Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 09/12/2019

Monday, December 9, 2019 7:06:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 09/12/2019

Mỹ dọa lại Triều tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/12 cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có nguy cơ mất “mọi thứ” nếu nối lại các hành vi thù địch.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump một lần nữa nhấn mạnh, ở Singapore, ông Kim Jong-un đã ký thỏa thuận phi hạt nhân hóa mạnh mẽ và ông ấy sẽ không muốn mất đi mối quan hệ cá nhân đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo hay tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới. Theo ông Trump, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Triều Tiên có một tiềm năng kinh tế to lớn, song nước này phải phi hạt nhân hóa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cùng ngày khẳng định, nước này vẫn luôn mở cửa cho đối thoại, song cũng sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết: “Tôi sẽ không bình luận về các giả thuyết. Công việc của tôi là đảm bảo rằng Mỹ luôn sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng nếu cần thiết.
Tôi tin rằng, ngay trong lúc này, chúng tôi đang ở trạng thái sẵn sàng cao. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ 2 của tôi cũng là tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao. Các cuộc đàm phán luôn mở. Không chỉ Ngoại
trưởng Mike Pompeo, mà cả Tổng thống nhiều lần nói rằng, chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống và muốn đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên”.
Trước đó, cùng ngày, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Bình Nhưỡng đã tiến hành một vụ thử “rất quan trọng” tại bãi phóng Sohae, địa điểm  mà các quan chức Mỹ từng khẳng định Triều Tiên đã hứa sẽ đóng cửa.
Theo KCNA, kết quả của vụ thử thành công đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi vị thế chiến lược của Triều Tiên trong tương lai gần. Dù KCNA không nêu rõ những gì đã thử nghiệm, song các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm tĩnh của một động cơ tên lửa, chứ không phải là một vụ phóng tên lửa.
Diễn biến mới nhất này xảy ra trước thời hạn cuối năm mà Triều Tiên đặt ra để Mỹ từ bỏ yêu cầu phi hạt nhân hóa đơn phương. Bình Nhưỡng đã cảnh báo họ có thể đi một “con đường mới” trong bối cảnh các cuộc đàm phán bị đình trệ với Mỹ.
http://biendong.net/bi-n-nong/31985-my-doa-lai-trieu-tien.html

‘Dự luật của Mỹ về Tân Cương

vi phạm luật pháp quốc tế’

Dự luật mới đây của Mỹ về Tân Cương là một vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sự can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, lãnh đạo Tân Cương cho hay hôm 9/12, cáo buộc Hoa Kỳ khởi động một chiến dịch bôi nhọ.
Reuters cho hay căng thẳng đã bùng phát trong những tuần gần đây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về các vấn đề như cách Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Hồi giáo Uighur và người biểu tình ở Hong Kong, làm phức tạp thêm triển vọng đạt được một thỏa thuận ngắn hạn để chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài 17 tháng.
Mỹ: Hạ viện thông qua dự luật trừng phạt quan chức TQ
Mỹ liệt 28 tổ chức TQ vào danh sách đen vì người Uighur
Video Tiktok dạy làm đẹp gây sốt vì chỉ trích Trung Quốc
Tuần trước, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật đòi hỏi phải có phản ứng cứng rắn hơn đối với việc Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Hồi giáo Uighur. Các chuyên gia và nhà hoạt động của Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đã giam giữ khoảng 1 triệu người Uighur trong các trại ở Tân Cương.
Trung Quốc, nước đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ sự ngược đãi nào đối với người Uighur, nói rằng các trại ở Tân Cương là một phần của cuộc đàn áp chống khủng bố và là nơi đào tạo nghề.
Các biện pháp chống khủng bố ở Tân Cương không khác gì các biện pháp chống khủng bố ở Hoa Kỳ, Chủ tịch Nhân dân Khu tự trị Uighur Tân Cương, ông Shohrat Zakir, nói với các phóng viên ở Bắc Kinh.
Hoa Kỳ đã chọn cách nhắm mắt làm ngơ trước sự ổn định xã hội của Tân Cương, và đang phát động một chiến dịch bôi nhọ, sử dụng các vấn đề ở khu vực này để gây bất hòa giữa các nhóm sắc tộc ở Trung Quốc, ông nói thêm.
Bất kỳ nỗ lực nào để vô hiệu hóa Tân Cương đều phải chịu thất bại, ông Zakir, cũng là phó bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tân Cương, nói.
Các nhóm nhân quyền và những người bị giam giữ trước đây cho biết điều kiện trong các trại rất nghèo nàn, và các tù nhân bị lạm dụng tâm lý và thể xác.
Tại cuộc họp báo của ông Zakir ở Bắc Kinh, những hình ảnh về bạo lực trong quá khứ được trình chiếu là trích đoạn từ một bộ phim tài liệu tiếng Anh, Cuộc chiến chống khủng bố ở Tân Cương, được phát sóng trên đài truyền hình CGTN của nhà nước Trung Quốc.
Dự luật về người Uighur được thông qua với số phiếu 407-1 tại Hạ viện, yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ lên án hành vi đàn áp người Hồi giáo Uighur và kêu gọi đóng cửa các trại ở Tân Cương.
Dự luật này cũng kêu gọi Tổng thống Donald Trump áp dụng các biện pháp trừng phạt lần đầu tiên lên một thành viên của bộ chính trị Trung Quốc, ông Chen Quanguo, Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tân Cương.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50708978

