Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 20/02/2020

Thursday, February 20, 2020 5:52:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 20/02/2020

Tranh luận giữa các UCV TT Đảng Dân chủ

ở Nevada: Ai thắng ai thua?

Cuộc tranh luận giữa 6 ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ ở Las Vegas hôm 19/2 thu hút sự chú ý của truyền thông Mỹ nhiều hơn cả thường lệ, một phần vì sự xuất hiện lần đầu của tỷ phú Michael Bloomberg, ứng cử viên mới nhất tham gia cuộc đua để được Đảng Dân chủ đề cử ra tranh chức Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Hầu hết các nhà bình luận đều đồng ý với nhau rằng đây là cuộc tranh luận gay gắt nhất tính cho tới nay, các đối thủ đã không nương tay mà thẳng thừng chỉ trích lẫn nhau, và mục tiêu bị nhắm tấn công nhiều nhất là ông Bloomberg. Trong một bài bình luận, báo Newsweek còn cho rằng ông Bloomberg trở thành người thua cuộc ngay sau vài phút tranh luận vì bị tấn công từ tứ bề.
Đài NPR đưa ra 6 điều đáng chú ý trong cuộc tranh luận:
1.Ông Bloomberg trở thành tâm điểm được chú ý, nhưng ông đã không tận dụng được cơ hội và không chống đỡ được các cuộc tấn công tới tấp của các đối thủ, vốn có nhiều kinh nghiệm tranh luận hơn ông trong thời gian gần đây.
Ông Bloomberg, 78 tuổi, đôi khi bị “mất thăng bằng” trong cuộc tranh luận, đặc biệt khi bị Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nhắc tới những phát biểu có tính kỳ thị của ông về phụ nữ, và các thỏa thuận ngoài tòa mà ông đạt được với một số nhân viên để họ giữ kín những gì xảy ra.
Nhà tỷ phú này, theo NPR, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, không nêu lên những thành tích của ông, như chi ra 100 triệu USD hồi năm 2018 để giúp phụ nữ ra tranh cử, hay chi ra các khoản tiền lớn để cỗ vũ cho luật kiểm soát súng ống.
2. Thượng nghị sĩ Warren là ứng cử viên tranh luận hung hăng nhất lần này, nhưng không rõ bà đạt được gì.
Nhà bình luận của NPR nói bà Warren tấn công tất cả những ai có thể cản trở bà. Không chỉ nhắm vào ông Bloomberg về thái độ đối với phụ nữ, bà chỉ trích ông Sanders, nói rằng “bầu cho ông Sanders là đánh cược với một cuộc cách mạng sẽ không thuyết phục được đa số cử tri”.
Bà tấn công cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar là tìm cách lấy lòng chủ tịch Thượng viện Đảng Cộng hoà Mitch McConnel, và tấn công Pete Buttigieg, cựu thị trường South Bend, Indiana là “nhận tiền từ những người giàu có và thay đổi ý kiến.”
3. Thành phần có lập trường trung dung trong Đảng Dân chủ không đoàn kết
Ông Buttigieg và bà Klobuchar coi nhau như đối thủ, vì họ cạnh tranh để chiếm được sự ủng hộ của cùng thành phần cử tri.
4. Ông Biden lập luận rằng ông là ứng cử viên có nhiều cơ may được bầu làm Tổng thống nhất.
Bất chấp là ứng cử viên về sau trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa và New Hampshire, ông Biden khẳng định ông là ứng cử viên tốt nhất để đánh bại ông Trump. Cho tới nay, các cuộc thăm dò công luận tiếp tục cho thấy ông Biden có triển vọng cao nhất để đánh bại ông Trump, nhưng theo NPR, chiến dịch vận động kỳ này cho thấy là trên thực tế, ông Biden không chứng minh được ông là ứng cử viên có triển vọng nhất.
Báo Newsweek cho rằng ông Biden vẫn ỷ y quá nhiều vào quá trình phục vụ của ông trong chính quyền tiền nhiệm, thay vì đưa ra những lập luận vững chắc vì sao ông xứng đáng làm Tổng thống.
5. Ông Sanders đã không làm gì để thu phục thêm cử tri ngoài trừ thành phần nòng cốt ủng hộ ông, nhưng ông sẽ được hưởng lợi trong tình trạng rối loạn.
Ông Sanders có nhân sinh quan và lập trường đối nghịch với tỷ phú Bloomberg. Trong khi ông Bloomberg là một nhà tư bản, từng thuộc Đảng Cộng hoà, ông Sanders là nhân vật thiên tả, có khuynh hướng ‘xã hội chủ nghĩa’, có thể làm một thành phần cử tri Mỹ quay lưng với ông.
Nhưng ông Sanders hiện là ứng cử viên dẫn đầu sau khi vận động ở Iowa và chiến thắng ở New Hampshire. Trong khi thành phần có lập trường trung dung chưa chọn được một ứng cử viên duy nhất nào, ông Sanders sẽ tiếp tục được hưởng lợi và có triển vọng chiếm được đa số đại biểu để giành được sự đề cử của đảng.
6. Ngư ông hưởng lợi trong cuộc tranh luận này là ông Trump.
Tổng thống Trump và ê-kíp của ông rất hài lòng về những gì đã chứng kiến trong cuộc tranh luận bên Đảng Dân chủ lần này, theo NPR. Những lập luận về chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa xã hội, thành phần trung dung chưa chọn được một ứng cử viên để ủng hộ, và những vụ chỉ trích gấu ó lẫn nhau trong đảng dân chủ là tin vui cho thành phần cử tri ủng hộ ông Trump với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”
https://www.voatiengviet.com/a/tranh-luan-giua-cac-ucv-tt-dang-dan-chu-o-nevada-ai-thang-ai-thua/5296528.html

Mỹ: Cựu thị trưởng New York

bị các ứng viên đảng Dân Chủ tấn công dồn dập

Mai Vân
Cựu thị trưởng New York, tỉ phú Michael Bloomberg, hôm qua, 19/02/2020, lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc tranh luận truyền hình tại Las Vegas giữa các ứng viên đảng Dân Chủ. Sau khi đã cố tình tránh né tranh luận cho đến nay, nhà tỷ phú, với tài sản ước tính 60 tỷ đô la, đã bị các đối thủ chỉ trích không khoan nhượng.
Uy tín của cựu thị trưởng New York đã lên rất nhanh trong các cuộc thăm dò dư luận, với 19% người ủng hộ, trong lúc ông Bernie Sanders đang dẫn đầu được 31%. Có điều là ông Bloomberg đã áp dụng một chiến lược phá bỏ mọi quy ước, khi thông báo khá trễ việc tham gia tranh cử của ông, gây xáo trộn cuộc vận động tranh cử trong đảng Dân Chủ.
Thông tín viên RFI tại San Francisco, Eric de Salve, tường thuật:
Với hơn 300 triệu đô la quảng cáo chưa từng thấy, Bloomberg trong không đầy 3 tháng đã vươn lên vị trí thứ 2, trong các cuộc thăm dò dư luận.
Chiến lược này của ông đã làm cho các đối thủ bực mình. Bernie Sanders, người có triển vọng nhất, trong một tin nhắn Twitter cho rằng, cũng như mọi người, Michael Bloomberg có quyền ra tranh ghế tổng thống, nhưng ông không có quyền mua cuộc tranh cử tổng thống.
Cựu thị trưởng New York, trước kia thuộc đảng Cộng Hòa, là người cuối cùng lao vào cuộc tranh cử, kể từ tháng 11 năm ngoái. Để đặt mình lên trên các đối thủ khác, cho đến nay, ông đã không tham gia bất kỳ cuộc tranh luận truyền hình nào và cũng không ứng cử ở cả 4 cuộc bỏ phiếu sơ bộ.
Bloomberg đặt cược vào ngày Super Tuesday, tức thứ Ba 03/03 tới, với 14 tiểu bang cùng tổ chức bỏ phiếu sơ bộ trong một lúc, cung cấp đến một phần ba tổng số đại cử tri.
Tuy nhiên, người giàu thứ chín của hành tinh bị tố cáo là đã mua chỗ của mình trong cuộc tranh luận trên truyền hình hôm qua.
Nữ ứng cử viên Elisabeth Warren đã rất bực tức : Đây là điều đáng xấu hổ. Cho đến giờ để được tranh luận, mỗi ứng viên phải chứng minh được một vị trí tối thiểu nào đó trong các cuộc thăm dò dư luận cũng như trong những khoản tài trợ tranh cử do người ủng hộ đóng góp.
Nhưng ông Bloomberg đã dùng tài sản riêng, tự trang trải cho cuộc vận động của ông, không cần đến các nguồn đóng góp nào khác. Đảng Dân Chủ đã bị buộc phải thay đổi các quy định chọn lựa và bỏ đi tiêu chí thứ 2 này, cho phép ông Bloomberg lần đầu tiên lên diễn đàn hôm qua tại Las Vegas ngay trước một cuộc bỏ phiếu ở Nevada thứ Bảy này, cuộc bỏ phiếu mà nhà tỷ phủ cũng chẳng màng tham gia.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200220-my%CC%83-c%E1%BB%B1u-th%E1%BB%8B-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-new-york-b%E1%BB%8B-ca%CC%81c-%C6%B0%CC%81ng-vi%C3%AAn-%C4%91a%CC%89ng-d%C3%A2n-chu%CC%89-t%C3%B4%CC%89ng-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng

Viên chức cấp cao của Ngũ Giác Đài từ chức

theo yêu cầu của tổng thống Trump

Tin Washington DC – Một viên chức cấp cao của Ngũ Giác Đài, người từng phản đối việc đóng băng tiền viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm ngoái, đã từ chức vào thứ Tư, 19 tháng 2, theo yêu cầu của Tổng Thống Trump. Theo bản tin của CNN, ông John Rood, phụ tá bộ trưởng về chính sách tại Ngũ Giác Đài, là viên chức mới nhất có liên quan đến vụ Ukraine bị buộc phải ra đi, sau khi Tổng Thống Trump được xóa cáo trạng luận tội.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin của CNN, ngoài vụ Ukraine, ông Rood trước đây đã tỏ ra bất đồng với chính phủ trong nhiều vấn đề khác, khiến ông không còn được giới lãnh đạo ưu ái. Trong lá thư viết vào thứ Tư, ông Rood nói rằng ông xin từ chức theo yêu cầu của Tổng Thống Trump, và việc từ chức sẽ có hiệu lực từ ngày 28 tháng 2, 2020. CNN là hãng đầu tiên đưa tin về sự ra đi của ông Rood, và thông tin này cũng đã được Tổng Thống Trump xác nhận. Trong thông điệp ngắn gọn trên mạng Twitter, Tổng Thống Trump cám ơn ông John Rood vì sự phục vụ của ông cho quốc gia, và chúc ông Rood thành công trong sự nghiệp tương lai.
Ông Trump đồng thời cũng đăng lại một bản tin của hãng Bloomberg News, nói rằng ông Rood bị áp lực từ chức từ những người cho rằng ông không có khả năng thực hiện các công việc theo đúng chương trình nghị sự của tổng thống. Bộ Quốc Phòng cho biết Tiến Sĩ James Anderson, viên chức cơ quan chính sách thuộc Bộ này, sẽ tạm đảm nhận vị trí của ông Rood cho tới khi tổng thống bổ nhiệm một nhân viên chính thức.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/vien-chuc-cap-cao-cua-ngu-giac-dai-tu-chuc-theo-yeu-cau-cua-tong-thong-trump/

Bộ Trưởng Tư Pháp từng cân nhắc việc từ chức

sau một bài đăng của Tổng thống trump trên Twitter

Vào hôm thứ ba (18 tháng 2), CBS News dẫn lời hai nguồn thạo tin cho biết Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr hiện đang cân nhắc việc từ chức sau một bài đăng trên Twitter của Tống Thống Trump về Bộ Tư Pháp.
Tuần trước, ông Barr nói với ABC News rằng bài đăng của Tổng Thống khiến ông “không thể làm việc”, một thông điệp rõ ràng gửi đến Tổng Thống Trump sau khi Bộ Tư pháp quyết định can thiệp vào bản án tù từ 7 đến 9 năm chống lại đồng minh lâu năm của Tổng thống, ông Roger Stone.
Trước đó, tổng thống Trump đã sử dụng Twitter để tuyên bố bản án cho ông Stone là “trái với công lý”, và đưa ra ý kiến của ông trong các vấn đề khác của Bộ Tư pháp. Tổng thống cũng ca ngợi ông Barr trên Twitter vì đã can thiệp vào vụ kiện của Stone, mặc dù Bộ trưởng tư pháp khẳng định rằng ông không nói chuyện với tổng thống về bản án của ông Stone. Tất cả bốn công tố viên liên bang trong vụ kiện Roger Stone đã rút lui khỏi vụ án sau khi Bộ Tư pháp nói rằng bản án 7 đến 9 năm mà họ đề nghị là quá mức.
Ông Barr từ lâu đã bị chỉ trích vì liên tục lên tiếng bảo vệ tổng thống, kể từ khi ông đưa ra bản báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller mà không công bố đầy đủ những phát hiện của ông Mueller. Các nhà phê bình cho rằng ông Barr vẫn đang bảo vệ tổng thống, và việc cân nhắc từ chức chỉ là giả vờ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bo-truong-tu-phap-tung-can-nhac-viec-tu-chuc-sau-mot-bai-dang-cua-tong-thong-trump-tren-twitter/

Tổng Thống Trump cam kết

 giải quyết vấn đề vô gia cư của Los Angeles

Tin từ Los Angeles, California – Vào hôm thứ ba (18 tháng 2), tại cuộc họp chuẩn bị cho thế vận hội Olympics 2028 ở Los Angeles, Tổng Thống Trump đã chuyển hướng cuộc nói chuyện sang các vấn đề chính trị, chỉ trích giới lãnh đạo của thành phố vì đã không kiềm chế được “tình trạng vô gia cư.”
Tại cuộc họp, Tổng Thống Cộng Hòa khẳng định ông sẽ buộc phải can thiệp nếu Los Angeles không thể “nhanh chóng giải quyết vấn đề này.” Tổng Thống Trump đã nhiều lần tranh cãi với các nhà lãnh đạo Dân chủ của California trong suốt ba năm cầm quyền, với Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang Xavier Becerra đệ trình hàng chục vụ kiện chống lại chính quyền tổng thống về các quy định môi trường, vấn đề di dân và các chính sách khác của Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống cũng đã nhiều lần đả kích chống lại các thị trưởng của Los Angeles và San Francisco cũng như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người đại diện cho một quận San Francisco, về các vấn đề vô gia cư ở các thành phố đó. Tổng thống trong quá khứ đã đề cập đến cuộc khủng hoảng vô gia cư ở hai thành phố ở California là  “sự ô nhục với Hoa Kỳ.”
Tổng thống cũng cam kết rằng chính quyền của ông sẽ giúp thành phố chuẩn bị cho các sự kiện thi đấu và ký một thỏa thuận cam kết chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ ủy ban Olympics. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-cam-ket-giai-quyet-van-de-vo-gia-cu-cua-los-angeles/

Tổng Thống Trump bác bỏ đề nghị

việc Mỹ hạn chế bán phụ tùng máy bay cho Trung Cộng

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ ba (18/2), Tổng thống Trump phản đối các đề nghị về việc Hoa Kỳ sẽ ngăn các công ty cung cấp động cơ phản lực và các bộ phận khác cho ngành hàng không Trung Cộng, và cho biết rằng ông chỉ thị chính quyền của ông không thực hiện các đề nghị này.
Trong một loạt các bài đăng Twitter và các bình luận trước phóng viên vào hôm thứ ba (18/2), tổng thống Donald Trump cho biết rằng những lo sợ về an ninh quốc gia, vốn được xem là lý do cho các kế hoạch này, không nên được sử dụng như một cái cớ để cản trở nước ngoài mua sản phẩm của Hoa Kỳ.
Những bình luận của ông được đưa ra sau các bài báo cuối tuần của Reuters và các cơ quan truyền thông khác đưa tin rằng chính phủ đang xem xét việc liệu có nên ngăn công ty General Electric tiếp tục cung cấp động cơ cho  máy bay hành khách của Trung Cộng hay không.
Sự can thiệp của tổng thống thể hiện rõ rằng, ít nhất trong trường hợp này, ông sẽ ưu tiên lợi ích kinh tế hơn những nguy hiểm cạnh tranh tiềm ẩn và mối lo về an ninh quốc gia. Quan điểm của ông về vấn đề này trái ngược với những hạn chế rõ ràng mà chính quyền của ông đặt ra cho các công ty Hoa Kỳ giao dịch với Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, cũng vì lý do an ninh quốc gia.  (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-bac-bo-de-nghi-viec-my-han-che-ban-phu-tung-may-bay-cho-trung-cong/

Chính phủ Hoa Kỳ điều tra giáo sư Harvard

và các trường đại học nhận tài trợ của Trung Cộng

 trong bối cảnh lo lắng về rò rỉ bí mật thương mại

Chính quyền tổng thống Trump đang ngày càng quyết liệt hơn trong việc chống hành vi trộm cắp bí mật thương mại của Trung Cộng với việc bắt giữ một giáo sư nổi tiếng của Harvard và mở các cuộc điều tra với các trường đại học hàng đầu. Hành động điều tra một trong những nhà khoa học hàng đầu của Hoa Kỳ, Charles Lieber,  và đe dọa buộc tội hình sự đối đại học Harvard, Yale và các trường đại học danh tiếng khác đã gây chấn động.
Không như nhiều trường hợp khác gần đây liên quan đến các nhà khoa học gốc Trung Cộng, Lieber là người da trắng. Ông và các trường đại học hàng đầu bị cáo buộc không tiết lộ quan hệ với Trung Cộng. Vụ án Lieber thu hút chú ý một phần vì số tiền khổng lồ mà Trung Cộng sẵn sàng chi để thu hút nhân tài hàng đầu của Hoa Kỳ. Theo cáo trạng hình sự, ông Lieber nhận lương 50,000 Mỹ kim mỗi tháng, chi phí hàng năm lên tới 158,000 Mỹ kim, và hơn 1.5 triệu Mỹ kim để mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Vũ Hán (WUT). Giáo sư Lieber là chuyên gia về kỹ thuật nano, điều khiển phân tử, hứa hẹn sẽ cách mạng hóa tiêu thụ năng lượng, sản xuất và kỹ thuật xanh, có khả năng đáp ứng nhiều lĩnh vực của chiến lược “Made in China 2025” của Bắc Kinh. =Mỗi năm Hoa Kỳ mất 600 tỷ Mỹ do nạn trộm cắp trí tuệ của Trung Cộng. FBI nói học thuật là một mắt xích yếu nhất trong nỗ lực ngăn chặn mất mát. Các cơ quan giám sát học thuật từ lâu đã khuyến cáo các nhà nghiên cứu rằng các tiêu chuẩn đang ngày thắt chặt khi Washington ngày càng mất lòng tin với Bắc Kinh. Nhưng khuyến cáo của họ thường bị phớt lờ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-hoa-ky-dieu-tra-giao-su-harvard-va-cac-truong-dai-hoc-nhan-tai-tro-cua-trung-cong-trong-boi-canh-lo-lang-ve-ro-ri-bi-mat-thuong-mai/

