Tin Việt Nam – 08/12/2019
Sunday, December 8, 2019
7:21:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Người dân Vườn rau Lộc Hưng tố cáo
chính quyền địa phương đập phá tượng Đức Mẹ
Người dân Vườn rau Lộc Hưng hôm 8/12 lên tiếng tố cáo chính quyền phường 6, quận Tân. Bình, thành phố Hồ Chí Minh đã huy động công an, an ninh mặc thường phục và dân quân đến vùng đất cưỡng chế để cản trở bà con dựng hang đá Noel, đập phá tượng Đức Mẹ, và bắt giữ 3 người phản đối. Người dân cho rằng đây là hành động vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân.Vườn Rau Lộc Hưng là khu đất đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế vào tháng 1 vừa qua với mục đích để xây dựng trường học, theo thông báo của chính quyền quận Tân Bình. Tuy nhiên, người dân địa phương không đồng ý với quyết định cưỡng chế này và đã đưa đơn kiện lên chính quyền thành phố và trung ương.
Theo trang Facebook Vườn rau Lộc Hưng của người dân tại đây, vụ việc bắt đầu vào 9 giờ sáng ngày 8/12 khi chính quyền địa phương cản trở người dân dựng hang đá, và lấy đi giàn giáo để bên cạnh Đài Đức Mẹ, kéo giật sập khung gỗ làm hang đá.
Vào buổi chiều, người dân tiếp tục dựng hang đá nhưng cũng bị chính quyền cản trở và bắt giữ 3 người dân phản đối có tên Cao Thị Thu, ông Hiếu và ông Quang. Người dân Lộc Hưng cáo buộc chính quyền đã đập nát tượng Thánh: Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.
Đến tối cùng ngày, 3 người bị bắt vẫn chưa được thả. Những video được livestream trên Facebook Vườn Rau Lộc Hưng cho thấy người dân đã tập trung tại trụ sở công an địa phương và có tranh cãi giữa công an và người dân.
Cũng trong tối cùng ngày, người dân địa phương đã tổ chức một buổi lễ cầu nguyện tại khu vực vườn rau cho người những người bị bắt giữ.
Vào các ngày 4 và 8/1/2019, chính quyền quận Tân Bình đã huy động lực lượng đến san ủi, cưỡng chế khoảng 200 căn nhà ở Vườn rau Lộc Hưng, bất chấp sự phản đối của người dân. Những người dân bị cưỡng chế cho biết đất của họ là từ đời cha ông (thời Pháp) để lại trong khi chính quyền cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện với 112 nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018.
Người dân Vườn Rau Lộc Hưng khẳng định họ có căn cứ pháp lý xác định khu đất vườn rau thuộc quyền sở hữu của họ từ năm 1954 đến nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã cố tình không cấp quyền sử dụng đất cho bà con với mục đích “cướp” hơn 5 ha đất.
Vụ cưỡng chế đất đã gặp phải nhiều phản ứng ở trong nước và quốc tế. Dân biểu Châu Âu hồi đầu năm nay cũng đề cập đến vụ cưỡng chế đất ở Vườn Rau Lộc Hưng khi nói đến tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/loc-hung-garden-evictees-accused-local-government-destroying-christian-projects-12082019084713.html
Sau khi tố giác tội phạm,
cô gái bị côn đồ đánh đập dã man
Tin từ Sài Gòn: Một cô gái 18 tuổi ở Sài Gòn bị một nhóm côn đồ đánh đập dã man sau khi cô tố giác tội phạm ăn cắp xe, và bị nhiều thương tích khắp cơ thể.Trang tin tức online xahoi24.com dẫn nguồn tin từ chị gái của nạn nhân cho biết Nguyễn Thị Ngọc Tr. bị hành hung đến biến dạng khuôn mặt, ngực bị đâm, đứt tai, mắt trái không nhìn thấy.
Theo lời kể của người chị gái, sau khi Tr. tố giác một người tên Phan Thị Cẩm Hằng về tội lấy trộm xe lên cơ quan công an, Hằng kéo khoảng 20 côn đồ đến quá trà sữa của hai chị em ở quận Tân Bình để hành hung tập thể cô gái.
3 nam thanh niên đè Tr. ra đánh, dùng ly đập vào đầu cô, dùng dao để rạch mặt, cắt lỗ tai và đâm vào ngực phải của cô gái. Không những thế, bọn chúng còn tính cắt gân chân để Tr. tàn phế, nhưng do cô chống cự nên bọn nó cắt lệch. Tr. bị ngất xỉu vì đau và mất nhiều máu mà những kẻ tấn công còn không buông tha, một tên cầm ghế gỗ để phang vào cô gái. Những kẻ tấn công còn tiếp tục nếu không bị can ngăn.
Cô được người đưa đến bệnh viện cấp cứu và phải khâu tổng cộng 28 mũi, bao gồm 16 mũi ở đầu.
Vụ tấn công đã được báo lên công an quận Tân Bình. Tuy nhiên, công an mới chỉ đến bệnh viện để lấy lời khai của nạn nhân mà không có biện pháp gì đối với Hằng và đồng bọn. Gia đình nạn nhân cho biết Hằng vẫn thách thức họ.
Nạn nhân học đến lớp 9 thì bỏ học, cùng chị bán quán trà sữa ở đường Ni Sư Huỳnh Liên.
Gần đây có nhiều vụ án nghiêm trọng ở Việt Nam trong đó thủ phạm ra tay một cách không chùn tay với nạn nhân, kể cả người thân trong gia đình.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/sau-khi-to-giac-toi-pham-co-gai-bi-con-do-danh-dap-da-man/
Công an Hà Nội kết thúc điều tra
vụ cháu bé trường Gateway tử vong
Tin từ Hà Nội: Công an thành phố Hà Nội mới đây đã công bố kết quả điều tra vụ cháu bé lớp 1 của trường tư thục Gateway tử vong vào ngày 06/8, theo đó, không có điều gì khác biệt với những thông tin của công an quận Cầu Giấy từ nhiều tháng nay, ngoại trừ giải thích một số dữ kiện đã có.Công an Hà Nội cho rằng Dương Thị Hoài Anh, hiệu trưởng trường Gateway không phải chịu trách nhiệm về việc cháu L. tử vong bởi thời điểm xảy ra sự việc bà này đang nghỉ ốm. Ba người bị đề nghị truy tố là giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy về cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360, người đưa đón Nguyễn Bích Quy và tài xế Doãn Quý Phiến với cùng cáo buộc “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 của Bộ luật hình sự.
Bà Thuỷ phải đối mặt với mức án từ 6 tháng đến 5 năm tù giam trong khi hai người còn lại có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm nếu họ bị kết tội.