Trong bài xã luận mới, nữ dân biểu Katie Hill

kể lại việc từng nghĩ đến tự tử

sau khi từ chức khỏi Hạ Viện

Trong bài xã luận đăng trên New York Times vào hôm thứ Bảy (07 tháng 12), cựu dân biểu California, Katie Hill, đã tiết lộ về khoảng thời gian cô từ chức khỏi Hạ viện. Trong đó, cô kể lại cuộc hôn nhân “độc hại” với chồng, khoảng thời gian làm việc trong Hạ viện và khoảnh khắc nghĩ đến việc tự tử.
Hill nhớ lại cô đã nhốt mình trong phòng tắm hai ngày sau khi từ chức, và bỗng nhiên nghĩ đến việc tự kết liễu cuộc đời bằng dao. Nhưng trước khi cô định rạch tay, cô đã nghĩ về gia đình, về người ủng hộ cô và những người khác có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định của cô, nên cô đã quyết định dừng lại.
Nhậm chức trong Hạ viện chưa đầy một năm, cô Hill đã từ chức sau khi ảnh khỏa thân của cô bị phát tán trên mạng, và cô bị cáo buộc ngoại tình với một phụ tá trong Hạ viện, và với một phụ tá trong chiến dịch tranh cử, điều mà cô đã gọi là “tiêu chuẩn kép” đối với nam dân biểu.
Cô vẫn khẳng định rằng chồng cô đã phát tán ảnh khỏa thân chụp lúc cô không hay biết, để trả thù trong cuộc hôn nhân “độc hại” của hai người. Khi nói những lời cuối cùng trong họp báo từ chức ở Hạ viện, cô Hill kể rằng cô đã mặc chiếc váy màu đỏ mẹ mua mà cô gọi là đồng phục chiến đấu, để khẳng định với thế giới rằng sự phục vụ của cô với cử tri vẫn chưa kết thúc, mà cô chỉ đang chuyển đến một chiến trường khác.
Cô Hill nói rằng cô không biết điều gì tiếp theo sẽ đến, nhưng vẫn thấy vui vì biết mọi chuyện với cô vẫn chưa kết thúc. (BBT)
https://www.sbtn.tv/trong-bai-xa-luan-moi-nu-dan-bieu-katie-hill-ke-lai-viec-tung-nghi-den-tu-tu-sau-khi-tu-chuc-khoi-ha-vien/

Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn

đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương

trong năm 2020

Trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn được sự báo sẽ trở thành một trong những động lực chủ yếu cho sự phát triển của thế giới trong thời gian tới. Vì vậy, không khó hiệu khi các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ đều sẽ chú trọng và có sự điều chỉnh chiến lược đối với khu vực có tầm quan trọng đặc biệt này.
Sự điều chỉnh chiến lược của Washington và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 2020
Sự điều chỉnh chiến lược đáng chú ý nhất của Mỹ cho đến nay là vào đầu năm 2011, khi đó Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang châu Á – Thái Bình Dương nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược xuyên suốt là tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo thế giới, không để xuất hiện bất cứ đối thủ nào có thể cạnh tranh hay thách thức vị thế số một của Mỹ ở một khu vực được đánh giá là phát triển nhanh và năng động nhất thế giới này. Để thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đã thực hiện một số biện pháp chiến lược. Thứ nhất, Mỹ tăng cường quan hệ liên minh quân sự với các đồng minh truyền thống trong khu vực, như Philippines, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, trong đó liên minh Mỹ – Nhật Bản là cốt lõi của cả hệ thống an ninh trong khu vực. Đồng thời, Mỹ phát triển và tăng cường quan hệ với nhiều đối tác khác trong khu vực, như thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN và quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Theo hướng này, Mỹ tiến hành bố trí lại lực lượng ở Nhật Bản và quyết định mở thêm căn cứ quân sự ở Australia và Philippines; tăng cường các cuộc diễn tập quân sự phối hợp song phương hoặc đa phương với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Thứ hai, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ sẽ chuyển phần lớn hạm đội hải quân tới Thái Bình Dương vào năm 2020, điều chỉnh tương quan lực lượng hải quân bố trí tại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương từ tỷ lệ 50-50 thành 60-40, nghiêng về ưu tiên khu vực Thái Bình Dương. Mỹ liên tục công bố các báo cáo chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thứ ba, Mỹ tăng cường sự tham gia và ảnh hưởng của Mỹ tại các diễn đàn ở khu vực có liên quan tới Biển Đông, như ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Đông Á (EAF); Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á; Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Thứ tư, Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù trước đó đã hoàn tất đàm phán hồi năm 2015. Lúc đó, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, TPP là “Hiệp định của thế kỷ XXI” và với TPP, Mỹ chứ không phải là Trung Quốc hay Nga sẽ “viết luật chơi cho thế giới”.
Sự điều chỉnh chiến lược của Bắc Kinh và “quan hệ nước lớn kiểu mới” của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình
Sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc liên quan tới châu Á – Thái Bình Dương được thể hiện trong chính sách đối ngoại, chiến lược “Vành đai, con đường” (BRI) và sự điều chỉnh chiến lược quốc phòng của nước này. Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc được thể hiện khá rõ ở quan điểm coi tất cả các nước trên thế giới đều là đối tác và phân thành 4 nhóm theo các tiêu chí chủ yếu là mức độ ưu tiên và tầm quan trọng của đối tác đối với Trung Quốc, xét cả về mặt kinh tế và chính trị. Nhóm 1 là quan hệ đối tác cao nhất, trong đó chỉ có Nga mà Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược. Nhóm 2 là quan hệ đối tác hữu nghị, gồm Hàn Quốc, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Canada, Mexico, Argentina và nhiều nước khác. Nhóm nước này không có xung đột về những lợi ích căn bản nhưng có mâu thuẫn cục bộ với Trung Quốc. Nhóm 3 là quan hệ “đối tác dựa trên cơ sở đồng thuận” gồm có EU và các nước ASEAN. Đây là nhóm nước Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh tế nhưng lại mâu thuẫn về chính trị trong nhiều vấn đề then chốt và tranh chấp lãnh thổ. Nhóm 4 là quan hệ “đối tác thực dụng” bao gồm Mỹ và Nhật Bản mà Trung Quốc coi là “đối thủ cạnh tranh chiến lược tiềm tàng”.
Trong các nước đối tác, Trung Quốc tập trung vào hai đối tượng là các nước láng giềng và các nước lớn. Với các nước láng giềng, Trung Quốc cho rằng đang tích tụ nhiều vấn đề cần giải quyết và là một trong những lý do chủ yếu dẫn đến sự điều chỉnh chính sách ngoại giao với các nước này. Trung Quốc chủ trương liên thông ngoại giao láng giềng tại sáu địa bàn gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Tây Á và Nam Thái Bình Dương; kết hợp điều phối bốn mặt tư duy ngoại giao láng giềng giữa “đột phá trên biển” và “tích cực Tây tiến”, giữa “đứng vững trong nước” và “triển khai ra ngoài”. Phương châm điều chỉnh chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong 5-10 năm tới là “kiên trì chủ động về chiến lược, không bị rối loạn bởi các sự kiện cục bộ”; chuyển từ “bị động đối phó, khắc phục tiêu cực” sang “chủ động phản công, tích cực đáp trả”, tăng cường yếu tố chiến lược và yếu tố an ninh trong điều chỉnh chính sách ngoại giao láng giềng, làm cho chính sách láng giềng phục vụ tốt hơn chiến lược đối ngoại tổng thể của Trung Quốc. Trong các mối quan hệ cụ thể, Trung Quốc áp dụng chiến thuật “khác biệt cự ly” với các quốc gia láng giềng, tùy theo “mức độ thân sơ”, “mức độ cống hiến” của từng quốc gia đối với lợi ích của Trung Quốc mà có những đối sách thích ứng. Để bảo đảm môi trường bên ngoài, Trung Quốc tập trung ưu tiên xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”, trước hết là với Mỹ. Trung Quốc còn đề xuất xây dựng “quan hệ quân sự kiểu mới Trung Quốc – Mỹ” với nội hàm “tôn trọng lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác, ổn định”. Quan điểm về “quan hệ nước lớn kiểu mới” và “quan hệ quân sự kiểu mới” do Trung Quốc chủ động đề xướng đều xuất phát từ tư duy ổn định quan hệ với nước lớn, với quân đội nước lớn để bảo đảm an ninh quốc gia. Mục tiêu chủ yếu của “xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới” này là nhằm đối phó với chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ nhưng mục tiêu cụ thể chính là tạo môi trường thuận lợi xung quanh để bảo vệ các lợi ích được xem là cốt lõi của Trung Quốc, như chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển.
Trung Quốc cũng tiến hành điều chỉnh chiến lược quốc phòng. Kể từ năm 2015 khi Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng, thể hiện rõ nhất chiến lược quốc phòng của quốc gia này trong một giai đoạn lịch sử mới, chuyển từ thời kỳ “giấu mình chờ thời” sang thực hiện ”giấc mộng Trung Hoa”, trở thành cường quốc thế giới. Đến năm 2019, Bắc Kinh tiếp tục công bố Sách trắng quốc phòng với tiêu đề “Quốc phòng của Trung Quốc trong thời kỳ mới”, trong đó viết “Nền quốc phòng Trung Quốc mang tính phòng vệ, Trung Quốc không theo đuổi bá quyền, bành trướng hay mở rộng tầm ảnh hưởng. Trung Quốc chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào”. Sách Trắng viết, các nước Châu Á Thái Bình Dương đang ngày càng nhận thức rằng họ là thành viên của một cộng đồng có số phận chung. Giải quyết các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn đã trở thành một lựa chọn chính sách ưu tiên cho các nước trong khu vực, biến khu vực trở thành một phần ổn định của bối cảnh toàn cầu.
