưa ra sau một cuộc họp qua điện thoại của ban điều hành CIO. Thế Vận mùa hè dự kiến diễn ra từ ngày 24/07 đến 09/08/2020.
(AFP) – Pháp : Giải tennis Roland Garros bị dời qua mùa thu vì Covid-19.
Ban tổ chức giải quần vợt mở rộng Roland Garros tại Pháp đã quyết định vào ngày 17/03/2020 là giải đấu, thường diễn ra vào đầu mùa xuân (24/05 – 07/06), sẽ được tổ chức từ ngày 20/09 đến 04/10/2020. Vòng loại dự kiến vào ngày 18/05 ải dời lại vì không thể biết được tình hình virus lây nhiễm như thế nào, và liệu các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập hiện hành có được dỡ bỏ trước đó hay không.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200318-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 19/3:
Anh đóng cửa trường học để chống virus Vũ Hán
Lục DuSáng nay, thứ Năm (19/3), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin thế giới nổi bật đêm qua:
Anh đóng cửa trường học để chống virus Vũ Hán
Các quan chức Anh vào thứ Tư (18/3) thông báo rằng tất cả các trường học trên cả nước sẽ đóng cửa vô thời hạn bắt đầu từ thứ Sáu để hạn chế sự lây lan của virus Vũ Hán đã lấy đi thêm 33 sinh mạng người dân, theo Fox News.
Theo BBC, yêu cầu mới này vẫn có ngoại lệ, các trường học dành cho con em của những người làm việc trong các dịch vụ công công thiết yếu hoặc trong hoàn cảnh khó khăn sẽ vẫn tiếp tục mở cửa.
Anh đang trở thành một trong những tâm dịch COVID-19 ở châu Âu, theo thống kê của Worldometers, tính tới hết ngày thứ Tư, sau 24 giờ, nước này có thêm 676 ca nhiễm bệnh, đưa tổng số người dương tính với virus Vũ Hán ở nước này lên 2.626 người, trong đó có 104 trường hợp tử vong.
Mỹ thông qua luật hỗ trợ khẩn cấp dịch virus Vũ Hán
Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật hỗ trợ tài chính khẩn cấp để phòng chống dịch COVID-19 vào thứ Tư (18/3) với số phiếu tán thành 90-8, dự kiến dự luật này sẽ nhanh chóng được Tổng thống Donald Trump ký ban hành, theo SCMP.
Một trong những điều khoản của dự luật này quy định, người dân sẽ được trả lương trong trường hợp nghỉ việc để làm các xét nghiệm nCoV, hoặc chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19, chi phí cho các xét nghiệm virus Vũ Hán cũng sẽ được miễn phí. Đạo luật cũng bao gồm điều khoản chi tiền hỗ trợ thực phẩm cho người dân.
Dịch viêm phổi COVID-19 do virus Vũ Hán gây ra đang diễn biến theo chiều hướng xấu tại Hoa Kỳ, theo cập nhật của Worldometers, tình tới sáng ngày 19/3, Mỹ có 8.998 người nhiễm bệnh (tăng 2.587 ca), 150 người chết (tăng 41 ca).
Mỹ-Hàn đang đàm phán chia sẻ chi phí quân sự
Hoa Kỳ vẫn cam kết tìm kiếm một thỏa thuận chung có thể chấp nhận được với Hàn Quốc về việc chia sẻ chi phí cho quân đội Mỹ đóng quân trên bán đảo Triều Tiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hôm thứ Tư (18/3), Yonhap đưa tin.
Đây là vòng đàm phán thứ bảy giữa hai bên. Vòng đàm phán lần này được khởi động lại vào thứ Ba tại Los Angeles sau hai tháng gián đoạn. Dự kiến đoàn đàm phán hai bên sẽ kết thúc các thảo luận trong 2 ngày.
Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, Hoa Kỳ sẽ cho nghỉ việc, bắt đầu từ 1/4, khoảng 9000 người Hàn Quốc đang làm việc tại các căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại bán đảo Triều Tiên.
Ý có thể cấm hoạt động ngoài trời vì virus Vũ Hán
Chính phủ Ý, hôm thứ Tư (18/3), nói rằng có thể sẽ cấm các hoạt động ngoài trời để ngăn chặn tối đa sự lây lan của virus Vũ Hán đang bùng phát ở nước này, theo Reuters.
Ý là quốc gia phương Tây đầu tiên áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại gắt gao nhằm ngăn chặn COVID-19. Tuy nhiên, sau một tuần áp dụng các biện pháp mạnh tay, số người nhiễm virus Vũ Hán và tử vong vì loại virus này vẫn tăng cao. Tính tới hết ngày thứ Tư, ở Ý có 35,713 người nhiễm bệnh (tăng 4,207), và 2,978 (tăng 475). Các bệnh viện thuộc phía bắc Ý hiện đã ở tình trạng quá tải do lượng bệnh nhân COVID-19 dồn về quá nhiều.
Chính quyền khu vực Lombardy, tâm dịch COVID-19 ở Ý, hôm thứ Tư, đã yêu cầu những nhân viên y tế mới nghỉ hưu quay trở lại bệnh viện để giúp chống chọi với đại dịch. Trước đó một ngày, chính phủ Ý đã cho phép 10.000 sinh viên năm cuối ngành y không phải thi tốt nghiệp để hành nghề sớm hơn gần một năm, nhằm bổ sung thêm nhân sự phòng chống dịch bệnh.
Nhân dịp năm mới, Iran ân xá 10.000 tù nhân
Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, sẽ ký lệnh ân xá cho 10.000 tù nhân, bao gồm cả những tù nhân chính trị trong dịp nước này mừng năm mới theo phong tục riêng, Reuters đưa tin.
Hôm thứ Ba (17/3), ông Gholamhossein Esmaili, phát ngôn viên của ngành tư pháp Iran cho biết, khoảng 85.000 tù nhân đã được tạm thời phóng thích, bao gồm các tù nhân chính trị, để hạn chế sự lây lan của virus Vũ Hán.
Chính phủ Iran nói rằng nước họ có 189.500 tù nhân. Một quan chức của Liên Hợp Quốc tin rằng trong số các tù nhân này có hàng trăm người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình chống chính phủ vào tháng 11 năm ngoái. Những người này có thể nằm trong số tù nhân được ân xá lần này.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-19-3-anh-dong-cua-truong-hoc-de-chong-virus-vu-han.html
Điểm tin thế giới chiều 19/3:
Nga ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus Vũ Hán
Hải LamMục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (19/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Nga ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus Vũ Hán
The Moscow Times, giới chức Nga hôm nay thông báo nước này có ca tử vong đầu tiên vì virus Vũ Hán.
Bệnh nhân là một phụ nữ 79 tuổi, được đưa đến một phòng khám tư hôm 13/3 và được chuyển đến một bệnh viện về các bệnh truyền nhiễm vài ngày sau đó. Bà được chẩn đoán dương tính nCoV và được đưa vào khu cách ly chăm sóc đặc biệt do suy hô hấp.
“Bệnh nhân cao tuổi mắc một số bệnh mãn tính, bao gồm tiểu đường tuýp hai, bệnh động mạch và tăng huyết áp”, Svetlana Krasnova, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Moskva số hai, cho biết hôm nay.
Theo cập nhật của worldometer, tính đến 17h36 (giờ Việt Nam) ngày 19/3, Nga ghi nhận 147 ca nhiễm virus Vũ Hán.
