Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 15/01/2020

Wednesday, January 15, 2020 3:10:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 15/01/2020

Thỏa thuận sơ khởi Mỹ-Trung,

phút giải lao cho Trump trong năm bầu cử

Thụy My
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay 15/01/2020 ký kết thỏa thuận giai đoạn 1, đánh dấu việc tạm ngưng chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Động thái hòa dịu này trấn an cử tri của ông trong năm tranh cử, vốn khởi đầu bằng thủ tục truất phế ông Trump.
Thỏa thuận được ký tại Nhà Trắng vào lúc 11 giờ 30 địa phương (16 giờ 30 GMT) với sự hiện diện của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He). Bộ Tài Chính và đại diện thương mại Mỹ trong một thông cáo chung khẳng định : « Không có thỏa thuận về việc giảm thuế hải quan trong thời gian tới, mọi tin đồn ngược lại đều sai lạc ».
Theo hãng tin Bloomberg, các loại thuế hải quan đánh vào hàng Trung Quốc vẫn được duy trì ít nhất cho đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020.
Bắc Kinh yêu cầu Washington hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần thuế hải quan bổ sung đối với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên thuế suất 25% đánh vào 250 tỉ đô la hàng hóa của Bắc Kinh vẫn được Mỹ giữ nguyên, chỉ có thuế suất 15% trên 120 tỉ đô la hàng Trung Quốc khác là được giảm xuống phân nửa (7,5%). Tổng thống Trump cũng đồng ý không đánh thêm 15% trên 160 tỉ đô la hàng Trung Quốc dự định áp thuế vào giữa tháng 12.
Reuters cho biết thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 sẽ được công bố chi tiết, trừ phần phụ lục có ghi cụ thể số tiền mua sản phẩm được đôi bên giữ kín.
Bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin cho rằng đây là « bước tiến vượt bực », « chiến thắng to lớn đối với các doanh nghiệp và nông gia Mỹ ». Ông nhấn mạnh Donald Trump « là tổng thống đầu tiên » tấn công vào vấn đề Trung Quốc. « Lần đầu tiên chúng ta có được một thỏa thuận toàn diện về các vấn đề công nghệ, dịch vụ tài chính, các đơn hàng bổ sung, và một cơ chế thực sự để áp dụng thỏa thuận ».
Tuy nhiên chiến thắng chính trị này bị phe Dân Chủ làm mờ nhòa đi khi đúng vào hôm nay Hạ Viện chuyển cho Thượng Viện bản cáo trạng dành cho tổng thống Trump, và thủ tục truất phế sẽ được mở ra vào thứ Ba tới
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200115-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-s%C6%A1-kh%E1%BB%9Fi-m%E1%BB%B9-trung-ph%C3%BAt-gi%E1%BA%A3i-lao-cho-trump-trong-n%C4%83m-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD

Thương chiến chưa hưu chiến

Nguyễn Xuân Nghĩa
Sau gần hai năm lao vào trận thương chiến, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ký kết một thỏa thuận thương mại cho giai đọan một tại Phủ Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày Thứ Tư 15. Nhưng, ngược với một số tiết lộ của báo chí, như thông tấn xã Reuters của Anh hay tờ South China Morning Post tại Hong Kong, v.v… Hoa Kỳ sẽ không cắt thêm thuế nhập nội đánh trên hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc cho tới Tháng 11 này. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện đó với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự Do.
Vẫn thương chiến
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, đúng một năm sau khi nhậm chức, từ đầu năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã quyết định tăng thuế nhập nội trên một số hàng bán vào thị trường Mỹ như máy giặt, các tấm quang năng hay quang điện và nhôm thép nhằm bảo vệ nhà sản xuất Hoa Kỳ. Trận thương chiến khởi sự từ đấy và leo thang với đòn trả đũa của các nước bị Mỹ đánh thuế. Trong số này, có Trung Quốc là nền kinh tế đạt xuất siêu cao nhất với nước Mỹ. Như vậy, trận “thương chiến Mỹ-Hoa” như ông hay gọi đã trải qua gần hai năm và gây thiệt hai cho cả đôi bên và dẫn tới nhiều xáo trộn cho luồng trao đổi toàn cầu. Thế rồi, mùa Thu năm ngoái, hai nước đồng ý đàm phán lại một thỏa thuận của Giai đoạn Một, dự trù ký kết vào Thứ Tư 15 tại Thủ đô Hoa Kỳ. Nhưng dường như vào giờ chót lại có trục trặc khi chiều Thứ Ba 14, phía Hoa Kỳ cho biết là không giảm thuế nhập nội đánh trên một lượng hàng của Trung Quốc trị giá khoảng 360 tỷ đô la cho tới Tháng 11 này. Theo dõi vụ thương chiến Mỹ-Hoa từ lâu, ông từng dự đoán là đôi bên khó có hưu chiến, thưa ông, vì sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thường nói rằng khi giới hữu trách việc đàm phán mà tiết lộ cho báo chí mà giấu tên thì đấy cũng là một cách thương thuyết nhằm tác động vào dư luận và thị trường. Hôm Thứ Ba, trị trường cổ phiếu Hoa Kỳ lên giá vùn vụt khi báo chí loan tin là thỏa thuận cho Giai Đoạn Một đã hoàn tất và Phó Thủ tướng Lưu Hạc của Bắc Kinh tới Hoa Kỳ để ký kết văn kiện này ngay trong Phủ Tổng thống của ông Donald Trump.
Trên chính trường rắc rối và đầy phân hóa tại Hoa Kỳ thì cả hai đảng lại có sự đồng thuận trong đối sách với Bắc Kinh về an ninh lẫn kinh tế, quân sự và cả nhân quyền. Vì vậy, Chính quyền Trump khó nhượng bộ và phải thống nhất chính sách giữa các cơ chế hữu trách về thương mại, tài chính và luật lệ liên quan đến việc mua bán với Trung Quốc.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Các nguồn tin báo chí còn nói rằng phía Bắc Kinh đồng ý mỗi năm sẽ mua 200 tỷ đô là hàng Mỹ gồm có 70 tỷ hàng chế biến, 50 tỷ năng lượng, 40 tỷ nông sản và từ 35 tới 40 tỷ đô la dịch vụ của Hoa Kỳ. Đáp lại, phía Mỹ có thể giảm phân nửa thuế suất 15% là 7,5%, trên một lượng hàng của Trung Quốc trị giá khoảng 120 tỷ và không đánh thuế thêm 25% như đã dọa vào tháng trước. Vì vậy, các thị trường đều lạc quan, nhất là khi Mỹ thông báo hôm Thứ Hai là không đặt Trung Quốc vào danh mục các nước có tội lũng đoạn ngoại hối, là phá giá đồng bạc để bán hàng cho rẻ.
- Nhưng tới chiều Thứ Ba thì cổ phiếu lại sụt giá, phân lời trái phiếu cũng sụt cùng hối suất Mỹ kim và kéo theo cổ phiếu Á Châu vào sáng Thứ Tư khi Tổng trưởng Ngân khố Steve Mnuchin và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ là Robert Litghthiser cho báo chí biết rằng Mỹ không có kế hoạch cắt thuế nhập nội trên hàng Trung Quốc trị giá khoảng 360 tỷ đô la đã áp đặt từ năm 2018. Họ cho biết các lời đồn đoán đều sai, chứ đôi bên chưa hề có thỏa thuận như vậy.
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, vì sao hai nước lại có trở ngại như vậy sau bao lần đàm phán trong gần hai năm trời?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đừng quên cuộc đàm phán này chỉ là đợt một và hệ thống quan thuế vẫn giữ nguyên cho tới Tháng 11 này, hoặc cho tới khi hai nước đạt thỏa thuận về đợt hai theo đó, Bắc Kinh phải chấm dứt việc trợ cấp cho hệ thống công nghiệp của họ và Hoa Kỳ phải tăng cường kiểm soát việc phổ biến thuật lý hay công nghệ cao cấp về tin học vì liên quan tới lĩnh vực an ninh.
- Từ nay tới đó, Hoa Kỳ sẽ kiểm chứng việc Bắc Kinh chấp hành những cam kết trong một thỏa ước dầy 86 trang của Giai Đoạn Một. Các lời phát biểu chung chung khi ký kết không thể che giấu những chi tiết khi đi vào áp dụng và chúng ta cũng chẳng thể quên vai trò của Quốc hội. Trên chính trường rắc rối và đầy phân hóa tại Hoa Kỳ thì cả hai đảng lại có sự đồng thuận trong đối sách với Bắc Kinh về an ninh lẫn kinh tế, quân sự và cả nhân quyền. Vì vậy, Chính quyền Trump khó nhượng bộ và phải thống nhất chính sách giữa các cơ chế hữu trách về thương mại, tài chính và luật lệ liên quan đến việc mua bán với Trung Quốc.
Vai trò chính trị?
Nguyên Lam: Nói về chính trị thì ngày ba Tháng 11 này, Hoa Kỳ lại có bầu cử, thưa ông, phải chăng Chính quyền Donald Trump đợi kết qủa bầu cử rồi mới đàm phán tiếp với Bắc Kinh nếu ông Trump tái đắc cử cho nhiệm kỳ hai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ai cũng có thể nghĩ như vậy, nhưng Chính quyền Trump khẳng định rằng hệ thống quan thuế vẫn giữ nguyên như vậy chứ không giảm cho tới khi hai nước đạt thỏa thuận cho Giai Đoạn Hai thì sẽ tính lại. Việc đàm phán cho giai đoạn này là then chốt chứ không liên hệ gì đến cuộc bầu cử.
- Sở dĩ câu chuyện nó rắc rối vì gần hai chục năm trước, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển chứ chưa có quy chế kinh tế thị trường, Trung Quốc đã hội nhập vào kinh tế thế giới và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ vậy mà xứ này có đà tăng trưởng cao. Nhưng họ có ba vấn đề ở đây. Thứ nhất, Bắc Kinh theo chiến lược lấy đầu tư làm lực đẩy để tạo ra công ăn việc làm cho một dân số quá đông và sản xuất dư thừa thì xuất khẩu ra ngoài với giá rẻ nên mặc nhiên dẫn tới tình trạng cạnh tranh và gây thiệt hại cho các nước khác.
- Vấn đề thứ hai là họ không cải tổ để có chế độ kinh tế thị trường theo quy luật tự do, lại còn có chính sách bảo vệ kỹ nghệ nội địa và gây thiệt hại cho khu vực chế biến, nhất là của Hoa Kỳ, với hãng xưởng phải đóng cửa, công nhân mất việc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng tiến khá nhanh về công nghệ cao cấp nên có thể đe dọa ưu thế quân sự và kinh tế của nước Mỹ, đấy là vấn đề thứ ba.
Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng vì vậy mà khi tranh cử năm 2016, ông Donald Trump đã nêu đích danh Bắc Kinh và còn đòi áp thuế tới 45% trên hàng Trung Quốc? Nhưng giới kinh tế cho là trong một trận thương chiến thì đôi bên đều bị thiệt hại và thiệt hại bên phía Hoa Kỳ có thể nào ảnh hưởng đến kết quả bầu cử hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên lý thuyết, khi áp thuế nhập nội thì ai đó phải trả tiền thuế này. Ai đó là nhà nhập cảng phải trả giá đắt hơn và chia sẻ gánh nặng đó với giới bán sỉ và người tiêu thụ, tức là dân Mỹ bị thiệt vì mua hàng Tầu đắt hơn.
- Nhưng ngược lại, nhà sản xuất Trung Quốc cũng có thể phải hạ giá để giữ thế cạnh tranh và không mất khách, hoặc phải đầu tư và sản xuất ở xứ khác để tránh thuế của Mỹ, là điều ta đang thấy tại Việt Nam. Hoa Kỳ có thể đã bị thiệt mất vài chục tỷ đô la, nhưng kinh tế Trung Quốc cũng bị thiệt hại trong việc bán dụng cụ văn phòng, thiết bị viễn thông, hóa chất, đồ gia dụng, bàn ghế giường tủ, v.v…
Trận thương chiến sẽ không kết thúc năm nay mà còn kéo dài nhiều năm. Để bù cho nhược điểm nội tại, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ có hai động thái, là gia tăng đàn áp người dân bên trong và biểu dương khí thế quân sự ở bên ngoài, nên tranh chấp với Hoa Kỳ và các nước Đông Á sẽ chỉ tăng chứ không giảm, trận thương chiến chỉ là một diện mà thôi.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Kinh tế Trung Quốc đang có nhiều khó khăn bên trong nên cũng ngại trận thương chiến với Mỹ vào thời điểm này, Ta cũng đừng quên rằng kinh tế Hoa Kỳ không bị lệ thuộc vào xuất cảng như kinh tế Trung Quốc, đấy là sức chịu đựng đáng kể nhất. Đã vậy, kinh tế Hoa Kỳ vẫn có nhiều dấu hiệu khả quan, thất nghiệp thấp nhất từ nửa thế kỷ và lợi tức các thành phần thiểu số bị thất thế trước đây cũng đã có cải tiến.
- Chuyện đáng nói là trận thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng lớn nhất cũng gây hiệu ứng cho luồng giao dịch của các nước đệ tam như Đài Loan, Mexico, Âu Châu và cả Việt Nam cùng nhiều nước Đông Nam Á. Họ có thể bán nhiều hơn vào thị trường Hoa Kỳ để thay thế luồng xuất khẩu của Trung Quốc.
Kết luận
Nguyên Lam: Vì thời lượng của chúng ta có hạn nên Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một số kết luận cho cuộc phỏng vấn tuần này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, trước khi có trận thương chiến với Mỹ Bắc Kinh cần sự ổn định xã hội và chính trị giữa tình trạng sa sút kinh tế. Trận thương chiến sẽ không kết thúc năm nay mà còn kéo dài nhiều năm. Để bù cho nhược điểm nội tại, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ có hai động thái, là gia tăng đàn áp người dân bên trong và biểu dương khí thế quân sự ở bên ngoài, nên tranh chấp với Hoa Kỳ và các nước Đông Á sẽ chỉ tăng chứ không giảm, trận thương chiến chỉ là một diện mà thôi. Khi đó, ta nên theo dõi vị trí và thế lực của Tổng bí thư Tập Cận Bình giữa các thành phần lãnh đạo khác tại Bắc Kinh.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tách kỳ này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/no-truce-in-the-trade-war-01152020091615.html

Mỹ củng cố quan hệ đồng minh

với Hàn Quốc và Nhật Bản

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Hàn Quốc tái khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 14/01 đã gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và tham dự cuộc gặp giữa Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, tại cuộc gặp, ông Pompeo và bà Kang Kyung-wha tái khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên. Hai Ngoại trưởng đồng thời ca ngợi sức mạnh bền bỉ của Liên minh Mỹ-Hàn, nhắc lại cam kết hợp tác xuyên suốt Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.
Ông Pompeo và bà Kang Kyung-wha cũng thảo luận về tầm quan trọng của hợp tác ba bên Mỹ-Hàn-Nhật và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau trong một loạt các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Cùng ngày, ông Pompeo còn tham dự cuộc gặp ba bên với Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha.
Ngoại trưởng ba nước nhấn mạnh tầm quan trọng của các Liên minh Mỹ-Hàn và Mỹ-Nhật đối với an ninh, sự thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới. Người đứng đầu ngành Ngoại giao ba nước cũng nhấn mạnh sự hợp tác ba bên Mỹ-Hàn-Nhật có ý nghĩa thiết yếu đối với tương lai hòa bình trong khu vực
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32637-my-cung-co-quan-he-dong-minh-voi-han-quoc-va-nhat-ban.html

Đảng Dân Chủ chuẩn bị

bỏ phiếu gởi cáo trạng luận tội lên Thượng Viện

Tin Washington DC – Theo bản tin từ Reuters, Hạ Viện do đảng Dân Chủ dẫn đầu sẽ bỏ phiếu vào thứ Tư để gởi cáo trạng luận tội chính thức chống lại Tổng Thống Trump lên Thượng Viện. Phiên xét xử Tổng Thống Trump tại Thượng Viện nhiều khả năng cũng sẽ bắt đầu trong tuần này.
Trong một cuộc họp nội bộ đảng, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi cho biết bà cũng sẽ chọn một nhóm các đại diện Dân Chủ, để đảm nhận vai trò công tố viên trong phiên xét xử. Ông Trump đã trở thành tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ bị luận tội, khi Hạ Viện vào tháng trước thông qua các cáo trạng cho rằng ông phạm tội lạm quyền và cản trở Quốc Hội.
Bà Pelosi ban đầu đã định trì hoãn việc gởi cáo trạng lên Thượng Viện, nhằm buộc Lãnh đạo đa số Thượng Viện Mitch McConnell phải mời thêm các nhân chứng có thể đưa ra lời khai bất lợi cho vị tổng thống Cộng Hòa. Tuy nhiên, nỗ lực của bà Pelosi đã không thành công khi Thượng Nghị Sĩ McConnell tuyên bố ông có thể sẽ tổ chức xét xử mà không cần sự hỗ trợ từ Hạ Viện.
Thượng Viện dự kiến sẽ xóa mọi cáo trạng chống lại Tổng Thống Trump, vì không ai trong số 53 thượng nghị sĩ Cộng Hòa tỏ ý ủng hộ việc luận tội. Trong khi đó, việc truất phế tổng thống sẽ phải cần đến 2 phần 3 số phiếu trên tổng số 100 thành viên Thượng Viện.
Phiên bỏ phiếu hôm thứ Tư của Hạ Viện sẽ mở đường Thượng Viện bắt đầu xét xử vào chiều thứ Năm. Những ngày đầu tiên của phiên xét xử chủ yếu chỉ bao gồm các thủ tục, như việc tuyên thệ của các thành viên và việc tuyên đọc chính thức 2 bản cáo trạng. Các phiên tranh luận tại Thượng Viện nhiều khả năng sẽ khởi sự sớm nhất là vào đầu tuần sau. (BBT)
https://www.sbtn.tv/dang-dan-chu-chuan-bi-bo-phieu-goi-cao-trang-luan-toi-len-thuong-vien/

Tranh luận cuối cùng của các ứng cử viên Dân chủ

trước bầu cử sơ bộ ở Iowa

Đêm thứ Ba 14/1, giờ Hoa Kỳ, 6 ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ đã đối mặt trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trước khi diễn ra bầu cử sơ bộ tại bang Iowa. Cuộc bầu cử vào tháng Hai sắp tới sẽ chọn người đại diện cho Đảng ra tranh chức Tổng thống Mỹ năm 2020.
Cuộc tranh luận do đài CNN và tờ Des Moines Register tổ chức, kéo dài 3 giờ đồng hồ. Theo báo Huffington Post thì các cuộc thăm dò cho thấy 4 ứng cử viên được đánh giá là ngang ngửa trong cuộc tranh luận tại thủ phủ của bang Iowa vào thời điểm chỉ còn vài tuần lễ nữa trước các cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên tại Hoa Kỳ, nhưng cuộc tranh luận không cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các ứng cử viên và có phần chắc sẽ không thay đổi đáng kể sự chọn lựa của cử tri.
Thành tích các ứng cử viên trong cuộc tranh luận
Các cuộc thăm dò công luận cho thấy ông Joe Biden, và các Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, Thị trưởng thành phố South Bend Pete Buttigieg và Elizabeth Warren đều có khả năng thắng bang Iowa, hoặc ít nhất, đạt kết quả đủ khả quan để tiếp tục vận động.
Doanh nhân Tom Steyer, người được ủng hộ rộng rãi tại hai ban gNevada và South Carolina, bỏ tiền riêng của ông để vận động và do đó ông sẽ tiếp tục tranh cử, bất chấp ông là ứng cử viên về sau.
Ứng cử viên còn lại, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, được tờ báo đánh giá là ít có cơ may thắng bang Iowa, bất chấp khả năng tranh luận khá sắc bén.
Mặc dù ông Biden không phải là ứng viên dẫn đầu tại Iowa, song ông rõ rệt là ứng cử viên dẫn đầu trên toàn quốc, nhờ sự ủng hộ của khối cử tri da đen và sự tin tưởng rộng rãi rằng ông sẽ là ứng cử viên có nhiều cơ may đánh bại Tổng thống Trump.
Các vấn đề tranh cãi
Tất cả các ứng cử viên đều nêu bật khả năng của họ trong cương vị Tổng Tư lệnh trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Cựu Phó Tổng thống Biden và Tns Klobuchar là hai ứng cử viên ủng hộ việc duy trì quân đội Mỹ tại Trung Đông. Ông Biden cho rằng việc duy trì quân đội Mỹ tại Trung Đông là cần thiết. Bà Klobuchar khẳng định cần có một số lượng binh lính ở Trung Đông, song không ở mức độ hiện tại. 4 ứng cử viên còn lại thì cho rằng cần phải rút quân đội Mỹ ra khỏi khu vực. Thượng nghị sĩ Warren nói phải ngưng yêu cầu quân đội Mỹ giải quyết các vấn đề mà bà cho là không thể giải quyết được bằng sức mạnh quân sự.
Thượng nghị sĩ Sanders nói dân chúng Mỹ đã quá mệt mỏi vì những cuộc chiến tranh kéo dài khiến Hoa Kỳ tốn kém hàng tỉ đôla, ông nói ông sẽ xây dựng lại nước Mỹ và Bộ Ngoại giao để giải quyết các cuộc xung đột quốc tế theo ngã ngoại giao.
Các vấn đề nổi bật khác tâp trung quanh vấn đề chăm sóc sức khỏe, vấn đề môi trường, chi phí giáo dục, và các vấn đề khác liên quan tới ngân sách gia đình, theo USA Today.
Các ứng cử viên tranh cãi về những ưu điểm của chương trình chăm sóc y tế cho tất cả, Medicare For All, so với đạo luật Chăm sóc Sức khỏe giá phải chăng của cựu Tổng Thống Obama.
Ông Sanders nói một cách để tài trợ chương trình “Medicare for All” là áp đặt mức thuế 4% trên thu nhập- trừ 29.000 USD đầu tiên, như vậy một gia đình trung bình có mức thu nhập 60.000 USD, sẽ phải chi 1.200 USD một năm, thay vì 12.000 USD một năm”.
Các gia đình sẽ tiết kiệm thêm tiền bạc vì không phải trả các chi phí khác nhau khi gặp Bác sĩ.
Thượng nghị sĩ Warren nói bà sẽ dùng các quyền của mto65 Tổng thống để giảm thiểu chi phí thuốc men, và các gia đình trung lưu không phải trả tiền thuốc.
Ông Buttigieg bênh vực giải pháp cho phép người dân quyền chọn lựa. Dân có quyền chọn giữ bảo hiểm y tế của mình, thay vì gia nhập Medicare for All.
Ông nói đề nghị của ông sẽ tốn kém 1.5 nghìn tỉ trong 10 năm, tài trợ một phần bằng cách điều đình giảm giá thuốc, và hủy bỏ các biện pháp cắt giảm thuế do chính quyền Tổng thống Trump thông qua, vốn chỉ lấp đầy túi của các tập đoàn lớn và người giàu có thực sự không cần đến số tiền đó.
Báo Huffington Post nói một số vấn đề đáng quan tâm không được nêu lên vì sự vắng mặt của các cựu ứng cử viên như Beto O’Rourke, Kamala Harris, Cory Booker, Julian Castro, Andrew Yang và Tulsi Gabbard. Đó là các vấn đề kiểm soát súng ống, vấn đề di trú và sắc tộc, và vấn đề biến đổi khí hậu.
https://www.voatiengviet.com/a/tranh-luan-cuoi-cua-cac-ucv-ddc-truoc-bau-cu-so-bo-iowa/5246583.html

