Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 29/01/2020

Wednesday, January 29, 2020 3:51:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 29/01/2020

Bắc Kinh nổi giận khi chiến hạm Mỹ

‘tự do hải hành’ ở Trường Sa

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hải quân Mỹ cho hay tàu tác chiến cận duyên USS Montgomery vừa có chuyến “tuần tra tự do hải hành” trong vùng biển Trường Sa ngày Mùng Một Tết tại khu vực Trung Quốc bồi đắp bảy đảo nhân tạo.
Phát ngôn viên Hạm Đội 7 Hoa Kỳ, Trung Úy Joe Keiley, cho báo Japan Times hay rằng chiến hạm USS Montgomery, một loại chiến hạm ba thân được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ tác chiến ven bờ, hôm Thứ Bảy, 25 Tháng Giêng, 2020, tức Mùng Một Tết Canh Tý 2020, đã có chuyến đi “khẳng định các quyền hải hành và tự do trong khu vực quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật lệ quốc tế.”
Đây là chuyến tuần tra hải hành đầu tiên của hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông trong năm 2020, khu vực đang có các tranh chấp chủ quyền biển đảo của các nước khu vực với Trung Quốc.
Trung Úy Joe Keiley cho biết thêm, chiến hạm Montgomery trong chuyến hải hành mới nhất “thách đố những cấm cản các quyền tự do hải hành” trên vùng biển quốc tế do bất cứ nước nào đặt ra dù đó là Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan hay nước nào khác.
“Các hoạt động tự do hải hành trên Biển Đông là một phần của hoạt động quân sự hằng ngày của lực lượng Hoa Kỳ tại khu vực,” ông Keiley nói thêm, không đặc biệt nhắm vào nước nào.
Phát ngôn viên Li Huamin (Lý Hoa Dân) tại Bộ Chỉ Huy Quân Sự Phía Nam của Trung Quốc được tờ South China Morning Post hôm Thứ Ba, 28 Tháng Giêng, dẫn lời đả kích hành động của hải quân Mỹ là “trắng trợn khiêu khích” vào đúng ngày Mùng Một Tết Nguyên Đán, tại khu vực đảo nhân tạo mà Bắc Kinh cướp các bãi đá ngầm của Việt Nam hồi năm 1988.
Theo phát ngôn viên vừa kể, Trung Quốc đã cho máy bay và chiến hạm theo dõi, kiểm chứng và xác định tàu USS Montgomery rồi xua đuổi khi nó đi vào vùng biển mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.
“Tàu Mỹ đã khiêu khích trắng trợn, với ý định quỷ quái nhân dịp Tết Nguyên Đán truyền thống, trong hành động bá quyền lộ rõ trên biển,” ông Lý Hoa Dân nói như thế đồng thời lập lại lời tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” tại vùng biển mà Bắc Kinh đã cướp các bãi đá ngầm của Việt Nam hai năm trước. Ông ta còn cho rằng Mỹ chỉ cố gắng vô ích khi làm bất cứ gì để khiêu khích.
Chiến hạm tác chiến cận duyên USS Montgomery đi vào vùng biển tranh chấp Trường Sa hôm Mùng Một Tết Canh Tý khi Bắc Kinh đang căng thẳng đối phó với dịch bệnh virus Corona trên khắp 30 tỉnh với hàng ngàn người lây nhiễm, hơn 100 người đã thiệt mạng. Con số người bệnh và chết bệnh gia tăng nhanh chóng từng ngày đang làm khủng hoảng kinh tế xã hội cả Hoa Lục.
Năm nay, Việt Nam là chủ tịch luân phiên của hiệp hội 10 nước ASEAN. Một số nhà phân tích cho rằng Hà Nội sẽ nhân cơ hội này, vận động các nước thành viên khác tạo lập thế liên minh mạnh hơn để đối phó với chủ trương bá quyền bành trường của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh dùng tiền để mua chuộc và phân hóa khối ASEAN nên dư luận chờ xem những gì sẽ diễn ra. (TN)