Trường Gateway, nơi con gái thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc là cổ đông chính (vtc.vn)
Công an Cầu Giấy vẫn kết luận cháu L. tử vong là do bị bỏ quên trên xe trong nhiều giờ, từ sáng sớm tới khoảng 3 giờ chiều. Tuy nhiên, rất nhiều người nghi ngờ giả thuyết này và cho rằng cháu đã được đưa vào trường từ sớm và tử vong trong khuôn viên của trường. Cháu L. là một trẻ thông minh và khó có chuyện cháu bị ngủ quên trên xe và tử vong vì nóng và ngạt khí trong xe 16 chỗ.
Trường Gateway là trường tư thục và 2 con gái của thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc và trung tướng công an Trần Văn Vệ là hai cổ đông chính.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cong-an-ha-noi-ket-thuc-dieu-tra-vu-chau-be-truong-gateway-tu-vong/
Việt Nam là 1 trong 5 nước nhận hối lộ của Ericsson
Tin Vietnam.- Trang Trithucvn ngày 8 tháng 12 năm 2019 loan tin, bộ Tư pháp Mỹ cho biết công ty viễn thông di động Thuỵ Điển Ericsson đã đồng ý nộp phạt hơn 1 tỷ Mỹ kim cho toà án Mỹ, và Uỷ ban chứng khoán Mỹ để giải quyết các cuộc điều tra liên quan đến hành vi đưa hối lộ của công ty này.Theo đó, từ năm 2000 đến 2016, Ericsson đã đưa hối lộ tại 5 quốc gia là Djbouti, Indonesia, Ku Wait, và 2 quốc gia “anh em” xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trung cộng. Trong thời gian này, Ericsson đã đưa hối lộ, làm sai lệch sổ sách, và hồ sơ, đồng thời không thực hiện kiểm soát kế toán nội bộ hợp lý.
Tại Việt Nam, từ năm 2012 đến 2015, các công ty con của Ericsson đã thanh toán khoảng 4,8 triệu Mỹ kim cho một công ty tư vấn, nhằm tạo quỹ mờ ám ngoài sổ sách, đồng thời liên kết với các khách hàng của Ericsson tại Việt Nam.
Việc tạo quỹ mờ ám này được sử dụng để thanh toán cho các bên thứ 3. Tuy nhiên bên thứ 3 là bên nào thì chưa được bài báo đề cập đến. Ngoài ra, các quỹ tương tự cũng được tạo nên tại 4 quốc gia còn lại để thực hiện đưa hối lộ hàng chục triệu Mỹ kim.
Tại Mỹ, công ty Ericsson Egypt Ltd, là một công ty con của Ericsson đã nhận tội tại toà án quận Nam New York về tội danh âm mưu vi phạm các điều khoản chống đưa hối lộ trong Đạo luật giải quyết Tham nhũng ngoại quốc của Mỹ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/viet-nam-la-1-trong-5-nuoc-nhan-hoi-lo-cua-ericsson/
Hoa Kỳ đề nghị nhà cầm quyền CSVN
miễn thuế nhiều mặt hàng thực phẩm
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 8 tháng 12 năm 2019 loan tin, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vừa đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam giảm mạnh thuế nhập cảng hàng hoá của nước này ngay trong năm 2020, và một số mặt hàng cần được giảm trong những năm tới.Trước đề nghị trên của phía Mỹ, bộ Tài chính Cộng sản Việt Nam đã có văn bản gửi đến các bộ, ngành để xin ý kiến.
Theo dự trù, một loạt các mặt hàng thực phẩm như: gà, hạnh nhân, táo tươi, nho, lúa mỳ, óc chó, thịt heo và nhiều mặt hàng khác sẽ được nhà cầm quyền Cộng sản giảm thuế theo đề nghị. Không chỉ đề nghị giảm thuế, mà phía Mỹ còn đề nghị đưa thuế nhập cảng một số mặt hàng của nước này về 0%.
Thí dụ như, táo tươi, nho tươi được Mỹ đề nghị giảm thuế MFN từ 10% xuống còn 0% vào năm 2020. Lúa mỳ giảm từ 5% xuống còn 0%. Và một số mặt hàng khác được đề nghị giảm theo tiến trình từng năm để xuống còn 0%.
Hiện tại, ngoài xin ý kiến các bộ, ngành thì bộ Tài chính Cộng sản Việt Nam cũng đang bắt đầu có phương án giải quyết các mức thuế nhập cảng các mặt hàng theo đề nghị của Mỹ. Động thái này được xem là biện pháp để Cộng sản Việt Nam cân bằng cán cân thương mại với Mỹ theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-de-nghi-nha-cam-quyen-csvn-mien-thue-nhieu-mat-hang-thuc-pham/
Dự án làm sạch nước sông Tô Lịch:
ông Chung bị dân mạng chỉ trích
Những ý kiến tranh cãi giữa lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và lãnh đạo Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản (JEBO) liên quan tới dự án thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch trong tuần qua đang gây chú ý lớn trong dư luận Việt Nam.Hôm 1/12, tổ chức JEBO ra thông cáo về việc chính quyền Hà Nội đánh giá dự án thí điểm của công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản thất bại.
Sau đó hôm 6/12, trả lời câu hỏi một cử tri phường Tràng Tiền, Hà Nội về dự án này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định JEBO đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố và nói thêm Hà Nội không phải để cho “một ông, một công ty nào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ”, theo truyền thông Việt Nam.
Sông Tô Lịch: Nhật Bản phản bác chính quyền Hà Nội
Vụ cháy Rạng Đông: “Dân không còn biết tin vào đâu”
Ô nhiễm không khí cứ để dân tự lo?
Sự việc lại tiếp tục nóng khi sáng 7/12, JEBO lại ra thông cáo phản bác lại ông Nguyễn Đức Chung và cho rằng ông đã “thông tin sai sự thật”.
“Vừa qua, chúng tôi có nhận được thông tin, tại Hà Nội có thông tin không chính xác liên quan đến JEBO… Chúng tôi chính thức phản bác thông tin sai sự thật nêu trên với đầy đủ tài liệu chứng minh ở dưới đây”, thông cáo của JEBO nêu rõ.
“Với trách nhiệm, nhân cách và khí phách của một người Nhật, chúng tôi thấy cần công bố rõ thông tin chi tiết, tài liệu bằng chứng liên quan để rộng đường dư luận.”
“Thật lòng mà nói, đến giờ phút này, biết bao công sức, tiền của, thời gian của Chuyên gia Nhật Bản chúng tôi vì người dân Hà Nội để thực hiện Dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý sông Tô Lịch này. Nhưng Tổ chức JEBO Nhật Bản chúng tôi thấy buồn vì Ngài Chủ tịch UBND TP Hà Nội lại thông tin sai sự thật về việc JEBO tiến hành thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch mà chưa xin phép TP như kiểu chúng tôi “làm chui” mà không xin phép UBND TP,” thông cáo có đoạn viết.
