Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 14/01/2020

Tuesday, January 14, 2020 2:53:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 14/01/2020
Vụ giết dân Đồng Tâm

Nguyễn Phú Trọng

là người ra lệnh vụ đánh úp ở Đồng Tâm

Tin Vietnam.- Ngày 13 tháng 1 năm 2020, facebook Thanh Hieu Bui loan tin, bản thân ông Hiếu đã nhận được nguồn tin nội bộ nói rằng, chính Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước đã chỉ đạo, ra lệnh cho quân lính thực hiện vụ đánh úp ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội với khẩu hiệu phải làm “triệt để, cứng rắn”.
Sự việc không chỉ gây bất mãn trong dư luận mà ngay đến những viên chức hưu trí Cộng sản, những cựu quân nhân tuổi gần 80 cũng rất bất mãn với ông Trọng. Điều này khiến ông Trọng lo lắng nên điên cuồng chỉ đạo cấp dưới bằng mọi giá phải làm mạnh để dập tắt dư luận, đồng thời tạo ra những màn
kịch khác như tặng huân chương, tổ chức tang lễ cho những cảnh sát đã chết trong quá trình đi giết cụ Lê Đình Kình.
Ngoài ra, theo ông Hiếu thì đã có một nhóm 20 người thuộc đơn vị “bảo vệ nguyên thủ” đã trực tiếp tham gia vào vụ Đồng Tâm, giết cụ Kình và 3 cái chết “bí ẩn” của cảnh sát. Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, có thể đặt nghi vấn về nguyên thủ nào đó đã chỉ thị nhóm này thực thi một nhiệm vụ tối mật.
Trong một bối cảnh khác, ngày 13 tháng 1, đài truyền hình VTV của nhà cầm quyền đã phát một đoạn video dài hơn 6 phút với hình ảnh về những người con, và cháu của cụ Kình đang “nhận tội”. Theo đó, con nuôi và con ruột cụ Kình thì phải đổ tội do cha mình “cầm đầu”, còn cháu cụ thì phải đổ tội cho bố và ông mình “cầm đầu”. Ngoài lời thú tội, thì cả 4 người đều xuất hiện trong tình trạng mặt đầy thương tích với các vết bầm, các vết trầy mà dư luận cho là họ đã bị chích điện, và đánh đập để ép cung nhận tội. Hình ảnh này xuất hiện sau 5 ngày họ bị bắt, vì vậy các vết thương có để đã mờ đi.
Nhiều người cũng bày tỏ lo ngại, đây chỉ là phần nổi vì rất có thể trong cơ thể họ có nhiều thương tích khác. Điều này cũng phù hợp với thông tin mà bà Dư Thị Thành, vợ cụ Kình đã nói sau khi được thả ra. Bản thân bà đã bị công an đánh đập liên tục để ép cung.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguyen-phu-trong-la-nguoi-ra-lenh-vu-danh-up-o-dong-tam/

Huân chương Chiến công cho phía bắn chết dân

 nhằm chạy tội và hợp thức hóa việc cướp đất!

Diễm Thi, RFA
Nhiều khuất tất
Rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, chính quyền thành phố Hà Nội huy động lực lượng cảnh sát cơ động, công an đến xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội bắt giữ một số người mà họ cho là chống đối chính quyền trong vụ tranh chấp đất ở khu đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Cổng thông tin điện tử Bộ Công an sau đó xác nhận có “3 chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương”.
Ngày 10 tháng 1 năm 2020, tức chỉ một ngày sau đó, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 viên chức công an thiệt mạng gồm Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, phó trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Trung úy Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ tiểu đoàn 1, trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an; Thượng úy Phạm Công Huy, cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn – cứu hộ khu vực 3, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Công an.
Lý do để trao huân chương được nói là ba người đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của cụ Lê Đình Kình (một cụ già 84 tuổi, người bị cáo buộc là đối tượng chống đối), nói với RFA sáng 13 tháng 1:
“Theo tôi thì hơi vội vàng và mâu thuẫn với thực tế xảy ra. Theo thông tin trên mạng thì nguyên nhân cái chết của ba chiến sĩ công an này có thể là do té xuống giếng trời nhà ông Kình, thế nhưng lại tuyên dương công trạng là hy sinh vì lợi ích bảo vệ trật tự an ninh.
Bây giờ người dân, trong đó có tôi, đang thắc mắc là có thật sự hy sinh theo đúng cái nghĩa của từ “hy sinh” hay không.
Trong quyết định khen thưởng, nội câu nói ‘chiến đấu và phục vụ chiến đấu’ cho thấy việc xử lý vụ Đồng tâm là xác định đây là cuộc chiến giữa người dân và chính quyền. Thế mới trớ trêu!”
Theo Luật Thi đua, Khen thưởng được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, Huân chương Chiến công hạng nhất để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân công tác trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Dân quân tự vệ và trong các tầng lớp nhân dân vào mỗi dịp tổng kết, khi cá nhân này lập được chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không vi phạm khuyết điểm lớn; Chủ động, mưu trí, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia hoặc tấn
công tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý và các loại tội phạm khác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
Với việc truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 công an chết trong vụ Đồng Tâm, Trung tá quân đội Đinh Đức Long cho rằng đây có lẽ là điều chưa từng có trong lịch sử phong tặng các danh hiệu cao quý, nhất là huân chương chiến công hạng nhất trong lực lượng vũ trang quân đội nhân dân Việt Nam cũng như lực lượng công an. Ông giải thích:
“Quy trình phong tặng huân/huy chương thì phải từ dưới lên. Nghĩa là phải có hội đồng thi đua khen thưởng báo cáo thành tích rồi các cấp xét duyệt. Đằng này mới chết hôm 9 tháng 1 thì ngày 10 tháng 1, Tổng bí thư – Chủ tịch nước đã ký ngay quyết định phong tặng huân chương chiến công hạng nhất cho ba chiến sĩ công an.”
Trao đổi với tư cách là một người dân, anh Phạm Minh Vũ, người từng thụ án 18 tháng tù theo điều 258 Bộ Luật Hình sự VN vào tháng 2 năm 2015 nói với RFA cho rằng đây là chuyện “lố bịch” và phi lý:
“Với tư cách là một người dân thì tôi thấy đó là một điều ngạo mạn và lố bịch, bởi trong một đất nước vào thời bình mà lại trao huân chương kháng chiến hạng nhất trong chiến đấu. Một điều phi lý nữa là các chiến sĩ công an vào trấn áp một ngôi làng tại thủ đô vào ban đêm, nên cá nhân tôi thấy việc truy tặng huân chương này nhằm chạy tội cho việc giết cụ Kình và hợp thức hóa việc cướp đất ở Đồng Sênh”.
Chủ trương của đảng?
Ngoài việc Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định truy tặng huân chương chiến công hạng nhất, hôm 11 tháng 1, Đại tướng Tô Lâm, cùng lãnh đạo các đơn vị đã đến thăm, chia buồn và động viên gia đình 3 công an này. Cùng ngày, kiểm tra công tác của lực lượng Cảnh vệ CAND, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã biểu dương sự hy sinh của ba chiến sĩ công an, là tấm gương về xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia và nêu rõ, cần xử lý nghiêm các đối tượng chống đối lại Đảng, Nhà nước và lực lượng chức năng.
Ông Đinh Đức Long cho rằng việc này là chủ trương của đảng chứ không chỉ của thành phố Hà Nội:
“Đây là chủ trương của đảng chứ còn gì nữa. Thứ nhất, ông Nguyễn Phú Trọng là TBT, Chủ tịch nước, Bí thư quân ủy trung ương, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang, quân đội và công an; Thứ hai là ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng, ủy viên Bộ chính trị, là Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng; Thứ ba là Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an, ủy viên Bộ chính trị, thành viên Hội đồng Quốc phòng. Ba người đó thay mặt cho Bộ chính trị, thay mặt cho đảng, Nhà nước và Chính phủ. Như vậy là có chủ trương họ mới làm.”
Theo ông Long, sở dĩ có chủ trương truy tặng ‘tốc hành’ như vậy là để chứng tỏ những người này có công, để dẹp dư luận. Bên cạnh đó, trong cuộc tấn công rạng sáng 9 tháng 1, phía chính quyền được trang bị tận răng, có cả chó nghiệp vụ, thời điểm tự chọn, đánh vào dân thường mà mất những sĩ quan cỡ đại tá, vì vậy họ phải vinh danh những công an đã chết để động viên tinh thần những sĩ quan công an khác.
Theo thông báo từ Bộ Công an, 3 công an thiệt mạng trong vụ Đồng Tâm sẽ được tổ chức lễ tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội vào sáng ngày 16 tháng 1.
Về phía dân, ngoài cụ Lê Đình Kình bị bắn chết một cách bất minh, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố 22 bị can với các tội danh “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”.
Ông Đinh Đức Long kết luận:
“Có nổ súng là có chiến đấu, nhưng vấn đề là không phải là chiến đấu với giặc, mà là chiến đấu với dân. Lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ mà lại chĩa súng vào dân.”
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương đảng cộng sản VN, vào ngày 13 tháng 1 có lời ai điếu cho cụ Lê Đình Kình, người bị giết vào rạng sáng 9/1 rằng “Nửa đêm, theo một lệnh rất thất nhân tâm, không còn tính người, bất chấp luật lệ, một lực lượng lớn xưng là Quân đội Nhân dân, đã xông vào nhà cụ một cách trái phép, đã bắn Cụ chết….
Lịch sử sẽ ghi lại tội ác dã man, ghi lại như một vết nhơ của chế độ tự xưng là ‘Vì Nhân Dân quên mình’!”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/unclear-in-the-dedication-of-the-victory-medal-to-three-police-officers-dt-01132020141257.html