Trump lại tấn công công ty Apple

về quyền riêng tư

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa phát động một cuộc tấn công mới vào công ty Apple.
Ông Trump tweet rằng Apple đã từ chối mở khóa iPhone “được sử dụng bởi những kẻ giết người, buôn bán ma túy và các yếu tố tội phạm bạo lực khác”.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr cáo buộc Apple không tiếp tay cho một cuộc điều tra về vụ nổ súng đang được coi là hành động khủng bố.
Đây là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc đụng độ giữa Nhà Trắng và gã khổng lồ công nghệ về quyền truy cập dữ liệu.
Ông Trump cáo buộc Apple từ chối hợp tác với các nhà điều tra mặc dù chính quyền của ông đã giúp công ty này về thương mại và các vấn đề khác.
Bình luận của tổng thống được đưa ra một ngày sau khi ông William Barr nói rằng Apple không “hỗ trợ thực sự” để mở khóa hai chiếc iPhone trong một cuộc điều tra về vụ bắn chết người tại một căn cứ hải quân ở Pensacola, Florida.
Ba thủy thủ Mỹ đã thiệt mạng khi một thực tập sinh Saudi tại căn cứ nổ súng vào ngày 6/12.
Apple bác bỏ tuyên bố rằng họ đã không nỗ lực trong việc giúp đỡ các quan chức trong cuộc điều tra.
“Phản hồi của chúng tôi với nhiều yêu cầu của họ kể từ khi cuộc tấn công diễn ra rất kịp thời, kỹ lưỡng và vẫn đang diễn ra”, Apple khẳng định trong một tuyên bố.
TikTok và Apple từ chối khai báo về Trung Quốc
Facebook bị chất vấn về chính sách kiểm tra nội dung
Apple bị cho là gỡ bỏ ứng dụng định vị cảnh sát vì áp lực Bắc Kinh
Đây không phải là lần đầu tiên Apple đụng độ với bộ tư pháp Mỹ. Sau vụ xả súng hàng loạt ở San Bernardino, California vào năm 2015, trong đó 14 người thiệt mạng và 22 người khác bị thương nặng, Apple đã từ chối giúp truy cập vào iPhone của tay súng.
Chính phủ Hoa Kỳ cuối cùng đã trả cho một công ty khác số tiền được tường trình là 1 triệu đôla để phát triển một phần mềm giải quyết vấn đề mã hóa của thiết bị.
Các tranh chấp này nêu bật sự bất đồng đang diễn ra giữa ngành công nghệ và các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới.
Giới phân tích cho rằng đây là môt bất đồng không dễ giải quyết.Một mặt mã hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền riêng tư của mọi người, mặt khác nó có thể gây ra trở ngại lớn cho các nhà điều tra tội phạm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51116335

Nhiều tổ chức chỉ trích việc dùng Kinh Thánh

để làm lễ tuyên thệ

cho các chỉ huy lực lượng Không Gian Hoa Kỳ

Tin Washington DC – Vào Chủ Nhật, 12 tháng 1, vừa qua, thánh đường quốc gia Washington đã làm phép cho cuốn Kinh thánh chính thức của Lực lượng Không gian, và cuốn Kinh thánh sau này sẽ được sử dụng để làm lễ tuyên thệ cho mọi chỉ huy của binh chủng mới nhất của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự kiện này lại bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội bởi những người và tổ chức bênh vực quyền tự do tôn giáo.
Tổ chức tự do tôn giáo quân sự, gọi tắt là MRFF, cho biết họ lên án việc làm phép Kinh thánh, vì sự việc này thể hiện sự ưu tiên cho Thiên Chúa giáo và loại trừ các tôn giáo khác. Người sáng lập kiêm chủ tịch MRFF, ông Mikey Weinstein, nói việc sử dụng duy nhất quyển Kinh thánh Thiên Chúa giáo để làm lễ tuyên thệ cho mọi chỉ huy của binh chủng Không gian, hoặc bất kỳ viên chức nào khác của Bộ Quốc Phòng, đều vi phạm yêu cầu cơ bản về việc tách rời giáo hội khỏi các vấn đề quốc gia, vốn được quy định trong Tu chính án số 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng việc thực hiện lời thề quân sự trước một cuốn Kinh thánh là không phù hợp, và cách tốt nhất khi tuyên thệ chỉ là đứng thẳng người, giơ tay phải, và đọc lời thề. Cuốn Kinh thánh sau khi được làm phép sẽ được giao cho Tướng John Raymond, người vào tháng trước đã được bổ nhiệm là chỉ huy Lực lượng không gian Hoa Kỳ.
Tổ chức MRFF cho biết đã gởi đơn than phiền chính thức đến Bộ Quốc Phòng về việc sử dụng Kinh thánh cho các lễ tuyên thệ. Lên tiếng về việc này, phát ngôn viên Không quân cho biết quân đội không có quy định nào bắt buộc phải dùng một văn bản tôn giáo trong các lễ tuyên thệ, và việc có dùng hoặc không dùng Kinh thánh đều tùy thuộc vào lựa chọn cá nhân của mỗi người tuyên thệ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nhieu-to-chuc-chi-trich-viec-dung-kinh-thanh-de-lam-le-tuyen-the-cho-cac-chi-huy-luc-luong-khong-gian-hoa-ky/

Những khách hàng mua Tylenol trong 5 năm qua

có thể đủ điều kiện nhận bồi thường

trong thỏa thuận trị giá 6.3 triệu Mỹ kim

Theo KTLA, những khách hàng đã mua thuốc Infants’ Tylenol trong 5 năm qua có thể đủ điều iện để nhận một phần trong khoản bồi thường trị giá 6.3 triệu Mỹ Kim. Các nguyên đơn trong vụ kiện tập thể cho rằng nhà sản xuất thiết kế bao bì gây hiểu lầm, khiến khách hàng tin Infants’ Tylenol được sản xuất đặc biệt cho trẻ sơ sinh, trong khi thực tế, thuốc lại chứa acetaminophen lỏng có cùng nồng độ với Children’s Tylenol. Vì vậy, các nguyên đơn cho rằng họ đã trả tiền quá cao cho thuốc.
Theo KTLA, các khách hàng được coi là đủ điều kiện nhận bồi thường nếu họ mua sản phẩm trong khoảng thời gian từ ngày 03/10/2014 đến 06/01/2020. Họ phải nộp đơn yêu cầu bồi thường trước ngày 13 tháng 4 năm 2020.
Công ty Johnson & Johnson Consumer Inc. đã phủ nhận các cáo buộc lừa dối khách hàng, và vẫn tin rằng hai loại thuốc Infants’ Tylenol và Children’s Tylenol là hai sản phẩm khác nhau. Công ty chỉ ra các tính năng an toàn bổ sung có trong Infants’s Tylenol, chẳng hạn như ống tiêm chia liều. Công ty đã thành lập một quỹ bồi thường lên tới 6.3 triệu Mỹ Kim. Khách hàng có thể yêu cầu bồi hoàn tối đa 15.05 Mỹ Kim, tương đương giá trị bảy chai thuốc, mà không cần đưa bằng chứng mua hàng.
Còn với yêu cầu bồi hoàn số tiền lớn hơn, tương ứng với số chai thuốc không giới hạn, công ty Johnson & Johnson có thể yêu cầu bằng chứng mua hàng. Như một phần trong thỏa thuận, Johnson & Johnson cũng sẽ thực hiện những nỗ lực cẩn thận hơn để sửa đổi bao bì của cả hai sản phẩm, nhằm thể hiện rõ rằng nồng độ acetaminophen lỏng trong hai loại thuốc Infants’ Tylenol và Children’s Tylenol là như nhau. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nhung-khach-hang-mua-tylenol-trong-5-nam-qua-co-the-du-dieu-kien-nhan-boi-thuong-trong-thoa-thuan-tri-gia-6-3-trieu-my-kim/

Canada bác yêu cầu

phát sóng phiên xử dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu

Một thẩm phán của Tòa án tối cao British Columbia, Canada, từ chối yêu cầu của truyền thông muốn được phát sóng trực tiếp phiên xử về việc dẫn độ giám đốc của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, người bị Mỹ truy nã vì cáo buộc về những sai phạm trong kinh doanh.
Theo Global News, một nhóm gồm 13 cơ quan truyền thông của Canada và quốc tế xin tòa cho sử dụng hai camera để quay phiên xử về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu vào tuần tới.
Luật sư của các cơ quan truyền thông, ông Daniel Coles, cho rằng công luận rất quan tâm đến vụ án và việc phát sóng trực tiếp phiên xử sẽ mang lại ý nghĩa rằng công lý minh bạch và dễ tiếp cận trong thời hiện đại.
Vụ án đã làm rạn nứt mối quan hệ Canada-Trung Quốc và bà Mạnh, người đã bác bỏ các cáo buộc và hiện đang ở tại một trong những căn nhà của bà ở Vancouver trong khi được tại ngoại hầu tra.
Phó Chánh án Heather Holmes nói trong phán quyết rằng bà đồng ý với các luật sư của bà Mạnh và Bộ Tư pháp Canada rằng nữ quyền trong việc được xét xử công bằng tại Hoa Kỳ có thể sẽ bị phương hại nếu bà Mạnh bị dẫn độ.
Trong một quyết định bằng văn bản được đưa ra hôm thứ Hai, bà Holmes nói rằng việc phát sóng phiên xử sẽ khiến cho các quyền này gặp “nguy cơ nghiêm trọng vì nó gây ảnh hưởng lên các nhân chứng của vụ án”.
“Truyền thông gần như chắc chắn sẽ tiếp cận với những người có liên quan trong phiên toà, bởi vì tính đặc biệt quan trọng của vụ án này tại Canada và nước ngoài, những bình luận chính trị liên quan đến vụ án và những tin tức gây náo động dư luận,” bà nói trong phán quyết.
Phiên xử nhằm xác định xem có cho phép dẫn độ bà Mạnh, Giám đốc Tài chính của Huawei, sang Hoa Kỳ hay không. Bà Mạnh bị bắt vào tháng 12 năm 2018 trong lúc quá cảnh tại phi trường ở Vancouver. Phiên xử sẽ bắt đầu vào thứ Hai tuần sau sau nhiều tháng trì hoãn.
Bà Mạnh bị buộc tội lừa gạt HSBC bằng cách nói dối về mối quan hệ của Huawei với một công ty đang làm ăn ở Iran, để trấn an ngân hàng này rằng họ không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran khi làm ăn với công ty viễn thông của Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/canada-b%C3%A1c-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-ph%C3%A1t-s%C3%B3ng-phi%C3%AAn-x%E1%BB%AD-d%E1%BA%ABn-%C4%91%E1%BB%99-b%C3%A0-m%E1%BA%A1nh-v%C3%A3n-chu/5245338.html

Thẩm phán bác bỏ yêu cầu của truyền thông

về việc phát sóng phiên điều trần dẫn độ

Giám đốc tài chính của Huawei

Một thẩm phán Canada từ chối yêu cầu của các tổ chức truyền thông về việc truyền hình trực tiếp phiên tòa về cuộc dẫn độ Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, vào tuần tới, đồng thời tuyên bố rằng hành động này có thể ảnh hưởng đến các nhân chứng và bồi thẩm đoàn tại bất kỳ phiên tòa tiềm năng nào ở Hoa Kỳ.
Phiên tòa chính thức để phán quyết yêu cầu của Hoa Kỳ về việc dẫn độ bà Mạnh, giám đốc tài chính của Huawei sẽ bắt đầu vào hôm thứ Hai tuần sau sau nhiều tháng điều trần. Bà Mạnh bị buộc tội lừa đảo công ty HSBC bằng cách lừa dối họ về mối quan hệ của Huawei với một công ty đang kinh doanh ở Iran, để trấn an ngân hàng này rằng họ không vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran.
Thẩm phán Heather Holmes cho biết các thành viên của một công ty truyền thông nộp đơn xin quay phim các thủ tục tố tụng cho đến nay đưa tin “một cách có trách nhiệm và chuyên nghiệp”, nhưng sẽ không thể kiểm soát cách người khác sử dụng đoạn phim này khi cảnh quay được công bố trực tuyến.
Tờ Tin Hoa Nam Buổi Sáng và 12 tổ chức truyền thông khác, bao gồm CNN, New York Times và Wall Street Journal, nộp đơn xin được mang máy quay video vào Tối cao Pháp Viện British Columbia  ở Vancouver.
Sự việc này là tâm điểm căng thẳng giữa Trung Cộng và phương Tây, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và cuộc tranh luận về việc có nên cho Huawei tham gia mạng internet 5G tốc độ cao trên toàn thế giới hay không.
https://www.sbtn.tv/tham-phan-bac-bo-yeu-cau-cua-truyen-thong-ve-viec-phat-song-phien-dieu-tran-dan-do-giam-doc-tai-chinh-cua-huawei/

WHO báo động tình trạng lây lan

của virus gây viêm phổi từ TQ

WHO lo ngại về khả năng bùng phát rộng của virus corona mới gây viêm phổi, nguồn gốc được truy nguyên từ Trung Quốc.
Nhà chức trách Thái Lan cho biết, một phụ nữ Trung Quốc đã bị cách ly ở Thái Lan do nhiễm virus corona.
Du khách này tính đến Bangkok du lịch nhưng được phát hiện bị sốt khi đến sân bay Suvarnabhumi vào ngày 8/1, phải nhập viện vào hôm đó và đến nay đã khỏi bệnh.
Đây là trường hợp nhiễm virus này đầu tiên được phát hiện ở ngoài Trung Quốc.
Virus viêm phổi bí ẩn bùng phát ở Trung Quốc
Ba thách thức cho ngành y tế toàn cầu
Bụi siêu mịn: sát thủ lạnh lùng trong không khí
“Sẽ không bất ngờ nếu phát hiện những trường hợp khác ở các quốc gia khác. Và đây là lý do vì sao WHO kêu gọi giám sát và chuẩn bị tích cực đang diễn ra ở các quốc gia khác. WHO đã ban hành hướng dẫn về cách phát hiện và điều trị cho những người bị nhiễm virus mới” – theo thông báo đăng trên trang web của WHO.
Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, virus này có khả năng bùng phát rộng hơn. Đây là chủng virus có thể gây nhiễm trùng từ cảm lạnh thông thường đến hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Virus SARS là một dạng giống virus cúm đã giết chết hơn 700 người trên khắp thế giới vào năm 2002-2003, sau khi lây lan từ Trung Quốc.
Xét nghiệm sơ bộ cho thấy, có 41 trường hợp bị viêm phổi và một trường hợp tử vong tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, có thể đã bị nhiễm virus corona mới này.
Trường hợp tử vong là một người đàn ông 61 tuổi. Và từ đó, chưa có thêm trường hợp tử vong nào mới, cơ quan Y tế Vũ Hán cho biết hôm 14/1.
Bác sĩ Maria D. van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị chuyên về các loại bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện của WHO, cho biết, virus corona có “nhiều điểm tương đồng” với SARS và MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông).
Feng Zijian, phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, nói với đài truyền hình trung ương Trung Quốc hôm 14/1 rằng, gen của virus corona cho thấy nó không phải là SARS cũng không phải MERS và sự khác biệt trong bộ gen giữa chúng rất lớn.
Sars đã lây nhiễm hơn 8.000 người, giết chết hơn 700 người trên toàn cầu sau khi bắt nguồn từ Trung Quốc năm 2003.
Nguồn gốc của virus corona mới này được truy nguyên đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi có hàng chục người bị cho là đã nhiễm virus này.
Một số người nhiễm bệnh trong họ, kể cả trường hợp đã tử vong, đã từng mua bán ở một chợ hải sản trong thành phố, dẫn đến việc các cơ quan chức năng đóng cửa khu chợ này.
Tuy nhiên, trong trường hợp du khách Trung Quốc đến Thái Lan nói trên, người phụ nữ này chưa từng đến gần chợ hải sản trên, nhưng đã đến mua sắm ở các chợ khác trước khi đi Thái Lan, theo tờ SCMP.
“Theo những tin mà chúng tôi nắm được, [virus này] có thể lây lan từ người sang người nhưng với mức độ hạn chế. Tuy nhiên, hiện tại, rõ ràng là chúng tôi chưa thấy có trường hợp lây từ người sang người”, bác sĩ van Kerkhove nói.
WHO đã thông báo các triệu chứng của virus này là sốt, một vài người thấy khó thở. X quang phổi cho thấy viêm nhiễm lan rộng ở phổi.
“Vẫn còn quá sớm, chúng tôi chưa rõ về các biểu hiện lâm sàng”, bác sĩ van Kerkhove nói.
Thông cáo của WHO cho biết, tổ chức này đã ban hành hướng dẫn về cách phát hiện và điều trị cho những người bị nhiễm virus mới.
Giữa khi tết Nguyên đán đang đến gần ở châu Á và nhiều du khách từ Trung Quốc sang Thái Lan du lịch, WHO đã kêu gọi chính quyền Thái Lan, công chúng và những người đi du lịch phải cảnh giác.
Đại diện của tổ chức này tại Thái Lan cho biết, bất cứ ai bị sốt, ho và đã có thời gian ở Vũ Hán nên được nhân viên y tế kiểm tra.
Trước đó, lo ngại trước sự lan rộng của dịch bệnh, Singapore và Hong Kong đưa ra các quy trình sàng lọc cho khách du lịch đến từ Vũ Hán.
https://www.bbc.com/vietnamese/51116429

HRW: VN chưa cải thiện nhân quyền,

TQ đang là mối đe dọa toàn cầu

Báo cáo mới của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nhận xét rằng Việt Nam chưa làm gì nhiều để cải thiện nhân quyền; trong khi các động thái của Trung Quốc đang đe dọa hàng thập niên tiến bộ về nhân quyền toàn cầu.
Báo cáo thường niên dày 653 trang này được phát hành tại cuộc họp báo ở trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, hôm 14/1.
Thoạt đầu, HRW dự tính ra mắt báo cáo tại Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài ở Hong Kong, nhưng Giám đốc Điều hành của tổ chức này, ông Kenneth Roth, đã bị từ chối nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Hong Kong.
Việt Nam có 12 nhà báo đang bị cầm tù
VN: Chính quyền có nên xem lại chính sách của mình?
Dân Việt dùng mạng xã hội nhiều, nhưng Việt Nam đứng chót bảng tự do Internet
Việt Nam liên tục có các phiên tòa ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Điều này diễn ra sau khi năm ngoái Bắc Kinh đã quyết định trừng phạt một số tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ, trong đó có Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, với cáo buộc khuyến khích người biểu tình chống chính phủ tại Hong Kong thực hiện các hành vi bạo lực.
Khi được hỏi về trường hợp nhập cảnh của ông Roth, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từng nói với các phóng viên rằng, đó là “quyền chủ quyền” của Trung Quốc trong việc quyết định ai được và ai bị từ chối nhập cảnh.
“Tôi cũng muốn chỉ ra rằng, rất nhiều bằng chứng cho thấy, các tổ chức phi chính phủ có liên quan đã hỗ trợ những kẻ âm mưu chống Trung Quốc gây rối tại Hong Kong bằng nhiều cách khác nhau, kích động bạo lực và tiến hành các hoạt động ly khai để giành độc lập cho Hong Kong.
“Do vậy, việc trừng phạt với các tổ chức này hoàn toàn hợp lý vì họ phải trả giá cho những gì họ đã làm”, ông Cảnh Sảng nói.
Nhưng ông Roth đã dùng điều này làm bằng chứng mới nhất cho thấy “Chính phủ Trung Quốc đang làm mọi việc có thể nhằm làm suy yếu việc thực thi các tiêu chuẩn nhân quyền toàn cầu”.
Với Việt Nam, báo cáo cho rằng, nước này đã không làm được gì nhiều để cải thiện tình hình vốn tệ hại về nhân quyền.
Việt Nam- chưa cải thiện gì
Báo cáo của HRW nhận xét, trong năm 2019, Việt Nam đã không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ nhân quyền vốn yếu kém của mình.
Theo báo cáo, chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo.
“Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động”, báo cáo của HRW viết.
Liên quan đến quyền tự do ngôn luận, báo cáo trên viết rằng nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công ty viễn thông và các mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị. Đường kết nối tới các trang mạng, các nội dung hay tài khoản mạng xã hội bị coi là trái ý chính quyền về chính trị bị chặn hay đóng.
Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng phải đối mặt với nguy cơ bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể, câu lưu, bắt giữ và tù giam. Các nghi can bị bắt có thể bị công an giam giữ hàng tháng trời mà không được tiếp xúc với luật sư và bị thẩm vấn thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia.
Theo báo cáo, trong năm 2019, chính quyền Việt Nam đã kết án ít nhất là 25 người trong các vụ án có động cơ chính trị.
Các nhà hoạt động và blogger thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị hành hung dưới tay của các nhân viên công quyền hoặc côn đồ dường như có sự phối hợp với nhà cầm quyền và được miễn trừ trách nhiệm.
Báo cáo viện dẫn việc nhà vận động chống tham nhũng Hà Văn Nam bị một số người lạ mặt bắt cóc và trùm đầu, đưa anh lên một chiếc xe van và đánh đập, rồi bỏ ngoài cổng một bệnh viện với hai chiếc xương sườn bị gãy.
Hay việc nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Hưởng rồi một nhóm các nhà hoạt động bị hành hung sau khi đi thăm một số tù nhân chính trị hay gia đình họ.
“Một dấu hiệu rất đáng lo ngại cho chính quyền VN”
Báo cáo cũng đánh giá Luật An ninh mạng có hiệu lực từ tháng 1/2019 quá mơ hồ và lỏng lẻo, và việc này đã tạo điều kiện cho chính quyền khả năng kiểm duyệt quyền biểu đạt tự do và buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải gỡ bỏ các nội dung trái ý với chính quyền trong vòng 24 tiếng từ khi nhận được yêu cầu.
Liên quan đến quyền tự do lập hội, báo cáo viết rằng Việt Nam tiếp tục cấm các công đoàn, tổ chức nhân quyền và đảng phái chính trị độc lập.
Nhà cầm quyền Việt Nam quy định các cuộc tụ tập đông người phải được chuẩn thuận, và từ chối cấp phép một cách có hệ thống đối với các cuộc gặp gỡ, tuần hành hay hội họp công cộng bị coi là không chấp nhận được về chính trị.
Trung Quốc – mối đe dọa toàn cầu
Báo cáo năm nay của HRW mở đầu bằng bài viết về “mối đe dọa toàn cầu” đối với nhân quyền ở Trung Quốc. của ông Kenneth Roth.
Ông Roth nhấn mạnh rằng nếu chúng ta không làm gì để cải thiện, điều này có thể “báo trước một tương lai đen tối là không ai có thể vượt qua sự kiểm duyệt của Trung Quốc và hệ thống nhân quyền quốc tế suy yếu đến mức nó không thể đóng vai trò giám sát sự đàn áp của chính phủ”.
Mỹ: Hạ viện thông qua dự luật trừng phạt quan chức TQ
TQ thề ‘trả đũa’ nếu ông Trump ký dự luật Nhân quyền Hong Kong
Trung Quốc: Người Uighurs ‘được tự do’ sau khi ‘tốt nghiệp’
Báo cáo trích dẫn một loạt các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, từ việc giam giữ hàng loạt người Hồi giáo Uyghur ở Tân Cương, đến việc tăng cường kiểm duyệt, sử dụng các công nghệ để giám sát người dân và kiểm soát xã hội.
HRW cũng chỉ ra hệ thống điểm tín dụng xã hội của nước này được thiết kế để giám sát công dân, không chỉ ở Trung Quốc.
“Ở trong nước, lo ngại rằng việc cho phép tự do chính trị sẽ gây nguy hiểm cho việc nắm giữ quyền lực của mình, nên Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng một nhà nước giám sát công nghệ và một hệ thống kiểm duyệt internet tinh vi để theo dõi và đàn áp những chỉ trích công khai.
Tài liệu bị rò rỉ cho thấy Trung Quốc tẩy não người Uighurs ở Tân Cương
“Ở ngoài nước, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để bịt miệng những người chỉ trích và thực hiện các cuộc tấn công dữ dội nhất vào hệ thống thực thi quyền con người toàn cầu”, ông Roth viết.
Các tổ chức và công ty quốc tế công khai chống lại sự chèn ép Bắc Kinh cũng đối mặt với việc bị từ chối tiếp cận thị trường nhiều tiềm năng của Trung Quốc.
Cần hành động toàn cầu
Nhận xét của ông Kenneth Roth cũng đưa ra một thực tế là một số quốc gia từng được xem là chỗ dựa tin cậy trong việc bảo vệ nhân quyền đến nay cũng chưa hành động gì.
Sự chú ‎ của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu bị phân tán bởi vấn đề Brexit và dân nhập cư.
Tháng trước, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật yêu cầu chính quyền Trump tăng cường phản ứng trước sự đàn áp của Trung Quốc đối với người thiểu số Hồi giáo.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, những ngôn từ mạnh mẽ lên án các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc từ các quan chức Hoa Kỳ đã bị khỏa lấp bằng lời ngợi ca của Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bản thân Hoa Kỳ “cũng tiếp tục đi ngược lại về nhân quyền”, mà việc các em nhỏ bị tách khỏi cha mẹ của các em ở biên giới Mỹ-Mexico được báo cáo đưa ra như một trong nhiều ví dụ.
Phản ứng dư luận sau khi cây bút Phạm Chí Dũng bị bắt
Việt Nam ‘thực ra đã có lực lượng đối lập’
Nhà nước Việt Nam cần dũng khí ‘từ bỏ độc quyền báo chí’
Ông Roth cho rằng, nếu từng quốc gia riêng rẽ đang đối mặt với sự lựa chọn giữa cơ hội kinh tế khi hợp tác làm ăn với Trung Quốc và việc lên tiếng chống lại sự đàn áp của Bắc Kinh, “cán cân quyền lực” có thể thay đổi nếu các chính phủ cùng nhau phản đối việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ.
“Chẳng hạn, nếu Tổ chức Hợp tác Hồi giáo phản đối chính phủ Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Bắc Kinh sẽ cần phải trả đũa 57 quốc gia”, ông viết.
Báo cáo cũng kêu gọi các chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra các giải pháp thay thế các khoản vay và viện trợ phát triển của Trung Quốc, vốn bị chỉ trích như một hình thức ngoại giao “bẫy nợ”.
“Trừ khi chúng ta muốn quay trở lại thời đại mà mọi người bị thao túng hoặc loại bỏ theo ý thích của các lãnh chúa, chúng ta phải chống lại sự tấn công của Bắc Kinh đối với quyền con người của chúng ta”, ông Roth nói.
“Những tiến bộ về nhân quyền trong hàng thập niên qua, tương lai của chúng ta đang bị đe dọa.
“Để bảo vệ tương lai, các chính phủ cần hành động cùng nhau để chống lại sự tấn công của Bắc Kinh vào hệ thống nhân quyền quốc tế”, báo cáo viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/51116425