Duterte đơn phương hủy bỏ VFA với Mỹ

tác động thế nào đến tình hình Biển Đông

Trần Hoàng Long
Tuyên bố gây shock
Tổng thống Duterte mới đây lại gây “shock” dư luận với việc yêu cầu các giới chức dưới quyền huỷ bỏ Thoả thuận Thăm viếng Quân sự (Visiting Forces Agreement – VFA) giữa Philippines và Hoa Kỳ.
VFA là Thoả thuận song phương giữa Philippines và Hoa Kỳ, với nội dung cho phép quân đội Hoa Kỳ và quân đội Philippines thực hiện các hoạt động huấn luyện chung trên lãnh thổ Philippines. VFA được Thượng viện Philippines phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 1999. VFA là văn bản nối tiếp trên tinh thần của Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng (Mutual Defense Treaty – MDT) ký kết 1951 giữa Hoa Kỳ và Philippines. MDT cho phép Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp Philippines bị xâm lược có vũ trang. Năm 2014, Hoa Kỳ và Philippines cũng ký kết thêm Thoả thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA), EDCA có hiệu lực năm 2016.
Việc yêu cầu đơn phương huỷ bỏ Thoả thuận song phương này phản ánh mối quan hệ càng ngày càng xấu đi giữa chính quyền của Tổng thống Duterte với Hoa Kỳ. Ông Duterte đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và nắm giữ chức vụ Tổng thống Philippines từ năm 2016. Người phát ngôn Chính phủ Manila cho biết Tổng thống có thẩm quyền đại diện nhà nước Philippines đơn phương huỷ bỏ hiệu lực của VFA, và nước này đang trong quá trình huỷ bỏ Thoả thuận này.[1]
Hướng về Trung Quốc
Trung Quốc đang là một cường quốc khu vực, trên đà phát triển thành “siêu cường”, và đó cũng là mục tiêu tối hậu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phát triển của Trung Quốc cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại về các tham vọng lãnh thổ của họ. Trung Quốc không giấu giếm ý đồ muốn độc chiếm gần như toàn bộ biển Đông. Trung Quốc cũng phớt lờ việc tuân thủ luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc. Nhiều nước ASEAN lo ngại trước tham vọng và các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, nhiều chính phủ vẫn muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc bởi các hấp dẫn từ đầu tư của Trung Quốc là rất lớn. Chính phủ Duterte là một trường hợp như vậy.
Ngay từ lúc tranh cử, ông Duterte đã tỏ ý muốn “dựa” vào Trung Quốc để thực hiện các mục tiêu chính trị của mình. Một trong những cố vấn thân cận của ông Duterte – người có nhiều ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của ông Duterte là Cựu Tổng thống Macapagal-Arroyo. Bà Arroyro đã từng bị phát hiện “đi đêm” với Trung Quốc trong vụ “dàn xếp” căng thẳng tại Scarborough.[2] Chính vì vậy, việc ông Duterte lựa chọn Trung Quốc như là “bệ đỡ chính trị” của ông ta trong suốt thời kỳ tại nhiệm cũng là điều dễ hiểu.
Khi vừa giữ chức Tổng thống, ông Duterte đã luôn “công kích” Hoa Kỳ và thực hiện chính sách “hướng về Trung Quốc” (Pivot to China). Một trong những lý do ông Duterte công kích Hoa Kỳ bởi vì nhiều quan chức nước này lên án các hành động vi phạm nhân quyền, gây ra các cuộc tàn sát tại Philippines khi thực hiện chiến dịch chống ma tuý ở quốc gia này.
Lý do huỷ bỏ VFA
Tuyên bố huỷ bỏ VFA của ông Duterte như là một hành động “trả đũa” lại Hoa Kỳ khi mới đây, ngày 22/1/2020, Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” dela Rosa, một “đồng minh” thân cận của Tổng thống Duterte cho báo chí biết là ông ta bị phía Mỹ từ chối cấp visa sang quốc gia này.[3] Mặc dù phía Mỹ không đưa ra lý do bác visa của ông Rosa, nhưng người ta có thể biết rằng việc từ chối cấp visa của phía Mỹ nhằm thực thi Đạo luật Magnitsky bởi vì ông Rosa đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch bài trừ ma tuý của Tổng thống Philippines, mà bị nhiều cáo buộc là “lạm quyền và vi phạm nhân quyền”. Để đáp trả hành động này từ phía Hoa Kỳ, ông Duterte đã tuyên bố huỷ bỏ VFA mà hai bên đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi về lập trường “hai mặt” của chính quyền ông Duterte vào hồi tháng 6 năm 2019, khi chính quyền Trung Quốc từ chối cho phép Cựu Ngoại trưởng Philippines Del Rosario nhập cảnh Hong Kong, người phát ngôn Chính phủ Philippines lại tuyên bố: “Chúng tôi không thể yêu cầu điều gì, quyền của một quốc gia về việc ngưng hay điều tra bất cứ một vị khách nào đến nước họ là thẩm quyền đặc biệt của quốc gia đó.”[4]
