Đọc báo Pháp – 20/02/2020
Virus corona – Covid-19:
Trung Quốc bắt người dám nói “sự thật mất lòng”
Thu Hằng
Trong giai đoạn « nước sôi lửa bỏng » toàn dân chống dịch, Bắc Kinh không chấp nhận bất kì tiếng nói chỉ trích nào. Bộ máy kiểm duyệt liên tục phải xóa những lời bình luận bất bình, phẫn nộ sau khi hai bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) và Lưu Trí Minh (Liu Zhiming) lần lượt qua đời vì nhiễm virus corona mới.
Đối với những người dám công khai lên tiếng chỉ trích cách quản lý khủng hoảng Covid-19, chính quyền bắt giữ hoặc cưỡng ép « cách ly » dịch bệnhtại nhà. Đó là trường hợp mà luật gia Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) và giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) đang phải trải qua.
Nhật báo Le Monde (ngày 20/02/2020) cho biết « Bắc Kinh đang bịt miệng hai nhà đối lập ». Luật gia 46 tuổi Hứa Chí Vĩnh bị bắt, cùng với vợ, ngày 15/02/2020, ở nhà luật sư Dương Bân (Yang Bin) ở Quảng Châu, nơi ông ẩn náu sau khi bị truy nã vì tham gia một cuộc họp kín với khoảng 20 luật gia và nhà đấu tranh nhân quyền về « quá độ dân chủ tại Trung Quốc » vào tháng 12/2019 ở Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến). Ngay sau đó, bốn người tham gia cuộc họp nay đã bị bắt, trong đó có luật sư Đinh Gia Hỷ(Ding Jiaxi), bị xóa tên khỏi đoàn luật sư, vì bảo vệ nhân quyền
Trước đó, ông Hứa Chí Vĩnh từng bị kết án bốn năm tù vào năm 2014 vì « gây rối trật tự công cộng ». Được trả tự do ngày 15/07/2017, ông tiếp tục đấu tranh vì một Nhà nước pháp quyền và lên án nạn tham nhũng. Ngay cả trong thời gian bỏ trốn, ông cũng lên án cách xử lý khủng hoảng Covid-19 của chính quyền, đồng thời kêu gọi chủ tịch Tập Cận Bình từ chức. Khi ông Hứa Chí Vĩnh bị bắt, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lo ngại ông sẽ bị kết án nặng dù lý do bắt giữ vẫn chưa được công bố.
Trường hợp thứ hai là giáo sư luật Hứa Chương Nhuận, bị ép cách ly tại nhà từ ngày 16/02 và bị cấm mọi hình thức trao đổi với bên ngoài. Một nhân chứng cho nhật báo Anh The Guardian biết : « Họ giam ông ấy ở nhà, lấy lý do là ông phải bị cách ly » do vị giáo sư vừa từ tỉnh An Huy (Anhui) trở về. Ngày 04/02, ông đăng trên mạng bài viết : « Cảnh báo virus : khi giận dữ mạnh hơn nỗi sợ », một bài chỉ trích ảnh hưởng mạnh đến chính quyền. Ngay khi đăng bài viết này, ông đã biết trước « sẽ bị trừng phạt. Và có thể đây là bài viết cuối cùng của tôi ».
Giáo sư Hứa Chương Nhuận từng giảng dạy tại đại học Thanh Hoa danh tiếng. Tháng 07/2018, ông đăng một bài viết chỉ trích Hiến Pháp được sửa đổi cho phép chủ tịch Tập Cận Bình có thể nắm quyền trọn đời. Từ đó, vị giáo sư luật bị cấm giảng dạy.
Sau hai tuần để thả nổi một số lời chỉ trích cách giải quyết khủng hoảng, đến đầu tháng Hai, Bắc Kinh thông báo tăng cường kiểm soát Internet và mạng xã hội. Theo tổng kết của tổ chức phi chính phủ China Human Rights Defenders ngày 07/02, có 351 người bị « trừng phạt » vì đã «phát tán tin đồn sai lệch» về virus corona mới.
Bên cạnh việc kiểm duyệt, theo xã luận của Le Monde, chính quyền Bắc Kinh quyết tâm lấy lại quyền kiểm soát thông tin. Cả một bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản được đưa vào cuộc để « hướng dẫn công luận và tăng cường kiểm soát thông tin ». Bất kỳ lời chỉ trích nào cũng không được chấp nhận, như trường hợp ba nhà báo của Wall Street Journal bị trục xuất khỏi Trung Quốc, theo thông báo ngày 19/02, dù ba nhà báo này không liên quan đến bài viết « Người bệnh thực sự của châu Á », được đăng trong mục Ý Kiến của Wall Street Journal.