Vị trí, tầm quan trọng

trong chiến lược biển của các nước trên thế giới

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên trên lục địa đang bị khai thác cạn kiệt, khiến các nước đẩy mạnh quyết tâm triển khai chiến lược biển có hiệu quả, nhằm tìm kiếm, chiếm giữ các nguồn tài nguyên phong phú này.
Lợi ích chiến lược của các bên
Theo đánh giá của giới nghiên cứu địa chất Mỹ, thì Bắc Cực có khoảng 10% dự trữ dầu thế giới và 25% trữ lượng chưa được khám phá, tương đương khoảng 90 tỷ thùng dầu, 1.699 nghìn tỷ feet khí đốt tự nhiên và khoảng 44 tỷ thùng khí tự nhiên dạng lỏng. Viện Hải dương học Nga cũng cho biết, khu vực hình yên ngựa trong lòng Bắc Cực chứa đến 10 tỷ tấn dầu, chưa kể nhiều loại khoáng sản quý khác như niken và kim cương. Riêng ở trung tâm biển Barents tồn tại một mỏ khí đốt đã được kiểm chứng với trữ
lượng khoảng 3,7 nghìn tỷ m3 khí đốt và 31 triệu m3 khí đốt hóa lỏng, đủ để cung cấp cho EU trong 7 năm.
Theo các nhà khoa học, đến trước năm 2050, hiện tượng băng tan ở Bắc Băng Dương sẽ mở ra tuyến hàng hải Tây Bắc, rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giúp giảm hải trình từ Luân Đôn sang Tôkyô xuống còn 16 nghìn km so với 21 nghìn km đi ngang kênh đào Suez hoặc 23 nghìn km đi qua kênh đào Panama. Trong tương lai, nước nào kiểm soát được vùng biển này sẽ có ưu thế rất lớn trong phát triển kinh tế cũng như quốc phòng – an ninh.
Biển Thái Bình Dương, Biển Đông cũng được đánh giá là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú. Khu vực này có khoảng 2 nghìn loài cá, trong đó có hơn 100 loài có giá trị kinh tế cao; hơn 100 loài thuộc 34 giống của 11 họ tôm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến hải sản xuất khẩu. Giới nghiên cứu biển quốc tế đánh giá, Biển Đông có nhiều khả năng trở thành một “Vịnh Ba Tư” thứ hai trên thế giới. Biển Đông được coi là một trong những bồn trũng chứa dầu khí lớn của thế giới. Theo dự báo đây là vùng biển có trữ lượng dầu mỏ khoảng 213 tỷ thùng và 2 nghìn tỷ m3 khí; là tuyến đường thương mại giữa Đông Á với châu Âu, Trung Đông và châu Phi; hàng năm có hơn 80% lượng dầu mỏ thế giới vận chuyển qua đây. Biển Đông còn đóng vai trò then chốt trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á -Thái Bình Dương – khu vực phát triển năng động nhất của thế giới trong thế kỷ XXI. Theo dự đoán của Trung Quốc, riêng khu vực Trường Sa và Hoàng Sa có khoảng 105 tỷ thùng dầu và khoảng 1 nghìn tỷ m3 khí và một trữ lượng lớn băng cháy – nguồn năng lượng mới có thể thay thế dầu khí trong tương lai. Biển Đông còn có nhiều khoáng sản quý, có giá trị trong sản xuất công nghiệp như mănggan, titan, uranium, phốt phát….
Biển Đông trở thành một vùng biển chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển giao thông đường biển của nhiều nước trên thế giới. Nằm trên tuyến hàng hải quan trọng nối liền Đông – Tây, có mật độ giao thông hàng hải quốc tế nhộn nhịp thứ hai thế giới. Hơn 30% lượng hàng hoá giao thương trên thế giới đi qua con đường biển này. Ngoài tiềm năng giao thông vận tải và kinh tế, Biển Đông còn có ý nghĩa chiến lược về quân sự. Với 16 tuyến đường hàng hải, 12 tuyến đường hàng không quốc tế từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, Biển Đông là khu vực án ngữ lối ra vào lục địa châu Á, có ý nghĩa chiến lược cả trong thời bình và thời chiến. Những năm qua, Biển Đông là con đường vận chuyển chủ yếu về lực lượng, trang bị hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại Đông Á. Đặc biệt, trên Biển Đông có nhiều quần đảo lớn, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, có vị trí vô cùng quan trọng đối với khu vực này.
Đánh giá về ý nghĩa quân sự đối với quần đảo Trường Sa, nhiều chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Đông – Tây (Mỹ) và Đại học Aichi (Nhật Bản) cho rằng: “Quần đảo này được xem như một căn cứ chiến lược để phòng thủ, ngăn chặn, kiểm soát tuyến đường biển và có thể là căn cứ tấn công đất liền”. Quốc gia nào muốn đứng chân ở châu Á – Thái Bình Dương nhất thiết phải khống chế Biển Đông, bởi chiếm cứ được Biển Đông có nghĩa là chiếm cứ được Tây Thái Bình Dương nói riêng, toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Các nước lớn như: Mỹ, Nga, Trung Quốc… hiện đã thiết lập các căn cứ quân sự nhằm thực hiện mục tiêu địa – chính trị của mình.
Chiến lược, cách tiếp cận của một số nước
Hiện nay, một số nước trên thế giới đang tìm cách vươn ra biển, dựa vào biển để phát triển kinh tế, thương mại, quốc phòng – an ninh. Đây là nhu cầu tất yếu khách quan. Các nước có biển, nhất là các nước lớn đều có chiến lược biển rõ ràng để phát triển thành cường quốc biển. Tùy vào điều kiện cụ thể, mỗi nước lựa chọn hướng đi riêng cho mình nhằm khai thác các lợi ích từ kinh tế biển để phát triển đất nước.
Liên bang Nga đã xác định chiến lược biển với 4 nội dung: (1) Tại biển Đại Tây Dương, Nga sẽ duy trì các lực lượng, đặc biệt là hải quân trên biển Bantic, Biển Đen, biển Azov và Địa Trung Hải nhằm bảo vệ lợi ích của Nga trong khu vực này. (2) Tại biển Bắc Băng Dương, Nga đã duy trì Hạm đội Phương Bắc nhằm đảm bảo đường ra của Hải quân Nga, bảo vệ khu kinh tế, thềm lục địa giàu có và tuyến giao thông đường biển phía Bắc trong quá trình phát triển đất nước. Năm 2010, lần đầu tiên Nga cho tàu SCF Baltica chở 114.564 tấn dầu, được hộ tống bởi hai tàu phá băng hạt nhân, đã thành công trong việc vận chuyển dầu và khí hóa lỏng cho Trung Quốc và tiến sát bờ biển Bắc Cực. Theo tính toán, tuyến đường này so với các tuyến đi qua kênh đào Suez tiết kiệm được khoảng 15% chi phí. Theo kế hoạch, năm 2020 Nga sẽ triển khai một lực lượng vũ trang hỗn hợp nhằm bảo vệ các quyền lợi kinh tế và chính trị của nước này ở Bắc Cực, bao gồm các đơn vị quân đội, biên phòng và tuần dương hạm nhằm bảo đảm an ninh quân sự của Moscow trong bối cảnh chính trị và quân sự đa dạng đang hình thành. Theo “Viện nghiên cứu các vấn đề dầu và khí”, Nga sẽ khai thác được khoảng 30 triệu tấn dầu và 130 tỷ m3 khí đốt
tự nhiên trên thềm lục địa Bắc Cực vào năm 2030. Nga hiện đã tiến hành chuẩn bị tuyên bố chủ quyền thềm lục địa 1,2 triệu k­m­2 và khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở khu vực này. (3) Tại Ấn Độ Dương, Nga sẽ mở rộng vận tải và đánh bắt cá trên biển, hợp tác chống cướp biển; chống khủng bố; tiến hành nghiên cứu Nam Cực; biến khu vực này thành khu vực ổn định và thân thiện với các nước láng giềng, bảo đảm sự có mặt thường xuyên của hải quân Nga tại đây. (4) Tại biển Thái Bình Dương, Nga sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vùng Viễn Đông; phát triển thăm dò và nghiên cứu tài nguyên khoáng sản và sản vật biển tại khu vực kinh tế và thềm lục địa của Nga; tạo điều kiện, kể cả sử dụng khả năng của các địa phương trong khai thác tiềm năng biển với mục đích bảo vệ chủ quyền và quyền quốc tế của Nga tại Thái Bình Dương; ký kết các hiệp định quốc tế về hạn chế sử dụng quân sự trong vùng; thúc đẩy hợp tác với các nước châu Á – Thái Bình Dương nhằm bảo đảm an ninh trên biển, chống buôn lậu, giúp đỡ tàu bị nạn; nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, vận tải nhằm thu hút các nguồn hàng trung chuyển từ các nước Đông Nam Á và Mỹ sang châu Âu và các nước khác.
Mỹ cũng đã đưa ra văn kiện chiến lược biển mới với 31 chương, 10 phần, phản ánh toàn diện các vấn đề liên quan đến đại dương, trong đó tập trung vào 4 điển then chốt: (1) tăng cường công tác phối hợp và lãnh đạo ở cấp quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách biển quốc gia; (2) tăng cường tiếp cận vùng nhằm đảm bảo sự tham gia đầy đủ của nhà nước, các vùng, các bộ tộc và người dân địa phương vào việc xây dựng và triển khai chính sách biển; (3) phối hợp quản lý các vùng ngoài khơi nhằm phục vụ các hoạt động khai thác đại dương trong thời gian dài; (4) tăng cường cơ cấu tổ chức cấp liên bang nhằm đáp ứng nhanh những nhu cầu của các bang và các bên liên quan, thích hợp với phương pháp quản lý dựa trên hệ sinh thái. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư khoa học công nghệ và thăm dò biển; thu thập dữ liệu và hệ thống thông tin; coi công tác giáo dục, đào tạo là nền tảng, tương lai về biển. Đối với Biển Đông, Mỹ cho rằng, họ có lợi ích sống còn về kinh tế và chiến lược vì Mỹ hiện đang là đối tác thương mại số 1 của Nhật Bản, số 2 của Trung Quốc và thứ 3 của ASEAN. Lợi ích kinh tế của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương đã lớn hơn ở Tây Âu, vì khu vực này đang thu hút một lượng đầu tư khổng lồ của các công ty Mỹ. Hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang khu vực Đông Á và ngược lại, vận chuyển chủ yếu qua các hải lộ quốc tế trên Biển Đông. Do những lợi ích to lớn về thương mại và kinh tế trong khu vực, nên việc bảo đảm tự do cho tàu thuyền của Mỹ và các nước trên các tuyến đường Biển Đông được Mỹ rất coi trọng.
Trung Quốccho rằng, trong thế kỷ XXI, thế giới sẽ tập trung khai thác và tận dụng tài nguyên biển, mở rộng các ngành nghề biển và phát triển kinh tế biển quy mô lớn. Do đó, Trung Quốc xác định mục tiêu và các giai đoạn để tiến ra biển: (1) xây dựng Trung Quốc trở thành “cường quốc biển”đểtrở thành cường quốc thế giới; (2) lấy xây dựng kinh tế biển làm trung tâm, có quy hoạch tổng thể khai thác về biển, sử dụng hợp lý tài nguyên biển và thúc đẩy phát triển nhịp nhàng các ngành sản xuất biển, khai thác nguồn tài nguyên biển hợp lý, thực hiện quy hoạch đồng bộ việc bảo vệ môi trường biển, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào khai thác biển. Từ năm 2006 – 2015, là giai đoạn khởi đầu, chuẩn bị thực hiện toàn diện chiến lược phát triển biển. Từ năm 2016 – 2030, là giai đoạn phát triển toàn diện, theo đó, về quân sự, xây dựng hệ thống phòng thủ chiến lược biển hiện đại, lấy hải quân làm nòng cốt, phấn đấu đến năm 2050, lực lượng bảo vệ biển của Trung Quốc ngang bằng với các cường quốc phương Tây; trong lĩnh vực kinh tế, hình thành quy mô phát triển sản nghiệp biển mang hàm lượng kỹ thuật cao, từng bước đưa hàm lượng khoa học kỹ thuật đóng góp khoảng 70% trong phát triển kinh tế biển. Từ năm 2031 – 2050 được xác định là giai đoạn cất cánh.
Ấn Độcó bờ biển dài gần 5.700 km, khoảng 300 hòn đảo và một khu vực vùng đặc quyền kinh tế rộng gần 2,2 triệu km2. Ấn Độ coi biển không chỉ có tiềm năng về dầu mỏ, khí đốt, sinh vật biển, mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh. Ấn Độ đã xây dựng chiến lược phát triển biểnnhằm mục tiêu khai thác triệt để tài nguyên biển; đẩy mạnh thương mại biển gồm dịch vụ, vận tải, du lịch; xây dựng lực lượng hải quân có sức mạnh vượt trội trong khu vực để bảo vệ, kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương, tạo đà mở rộng tầm hoạt động của hải quân ra nhiều vùng biển trên thế giới. Phát triển ra biển là một phần trong chính sách “Hướng Đông” được Ấn Độ rất coi trọng. Trọng tâm chính sách của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương, nhưng việc bảo vệ lợi ích Ấn Độ Dương liên quan đến khu vực tiếp giáp giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Biển Đông. Đây là khu vực có lợi ích then chốt của Ấn Độ.
Canada là một quốc gia có diện tích tự nhiên lớn với ba mặt giáp biển, là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài nhất thế giới. Canada là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng chính sách biển tổng thể ở tầm quốc gia, áp dụng phương thức quản lý tổng hợp – một phương thức quản lý hiện đại, thích hợp đối với biển. Hệ thống chính sách, pháp luật về biển của Canada được xây dựng và phát
triển trong một thời gian dài gắn với quá trình thay đổi tư duy về quản lý biển. Chiến lược biển Canada được xây dựng và ban hành năm 2002. Nó được xem là tuyên bố về chính sách của Chính phủ Canada về quản lý các hệ sinh thái cửa sông, bờ biển và đại dương ở tầm quốc gia. Chiến lược biển quy định về việc áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp đối với các vùng biển, nhấn mạnh sự hợp tác và hỗ trợ về chính sách và chương trình quản lý giữa các cơ quan và các chủ thể liên quan. Đồng thời, Chiến lược biển quốc gia Canada xác định rõ ba mục tiêu lớn trong quản lý biển; đó là: hiểu biết và bảo vệ môi trường (BVMT) biển; hỗ trợ các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; và nâng cao vị thế về biển của Canada trên trường quốc tế. Để đạt được các mục tiêu này, Chiến lược cũng đã đề ra nguyên tắc chủ đạo cần phải tuân theo trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý biển; bao gồm: nguyên tắc quản lý tổng hợp; nguyên tắc phát triển bền vững; nguyên tắc cẩn trọng. Cùng với Chiến lược biển, Chính phủ Canada đã tái khẳng định cam kết của mình về việc áp dụng rộng rãi nguyên tắc cẩn trọng trong bảo tồn, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển một cách bền vững. Ngoài ra, Chiến lược biển quốc gia Canada cũng đề cập đến một số nguyên tắc khác như: nguyên tắc quản lý dựa vào hệ sinh thái (ecosystem-based), nguyên tắc quản lý dựa vào khoa học (science- based). Về quản lý biển, Chiến lược biển Canada khẳng định đây không phải là công việc và trách nhiệm của riêng chính quyền liên bang. Quản lý biển Canada thuộc trách nhiệm chung của cộng đồng. Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đều phải chia sẻ trách nhiệm này. Chính vì vậy, quản lý biển xác định trong Chiến lược biển là một quá trình làm việc tập thể phối, kết hợp giữa chính quyền liên bang với các cấp chính quyền khác nhằm chia sẻ trách nhiệm để hướng tới những mục tiêu chung. Đồng thời, Chiến lược biển cũng thể hiện cam kết của Chính phủ Canada trong việc huy động và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định đối với những công việc có liên quan theo mô hình đồng quản lý hoặc quản lý dựa vào cộng đồng.
Nhật Bản cũng xây dựng chiến lược biển tập trung vào 4 nội dung cốt lõi: (1) phân định “khu vực bảo vệ mực nước thủy triều thấp” xung quanh đường cơ sở hải đảo; (2) bảo vệ và sử dụng “công trình cứ điểm” của khu vực đặc quyền kinh tế; (3) sửa đổi Đại cương phòng vệ và Kế hoạch phòng vệ trung hạn, đảm bảo xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh phục vụ cho chiến lược biển; (4) thuyết phục Mỹ cùng hợp tác với Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Sekaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á ngày càng căng thẳng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chú trọng bảo vệ các hòn đảo xa, đặc biệt là những đảo không có người ở Senkaku/Điếu Ngư, nhấn mạnh đến kế hoạch đặt đơn vị đồn trú giám sát bờ biển tại hòn đảo Yonaguni ở khu vực cực Tây Nhật Bản, cũng như việc thành lập lực lượng thủy quân lục chiến.
Indonesia, trong chiến lược biển của mình cũng đã nêu ra 5 nội dung quan trọng: (1) hồi sinh nền văn hóa biển; (2) cải thiện quản lý các đại dương và ngành thủy sản; (3) đẩy mạnh kinh tế biển bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, ngành công nghiệp vận tải biển và du lịch biển; (4) đẩy mạnh ngoại giao biển nhằm hạn chế các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, cướp biển; (5) tăng cường phòng thủ trên biển nhằm hỗ trợ chủ quyền hàng hải, sự thịnh vượng của đất nước.
Thái Lan, trong chiến lược phát triển đất nước, đã đưa ra kế hoạch 4 điểm về biển: (1) cải thiện hiệu quả quản lý biển; (2) khôi phục và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho việc sử dụng bền vững biển; (3) tăng cường năng lực cạnh tranh trong việc phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên; (4) kiểm soát ô nhiễm và an toàn hàng hải dựa trên tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Thái Lan còn ban hành nhiều văn kiện pháp lý khác nhằm khẳng định chủ quyền của mình trên biển.
Malaysia nhấn mạnh, về cơ bản, Biển Đông phải là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã công bố một khung hướng dẫn mới đối với chính sách đối ngoại của đất nước, nhấn mạnh Biển Đông phải là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Khung khuôn khổ cũng cho biết Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN. Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) khẳng định quyết tâm giữ khu vực trung lập, không chịu bất kỳ sự can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài đã được Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore ký kết vào năm 1971.
Việt Nam là một quốc gia ven bờ Biển Đông, có các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán rộng khoảng 1 triệu km2, có đường ven biển dài hàng nghìn km, có hàng nghìn đảo lớn nhỏ ven bờ, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ trên tuyến đường hàng hải quốc tế, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh và phát triển kinh tế – xã hội. Vùng biển Việt Nam còn
là cửa ngõ giao lưu giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc trên biển ngày càng trở nên cấp thiết.
Như vậy, biển, đảo rất giàu tiềm năng, ngày càng có vị trí quan trọng hơn trong đời sống của con người. Để đáp ứng xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, các nước trên thế giới ngày càng vươn xa hơn ra biển và đại dương. Tuy nhiên, trong quá trình vươn ra biển đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn về quyền lợi biển giữa các nước có biển với nhau, những nước có biển với nước không có biển, gây ra những tranh chấp rất phức tạp, thậm chí là quyết liệt về chủ quyền và lợi ích trên biển, khiến vấn đề an ninh biển và đại dương ngày càng trở nên cấp bách hơn.
http://biendong.net/bien-dong/32651-vi-tri-tam-quan-trong-trong-chien-luoc-bien-cua-cac-nuoc-tren-the-gioi.html

Giới chuyên gia LHQ:

‘Chớ có dự’ hội nghị tiền điện tử ở Triều Tiên

Giới chuyên gia nắm rõ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc cảnh báo mọi người chớ có tham dự một hội nghị về tiền điện tử tại Triều Tiên vào tháng 2, lưu ý rằng đó là vi phạm có thể bị trừng phạt, theo một báo cáo mật sẽ được trình lên Hội đồng Bảo an LHQ vào cuối tháng này.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi các chuyên gia độc lập trong LHQ nói với hội đồng hồi tháng 8 rằng Triều Tiên đã làm ra khoảng 2 tỷ đô la để chi cho các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt bằng cách thực hiện các cuộc tấn công mạng “trên diện rộng và ngày càng tinh vi” để ăn cắp của các ngân hàng và từ các giao dịch tiền điện tử.
Triều Tiên đã chịu lệnh trừng phạt của LHQ kể từ năm 2006 vì các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của họ. Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã nhất trí tăng cường các biện pháp đó trong những năm qua, khiến Bình Nhưỡng phải tìm những cách khác nhau để kiếm tiền.
Vào tháng 4 năm ngoái, Triều Tiên đã tổ chức hội nghị đầu tiên về chuỗi khối (blockchain) và tiền điện tử (cryptocurrency), và một nhà tổ chức nói với Reuters rằng hơn 80 tổ chức đã tham gia. Một người Mỹ tham dự đã bị buộc tội vi phạm các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.
Hội nghị tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 22-29/2, theo trang web về hội nghị.
Một đoạn trích từ báo cáo thường niên sắp tới của các chuyên gia trừng phạt LHQ, mà Reuters được xem, cảnh báo rằng các bài thuyết trình tại hội nghị “chứa đựng nội dung thảo luận cụ thể về tiền điện tử dùng để né các lệnh trừng phạt và để rửa tiền”.
Tiếp đến, báo cáo nhắc lại rằng các lệnh trừng phạt của LHQ yêu cầu các quốc gia ngăn chặn việc cung cấp “các giao dịch tài chính, đào tạo kỹ thuật, tư vấn, dịch vụ hoặc hỗ trợ” nếu họ tin rằng các việc này có thể giúp sức cho các chương trình tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân của Triều Tiên hoặc để né các lệnh trừng phạt.
Bản báo cáo hoành chỉnh sẽ được trình lên ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ vào cuối tháng này.
Hoa Kỳ chính thức kết án chuyên gia tiền kỹ thuật số Mỹ tên là Virgil Griffith vào tuần trước sau khi ông này tham dự hội nghị tiền điện tử của Triều Tiên năm ngoái. Các công tố viên cáo buộc ông ta cung cấp dịch vụ cho Triều Tiên mà không được Hoa Kỳ chấp thuận và né luật Mỹ.
Các công tố viên Hoa Kỳ cho biết Griffith đã khuyến khích các công dân Mỹ khác dự hội nghị vào tháng tới ở Triều Tiên.
Tiền điện tử, như bitcoin và ether, được tạo ra qua một quy trình trên máy tính gọi là “đào mỏ”, đòi hỏi máy phải có phần cứng mạnh. Sau khi được tạo ra, chúng có thể được trao đổi trên các nền tảng trực tuyến ẩn danh để đổi lấy các loại tiền tệ thật như đô la Mỹ, từ đó có thể tiếp tay cho các hoạt động bất hợp pháp như né các lệnh trừng phạt hoặc rửa tiền.
Công nghệ chuỗi khối là một cuốn sổ cái kỹ thuật số tạo ra xương sống của nhiều loại tiền điện tử như bitcoin.
https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-lhq-cho-co-du-hoi-nghi-tien-dien-tu-o-trieu-tien/5246780.html

