Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 10/01/2020

Friday, January 10, 2020 3:59:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 10/01/2020

Trí tuệ nhân tạo: Công cụ mới được TQ đẩy mạnh

triển khai ở Biển Đông thời gian qua

nhằm phục vụ các yêu sách “chủ quyền” phi pháp

Thời gian qua, giới khoa học và hoạch định chính sách của Bắc Kinh đã thúc đẩy việc phát minh, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào sản xuất, triển khai các phương tiện, thiết bị mới ở Biển Đông nhằm tạo ưu thế vượt trội và phục vụ cho việc củng cố các tuyên bố chủ quyền của nước này.
Các thiết bị trên không
Vào tháng 01/2019, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASIC) đã giới thiệu loại máy bay chiến đấu không người lái CH-7 “Thiên Ưng”, mẫu phi cơ được coi là bản sao của X-47B và RQ-170 Sentinel do Mỹ sản xuất. CH-7 dài 10 m và có sải cánh rộng 22 m, đạt độ cao hành trình 10-13 km. Nó mang được nhiều loại vũ khí như tên lửa diệt radar và bom dẫn đường, cũng như được lắp hệ thống trinh sát điện tử để xác định mục tiêu có giá trị cao nhờ tín hiệu vô tuyến.Máy bay chiến đấu không người lái CH-7 có thể làm nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu và sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác. Thiên Ưng cũng ứng dụng nhiều đặc điểm của dòng RQ-170 Sentinel, trong đó có phần cửa hút gió động cơ. Một số diễn đàn quân sự Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh từng cử 17 chuyên gia hàng không tới thủ đô Tehran của Iran hồi năm 2011, chỉ 4 ngày sau khi một chiếc RQ-170 Mỹ hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ nước này. Họ không chỉ khám nghiệm máy bay mà còn mang một số bộ phận quan trọng về Trung Quốc. Những thiết bị không người lái này của Trung Quốc sẽ được phục vụ mục đích do thám, tuần tra, tác chiến và gây nhiễm đối với các hoạt động hàng hải, hàng không của các nước.
Các thiết bị mặt nước và đáy biển
Vào tháng 2/2019, Công ty đóng tàu quốc tế Trung Quốc (CSOI) đang phát triển một loại tàu mặt nước nhỏ không người lái có tên JARI USV. Tàu này nặng 20 tấn, dài 15 m, nhỏ hơn rất nhiều so với các tàu khu trục Type-055 của hải quân Trung Quốc nhưng có cùng nhiệm vụ: chống ngầm, chống tàu mặt nước và cả phòng không. Tàu JARI được trang bị các cảm biến điện-quang, radar mảng pha, thiết bị thủy âm, 8 ống phóng thẳng đứng, một ống phóng ngư lôi và một súng gắn phía mũi tàu, một dàn phóng rocket, theo mô hình trưng bày tại triển lãm. Không chỉ Trung Quốc, hiện nay hải quân Mỹ cũng đang thảo luận về mong muốn phát triển các công nghệ không người lái để tích hợp vào tàu chiến đấu mặt nước và tàu ngầm. Họ đã nghiên cứu phát triển một số tàu không người lái trang bị nhiều cảm biến và vũ khí để thâm nhập các khu vực chống tiếp cận của đối phương, ví dụ như trên biển Đông. Tàu JARI có vẻ là lời đáp trả của Trung Quốc đối với hình thức tác chiến kiểu mới từ phía Mỹ. Tốc độ của tàu đạt gần 80km/h, tầm hoạt động hơn 900 km. Năm ngoái, khi Trung Quốc công bố thiết kế này tại một triển lãm ở châu Phi, một đại diện của họ nói với Navy Recognition rằng tàu robot này được hải quân Trung Quốc sử dụng và cũng dành để xuất khẩu, và rằng tàu nguyên mẫu đang được vận hành thử nghiệm ở Trung Quốc. Tàu có thể được điều khiển từ một trạm đặt trên đất liền, hoặc từ tàu mẹ, theo tin của Navy Recognition. Tuy nhiên, không có thông tin về hình thức liên lạc từ trạm điều khiển hay từ tàu mẹ.