22 công dân Đồng Tâm bị khởi tố

về cáo buộc giết người, chống người thi hành công vụ

3 công an được cho là đã tử nạn trong vụ tấn công vào tư gia của cụ Lê Đình Kình (Dân Trí, VTV1)
Tin từ Hà Nội: Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 22 bị can trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) vào ngày 09/01 với ít nhất 4 người bị chết, bao gồm 3 sỹ quan cảnh sát.
Theo báo chí nhà nước cộng sản, một viên chức cao cấp của Sở Công an Hà Nội cho biết công an thành phố đang tạm giữ 26 người, 20 người trong số này bị cáo buộc “giết người,” 2 người bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và 4 người còn lại có thể bị 1 trong hai cáo buộc trên.
Trong số những người bị cáo buộc giết người có hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức là con trai của cụ Lê Đình Kình, và hai anh Lê Đình Doanh và Lê Đình Quang- là cháu nội của cụ. Trước đó có tên ông Công và ông Chức bị phía công an bắn chết.
Trước đó, vào ngày 09/1, công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án với 3 cáo buộc: “giết người,” “tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép,” và “chống người thi hành công vụ.”
Trong bản tin 19h ngày 13/1, kênh truyền hình quốc gia VTV1 có đưa hình ảnh của bốn công dân Đồng Tâm là ông Lê Văn Công, bà Bùi Thị Nối, các anh Lê Đình Doanh và Lê Đình Quang với lời thú tội. Dường như họ đã bị tra tấn và ép phải thú tội, căn cứ vào những vết tím bầm trên mặt của họ.
Như tin đã đưa, Bộ công an cộng sản và Sở công an Hà Nội đã điều động hàng nghìn công an với nhiều vũ khí tối tân về xã Đồng Tâm vào chiều tối ngày 08/1 và vào đêm đó đã tấn công vào làng Hoành, cụ thể là tư gia của cụ Lê Đình Kình. Cảnh sát đặc nhiệm đã bắn phá và xông vào giết chết cụ Kình bằng 4 phát đạn trước sự chứng kiến của cụ bà, người cũng bị bắt đi và tra tấn để buộc phải khai theo ý của công an.
Khoảng 30 người đã bị bắt giữ vào sáng ngày 09/1 và một số người được trả tự do trong ngày.
Dường như chế độ cộng sản Việt Nam chưa hài lòng với việc bắn chết cụ Kình ngay trên giường của cụ, mà sẽ xét xử thật nặng những người còn lại để trả thù cho cái chết của 3 sỹ quan cảnh sát trong vụ tấn công.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/22-cong-dan-dong-tam-bi-khoi-to-ve-cao-buoc-giet-nguoi-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu/

Có một cuộc tấn công song song với Đồng Tâm

Tin Vietnam.- Ngày 14 tháng 1 năm 2020, trên cộng đồng mạng facebook Việt Nam loan truyền một văn bản của lực lượng có tên là Fanpage Hồ sơ diệt phản có nội dung chỉ đạo tổng tấn công Fanpage Café Ku Búa.
Theo đó, Thông báo này cho rằng, các thế lực thù địch ngày càng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, kích động người dân bằng các Fanpage như Café Ku Búa, Việt Tân, Thân Hữu việt Tân Úc Châu, RFA và một số Fanpage khác. Vì vậy để ngăn chặn các trang trên, Ban quản trị Fanpage Hồ sơ diệt phản đã chỉ đạo lực lượng dư luận viên của nhà cầm quyền phải thực hiện tổng tấn công các fanpage này.
Và Fanpage đầu tiên phải tấn công, “tiêu diệt” là Café Ku Búa. Thời gian của “trận đánh” là từ 10 giời tối đến 11 giờ tối ngày 10 tháng 1 năm 2020. Với phương pháp đánh là truy cập vào trang Fanpage Café Ku Búa, sau đó tìm phần “Hỗ trợ hoặc báo cáo trang”, tiếp đến là chọn mục “Ngôn từ gây thù ghét hoặc Quấy rối”, cuối cùng là mục “đó là người khác”. Sau khi hết lượt báo cáo, thì đội ngũ dư luận viên hay còn gọi là AK47 tiếp tục sang báo cáo 3 bài viết gần nhất với nội dung “tin giả”.
Thông báo này khuyên rằng, nên tập trung báo cáo 1 hoặc 2 vấn đề sẽ hiệu quả cao hơn. Thông báo này cho thấy rằng, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam rất sợ sự thật bị bóc mẽ. Chính vì vậy, song song với cuộc đánh úp ở Đồng Tâm thì nhà cầm quyền cũng thực hiện một cuộc chiến khác trên mặt trận thông tin truyền thông.
Họ không chỉ huy động cả chục ngàn dư luận viên dùng những từ ngữ thiếu văn hoá để tấn công các báo đài tự do, và người dân bất đồng chính kiến, mà hàng trăm báo, đài của nhà cầm quyền cũng đã dựng lên rất nhiều kịch bản khác nhau để đổ hết tội lên một người đã bị giết là cụ Kình với mục đích che dấu tội ác của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/co-mot-cuoc-tan-cong-song-song-voi-dong-tam/

Lên tiếng vụ Đồng Tâm!