Bão Bắc Cực di chuyển từ Midwest đến đông bắc Hoa Kỳ,

mang theo mưa và tuyết lớn khắp miền nam Hoa Kỳ

Vào thứ ba (ngày 18 tháng 2), một cơn bão đang di chuyển từ Midwest đến Đông Bắc Hoa Kỳ đã mang theo 6 đến 8 inch tuyết từ Great Lakes đến New England, gây ra nhiều vụ đụng xe trong khu vực. Trong khi đó, phần phía Nam của cơn bão đã ngừng lại, gây ra mưa lớn tại miền Nam  và tuyết rơi tại North và South Carolina. Đến thứ tư (ngày 19 tháng 2), những đợt mưa lớn nhất sẽ bắt đầu ở Texas và di chuyển về phía đông trong 24 giờ tới.
Ở phía bắc, tuyết sẽ rơi khoảng nửa feet từ Colorado đến Kansas. Đến sáng thứ năm (ngày 20 tháng 2), đợt mưa nói trên sẽ di chuyển đến miền Nam Mississippi, nơi đang phải đối mặt với lũ lụt, đến Alabama với lượng mưa từ 1 đến 3 inch. Mưa lớn sẽ tiếp tục di chuyển đến khu vực Đông Nam vào chiều và tối thứ năm. Cũng trong khoảng thời gian từ chiều đến tối thứ năm, trong lúc không khí lạnh bao trùm phía Bắc, hai tiểu bang North và South Carolina sẽ có tuyết rơi. Tại địa phương, có thể có thêm 2 đến 3 inch mưa ở các vùng phía Nam Hoa Kỳ. Trong khi đó, vào tối thứ tư, khu vực Midwest và Đông Bắc sẽ phải hứng chịu một đợt khí lạnh ngay sau cơn bão. Sáng thứ sáu (ngày 21 tháng 2), những đợt gió lạnh với nhiệt độ dưới 10 độ sẽ xuất hiện từ Thành Phố New York đến Boston.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/bao-bac-cuc-di-chuyen-tu-midwest-den-dong-bac-hoa-ky-mang-theo-mua-va-tuyet-lon-khap-mien-nam-hoa-ky/

Người phụ nữ trong đoạn video tranh chấp về quyền

được ngả ghế trên máy bay muốn khởi kiện

Tin Charlotte, North Carolina – Bà Wendi Williams, người hành khách hàng không nổi tiếng vào cuối tuần qua nhờ đoạn video cho thấy một người đàn ông đấm vào lưng ghế trên máy bay của bà, đã cho biết rằng bà đang cân nhắc việc khởi kiện. Lên tiếng trong chương trình Fox & Friends, bà Williams cho biết bà đang trên đường bay từ New Orleans đến Charlotte, North Carolina, và đã ngả lưng ghế xuống để được thoải mái.
Người đàn ông ngồi sau lưng bà, vốn đang ngồi hàng ghế cuối và không thể ngả ghế, đã tức giận vì bị thu hẹp không gian trước mặt nên liên tục đấm vào lưng ghế của bà Williams. Bà Williams sau đó dùng điện thoại ghi hình lại sự việc và đăng lên mạng. Bà Williams nói dù bà không biết danh tính người đàn ông, nhưng bà đang nói chuyện với luật sư để cân nhắc việc khởi kiện ông này. Bà Williams cũng cho biết nữ tiếp viên hàng không cũng tỏ ra khó chịu với bà và yêu cầu bà xóa đoạn video. Sự việc của bà Williams hiện đang gây ra một cuộc tranh luận lớn trên mạng, về việc cư xử thế nào mới là đúng đắn khi đi trên các chuyến bay thương mại với chỗ ngồi chật hẹp. Bà Sara Nelson, chủ tịch công đoàn tiếp viên hàng không, nói rằng sự việc này là lỗi của hãng hàng không, vì họ đã cố tình sắp các hàng ghế thật gần nhau để máy bay có nhiều chỗ ngồi hơn, đem lại lợi ích nhiều hơn.
Bà Nelson cho biết các tiếp viên hàng không thường xuyên phải giải quyết xung đột giữa hành khách vì tranh chấp không gian trên máy bay. Lên tiếng về việc này, hãng American Airlines chỉ nói rằng sự an toàn và thoải mái của hành khách là ưu tiên của hãng, và hãng đang điều tra sự việc của bà Williams.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nguoi-phu-nu-trong-doan-video-tranh-chap-ve-quyen-duoc-nga-ghe-tren-may-bay-muon-khoi-kien/

TQ đang làm suy yếu sự ổn định của khu vực

và đe dọa chủ quyền các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đô đốc Philip Davidson (13/2) cảnh báo rằng Trung Quốc đang làm suy yếu sự ổn định của khu vực; đồng thời cho biết Mỹ đã chuẩn bị tất cả để đối phó với Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.
Phát biểu tại Sydney trong chuyến thăm Australia, Đô đốc Philip Davidson cảnh báo rằng Trung Quốc đang đe dọa chủ quyền của các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và làm suy yếu sự ổn định của khu vực; cho biết Mỹ đã chuẩn bị tất cả để đối phó với Bắc Kinh ở Thái Bình Dương, đồng thời trích dẫn các yêu sách lãnh thổ “quá đáng” của Trung Quốc, các bẫy nợ ngoại giao, hành động vi phạm thỏa thuận quốc tế, đánh cắp tài sản quốc tế, đe dọa quân sự… Theo ông Philip Davidson, Trung Quốc tìm cách kiểm soát dòng chảy thương mại, tài chính, truyền thông, chính trị và cuộc sống ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất trong dài hạn đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoài ra, ông Davidson cáo buộc Bắc Kinh đang sử dụng “sự sợ hãi và sự ép buộc” trong một nỗ lực nhằm “bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế bất chấp các quy tắc và luật lệ”; nhấn mạnh Trung Quốc luôn tìm cách tạo ra một trật tự mới với các đặc điểm Trung Quốc do Bắc Kinh dẫn đầu, dẫn đến một hệ quả sẽ phá hủy sự ổn định và hòa bình vốn đã và đang được duy trì tại Ấn Độ Dương – Đại Tây Dương trong hơn 70 năm qua.
Tuyên bố trên của Đô đốc Philip S. Davidson được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc thông qua viện trợ kinh tế để cách lôi kéo, tác động và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương, nhất là một số quốc đảo nhỏ có vị trí địa chiến lược quan trọng. Theo Viện nghiên cứu Lowy của Australia, trong thời gian từ năm 2006 đến 2016, Trung Quốc đã viện trợ cho các nước Nam Thái Bình Dương tổng cộng 17,8 tỷ USD và trở thành đối tác cung cấp viện trợ lớn thứ ba cho khu vực này, chỉ sau Australia và Mỹ. Cụ thể, Bắc Kinh đã cung cấp cho Tonga 172 triệu USD để hỗ trợ nước này xây dựng các công trình giao thông công cộng và trường học, hỗ trợ Papua New Guinea 632 triệu USD, Fiji 360 triệu USD, Vanuatu 243 triệu USD và đảo Cook 50 triệu USD. Ngược lại, nền kinh tế của các nước này cũng dần phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Đơn cử, số nợ của Tonga với Trung Quốc chiếm 64% tổng số nợ nước ngoài và chiếm tới 43% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Papua New Guinea, quốc gia Tây Nam Thái Bình Dương với dân số 8 triệu, là một trong những mục tiêu mới nhất của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng gây ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc hiện đã thay thế Nhật Bản trở thành quốc gia cho vay song phương lớn nhất ở Papua New Guinea. Dự kiến đến cuối năm nay, Papua New Guinea sẽ
nợ Trung Quốc 1,9 tỷ USD từ các khoản vay ưu đãi, chiếm khoảng 25% tổng nợ của nước này. IMF cảnh báo những quốc gia khác vay tiền từ Trung Quốc ở khu vực như Samoa, Tonga hay Vanuatu cũng có nguy cơ cao rơi vào cảnh nợ nần và phải trả giá trong tương lai.
Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích, chủ yếu là từ các nước phương Tây, rằng họ đang “trói buộc” các nước nghèo và các nước đang phát triển bằng những khoản vay mà đối phương không có khả năng hoàn trả, để từ đó thúc đẩy ảnh hưởng chính trị. Bộ trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Australia, bà Concetta Fierrevanti-Wells mới đây đã chỉ trích việc làm này của Bắc Kinh, nêu rõ rằng các công trình không cần thiết đang “đầy rẫy” tại khu vực này. Tuyên bố của bà Wells chứa đựng hàm ý rằng Trung Quốc chỉ đang muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực chứ không thực tâm hỗ trợ phát triển kinh tế cho các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho rằng Thái Bình Dương giờ đây đang trở thành khu vực chiến lược tranh giành giữa các nước lớn.
Trong khi đó, Bắc Kinh bác cáo buộc, khẳng định các khoản vay của họ là rất cần thiết và được hoan nghênh ở những nước bị phương Tây bỏ qua, đồng thời chỉ ra việc họ cung cấp chúng mà không đi kèm bất cứ điều kiện chính trị nào. Để ngụy biện về bẫy nợ của mình đối với các nước nhận viện trợ, Ngoại trưởng Vương Nghị (20/9) từng trấn an Maldives khi cho rằng “hợp tác Trung Quốc – Maldives nhằm mục đích thúc đẩy sự thịnh vượng của người dân Maldives, không có ý đồ chính trị và không tìm kiếm lợi ích địa chính trị”. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói sẽ hỗ trợ Maldives hết sức có thể mà không đi kèm các điều kiện chính trị cũng như không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này và khẳng định “hoàn toàn không có căn cứ khi nói Maldives bị sa lầy vào bẫy nợ của Trung Quốc”.
Được biết, Đô đốc Philip S. Davidson (25/4/2018) chính thức được Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua đề cử làm Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Trước khi đảm nhiệm vị trí hiện nay, ông Philip từng làm Tư lệnh Hạm đội 6, Tư lệnh Bộ tư lệnh hạm đội hải quân Mỹ. Điều đáng chú ý là Đô đốc Philip Davidson có quan điểm, thái độ cứng rắn đối với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên biển; nhiều lần lên án chỉ trích trực diện Trung Quốc, cũng như đưa ra các cảnh báo quan trọng đối với Chính quyền Mỹ và các nước đồng minh về âm mưu, hoạt động, cũng như sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Tại phiên điều trần của Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip Davidson từng cho biết ông sẽ căn cứ vào chiến lược quốc phòng của Mỹ, tăng cường trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, những hành động này nhằm bảo đảm nâng cao trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên cho lực lượng triển khai ở khu vực Tây Thái Bình Dương để theo kịp các bước hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Philip Davidson cũng từng cảnh báo Trung Quốc đã có thể kiểm soát có hiệu quả Biển Đông, hơn nữa có thể tạo ra thách thức cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
http://biendong.net/bien-dong/33086-tq-dang-lam-suy-yeu-su-on-dinh-cua-khu-vuc-va-de-doa-chu-quyen-cac-dao-nho-o-thai-binh-duong.html

Canada sơ tán công dân khỏi du thuyền Diamond Princess

Hải Lam
Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết chính phủ nước này bắt đầu sơ tán công dân khỏi du thuyền Diamond Princess ở Yokohama, Nhật Bản vào tối 20/2 (giờ địa phương).
“Máy bay do chính phủ thuê hiện đang ở Tokyo. Chúng tôi sẽ bắt đầu rà soát người bị bệnh trước chuyến bay và lên đường vào tối mai theo giờ địa phương”, Reuters dẫn lời của Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne nói với các phóng viên ở Ottawa tối 19/2.
Ông nói thêm những người có triệu chứng nhiễm COVID-19 sẽ không được lên máy bay và các trường hợp dương tính với virus corona sẽ được điều trị tại Nhật Bản. Khi trở về Canada, những người được sơ tán sẽ được đưa vào trung tâm cách ly tại cơ sở đào tạo hàng không ở Ontario trong 14 ngày. Có 251 người Canada trên du thuyền Diamond Princess và 47 người đã nhiễm COVID-19.
Theo AFP, hôm 19/2, giới chức y tế Nhật Bản thông báo có thêm 79 hành khách trên du thuyền Diamond Princess dương tính với COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 621. Cùng ngày, 500 hành khách được rời đi sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy họ âm tính với COVID-19 và thời gian cách ly 14 ngày đã kết thúc.
Video: Quan chức ngành y tế Trung Quốc tiết lộ thông tin dịch viêm phổi cho gia đình bị cách chức
https://www.dkn.tv/the-gioi/canada-so-tan-cong-dan-khoi-du-thuyen-diamond-princess.html

Virus corona – Covid-19: Giới chuyên gia phản bác

cách thống kê bệnh nhân của Trung Quốc

Đức Tâm
Số người nhiễm virus corona (Covid-19) tại Trung Quốc do chính quyền công bố hàng ngày có phản ánh đúng tình hình bệnh dịch ở nước này hay không ? Theo tạp chí khoa học Nature, ngày 20/02/2020, giới chuyên gia quốc tế và Trung Quốc đang tranh cãi về phương pháp thống kê của Bắc Kinh.
Tạm gạt sang một bên những nghi ngờ minh bạch hóa thông tin và chỉ đề cập đến phương pháp, tiêu chí của chính quyền Trung Quốc để xác định người bị bệnh và đưa vào con số thống kê.
Cho đến nay, số người bị bệnh mà Trung Quốc công bố chỉ bao gồm những người có triệu chứng. Những người có xét nghiệm dương tính với virus corona nhưng không có triệu chứng thì không được tính đến.
Nhiều nhà khoa học rất lo ngại vì phương pháp này không cho thấy được quy mô của dịch bệnh. Thế nhưng, một số chuyên gia khác cho rằng Trung Quốc có lý khi ưu tiên tập trung chữa trị bệnh nhân có triệu chứng để ngăn chặn dịch lây lan.
Đầu tháng 2, các quan chức tỉnh Hắc Long Giang thông báo có 13 người được xác định dương tính với virus corona, nhưng được rút ra khỏi danh sách thống kê người bệnh, vì theo chỉ thị hướng dẫn của ủy ban phòng chống trung ương, thì chỉ thống kê những ca được khẳng định và không tính những trường hợp dương tính.
Chuyên gia dịch tễ học Wu Zunyou, thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh Trung Quốc, khẳng định điều này. Cơ quan y tế địa phương áp dụng cách ly 14 ngày đối với những người bị dương tính nhưng không có triệu chứng. Trong thời gian cách ly, nếu xuất hiện các triệu chứng thì nhóm người này được coi là bệnh nhân và lúc đó mới đưa vào số thống kê.
Theo chuyên gia này, một người có kết quả xét nghiệm dương tính chưa hẳn là đã bị nhiễm virus corona. Các xét nghiệm ở phòng thí nghiệm thường phát hiện ra chất di truyền của virus trong cổ họng hoặc nước mũi. Đối với một số người, virus có thể chưa thâm nhập vào tế bào và sinh sôi nẩy nở. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, không rõ có trường hợp xét nghiệm dương tính nhưng lại thực sự không bị nhiễm virus hay không và đó là « một trong những câu hỏi lớn trên phương diện khoa học ».
Nhiều chuyên gia dịch tễ học ở bên ngoài Trung Quốc nói với tạp chí Nature là họ không đồng ý với cách giải thích như vậy. Theo nhà dịch tễ học Angela Rasmussen, đại học Columbia, New York, virus phải phát triển, nẩy nở đến một mức độ nào đó trong cơ thể con người thì mới có thể phát hiện được (xét nghiệm dương tính). Mặt khác, khó có thể tin vào việc virus tuy được phát hiện trong nước mũi nhưng lại chưa thâm nhập vào tế bào người bệnh.
Về phần mình, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) biện minh cho cách tính của Trung Quốc. Tarik Jašarević, phát ngôn viên tổ chức này cho rằng dưới góc độ y tế công cộng, Trung Quốc có lý khi tập trung chữa trị bệnh nhân có triệu chứng để ngăn chặn virus lây lan, cho cách ly những người được xác định dương tính, thay vì quan tâm đến nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Mặt khác, nếu một người không có triệu chứng thì cũng không thể có giải pháp chữa trị và do vậy không cần phải thống kê.
Giới chuyên gia khác cảnh báo : Việc gạt bỏ những trường hợp dương tính không triệu chứng ngăn cản nỗ lực « mô hình hóa » virus giúp hiểu biết rõ hơn về quy mô và tốc độ lây lan dịch, trong khi nhiều quốc gia phải dựa vào số liệu do Bắc Kinh công bố để trù tính các tác động của dịch bệnh đối với dân chúng. Phương pháp và số liệu của Trung Quốc có thể làm cho các nước tính toán sai lầm.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200220-virus-corona-%E2%80%93-covid-19-gi%E1%BB%9Bi-chuy%C3%AAn-gia-ph%E1%BA%A3n-b%C3%A1c-c%C3%A1ch-th%E1%BB%91ng-k%C3%AA-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-nhi%E1%BB%85m-b%E1%BB%87nh-c%E1%BB%A7a-