‘Phản pháo như thể cái tát giữa mặt’
Nhiều người không ngần ngại bày tỏ quan điểm và bức xúc trước phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung trên mạng xã hội.
Nhà văn, blogger Đoàn Bảo Châu viết trên Facebook hôm 8/12:
“Người có lòng tự trọng phát ngôn ra một câu là phải chuẩn, không hơn không kém. Phát ngôn chuẩn thì kẻ khác có muốn phản biện cũng không làm được.
Tại sao chủ tịch tp Hà Nội lại để đại diện tổ chức JEBO phản pháo như thể một cái tát giữa mặt như vậy?
Việc này các vị còn phải tiếp tục làm rõ, công luận sẽ biết trắng đen ra sao. Thời đại thông tin, không có chỗ cho sự mập mờ hay dối trá.
Nhưng điều tôi quan tâm nhất và cũng là điều quan trọng nhất với người dân thủ đô là môi trường sống.
Tôi đề nghị để tổ chức JEBO được tiến hành công việc mà họ đã hứa hẹn.
Không được để lợi ích hay sự nhỏ nhen nào được chen vào công việc, khiến người dân chúng tôi phải chịu thiệt thòi, không được hưởng thiện chí của các nhà khoa học Nhật Bản.
Tôi rất tâm đắc khi các bạn đề cập tới trách nhiệm, nhân cách và khí phách của người Nhật, điều mà quan chức ở Việt Nam rất thiếu, thiếu trầm trọng. “
‘Hành xử không giống ai’
Bình luận của Nhà báo Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên về “Ông Chung Hà Nội” hôm 8/12 được rất nhiều người chia sẻ:
“Tôi vốn ít chỉ trích cá nhân ai trên fb, nhưng lần này thì chịu hết nổi rồi ông Nguyễn đức Chung, Chủ tịch Hà Nội ạ.
Ông Chung cho rằng các chuyên gia của tổ chức xúc tiến thương mại – môi trường Nhật- Bản (Jebo) dùng công nghệ Nano Bioreactor làm sạch sông Tô lịch do Nhật Bản tài trợ, mà không xin phép TP Hà Nội. Ông Chung lại dám to tiếng giữa một cuộc tiếp xúc cử tri mới lạ đời chứ….
Tôi không thể nào hiểu được, CT của một TP lớn như Hà nội, mà hành xử kiểu không giống ai như vậy. Mọi việc bắt đầu từ công tác nhân sự thôi. Tôi đã từng nghe về việc bổ nhiệm nhân sự cho HN khoá vừa rồi. Có dịp, tôi sẽ hầu chuyện thêm cùng các bạn. Buồn thay! “
‘Xấu hổ với thái độ của đô trưởng’
Blogger Kiều Thị An Giang từ Berlin nhân vụ việc này có bài viết trên Facebook về văn hóa nhặt rác và dân trí:
“Cho nên, mình, với tư cách một người dân HN, xấu hổ vô cùng với động thái lật lọng của vị đô trưởng. Xấu hổ vì cái tâm thức vô trách nhiệm, hành động lật lọng của cái đất nước được xếp vào bảng vàng những quốc gia xả thải nhiều rác nhựa nhất trên thế giới.
Xin lỗi các bạn Nhật. Chúng tôi đang sống thời của rác và chừng nào vẫn còn những lãnh đạo vô trách nhiệm, những kẻ bất tài, loạn tâm, vô trí vô lực ngồi ở những vị trí trọng yếu, chừng đó, nước Việt còn nặng mùi xú uế.”
Quá trình công tác của ông Nguyễn Đức Chung
Sinh năm 1967 tại Phú Thọ, ông Nguyễn Đức Chung có hai bằng cử nhân: Chuyên ngành điều tra tội phạm – Đại học Cảnh sát, và Ngành Quản trị kinh doanh – Đại học Thương Mại.
Trước khi về làm việc ở UBND TPHà Nội, ông có nhiều năm công tác trong ngành công an.
Ông Chung giữ chức Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội từ 2012-1016.
Tháng 12/2015, ông được bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiêm Phó Bí thư Thành Ủy Hà Nội.
Nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hà Nội của ông Chung được dư luận chú ý đến bởi vụ tranh chấp đất kéo dài ở Đồng Tâm.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50704721
Hàm Nghi, người nghệ sĩ tạo hình ở Alger
và những mối tình trắc ẩn
Phạm Cao PhongGửi tới BBC Tiếng Việt từ ParisSau bốn năm háo hức, cuối cùng tôi cũng nhận được món quà ý nghĩa cho Noel. Đó là tác phẩm của Amadine Dabat, người cháu đời thứ năm Hoàng Đế Hàm Nghi viết về những trang đời còn chưa được biết đến của cựu hoàng.
Quyển sách dày 550 trang, vuông vắn, bìa mầu vàng hoàng gia, trang nhã như một hộp kẹo sôcôla đến đúng dịp cuối năm của những ngày lễ hội.
Tựa sách trả lại cho Hàm Nghi địa vị thực dưới đầu đề : ‘Hàm Nghi hoàng đế lưu đầy, nghệ sĩ ở Alger’.
Tên quốc gia Việt Nam, dưới triều Nguyễn, từ khi hoàng đế Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, được đổi thành Đại Nam thời Minh mạng (1820-1841), luôn luôn là một vương quốc có chủ quyền quốc gia. Vì vậy ngôi đầu triều đình được tôn xưng dưới danh tính ‘Hoàng Đế’. Từ giai đoạn Hàm Nghi, Giám đốc
sự vụ và chính trị Đông Dương Jules Silvestre bắt các cộng sự dịch ra văn bản ngôi thứ này với chữ ‘vua’.
Điều này hợp với nhãn quan xấc xược của Trung Hoa không coi Việt Nam là một đế chế có chủ quyền. Từ ‘Hoàng Đế’ và ‘Vua’ được dùng lẫn lộn cho đến hết triều đại Nguyễn. Trong cuốn sách của mình, Amandine Dabats cho biết, chị dùng và chọn lại chính danh từ ‘Hoàng Đế’, nhằm tôn trọng quan điểm chính thức của Việt Nam.
Những vị vua cuối cùng của Việt Nam
Người có đôi mắt vua Hàm Nghi
GS Hà Văn Tấn – “danh sư và nhà khoa học lỗi lạc của VN”
Cuốn sách chủ yếu trích từ luận án tiến sĩ mà Amandine bảo vệ thành công tại đại học Sorbonne ngày 3/12/2015, tự thân đã được thẩm định bằng những nhà khoa học uy tín Édith Parlier-Renault, Antoine Gournay (hai giáo sư Université Paris-Sorbonne), Philippe Papin (Directeur EPHE), Nora Taylor (giáo sư Học viện nghệ thuật Chicago -SAIC), Vũ Thị Minh Hương (giám đốc viện lưu trữ quốc gia Việt Nam).