Doanh nghiệp Pháp tại Trung Quốc
lao đao vì Covid-19
Nền kinh tế Trung Quốc gần như chững lại từ bốn tuần nay khiến các doanh nghiệp Pháp tại đây, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mất khoảng 50% doanh thu trong quý I năm 2020.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : « Doanh nghiệp Pháp tại Trung Quốc chịu sức ép lớn vì virus corona mới ». Tất cả mọi lĩnh vực đều bị tác động, nhưng nặng hơn cả là ngành dịch vụ do « tất cả các chuyến du lịch bị hủy, chúng tôi không còn việc làm », theo giải thích của bà Emilie Chaudouard, điều hành văn phòng du lịch TravelStone ở Bắc Kinh. Hiện tại, họ chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng được khống chế để tránh biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. Trong trường hợp khả quan, họ hy vọng có thể hoạt động bình thường trở lại vào giữa tháng Ba.
Virus corona mới cũng khiến ngành thời trang Ý lao đao, với doanh thu giảm khoảng 30% trong quý I năm 2020, theo nhật báo kinh tế Les Echos. Chỉ riêng giới khách hàng châu Á, đặc biệt là du khách Trung Quốc, mang lại khoảng 40% doanh thu cho lĩnh vực này. « Có đến 80% người mua và các nhà điều phối ngành thời trang Trung Quốc sẽ không đến » Ý để tham dự các cuộc trình diễn thời trang, nên các nhà tạo mẫu đã tổ chức chiếu trực tiếp trên mạng những buổi trình diễn này.
Kinh tế Đông Nam Á đối mặt với cú sốc Covid-19
Các nước Đông Nam Á sẽ chịu tác động về kinh tế nặng nề do dịch Covid-19, vì vừa ở sát Trung Quốc vừa phụ thuộc vào cường quốc thứ hai thế giới trên nhiều lĩnh vực. Tác động nặng nề đến mức nào, còn tùy thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh, theo nhận định của Le Monde.
Thiệt hại trước mắt là ngành du lịch và công nghiệp gia công. Nền kinh tế Thái Lan vốn đã đìu hiu với mức tăng trưởng chỉ đạt 2,4% năm 2019, mức thấp nhất kể từ 5 năm gần đây, giờ phải hứng thiệt hại về lượng du khách Trung Quốc sụt giảm : Họ chiếm đến 1/3 tổng số du khách nước ngoài trong năm 2019. Thêm vào đó, do sợ lây nhiễm, người dân Bangkok cũng đóng cửa ngồi nhà, khiến hoạt động kinh doanh trì trệ.
Singapore có thể sẽ mất khoảng 30% du khách. Ngày 18/02, chính phủ đảo quốc dự kiến chi hơn 4 tỉ euro, gồm tiền hoàn thuế hoặc các khoản vay với lãi suất ưu đãi, để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động từ nguồn cung cấp Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng tăng trưởng của Singapore sẽ bị mất từ 0,5 đến 1 điểm.
Đối với Indonesia, hiện là nền kinh tế lớn nhất ASEAN, cuộc khủng hoảng dịch tễ tại Trung Quốc xảy ra không đúng thời điểm, vì nền kinh tế nước này, trong năm 2019, đã phải hứng hậu quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và giá nhiên liệu sụt giảm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của Indonesia, chủ yếu về dầu lửa, khí đốt, than đá, dầu cọ… Với cuộc khủng hoảng dịch tễ này, khối lượng xuất khẩu sẽ còn giảm bớt trong năm 2020, theo đánh giá của Helmi Arman, nhà phân tích của Citi Indonesia.
Quỹ Carnegie nhận định « rất nhiều nước láng giềng của Trung Quốc trông cậy quá nhiều vào Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế của họ ». Việt Nam là một ví dụ điển hình, lĩnh vực sản xuất của nước này, liên hệ quá chặt chẽ vào thị trường Trung Quốc và là một trong những yếu tố giúp Việt Nam có sức tăng trưởng mạnh, giờ trở thành một trong những nước bị tác động trực tiếp nhất.
Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu vào các nước ASEAN. Liệu sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc có khiến các nước Đông Nam Á xem xét lại mô hình kinh tế mà ASEAN đang theo đuổi kể từ khi Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới ? Theo Le Monde, trước mắt, chính phủ các nước ASEAN sẽ xem xét hạ lãi suất và hạ giá đồng tiền để hàng xuất khẩu của họ trở nên hấp dẫn hơn. Trong khi chưa biết đến khi nào dịch bệnh mới hết, các nước ASEAN chỉ còn cách gồng mình chờ những ngày tươi đẹp hơn.
Liên Hiệp Châu Âu bất đồng về ngân sách 2021-2027
Cứ khi bàn đến ngân sách là bất đồng lại nổi lên trong Liên Hiệp Châu Âu. Trong hai ngày 20 và 21/02/2020, lãnh đạo của 27 nước họp tại Bruxelles để bàn về ngân sách 2021-2027. « Một thượng đỉnh bế tắc chính trị », theo nhật báo La Croix, và cũng là nhận định của Le Monde, Le Figaro và Libération.
Le Figaro cho rằng khi bàn về ngân sách châu Âu, có những ưu tiên mới nhưng cũng có cả những tranh cãi từ xưa. Tìm được tiếng nói chung về thỏa thuận ngân sách cho đến năm 2027, đối với Le Figaro, dường như là điều không dễ dàng.
Libération cũng cho rằng cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên về ngân sách, sau Brexit, sẽ thất bại. Đối với nhật báo thiên tả, khi bàn về « Ngân sách Liên Hiệp Châu Âu : Thời điểm thanh toán lẫn nhau ». Các nước giầu ích kỉ muốn cắt bớt ngân sách của khối, trong khi những nước còn lại tìm cách thúc đẩy tăng ngân sách để phát triển một dự án châu Âu.
Còn theo Le Monde, « giữa khối 27 nước là mối quan hệ quyền lực và mặc cả ngân sách ». Khoản ngân sách 1.095 tỉ euro, chiếm khoảng 1,074% GDP của toàn khối, so với mức 1,16% trong giai đoạn 2014-2020. Trong đó, khoảng 65% sẽ được dành cho các chính sách lớn của Liên Hiệp Châu Âu, như nông nghiệp, các quỹ liên kết, phần còn lại sẽ dành cho chi phí hoạt động của các cơ quan của khối, nghiên cứu, kỹ thuật số, quốc phòng, nhập cư, chương trình trao đổi Erasmus…
Bốn nước Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch không muốn chi hơn 1% GDP của châu Âu, trong khi 17 nước « Hữu nghị liên kết » thì muốn duy trì ngân sách dành cho các dự án liên kết, mà những nước này được hưởng nhiều hơn. Trong bối cảnh này, Đức và Pháp tỏ ra kín tiếng. Thực ra, giữa hai nước đầu tầu hiện có một số bất đồng, như Pháp muốn thúc đẩy một chiến lược phòng thủ chung châu Âu, trong khi Đức, nước đóng góp đến hơn 1/5 ngân sách của Liên Hiệp, thì không muốn chi thêm.
Trong một bài viết khác, Le Monde nhận định : « Sau Brexit, Đông Âu mất một đồng minh, nhưng sức ảnh hưởng lại gia tăng ». Một số trọng trách trong khối, hoặc trên thế giới hiện đang nằm trong tay của các chính trị gia Đông Âu, như tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Thế Giới là bà Kristalina Gẻogieva, người Bulgari, chức chưởng lý châu Âu có thể sẽ được trao cho bà Laura Kovesi, người Rumani, đứng đầu đảng Nhân Dân Châu Âu (EPP, cánh hữu và trung hữu), chiếm đa số ở Nghị Viện, là một người Ba Lan.
Chuyện về một phụ nữ Bắc Triều Tiên
Nhật báo La Croix giới thiệu cuốn sách « Mijin, lời xưng tội của một phụ nữ Bắc Triều Tiên theo Công Giáo » của nhà báo Dorian Malovic và nhà nghiên cứu Juliette Morilott.
Minjin sinh năm 1969 trong một gia đình cán bộ ở Bắc Triều Tiên. Bà biết cách tuân theo điều lệ, quy tắc, và được coi là một công dân mẫu mực, thậm chí được tín nhiệm để được tuyển « theo dõi bí mật », rồi dần được giao một số trọng trách. Thế nhưng, chỉ một lần phản đối công an, bà có nguy cơ bị đi trại cải tạo, nên bà đã trốn sang Hàn Quốc và hiện sống ở Seoul. Minjin cho biết « đã phải quyết định bỏ trốn trong khi không hề có ý định từ bỏ Tổ quốc ».