Hàn Quốc phát hiện thêm ổ dịch virus Vũ Hán
Theo CNA, Hàn Quốc ngày 19/3 ghi nhận 152 ca nhiễm mới, sau 4 ngày liên tiếp báo cáo số ca nhiễm mới dưới mốc 100. Ổ dịch mới nhất của Hàn Quốc là một viện dưỡng lão ở thành phố Daegu, địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi virus Vũ Hán.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết ít nhất 74 ca nhiễm virus Vũ Hán đến từ một viện dưỡng lão tại Daegu trong tuần này. Tuy nhiên, KCDC không nêu rõ có bao nhiêu ca trong số 152 ca nói trên có liên quan tới viện dưỡng lão.
Theo cập nhật của worldometer, tính đến 17h36 (giờ Việt Nam) ngày 19/3, Hàn Quốc ghi nhận 8.565 ca nhiễm virus Vũ Hán và 91 ca tử vong.
Úc – New Zealand đóng biên giới với khách nước ngoài
Theo Bloomberg, Úc và New Zealand quyết định đóng cửa biên giới với những người không phải công dân hoặc không cư trú dài hạn trên nước họ, nhằm ngăn sự lây lan của virus Vũ Hán.
Thủ tướng Scott Morrison nói với các phóng viên ở Canberra ngày 19/3 rằng, Úc cấm người không cư trú dài hạn (non-resident) hoặc không phải công dân nước này (non-citizen) nhập cảnh, bắt đầu từ 21h ngày 20/3 (giờ địa phương).
Trong khi đó, lệnh cấm tương tự của New Zealand sẽ có hiệu lực vào nửa đêm nay, Thủ tướng Jacinda Ardern nói tại một cuộc họp báo ở Wellington.
Tất cả nhân viên phục vụ Putin xét nghiệm nCoV
Điện Kremlin hôm 18/3 cho biết tất cả các nhân viên liên quan đến lịch trình của Tổng thống Putin đều bắt buộc phải xét nghiệm nCoV.
“Chúng tôi thực hiện mọi biện pháp cần thiết 24/7 để bảo vệ Tổng thống trước virus và các bệnh khác”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên ngày 18/3 tại Moskva. Ông Peskov cho biết ông và các quan chức cấp cao khác trong Điện Kremlin đều đã xét nghiệm nCoV.
Phát ngôn viên Điện Kremlin từ chối cho biết liệu ông Putin đã xét nghiệm nCoV hay chưa nhưng khẳng định Tổng thống được chăm sóc sức khỏe ở mức độ đặc biệt cao.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania đóng quảng cáo chống virus Vũ Hán
Reuters đưa tin, các đài truyền hình lớn của Mỹ sẽ phát đoạn quảng cáo, trong đó đệ nhất phu nhân Melania Trump kêu gọi và hướng dẫn rửa tay đúng cách, nhằm chống virus Vũ Hán.
Nhà Trắng hôm 18/3 cho biết bà Melania xuất hiện trong một đoạn quảng cáo, hướng dẫn về cách rửa tay và giữ khoảng cách với người khác để phòng chống dịch bệnh. Nội dung quảng cáo hướng khán giả truy cập vào trang web chứa đầy đủ các thông tin về COVID-19, coronavirus.gov. Quảng cáo này sẽ được nhiều đài truyền hình như ABC, CBS, NBC và nhiều đài khác phát sóng.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-19-3-nga-ghi-nhan-ca-tu-vong-dau-tien-do-virus-vu-han.html
Tạp chí tiêu điểm
Nga: Vladimir Putin và nỗi ám ảnh quyền lực vĩnh cửu
Minh AnhTòa án Hiến Pháp Nga ngày thứ Hai 16/03/2020 đã thông qua chương trình cải cách rộng lớn theo như đề nghị của tổng thống Vladimir Putin. Với việc thông qua dự luật cải cách Hiến Pháp này, nguyên thủ Nga có thể đảm nhiệm thêm hai nhiệm kỳ mới sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào năm 2024. Làm thế nào nguyên thủ Nga có thể thực hiện việc kéo dài quyền hạn sau 20 năm cầm quyền? (Tạp chí phát lần đầu ngày 30/01/2020)
Thứ Tư 16/01/2020, tổng thống Nga đề nghị tổ chức một cuộc tham vấn công luận về cải cách Hiến Pháp nhằm cải tổ hệ thống chính trị đất nước. Năm ngày sau, ngày 21/01, Vladimir Putin chính thức công bố dự luật thành lập Hội Đồng Nhà Nước.