Virus corona mới

đe dọa sự tồn vong của Tổ Chức Y Tế Thế Giới

Trọng Thành
Dịch bệnh do virus corona mới, bùng lên từ thành phố Vũ Hán (Wuhan), Trung Quốc, từ tháng 12/2019, khiến ít nhất hơn 2.000 người thiệt mạng, theo số liệu của Bắc Kinh. Dịch Covid-19 không chỉ đe dọa Trung Quốc và nhiều vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc, mà có thể đe dọa chính sự tồn vong của WHO, định chế quốc tế bị chỉ trích đã phản ứng chậm trễ, bao che Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
WHO bị tố đã hành động chậm trễ
Dịch bệnh Covid-19, do virus corona mới (với tên gọi khoa học SARS-CoV2), là một thách thức mới đối với Tổ Chức Y Tế Thế Giới, thành lập từ năm 1948, với sự tham gia của 194 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Ngày 31/12/2019, WHO được chính quyền Trung Quốc thông báo về sự xuất hiện của một virus corona mới gây viêm phổi cấp tính.
Ngày 23/01, chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán, ngày 25/01, đến lượt toàn bộ tỉnh Hồ Bắc với hơn 50 triệu dân bị phong tỏa. Nguy cơ dịch do virus SARS-CoV2 lan ra toàn cầu được coi là nhãn tiền. Vào thời điểm đó, WHO bị tố cao là đã chần chừ trong việc Tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp toàn cầu. Phải đến ngày 30/01, sau khi nhiều quốc gia cắt giao thông hàng không với Trung Quốc do sợ dịch bệnh lây lan, WHO mới ra Tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp.
Đọc thêm : Trung Quốc gây áp lực với Tổ Chức Y Tế Thế Giới
Về sự chậm trễ của WHO, mạng Slate đang tải một bài phân tích đáng chú ý của hai bác sĩ, chuyên về y tế công, Jean-Yves Nau và Antoine Flahault (ngày 04/02/2020), mang tựa đề ”Coronavirus : Dịch bệnh tiến triển, nhưng WHO thì hụt hơi”. Hai chuyên gia nhấn mạnh đến sự tương phản cao độ giữa một bên là nỗi lo lắng của các nhà y học hàng đầu, bên kia là phản ứng lừng chừng của WHO.
Ngày 31/01, mạng The Lancet đăng tải lời kêu gọi của các chuyên gia, ”mạnh mẽ khuyến cáo chính quyền các nước trên toàn thế giới sẵn sàng” cho ”các kế hoạch chuẩn bị đối phó” và ”can thiệp nhanh”, ”về phương tiện xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, về thuốc men, trang bị phòng hộ cá nhân, vật tư thiết bị y tế, và đặc biệt là các nguồn nhân lực, để hỗ trợ các thành phố có liên hệ mật thiết với Vũ Hán và các đô thị lớn khác của Trung Quốc”. Cũng vào lúc đó tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra một khuyến cáo đầy vẻ lạc quan. Lãnh đạo WHO kêu gọi ”không nên giới hạn việc đi lại, trao đổi thương mại cũng như việc di chuyển của người dân nói chung”. Tổng thư ký WHO thậm chí còn tuyên bố phản đối mọi nỗ lực giới hạn các hoạt động giao thông đi lại (của các nước với Trung Quốc), cho dù đã Tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp.
Sự tiến triển nhanh chóng của dịch bệnh tại tâm dịch Vũ Hán, Hồ Bắc (theo số liệu của chính quyền Trung Quốc) khiến cho sự tương phản giữa bệnh dịch nguy hiểm với phát biểu lạc quan của WHO càng trở nên nổi rõ. Vào ngày 03/02, số người mắc virus corona mới vượt số người mắc virus Sars, dịch bệnh năm 2002-2003 từng khiến WHO lần đầu tiên đưa ra báo động toàn cầu. Ngày 09/02, số người chết vì SARS-CoV2 vượt số người chết do SARS. Ngày 11/02, lãnh đạo WHO mới thừa nhận là virus corona mới là ”mối đe dọa rất nghiêm trọng với thế giới”.
Quan điểm từ phía WHO
Tổ Chức Y Tế Thế Giới, với 6 văn phòng khu vực, 145 văn phòng quốc gia, và trụ sở tại Geneve, được cộng đồng quốc tế rất trông đợi, mỗi lần có tình huống khẩn cấp. Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 lần này không phải là ngoại lệ. Tổ chức Y Tế Thế Giới đã được Trung Quốc thông báo về virus mới từ ngày 31/12/2019. Ngày 01/01/2020, chính quyền Trung Quốc đóng cửa chợ hải sản, vào thời điểm đó được cho là nơi xuất phát của dịch Covid-19. Khoảng 15 ngày sau, Bệnh viện Đại học Vũ Hán tuyên bố đã giải mã thành công loại virus corona chủng mới.
Ngày 22/01, hai ngày sau khi Bắc Kinh chính thức công bố dịch, tổng thư ký WHO ca ngợi chính quyền Trung Quốc đã có ”các biện pháp rất mạnh, không chỉ cho phép kiểm soát được dịch bệnh tại Trung Quốc, mà còn cho phép giảm được nguy cơ lây nhiễm ra toàn thế giới”. Nhiều lần sau đó, WHO đã liên tục đưa ra những lời ca ngợi phản ứng tích cực của phía Trung Quốc.
WHO đã triệu tập cuộc họp hai ngày của các chuyên gia tại Genève, ngày 11 và 12/02, để bàn về các biện pháp khống chế dịch. WHO tự cho là đã có các phản ứng tương xứng với mức nguy cơ của dịch bệnh.
Đọc thêm : WHO điều tra ở Bắc Kinh, tránh đến tâm dịch Vũ Hán
Theo một số nhà quan sát, hành xử của WHO đối với dịch Covid-19 lần này được đánh giá là “hiệu quả hơn” so với vai trò của WHO trong giai đoạn dịch bệnh Ebola, miền tây châu Phi, năm 2014-2015. Bà Surie Moon, đồng giám đốc của trung tâm Centre de Gouvernance Globale ở Genève, được La Croix trích dẫn, đã đánh giá lãnh đạo WHO, kể từ đầu dịch bệnh đến giờ đã dẫn đầu các hoạt động đối phó dịch của WHO, đến Trung Quốc và đưa ra thông tin hàng ngày, mỗi ngày thậm chí hai ba lần. Giám đốc CGG khẳng định là, WHO đã thực sự cải thiện hình ảnh của mình trong việc xử trí dịch bệnh Covid-19, cũng như đã thành công trong việc thiết lập các chương trình đối phó khẩn cấp với các bệnh dịch trong năm năm gần đây.
Trong một bài trả lời phỏng vấn Đài France – Culture, đăng tải ngày 28/01, trước khi WHO công bố Tình trạng Y tế Khẩn cấp, bác sĩ – nhà báo Paul Benkimoun cho biết Tổ Chức Y Tế Thế Giới sau vụ dịch Ebola đã bị lên án mạnh mẽ về thái độ thụ động, chậm trễ trong việc đối phó với dịch bệnh. Chính các áp lực đó cuối cùng đã buộc định chế quốc tế về y tế này phải chuyển hướng sang chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp, các bệnh dịch. Bởi đây là vai trò chính mà WHO phải đảm nhiệm.
WHO bị cáo buộc đã bao che Trung Quốc
Thảm họa y tế tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cho dù thiếu các nguồn tin độc lập tại chỗ, do chính sách kiểm duyệt thông tin của chính quyền Trung Quốc, là điều không thể che giấu được cộng đồng quốc tế, với tình trạng bệnh viện quá tải, nhiều người bệnh phải ở nhà, không được chăm sóc y tế, các nhân viên y tế không được trang bị đủ phương tiện bảo hộ…
Đối chiếu với thực trạng này, giới quan sát nhìn chung ghi nhận WHO đã có thái độ thiên vị chính quyền Trung Quốc rõ rệt.
Trước hết, vào đầu thời gian bệnh dịch được tuyên bố chính thức tại Trung Quốc, Le Monde cho biết chuyến công du 24 giờ ngày 28/01/2020, của tổng thư ký WHO tại Bắc Kinh đã mang một thành công lớn cho chính quyền Bắc Kinh. Trong thông điệp chính thức được đưa ra, đã không có một phê phán nhỏ nhất nào nhắm vào chính sách phòng chống dịch Covid-19 của Bắc Kinh. Không một lời nào nhắc đến 6 tuần lễ trôi qua, và phản ứng thụ động của chính quyền trung ương, giữa thời gian một trường hợp mắc virus đầu tiên được phát hiện từ ngày 08/12, cho đến khi dịch bệnh được chính quyền chính thức tuyên bố. Lời phê phán duy nhất được ghi nhận từ phía WHO là ‘‘nhắm vào các nước phương Tây”, đã kêu gọi di tản kiều dân khỏi Vũ Hán. Chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng tuyên bố của WHO để chỉ trích ngược trở lại nhiều nước phương Tây, từ Hoa Kỳ cho đến Pháp, về chính sách di tản kiều dân.
Đọc thêm : Virus corona – Vũ Hán, ”địa ngục trần gian” 
Ngày 07/02, sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên cảnh báo về bệnh dịch qua đời, WHO lên tiếng chia buồn về sự ra đi của người bác sĩ dũng cảm, từng bị công an Trung Quốc bịt miệng trong thời kỳ bệnh dịch chưa được chính thức công bố, trước khi được Tòa án Trung Quốc khôi phục danh dự. Tuy nhiên, một lần nữa WHO lại đứng về phía Bắc Kinh, khi khẳng định Trung Quốc ”không che giấu gì’‘ trong hồ sơ này.
Ngày 14/02, một lần nữa WHO lại đứng ra bao che cho Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh bị Hoa Kỳ tố cao là đã không minh bạch về khủng hoảng Covid-19. Lãnh đạo của bộ phận xử lý các tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, khẳng định chính quyền Trung Quốc “đã hợp tác với quốc tế, đã chia sẻ hiểu biết về virus mới, tiếp tục phối hợp với bên ngoài, và liên tục có các xuất bản trên các tạp chí y học danh tiếng“.
WHO trước thách thức ”cải tổ” sống còn
Thái độ bao che của WHO với Trung Quốc sẽ để lại những hậu quả nào, dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao, hiện tại các câu hỏi trên còn để ngỏ. Có điều, dịch bệnh virus corona mới chưa từng có này đang thách thức không chỉ uy tín mà có thể cả sự tồn vong của WHO.
Đọc thêm : Để ”virus của nỗi sợ” lan tràn: WHO ở đâu ? (phần cuối trong bài)
Trong bài phân tích ”Coronavirus : Dịch bệnh tiến triển, nhưng WHO thì hụt hơi”, hai bác sĩ, chuyên gia về y tế công Jean-Yves Nau và Antoine Flahault nhấn mạnh là, trong vòng mấy thập niên trở lại đây, việc quản lý một dịch bệnh mới xuất hiện là thách thức sống còn với định chế quốc tế này. Từ dịch Zika, dịch cúm H1N1, đến Ebola gần đây… Mỗi lần đối mặt với bệnh dịch quy mô mới xuất hiện như vậy, WHO lại đứng trước thách thức phải ”cải tổ sâu sắc”, để đáp ứng các trông đợi của cộng đồng quốc tế. Dịch bệnh lần này cũng không phải là một ngoại lệ.
Có điều, lần này thách thức mang một chiều kích rất khác. Đó là dịch bệnh bùng nổ tại trung tâm Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, và có nhiều dấu hiệu cho thấy WHO bị Bắc Kinh thao túng, đang xa rời tôn chỉ của mình. Liệu WHO có còn khả năng cải tổ hay không ?
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200220-virus-corona-m%E1%BB%9Bi-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-WHO

EU và Việt Nam

đối thoại nhân quyền thường niên 2020

Ngày 19/2, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành Đối thoại thường niên về nhân quyền.
“Hai bên nhấn mạnh cam kết bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam và EU và vượt qua những thách thức trong lĩnh vực này vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân và toàn xã hội. Việt Nam và EU trao đổi về cách tiếp cận, nỗ lực và thành tựu của mỗi bên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền kể từ Vòng Đối thoại trước,” EU cho biết trong một thông cáo hôm 20/2.
Hai bên cũng chia sẻ quan điểm và quan tâm về các vấn đề Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của người lao động, quyền sử dụng đất, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Hai bên bày tỏ hài lòng về các hoạt động hợp tác gần đây, như dự án tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam (EU JULE), các dự án về thực hiện các công ước ILO trong bối cảnh có Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).
“EU hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, việc thông qua Bộ luật lao động sửa đổi gần đây, các biện pháp nhằm thực thi hiệu quả Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam mới phê chuẩn, và các bước hướng tới phê chuẩn 2 Công ước 105 và 87”, thông cáo có đoạn viết.
XEM THÊM:
HRW kêu gọi EU gây sức ép để Việt Nam cải thiện nhân quyền
Phía EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ hiệu quả các quyền dân sự, chính trị, quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp.
Hai bên khẳng định các quyền con người có tính phổ quát, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và nên được xem xét một cách cân bằng. Hai bên nêu quan tâm chung về vấn đề bình đẳng giới, quyền trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.
Hai bên ghi nhận vai trò quan trọng của truyền thông, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các bên liên quan trong việc đóng góp tích cực cho xã hội, kể cả trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Hợp tác và đối tác toàn diện (PCA) và EVFTA.
EU nhắc lại quan điểm về án tử hình, trong đó khuyến khích tiếp tục giảm các tội danh có thể chịu án tử hình và đề nghị tiếp tục trao đổi thêm thông tin về vấn đề này.
“Đối thoại cũng đề cập vấn đề quyền con người tại các diễn đàn đa phương và khả năng hợp tác về quyền con người, trong đó có thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, đặc biệt là việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UPR) và các nghĩa vụ theo các công ước mà Việt Nam và các nước EU là thành viên”, theo thông cáo của phía Việt Nam trên trang Baoquocte.
Hôm 18/2, một ngày trước khi diễn ra phiên Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi EU gây sức ép để Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm.
https://www.voatiengviet.com/a/eu-va-vietnam-doi-thoai-nhan-quyen-thuong-nien-2020/5296340.html

Quốc tế lên án vụ Đồng Tâm,

gây sức ép lên EU trước đối thoại nhân quyền VN

Các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi EU yêu cầu chính phủ VN chấm dứt đàn áp xã hội dân sự trước đối thoại dự kiến diễn ra giữa EU và VN ngày 19/2.
Liên minh Nhân quyền Quốc tế (FIDH) cùng tổ chức thành viên là Ủy ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR) khẳng định trong thông cáo phát đi hôm 17/2 rằng EU cần tận dụng cơ hội cuộc thảo luận nhân quyền với chính phủ Việt Nam để yêu cầu chấm dứt đàn áp xã hội dân sự, trả tự do ngay lập tức những người bất đồng chính kiến hiện đang bị giam cầm.
‘Thú tội trên truyền hình’ là ‘ép cung’, ‘vi phạm pháp luật’
HRW: Nhân quyền VN ‘xuống cấp nghiêm trọng’
Tranh chấp đất Đồng Tâm: Máu đổ, người chết
Bình luận về Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ
EVFTA: Cơ hội đổi mới và thách thức nhân quyền cho Việt Nam?
Lên án vụ Đồng Tâm
Đề cập đến sự kiện Đồng Tâm, thông cáo của FIDH viết:
“Nhiều vi phạm nhân quyền ở Việt Nam được thực hiện trong bối cảnh tranh chấp đất đai.” Và rằng “chính quyền Việt Nam đã liên tục áp dụng cách tiếp cận độc ác và bạo lực để giải quyết các tranh chấp này”, với “ví dụ mới nhất của xu hướng này là sự cố Đồng Tâm, dẫn đến cái chết của ít nhất một thường dân vào tháng trước.”
Vợ cụ Lê Đình Kình nói công an đến nhà đòi lấy đi các cánh cửa
Vì sao Đồng Tâm đã, đang và sẽ còn nóng?
Phẩm cách Việt Nam và vụ việc Đồng Tâm
Phản hồi bài phê phán nhóm Đồng Thuận của Lê Văn Bảy
Trong một diễn biến liên quan, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), trong thông cáo phát đi hôm 18/2, cũng thúc giục EU kêu gọi chính phủ Việt Nam “khởi động một cuộc điều tra công bằng và minh bạch về vụ đụng độ Đông Tâm ngày 9/1 và buộc những người sử dụng bạo lực phải chịu trách nhiệm”.
HRW đề nghị EU kêu gọi chính phủ Việt Nam “cho phép các nhà báo, nhà ngoại giao, cán bộ Liên Hiệp Quốc và các nhà quan sát được tiếp cận Đồng Tâm mà không bị cản trở, để đánh giá những gì đã xảy ra và theo dõi cuộc điều tra của chính phủ.”
Trước đó nữa, ngày 14/2, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, trong email trả lời BBC News Tiếng Việt, cho biết:
“Chúng tôi theo dõi sát sao tất cả các diễn biến của sự việc này và hiện đang thu thập thông tin từ nhiều nguồn để hiểu rõ hơn về các biến cố ở Đồng Tâm. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về tổn thất sinh mạng ở cả hai phía trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân Việt Nam. Điều quan trọng là tất cả các bên tìm cách giải quyết tranh chấp một cách cởi mở, ôn hòa và minh bạch.”
Bốn người trong gia đình ông Kình hiện ‘vẫn chưa có tin tức gì’, bà Dư Thị Thành nói
‘Sáu lĩnh vực VN vi phạm nhân quyền’
Về mặt tổng quan, FIDH nêu ra các quan ngại chính về nhân quyền ở Việt Nam trong sáu lĩnh vực, gồm: Leo thang đàn áp người bất đồng chính kiến; các luật về “an ninh quốc gia” mang tính đàn áp; quyền cho người lao động; tranh chấp đất đai; điều kiện vô nhân tính trong nhà tù và chết trong tù, án tử hình.
Kể từ cuộc đối thoại năm ngoái tổ chức vào ngày 4/3, chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp, quấy rối, tấn công và giam giữ những người bảo vệ nhân quyền, những người bảo vệ quyền lao động, những người bảo vệ đất đai và môi trường, các blogger, nhà báo, nhà phê bình chính phủ và những người theo tôn giáo, thông cáo viết.
Và nêu rõ: Từ ngày 5/3/2019 đến ngày 2/2/2020, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ 29 nhà hoạt động nhân quyền (bao gồm ba phụ nữ) và kết án 42 người (bao gồm năm phụ nữ) với án tù lên tới 12 năm.
Chính phủ Việt Nam giải thích các cuộc đáp áp này là do những người liên quan đã vi phạm Bộ Luật hình sự 2015 vốn hình sự hóa các hoạt động bị coi là “đe dọa an ninh quốc gia”. Các điều khoản mơ hồ này, sáu trong số đó kèm theo mức án cao nhất là tử hình – không phân biệt giữa các tội phạm bạo lực và các tội do thực thi quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa.
Tù nhân chính trị cần được trả tự do ‘lập tức’
Mặc dù tham gia Công ước chống tra tấn và Các Hình phạt hay Đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp khác, Việt Nam đã thất bại trong cải thiện các điều kiện giam giữ. Các báo cáo về tra tấn, ngược đãi và tử vong trong đồn cảnh sát vẫn tiếp tục ghi nhận các vụ việc này năm 2019. Một số tù nhân đã chết năm ngoái là kết quả của các điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí có thể họ đã bị tra tấn hoặc ngược đãi, thông cáo của FIDH nhận định.
Vẫn theo FIDH, Việt Nam cũng tiếp tục áp dụng án tử hình đối với một loạt các tội không đáp ứng các tiêu chí về “tội ác nghiêm trọng nhất”, trong khi thống kê về án tử hình tiếp tục được xếp vào dạng bí mật nhà nước.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) liệt kê trong thông cáo tên những nhà bất đồng chính kiến hiện đang bị giam giữ trái phép như kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh (bị tuyên 6 năm tù), thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh (11 năm tù), nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (hiện chưa được xét xử)…
HRW chỉ đích danh một số trường hợp mà EU cần kêu gọi chính phủ Việt Nam “trả tự do ngay lập tức”, bao gồm nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồ Đức Hòa, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Túc, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Trung Trực, Trương Minh Đức… Ba người nêu tên sau hiện đang có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, HRW nhấn mạnh.
HRW cũng thúc giục EU buộc Việt Nam phải thừa nhận công đoàn độc lập và đảm bảo rằng họ hoạt động mà không bị chính phủ can thiệp. Ngoài ra, EU cần hối thúc VN đảm bảo rằng các nhà hoạt động xã hội dân sự và học giả độc lập có thể là một phần của Nhóm tư vấn trong nước (DAGs) được Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU thừa nhận, đồng thời đảm bảo rằng họ có thể thực hiện vai trò của mình một cách tự do và không sợ bị bắt giữ hoặc đe dọa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói gì?
Ngày 14/3/2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản hồi lại báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ ngoại giao của Hoa Kỳ ra một ngày trước đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nói:
“Tuy đã ghi nhận những thành tựu về bảo vệ quyền con người của Việt Nam, báo cáo này vẫn còn một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế đang diễn ra tại Việt Nam.
“Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm thực thi trên thực tế.”
Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn gọi Việt Nam là “nhà nước độc đoán”, và rằng bầu cử quốc hội gần nhất năm 2016 “không tự do, chẳng công bằng, mặc dù có cạnh tranh hạn chế từ các ứng viên do Đảng Cộng sản duyệt”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51555742

