Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 18/02/2020

Tuesday, February 18, 2020 6:32:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 18/02/2020

Đưa tàu thuyền xâm phạm vào EEZ

và thềm lục địa của các nước: Bước đi mới

đầy nguy hiểm và bất chấp của TQ ở Biển Đông

Trong năm 2019 và đầu 2020, Trung Quốc tăng cường đưa tàu thuyền, bao gồm cả tàu hải quân, cảnh sát biển và tàu cá ngang nhiên tiến sâu vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các nước với nhiều mục đích khác nhau. Đây được xem là bước đi mới nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi nước này đã hoàn thành cơ bản việc bồi đắp, mở rộng và quân sự hóa các thực thể chiếm đóng.
Xâm phạm EEZ của Indonesia
Hôm 30/12/2019, Trung Quốc đã điều một tàu tuần duyên hộ tống hàng trăm tàu cá của nước này đã tiến vào EEZ ở biển Natuna của Indonesia. Phía Indonesia đã gửi công hàm ngoại giao, triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để phản đối, sau đó yêu cầu Bắc Kinh phải giải thích về “cơ sở pháp lý và các đường biên rõ ràng” liên quan tới EEZ của Indonesia. Các thông báo của Indonesia khẳng định Indonesia không tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và không có các vùng chồng lấn trên biển với Trung Quốc. Khu vực EEZ của Indonesia là nơi họ có đầy đủ đặc quyền theo quy định của UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là thành viên và phải có nghĩa vụ pháp lý tôn trọng quy định này. Bộ Ngoại giao Jakarta cũng nhắc tới việc Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) hồi năm 2016 đã ra Phán quyết bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyên bố Indonesia “không bao giờ công nhận đường 9 đoạn của Bắc Kinh”. Indonesia sau đó cũng đã triển khai lực lượng quân sự gồm các tàu chiến, máy bay chiến đấu tới vùng biển Natuna và buộc nhóm tàu Trung Quốc phải rút đi.
Xâm phạm EEZ của Malaysia và Brunei
Cuối năm 2019, Trung Quốc đã điều 4 tàu cảnh sát biển tới tuần tra bên trong vùng biển của Malaysia và Brunei. Đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc được xác định là tàu tuần tra lớp Zhaolai và Shucha II mang số hiệu 5403, 5202, 5302 và tàu hải giám 2169 xuất phát từ cảng ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam. Tàu tuần tra lớp Shucha II mang số hiệu 5302 xuất phát từ Đá Vành Khăn và gia nhập với các tàu khác lấn sâu vào EEZ của Malaysia đầu tháng 12/2019. Tàu mang số hiệu 5202 sau đó rời khỏi đội và di chuyển về phía Đá Chữ Thập để tiếp tế. Đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc rút lui ngày 11/1/2020 và chiếc 5202, 5402, 5302, 2169 trở về Hải Nam hôm 16/1/2020. Trong khi đó, tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 46303 tiếp tục ở lại trên biển và nhận nhiệm vụ tuần tra quanh Cụm bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia. Phía Malaysia phản ứng sau đó bằng cách gửi đơn lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS) đề nghị xét duyệt yêu cầu của Malaysia là mở rộng ranh giới thềm lục địa qua khỏi EEZ và ra các tuyên bố lên án, bác bỏ bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Brunei chọn phương án im lặng trước các động thái của Bắc Kinh.
Xâm phạm vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam
Hồi tháng 7-10/2019, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh, tàu cá xâm phạm trái phép Bãi Tư chính, khu vực nằm hoàn toàn thuộc vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của UNCLOS và sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Hành động trên của Trung Quốc lặp đi lặp lại nhiều lần kèm theo những tuyên bố về ngoại giao ngang
ngược của Bắc Kinh đã khiến tình hình căng thẳng kéo dài. Đây còn là diễn biến tiếp theo của các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC). Vụ việc trở thành đỉnh điểm cho những hành vi coi thương pháp luật quốc tế và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến dư luận quốc tế, khu vực đặc biệt quan tâm và lên án. Sau hàng loạt các biện pháp ứng xử phù hợp, Trung Quốc đã buộc phải rút nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Về ý đồ tạo hiện trạng mới có lợi cho mình

