Tin Việt Nam – 05/12/2019
Thursday, December 5, 2019
7:43:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Bắt giữ gần 70 tấn thuốc bắc nhập lậu
từ Trung Quốc nghi chứa chất độc hại
Bộ Công an vừa bắt giữ gần 70 tấn thuốc bắc nhập lậu từ Trung Quốc, nghi chứa chất độc hại.Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03, thuộc Bộ Công an hôm 5/12 cho báo chí biết, vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt quả tang, triệt phá đường dây tổ chức buôn lậu dược liệu với số lượng lớn từ Lạng Sơn về các tỉnh miền Bắc tiêu thụ.
Cũng theo Bộ Công an Việt Nam, số dược liệu vừa nói bị phát hiện sau khi tổ chức khám xét nhiều xe tải tại khu vực cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn và một số kho chứa hàng tại xã Đình Bảng ở Từ Sơn, Bắc Ninh và xã Ninh Hiệp Gia Lâm, Hà Nội.
Tin cho biết, công an đã thu giữ hàng trăm bao nguyên liệu thuốc bắc với trọng lượng hàng chục tấn. Theo lời khai ban đầu của nhóm người vận chuyển, số dược liệu được nhập lậu từ Trung Quốc về Lạng Sơn, sau đó vận chuyển về các kho chứa tại Bắc Ninh và huyện Gia Lâm, Hà Nội rồi chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh thành khác.
Cơ quan chức năng còn phát hiện dấu hiệu nghi ngờ số dược liệu này có chứa chất bảo quản, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người. Hiện công an đã mời chuyên gia Cục Y dược thuộc Bộ Y tế lấy mẫu dược liệu này để phân tích.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nearly-70-tons-of-chinese-pharmaceutical-stuff-from-china-suspected-of-containing-toxic-substances-12052019083519.html
Đồn biên phòng “tạm thu” vật quý
do người dân vớt được
Tin Vietnam.- Báo Pháp luật ngày 4 tháng 12 năm 2019 loan tin, sau khi nghe tin người dân vớt được những bức tượng “lạ” nghi là đồ quý hiếm nên đồn biên phòng của tỉnh Cà Mau đã liền tới tịch thu mà không lập biên bản.Cụ thể, vào lúc 2 giờ chiều ngày 2 tháng 12 năm 2019, trong lúc mò ốc móng tay ở cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Hồng Trợ đã vớt được một bức tượng có thân hình rùa, đầu hình rồng, bên trong trong có chứa nhiều vật lạ. Bức tượng này có màu vàng đồng, nặng 9,6kg.
Đến ngày hôm sau, báo chí đã đăng thông tin về sự việc khiến đồn biên phòng cửa biển Vàm Xoáy biết. Ngay lập tức, chiều ngày 3 tháng 12, các viên chức đồn biên phòng Vàm Xoáy đã cùng công an xã Đất Mũi đến nhà ông Trợ lập biên bản và thu giữ pho tượng.
Trước đó, vào tháng 7 năm 2019, hai thanh niên ở xã Đất Mũi cũng đã vớt được một pho tượng lạ ở cửa biển Vàm Xoáy, gần chỗ ông Trợ nhặt được bức tượng trên. Pho tượng này có hình con tỳ hưu hai đầu, màu vàng, nặng 25kg, và bên trong pho tượng chứa nhiều vật lạ. Ngay sau khi biết tin, đồn biên phòng Cái Đôi, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã đến cướp với giải thích là “tạm thu”.
Đến nay đã gần 5 tháng trôi qua, hai thanh niên trên vẫn chưa nhận lại được bức tượng, và cũng không nhận được bất kì thông tin gì về pho tượng từ phía đồn biên phòng Cái Đôi.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/don-bien-phong-tam-thu-vat-quy-do-nguoi-dan-vot-duoc/
Thêm đường dây ma túy lớn xuyên quốc gia bị bắt
Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Bộ Công an Việt Nam cùng Lực lượng Cảnh sát Đài loan vừa tiến hành kiểm tra và bắt giữ đường dây buôn bán vận chuyển ma túy tại một số địa điểm ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), trong đó nhiều người mang quốc tịch Đài Loan và người Việt Nam.Mạng báo Thanh Niên loan tin ngày 12/5, theo đó cơ quan chức năng được báo về một nhóm người mang quốc tích Đài Loan đang điều hành đường dây mua bán và vận chuyển ma túy từ nước ngoài tập kết về Việt Nam để chuẩn bị xuất sang Đài Loan. Từ đó, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (C04) đã tiến hành kiểm tra một nhà kho tại khu vực TPHCM phát hiện và thu giữ gần 450 bánh heroin với giá trị hơn 6 triệu USD.
Cơ quan điều tra triển khai giám sát 24/24 các địa điểm có nghi ngờ đang cất giấu số lượng ma túy và triệu tập 12 người tình nghi có liên quan vụ vận chuyển ma túy xuyên quốc gia này.
Được biết, đường dây ma túy này nằm trong diện điều tra mở rộng của một đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia cũng bị phát hiện tại TPHCM hồi tháng 3 vừa qua.
Trước đó vào ngày 27/3 lưc lượng cảnh sát giao thông TPHCM đã kiểm tra một chiếc xe tải chạy từ quốc lộ 22 hướng từ Thủ Đức về An Sương và phát hiện trên xe tải có 5 thùng giấy trong đó có chứa 900 bánh heroin với tổng cộng hơn 300 kilogram. Số ma túy này được xác định của ông Trần Vĩ, 33 tuổi người mang quốc tịch Đài Loan cầm đầu và ông này khai vận chuyển số lượng ma túy trên giao cho một người tại huyện Hóc Môn, TPHCM.
Tính đến thời điểm hiện nay, cơ quan chức năng Việt Nam và Đài Loan đã bắt giữ và thu về tổng cộng hơn 1300 bánh heroin, bắt giữ hàng chục người Đài Loan và Việt Nam liên quan đường dây buôn bán vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-ministry-of-public-security-seized-a-huge-cross-country-drug-line-12052019074009.html
Người dân Hà Tĩnh kêu cứu
vì Formosa dùng chất thải san lấp đất
Tin Vietnam.- Ngày 4 tháng 12 năm 2019, thông tin trên facebook có tên Din Phạm cho biết, hai tuần qua người dân tổ dân phố Tây Yên, gần khu vực khu công nghiệp Vũng án, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh rơi vào trạng thái bất mãn vì phát hiện chất thải của nhà máy Formosa đang được đổ ồ ạt ra môi trường.Theo đó, đơn vị thực hiện đổ chất thải là công ty năng lượng An Việt Phát. Hành động này được giải thích là công ty đang thực hiện san lấp mặt bằng cho dự án mới.