Anh: Đấu dao cướp cần sa loạn phố

làm chết hai thành viên băng đảng

Một vụ việc có vẻ như đấu dao vì giành hàng là cần sa khiến hai người đàn ông thiệt mạng tại vùng West Midlands, Anh Quốc.
Cảnh sát Anh nói hai người đàn ông chết vì vết dao tại căn nhà bị đập vỡ cửa kính.
Băng đảng Việt bị Anh kết án vì hai tấn cần sa
Nghề trồng cần sa lậu ở châu Âu và người Việt
10 người VN trốn lậu vào Ba Lan
Nhân chứng nói có một nhóm đàn ông chạy trốn mang theo cần sa (cannabis) ở phố Pensnett Road, Brierley Hill, Dudley.
Người ta tin rằng đây là một vụ ‘cướp hàng thu hoạch’ từ điểm trồng cần sa, xảy ra lúc rạng sáng ngày 20/02.
Cảnh sát West Midlands cho hay có cảnh đánh nhau từ nhà tràn ra ngoài phố, một xe đâm vào các xe đỗ bên phố.
Một người đàn ông chết tại chỗ, người kia chết trong bệnh viện.
Cảnh sát Anh không nêu danh tính hai người này và người bị bắt.
Cướp cần sa và rượt đuổi nhau ra phố
Một người đàn ông nữa đã bị bắt vì nghi vấn lập mưu cướp bóc.
Sĩ quan cảnh sát Nick Barnes nói:
“Chúng tôi tin rằng căn nhà này bị một nhóm đàn ông biết đây là điểm trồng cần sa tổ chức tấn công.”
“Trong vụ đụng độ xảy ra, hai người đàn ông đã tử thương vì vết đâm.”
Cảnh sát Anh nay kêu gọi ai có thêm thông tin, hình ảnh gì về vụ việc thì liên hệ với số 101 để giúp cho cuộc điều tra.
Theo trang Dudley News, người dân địa phương tỏ ra ngạc nhiên rằng “một căn nhà bình thường lại là nơi trồng cần sa, và xảy ra vụ án đẫm máu”.
Một người dân địa phương thì nói với kênh Black Country Live rằng ông “nghe thấy cãi cọ và khá nhiều đàn ông rượt đuổi nhau”,
Khi ông gọi cảnh sát thì được nghe họ ra lệnh tránh xa nơi đó vì “cảnh sát có̃ vũ trang đã đến”.
Ông than phiền rằng vì cả phố bị chặn nên “không thể dắt chó đi dạo”, theo trang Birmingham Mail.
Cũng trang web này nói một nhân chứng khác mô tả là “băng đảng tám người” đánh lộn nhau ngoài phố lúc trời còn tối trước khi cảnh sát đến chừng 20 phút.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51577135

Thủ tướng Anh điện đàm với chủ tịch Trung Cộng

Tin London, Anh quốc – Trong cuộc điện đàm mới đây, Thủ Tướng Anh Boris Johnson đã nói với Chủ Tịch Tập Cận Bình rằng Anh quốc luôn chào đón các dự án đầu tư của Trung Cộng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuyên bố này nhiều khả năng sẽ khiến đồng minh lâu năm của Anh quốc là Hoa Kỳ tức giận, do Washington luôn coi Sáng kiến Vành đai và Con đường là công cụ để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng. Các hãng truyền thông đại lục khẳng định rằng, trong cuộc điện đàm với ông Tập, thủ tướng Anh đã nói rằng ông rất yêu quý Trung Cộng.
Tuy nhiên, thông tin này không được văn phòng của Thủ Tướng Johnson xác nhận. Dù vậy, nhà lãnh đạo Anh đã tỏ ra rất thân thiện với Bắc Kinh, trái ngược với sự cứng rắn của ông khi thương lượng vấn đề Brexit với Liên Âu. Việc ông Johnson cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Cộng trong các vấn đề quốc tế diễn ra không lâu sau khi chính phủ của ông từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ, vốn muốn Anh quốc phải cấm hãng Huawei của Trung Cộng tham gia mạng 5G của nước này. Về phần ông Tập, chủ tịch Trung Cộng bảo đảm với thủ tướng Anh rằng nền kinh tế đại lục vẫn đang ổn định. Bắc Kinh hiện đang cố gắng thúc đẩy kinh tế vận hành, đồng thời tìm cách khôi phục lòng tin của giới đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh lây lan.
Sau cuộc điện đàm với ông Johnson, Chủ Tịch Tập cũng gọi điện thoại cho Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Thống Croatia Zoran Milanovic, quốc gia đang là chủ tịch EU, nhằm cân bằng mối giao hảo với cả hai phía của cuộc tranh chấp về Brexit.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-anh-dien-dam-voi-chu-tich-trung-cong/

Tổng thống Pháp Emmanual Macron tiết lộ muốn

ngăn chặn những giáo sĩ truyền đạo ngoại quốc vào Pháp

Hôm thứ Ba (18 tháng 02), tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông sẽ kiềm chế việc các quốc gia nước ngoài gửi các giáo sĩ và giáo viên đến Pháp nhằm ngăn chặn cái ông gọi là nguy cơ ly khai. Tính đến nay tổng thống Macron đã tránh xa các vấn đề liên quan đến cộng đồng Hồi giáo ở Pháp, thay vào đó ông đã tập trung vào cải cách kinh tế. Trong một cuộc can thiệp được dự đoán trước đó chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử thị trưởng, tổng thống Macron nói sẽ dần chấm dứt việc Algeria, Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ gửi các giáo sĩ đến Pháp để thuyết giảng tại các đền thờ Hồi giáo.
Tổng thống Macron cho biết 300 giáo sĩ được gửi đến Pháp mỗi năm từ các quốc gia này, và 2020 sẽ là năm cuối cùng có con số thống kê như vậy. Tổng thống nói rằng chính phủ của ông đã yêu cầu cơ quan đại diện Hồi giáo ở Pháp tìm giải pháp đào tạo giáo sĩ trên đất Pháp, bảo đảm họ có thể nói tiếng Pháp và không truyền bá quan điểm Hồi giáo. Ông Macron cũng nói rằng ông sẽ chấm dứt việc sinh viên Pháp được dạy bởi các giáo viên được chính phủ ngoại quốc trả tiền. Pháp có thỏa thuận với chín quốc gia, bao gồm Algeria, Morocco, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ, mà theo đó chính phủ của họ có thể gửi giáo viên đến các trường học Pháp để dạy ngôn ngữ cho sinh viên có gốc gác từ các quốc gia này. Tổng thống Macron cho biết ông đã đạt được thỏa thuận chấm dứt việc  nàyvới tất cả các quốc gia đó trừ Thổ Nhĩ Kỳ. Những năm gần đây, Pháp đã hứng chịu các cuộc tấn công lớn của phiến quân Hồi giáo.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/tong-thong-phap-emmanual-macron-tiet-lo-muon-ngan-chan-nhung-giao-si-truyen-dao-ngoai-quoc-vao-phap/

Virus corona – Covid -19:

Pháp sơ tán công dân khỏi Vũ Hán đợt thứ tư

Mai Vân
Vào ngày mai, 21/02/2020, một chuyến bay đặc biệt của Pháp sẽ sơ tán “vài chục” công dân Pháp còn bị kẹt lại ở Trung Quốc, khu vực bị virus corona ảnh hưởng nặng nề nhất.
Những người được hồi hương trong đợt thứ tư này sẽ bị cách ly tại làng du lịch Branville gần thành phố Cabourg, vùng Normandie, miền tây bắc nước Pháp.
Trong một thông cáo công bố hôm qua, 19/02, bộ Ngoại Giao Pháp cho biết rõ là một chiếc Airbus A-380 đã rời phi trường Charles de Gaulle, trực chỉ thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc. Máy bay mang theo 17 tấn hàng viện trợ y tế, bao gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay và các sản phẩm khử trùng nhằm hỗ trợ cho các “nhân viên y tế đã được huy động vào cuộc chiến chống dịch bệnh do virus corona”.
Về những công dân Pháp sẽ được sơ tán, nhân vật số hai bộ Y tế Pháp cho biết: “Giống như ba chuyến hồi hương đầu tiên, chỉ có những người không có triệu chứng mới được lên máy bay, và sẽ có một nhóm hỗ trợ y tế trên phi cơ”. Những người được trở về này sẽ bị cách ly trong 14 ngày và được kiểm tra hai lần để bảo đảm họ không bị nhiễm bệnh.
Về tình hình dịch bệnh tại Pháp, không có trường hợp nhiễm virus mới nào được ghi nhận trên toàn lãnh thổ, và vẫn chỉ có 12 trường hợp được xác nhận (bốn trường hợp nhập viện không có dấu hiệu nghiêm trọng, bảy bệnh nhân và một trường hợp tử vong).
Iran ghi nhận hai ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 tại Trung Đông
Riêng tại Iran, tình hình có phần nghiêm trọng hơn, với hai ca tử vong vào hôm qua, 19/02/2020, vài giờ sau khi bị xét nghiệm dương tính với virus corona.
Nạn nhân là hai người cao tuổi, cư ngụ tại Qom, một trong những thánh địa của người Hồi Giáo Iran. Việc họ chưa từng ra nước ngoài khiến cho giới chuyên gia phải tìm hiểu thêm về lý do bị nhiễm bệnh.
Theo hãng thông tấn nhà nước IRNA, những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh và từng tiếp xúc với 2 người tử vong đang được cách ly để theo dõi. Tuy vậy, lãnh đạo cơ quan y tế thành phố Qom đã lên tiếng trấn an, cho rằng sự lây lan của virus ở Qom đang được kiểm soát.
Dẫu sao thì Iran đã trở thành nơi có những ca tử vong đầu tiên vì virus corona ở Trung Đông.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200220-virus-corona-covid-19-pha%CC%81p-s%C6%A1-ta%CC%81n-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-kh%E1%BB%8Fi-vu%CC%83-ha%CC%81n

Virus corona – Covid-19 : Những kịch bản đối phó của Pháp

Thu Hằng
Pháp chưa phải đối mặt với dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra, dù có 12 trường hợp bị nhiễm. Nhưng phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, ngày 18/02/2020, bộ Y Tế Pháp đã mời một số đối tác trong lĩnh vực bệnh viện công và tư thảo luận về một số kịch bản có thể xảy ra, cũng như những biện pháp phòng chống.
Một trong những hướng giải pháp là kêu gọi đội ngũ cán bộ y tế tự do tham gia, thông qua dịch vụ cấp cứu SAMU, trong trường hợp có dịch. Giải pháp này « nhằm tránh cho hệ thống bệnh viện bị quá tải », theo giáo sư Louis Soulat, một trong những người tham gia cuộc họp không chính thức trên, khi trả lời trang Franceinfo. Đội ngũ bác sĩ tư sẽ giúp « phân loại » các trường hợp theo cấp độ nghiêm trọng (ví dụ phòng đặc biệt áp lực âm hoặc phòng cách ly).
Trong trường hợp bị quá tải, các cơ sở y tế « tuyến dưới » cũng sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho 9 bệnh viện đầu ngành trên lãnh thổ Pháp. Toàn bộ những cơ sở này phải có khả năng tiến hành xét nghiệm (có khoảng 30 cơ sở sẽ có đủ năng lực từ nay đến ngày 23/02). Trong cuộc họp, các chuyên gia cũng tính đến việc « giải phóng một số giường bệnh, bằng cách hoãn một số ca nhập viện hoặc phẫu thuật không khẩn cấp » nếu có quá nhiều bệnh nhân Covid-19.
Kịch bản nghiêm trọng hơn cũng dự trù khả năng cách ly tại nhà toàn bộ bệnh nhân bị nhiễm virus corona mới nhưng có triệu chứng nhẹ. Giáo sư Louis Soulat cho rằng « ví dụ Trung Quốc cho thấy biện pháp này khá hiệu quả và những biện pháp ngăn cách này khá hữu ích ». Trong trường hợp này, bác sĩ tư, bác sĩ của “gia đình” sẽ được mời tham gia theo dõi người bệnh.
Liên quan đến một số biện pháp phòng chống (như khẩu trang, kính…), sau khi một bác sĩ đa khoa bị nhiễm virus corona mới từ một bệnh nhân người Trung Quốc, ông Jean-Paul Hamon, chủ tịch Liên đoàn Các bác sĩ Pháp (FMF), cho biết các sản phẩm liên quan đang được tích trữ.
Tại Pháp, khi nghi ngờ có triệu chứng nhiễm virus corona mới, người bệnh được khuyến cáo không trực tiếp đến gặp bác sĩ, mà gọi đến số khẩn cấp « 15 » để được hướng dẫn và nếu cần, sẽ có xe y tế đến đón tại nhà để tránh lây nhiễm cho người khác. Để giảm tải cho số tổng đài « 15 », một số địa phương, như tỉnh Rhône-Alpes, đã lập thêm một « Số Xanh » cấp địa phương. Nếu có hiệu quả, ý tưởng này sẽ được triển khai trên toàn nước Pháp để hỗ trợ cho tổng đài quốc gia.
Cuối cùng, nếu có nhiều ca nhiễm virus corona mới, đội ngũ cấp cứu SAMU và xe cứu thương cũng sẽ bị quá tải. Pháp cũng sẽ phải nghiên cứu tình huống này. Hiện tại, đội ngũ y tế và các cơ quan dịch tễ Pháp vẫn đang bình tĩnh chuẩn bị phòng chống dịch vì chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình huống này sẽ xảy ra ở Pháp.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200219-covid-19-nh%E1%BB%AFng-k%E1%BB%8Bch-b%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-ph%C3%B3-c%E1%BB%A7a-ph%C3%A1p

Pháp: Các nghiệp đoàn biểu tình toàn quốc lần thứ 10

chống cải cách chế độ về hưu

Thùy Dương
Tại Pháp, các nghiệp đoàn phản đối kế hoạch cải cách chế độ hưu bổng hôm nay, 20/02/2020, tổ chức ngày biểu tình liên ngành lần thứ 10, trong bối cảnh dự luật vốn gây nhiều tranh cãi bắt đầu được thảo luận tại Hạ Viện từ ngày 17/02. Dự luật có thể được bỏ phiếu thông qua lần đầu vào đầu tháng 3.
Tham gia ngày biểu tình liên ngành toàn quốc cùng các công đoàn FO, CGT, Solidaires, FSU, còn có các tổ chức, hiệp hội của thanh niên và sinh viên, vốn rất tích cực trong phong trào đấu tranh. Các cuộc biểu tình được tổ chức khắp nơi trên cả nước. Tại Paris, đoàn người tuần hành bắt đầu từ khu phố Montparnasse vào lúc 13h30 và hướng về quảng trường Place d’Italie.
AFP cho biết một cuộc họp liên công đoàn dự kiến được tổ chức vào cuối ngày hôm nay, để quyết định các bước đấu tranh tiếp theo. Nhưng tổng thư ký nghiệp đoàn FO, ông Yves Veyrier, thừa nhận công tác huy động người biểu tình hôm nay gặp nhiều khó khăn hơn, sau gần 2 tháng rưỡi biểu tình kể từ ngày 05/12/2019.
Theo bộ Nội Vụ, trong ngày biểu tình liên ngành toàn quốc lần thứ 9, hôm 06/02/2020, có 121.000 người tham gia trên toàn nước Pháp, riêng tại Paris có 15.000 người, số người tuần hành tăng so với ngày biểu tình liên ngành toàn quốc lần thứ 8 hôm 30/01.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200220-ph%C3%A1p-ng%C3%A0y-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-to%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-th%E1%BB%A9-10-ch%E1%BB%91ng-c%E1%BA%A3i-t%E1%BB%95-h%C6%B0u-tr%C3%AD