Vào tháng 11/2019, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho giới thiệu mẫu phương tiện dưới nước tự động (AUV) mang tên “Sea-Whale 2000”sau khi đã hoàn thành đợt thử nghiệm kéo dài 37 ngày liên tiếp ở Biển Đông trên quãng đường 2.011 km. Mẫu AUV này hình ngư lôi, có chiều dài khoảng 3 m và nặng 200 kg, trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo và hàng loạt cảm biến để phát hiện nhiệt độ, độ mặn, dòng hải lưu, dấu vết hóa học, hoạt động sinh học và quan sát dưới nước. Thiết bị này có thể lặn sâu 2.000 m bên dưới mặt nước và chạy hành trình ở tốc độ 1,2 m/giây. Chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết “Chúng tôi phát triển Sea-Whale 2000 nhằm đáp ứng những nhu cầu khảo sát di động ở vùng biển sâu về lâu dài tại khu vực Biển Đông”. Theo nhóm thiết kế, mẫu AUV có thể thực hiện nhiệm vụ kéo dài hàng tuần chỉ với một lần phóng và hoàn thành nhiều công việc. Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ tại sao Trung Quốc chế tạo AUV dưới nước dành riêng cho khu vực Biển Đông. Hiện nay “Sea-Whale 2000” không phải mẫu AUV có tầm hoạt động dài nhất thế giới mà mẫu AUV “Autosub Long Range” của Anh, có tầm hoạt động 6.000 km và thời gian hoạt động liên tục 6 tháng. Trung Quốc đang chạy đua phát triển tàu ngầm không người lái và nằm trong số những nước đầu tiên đưa công nghệ này vào sử dụng. “Sea-Whale 2000” có thể chạy hành trình như tàu ngầm thông thường, sử dụng bộ xử lý trung tâm từ STMicroelectronics, một công ty bán dẫn tại châu Âu và liên lạc qua mạng lưới vệ tinh toàn cầu do công ty Mỹ Iridium Communications điều hành. Dữ liệu do AUV thu thập cần được so sánh cẩn thận với dữ liệu từ các phương pháp khác để quyết định chất lượng và độ chính xác.
Trước đó, vào tháng 3/2019, Trung Quốc loan báo về kế hoạch xây dựng “Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu dưới nước”. Dự án nằm trong một chương trình rộng hơn nhằm cung cấp các dịch vụ định vị, hoa tiêu và liên lạc cho người sử dụng trên toàn cầu. Hoạt động thí điểm được cho là sẽ được thực hiện trên Biển Đông. Ông Huang Chudan, Chủ nhiệm Phòng Thí nghiệm Âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết hệ thống định vị dưới biển sâu này là dự án UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ công nghệ trọng yếu phục vụ hoạt động phân định ranh giới dưới vùng biển nước sâu, đặc biệt là phục vụ các tàu lặn sâu của nước này. Theo ông Huang, tín hiệu định vị bằng sóng radio khó hoạt động ở vùng biển sâu, nên các tàu lặn có người lái và không có người lái không thể sử dụng các hệ thống vệ tinh dẫn đường sẵn có. UGPS sẽ sử dụng sóng âm để định vị dưới nước thay vì sử dụng sóng vô tuyến. Tuy nhiên, ông Huang không tiết lộ độ sâu hoạt động hiệu quả cũng như mức độ chính xác của dịch vụ này. Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc sẽ xây dựng một khu vực ứng dụng UGPS, bao phủ diện tích khoảng 250.000 km2.