Sự điều chỉnh chiến lược của Nga trong chiến lược “Hướng Đông” và tương quan mối quan hệ với TQ
Sự điều chỉnh chiến lược của Nga nhằm khai thác tiềm năng các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở châu Á để thu hút đầu tư cho phát triển khu vực Xi-bê-ri và Viễn Đông của Nga; tiếp cận thị trường rất lớn về tài nguyên năng lượng ở châu Á với vai trò là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới; mở rộng thị trường vũ khí trang thiết bị rộng lớn ở châu Á do các nước trong khu vực này có nhu cầu rất lớn về vũ khí trang bị hiện đại. Sự điều chỉnh của Nga trong quan hệ đối tác với ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương bởi Nga và ASEAN có quan hệ gắn kết với nhau dựa trên nền tảng lịch sử bền vững, sự gần gũi hoặc trùng hợp về quan điểm đối với nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực, tạo khả năng to lớn để hai bên cùng phối hợp hoạt động trong các công việc quốc tế. Nga và ASEAN ủng hộ việc xây dựng cấu trúc khu vực hoàn thiện hơn ở châu Á – Thái Bình Dương theo nguyên tắc bình đẳng và minh bạch, dựa trên cơ sở đa trung tâm, quyền tối cao của pháp luật, tính đến lợi ích của tất cả các nước trong khu vực dựa trên cơ sở Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á mà Nga đã tham gia từ năm 2004. Theo quan điểm của mình, Nga không có tham vọng giành ưu thế quân sự, cũng không đặt ra nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới phía Đông của Nga làm phương hại đến an ninh của các nước khác; không có kế hoạch xây dựng căn cứ ở châu Á – Thái Bình Dương, không xây dựng liên minh quân sự bí mật với các nước trong khu vực, không cạnh tranh với bất kỳ các nước nào trong việc tranh giành ảnh hưởng. Nga khẳng định tôn trọng chủ quyền của các nước trong khu vực, ủng hộ sự đa dạng của mô hình phát triển, đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo; hợp tác với các nước trong khu vực trong khuôn khổ cơ chế đa phương hiện có và sẵn sàng đề xuất sáng kiến xây dựng các diễn đàn mới, như tăng cường tiếp xúc chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Hai bên có đủ các điều kiện cần thiết, gồm ý chí chính trị, truyền thống hữu nghị lâu đời, nền tảng hợp tác bền vững và sự quan tâm về lợi ích của nhau.
Sự điều chỉnh chiến lược của Ấn Độ và tầm quan trọng của Chiến lược “Hành động hướng Đông”
Sự điều chỉnh chiến lược của Ấn Độ đối với châu Á – Thái Bình Dương được thể hiện rõ nhất ở “Chính sách hướng Đông” được công bố chính thức vào năm 1992 nhằm tăng cường quan hệ với các nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung sang chính sách “Hành động phía Đông”. Hiện nay, Ấn Độ công khai khẳng định lợi ích của mình ở Biển Đông thể hiện trên cả khía cạnh kinh tế và an ninh. Về kinh tế, khoảng 77% giá trị thương mại và hơn 90% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển, trong đó, 55% được vận chuyển qua eo biển Malaca tới các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương. Về an ninh, sự an toàn của tuyến đường vận tải biển qua Biển Đông có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Ấn Độ. Các thách thức an ninh truyền thống (xung đột leo thang giữa các bên yêu sách) và an ninh phi truyền thống (tội phạm xuyên quốc gia trên biển, cướp biển) ở khu vực này cản trở đường vận tải hàng hóa trên biển của Ấn Độ. Do đó, việc Ấn Độ tăng cường hiện diện hải quân và “quyền tiếp cận” ở Biển Đông là một phần quan trọng trong lợi ích của Ấn Độ. Theo chiều hướng đó, Ấn Độ đã thiết lập quan hệ hợp tác an ninh với Nhật Bản và Australia.
Sự điều chỉnh chiến lược của Tokyo và vai trò, uy tín của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Dấu mốc quan trọng trong quá trình điều chỉnh chính sách quốc phòng của Nhật Bản để trở thành một “quốc gia bình thường”, thể hiện qua việc nội các nước này đưa ra lời giải thích mới về nội dung Điều 9 của Hiến pháp, theo đó Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tham gia sứ mệnh phòng thủ tập thể bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải thích rõ, theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp, Nhật Bản có 4 phương án hành động để thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Một là, sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để đánh chặn các tên lửa đang bay nhằm vào các mục tiêu của Mỹ. Hai là, triển khai lực lượng phòng vệ trên biển JMSDF (Japan Maritime Self-Defense Force) của Nhật Bản một khi các tàu của Mỹ bị tấn công ở các vùng biển xa. Ba là, sử dụng các lực lượng phòng vệ Nhật Bản JSF để thực hiện một cuộc phản công nếu một bộ chỉ huy liên quân có sự tham gia của Nhật Bản bị một quốc gia nào đó tấn công trên lãnh thổ nước ngoài. Bốn là, sử dụng lực lượng quân sự để loại bỏ những trở ngại trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Bốn phương án trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản luôn ở trong trạng thái sẵn sàng bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của Liên minh Nhật Bản – Mỹ cũng như bảo đảm lợi ích an ninh của Nhật Bản. Như vậy, theo cách giải thích này, Nhật Bản vẫn tuân thủ chủ trương phòng vệ chứ không phải tiến công, kể cả khi phải đối phó với Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Sự điều chỉnh chiến lược của Nhật Bản thể hiện rõ nhất qua việc nước này thể hiện trong vấn đề Biển Đông. Nhật Bản hướng đến việc đảm bảo tự do hàng hải, ổn định khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp bởi Biển Đông là tuyến đường thương mại, vận chuyển nguồn nguyên liệu cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản; hỗ trợ cho chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Vì Nhật Bản là đồng minh và cũng là quốc gia có lợi ích rất lớn ở Biển Đông, Nhật Bản sẽ có những đóng góp quan trọng cho chính sách tái cân bằng nói chung và chính sách đối với Biển Đông nói riêng của Mỹ; nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á: Một mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông chính là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Những năm qua, cùng với đột phá trong việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sau khi nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã tích cực bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á nhằm một mặt, nâng cao thực lực quân sự của các nước này, đối phó với Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy; đồng thời, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực này.
Nhìn chung, năm 2020 khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn sẽ là một trong những khu vực thu hút sự quan tâm và triển khai chiến lược quan trọng của các nước. Xu hướng cọ xát chiến lược sẽ phức tạp, kéo theo nhiều biến số. Trong đó, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung sẽ vấn đóng vai trò chủ đạo, chi phối các mối quan hệ khác.
http://biendong.net/bien-dong/32007-su-dieu-chinh-chien-luoc-cua-cac-nuoc-lon-doi-voi-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-trong-nam-2020.html