Những con số chọn lọc trong tổng cộng 5034 tài liệu, cùng độ dài 14 năm mà Amandine đầu tư cho chủ đề này nói lên sự nghiêm túc, trân trọng độc giả của chị.
Sở hữu một khối tư liệu đồ sộ và đa dạng, Amandine trích dẫn, phân tích, cắt bỏ những mộng mỵ cả hai phía Pháp -Việt đều vô tình hay cố ý ‘vẽ rồng thêm chân’. Những tô vẽ chủ yếu mang tính chính trị, hay vụ lợi ấy với thời gian trở nên kệch cỡm và lẩm cẩm.
‘Vai’ và ‘trò’ của Charles Gosselin, ‘bạn’ đồng thời tác giả sách ‘L’Empire d’Annam’, được phân tích. Amadine truy xét lý lịch sự vụ của Gosselin, để những nhân chứng lạnh lùng tái hiện bộ mặt thật của nhân vật. Các nhà sử học hẳn tìm ở đây nhiều suy ngẫm về sử lý nguồn, điều gì đáng tin, cái gì loại bỏ.
Những bài viết, nhận xét của Hải Âu, Vũ Thanh Sự, Nguyễn Đắc Xuân…đều được Amandine điểm huyệt.
Cuốn sách viết ra nhằm mục đích trả lời câu hỏi ‘Hàm Nghi là ai và như thế nào ? Là một nhà chính trị ? Hay là một nghệ sĩ ?
Vua Hàm Nghi trong vai trò chính trị, Amandine phác họa ngắn, khái quát, chủ yếu là bản tường trình viết tay thuật lại buổi hỏi cung ngày 11/11/1888 của đại úy Boulangier, sĩ quan chỉ huy việc truy lùng và bắt được vua ngày 29/10/1888.
Biên bản này ghi lại đối thoại giữa vua Hàm Nghi với hai lãnh binh Trưong Quang Ngọc và Nguyen Than Dinh: ‘Tụi bay là giặc, bọn phản bội, giống như Đồng Khánh chạy theo Tây. Nhưng Hàm Nghi này không bán nước’.
Cuốn sách chủ yếu khai thác hình tượng một Hàm Nghi nghệ sĩ, một Hàm nghi với một số phận kỳ lạ và những mối tình trăn trở, sóng gió.
Hàm Nghi, một nghệ sĩ
Tôi gặp Amandine lần đầu đúng vào ngày định mệnh của Paris năm 2015. Buổi sáng gặp chị, thì buổi tối quân khủng bố nổ súng vào nhà hát Bataclan , đánh bom ở cửa vào sân vận động Stade de France. Hôm đó chị cho tôi mượn tài liệu bảo vệ luận án tiến sĩ chị viết về vua Hàm Nghi.
Tôi thích thú khi được biết Hàm Nghi đã từng là học trò của nhà điêu khắc thiên tài Auguste Rodin. Amandine đã mang cho tôi xem bức tượng mang tên Eve, người đàn bà đầu tiên trong Kinh Thánh do vua Hàm Nghi tạc. Tôi đã nhận ra những nét tương đồng không lẫn được với tác phẩm cùng tên của Auguste Rodin hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ Thuật Cardiff (Walles).
Amandine lúc đó đề nghị tôi tiết chế những thông tin và hình ảnh, đợi chị hoàn thành xong cuốn sách.
Bây giờ với gần 60 họa phẩm, điêu khắc, phù điêu, phác họa in trong sách, bạn đọc sẽ tìm thấy những cung bậc thăng trầm trong tâm hồn người nghệ sĩ tha hương.
Hàm Nghi đã ba lần trưng bầy các tác phẩm tại Paris : Tại bảo tàng Guimet (1904), phòng tranh Devambez (1909), triển lãm Mantelet Collet (1926). Thế chiến thứ Hai xô đổ những ấp ủ tiếp theo của những nhà tổ chức triển lãm.
Hàm Nghi cũng đã hiến tặng nhà nước Pháp một số họa phẩm, điêu khắc.
Thiết nghĩ lịch sử Mỹ thuật Việt Nam nên có những hoán đổi, dành cho nghệ sĩ đa tài Hàm Nghi vị thế như người mở đầu tài hoa cho tiến trình khẩn hoang về tranh sơn dầu, phấn mầu, điêu khắc hiện đại.
Những giá trị thẩm mỹ lạ lẫm, tư duy sáng tạo mang tính thực tiễn và ứng dụng này, mới chỉ phát triển ở Việt Nam từ tháng 11/1925 với việc thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương. Ngôi trường mở ra cho các nghệ sĩ Việt Nam chân trời mới về kiến thức hội họa, kiến trúc, điêu khắc ngoài những đặc thù truyền thống sẵn có của nghệ thuật sơn mài, đồ gốm, chạm bạc hay kỹ thuật vẽ tranh thủy mạc, tranh lụa.
Vua Hàm Nghi còn là một nghệ nhân mộc khéo léo. Hiện còn giữ được những giường, tủ làm từ gỗ cây chanh và cam, mà ông tự tay chế tác với những dụng cụ của thợ mộc Alger.
Những mối tình trắc ẩn
Một nữ sĩ mà tên tuổi có chỗ đứng vững vàng trên văn đàn Pháp đã mê đắm Hàm Nghi, viết cho ông những vần thơ :
Nói về nỗi thất vọng với Người ư, trớ trêu thay !
Chẳng gì có thể lay chuyển một trài tim trơ trơ như thế
Một trái tim dửng dưng, chẳng mảy may thương hại trước một người hấp hối
Một trái tim suy mòn chỉ còn biết náu mình trong đau đớn
Một trái tim chỉ còn tuôn ra khổ đau, nối dài chuỗi khóc than
Và bất hạnh tột cùng là trái tim không có chỗ cho tình yêu.
Cảnh lưu đầy của Người và nỗi xa vắng Người là cặp song sinh
Ngay cả khi trái tim ấy bị một kẻ cai ngục đầy ghen tỵ canh giữ,
Có lẽ nào tự biệt giam mãi trái tim đó ?
Xin đừng xua đi một kẻ thù chịu quỳ gối dưới chân Người !
Ít ra xin cho nó sống, và trút thù hận vào nó.
Dày vò nó đi… Tất cả những gì đến từ Người đều tốt đẹp
Đó là Judith Gautier, văn sĩ nữ đầu tiên bước vào Hàn lâm viện Goncourt, con người đầy rung động, thiết tha với ông, muốn xua đi trong ông những mặc cảm, những suy nghĩ người Pháp chỉ là kẻ thù.