Indonesia huy động tổng lực

bảo vệ chủ quyền và đối phó với TQ trên Biển Đông

Những ngày gần đây, Indonesia liên tục có nhiều động thái cứng rắn nhằm khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền ở khu vực quần đảo Natuna, sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Jakarta.
Tuyên bố cứng rắn
Ủy ban An ninh hàng hải (Bakamla) Indonesia (30/12/2019) cho biết ít nhất 63 tàu đánh cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển Natuna thuộc tỉnh Quần đảo Riau trong các ngày 19 – 24/12. Trước những hành vi trên, Indonesia đã đưa ra nhiều tuyên bố ngoại giao cứng rắn phản ứng hành vi trên của Bắc Kinh. Chính phủ Indonesia cáo buộc Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình và tuyên bố sẽ “không bao giờ” công nhận đường 9 đoạn do Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông và không được luật pháp quốc tế công nhận, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Indonesia khẳng định rằng EEZ của nước này đã được xác định theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, đồng thời nhấn mạnh rằng, là một bên ký kết UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi văn bản này.
Indonesia (1/1) cũng đã chính thức lên tiếng từ chối lời mời đối thoại của Trung Quốc nhằm “quản lý các tranh chấp” tại các vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Natuna, đồng thời tái khẳng định rằng không có yêu sách chồng lấn nào tại đây. Bộ Ngoại giao Indonesia tiếp tục tuyên bố Jakarta sẽ không bao giờ công nhận “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự ý vẽ trên Biển Đông.
Đáng chú ý, trong một tuyên bố mới nhất thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (6/1) tuyên bố rằng chủ quyền của quốc gia này tại vùng biển Natuna là điều “không thể mặc cả”.
Cứng rắn trên thực địa
Hàng chục tàu cá Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia từ cuối tháng 12 năm ngoái và vẫn chưa rời đi bất chấp công hàm ngoại giao phản đối của Jakarta. Theo quan sát của hải quân Indonesia, các tàu cá Trung Quốc co cụm thành từng nhóm từ 2 đến 3 chiếc thay vì rải rác lẻ tẻ. Có đến 30 nhóm như vậy ngoài khơi Natuna tính đến ngày 6/1.
Trước hành động của Trung Quốc, các máy bay quân sự cùng với 3 tàu chiến và khoảng 600 binh sĩ thuộc Lục quân, Hải quân và Không quân Indonesia đã được triển khai đến vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Natuna. Mới đây nhất, Hải quân Indonesia (6/1) đã triển khai thêm 4 tàu chiến đến quần đảo Natuna, nâng tổng số tàu có mặt tại đây lên con số 8, sau khi Trung Quốc đưa tàu hải cảnh tới bảo vệ các tàu cá xâm nhập trái phép vùng biển Indonesia. Người phát ngôn Bộ tư lệnh vùng 1 hải quân Indonesia Fajar Tri Rohadi cho biết, “ Indonesia đã có hàng trăm binh sĩ tại đó. Hôm nay có 4 tàu chiến, nhưng ngày mai sẽ là 8 tàu”; đồng thời cho biết, hải quân và không quân Indonesia đang phối hợp tuần tra khu vực quần đảo Natuna, tiến hành liên lạc với tàu thuyền Trung Quốc thông qua radio nhưng không nhận được sự hợp tác. Trong quá khứ Indonesia nhiều lần có các hành động cứng rắn xua đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. Hồi tháng 5/2016, một tàu khu trục Indonesia đã bắn hàng loạt phát súng khi một tàu cá của Trung Quốc không chịu ngừng đánh bắt cá trong khu vực. Sau đó, Indonesia đã bắt tàu cá này cùng 8 ngư dân đi trên đó. Sau những cuộc đối đầu căng thẳng vào năm 2016, Tổng thống Widodo đã đích thân đến thăm quần đảo Natuna trên một chiếc tàu chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia kể từ đó đã vạch ra các kế hoạch tăng cường tên lửa đất đối không, máy bay không người lái và vũ khí quân sự hạng nặng đến quần đảo của họ ở Biển Đông.