Một công nhân của nhà máy Formosa xác nhận, thứ mà công ty An Việt Phát dùng để san lấp mặt bằng chính là chất thải của nhà máy Formosa.
Theo người dân Tây Yên chất thải mà công ty năng lượng An Việt Phát đổ ra môi trường gần khu vực họ sống có mùi rất hôi, khiến họ khó chịu và hoang mang. Nhiều người dân nghi ngờ, những chất thải này chưa được giải quyết nên nó sẽ gây nguy hại đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước, và sẽ để lại hậu quả khôn lường về sau.
Vì khu vực san lấp chất thải rất gần với khu dân, đặc biệt là người dân tổ dân phố Tây Yên.
Hiện tại, người dân ở khu vực gần nơi san lấp chất thải Formosa đang tiến hành làm đơn gửi lên cấp có thẩm quyền đề nghị họ vào cuộc làm rõ các vấn đề như: Số chất thải trên đã được giải quyết trước khi mang đổ ra môi trường chưa? Cơ quan nào chịu trách nhiệm cai quản?
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-ha-tinh-keu-cuu-vi-formosa-dung-chat-thai-san-lap-dat/
LS Trần Hồng Phong: ‘Không loại trừ
cạnh tranh chính trị trong vụ Hồ Duy Hải’
Mỹ HằngBBC News Tiếng ViệtLuật sư của tử tù Hồ Duy Hải, ông Trần Hồng Phong, phân tích lý do vì sao vụ án kéo dài 12 năm rồi thình lình được yêu cầu điều tra lại từ đầu.
Vụ án bắt đầu cách đây 12 năm, qua nhiều lần xét xử, thu hút sự chú ý công luận trong nước và quốc tế, với mẹ của bị cáo nhiều năm đi khắp nơi kêu oan cho con, mãi tới 30/11/2019 mới được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.
Vụ án Hồ Duy Hải để kéo dài quá lâu như vậy là không thể chấp nhận được và cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam…LS Trần Hồng Phong
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt qua email hôm 4/11, luật sư Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, cho hay:
”Quyết định của VKSNDTC tuy chưa kết luận điều gì, nhưng có thể nói có ý nghĩa mang tính bản lề và chuyển biến sau 12 năm gia đình mòn mỏi kêu oan, tố giác và chờ đợi. Cụ thể là mở ra cơ hội để điều tra lại, và có thể là sẽ truy tố và xét xử lại (nếu cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam vẫn xác định Hồ Duy Hải là nghi phạm gây án). Đây cũng chính là cơ hội để gia đình và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, hướng đến mục tiêu giải oan, trắng án cho Hải.”
Mẹ Hồ Duy Hải: “Từ hiền lành chất phác tôi thành người đàn bà dữ dằn.”
Số phận tử tù Việt Nam so với tử tù Mỹ
Choáng ngợp trước những bức tranh do tử tù vẽ
Tôi cho rằng việc vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân: trước hết là áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các luật sư (qua đơn từ) – mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý; từ các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất luận thế nào, thì việc kháng nghị của VKSNDTC thực sự là một tin vui.
BBC:Báo chí gần đây đưa tin là quá trình xét xử vụ án Hồ Duy Hải có quá nhiều thiếu sót và khúc mắc. Ông nhận định gì về thông tin này?
LS Trần Hồng Phong: Đúng từ mà nói, thì đó là sự “vi phạm” và “sai phạm” một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án. Nói “thiếu sót” là quá nhẹ và không đúng về bản chất. Bản thân gia đình Hồ Duy Hải và tôi đã gửi đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Thực ra thông tin trên báo chí về những sai phạm và vi phạm trong vụ án này đã từng được đăng tải rất nhiều vào thời điểm cuối năm 2014 đầu năm 2015, khi Hồ Duy Hải được tạm hoãn thi hành án tử hình một cách ngoạn mục và may mắn.
Nhưng sau đó sự việc gần như bị “chìm xuồng” khi các cơ quan có thẩm quyền không có động thái nào. Điều này đã thúc đẩy gia đình Hồ Duy Hải và các luật sư phải rất kiên trì và cương quyết trong quá trình kêu oan cho Hồ Duy Hải. Tôi nghĩ rằng với quyết định kháng nghị lần này, báo chí tại Việt Nam chắc chắn sẽ đưa tin và phân tích nhiều về vụ án này một lần nữa. Vài ngày qua tôi đã nhận được khá nhiều câu hỏi, liên hệ của các phóng viên. Gia đình Hồ Duy Hải cũng vậy.
BBC:Việc tiếp theo của cơ quan tố tụng cần làm là gì, theo ông?
LS Trần Hồng Phong: Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam, sau khi có kháng nghị giám đốc thẩm, trong thời hạn bốn tháng, Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao sẽ tổ chức một phiên tòa gọi là “phiên tòa giám đốc thẩm” để xem xét các vấn đề và yêu cầu nêu trong quyết định kháng nghị của VKSNDTC.
Hội đồng thẩm phán sẽ xem xét toàn diện vụ án mà không bị hạn chế trong phạm vi nào. Hội đồng thẩm phán sẽ đưa ra quyết định của mình bằng hình thức bỏ phiếu, thể hiện tại một văn bản gọi là Quyết định giám đốc thẩm. Phiên tòa giám đốc thẩm có sự tham gia của đại diện VKSNDTC và cũng có thể họ sẽ mời luật sư bào chữa tham gia.
Trong Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán giám đốc thẩm, sẽ thể hiện nội dung chấp nhận hoặc không chấm nhận quyết định kháng nghị (yêu cầu) của VKSNDTC. Nếu chấp nhận kháng nghị, tức là sẽ chính thức hủy cả hai bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) kết tội đối với Hồ Duy Hải và trả hồ sơ về cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại, theo hướng khắc phục những sai sót, vi phạm trước đây.
Theo tôi khả năng này cao và trong tình huống này Hồ Duy Hải sẽ lại trở thành một “bị can” chứ không là “tội phạm” như hiện nay nữa.