Ba tháng sau Hàm Nghi mới viết trả lời nữ văn sĩ.
Judith đề nghị Hàm Nghi viết tựa cho tác phẩm ‘Livre de Jade’, song ông né tránh. Tác phẩm ‘Những cánh cửa son’ của bà viết về Hàm Nghi cũng bị thất lạc.
Hàm Nghi đã không bước ra khỏi được cái bóng của mình. Lúc đó ông 29 tuổi, còn Judith 55.
Bốn năm sau ông mời Judith đến dự đám cưới của mình ngày 10/11/1904. Ông cưới cô gái mới tròn 20 Marcelle Laloe, con của Chánh án Tòa thượng thẩm Alger. Họ có với nhau ba con.
Hai con gái Nhu May, Nhu Y và con trai Minh Duc của ông đều không học tiếng Việt. Hình bóng một Việt Nam xa xôi với chúng có lẽ chỉ là chú chó có tên Tonkin và chiếc chòi gỗ, mái cong, để chơi trốn tìm, phía trước có chiếc ao bé xíu và mấy khóm sen.
Không rõ khi nào gia cảnh của ông rạn nứt, song những những năm cuối của Thế chiến thứ nhất, Hàm Nghi rơi không trọng lượng vào mối tình với Gabrielle Capek (1889-1983), một cô gái gốc Tiệp mồ côi cha mẹ. Cô tha hương đến Alger, làm gia sư cho nhiều gia đình quý tộc, dạy kèm cho Nhu May, con gái lên bẩy tuổi của ông. Hàm Nghi lúc đó 47, Gabrielle 29.
Mối tình cảm động, đau khổ với cả hai cho ra đời chú bé mang họ mẹ, Jean Capec (1922-1982).
Cuộc tình với Gabrielle như một điều phải xảy đến, ra đời từ hệ lụy.
Cung bậc tâm hồn ông, thăng trầm nghệ sĩ của Hàm Nghi gần gũi với Judith. Điều đó để lại vết thương. Ông đã giữ những bức thư của mùa hạ đầu tiên thế kỷ 20 và những bức thư kế tiếp của Judith cho đến những phút cuối cùng của cuộc đời.
Ai bước qua một mối tình thì cũng đều bị bầm dập như nhau, chẳng có kẻ thắng, chỉ có kẻ thua, và tiếng nhạo cười của Định Mệnh.
Sau này chị gái của vợ ông viết :’Tôi hiểu sâu sắc mối liên hệ của Hoàng tử và cô gia sư. Chỉ vì trong tất cả chúng ta, cô ấy là người duy nhất tương đồng với tính cách Hoàng tử. Cô ấy dịu dàng, Hoàng tử yêu mến điều đó. Ngược với chị tôi, là một viên sen đầm’.
Mối tình trắc trở với Gabrielle trái lại là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm điêu khắc của ông.
Hàm Nghi viên mãn trong loại hình này, ông sự vật hóa được hình tượng với những hy vọng, những âu lo. Bức tượng Gabrielle Capec, hay ‘Không đề’ hiển hiện điều đó.
Ông đã vẽ những bức tranh mới với bút mầu rực rỡ mang hơi thở nhân gian, loại bớt mầu xanh lục trầm buồn vốn chủ đạo thời kỳ trước
Những người Việt Nam hay lên gân, tầm thường, cứng nhắc sẽ cho Amadine là ‘náo’. Mặc dù sự láo lếu ra đời và tồn tại của chính sử hiện nay ở Việt Nam nảy nòi chính từ sự bóp méo, một chiều của ‘sử đảng’ và cho ‘đảng xử’ các nhân vật, sự kiện. Chúng ta cần những náo động chỉnh hình.
Chị viết: “ngôn ngữ Pháp của Hàm Nghi là một thảm họa, ngài là người tù của ngôn ngữ này và không thể biểu cảm suy nghĩ của mình bằng cách viết. Ngài viết non nớt như một đứa trẻ con. Một bức thư viết nháp đến tám lần…”
Bằng việc tìm sự thật qua sự giao chiếu của các nhân vật, chạm đến cốt lõi của sự việc, rồi đặt mình vào đấy, dũng cảm bỏ đằng sau những sáo ngữ, cung cấp cho bạn đọc khối tài liệu phần lớn chưa được biết đến, Amadine trao lại cho chúng ta chìa khóa sự nhận biết về viễn tổ của chị.
Chắc chắn sẽ có tiếng nói phản đối, nhưng lịch sử chân chính có đòi hỏi cho nhân phẩm của nó.
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của nhà báo tự do Cao Phong Phạm.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50704716
VN: Có nên đặt tên đường phố ở Đà Nẵng
theo hai Giáo sĩ Công giáo?
Có những lý do về mặt tâm lý xã hội hay có màu sắc ‘chính trị’ phía sau cuộc tranh luận nóng lên trở lại gần đây về nhân vật lịch sử, giáo sỹ Công giáo Alexandre de Rhodes (1591-1660), và vai trò lịch sử, văn hóa của ông ở Việt Nam, mà tâm điểm xoay quanh việc Đà Nẵng có nên lấy tên ông đặt cho một đường phố hay không.Trình bày quan điểm của mình tại cuộc Bàn tròn thứ Năm, hôm 05/12/2019, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng nói:
“Tôi cũng có một sự tình cờ và may mắn là người theo dõi những việc xung quanh Alexandre de Rhodes, kể cả việc bài bác, cũng như là muốn tôn vinh, đó là cả một lịch sử dài rồi, chứ không phải là mới xảy ra trong thời gian gần đây.
Bàn tròn BBC: Tranh cãi vai trò của Giáo sỹ Alexdre de Rhodes
Những ai xứng đáng để đặt tên đường ở Việt Nam?
Cải cách ‘tiếng Việt’ thành ‘tiếq Việt’ và bình luận từ London
“Năm 1993, chúng tôi làm tờ báo Lao Động đổi mới, lúc ấy tôi làm phần văn hóa, văn nghệ, thì tôi đã nhận được những ý kiến, những bài tôi đoán của một số trí thức Công giáo đã gửi cho chúng tôi, để mà đòi khôi phục danh dự của Alexandre de Rhodes.
Đây là cuộc tranh luận về học thuật, nhưng đến gần đây thì nó bị biến thành một vấn đề hơi dở. Tức là nó lại biến thành mà thấy là sự kỳ thị tôn giáo nữa, giữa Phật Giáo và Công GiáoNhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng
“Bởi vì trước đó, chúng ta biết rồi ở miền Bắc, cũng như trước khi thống nhất, quan điểm của Đảng Cộng sản là bác bỏ Alexandre de Rhodes, cho nên bia tưởng niệm của ông ở Hà Nội, cũng như tên phố Alexandre de Rhodes ở Sài Gòn là đã bị bỏ.