Nhiều cá nhân, tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước và quốc tế lên tiếng về việc vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 lực lượng chức năng Nhà nước Việt Nam được trang bị vũ khí tấn công vào làng Đồng Tâm giết chết cụ Lê Đình Kình, bắt đi nhiều người chỉ vì khu đất tranh chấp.
Tuyên bố trong nước về Đồng Tâm!
Bản Tuyên bố làm ngày 9/1/2020 nêu rõ, “từng tấc đất trên toàn cõi Việt Nam đều thấm đẫm máu đào bao thế hệ tiền nhân người dân Việt Nam khai khẩn, gìn giữ, chống ngoại xâm mới có, trong đó có gia đình cụ Lê Đình Kình và xã Đồng Tâm. Khi có chiến tranh mỗi tấc đất đều là đất quốc phòng, nhưng đồng thời Đất nước không để thiệt hại cho riêng bất cứ ai khi đất đai chính đáng của riêng họ, nếu nhà nước trưng dụng thì người dân phải được quyền thương lượng, và phải được bồi thường thỏa đáng theo pháp luật trước khi dân giao đất.”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu – Ban Dân vận Trung ương, người đại diện nhóm Lập Quyền Dân ký tên vào bản tuyên bố nói với RFA ngày 13/1 về lý do đưa ra bản tuyên bố này.
“Thứ nhất là những cái đảo điên về luật pháp, dùng nhiều biện pháp rất là ác độc đối với dân trong một vụ án tranh chấp đất đai. Thực chất người dân Đồng Tâm đã canh tác lâu đời trên cánh đồng Sênh cách sân bay Miếu Môn một con đường quốc lộ và người dân có đủ chứng lý về mảnh đất ấy chưa phải là đất của sân bay nó nằm ngoài quy hoạch sân bay. Bản đồ sân bay cũ mà ông Đồng và ông Mười thay nhau làm thủ tướng xác định họ cố tình đất mất và tạo ra một bản đồ mới mà sau này không phải của Chính phủ. Đây là những vấn đề tráo trở trong luật pháp, một vụ án dân sự, tranh chấp tính hợp pháp của một quyết định thu hồi đất của nông dân. Đáng lẻ những vấn đề đó phải được đưa ra tòa án dân sự để giải quyết cho nó đàng hoàng, tìm mọi chứng lý để xác định đó là có thật, bao gồm bản đồ sân bay có 59 ha đất Đồng Sênh thì người dân sẽ chấp nhận.”
Ngoài ra, ông Nguyễn Khắc Mai còn cho biết thêm; “Không ai đi cưỡng chế vào lúc 3g sáng hết mà luật thì cấm việc cưỡng chế từ 15 tháng chạp trở đi để người dân ăn tết và luật cũng nói rõ không đi làm công vụ thì làm đàng hoàng ban ngày ban mặt thì tại sao lại làm cái trò mèo này nên đó là vấn đề. Sự mất mát của người dân nhiều làm uy tín của chính quyền này mất đi nhiều nên vì thế chúng tôi buộc phải có một tiếng nói yêu cầu làm rõ vụ việc và đối xử nhân đạo với dân.”
Kỹ sư Trần Bang, thành viên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng từ Sài Gòn, người ký tên vào bản tuyên bố nhận định với RFA: “Đối với nhà dân tại một làng quê hiền lành như vậy mà họ dùng mấy ngàn người bao vây, cắt điện cát mạng làm đủ trò, mang vũ khí để trấn áp rồi gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, nó thể hiện nhà nước bất lực, vô pháp. Ví dụ nhóm ông Kình có sai thì họ có thể hoàn toàn đưa ra xét xử, giả sử ông Kình không ra xét xử thì hoàn toàn có thể xử vắng mặt, đây không xét xử mà vào xử bắn người ta như thế thì theo tôi là việc hành quyết mà chỉ có chính phủ mafia mới làm như thế, tôi hoàn toàn bất an với nhà nước này, thích giết ai là người ta tới tận nhà giết bảo là có tôi, không có tòa án, viện kiếm sát, luật sư hay những định chế của luật sư đều vô nghĩa hết.”
Bản Tuyên bố yêu cầu nhà chức trách Việt Nam phải chấm dứt ngay việc dùng vũ trang, bạo lực dưới mọi thức thức trong việc giải quyết vấn đề đất đai với dân Đồng Tâm và các địa phương tại Việt Nam. Chữa trị và bồi thường cho người dân Đồng Tâm và không được ngăn cản người dân và các tổ chức đến giúp đỡ. Điều tra khách quan trung thực về xung quanh vụ đổ máu này. Công khai minh bạch toàn bộ vụ việc. Khởi tố những kẻ chủ mưu và cuối cùng là trả lại quyền Tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam.
Bên ngoài cùng lên tiếng
Vào ngày 11/1/2020 Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) có trụ sở tại thành phố Westminster, California cũng lên tiếng về vụ việc được mô tả là thảm cảnh tại xã Đồng Tâm hôm 9/1/2020. Theo đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã huy động lực lượng an ninh đông đảo lên đến hàng ngàn người bao vây tấn công những dân oan tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Theo Mạng Lưới Nhân Quyền  Việt Nam thì lực lượng an ninh đã sử dụng súng, chất nổ, lựu đạn cay, chó nghiệp vụ… tấn công vào gia đình ông Lê Đình Kình, người lãnh đạo tinh thần của tập thể dân oan Đồng Tâm và khiến ông tử vong. Cuộc tấn công gây thương tích cho nhiều người gồm phụ nữ và trẻ sơ sinh và một số dân oan cũng đã bị bắt đi.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng trưởng Ban Phối Hợp MLNQVN chia sẻ với RFA hôm 13/1/2020:
“…Vụ Đồng Tâm như là giọt nước tràn những vấn đề nhức nhối bao lâu nay: đó là quyền tư hữu đất đai. Bởi vì khi lên tiếng về vấn đề Đồng Tâm, Mạng lưới Nhân quyền dựa vào những cái tiêu chuẩn hoạt động của mình về nhân quyền trong đó có quyền tư hữu và đặc biệt là tư hữu đất đai của người dân Việt Nam rất là quan trọng. Từ khi chính quyền nắm quyền đến nay với chủ trưởng sở hữu đất đai của nhà nước thì đó là sự vi phạm nghiêm trọng vô cùng đối với luật quốc tế nhân quyền. Kết cục của Đồng Tâm quá thê thảm, nhà nước họ dùng bạo lực một cách thô bạo nên vì lý do đó Mạng lưới nhân quyền mới lên tiếng.”
Trong bản lên tiếng, MLNQVN đưa ra 4 vấn đề: thứ nhất lên án việc sử dụng vũ lực để giết hại người dân khi họ tranh đấu bảo vệ quyền sở hữu đất đai. Thứ hai nhà cầm quyền Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng cho người dân về những thiệt hại nhân mạng và tài sản do những hành vi bạo lực của các lực lượng cưỡng chế. Thứ ba, phải tái lập quyền tư hữu đất đai cho người dân, ngưng ngay việc cưỡng chiếm đất đai đi ngược lại luật nhân quyền quốc tế, và trả lại những bất động sản bị Nhà nước tịch thu cho sở hữu chủ hợp pháp.
Và cuối cùng, MLNQVN kêu gọi Liên Hiệp Quốc, các quốc gia tôn trọng công lý và các tổ chức nhân quyền trên thế giới quan tâm và lên tiếng hành động đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Đồng Tâm nói riêng và nạn nhân của các vụ cưỡng chế đất đai nói chung tại Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng khẳng định, không chỉ riêng MLNQVN lên tiếng mà nhiều tổ chức quốc tế họ cũng đang lên tiếng về điều này, nhiều vấn đề đã được nhắc đến thì nó sẽ được dư luận và cộng đồng quốc tế để ý hơn
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/speaking-out-dong-tam-01132020153014.html

Bộ Công an giải trình lý do đưa quân đến Đồng Tâm

Cảnh sát cơ động vào thôn Hoành lúc rạng sáng 9/1 để ‘kịp thời bảo vệ người dân’ trước lời đe dọa của nhóm chống đối.
Ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu như vừa nêu hôm 14/1/2020 tại Hội nghị giao ban báo chí.
Cụ thể, Thứ trưởng Quang cho rằng, an ninh tại xã Đồng Tâm diễn biến đặc biệt phức tạp từ tháng 7/2019, khi tổ ‘đồng thuận’ do ông Lê Đình Kình đứng đầu đã phản đối kết luận thanh tra khẳng định ‘toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng’, và tổ này đã tuyên bố ‘sẵn sàng hy sinh, đổ máu để giữ đất, chống đối việc xây tường rào’ tại sân bay Miếu Môn.
Cũng theo ông Quang, khi việc xây tường rào được Bộ Quốc phòng triển khai, bắt đầu từ khu vực giáp ba xã của huyện Chương Mỹ, rồi tới xã Đồng Tâm, một số người trong ‘tổ đồng thuận’ đã chặn xe chở vật liệu, ‘tự lột quần áo giữa đường để gây rối’, dọa gây nổ cây xăng Miếu Môn, dọa nổ nhà chủ tịch xã, dọa bắt cóc người già, trẻ em…
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, sở dĩ rạng sáng Công an Hà Nội đưa quan vào lập các chốt an ninh trong xã, vì theo kế hoạch, ngày 9/1, tường rào sẽ xây đến khu vực Đồng Sênh của xã Đồng Tâm.
Ông Quang dẫn nguồn tin từ Bộ Công an thông báo ‘khi đi đến làm nhiệm vụ tại cổng làng Hoành, cán bộ của chốt số 16 bị ném quả nổ, bom xăng và bị phi dao phóng lợn’. Khi bị cảnh sát truy đuổi, hơn 20 người chạy vào các căn nhà nằm sát nhau của Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Chức, ném chai xăng từ tầng 2-3 xuống dưới.
Cũng theo Bộ công an, trong nửa tiếng trấn áp, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 30 người, thu 8 lựu đạn tại hiện trường, 38 chai bom xăng, 12 tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, một khẩu súng bắn điện, một thanh kiếm, một búa. Ông Kình ném một quả lựu đạn nhưng không nổ, tay còn cầm một quả khác.
Cũng tại Hội nghị giao ban báo chí hôm 14/1, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng ‘Bố con, anh em ông Kình nhận tiền từ phần tử chống đối’… số tiền thu được của ‘tổ đồng thuận’ phần lớn chia cho gia đình Lê Đình Kình, cảnh sát còn thu giữ tài liệu ghi chép thu chi và kêu gọi của tổ chức nước ngoài.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-public-security-explained-the-reason-for-bringing-the-police-to-dong-tam-01142020081454.html