Trong quá trình điều tra lại, nếu không có đủ căn cứ kết tội Hồ Duy Hải, thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ban hành quyết định đình chỉ vụ án. Tức là Hồ Duy Hải sẽ được tuyên bố là không phạm tội. Còn nếu vẫn kết tội thì Hồ Duy Hải sẽ bị đưa ra xét xử lại, từ sơ thẩm, rồi phúc thẩm.
Nói chung phía trước vẫn còn cả một chặng đường khá dài với nhiều khả năng, tình huống.
BBC:Vậy thì dự tính của gia đình và của luật sư cho những bước pháp lý kế tiếp là gì?
LS Trần Hồng Phong: Trước hết là phải chờ kết quả của phiên tòa giám đốc sắp tới. Từ đó mới có những bước đi cụ thể tiếp theo. Nếu Hồ Duy Hải tiếp tục bị truy tố sau khi điều tra lại, thì tôi và các luật sư đồng nghiệp sẽ nghiên cứu hồ sơ theo kết quả điều tra mới để bào chữa cho Hồ Duy Hải tại các phiên tòa xét xử.
Tôi cũng sẵn sàng cho tình huống có thể được mời tham dự phiên tòa giám đốc thẩm. Trong trường hợp này, tôi sẽ trình bày và bảo vệ quan điểm kêu oan (đã nêu trong các lá đơn) cho Hồ Duy Hải.
Cá nhân tôi cũng đã dự liệu các tình huống có thể xảy ra và hướng “ứng phó”. Cụ thể như thế nào thì đây là vấn đề mang tính chiến thuật, linh hoạt và cũng cần bảo mật để bảo đảm sự hiệu quả. Tuy nhiên dù thế nào, thì cũng không ngoài mục tiêu là chứng minh và bảo vệ tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải, chứng minh khả năng Hồ Duy Hải vô tội (tức là đã bị kết án oan). Cố gắng tìm ra hay tiếp cận sự thật khách quan, góp phần tìm ra hung thủ thật sự trong vụ án.
Đối với gia đình Hồ Duy Hải, tôi nghĩ cũng không ngoài lộ trình trên.
BBC: Luật sư có thể phác họa một vài kịch bản khả dĩ có thể xẩy ra cho vụ án, từ tốt nhất đến xấu nhất?
LS Trần Hồng Phong: Theo tôi, tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của VKSNDTC. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác. CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Hồ Duy Hải. Tức là Hồ Duy Hải vô tội và đã bị kết án oan. Cá nhân tôi tin tưởng đây là một khả năng cao, nhất là nếu CQĐT tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.
Còn trường hợp xấu nhất thì nói thật là tôi không nghĩ tới và cũng không tin sẽ xảy ra. Vì tôi là người đã nghiên cứu rất sâu về hồ sơ này, nên tôi có cơ sở để tin rằng hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải, ít nhất là theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay. Nếu nghĩ xấu đi, tôi đã không cố gắng kêu oan cho Hồ Duy Hải như đã từng trong nhiều năm qua.
BBC: Trong thời gian hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, luật sư có được tiếp xúc đầy đủ với thân chủ để bào chữa, có điều kiện cố vấn tốt nhất cho Hồ Duy Hải không?
LS Trần Hồng Phong: Thật đáng ngạc nhiên là tôi và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải ở giai đoạn kêu oan hiện nay đều không được gặp Hồ Duy Hải trong suốt thời gian qua. Mặc dù đã có đơn đề nghị.
Nói một cách khách quan, thì luật sư bị hạn chế rất nhiều và kém hiệu quả khi không được tiếp xúc, trao đổi với thân chủ. Mặc dù về lý thuyết theo quy định thì đây là quyền của luật sư.
Trên thực tế, các luật sư cũng không được tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án. Nhiều tài liệu đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Chẳng hạn như nay đọc kháng nghị của VKS tôi mới biết là Hồ Duy Hải có bản khai không nhận tội ngày 20/3/2008 ngay trước khi bị bắt. Lâu nay tôi cứ nghĩ bản khai ngày 21/3/2008 là bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải.
BBC:Mười hai năm là một chặng đường rất dài. Tại sao phải cần một thời gian dài như thế để giải quyết một vụ án bằng đề nghị điều tra lại từ đầy ? Điều này cho thấy gì về ngành tư pháp của Việt Nam?
LS Trần Hồng Phong: Đây là một câu hỏi mà tôi muốn chuyển cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tư pháp của Việt Nam. Tôi chỉ nói ngắn gọn là việc để kéo dài quá lâu như vậy là không thể chấp nhận được và cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam về thời gian giải quyết đơn tố giác cũng như vấn đề trách nhiệm và thực thi trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Vụ án Hồ Duy Hải là một điển hình về thực trạng này.
Là một luật sư đã có gần 20 năm hành nghề, tôi thật sự thấy buồn khi nói về thực trạng của ngành tư pháp Việt Nam lúc này. Nói một cách đơn giản là đã không vận hành và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến sự mất niềm tin của người dân vào sự công minh và khách quan của Tòa án, Viện kiểm sát, công an. Thật nguy hiểm khi sự vi phạm pháp luật của không ít cán bộ công chức tư pháp lại nhân danh pháp luật, dẫn đến những hậu quả, oan sai và ảnh hưởng đến uy tín của ngành tư pháp.
BBC:Qua kinh nghiệm thụ lý hồ sơ của Hồ Duy Hải, luật sư rút ra được kinh nghiệm gì trong việc hành nghề luật trong môi trường pháp lý tại Việt Nam?
LS Trần Hồng Phong: Kinh nghiệm trong vụ án Hồ Duy Hải là phải nghiên cứu hồ sơ thật sâu, chịu khó xác minh, điều tra một cách độc lập, tự tin. Và phải bền bỉ, kiên cường. Phải có niềm tin vào công lý, vào pháp luật. Luật sư cũng cần có khả năng viết và phân tích pháp lý tốt.
Kinh nghiệm trong hành nghề luật sư theo tôi là không nên thỏa hiệp với cái sai, cái ác. Dù hành nghề luật sư ở Việt Nam rõ ràng có nhiều hạn chế và thực sự nhiều khi rất khó khăn, khắc nghiệt, vai trò của luật sư trong nhiều trường hợp rất “thảm hại”, nhưng tôi nghĩ đã làm nghề thì phải cố gắng thay vì chỉ có than vãn. Nếu làm luật sư mà không có niềm tin, thì làm vì cái gì?