“Lý do chính là lý do chính trị, tại vì theo những nhà nghiên cứu tôn giáo và lịch sử của Đảng Cộng sản thì coi Alexandre de Rhodes gần như là người tiếp tay hay là khích động sự xâm lược của thực dân Pháp đến Việt Nam, cái tội rất là to.
“Tôi đã thấy cả một câu dịch của ông Alexandre de Rhodes mà do ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam dịch ra và treo ở một chỗ rất quan trọng ở trong Viện Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội để quy tội cho Alexandre de Rhodes.
“Thế nhưng đến khoảng năm 1980 – 1990, đã có một số người bác lại cái đó và nói rằng đó là những câu dịch không đúng. Thứ nhất, ngay cả xuất xứ của câu đó cũng không chắc của Alexandre de Rhodes, rồi dịch lại theo một thiên kiến nữa…
“Đã có nhiều ý kiến rồi, nhưng khi báo Lao Động của chúng tôi nhận được cái đó, chúng tôi mở ra một cuộc thảo luận ở trên báo, bản thân tôi cũng có viết bài nữa, sau đó chúng tôi có đề nghị Giáo sư Phan Huy Lê – là Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam – viết một bài quan trọng để nói lên quan điểm của ông cũng như quan điểm của lịch sử.
“Sau bài đó, chúng tôi được chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam cung cấp toàn bộ tư liệu về Alexandre de Rhodes cho các ông ấy nghiên cứu, tôi không biết nội bộ thỏa luận như thế nào, nhưng sau đó đã có một hội thảo chính thức của Hội Khoa học Lịch sử về Alexdre de Rhodes. Và hệ quả là trả lại cái bia, không để ở Hồ Hoàn Kiếm nữa, nhưng đưa vào trong Thư viện Quốc gia và trả lại tên Alexandre de Rhodes ở Sài Gòn.”
Về các diễn biến gần đây liên quan tranh luận quan vai trò lịch sử của vị Giáo sĩ này, đồng Chủ biên Tạp chí mạng Văn Việt, thuộc Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam, nói tiếp:
“Như vậy nó có cả một lịch sử rồi, thế nhưng mà gần đây xin nói thật, có một số trí thức, kể cả trí thức mà có tên tuổi ở nước ngoài, ở Mỹ, ở Pháp thì phản đối lại, lại đưa ra vấn đề phản đối Alexandre de Rhodes vì nhiều lý do, trong đó có lý do là vì ông ấy có nhận xét không tốt về Việt Nam, về Đạo Phật.
“Nhưng còn lý do rất quan trọng nữa, cho nên phức tạp lắm, tức là có rất nhiều vị lại nói là chữ Quốc ngữ này cũng chẳng quan trọng gì cả, thậm chí có vị còn nói là đặt ra chữ Quốc ngữ này là tội, chứ không phải là công, đại khái như thế, tức là đây là cuộc tranh luận về học thuật, nhưng đến gần đây thì nó bị biến thành một vấn đề hơi dở. Tức là nó lại biến thành mà thấy là sự kỳ thị tôn giáo nữa, giữa Phật Giáo và Công Giáo. Đó là cái dở,” từ Sài Gòn, ông Hoàng Hưng nói với Bàn tròn thứ Năm.
Có vấn đề về “di sản tâm lý văn hóa”?
Khách mời tại Studio của Chương trình ngay tại London, nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên, nêu quan điểm:
Định kiến rất nhiều mặt ở trong xã hội chúng ta hiện nay mà vấn đề Alexandre de Rhodes chỉ là mộtNhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên
“Xin nói nhanh thế này, sở dĩ có vấn đề định kiến như nhà thơ Hoàng Hưng vừa nói là vì nó là vấn đề di sản tâm lý văn hóa suốt mấy chục năm nay, mà Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện (một khách mời khác tại Bàn tròn) có nhắc, bắt đầu từ câu nói dịch từ trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập I, mà gọi là trích dẫn từ quyển sách “Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông”, thì tôi thấy rằng khi tôi đọc lại chính văn của bản 356 trang của cuốn sách này, tôi không thấy câu đó.
Thuý Kiều, Từ Hải và thời giặc biển Đông Á
Để Sài Gòn thành Singapore: Ước mơ 20 năm
Những người giúp chữ Quốc ngữ ‘làm nên’
“Như vậy vấn đề là quý vị sáng tạo như thế nào? Cái đó tạo ra một định kiến suốt bao nhiêu năm trời, rồi ở miền Nam lại có một số định kiến khác ở vùng miền Nam. Rồi bây giờ ở hải ngoại nữa.
“Có một dạo, tờ báo mạng đã có những bài rất nặng nề về Alexandre de Rhodes, thì đó là cả một định kiến, nó là một di sản tâm lý rất lâu dài mà đến bây giờ, nếu muốn giải quyết, cần phải chấm dứt những hệ lụy của quá khứ để mà nhìn tới một cái gì thoáng hơn.
“Tôi thí dụ khi chúng ta nói đến công trạng lớn của Alexandre de Rhodes và những vị giáo sỹ phương Tây, là chúng ta đã nói đến những người đặt nền móng cho tài sản mà chúng ta đã phát huy suốt từ thế kỷ XX đến nay.
“Cái đó là một thành quả lớn lao không ai có thể phủ nhận được, cho nên giải quyết vấn đề di sản tâm lý mà nó tạo thành định kiến, định kiến rất nhiều mặt ở trong xã hội chúng ta hiện nay mà vấn đề Alexandre de Rhodes chỉ là một.”
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Viện Hán – Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nêu quan điểm trước hội luận:
“Vấn đề chữ Quốc ngữ và việc vinh danh ngài Alexandre de Rhodes đúng là một vấn đề thuộc về lịch sử và đã từng diễn ra rất là lâu rồi. Tóm lại, tranh cãi liên quan đến Linh mục Alexandre de Rhodes tựu chung có mấy điểm:
Ngài đã chết trước khi Pháp nổ súng xâm lược ở cửa biển Đà Nẵng (vào năm 1858) từ 200 năm trước, thì làm sao mà ngài lại có thể xúi thực dân Pháp và xâm lược Việt Nam được?Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện
“Điểm thứ nhất người ta cho rằng ông Alexandre de Rhodes không phải là sáng tạo ra chữ Quốc ngữ đầu tiên, thế thì nếu ai đó nói rằng ngài Alexandre de Rhodes chính là người khai sinh và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, thì sẽ bị phản đối. Tôi thấy đương nhiên là ông Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Ông Alexandre de Rhodes chỉ là người đến sau.
“Vì sao lại nói như vậy? Bởi vì ông đã soạn ra cuốn Từ điển Việt – Bồ – La; và khi nào thì có từ điển? Khi chữ đã thành hệ thống, khi chữ đã thành tất cả mọi thứ rồi.
