Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 19//03/2020

Thursday, March 19, 2020 6:10:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 19//03/2020

Hai người H’mong bị kết án tù chung thân

vì cáo buộc lật đổ chính quyền

Toà án Nhân dân tỉnh Điện Biên hôm 18/3 đã tuyên án tù chung thân đối với 2 người H’mong với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 19/3.
Hai người bị kết án là Sùng A Sính (sinh năm 1982) và Lầu A Lềnh (sinh năm 1970). Cả hai người bị cáo buộc chủ mưu, đóng vai trò cầm đầu trong việc lôi kéo những người khác cùng tham gia tổ chức lập nhà nước Mông tại huyện Mường Nhé từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2019. Riêng Lầu A Lềnh còn phải chịu án 7 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Toà án Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng kết án từ 24 tháng đến 20 năm tù 12 người H’mong khác về tội che giấu tội phạm và hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Theo cáo trạng được báo chí trong nước trích đăng, Lầu A Lềnh đã tham gia tổ chức lập nhà nước Mông, truyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam từ năm 2010, bị khởi tố nhưng đã bỏ trốn.
Cáo trạng cáo buộc việc đòi lập nhà nước Mông là nhằm mục đích cướp đất, cướp chính quyền tại huyện Mường Nhé, thay thế chính quyền bằng một chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy tổ chức, công an, quân đội, chữ viết… riêng.
Ngoài hai bị cáo bị kết án chung thân, những bị cáo khác bị cáo buộc đã giúp đỡ, cung cấp lương thực cho những người bị bỏ trốn sau khi bị khởi tố, cản trở quá trình điều tra.
Trong những năm qua, chính quyền Việt Nam đã vài lần phải đối phó với những cuộc tập trung, phản đối của người H’mong, trong đó có vụ dẫn đến đổ máu
Vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011, hàng ngàn người H’mong đã tham gia một cuộc biểu tình được coi là lớn nhất từ trước tới nay của người H’mong ở Điện Biên. Chính quyền địa phương đã phải huy động một lực lượng lớn công an, quân đội đến để giải tán. Truyền thông trong nước cáo buộc những người H’mong này biểu tình để đòi lập nhà nước riêng. Một số người H’mong bỏ trốn sang Thái Lan xin tị nạn chính trị sau đó cho Đài Á Châu Tự Do biết họ chỉ đòi có nhà thờ Tin Lành riêng cho người H’mong mà không phải cầu nguyện tại nhà. Người H’mong cũng đòi phải được có chữ viết riêng và Kinh Thánh dịch ra tiếng H’mong.
Những người H’mong trốn thoát sau đó cho biết họ đã bị từng bị bắt giữ và tra tấn dã man sau vụ năm 2011.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-jails-2-hmong-men-for-life-on-charge-of-trying-to-overthrow-state-03192020074705.html

CSVN truy tố cựu Thứ trưởng,

Đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến

Tin từ Việt Nam: Viện kiểm sát quân sự trung ương của Bộ quốc phòng cộng sản Việt Nam vừa ký quyết định truy tố cựu đô đốc hải quân kiêm thứ trưởng quốc phòng về cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 củaBộ luật Hình sự 2015.
Truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin theo cáo trạng thì ông Hiến đã không kiểm tra mà ký phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định, gây thất thoát 939 tỉ đồng (hơn 40 triệu Mỹ kim). Cả 3 khu đất này thuộc quận 1, Sài Gòn.
Cùng với đô đốc Hiến, 7 sỹ quan hải quân khác cũng bị truy tố về cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” theo Điều 229 của Bộ luật Hình sự vì liên quan đến vụ sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất vừa nêu. Do các sai phạm của cựu thứ trưởng quốc phòng Hiến, quân chủng Hải quân mất quyền cai quản, sử dụng 3 khu đất  trên.
Ông Hiến là một trong hơn 20 tướng lĩnh công an và quân đội cộng sản bị kỷ luật và truy tố vì sai phạm trong cai quản đất công và phạm một số tội hình sự như bảo kê đánh bạc trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, hầu hết trong số này đều nhận mức án nhẹ so với tội mà họ đã gây ra, gây sự bất bình trong dân chúng.
Năm 2019, tư lệnh binh chủng Không quân thượng tướng Phương Minh Hoà cũng bị kỷ luật vì bán đất công, nhưng ông này chưa bị truy tố.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/csvn-truy-to-cuu-thu-truong-do-doc-hai-quan-nguyen-van-hien/

Tạm dừng việc triệu tập đương sự, cưỡng chế

Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu tạm dừng việc triệu tập đương sự, cưỡng chế có huy động lực lượng vì đại dịch COVID-19. Báo trong nước đưa tin hôm 19/3/2020.
Cụ thể, hôm 18/3, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) có công văn gửi Cục thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu tạm dừng việc triệu tập đương sự, giải quyết việc thi hành án tại trụ sở cơ quan, các cuộc họp liên ngành, cưỡng chế có huy động lực lượng, trừ vụ việc bắt buộc phải thực hiện theo đúng thời hạn luật định nhưng cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
Cơ quan này cũng yêu cầu hạn chế việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo cũng như việc xác nhận kết quả thi hành án trực tiếp tại trụ sở cơ quan THADS. Tất cả đều thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông, qua phần mềm hỗ trợ trực tuyến.
Trước đó, hôm 10/3/2020, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình có Chỉ thị hỏa tốc số 02-2020 về phòng chống dịch COVID-19 trong hệ thống TAND. Theo chỉ thị này, từ ngày 13/3 đến hết tháng 3, TAND tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết, tạm dừng việc triệu tập đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến tòa án đối với các vụ án đang còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng. Chỉ thị cũng yêu cầu tạm dừng tất cả các đoàn công tác học tập nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt được chánh án TAND Tối cao đồng ý.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/suspension-of-summonsing-relating-parties-or-forceful-evictio-03192020083615.html

Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%

Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2020 sẽ tiếp tục giảm nghèo theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước trung bình từ 1-1,5% một năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 đến 4%/năm) và đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).
Để thực hiện chính sách giảm nghèo, các địa phương đã hỗ trợ từ 70% đến 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế cho trên 2,5 triệu hộ nghèo và cận nghèo; hơn 540.000 học sinh đã nhận được gạo hỗ trợ và hơn 1.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ ăn trưa cho các học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, trong năm 2019 đã ban hành việc hàng triệu lượt hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, góp phần giảm nghèo nhanh, tạo việc làm trong nước và cơ hội đi làm có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng nhiều công trình nước sạch, vệ sinh ỏ nông thôn, nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó còn có chương trình tập trung triển khai đầu tư chủ yếu cho các công trình giao thông, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, thủy lợi.
Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước được báo cáo còn khoảng 4%.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-tries-to-reduce-poverty-rate-from-1-to-1.5-percent-03192020091215.html

Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

chủ trì họp về nhân sự đảng

Tổng bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, vào ngày 19 tháng 3 chủ trì cuộc họp về nhân sự đảng.
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của ông Trọng tại cuộc họp cho biết dự kiến vào tháng 5 tới đây hội nghị trung ương 12 khóa 12 sẽ diễn ra. Nội dung chính là bàn về phương hướng công tác nhân sự đại hội đảng XIII dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.
Ông Nguyễn Phú Trọng, cũng là Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIII, cho biết trong thời gian tới Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tập trung công sức nhiều hơn cho việc xây dựng phương hướng công tác nhân sự và việc lựa chọn nhân sự tham gia ban chấp hành trung ương đảng khóa XIII.
Ông Trọng phát biểu tại cuộc họp rằng công tác nhân sự là nhiệm vụ ‘then chốt’ của ‘then chốt’, có liên quan đến sự sống còn của đảng, của chế độ.
Đây là lần xuất hiện công khai mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng kể từ ngày 27 tháng 2. Lúc đó ông tiếp đại sứ các nước đến trình quốc thư.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vcp-general-secretary-and-state-president-presides-over-the-party-personnel-committee-03192020085459.html

Việt Nam:

8 ca nhiễm Covid-19 mới, hầu hết từ châu Âu

Việt Nam vừa ghi nhận thêm 8 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 18/3, nâng tổng số ca nhiễm virus corona lên 76 người, đáng chú ý là hầu hết các ca nhiễm mới đều đến từ châu Âu, nơi đang trở thành tâm dịch tiếp theo sau Trung Quốc.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, trong số 8 ca nhiễm mới, có 6 người đến từ Anh, Pháp và Đức, chủ yếu là Việt kiều và du học sinh.
Cũng như một số quốc gia châu Á khác, Việt Nam đang chứng kiến tình trạng công dân hồi hương từ các tâm dịch mới ở châu Âu và một số quốc gia láng giềng.
Theo số liệu từ cơ quan quản lý hàng không, chỉ riêng ngày 18/3 đã có tới 1.095 khách đến từ châu Âu và 5.700 người từ các quốc gia trong khu vực trở về Việt Nam.
Trong số 1.095 người từ châu Âu, 999 khách là người Việt và chỉ có 96 khách là người nước ngoài. 1/3 trong số những người Việt hồi hương trên là về từ Anh, Pháp, Đức, 3 quốc gia đang hứng chịu dịch bệnh bùng phát mạnh.
Hiện Việt Nam đang áp dụng quy định cách ly tập trung đối với những người nhập cảnh từ châu Âu, Mỹ và các nước ASEAN.
Hải Dương dừng họp chợ, phong tỏa 1 thôn
Trong số các ca nhiễm mới, có một trường hợp là bé trai 11 tuổi từ Anh trở về quê ở thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miên, tỉnh Hải Dương, khiến cho toàn bộ thôn này bị phong tỏa kể từ ngày 19/3.
Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Hải Dương.
Sau khi từ Anh trở về quê vào ngày 9/3, gia đình của bé trai đã mời một số họ hàng đến ăn cơm.
Tính cho đến ngày 19/3, giới hữu trách ở Hải Dương đã xác định được 72 người đã tiếp xúc với bệnh nhân trên và đưa đi tập trung cách ly tại Trung tâm Y tế huyện.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng ra lệnh dừng tụ tập và họp chợ tại thôn Tiêu Sơn, phong tỏa toàn bộ thôn này với 5 chốt chặn để kiểm soát người ra vào thôn.
Dừng bay quốc tế
Trước tình trạng phong tỏa, hạn chế du hành tại nhiều quốc gia trên giới, nhiều hãng hàng không Việt Nam lần lượt đưa ra thông báo sẽ dừng khai thác các đường bay quốc tế trong một vài ngày tới.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ dừng bay đến các nước trong khu vực ASEAN kể từ ngày 21/3; dừng bay đến Anh, Nhật Bản từ ngày 23/3; và dừng bay đến Đức, Úc kể từ 24/3 và dừng chiều về từ 25/3.
Hãng Vietjet Air cũng dừng khai thác các đường bay đến các nước ASEAN từ ngày 20/3 và thời gian dừng dự kiến đến hết tháng 4.
Trước đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đã dừng các chuyến bay quốc tế đến những khu vực bị ảnh hưởng dịch như Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Macao, Đài Loan, Malaysia, Nga, Pháp.
Báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho biết việc cắt giảm đường bay đã khiến cho ngành hàng không Việt Nam thiệt hại 30.000 tỷ doanh thu, tính từ đầu năm đến nay.
Bộ này đề nghị chính phủ cho phép áp dụng các chính sách giảm 50% chi phí bến đỗ và điều hành bay, xem xét miễn một số loại thuế trong vòng 3 tháng tới, đồng thời cho phép các doanh nghiệp hàng không lùi thời hạn đóng thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Đảm bảo an ninh lương thực
Trước tình hình dịch Covid-19 đang làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 18/3 yêu cầu giới hữu trách và các đơn vị sản xuất “phải đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống”.
Theo người đứng đầu chính phủ Việt Nam, an ninh lương thực không chỉ là nhiệm vụ của ngày hôm nay mà là “chiến lược lâu dài”. Ông nhắc lại tình trạng người dân đổ xô đi mua lương thực, mì tôm để dự trữ trong thời gian dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, và nhấn mạnh rằng việc dự trữ lương thực là “hết sức hệ trọng”, nhất là trong điều kiện dịch bệnh hay bất ổn chính trị.
Theo dự kiến của Việt Nam, với tốc độ phát triển hiện nay, trong vòng 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong 15 nước phát triển hàng đầu thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-8-ca-nhi%E1%BB%85m-covid-19-m%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%A7u-h%E1%BA%BFt-t%E1%BB%AB-ch%C3%A2u-%C3%A2u/5335743.html