Đồng Tâm: Bộ Công an Việt Nam nói

‘không có lệnh bắt giữ” khi ‘lực lượng vào thôn Hoành’

Bộ này cũng nói triển khai quân vào rạng sáng là để ‘đảm bảo an toàn cho người dân và hoạt động xây dựng tường rào’.
Sáng 14/1, ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam thông tin với lãnh đạo các cơ quan báo chí về diễn tiến vụ Đồng Tâm xảy ra vào đêm mùng 8, rạng sáng ngày 9/1.
“Không có lệnh bắt giữ”
Theo đó, hôm 9/1, Công an Hà Nội có kế hoạch triển khai một số chốt bảo vệ ở đồng Sênh “nhằm đảm bảo an toàn cho trụ sở xã, cán bộ xã, cán bộ thôn” khi Bộ Quốc phòng xây tường rào sân bay Miếu Môn tới khu vực này.
Đồng Tâm: Đám tang ông Lê Đình Kình bị phong tỏa?
Tranh chấp đất Đồng Tâm: Máu đổ, người chết
Đồng Tâm: Con ông Lê Đình Kình bị khởi tố
Bộ Công an cũng xác định “20 đối tượng trọng điểm để ngăn ngừa”.
“Khi lực lượng chức năng đang triển khai các chốt thì các đối tượng tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng lợn hàn tuýp sắt. Chúng ta đã tuyên truyền, dùng loa thuyết phục. Nhưng các đối tượng rất manh động, sau khi tấn công thì chúng rút vào mấy nhà ông Lê Đình Kình và nhà ông Lê Đình Công gần đó, tiếp tục tấn công từ trong nhà ra,” ông Quang nói.
Ông này nhấn mạnh thêm: “Đây là phạm tội quả tang, nên lực lượng chức năng triển khai phương án vây bắt,” ông Quang được trích lời trên tờ Pháp luật TP HCM online.
Ông Quang cũng xác nhận “hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ”, và “không có lệnh bắt giữ”.
Triển khai quân vào sáng sớm để ‘bảo vệ người dân’
Giải thích lý do triển khai quân vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào sáng sớm [khoảng 3 - 4 giờ sáng], ông Quang cho hay mục tiêu ban đầu là đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và hoạt động xây dựng tường rào, theo VnExpress.
Bốn người trong gia đình ông Kình hiện ‘vẫn chưa có tin tức gì’, bà Dư Thị Thành nói
Ông Quang cũng giải thích tình huống xảy ra “va chạm” khiến 3 công an và cụ Kình thiệt mạng.
Ông nói, do “trinh thám” nên biết được các đối tượng chống đối “có âm mưu đốt trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, cây xăng, cản trở việc xây tường rào”…
Do đó, “phải bố trí lực lượng vào thôn Hoành, để bảo vệ công trình từ xa”.
“Phải nổ súng”
Ông Quang cũng nói là do các “đối tượng ném lựu đạn” vào lực lượng từ nhà ra, nên “lực lượng chức năng được tiến hành các biện pháp cần thiết”, do đó là “phạm pháp quả tang”.
Ông Quang cũng xác nhận 3 công an thiệt mạng là do ngã xuống giếng trời giữa hai nhà, và rằng “các đối tượng” sau đó đã phóng hỏa bằng cách ném chai xăng từ tầng hai, tầng ba xuống.
Ông Quang cũng phủ nhận hố này là “bẫy chông”.
“Trước tình huống đó thì phải nổ súng” – ông Quang nói.
Trước đó, truyền thông Việt Nam loan tin, Công an Thành phố Hà Nội cho biết đã có quyết định khởi tố bắt tạm giam 22 người trong vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm hôm 9/1.
20 người bị khởi tố “về hành giết người” gồm:
Lê Đình Chức, Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Nguyễn Văn Tuyến, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Niên, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Quân và Trịnh Văn Hải.
Hai người bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ gồm: Lê Đình Hiển và Bùi Viết Tiến.
“Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội đang tạm giữ hình sự các đối tượng Nguyễn Xuân Điều, Trần Thị Phượng, Đào Thị Kim để làm rõ hành vi giết người và Nguyễn Thị Dung về hành vi chống người thi hành công vụ,” báo Thanh Niên đưa tin.
“Thú tội trên truyền hình”
Tối 13/1, ba người nhà ông Lê Đình Kình là Lê Đình Công, Lê Đình Doanh và Lê Đình Quang, cùng một người dân Đồng Tâm, xuất thiện ‘thú tội’ trên truyền hình Việt Nam với các gương mặt thâm tím.
Đoạn phóng sự này được phát đi ngay sau khi trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video trong đó bà Dư Thị Thành, vợ cụ Lê Đình Kình, nói bốn người nhà hiện vẫn đang mất tích.
Theo luật sư Luân Lê, việc nhận tội trên truyền hình là một việc làm “không đúng nguyên tắc’.
Trên Facebook cá nhân, luật sư Luân Lê viết:
“Việc thú nhận tội trên truyền hình là một việc làm không đúng nguyên tắc chứng minh và kết tội. Nó không đảm bảo là chứng cứ để sử dụng trong vụ án, thậm chí nó còn là chứng cứ chứng minh sự vi phạm của cơ quan tố tụng tại một giai đoạn tố tụng tiếp theo nào đó. Việc thú nhận tội trên truyền hình cũng làm cho bản chất vụ án bị hiểu sai đi, việc chứng minh bị làm cho thay đổi và việc kết tội trở nên là hiển nhiên (vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội).”
“Mọi chứng cứ và việc chứng minh phải qua một quá trình tố tụng và chỉ được xem xét thẩm tra trực tiếp tại phiên toà chứ không phải là cảnh sát. Cảnh sát chỉ thu thập và đánh giá ở giai đoạn của mình, nên nó vẫn chưa đảm bảo là chứng cứ được buộc tội, mà phải bảo vệ tại toà án.”
“Chính vì thế mà ở mô hình tố tụng tranh tụng ở các nước văn minh trên thế giới, họ phải đưa ra một phiên toà sơ bộ gọi là phiên toà xem xét chứng cứ để xem chứng cứ nào bị loại và chứng cứ nào có thể được sử dụng, nhưng các chứng cứ được sử dụng này vẫn phải được tranh tụng một lần nữa tại phiên toà giải quyết vụ án.”
“Nếu tiếp tục đưa việc thú nhận tội lên truyền hình là đang vi phạm các nguyên tắc chứng minh và chứng cứ trong tố tụng hình sự.”
Tường thuật của Thông Tấn Xã
Thông Tấn Xã Việt Nam, hãng tin chính thống của chính phủ Việt Nam, chiều ngày 14/1 đăng bài tường thuật buổi họp báo của Thứ trưởng Lương Tam Quang.
Bài này công bố các tình tiết như sau:
“Trung tướng Quang tường thuật sự việc: “Khi lực lượng chức năng đang triển khai các chốt đảm bảo an ninh ở khu vực cổng thôn Hoành thì có khoảng 20 đối tượng tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng lợn hàn tuýp sắt tấn công lực lượng chức năng. Lực lượng Công an đã tuyên truyền, dùng loa thuyết phục. Nhưng các đối tượng rất manh động, sau khi tấn công thì chúng rút vào mấy nhà ông Lê Đình Chức, Lê Đình Kình, tiếp tục tấn công tổ công tác từ trong nhà ra. Tổ công tác đã dùng loa kêu gọi các đối tượng nhưng chúng vẫn ngoan cố, tấn công quyết liệt hơn, tiếp tục ném lựu đạn, bom xăng vào tổ công tác, sau đó rút vào cố thủ trong nhà Lê Đình Chức, Lê Đình Hợi, Lê Đình Kình”.
Do đó, tổ công tác đã tiến hành vây bắt các đối tượng phạm tội quả tang theo quy định pháp luật. Quá trình truy đuổi, các đối tượng tiếp tục dùng bom xăng, tuýp sắt gắn dao tiếp tục tấn công tổ công tác.
Tổ công tác ba người, gồm: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, trong quá trình truy đuổi đã bị ngã và rơi xuống hố kỹ thuật (sâu khoảng 4m), nằm giáp sau nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức. Khi biết 3 chiến sỹ bị ngã xuống hố thì các đối tượng đổ xăng, ném bom xăng, phóng hỏa thiêu chết 3 chiến sỹ” – ông Quang nói và khẳng định “không có chuyện đào hố chông, rải mảnh sành như tin đồn”.
“Khi biết 3 chiến sỹ ngã xuống hố, Lê Đình Doanh là đối tượng đổ xăng vào chậu đưa cho Lê Đình Chức đổ xuống hố, rồi châm lửa ném xuống để thiêu chết 3 cán bộ, chiến sỹ” – Trung tướng Quang cho biết, đây là lời khai ban đầu của các đối tượng.
“Trước tình huống đó thì phải nổ súng” – ông Quang nói và cho biết trong vòng nửa tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 30 đối tượng, thu giữ tại hiện trường các vụ khí, vật liệu nổ. Khi truy bắt, một đối tượng bị chết là Lê Đình Kình, đối tượng bị thương là Lê Đình Chức (con trai của Kình). Khi lực lượng chức năng tiến vào nhà, trên tay Lê Đình Kình vẫn còn cầm một quả lựu đạn.”
https://www.bbc.com/vietnamese/51102036