Phần tử cực đoan bắn chết 10 người ở Đức

Một tay súng tình nghi có liên hệ với các nhóm cực hữu đã bắn chết 9 người, trong đó có một số người di dân từ Thổ Nhĩ Kỳ, trong một vụ thảm sát hôm 20/2 tại thành phố Hanau, bang Hesse của Đức. Kẻ giết người sau đó đã tự sát, các hãng tin quốc tế dẫn lời các quan chức địa phương cho biết.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel lên án vụ tấn công vào hai quán shisha, nơi khách đến uống trà và hút thuốc, ở Hanau, gần Frankfurt. Thủ Tướng Merkel nói rằng hình như hung thủ đã ra tay vì bị ‘đầu độc’ bởi nạn kỳ thị chủng tộc, mà bà quy lỗi là động lực dẫn tới quá nhiều tội ác. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Đức có biện pháp quyết liệt trước tội ác này.
Nghi phạm là một người đàn ông 43 tuổi, người Đức, có giấy sử dụng súng và là thành viên của một câu lạc bộ súng.
Bộ trưởng nội vụ bang Hesse, ông Peter Beuth, cho hay cảnh sát đã đuổi theo một chiếc xe được sử dụng để tẩu thoát khỏi hiện trường và lần theo tới địa chỉ chủ nhà, nơi họ tìm thấy thi thể của tay súng và bà mẹ 72 tuổi của ông ta.
Các công tố viên liên bang cho biết họ sẽ chịu trách nhiệm về vụ án do hành động giết người có động cơ cực đoan, trong khi tờ Bild tường thuật rằng nghi phạm đã bày tỏ các quan điểm cực hữu trong một lời thú nhận bằng văn bản.
Ở các nước Tây phương, các quán shisha thường do di dân từ Trung Đông hoặc Nam Á, sở hữu và điều hành.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin, Ali Kemal Aydin, cho biết trong số các nạn nhân, có 5 công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói:
Người phát ngôn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, trước đó viết trên trang Twitter: “Chúng tôi hy vọng chính phủ Đức sẽ dồn nỗ lực tối đa để đưa ra ánh sáng trường hợp này. Kỳ thị chủng tộc là một căn bệnh ung thư tập thể.”
Liên đoàn Cộng đồng người Kurd ở Đức cho biết một số nạn nhân là người Kurd. Họ bày tỏ phẫn nộ vì cho rằng các nhà lãnh đạo Đức không kiên quyết chống các mạng lưới và các nhóm khủng bố cực hữu.
Cộng đồng ba triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả một triệu người Kurd, đã phải chứng kiến tình trạng phân cực chính trị ở Đức trong những năm gần đây, trong bối cảnh làn sóng nhập cư và kinh tế đã chậm lại, tạo điều kiện cho sự phát triển của các nhóm cực đoan từ cánh tả cũng như cánh hữu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia sẻ nỗi buồn sâu sắc của ông về vụ tấn công và bày tỏ hậu thuẫn cho nước Đức, trên trang Twitter của ông.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người Đức, nói trên trang Twitter rằng vụ nổ súng bà đã gây chấn động mạnh và bày tỏ lòng thương tiếc đối với những người đã chết, cảm thông với gia đình và bạn bè của các nạn nhân.
https://www.voatiengviet.com/a/phan-tu-cuc-doan-ban-chet-10-nguoi-o-duc/5296706.html

Trung Cộng đe dọa sẽ gây thiệt hại cho các công ty Czech

 nếu có các chuyến thăm Đài Loan

Theo một bức thư ngoại giao được hãng tin Reuters xem qua, Bắc Kinh đe dọa sẽ trả đũa các công ty của Czech đang hoạt động tại Trung Cộng nếu một nhà lập pháp cao cấp của Czech tiến hành kế hoạch đến thăm Đài Loan. Bức thư ngày 10 tháng 1, được gửi bởi tòa Đại sứ Trung Cộng tại Prague tới văn phòng của tổng thống Czech, khuyến cáo rằng các công ty Czech hoạt động tại Trung Cộng, như công ty Skoda Auto của Volkswagen hoặc công ty tài chính Home Credit Group, sẽ bị thiệt hại nếu diễn giả Thượng viện Jaroslav Kubera đến thăm hòn đảo tự trị.
Tuy nhiên, ông Kubera đột ngột qua đời vào ngày 20 tháng 1, trước khi chuyến đi của ông diễn ra, nhưng bức thư viết bằng tiếng Czech cho thấy Bắc Kinh thẳng thắn như thế nào về hậu quả có thể xảy ra nếu chuyến thăm này được thực hiện. Phát ngôn viên của Tổng thống Cộng hòa Czech xác nhận việc văn phòng nhận được thư nhưng không bình luận về nội dung thư. Bộ Ngoại giao tại Đài Loan, nơi Bắc Kinh xem là một tỉnh ly khai, chỉ trích khuyến cáo của Trung Cộng đối với Prague. Là người phát ngôn viên của Thượng viện Cộng hòa Czech, ông Kubera là viên chức  cao cấp thứ hai của quốc gia, chỉ sau Tổng thống Milos Zeman. Ông Zeman và Thủ tướng Andrej Babis bày tỏ sự lo sợ rằng kế hoạch đến thăm Đài Loan của ông Kubera sẽ khiến Trung Cộng trả đũa cộng đồng doanh nghiệp của quốc gia Trung Âu này.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-de-doa-se-gay-thiet-hai-cho-cac-cong-ty-czech-neu-co-cac-chuyen-tham-dai-loan/

Iran xác nhận 2 người nhiễm COVID-19 tử vong

Hải Lam
Hai người cao tuổi Iran qua đời trong bệnh viện ở Qom tối 19/2, vài giờ sau khi được xác nhận dương tính với COVID-19, trở thành những trường hợp đầu tiên tại Trung Đông tử vong vì dịch bệnh này.
“Hai người cao tuổi đã tử vong vì virus corona ở thành phố Qom, phía Nam của Tehran”, ông Alireza Vahabzadeh, cố vấn của Bộ trưởng Y tế Iran, nói với Al Jazeera hôm 19/2.
“Hai người bệnh đã bị nhiễm trùng phổi cấp tính do nhiễm virus corona”, ông nói thêm, song không đề cập đến giới tính và tuổi chính xác của hai nạn nhân.
Trước đó, phát ngôn viên của Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết hai người cao tuổi dương tính với COVID-19 qua đời do tuổi già và vấn đề hệ miễn dịch.
Với hai trường hợp trên ở Iran, dịch COVID-19 đã lan ra 29 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Ngoài Trung Quốc, có 8 trường hợp đã tử vong vì dịch bệnh này, bên cạnh Philippines (1), Hồng Kông (2), Nhật Bản (2), Pháp (1) và Đài Loan (1).
https://www.dkn.tv/the-gioi/iran-xac-nhan-2-nguoi-nhiem-covid-19-tu-vong.html

Dân Iran không hào hứng với cuộc bầu cử lập pháp

Thùy Dương
Ngày mai 21/02/2020, tại Iran diễn ra cuộc bầu cử lập pháp. Tuy nhiên, chiến dịch vận động tranh cử dường như không thu hút được cử tri. Nhiều người quyết định tẩy chay. Người dân đang lo lắng về hậu quả kinh tế của những biện pháp trừng phạt mà Mỹ nhắm vào Iran.
Một số người khẳng định không còn tin tưởng vào chính sách cải cách của tổng thống Hassan Rohani, một số khác phản đối việc hàng ngàn ứng viên, đa phần có tư tưởng cải cách, không được ra tranh cử.
Từ Teheran, thông tín viên RFI Oriane Verdier cho biết chi tiết :
« Không khí hôm nay cũng giống như ngày hôm qua, hôm kia, thậm chí là tuần trước. Người dân Teheran tập trung vào công việc của họ, không quá lo lắng về kỳ bầu cử lập pháp. Nhiều người khẳng định là dù gì đi chăng nữa, họ cũng sẽ không đi bỏ phiếu. Theo họ, đây là cách duy nhất để làm chính quyền hiểu họ phản đối chế độ.
Họ đã từng đặt hy vọng vào việc bầu ông Rohani, người có tư tưởng cải cách, làm tổng thống. Nhưng có sự thay đổi nào đã diễn ra hay không ? Một số người nêu câu hỏi. Không, chẳng có gì cả. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn, chủ yếu là vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Cuối cùng thì Washington cũng đã chôn vùi dự án quan trọng bậc nhất của tổng thống Rohani về thỏa thuận hạt nhân Iran. Vì thế, một số người đợi đến những phút cuối mới quyết định có đi bỏ phiếu hay không.
Cần phải nói là ở Teheran, chiến dịch vận động ít thu hút cử tri như ở các thành phố nhỏ, nơi có ít ứng viên hơn, ít vị trí hơn, nhưng các dân biểu đắc cử sẽ gần gũi với công dân hơn. Những người nói sẽ đi bỏ phiếu là những cử tri bảo thủ và trung thành. Họ đặt niềm tin vào cuộc bầu cử ngày mai và hy vọng sẽ có sự thay đổi trong nội bộ chính phủ và có thể là vào năm tới, trong kỳ bầu cử tổng thống ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200220-iran-k%E1%BB%B3-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-l%E1%BA%ADp-ph%C3%A1p-kh%C3%B4ng-thu-h%C3%BAt-nhi%E1%BB%81u-c%E1%BB%AD-tri

Hai khách trên du thuyền Diamond Princess

tử vong vì COVID-19

Hải Lam
Một người đàn ông và một người phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi 80 nhiễm COVID-19 trên du thuyền Dimond Princess đã tử vong, nâng số người thiệt mạng vì virus corona ở nước này lên thành 3.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết hai hành khách đã tử vong là một người đàn ông 87 tuổi và một phụ nữ 84 tuổi. Ngoài ra, 29 người khác ở trong tình trạng nguy kịch, trong đó có một người trước đó cho kết quả âm tính với virus corona. Bộ Y tế Nhật Bản chưa xác nhận các thông tin này.
Trước đó, hôm 19/2, giới chức Nhật Bản thông báo có thêm 79 ca nhiễm COVID-19 trên du thuyền Dimond Princess, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 621, trở thành ổ dịch lớn thứ 2 bên ngoài Trung Quốc. Du thuyền chở 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn này bị cách ly tại cảng Yokohama từ ngày 3/2, sau khi một du khách Hồng Kông từng đi trên thuyền dương tính với COVID-19.
Với hai trường hợp tử vong mới ở Nhật Bản, số người thiệt mạng vì COVID-19 bên ngoài Trung Quốc nâng lên thành 10, bên cạnh Philippines (1), Hồng Kông (2), Pháp (1), Đài Loan (1) và Iran (2).
Video: COVID-19 dễ “bám” vào tế bào người hơn SARS gấp 20 lần
https://www.dkn.tv/the-gioi/hai-khach-tren-du-thuyen-dimond-princess-tu-vong-vi-covid-19.html

Hàn Quốc có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19

Hải Lam
Giới chức Hàn Quốc hôm nay (20/2) xác nhận một người tử vong vì COVID-19 ở nước này, trong khi số ca nhiễm bệnh đã lên tới 104.
Theo Yonhap, bệnh nhân đã được điều trị tại một bệnh viện ở phía Đông Nam thành phố Cheongdo và tử vong trong ngày 20/2. Giới chức y tế đang làm việc để xác định nguyên nhân chính xác gây ra cái chết của người này.
Trường hợp tử vong mới được ghi nhận tại Hàn Quốc đánh dấu ca tử vong thứ 11 vì COVID-19 ngoài Trung Quốc, bên cạnh Philippines (1), Hồng Kông (2), Pháp (1), Đài Loan (1), Nhật Bản (3) và Iran (2).
Giới chức Hàn Quốc hôm nay xác nhận thêm 53 ca nhiễm COVID-19 mới, tăng gấp đôi so với hôm qua, nâng tổng số người nhiễm virus tại nước này lên 104.
Video: Dịch COVID-19 tệ hơn báo cáo chính thức. Tại sao?
https://www.dkn.tv/the-gioi/han-quoc-co-ca-tu-vong-dau-tien-vi-covid-19.html

Thành phố lớn thứ Tư Hàn Quốc

vắng như chùa bà đanh vì Covid-19

Các đường phố của thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc đã bị bỏ hoang hôm thứ Năm, trong khi cư dân ẩn náu trong nhà sau khi hàng chục người bị nhiễm virus Covid-19 trong điều mà chính quyền miêu tả là một vụ lây nhiễm hàng loạt tại một nhà thờ.
Các trung tâm mua sắm và rạp chiếu phim vắng bóng người ở Daegu, thành phố có tới 2,5 triệu dân, đã trở thành một trong những hình ảnh nổi bật nhất bên ngoài Trung Quốc về một ổ dịch mà cộng đồng quốc tế đang cố ngăn chặn để tránh một đại dịch toàn cầu.
Nghiên cứu mới cho thấy virus dễ lây lan hơn so với những gì được nghĩ trước đây cũng làm tăng mức báo động. Tại Trung Quốc, nơi hơn 2.100 người chết vì virus này, các quan chức đã thay đổi phương pháp báo cáo các bệnh nhiễm trùng, tạo ra những nghi ngờ mới về những dữ liệu mà Bắc Kinh đã dẫn chứng là bằng cớ cho thấy họ đang thành công trong công tác chống lại sự lây lan của Covid-19.
Thị trưởng Deagu Kwon Young-jin bảo cư dân nên ở trong nhà sau khi 90 người đến dự thánh lễ tại một nhà thờ “Church of Jesus the Temple of the Tabernacle of the Testimony” biểu hiện các triệu chứng nhiễm trùng và hàng chục ca lây nhiễm mới được xác nhận.
Trước đó, một phụ nữ 61 tuổi, xét nghiệm dương tính với virus Covid-19, được biết dưới tên ‘Bệnh nhân 31’ đã tới sinh hoạt tại nhà thờ này. Các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Hàn Quốc mô tả vụ bùng phát ở Daegu là một vụ “siêu lây nhiễm”.
Thị trưởng Kwon nói: “Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, ông cho biết tất cả các thành viên của nhà thờ sẽ được kiểm tra. “Chúng tôi đã yêu cầu họ ở nhà, và cách ly với gia đình.”
Nói với Reuters, cư dân Kim Geun-woo, 28 tuổi, tả cảnh tượng các con đường vắng bóng người ở Daegu là “trông giống như thể ai đó đã thả một quả bom giữa thành phố. Cảnh tượng này giống như ngày tận thế”.
Hàn Quốc hiện có 104 trường hợp được xác nhận nhiễm virut giống cúm và vừa báo cáo cái chết đầu tiên vì Covid-19.
https://www.voatiengviet.com/a/thanh-pho-lon-thu-tu-han-quoc-vang-nhu-chua-ba-danh-vi-covid-19/5296773.html

Bắc Kinh chỉ trích báo Hoa Kỳ xúc phạm Trung Quốc

Trung Quốc vào ngày 20/2 nói rằng các tổ chức truyền thông ngang nhiên xúc phạm Trung Quốc và truyền bá sự phân biệt chủng tộc phải trả giá. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bắc Kinh trục xuất ba phóng viên của tờ Wall Street Journal một ngày trước đó.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo thường kỳ cho biết quyết định thu hồi thẻ báo chí của 3 phóng viên sau khi tờ báo Hoa Kỳ đăng một bài viết về Trung Quốc bị coi là phân biệt chủng tộc và vu khống.
Theo phát ngôn nhân Cảnh Sảng, bài báo có tiêu đề “China is the Real Sick Man of Asia” của giáo sư Walter Russel Mead ở Bard College tại New York đã gây ra “sự phẫn nộ và lên án lớn từ Trung Quốc và từ phía cộng đồng quốc tế”.
Ba nhà báo bị trục xuất vào ngày 19/2 bao gồm hai phóng viên quốc tịch Hoa Kỳ là Josh Chin và Chao Deng, cùng với phóng viên Philip Wen, quốc tịch Úc.
Ngay sau đó, tờ Wall Street Journal đã ra thông báo bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Trung Quốc. Thông báo cho biết thêm phóng viên người Úc hoàn toàn không liên quan đến bài viết mà Bắc Kinh cáo buộc.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã lên án việc trục xuất này, khẳng định “các nước trưởng thành, có trách nhiệm đều hiểu rằng báo chí tự do hoàn toàn được đưa tin về sự thật và bày tỏ ý kiến.”
Quyết định của Trung Quốc được đưa ra vài giờ sau khi chính phủ Hoa Kỳ chỉ định năm cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là “cơ quan ngoại giao” theo luật. Việc này được đánh giá là hành động “thêm lửa” vào sự bất đồng vốn có của hai nước về tự do báo chí.
Trước đó, vào ngày 13/2, Hoa Kỳ than phiền Trung Quốc ‘thiếu minh bạch’ trong công tác ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch dệnh do virus Covid-19 gây nên và đang làm cho cả thế giới hoảng sợ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-says-media-blatantly-insulting-country-must-pay-price-02202020074102.html