NATO sẽ có vũ khí hạt nhân “nhỏ”

để đối đầu với Nga và TQ

Mỹ đang chuẩn bị trang bị cho NATO đầu đạn hạt nhân công suất thấp để kiềm chế Nga và Trung Quốc.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood đã xác nhận sự cần thiết của NATO sở hữu vũ khí hạt nhân công suất thấp đến 10 kiloton (Kt) để đối đầu với sức mạnh hạt nhân đang lên của Nga và Trung Quốc – theo tạp chí Seapower ngày 4/12/2019. Bài trên tạp chí này còn nói, Rood nhấn mạnh Mỹ có xu hướng giảm kho vũ khí hạt nhân, trong khi Nga và Trung Quốc “đang đi theo hướng ngược lại, tăng số lượng và chủng loại vũ khí hạt nhân”.
Vũ khí hạt nhân mới, theo ông Rood, là thứ Lầu Năm Góc cần để ngăn chặn Nga sử dụng các đòn tấn công bằng vũ khí hạt nhân công suất thấp. Cần lưu ý rằng cơ quan quân sự Mỹ đang tung thông tin tình báo nói, Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Các lực lượng vũ trang Mỹ không có vũ khí tương tự. Lầu Năm Góc dự định loại bỏ khiếm khuyết này và trang bị cho quân đội NATO các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ W76-2. Nếu không, trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, các thành viên NATO sẽ buộc phải sử dụng bom nguyên tử cỡ lớn.
Đầu đạn W76-2 là phiên bản công suất nhỏ hơn của đầu đạn W76-1, được Mỹ phát triển vào những năm 70-80 của thế kỷ XX. Mỹ đang có kế hoạch gắn W76-2 công suất 5-10Kt lên một số lượng hạn chế tên lửa đạn đạo liên lục địa. Cần lưu ý rằng theo chiến lược hạt nhân của Mỹ được thông qua vào năm 2018, sự hiện diện của vũ khí hạt nhân công suất thấp “sẽ đảm bảo rằng các đối thủ tiềm năng không thể tận dụng ưu thế trong chiến tranh hạt nhân hạn chế, khiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân ít xảy ra hơn”.
Để giữ Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia, trong trường hợp chiếm các vùng lãnh thổ này, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân công suất thấp ở biên giới Ba Lan, trang Popular Mechanics nhận định. Việc đó sẽ đóng vai trò như một lời cảnh báo rằng, Nga đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để răn đe các quốc gia bị chinh phục, buộc NATO phải lựa chọn giữa rút lui và sử dụng vũ khí hạt nhân của mình. Cũng giống Seapower, theo trang này, vũ khí tương tự của Lầu Năm Góc là đầu đạn đầy hứa hẹn W76-2, mà việc sản xuất đã bắt đầu từ tháng 1/2019.
Tháng 6/2018, Giám đốc dự án thông tin vũ khí hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ Hans Christensen cho biết, W76-2 được lên kế hoạch tạo ra trên cơ sở đầu đạn nhiệt hạch W76-1 bằng cách loại bỏ nhiên liệu nhiệt hạch (uranium, lithium và deuterium), do đó chỉ còn lại plutonium kích hoạt và năng lượng của phiên bản mới sẽ giảm từ 100 xuống còn 5-6Kt
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31982-nato-se-co-vu-khi-hat-nhan-nho-de-doi-dau-voi-nga-va-tq.html

Dân biểu Châu Âu ủng hộ EVFTA tham gia

Liên hiệp Hội người Việt ở Châu Âu

thân chính phủ Việt Nam

Một dân biểu của EU, người đồng thời là báo cáo viên đặc biệt của EU về Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA), bị cáo buộc “có chân” trong Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu, một tổ chức thân tín với Chính phủ Việt Nam. Trang tin EUobserver loan tin này hôm 9/12.
Theo EUobserver, dân biểu người Séc Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội Châu Âu, đồng thời là báo cáo viên đặc biệt về EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA), đã không hề thông báo với Quốc hội Châu Âu về vai trò của ông này là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cho Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu sau khi ông được chọn vào vị trí này hồi năm 2016.
Theo quy định của Quốc hội Châu Âu, ông Zahradil đáng ra phải thông báo về vai trò của mình trong liên hiệp hội này dù ông có được trả tiền hay không.
Theo EUopserver, việc ông Zahradil tham gia hội này và không thông báo đặt ra những câu hỏi về vai trò trung gian của ông khi là báo cáo viên đặc biệt cho EVFTA và IPA với Việt Nam, và liệu hiệp định này có thực sự giúp cải thiện quyền con người và quyền của người lao động hay không.
Ông Zahradil nói với EUobserver rằng ông không có gì phải báo cáo trong vai trò là chủ tịch hội đồng tư vấn của Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu đồng thời khẳng định ông sẽ vẫn giữ vị trí này.
Tôi không được trả tiền cho nhiệm vụ của mình ở đó. Và như tôi đã nói trước đó là đây là một nhiệm vụ mang tính danh dự vì nó không có hoạt động tích cực”, ông Jan Zahradil nói với EUobserver hôm 3/12.
Những thông tin được đăng tải trên các trang web của người Việt tại Châu Âu cho thấy Liên hiệp hội người Việt Châu Âu được Chính phủ Việt Nam rất coi trọng. Hồi tháng 10 vừa qua, Hội người Việt tại Séc đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước Việt Nam. Ông Hoàng Đình Thắng –Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu đã đón nhận huân chương này.
Theo tin từ Vglobal News, một trang tin của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, hồi tháng 7 vừa qua, ông Jan Zahrazil – Chủ tịch nhóm nghị sĩ nghị viện Châu Âu hữu nghị với Việt Nam cùng với ông Hoàng Đình Thắng và Chủ tịch hội người Việt tại Séc là ông Nguyễn Duy Nhiên đã gặp các đại sứ Việt Nam tại Séc, Ba Lan, Hungary, Áo và Slovakia. Đây là cuộc gặp được cho biết do ông Zahrazil phối hợp với Liên hiệp hội người Việt ở Châu Âu, Hội người Việt tại Séc tổ chức, và là sáng kiến từ năm 2018 của ông Zahrazil.
Cũng trong bản tin này, ông Hoàng Đình Thắng đã cảm ơn ông Jan Zahrazil đã tạo điều kiện để đại diện Liên hiệp hội và Hội người Việt tại Séc thăm nghị viện Châu Âu ở Brussels và Strasburg. Ông Thắng cũng cho biết Đại hội lần thứ 2 của Liên hiệp Hội người Việt ở Châu Âu dự kiến sẽ được tổ chức ở nghị viện Châu Âu tại Brussels vào năm tới.
Việt Nam và EU ký EVFTA và IPA vào ngày 30/6 vừa qua tại Hà Nội. Tuy nhiện hiệp định này vẫn cần Quốc hội Châu Âu thông qua để đi vào hiệu lực.
Một trong những vấn đề cản trở EVFTA và IPA là tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Một số dân biểu Châu Âu thời gian qua đã lên tiếng quan ngại về việc chính quyền Việt Nam đàn áp những tiếng nói đối lập.
Hôm 21/11 vừa qua, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng, người đã lên tiếng đề nghị Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA và IPA với Việt Nam vì những vi phạm nhân quyền gần đây và lo ngại về việc Việt Nam sẽ không thực hiện đúng cam kết đảm bảo cho người lao động có quyền thành lập các công đoàn độc lập.
Trong video gửi Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) vào ngày 19/11, nhà báo Phạm Chí Dũng đã nhắc đến việc một số các công ty ở Châu Âu và đại diện EU đã vận động hành lang để EVFTA và IPA được ký, bất chấp những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam. Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, kể từ năm 2008 trở lại đây, Việt Nam trung bình mỗi năm kết án khoảng 50 người bất đồng chính kiến và các án tù thời gian gần đây ngày càng nặng. Ông lo ngại, sau khi EU phê chuẩn EVFTA và IPA, sẽ có thêm nhiều người bị bắt.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mep-associated-with-vcp-linked-group-in-europe-12092019110834.html

