Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tưởng nhớ Đại Tá Trần Ngọc Thống

Thursday, February 13, 2020 7:55:00 PM // ,

Tưởng nhớ Đại Tá Trần Ngọc Thống


Đại Tá Trần Ngọc Thống năm 1975. (Hình cung cấp)
Đại Tá Trần Ngọc Thống, nguyên Giám Đốc Nha Trừ Bị Bộ Quốc Phòng VNCH cho đến ngày 30/4/1975.
Sáng ngày 29/4/1975, Đại Tá Thống và Đại Tá Nguyễn Đức Đệ vào Bộ Tổng Tham Mưu thăm Đại Tá Nguyễn Kỳ Nguyện, Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng để biết thêm tin tức thời cuộc. Lúc xuống lầu ra về, Đại Tá gặp Tướng Nguyễn Cao Kỳ đang đón Tướng Ngô Quang Trưởng từ tầng lầu xuống nơi trực thăng đậu. Hai vị chào Đại Tá Thống rồi lên trực thăng cất cánh. Đại Tá Thống nhìn xem trực thăng có bay về hướng Quân Đoàn IV hay không? nhưng máy bay lại trực chỉ ra biển Đông. Đại Tá Thống thở dài, “Thế là Miền Nam bị bức tử rồi, vô vọng!”
Ông rời Bộ Tổng Tham Mưu về lại gia đình bận bịu còn mẹ già, vợ và các con nhỏ, không còn phương tiện để rời Việt Nam. Cuối cùng ông phải chịu cảnh rơi vào ngục tù tập trung của Cộng Sản với 13 năm qua 7 trại tù từ Nam ra Bắc và ngược lại.
Khi cụ ông trong tù, cụ bà bên ngoài lo cho các con vượt biển, ngoại trừ hai người con trai du học Hoa Kỳ từ trước. Đến năm 1991, hai cụ được sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO. Ngày đoàn tụ con cháu, thân nhân và bạn bè vô cùng hạnh phúc.

Hình chụp tại tư gia Kỹ Sư Lê Văn Quý tại Tokyo 1959. Từ trái: Đại Úy Bùi Văn Tài, Đại Úy Trần Ngọc Thống, phu nhân Kỹ Sư Lê Văn Quý (người Nhật), Thiếu Tá Phùng Ngọc Bang và Kỹ Sư Lê Văn Quý. (Hình cung cấp)
Năm cụ thọ 96 tuổi, gia đình tổ chức lễ thượng thọ cho cụ. Lúc ấy cụ khỏe mạnh và vô cùng minh mẫn. Trong lễ thọ, mọi người đều vui mừng chúc cụ thọ ngoài 100 tuổi. Hôm ấy tôi được vinh dự là khách mời tham dự trong lời chúc cũng mong cụ sống lâu hơn 100 tuổi.
Cứ mỗi ngày tôi và cụ đều liên lạc nhau qua điện thoại. Mở đầu câu chuyện tôi hỏi thăm sức khỏe cụ. Cụ cho biết vẫn khỏe, rồi cả hai mới thông tin nhau thời sự trong ngày và cho nhau biết chiến hữu những ai đã lần lượt ra đi.
Trong những ngày đầu năm Canh Tý, tôi gọi chúc năm mới cụ, nhất là sức khỏe song điện thoại không có người trả lời. Tôi hy vọng là cụ đang ở nhà con cháu, phần khác cũng lo lắng đến sức khỏe của cụ.
Đến chiều mồng hai Tết, qua điện thoại cụ gọi tôi. Tôi mừng khi nghe tiếng cụ song qua vài phút trao đổi cụ cho biết sức khỏe cụ yếu, phải vào bệnh viện UCI. Hai ngày sau xin về nhà song bác sĩ giữ cụ lại vì cụ vẫn còn yếu.
Sáng mồng ba Tết, Đại Tá Lê Bá Khiếu, ông Trần Minh Tiến và tôi đến thăm cụ. Tại giường bệnh cụ mừng bắt tay chúng tôi thật chặt, kể chuyện nhau nghe một lúc đến giờ bác sĩ thăm bệnh. Chúng tôi chào cụ ra về. Mỗi ngày tôi liên lạc cô Lan trưởng nữ của cụ. Cô cho biết cụ vẫn khỏe.
Đến trưa ngày 1/2/2020, qua điện thoại cô Lan cho tôi biết cụ đã mất vào lúc 10 giờ 33 phút sáng. Cụ thanh thản ra đi để lại sự thương yêu, quý mến của gia đình thân quyến, các chiến hữu, bằng hữu đã từng quen biết, quý mến cụ.
Tôi buồn quá! Thế là hết rồi! Mất đi một người anh, một người thầy. Không ngờ cái bắt tay siết chặt hôm thăm cụ là lần bắt tay vĩnh biệt cụ cuối cùng.
Tôi và cụ có nhiều kỷ niệm song với một bài báo ngắn không sao kể hết được.
Lúc sinh tiền cụ thường kể tôi nghe nhiều mẩu chuyện ở mọi lãnh vực có liên quan về cụ và thời cuộc theo dòng lịch sử.

