Cộng sản ác ghê!
Trần Ngọc Sơn (Danlambao) - Ngày 16/1/2020, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức trọng thể Lễ tang 3 "liệt sỹ" "hy sinh" tại xã Đồng Tâm, được Nguyễn Phú Trọng truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Nguyễn Xuân Phúc cấp Bằng "Tổ quốc ghi công";
Khi đã gọi là "liệt sỹ", "hy sinh" có bằng bối, huân chương thì có thể xem sự cố Đồng Tâm là một trận đánh "công đồn đả viện đẹp". Lực lượng công đồn có xe bọc thép tùng thiết với hơn 1000 chiến sỹ, được trang bị súng ống tận răng. Đả viện là phương tiện phá sóng tối tân, lực lượng bao quanh không cho ai bén mảng đến Đồng tâm, không một luật sư, ký giả, báo chí nào được phép hiện diện chứ đừng nói tiếp viện.
Phe địch gồm 6 người là con cháu cụ Lê Đình Kình và một số nông dân bị chiếm đất, dân làng bị bao vây không cho ra khỏi nhà. Cụ Kình, một nông dân 84 tuổi đời và gần 60 tuổi đảng, đã từng tuyên bố "Phải giữ đất dù phải hy sinh xương máu", "nhân dân tin tưởng vào Đảng và Chính phủ". Theo Bộ công an, "địch" được trang bị bằng vài bao tải gạch đá, hai lít xăng, dăm ba quả lựu đạn và một số dụng cụ nông nghiệp như dao phóng lợn, vài tuýp sắt to bằng đầu ngón tay cái... "Phải giữ đất dù phải hy sinh xương máu".
Cuộc công đồn đả viện xảy ra khuya ngày 09/01/20 vào 2 hoặc 4 giờ sáng qua đó phía địch 1, phía Đảng 166. Với lực lượng áp đảo "địch/ta", đó gần như là chiến thuật biển người. Ấy thế mà lực lượng cảnh sát cơ động thiệt ba sỹ quan do vớ vẩn tự ngã xuống ''giếng trời'' giữa đêm khuya, (Bộ công an không đưa bằng chứng nào về sự cố chết của ba sĩ quan này), phía địch chỉ có cụ Kình bị bắn chết trên giường ngủ, ít nhất là một phát phá nát đầu gối, một phát ân huệ ngay giữa tim bắn thẳng, tiếp cận, 22 người bị bắt. Bộ công an cho biết không có chiến sỹ nào chết hoặc bị thương do lựu đạn, dao phóng lợn, gạch đá.
Dù trước đó lực lượng sảnh sát cơ động đã diễn tập ở Saigon, (tôi muốn dùng lại chữ Thành phố mang tên Bác, nhưng xấu hổ quá không dùng được), diễn tập ngay tại cánh đồng Sênh, sát bên Đồng Tâm. Ấy vậy nhưng không tránh khỏi ba sỹ quan chết vớ vẩn khi rơi xuống hố trong đêm khuya như trộm cắp.
Không một ký giả nào dù tất cả đều của nhà nước được có mặt ở Đồng Tâm. Công đồn hùng hậu như thế và đả viện thì cấm tất! Phá sóng, cắt điện thoại, không ai được ai bén mảng tới Đồng tâm. Miệng, mắt nhân dân đã bị bịt kín! Các báo nhà nước chỉ đăng lại nguyên văn thông cáo của Bộ công an, không hơn không kém.
Cấp cao nào quyết định hạ sát cụ Kình để trừ hậu hoạn?
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vội vã ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cấp bằng "Tổ quốc ghi công" vì "xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh Quốc gia" cho ba chiến sỹ thiệt mạng chứng tỏ rằng quyết định giết cụ Kình xuất phát từ những người nói trên. Lại nữa, chính Nguyễn Xuân Phúc thú nhận: “Đồng Tâm là đám lửa nhỏ, nếu không sớm dập tắt, nó sẽ cháy lan ra diện rộng”. Tham nhũng cháy lan ra hay chống tham nhũng cháy lan ra?