Nếu sống ở Hà Nội, đừng đi đâu vào thời điểm này

Nguyễn Lại
Vào thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam, học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học kéo dài, nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội nghĩ đến chuyện cho gia đình đi chơi xa, tìm tới những khu vực vắng vẻ, ít người để thay đổi không khí đồng thời tránh dịch. Thế nhưng chuyện này xem ra cũng khó thực hiện vì việc di chuyển có thể dẫn tới nguy cơ lây lan virus, và hơn
thế, những người sinh sống ở Hà Nội lúc này không được người dân ở nhiều nơi chào đón do nỗi lo sợ dịch bệnh.
Anh Hoàng Nam, một phụ huynh có 2 con nhỏ đang nghỉ học kéo dài tại Hà Nội, cho biết gia đình anh cùng với một gia đình người bạn định thực hiện một chuyến đi vài ngày tới thung lũng Tú Lệ thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, một địa điểm du lịch nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang và không gian thoáng đãng trong lành. Tuy nhiên, chuyến đi của gia đình anh đã phải huỷ bỏ khi nghe tin 3.700 người Yên Bái ra Hà Nội sinh sống và làm việc khi quay về quê trong dịp này đã bị cách ly và theo dõi y tế tại nhà.
“ Khi nghe tin như vậy, thì chúng tôi huỷ bỏ chuyến đi ngay. Thực tế thì tôi cũng vừa phải huỷ một vài chuyến đi khác, trong đó có một chuyến đi nước ngoài và vài chuyến đi trong nước nữa,” anh Nam nói.
Chị Nguyễn Hương, một cư dân ở quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết tuần vừa rồi, chị có trở về quê chồng ở Nam Định để tảo mộ và chứng kiến sự thay đổi đột ngột về cách ứng xử của cư dân địa phương đối với gia đình mình. Nếu như trước kia, mỗi lần về quê chị đều được đón tiếp nồng hậu, được mời cơm, thì lần này những người họ hàng lấy cớ phải tham dự một đám cưới gần đó để không gặp gỡ chị và gia đình. Thậm chí quán hàng quen thuộc trong làng cũng có cách ứng xử hoàn toàn khác lạ, chị cho biết.
“Khi thấy họ có thái độ như vậy, mình đã nghi nghi rồi, tìm hiểu kỹ thì đám cưới ở tận tít trong làng. Khi vào quán hàng trong làng đặt đồ ăn thì họ trả lời thẳng thừng luôn là người Hà Nội thì không phục vụ,” chị Hương chia sẻ.
Thực tế, kể từ khi dịch bùng phát, người dân Hà Nội chưa bao giờ chịu cảnh soi xét khi về quê như hiện tại. Nhưng theo nhiều người thì kể từ khi có thông tin về ca bệnh thứ 17 và ca bệnh thứ 21, vốn là những người có nhiều giao tiếp trong xã hội trước khi phát bệnh, giờ đây tại nhiều địa phương người ta ngại tiếp xúc với người từ Hà Nội trở về. Có những người vừa trở về quê tại Nghệ An được vài giờ đồng hồ thì hàng xóm đã ra báo công an xã, và nhân viên y tế tới hỏi thăm, điều tra…
Trong khi đó, nhiều lao động ngoại tỉnh sinh sống và làm ăn ở Hà Nội nhân dịp công việc tạm ngừng trong thời điểm này về quê sum họp với gia đình được vài hôm là đã có thông tin không thể quay trở lại làm việc.
Anh Đặng Minh Hoà, một chủ thầu xây dựng với hơn trăm công nhân vốn chủ yếu là các lao động ngoại tỉnh, chia sẻ thêm: “ Mấy anh em ngoài công trường, chủ yếu là người dân tộc sau khi lĩnh lương về quê được vài hôm thì thấy báo ra là bị bắt phải cách ly 2 tuần rồi, không biết đến khi nào mới quay lại được. Hơn thế thì ở quê rau vườn nhà có sẵn, gà thì cũng thả ngoài vườn, ai cũng sợ chết nên người ta cũng không quay lại nữa”.
Theo một số cư dân Hà Nội thì đây là một kiểu phản ứng thái quá đối với dịch bệnh của các cộng đồng ở những địa phương nông thôn còn nhiều khó khăn trong đời sống và trong lĩnh vực chăm sóc y tế.
Anh Trần Nguyên, một phóng viên lâu năm làm việc tại Hà Nội, lý giải thêm: “ Rõ ràng sau một thời gian dịch tạm thời lắng xuống, thì bỗng nhiên có ca thứ 17 khiến người dân cả nước choáng váng, từ đó thì số người nhiễm corona ngày một tăng nhanh. Từ đó người ta chú ý nhắm vào Hà Nội và những người sinh sống ở Hà Nội thôi, chứ tôi thấy thì ở các địa phương khác không phải là không có ca nhiễm nào, thậm chí thành phố Hồ Chí Minh theo tôi còn nhiều hơn Hà Nội ấy chứ.”
Trong lúc dịch bệnh còn diễn tiến lâu dài, để tránh bị “kỳ thị” thì nhiều cư dân ở Hà Nội đã chọn cách tự cách ly, không đi đâu trong những ngày này.
https://www.voatiengviet.com/a/neu-song-o-ha-noi-dung-di-dau-vao-thoi-diem-nay/5334337.html