Qua lời kể của Mijin, hai tác giả miêu tả lại một xã hội nơi sự nghi ngờ ngự trị, « mỗi người phải biết tỏ ra thanh đạm, nói dối và che đậy ». Như Minjin, khoảng 30.000 người Bắc Triều Tiên rời tổ quốc trong vòng 30 năm gần đây.
Tin tổng hợp
(Reuters) – Bắc Kinh đe dọa trừng phạt các công ty Séc, nếu Praha để chủ tịch Thượng Viện đến Đài Loan.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Praha gởi công hàm đến Séc ngày 10/01/2020. Hôm qua, 19/02, nội dung công hàm mới được tiết lộ. Bắc Kinh đe dọa phạt trả đũa các công ty Séc hoạt động tại Trung Quốc, nếu quốc gia này để chủ tịch Thượng Viện Jaroslav Kubera đến Đài Loan. Tuy nhiên, lãnh đạo Thượng Viện Séc đã đột ngột qua đời hôm 20/01.
(AFP) – Trump bổ nhiệm đại sứ Mỹ đương nhiệm tại Đức làm giám đốc tạm quyền cơ quan tình báo quốc gia.
Việc bổ nhiệm ông Richard Grenell sẽ còn phải được Thượng Viện thông qua. Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia phụ trách 17 cơ quan tình báo của Mỹ. Ông Grenell, 53 tuổi, là một trong những nhân vật thân cận với Donald Trump.
(AFP) – Nga bác một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về Syria.
Trong cuộc họp kín của Hội Đồng Bảo An, ngày hôm qua 19/02/2020, với sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga đã phản đối dự thảo nghị quyết, do Pháp đề xuất, về việc ngưng thái độ thù địch và tôn trọng quyền trợ giúp nhân đạo quốc tế tại miền tây bắc Syria. Theo nhiều nhà ngoại giao, cuộc họp diễn ra rất căng thẳng, với nhiều lời xúc phạm qua lại.
(AFP) – Tổng thống Mỹ ra điều kiện để ân xá sáng lập viên WikiLeaks.
Luật sư của ông Julien Assange, đã khẳng định hôm qua, 19/02/2020, trước tòa án Anh Quốc, là tổng thống Mỹ sẵn sàng ân xá, với điều kiện là sáng lập viên Wikileaks phải khẳng định là Nga không hề dính líu đến việc email nội bộ của đảng Dân Chủ bị lộ ra ngoài. Phiên tòa mở ra tại Luân Đôn nơi ông Assange chỉ xuất hiện qua video, trước khi yêu cầu dẫn độ ông sang Mỹ được xem xét kể từ thứ Hai tới. Theo luật sư, ông Trump đã đưa ra đề nghị trên qua trung gian của một dân biểu đảng Cộng Hòa. Nhà Trắng hoàn toàn phản bác.
AFP) – Airbus sa thải 2.300 nhân viên trong lĩnh vực không gian và quốc phòng trong hai năm tới.
Thông báo được đưa ra hôm 19/02/2020, với lý do “nhiều hợp đồng bị hoãn” và thị trường đơn đặt hàng thưa thớt. Quyết định sa thải nói trên ảnh hưởng đến nhân viên của Airbus tại Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Tuần trước Airbus vừa phải bù lỗ 1,2 tỷ euro cho chương trình sản xuất máy bay vận tải quân sự A400M.
(AFP) – IMF báo động Achentina “không đủ sức” gánh món nợ hơn 311 tỷ đô la.
Ngày 19/02/2020, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế kêu gọi quốc tế “đàm phán lại” và gia hạn thêm cho quốc gia này để thanh toán khoản nợ khổng lồ, chiếm 90 % GDP nước này. Achentina đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ năm 2001. GDP sụt giảm trong hai năm liên tiếp, tỷ lệ lạm phát vượt quá ngưỡng 50 % và gần 40 % dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó.
(AFP) – Người đàn bàn giàu nhất nước Nga lập nghiệp từ dịch vụ mua bán trên mạng.