Tuy nhiên, nếu nhìn lại từ lúc tiếng súng của nông dân Đoàn Văn Vươn nổ ra tại Tiên Lãng, ông Đặng Văn Hiến bắn chết ba kẻ đến cướp đất, cho đến Vụ Đồng Tâm, người ta có thể thấy nhân dân chống đối ngày càng tăng cường độ mặc dù chính quyền đàn áp cật lực. Đó là quy luật tất nhiên: càng bất công càng chống đối, con giun xéo mãi cũng quằn. Nhà tù chỉ tạo thêm căm thù chế độ; Cô Thùy Dương, vụ Thủ Thiêm, ném chiếc giày vào mặt chính quyền qua bản mặt của Chủ tịch Hội đồng nhân dân Nguyễn thị Quyết Tâm. Cách đây mấy hôm thôi, bà Nguyễn Thúy Hạnh, người nhận tiền đóng góp giúp đỡ gia đình tù nhân lương tâm trong đó có gia đình Đồng Tâm, tuyên bố: "Nếu bị bắt tôi sẽ ra tòa với nụ cười này, bởi tôi không làm điều gì hổ thẹn với lương tâm".
Đến nước đường cùng nhân dân sẽ liều chết. Thế thôi.
Qua vụ hạ sát ông Kình và đàn áp bạo lực ở Đồng Tâm, chính phủ gọi là "kiến tạo" của Nguyễn Xuân Phúc đã rơi mặt nạ. Nguyễn Phú Trọng đốt lò trong đảng, nhưng rõ ràng ông ta xem nhân dân chống tham nhũng, nhân dân chống Trung Quốc là kẻ thù của đất nước: đất nước của đảng và đất nước của Trung Quốc. Hai mà một!
"Giữa thời bình, chiến sỹ của ta phải hy sinh trước nhân dân của mình"
Một cựu chiến binh tuyên bố: “Đồng đội tôi đã phải hy sinh trước kẻ thù, đó là một sự mất mát to lớn. Nhưng giữa thời bình, chiến sỹ của ta phải hy sinh trước nhân dân của mình, đó là một điều đau xót vô cùng”.
Dù chính quyền có mồm năm miệng mười bịa đủ chứng cớ để đơn phương kết tội gia đình cụ Kinh, một gia đình có hai câu tuyên bố "Phải giữ đất dù phải hy sinh xương máu", "nhân dân tin tưởng vào Đảng và Chính phủ" cũng không che đậy được tội giết dân, giết đảng viên của mình.
Trầm trọng hơn nữa là huy động cả một tiểu đoàn trang bị tận răng để đán áp, thủ tiêu một người, một gia đình nhất định chống tham nhũng, bảo vệ đất đai của dân Đồng Tâm đến cùng dù rằng gia đình cụ Kình không có quyền lợi gì trực tiếp ở đó.
Lực lượng hùng hậu đó thay vì đàn áp dân, nên đưa ra biển chống xâm lược của các đồng chí Trung Quốc, bảo vệ biển đảo thì dù có chết cũng còn để lại sự thương tiếc trong nhân dân, đó mới đáng gọi là hy sinh vì Tổ quốc. Không thể nói bừa "hy sinh vì Tổ quốc" trong việc đàn áp dân này. Nhất là khi sự chết của ba sỹ quan Công an vì rơi xuống "giếng trời" thật vớ vẩn.
Tết này tôi không còn lòng dạ nào đón Tết nữa. Trong đầu tôi không lúc nào quên "Cộng sản ác ghê", giống như Hồ Chí Minh đã từng viết "Địa chủ ác ghê" để khởi đầu chiến dịch giết dân trong cải cách ruộng đất. Có điều "Cộng sản ác ghê" là thật, còn "Địa chủ ác ghê" là bịa vì sau đó Hồ Chí Minh phải rơi nước mắt cá sấu để xin lỗi dân năm nào.
29.01.2020
0 comments