Diễn tiến vụ án Hồ Duy Hải
Luật sư Trần Hồng Phong tóm lược
Trong đêm ngày 13/1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau. Tại hiện trường cơ quan điều tra (CQĐT) thu được nhiều dấu vân tay của hung thủ. CQĐT đã triệu tập nhiều nghi can, trong đó có một người tên là Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng. Tuy nhiên sau đó tất cả đều được thả.
Hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải, một thanh niên nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km bị bắt giữ.
Sau đó Hồ Duy Hải bị truy tố và đưa ra xét xử về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”. Cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội giết người.
Theo cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng, Hồ Duy Hải đã dùng dao và thớt có tại Bưu điện để sát hại hai cô gái. Thời gian gây án vào lúc 20h30 tối và nhân chứng Đinh Vũ Thường là người đã nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện lúc 19h39 (ngay trước khi gây án). Tuy nhiên tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan.
Theo các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, trong đó có tôi, cho rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm (hung thủ là người khác). Cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay (kết luận dấu vân tay tại hiện trường không trùng khớp với vân tay của Hồ Duy Hải). Trong khi điều này cho thấy chắc chắn hung thủ hoặc ít nhất tại hiện trường phải có một người khác. Mặt khác dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại hai nạn nhân, nhưng khi khám nghiệm hiện trường CQĐT không hề thu giữ được tang vật nào như vậy. Mà chỉ sau khi bắt Hải thì cho người ra chợ mua dao và thớt để “minh họa” cho “hành vi phạm tội” của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Sau khi bị tuyên án tử hình, trong tù Hải kêu oan, ở ngoài thì mẹ Hải là bà Nguyễn Thị Loan chạy nhờ luật sư làm đơn, kêu oan cho con mình. Trong giai đoạn này có ba luật sư chính là Nguyễn Văn Đạt (cũng là người bào chữa cho Hải tại các phiên xét xử trước đây), tôi và luật sư Trần Văn Tạo (nguyên Phó giám đốc công an TP.HCM).
Bản thân tôi trong quá trình này đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có anh Đinh Vũ Thường là người mà CQĐT cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Anh Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng. Điều này chứng tỏ CQĐT đã bịa đặt ra tình tiết anh Thường nhìn thấy Hồ Duy Hải. Tôi cũng nhận thấy rất bất thường khi toàn bộ những thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, chỉ còn đúng một chữ ‘Nghị” trong một bản cung. Trong khi đây là nhân vật từng bị xem là nghi can hàng đầu, báo chí đăng rất chi tiết khi vụ án vừa xảy ra.
Theo đó, tôi đã hỗ trợ gia đình Hồ Duy Hải lần lượt làm các đơn đề nghị giám đốc thẩm (từ năm 2011), đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị (từ năm 2015) và tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án (từ năm 2017) gửi đến Tòa án nhân dân tối cao và VKSNDTC, đề nghị giám đốc thẩm, kêu oan cho Hồ Duy Hải. (Ghi chú: để tránh hiểu sai, ngoài tôi, còn có luật sư Nguyễn Văn Đạt cũng làm đơn đề nghị giám đốc thẩm; và có thể có luật sư nào khác nữa mà tôi không biết).
Cuối năm 2014, Hồ Duy Hải đã suýt nữa thì bị thi hành án tử hình.
Sau gần 12 năm kiên trì gửi đơn kêu oan cho con, cuối cùng ngày 22/11/2019 VKSNDTC đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Nội dung phân tích lý do dẫn đến kháng nghị giám đốc thẩm hầu như trùng khớp với những phân tích và kiến nghị của các luật sư.
Như vậy, vấn đề pháp lý then chốt trong vụ án này là để kết tội được Hồ Duy Hải, phía CQĐT sắp tới đây là giải quyết được những mâu thuẫn nói trên hoặc tìm ra chứng cứ mới chứng minh Hồ Duy Hải hay một ai khác là thủ phạm thật sự. Vì đây là một vụ án giết người nên phải có hung thủ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50655276
Nhà cầm quyền CSVN
muốn thắt chặt thêm kiểm duyệt thông tin
Freedom House nói Việt Nam không có tự do Internet (Ảnh: Freedom House)Tin từ Hà Nội: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam muốn thắt chặt thêm kiểm duyệt thông tin vốn đã hà khắc trong bối cảnh nhiều người dân bất mãn với các chính sách kinh tế-xã hội của chế độ.
Trong hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật báo chí do Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức ở Hà Nội ngày 04/12, một số viên chức nhà nước đã đề nghị xử lý những vi phạm như khai thác thông tin sai sự thật trên mạng, đăng tin theo mạng xã hội mà không kiểm chứng hoặc thông tin báo chí chính thống bị cắt gọt đưa lên mạng xã hội.
Đề nghị này tưởng như hợp lý nhưng thực ra nhằm để bịt miệng những tiếng nói phản biện trên mạng xã hội trong khi không có chế tài để xử lý những tin bịa đặt của báo chí nhà nước cộng sản để bôi xấu giới bất đồng chính kiến hay lừa dối nhân dân và phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó.
Việt Nam với màu đen (không có tự do báo chí) trong bản đồ của RSF năm 2019 (Ảnh: RSF)
Kể từ đầu năm tới nay, chế độ cộng sản Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 21 Facebooker với cáo buộc trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật hình sự vì những bài viết và chia sẻ trên mạng xã hội có nội dung chỉ trích chế độ và cổ suý nhân quyền, dân chủ. Hàng chục người khác bị bắt nộp phạt hành chính vì đưa những tin tức không có lợi cho nhà cầm quyền lên mạng xã hội.
Theo báo cáo năm 2018 của tổ chức Freedom House thì Việt Nam không có tự do Internet còn Ký giả Không Biên giới (RSF) thì Việt Nam đứng gần cuối trong bảng xếp hạng Tự do báo chí Toàn cầu trong nhiều năm gần đây.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-csvn-muon-that-chat-them-kiem-duyet-thong-tin/
Liên kết “6 nhà”
có là giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam?
