Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 06/01/2020

Monday, January 6, 2020 7:04:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 06/01/2020

TQ đã hoàn thiện hệ thống radar

giám sát trái phép trên Biển Đông

Sau khi hoàn thiện quá trình cải tạo 7 thực thể chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã đẩy mạnh lắp đặt các loại hình radar trên các đảo, đá đang chiếm đóng ở Biển Đông, cũng như một số khu vực ven biển. Hành động trên của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực mà còn đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhiều nước láng giềng.
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) cho biết Trung Quốc đã xây hơn 40 cơ sở radar trên 7 thực thể nước này chiếm đóng phi pháp và biến thành đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Trong đó, những cơ sở radar trên 3 thực thể lớn Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn có khả năng hoạt động tầm xa. Theo IISS, những cơ sở radar phi pháp sẽ góp phần nâng cao khả năng liên kết giữa các thực thể bị Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông, có thể kết nối với chiến khu Nam bộ và Trung tâm tác chiến liên hợp của Quân ủy Trung ương. IISS còn đánh giá những cơ sở đó giúp tăng cường khả năng chỉ huy, kiểm soát các hoạt động của hải quân, hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc. Ngoài ra, thông qua mạng lưới radar nói trên, Trung Quốc cũng có thể tăng khả năng tình báo, giám sát và do thám ở Biển Đông. Trong khi đó, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết, nhiều trạm radar đã mọc lên ở Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Gạc Ma và Xu Bi. Đặc biệt, hệ thống ở Châu Viên được cho là radar tần số cao, với tầm hoạt động lên tới 300 km. “Nếu đúng là radar tần số cao, nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc theo dõi tàu và máy bay ở Biển Đông. Đá Châu Viên là nơi thích hợp cho việc lắp đặt loại radar này vì nằm ở cực nam của Trường Sa. Có nghĩa đó là nơi tốt nhất nếu bạn muốn radar cảnh báo sớm theo dõi mọi tàu bè và phi cơ đến từ eo biển Malacca và những khu vực khác nằm ở phía Nam, chẳng hạn như Singapore.
Trong khi đó, báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (6/2018) cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore, cách đó 2.000km. Đây sẽ là hệ thống radar mạnh nhất ở Biển Đông. Dù có được sử dụng để tạo ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hay không thì nó vẫn sẽ có nhiều ứng dụng trong quân sự, như nâng cao năng lực tác chiến tàu ngầm của Trung Quốc và làm gián đoạn mạng lưới thông tin liên lạc của các quốc gia khác bằng cách tạo ra một “hố đen” trong bầu khí quyển. Trạm radar của Trung Quốc hoạt động theo cơ chế phát ra các xung năng lượng điện từ cực mạnh để khuấy động tầng điện ly. Bằng cách phân tích sóng radio dội ngược lại, các nhà nghiên cứu có thể đo chính xác sự nhiễu động ở tầng điện ly gây ra bởi các tác động vũ trụ, như tia mặt trời. Hệ thống radar của Trung Quốc ở Tam Á sẽ là hệ thống tương tự đầu tiên như vậy xuất hiện ở Biển Đông. Một nhà nghiên cứu tại cơ sở của dự án Hải Nam cho biết: “Việc tiến hành kế hoạch đã được chính phủ trung ương thông qua. Công trình sẽ được khởi công trước cuối năm nay”. Trong khi đó, một chuyên gia radar cấp cao tại Đại học Xidian (từng làm việc cho Viện Kỹ thuật viễn thông thuộc Quân Giải phóng nhân nhân Trung Quốc), xác nhận rằng dự án Hải Nam sẽ hoạt động theo 2 bộ phận riêng biệt, một cho nghiên cứu dân sự và một cho quân sự. Trước đó,