Đại Biểu Quốc Hội giúp gì cho dân

trong khiếu kiện đất đai?

Người dân tại khắp các địa phương ở Việt Nam trên danh nghĩa đều có những người đại diện cho họ tại Quốc Hội. Trong thực tế những vị đại biểu quốc hội giúp được gì cho dân trong khu vực họ đại diện khi nảy sinh tranh chấp như vụ Đồng Tâm?
Không đối thoại mà lại dùng bạo lực!
Khả năng những vụ khiếu kiện về đất đai có thể giải quyết được đến đâu là câu hỏi mà RFA nêu ra với ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, hôm 13 tháng 1 và nhận được câu trả lời:
“Khiếu kiện đất đai cũng có trường hợp do chính quyền chưa làm tốt công tác đối thoại với người dân, chưa giải quyết triệt để những ý kiến, kiến nghị của người dân, cho nên vẫn còn tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.”
Cho đến lúc này nhiều người chưa hết bàng hoàng về vụ vào sáng sớm ngày 9/1, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội để tiêu diệt, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối yêu cầu giao đất cho chính quyền.
Đụng độ đã xảy ra tại Đồng Tâm giữa cảnh sát và người dân khiến ít nhất 4 người thiệt mạng bao gồm 3 công an và một dân thường, theo thông báo chính thức từ Bộ Công an.
Truyền thông trong nước trích thông tin từ Bộ Công an cho biết có khoảng 30 người chống đối ở Đồng Tâm và tất cả đã bị bắt giữ hôm 9/1.
Theo ông Lê Văn Cuông, vấn đề đất đai luôn là vấn đề nóng, nhiều đại biểu quốc đã nêu lên vấn đề cụ thể ở các địa phương, cũng có nhiều kiến nghị không những sửa đối pháp luật về đất đai mà còn đề nghị các cấp chính quyền phải đối thoại để giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài. Bởi vì gần 80% các khiếu kiện là liên quan đến đất đai.
Đại biểu quốc hội từng nói gì?
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Thường vụ Quốc hội, khi trả lời báo chí trong nước hôm 26/11/2019  liên quan tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm cho rằng: ‘Nếu công khai minh bạch mọi vấn đề thì câu chuyện sẽ rất đơn giản. Tôi cũng biết người dân ở Đồng Tâm rất bao dung. Tôi nghĩ người dân của chúng ta nói chung và người dân ở Đồng Tâm đều rất tốt.’
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, trong giải quyết vụ việc này cơ quan chức năng làm thế nào để người dân nghĩ thật tốt về cơ quan nhà nước, về chính quyền, tạo sự tương hỗ cùng nhau xây dựng đất nước. Các cơ quan nhà nước đừng gây ra điều gì bức xúc cho người dân khi giải quyết vụ việc.
Hay như phát biểu của ĐBQH Dương Trung Quốc, thuộc đoàn Đồng Nai, khi nói về vụ Đồng Tâm trước Quốc hội sáng 31/5/2019 cho rằng: ‘Trong việc này tôi nghĩ rằng Chính phủ nên nhìn nhận một cách hết sức khách quan thì sẽ nhận được lòng tin của người dân’.
Tuy nhiên, sự việc sáng sớm ngày 9/1, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội, lại trái ngược hoàn toàn với lời ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và ĐBQH Dương Trung Quốc.
Nói và làm có đi đôi?
Thật sự các ĐBQH nói chung, quan tâm đến tranh chấp, khiếu kiện đất đai của người dân như thế nào? Hay chỉ là những nói không đi đôi với hành động?
Trả lời RFA hôm 13/1, anh Trịnh Bá Tư, một dân oan mất đất nói:
“Theo tôi, các ông ĐBQH là đại biểu cho đảng CS thì đúng hơn, mà QH thì cũng thuộc đảng CS, đáng lý ra họ phải đại diện cho dân thì họ chỉ làm việc theo sự chỉ đạo của đảng CS, gần như họ chẳng có sự tiếp xúc hay hỗ trợ gì cho dân, họ thông qua những dự luật được Bộ chính trị thông qua, và những luật đấy không giải quyết được quyền lợi đất đai của người dân, và nó không giải quyết được xung đột giữa người dân với chính quyền, với quan chức địa phương và thậm chí cả trung ương.”
Cụ Lê Đình Kình lúc sinh thời từng chia sẻ với RFA hôm 25/11/2019, về việc các Đại biểu Quốc hội có hứa sẽ cùng chính quyền về đối thoại với dân Đồng Tâm, nhưng thực tế lại không phải vậy:
“Chúng tôi đã lên gặp các ông Thanh tra Chính phủ, Đại biểu Quốc hội, và các cơ quan liên quan, yêu cầu về đối thoại với dân Đồng Tâm là phải có đủ thành phần, hôm đó ông Nguyễn Hồng Hiều có hứa về tiếp xúc cử tri và có mời ĐBQH Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng về dự. Các ông ấy nói họp QH xong sẽ bố trí thời gian về, nhưng hôm nay chỉ có ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố về.”
Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát cơ động vào sáng sớm ngày 9/1/2020.
Ông Kình, 84 tuổi, được truyền thông trong nước cho biết là người đứng đầu “Tổ đồng thuận” ký các đơn thư khiếu kiện liên quan tới khu đất đồng Sênh đang tranh chấp giữa người dân địa phương và chính quyền. Người dân Đồng Tâm cho rằng đây là đất canh tác trong khi chính quyền khẳng định đây là đất quốc phòng. Tranh chấp này đã dẫn đến đụng đổ gây đổ máu hôm 9/1/2020.
Đài Á Châu Tự Do hôm 13/1, đã nhiều lần cố gắng liên lạc ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và ĐBQH Dương Trung Quốc, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.
Trả lời RFA hôm 13/1, Cựu tù nhân Cấn Thị Thêu, một người bị bắt giam, kêu án tù vì suốt chục năm qua khiếu kiện về biện pháp thu hồi đất của gia đình bà và người dân Dương Nội không đúng pháp luật, cho biết ý kiến:
“Việc đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân thì thật sự quốc hội cũng chẳng phát huy được vai trò gì cả, tôi thấy thật sự đó là một QH bù nhìn. Như bà con chúng tôi nhiều lần ra cơ quan tiếp dân của quốc hội thì họ tiếp chúng tôi rất ít, hay trốn, tiếp rất ít.
Theo ông Lê Văn Cuông, qua vụ việc Đồng Tâm xảy ra hậu quả đáng tiếc đổ máu cho cả lực lượng bảo vệ pháp luật và người dân, thì ngoài trách nhiệm của người dân và những người chống đối, cơ quan chức năng cũng có phần trách nhiệm, khi chủ quan, không nắm được tình hình, để ngăn chặn và có biện pháp phù hợp để xủ lý.
Còn theo bà Cấn Thị Thêu, trong khi ĐBQH là đại diện cho dân, giám sát chính quyền… Nhưng theo bà, nếu các ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thì người dân đã không xảy ra những xung đột lớn như Văn Giang, Đak-Nong hay cụ thể nhất là Đồng Tâm hiện nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-are-parliament-members-concerned-about-people-s-land-claims-01132020131245.html