Vụ Đồng Tâm: Liên minh châu Âu vào cuộc,

‘đề nghị’ gặp Bộ Công an

Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) mới cho VOA tiếng Việt biết rằng tổ chức này “quan ngại” về hành động “dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng” ở Đồng Tâm, đồng thời tiết lộ đã “đề nghị” gặp quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam.
Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói rằng ngày 9/1, đúng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội, “đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại và sự dè dặt về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh”.
“Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của các nạn nhân”, bà Battu-Henriksson nói thêm.
“Vụ việc này cũng sẽ được thảo luận tại cuộc Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam sắp tới. Liên minh châu Âu kỳ vọng chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng các quyền cơ bản của người dân về việc hội họp và thể hiện quan điểm ôn hòa mà không phải đối mặt với bất kỳ đe dọa hay việc sử dụng vũ lực nào”.
Nữ phát ngôn viên không cho biết phản ứng của ông Dũng sau khi EU, một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, bày tỏ lo ngại về vụ việc gây chết chóc, mà nhiều nguồn tin nói là xảy ra vào lúc sáng sớm với lực lượng an ninh hùng hậu, khiến ít nhất 4 người tử vong.
Bà Battu-Henriksson cho hay thêm rằng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã “đề nghị” có “cuộc gặp cụ thể với Thứ trưởng Bộ Công an”, đồng thời sẽ “tiếp tục theo dõi tình hình”.
Hiện chưa rõ là phía Việt Nam hồi đáp như thế nào về yêu cầu này, cũng như thứ trưởng nào của Bộ Công an sẽ gặp đại diện của Liên minh châu Âu.
Hôm 14/1, 5 ngày sau cuộc đụng độ gây tranh cãi, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã có buổi họp báo mà truyền thông trong nước đăng tải chi tiết, trong đó cáo buộc ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, “cầm lựu đạn”, nhưng không trích dẫn ý kiến của thân nhân người được coi là “thủ lĩnh tinh thần” của làng Đồng Tâm.
Trong một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội mới đây, đúng ngày gia đình tổ chức lễ tang cho ông Kình, bà Dư Thị Thành, vợ ông, kể lại chuyện bà bị “bắt phải khai cầm lựu đạn” lúc bị công an tạm giữ: “Tôi bảo tôi không biết quả lựu đạn là thế nào, bom xăng là thế nào thì tôi không khai được. Thế là cứ thế nó tát, nó đá. Tát suốt, cứ hết bên nọ sang bên kia. Thế xong rồi nó đá vào hai ống chân”. VOA tiếng Việt chưa rõ bà Thành bị thẩm vấn ở đồn công an nào.
Cuối năm ngoái, nhân ngày Nhân quyền Thế giới, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Hà Nội đã ra thông cáo, trong đó tuyên bố rằng “EU cam kết mạnh mẽ với việc bảo vệ các nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam và trên toàn thế giới”.
“EU và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các vấn đề chính trị và an ninh, những thách thức toàn cầu, thương mại và phát triển”, thông cáo đăng ngày 11/12/2019 có đoạn. “Tôn trọng quyền con người là một phần cơ bản trong các mối quan hệ của EU với các nước đối tác và các thể chế quốc tế”.
Chính quyền Hà Nội từng cho biết rằng EU là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Giữa năm ngoái, sau nhiều năm đàm phán, quốc gia nằm ở Đông Nam Á và Liên minh châu Âu đã ký Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư mà hai phía nói rằng “sẽ đặt một cột mốc trong quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”.
Tin cho hay, các hiệp định này cần phải được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU thông qua trước khi có hiệu lực.
Hiện xuất hiện một lời kêu gọi biểu tình trước Nghị viện châu Âu ở Bỉ ngày 21/1, đúng ngày Ủy ban Thương mại Quốc tế của cơ quan lập pháp này được cho là “nhóm họp để quyết định xem có phê chuẩn các điều khoản của EVFTA hay không”.
https://www.voatiengviet.com/a/v%E1%BB%A5-%C4%91%E1%BB%93ng-t%C3%A2m-li%C3%AAn-minh-ch%C3%A2u-%C3%A2u-v%C3%A0o-cu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-g%E1%BA%B7p-b%E1%BB%99-c%C3%B4ng-an-/5246527.html

Anh, Pháp, Đức khiếu nại

Iran vi phạm hiệp ước hạt nhân

Tin Brussels, Bỉ – Ba nước Anh, Pháp, Đức vào thứ Ba, 14 tháng 1, đã bắt đầu quá trình khiếu nại Iran vi phạm hiệp ước hạt nhân 2015, trong diễn biến mới có thể khiến Liên Hiệp Quốc khôi phục các lệnh trừng phạt chống lại Tehran.
Các nước châu Âu cho biết hành động của họ là nhằm cứu vãn Hiệp ước hành động chung JCPOA, và đưa Iran quay lại mức tuân thủ toàn diện hiệp ước này. Hiệp ước JCPOA được ký kết năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới, theo đó, Iran sẽ kềm chế việc phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận. Hiệp ước bắt đầu lung lay sau khi Hoa Kỳ thông báo đơn phương rút lui khỏi hiệp ước vào năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế.
Iran vào tuần trước nói rằng nước này sẽ không còn tuân thủ các cam kết trong hiệp ước, sau khi Hoa Kỳ hạ sát chỉ huy quân sự hàng đầu của nước này là Tướng Qassem Soleimani.
Trong tuyên bố chung, Anh, Pháp, Đức cho biết ba nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khiếu nại Iran không tuân thủ JCPOA, và sẽ chuyển vấn đề này lên Ủy Ban Chung, theo Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hiệp ước. Iran đã ngay lập tức chỉ trích quyết định này.
Phát ngôn viên Abbas Moussavi của Bộ Ngoại Giao Iran nói hành động của Anh, Pháp, Đức cho thấy sự yếu thế của các nước này trước Hoa Kỳ. Ông Moussavi nói Iran sẳn sàng chào đón các nỗ lực mang tính xây dựng nhiều hơn để cứu vãn và áp dụng trở lại hiệp ước hạt nhân.
Tuy nhiên, viên chức này cũng đe dọa rằng nếu các bên còn lại không có thiện chí, Tehran sẽ không ngần ngại đáp trả một cách mạnh mẽ. Thủ tục khiếu nại tuy có nhiều bước, nhưng sau cùng sẽ cho phép các nước ngừng tuân thủ hiệp ước JCPOA và tái ban hành các lệnh trừng phạt Iran trên toàn cầu. (BBT)
https://www.sbtn.tv/anh-phap-duc-khieu-nai-iran-vi-pham-hiep-uoc-hat-nhan/

Thủ tướng Dmitry Medvedev

và cả chính phủ Nga đột nhiên từ chức

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đột nhiên đệ đơn từ chức lên tổng thống Putin để nhận chức khác lo về an ninh.
Chức vụ mới cho ông Medvedev là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga.
Truyền thông Nga cho hay cả chính phủ Medvedev từ chức, và hiện các bộ trưởng chỉ còn đóng vai trò ‘tạm quyền’ cho đến khi tân nội các được bổ nhiệm.
Tuyên bố của chính phủ Medvedev nói họ từ nhiệm được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin đọc diễn văn về tình trạng quốc gia, nêu bật nhu cầu cải tổ hiến pháp.
Medvedev bị Putin loại ra rìa, vì sao vậy?Phóng viên BBC Sarah Rainsford hỏi
Mọi việc diễn ra ngay trong ngày thứ Tư, 14/01/2020, theo thông báo của Điệm Kremlin.
Ông Putin đột nhiên nổi giận với Ba Lan
Ngôi sao Putin ‘ngày càng ít tỏa sáng’?
Trump và Putin trong mắt nhau
Bạn giống Obama hay Putin?
Ông Putin cho hay ông “tạo ra vị trí phó chủ tịch hội đồng an ninh” và đã trao cho ông Medvedev nhiệm vụ đó.
Điều này có nghĩa ông Medvedev sẽ không làm thủ tướng cho nội các kế nhiệm được.
Cũng chưa rõ ông nhận vai trò làm phó chủ tịch hội đồng an ninh hay là chưa.
Từng làm tổng thống Nga (2008-2012), ông luôn được coi là người thân cận của ông Putin.
Cải tổ hiến pháp
Nhưng lý do để cả nội các Medvedev phải rút lui là vì các đề xuất cải tổ do tổng thống Nga nêu ra.
Ông Medvedev phát biểu rằng: “Trong bối cảnh này, chúng tôi phải để cho tổng thống quyền quyết định.”
Tổng thống Putin sửa hiến pháp
Tuy ông Putin đã gợi ý Nga cần sửa hiến pháp, “theo nguyện vọng nhân dân”, tin về sự ra đi của toàn thể nội các Medvedev cũng gây xôn xao dư luận Nga và châu Âu.
Theo TASS, ông Putin cảm ơn ông Medvedev về thành tựu đạt được của chính phủ, nhưng nói thêm:
“Không phải cái gì cũng hoàn thành nhưng chúng ta không bao giờ đòi hỏi để mọi thứ đều làm xong trọn vẹn.”
Năm 2020 đánh dấu 20 năm ông Putin ở định cao quyền lực – ông lên làm thủ tướng lần đầu và quyền tổng thống từ cuối 1999 – và một phần dư luận Nga “mệt mỏi” với sự cai trị kiểu cá nhân của ông.
Sinh năm 1952, ông Putin sẽ 72 tuổi vào năm 2024, khi nhiệm kỳ tổng thống lần này của ông kết thúc.
Các đồn đoán tại Nga cho rằng để cầm quyền tiếp, sau 2024, ông Putin phải sửa đổi hiến pháp.
Hiến pháp Liên bang Nga hạn chế bất cứ ai cầm quyền liên tục sau hai nhiệm kỳ tổng thống.
Tuy thế, hiện không rõ kế hoạch của ông Putin là gì.
Phóng viên BBC Sarah Rainsford tại Moscow đặt câu hỏi, “Vì sao ông Putin loại thủ tướng Medvedev?”, và cho biết đây là điều “chưa rõ” trong một ngày “điên rồ” ở Nga.
Bà Rainsford tin rằng nay, với ông Medvedev “bị ra rìa”, Tổng thống Putin trên thực tế sẽ nắm quyền điều hành chính phủ, với các bộ trưởng chỉ là tạm giữ chức (care taking), cho đến khi có sự bổ nhiệm mới, chính thức.
Luôn ủng hộ Putin
Sinh năm 1965 tại St Petersburg, ông Medvedev cũng đi lên từ thành phố này như ông Putin.
Trong các năm 1990-95, ông làm cố vấn cho thị trưởng St Petersburg, nhưng đến năm 1999 đã được về Kremlin làm phó chánh văn phòng phủ tổng thống.
Cuối năm 1999, sau khi Tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ rút lui, ông Putin lên làm tổng thống tạm quyền, rồi tuyên bố ra tranh cử, thì ông Medvedev làm chủ tịch bộ tham mưu tranh cử của Putin (2000).
Nhưng đến năm 2002 ông lại sang làm chủ tịch tập đoàn dầu khí đầy quyền lực Gazprom, để rồi sang năm 2003 quay lại làm chánh văn phòng cho tổng thống Putin.
Năm 2005: Medvedev giữ chức Phó thủ tướng thứ nhất, phụ trách an sinh xã hội.
Năm 2008, ông được bầu làm tổng thống Liên bang Nga và dư luận tin rằng đây chỉ là cách ông và ông Putin, người giữ chức thủ tướng, “hoán đổi chỗ” tạm thời.
Năm 2011 ông Medvedev tuyên bố sẽ rời chức tổng thống và muốn “làm thủ tướng” cho ông Putin.
Từ năm 2012 ông làm thủ tướng Nga cho đến ngày ông Putin ra quyết định bất ngờ, buộc ông phải rời chức vụ, một tuần sau Giáng sinh Chính thống giáo năm 2020.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51123949

Nga – Thổ : Liên minh “đồng sàng dị mộng”

Thu Hằng
Mỹ “bận rộn” trong khủng hoảng chính trị với Iran và đang muốn rút dần quân khỏi Trung Đông cũng như châu Phi. Liên Hiệp Châu Âu, kể cả Pháp, bị lần lượt đánh bật khỏi từng “mặt trận”. Trong khi đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên thành trục mới, đóng vai trò ngày càng không thể thiếu trong khu vực.
Tạm gác qua một bên những bất đồng, Ankara và Matxcơva hợp tác ngày càng khăng khít : từ quân sự, năng lượng đến chiến lược mở rộng ảnh hưởng địa-chính trị trong khu vực. Mục tiêu là hình thành một trục mới trước những nền dân chủ châu Âu, bảo đảm cho Nga một lối ra những vùng biển nóng và hình thành một liên minh tại Libya, theo giảng viên Laurence Daziano, trường Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po) trên nhật báo Les Echos.
Libya : Từ chiến trường ủy nhiệm đến vùng đất thể hiện ảnh hưởng Nga-Thổ
Thành công mới nhất, thể hiện sức ảnh hưởng của Nga-Thổ, là thuyết phục được hai phe đối đầu ở Libya tạm ngừng bắn từ Chủ Nhật 12/01/2020, trong khi chờ kí thỏa thuận chính thức. Tuy nhiên, thống chế Haftar rời Matxcơva ngày 14/01 mà không kí thỏa thuận vì ông muốn suy nghĩ thêm. Ngay từ năm 2015, thống chế Haftar đã yêu cầu Nga hỗ trợ, với lời hứa “dầu khí, đường sắt, bất kể những gì mà các ngài muốn”, theo trang Meduza, được Le Monde trích dẫn trong bài “Libya, chiến trường can thiệp mới của lính đánh thuê Nga” (22/12/2019).
Cần nhắc lại là trên mặt trận Libya, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể được coi là đối đầu vì mỗi bên ủng hộ một lực lượng đối lập : Ankara hậu thuẫn chính phủ Đoàn kết Dân tộc (Government of National Accord, GNA) của thủ tướng Fayez al-Sarraj, đóng tại Tripoli và được cộng đồng quốc tế công nhận ; Matxcơva ủng hộ lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (Libyan National Army, LNA) kiểm soát phía đông, nơi có thành phố Bengazhi, nằm trong tay thống chế tự phong Khalifa Haftar, người đang chiếm lại nhiều vùng đất ở Libya, kể từ khi phát động phản công vào ngày 04/04/2019.
Pháp, Anh và Mỹ ủng hộ thống chế Haftar vì tin rằng ông có khả năng thống nhất đất nước, kiềm chế thánh chiến Hồi Giáo. Từ năm 2018, lực lượng của thống chế Haftar chiếm được ưu thế trên thực địa khi tổng thống Donald Trump bỗng ra lệnh rút hết quân khỏi các chiến dịch ở Libya, mặc các đồng minh đối phó. Không lâu sau, sát cánh với lực lượng Quân đội Quốc gia Libya trên tuyến đầu là những chiến binh nói tiếng Nga, dao động từ 300 đến 2.000 người, tùy từng mặt trận và dường như họ có liên quan
đến công ty an ninh Wagner. Nhờ lực lượng này mà phe của tướng Haftar chiếm ưu thế, đẩy chính phủ Đoàn kết Dân tộc vào thế phòng thủ từ tháng 11/2019.
Vì rút quân khỏi Libya, Hoa Kỳ chỉ biết phản đối “âm mưu của Nga khai thác cuộc xung đột chống lại nguyện vọng của dân tộc Libya” qua thông cáo chung kí ngày 14/11/2019 với một phái đoàn của chính phủ Đoàn kết Dân tộc có mặt Washington. Bị lép vế, chính phủ ở Tripoli đã phải kêu gọi Ankara trợ giúp. Ngày 02/01/2020, Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu cho phép gửi quân sang Libya. Theo các nguồn tin thân cận với chính phủ Tripoli, lực lượng lính đánh thuê của công ty Wagner dường như đã rút khỏi tuyến đầu Tripoli. Nhà báo Frédéric Bobin, trong bài xã luận trên trang Le Monde (14/01/2020), nhận định : “Nếu thông tin được xác nhận, việc công ty Wagner cho rút quân có thể nằm trong khuôn khổ thỏa thuận Nga-Thổ, và ngày càng đẩy các nước châu Âu ra khỏi chiến trường Libya”.
Libya, trên lý thuyết, không tiếng súng từ đêm 12/01 cho thấy “Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có khả năng đến mức nào khi buộc được các “khách hàng của họ” chấp nhận thỏa hiệp, thậm chí là khá đau đớn cho mỗi bên”, theo nhận định với Le Monde của nhà nghiên cứu Wolfram Lacher, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và An ninh của Đức (Stiftung Wissenschaft und Politik, SWP).
Nhân nhượng từ phía thống chế Haftar là “phải ngừng tấn công” cho dù việc “có thể ở lại Tripoli được cho là một chiến thắng đối với ông”. Còn phía thủ tướng Sarraj của chính phủ Đoàn kết Dân tộc “phải chấp nhận rằng tướng Haftar trụ lại Tripoli, và điều này sẽ được ghi trong thỏa thuận ngừng bắn, và đây là nhân nhượng đau đớn nhất. Ngoài ra, điều này cũng có thể gây rạn nứt trong nội bộ phe ủng hộ Sarraj. Một số người nhận thấy mối nguy hiểm rằng tướng Haftar sử dụng lệnh ngừng bắn để chia rẽ đối thủ và tiến dần đến chinh phục quyền lực”.
Còn theo giáo sư Virginie Collombier, chuyên gia về Libya, thuộc Viện Đại học Châu Âu Firenze (European University Institute), khi trả lời RFI (10/01), “Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng được khoảng trống mà các nước châu Âu để lại”. Kinh nghiệm “hợp tác” đàm phán (song song với tiến trình của Liên Hiệp Quốc) và trên thực địa giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về Syria có thể được lặp lại tại Libya. Giáo sư Collombier cho rằng “Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ hai phe đối lập, nhưng lại có nhiều lợi ích chung, trong đó có mục tiêu trở thành những nhân tố chủ đạo và giữ vai trò ngoại giao. Rõ ràng là họ đã tận dụng được tình trạng tê liệt và sự chia rẽ trong nội bộ của Liên Hiệp Châu Âu”.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết : “Merkel (thủ tướng Đức) không muốn Ý và Pháp giằng xé nhau trong hồ sơ rất quan trọng này đối với Liên Hiệp Châu Âu”. Thực vậy, Ý phối hợp với chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya để hạn chế làn sóng nhập cư vào châu Âu. Pháp, vừa tuyên bố tôn trọng quyết định của Liên Hiệp Quốc, nhưng trên thực tế lại thiên về thống chế Haftar. Chính quyền Paris đề ra ba ưu tiến chính : loại trừ lực lượng dân quân, thống nhất các lực lượng vũ trang và phân chia công bằng hơn các nguồn dầu mỏ giữa miền Đông và miền Tây, có nghĩa là có lợi cho thống chế Haftar, để tránh các tổ chức thánh chiến làm giầu. Tuy nhiên, chiến lược không thể đoán được của Washington khiến các cuộc đàm phán chẳng dễ dàng chút nào.
TurkStream giúp Nga-Thổ khẳng định sức mạnh năng lượng
Không chỉ dừng lại ở mở rộng ảnh hưởng ngoại giao trong khu vực, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng bắt tay kiểm soát nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Đường ống TurkStream được nguyên thủ hai nước khánh thành ngày 08/01/2020. Dự án được khởi động năm 2017 là biểu tượng cho sự xích lại gần nhau giữa hai nước sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 2015, nhưng cũng giúp tổng thống Vladimir Putin gia tăng ảnh hưởng về năng lượng và trọng lượng địa-chính trị của Nga.
Nhờ đường ống dẫn khí mới, Thổ Nhĩ Kỳ bảo đảm được nhu cầu năng lượng ngày càng cao của các thành phố lớn ở phía Tây, đồng thời giúp nước này trở thành ngã tư trung chuyển năng lượng quan trọng. Còn đối với Nga, đây là nguồn cung cấp năng lượng cho các nước Nam và Đông Nam Âu, mà tránh được Ukraina, nước trung chuyển chính khí đốt cho châu Âu, do căng thẳng ngoại giao sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014 và can thiệp vào miền Đông Ukraina.
TurkStream có hai đường ống song song, dài khoảng 930 km đi ngầm dưới Biển Đen, nối Anapa (Nga) đến Kiyikoy (Thổ Nhĩ Kỳ), có khả năng vận chuyển hơn 15 tỉ mét khối mỗi ống. Nhưng trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ nhận một nửa trong số đó, nửa còn lại sẽ đi tiếp đến châu Âu, qua các nước Bulgari, Serbia, Hungary và Slovakia.
Washington nhiều lần cảnh báo rằng TurkStream sẽ khiến châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga và như vậy, không còn nhu cầu mua khí hóa lỏng của Mỹ với giá cao hơn. Nhưng Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi “phụ thuộc” vào năng lượng của Nga, dù vẫn duy trì trừng phạt kinh tế chính quyền Matxcơva. Trên thực tế, hơn 40% lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu là do Nga cung cấp (tương đương với khoảng 60-90 tỉ mét khối), đặc biệt là Đức, nhập đến 75% khí đốt của Nga, còn Ý và Hà Lan là khoảng 50%. Thay vì lượng cung cấp giảm đi, Matxcơva còn có thể tăng thêm trữ lượng khí đốt cho châu Âu nhờ đường ống TurkStream, cũng như với dự án Nord Stream II từ Nga đến Đức qua biển Baltic.
Ngoài ra, còn phải kể đến việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bất lực nhìn Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, một hành động được coi là “cõng rắn cắn gà nhà” vì Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO. Chỉ một tuần trước thượng đỉnh NATO ở Anh, bất chấp khuyến cáo của Mỹ, chính quyền Ankara cho thử hệ thống tên lửa S-400 ngày 25/11/2019 và cho loại chiến đấu cơ F-16 của Mỹ bay trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ để làm mục tiêu thí nghiệm. Cuối cùng, việc Mỹ rút quân khỏi chiến trường Syria, bỏ mặc đồng minh Kurdistan và bất chấp liên quân quốc tế hoang mang, đã để lại cho Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ gần như toàn quyền quyết định về tình hình trong khu vực.
(Tổng hợp từ RFI, Le Monde, Le Figaro, Les Echos và Euronews)
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200115-nga-tho-lien-minh-tu-hai-ke-dong-sang-di-mong

Lời giải nào cho chảo lửa Trung Đông?