Phòng dịch tại nhà,

chuyên gia Đông y chỉ bạn cách tăng cường hệ miễn dịch

Tại cuộc họp báo lần thứ 16 về tiến trình phòng ngừa và kiểm soát bệnh viêm phổi do coronavirus mới ở tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 13 tháng 1 vừa qua, chủ nhiệm phòng nghiên cứu và giảng dạy (bộ môn) Ôn bệnh học Đại học Trung Y Dược Hắc Long Giang, Bác sĩ Chương Phúc Lợi, phó trưởng nhóm chuyên gia Trung Y Dược về phòng chống và điều trị bệnh viêm phổi Corona mới của tỉnh, nói rằng sự hợp tác giữa Trung và Tây y để chiến đấu chống lại dịch bệnh chắc chắn sẽ tạo nền tảng tốt để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Ông cũng giới thiệu một số biện pháp để bảo vệ phòng hộ tại nhà và tăng cường khả năng miễn dịch trong thời gian phòng chống dịch bệnh.
Chương Phúc Lợi giới thiệu rằng Trung y có hai nguyên tắc chính để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Nguyên tắc đầu tiên là “phù chính khu tà”. Có nhiều cách để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm trong Đông y, như Đông y dược dự phòng, châm cứu dự phòng, xoa bóp dự phòng, vận động tập luyện dự phòng, ẩm thực ăn uống dự phòng (thay trà uống…), tình chí cảm xúc tâm lý dự phòng,… Một nguyên tắc chỉ đạo chung của những phương pháp dự phòng này chính là “phù chính khu tà”. Dùng ngôn ngữ của y học hiện đại của chúng ta để biếu đạt, chính là cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể con người, giúp tiêu diệt và loại bỏ các vi sinh vật gây bệnh như virus ở giai đoạn sớm. Tất nhiên, đối với các nhóm nguy cơ và những người dễ mắc bệnh, Đông dược dự phòng là phương pháp quan trọng nhất. Trước nạn dịch này ở Vũ Hán, Cục Quản lý Trung y dược quốc gia và cục y học cổ truyền các tỉnh đã xây dựng và ban hành một loạt các đơn thuốc y học cổ truyền dự phòng.
Nguyên tắc thứ hai là “tam nhân chế nghi (điều chỉnh 3 yếu tố)”, đó là “điều chỉnh theo thời gian”, “điều chỉnh theo địa điểm” và “điều chỉnh theo con người”. Đây là nguyên tắc chung về dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh và điều trị bệnh được nhấn mạnh trong “Hoàng Đế nội kinh”. Do đó, về mặt phòng ngừa viêm phổi do coronavirus loại mới, một mặt, tham khảo các phương pháp phòng ngừa dự phòng của y học cổ truyền do cộng đồng y học cổ truyền tại Vũ Hán và Cục Y học cổ truyền Trung Quốc, cũng như đặc điểm khí hậu và đặc điểm về hoàn cảnh địa lý, đặc điểm phong tục dân gian, đặc điểm thể trạng của quần thể người, để nghiên cứu và xây dựng các đơn thuốc y học cổ truyền phòng dịch có tính bám sát nhắm thẳng mục tiêu thực tiễn hơn, để tăng cường các nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát.
Kể từ khi bệnh viêm phổi coronavirus mới bùng phát, trên chủ trương là Đông Tây y kết hợp, các đơn vị nghiên cứu khoa học y tế đã nghiên cứu và xây dựng một loạt các chương trình và phương pháp phòng chống dịch bệnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của tình hình dịch bệnh. Việc triển khai và thực hiện đã đạt được thành quả không hề nhỏ. Tất nhiên, các kế hoạch này cũng liên tục được điều chỉnh, cải thiện  theo kinh nghiệm mới được đúc kết, tùy theo sự thay đổi khí hậu và môi trường, hy vọng sẽ đạt được kết quả tốt hơn.
Nói tóm lại, y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại để chống lại dịch bệnh, điều này chắc chắn sẽ tạo nền tảng tốt để chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Trương Phúc Lợi nói rằng phòng hộ tại nhà của quần chúng và tăng cường khả năng miễn dịch có thể bắt đầu từ một số khía cạnh. Về mặt điều trị bằng thuốc và thực phẩm, ngoài Hoắc hương chính khí tán:
(Hoắc hương 12g
Cát cánh 8 – 12g
Phục linh 8 – 12g
Hậu phác ( Khương chế) 6 – 10g
Tô diệp 8 – 12g
Bạch truật 8 – 12g
Bán hạ khúc 8 – 12g
Bạch chỉ 8 – 12g
Đại phúc bì 8 – 12g
Trần bì 6 – 12g
Chích thảo 4g)
Còn có thể căn cứ khí hậu nhiệt độ gia tăng và tình hình thể chất của quần thể người kết hợp các thực phẩm “dược thực đồng nguồn” (tức vừa là thuốc vừa là thực phẩm, an toàn và không độc hại) khu trừ hỏa nhiệt, thấp nhiệt, đàm nhiệt. Ví dụ, những người hay bốc hỏa, đau họng và phân khô có thể sử dụng Kim ngân thay trà uống, những người thấp nhiệt, hay mọc mụn, có thể uống cháo Ý Dĩ. Những người cao tuổi béo phì, mỡ máu cao, rêu lưỡi vàng dày, có thể uống cháo lá sen.
Về thể thao, nên học cách luyện tập Khí Công, Thái Cực Quyền, Bát Đoạn Cẩm, v.v. để cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.
Đối với massage huyệt, bạn có thể thực hiện massage hình chữ thập quanh rốn, những người dễ phát hỏa có thể chọn xoa bóp hai điểm của Túc Tam Lý và Phong Long.
Ông nói rằng trong khi mọi người chọn các phương pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà nêu trên, theo quan điểm của y học Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết của chế độ ăn uống thanh đạm, như vậy có thể làm giảm sự phát sinh thấp nhiệt và cải thiện hệ thống miễn dịch theo cách nhắm mục tiêu.
(Theo new.qq.com)
https://www.dkn.tv/the-gioi/phong-dich-tai-nha-chuyen-gia-dong-y-chi-ban-cach-tang-cuong-he-mien-dich.html

Cách xử lý dịch Covid-19 của Trung Quốc

 là một thách thức ngoại giao với WHO

Triệu Hằng
WHO tuyên bố ‘quá sớm để nói dịch virus corona đạt đỉnh ở Trung Quốc’
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cố gắng thực hiện một hành động cân bằng ngoại giao trong dịch Covid-19, khi họ mắc kẹt giữa Trung Quốc đã có các biện pháp hà khắc để ngăn chặn virus lây lan – với các nhà phê bình có ý kiến rằng, hành vi của Trung Quốc là điển hình của sự coi thường nhân quyền.
Tờ The Guardian hôm 18/2 cho biết, trong mỗi cuộc họp báo, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã biện hộ cho cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc trước những câu hỏi gai góc và liên tiếp từ các nhà báo Mỹ.
Vào cuối tháng Một, trong khi ông Tedros ban bố mối lo ngại quốc tế là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” – quyết định đã bị loại một tuần trước đó theo những gì được cho là áp lực từ Bắc Kinh – thì ông ca ngợi Trung Quốc vì đã bảo vệ phần còn lại của thế giới.
“Trong vài tuần qua chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của một mầm bệnh chưa từng biết trước đó, đã leo thang thành một bùng phát dịch chưa từng có, và đã được đáp ứng bởi một phản ứng chưa từng thấy”, ông Tedros nói.
“Trung Quốc sẽ được chúc mừng vì những biện pháp phi thường mà họ đã thực hiện để ngăn chặn sự bùng phát bất chấp tác động kinh tế và xã hội nghiêm trọng đang gây ra cho Trung Quốc”.
Ông đã dành những lời khen ngợi tương tự cho Campuchia, một đồng minh của Trung Quốc, nước đã cho phép tàu du lịch MS Westerdam cập cảng sau khi các cảng khác “quay lưng”.
“Đây là một ví dụ điển hình về tình đoàn kết quốc tế mà chúng tôi đã liên tục kêu gọi”, ông Tedros nói.
Trong khi đó, Đài Loan đã phản đối bị xếp hạng nguy cơ “rất cao” giống như Trung Quốc khiến các quốc gia áp đặt lệnh cấm đi lại đối với công dân của Đài Loan.
Đài Loan đã báo cáo chỉ 22 trường hợp nhiễm virus, so với con số của Trung Quốc là hơn 72.400.
Bà Âu Giang An (Joanne Ou) phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao Đài Loan nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi khẩn thiết WHO hãy chuyên nghiệp và trung lập: thoát khỏi yêu sách vô lý của Trung Quốc. Đừng bị Trung Quốc “dắt mũi”.
Trung Quốc từ lâu đã chặn Đài Loan trở thành thành viên độc lập của WHO, bởi xem hòn đảo này thuộc về đại lục.
Khi ông Tedros tới Trung Quốc vào ngày 29/1 gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông Tập rất coi trọng việc hợp tác với WHO.
“Các biện pháp của Trung Quốc không chỉ bảo vệ người dân, mà còn bảo vệ người dân trên toàn thế giới”, Bộ này nói, nhưng tiếp tục đề nghị ông Tedros tán thành chế độ chính trị Trung Quốc.
Trong khi đó, Anh và các nước châu Âu khác đã thực hiện các biện pháp kiểm soát những người đến từ Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã ban bố một lệnh cấm bất kỳ công dân nước ngoài nào vào Mỹ nếu họ đã ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó.
WHO là một cơ quan của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc đã lãnh đạo. Người tiền nhiệm của ông Tedros là Margaret Chan, người Trung Quốc, và trước đây là giám đốc y tế tại Hồng Kông. Nhưng Trung Quốc không bằng lòng với điều đó. Năm ngoái, Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc đua trở thành người đứng đầu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) trước sự phản đối của Mỹ.
Nếu Trung Quốc đã gây áp lực lên WHO để bảo vệ việc Trung Quốc xử lý dịch bệnh, “thì đó là áp lực mà các tổ chức của Liên Hợp Quốc luôn phải chịu từ các nền kinh tế tiên tiến”, Osman Dar, giám đốc của Dự án One Health thuộc Trung tâm Chatham House về An ninh Y tế Toàn cầu nói.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cach-xu-ly-dich-covid-19-cua-trung-quoc-la-mot-thach-thuc-ngoai-giao-voi-who.html

Đại dịch COVID-19:

Mục tiêu lớn nhất của chính quyền Trung Quốc là gì?

Đại Nghĩa
Chính quyền Trung Quốc đang coi đại dịch virus COVID-19 là vấn đề lớn nhất hiện nay. Họ đã và đang làm tất cả những gì có thể, nhưng mục đích lớn nhất của họ là gì?
Tại sao lại che giấu thông tin?
Cho đến nay, khi tình dịch bệnh viêm phổi COVID-19 đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng, tất cả đều tiếc nuối khi ngay từ đầu thông tin về dịch đã không được biết tới kịp thời. Nhưng tại sao ngay từ đầu và cả cho tới hôm nay, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục bị cho là che giấu thông tin thực của dịch bệnh?
Lý do chính là thông tin về dịch bệnh lạ thường gây tâm lý bất an trong dân chúng. Chính quyền Trung Quốc luôn đặc biệt nhạy cảm với các yếu tố có thể gây xáo động tâm lý người dân, từ đó ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát của chính quyền. Kinh nghiệm trong quá khứ lại cho họ thấy rằng những dịch bệnh lạ đó thường sẽ tự qua đi. Điển hình như dịch SARS đầu năm 2003, dịch cúm gia cầm năm 2006, gần đây là dịch tả heo châu Phi và bệnh dịch hạch. Nhưng dường như dịch bệnh lần này đã vượt xa mọi dự liệu của chính quyền Trung Quốc.
Ngày 15/02/2020, Tân Hoa Xã bất ngờ cho đăng lại bài nói của tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình vào cuộc họp ngày 03/02/2020. Trong đó ông Tập cho biết: “vào ngày 7-1, tôi đã chủ trì một cuộc họp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, đưa ra yêu cầu đối với công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh”. Thông tin này cho thấy lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ biết tới tình hình dịch từ khá sớm. Nhưng hệ thống chính quyền Trung Quốc luôn ưu tiên việc “ngăn chặn thông tin sai lệch”, hơn là việc ứng phó với dịch bệnh. Họ luôn lo sợ thông tin về dịch ảnh hưởng tới cái gọi là “sự ổn định”. Câu chuyện về việc công an cảnh cáo bác sĩ Lý Văn Lượng lan truyền thông tin sự thực, đã cho thấy rất rõ thực trạng này.
Ngay từ ngày 25/01/2020, tại cuộc họp đầu tiên của Bộ chính trị TW ĐCSTQ, sau khi phong toả Vũ Hán, tổng bí thư Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “Cần phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Trung ương đảng”. Nghĩa là vấn đề chống dịch dù thế nào thì hệ thống chính quyền vẫn phải ưu tiên cho yếu tố quyền lực của ĐCSTQ.
Làm tất cả để “duy trì ổn định” trong nước
Ngày 26/01/2020, TW ĐCSTQ thành lập Ban chỉ đạo TW phòng chống dịch gồm 9 thành viên, trong đó đều là các thành viên của Quốc vụ viện, Ban tuyên truyền, Bộ công an, Ngoại giao… không thấy có ai thuộc bộ y tế. Điều này đã cho thấy mục tiêu ưu tiên của chính quyền Trung Quốc vẫn là “ổn định chính trị” hơn là ưu tiên giải quyết dịch bệnh.
Vẫn như thường lệ, chính quyền Trung Quốc đã cách chức nhiều vị trí lãnh đạo để giải tỏa sự giận dữ của công chúng. Việc đó cũng nhằm hướng công chúng lối nghĩ rằng Trung ương luôn luôn đúng, chỉ có các quan chức cấp địa phương làm sai. Gần đây nhất, ngày 13/02, bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc và bí thư thành ủy Vũ Hán đều bị cách chức. Trong bài phát biểu được đăng trên Tân Hoa Xã ngày 15/02/2020 của tổng bí thư Tập Cận Bình có đoạn: “Nhìn chung, phán đoán của Trung ương ĐCSTQ về tình hình dịch bệnh là chính xác, các kế hoạch công tác là kịp thời, biện pháp được áp dụng cũng hiệu quả”.
Về truyền thông, hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ vẫn đảm bảo chủ trương tuyên truyền thống nhất. Về cơ bản là đưa các thông tin và nhận định tích cực như tỉ lệ tử vong thấp hơn dịch SARS (mặc dù tổng số người tử vong thực tế cao hơn nhiều), số người mới mắc bệnh giảm (vào các ngày số liệu báo cáo giảm), bao nhiêu người xuất viện… Song song với các thông tin tích cực là tuyên truyền về các hoạt động chỉ đạo chống dịch của lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, việc xây dựng cấp tốc bệnh viện dã chiến… Nói chung đều tạo ra cảm giác an toàn về dịch bệnh và sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của lãnh đạo Trung ương ĐCSTQ trong việc “chiến thắng cuộc chiến này”.
Song song với đó, việc kiểm duyệt thông tin cũng được thực hiện một cách khắc nghiệt. Các nhà báo độc lập như Trần Thu Thực, Phương Bân sau vài lần đưa tin thực về tình hình Vũ Hán đều mất tích… Các chỉ trích chính quyền sau khi bác sĩ Lý Văn lượng tử vong cũng liên tục bị kiểm duyệt trên Weibo và Wechat. Tất cả đều hướng tới mục tiêu của chính quyền Trung Quốc là đảm bảo “sự ổn định” ở trong nước. Nói cách khác, mục tiêu cuối cùng của ĐCSTQ luôn là duy trì quyền lực tuyệt đối tại đất nước Trung Quốc.
Thông tin về số người nhiễm bệnh và tử vong do chính quyền Trung Quốc đưa ra, so với các thông tin tiết lộ từ bên trong vùng dịch luôn thấp hơn rất nhiều. Ngày 04/02/2020, phóng viên đài NTD đã đóng vai “cán bộ trung ương” gọi điện hỏi một nhân viên nhà tang lễ tại Vũ Hán. Người nhân viên này đã báo cáo số tử thi họ nhận được tăng gấp 4 – 5 lần ngày thường, vào ngày 03/02 là 127, đã hỏa thiêu 116, trong đó chỉ có 8 người được xác nhận bị nhiễm viêm phổi corona, chiếm khoảng 6%. Chỉ có 38% xác từ bệnh viện, còn lại hơn 61% chết tại nhà. Họ kết luận rằng số người chết do dịch COVID-19 tới thời điểm đó khoảng 14.000, trùng khớp với suy luận từ việc đo nồng độ khí SO2 tại Vũ Hán. Trong khi đến thời điểm ngày 03/02/2020, số liệu tử vong do chính quyền Trung Quốc báo cáo là 361. Đối với chính quyền Trung Quốc, số người tử vong do bệnh dịch chỉ đơn giản là một con số, và nó cũng luôn phải phù hợp với “yêu cầu chính trị”.
Đối ngoại trong đại dịch
Dù tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà chuyên môn y tế của Mỹ ngay từ cuối tháng 01/2020, cho biết đã sẵn sàng cử chuyên gia sang hỗ trợ Trung Quốc phòng chống dịch. Tuy nhiên tới tận ngày 13/02/2020, theo Đài Tiếng nói Hoa Kì (VOA): “Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tới ngày 12/2 vẫn chưa nhận được lời mời”. Mặc dù trước đó, ngày 04/02/2020, người phát ngôn của chính quyền Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết hy vọng Mỹ sẽ tới hỗ trợ càng sớm càng tốt. Có thể nói, các chuyên gia của CDC – Mỹ cho dù xuất sắc, nhưng nếu không “phù hợp với yêu cầu chính trị” của chính quyền Trung Quốc thì sự trợ giúp của họ sẽ không được chào đón.
Ngày 03/02/2020, bà Hoa chỉ trích Mỹ “tạo ra và lan truyền nỗi sợ” khi quyết định từ chối nhập cảnh đối với các công dân nước ngoài đã vào Trung Quốc trong hai tuần. Ngày 07/02/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo chính phủ Mỹ giành 100 triệu USD hỗ trợ Trung Quốc và các nước phòng chống dịch, số tiền này chưa kể hàng trăm triệu USD quyên tặng từ khu vực tư nhân của Mỹ. Nhưng không thấy có thông tin nào về việc chính quyền Trung Quốc cảm ơn chính phủ và người Mỹ đã hỗ trợ phòng chống dịch.
Như thường lệ, Mỹ luôn là “đối tượng thù địch” để chính quyền Trung Quốc hướng sự giận dữ của công chúng, đặc biệt là khi phát sinh vấn đề bất an trong nước. Ngoại trưởng, các đại sứ của chính quyền Trung Quốc tại Anh, Mỹ, Liên Hợp Quốc, các phương tiện truyền thông nhà nước trong thời gian này cũng liên tục “phản công” nhắm vào nước Mỹ.
Chính quyền ĐCSTQ đang coi đại dịch virus corona là vấn đề lớn nhất hiện nay. Nhưng mục đích cuối cùng của họ luôn luôn là duy trì quyền lực tuyệt đối. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc Minxin Pei, thuộc trường Claremont McKenna tại Mỹ phân tích: “Khi nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố thắng virus, họ sẽ cảm ơn ĐCSTQ và chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi ngược lại, sự thật là chính ĐCSTQ mới phải chịu trách nhiệm đầu tiên về thảm họa này”.
Các thông tin lạc quan vẫn liên tục được truyền thông của chính quyền Trung Quốc đưa ra, nhưng diễn biến thực tế thời gian qua luôn cho thấy tình hình ngày càng tồi tệ. Mục tiêu “duy trì sự ổn định” của ĐCSTQ nhằm đảm bảo quyền lực tuyệt đối tại Trung Quốc cũng vì vậy sẽ trở nên bất định chưa từng
có. Một mặt bản chất giả dối và tàn ác bất chấp sinh mạng của dân chúng đã ngày càng hiển lộ, mặt khác cũng chính bản chất ấy là yếu tố dẫn đến nguy cơ sụp đổ của nó đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Video: Người Duy Ngô Nhĩ bị giam trong các ‘trại cải tạo’ ở Tân Cương là ‘con mồi cho virus corona’
https://www.dkn.tv/the-gioi/dai-dich-covid-19-muc-tieu-lon-nhat-cua-chinh-quyen-trung-quoc-la-gi.html