Chính phủ Pháp quyết tâm cải cách lương hưu

khi các cuộc đình công tiếp tục

Tin từ Paris, Pháp – Chính phủ Pháp cho biết sẽ xem xét kế hoạch cải cách lương hưu nhưng cho biết chế độ lương hưu mới, vốn đã tạo ra các cuộc đình công trên toàn quốc sẽ được áp dụng dần dần, và những lo lắng của công chúng sẽ được giải quyết. Tính đến Chủ Nhật (08/12/2019), hệ thống giao thông đã bị tê liệt sang ngày thứ tư liên tiếp, khi các nghiệp đoàn hỏa xa quốc gia SNCF và hệ thống giao thông công cộng RATP của Paris mở rộng cuộc đình công để phản đối những sự thay đổi.
Thủ tướng Edouard Phillipe cho biết ông sẽ công bố bản phác thảo chi tiết của kế hoạch cải cách lương hưu vào thứ Tư (11/12/2019). Thứ trưởng Bộ Môi trường Emmanuel Wargon nói với đài phát thanh France Info rằng chính phủ sẽ linh hoạt với thời gian và thực hiện các cải cách. Bà nói rằng họ sẽ thiết lập thời gian bắt đầu áp dụng chế độ mới, nhưng quyền hưởng lương hưu của người dân được tính dựa trên thời gian làm việc theo chế độ mới và cũ tương ứng. Philippe Martinez, lãnh đạo của nghiệp đoàn CGT, cho biết CGT sẽ tiếp tục đấu tranh đến khi chính phủ từ bỏ kế hoạch. Reuters cho biết Pháp là quốc gia có chế độ lương hưu hào phóng nhất trong số các quốc gia trong nhóm OECD của những quốc gia công nghiệp hóa. Tổng thống Emmanuel Macron được bầu vào năm 2017 với mục tiêu tự do hóa nền kinh tế và cải cách hệ thống lương hưu. Ông Macron muốn tạo ra một chế độ lương hưu bình đẳng cho mọi người, và bỏ đi một số chế độ phụ cho phép một số công nhân ở SNCF, RATP và các tổ chức khác được phép nghỉ hưu sớm ở độ tuổi đầu 50, trước một thập niên so với những người khác.
Theo dữ kiện của cảnh sát, các nghiệp đoàn đã lên kế hoạch cho cuộc biểu tình thứ hai vào thứ Ba (10/12/2019), sau khi cuộc biểu tình đầu tiên hôm thứ Năm (05/12/2019) thu hút 65,000 người ở Paris và 806,000 người trên toàn quốc.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-phap-quyet-tam-cai-cach-luong-huu-khi-cac-cuoc-dinh-cong-tiep-tuc/

Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất về Pháp

11 nghi can tham gia thánh chiến

Trọng Nghĩa
Bộ Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm nay 09/12/2019 loan báo: 11 người Pháp tình nghi là chiến binh thánh chiến bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được gửi trả về Pháp. Một nguồn tin tại bộ này xác nhận với hãng tin Pháp AFP rằng vụ trục xuất đã được tiến hành vào sáng nay.
Ngay từ hôm 11/11 vừa qua, một phát ngôn viên bộ Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã loan báo quyết định gởi trả cho Paris 11 công dân Pháp bị tình nghi là thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech. Một nguồn thạo tin tại Paris đã cho biết thêm là số người sắp bị Ankara trục xuất đó “chủ yếu là nữ giới”.
Cũng theo nguồn tin trên, nhiều người trong số này đã ở tù “trong một thời gian dài”, nhưng cũng có một số khác đã đến Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian “gần đây hơn”. Khi về đến Pháp, những người này sẽ lập tức bị bắt giữ và đưa ra trình diện trước một thẩm phán trong khuôn khổ “thủ tục Cazeneuve”, tên của cựu bộ trưởng Nội Vụ Pháp.
Được ký vào năm 2014, thỏa thuận hợp tác giữa cảnh sát Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ cho phép chặn bắt ngay tại cửa khẩu Pháp các chiến binh thánh chiến từ Syria trở về Pháp qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ.
Từng bị tố cáo là dung túng cho các phần tử thánh chiến quá cảnh nước mình để qua chiến đấu ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi thái độ sau khi bị một số vụ tấn công của Daech, và vào năm 2015 đã gia nhập liên minh chống thánh chiến.
Thế nhưng trong những tuần gần đây, Ankara đã bị cáo buộc làm suy yếu cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo khi phát động một cuộc tấn công vào ngày 09/10 chống lại lực lượng dân quân người Kurdistan YPG từng đi đầu trong cuộc chiến chống lại Daech.
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191209-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-tr%E1%BB%A5c-xu%E1%BA%A5t-v%E1%BB%81-ph%C3%A1p-11-nghi-can-tham-gia-th%C3%A1nh-chi%E1%BA%BFn