của TQ ở Biển Đông thời gian qua

và tác động đến tình hình khu vực

Việc Trung Quốc tiến hành cải tạo, bồi đắp ồ ạt quy mô lớn các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng ở Biển Đông trong suốt thời gian qua cho thấy mục tiêu muốn hiện thực hóa tham vọng cũng như chiến lược biển lâu dài của Trung Quốc. Giới nghiên cứu cho rằng Bắc Kinh đang cố tìm cách tạo ra một hiện trạng mới có lợi cho mình hiện nay, nhất là trong bối cảnh so với các nước liên quan trong khu vực, Trung Quốc đã chiếm ứu thế về tiềm lực.
TQ ý đồ tạo hiện trạng mới có lợi cho mình ở Biển Đông
Rõ ràng trong suốt thời gian qua cho đến hiện nay, Trung Quốc đang muốn tạo hiện trạng có lợi cho mình ở Biển Đông cả trên thực địa lẫn trên các diễn đàn đàm phán. Tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các nước ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC) đang được tiến hành nhưng hiện tại chưa có tiến triển nhiều. Do đó, Trung Quốc muốn tranh thủ tạo ra hiện trạng mới ở Biển Đông, tăng cường kiểm soát thực tế trên thực địa, nhằm giành lợi thế trong quá trình đàm phán COC cũng như các đàm phán song phương khác.
Giới nghiên chỉ ra rằng theo Điều 5 của Tuyên bố ứng xử của các nước ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC) có quy định: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng”. Tuy nhiên, các quy định của DOC lại không làm rõ tính nguyên trạng của tranh chấp dừng lại ở đâu, trong khi DOC lại là văn bản không có tính ràng buộc. Do đó, trước khi COC, một văn bản có tính ràng buộc ra đời thì Trung Quốc muốn nhập nhèm thời điểm nguyên trạng, đi trước đón đầu nhằm tạo “sự đã rồi” tại các cấu trúc địa lý này, vô hiệu hóa tính chất ràng buộc của COC.
Ngoài ra, có thể suy đoán từ thời điểm Trung Quốc bắt đầu ráo riết cải tạo các cấu trúc địa lý ở Trường Sa từ tháng 9/2013 sau khi Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 (01/2013), đó là Trung Quốc muốn tạo hiện trạng mới ở khu vực này, biến các cấu trúc địa lý bãi cạn nửa nổi nửa chìm hoặc bãi chìm này thành các đảo theo Điều 121 của UNCLOS 1982 để yêu sách các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trước khi Tòa đưa ra các phán quyết về quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý tại Trường Sa có yếu tố bất lợi cho Trung Quốc.
Theo Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương, một viện Nghiên cứu quân sự của Mỹ, thì mục tiêu của việc tiến hành cải tạo đảo của Trung Quốc là nhằm xây dựng những điểm kiểm soát, các trung tâm hậu cần, các căn cứ vững chắc để triển khai nhiều loại tàu bè quân sự và phi quân sự, máy bay có người lái và không người lái nhằm kiểm soát khu vực Biển Đông. Trung Quốc cũng muốn từng bước khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của mình, do đó tất cả các cấu trúc địa lý ở Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đang cải tạo đều nằm trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Việc Trung Quốc gấp rút củng cố và mở rộng các điểm đóng quân là nhằm chứng tỏ mình đang kiểm soát thực tế các khu vực tranh chấp, tạo thuận lợi cho Trung Quốc về dư luận và phần nào về pháp lý nhằm hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Vụ việc Trung
Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất hải dương 8 vào hoạt động trái phép tại Bãi Tư Chính trong Vùng thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 7 năm ngoái (2019) cho thấy rõ chiến thuật muốn biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp của Bắc Kinh. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự đối với Indonesia và Malaysia.
Hành động của TQ vi phạm rõ ràng luật pháp và các cam kết quốc tế mà nước này đang cố tình lờ đi