Với thông báo này, Vladimir Putin xứng danh là « chủ nhân của mọi sự kinh ngạc ». Mọi sự bắt đầu từ ngày 31/12/1999, khi ông Boris Eltsin bất ngờ thông báo chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho thủ tướng lúc bấy giờ là ông Vladimir Putin, để rồi từ đó người này không bao giờ rời xa quyền lực. Vladimir Putin, bốn lần đắc cử và tái đắc cử tổng thống (2000, 2004, 2012, 2018) và hai lần làm thủ tướng chính phủ (từ tháng 8/1999 – 5/2000, rồi từ tháng 5/2008 – 5/2012).
Hiến Pháp : Công cụ bảo toàn quyền lực của Putin ?
Trong 20 năm đó, thế giới hẳn chưa thể nào quên được lần đổi vai ngoạn mục giữa Putin với Dmitri Medvedev năm 2008 : Ông làm thủ tướng còn Medvedev làm tổng thống, nhưng thực quyền vẫn nằm trong tay Putin. Nhiệm kỳ thủ tướng kết thúc, Vladimir Putin trước khi ra tranh cử tổng thống năm 2012, đã cho sửa đổi Hiến Pháp tăng thời hạn nhiệm kỳ tổng thống từ bốn lên thành sáu năm.
Tám năm sau, ngày 16/01/2020, nguyên thủ Nga lại bất ngờ thông báo sửa đổi Hiến Pháp. Trong lần thứ hai này, Vladimir Putin đề nghị tăng cường thẩm quyền Quốc Hội trong việc bổ nhiệm thủ tướng, giới hạn nhiệm kỳ tổng thống không được quá hai lần sáu năm liên tiếp. Tuy nhiên, điểm đáng được chú ý nhất là việc thành lập Hội Đồng Nhà Nước với quyền hành rộng rãi bao gồm chính sách đối ngoại, đối nội, kinh tế và xã hội mà chiếc ghế chủ tịch hiện chưa rõ sẽ thuộc về ai.
Vladimir Putin sửa đổi Hiến Pháp nhằm mục đích gì ? Giới chuyên gia tại Pháp hầu hết đều cho rằng đây là cách duy nhất để nguyên thủ Nga duy trì quyền lực. Liệu rằng tổng thống Nga có « bổn cũ soạn lại », tiếp tục đổi vai như năm 2008, trở về làm thủ tướng ? Chuyên gia Pascal Boniface, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), tin rằng « Không ». Theo ông, mục tiêu chính của ông Putin là làm thế nào duy trì đường lối chính sách mà ông đã tiến hành một khi ông mãn nhiệm. Bằng cách nào mới được ? Ông Pascal Boniface phân tích :
« Đương nhiên là tổng thống Nga muốn gây ảnh hưởng. Ông Putin có thể làm được điều đó thông qua Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và nắm lấy chiếc ghế chủ tịch. Điều này khá giống kịch bản Kazakhstan. Ông Nazarbaїev tuy không còn chức vụ lãnh đạo hàng đầu chính thức nữa nhưng người này giữ một tầm ảnh hưởng mạnh đến mức đường lối chính sách đất nước mang đậm dấu ấn của ông, cũng như là ông rất được lắng nghe.
Hay chúng ta còn nhớ là ông Đặng Tiểu Bình tại Trung Quốc trong những năm cuối đời chỉ giữ một chức vụ được xem như là chính thức ‘‘chủ tịch Hiệp hội chơi bài’’. Người này không có một chức vụ nào trong chính phủ cả, thế nhưng ông ấy mới chính là nhân vật số một.