theo một số báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc, có một thiết bị tương tự đã được Trung Quốc triển khai tại Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam từ năm 2012. Nó được sử dụng để nghiên cứu tầng điện ly và giám sát, phát hiện các mục tiêu cực nhỏ như vệ tinh nano và mảnh vỡ từ các thiết bị không gian dùng trong cả hai lĩnh vực quân sự, dân sự. Ông Zhao Biqiang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa lý và Vật lý địa cầu tại Bắc Kinh cho biết, chi tiết về hệ thống radar mới có lẽ phải 2-3 năm sau mới được công bố. Chương trình Tam Á chính thức được phát động vào năm 2015, với nguồn vốn ban đầu gần 15,7 triệu USD, do chính phủ trung ương cung cấp. “Mục đích chính của chương trình là nghiên cứu tầng điện ly trên Biển Đông. Hiện nay chưa có thiết bị nào như vậy trong khu vực. Dữ liệu thu được từ radar sẽ bổ sung cho những lỗ hổng trong kiến thức của chúng tôi”. Hiện có nhiều cơ sở tương tự đang được xây dựng ở đại lục với công suất lớn hơn nhiều so với cái chúng tôi đang tiến hành.
Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các loại hình radar ở Biển Đông là nhằm gia tăng kiểm soát trên thực địa, hỗ trợ các hoạt động quân sự và từng bước “thôn tính” Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, người từng nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng Trung Quốc sẽ có nhiều lợi ích khi lắp đặt hệ thống radar dày đặc trên các đá và rạn san hô mà quốc gia này chiếm đóng và bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. Theo ông Carl Thayer, radar, thiết bị nghe lén điện tử và hệ thống thông tin liên lạc sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng tình báo, giám sát và trinh sát trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Ông cho rằng hệ thống này còn giúp Bắc Kinh vận hành phi cơ giám sát, máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay không người lái, phi cơ vận tải, máy bay tiếp dầu, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ. Biển Đông có thể bị Bắc Kinh giám sát 24/7. Khi hệ thống này hoàn thiện, Trung Quốc có thể tạo ra Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông. Ở thời điểm hiện tại, hệ thống các thiết bị mà Trung Quốc lắp đặt trên các đảo nhân tạo phi pháp có thể tạo ra mạng lưới giám sát rộng lớn. Nó ra đời nhằm phục vụ tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Các hệ thống này cũng đang phát huy vai trò của nó, Giáo sư Thayer nói.
Gregory Poling, người đứng đầu Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết, Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây dựng trên đá Châu Viên. Sự việc bị phanh phui không lâu sau khi thế giới phát hiện Bắc Kinh đưa HQ-9 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc triển khai tên lửa HQ-9 ở đảo Phú Lâm không thực sự đáng chú ý vì nó chưa làm thay đổi cán quân quân sự trên Biển Đông. Ngược lại, việc đưa radar tới Trường Sa có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong thực trạng trên tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới này. Washington lo ngại mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là biến tuyến hàng hải huyết mạch này trở thành ao nhà của Bắc Kinh. Với hệ thống đường băng dài được xây dựng phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đang cố gắng gia răng khả năng phòng không trên các thực thể mà họ chiếm đóng phi pháp. Nó nằm trong chiến lược chống tiếp cận dài hạn của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Ông Gregory Poling cũng cho rằng mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là khiến các quốc gia tuyên bố chủ quyền chồng lấn khác ở Đông Nam Á không thể hoạt động trong hoặc xung quanh quần đảo Trường Sa mà không được sự chấp nhận của Trung Quốc.
Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cũng cho rằng: “Hầu hết mọi người nhận ra sự hiện diện của các thiết bị Trung Quốc ở Biển Đông chỉ phục vụ mục đích chiến lược của Trung Quốc. Nó nhằm mục đích quân sự chứ không phải dân sự. Đó là lý do tại sao người Trung Quốc đầu tư tiền của, công sức để xây dựng chúng”. Trong khi đó, CSIS nhận định cải thiện vùng phủ sóng radar cùng với hệ thống phòng không tiên tiến là phần quan trọng để Trung Quốc đạt được mục đích. Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu thiết lập quyền kiểm soát khắp vùng biển và vùng trời trong phạm vi “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Nhiều ý kiến cho rằng hành động của Trung Quốc gây ra hậu quả khôn lường cho khu vực. Theo NYTimes, hệ thống radar như vậy có thể được sử dụng để phát hiện các hoạt động tàu thuyền qua lại và đo dòng chảy đại dương, đồng thời có khả năng theo dõi máy bay. Trung Quốc cũng lắp đặt một số radar khác trên đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hệ thống radar này là một mảnh ghép quan trọng trong tính toán của Trung Quốc – cùng với hệ thống phòng không tiên tiến và phạm vi hoạt động gia tăng của máy bay – để Bắc Kinh hướng tới mục tiêu là thiết lập quyền kiểm soát trên vùng biển và vùng trời theo yêu sách “đường 9 đoạn”. Cùng quan điểm trên, Bryan Clark, chuyên gia phân tích hàng hải tại Trung tâm Đánh giá chiến lược và Ngân sách (CSBA), cho rằng radar tần số cao trên đá Châu Viên có thể dùng để phát hiện máy bay tàng hình. Những radar tương tự của Mỹ có thể phát hiện các mục tiêu ở phạm vi vượt đường chân trời – khoảng 120 – 320 km. Tuy nhiên, phiên bản của Trung Quốc và Nga còn có thể phát hiện sự hiện diện của máy bay quan sát tầm thấp. Radar tần
số cao trên đá Châu Viên có thể truyền tín hiệu trở lại Trung Quốc để cung cấp thông tin cho các hệ thống radar có khả năng phát hiện máy bay tàng hình tốt hơn quét lại, rồi sau đó chuyển những dữ liệu này về hệ thống tên lửa phòng không. Radar cũng có thể cung cấp thông tin cho các chiến đấu cơ của Trung Quốc biết nơi đánh chặn đối thủ.
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở Biển Đông. Hệ thống trên có thể vô hiệu hóa các hệ thống liên lạc, can thiệp thời tiết và thậm chí gây thiên tai. Mục đích của chương trình là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của vệ tinh và liên lạc tàu ngầm. Tuy nhiên, việc xây dựng một cỗ máy như vậy đặt ra nhiều thách thức về mặt kỹ thuật và nguồn năng lượng khổng lồ mà nó tiêu thụ khiến chi phí tăng vọt. Cho đến nay, mới có 10 hệ thống radar sử dụng công nghệ này được chế tạo, chủ yếu bởi Mỹ, Liên Xô và Liên minh châu Âu. Chúng được đặt tại các khu vực ven biển chiến lược như Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Bắc Cực. Các thiết bị lớn nhất có thể bắn ra sóng năng lượng tần số cực thấp trên một diện tích rất lớn. Do chúng có khả năng xuyên qua nước, vỏ Trái đất và hộp sọ của người nên một số nhà quan sát lo sợ rằng công nghệ này có thể bị lợi dụng để kích hoạt các trận bão, động đất và thậm chí điều khiển não bộ. Năm 2015, Alan Robock, một nhà khoa học thời tiết tại Đại học Rutgers, New Jersey từng cảnh báo rằng chính phủ nhiều nước có thể sử dụng thứ công nghệ mới như một “siêu vũ khí”, hiện người ta vẫn chưa tìm ra những giới hạn của nó. Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học chính thống đã bác bỏ mối lo ngại của Robock và cho biết, đến nay, công nghệ này mới chỉ được sử dụng để nghiên cứu thời tiết trong vũ trụ và hỗ trợ một số chiến dịch quân sự nhất định. Họ còn chỉ ra rằng, dù mạnh đến đâu thì những cỗ máy này hiện nay cũng không có đủ năng lượng để can thiệp vào thời tiết ở quy mô lớn tới mức có thể gây ra các thảm họa thiên nhiên.