Bác sĩ tuyến đầu ở Vũ Hán tiết lộ

cảm giác trước khi chết của bệnh nhân viêm phổi

Ngọc Mai
Ngày 17/2, một bác sĩ ở tuyến đầu (giấu tên) đăng tải nội dung trên Weibo. Anh nói rằng hiện không có cách chữa trị căn bệnh này, bệnh nhân cảm thấy đau đớn khi chết giống như “chết đuối” vậy.
Anh cũng mô tả chi tiết về những điều anh trải nghiệm về cảm giác trước khi chết của bệnh nhân: Bệnh nhân liên tục khó thở cho đến vài phút cuối cùng. Bệnh nhân sẽ kêu cứu, khóc nói “Bác sĩ, cứu tôi…” Sau đó anh ta sẽ vật lộn như vậy cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Theo bài đăng, nguyên nhân cái chết về cơ bản giống như chết đuối. Trong phổi có nhiều nước và oxy không thể vào được. Phổi chứa đầy các chất tiết giống như thạch gây ra do virus, chức năng lấy hơi mất hoàn toàn và không có dưỡng khí được cung cấp cho máu. Đờm theo khí quản đi ra ngoài gặp chướng ngại nên bị tắc không ra được. Do đó không có thuốc đặc trị.
Bác sĩ cho rằng viêm phổi Vũ Hán hiện không có thuốc đặc trị, nó chỉ có thể cung cấp oxy tinh khiết cho bệnh nhân mà không cần đặt nội khí quản. Sau khoảng ba đến năm ngày duy trì, nếu độ bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân có thể tăng lên mức bình thường, anh ta có thể chiến thắng triệu chứng suy hô hấp, nhưng nếu thất bại, có thể cần phải mở khí quản hoặc đặt nội khí quản để điều trị y tế.
Bác sĩ kết luận rằng việc điều trị bệnh nhân viêm phổi ở Vũ Hán được chia thành 4 bước. “Bao gồm liệu pháp oxy lưu lượng cao. Nếu cách này không hiệu quả thì cần đặt máy thở không xâm lấn. Nếu máy thở không xâm lấn không hoạt động trong 2 giờ thì cần đặt nội khí quản để điều trị. Nếu có điều kiện, hãy sử dụng ECMO (Oxy hóa máu ở ngoài cơ thể)”.
Anh cũng nhắc nhở rằng điều đáng sợ của bệnh viêm phổi Vũ Hán là dễ lây lan và dễ trở nên nghiêm trọng.
Cuối bài đăng, anh nêu ra một số biện pháp phòng ngừa:
1) Đừng xếp hàng dài khi đi siêu thị
2) Nếu bạn có thể ăn nhiều hơn, hỗ trợ dinh dưỡng rất quan trọng để cải thiện khả năng miễn dịch.
3) Uống nhiều nước, bổ sung chất điện giải và ăn súp.
4) Lưu ý: Liều lượng và tác dụng của vitamin C và vitamin E là khác nhau.
Liều điều trị: Vitamin C được sử dụng tới 3.000 mg mỗi ngày và vitamin E được sử dụng 1.000 đơn vị quốc tế (IU).
Cuối cùng, bài đăng tiết lộ “Cả nước gửi hàng chục ngàn nhân viên y tế đến Vũ Hán, cho thấy căn bệnh này không thể chữa trị hiệu quả. Tất cả các phương pháp điều trị hiện nay đều là chữa trị an ủi”.
Hiện tại dịch viêm phổi ở Vũ Hán vẫn còn rất nghiêm trọng. Các tin tức rò rỉ trên mạng tiết lộ về sự gia tăng đột biến các thi thể khiến người ta cho rằng số người chết vì viêm phổi ở Vũ Hán có thể vượt xa dữ liệu chính thức.
Video xem thêm: “Đội mai táng” được huy động đến Vũ Hán, rốt cuộc có bao nhiêu người đã chết?
https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-si-tuyen-dau-o-vu-han-tiet-lo-cam-giac-truoc-khi-chet-cua-benh-nhan-viem-phoi.html

‘Lạm dụng tình dục’ trở thành ‘biện pháp cải tạo’

trong các trại giam ở Tân Cương

Massimo Introvigne | Quý Khải biên tập
Có rất nhiều phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ và dân tộc thiểu số Kazakhstan cũng như các nữ tu Phật giáo trong quá trình bị giam cầm tại các trại cải tạo ở Trung Quốc đã bị lạm dụng tình dục. Ở nơi đây, lạm dụng tình dục được sử dụng như một công cụ để giáo dục cải tạo.
Cuối tháng 1, một báo cáo bí mật của Bộ Ngoại giao Đức về các trại giáo dục cải tạo ở Tân Cương đã bị rò rỉ cho một số phương tiện truyền thông nước này. Báo cáo tiết lộ rằng, tuy chính quyền Trung Quốc tuyên bố các trại giam này chỉ đơn thuần là các “trường dạy nghề”, nhưng trên thực tế chúng là những nhà tù kinh hoàng. Bên cạnh việc tra tấn và giết hại phi pháp, việc lạm dụng tình dục các nữ tù nhân cũng thường xuyên được ghi nhận.
Lạm dụng tình dục: Biện pháp ‘giáo dục cải tạo’ trong các trại giam ở Tân Cương
Gần đây, tờ The New York Times có đăng bài viết của một phóng viên từng đến Kazakhstan và phỏng vấn những người dân tộc thiểu số Kazakhstan và người Duy Ngô Nhĩ đã trốn thoát khỏi các trại giam ở Tân Cương. Những thông tin phóng viên này thu thập được khác rất xa so với một “trường dạy nghề” bình thường.
Phóng viên này viết rằng, trong một đồn cảnh sát, có một người đàn ông bị nhốt dưới hầm và bị đánh cho đến khi mất thính giác một bên tai. Những người khác “thì bị xích lại và cột lại như thể bị đóng đinh lên thập tự giá”. Một quang cảnh thường thấy là các tù nhân bị cột vào “ghế cọp”, bị trói lại và không cho ngủ. Các tù nhân theo đạo Hồi “bị buộc phải từ bỏ đức tin”, và “bị buộc phải cảm ơn chủ tịch Tập Cận Bình mỗi đêm vì có cơ hội được giác ngộ tư tưởng”. Bên cạnh đó, phóng viên này cũng được nghe kể về các trường hợp lạm dụng tình dục.
Lạm dụng tình dục được chính quyền Trung Quốc dùng như một công cụ trong chương trình cải tạo tư tưởng và nó không phải là điều gì mới mẻ. Người Tây Tạng từ lâu đã lên án việc này, khi cho biết nó cũng tồn tại trong các “trại giáo dục cải tạo” ở Tây Tạng. Trên thực tế, không chỉ ở Tân Cương, những nhà tù như vậy cũng có mặt ở Tây Tạng, dưới cùng một lớp vỏ bọc. Trong tiếng Tây Tạng, nó được gọi là lobso yosang teyney khang (སློབ་ གསོ་ ཡོ་ བསྲང་ ལྟེ་ གནས་), tương đương với jiaoyu zhuanhua (教育转化), được dịch sang tiếng Việt là các trại “giáo dục cải tạo”. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi những sự vụ khủng khiếp tương tự như ở Tân Cương cũng được báo cáo tại Tây Tạng.
Năm 2018, Trung tâm Nhân quyền và Dân chủ Tây Tạng đã đăng tải sự việc của một tu sĩ Phật giáo, người đã bị giam giữ trong trại giáo dục cải tạo ở huyện Sog, tỉnh Nagchu, Khu tự trị Tây Tạng. Cả các cư sĩ và tăng ni đều bị giam ở đó. Họ đã phải tham gia các cuộc tập dượt quân sự mệt nhọc và bị buộc phải nói xấu Đức Đạt-lai Lạt-ma và hát những bài hát ca ngợi chính quyền Trung Quốc. Vị tu sĩ báo cáo rằng sau các cuộc tập dượt quân sự cực nhọc, phụ nữ, đặc biệt là các nữ tu Phật giáo, đã bị lạm dụng và cưỡng hiếp; họ không còn sức chống trả vì đã quá mệt.
Các tù nhân cố gắng phản kháng sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Vị tu sĩ này nói rằng nhiều người trong số họ đã bị “đánh đập dữ dội bằng dùi cui điện đến mức bất tỉnh. Các sĩ quan sẽ sốc các tù nhân bất tỉnh này dậy bằng cách đổ nước lạnh vào mặt họ. Chu kỳ bất tỉnh và sốc dậy bằng nước lạnh này sẽ được lặp lại một vài lần và khi kết thúc, các lính canh sẽ dùng một ống nhựa đen để tiếp tục đánh rồi đổ nước làm ướt sũng khắp người nạn nhân, sau đó lại dùng dùi cui điện để đánh thêm. Những vết thâm đen nhanh chóng xuất hiện trên khắp cơ thể, khiến người đó đau đớn đến nửa sống nửa chết”.
Lạm dụng tình dục không chỉ là một cách để thỏa mãn dục vọng của những tên cai ngục. Như tờ nhật báo Công giáo La Croix International báo cáo, lạm dụng tình dục tự nó còn là một công cụ để cải tạo, vì một khi bị “làm ô uế”, các nữ tu Phật giáo có thể cảm thấy họ không thể trở lại tu viện để tiếp tục cuộc sống tu sĩ được nữa. Các vụ lạm dụng tình dục có hệ thống các nữ tu sĩ được báo cáo hàng ngày ở Tây Tạng và đã diễn ra trong nhiều thập niên.
Những nữ tù nhân lương tâm từ các nhóm tín ngưỡng khác cũng bị như vậy. Lấy ví dụ, đã có báo cáo về các trường hợp nữ học viên Pháp Luân Công bị lạm dụng tình dục một cách có hệ thống trong các nhà tù Trung Quốc. Trong cuốn sách về Nhà thờ của Thiên Chúa toàn năng, tác giả Massimo Introvigne đã kể lại câu chuyện về Sơ Jiang Guizhi (1966-2013), một thành viên của nhà thờ đã bị cảnh sát hãm hiếp và chết vì bị ngược đãi và tra tấn. Những phụ nữ Hồi giáo ở Tân Cương được cho là đang trở thành nạn nhân tiếp theo của chính sách tàn bạo này.
(Nguồn ảnh chính: Youtube/VOA News. Bài viết của Massimo Introvigne đăng trên Bitter Winter ngày 18/2, do Quý Khải dịch và biên tập).
https://www.dkn.tv/the-gioi/lam-dung-tinh-duc-tro-thanh-bien-phap-cai-tao-trong-cac-trai-giam-o-tan-cuong.html

Thêm một giám đốc bệnh viện nữa ở Vũ Hán

bị nhiễm COVID-19

Hải Lam
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 19/2, giám đốc bệnh viện số 8 Vũ Hán Vương Bình đang phải nằm viện vì nhiễm COVID-19.
Vương Bình bị lây nhiễm từ bệnh nhân và hiện được điều trị tại bệnh viện Kim Ngân Đàm (Jinyintan).
Theo bài đăng lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc vào hôm 19/2, các bác sĩ đang cần huyết tương để chữa trị cho bác sĩ Vương. Chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi các bệnh nhân nhiễm virus corona hồi phục hiến máu vì huyết tương của họ được cho là có kháng thể với loại virus gây chết người. Người phát ngôn bệnh viện số 8 Vũ Hán nói thêm bệnh viện Kim Ngân Đàm đã tìm thấy huyết tương phù hợp với bác sĩ Vương. Cả hai bệnh viện trên đều không đưa ra tuyên bố chính thức về tình trạng của bác sĩ Vương.
Thông tin bác sĩ Vương Bình nhiễm COVID-19 được đưa ra một ngày sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin bác sĩ Lưu Trí Minh, giám đốc Bệnh viện Vũ Xương ở thành phố Vũ Hán qua đời hôm 18/2 vì chính dịch bệnh này.
Theo giới chức Trung Quốc, 7 y bác sĩ ở nước này đã tử vong vì COVID-19 và hơn 1.700 nhân viên y tế bị lây nhiễm virus, trong đó hầu hết ở tâm dịch Hồ Bắc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/giam-doc-benh-vien-o-vu-han-nhiem-covid-19.html

Virus corona – Covid-19:

Bắc Kinh thông báo số ca lây nhiễm giảm mạnh

Thanh Hà
Ngày 20/02/2020, Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc thông báo một tin vui: có dấu hiệu dịch Covid-19 giảm tốc độ lây lan. Theo cơ quan này, số ca mới được phát hiện đã “giảm mạnh” trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, bệnh dịch đã cướp thêm mạng sống của 114 người tại Hoa Lục, nâng tổng số ca tử vong lên đến 2118.
Hồ Bắc vẫn là điểm nóng, nơi có số người tử vong và lây nhiễm cao nhất toàn quốc. Theo chính quyền tỉnh này, trong ngày 20/02/2020, đã có thêm 628 ca bệnh mới được phát hiện và đây là con số thấp nhất từ đầu dịch bệnh đến nay. Giới chức y tế tỉnh cho biết thêm 279 bệnh nhân bị nghi là dương tính với virus corona mới sau đợt xét nghiệm thứ nhì, được thông báo không bị nhiễm siêu vi mới.
Đến Vientiane – Lào, dự hội nghị khẩn cấp với các đồng nhiệm khối Đông Nam Á để bàn về dịch Covid-19 từ ngày 19 đến 21/02/2020, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan của Bắc Kinh “có hiệu quả“. Ông nhấn mạnh đến “quyết tâm” của Trung Quốc chống dịch bởi Bắc Kinh “không chỉ bảo vệ người dân Trung Quốc, mà còn bảo vệ cả toàn thế giới“. ASEAN là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của Trung Quốc. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã ngưng các chuyến bay đến Hoa Lục.
Hiện tại 6 trong số 10 thành viên ASEAN đã phát hiện những ca lây nhiễm Covid-19. Riêng Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, giáp ranh với Trung Quốc, tới nay vẫn chưa chính thức thông báo bất kỳ một ca lây nhiễm nào. Tuần trước, Mỹ viện trợ cho Vientiane trang thiết bị y tế để đối phó với dịch bệnh.
Theo thống kê chính thức, virus corona dường như đã dừng lại ngoài biên giới Lào, Miến Điện, Brunei và Indonesia. Nhiều người nhiễm bệnh được ghi nhận tại Singapore (84), Thái Lan (37), Malaysia (22), Việt Nam (16), Philippines (3) và Cam Bốt (1).
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200220-virus-corona-covid-19-b%E1%BA%AFc-kinh-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-s%E1%BB%91-ca-l%C3%A2y-nhi%E1%BB%85m-gi%E1%BA%A3m-m%E1%BA%A1nh

Virus corona – Covid-19: Trung Quốc

vừa dốc sức chống dịch, vừa tăng cường trấn áp

Thanh Hà
Chạy đua với thời gian ngăn chận đà lây lan của virus corona – Covid-19 không cản trở hoạt động của bộ máy đàn áp của chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ một chỉ trích nào cả ở trong lẫn ngoài nước.
Vào lúc dịch viêm phổi cấp tính vẫn hoành hành, Trung Quốc gần như bị cách ly với thế giới bên ngoài, trong chưa đầy 15 ngày, hai nhà báo điều tra về hoạt động tại các bệnh viện ở Vũ Hán, ổ dịch virus corona Covid-19 “mất tích“, các tiếng nói bất đồng, chỉ trích chính quyền xử lý kém cỏi khủng hoảng, nếu không bị bắt thì cũng bị quản thúc tại gia. Chưa hết, Bắc Kinh tấn công luôn cả các phương tiện truyền thông quốc tế dám coi Trung Quốc là “kẻ bệnh hoạn của châu Á“. Đó là những bằng chứng cụ thể nhất cho thấy, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn cai trị đất nước với một bàn tay sắt.
Tuần trước, báo chí Hồng Kông báo động về trường hợp hai “nhà báo công dân” Phương Bân (Fang Bin) và Trần Thu Thực (Chen Qiushi) đã “mất tích“. Cả hai đã đăng tải video, hình ảnh và những tấn bi kịch ở bên trong thành phố Vũ Hán, đã bị cách ly với phần còn lại của Hoa Lục từ hôm 23/01/2020. Hai tuần lễ trước khi ông Tập Cận Bình tuyên bố virus corona là “cuộc chiến của toàn dân” thì Phương Bân đã hứa “làm hết sức mình” để nói lên sự thật những gì đang diễn ra tại Vũ Hán. Hơn một tháng sau, khi tình hình thêm đen tối, cũng “nhà báo công dân” này đã đòi chính phủ “trao trả quyền lực lại cho nhân dân” và từ đó thì trang mạng xã hội của ông “im bặt“. Về phần ông Trần Thu Thực, vốn đã được biết nhiều do đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông từ mùa hè 2019, ông này chủ yếu đăng tải các đoạn video từ ở bên trong các bệnh viện tại Vũ Hán.
Cũng tuần qua, công cụ đàn áp của Bắc Kinh đã chĩa sang nhà đấu tranh Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) cho dù ông này đã chạy đến tận Quảng Đông để ẩn náu. Hôm 04/02/2020, họ Hứa đã dám lên tiếng kêu gọi “hoàng đế” Tập Cận Bình từ chức sau nhiều thiếu sót trong đợt khủng hoảng lần này. Một nhà trí thức khác của Trung Quốc, giáo sư luật Hứa Chương Nhuận (Xi Zhangrun), tác giả bài tham luận mang tựa đề “Khi phẫn nộ vượt lên trên cả sợ hãi” bị quản thúc tại gia. Hôm 07/02/2020, ông đồng ký tên trong một Thư ngỏ gửi Quốc Hội, đòi quyền tự do ngôn luận nhân danh bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã cảnh báo dịch bệnh, bị công an truy bức và qua đời vì nhiễm virus Covid-19.
Trên trường quốc tế, đúng vào lúc virus corona đang làm tê liệt phần lớn các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, hình ảnh của Bắc Kinh đang xấu đi trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, thì ở Hoa Kỳ, nhật báo tài chính The Wall Street Journal trong bài xã luận hôm 03/02/2020 giáng một đòn mạnh với nhận xét “Tại châu Á, Trung Quốc mới thực sự là kẻ bệnh hoạn“. Chính phủ Mỹ thì thông báo bắt đầu “áp dụng quy chế mới” nhắm vào 5 cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc. Washington các buộc Bắc Kinh gia tăng tuyên truyền thông qua các cơ quan nói trên, trong đó bao gồm từ Tân Hoa Xã đến China Daily và Nhân Dân Nhật Báo. Hai yếu tố này khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ để rút lại thẻ hành nghề của ba nhà báo làm việc cho tờ The Wall Street Journal và đòi trục xuất những người này. Chưa hả giận, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay (20/02/20) còn đi xa hơn khi tuyên bố, Trung Quốc còn có thể phạt nặng hơn nữa tờ báo tài chính này của Mỹ.
Thêm một dấu hiệu khác cho thấy, cỗ máy đàn áp của Trung Quốc đang hoạt động hết công suất, đó là nhân danh các biện pháp phòng chống dịch lây lan, Bắc Kinh tăng cường các biện pháp kiểm duyệt, theo dõi và giới hạn các quyền tự do vốn đã hiếm hoi tại đất nước rộng lớn này.
Tận dụng thời điểm công luận đang hoảng loạn trước đe dọa khủng hoảng về y tế, chính quyền Trung Quốc đã ban hành những biện pháp bế quan tỏa cảng, giám sát nhất cử nhất động của mỗi công dân tại các vùng bị phong tỏa …
Tất cả những động thái nói trên cho thấy, chỉ trích Trung Quốc vẫn là một chủ đề hết sức nhậy cảm đối với chế độ của ông Tập Cận Bình cho dù là Bắc Kinh đang choáng váng vì virus corona – Covid-19. Trong một bài bình luận trên báo Les Echos ngày 18/02/2020, giáo sư Dominique Moisi, giảng dậy tại trường đại học King’s College Luân Đôn cho rằng trong việc đối phó với dịch bệnh lần này, một lần nữa, cho thấy “rõ ràng là Bắc Kinh đã đặt mục tiêu toàn dân đoàn kết vì Đảng lên trên sự an toàn của muôn dân“.
Còn nhà nghiên cứu François Godment chuyên gia về Trung Quốc thuộc viện Institut Montaigne Paris tạm thời đưa ra hai kết luận : thứ nhất virus corona đang làm dấy lên công phẫn trong một phần xã hội Trung Quốc, nhưng trước mắt đó là một cuộc “phản kháng trên mạng“, không nguy hiểm bằng những cuộc xuống đường thực sự như phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989. Thứ hai là hào quang và uy tín của ông Tập Cận Bình, có phần nào bị lu mờ và hao hụt, nhưng “thế độc quyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc thì không mảy may suy xuyển“. Tưởng rằng một con siêu vi đủ mạnh để làm lung lay đảng Cộng Sản Trung Quốc là một sai lầm.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200220-trung-qu%E1%BB%91c-v%E1%BB%ABa-d%E1%BB%91c-s%E1%BB%A9c-ch%E1%BB%91ng-virus-corona-v%E1%BB%ABa-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-tr%E1%BA%A5n-%C3%A1p-ti%E1%BA%BFng-n%C3%B3i-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%93ng