Bộ Y tế khẩn cấp tìm toàn bộ hành khách

 trên các chuyến bay có người bị nhiễm COVID-19

Bộ Y tế Việt Nam liên tục thông báo tìm kiếm toàn bộ hành khách trên  6 chuyến bay đến Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 3 do có người nhiễm COVID-19 trên các chuyến bay này.
Truyền thông trong nước cho biết Bộ Y tế, vào chiều ngày 19/3, phát đi thông báo khẩn số 4 để kêu gọi tất cả hành khách trên 3 chuyến bay EK 392 (từ Dubai đến TP.HCM), VJ642 (từ TP.HCM đến Đà Nẵng) và TK 162 (từ Instanbul đến TP. HCM) nhanh chóng liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khoẻ.
Vào đêm 18/3, Bộ Y tế cũng phát đi thông báo tương tự đối với 3 chuyến bay MI632 (từ Singapore đến Đà Nẵng), VN54 (từ London đến Hà Nội) và SQ323 (từ Amsterdam đến Singapore, nối chuyến trở về).
Sáu chuyến bay nêu trên đáp xuống sân bay ở Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 15/3. Bộ Y tế đã xác định có người bị nhiễm COVID-19 trên 6 chuyến bay này. Tính đến ngày 19/3, Bộ Y tế xác định có 17 chuyến bay có người nhiễm COVID-19.
Bộ Y tế đồng thời yêu cầu các đại lý bán vé máy bay cho hành khách của các chuyến bay đến Việt Nam có người bị nhiễm COVID-19 có trách nhiệm thông báo cho khách hàng, để họ đến các trung tâm y tế kiểm tra sức khỏe.
Trong lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines vào chiều ngày 19/3 ra thông báo tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế của hãng này dự kiến đến ngày 30/4/2020.
Quyết định của Vietnam Airlines được đưa ra trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng nghiêm trọng và chính sách hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới giữa các nước.
Vietnam Airlines kêu gọi khách hàng đã mua vé cần cập nhật thông báo trực tuyến để điều chỉnh lịch bay cũng như bảo vệ các quyền lợi của mình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-health-urgently-searching-for-all-passengers-flew-with-covid19-intected-03192020084259.html

Xuất hiện mã độc lợi dụng dịch COVID-19 ở Việt Nam

Bộ Công an Việt Nam vừa phát hiện một chiến dịch tấn công mạng, phát tán mã độc thông qua hộp thư điện tử email lợi dụng thông tin liên quan đến dịch COVID-19 để thu hút người sử dụng.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 19/3, dẫn thông báo của Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Theo đó, mã độc được cảnh báo là tập tin kính kèm trong thư điện tử có tiêu đề “Chi Thi cua Thu tuong nguyen xuan phuc.lnk”.
Theo cơ quan an ninh mạng Việt Nam, đây là tập tin dạng shortcut có biểu tượng tập tin văn bản nhằm đánh lừa người dùng. Mã độc này nếu được tải về và mở trên hệ điều hành Windows thì sẽ kích hoạt nối với máy chủ để tải các mã độc khác.
Máy tính bị nhiễm mã độc sẽ bị tin tặc đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân và sử dụng để phát tán sang những máy tính khác.
Bộ Công an Việt Nam khuyến cáo người sử dụng không truy cập vào những liên kết lạ, không tải và mở những tập tin không rõ nguồn gốc, phải cài đặt những phần mềm diệt virus có bản quyền và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu, bảo mật cho hệ thống.
Cuối tháng 1/2020, tập đoàn Công nghệ Bkav cho biết Việt Nam đã mất khoảng 900 triệu USD trong năm 2019 vì thiệt hại do các phần mềm độc hại lây lan nhắm vào hệ thống thông tin của Nhà nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/malicious-code-taking-advantage-of-covid-19-epidemic-in-vietnam-03192020083414.html

Thực tế ngành ‘game’ và chơi ‘game’