Chúng ta có thể thấy là ông Putin cho dù có ở bất kể cương vị nào, cũng sẽ duy trì một tầm ảnh hưởng đối với những người kế nhiệm. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng làm được. Nhưng một lần nữa tôi tin rằng điều quan trọng nhất đối với Putin chính là chính sách của ông phải được tiếp tục và tổ quốc Nga vẫn phải được nể trọng ».
Kinh tế – Xã hội : Chiếc phanh kềm hãm tham vọng của Putin ?
Nhìn lại 20 năm cầm quyền đã qua của chủ nhân điện Kremlin, người ta không khỏi ngạc nhiên và tự hỏi : Làm thế nào mà ông Putin có thể tại quyền lâu đến như thế ? Vì sao việc ông cầm quyền lâu không có vẻ gì là gây sốc cho công luận Nga nói riêng và quốc tế nói chung ? Nhà nghiên cứu Pascal Boniface, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược lý giải như sau :
« Điều có thể giải thích cho việc Putin rất được lòng dân cũng như là có thể tại vị suốt một phần tư thế kỷ chính là vì ông đã mang lại niềm tự hào cho dân tộc Nga. Bị phản đối ở phương Tây nhưng người dân Nga cho rằng họ đã bị sỉ nhục trong những năm 1990 và chính ông Putin đã trao lại cho họ niềm tự hào đó. Chính ông một lần nữa đã làm cho nước Nga được tỏa sáng trên trường quốc tế bằng những phương tiện hạn hẹp.
Hơn nữa, so với thời kỳ khủng hoảng của những năm 1990, tình hình kinh tế tuy không mấy gì tươi sáng nhưng dẫu sao cũng đã khá hơn. Đừng quên rằng GDP của Nga trong giai đoạn 1991-2000 đã bị giảm đến một nửa.
Nhưng nếu ông Putin rất được lòng dân ở Nga thì ở thế giới phương Tây ông lại không được như thế. Nhưng việc ông cầm quyền lâu không là một vấn đề bởi vì có rất nhiều nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ cầm quyền từ lâu. Một số thân với phương Tây, số khác là đối thủ cạnh tranh. Và đây không còn là một tiêu chí để đánh giá trong thế giới phương Tây. Họ chủ yếu chỉ trích ông Putin về đường lối chính sách của ông hơn là thời gian cầm quyền. »
Giờ đây, theo Hiến Pháp, Vladimir Putin không thể tái tranh cử. Hơn nữa, tuy tỷ lệ được lòng dân vẫn còn cao (khoảng 70%), nhưng tổng thống Nga cũng phải đối mặt với làn sóng bất bình trong nước ngày càng cao. Các thành tích quân sự bên ngoài lãnh thổ không còn làm cho người dân Nga hào hứng như vụ sáp nhập bán đảo Crimee hay cuộc khủng hoảng ở Đông Ukraina.
Bởi vì, từ năm năm qua, tình trạng nghèo khổ không suy giảm và thu nhập bình quân của người dân Nga bị giảm đến 12%. Những vấn đề kinh tế – xã hội bắt đầu có những tác động tiêu cực đối với uy tín của ông Vladimir Putin nói riêng và đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất nói chung, mà cuộc bầu cử Hội Đồng Thành phố Matxcơva hồi tháng 9/2019 là một ví dụ điển hình.
Với Thornike Gordadze, cựu ngoại trưởng Gruzia, giảng viên trường Khoa học Chính trị (Sciences Po), đây là một trong những nguyên nhân chính khiến lãnh đạo Nga lo lắng và gấp rút cho sửa đổi Hiến Pháp.