Bất nhất về liên kết các ‘nhà’!Lâu nay kế hoạch liên kết 4 nhà “Nhà nông – Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp” từng được nói đến rất nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay sự phối hợp giữa “4 nhà” vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Nay ‘hai nhà’ nữa được thêm vào làm dấy lên nghi ngại liệu có đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững như mong muốn hay trái lại khiến tình hình phức tạp thêm.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Đại học Cần Thơ trao đổi với RFA trình bày thực tế liên kết trong nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam:
“Hiện nay liên kết đó không được như mình mong muốn vì sự chặt chẽ trong liên kết không được rõ ràng. Ví dụ người Nông dân hay DN có cam kết về nông sản, nông dân trồng ra doanh nghiệp cam kết họ sẽ mua nhưng đôi khí giá thị trường và thực tế nó không giống nhau nên cam kết đó lỏng lẻo không chặt chẽ ràng buộc nên đôi khi bị bể trong mấy chuyện đó. Hay những yêu cầu của nông dân mà các nhà khoa học không đáp ứng hoặc chính quyền không hỗ trợ, chính quyền với doanh nghiệp hay doanh nghiệp với nhà khoa học không gặp nhau được thì nó bị trở ngại nên giờ mới nghĩ đến chuyện một cơ chế tài chính để bảo đảm cho chuyện đó thì trung gian là nhà băng, mà nhà băng cũng khó vì họ kinh doanh trên tiền mà phải có gì bảo đảm để họ bỏ tiền cho nông dân sản xuất, nhà khoa học nghiên cứu, doanh nghiệp để họ đầu tư thì đều này không được chắc chắn vì họ bỏ tiền phải có thế chấp cho an toàn đồng tiền của họ nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro nên điều này rất là khó.”
Tiến sĩ Tuấn cho biết vì những lý do đó ông sẽ tham dự buổi gặp Thủ tướng vì muốn lắng nghe cách tháo gỡ những vướng mắc mà ông vừa nêu được bàn như thế nào.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp và từng làm hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cũng có nhận định về liên kết trong nông nghiệp lâu nay tại Việt Nam:
“Thật sự trong xã hội mình chỉ có 3 nhà mà thôi, đại bộ phận dân chúng là người lao động sản xuất ra hàng hóa thì phải sinh ra doanh nghiệp để đi bán nên muốn 2 nhà liên kết nhịp nhàng thì phải có nhà thứ 3 là nhà nước phải có chính sách khuyến khích để 2 nhà kia làm tốt. Rồi sau đó không được mới thêm nhà khoa học vô mới ra được nhà thứ 4, thấy cũng tạm đủ rồi lại thêm nhà băng nên thành ra càng kéo vô càng lủng củng nhưng mình khuyến khích dù mấy nhà đi nữa thì làm theo chuỗi giá trị chứ giờ mạnh ai nấy làm sao được.”
Còn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển- Nông thôn thì cho rằng việc liên kết là điều thật sự cần thiết cho sản xuất nông nghiệp Việt nam.
“Trước kia chúng ta liên kết Nông dân và Doanh nghiệp sau đó tăng lên 4 nhà và thông thường các liên kết này là ngắn hạn một chiều theo hình thức hợp đồng như DN mua nông sản của nông dân rồi cung cấp lại vật tư có thể ứng trước hay vay vốn. Thì những liên kết này cũng thành công vì không thì VN không thể phát triển sản xuất như trong thời gian vừa qua, xuất khẩu hàng hóa lên tới hơn 40 tỷ USD như hiện nay được. Tuy nhiên mức phát triển ấy so với nhu cầu hiện nay thì chưa đủ. Rõ ràng nếu vẫn liên kết kiểu ngắn hạn chỉ dựa vào mưa đứt bán đoạn như thế thì dù có tăng số lượng liên kết lên cũng không đủ.”
Vấn nạn của nông nghiệp Việt Nam
Tin ghi nhận được cho thấy trước hội nghị diễn ra vào ngày 10 tháng 12 tới đây, hàng ngàn câu hỏi của bà con nông dân cả nước cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học…được gửi đến cơ quan chức năng. Hầu hết tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn như tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp giá trị cao, phát triển bền vững; vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ thêm những khó khăn của nông dân:
“Hiện nay người nông dân họ không biết họ sẽ trồng gì, nuôi gì để có hiệu quả, dựa vào thị trường bất ổn nếu người nông dân nghe bên TQ họ đang cần gì thu mua gì thì họ trồng….họ khuyến khích nông dân trồng đi họ mua hết nhưng đến khi thu hoạch TQ trở mặt không mua hay đưa ra điều kiện ngặt nghèo khác thì người thu mua lỗ rồi nông dân lỗ theo, không mua nông dân nữa hay ép giá người nông dân, khi đó các nhà khoa học cũng khong thể giúp nông dân trong chuyện này vì nó phụ thuộc vào thị trường mà.”
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cũng chỉ ra những khó khăn mà người nông dân phải đối mặt.
“Đầu tiên sợ nhất là vấn đề thị trường, họ không biết về thông tin thị trường, không biết chính sách bối cảnh tương lai của thị trường, không biết nhu cầu của khách hàng và lại càng không biết những chính sách tại các nước mà thu mua nông sản VN họ đối xử như thế nào với hàng hóa đó là khó khăn nhất. Thứ hai là họ thiếu vốn nên họ dựa vào các thương lái để mua vật tư nông sản rồi lại vay vốn hay ứng trước của thương lái với lãi suất rất cao. Thứ ba mảnh đất của họ quả nhỏ nên việc sản xuất không lớn nên khó mà hợp lại với nhau thành hàng hóa độc nhất về tiêu chuẩn chất lượng.”
Ngoài ra còn khó môt chuyện nữa là công nghệ tương đối lạc hậu, nhất là về giống, các hoạt động nghiên cứu phát triển của VN chưa đủ mạnh đáp ứng yêu cầu của người nông dân và cuối cùng là cơ sở hạ tầng, khó khăn về kho hàng bến bãi, đường xá vận chuyển… nên nhìn chung người nông dân VN khó khăn khá nhiều phương diện.
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, ngành Nông nghiệp Việt Nam chưa nhận được nguồn đầu tư đầy đủ:
“Doanh nghiệp VN là đội ngũ năng động tuy nhiên chỉ có 8% doanh nhân VN đầu tư vào các lãnh vực nông nghiệp kể cả chế biến và kinh doanh mà tính về các DN tham gia sản xuất thì chỉ được 1% nên hầu như các DNVN không tham gia vào sản xuất nông nghiệp vì lý do lợi nhuận trong nông nghiệp rất là thấp và rủi ro cao nên những DN tham vào lĩnh vực sản xuất là những người anh hùng. Khó khăn của họ là về đất đai vì rất khó có thể tập trung diện tích đủ lớn để sản xuất quy mô lớn và những khu vực nông nghiệp thì cơ sở hạ tầng giao thông rất là khó khăn.”