trong mùa dịch tại Việt Nam

Trong tình trạng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam, nhiều tỉnh thành trong nước tiếp tục cho học sinh các cấp được nghỉ học do ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhiều công ty và hãng xưởng cũng bắt đầu tiến hành cho nhân viên tạm nghỉ hoặc làm việc tại nhà để tránh lây lan dịch bệnh.
Anh Đạo, nhân viên phát triển hệ thống của một startup ở TP.HCM, cho biết:
Hiện tại công ty của em có thông báo sẽ làm việc (tại nhà) từ bây giờ cho đến hết tháng 3, để cho mọi người hạn chế tiếp xúc nhau nhiều và hạn chế ảnh hưởng tới gia đình và người thân. Sau hết tháng 3 tùy theo nhà nước có chính sách như thế nào và công ty em sẽ áp dụng theo chính sách đó.”
Trong thời gian làm việc tại nhà, M. Đạo cho biết anh có chơi game online và để ý thấy được số lượng người truy cập chơi game cũng tăng hơn trước đây.
Số lượng truy cập chơi game tăng đáng kể
“Việc này cũng tự nhiên, trẻ em chơi nhiều hơn, bố mẹ cũng chơi nhiều hơn, thất nghiệp cũng chơi game nhiều hơn… vì ngoài chơi game ra, lượng người đọc sách hay học online khá ít.”-Anh N.N.T., quản lý của một startup game
Đạt, một nhà phát triển game tại Topebox, khi trả lời RFA qua Facebook cũng cho biết anh thấy số lượng người truy cập chơi game của công ty mình có tăng trong thời gian gần đây.
Khi trả lời email của RFA về thực trạng này, anh N.N.T., quản lý điều hảnh của một startup game Việt Nam cho ý kiến:
“Thực tế, số lượng người chơi game tăng khoảng 30%-50% ở Việt Nam trong thời kỳ dịch bệnh là có, doanh thu cũng tăng tương ứng. Việc này cũng tự nhiên, trẻ em chơi nhiều hơn, bố mẹ cũng chơi nhiều hơn, thất nghiệp cũng chơi game nhiều hơn… vì ngoài chơi game ra, lượng người đọc sách hay học online khá ít.”
Mới đây, theo thống kê từ trang App Annie, dịch vụ phân tích và dữ liệu thị trường ứng dụng, số liệu cho thấy trong 11 tuần đầu của năm 2019 và năm 2020, số lượng download ứng dụng game ở Việt Nam sau 2 tuần nghỉ Tết năm 2020 cao hơn trước Tết vào khoảng 40%; theo thường lệ, con số này sẽ giảm xuống đến gần mức của thời điểm trước Tết như số liệu năm 2019 cho thấy. Đây cũng là thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai ở Việt Nam.
Khi trả lời phỏng vấn với RFA, anh Tuấn, một quản lý vận hành tại một startup game khác, cũng cho biết về tình trạng này:
“Ở Việt Nam, số lượng người chơi có lên, nhất là giới trẻ hiện giờ vẫn tụ tập cà phê và chơi (game) nhóm với nhau nhiều lắm vì thời gian rảnh quá nhiều. Việc này (dịch bệnh) đối với giới trẻ không nghiêm trọng lắm. Thông thường số lượng người chơi game tác động bởi những mùa lễ, mùa hè, những ngày nghỉ học. Đợt này học sinh phải nghỉ dài hạn nên số lượng truy cập game cũng tăng cao.”
Cũng theo anh Tuấn, có nhiều loại game giải trí cho người chơi; không phải tất cả đều là game online trực tuyến, vì game offline cũng rất được ưa chuộng và phát triển trong ngành này.
Dù có nhiều công ty game đã cho phép nhân viên làm việc tại nhà trong mùa dịch, nhưng theo anh N.N.T., hầu hết hoạt động của các công ty game đều tiến hành online, nên điều này không hề ảnh hưởng đến vận hành hằng ngày của công ty. Vì vậy, ngành game vẫn tiếp tục hoạt động và phát triển tốt như trước khi bùng phát dịch mặc dù tiếp nhận số lượng người chơi tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Đạt, làm việc tại nhà trong thời gian bùng phát dịch thật sự không gặp khó khăn, trắc trở, vì công ty đã cung cấp đầy đủ công cụ trực tuyến để quản lý nhiệm vụ công việc hoặc những buổi họp với nhân viên.
Tác động của game tới học sinh nghỉ học dài hạn
Khi được hỏi về những tác động ngành game đối với học sinh đang được nghỉ dài hạn, trong mắt của một nhà làm game, anh Tuấn cũng nhận thấy mặt tiêu cực của việc chơi game quá đà, không tự chủ, có dấu hiệu nghiện có thể dẫn đến những hành vi bất thường, thái quá. Việc dành quá nhiều thời gian cho game cũng có thể làm giảm thời gian con em mình dành ra cho việc tiếp xúc với xã hội bên ngoài.
Còn theo anh N.M.D., quản lý mảng mobile game tại VNG, cho biết qua tin nhắn Facebook:
“Hằng ngày anh đều có giới hạn thời gian chơi game của con cho dù đi hay nghỉ học nên tác động cũng không thấy rõ, vì trong thời gian nghỉ này bé vẫn còn nhiều cái để chơi hơn là mobile game. Với lại anh có 2 bé nên chúng tự chơi với nhau, khác với những gia đình có 1 bé.”
Còn theo anh N.N.T., thời gian nghỉ dài hạn vì dịch bệnh chỉ là cái cớ để chơi nhiều hơn, vì anh không nghĩ vì dịch mà số lượng truy cập chơi game tăng. Tuy vậy, khi các hoạt động giải trí bên ngoại đang bị hạn chế, game đã trở thành hoạt động giải trí tốt nhất hiện tại.
Cùng quan điểm về tính chất giải trí của việc chơi game, anh Tuấn cho biết:
“Game cũng chỉ là một phương tiện giải trí thôi. Nếu mình dùng hợp lý và đúng lúc thì nó sẽ đạt hiệu quả. Con anh chơi những game dành cho trẻ em, như game giải đố toán học hay một số về ngôn ngữ. Nếu bé có thể vừa học vừa chơi thì sẽ không bị nhàm chán. Khi có giao tiếp trong game có thể giúp giải stress cho thời gian bị căng thẳng quá, rất hợp lý.”
Tuy nhiên, theo suy nghĩ của anh N.N.T., khi phải nghỉ làm, nghỉ học ở nhà trong mùa dịch bệnh hiện nay, đó cũng là cơ hội để bố mẹ có thể dành thêm thời gian nhiều hơn để chơi, nói chuyện và tâm sự cùng con em mình. Nếu bố mẹ chỉ vủi đầu vào những việc khác như truy cập mạng xã hội, con cái từ đó sẽ chỉ tìm đến game để giải trí.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-gaming-industry-during-the-pandemic-03192020092126.html

Công an Cộng Sản liên tục sách nhiễu

 người hoạt động giữa mùa dịch covid-19

Tin từ Hà Nội: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn liên tục sách nhiễu và đe doạ nhiều người hoạt động mặc cho dịch coronavirus đang lây lan ở nhiều địa phương với tốc độ cao và có nguy cơ bùng phát
thành dịch khó kiểm soát.  Trong mấy ngày gần đây, gia đình của vợ chồng cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu-Trịnh Bá Tư cùng hai con cũng là người hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư liên tục bị công an tỉnh Hoà Bình và thành phố Hà Nội đến quấy nhiễu.
Trong các ngày 14 đến 17/3, công an xã Ngọc Lương và công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đến nhà đòi làm việc với gia đình về vấn đề hộ khẩu. Chúng đi từng đoàn, ít nhất là 10 tên, có nhiều tên bịt mặt bằng khẩu trang và không nêu danh tính. Có tên còn chửi bới rồi bỏ đi khi gia đình yêu cầu xưng danh.  Trước đó, sỹ quan thuộc cơ quan điều tra an ninh của bộ công an đã đe doạ bắt giữ Trịnh Bá Phương vì anh liên tục lên tiếng bênh vực cho người dân Đồng Tâm và đưa tin tức về việc bị công an đàn áp sau khi đã giết chết cụ Lê Đình Kình.   Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Nguyễn Tường Thuỵ cho biết ông nhận được nhiều giấy mời/triệu tập của công an Việt Nam để lên đồn làm việc về tiến sỹ Phạm Chí Dũng, chủ tịch hội- người bị bắt vào cuối tháng 11 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.” Ông Thuỵ từ chối tuân thủ yêu cầu của công an, vì ông không biết gì về hoạt động của ông Dũng, và cũng không muốn rời khỏi nhà trong tình hình dịch lây lan ở thủ đô Hà Nội.
QT
https://www.sbtn.tv/cong-an-cong-san-lien-tuc-sach-nhieu-nguoi-hoat-dong-giua-mua-dich-covid-19/