Từ trái: Thiếu Tá Hồ Đắc Huân, Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Đại Tá Trần Ngọc Thống. (Hình cung cấp)
Bài báo này tưởng nhớ, thương tiếc cụ, tôi xin ghi lại một phần những mẩu chuyện giữa cụ và tôi trong gần hai thập niên thân quen. Nội dung bài viết nhằm giúp bạn đọc trẻ, đặc biệt các con cháu cụ biết thêm về cụ, người trai trong thế hệ trước đã cống hiến đời này từ lúc trẻ đến tuổi già cho Tổ Quốc như thế nào?
Cụ Trần Ngọc Thống sinh năm 1923 (Quý Hợi) tại Hà Nam, Bắc Việt trong một gia đình nho giáo. Cụ là hậu duệ đời thứ 12 của Trạng Nguyên Trần Văn Bảo, thời nhà Mạc. Cụ là con trai trưởng trong gia đình có 7 anh em, 2 trai và 5 gái. Thân sinh cụ mất sớm, cụ thay cha nuôi các em ăn học. Cụ kết hôn với cụ bà Phạm Thị Đoan năm 1942. Hai ông bà có được 7 người con, 3 trai và 4 gái. Cụ bà rất đảm đang, giàu đức hy sinh. Hai cụ sống với nhau được 73 năm thì cụ bà qua đời năm 2015, hưởng thọ 91 tuổi.
Cụ Thống khởi đầu học chữ Nho, Quốc Ngữ, tiếng Pháp rồi tiếng Anh. Cụ đỗ Tiểu Học Việt-Pháp rồi Trung Học, Tú Tài 1 và 2. Về sau có 2 chứng chỉ Luật.
Cụ xuất thân từ nhà giáo. Đất nước hiểm nguy, cụ xếp bút nghiên theo lệnh động viên năm 1951, theo học Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định.
Tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy, về phục vụ tại Tiểu Đoàn 30 liên tiếp qua các chức vụ: Trung Đội Trưởng, Đại Đội Phó, Đại Đội Trưởng. Tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Trung.

Từ trái: Đại Tá Trần Ngọc Thống, Đại Sứ Bùi Diễm, Thiếu Tá Hồ Đắc Huân. (Hình cung cấp)
Thuyên chuyển về Tiểu Đoàn Danh Dự, phụ trách phòng thủ Thành Nội Huế.
1955 thăng Đại Úy, được chuyển về Saigon làm việc tại Bộ Quốc Phòng trong chức vụ Trưởng Phòng Lục Quân rồi Trưởng Phòng Không Quân.
1963 về Phòng Tổng Quản Trị làm Trưởng Khối Huy Chương, Trưởng Khối Điều Hành Quân Nhân.
1968 Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Quản Trị Trung Ương Saigon.
1970 thăng Đại Tá, giữ chức vụ Phó Phòng Tổng Quản Trị, sau đó là Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu.
1973 giữ chức Giám Đốc Nha Trừ Bị Tổng Nha Nhân Lực Bộ Quốc Phòng cho đến 30/4/1975.
Trong suốt 25 năm quân ngũ, qua thành tích cụ được tưởng thưởng nhiều huy chương quân sự và dân sự, trong đó có huy chương cao quý là Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tứ Đẳng. Cụ được tặng thưởng nhiều huy chương Đồng Minh như: Đại Hàn, Thái Lan và Hoa Kỳ.
Cụ được đề cử du học Hoa Kỳ 3 lần về nhân viên và Tổng Quản Trị (1958-1959). Hai lần du hành nghiên cứu ở Mỹ 1967 và 1971. Cụ còn đi Nhật Bản, Đài Loan và Campuchia nghiên cứu về ngành Tổng Quản Trị.
Cụ tốt nghiệp Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Đà Lạt.
Cụ xuất thân từ nhà giáo nên thích sưu tầm và viết lách. Nhờ thông thạo chữ Nho nên cụ sưu tầm tài liệu trong thư viện Quốc Gia Việt Nam và Viện Khảo Cổ để biên soạn cuốn gia phả họ Trần Ngọc bằng chữ Quốc Ngữ lần đầu vào năm 1968.