Nga bị cấm dự Olympic 2020 và World Cup 2022

Cơ quan chống doping thế giới vừa giải thích rõ hơn về lệnh cấm Nga tham dự World Cup 2022.
Nga bị cấm tham gia Olympic 2020 và World Cup 2022, theo lệnh vừa ban hành ngày 9/12 của cơ quan chống doping thế giới WADA.
Thể thao Nga ‘hết nạn’ sau bê bối doping?
Nga ‘kẻ thù nào cũng đánh thắng’
Nga có 21 ngày để nộp đơn kháng cáo cho Tòa Trọng tài Thể thao.
Wada ra lệnh cấm 4 năm với Nga tại toàn bộ các sự kiện thể thao lớn của thế giới.
World Cup 2022 cho đội trung lập
Jonathan Taylor, đại diện của Wada, giải thích: “Nếu Nga lọt qua vòng loại World Cup, một đội bóng đại diện cho Nga không được dự.”
“Nhưng nếu có cơ chế mới đặt ra, đội này có thể xin tham gia với tư cách trung lập, chứ không được đại diện cho Nga.”
Ông Taylor nói Fifa có thể đặt ra cơ chế như vậy, để cho phép các cầu thủ Nga tham dự giải với tư cách trung lập.
“Fifa sẽ thi hành, nhưng phải hợp tác với Wada,” ông Taylor giải thích.
Ông nói thêm: “Sẽ không có cờ hay quốc ca [Nga].”
Người phát ngôn cho Fifa nói với Reuters rằng họ đã yêu cầu Wada giải thích thêm về việc lệnh cấm 4 năm sẽ ảnh hưởng đội bóng Nga thế nào.
Vì sao Nga bị cấm?
Các vận động viên Nga không bị dính bê bối doping có thể tham gia Olympic 2020 tại Tokyo theo lá cờ trung lập, như từng xảy ra cho 168 người Nga ở Olympic Mùa đông 2018, khi Nga đã bị cấm.
Nhưng cờ và quốc ca Nga sẽ bị cấm tại Olympic 2020.
Nga vẫn được tham dự giải bóng đá châu Âu Euro 2020, vì Uefa không được ghi vào nhóm tổ chức sự kiện lớn.
Nga đã lọt vào bảng B của Euro 2020, cùng Bỉ, Phần Lan và Đan Mạch. Thành phố St Petersburg cũng là một trong các nơi tổ chức giải này.
Nhưng các sự kiện thể thao lớn khác sẽ cấm cửa Nga, trong đó có World Cup 2022 tại Qatar.
Chủ tịch Wada, Sir Craig Reedie nói trong thông cáo: “Nga đã được cho mọi cơ hội để làm sạch và tái nhập cộng đồng chống doping toàn cầu…nhưng họ đã chọn sự lừa dối và phủ nhận.”
Năm 2018, Wada, đặt ở Thụy Sĩ, đã mở cửa lại với Nga sau lệnh cấm ba năm.
Nhưng các phát hiện về Nga năm 2017 đã thiếu trong hồ sơ tháng Giêng 2019, khiến xảy ra cuộc điều tra mới.
Wada lần đầu ra lệnh cấm theo sau Olympic Mùa động 2014 ở Sochi.
Ủy ban quản lý của Wada thống nhất ra quyết định tại buổi họp ở Lausanne, Thụy Sĩ.
Cơ quan chống doping của Nga (Rusada) bị cáo buộc đã không chịu nộp hồ sơ cho các nhà điều tra hồi tháng Giêng 2019.
Theo lệnh cấm mới nhất, Nga sẽ không thể đăng cai hay nộp đơn đăng cai các sự kiện thể thao lớn trong 4 năm như Olympic và Paralympic.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-50713157

Nga khiến NATO “lạnh gáy”

với cảnh báo về ác mộng tối tăm nhất

Người đứng đầu Hạm đội Phương Bắc của Nga vừa cảnh báo các nước NATO đang có nguy cơ làm bủng nổ một cuộc chiến tranh ở Bắc Cực. Chiến tranh bao giờ cũng là ác mộng tối tăm nhất và đáng sợ nhất với bất kỳ ai.
Phó Đô đốc Alexander Moiseev – Chỉ huy Hạm đội Phương Bắc cho rằng NATO nên “tránh xa” các khu vực Bắc Cực giàu tài nguyên thiên nhiên. Ông Moiseev cảnh báo các cuộc tập trận quân sự của phương Tây ở trong khu vực đang gia tăng và nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Bắc Cực liên quan đến Nga và NATO cũng theo đó gia tăng.
Vị tướng hàng đầu của điện Kremlin chỉ rõ rằng các cuộc tập trận quân sự của Anh và Mỹ cùng với các nước phương Tây ở Bắc Cực đã tăng gấp đôi trong 5 năm và sự hiện diện quân sự của NATO trong khu vực cũng tăng mạnh trong thời gian qua.
“Trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy sự hiện diện quân sự gia tăng của lực lượng vũ trang các nước và kết quả sẽ dẫn đến việc tăng nguy cơ bùng nổ xung đột”, ông Moiseev cho biết, kêu gọi NATO tránh xa khu vực được Moscow xem là sân sau của họ.
“Trong những năm gần đây, lực lượng vũ trang của các nước thành viên NATO đã tiến hành hàng chục các cuộc tập trận ở những khu vực gần với các đường biên giới phía bắc của chúng tôi. Những cuộc tập trận khác nhau về quy mô và có liên quan đến nhiều loại vũ khí khác nhau, từ tàu  ngầm hạt nhân, nhóm tàu sân bay chiến đấu và các đơn vị khác trong đó có các lực lượng chiến dịch đặc biệt”, Chỉ huy Hạm đội Phương Bắc cho hay.
Ông Moiseev cáo buộc phương Tây đang tìm cách gây áp lực với Nga bằng các biện pháp trừng phạt và chính trị hóa nhiều hoạt động hợp tác đa phương ở Bắc Cực.
Vị tướng hàng đầu của Nga cáo buộc các nước NATO không thừa nhận các lợi ích quốc gia của Nga và sẵn sàng sử dụng vũ lực như một phương tiện để đạt được các mục đích chính trị.
Những phát biểu đanh thép và cảnh báo sắc lạnh trên được Phó Đô đốc Moiseev đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ra lệnh mở lại và hiện đại hóa một loạt căn cứ quân sự nằm dọc đường bờ biển kéo dài 15.000 dặm (khoảng 24.000km) ở Bắc Cực.
Nga đã mở nhiều căn cứ quân sự và khoa học ở vùng Bắc Cực trong những năm gần đây. Tổng thống Putin đã đích thân thực hiện nhiều chuyến thăm đến Bắc Cực.
Bắc Cực là một trong số ít những vùng đất trên Trái đất của chúng ta mà chưa một quốc gia nào chính thức có “sổ đỏ”. Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canada và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực bởi đây là nơi chứa rất nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, trong đó có dầu mỏ.
Cuộc tranh chấp trên trở nên căng thẳng khi các lớp băng tan chảy mở ra triển vọng về những tuyến đường hàng hải mới và khả năng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở đây. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, một chuyến đi từ châu Âu đến châu Á đi qua Bắc Cực sẽ ngắn hơn đi qua kênh đào Panama khoảng 7.408km.
Nga đã chính thức đặt mục tiêu và đề ra kế hoạch triển khai lực lượng vũ trang để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị ở Bắc Cực trước năm 2020, trong đó có các đơn vị bảo vệ bờ biển, lính biên phòng cũng như các lực lượng quân đội khác. Theo quân đội Nga, hai lữ đoàn Bắc Cực sẽ được triển khai ở vùng cực bắc của nước Nga trong vài năm tới. Nga cũng đang lên kế hoạch khôi phục hoạt động trở lại các sân bay từ kỷ nguyên Xô-viết ở Bắc Cực đồng thời thiết lập sự hiện diện hải quân thường trực dọc Đường Biển Bắc có tầm quan trọng chiến lược.
Nga tuyên bố, nước này cần tăng cường sự hiện diện hải quân ở Bắc Cực để bảo vệ các lợi ích kinh tế trong khu vực khỏi sự xâm lấn của các quốc gia NATO. Đây chính là chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31992-nga-khien-nato-lanh-gay-voi-canh-bao-ve-ac-mong-toi-tam-nhat.html