Thứ nhất, ý đồ tạo hiện trạng mới của TQ ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC). Ngày 4/11/2002, sau một thời gian dài thảo luận nhưng không đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết văn bản có tính cam kết về mặt chính trị nhiều hơn là pháp lý là DOC tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 tại Phnom Penh, Campuchia. Tuyên bố này bao gồm 10 điều khoản, trong đó đáng chú ý nhất và có liên quan nhất đến hành vi cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đó là Điều 5 của DOC. Điều 5 quy định như sau: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng…”. Như vậy, rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn cam kết trên, cố tình làm thay đổi nguyên trạng các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm nghĩa vụ kiềm chế, không thực hiện các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp cuối cùng. Hành vi của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm quy định của luật pháp quốc tế, cũng như các cam kết của nước này tại DOC.
Thứ hai, ý đồ tạo hiện trạng mới của TQ ở Biển Đông vi phạm các quy định của luật quốc tế về môi trường. Hành động cải tạo của Trung Quốc đã bị chỉ trích do vi phạm những quy định về môi trường. Việc Trung Quốc sử dụng máy móc công suất lớn, nạo vét trên diện rộng vùng đáy biển để lấy đất, đá bồi đắp cho các cấu trúc địa lý đã gây ra ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng về mặt môi trường, phá hủy các rạn san hô, làm ô nhiễm môi trường sinh thái, phá hủy môi trường sống của các loài sinh vật biển, trong đó có cả các sinh vật quý hiếm, ở khu vực này… Hoạt động của Trung Quốc đã vi phạm các quy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hợp tác bảo vệ môi trường biển của UNCLOS 1982 quy định tại các điều 123, 192, 196, 207-298. Trung Quốc cũng vi phạm quy định của Công ước của Liên hợp quốc về bảo vệ đa dạng sinh học năm 1992 liên quan tới nghĩa vụ không để các hành động do mình kiểm soát gây hại đến môi trường của các quốc gia khác và nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường. Điều 3 của Công ước yêu cầu các quốc gia có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động do mình kiểm soát không được gây hại đến môi trường của các quốc gia khác. Điều 14 của Công ước quy định một quốc gia phải tiến hành đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện những dự án có thể gây ra hậu quả có hại tới đa dạng sinh học.
Thứ ba, ý đồ tạo ra nguyên trạng mới ở Biển Đông của Bắc Kinh Đe dọa việc thực hiện các quyền tự do hàng hải của các nước trong và ngoài khu vực. Hoạt động cải tạo các điểm, đảo tạo ra các căn cứ quân sự của Trung Quốc với hệ thống các cảng biển, trạm rađa, hệ thống tên lửa chống tàu đất đối không tầm trung đến tầm xa, các nhà kho và công trình dịch vụ khác có khả năng phục vụ cho hàng trăm tàu cá, tàu tuần tra, tàu chiến và máy bay chiến đấu. Các căn cứ này cũng sẽ làm bàn đạp để Trung Quốc tiến ra biển xa, kiểm soát tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng qua Biển Đông. Việc Trung Quốc cải tạo đảo còn nhằm tạo ra khả năng thực thi đối với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông trong tương lai như Trung Quốc đã từng thiết lập vùng ADIZ ở Biển Hoa Đông (11/2013). Việc Trung Quốc vươn cánh tay rộng lớn ra Biển Đông cả vùng biển lẫn vùng trời tạo ra mối đe dọa lớn về an toàn, ổn định hàng hải và hàng không của các nước, trong đó có Việt Nam qua lại khu vực này. Trong tương lai, các tàu thuyền, máy bay qua lại ở khu vực này phải xin phép hoặc chịu sự kiểm soát, theo dõi của Trung Quốc, gây ra mối nguy hại cho vấn đề an ninh và rõ ràng có tác động xấu đến tự do hàng hải, hàng không ở khu vực này.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.