Sau các vụ tấn công vào lực lượng Mỹ tại Iraq bằng tên lửa, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố lực lượng Mỹ cần rút khỏi khu vực. Lo ngại an toàn, nhiều quốc gia đã khuyến cáo công dân rời khỏi những nơi được dự báo có thể là mục tiêu tấn công của tên lửa, đồng thời kêu gọi hai bên giải quyết bằng đối thoại hòa bình. Trung Đông và cả ngoài Trung Đông đang sục sôi.
Đem dầu chữa cháyCăng thẳng khu vực Trung Đông đã leo thang tới mức cực kỳ nguy hiểm. Quân đội Iraq cho biết vào tối 8-1 (giờ địa phương), đã có 2 quả tên lửa Katyusha rơi trúng vùng Xanh của thủ đô Baghdad – khu vực gồm các tòa nhà chính phủ và các cơ quan ngoại giao nước ngoài – tuy nhiên không gây thương vong.Các nguồn tin cảnh sát khẳng định 1 quả tên lửa đã rơi cách Đại sứ quán Mỹ khoảng 100m. Vụ việc trên xảy ra 24 giờ sau vụ tấn công bằng nhiều quả tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự tại Iraq có binh sỹ Mỹ và liên quân đồn trú.Mỹ và các đồng minh đã lên tiếng phản đối các vụ tấn công bằng tên lửa. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ra tuyên bố lên án các vụ tấn công tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq.Trong tuyên bố, ông Stoltenberg kêu gọi Iran kiềm chế, đồng thời cho biết không binh sĩ NATO nào tại Iraq bị thương trong các vụ tấn công trên. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố, binh sĩ Mỹ an toàn. Đáp lại tuyên bố từ Mỹ và NATO, phát biểu trên truyền hình quốc gia, Đại giáo chủ Khamenei nhấn mạnh “hành động quân sự như vậy (ám chỉ vụ tấn công của Iran) là chưa đủ” và điều quan trọng là phải chấm dứt sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.Ông cũng loại trừ mọi khả năng nối lại các cuộc đối thoại với Mỹ liên quan tới thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).Đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố tình giảm mức độ thiệt hại sau vụ Iran tấn công tên lửa trả đũa, khi ông đăng trên trang Twitter cá nhân, rằng: “Tất cả mọi việc đều tốt đẹp” nhưng theo truyền hình Iran, ít nhất 80 “phần tử khủng bố” đã bị “tiêu diệt” trong các vụ tấn công sử dụng 15 tên lửa mà Tehran tiến hành nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq, đồng thời lưu ý không tên lửa nào trong số này bị đánh chặn.Đài truyền hình trên dẫn một nguồn tin cấp cao trong Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho hay Iran có 100 mục tiêu khác trong khu vực nằm trong tầm ngắm của mình nếu Washington thực hiện bất kỳ biện pháp đáp trả nào. Theo nguồn tin trên, các máy bay trực thăng và thiết bị quân sự Mỹ đã “bị thiệt hại nặng nề”.Kênh truyền hình quốc gia Iran dẫn tuyên bố của Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, tướng Mohammad Baqeri nhấn mạnh: “Giờ đây, họ đã hiểu được sức mạnh của chúng ta, đây là lúc Mỹ rút quân khỏi Trung Đông”.Trong diễn biến liên quan, Cố vấn Tổng thống Iran, ông Hessameddin Ashena tuyên bố mọi hành động trả đũa của Washington sau các vụ tấn công tên lửa của Tehran nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq đều có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực Trung Đông.Đồng thời, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng các lợi ích của Mỹ tại khu vực “đang lâm vào cảnh nguy hiểm”.”Hành động khiêu khích không cần thiết”Liên quan tới ngoại giao, hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran dẫn tài khoản Twitter của Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif nêu rõ “Iran đã thực hiện các biện pháp tự vệ thích hợp trong khuôn khổ Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trên cơ sở đã xảy ra vụ tấn công vũ trang nhằm vào công dân và quan chức cấp cao của chúng tôi”.Ngoại trưởng Zarif còn lên tiếng cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận Liên Hiệp Quốc khi từ chối cấp thị thực cho người đứng đầu ngành ngoại giao Iran tham dự một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc diễn ra vào ngày 9-1 tới tại New York.Trong khi đó, hiện Mỹ chưa công bố chiến lược chính thức nào để đối phó với tình hình đang leo thang từng giờ ở Trung Đông. Nội bộ nước Mỹ dường như đang rối bời khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump chấm dứt “hành động khiêu khích không cần thiết”.Bà Pelosi khẳng định: “Chúng ta phải đảm bảo an toàn cho các quân nhân của chúng ta, bao gồm chấm dứt các hành động khiêu khích không cần thiết từ chính quyền và yêu cầu Iran chấm dứt bạo lực”.Trước đó, bà Pelosi đã có cuộc trao đổi với các thành viên của Ủy ban Chính sách và điều hành của đảng Dân chủ cũng như Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về cuộc tấn công của Iran vào các căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq.
Về phần mình, các nhà lập pháp đảng Dân chủ cho biết họ không bất ngờ về vụ tấn công của Iran và cho rằng đó là “phản ứng không thể tránh khỏi” của Tehran đối với quyết định của Tổng thống Trump sát hại tướng Qassem Soleimani.Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, khẳng định vụ tấn công bằng tên lửa của Iran là động thái “có thể dự đoán” do chính sách ngoại giao mà ông cho là “gần như lố bịch” của Tổng thống Trump. Ứng cử viên Elizabeth Warren nhấn mạnh người Mỹ không muốn chiến tranh với Iran và khẳng định cần giảm căng thẳng ở Trung Đông.Các nước trên thế giới tiếp tục kêu gọi giảm leo thang căng thẳng tại Trung Đông hiện nay liên quan đến tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Iran, đồng thời hối thúc tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại. Bộ Ngoại giao UAE đã ra tuyên bố kêu gọi giảm leo thang căng thẳng trong khu vực, cho rằng một cuộc “đối thoại dựa trên lý trí” là giải pháp tối ưu. Nhiều quốc gia đã yêu cầu công dân rời khỏi Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực tiếp tục xấu đi.Căng thẳng Mỹ – Iran khiến không chỉ giới đầu tư mà hầu hết mọi công dân đều chịu tác động nếu giá dầu biến động do nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu. Một số kịch bản trả đũa của Iran đang được đề cập đến, đó là việc nước này có thể chặn nguồn dầu thô từ Iraq và Saudi Arabia đi qua eo biển Hormuz, hay tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia.Nhiều quốc gia đã lên phương án chuẩn bị mọi mặt để đối phó với diễn biến mới ở Trung Đông. Nhiều thương nhân nhận định, việc Mỹ không tấn công đáp trả là một dấu hiệu cho thấy Washington không muốn tình hình căng thẳng leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện. Các chuyên gia dự báo, như vậy sẽ có một “giai đoạn tương đối bình lặng”.Đúng như dự báo của các nhà phân tích, về cơ bản, trong giai đoạn này nước Mỹ tạm “án binh bất động” để bảo toàn tính mạng binh sĩ Mỹ ở Trung Đông, chiều lòng cử tri trong nước. Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) đưa tin, ngày 8-1, binh sĩ Mỹ đã rút khỏi 2 căn cứ quân sự ở tỉnh Hasakah, Đông Bắc Syria, gần biên giới với Iraq. Căn cứ này vừa được xây dựng 6 tháng trước đây.Nhân chứng cho hay, khoảng 40 xe tải chở thiết bị quân sự đã được nhìn thấy rời căn cứ này hướng về cừa khẩu al-Walid giữa Syria và Iraq. Các binh sĩ Mỹ cũng đã rời căn cứ ở thành phố Shaddadi để di chuyển tới khu vực al-Hol thuộc vùng nông thôn phía Đông Bắc tỉnh Hasakah để bắt đầu di chuyển tới nước láng giềng Iraq.Để giải quyết căn bản vụ việc này, Hạ viện Mỹ cho biết sẽ bỏ phiếu về nghị quyết hạn chế hành động quân sự của Mỹ đối với Iran. Nghị quyết này nhằm ngăn Tổng thống Donald Trump phát động chiến tranh với Iran. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi xác nhận thông tin trên.Bà Pelosi cho biết các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ thúc đẩy cuộc bỏ phiếu do những quan ngại của họ đã không được giải quyết trong cuộc họp kín do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và một số quan chức cấp cao khác chủ trì. Bà Pelosi khẳng định Tổng thống đã chứng tỏ rằng ông không có một chiến lược rõ ràng để đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ, hay để giảm căng thẳng với Iran và đảm bảo sự ổn định cho khu vực.Theo Đao luật quyền lực chiến tranh của Mỹ ra đời năm 1973, chính phủ cần thông báo cho quốc hội về những hành động quân sự lớn, tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn cho rằng việc ông chỉ thị cuộc không kích tại sân bay Iraq khiến tướng Qasem Soleimani của Iran thiệt mạng – mà không thông báo hay tham vấn quốc hội – là hợp pháp.Bà Pelosi cho biết Hạ viện sẽ bỏ phiếu nhằm hạn chế khả năng Tổng thống Trump phát động chiến tranh chống Iran. Tuy nhiên, tại Thượng viện Mỹ – nơi các nghị sĩ Cộng hòa chiếm đa số, nghị quyết sẽ khó được thông qua.Mục đích thực sự của Mỹ với Iran là gì?Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Mỹ muốn ám sát tướng Soleimani? Mục đích là gì? đang được nhiều người quan tâm và chờ đợi câu trả lời. Một số người trong ê-kíp của ông Trump, chẳng hạn như 2 cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn và John Bolton, cùng các “cố vấn không chính thức” như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu của Israel và Thái tử Saudi Arabia Mohamed Ben Salman đã không ngừng kêu gọi tiến hành hành động quân sự chống Iran và gây áp lực để thay đổi chế độ này.Tuy nhiên, trong 3 năm qua, ông Trump đã “bỏ ngoài tai” những lời kêu gọi đó, nhấn mạnh rằng Mỹ không muốn gây chiến với Iran. Thay vào đó, ông “tấn công” Tehran bằng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm làm tê liệt nền kinh tế, kìm hãm những tham vọng khu vực của Iran và buộc nước này phải quay lại bàn đàm phán để ký một thỏa thuận hạt nhân khác.
Mô phỏng vị trí tên lửa Iran tấn công các căn cứ có lính Mỹ đồn trú.
Thế nhưng, có thể nói rằng chính sách “gây áp lực tối đa” mà chính quyền Trump áp dụng với Iran đã thất bại. Chính sách này có thể đã làm tổn hại đến Iran nhưng nó không thể cô lập cũng như không thể kiềm chế Iran. Cuộc tấn công ủy nhiệm của Iran vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đầu tháng 1-2020 làm gợi nhớ cuộc tấn công năm 2012 vào khu phức hợp ngoại giao của Mỹ ở Benghazi, khiến chính quyền Barack Obama khi đó choáng váng.Ông Trump sợ kịch bản này lặp lại ở Baghdad nên đã hành động để bảo vệ người Mỹ khỏi các cuộc tấn công trong tương lai. Cũng có ý kiến cho rằng bằng cách tiêu diệt Soleimani, ông Trump muốn chuyển sự chú ý để tránh thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Dù thế nào đi nữa thì vụ ám sát này rõ ràng đã phơi bày thất bại của Mỹ trong chính sách trừng phạt Iran và nó cho thấy ông Trump sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh kinh tế của Mỹ.Song, có một sự thật là việc Mỹ ám sát Tướng Soleimani sẽ không làm thay đổi bất kỳ chính sách nào của Iran mà ngược lại. Có thể Iran sẽ tránh một cuộc chiến toàn diện chống lại các lực lượng quân sự vượt trội của Mỹ. Tổng thống Trump có thể thách đấu với nhà lãnh đạo tối cao của Iran Khamenei trong một cuộc đấu tay đôi nhưng cần phải nhớ nhà lãnh đạo này thích đấu ở hậu trường.Ông Khamenei có rất nhiều lựa chọn và thời gian trả thù sẽ là “không có giới hạn”, có thể bao gồm các vụ ám sát, chiến dịch bí mật, chiến tranh cường độ thấp và làm rối loạn thị trường dầu mỏ cũng như các tuyến đường hàng hải ở Vùng Vịnh.Tuy nhiên, điều mà nhân loại lo ngại nhất là có hay không cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3? Các nhà phân tích nhận định: Sẽ là sai lầm khi nói về Chiến tranh thế giới thứ 3 hay kịch bản “ngày tận thế”. Vụ ám sát tướng Soleimani có thể chỉ đơn giản giống như “tấm vé” mà ông Trump đưa ra để giúp Mỹ rời khỏi Iraq, giống như vụ ám sát Abu Bakr Al-Baghdadi là “tấm vé” để Trump thoát khỏi cuộc xung đột ở Syria. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn của ông về việc tái bố trí chiến lược ở Trung Đông để rút quân đội và dân thường Mỹ khỏi các điểm nóng và để cho Lầu Năm Góc tự do hành động hơn.Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, hoạt động của lực lượng đặc nhiệm và các cuộc tấn công bằng tên lửa dẫn đường với rủi ro tối thiểu dành cho người Mỹ. Điều này không có gì mới đối với Mỹ, vốn đã rút khỏi Liban sau vụ đánh bom doanh trại lính thủy của Mỹ năm 1983 và rút khỏi Somalia sau cuộc tấn công năm 1993 vào quân đội Mỹ. Tương tự, họ cũng có kế hoạch rút khỏi Afghanistan.Thế nhưng, Iraq thì khác vì thách thức ở đó cao hơn nhiều. Đây là một phi vụ quan trọng hơn nhiều đối với Mỹ sau khi nước này đã đầu tư hàng tỷ USD và mất đi hàng nghìn sinh mạng khi cố gắng kiểm soát Iraq trong suốt 16 năm qua. Chiến tranh sẽ làm suy yếu các quốc gia, kể cả các quốc gia chiến thắng.Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, hiện chưa phải lúc chiến tranh lớn bùng nổ. Mà điều đáng ngại là nguy cơ chiến tranh giữa Israel và Iran sẽ gia tăng nếu Mỹ tìm cách kích động và đổ thêm xăng vào đám cháy này.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32629-loi-giai-nao-cho-chao-lua-trung-dong.html

Iran bác bỏ đề nghị

một thỏa thuận nguyên tử mới với Trump

Thụy My
Tổng thống Iran Hassan Rohani hôm 15/01/2020 bác bỏ đề nghị một thỏa thuận nguyên tử mới với Hoa Kỳ, cho rằng đó là một đề xuất « kỳ lạ », đồng thời chỉ trích tổng thống Mỹ Donald Trump luôn phá vỡ những cam kết.
Thủ tướng Anh Boris Johnson vốn luôn ca ngợi ông Trump là một nhà thương thuyết giỏi, hôm 14/01 đã gọi cho ông Rohani, đề nghị thay thế hiệp ước nguyên tử đã ký năm 2015 với các cường quốc phương Tây bằng một thỏa thuận mới với Donald Trump, nhằm bảo đảm Teheran không phát triển vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ nói ông đồng ý với ông Johnson rằng cần phải thay thế hiệp định cũ bằng một « Trump deal ». Nhưng trên truyền hình Iran, ông Rohani kêu gọi Washington quay lại với thỏa thuận mà ông Trump đã rút khỏi năm 2018. Còn ngoại trưởng Iran khẳng định với Reuters, bên lề một hội nghị ở New Delhi, là hiệp ước hạt nhân Vienna « vẫn chưa chết ».
Hôm 14/01, Pháp, Anh, Đức, ba nước ký hiệp ước nguyên tử Iran (JCPOA) đã kích hoạt thủ tục giải quyết bất đồng, được quy định trong trường hợp vi phạm thỏa thuận, nhằm gây thêm sức ép với Teheran. Động thái này được Washington lên tiếng « hoàn toàn ủng hộ », còn Matxcơva tố cáo là « hành động thiếu suy nghĩ ». Phía Teheran đe dọa các quân nhân châu Âu tại Trung Đông « có thể bị nguy hiểm ».
Về mặt kinh tế, ngày 15/01, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định Iran tiếp tục suy thoái nặng nề vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ. GDP của Iran sụt giảm 4,6% trong năm tài chính 2019-2020 và còn
sụt tiếp 7,2% trong năm nay ; khoảng 40 tỉ đô la dự trữ ngoại hối tan thành mây khói trong hai năm qua, tỉ lệ dân số hoạt động bị thất nghiệp lên đến 20%. Từ 2,8 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày vào tháng 5/2018 (khi Donald Trump rút khỏi hiệp định), nay chỉ còn không đầy 0,4 triệu thùng.
Máy bay rơi : Ukraina yêu cầu Iran giao các hộp đen
Hôm 15/01, chính quyền Kiev yêu cầu Teheran chuyển giao các hộp đen của chiếc máy bay dân sự bị hỏa tiễn Iran bắn rơi cách đây một tuần làm 176 người chết.
Về phía tổng thống Iran, ông kêu gọi thay đổi hẳn cung cách quản trị, gián tiếp công nhận cuộc khủng hoảng lòng tin đối với chính quyền hiện nay sau thảm họa bắn nhầm chiếc Boeing 737 của Ukraina.
Báo Mỹ New York Times hôm 14/01 công bố các video mới đã được kiểm chứng, cho thấy chiếc phi cơ đã bị đến hai hỏa tiễn bắn trúng. Đầu tiên là một vật thể sáng rực trong đêm, và một tiếng nổ xảy ra 20 giây sau đó. Một vật thể thứ hai được bắn lên cùng một vị trí và 10 giây sau thì phát nổ. Một phút sau, một quả cầu lửa xuất hiện trên màn hình. Các hình ảnh này được ghi lại bởi một camera an ninh trên nóc một tòa nhà ở gần làng Bid Kaneh, cách một căn cứ quân sự của Iran 6 km.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200115-iran-bac-bo-de-nghi-mot-thoa-thuan-nguyen-tu-moi-voi-trump

Phải chăng Đông Nam Á

đang thức tỉnh trước âm mưu của TQ?

“Hãy để Trung Quốc ngủ yên, khi nó thức giấc nó sẽ làm rung chuyển cả thế giới” – Napoleon.
Con sư tử Trung Quốc tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài với những chứng nội thương như “Đại cách mạng văn hoá”, “Đại nhảy vọt…và đặc biệt sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và đã bị các nước phương Tây cô lập.
Trước đó, Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đã “thể hiện sức mạnh” thông qua các chiến trường Triều Tiên, Kim Môn, Mã Tổ để “đọ sức” với Hoa Kỳ. Và Mao Trạch Đông đã dặn lại với hậu nhân “tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, đặc biệt là trên biển”.
Tiếp nối chính sách của Mao, Đặng Tiểu Bình hiểu những điểm yếu trong sức mạnh Trung Quốc, nên đã đưa ra chính sách “giấu mình chờ thời”. Với chính sách này, “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, Đặng đã đưa kinh tế Trung Quốc đạt được những thành tựu lớn.
Sau Đặng, tới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã nhân sự “lơi lỏng” từ Hoa Kỳ và các đồng minh, cảm thấy rằng mình đã đủ sức mạnh, nên cần “lấy số” với thế giới, và vì thế, Trung Quốc đã “nhe nanh múa vuốt” tại khu vực châu Á, vốn là “sân nhà” của Trung Quốc xưa nay.
Từ năm 2007 trở đi, biển Đông đã trở nên một khu vực chất chứa đầy nguy hiểm rình rập, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, vào tháng 5 hàng năm. Lệnh cấm đơn phương này được Trung Quốc tuyên bố từ 1999 nhưng bắt đầu được Trung Quốc “ra tay” thực hiện từ 2007 trở đi. Trung Quốc đã dựa vào một bản đồ “vu vơ” của một cá nhân, biến nó thành “một yêu sách trên biển chính thức” của chính quyền Trung Quốc với cái tên gọi “đường lưỡi bò”. Gọi là “yêu sách” nhưng nó chưa bao giờ được Trung Quốc tuyên bố chính thức và công khai, mãi cho tới năm 2009, khi Trung Quốc phản đối Báo cáo mở rộng thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, và Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng giữa Việt Nam với Malaysia, thì Trung Quốc mới chính thức “trình làng” lên Liên Hợp Quốc bản đồ có “đường lưỡi bò” đó, nhưng cũng chẳng giải thích nó là cái gì, bản chất pháp lý của nó như thế nào.
Lần lượt các quốc gia đã lên tiếng phản đối “cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò” này, Việt Nam phản đối ngay sau khi Trung Quốc gửi bản đồ có “đường lưỡi bò” lên Liên Hợp Quốc. Indonesia gửi công hàm chính thức phản đối đường lưỡi bò năm 2010, Philippines gửi công hàm phản đối năm 2011. Còn Hoa Kỳ năm 2014 đã công bố nguyên một báo cáo nghiên cứu về “đường lưỡi bò” này, và đương nhiên, Hoa Kỳ không thể chấp nhận một thứ yêu sách vô lý như vậy.
Tuy nhiên, Trung Quốc biết cách làm thế nào để có thể hiện thực hoá tham vọng trên biển Đông của họ. Trung Quốc cũng rất giỏi để tìm cách xoa dịu và chia rẽ các nước ASEAN. Với các lợi ích khổng lồ từ kinh tế, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình tiếp tục tiến hành chính sách “chia để trị” đối với ASEAN thông qua “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường”. Và lần lượt, một số quốc gia ASEAN đã “ngã vào vòng tay Trung Quốc”.
ASEAN dường như đã phân rã thành hai nhóm, một nhóm có lợi ích trực tiếp hoặc liên quan đến biển Đông. Nhóm còn lại không có lợi ích trực tiếp hoặc lợi ích liên quan nào. Nhóm thứ nhất bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei và Singapore. Nhóm thứ hai bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar.
Các nước láng giềng Đông Dương truyền thống của Việt Nam dần dần đã tiến lại gần Trung Quốc, lánh xa ảnh hưởng của Việt Nam. Campuchia là trường hợp rõ nhất, khi luôn luôn bảo vệ cho các quan điểm và lợi ích của Trung Quốc, thậm chí năm 2012, khi Campuchia là Chủ tịch điều phối ASEAN, nước này đã ngăn cản các Ngoại trưởng ASEAN ra một tuyên bố chung có những nội dung liên quan đến biển Đông.
Indonesia vẫn luôn có vai trò tích cực trong ASEAN và vấn đề biển Đông, nhưng cũng có những lợi ích riêng và bị nhiều quốc gia phản ứng với chính sách “đánh chìm tàu”. Indonesia và Việt Nam có những vùng chồng lấn tại vùng đặc quyền kinh tế của cả hai bên, và hai bên cũng vẫn chưa sẵn sàng cho việc phân định. Hậu quả là nhiều tàu cá Việt Nam bị cảnh sát biển Indonesia bắt giữ và đánh chìm cho dù nhiều ngư dân Việt Nam khẳng định là họ không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Malaysia thì dưới thời Rajib Narak đã duy trì chính sách ngoại giao được Trung Quốc ca ngợi là “chính sách ngoại giao im lặng”.
Philippines thì dưới thời Duterte áp dụng chính sách “Hướng về Trung Quốc” hòng thu lượm những lợi ích kinh tế to lớn từ quốc gia này.
Tuy nhiên, có vẻ gần đây, các quốc gia ASEAN đang “thức tỉnh” trước các tham vọng “sỗ sàng” từ Trung Quốc.
Ngày 12/10/2019, Malaysia đã chủ động gửi bản yêu sách về thềm lục địa mở rộng của mình lên Liên Hợp Quốc. Với bản yêu sách này, Malaysia đã trực diện bác bỏ “cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ngoài ra, Malaysia cũng thông qua đó, gián tiếp thừa nhận Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo phân tích của Nguyễn Hồng Thao trên tờ The Diplomats, thì hành động này của Malaysia bao hàm rất nhiều tính toán, trong đó có việc phản ứng lại các hành động quấy phá, sách nhiễu các tàu thăm dò của Malaysia tại khu vực bãi Luconia, vốn thuộc EEZ của Malaysia, đồng thời cũng đặt bước phòng ngừa cho lợi ích của Malaysia trước khi COC được ký kết dưới áp lực của Trung Quốc.
Mới đây nhất thì Indonesia đã tăng cường tàu hải quân và phi cơ chiến đấu tại khu vực Natuna, nơi nhiều tàu Trung Quốc đang xâm phạm EEZ của Indonesia. Tổng thống Widodo đã ra tín hiệu rằng Indonesia sẽ không lùi bước trước các hành động ngang ngược này của Trung Quốc.
Các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp tục xuất hiện tại khu vực gần Bãi Tư chính của Việt Nam, nơi các tàu Trung Quốc quấy phá liên tục hồi năm 2019. Việt Nam vẫn luôn là quốc gia trực tiếp đối đầu với các hành động hung hăng, thù nghịch của Trung Quốc trên khu vực biển Đông.
Báo chí hôm nay cũng cho biết, nhiều tàu Trung Quốc đang xuất hiện gần khu vực Thị Tứ (thực thể mà Philippines đang chiếm giữ, thuộc Trường Sa).
Những dự đoán cho thấy, trước các áp lực kinh tế suy giảm, ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ – Trung, Tập Cận Bình đang tìm cách hướng các vấn đề nội bộ ra bên ngoài, trong đó, biển Đông là vấn đề thu hút rất lớn dư luận trong nước. Thêm nữa, tình hình thế giới đang phức tạp và bất ổn. Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran khiến thế giới nín thở từng ngày. Đồng thời cũng sẽ là cuộc tranh cử Tổng thống ở Hoa Kỳ, nên sẽ khiến Hoa Kỳ lơi lỏng chú ý ở biển Đông, và đó sẽ là cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục “gặm nhấm” các khu vực trên biển Đông, biến thành sự đã rồi.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang “bừng tỉnh” trước “giấc mộng Trung Hoa” thông qua các khoản đầu tư. Mới đây, Indonesia lên tiếng cảnh báo về các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Việt Nam thì đang “khóc hận” bởi các chiêu “lẩn tránh thương mại” và có nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” từ Trung Quốc. Người dân Campuchia thì “khóc ròng” khi các bãi biển Shihanoukvile, Koh Kong tràn ngập các băng đảng tội phạm từ Trung Quốc tràn sang.
Cũng đã đến lúc các quốc gia châu Á, trong đó có ASEAN cần phải thức tỉnh trước các “hấp lực” từ Trung Quốc. Các quốc gia này cần đoàn kết để bảo vệ lợi ích lâu dài của chính họ, chính điều ấy mới có thể bảo vệ được họ trước một con sư tử “sống trong rừng rậm, đói khát lâu ngày, hành xử hoang dã” như Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32648-phai-chang-dong-nam-a-dang-thuc-tinh-truoc-am-muu-cua-tq.html

