Tin Biển Đông – 08/12/2019
Những hệ lụy khi TQ biến Biển Đông thành “ao nhà”
Không chỉ tự do hàng hải, hàng không trên tuyến vận tải biển huyết mạch với nền kinh tế mà cả hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và toàn cầu cũng bị đe dọa nghiêm trọng một khi Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò 9 đoạn” để biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ theo những đòi hòi chủ quyền phi lý và phi pháp. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nổi bật, nóng bỏng của mọi hội nghị quốc tế diễn ra tại khu vực, mới nhất là Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cùng Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) hồi tháng 11 vừa qua. Các quốc gia, các ngành, các giới không chỉ ở khu vực mà khắp thế giới đều ngày càng nhận rõ những hệ lụy, nguy cơ khôn lường trước yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà theo đó đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông.
Chiến lược nhất quán và lâu dài
Tham vọng độc chiếm Biển Đông là một chiến lược nhất quán và lâu dài của Trung Quốc. Việc dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 có thể xem là bước đi đầu tiên trên thực tế của nước này trong việc hiện thực hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Sau khi thò được “bàn chân sói” đầu tiên vào Biển Đông năm 1974, Trung Quốc đã xây dựng, biến nơi đây thành một cứ điểm, tiền đồn quân sự lớn và xâm chiếm vùng biển này theo nhiều giai đoạn. Tiếp theo “bàn chân sói” đầu tiên, Trung Quốc lại dùng vũ lực chiếm đóng 7 thực thể là các đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 để bước xuống phía Nam Biển Đông.
Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được đẩy lên cao độ sau khi quốc gia này chính thức đơn phương công bố yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” năm 2009, đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích vùng biển chiến lược này. Tham vọng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng khi nước này đưa ra cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) hồi năm 2013 với diện tích đòi chủ quyền còn rộng lớn hơn cả yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”.
Trong việc hiện thực hóa tham vọng chủ quyền trên thực địa, Trung Quốc từ năm 2014 tới nay đã ráo riết tiến hành bồi đắp trái phép 7 thực thể chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo quy mô lớn, với tổng diện tích lên tới hơn 13 km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, Trung Quốc đã bồi đắp 3 đảo đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập thành 3 đảo nhân tạo quy mô lớn, có đường băng dài 3.000 m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh; có cả cảng biển nước sâu để tàu chiến hạng nặng có thể ra vào.
Hiểm họa nếu Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà”
Việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo cũng như các thực thể ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để hậu thuẫn cho yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò 9 đoạn” được giới phân tích cho là để Trung Quốc dựa vào đây, dấn thêm bước tiếp theo chính thức đòi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông. Trung Quốc, một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), toan tính viện dẫn công ước này để đòi chủ quyền với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cho các đảo và thực thể mà họ dùng vũ lực chiếm đóng, bồi đắp trái phép.
Theo UNCLOS 1982, các quốc gia có quyền chủ quyền về kinh tế và tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Điều 62 của UNCLOS 1982 quy định quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia có chủ quyền. UNCLOS 1982 cũng quy định trong thềm lục địa, quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, dầu khí, tôm cá… của mình. Nếu các quốc gia khác muốn khai thác trong vùng đặc quyền phải có sự đồng ý bằng văn bản của quốc gia có chủ quyền.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc dựa vào các đảo và đảo đá chiếm đóng để đòi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông? Bất chấp yêu sách đòi chủ quyền theo “đường lưỡi bò 9 đoạn” đã bị Tòa thường trực quốc tế, căn cứ vào UNCLOS 1982, ra phán quyết là phi pháp và vô hiệu, Trung Quốc với sức mạnh quân sự vượt trội của mình vẫn cố tình áp đặt thì chắc chắn sẽ gây tình hình rất căng thẳng, không loại trừ dẫn tới bùng nổ xung đột. Bởi không một quốc gia nào, dù nhỏ yếu đến đâu, cũng ngoan ngoãn chấp nhận để quốc gia hùng mạnh hơn xâm phạm chủ quyền hợp pháp của mình mà không có biện pháp giáng trả. Trong khi đó, bất cứ căng thẳng hay xung đột nào trên Biển Đông đều là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải ở khu vực có tuyến vận tải biển huyết mạch của kinh tế khu vực và thế giới, cũng như hòa bình, an ninh và ổn định – nhân tố sống còn cho sự phát triển, hợp tác.
Tự do hàng hải, hàng không, cùng hòa bình, an ninh ở Biển Đông còn bị đe dọa nghiêm trọng hơn gấp bội khi Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo và thực thể mà họ chiếm đóng phi pháp trên vùng biển này. Các chuyên gia quân sự cho rằng, ý đồ quân sự hóa các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép đã quá rõ khi Bắc Kinh muốn biến chúng thành các căn cứ quân sự hòng phục vụ cho toan tính độc chiếm Biển Đông.
Nhân lên sức mạnh đoàn kết
Các chuyên gia của tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết, Trung Quốc tính tới nay đã triển khai đến các đảo nổi nhân tạo đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập do họ bồi đắp trái phép ở Trường Sa các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B hiện đại nhất, có khả năng tấn công các tàu ở khoảng cách 550 km. “Cặp bài trùng” với YJ-12B là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B có tầm bắn lên đến 300 km.
Mới đây nhất, Công ty ImageSat International (ISI) của Israel ngày 24-11 vừa qua đã đăng trên tài khoản Twitter của mình hình ảnh vệ tinh chụp ngày 18-11 cho thấy một vật thể có hình dạng khí cầu bay trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm dùng khí cầu kể từ năm 2017. Các khí cầu lớn gắn radar có thể phát hiện máy bay bay thấp đang đến gần.
Việc triển khai các trang thiết bị vũ khí hiện đại trên tới các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, theo các chuyên gia quân sự, bên cạnh việc nhằm giám sát tàu, thuyền qua lại còn phục vụ cho toan tính tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Một khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông, mọi máy bay bay qua vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí và chịu sự kiểm soát của Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế đương nhiên không công nhận bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ đã triển khai tàu chiến và máy bay đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, coi đó là hành động thực tế bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có đủ sức mạnh và tiềm lực để bác bỏ chủ quyền phi pháp của Trung Quốc như vậy. Chính vì thế, tất cả các quốc gia, trước hết các quốc gia ASEAN, cần đoàn kết, cất lên tiếng nói chung cùng hành động đoàn kết để nhân lên sức mạnh ngăn chặn tham vọng chủ quyền “vô đáy” của Trung Quốc.
0 comments