Đài Channel News Asia (CNA) cho biết, chính quyền Bắc Kinh lập luận vùng biển xung quanh Natuna là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc từ xưa đến nay. Trung Quốc cũng cho rằng có sự chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế quanh Natuna với “đường 9 đoạn” phi pháp mà nước này tự vẽ ra. Để bảo vệ các tàu cá xâm phạm biển Indonesia, Trung Quốc đã triển khai 3 tàu hải cảnh cỡ lớn đến khu vực, bao gồm cả tàu hải cảnh số hiệu 35111 tải trọng 2.000 tấn. Đây là con tàu đã tham gia vào các vụ quấy rối và cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam, Malaysia trong năm 2019.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang ngược cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Nam Sa và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển có liên quan của Quần đảo Nansha. Đồng thời, Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông. Ngư dân Trung Quốc đã và đang thực hiện các hoạt động sản xuất thủy sản bình thường ở vùng biển có liên quan của quần đảo Nam Sa ở Trung Quốc, đó là hợp pháp và hợp lý. Các tàu cảnh sát hàng hải Trung Quốc thực hiện quản lý tuần tra bình thường hóa trong các vùng biển liên quan theo nhiệm vụ của họ, duy trì trật tự hàng hải và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chính người dân của họ”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố rằng “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Indonesia để tiếp tục quản lý đúng đắn các khác biệt thông qua các cuộc đối thoại song phương và cùng nhau duy trì mối quan hệ và hợp tác hữu nghị giữa hai nước và tình hình hòa bình và ổn định chung hiện nay ở Biển Đông”.
Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc cũng đưa nhiều tin, bài vu cáo Indonesia, cho rằng các tàu chấp pháp và tàu cá của nước này đang hoạt động hợp pháp trong “ngư trường truyền thông của Bắc Kinh”; đồng thời lồng ghép, đưa nhiều tin về vụ va chạm giữa tàu chấp pháp Việt Nam và tàu Indonesia nhằm đánh lạc hướng dư luận trong và ngoài nước về diễn biến tình hình căng thẳng ở Natuna. Đáng chú ý, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc cũng đưa ra nhiều tuyên bố ngụy biện cho hành vi trên. Chuyên gia Hứa Lợi Bình, Viện Chiến lược toàn cầu và châu Á của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng truyền thông Indonesia “cố tình” đưa nhiều tin, bài về vụ việc tại Natuna là nhằm làm dấy lên thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc và lặp lại tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng ở Biển Đông; tạo ra xung đột giữa Trung Quốc và Indonesia để cản trở hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là hợp tác quốc phòng; cho rằng có “nước thứ ba” đứng sau kích động Indonesia.