Phẩm cách Việt Nam và vụ việc Đồng Tâm,

nhìn từ Singapore

Tiến sĩ Vũ Minh KhươngTác giả hiện làm việc ở Singapore
Dù đã ở trước thềm của năm mới Canh Tý, có lẽ mỗi chúng ta đều vẫn trăn trở với cảm xúc u uất khi nghĩ đến vụ việc Đồng Tâm xảy ra hôm 9/1/2020.
Sẽ là đường đột nếu vội phán định ai đúng, ai sai trong khi rất thiếu thông tin và sự minh bạch về một vấn đề phức tạp, đã kéo dài nhiều năm. Hơn thế nữa, việc dùng một tiêu chí nhị phân về đúng-sai không còn phù hợp trong bối cảnh vấn đề quyết định bởi nhiều thành tố mà mỗi bên có thể đúng ở thành tố này nhưng sai ở thành tố khác.
Với một ước vọng về một tương lai tốt đẹp cho đất nước, bài viết ngắn này đề nghị dùng một bộ tiêu chí đơn giản nhưng khách quan và hàm súc để đánh giá về một quyết sách hệ trọng có tác động tiềm tàng đến công cuộc phát triển của một quốc gia.
Thật may mắn, bộ tiêu chí này có thể gói gọn một cách dễ nhớ trong bảy từ tiếng Anh bắt đầu với V, I, E, T, N, A, M. Để ngắn gọn ta có thể gọi bộ tiêu chí này là bộ tiêu chí VIETNAM hay phẩm cách Việt Nam.
Đồng Tâm: Con ông Lê Đình Kình bị khởi tố
Đồng Tâm: Bộ Công an nói ‘không có lệnh bắt giữ’ khi ‘lực lượng vào thôn Hoành’
Chữ V chỉ Vision - Tầm nhìn. Tầm nhìn này không chỉ là mục tiêu Việt Nam muốn vươn tới mà cả động lực nền tảng để Việt Nam đi lên, đó là là lòng dân. Với Việt Nam, một dân tộc đã chịu muôn vàn đau thương trong suốt chiều dài lịch sử của mình, lòng tin không chỉ là tài sản vô giá mà còn là bảo bối thiêng liêng dân tộc này phải giữ lấy bằng mọi giá vì sự tồn vong của giống nòi.
Chữ I chỉ Integrity - Sự Chính trực. Một quyết sách chỉ có sự chính trực cao khi nó cao quí về mục đích và quang minh chính đại trong cân nhắc phương cách hành động. Sự chính trực không để cho người dân, dù là họ sai, bị tước đoạt những quyền cơ bản được bảo vệ chính kiến của mình.
Chữ E chỉ Enlightenment - Sự khai sáng. Sự khai sáng đòi hỏi người ra quyết sách không chỉ căng mắt tìm kiếm, học hỏi tri thức nhân loại và chuẩn mực quốc tế mà cả lắng nghe thấu đáo ý kiến của người dân. Không cầm được nước mắt trước nỗi đau của dân, trăn trở đêm ngày với với ước vọng của dân, một lòng một dạ vì tương lai của dân là những phẩm chất căn bản về tầm khai sáng của một người cán bộ.
Chữ T chỉ Trustworthiness - Sự đáng tin cậy. Đây là tiêu chuẩn có tính sống còn. Nếu quyết sách bị nghi ngờ là vụ lợi hoặc không công bằng, nó sẽ tự mất đi toàn bộ hiệu lực của nó.
Chữ N chỉ Nation-first, nghĩa là đất nước trên hết. Lịch sử dân tộc cho thấy, một quyết sách nếu thực sự thiêng liêng vì nước, chắc chắn người dân, dù là ai, cũng sẵn sàng sẻ cửa sẻ nhà để đóng góp.
Chữ A chỉ Aspiration - Khát vọng. Người Việt Nam có khát vọng rất lớn cho tương lai đất nước. Nó là nguồn năng lượng vô song không chỉ giúp đất nước vững vàng trước hiểm họa mà còn là động lực tiềm tàng đưa đất nước đi lên. Quyết sách tốt là quyết sách dấy lên được khát vọng về tương lai đất nước của người dân.
Cuối cùng, chữ M chỉ Motherland - Đất Mẹ/Tổ Quốc. Tình đồng bào là kết tinh của phẩm chất này. Quyết sách tốt không bao giờ làm tổn thương đến tình cảm của người dân. Một khi đã sai thì tìm cách làm giảm đi nỗi đau tê tái này.
Đối chứng với bộ tiêu chí VIETNAM trình bày ở trên, với sự thành tâm tự đáy lòng của một trí thức bình thường, tôi thấy quyết sách về vụ việc Đồng Tâm của chính quyền đạt chuẩn rất thấp. Vì mỗi quyết sách quan trọng đều có tác động đến công cuộc phát triển không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn.
Đối chiếu với bộ phẩm cách Việt Nam này, mỗi người có thể tự đánh giá xem môt quyết sách quan trọng đưa đất nước đi lên hay đi xuống; đi lên bao xa và đi xuống đến mức nào.
Để đất nước vươn tới tầm nhìn khát vọng mà ngàn đời hằng mong đợi, đất nước cần hơn bao giờ hết những quyết sách có phẩm cách Việt Nam rất cao và không chấp nhận sự lặp lại của những quyết sách tầm thấp như Đồng Tâm.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, và đã đăng trên trang cá nhân từ trước.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51105076

Nên trao gì cho ông Tô Lâm?