Mỹ đề nghị nối lại đối thoại, Triều Tiên thận trọng

Mỹ cho biết đang nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán với Triều Triều, bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội vào tháng 2/2019.
Khẳng định rõ lập trường của mình, Triều Tiên tuyên bố các cuộc đối thoại với Mỹ chỉ có thể được nối lại sau khi Mỹ “chấp nhận hoàn toàn mọi yêu cầu” của Bình Nhưỡng. Điều này báo hiệu lập trường cứng rắn của Triều Tiên trước khi tham gia vào bất cứ cuộc đàm phán mới nào.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho rằng, việc Triều Tiên không thực hiện lời cảnh báo về “món quà Giáng sinh” là một dấu hiệu “tích cực”. Mỹ đã có cuộc tiếp xúc với Triều Tiên và cho biết mong muốn tiếp tục các cuộc đàm phán ở Stockholm (Thụy Điển). Mỹ mong muốn giữ cho các cuộc đàm phán này đi đúng hướng.
Lời kêu gọi đàm phán được đưa ra khi các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên đang gặp bế tắc từ sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng 2/2019. Trong thông điệp đầu năm mới, Nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo tiếp tục tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và sớm trình làng các loại vũ khí chiến lược mới. Bất chấp các cuộc đàm phán đang đình trệ nhưng mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn luôn tốt đẹp. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cũng đã gửi lời chúc mừng sinh nhật tới Nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Ông Trump cũng luôn khẳng định mối quan hệ tốt này sẽ tạo tiền đề để xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa hai quốc gia: “Tôi có mối quan hệ rất tốt với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tôi biết ông Kim Jong Un đã đưa ra một số thông điệp về “món quà Giáng sinh”. Chúng tôi đều là những nhà lãnh đạo đất nước và phải làm những gì cần làm. Tuy nhiên Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kí Thỏa thuận tại Singapore và tôi nghĩ ông là người giữ lời hứa”.
Bất chấp sự lạc quan của Mỹ, rõ ràng Triều Tiên dường như không mấy mặn mà với các cuộc đàm phán.
Ông Kim Kye Gwan – cố vấn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng: Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo vẫn chưa đủ để có thể nối lại đàm phán giữa hai bên. Triều Tiên đã bị Mỹ “ lừa dối” hơn 18 tháng qua với việc theo đuổi các cuộc đối thoại vô ích giữa hai bên mà không có bất cứ bước tiến nào. Quan chức Triều Tiên cũng khẳng định, đàm phán Mỹ- Triều chỉ có thể được nối lại sau khi Mỹ “chấp nhận hoàn toàn mọi yêu cầu” của Bình Nhưỡng. Những tuyên bố này từ phía Triều Tiên cho thấy những khó khăn trong việc nối lại đối thoại, với cái giá cao hơn mà Mỹ phải trả nếu muốn bắt đầu bất cứ các cuộc đàm phán mới nào.
Bất chấp thách thức phía trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay cho rằng không nên quá bi quan về triển vọng đối thoại trên bán đảo Triều Tiên và Triều Tiên không đóng cánh cửa đối thoại. Ông Moon Jae-in nhấn mạnh, bức thư gần đây của Tổng thống Trump gửi tới Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là một tín hiệu tốt, khẳng định cam kết của Mỹ đối với các cuộc đàm phán. Tổng thống Moon Jae-in cho rằng các cuộc đối thoại Mỹ- Triều không thích hợp vào thời điểm này nhưng cả Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên đều tiếp tục tin tưởng lẫn nhau và sẽ không từ bỏ nỗ lực của mình.
Ông Moon Jae-in trước đó cũng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ liên Triều trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ- Triều. “Động lực đối thoại Mỹ- Triều cần phải tiếp tục. Các cảnh báo và đe dọa sẽ không giúp ích gì. Trong bối cảnh đối thoại Mỹ- Triều bế tắc và có những lo ngại về quan hệ liên Triều đang có bước thụt lùi, điều quan trọng là cần tìm ra các bước đi thực tế để cải thiện hợp tác liên Triều”.
Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán, Đặc phái viên Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon trong tuần này sẽ thăm Mỹ và có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun. Nội dung thảo luận sẽ tập trung vào việc đánh giá tình hình mới nhất trên bán đảo Triều Tiên và các biện pháp để hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân hóa và đảm bảo hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32641-my-de-nghi-noi-lai-doi-thoai-trieu-tien-than-trong.html

Bắc Triều Tiên : Trump đã hết bài để đấu với Kim ?

Thanh Phương
Hôm qua, 14/01/2020, Hoa Kỳ đã ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên, nhưng vẫn kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đối thoại về phi hạt nhân hóa. Phải chăng tổng thống Donald Trump nay không còn lá bài nào khác để thuyết phục chủ tịch Kim Jong Un từ bỏ tham vọng vũ khí nguyên tử?
Các biện pháp trừng phạt nói trên nhắm vào hai công ty bị cáo buộc vẫn sử dụng nhân công Bắc Triều Tiên mặc dù đã hết hạn tối hậu thư mà Liên Hiệp Quốc đưa ra. Một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được thông qua vào cuối năm 2017 đã gia hạn cho các quốc gia có người lao động Bắc Triều Tiên đến ngày 22/12/2019 phải gởi trả họ về nước.
Hai công ty bị Mỹ trừng phạt là Korea Namgang Trading Corporation, một công ty Bắc Triều Tiên bị cáo buộc vẫn sử dụng người lao động Bắc Triều Tiên ở Nga, Nigeria và Trung Đông, và công ty Beijing Sukbakso, một công ty Trung Quốc quản lý nhà ở và trả lương cho lực lượng nhân công này. Hai công ty đó sẽ bị cấm tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ và bị phong tỏa tài sản ở Hoa Kỳ, nếu có.
Các nhà hoạt động nhân quyền từ lâu vẫn tố cáo là những người lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài làm việc gần như là nô lệ, và tiền lương của họ được chuyển thẳng vào ngân sách của chế độ Bình Nhưỡng, đang bị quốc tế trừng phạt rất nặng nề. Nhưng ngoài khía cạnh nhân quyền, Hoa Kỳ trừng phạt các công ty sử dụng lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài cũng là nhằm cắt đứt một nguồn tài chính « bất hợp pháp » của Bắc Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt nói trên được ban hành vào lúc mà tiến trình hòa dịu giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa hai bên vẫn gặp bế tắc kể từ sau thượng đỉnh Hà Nội 02/2019. Thậm chí ngày 01/01/2020, tại cuộc họp của đảng cầm quyền, chủ tịch Kim Jong Un còn dọa là Bình Nhưỡng sẽ thử nghiệm một « vũ khí chiến lược mới » và thông báo chấm dứt việc tạm ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ông còn tuyên bố là Bắc Triều Tiên sẽ có một hành động khiến nước Mỹ « sững sờ ».
Nhưng vào lúc đó, cũng như tổng thống Trump, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại có phản ứng rất chừng mực, tuyên bố trên đài truyền hình CBS : « Chúng tôi muốn hòa bình, chứ không muốn đối đầu».
Với hy vọng giải tỏa bế tắc, tổng thống Trump vào tuần trước đã nhờ cố vấn an ninh của tổng thống Hàn Quốc chuyển thơ chúc mừng sinh nhật cho chủ tịch Kim Jong Un. Ngày 11/01, cố vấn của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Kim Kye Gwan xác nhận đã nhận được bức thư của ông Trump. Tuy khẳng định là quan hệ cá nhân giữa hai vị lãnh đạo vẫn tốt, quan chức Bắc Triều Tiên này nói thẳng là đừng có mong Bình Nhưỡng sẽ nối lại đối thoại khi nào mà Washington chưa chấp nhận toàn bộ các yêu sách của Bắc Triều Tiên.
Hôm 14/01, khi bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin loan báo các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên, trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản tại Lầu Năm Góc, bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper vẫn cố thuyết phục Bình Nhưỡng : « Cách tốt nhất để tiến tới là một giải pháp ngoại giao dẫn đến việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên ».
Nhưng liệu chính quyền Trump sẽ còn giữ được thái độ hòa dịu này khi Kim Jong Un tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa mới hay thử nghiệm hạt nhân ?
Tóm lại, dù Hoa Kỳ có vừa gia tăng trừng phạt, vừa kiên trì kêu gọi đối thoại, có vẻ như lãnh đạo Kim Jong Un nhất quyết đi theo con đường phát triển vũ khí nguyên tử và tên lửa, vì thấy rằng quan hệ hữu hảo với tổng thống Trump rốt cuộc chẳng mang lại lợi ích gì cho Bắc Triều Tiên.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200115-bac-trieu-tien-trump-da-het-bai-de-dau-voi-kim

Tổng thống Hàn Quốc

lo lắng về thỏa thuận phi hạt nhân Mỹ-Triều

Tổng thống Moon Jae-in hôm 14/1 lên tiếng cảnh báo, thời hạn để Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận phi hạt nhân sắp hết.
Tổng thống Moon Jae-in từ lâu đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân của Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc khi cả hai nước không tìm được tiếng nói chung. Triều Tiên cũng từng cáo buộc Mỹ cố tình làm gián đoạn quá trình đàm phán phi hạt nhân, đồng thời tuyên bố, nước này chấm dứt đối thoại với Mỹ, cho tới khi Mỹ nhượng bộ.
Phát biểu tại Phủ Tổng thống Hàn Quốc hôm nay (14/1), Tổng thống Moon Jae-in thừa nhận: Có sự đình trệ trong quá trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Tình trạng ngưng đối thoại kéo dài giữa hai nước Mỹ – Triều có thể phá vỡ những thỏa thuận hiện có.
Ông Moon Jae-in đồng thời nhấn mạnh, không còn nhiều thời gian cho việc đàm phán phi hạt nhân; Mỹ có thể không dễ dàng đàm phán với Triều Tiên khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định, tiến trình đàm phán vẫn có thể tiếp tục khi Mỹ tuyên bố đang “để mở cánh cửa đối thoại” với Triều Tiên.
http://biendong.net/bi-n-nong/32640-tong-thong-han-quoc-lo-lang-ve-thoa-thuan-phi-hat-nhan-my-trieu.html

TT Thái Anh Văn:

‘TQ cần ‘chấp nhận thực tại’ và ‘tôn trọng’ Đài Loan

John SudworthBBC News, Taipei
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói với BBC rằng Trung Quốc cần “đối mặt với thực tại” và thể hiện ”sự tôn trọng” với hòn đảo này.
Bà Thái Anh Văn tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ hai hôm thứ Bảy, trong một chiến thắng ”áp đảo”, sau chiến dịch tranh cử tập trung rất nhiều vào mối đe dọa đang gia tăng từ Bắc Kinh.
Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và quyền chiếm giữ Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết.
Bà Thái Anh Văn khẳng định rằng chủ quyền của hòn đảo tự trị là điều không phải bàn cãi và cũng không thể đàm phán.
Bầu cử Đài Loan: Bà Thái Anh Văn tái đắc cử tổng thống
Dân Đài Loan và nỗi sợ ‘bị thống nhất’ với TQ
“Chúng tôi không có nhu cầu tuyên bố mình là một quốc gia độc lập”, tổng thống 63 tuổi nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử.
“Chúng tôi đã là một quốc gia độc lập và chúng tôi tự gọi mình là Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan.”
Những tuyên bố như vậy thường làm Bắc Kinh tức giận, vì ý muốn quay lại nguyên tắc “Một Trung Quốc”, chính sách được đối thủ chính của bà Thái Anh Văn là Han Kuo-yu ủng hộ.
Bà Thái Anh Văn đã đánh bại đối thủ trong cuộc đua giành chức tổng thống một cách vẻ vang.Đảng của ông Han Kuo-yu xuất phát từ những người theo chủ nghĩa dân tộc bị đánh bại trong cuộc nội chiến Trung Quốc, đã trốn sang Đài Loan và tiếp tục xem hòn đảo này là một phần của một Trung Quốc vĩ đại mà họ đã phải bỏ đi.
Chính sách “Một Trung Quốc” là gì?
Donald Trump dọa bỏ chính sách ‘Một Trung Quốc’
TQ “sẽ không thay đổi quan điểm” về Đài Loan sau kết quả bầu cử
Trong những năm gần đây, khái niệm ”Một Trung Quốc” đã chứng minh là một thỏa hiệp hữu ích, theo những người Đài Loan ủng hộ khái niệm này.
Trung Quốc khăng khăng đòi Đài Loan phải chấp nhận nguyên tắc này như một điều kiện tiên quyết để xây dựng quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, bởi vì làm như vậy là một phủ nhận rõ ràng về sự tồn tại của Đài Loan như là một đảo quốc độc lập.
Nhưng rõ ràng bà Thái Anh Văn tin rằng chiến thắng của mình là bằng chứng cho thấy hiện giờ khái niệm ”Một Trung Quốc” và sự mơ hồ của nó với tình trạng thực của Đài Loan là điều không còn được ưa chuộng.
“Tình hình đã thay đổi rồi,” bà nói, và theo bà những gì đã thực sự thay đổi chính là Trung Quốc.
Bởi vì [trong hơn ba năm qua], chúng ta thấy Trung Quốc đang tăng cường mối đe dọa… họ có tàu quân sự và máy bay đang bay quanh Đài Loan,” bà nói.
“Và ngoài ra, những điều xảy ra ở Hong Kong khiến mọi người có cảm giác thực sự rằng mối đe dọa này là có thật và nó ngày càng nghiêm trọng.”
Bà Thái Anh Văn cho rằng lợi ích của Đài Loan sẽ không được phục vụ tốt nhất bởi ngữ nghĩa mà bằng cách đối diện với thực tế, đặc biệt là nguyện vọng của giới trẻ Đài Loan nhiệt liệt ủng hộ bà.
“Chúng tôi có một bản sắc riêng và chúng tôi là một quốc gia của riêng mình. Vì vậy, nếu có bất cứ điều gì trái ngược với ý tưởng này, họ sẽ đứng lên và nói rằng điều đó không được chúng tôi chấp nhận.
“Chúng tôi là một nền dân chủ thành công, chúng tôi có một nền kinh tế khá tốt, chúng tôi xứng đáng được Trung Quốc tôn trọng.”
Giới chỉ trích cho rằng lập trường của bà Thái Anh Văn khiêu khích một cách hông cần thiết, một điều chỉ có nguy cơ làm tăng thêm mối nguy hiểm mà chính bà cảnh báo – sự thù địch công khai.
Nhưng bà Văn nói rằng bà đã thể hiện sự kiềm chế. Chẳng hạn, bà đã không chính thức tuyên bố độc lập hay sửa đổi hiến pháp và thay đổi cờ – điều mà một số người trong Đảng Tiến bộ Dân chủ của bà mong muốn.
Trung Quốc từng tuyên bố sẽ coi những hành động đó là cái cớ để có hành động quân sự.
“Có rất nhiều áp lực, quá nhiều áp lực ở đây là chúng tôi cần đi xa hơn”, bà nói.
“Nhưng [trong] hơn ba năm, chúng tôi đã nói với Trung Quốc rằng duy trì hiện trạng vẫn là chính sách của chúng tôi … Tôi nghĩ đó là một cử chỉ rất thân thiện với Trung Quốc.”
Trong khi nói rằng bà sẵn sàng đối thoại, Tổng thống Thái Anh Văn cũng nhận thức rõ rằng vì sự tái đắc cử của bà, Bắc Kinh có thể sẽ tăng áp lực lên Đài Loan.
Đáp lại, bà đang cố gắng đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại của Đài Loan và thúc đẩy nền kinh tế trong nước, đặc biệt là bằng cách khuyến khích các nhà đầu tư Đài Loan đã xây dựng các nhà máy ở Trung Quốc xem xét việc di dời về nước.
Và bà đang lên kế hoạch cho tất cả mọi tình huống.
“Bạn không thể loại trừ xác suất sẽ có chiến tranh bất cứ lúc nào”, bà nói.
“Nhưng điều quan trọng là bạn phải chuẩn bị tinh thần và phát triển khả năng tự vệ.”
Vậy Đài Loan đã sẵn sàng chưa?
“Chúng tôi đã rất cố gắng và có nhiều nỗ lực tăng cường khả năng của mình”, bà trả lời.
“Xâm chiếm Đài Loan là điều sẽ rất tốn kém cho Trung Quốc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51116339

Sự điều chỉnh chính sách, cách tiếp cận của Đài Loan

 trong vấn đề Biển Đông thời gian gần đây

Từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, Đài Loan đã có bước điều chỉnh chính sách, cách tiếp cận trong vấn đề này.
Đưa ra cách tiếp cận mới
Ban đầu, Chính quyền Đài Loan đưa ra tuyên bố cứng rắn, bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời nhấn mạnh “chúng tôi nhất định không chấp nhận phán quyết trọng tài này, và chúng tôi khẳng định phán quyết này không có giá trị ràng buộc pháp lý đối với Trung Hoa dân quốc”. Tuy nhiên, Đài Loan sau đó đã có bước điều chỉnh mới khi thông qua một chính sách Biển Đông mới không trực tiếp thách thức quyết định của Tòa trọng tài. Chính sách này dựa trên 4 nguyên tắc: giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình theo UNCLOS, đưa Đài Loan tham gia vào các cơ chế đa phương, thực hiện tự do hàng hải và giám sát, và tạm gác khác biệt để cùng phát triển. Chính sách này cũng đưa ra 5 hành động: đảm bảo quyền và sự an toàn cho ngư dân Đài Loan, tăng cường đối thoại đa phương với các bên có liên quan, mời học giả quốc tế đến đảo Ba Bình (“Itu Aba” hay “đảo Thái Bình”) để tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển đảo này thành một cơ sở trợ giúp và cung cấp vật tư cho mục đích nhân đạo, và khuyến khích thêm nhiều người bản địa có tài theo học luật hàng hải. Ngoài việc đưa ra một khuôn khổ chính sách mới, chính quyền của bà Thái cũng đã có những chuyển dịch khiến cách tiếp cận của Đài Loan đối với tranh chấp ở Biển Đông hài hoà hơn với UNCLOS. Bài viết này sẽ điểm lại những bước chuyển dịch này và nêu lên ý nghĩa của chúng đối với chính sách của Đài Loan ở Biển Đông.
Loại bỏ “vùng biển lịch sử” và “danh nghĩa lịch sử” khỏi các văn bản chính thức
Bước chuyển dịch đầu tiên là ở cách tiếp cận của Đài Loan về các tuyên bố yêu sách lãnh hải. Theo nguyên tắc “biển đi theo đất” (land dominates the sea) của UNCLOS thì các quyền trên biển được định theo chủ quyền trên đất liền của một quốc gia ven biển. Do vậy, nếu Đài Loan muốn yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa từ các đảo ở Biển Đông thì các luật lệ nội địa cũng phải tuân theo nguyên tắc này. Trên thực tế, Đài Loan đã dần loại bỏ những văn bản đề cập đến các quyền lịch sử thông qua quy trình lập pháp và các quy chế hành pháp.
Bước dịch chuyển này là khá rõ ràng khi so sánh giữa chính quyền của bà Thái Anh Văn với những người cầm quyền trước đó. Trong bản Chỉ đạo Chính sách đối với Biển Đông năm 1993 mà sau đó bị chính quyền Trần Thuỷ Biển cho tạm ngưng năm 2005, điểm đầu tiên tuyên bố rằng “khu vực Biển Đông nằm trong vùng biển lịch sử là khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Hoa dân quốc, trong đó Trung Hoa dân quốc có toàn quyền và lợi ích”. Nhưng năm 1998, Viện lập pháp Đài Loan thông qua “Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp” và “Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, nhìn chung là phù hợp với thông lệ luật quốc tế như phản ánh trong UNCLOS. Các luật mới này không đề cập gì đến vùng biển lịch sử hay quyền sở hữu lịch sử.
Dịch chuyển về yêu sách chủ quyền
Để thực thi Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp vào tháng 2 năm 1999, Viện hành pháp Đài Loan ban hành “Bộ hồ sơ đường cơ sở và đường giới hạn ngoài lãnh hải và vùng tiếp giáp Trung Hoa dân quốc” đầu tiên. Bộ hồ sơ này tuyên bố tất cả các đảo, rạn san hô, đá của quần đảo Trường Sa (trong tiếng Trung là “quần đảo Nam Sa”) bên trong đường chữ U truyền thống là lãnh thổ của Trung Hoa dân quốc. Đường chữ U (hay đường 11 đoạn) được ghi rõ trong bộ hồ sơ đường cơ sở đầu tiên năm 1999 là tuyên bố cho quyền sở hữu đối với các đảo và thực thể giống đảo khác mà Trung Hoa dân quốc có chủ quyền.
Chính quyền của bà Thái Anh Văn đã tuyên bố rằng “Trung Hoa dân quốc nắm tất cả các quyền đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liên quan theo luật quốc tế và luật biển”. Công thức này có hai điểm quan trọng. Một là, cụm từ “luật biển” ở đây bao gồm cả UNCLOS lẫn tập quán quốc tế. Hai là, chính quyền này đã đưa ra yêu sách chủ quyền mơ hồ hơn bằng cách dùng công thức “các đảo ở Biển Đông” thay cho cách các chính quyền trước liệt kê bốn nhóm đảo chính là Trường Sa (Spratly / Nam Sa), Hoàng Sa (Paracel / Tây Sa), bãi Macclesfield (Trung Sa), và Pratas (Đông Sa). Sự mập mờ này mở ra cánh cửa cho khả năng điều chỉnh yêu sách chủ quyền trong tương lai. Một trong những điều chỉnh đó có thể là làm cho yêu sách chủ quyền phù hợp hơn với luật quốc tế. Ví dụ, vì bãi Macclesfield chỉ trồi lên khi triều thấp nên không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với một mình bãi này. Thay vào đó, chính quyền của bà Thái đã tuyên bố rằng yêu sách chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông được đưa ra phù hợp với luật quốc tế.
Mặc dù chính quyền của bà Thái Anh Văn chưa định nghĩa rõ ràng các đảo ở Biển Đông, nhưng cách hành xử của họ cho thấy được đôi điều. Khi tàu khu trục USS Hopper của Mỹ (17/1/2018) đi vào phạm vi 12 hải lý của bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã phản đối và buộc tội Hoa Kỳ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Tuy nhiên, trái với các chính quyền trước, chính quyền của bà Thái đã không phản đối hay có phản ứng nào trước sự kiện này, mặc dù họ đã tuyên bố một đường cơ sở lãnh hải cho bãi cạn Scarborough, và luật nội địa có quy định rằng tàu quân sự hay của chính phủ nước ngoài phải thông báo trước khi đi qua lãnh hải Trung Hoa dân quốc. Nói cách khác, nếu chính quyền của bà Thái Anh Văn coi bãi cạn Scarborough là một phần của các đảo ở Biển Đông thì họ đã phải phản đối và yêu cầu tàu quân sự nước ngoài thông báo trước cho chính quyền Đài Loan.
Khác nhau trong phản đối phán quyết
Trung Quốc tìm cách phớt lờ quyết định phân xử, tuyên bố rằng phán quyết cuối cùng này là không có giá trị và vô nghĩa. Chính quyền Đài Loan cũng coi bất kỳ quyết định nào phương hại đến quyền của Trung Hoa dân quốc là không có tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, dù Đài Loan và Trung Quốc có vẻ như có cùng quan điểm, nhưng trên thực tế họ coi phán quyết trên là không ràng buộc vì những lý do khác nhau. Đài Loan phản đối việc bị coi là một phần của Trung Quốc, cũng như việc đảo Ba Bình bị toà trọng tài cho là không có quyền có vùng đặc quyền kinh tế, trong khi đó lại không tạo cơ hội cho Đài Loan chính thức tham gia vào quy trình phân xử. Tuy vậy, chính quyền của bà Thái Anh Văn không bác bỏ tính chính danh của hội đồng trọng tài. Thay vào đó, Phủ tổng thống đã ra một tuyên bố ghi nhận việc các trọng tài đã đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, tức là thể hiện sự công nhận của chính quyền đối với tính pháp lý của hội đồng.
Thông điệp về Biển Đông trong tranh cử năm 2020
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan đang chuẩn bị diễn ra, Đại diện các đảng tranh cử Tổng thống ở Đài Loan lên tiếng kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế trong các hành động ở Biển Đông, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Đài Loan trong các đàm phán. Theo đó, ba đảng có ứng cử viên ra tranh chức Tổng thống lần này gồm bà Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến, ông Hàn Quốc Du Đảng Quốc Dân và ông Tống Sở Du của Đảng Thân Dân.
Ông Kwei-Bo Huang, đại diện Quốc dân cho biết quan điểm của đảng này đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông là “các tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) sẽ không được giải quyết nếu không có sự tham gia của Đài Loan. Vì vậy, hãy đối mặt với thực tế là bất kể sự phân chia chủ quyền giữa hai bên eo biển Đài Loan, bất kể ai có liên quan đến tranh chấp Biển Nam Trung Hoa thì cũng cần Đài Loan tham gia vào để tìm ra giải pháp khả thi cuối cùng”. Trong khi đó, Người phát ngôn của đảng Dân Tiến (DPP) Lien Yi-Ting nhấn mạnh, “Đài Loan chủ trương không khiêu khích nước khác. Rất nhiều người biết rằng Trung Quốc đã rất quyết đoán ở Biển Nam Trung Hoa vì chủ nghĩa bành trướng trên biển. Sự quyết tâm của Đài Loan không thay đổi, rằng chúng tôi sẽ trở thành một nước có trách nhiệm trong khu vực, chúng tôi sẽ không có những động thái khiêu khích, hay cố gắng làm mất ổn định ở khu vực. Đây là lập trường rất rõ ràng của chúng tôi”. Còn ông Hàn Quốc Du thì nhắc lại việc Trung Hoa Dân Quốc là tác giả của “đường chữ U”, tức “đường 9 đoạn” bao trùm Biển Đông mà hiện giờ Trung Quốc đang dùng để tuyên bố chủ quyền; đồng thời cho biết “tôi cũng muốn nhấn mạnh là Quốc dân đảng lúc nào
cũng yêu cầu tất cả các bên tranh chấp thực hiện việc tự kiềm chế mạnh mẽ để có giải pháp hòa bình trong tranh chấp chủ quyền Biển Nam Trung Hoa. Thật đáng tiếc là mặc dù Trung Hoa Dân Quốc kiểm soát hoàn toàn đảo Thái Bình (đảo Ba Bình của Việt Nam) thuộc Quần đảo Trường Sa, tuy nhiên chưa bao giờ được mời trong bất kỳ cuộc đối thoại chính thức nào để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa”. Tổng thư ký của đảng Thân Dân Lee Hung-Chun lại cho rằng, “đối thoại mang tính xây dựng là chìa khóa để giải quyết vấn đề Biển Đông. Chắc chắn, chúng ta không muốn kích động Trung Quốc, ủng hộ Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản. Chúng tôi muốn đóng một vai trò trung lập và dựa trên nền tảng của lực lượng gìn giữ hòa bình một cách rõ ràng. Chúng tôi nghĩ chìa khóa trong chuyện này là làm sao có thể có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với lãnh đạo Trung Quốc như chúng tôi đã nhấn mạnh trước đó. Tổng thống tiếp theo của Đài Loan sẽ không thể đạt được thành tựu giữ hòa bình trong khu vực nếu như chúng ta không có những cuộc đối thoại nghiêm túc đối với lãnh đạo các nước”.
http://biendong.net/bien-dong/32654-su-dieu-chinh-chinh-sach-cach-tiep-can-cua-dai-loan-trong-van-de-bien-dong-thoi-gian-gan-day.html