Vấn đề Biển Đông và an ninh khu vực

tại Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao

Việt Nam – Lào lần thứ 6

Ngày 25/12, tại thành phố Quảng Ninh của Việt Nam đã diễn raTham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Lào lần thứ 6 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith đã đồng chủ trì. Bên cạnh các vấn đề song phương, hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm trong đó có vấn đề Biển Đông.
Trong những năm qua, hai bên không ngừng củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, coi đây là quy luật phát triển, nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Đánh giá quan hệ chính trị, ngoại giao tiếp tục được tăng cường, ngày càng gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong quan hệ hai nước. Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao cũng như các chuyến thăm của các bộ ngành, đoàn thể, địa phương; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội; phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc… Hai Bộ trưởng đã trao đổi sâu, thực chất, tập trung rà soát nội dung hợp tác trong thời gian qua và đề ra định hướng cho quan hệ giữa hai nước và hai Bộ Ngoại giao trong thời gian tới.
Về hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục có bước phát triển mới, là một trụ cột trong quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả Nghị định thư hợp tác 5 năm và Kế hoạch hợp tác hàng năm về quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; thực hiện tốt Hiệp định về Quy chế biên giới, phối hợp triển khai Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước. Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông. Lào tích cực ủng hộ Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Hai bên thường xuyên hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong, bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực sông Mekong, tiếp
tục phối hợp với các bên kiểm tra, giám sát các tác động toàn diện của việc sử dụng nước sông Mekong. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, an ninh, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Hai bên tái khẳng định các lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông nêu trong các Tuyên bố gần đây của ASEAN, nhất là các Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua.
Cuộc tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Việt Nam và Lào đã diễn ra trong bầu không khí chân thành và cởi mở. Hai bên nhất trí đánh giá cao hiệu quả của cơ chế hợp tác này đã góp phần vào việc tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, trong đó có quan hệ gắn bó thân thiết giữa hai Bộ Ngoại giao.

Tổng thống Indonesia kiên quyết

không thoả hiệp về vấn đề Natuna

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định chính phủ nước này sẽ không thỏa hiệp trong việc duy trì chủ quyền của Indonesia.
Hôm nay (5/1), Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định chính phủ nước này sẽ không thỏa hiệp trong việc đảm bảo chủ quyền của Indonesia, liên quan đến vi phạm của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở vùng biển Natuna.
Phát ngôn viên Tổng thống Indonesia, ông Fadjroel Rachman cho biết, Tổng thống Indonesia đã chỉ thị giải quyết vấn đề Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên vùng biển Natuna của Indonesia một cách cương quyết, đồng thời ưu tiên những nỗ lực ngoại giao hoà bình.
Ông Fadjroel Rachman cũng nhấn mạnh rằng việc thực hiện chính sách ngoại giao hoà bình, không có nghĩa là Indonesia không quyết đoán. Tổng thống Indonesia cương quyết không thoả hiệp trong việc duy trì và bảo vệ chủ quyền của Indonesia.
Các nghị sĩ Indonesia yêu cầu chính phủ cần có thái độ kiên quyết hơn đối với Trung Quốc. Ông Charles Honoris, Đảng dân chủ đấu tranh cầm quyền Indonesia cho rằng, bất chấp công hàm phản đối, thái độ của Trung Quốc khi tuyên bố vùng biển Natuna là lãnh thổ của mình cho thấy sự thiếu thiện chí của Trung Quốc trong việc tôn trọng chủ quyền của Indonesia.
Nghị sĩ này cũng khẳng định việc Trung Quốc viện cớ ngư dân nước này hoạt động ở vùng biển Natuna đã nhiều năm để ra yêu sách chủ quyền tại đây là không được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 công nhận và đã bị Toà trọng tài phản đối thông qua phán quyết năm 2016. Việc “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố cũng không có cơ sở pháp lý. Nghị sĩ này hoàn toàn đồng tình với quyết định của Tổng thống rằng không có sự thoả hiệp nào liên quan đến chủ quyền của Cộng hoà Indonesia tại Natuna với Trung Quốc.
Trước đó, Indonesia đã gửi một bức thư phản đối tới Trung Quốc liên quan đến việc tàu bảo vệ bờ biển và tàu cá của nước này xâm nhập vùng biển Natuna, quần đảo Riau. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã truyền đạt 4 quan điểm của Indonesia, trong đó khẳng định Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở vùng biển Natuna, quần đảo Riau. Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) công nhận. Là thành viên của UNCLOS, Indonesia yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các quy định này. Indonesia không công nhận tuyên bố “đơn phương” của Trung Quốc về “đường chín đoạn” và nhấn mạnh sẽ phối hợp với các bên liên quan để tăng cường bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình trên biển Natuna.
Quân đội Indonesia cũng đã huy động 600 binh sĩ, năm tàu chiến, máy bay trinh sát và máy bay đến vùng biển Natuna để bảo vệ chủ quyền

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.