Trân Văn
Theo đề nghị của ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Công an Việt Nam), ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã quyết định tặng Huân chương Chiến công Hạng Nhất cho: Thượng tá Nguyễn Đức Thịnh (Trung đoàn phó Trung đoàn 22 Cảnh sát cơ động – CSCĐ), Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân (Tiều đoàn 1, Trung đoàn 22 CSCĐ 22), Trung uý Phạm Công Huy (Đội PCCC Khu vực 3, Công an Hà Nội). Ông Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng) đã phê duyệt đề nghị “công nhân ‘liệt sĩ’ và phong quân hàm trước thời hạn cho cả ba” do đã xả thân hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự”.
Lẽ nào ông Tô Lâm – nhân vật đứng phía sau và là người chỉ huy cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rạng sáng 9 tháng 1 – không có gì cả?
***
Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam hết sức dè dặt, kiệm lời khi đề cập đến cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm nhưng đến nay, qua hàng loạt thông tin, hình ảnh về cuộc tấn công này trên mạng xã hội, có thể thấy, cả ý đồ chiến lược, chiến thuật, lẫn việc soạn thảo kế hoạch tác chiến và khả năng tác chiến của các đơn vị tham gia cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm cùng bộc lộ hàng loạt vấn đề nghiêm trọng.
Dẫu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ công bố đã chi bao nhiêu tiền cho Bộ Công an mua sắm cả trang bị cá nhân lẫn đủ loại phương tiện hỗ trợ công an nhân dân “chống khủng bố, bạo loạn, lật đổ” nhưng các cuộc diễn tập rầm rộ, được tổ chức liên tục trong vài năm gần đây cho thấy, con số này phải tới hàng trăm triệu Mỹ kim.
Xét về mức độ hiện đại, trang bị cá nhân lẫn các loại phương tiện hỗ trợ công an nhân dân “chống khủng bố, bạo loạn, lật đổ” vượt xa trang bị cá nhân lẫn các loại phương tiện nhằm hỗ trợ quân đội bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm. Cứ đặt hình ảnh các cuộc diễn tập “chống khủng bố, bạo loạn, lật đổ” của công an bên cạnh các cuộc diễn tập “phòng thủ” của quân đội ắt sẽ thấy tường tận diện mạo của nghịch lý này!
Bất kể “đối tượng” của các đơn vị tham gia cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm chỉ là thường dân. “Tang vật” mà công an nhân dân vừa bày ra theo kiểu trưng bày “chiến lợi phẩm chỉ có thể xem là… vũ khí thô sơ, chưa kể có sự chênh lệch đáng kể về quân số giữa “ta” và “địch” nhưng ông Tô Lâm và thuộc cấp vẫn không thể giấu sự thật: Thiệt hại nhân mạng của “ta” gấp ba lần… “địch”!
Khoan bàn đến tính chính đáng trong việc xác định “ta” và “địch”, chỉ xem xét cuộc tấn công ở các góc độ thuần túy về chiến lược, soạn kế hoạch chiến thuật, khả năng tác chiến trong tương quan giữa hai bên về trang bị, thiết bị, quân số khiển dụng, rõ ràng từ khả năng lãnh đạo, chỉ huy đến thực thi hoạt động “chống khủng bố, bạo loạn, lật đổ” đều là ẩn họa cho trật tự, trị an.
Công khố cần chi thêm bao nhiêu triệu Mỹ kim để ông Tô Lâm và thuộc cấp mua sắm thêm trang – thiết bị, tổ chức thêm các cuộc diễn tập nữa, nhằm giúp những đơn vị vẫn được quảng bá là “đặc biệt tinh nhuệ” không mất thêm “cán bộ, chiến sĩ” nào do rớt xuống khoảng trống giữa hai căn nhà khi tiếp cận “mục tiêu” vào ban đêm? Ba “cán bộ, chiến sĩ” đã hy sinh vì cùng té từ trên cao xuống đất hay có người bị đồng đội giết nhầm?
Về nguyên tắc, sau mỗi cuộc tấn công, đặc biệt là những cuộc tấn công có thiệt hại nhân mạng, bất kể để tiêu diệt ngoại xâm hay những phần tử “khủng bố, bạo loạn, lật đổ”, người ta đều tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định đúng – sai, công – tội. Song cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm không hề có bước mang tính đương nhiên này! Chẳng lẽ ba “Huân chương Chiến công Hạng Nhất” đủ để bỏ bước này?
Có lẽ không quá lời khi cho rằng, vì thiếu bước có tính đương nhiên ấy, Bộ Công an mới chủ động nhường việc cung cấp thông tin cho một số nhóm, một số cá nhân loan báo về những “hầm chông bẫy người thi hành công vụ”, chuyện “kẻ xấu tưới xăng thiêu sống người thi hành công vụ”, hay “đối tượng Lê Đình Kình bị bắn chết mà vẫn còn nắm chặt lựu đạn trong tay”… Những nhóm, những cá nhân này vừa tung tin giả, kích động thù hận, vừa dùng những lời lẽ hạ cấp nhất để rủa những người chia sẻ thông tin, bày tỏ ý kiến về cuộc tấn công Đồng Tâm, chia nhau báo cáo để vô hiệu hóa các trang facebook, các tài khoản You Tube,… có thể khiến công chúng nhận ra và thắc mắc (?).
Bởi ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an lờ đi việc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định đúng – sai, công – tội khi tổ chức – thực hiện tấn công, thành ra cần phải hỏi thêm: “Ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh” trước hay sau khi “đối tượng” Lê Đình Kình bị “tiêu diệt”? Việc “tiêu diệt” ông cụ 84 tuổi đó có nhằm giải trừ trách nhiệm về tổ chức – thực hiện tấn công vào lúc rạng sáng – khiến “ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh” trước đó hay không?
Nếu tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định đúng – sai, công – tội rõ ràng, sòng phẳng như thiên hạ, công chúng ắt phải được biết, kẻ hoặc những kẻ nào đã nổ súng vào “đối tượng” mà chẳng mấy người tin có thể đe dọa tính mạng của bất kỳ cá nhân “thi hành công vụ nào”, rồi tại sao nổ súng và theo các qui phạm pháp luật, có thể xem việc nổ súng là tương xứng, hợp pháp hay không?
Mạng thường dân đã rẻ, mạng “lão thành cách mạng” như cụ Kình vì khăng khăng thắc mắc, khiếu nại mà cũng trở thành rẻ nhưng chẳng lẽ mạng của “ba cán bộ, chiến sĩ công an” đã hy sinh khi “thi hành công vụ” theo lệnh thượng cấp cũng rẻ, áp dụng sáng kiến: Trao cho mỗi người một “Huân chương Chiến công Hạng Nhất”, vinh thăng mỗi người lên một cấp là coi như… xong?
***
Vì cùng là Ủy viên Bộ chính trị, có thể những người như ông Trọng, ông Phúc dễ đồng cảm với ông Tô Lâm, chẳng thấy lấn cấn chút nào khi dùng thêm ba “Huân chương Chiến công Hạng Nhất”, công nhận thêm ba liệt sĩ, nâng quân hàm mỗi liệt sĩ thêm một cấp và làm lơ để ông Tô Lâm dọn dẹp dư luận, tổ chức phản công bằng đủ mọi kiểu trên Internet, tống giam một vài facebooker để răn đe công chúng…
Song chẳng lẽ công chúng Việt Nam làm ngơ, không trao gì hoặc bỏ qua không vận động để các tổ chức quốc tế trao… gì đó cho ông Tô Lâm – Giáo sư Tiến sĩ về Khoa học An ninh, người đứng đầu một ngành trước nay luôn dẫn đầu về tham nhũng, lạm quyền, tạo ra vô số vụ đột tử trong trại giam, đến bây giờ, vẫn là nghi can mà lực lượng bảo vệ pháp luật nhiều quốc gia tại châu Âu chờ hỏi thăm vì tổ chức bắt cóc?
https://www.voatiengviet.com/a/to-lam-le-dinh-kinh-mieu-mon-viettel/5244095.html

Tin trong nước

Hàng chục lao động Trung Quốc

làm việc trái phép ở thung lũng Tình Yêu

Gần 30 lao động Trung Quốc bị phát hiện làm việc trái phép tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, thành phố Đà Lạt do Công ty CP Du lịch Thành Thành Công làm chủ đầu tư.
Theo tin truyền thông trong nước loan đi hôm 19/1/2020, số lao động này từ Trung Quốc đến Đà Lạt để thi công phần kính của công trình cầu đáy kính. Đây là công trình không có giấy phép với 2 mố neo 10×15 mét, chiều cao 10 mét; 2 trụ đỡ có kích thước 8×8 mét, cao 20 mét. Ngoài ra, tại công trình này, chủ đầu tư còn lắp dựng khung sắt lắp ghép nhà chờ rộng 8 mét, dài 80 mét, cao 4 mét.
Tại thời điểm kiểm tra, số lao động này đã không còn ở địa phương.
Ngoài việc thuê nhân công nước ngoài làm việc không phép; xây dựng cầu đáy kính không phép, cơ quan chức năng còn phát hiện chủ đầu tư đốn hạ trái phép 6 cây thông ba lá trong khu du lịch, thiệt hại 270m2 rừng phòng hộ. UBND phường 8, TP Đà Lạt yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình này.
Tình trạng công nhân phổ thông Trung Quốc sang Việt Nam làm việc không được kiểm soát chặt chẽ gây quan ngại cho nhiều người. Đơn cử thực tế hàng ngàn lao động Trung Quốc làm việc tại dự án Bauxite Tây Nguyên, hàng nghìn lao động Trung Quốc ở Bình Dương… Bên cạnh đó là tình trạng du khách Trung Quốc theo ‘Tour 0 đồng’ tràn ngập Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dozens-of-illegally-chinese-workers-in-dalat-love-valley-01142020080855.html