“Bất cứ một ngôn ngữ nào cũng vậy, không thể nào mà có thể có một cuốn từ điển ra đời ngay mà khi chữ viết ra đời cả, mà phải sau một quá trình sử dụng gì đó và nó đã hội đủ tất cả mọi yếu tố, thì bấy giờ mới có từ điển.
“Và lúc bấy giờ từ điện mới đủ điều kiện để ra đời, thế thì tự thân cuốn từ điển Việt – Bồ – La đó đã xác nhận rằng ông Alexandre de Rhodes không phải là người đã sáng tạo ra Quốc ngữ đầu tiên…
“Nhưng công của Cha Alexandre de Rhodes thì rất là lớn, bởi vì khi tất cả vốn từ vựng đã được hợp thành cuốn từ điển, mà lại là Việt – Bồ – La nữa, thì điều đó cho thấy một sự so sánh đối chiếu về mặt từ vựng hay là về mặt ngôn ngữ giữa ba thứ tiếng này.
Cho thấy đó là một công lao rất là lớn và có thể nói rằng Cha Alexandre de Rhodes là một người có công lao đặc biệt to lớn trong việc hoàn thiện và gom nhặt, và khiến cho những vốn từ vựng về chữ Quốc ngữ trở thành một tập đại thành, thì đấy là lý do thứ nhất mà chúng ta không nên tranh cãi, bởi vì Cha Alexandre de Rhodes cũng không tự nhận mình là một người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.
“Còn ai nói chuyện sáng tạo ra chữ Quốc ngữ bởi đức Cha này, thì đó là do sự suy luận của người đời sau thôi, lịch sử thì vẫn chảy trôi như thế, còn suy luận thế nào là của hậu thế.
“Vấn đề thứ hai mà tranh cãi là người ta dựa vào một tư liệu lịch sử xa xưa gì đấy, mà thậm chí cả sách lịch sử Việt Nam của Ủy ban Khoa học Xã hội ngày xưa, đã ghi một vài câu quy kết, rồi từ câu đó người ta mới quy kết ra là Cha Alexandre de Rhodes là có vai trò trong việc Pháp xâm lược nước ta (Việt Nam). Thì cái này cũng vô cùng sai lầm.
“Bởi vì ngài đã chết trước khi Pháp nổ súng xâm lược ở cửa biển Đà Nẵng (vào năm 1858) từ 200 năm trước, thì làm sao mà ngài lại có thể xúi thực dân Pháp và xâm lược Việt Nam được? Vì vậy cho nên cái đó cũng không phải.
“Một vấn đề nữa mà có liên quan đến chuyên môn của chúng tôi, tức là năm nay là kỷ niệm 100 năm khoa cử chữ Hán chấm dứt bằng lệnh sắc của Vua Khải Định, năm 1919 là khoa thi chữ Hán cuối cùng. Ngay cả khoa thi cuối cùng có nhiều Tiến sỹ, trong đó có Tiến sỹ Dương Thiệu Tường, là dòng họ của cụ Dương Lâm, thì bài thi của cụ cũng là hai thứ chữ.
“Một là bài thi bằng chữ hán và hai là bài thi bằng chữ Quốc ngữ. Thế như vậy là từ năm 1919, khoa thi cuối cùng của chữ Hán, khoa thi cuối cùng chấm dứt khoa của chữ Hán, thì trong bài thi làm đã phải có chữ Quốc ngữ. Thế vậy thì nhiều người cũng ca ngợi rằng chữ Hán chấm dứt, thay bằng chữ Quốc ngữ xảy ra hai bình luận.
“Bình luận thứ nhất: đấy là một điều kiện vô cùng thuận lợi và đấy là một điều tiên quyết để cho Việt Nam thóat Trung, tức là thoát khỏi vòng ảnh hưởng của văn hóa Hán, thoát khỏi văn hóa Trung Hoa, thế thì cái đó cũng chưa phải là cái đã thuyết phục.
Tại sao chúng ta (Việt Nam) không làm một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định vấn đề này, còn hơn là chúng ta tranh cãi rất là dài và không đi đến một kết quả nào cảNhà báo Tường Anh, Paris
“Bởi vì nếu nói về vấn đề thoát Hán, hay là thoát Trung, thì việc sử dụng ngôn ngữ không phải là cái tiên quyết. Đài Loan bây giờ vẫn đọc chữ Hán, chữ Hán của Đài Loan hiện nay còn hơn cả chữ Hán của Trung Quốc vì họ sử dụng chữ phồn thể. Thế thì Đài Loan bây giờ muốn thoát Trung rồi. Nên vấn đề gọi là tạo điều kiện để thoát Trung cũng không phải là cái tiên quyết.
“Hai nữa, một phía bình luận nữa nói rằng chữ Hán chấm dứt thay bằng chữ Quốc ngữ như vậy làm đứt đoạn về văn hóa truyền thống, tức là nó làm cho con cháu từ năm 1919 đến bây giờ không còn đọc được những chữ ở trong gia phả hay là hoành phi, câu đối trong các đền chùa, hay là những lời di huấn của tổ tiên.
“Thì cái đó cũng chưa phải là cái đích đáng, nhưng mà có một điều ai cũng phải thừa nhận là chữ Quốc ngữ là một thứ chữ dựa trên các ký tự La-tinh, ghi âm tiếng Việt rất trung thực và ghi rất đầy đủ và phản ánh đầy đủ, toàn vẹn nhất ngôn ngữ, tiếng của chúng ta hiện nay và việc học nó rất là nhanh chóng, chỉ có hai mấy chữ cái và chỉ có 3 tháng là có thể xóa ra khỏi mù chữ.
“Thì đấy chính là tất cả vấn đề mà tôi cho là nó nổi cộm hay là cái toàn cảnh việc gây ra tranh cãi lớn hiện nay trong vấn đề Đà Nẵng định tôn vinh Cha Alexandre de Rhodes bằng việc đặt tên đường mà có 12 nhà trí thức, có những người rất nổi tiếng như là ông Nguyễn Đắc Xuân chẳng hạn cũng gửi thư cho chính quyền Đà Nẵng phản đối cái đó.”
Tranh cãi và giải pháp?
Từ Paris, liên quan đến cuộc tranh cãi đề có nên lấy tên hai vị Giáo sỹ Công giáo, trong đó có Alexandre de Rhodes, để đặt tên cho hai đường phố ở Đà Nẵng, nhà báo Tường An chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình:
Xem thêm:
USS Hue City: Chiến hạm Mỹ mang tên TP Huế
Nhà thờ Bùi Chu, Công giáo và xã hội VN
Kịch ‘Saigon’ về Việt Kiều tại Pháp gây tiếng vang
Vì sao tôi bỏ tiền túi dựng nhạc kịch Kiều ở Paris?