Tài sản của người phụ nữ 44 tuổi này lên tới 1,4 tỷ đô la. Năm 2004 bà lập trang mạng Wilberries, ban đầu để mua bán quần áo và đồ dùng cho trẻ sơ sinh. Đến năm 2019 doanh thu của hãng lên tới 3,5 tỷ đô la. Giờ đây Wilberries là một sàn giao dịch trên mạng, chuyên về quần áo, sách vở, thuốc men và thực phẩm.
Điểm tin thế giới sáng 20/2:
Mỹ đạt bước tiến mới trong nghiên cứu COVID-19
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (20/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ đạt bước tiến mới trong nghiên cứu COVID-19
Các nhà khoa học Mỹ hôm thứ Tư (19/2) công bố rằng họ đã xây dựng được bản đồ tỷ lệ nguyên tử 3D đầu tiên của thành phần thuộc COVID-19 bám vào và làm tổn thương tế bào người, một bước quan trọng trong việc phát triển vắc-xin và phương pháp điều trị cho những bệnh nhân nhiễm loại virus nguy hiểm này, theo AFP.
Nhóm nghiên cứu đang gửi bản đồ này tới các chuyên gia trên thế giới để giúp cải tiến và từ đó tạo lập cơ sở cho loại vắc-xin điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Mỹ lên tiếng về việc Trung Quốc trục xuất 3 nhà báo của Tạp chí Phố Wall
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 19/2 đã lên tiếng về động thái trục xuất 3 nhà báo của Tạp chí Phố Wall của chính quyền Trung Quốc sau khi tờ báo này từ chối xin lỗi về một bài bình luận có tiêu đề “Trung Quốc – con bệnh thực sự của châu Á”, theo Reuters.
“Các nước có trách nhiệm hiểu rằng tự do báo chí là được quyền đưa tin về các sự kiện và bày tỏ quan điểm. Cách phản ứng đúng đắn là tự do lên tiếng phản biện”, ông Pompeo cho biết trong một tuyên bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, trước đó nói chính quyền Trung Quốc đã có “những phê bình nghiêm khắc” đối với một bài viết trên WSJ hôm 3/2, nói rằng bài viết này là phân biệt chủng tộc và không thừa nhận những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phòng chống dịch COVID-19, cũng như không chịu đưa ra lời xin lỗi hoặc điều tra những người chịu trách nhiệm về bài viết.
COVID-19 bùng phát tiếp tục khiến Nhật thất thu từ du lịch
Số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã tiếp tục giảm vào tháng Một, đây là tháng thứ tư lượng khách du lịch tới đất nước mặt trời mọc suy giảm. Nguyên nhân được cho là do người Hàn Quốc tẩy chay Nhật và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch COVID-19, theo Reuters.
“Tình hình nghiêm trọng là do virus COVID-19, nhưng nó đang tác động tới toàn thế giới, không chỉ Nhật Bản”, ông Hiroshi Tabata, một quan chức ngành du lịch Nhật bản, cho biết.
Liên Hợp Quốc: Người tị nạn Syria phải sống ‘trong điều kiện tồi tệ’
Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư (19/2) cảnh báo, hàng trăm ngàn người đã phải chạy trốn khỏi cuộc tấn công quân nổi dậy ở Syria do Nga hậu thuẫn, và phải sống “trong điều kiện tồi tệ”, nhiệt độ xuống rất thấp đang đe dọa mạng sống của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, theo AP.
Ông Mark Lowcock, quan chức phụ trách vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc, nói rằng “thảm họa nhân đạo” đang diễn ra ở tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria, vượt quá khả năng cứu trợ nhân đạo.
Ông cho biết gần 900.000 người Syria, trong đó có 500.000 trẻ em, đã phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn tại một khu vực sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 1/12, ngày quân đội chính phủ với sự hậu thuẫn của Nga mở cuộc tấn công lớn vào quân nổi dậy.
“Nhiều người đang đi bộ hoặc nhờ xe tải để tới nơi tị nạn ở nhiệt độ dưới mức đóng băng, trong mưa và tuyết”, theo ông Lowock. “Họ đang đi ngày càng đông tới nơi tị nạn mà họ nghĩ sẽ an toàn hơn. Nhưng ở Idlib, không nơi nào là an toàn”.
Xả súng ở Đức khiến nhiều người thiệt mạng
Cảnh sát Đức cho biết nhiều người đã bị bắn chết tại thành phố Hanau, nằm gần Frankfurt – thành phố lớn thứ 5 của Đức, vào tối thứ Tư (19/2), theo AP.