Một đường dây cờ bạc hàng nghìn tỷ qua mạng

vừa bị triệt phá

Đường dây đánh bạc qua trang mạng Kxxx.com với hàng nghìn tài khoản đăng ký ở Việt Nam, có lượng tiền giao dịch đánh bạc lên đến hàng nghìn tỷ đồng vừa bị cơ quan chức năng Việt Nam triệt phá vào rạng sáng ngày 8/1/20.
Truyền thông quốc nội dẫn nguồn từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thuộc Bộ Công an ngày 14 tháng 1 cho biết thông tin vừa nêu.
Cơ quan này cho biết đã phối hợp với Cảnh sát hình sự tiến hành khám xét khẩn cấp tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và 3 tỉnh gồm Hải Dương, Đồng Nai và Bình Dương. Lực lượng chức năng sau đó đã thu giữ 132 thẻ ngân hàng các loại, 65 thiết bị vi tính và điện thoại di động, một lượng lớn tiền mặt cùng nhiều chứng minh thư nhân dân giả mạo.
Trang mạng đánh bạc Kxxx.com được xác định thuộc một tập đoàn giải trí có hệ thống cá cược trực tuyến hiện đại và quy mô lớn, đồng thời có văn phòng đại diện tại gần 50 quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, một số người nước ngoài đã cấu kết với nhiều người Việt Nam lập tài khỏan đại lý để quảng cáo, thu hút và lôi kéo khách hàng tham gia. Các đối tượng này được nói là có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức cũng như làm giả giấy chứng minh nhân dân hoặc thuê người để mở hàng trăm tài khoản ngân hàng ở Việt Nam cho việc chuyển và nhận  tiền đánh bạc cho nhà cái nước ngoài.
Trong lần triệt phá vào rạng sáng ngày 8/1, Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã bắt giữ 10 người, trong đó có 5 đối tượng tổ chức đánh bạc và 5 đối tượng còn lại là người tham gia đánh bạc.
Trước đó hồi cuối tháng 11 năm 2018, Tòa án tỉnh Phú Thọ đã xét xử một vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng và có hai cựu Trung tướng công an Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục phòng chống Tội phạm Công nghệ cao lần lượt bị tuyên 9 và 10 năm tù giam vì những liên can trong đường dây đánh bạc này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/a-national-online-gambling-ring-just-eliminated-01142020080303.html

Nguyên chủ tịch OceanBank

lĩnh thêm 15 năm tù vào án chung thân

Ông Hà Văn Thắm, Nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng OceanBank, hôm 14/1 bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên thêm 15 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết cùng với mức án chung thân mà ông này đã bị tuyên hồi năm 2018, ông Thắm phải chấp hành mức án tổng hợp là chung thân.
Theo cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar vào năm 2012, bị cáo Nguyễn Hoàng Long (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm tổng giám đốc công ty Vina Megastar) đã thế chấp tài sản quyền sử dụng đất tại quận Nam Từ Liêm và quận Tây Hồ, Hà Nội để OceanBank cấp mức tín dụng 100 tỉ đồng.
Sau đó, OceanBank nâng mức tín dụng cho Công ty Vina Megastar lên 250 tỉ đồng với tài sản thế chấp là Dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, tuy dự án này bị xác định là không đủ giá trị pháp lý.
Ông Nguyễn Hoàng Long bị cáo buộc đã lập các hợp đồng, hóa đơn khống để OceanBank giải ngân cho vay hơn 224 tỉ đồng. Cáo trạng cho hay ông Long đã dùng số tiền này để chi tiêu vào mục đích cá nhân. Hiện OceanBank đã thu lại được hơn 132 tỉ đồng, hơn 91 tỉ đồng còn lại bị ông Long chiếm đoạt.
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Hoàng Long bị tuyên tổng cộng 30 năm tù với 20 năm cho tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cộng thêm 10 năm tù do Tòa án Nhân dân Cấp cao tuyên trước đó.
Ngày 4/5/2018, ông Hà Văn Thắm đã bị tuyên án tù chung thân vì các tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng OceanBank. Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc Oceanbank, bị tử hình với cùng tội danh.
Đại án OceanBank được mang ra xét xử năm 2017, phanh phui nhiều hợp đồng khống liên quan đến một loạt nhiều quan chức gây thiệt hại gần 2000 tỉ đồng cho Ngân sách Nhà nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/oceanbank-former-president-got-15-years-addition-to-the-life-sentence-01142020074014.html

Hoãn phiên xử 8 thành viên Nhóm Hiến Pháp

Phiên tòa dự kiến vào ngày 14 tháng 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm xét xử 8 thành viên thuộc nhóm có tên Hiến Pháp với cáo buộc ‘phá rối an ninh ‘bị hoãn.
Luật sư Nguyễn Khả Thành thông báo điều này và có một số nhận định về mức án mà những người trong cuộc có thể phải chịu:
“Hoãn rồi, tôi nghe tòa thông báo vậy thôi còn ngày xử lại thì chưa biết. Nhóm đó có 8 người và tôi bào chữa cho cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh. Có lẽ mức hình phạt sẽ cao. Hai cô Hạnh và cô Vang theo mức khởi tố của luật là từ 5 đến 15 năm.  Những người khác mức thấp hơn nhưng có lẽ mức hình  phạt cũng cao.
Tội gây rối an ninh được nghĩ là nhằm chống phá nhà nước nên hình phạt cao; nếu gây rối trật tự bình thường thì mức phạt thấp hơn.
Tội danh này mới đây thôi, ngày xưa không có.”
Quyết định hoãn phiên tòa được thẩm phán- chủ tọa phiên tòa Nguyễn Tuấn Anh ký vào ngày 13 tháng 1 với lý do vào ngày 10 tháng 1, Tòa án Nhân dân Tp Hồ Chí Minh nhận đươc phiếu chuyển đơn đề ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Phòng An Ninh Điều Tra Công an Tp HCM chuyển đơn của ông Lê Quý Lộc yêu cầu mời người làm chứng. Tòa quyết định hoãn phiên xử vào ngày 14 tháng 1 để có thời gian xem xét, giải quyết yêu cầu này.
Tám người thuộc Nhóm Hiến Pháp dự kiến bị đưa ra xét xử gồm các bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thu Vang, Đoàn thị Hồng và các ông Đỗ Thế Hóa, Hồ Đinh Cương, Trần Thanh Phương, Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc.
Những người này bị an ninh Việt Nam bắt giữ vào đầu tháng 9 năm 2018 tại Tp HCM khi dự định tham gia cuộc biểu tình vào ngày 4 tháng 9 để phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/constitution-group-trial-post-01142020081411.html

Bộ Công an điều 400 cảnh sát cơ động đến Đồng Nai

Bộ Công an ngày 13/1 đã điều động 400 cảnh sát cơ động về tỉnh Đồng Nai. Lý do được cho biết nhằm tăng cường hỗ trợ tấn công trấn áp tội phạm tại địa phương trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, dự kiến đến hết tháng 2.
Tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 14 tháng 1cho biết, trong số 400 cảnh sát cơ động này, tỉnh sẽ bố trí 200 người thường trực chiến đấu tại đơn vị, xử lý các tình huống đột xuất và tuần tra vũ trang trong địa bàn tỉnh Đồng Nai. Một nửa còn lại được đưa về các đơn vị trực thuộc công an tỉnh và địa phương cấp huyện.
Trong buổi lễ nhận quân, Đại tá Nguyễn Mạnh Kim – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết hiện nay tỉnh Đồng Nai có nhiều vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai, cộng với tình hình công nhân diễn biến phức tạp nên cần cương quyết xử lý các đối tượng có hành vi chống đối.
Đồng Nai được biết đến như một khu công nghiệp lớn ở miền Nam với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… ước tính có hơn hàng chục ngàn công nhân làm việc tại đây. Việc nợ lương và thưởng khi dịp Tết cận kề luôn là nguyên nhân dẫn đến các cuộc đình công.
Bên cạnh đó, vào năm 2014 và 2018 vừa qua, hàng chục ngàn công nhân ở Đồng Nai đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông, hay phản đối dự luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế. Hàng chục người đã bị bỏ tù chỉ vì biểu tình ôn hòa.
Ngoài ra, ngày càng nhiều người Trung Quốc đến Đồng Nai buôn bán, hoạt động bất hợp pháp. Mới đây, một loạt quan chức cao cấp Sở Công an tỉnh này bị kỷ luật vì tham nhũng hoặc cấu kết với tội phạm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-public-security-dispatched-400-mobile-police-to-assist-dong-nai-01142020072007.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.