Bầu cử Đài Loan nêu rõ khái niệm ‘Giá trị châu Á’

Đối với các nhà phân tích ở Washington, cuộc bầu cử tại Đài Loan ngày thứ Bảy 11/1 là một chiến thắng 3 mặt, đối với Tổng thống Thái Anh Văn và đảng cầm quyền Dân Tiến của bà, đối với Đài Loan nói chung và đối với khái niệm dân chủ tại châu Á.
“Có tranh cãi, mà tôi cho là không thật lòng” rằng liệu hình thức cai trị dân chủ có thích hợp với lịch sử và văn hóa của châu Á hay không, ông Derek Mitchell, Chủ tịch Viện Dân chủ Quốc gia, nói.
Ông đề cập đến ông Lý Quang Diệu, người cai trị cứng rắn của Singapore trong 3 thập niên cho đến năm 1990.
“Ông Lý Quang Diệu có lần tuyên bố là chúng tôi là người châu Á, dân chủ không thích hợp đối với văn hóa của chúng tôi,” ông Michell nói tại một cuộc họp mặt được bảo trợ bởi Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Washington và hai cơ quan nghiên cứu chú trọng đến các vấn đề Đài Loan và Trung Quốc.
Tuy nhiên ông nói với Đài VOA là sự thành công của cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Đài Loan ngày 11/1 chứng minh cho sự kiện là dân chủ là một giá trị phổ quát có thể áp dụng tốt cho châu Á cũng như cho những phần đất khác trên thế giới.
Ông Mitchell đặc biệt xúc động vì bài diễn văn thừa nhận chiến bại của ứng cử viên thất cử Hàn Quốc Du, lãnh tụ Quốc Dân đảng (KMT)
Đảng của ông, được xem như thân thiện với Trung Quốc hơn là Đảng Dân Tiến (DPP) của bà Thái, chỉ được 40% số phiếu so với 60% của đảng thắng cử. Mất lòng tin đối với Trung Quốc được khuấy động bởi nhiều tháng biểu tình chống Trung Quốc tại Hong Kong được xem như góp phần vào cuộc chiến thắng áp đảo của DPP.
Kinh nghiệm của Đài Loan trong tuần này, cùng với việc chuyển sang dân chủ thành công của Hàn Quốc trong những năm 1990, “đã chứng tỏ quan niệm châu Á không thích hợp với dân chủ là điều sai lầm,” ông Mitchell nói.
Một người khách khác trong buổi họp mặt ngày 11/1 là ông Richard Bush, nhà quan sát châu Á lâu năm cũng có ấn tượng tương tự đối với cuộc bầu cử Đài Loan. Ông nói dân chủ có những đòi hỏi duy nhất đối với công dân cũng như đối với chính trị gia.
Ông nhận định thêm “Không phải tất cả các quốc gia đều liều lĩnh cho phép người dân bình thường chọn các nhà lãnh đạo.”
Đối với ông Stanley Kao, Trưởng văn phòng đại diện của Đài Loan tại Washington, thì cuộc bầu cử này đánh dấu cuộc vận động tranh cử dài ngày kết thúc cũng như bắt đầu một loạt những thách thức mới-và những cơ hội.
Nhấn mạnh rằng Đài Loan không xem thường các mối quan hệ với Washington, ông Kao nói “Chúng tôi có nhiều công việc phải làm,” trong đó có một thỏa thuận tự do mậu dịch, tăng cường hợp tác về an ninh và thăm viếng lẫn nhau.”
Ông nói với Đài VOA là công việc của ông được dễ dàng vì có Hiệp ước về những Quan hệ với Đài Loan, nhằm đảm bảo những quan hệ giữa Hoa Kỳ với hòn đảo này, dù Hoa Kỳ công nhận chính phủ Bắc Kinh là đối tác chính thức của Washington.
Ông Kao mô tả điều mà ông xem như là nhiệm vụ và sự tiếp cận tại Washington: Theo đường lối, hoàn tất công tác. Chúng tôi không muốn làm quá, nhưng cùng lúc, chúng tôi không ngần ngại đưa ra yêu cầu,” ông nói. “Chúng tôi vẫn lạc quan nhưng đồng thời thực tế.”
(BTV Natalie Liu)
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-%C4%91%C3%A0i-loan-n%C3%AAu-r%C3%B5-kh%C3%A1i-ni%E1%BB%87m-gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-ch%C3%A2u-%C3%A1-/5246189.html

Bà Thái Anh Văn : Đài Loan đã là một quốc gia độc lập

Thụy My
« Trung Quốc phải chấp nhận thực tế Đài Loan đã là một quốc gia độc lập ». Vừa tái đắc cử, nữ tổng thống Thái Anh Văn hôm 15/01/2020 tuyên bố như trên, và cảnh báo Bắc Kinh mọi mưu toan xâm chiếm Đài Loan sẽ phải trả giá rất đắt.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh và luôn muốn sáp nhập vào Hoa lục, bằng vũ lực nếu cần thiết, nhất là nếu hòn đảo này tuyên bố độc lập.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên kể từ khi tái đắc cử, nữ tổng thống khẳng định : « Chúng tôi không cần tuyên bố Đài Loan là một Nhà nước độc lập. Chúng tôi đã là một đất nước độc lập, với quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc ».
Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh : « Đài Loan có bản sắc riêng, và thực chất là một quốc gia. Chúng tôi là một nền dân chủ thành công, và có nền kinh tế khá vững chắc, xứng đáng được Trung Quốc tôn trọng ». Bà không quên cảnh cáo : « Nếu xâm lăng Đài Loan, Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá vô cùng đắt ».
Nữ tổng thống mãn nhiệm thắng cử với số phiếu cao kỷ lục từ 20 năm qua, với chiến dịch tranh cử nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đối phó với những đe dọa của Trung Quốc độc đoán. Hôm 14/01, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tuyên bố : « Những kẻ ly khai sẽ để lại tiếng nhơ suốt 10.000 năm ». Trước đó, Bắc Kinh đã chỉ trích tất cả các nước lên tiếng chúc mừng tân tổng thống Đài Loan.
Trong bốn năm vừa qua, Trung Quốc đã dùng tiền bạc mua chuộc được 7 đồng minh của Đài Bắc, khiến nay Đài Loan chỉ còn được 15 quốc gia trên thế giới công nhận – đa số là những nước nghèo ở châu Mỹ La tinh và Thái Bình Dương.
Về áp lực quân sự, Reuters dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan cho biết mỗi năm có 2.000 lượt oanh tạc cơ Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan. Năm 2019, Hoa Kỳ đã thông qua việc bán 66 chiến đấu cơ F-16 mới và nhiều thiết bị quân sự có tổng trị giá 8 tỉ đô la cho Đài Bắc.
Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây do Hiệp hội các chính sách eo biển Đài Loan thực hiện, có đến 80% dân Đài Loan bác bỏ nguyên tắc « nhất quốc lưỡng chế » mà Tập Cận Bình đang ra sức chiêu dụ.
Quy chế này được hình thành nhằm thu hồi Đài Loan, và sau thời gian áp dụng với Hồng Kông đã cho thấy rõ mặt trái : Bắc Kinh không ngừng gặm nhấm các quyền tự do căn bản của người dân đặc khu. Cuộc khủng hoảng Hồng Kông là một trong những yếu tố khiến người dân Đài Loan ồ ạt dồn phiếu cho bà Thái Anh Văn thay vì ứng cử viên của Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200115-thai-anh-van-dai-loan-da-la-mot-quoc-gia-doc-lap

Những toan tính trong BRI và tác động tới Việt Nam

Hoàng Gia Phúc
Kể từ khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 và sau đó là Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013, Tập Cận Bình đã đưa ra một loạt sáng kiến mang tính chiến lược ở trong cũng như ngoài nước. Một trong những mục tiêu quan trọng của Tập là biến “Giấc mộng Trung Hoa” thành hiện thực. Để hiện thực hoá “Giấc mộng Trung Hoa” đó Tập đã đưa ra kế hoạch chiến lược với tên gọi Sáng kiến “Một vành đai, Một Con đường” và sau này được đổi tên thành Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (viết tắt tiếng Anh là BRI) vào năm 2017.
Về cơ bản, BRI là một mạng lưới nối liền giữa các tuyến đường bộ, đường sắt, các đường ống dẫn dầu, các mạng lưới điện, các hệ thống cảng biển cùng rất nhiều dự án hạ tầng nối liền khoảng 70 quốc gia. Việc phát triển các hệ thống và dự án hạ tầng này nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
“Vành đai” có nghĩa là “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” (Silk Road Economic Belt); “Con đường” có nghĩa là “Con đường tơ lụa trên biển” thế kỷ 21(21st Century Maritime Silk Road).
Trong Sáng kiến này, Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á tham gia như một mắt xích trong Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.
Việc phát triển hạ tầng kết nối Trung Quốc với các nước Đông Nam Á cũng là mong muốn. của các nước ASEAN và cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Các nhà nước, doanh nghiệp và người dân sinh sống dọc các tuyến đường tơ lụa bị hấp dẫn bởi các phương tiện khổng lồ, mà theo giọng điệu của Bắc Kinh, được huy động để biến mục tiêu nói trên thành hiện thực. Tuy nhiên, các nhà nước, doanh nghiệp và người dân các nước cũng lo ngại về những hậu quả địa chính trị khi trở thành một nút thắt trên các tuyến đường kết nối hướng về Trung Quốc này.
Theo một số ước tính, chi phí của toàn bộ Sáng kiến này rơi vào khoảng 4.000 đến 26.000 tỷ USD và Trung Quốc không có ý định tài trợ toàn bộ. Những nước được hưởng lợi từ các dự án này cũng sẽ phải vay những khoản vốn cần thiết để góp vốn thực hiện dự án.
Tuy nhiên, cũng có các mối lo ngại của các quốc gia về BRI, sự lo ngại tập trung trong hai vấn đề cơ bản: Thứ nhất, đó là các ý đồ chính trị của Trung Quốc đằng sau BRI; Thứ hai, liên quan đến “bẫy nợ” mà các quốc gia vay vốn để phát triển hạ tầng từ các ngân hàng Trung Quốc sẽ mắc phải.
Ý đồ chính trị
Thông qua Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, Trung Quốc có thể tái tổ chức châu Á trên cơ sở một hệ thống đối tác chính trị và kinh tế mà ở đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm, chứ không tiếp tục dựa trên hệ thống liên minh kinh tế và an ninh của Mỹ. Đó là một mục tiêu dài hạn mà Tập Cận Bình muốn đạt được vào năm 2049 (nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa). Sự thành công của mục tiêu này sẽ cho phép Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới, một vị thế mà nước này vẫn chưa hoàn toàn đạt được, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.
Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược nói trên của Trung Quốc cho phép Con đường tơ lụa trên biển gắn với dự án “chuỗi ngọc trai”[1] – điều này được minh chứng qua việc Trung Quốc mở một căn cứ quân sự ở Djibouti vào năm 2017 và các chuyến viếng thăm của tàu chiến Trung Quốc ở Gwadar. Trung Quốc cũng không giấu diếm ý định thâu tóm kiểm soát một mạng lưới các cảng biển quan trọng trên thế giới. Chỉ tính đến tháng 7/2017, Trung Quốc đã nắm quyền sử dụng trên 40 cảng biển ở châu Á, châu Âu và châu Phi. [2]
Lo ngại về “chuỗi ngọc trai” còn trở nên nhiều hơn khi tin tức rò rỉ về một cảng quân sự đang được Trung Quốc cho xây dựng một cách bí mật tại Campuchia.[3] Và với các quốc gia như Campuchia và Trung Quốc thì hoàn toàn không có việc thông tin được minh bạch và được kiểm chứng khách quan.
Một vấn đề vướng mắc nhất trong Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 là hiện nay Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN đang là các bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp biển Đông. Sách “Trạng thái mới bình thường của Trung Quốc” của tác giả Từ Vĩ Tân, Nhà xuất bản nhân dân Trung Quốc năm 2015 đã nói rõ: “Chiến lược Một Vành đai Một con đường dự liệu tổng thể đến cả hai cục diện trong nước và quốc tế…Các nước xung quanh không ngừng xâm phạm chủ quyền nước ta tại Nam Hải (Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc), do Việt Nam và Philippines cầm đầu, hòng trục lợi trong hỗn loạn…”. Đoạn văn trên đã cho thấy rõ một trong những mục đích của Trung Quốc thông qua BRI là nhằm đạt được ý đồ độc chiếm biển Đông thông qua những hứa hẹn lợi ích kinh tế cho các quốc gia ASEAN đang khát nguồn vốn đầu tư. Mặc dù với “đường lưỡi bò” đầy tai tiếng nhưng nhiều quốc gia ASEAN bị hấp lực bởi nguồn vốn đầu tư hấp dẫn từ Trung Quốc, cộng với các lợi ích cá nhân do phía Trung Quốc “mua chuộc” ví dụ như Philippines đã không nhắc tới Phán quyết Trọng tài năm 2016 để đổi lấy các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
Về bẫy nợ
Về “bẫy nợ”, trong một nghiên cứu của Ngân hàng phát triển Trung Quốc cùng với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về việc thực hiện các khoản cho vay giai đoạn từ 2013 – 2015 đã cho thấy 70% lượng tín dụng cung cấp ra bên ngoài Trung Quốc luôn kèm theo các điều kiện cơ bản, trong đó có việc bắt buộc mua sắm hàng hóa, nguyên vật liệu từ Trung Quốc và sử dụng nhân công từ Trung Quốc.[4] Theo tính toán của CSIS thì trong việc thực hiện các gói thầu của BRI, 89% là do các công ty Trung Quốc tiến hành, 7,6% là do các công ty địa phương thực hiện, chỉ có 3,4% là do các công ty nước
ngoài thực hiện.[5] Như vậy, trong việc xây dựng các công trình hạ tầng này, phần lớn lợi ích thuộc về phía các công ty Trung Quốc. Còn lại, nhiều quốc gia vay vốn vướng vào “bẫy nợ” với Trung Quốc. Việc thực hiện dự án đã không thực sự hiệu quả cộng với tình trạng tham nhũng đã dẫn đến những khoản nợ khổng lồ.
Hiện nay, các công ty Trung Quốc đang sở hữu gần 25% các sản phẩm dầu mỏ của Kazakhstan, trên 50% lượng khí gas xuất khẩu của Turkmenistan. Còn Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đang là nhà cung cấp tín dụng lớn nhất, hiện đang nắm giữ 49% khoản nợ quốc gia của Tadjikistan, 36% khoản nợ quốc gia của Kirgizstan.[6] Djibouti, một nước nhỏ ở châu Phi, đã phải đồng ý cho Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình vào năm 2017, sau khi không thể trả nợ hàng tỉ đô-la cho Trung Quốc.[7] Sri Lanka đang đứng trước lo ngại về việc Trung Quốc có thể huy động quân sự tại cảng Hambantota trong giai đoạn khủng hoảng, sau khi cảng này được cho Trung Quốc thuê 99 năm để trừ bớt khoản nợ hàng tỉ đô-la.[8]
Sự tham gia của Việt Nam
Tháng 11 năm 2017, trong chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang Một Vành đai” với “Sáng kiến Vành đai Con đường”. Đây được coi là thời điểm Việt Nam chính thức tham gia Sáng kiến này sau 4 năm thăm dò, nghiên cứu. Cho đến nay, Nhà nước Việt Nam chưa công bố bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch tham gia Sáng kiến này cho người dân biết. Với những hành động hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế nhằm độc chiếm biển Đông, coi Việt Nam là “kẻ cầm đầu xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc” trên biển Đông thì rõ ràng các kế hoạch để phát triển Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 mà Việt Nam là thành viên tham gia, có lý do để người dân Việt Nam nghi ngờ tới mưu đồ chính trị của Trung Quốc đằng sau BRI này.
Sự thiếu minh bạch trong các quyết định của Nhà nước Việt Nam càng khiến nhiều người dân và giới nghiên cứu lo lắng về khả năng Việt Nam rơi vào “bẫy nợ nần”.
Năm 2007 Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng cùng với Tổng Bí thư là ông Nông Đức Mạnh đã dùng quyền lực để thực hiện kế hoạch khai thác bô xít tại Tây nguyên, lúc đầu là do phía Trung Quốc đề xướng và thực hiện. Gặp sự phản đối của người dân, Chính phủ Việt Nam đã quyết định giao cho các công ty Việt Nam thực hiện. Đến tháng 9 năm 2016, sau 3 năm hoạt động, Tổ hợp Bauxite-Nhôm Lâm Đồng đã thua lỗ 3.696 tỉ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá khoảng 1.176 tỉ đồng. Mức lỗ này đã vượt xa so với mức lỗ dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỉ đồng.[9] Chưa kể các hiệu ứng tàn phá về môi trường do lượng bùn đỏ để lại nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm gì.
Một dự án khác đầy tai tiếng nằm trong BRI đó là tuyến đường sắt nội ô Cát Linh – Hà Đông. Tuyến đường sắt này thực hiện từ khoản vay 250 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, do Công ty Hữu hạn tập đoàn
Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu thi công. Dự án này khởi công từ năm 2011 và đến nay vẫn chưa thể vận hành, nhưng đã đến hạn phải trả tiền lãi cho Ngân hàng Trung Quốc khoảng 650 tỉ đồng/ năm.[10]
Hàng loạt nhà máy điện than với công nghệ từ Trung Quốc đã được đầu tư xây dựng tại Việt Nam. Lợi ích đâu chưa thấy, nhưng các ảnh hưởng về môi trường đã được nhắc tới nhiều trong các báo cáo về không khí ô nhiễm tại hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM.
Năm 2018, Quốc hội Việt Nam dự định thông qua Dự luật đặc khu kinh tế, trong đó bao gồm ba khu vực có vị trí quan trọng trên biển, đó là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Đã có nhiều cuộc biểu tình chống lại việc thông qua dự luật này, bởi vì nhiều người dân lo ngại trước một Trung Quốc đang muốn “sáp nhập” Việt Nam khởi đầu với việc “thâu tóm” ba đặc khu biển có vị trí tiền tiêu quan trọng này.
Hiện nay, một mặt, có vẻ Chính phủ Việt Nam đang cố gắng để chống lại các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Nhưng với việc tham gia BRI mà không minh bạch hoá thông tin cùng với những “nhượng bộ” dưới sự đòi hỏi và sức ép của Trung Quốc thì Việt Nam sẽ sớm phải trả giá đắt.
[1] https://nationalinterest.org/feature/china-buying-ports-influence-across-europe-26210
[2]https://www.hudson.org/research/14717-china-s-trojan-ports
[3] https://globalriskinsights.com/2019/10/chinese-naval-base-in-cambodia/
[4] James Kynge, “Chinese Overseas Lending Dominated by One Belt, One Road Strategy,” Financial Times, June 18, 2015.
[5] https://www.csis.org/analysis/chinas-belt-and-road-initiative-five-years-later-0
[6] Alice Ekman, Françoise Nicolas, John Seaman, et al., “Three Years of China’s New Silk Roads: From Words to (Re)action?”, Études de l’Ifri, Ifri, February 2017, trang 7.
[7] https://foreignpolicy.com/2018/07/31/will-djibouti-become-latest-country-to-fall-into-chinas-debt-trap/
[8] https://www.nytimes.com/2018/06/25/world/asia/china-sri-lanka-port.html
[9] http://cafef.vn/to-hop-bauxite-nhom-lam-dong-lo-gan-3700-ti-dong-20170313113602484.chn
[10] https://nld.com.vn/kinh-te/duong-sat-cat-linh-ha-dong-tau-chua-chay-da-tra-no-trung-quoc-650-ti-dong-nam-2018012310121303.htm
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bri-and-its-effects-on-vn-01152020090210.html