Thái Lan dừng dự án cải tạo sông Mê Công

do TQ khởi xướng

Chỉ đứng sau Amazon, sông Mê Công là nơi có đa dạng sinh học thứ nhì thế giới, với 1.300 loài cá nước ngọt. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới sự phá hoại của Trung Quốc, sông Mê Công đang cạn kiệt từ nguồn nước cho đến tài nguyên gây hậu quả nghiêm trọng đối với các nước hạ lưu.
Sông Mê Công dài 4.909 km bắt nguồn từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Lưu vực sông Mê Công có tổng diện tích 795.000 km2 trong đó phần lớn nằm trên lãnh thổ của 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam (77%). Mê Công là con sông dài thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 10 về tổng lượng dòng chảy (hàng năm đạt khoảng 475 tỷ m3, lưu lượng trung bình khoảng 15.000 m³/s). Sông Mê Công là nguồn tài nguyên to lớn cho khu vực, với vùng hạ lưu là vùng đất màu mỡ nhất thế giới cho nông nghiệp, ngư nghiệp. Đa số các chuyên gia cho rằng, kiểm soát được con sông này đồng nghĩa với việc kiểm soát được phần lớn kinh tế Đông Nam Á.
Xuất phát từ nhận thức trên, hiện tại Trung Quốc đã quy hoạch 25 bậc thang thủy điện trên dòng chính và 120 bậc thang trên dòng nhánh của sông Mê Công với tổng công suất khoảng 28.000 MW; đã và đang xây dựng 8 đập thủy điện rất lớn trên thượng nguồn sông Mê Công, ảnh hưởng lớn đến hạ lưu sông. Các đập thủy điện sẽ biến khoảng 55% độ dài sông ở hạ lưu thành những hồ chứa nước và làm biến đổi dòng chảy, từ đó thay đổi bản chất tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của dòng sông, gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở vùng hạ lưu. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nguồn nước sông Mê Công chảy qua Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì dòng chảy vào mùa khô cho các nước ở hạ lưu và có thể chiếm tới 40% tổng lưu lượng của cả dòng sông.
Kế hoạch cải tạo sông Mê Công
Chiến lược phát triển này bắt nguồn từ năm 1992 khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng chương trình 40 tỉ USD nhằm xây dựng đường cao tốc, lưới truyền tải điện, các đập nước lớn và phát triển du lịch ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Công.
Kế hoạch nạo vét sông để các tàu thương mại di chuyển thuận lợi của Trung Quốc được khởi xướng vào thời điểm ký kết Hiệp định Giao thông thủy thương mại gồm 3 giai đoạn giữa Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan hồi tháng 4/2001 mà không tham khảo ý kiến của Campuchia và Việt Nam. Giai đoạn đầu của kế hoạch sẽ nổ mìn 11 ghềnh đá và 10 dải đá ngầm ven sông để tàu 100 -150 tấn di chuyển từ Vân Nam đến Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Hoạt động nổ mìn bắt đầu ở Thái Lan vào năm 2002 với sự cho phép của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Tuy nhiên, sau một đánh giá độc lập của Ủy ban Mê Công (MRC), bản đánh giá tác động môi trường của Trung Quốc về hoạt động nổ mìn đã bị bác bỏ do thiếu gần như toàn bộ dữ liệu về cá và sinh thái. Năm 2003, sau khi Bộ Quốc phòng Thái Lan phản đối dự án và khẳng định nếu tiếp tục dược triển khai dự án sẽ phá vỡ đường phân định biên giới Thái-Lào giữa dòng Mê Công, Trung Quốc đã ngừng kế hoạch phá đá sau giai đoạn đầu. Tháng 12/2016, Hiệp định này lại được tái xem xét nhưng chính phủ Thái Lan đề xuất cần có thêm khảo sát.
Việc chính quyền Thái Lan xúc tiến kế hoạch phá đá ngầm và cù lao trên sông Mê Công nhằm giúp các tàu hàng từ Trung Quốc di chuyển thuận lợi đang gây phẫn nộ trong giới môi trường. Kế hoạch phát triển trên dòng Lan Thương – Mê Công (2015-2025) bao gồm ba bước: khảo sát ban đầu, thiết kế và đánh giá môi trường và xã hội đã được Thái Lan phê duyệt tháng 12/2016. Theo kế hoạch, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan sẽ lập đội khảo sát trên sông Mê Công trước khi phát triển tuyến đường giao thông thủy để các tàu chở hàng lớn có thể di chuyển từ Vân Nam (Trung Quốc) sang Luang Prabang, thủ đô cũ của Lào, di sản thế giới cách Vân Nam 630km về phía hạ lưu. Kế hoạch yêu cầu chính phủ Thái Lan cho nổ mìn phá đá một dải dài 1,6 km dọc sông Mê Công ở biên giới Lào. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan cho biết sẽ chưa phê duyệt dự án cho tới khi có kết quả khảo sát và đánh giá tác động môi trường (EIA).
Các nhà môi trường rất phẫn nộ trước đề xuất dự án này. Bà Painporn Deetes, giám đốc chiến dịch Thái Lan của Tổ chức Sông ngòi Quốc Tế (IR) cho rằng thật là vô lý nếu đánh đổi dòng sông tuyệt vời nhất thế giới, nơi cung cấp nguồn thủy sản nuôi sống hơn 60 triệu người để lấy con đường thương mại vận chuyển hàng hóa trong khi đường bộ có thể đáp ứng điều này. Tổ chức Sông ngòi Quốc tế không đồng tình với luận điểm trên. Tổ chức này khẳng định các cù lao, ghềnh đá và thủy sản đem lại nhiều lợi ích cho người dân bản địa: “Ghềnh đá và các dải đá ngầm là môi trường sống ven sông lý tưởng, là khu vực sinh sản và nơi trú ẩn an toàn cho cá. Việc nổ mìn phá các ghềnh đá sẽ đe dọa thu nhập và an ninh lương thực của dân cư ở các khu vực xung quanh”. Trong khi đó, các chuyên gia Trung Quốc lại khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy kế hoạch này sẽ gây hại cho hệ sinh thái của con sông. Giáo sư Chu Chân Minh (Học viện Khoa học Xã hội Vân Nam), chuyên gia về Đông Nam Á, cho rằng những người phản đối nên đợi kết quả nghiên cứu môi trường kỹ càng trước khi đưa ra phán xét. Đối với các hiểm họa tiềm tàng với các loài cá, ông này cho biết đã có nhiều trường hợp phá ghềnh đá và cù lao tương tự ở Vân Nam và chúng đều không gây ảnh hưởng gì lớn.
Trước tình trạng trên, Thái Lan (4/2) vừa tuyên bố dừng các kế hoạch do Trung Quốc khởi xướng nhằm mở rộng một khúc quan trọng của sông Mê Công. Theo Nội các Thái Lan, dự án trên sẽ dừng lại sau khi Bắc Kinh không thanh toán tiền cho việc khảo sát thêm khu vực dự tính sẽ được nạo vét.
Trung Quốc phải xả nước cứu hạn
Hiện giờ đang là giữa mùa mưa tại Thái Lan, nhưng mực nước sông Mê Công đoạn chảy qua Thái Lan lại ở mức thấp chưa từng có tính từ một thế kỷ qua. Tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, mực nước sông Mê Công xuống chỉ còn 1.5m, mức thấp nhất trong suốt 100 năm qua, so với mực nước 12m cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 8m hàng năm. Còn ở Nong Khai, mực nước này là 80cm, so với mức 1,5 m của năm 2018. Trong khi đó, Cơ quan quốc gia về nguồn tài nguyên nước Thái Lan cho biết, mực nước ở 18 hồ chứa nước cung cấp cho các cánh đồng lúa nước ở miền trung và miền đông Thái Lan chỉ đạt 30%, không đảm bảo đủ lượng nước cho hoạt động trồng lúa nước. Trongn khi cách nay một năm, vào tháng 08/2018, 11 trong số những hồ nước trên đã tích đầy nước. Các nhà nghiên cứu khoa học và cư dân trong vùng lo ngại là đợt hạn hán này đặc biệt nghiêm trọng hơn, do các đập thủy điện ở thượng nguồn tạo ra những biến đổi lớn không thể đảo ngược trên dòng sông vốn là nguồn cung cấp nước cho một trong những khu vực trồng lúa nước lớn nhất Đông Nam Á. Vì thiếu nước tưới, chính quyền Thái Lan đã phải yêu cầu nông dân ngưng trồng thêm lúa. Bộ Ngoại Giáo Thái Lan cho biết họ đã mời đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan đến thảo luận về các biện pháp khắc phục khủng hoảng nước trên sông Mê Công do biến đổi khí hậu và hạn hán. Thái Lan cũng đã kêu gọi Lào mở đập Xayaburi xả nước xuống hạ lưu sông Mê Công. Bộ Ngoại Giao Thái Lan sau đó thông báo Trung Quốc và Lào đã xả nước từ các đập thủy điện và mực nước sông Mê Công tại tỉnh Nakhon Phanom đã dâng lên.
Trước sự phản đối của các nước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vừa phát đi thông tin cho biết nước này đã quyết định tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương để khắc phục phần nào hạn hán của các nước hạ nguồn Mê Công. Theo thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, toàn bộ lưu vực sông Lan Thương và sông Mê Công có lượng mưa thấp, khiến Trung Quốc và nhiều nước trong lưu vực gặp tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Lượng mưa bình quân tại lưu vực sông Lan Thương thuộc lãnh thổ Trung Quốc chỉ ở mức 728 mm, thấp hơn 34% so với hàng năm. Lượng nước dự trữ tại các hồ chứa phía thượng du đã xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử. “Mặc dù vậy, phía Trung Quốc vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo lưu lượng nước xả hợp lý của sông Lan Thương”. Thông cáo cho biết: “Dù lưu lượng dòng chảy ngoài lãnh thổ Trung Quốc của sông Lan Thương chỉ chiếm khoảng 13.5% lưu lượng dòng chảy ra biển của sông Mê Công, nhưng để hỗ trợ khắc phục phần nào tình hình hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mê Công, phía Trung Quốc quyết định từ ngày 24.1 sẽ tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương từ 850 m3/s lên 1000 m3/s, nhằm giải quyết phần nào nhu cầu cấp bách của các quốc gia khác thuộc lưu vực sông Mê Công”.
Theo phía Trung Quốc, lượng mưa bình quân giai đoạn trước lũ lên (tháng 1 đến tháng 4 năm 2019) giảm 37% so với cùng kỳ, lượng mưa bình quân giai đoạn lũ lên chính vụ và sau lũ lên (tháng 5 đến tháng 12) giảm 33% so với cùng kỳ, ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Lượng nước mặt đo tại trạm thủy văn Doãn Cảnh Hồng(Yun Jing Hong) sông Lan Thương vào năm 2019 giảm hơn 20% so với mọi năm. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Theo thống kê, tính đến ngày 21/1/2020, tỉnh Vân Nam có 15 dòng sông cạn nước, 43 hồ chứa khô hạn, 107 mẫu đất canh tác chịu cảnh hạn hán, 290.000 người và 100.000 đại gia súc gặp khó khăn về nước uống do hạn. Trung Quốc cho biết, mặc dù đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán gay gắt, nhưng Trung Quốc “sẵn sàng tăng cường hơn nữa chia sẻ thông tin và hợp tác về lĩnh vực nguồn nước với các quốc gia lưu vực Mê Công, để thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục khó khăn trước mắt”.
http://biendong.net/bien-dong/33083-thai-lan-dung-du-an-cai-tao-song-me-cong-do-tq-khoi-xuong.html

Cảnh sát Malaysia khuyên nhà tài phiệt bị truy nã Jho Low

 nên về nước nếu nhiễm COVID-19

Triệu Hằng
Trưởng thanh tra cảnh sát Malaysia cho biết, Low Taek Jho, nhà tài phiệt người Malaysia, người thường được biết dưới cái tên Jho Low, đã hoạt động tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), tâm điểm bùng phát dịch COVID-19.
“Trước đây chúng tôi đã nhận được thông tin tình báo rằng anh ta đang lẩn trốn ở Vũ Hán”, ông Abdul Hamid Bador, dẫn lời trưởng thanh tra cảnh sát Malaysia nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm 19/2, và nói thêm rằng không có thông tin mới nào về việc Low có rời khỏi Vũ Hán sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố này hay không.
Ông tiếp tục nói rằng nếu Low, người bị truy nã liên quan đến vụ bê bối tham nhũng Quỹ đầu tư Nhà nước Malaysia (1MDB) “chẳng may bị nhiễm virus” thì anh ta “nên về Malaysia, cơ sở y tế của chúng tôi là tốt nhất cho đến nay, với 9 bệnh nhân đã hồi phục đến thời điểm hiện tại”.
Ông Abdul Hamid, người trước đây đã hứa sẽ đưa Low trở về Malaysia vào Giáng sinh năm 2019, cũng nhấn mạnh rằng anh ta đã có tên trong Danh sách đỏ của Interpol nhưng không công khai.
Low, người đang bị truy nã ở một số khu vực tài phán, đã chạy trốn hơn một năm. Anh ta đã đi từ quốc gia này sang quốc gia khác để trốn tránh chính quyền trong khi người đàn ông mà chính phủ Malaysia xác định là đồng phạm của anh ta – cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak – đang bị xét xử vì hơn 40 tội danh tham nhũng và lạm quyền.
Theo chính quyền Hoa Kỳ, quỹ 1MDB đã bị đánh cắp tổng cộng là 4,5 tỷ USD, và lên tới 7 tỷ USD theo chính quyền của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, được cho là dùng để tài trợ cho các bộ phim Hollywood, mua đồ trang sức và túi xách của các nhà thiết kế cũng như các bức tranh của Monet và Basquiat, và ném vào các bữa tiệc với những người nổi tiếng trong danh sách hạng A.
Low từ lâu được cho là đang ẩn náu ở Trung Quốc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/canh-sat-malaysia-khuyen-nha-tai-phiet-bi-truy-na-jho-low-nen-ve-nuoc-neu-nhiem-covid-19.html

Ấn Độ khẳng định quan điểm ủng hộ

xây dựng COC khách quan, toàn diện

và bảo đảm lợi ích của tất cả các bên liên quan

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh (11-13/2), hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Đáng chú ý, Ấn Độ và Việt Nam nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông khách quan, toàn diện, bảo đảm lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Tại cuộc hội đàm giữa Phó Chủ tịch nước Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Tổng thống Ấn Độ Phó Tổng thống Venkaiah Naidu
Phó Chủ tịch nước Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những thành tựu mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã đạt được trong những năm gần đây, nhất là về kinh tế, khoa học vũ trụ, công nghệ thông tin; bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong những năm qua cũng như trong hiện tại khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời Việt Nam – Ấn Độ, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp và vui mừng trước những bước phát triển trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước đã được củng cố thông qua việc duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao hàng năm, nhất
trí sớm dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô New Delhi và tượng Mahatma Gandhi tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai nhà lãnh đạo cũng bàn những biện pháp thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhất là trên các trụ cột quan trọng như quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân. Hai bên hài lòng về sự phát triển của quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, nhất trí phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỷ USD trong năm nay. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các biện pháp cụ thể trong hợp tác thương mại song phương và giao cho các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các vấn đề kỹ thuật còn tồn tại nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh đáp ứng nhu cầu phát triển của hai nước.
Hai bên cho rằng, việc mở đường bay thẳng giữa hai nước có ý nghĩa thiết thực, tạo xung lực mới cho các hoạt động giao thương, du lịch và giao lưu nhân dân hai nước; nhất trí tăng cường phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, chia sẻ lập trường và phối hợp thúc đẩy hoà bình, ổn định tại Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Trong cuộc hội kiến giữa Phó Chủ tịch nước Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh và Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind
Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind tiếp tục khẳng định Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông và trong quan hệ với ASEAN, đặc biệt là trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thông báo kết quả chính của cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Ấn Độ. Tổng thống Ấn Độ rất hài lòng về việc gia hạn thêm 2 năm nữa cho hợp đồng chia lô sản phẩm dầu khí tại Lô 128 và cho rằng đây là lập trường rõ nét nhất về lập trường của Ấn Độ tại Biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì tần suất trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao hàng năm, cũng như các cơ chế hợp tác sẵn có giữa hai nước; tiếp tục thực hiện tốt các thoả thuận và cam kết đã ký, nhất là Chương trình Hành động 2017-2020; khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, làm ăn, mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực mới mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khoa học, công nghệ, năng lượng, năng lượng tái tạo, lọc hóa dầu; đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói viện trợ không hoàn lại và tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không hai nước kinh doanh, khai thác và mở mới các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước trong thời gian tới. Hai bên cũng nhất trí giao cho các bộ, ngành hai nước tiếp tục trao đổi tháo gỡ những tồn tại và vướng mắc trong thương mại và đầu tư nhằm sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD thương mại hai chiều trong năm nay; tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông khách quan, toàn diện, bảo đảm lợi ích của tất cả các bên liên quan.
http://biendong.net/bien-dong/33087-an-do-khang-dinh-quan-diem-ung-ho-xay-dung-coc-khach-quan-toan-dien-va-bao-dam-loi-ich-cua-tat-ca-cac-ben-lien-quan.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.