Từ trái: Đại Tá Trần Ngọc Thống, Luật Sư Lâm Lễ Trinh, Thiếu Tá Hồ Đắc Huân. (Hình cung cấp)
Sau khi ra khỏi tù, cụ biên soạn cuốn gia phả họ Trần Ngọc lần thứ hai với nhiều tài liệu cập nhật hóa cùng một số tài liệu của họ Trần Ngọc mang từ Bắc vào viết về cuộc đời và sự nghiệp của cụ tổ họ Trần Ngọc là Trạng Nguyên Trần Văn Bảo. Gia phả họ Trần Ngọc lần hai cũng bằng chữ Quốc Ngữ, xuất bản năm 1990 tại Saigon.
1972, trong thời gian cụ làm Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu đã thực hiện được cuốn kỷ yếu Phòng Tổng Quản Trị rất đầy đủ các chi tiết về nhiệm vụ, hoạt động, trách nhiệm, hành chánh, quản trị của Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu. Một tài liệu quý giá cho QLVNCH.
Từ năm 2004, cụ cộng tác với Trung Úy Lê Đình Thụy và người viết đã biên soạn được cuốn Lược Sử QLVNCH dày gần 1,000 trang, nặng 6 lbs. Sách này là tài liệu vô cùng quý giá của QLVNCH được nhiều đài truyền hình phỏng vấn, khen ngợi về cuốn sách này. Ngoài ra cũng được các Tướng lãnh, sử gia, học giả khắp thế giới khen ngợi. Sách được xuất bản năm 2011.
Trong suốt thời gian sinh sống tại Nam California, cụ Trần Ngọc Thống đã tham gia vào Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam với các chức vụ Chụ Tịch rồi Cố Vấn.
Thường xuyên tham dự trong các cuổi lễ tại tượng đài Việt-Mỹ, các lần họp mặt các quân binh chủng và đồng hương. Cụ cùng góp ý xây dựng Viện Bảo Tàng QLVNCH tại Nam California.
Kể chuyện du học Hoa Kỳ
Vào thời gian 1958-1959, các Đại Úy Trần Ngọc Thống, Trần Văn Vân và Bùi Văn Tài theo học Khóa Sĩ Quan Quản Trị còn Thiếu Tá Phùng Ngọc Bang theo học Khóa Sĩ Quan Hành Chánh. Tuy hai trường huấn luyện hai ngành riêng biệt song học chung tại Fort Harrison, Indiana do một Thiếu Tướng Mỹ chỉ huy cả hai trường.
Khi mãn khóa 3 Đại Úy và Thiếu Tá Bang về ghé qua Nhật Bản rồi đến Tòa Đại Sứ VNCH tại Tokyo, Nhật Bản thì gặp ông Lê Văn Quý du học Nhật Bản năm 1940. Ông Quý là Kỹ Sư Điện Tử bị kẹt Đệ Nhị Thế Chiến nên ở lại. Lúc bấy giờ ông Quý làm việc tại Tòa Đại Sứ VNCH. Ông Quý đã có hàng trăm phát minh nổi tiếng ở Nhật. Ông Quý mời Thiếu Tá Bang và 3 Đại Úy về nhà dùng cơm và mời đi thăm Hoàng Thành Nhật cùng các danh lam thắng cảnh tại Tokyo, Nhật Bản.
Đến nay Kỹ Sư Quý đã qua đời. Đại Úy Vân thăng Đại Tá, đã qua đời cách đây 9 năm, còn Đại Úy Tài thăng Thiếu Tá, qua đời năm 1976. Thiếu Tá Ban thăng Trung Tá và qua đời năm 2015, thọ 89 tuổi. Đại Úy Thống về sau là Đại Tá bị 13 năm tù từ Nam chí Bắc. Qua đời ngày 1/2/2020, hưởng đại thọ 98 tuổi.
Đôi lời vĩnh biệt
Sự qua đời của cụ Trần Ngọc Thống, tôi mất đi một người anh, một người thầy, một bạn vong-niên-giao. Quá đau buồn, không còn thấy một người thầy tính tình luôn vui vẻ, cẩn thận mọi việc làm phải được chính xác, luôn cởi mở, hòa mình với mọi người.
Từ đây tôi không còn thấy cụ Thống xuất hiện, không còn nghe giọng nói, tiếng cười trong bàn ăn hay qua điện thoại, không còn nghe tin tức hay những câu chuyện hàng ngày mà thầy trò tôi cùng liên lạc, trao đổi, thăm hỏi.
Là thành viên biên soạn sách Lược Sử QLVNCH. Tôi và gia đình ông Lê Đình Thụy: Thành tâm cầu nguyện hương linh cụ Trần Ngọc Thống, pháp danh Đôn Thuần được sớm siêu thăng tịnh độ và đời đời an nghỉ nơi miền Tây Phương Cực Lạc.
Sau cùng tôi xin thành kính chia sẻ sự mất mát lớn lao này cùng các người con của cụ và đại gia đình tang quyến.
Westminster một tuần buồn nhất.
12/2/2020
HỒ ĐẮC HUÂN

Tags: ,

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.