Triển khai vũ khí laser trên máy bay chiến đấu:

Chiêu trò mới của TQ

Thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc đưa một số tin về khả năng Trung Quốc triển khai kế hoạch lắp đặt vũ khí laser trên không nhằm gia tăng sức mạnh và răn đe chiến lược.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết mặc dù chưa rõ chi tiết nhưng đây có thể là vũ khí laser tấn công chiến lược mới thay vì thiết bị dẫn đường laser cho tên lửa. Thời báo Hoàn Cầu đưa tin rằng loại vũ khí laser trên máy bay này có thể là công cụ đánh chặn trên không để hạ thủ tên lửa hoặc chiến đấu cơ của đối phương. Trong một diễn biến liên quan, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết Kinh đã phát triển mẫu vũ khí laser trên không. Mẫu vũ khí này đã hoàn thiện hệ thống tải dữ liệu và thử nghiệm thiết bị cung cấp năng lượng cho vũ khí thông minh với 100 kilowatt. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vũ khí laser luôn được cho sẽ tạo lợi thế trong chiến trận bởi tia laser thường di chuyển ở vận tốc ánh sáng, gần như không có độ chễ và nhanh hơn cả tên lửa, chiến đấu cơ. Tuy nhiên, vũ khí laser hiếm khi được triển khai bởi có nhiều khó khăn về kỹ thuật. Việc tiêu diệt một mục tiêu cần nguồn cung năng lượng lớn trong khi việc di chuyển qua một khoảng cách xa sẽ làm tiêu hao nhiều năng lượng. Hiện tại phần lớn vũ khí laser được sử dụng với mục tiêu làm mất thị lực tạm thời của đối phương trong chiến trận, song điều này vẫn gây tranh cãi.
Được biết, vũ khí laser là vũ khí sử dụng tia laser công suất cao để bắn chính xác các mục tiêu tầm xa hoặc để bảo vệ tên lửa. Ưu điểm nổi bật của nó là thời gian phản ứng ngắn, có thể ngăn chặn các mục tiêu ở độ cao thấp khi phát hiện bất ngờ. Khi sử dụng laser để chặn nhiều mục tiêu, có thể nhanh chóng thay đổi mục tiêu, có khả năng ứng biến linh hoạt với nhiều mục tiêu. Điểm bất lợi của vũ khí laser là chúng không thể phù hợp với mọi điều kiện thời tiết, khó dùng khi sương mù nhiều, tuyết rơi dày, mưa lớn. Bởi vì vũ khí laser đòi hỏi nguồn điện năng rất lớn, trước khi có thể giải quyết được vấn đề khó khăn trong thu nhỏ thiết bị lưu trữ năng lượng (như pin năng lượng cao), vũ khí laser khó thực hiện ứng dụng trên quy mô lớn. Sức mạnh hủy diệt của vũ khí laser bao gồm làm mù, đục lỗ và phá hoại mục tiêu.
Vũ khí laser có thể được dùng dưới 3 hình thức: (1) Gắn vũ khí laser vào vệ tinh nhân tạo, có thể tấn công các tên lửa liên lục địa đang trong giai đoạn đầu cất cánh (trong vòng tám phút sau khi cất cánh), hoặc tấn công các vệ tinh của đối phương trên quỹ đạo. (2) Lắp đặt trên mặt đất, có thể bắn hạ các máy bay hoặc vệ tinh; lắp đặt trên tàu để bắn tên lửa và máy bay không người lái tấn công đến. (3) Gắn trên máy bay để tấn công máy bay hoặc tên lửa của đối phương.
Công nghệ laser là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ và trang thiết bị của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phát triển vũ khí laser, từ các tia laser năng lượng thấp đến hệ thống vũ khí chiến lược năng lượng cao. Trong những năm gần đây Trung Quốc đã phát triển nhiều mẫu vũ khí laser có thể bắn hạ máy bay không người lái, phá hủy cảm biến hay gây mù mắt. Dưới đây là một số vũ khí laser chiến thuật mới được Trung Quốc tiết lộ trong những năm gần đây: Guard-I là hệ thống vũ khí laser công suất thấp có thể triển khai trên xe kéo hoặc trên mặt đất. Nó bắn đi tia laser có công suất 10 kW, có thể bao phủ khu vực rộng 12 km2. Hệ thống vũ khí laser này có thể bắn hạ hơn 30 loại phương tiện bay cỡ nhỏ, với tỷ lệ thành công tới 100% trong các thử nghiệm. Theo một báo cáo vào năm 2014, Guard-I có thể bắn hạ máy bay không người lái (UAV) ở cự ly 2 km, độ cao 500 m, trong thời gian 5 giây. Hệ thống được phát triển bởi Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc vì mục đích an ninh xung quanh các sự kiện lớn tại đô thị. Silent Hunter là hệ thống  được sử dụng để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hàng Châu vào năm 2016. Hệ thống bắn ra tia laser có công suất từ 30-100 kW, phạm vi 4 km. Theo nhà phát triển China Poly Technologies, tia laser bắn ra từ hệ thống có thể cắt tấm thép dày 5 mm ở khoảng cách 1 km, hay xuyên thủng 5 tấm thép dày 2 mm đặt cạnh nhau ở cự ly 800 m. Silent Hunter
được giới thiệu công khai lần đầu tại triển lãm hàng không Nam Phi năm 2016. Guorong-I là hệ thống vũ khí laser được thiết kế cho nhiệm vụ tiêu diệt máy bay không người lái. Hệ thống gồm radar theo dõi mục tiêu, cảm biến quang-điện tử và tia laser năng lượng cao có thể bắn hạ UAV chỉ vài giây từ khoảng cách hàng trăm mét. Hệ thống này được phát triển bởi Công ty công nghệ Guorong, thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Light Shield là hệ thống phòng thủ laser lắp trên các phương tiện cơ giới. Nó được thiết kế để phá hỏng hệ thống cảm biến quang-điện trên máy bay hoặc tên lửa. Hệ thống được phát triển bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Hệ thống gồm cảm biến phát hiện, nhận dạng mục tiêu và máy phát laser để làm hỏng hoặc phá hủy cảm biến. Nó đã được lắp đặt trên một số xe bọc thép của quân đội Trung Quốc và được công bố tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014.
Ngoài ra, Trung Quốc còn chế tạo và đưa vào sử dụng các loại vũ khí laser cá nhân với công suất thấp, được sử dụng để làm lóa hoặc gây mù mắt đối phương ở cự ly gần, hay làm hỏng thiết bị nhìn đêm của đối phương. Thời báo Hoàn Cầu từng tiết lộ Trung Quốc đang sở hữu nhiều loại súng laser gồm, BBQ-905, WJG-2002, ZKZM-500, PY132A và PY131A. ZKZM-500 là một sản phẩm do công ty ZKZM Laser chế tạo ra. Công ty trên thuộc quyền quản lý của Viện nghiên cứu Quang học và Cơ khí chính xác Tây An, một cơ sở nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học tự nhiên Trung Quốc ở Thiểm Tây. ZKZM-500 được xếp vào hàng vũ khí “phi sát thương”, dù có thể phóng ra một luồng laser năng lượng cao. Luồng laser này vô hình trước mắt người và đủ mạnh để xuyên qua các cửa kính tới mục tiêu. Ngay khi tiếp xúc với da và mô người, nó có khả năng thiêu cháy mục tiêu. Về mặt kỹ thuật, ZKZM-500 có cỡ nòng 15mm và nặng chừng 3kg, tức bằng với trọng lượng một khẩu AK-47, vì thế nó mới được đặt cho biệt danh súng AK laser. Khẩu súng này được trang bị một bộ pin sạc lithium giống loại dùng trên điện thoại di động. Bộ pin cho phép nó bắn được tổng cộng 1.000 phát, với mỗi phát bắn kéo dài không quá 2 giây. Súng có tầm bắn 800 mét. Do đặc điểm gọn nhẹ nên khẩu súng dễ dàng được trang bị cho cá nhân. Ngoài ra người ta cũng có thể gắn nó trên xe, tàu thuyền, máy bay… để phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Trong khi đó, PY132 là súng laser cầm tay, có thể làm mù cảm biến ảnh nhiệt, hồng ngoại hoặc nhìn đêm của đối phương. Nó cũng có thể vô hiệu hóa các loại máy bay không người lái. WJG-202 và BBQ-90 là những mẫu laser cầm tay khá mạnh, có khả năng làm mù cảm biến của các máy bay không người lái bay chậm, hoặc phá hỏng cảm biến của xe tăng quân thù.
http://biendong.net/bien-dong/32650-trien-khai-vu-khi-laser-tren-may-bay-chien-dau-chieu-tro-moi-cua-tq.html

“Gây hấn” trên biển với Indonesia, TQ tự chuốc thiệt hại

Căng thẳng nổi lên giữa Indonesia và Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là diễn biến cần quan sát trong năm 2020 bởi tác động lớn trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Căng thẳng sau một thời gian yên ắng
Sau một thời gian gián đoạn, không có đụng độ trên biển trong 3 năm qua, Jakarta đã gửi một phản đối về mặt ngoại giao chính thức tới Bắc Kinh vào ngày 30/12/2019 để phản ứng với các báo cáo vi phạm lãnh thổ của 3 tàu Hải cảnh Trung Quốc và khoảng 63 tàu cá ở Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (EEZ) quanh chuỗi đảo Natuna vào cuối tháng 12. Các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã bị tàu của Hải quân Indonesia (TNI-AL) truy đuổi ra khỏi vùng biển Indonesia.
Tuy nhiên, ngày 12/1, truyền thông Indonesia cho biết 3 tàu hải quân của nước này tiếp tục phát hiện nhiều tàu hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc xâm phạm EEZ của Jakarta tại vùng biển Natuna.
Indonesia không có tranh chấp về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên, Bắc Kinh lập luận vùng biển xung quanh Natuna là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc. Trung Quốc cũng cho rằng có sự chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế quanh Natuna với “đường 9 đoạn” mà nước này ngang nhiên tự ý vẽ ra.
Tuyên bố ban đầu của Bộ Ngoại giao Indonesia đã tái khẳng định, Indonesia không có yêu sách chồng chéo với Trung Quốc và Indonesia sẽ không bao giờ công nhận yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, vốn không phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng như phán quyết của toà án quốc tế năm 2016.
Bắc Kinh sau đó đã đáp trả nhưng chỉ khiến Jakarta tiếp tục có tuyên bố mạnh mẽ hơn vào ngày 1/1/2019, bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng vùng biển xung quanh Natuna là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc, cho rằng yêu sách của Bắc Kinh là đơn phương, không có cơ sở dựa trên luật pháp quốc tế.
Áp đặt giới hạn đối với sức mạnh Trung Quốc
Phản ứng của Indonesia đối với hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông có ý nghĩa lớn, không chỉ bởi vì Indonesia là một quốc gia ngày càng lớn mạnh cả ở Đông Nam Á và ngoài khu vực. Phản ứng này cũng rất quan trọng bởi vì bất kỳ sự phản kháng nào của Indonesia chống lại Trung Quốc về mặt ngoại giao và chiến lược đều có lợi trong việc áp đặt các giới hạn hơn nữa đối với sức mạnh của Trung Quốc.
Trung Quốc phải đối mặt với một thử thách lớn khi “gây hấn” với Indonesia trên Biển Đông. Indonesia là nước có lực lượng vũ trang lớn nhất Đông Nam Á, và không phải là không có đòn đáp trả ngoại giao hoặc quân sự để ngăn chặn Trung Quốc, Tiến sĩ Greta Nabbs-Keller, Trường Đại học Queensland, Úc cho biết.
Charles Honoris, thành viên Ủy ban giám sát Quốc phòng và Đối ngoại, Quốc hội Indonesia đã đề xuất một số hành động mạnh mẽ hơn để có thể ngăn chặn Trung Quốc. Ông Honoris đề nghị Indonesia có thể xem xét lại cả hợp tác song phương và đa phương với Trung Quốc, bao gồm hợp tác về Sáng kiến ​​Vành đai (BRI) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng như tham gia với các quốc gia Đông Nam Á, những nước cũng đang đối mặt với những thách thức lãnh thổ tương tự để cân nhắc lại về thương mại và đầu tư của ASEAN với Trung Quốc
Điều thú vị là Bắc Kinh đã chọn khiêu khích Jakarta vào thời điểm này khi ông Jokowi vừa tái đắc cử và củng cố quyền lực, bổ nhiệm các vị trí chủ chốt trong nội các.
Thử thách Indonesia trong việc bảo vệ chủ quyền hàng hải dường như là một động thái gây tổn hại cho chính Bắc Kinh. Bởi Tướng Mitchowo Subianto, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia từ lâu đã được coi là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Vì vậy, Indonesia sẽ “vặn đuôi rồng” mạnh đến mức nào? Điều đó phụ thuộc vào việc Trung Quốc khiêu khích Indonesia ở Natuna đến đâu, Tiến sĩ Greta Nabbs-Keller bình luận.
Với một Tổng thống vừa tái đắc cử nhiệm kỳ cuối, toàn quyền thực hiện các chương trình nghị sự chính sách ưu tiên và một Bộ trưởng Quốc phòng mới đang tìm cách tạo dấu ấn, ông Greta Nabbs-Keller dự đoán có thể có một khuynh hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Sự hung hăng của Bắc Kinh có thể làm tăng thêm sự bất hòa trong mối quan hệ Indonesia – Trung Quốc, vốn có phần rạn nứt và mất lòng tin, dẫn đến đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, ông nói thêm.
http://biendong.net/bi-n-nong/32626-gay-han-tren-bien-voi-indonesia-tq-tu-chuoc-thiet-hai.html

TQ – Đài Loan không ai nghe ai

Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường rằng, Đài Loan thuộc về Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố ngày 12/1 sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử và nói rằng, bà không sợ lời đe dọa của Trung Quốc.
Trong chiến dịch bầu cử lãnh đạo Đài Loan (diễn ra ngày 11/1), Trung Quốc đại lục tìm cách để hòn đảo này chấp nhận mô hình “một nước, hai chế độ”, Reuters đưa tin ngày 12/1.
“Dù có chuyện gì thay đổi với tình hình nội bộ ở Đài Loan thì thực tế cơ bản rằng chỉ có một nước Trung Quốc trên thế giới và Đài Loan là một phần của Trung Quốc sẽ không thay đổi”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Trong khi Trung Quốc nói rằng, Đài Loan là lãnh thổ của họ, Đài Loan coi mình là một đất nước độc lập.
Bà Thái Anh Văn luôn mạnh mẽ phản đối mô hình “một nước, hai chế độ”. Bà chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm qua nên sẽ lãnh đạo Đài Loan thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa.
Đảng Dân tiến (DPP) của bà cũng giành được đa số ghế trong cơ quan lập pháp Đài Loan.
“Người dân Đài Loan một lần nữa sử dụng quyền bỏ phiếu của mình để cho thế giới thấy giá trị của dân chủ”, bà Thái nói hôm nay (12/1) khi gặp đại diện ngoại giao của Mỹ ở Đài Bắc – ông Brent Christensen.
“Dân chủ và tự do thực sự là tài sản quý giá nhất của Đài Loan và là nền tảng của mối quan hệ đối tác Đài Loan-Mỹ”, bà Thái nói, cam kết tăng cường hợp tác với Mỹ trong nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng tới kinh tế.
Hôm qua, bà Thái kêu gọi nối lại đàm phán với Trung Quốc nhưng cũng nói rằng, bà hy vọng Bắc Kinh hiểu rằng, Đài Loan và người dân Đài Loan sẽ không khuất phục trước sự đe dọa của Bắc Kinh.
Tại một cuộc họp báo, bà Thái nói: “Kết quả của cuộc bầu cử lần này có thêm một ý nghĩa, cho thấy một điều rằng, khi chủ quyền và nền dân chủ của chúng ta bị đe dọa, người Đài Loan sẽ càng thêm quyết tâm bảo vệ”.
Bà Thái cũng thúc giục Trung Quốc từ bỏ việc đe dọa sử dụng vũ lực chống Đài Loan, CNN đưa tin ngày 12/1. Bà nói rằng, tất cả các nước nên coi Đài Loan là “một đối tác, chứ không phải là một vấn đề”.
Tuy nhiên, Trung Quốc không thay đổi lập trường về nguyên tắc “Một Trung Quốc” và phản đối Đài Loan độc lập, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
“Sự đồng thuận phổ quát của cộng đồng quốc tế tôn trọng nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ cũng sẽ không thay đổi”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. Bắc Kinh hy vọng thế giới ủng hộ người dân Trung Quốc phản đối các hoạt động ly khai và “hiện thực hóa việc thống nhất đất nước”.
Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan nói rằng, Trung Quốc nên tôn trọng kết quả bầu cử và chấm dứt gây áp lực lên hòn đảo này; chính quyền Đài Loan sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, nền tự do, dân chủ của mình.
Bà Thái Anh Văn tái đắc cử lãnh đạo Đài Loan Trung Quốc không thay đổi lập trường một nước hai chế độ – ảnh 1Ông Hàn Quốc Du, ứng viên của Quốc dân đảng (KMT), thừa nhận thất bại hôm 11/1. Ảnh: Getty.
“Hộp công cụ chính sách”
Thông tấn xã Trung Quốc Xinhua đưa tin, bà Thái tái đắc cử nhờ việc áp dụng các chiêu trò, thổi phồng nguy cơ Trung Quốc và câu kế với các lực lượng phương Tây.
“Dù để kiềm chế các hoạt động ly khai, đòi độc lập của Đài Loan, hoặc đem lại lợi ích cho những người ái quốc Đài Loan, đại lục có một ‘hộp công cụ chính sách’ đầy đủ. Bà Thái và DPP phải nhận thức được rằng, họ không nên hành động ương ngạnh nhờ có may mắn (tái đắc cử)”, Xinhua viết.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chúc mừng bài Thái và biểu dương bà tìm kiếm sự ổn định với Trung Quốc trong khi “đối mặt áp lực triền miên”. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng gửi điện chúc mừng, coi Đài Loan là một “người bạn quý”.
Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc hôm qua nói rằng, họ sẽ tiếp tục thúc đẩy mô hình “một nước, hai chế độ” với Đài Loan.
http://biendong.net/bi-n-nong/32631-tq-dai-loan-khong-ai-nghe-ai.html

TBT Hoàn cầu chỉ ra điểm yếu khiến TQ

 chưa thể “né” Mỹ để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực

Ông Hồ Tích Tiến cho biết, “lựa chọn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực thực sự tồn tại. Không có nó, thống nhất hòa bình chỉ là lời sáo rỗng”.
Mới đây, khi bà Thái Anh Văn – người phản đối chính sách “Một Trung Quốc” – tái đắc cử lãnh đạo Đài Loan, thì làn sóng ủng hộ việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực trên mạng xã Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng.
Trước hiện tượng này, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, phụ bản báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo chia sẻ trên tài khoản weibo cá nhân khẳng định, “lựa chọn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực thực sự tồn tại. Không có nó, thống nhất hòa bình chỉ là lời sáo rỗng”.
Tuy nhiên, ông này cho rằng, để thống nhất bằng vũ lực trở thành lựa chọn hàng đầu thì cần một số điều kiện, mà để hình thành các điều kiện này, Trung Quốc cần có sự kiên nhẫn chiến lược.
“Trung Quốc coi thống nhất bằng vũ lực là lựa chọn thực tế ưu tiên, điều này đòi hỏi hai tính chắc chắn chiến lược:
Đầu tiên, quân đội Trung Quốc PLA phải hình thành một lợi thế áp đảo gần chuỗi đảo đầu tiên, hoặc Trung Quốc có thể dễ dàng khiến Mỹ trả giá đắt nếu quân đội nước này có ý định can thiệp, cũng như đồng thời, Mỹ không dám thực hiện trả đũa chiến lược quy mô lớn đối với Trung Quốc và không dám dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa Trung Quốc.
Thứ hai, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và Mỹ cần đảo ngược. Quy mô thị trường và khả năng cạnh tranh kinh tế chung của Trung Quốc phải vượt qua Mỹ, khiến Mỹ không thể áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện đối với Trung Quốc trong trường hợp hai bên phát sinh xung đột quân sự
nghiêm trọng, và cũng không đủ khả năng kết hợp các nước phương Tây khác cô lập Trung Quốc về kinh tế. Nói cách khác, thống nhất Đài Loan bằng vũ lực sẽ không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đại lục”, ông Hồ Tích Tiến cho biết.
Ông này nhấn mạnh, nếu không đủ một trong hai điều kiện trên, phương án Trung Quốc đại lục thống nhất Đài Loan bằng vũ lực sẽ đối mặt với những rủi ro chiến lược rất lớn, đó là thực tế mà Bắc Kinh phải đối mặt.
“Điều này không có nghĩa là lựa chọn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực là thiếu thực tế và không thể tạo ra sự răn đe chiến lược. Sức mạnh của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh có nghĩa là Mỹ sẽ phải mất sức nhiều hơn để ngăn chặn Trung Quốc lựa chọn thống nhất bằng vũ lực, Mỹ càng muốn tránh việc buộc Trung Quốc phải lựa chọn phương án đó, họ càng phải trả giá nhiều hơn”, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu nói.
Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, trong khi Mỹ công nhận chính sách Một Trung Quốc nhưng cũng duy trì những cam kết hỗ trợ Đài Loan.
Mới đây, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy cho biết, Lầu Năm Góc sẽ triển khai hai lực lượng đặc nhiệm tới Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ về tác chiếc thông tin, điện tử, mạng và tên lửa nhằm đối phó Trung Quốc. Lực lượng này có thể đóng quân ở Đài Loan hoặc Philippines.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32628-tbt-hoan-cau-chi-ra-diem-yeu-khien-tq-chua-the-ne-my-de-thong-nhat-dai-loan-bang-vu-luc.html

Lãnh đạo Kem Sokha của phe đối lập Cambodia

sẽ ra tòa vì tội phản quốc

Một phiên tòa xét xử tội phản quốc đối với thủ lĩnh phe đối lập Kem Sokha của Cambodia sẽ bắt đầu vào hôm thứ Tư (15/1), sau khi các nhà điều tra tìm thấy đủ bằng chứng để tiến hành vụ án.
Ông Kem Sokha bị bắt vào năm 2017 và Đảng Cứu quốc Cambodia (CNRP) của ông bị cấm trước cuộc bầu cử năm 2018. Sự việc này bị lên án bởi các quốc gia phương Tây, và họ yêu cầu nhà lãnh đạo độc đoán kỳ cựu Hun Sen thả người.
Ông Kem Sokha được tự do khỏi tình trạng quản thúc tại gia vào năm ngoái, nhưng lệnh cấm tham gia vào hoạt động chính trị của ông vẫn được giữ vững. Việc trả tự do cho ông được Liên minh châu Âu yêu cầu, và hiện họ đang xem xét việc có nên loại bỏ các đặc quyền thương mại của Cambodia do việc nước này đàn áp phe đối lập, các nhà hoạt động và truyền thông hay không.
Ông Kem Sokha tuyên bố rằng các cáo buộc chống lại ông là phi lý. Bằng chứng duy nhất được đưa ra chống lại ông trước công chúng là bình luận của ông tại một cuộc họp công khai, trong đó ông tuyên bố rằng ông đang nhận được lời khuyên từ những người Mỹ về chiến lược bầu cử trước cuộc bỏ phiếu năm 2013. (BBT)
https://www.sbtn.tv/lanh-dao-kem-sokha-cua-phe-doi-lap-cambodia-se-ra-toa-vi-toi-phan-quoc/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.