« Có một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga. Đất nước hiện đang trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm, có thể nói là không đủ sức cất cánh, bởi vì nước Nga khá bị chậm trễ so với các nước phát triển chính như các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Nếu muốn đuổi kịp những nước này, Nga cần phải có một mức tăng trưởng khá lớn.
Thậm chí Nga cũng chưa phải là một cường quốc kinh tế mới trỗi dậy với mức tăng trưởng cao. Nước Nga chẳng phát minh ra được cái gì, cũng chẳng có cải cách, cách tân gì cả. Nga vẫn là một nước lệ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu khí.
Và chúng ta thấy rõ là tiền có được đã không được sử dụng cho việc phát triển kinh tế mà chỉ dùng để hiện đại hóa quân đội, hay để ghi điểm trên bàn cờ địa chính trị quốc tế chứ không phải là hiện đại hóa kinh tế quốc gia ! »
Chọn người kế nhiệm : Putin trong thế lưỡng nan
Nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông sẽ kết thúc vào năm 2024, và thời điểm đó cũng đánh dấu 24 năm cầm quyền của ông. Vào năm đó, Vladimir Putin sẽ được 72 tuổi. Vậy ông sẽ làm gì ? Không ai biết rõ. Nhưng theo nhà báo, giảng viên trường quân sự Saint-Cyr, ông Frederic Pons, « một điều chắc chắn rằng, là một nhà lãnh đạo thực dụng và đòi hỏi cao, Vladimir Putin đang chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cho giai đoạn này. »
Ai sẽ là người thay thế ông vào năm 2024 ? Đây quả thật là một bí ẩn lớn. Nhà nghiên cứu Nga học, bà Tatiana Kastouéva-Jean gần như khẳng định thế giới khó có thể thấy được một gương mặt khả tín nào để thay thế Vladimir Putin. Bà giải thích :
« Vấn đề là người ta chưa thấy có một gương mặt khả tín nào để thay thế Vladimir Putin. Bởi vì họ đã làm mọi thứ sao cho không có khả năng thay thế đó. Do vậy, đối với rất nhiều người dân Nga, Vladimir Putin tuy không còn là một gương mặt được lòng dân nhất, một gương mặt ưa thích nhất cho vai trò tổng thống nhiệm kỳ thứ 5, nhưng vì họ cũng chưa thấy có một gương mặt khả dĩ nào khác, họ sợ hỗn loạn nên đành chọn điều kém tồi tệ nhất, nghĩa là Vladimir Putin ».
Một quan điểm cũng được ông Pascal Boniface đồng chia sẻ. Vị chuyên gia này còn lưu ý thêm rằng bản thân việc tìm người thay thế theo đúng ý muốn của ông sẽ là một bài toán hóc búa cho chính nguyên thủ Nga.
« Điều chắc chắn là ông Putin đã có một ảnh hưởng to lớn trong hệ thống chính trị Nga đến mức ông che mờ thậm chí làm cho tất cả những người khác không còn tồn tại. Chúng ta thấy rõ là ông Medvedev đã không thể nào có được một vai trò quan trọng nào ngay cả khi ông ấy làm tổng thống. Ông ấy đã bị chiếc bóng của Putin che khuất.
Thế nên, cần phải chuẩn bị giai đoạn chuyển tiếp, bởi vì nếu như Putin muốn rằng các chính sách của ông được duy trì, cần phải có một người có bản lĩnh chứ không chỉ đơn giản là một người thừa hành. Đây thật sự là một thế lưỡng nan đối với ông Putin. Nếu đưa một người tài giỏi rốt cuộc chính ông có thể trở thành chiếc bóng của người đó. Nhưng nếu đó là một người tầm thường, trong trường hợp này tương lai chính sách của ông bị lâm nguy. »
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200319-nga-vladimir-putin-v%C3%A0-n%E1%BB%97i-%C3%A1m-%E1%BA%A3nh-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-v%C4%A9nh-c%E1%BB%ADu
0 comments