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc
Theo các chuyên gia nông nghiệp vấn đề liên kết nhiều “nhà” lại thành hệ thống chuỗi giá trị là điều không hề đơn giản với cơ chế thị trường hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi chỉ ra được những khó khăn họ có một số đề xuất như trỉnh bày của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn
“Dù chúng ta liên kết 2 nhà hay 4, 6 hay nhiều hơn nữa thì muốn đạt được hiệu quả phải làm được 2 chuyện, thứ nhất tổ chức lại thể chế, liên kết các nhà lại với nhau và bản thân trong từng nhà cũng phải liên kết được rồi giữa các nhà liên kết với nhau trong chuỗi giá trị. Thứ hai là toàn bộ liên kết ấy phải hoạt động trên cơ chế thị trường, trước đây chúng ta đã làm nhiều liên kết khác nhau rồi mà hiệu quả đem lại thì có cái được và cái không được nên trong tương lai mà chúng ta muốn liên kết quy mô lớn hơn, hiệu quả cao thì cần chấn chỉnh lại cả về tổ chức thể chế và cơ chế thị trường, cơ chế kết nối các nhà lại với nhau.”
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề nghị cần mạnh dạn xóa bỏ những rào cản do qui định, đặc biệt là Luật Đất đai:
“Tại các quốc gia khác người nông dân có thể mua những mảnh đất lớn hơn nên họ vừa sản xuất vừa là doanh nghiệp, tự bán tự tìm kiếm thị trường và có số vốn nhất định để mạo hiểm đầu tư trong những chuyện đó thì cơ may nó sẽ tốt hơn, nếu có vấn đề họ sẽ thuê hẳn kỹ sư hay nhà khoa học giúp vận hành điều đó tốt hơn, đó là cơ chế chung”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-link-6-houses-has-been-effective-in-agricultural-production-12042019151138.html
Việt Nam nhiều lần phá vỡ cam kết với Úc
khi bỏ tù 3 người vượt biên sang Úc bằng tàu cá
Cao NguyênNgày 27/11/2019, có ba người trong nhóm 17 người vượt biên sang Úc bị trả về đã bị toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình tuyên án tổng cộng là 16 năm tù giam về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Ba người nhận án tù là Trần Ngọc Châu với 7 năm tù, 5 năm tù với Nguyễn Trung Kiên và 4 năm 6 tháng đối với Phạm Thế Nhân.
Theo báo chí nhà nước, vào tháng 6/2018, Châu và Kiên tìm cách vượt biên sang Úc để làm ăn. Cả hai tìm gặp Nhân là chủ tàu cá QB91269TS và thỏa thuận mua tàu với giá 1,7 tỷ đồng. Nhân đồng ý nhận lời đi Úc cùng hai người. Châu và Kiên đồng thời cũng tìm thêm được 14 người khác cũng tham gia, trong đó có một người mới 15 tuổi.
Ngày 29/7/2018, nhóm 17 người này khởi hành từ cảng Đà Nẵng. Ngày 25/8/2018, họ đến Úc và bị cảnh sát Úc bắt vào ngày 26/8/2018 và trục xuất về Việt Nam.
Một người yêu cầu được giấu tên trong nhóm 17 người vượt biên sang Úc nói với RFA rằng sau khi đến Úc, họ bị bắt đưa đến đảo Christmas rồi bị trả về Việt Nam vào ngày 14/9/2018. Tuy nhiên, trước khi về, giới chức làm việc với nhóm người này nói rằng sẽ không có ai bị ngược đãi hay bắt bỏ tù. Đó là cam kết giữa chính phủ hai nước Úc và Việt Nam.
“Chính phủ Úc có cam kết là không ra tòa, không bỏ tù 17 người này nhưng về Việt Nam thì bị xử. Tôi không bị án nhưng bị ra làm chứng vì là người có liên quan.
Tất cả 17 người đều làm việc hết. Họ nói là họ trả mình về Việt Nam và họ cam kết là ở bên đây chính phủ Việt Nam không bắt không có ai bắt bỏ tù các anh. Họ cam kết như vậy.
Lúc ra tòa tòa có đọc cam kết giữa Úc và Việt Nam. Tòa nói Úc cam kết thì không bỏ tù nhưng mà những người này là tổ chức.”
Chúng tôi đã gởi email đến Đại sứ quán Úc tại Việt Nam để yêu cầu họ bình luận về vụ việc này nhưng không nhận được hồi đáp.
Việt Nam đã nhiều lần “nuốt lời” khi bỏ tù những người vượt biên bị phía Úc trả về. Phía đại diện Việt Nam và Úc cũng đưa ra lời hứa tương tự với những người trong chuyến tàu bị Úc trả về hồi năm 2016.
Cũng trong năm 2016, một nhóm 46 người dùng tàu cá vượt biên vào Úc từ Phan Thiết. Có 4 người trong nhóm này đã bị chính quyền Việt Nam khởi tố và kết án từ 24 đến 30 tháng tù giam vì tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Những bị can trong cụ án này cũng nói rằng họ được cam kết sẽ không bị ngược đãi hay bỏ tù khi trở về.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-breaks-commitment-with-australia-to-jail-returnees-12052019075621.html
Bộ Ngoại giao: sẽ xác minh thông tin
tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/12 lên tiếng phản ứng trước thông tin Trung Quốc cho triển khai khinh khí cầu ra Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, và cho biết sẽ xác minh thông tin về việc tàu hải cảnh Trung Quốc quay lại vùng biển của Việt Nam.Trước đó, các báo của Philippines và trang tin South China Morning Post đăng các ảnh vệ tinh chụp được hôm 18/11 cho thấy Trung Quốc đã triển khai khinh khí cầu ra quần đảo đang tranh chấp để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo phục vụ mục đích quân sự tại đá Vành Khăn.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm, xây dựng trong việc duy trì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Bà Hằng đông thời cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền đối với toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi về việc tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc vừa quay lại vùng biển Việt Nam vào hồi cuối tháng 11 đầu tháng 12 vừa qua, bà Hằng nói: “chúng tôi sẽ xác minh thông tin này”. Bà Hằng cũng nói các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tàu hải cảnh 35111 là tàu đã vào vùng biển gần Bãi Tư Chính của Việt Nam từ hồi giữa tháng 5 cho đến tháng 10 vừa qua để quấy nhiễu các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại đây.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ chính thức lên tiếng xác nhận vài tuần sau khi có tin trên các trang mạng xã hội về sự xuất hiện của các tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mofa-to-verify-info-about-chinese-boat-returned-to-vn-waters-12052019083847.html
Việt Nam bác tin người Việt mua đất,
đe dọa chủ quyền của Campuchia
Thông tin về việc người Việt ở Biển Hồ của Campuchia được di dời và đang tìm cách mua đất, đe dọa chủ quyền của xứ chùa tháp là không có cơ sở. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/12 lên tiếng xác nhận như vậy khi được hỏi về những thông tin trên báo chí Campuchia về vấn đề này.Hồi tuần trước, từ Camphuchia có tin đồn cho rằng người Việt sống trên dòng Tonle Sap thuộc tỉnh Kampong Chhnang được di dời lên bờ đang tìm cách lấy đất của người bản xứ.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam thông hiểu chủ trương phát triển kinh tế – xã hội bền vững của Campuchia, trong đó có việc di dời người dân khỏi khu vực Biển Hồ nói chung. Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia luôn theo dõi sát quá trình di dời, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ bà con gốc Việt và kêu gọi bà con tuân thủ luật pháp của quốc gia sở tại”.