Mặc dù phía Philippines tuyên bố “mạnh miệng” về việc đơn phương huỷ bỏ VFA, nhiều khả năng đây chỉ là tuyên bố “mồm” của ông Duterte. Việc duy trì VFA không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ với sự hiện diện tiếp tục tại Philippines – một đồng minh của Hoa Kỳ mà còn có lợi cho chính Philippines khi phía Mỹ đã trợ giúp rất nhiều về mặt quân sự cho nước này chống lại các lực lượng phiến quân.
Ông Duterte mặc cho các quyền lợi của đất nước bị xâm hại, đã quyết tâm theo đuổi chính sách “ngủ với kẻ thù”, chạy theo “ve vãn” Trung Quốc, cho dù Trung Quốc không giấu giếm ý đồ độc chiếm biển Đông, đe doạ trực tiếp tới chủ quyền quốc gia và lợi ích của dân tộc Philippines trên biển Đông. Năm 1995, Trung Quốc đã dùng vũ lực cướp đoạt Bãi Vành Khăn từ tay quân đội Philippines. Năm 2012, Trung Quốc đã dùng chiến thuật “cải bắp” để đẩy lui sự hiện diện của Hải quân Philippines, giành quyền kiểm soát thực tế Bãi cạn Scaborough. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Aquino III đã tìm mọi cách để khai thông các chiến dịch ngoại giao nhưng Trung Quốc đã chặn mọi cửa đàm phán. Cạn kiệt các giải pháp, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra một Toà trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Năm 2016, Toà đã phán quyết Philippines thắng kiện. Tuy nhiên, chính quyền Duterte đã từ chối nhắc lại Phán quyết 2016 để đổi lấy các lợi ích kinh tế từ Trung Quốc. Mới đây, năm 2019, các tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây trong suốt 215 ngày, khu vực Scaborough 162 ngày.[5]
Mặc dù Trung Quốc luôn hứa hẹn sẽ đầu tư hàng chục tỉ USD vào Philippines, nhưng đó chỉ là “bánh vẽ”. Học giả Philippines cho biết, cho tới chuyến thăm Manila cuối 2018 của Tập Cận Bình, chỉ 1 trong 10 dự án xây dựng hạ tầng được triển khai tại Philippines với số tiền 60 triệu USD, mặc dù, từ 2016, Trung Quốc đã hứa hẹn đổ hơn 20 tỉ USD đầu tư vào đất nước này.[6]
Chính sách đối ngoại thân Trung Quốc của ông Duterte cũng không phản ánh được thái độ thực sự của người dân Philippines. Trong một thăm dò hồi đầu năm nay của Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, tỉ lệ người Philippines bi quan về Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao nhất trong ASEAN, lên tới 78,9 %.[7]
Biển Đông bị ảnh hưởng
Nếu thực sự Duterte đơn phương huỷ bỏ VFA, sẽ có những tác động không nhỏ đến tình hình an ninh khu vực biển Đông. Bởi vì Hoa Kỳ có thể phản ứng lại bằng cách xem xét huỷ bỏ các văn bản song phương với Philippines mà hai bên đã ký kết trước đó, bao gồm EDCA và MDT. MDT là Hiệp ước đặc biệt quan trọng với Philippines, vì nó cho phép Hoa Kỳ giúp bảo vệ Philippines trong trường hợp bị tấn công xâm lược.
Sự hiện diện của Hoa Kỳ rất cần thiết trong tình hình biển Đông hiện nay, bởi vì nhu cầu gìn giữ khu vực biển Đông thành một khu vực an ninh, ổn định và tự do cần có sự tham gia của Hoa Kỳ – một cường quốc biển. Nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ thì sự cân bằng quyền lực tại khu vực biển Đông sẽ bị phá vỡ. Bởi vì sự chênh lệch cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và ASEAN rất lớn. Trung Quốc, như lời Ngoại trưởng Trung Quốc nói tại Singapore năm 2010  “là một nước lớn, lớn hơn tất cả các nước ASEAN cộng lại”. Chính vì vậy, Trung Quốc đang tìm cách “đẩy” Hoa Kỳ ra khỏi khu vực biển Đông. Trước đây, hồi năm 1992, khi Hoa Kỳ rút quân khỏi hai căn cứ quân sự tại Philippines là Subic và Clark đã tạo ra một tình trạng “chân không quyền lực”. Trung Quốc đã nhanh chân tạo ảnh hưởng thay thế Hoa Kỳ tại khu vực này. Chính vì lẽ đó, Việt Nam, trước đây vốn là “cựu thù” với Hoa Kỳ, nhưng nay, Việt Nam đã phát triển quan hệ với Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác quân sự, để nhằm cân bằng chiến lược trước các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông.