Tây Ninh tạm đóng cửa

một số cửa khẩu ở biên giới với Campuchia

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh tạm ngừng các hoạt động qua lại, buôn bán tại các cửa khẩu phụ và đường mòn lối mở trên tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh giáp với Campuchia trong 30 ngày, bắt đầu từ lúc 0 giờ ngày 19/3.
Báo trong nước loan tin cùng ngày, cho biết thêm những cửa khẩu lớn như hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát và 4 cửa khẩu chính là Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân, Tống Lê Chân vẫn được thông thương, nhưng sẽ tăng cường kiểm soát y tế.
Tin cho biết, trong đêm 18/3, rạng sáng 19/3, chính quyền Tây Ninh đã đưa 292 người nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài vào khu cách ly tập trung tại xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. 123 người trong số này là cư dân vùng biên giới thường xuyên qua lại 2 bên và 169 người nhập cảnh bằng hộ chiếu, trong đó có 7 trường hợp phải cách ly tại cơ sở y tế.
Trong khi đó, Chính phủ Campuchia tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các lối vào biên giới với Việt Nam kể từ 23 giờ 59 phút thứ Sáu, ngày 20/3. Tờ Khmer Times trích nội dung trong công hàm Bộ Ngoại giao Campuchia gửi cho Việt Nam ngày 18/3.
Theo Khmer Times, việc đóng cửa biên giới được giới chức xứ Chùa Tháp đưa ra khi Việt Nam đơn phương đóng cửa các trạm kiểm soát biên giới 2 nước vào ngày 15/3 vừa qua.
Trong công hàm gửi đi, Bộ Ngoại giao Campuchia ghi rõ sẽ tạm thời ngưng cho công dân Việt vào Campuchia và các công dân Campuchia vào Việt Nam bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Quyết định này có hiệu lực từ 23 giờ 59 phút ngày 20/3.
Tuy nhiên, quyết định này không áp dụng đối với người Việt Nam và Campuchia mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ.
Chính phủ Campuchia cũng yêu cầu chính quyền địa phương Việt Nam tạo điều kiện cho việc hồi hương của tất cả các công dân Campuchia, nếu có trường hợp nào đang bị cách ly tại Việt Nam.
Thủ tướng Hun Sen nói rằng việc đóng cửa biên giới là nhằm ngăn chặn mọi sự bất tiện mà người Việt Nam và Campuchia gặp phải, vì phía Việt Nam sẽ cách ly 14 ngày đối với những người đi từ Campuchia đến Việt Nam.
Trong công hàm, Campuchia cũng đề xuất rằng chính quyền địa phương của hai nước cần hợp tác với nhau để tạo điều kiện và đảm bảo rằng việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới chung vẫn được thực hiện mà không bị gián đoạn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-shutter-some-border-checkpoints-with-cambodia-on-thursday-03192020081951.html