Hôm 27/11, tờ Khmer Times của Campuchia trích lời tỉnh trưởng Kampong Chhnang Chhor Chandoeun bác bỏ các tin đồn là chính quyền tỉnh đang cắt đất cho người Việt bị di dời từ làng nổi trên dòng Tonle Sap (Biển Hồ). Ông Chhor Chandoeun nói tất cả những người Việt này đề là di dân và không có quyền sở hữu đất ở Campuchia.
Theo người đứng đầu tỉnh Kampong Chhnang, có khoảng gần 2.000 gia đình người Việt sinh sống trên 1.700 nhà nổi trên dòng Tonle Sap. Những người này cũng những người Campuchia sống trên Biển Hồ được địa phương di dời đến một khu đất khoảng 40 ha. Chính quyền địa phương dự kiến di dời toàn bộ đến khu mới vào năm ngoái để bảo vệ môi trường nước của dòng sông. Tuy nhiên việc di dời đã bị chậm lại do thiếu cơ sở hạ tầng, đường xá, và chợ cho người dân ở nơi mới.
Giới chức chính quyền Việt Nam và Campuchia đã có nhiều cuộc gặp từ năm ngoái đến nay để thảo luận về phương án đảm bảo cuộc sống cho người Việt phải di dời khỏi Biển Hồ.
Vấn đề người Việt ở Campuchia từ lâu đã là chủ đề nhạy cảm đối với người dân xứ Chùa tháp. Hồi tháng 8 vừa qua, báo chí Campuchia trích lời giới chức nước này cho biết Campuchia đã từ chối yêu cầu cấp quốc tịch cho người Việt ở một số tỉnh theo đề nghị của Hà Nội. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác Quốc tế, Thông tin và Truyền thông Campuchia Chematng Vun nói vấn đề về lãnh thổ và quốc tịch với phía Việt Nam là rất nhạy cảm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mofa-denies-rumors-about-vn-buying-land-in-cambodia-12052019083308.html
Nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật
bị cáo buộc nhận hối lộ
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/12 cho biết đang xác minh thông tin về việc người Việt hối lộ nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Fukuoka để làm giấy tờ cho những người Việt khác.Hôm 3/12, tờ Asahi Shimbun của Nhật cho biết cảnh sát quận Nagata ở Kobe hôm 2/12 đã bắt giữ một phụ nữ Việt có tên Duong Thi The, 34 tuổi, với cáo buộc hối lộ nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Fukuoka để đổi lấy quy chế thường trú nhân tại Nhật cho một số người Việt khác.
Bà The bị cáo buộc đã trả khoản tiền là 150.000 yen Nhật (tương đương 1.370 đô la Mỹ) cho một nhân viên Tổng lãnh sự để có được giấy tờ cho 5 người trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2019. Các giấy tờ này bao gồm chứng nhận kết hôn ở Việt Nam. Giấy tờ này thường không được Tổng lãnh sự quán cấp cho du khách ngắn hạn. Bà The là một nhân viên công ty ở Nagata.
Theo cảnh sát, người phụ nữ đã nhận tội.
Asahi Shimbun dẫn thông tin từ cảnh sát cho biết, từ tháng 5/2016, bà The đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng dưới tên lãnh sự khoảng 200 lần với số tiền lên đến 4 triệu yen.
Người đàn ông, 38 tuổi, được cho là đã nhận hối lộ hiện đã rời Nhật Bản.
Theo luật phòng chống Cạnh tranh Không lành mạnh của Nhật, việc hối lộ các quan chức nước ngoài bị cấm, và người vi phạm có thể nhận án tù 5 năm hoặc phạt tiền lên đến 5 triệu yen, hoặc bị cả hai hình phạt. Tuy nhiên luật không có quy định chế tài đối với giới chức nước ngoài.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-woman-arrested-on-charges-of-bribing-consul-12052019082308.html
Vụ Hồ Duy Hải: Tỉnh muốn trảm, trung ương lắc đầu
Nguyễn HùngSau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao lệnh huỷ án tử hình đối với thanh niên Hồ Duy Hải, trên mạng xã hội xuất hiện video được thu từ một kỳ họp Hội đồng nhân dân Long An cách đây hai năm.
Video được đưa lại trên Facebook dẫn lời ông Đinh Văn Sang, Viện trưởng kiểm sát Long An nói cần “giết quách” tử tù Hồ Duy Hải nhưng có vẻ ông nói “dứt khoát” chứ không phải “giết quách” như người ta dẫn lại.
Đây là những gì ông Sang nói: “Đã nhiều năm, nhiều kỳ rồi, chúng tôi đề nghị chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh tiếp tục kiến nghị với Quốc hội về vấn đề thi hành dứt khoát cái vụ tử tù Hồ Duy Hải.
“Tới hiện nay cũng chưa có xi nhê gì hết, lâu lắm rồi và hổng biết ra làm sao. Đề nghị các cơ quan trung ương ở đây các đồng chí tác động giùm bởi vì giam giữ cái tội này rất cực, phức tạp, ảnh hưởng tình hình chính trị địa phương.”
Điều rõ ràng là người đứng đầu cơ quan công tố muốn nhanh chóng tử hình người mà có lẽ họ biết rằng không gây ra tội ác.