Hãng tin DPA đưa tin cảnh sát thông báo có nhiều người đã bị giết, tuy nhiên không mô tả chính xác những gì đằng sau vụ việc. DPA cũng chưa cập nhật số người bị bắn chết.
Đài truyền hình khu vực Hessischer Rundfunk đưa tin rằng một cuộc tấn công đã diễn ra trong một phòng chờ ở trung tâm thành phố Hanau. Các nhân chứng nói rằng đã nghe thấy tám hoặc chín phát súng và nhìn thấy ít nhất một người nằm trên mặt đất.
Điểm tin thế giới chiều 20/2:
Trung Quốc lại đổi cách tính ca nhiễm COVID-19
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (20/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Trung Quốc lại đổi cách tính ca nhiễm COVID-19
Theo Washington Post, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 19/2 cập nhật cách thống kê người nhiễm COVID, bỏ cách tính dựa trên triệu chứng lâm sàng của tỉnh Hồ Bắc. Theo đó, các trường hợp được báo cáo sẽ chia làm hai loại gồm “ca nghi nhiễm” và “ca được xác nhận nhiễm”. Các ca nhiễm bệnh chỉ được đưa vào thống kê khi có kết quả dương tính với virus dựa trên xét nghiệm axit nucleic.
Dựa trên cách tính mới, Hồ Bắc sáng nay thông báo có 349 ca nhiễm mới COVID-19, giảm mạnh từ mức 1.693 trường hợp một ngày trước. Tính đến hết 19/2, số ca nhiễm COVID-19 tại tỉnh là 62.031, số người tử vong lên 2.029.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, tính đến hết 19/2, số người tử vong trên toàn Trung Quốc tăng 114 ca lên 2.118 – mức tăng thấp nhất kể từ 23/1. Thêm 394 người nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc lên 74.576. 11.864 người trong tình trạng nguy kịch và 16.155 người khỏi bệnh.
Tổng thống Trump nói ‘Trung Quốc đang rất nỗ lực’ xử lý dịch COVID-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump tin rằng Trung Quốc đang rất nỗ lực trong việc xử lý dịch COVID-19 và tình hình sẽ trở nên khá hơn trong thời gian tới.
“Tôi tự tin rằng Trung Quốc đang rất cố gắng. Tôi nghĩ các con số sẽ dần tốt đẹp hơn trong thời gian tới”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox 10 Phoenix hôm nay (giờ Việt Nam).
Thêm 2 quan chức Nhật nhiễm COVID-19
Reuters đưa tin, một quan chức trong Bộ Y tế Nhật Bản hôm nay cho biết có thêm 2 quan chức nước này dương tính với COVID-19. Một quan chức làm trong Bộ Y tế và người còn lại ở Ban Thư ký nội các. Cả 2 quan chức này đã làm việc với du thuyền Diamond Princess.
Trước đó, Nhật Bản đã có 3 quan chức dương tính với COVID-19.
Tổng thống Trump bổ nhiệm quyền giám đốc tình báo quốc gia
Tổng thống Trump bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, người ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của ông, làm quyền giám đốc tình báo quốc gia.
“Rick là đại diện tiêu biểu cho đất nước chúng ta và tôi mong muốn được làm việc với ông ấy”, ông Trump đăng trên Twitter hôm 19/2. Ông cũng cảm ơn người tiền nhiệm của Grenell là Joseph Maguire “vì những gì tuyệt vời mà ông đã làm với tư cách quyền giám đốc tình báo quốc gia Mỹ” kể từ tháng 8/2019.
Úc sẽ điều tra khủng hoảng cháy rừng
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay cho biết chính phủ nước này sẽ mở cuộc điều tra về đợt cháy rừng kéo dài suốt 5 tháng khiến 33 người thiệt mạng và phá huỷ hàng nghìn ngôi nhà.
Theo AFP, cựu tư lệnh không quân Mark Binskin, cựu thẩm phán Tòa án Liên bang Annabelle Bennett và giáo sư môi trường Andrew Macintosh sẽ phụ trách cuộc điều tra này. Ông Morrison nói thêm nhóm điều tra được yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 31/8, để các khuyến nghị có thể được thực hiện trước mùa cháy rừng tiếp theo.
Video: Thêm một giám đốc bệnh viện nữa ở Vũ Hán bị nhiễm COVID-19
0 comments