Kinh doanh bất động sản tại Việt Nam

bị điêu đứng vì dịch COVID-19

Nhiều doanh nghiệp giải thể
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng làm việc tại Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, vào đầu tháng 3 đã đưa ra nhận định cho rằng thị trường bất động sản tại Việt Nam sẽ bị dịch bệnh COVID-19 tác động một cách nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh:
“Đầu tư địa ốc từ nước ngoài ở Việt Nam có thể sẽ giảm. Do đó, khu vực bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn. Như vậy một số ‘đại gia’ trong ngành này sẽ phá sản và sẽ lôi kéo tình trạng khủng hoảng tài chính của Việt Nam.”
Chỉ hai tuần sau đó, truyền thông trong nước vào ngày 17/3 đăng tải thông tin có khoảng 300 sàn giao dịch bất động sản đóng cửa và khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Báo giới dẫn nguồn từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết số sàn đóng cửa là do chủ đầu tư không mở bán sản phẩm và một số sàn còn hoạt động vì vẫn còn hàng để bán và còn hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư.
Hiện nay giao dịch bất động sản tại Việt Nam bị chững lại, nhưng giá không giảm. Sau khi qua giai đoạn khó khăn thì chờ đến khi nào được giá mới bán. Rất nhiều đại gia trong ngành bất động sản hiện nay bên trong rất vất vả, rệu rã, tuy bên ngoài mọi thứ rất tốt. Tức là khả năng cầm cự thì có. Còn vì sao họ cầm cự được là vấn đề bên trong của họ
-Chuyên gia quản trị Duy Lê
Báo giới cũng dẫn nguồn từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ghi nhận tổng số doanh ngiệp kinh doanh bất động sản giải thể có tỷ lệ tăng cao nhất, xấp xỉ 54%. Cơ quan này còn dự báo sẽ xảy ra xu thế một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản phải rời bỏ thị trường.
Theo báo cáo mới nhất của Cổng thông tin quốc gia cho thấy doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn có tỷ lệ tăng cao nhất lên đến 75,5%. Còn số doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 2/2020 thuộc vào tốp trong ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Bên cạnh đó cùng trong tháng 2/2020, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới được ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu, vào tối ngày 18/3, cho RFA biết ghi nhận của ông về tình hình kinh doanh bất động sản tại Việt Nam đang trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp:
“Nói chung là tất cả những phân khúc thị trường, từ phân khúc thị trường du lịch nghỉ dưỡng đến bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp cho đến nhà ở đều đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm của nền kinh tế do tác động của dịch bệnh coronavirus. Ngành bất động sản đang thật sự gặp những khó khăn, mặc dù chưa đến mức gọi là khủng hoảng. Tôi chưa thấy tình trạng bán tháo bất động sản hoặc là việc bị vỡ nợ hàng loạt xảy ra. Tuy nhiên có nhiều doanh nghiệp bất động sản đã ngừng hoạt động hoặc phá sản và tôi chưa thấy xảy ra một cách đại trà.”
Thị trường bất động sản tại Việt Nam, từ cuối năm 2018, đã được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đánh giá là gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút. Chủ tịch VNREA, ông Nguyễn Trần Nam tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam, diễn ra hồi cuối tháng 11 năm 2019, cho biết rằng thị trường bất động sản tại Việt Nam trong giai đoạn 3 năm qua gặp nhiều khó khăn và biến động. Đài RFA còn ghi nhận tình hình hoạt động kinh doanh của thị trường này trong gần 3 tháng dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, qua chia sẻ của một số doanh nghiệp và doanh nhân kinh doanh bất động sản.
Một doanh nhân không muốn nêu tên nói với RFA:
“Hiện nay, những nhà đầu tư mà gọi là đầu tư để xoay vòng đồng vốn tạo ra lợi nhuận thì ngay trong lúc này họ không chọn lựa bỏ vốn đầu tư vào thị trường bất động sản. Nhà đầu tư nhỏ lẻ thì cũng như thế thôi. Còn những người nào đã sở hữu một lượng bất động sản và là những nhà đầu tư bất động sản thật sự, họ đang sở hữu những khối bất động sản đắt giá và khổng lồ thì coi như họ đóng băng khối bất động sản đó để chờ đến ngày thị trường nóng ấm trở lại rồi mới mạnh dạn đầu tư, chứ không bán đổ bán tháo.”
Viễn cảnh ra sao?
Ông Duy Lê, một chuyên gia quản trị độc lập, cũng là một nhà đầu tư về bất động sản cho RFA biết thị trường bất động sản tại Việt Nam không theo quy tắc cung-cầu của thị trường. Mặc dù các giao dịch bất động sản lắng xuống, đặc biệt trong dịch COVID-19 thì các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ, do bị kẹt
dòng vốn bởi vay ngân hàng và tuy bán ra với giả rẻ hơn thị trường nhưng không có người mua. Chuyên gia Duy Lê cho biết thêm:
“Hiện nay, giao dịch bất động sản tại Việt Nam bị chững lại, nhưng giá không giảm. Sau khi qua giai đoạn khó khăn thì chờ đến khi nào được giá mới bán. Rất nhiều đại gia trong ngành bất động sản hiện nay bên trong rất vất vả, rệu rã, tuy bên ngoài mọi thứ rất tốt. Tức là khả năng cầm cự thì có. Còn vì sao họ cầm cự được là vấn đề bên trong của họ.”
Nhân hàng Nhà nước, vào chiều tối ngày 16/3 ra quyết định hạ một loạt lãi suất điều hành từ 0,5-1%/năm, gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng. Theo đó, các loại lãi suất ngân hàng mới được áp dụng từ ngày 17/3.
Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, trong đó có lãi suất điều hành và cả lãi suất trên thị trường 1 dĩ nhiên là sẽ làm giảm mặt bằng lãi suất nói chung, bao gồm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Thế thì lãi suất giảm sẽ có lợi cho các nhà kinh doanh bất động sản là những doanh nghiệp, doanh nhân chủ yếu vay mượn của ngân hàng. Thế nhưng tại thời điểm này thì việc giảm lãi suất chỉ giúp cho các doanh nghiệp còn đứng vững được, còn trả nợ được và còn có cơ hội để phát triển. Có lẽ sẽ không giúp nhiều cho các doanh nghiệp hiện tại đang rất lao đao là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản, tức là vấn đề tồn tại của họ đang bị treo trên sợi chỉ
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Đài RFA nêu câu hỏi với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu rằng biện pháp giảm lãi suất ngân hàng như thế, giới kinh doanh bất động sản được hỗ trợ ra sao và được ông cho biết:
“Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, trong đó có lãi suất điều hành và cả lãi suất trên thị trường 1 dĩ nhiên là sẽ làm giảm mặt bằng lãi suất nói chung, bao gồm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Thế thì lãi suất giảm sẽ có lợi cho các nhà kinh doanh bất động sản là những doanh nghiệp, doanh nhân chủ yếu vay mượn của ngân hàng. Thế nhưng tại thời điểm này thì việc giảm lãi suất chỉ giúp cho các doanh nghiệp còn đứng vững được, còn trả nợ được và còn có cơ hội để phát triển. Có lẽ sẽ không giúp nhiều cho các doanh nghiệp hiện tại đang rất lao đao là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản, tức là vấn đề tồn tại của họ đang bị treo trên sợi chỉ.”
Chuyên gia Duy Lê và vị doanh nhân ẩn danh còn cho rằng dù lãi suất giảm sẽ phần nào giúp bớt gánh nặng về đồng vốn vay đầu tư bất động sản. Thế nhưng, có thể tiên liệu các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam sẽ đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian dài.
Báo mạng VOV.vn, vào ngày 17 tháng 3, dẫn lời ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, đề nghị với Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, hoãn thuế, khoanh nợ ngay sau khi dịch bệnh được khống chế để giúp cho doanh nghiệp có điều kiện khôi phục.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/many-real-estate-enterprises-in-vn-filed-for-bankcruptcy-cause-of-covid19-03182020150713.html