Đoạn cuối Hanoi Cinematheque
Bàn tròn BBC: Tranh cãi về Giáo sỹ Alexandre de Rhodes
“Tôi nghĩ rằng họ chống đối là vì nó chưa có, những gì có rồi thì họ để yên đấy, ở Sài Gòn cũng đã có con đường mang tên ông Alexandre de Rhodes, thì có ai nói gì đâu?
“Ở Đà Nẵng tại vì chưa có, cho nên họ phản đối. Ngay ở Pháp đây cũng có rất là nhiều tên đường, mang tên là Đông Dương, có cả đường mang tên Hồ Chí Minh nữa, nhưng trong một xứ xã hội dân chủ thì chúng ta tôn trọng quyền của người dân, nếu mà đa số đồng ý.
Ông Francisco De Pina, thì ông Pina có tội gì? Ông Francisco De Pina lâu nay rất thiệt thòi. Tức là lâu nay đối với đại chúng, ở Việt Nam người ta chỉ biết ông Alexandre de Rhodes nhiều hơnNhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng
“Theo tôi, tại sao chúng ta (Việt Nam) không làm một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định vấn đề này, còn hơn là chúng ta tranh cãi rất là dài và không đi đến một kết quả nào cả.”
Từ Sài Gòn, nhà thơ Hoàng Hưng nói thêm:
“Sự khác nhau của các địa phương cũng là tất yếu thôi, bởi vì mỗi một nơi người ta có quyền quyết định trong phạm vi hiểu biết và trong nhận thức của họ, cũng như nguyện vọng của người dân của họ.
“Chúng ta cũng đã thấy là như ca sỹ Khánh Ly được Bộ Văn hóa cho phép về Hà Nội biểu diễn, nhưng đến Sài Gòn thì còn bị cấm. Nên chuyện đó khó nói. Chuyện đó tôi tôn trọng quyết định của các địa phương, nhưng vẫn dựa trên lòng dân, ý dân và những sự nghiên cứu, hiểu biết nhất định, chứ không nên phụ thuộc định kiến chính trị, tôn giáo. Cái đó theo tôi rất dở, tối kỵ.
“Nhưng mà điểm thứ hai tôi nghĩ chúng ta không chịu đặt tên cho hai vị có công với chữ Quốc ngữ, tôi không nói là công đầu hay công gì gì cả, nhưng rõ ràng là có công lớn. Thực ra Alexandre de Rhodes thì không phải là không có nhiều người tôn vinh ông quá đáng đâu, giới học giả, nghiên cứu đã xác định từ lâu vai trò của ông như thế nào rồi. Nhưng mà rất xứng đáng.
“Thế còn như ông Francisco De Pina, thì ông Pina có tội gì? Ông Francisco De Pina lâu nay rất thiệt thòi. Tức là lâu nay đối với đại chúng, ở Việt Nam người ta chỉ biết ông Alexandre de Rhodes nhiều hơn. Có người nói đây cũng chính là do Thực dân Pháp áp đặt như thế, vì về sau Alexandre de Rhodes được coi là người Pháp; đây gọi là thiên vị, mọi người hầu như không biết đến Francisco De Pina.
“Bây giờ rất nhiều người nói ông ấy là người đầu tiên biết tiếng Việt, giỏi tiếng Việt, dạy cho Alexandre de Rhodes và các giáo sỹ khác tiếng Việt. Thì ông ấy tại sao lại bị liên lụy lây và không đặt tên đường được? Chuyện đó tôi nghĩ là phi lý và trong vụ này, tôi thấy có điều gì đó định kiến quá, còn bây giờ chúng ta thử xem những tên đường đã đặt ở Hà Nội, Sài Gòn, thiếu gì tên những nhân vật mà không biết, bản thân tôi ở Sài Gòn mà đặt tên những nhân vật mà tôi chẳng hiểu những nhân vật đó là gì!”
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện chia sẻ thêm quan điểm của mình, ông nói:
“Thứ nhất, chữ Quốc ngữ là thứ chữ là đến bây giờ không thể phủ nhận, không thể bài bác được, bởi vì Quốc hội Việt Nam đã quy định rằng chữ của Việt Nam dùng hiện nay là chữ Quốc ngữ, vì vậy chữ Quốc ngữ đương nhiên là được thừa nhận.
“Thứ hai là theo quy định về đặt tên đường, việc đặt tên đường của các thành phố là do một Ủy ban tư vấn về việc đặt tên đường của thành phố đó người ta tư vấn. Vì vậy cho nên tất cả những học giả, 12 học giả ở Huế hay là 100 học giả ở nước ngoài hay là TP Hồ Chí Minh, hay Hà Nội, có gửi thư đến Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng, thì đấy cũng chỉ là một kênh tham khảo.
Tôi khuyên Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng và Hội đồng tư vấn sẽ tự chọn cho mình việc cuối cùng có đặt tên cho cha Alexandre de Rhodes và cha Francisco de Pina hay khôngTiến sỹ Nguyễn Xuân Diện
“Việc quyết định đặt tên cha Alexandre de Rhodes và cha Francisco De Pina hay không là do Ủy ban tư vấn, Hội đồng tư vấn về việc đặt tên đường của Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng sẽ quyết định.
“Không thể nào mà đặt tên một con đường mà người ở tận tỉnh nào gửi thư đến mà cũng phải xem xét cân đi nhắc lại, tôi cho rằng đó là không thuyết phục, bởi vì thành phố Hà Nội, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh, hay là thành phố Đà Nẵng có hẳn cả một hội đồng đặt tên đường và họ làm việc có lớp lang, có trình tự và có quy định chặt chẽ của họ.
“Thì ủy ban đó làm việc, còn thư của các ông Lê Cung, ông Nguyễn Đắc Xuân, chỉ là một kênh để tham khảo và có thể xếp lại đó và tôi khuyên Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phải làm như thế, bởi vì nếu không anh phủ nhận toàn bộ Hội đồng tư vấn đặt tên đường đó à?
“Tất cả ý kiến của người khác, của các nơi khác, công dân ở các tỉnh khác, thậm chí ở nước ngoài, chỉ là một kênh tham khảo và thích tham khảo thì tham khảo, không thích tham khảo thì xếp riêng ra, nghe là nghe Hội đồng đó và tôi khuyên Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng và Hội đồng tư vấn sẽ tự chọn cho mình việc cuối cùng có đặt tên cho cha Alexandre de Rhodes và cha Francisco de Pina hay không…,” nhà nghiên cứu thuộc Viện Hán Nôm từ Hà Nội nói với BBC.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn ngày để theo dõi nội dung cuộc hội luận về chủ đề trên tại Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 06/12/2019.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50688707
0 comments