Lý do là dấu vân tay dính máu thu được ở hiện trường không phải là dấu vân tay của ông Hải nhưng chi tiết này bị bỏ ngoài hồ sơ.
Ngoài ra dao và thớt gỗ được cho là dụng cụ gây án không hề được thu tại hiện trường mà là mua ở chợ.
Nhân chứng duy nhất của vụ án nói nhìn thấy Hồ Duy Hải trong bưu điện, hiện trường của vụ hai nữ nhân viên bị giết chết, không được triệu tập. Trên thực tế nhân chứng này không hề quen biết Hồ Duy Hải và từng khai không chắc người ông nhìn thấy có phải là Hồ Duy Hải không.
Trong khi đó người yêu của một trong hai nạn nhân cũng được khai là có mặt tại bưu điện vào đêm xảy ra vụ án lại không hề xuất hiện trong hồ sơ vụ án, theo báo Người lao động.
Còn nhiều sai phạm khác trong quá trình điều tra vậy mà cả toà sơ thẩm và phúc thẩm ở Long An đều kết án tử hình. Người đứng đầu cơ quan tố tụng tỉnh muốn thi hành án càng nhanh càng tốt với đủ thứ lý do không thể dùng từ gì khác hơn là ngớ ngẩn. Thế nào là “giam giữ cái tội này rất cực”? Rồi “phức tạp, ảnh hưởng tình hình chính trị địa phương”? Không rõ đã bao tỉnh giết người vì những lý do này? Một người ăn nói trơ tráo như vậy sao có thể đứng đầu ngành kiểm sát tỉnh?
Ông Sang cũng không phải là người duy nhất đứng ra bảo vệ ngành kiểm sát. Ngay cả người hiện giờ là Phó thủ tướng thường trực, ông Trương Hoà Bình, từng phát biểu khi còn là chánh án nhân dân tối cao hồi năm 2015:
“Điều tra phát hiện ra nghi can Hồ Duy Hải. Hồ Duy Hải cũng nhận tội có giết người. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác minh một số chứng cứ khác để chứng minh lời nhận tội của Hồ Duy Hải. Sau đó, Viện Kiếm sát tiến hành truy tố và đưa ra tòa án xét xử. Tại tòa sơ thẩm bị cáo vẫn nhận tội và bị cáo nhận không có bức cung, nhục hình.”
Tướng Trương Hoà Bình giờ còn là Đại biểu Quốc hội của Long An và không rõ chứng cứ ông nói tới có phải là con dao và chiếc thớt mua ở chợ để cho vào hồ sơ. Nếu không được chủ tịch nước yêu cầu ngưng thi hành án và những người đứng đầu Quốc hội yêu cầu xem xét lại quá trình điều tra, ông Hồ Duy Hải giờ đã chỉ còn là thây ma.
Điều này khiến có những lời kêu gọi bỏ án tử hình. Cây viết Trương Huy San đăng lại những hình ảnh chưa từng công bố của vụ xử tử những người trong vụ án Minh Phụng – Epco và viết:
“Không ai giải oan cho Tăng Minh Phụng, Phạm Huy Phước, Trần Quang Vinh… Mà ngay cả được giải oan họ cũng chỉ còn là nắm đất. Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh liên quan tới đất đai, Minh Phụng, Tamexco… mà so với tham nhũng ngày nay thì chỉ là rất “muỗi”. Bắn không có giá trị răn đe khi chính sách quá màu mỡ cho quan tham đục khoét.
“Thay vì tử hình, kể cả các ủy viên BCT hay bộ trưởng. Đừng điều tra như trò đùa trong các vụ như AVG hay PVN… Có người dân nào tin Bắc Son chỉ nhận 3 triệu USD và Minh Tuấn thì chỉ 200 nghìn bạc lẻ. Làm sao chỉ có Son, Tuấn mà tiêu được 8.900 tỷ đồng. Làm sao tiền hối lộ lại chỉ chi cho cấp cao nhất là hai vị ấy…”
Vụ Hồ Duy Hải chỉ là vụ gần đây nhất chứ không phải là duy nhất trong chuỗi các vụ án oan sai ở Việt Nam. Chuyện ép cung, bắt bị can phải chứng minh mình vô tội thay vì cơ quan tố tụng phải có đủ chứng cớ để buộc tội xảy ra thường xuyên. Ngoài ra sự can thiệp của hệ thống chính trị vào các thẩm phán lớn tới mức khả năng xảy ra án oan ở Việt Nam không còn là điều phải nghi ngờ.
Cách đây nhiều năm khi còn làm cho BBC Tiếng Việt, tôi cũng đã mở diễn đàn cho công chúng bình luận về chuyện nên hay không nên giữ án tử hình. Diễn đàn xuất hiện do công dân Úc gốc Việt Nguyễn Tường Vân bị Singapore kết án treo cổ và sau đó án đã được thi hành vì thanh niên gốc Việt buôn ma tuý.
Diễn đàn dẫn lại lời cựu Thủ tướng Anh Quốc Ted Heath, người từng nói về những người ủng hộ án tử hình rằng: ”Phép thử thực sự là liệu người đó có sẵn sàng là người vô tội bị tử hình hay không?”
Một trong các độc giả từ Canada cũng viết: “Không có ai có quyền tước đi sinh mạng người khác.
“Chỉ có những người lãnh đạo dùng án tử hình để xoá đi các bằng chứng sống về các vấn đề xã hội, để trốn tránh trách nhiệm của mình đối với xã hội.
“Án tử hình không bao giờ có thể giải quyết được các vấn đề xã hội. Nó chỉ kéo xã hội loài người gần hơn về thời nguyên thuỷ, khi con người ta phải chém giết [lẫn] nhau để tranh giành sự sống.”
Cũng có những độc giả phản đối và kiên quyết bảo vệ việc giữ án tử hình. Nhưng phần đông cho rằng xã hội nên rộng lượng hơn với những người phạm tội lần đầu, nhất là những người trẻ tuổi.
Đó là trường hợp đã xác định chắc chắn hành vi phạm tội. Trong trường hợp ông Hồ Duy Hải và nhiều trường hợp điều tra và kết án cẩu thả khác, không có gì có thể biện minh cho chuyện nhiều quan chức khăng khăng đòi tử hình một người mới chỉ bị nghi ngờ chứ không hề chứng minh được rằng họ phạm tội.
https://www.voatiengviet.com/z/1778?withmediaplayer=1
0 comments