Đài Loan và Malaysia

tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam

Đài Loan và Malaysia đã chính thức thông báo tình trạng khẩn và tạm dừng tiếp nhận các lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 19/3 dẫn thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) Việt Nam cho biết như vừa nêu.
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH, bắt đầu từ ngày 19/3 Đài Loan sẽ áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài, ngoại trừ một số ít trường hợp có thẻ cư trú, giấy tờ chứng minh ngoại giao, công vụ và một số giấy tờ đặc biệt khác có thể nhập cảnh.
Cục quản lý lao động ngoài nước thông báo các doanh nghiệp có hợp tác lao động với thị trường Đài Loan lưu ý và yêu cầu dừng đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc theo hợp đồng lao động. Lệnh cấm này kéo dài vô thời hạn cho đến khi có thông báo mới từ cơ quan chức năng Đài Loan.
Trước đó, Bộ Lao động Đài Loan cũng đã cách ly theo dõi y tế do tình hình dịch COVID-19 đối với lao động nước ngoài gồm các nước Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Thông báo chỉ rõ người lao động từ 4 quốc gia này, trước 16 giờ ngày 17/3 nếu chưa lên máy bay xuất cảnh đều phải thực hiện việc quy định bắt buộc cách ly 14 ngày; đối với lao động mới nhập cảnh thì các chủ thuê phải thực hiện theo dõi y tế 14 ngày, nộp cho cơ quan chức năng Đài Loan thì lao động mới được cấp giấy phép vào Đài Loan.
Ngoài Đài Loan, chính phủ Malaysia cũng công bố tình trạng khẩn cấp và cấm nhập cảnh từ ngày 18/3 đến ngày 31/3/2020. Malaysia cấm di chuyển và tụ tập đông người, hạn chế người nước ngoài nhập cảnh vào Malaysia, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, các trường hợp, các cơ quan chính phủ và tư nhân đều buộc đóng cửa chỉ trừ các công ty cung cấp dịch vụ cần thiết nhất và hạn chế người Malaysia xuất cảnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Malaysia, ngày 18/03/2020 Cục Quản lý lao động ngoài nước Việt Nam đã ban hành công văn yêu cầu các doanh nghiệp trao đổi với đối tác về kế hoạch xuất cảnh của lao động Việt Nam để đảm bảo lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, tránh nguy cơ nhiễm dịch.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/taiwan-and-malaysia-stopped-accepting-vietnamese-workers-03192020080018.html

ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều 19/3:

Hà Nội nâng mức cách ly lên 28 ngày,

Vietnam Airlines sẽ dừng bay quốc tế

Khôi Minh
Kính chào quý vị đến với ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều ngày 19/3 của báo Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay có những nội dung chính như sau:
Hà Nội nâng mức cách ly lên 28 ngày
Hôm qua 18/3, TP. Hà Nội thông báo sẽ nâng số ngày cách ly lên 28 ngày thay vì 21 ngày như đã quy định.
Cụ thể theo báo VTC News, hôm qua 18/3, TP. Hà Nội thông báo sẽ áp dụng cao hơn một bậc so với quy định, theo đó tất cả các trường hợp F1 đều khử khuẩn. Đối với ổ dịch thay vì khoanh vùng cách ly 21 ngày nâng lên 28 ngày.
Phố Trúc Bạch bị cách ly.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, thời gian cao điểm của nguy cơ lây nhiễm bệnh trên địa bàn thành phố trong 3 đến 4 ngày tới và có thể kéo dài đến 3/4. Để phòng dịch virus Vũ Hán TP đã quyết định thành lập hai khu cách ly tập trung. Hơn 2 triệu học sinh Hà Nội từ mầm non tới THPT tiếp tục nghỉ đến ngày 5/4.
Vietnam Airlines sẽ dừng bay quốc tế
Ngày 19/3, Vietnam Airlines vừa thông báo dừng khai thác tất cả đường bay quốc tế trong mạng bay của hãng dự kiến đến hết ngày 30/4, theo VnExpress.
Theo đó, các đường bay Đông Nam Á gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia, Myanmar sẽ dừng khai thác hai chiều từ ngày 21/3. Đường bay Anh, Nhật Bản dừng hai chiều từ ngày 23/3. Đường bay Đức, Australia dừng chiều Việt Nam đi từ ngày 24/3, chiều về Việt Nam từ ngày 25/3. (Xem tiếp)
Gần 2.500 người đang cách ly tập trung ở TP. HCM
Báo VnExpress cho biết, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM, trong 10 ngày qua 667 người tiếp xúc gần các bệnh nhân đã lấy mẫu xét nghiệm.
2.469 người đang cách ly tập trung tại các cơ sở của thành phố ở Củ Chi, Nhà Bè, Bệnh viện Quận 7, Trường Quân sự Quân khu quận 12, Sư Đoàn 317 ở Hóc Môn, Ký túc xá Trường Đại học Quốc gia TP. HCM. Đây là lượng người cách ly tập trung cao nhất từ trước đến nay. 497 người đang theo dõi tại cơ sở cách ly quận huyện, 615 trường hợp giám sát tại nhà.
Thành phố tiếp tục tổ chức cách ly người nhập cảnh, rà soát xác minh hành khách trên các chuyến bay có người nhiễm virus Vũ Hán. Khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc hoặc có liên quan đến bệnh nhân để cách ly theo dõi.
Bộ Y tế tìm người trên 17 chuyến bay có nCoV
Bộ Y tế chiều 19/3 thông báo, đang tìm hành khách trên 3 chuyến bay vừa phát hiện có người nhiễm virus Vũ Hán, nâng số chuyến bay lên 17. (Xem chi tiết)
Hành khách trên 17 chuyến bay được Bộ Y tế yêu cầu liên hệ ngay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.
Bộ Y tế đề nghị tất cả hành khách trên 17 chuyến bay này liên hệ cơ sở y tế các địa phương đang lưu trú để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Các đại lý bán vé cho những hành khách này cần chủ động báo tin cho khách. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, cần thông báo đến cơ sở y tế địa phương.
Đến chiều 19/3, Việt Nam ghi nhận 76 bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán, trong đó, 60 bệnh nhân đang điều trị.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả nhiều an lành và may mắn!
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-19-3-ha-noi-nang-muc-cach-ly-len-28-ngay-vietnam-airlines-se-dung-bay-quoc-te.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.