Nếu VFA bị Duterte đơn phương huỷ bỏ, đây sẽ là dấu hiệu Trung Quốc thấy được sự thắng thế của mình, và chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động hung hăng tại khu vực biển Đông, đặc biệt trước bối cảnh cuộc “so găng” Mỹ – Trung, cộng với hậu quả của đại dịch virus Vũ Hán, khiến tình hình kinh tế Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng xấu. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tìm cách hướng dư luận trong nước ra bên ngoài để xoa dịu những bất bình của dân chúng Trung Quốc.
Việt Nam chịu tác động ra sao?
Nếu Duterte đơn phương huỷ bỏ VFA, tình hình biển Đông sẽ căng thẳng hơn. Việt Nam là một quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp biển Đông nên sẽ chịu nhiều áp lực từ Trung Quốc. Kể từ 2007 tới nay, Việt Nam phải vất vả đối phó với các hành động hung hăng đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông. Trước khi Duterte trở thành Tổng thống, Philippines là một trong những quốc gia hăng hái nhất trong việc chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi Duterte trở thành Tổng thống và thi hành chính sách “Hướng về Trung Quốc” của ông ta thì Việt Nam dường như phải “đơn độc” trong các cuộc chiến chống lại các hành động hung hăng của Trung Quốc. Chính vì vậy, nếu Duterte thực sự đơn phương rút khỏi VFA, đây sẽ là tín hiệu xấu cho Việt Nam trên khu vực biển Đông.
Tiền hậu bất nhất
Tuy nhiên, có nhiều khả năng đây chỉ là “tuyên bố nhất thời” của ông Duterte. Ông Duterte vốn nổi tiếng với nhiều phát biểu nhất thời, sau đó lại đưa ra những tuyên bố trái ngược. Sau khi tuyên bố “mạnh miệng” về việc huỷ bỏ VFA, thông tin mới nhất từ báo Rappler cho biết là chính quyền Duterte đã có một bước lùi khi yêu cầu Bộ Tư pháp đánh giá các tác động nếu Philippines huỷ bỏ VFA. Tờ báo này cũng dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Menardo Guevarracho biết là: “Theo hiểu biết của tôi thì Tổng thống mới chỉ đe doạ, nhưng vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức để huỷ bỏ VFA. Đó là lý do vì sao văn phòng Tổng thống lại yêu cầu Bộ Tư pháp đánh giá về tác động của việc huỷ bỏ này”.[8]
Khi phóng viên hỏi vì sao Phủ Tổng thống lại đột nhiên yêu cầu báo cáo đánh giá tác động, trong khi tuần trước thì tuyên bố rằng tiến trình huỷ bỏ VFA đang được tiến hành? Bộ trưởng Bộ tư pháp trả lời: “Chỉ có Malacanang (Phủ Tổng thống) mới có thể trả lời được về vấn đề này”.[9]
Kết luận
Tuyên bố đơn phương huỷ bỏ VFA của Tổng thống Duterte đã gặp nhiều phản đối từ các nhân vật chính trị khác của Philippines. Thượng nghị sĩ Lacson – Người đứng đầu Uỷ ban An ninh và Quốc phòng Quốc gia của Thượng viện cho rằng “việc cấp visa hay cho một người nước ngoài tới Mỹ là thẩm quyền của Mỹ. Họ có thể từ chối mà không cần nêu lý do. VFA là thoả thuận song phương giữa Philippines và Mỹ nên cần xem xét cẩn thận và thông qua trao đổi ngoại giao”.[10]
Có lẽ, sắp đến ngày kết thúc nhiệm kỳ, nên Duterte đang cố giành những lợi ích kinh tế cho riêng mình trong cảnh “chợ chiều”, chứ cũng khó mà ngoảnh mặt trước Hoa Kỳ được? Liệu người nắm giữ chức vụ tổng thống sắp tới của Philippines sẽ có chính sách đối ngoại điều chỉnh lại những gì ông Duterte đã “tàn phá” quan hệ đối ngoại của quốc gia này?

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.