Vùng biển Natuna: Bắc Kinh thất bại

trong cuộc đọ sức với Jakarta ?

Trọng Nghĩa
Sau khoảng hai chục ngày hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna nhìn ra Biển Đông, kể từ hôm qua, 09/01/2020, hầu như toàn bộ đội tàu đánh cá Trung Quốc có tàu hải cảnh bảo vệ đã lẳng lặng rút ra khỏi khu vực. Đối với giới phân tích, phản ứng dứt khoát và mạnh mẽ của Jakarta trước hành động của Bắc Kinh bị cho là xâm phạm chủ quyền Indonesia, là nhân tố đã khiến Trung Quốc phải lùi bước.
Việc Trung Quốc cho tàu vào hoạt động trong vùng biển của Indonesia cũng nhằm áp đặt các yêu sách của Bắc Kinh đối với một khu vực mà Trung Quốc cho rằng có họ quyền lịch sử đã được gói trong tấm bản đồ lưỡi bò dùng để đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Jakarta và Bắc Kinh căng thẳng với nhau trên vấn đề Natuna. Vào năm 2016, một số vụ va chạm nghiêm trọng đã xẩy ra trong khu vực, làm quan hệ hai bên bị khuấy động trong một thời gian ngắn trước khi bình thường hóa trở lại, cho dù tranh chấp hai bên vẫn không được giải quyết.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại khuấy động trở lại vấn đề Natuna vào lúc này. Theo chuyên gia về Biển Đông Collin Koh tại Singapore, rất có thể là Trung Quốc đã muốn thăm dò phản ứng của chính phủ mới của tổng thống Joko Widodo, được thành lập sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái, bao gồm một số nhân vật quan trọng được cho là thân Bắc Kinh hơn so với chính quyền trước.
Ngoài ra, trong thời gian qua, chính quyền Indonesia cũng đã tỏ ý rất muốn Trung Quốc góp phần đầu tư vào phát triển hạ tầng cơ sở của Indonesia, và vấn đề cải thiện hạ tầng cơ sở là một cam kết quan trọng của tổng thống Widodo khi ông tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Dựa trên hai yếu tố đó, rất có thể là khi tăng cường áp lực trên vấn đề vùng biển Natuna, Bắc Kinh nghĩ rằng Jakarta sẽ bớt có phản ứng gay gắt, trái với thời điểm năm 2016.
Điều mà Bắc Kinh không ngờ là phản ứng của Jakarta trước hành động bị coi là xâm lấn của Trung Quốc hết sức gay gắt, và càng lúc càng dữ dội.
Ngay khi được tin về sự xâm nhập của đội tàu Trung Quốc, Jakarta đã lập tức phản đối mạnh mẽ về mặt ngoại giao, từ triệu tập đại sứ, đến gởi công hàm ngoại giao, và nhất là đã viện dẫn phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vô hiệu hóa các yêu sách của Bắc Kinh liên quan đến đường lưỡi bò.
Trên hiện trường, Indonesia đã điều ngay lực lượng Hải Quân và chấp pháp đến khu vực có tàu Trung Quốc để tăng viện cho lực lượng đã có mặt tại chỗ. Không quân Indonesia cũng tăng cường các phi vụ bên trên khu vực, với bốn chiếc chiến đấu cơ F-16 đến Natuna để tuần tra thường xuyên.
Và đúng theo chiến thuật gậy ông lại đập lưng ông, Jakarta cho biết sẽ điều lực lượng tàu cá của mình lên vùng biển Natuna hỗ trợ cho Hải Quân.
Một phản ứng cứng rắn đầy tính biểu tượng đến từ tổng thống Joko Widodo: Ngoài tuyên bố dứt khoát là sẽ không có bất kỳ một cuộc đàm phán nào với Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền Natuna, ông Widodo ngày 08/01 đã đích thân đến tận nơi có căng thẳng để khẳng định chủ quyền của Indonesia tại một vùng bị Bắc Kinh tranh chấp.
Sự can dự trực tiếp của người đứng đầu nhà nước Indonesia như đã có tính chất quyết định. Vào đúng thời điểm lúc ông Widodo đến Natuna, Bắc Kinh cho rút tàu ra khỏi vùng mà họ muốn tranh chấp.

Trung Cộng lại đưa hải cảnh quay lại Bãi Tư Chính

Tin từ Việt Nam: Trung Cộng dường như lại đưa tàu hải cảnh quay lại Bãi Tư Chính, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông trong khi Hà Nội không khẳng định hay phủ nhận thông tin trên.
Theo truyền thông quốc tế, sau khi va chạm với Indonesia ở khu vực Natuna, tàu hải cảnh số hiệu 35111 của Trung Cộng hướng về Việt Nam và có khả năng tới khu vực Bãi Tứ chính trong một ngày gần đây.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội ngày 09/01, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết nhà cầm quyền Việt Nam đang xác minh thông tin trên.
Bà Hằng cũng nói thêm rằng lực lượng tuần duyên của Việt Nam đang theo dõi sát tình hình ở Biển Đông và Bãi Tư Chính.
Sau khi xây dựng nhiều căn cứ quân sự ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Trung Cộng tiếp tục thực hiện nhiều bước đi mới nhằm chiếm trọn Biển Đông và một trong số này là đưa tàu nghiên cứu và hải cảnh vào khu vực Bãi Tư Chính nằm trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2019.
Nhà cầm quyền Việt Nam có phản ứng yếu ớt trước việc Trung Cộng xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, kể cả việc Bắc Kinh đưa tàu nghiên cứu hộ tống bởi nhiều tàu hải cảnh bán vũ trang vào Bãi Tư Chính.
Trong khi tìm cách nâng cao quan hệ kinh tế và quân sự với phương Tây nhằm đội phó với Trung Cộng, chế độ cộng sản Việt Nam tiếp tục đàn áp những người lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền quốc gia ở Biển Đông.
Quốc Tuấn

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.