Khủng hoảng Ukraina:

Tổng thống Nga gặp đồng nhiệm Ukraina tại Paris

Minh Anh
Chiều ngày 09/12/2019, tổng thống Nga Vladimir Putin và nguyên thủ Ukraina Volodymyr Zelensky gặp nhau tại Paris, dưới sự bảo trợ, hòa giải của Pháp và Đức, trong khuôn khổ « công thức Normandie ».
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón nguyên thủ Nga, Ukraina và thủ tướng Đức Angela Merkel tại điện Elysée. Theo nhóm cố vấn của nguyên thủ Pháp, được Reuters trích dẫn, từ ba năm nay, không còn có cuộc gặp nào ở cấp nguyên thủ (giữa Nga và Ukraina) trong khuôn khổ công thức Normandie. Do vậy, cuộc gặp hôm nay đánh dấu một sự chuyển biến.
Phía Đức cũng hy vọng là cuộc gặp giữa Putin và Zelensky sẽ tạo thêm động lực cho tiến trình tái lập hòa bình tại Ukraina.
Theo thông tín viên Daniel Vallot tại Matxcơva, thì cuộc gặp đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước là dịp để Nga thăm dò, đánh giá về quyết tâm của tân tổng thống Zelensky trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina.
« Hoàn toàn đúng như vậy. Đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau. Đương nhiên trước đó, lãnh đạo hai nước đã nhiều lần điện đàm với nhau, nhưng kể từ khi cựu diễn viên truyền hình được bầu làm tổng thống Ukraina thì nguyên thủ hai nước chưa bao giờ gặp nhau cả.
Cần ghi nhận là Matxcơva đã tỏ ra sẵn sàng nói chuyện với Zelensky. Thậm chí, Vladimir Putin còn nói rằng Zelensky là người trung thực và có thiện cảm. Cũng xin nhắc lại rằng quan hệ giữa điện Kremlin và Porochenko, người tiền nhiệm của Zelensky, rất tồi tệ.
Do vậy, các phóng viên ảnh không thể bỏ lỡ cơ hội chụp bức ảnh hai nguyên thủ bắt tay nhau. Tuy nhiên, ngoài cử chỉ mang đầy tính biểu tượng này, cái bắt tay giữa nguyên thủ hai nước có tầm quan trọng đặc biệt cho việc tiếp tục tiến trình giải quyết khủng hoảng Ukraina và khả năng thực thi các thỏa thuận Minsk. Việc thực hiện văn bản này rơi vào bế tắc từ bốn năm nay ».
http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191209-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-putin-zelensky-paris-ukraina

Liệu thượng đỉnh Putin–Zelensky

có sớm chấm dứt xung đột tại Ukraina?

Minh Anh
Hôm nay, 09/12/2019, tại điện Elysée, Paris tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel, trong vai trò hòa giải, gặp gỡ tổng thống Nga, Vladimir Putin và tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, trong khuôn khổ « công thức Normandie ». Mục tiêu cuộc họp thượng đỉnh này là thúc đẩy tiến trình thực thi thỏa thuận Minks, để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraina kéo dài từ năm năm qua.
Đây cũng là cuộc họp bốn bên đầu tiên kể từ năm 2016 và cũng là cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ukraina đầu tiên. Tổng thống Pháp và thủ tướng Đức tỏ ra phần nào « lạc quan » hy vọng tái khởi động việc thực thi toàn diện thỏa thuận hòa bình Minks được ký kết ngày 12/02/2015.
Quả thật, trong thời gian gần đây, điện Kremlin đã đưa ra nhiều dấu hiệu hòa dịu : Tiến hành một cuộc trao đổi 70 tù nhân lớn chưa từng có, Phe nổi dậy thân Nga rút quân tại ba khu vực dọc theo chiến tuyến và Matxcơva trao trả ba chiếc tầu chiến bị bắt giữ cho Kiev.
Do vậy, cuộc họp lần này tại Paris tập trung chủ yếu vào nội dung chính của thỏa thuận này, dự kiến một lệnh hưu chiến ngay lập tức ở miền đông Ukraina, rút các loại vũ khí hạng nặng, khôi phục quyền kiểm soát của Kiev đối với đường biên giới với Nga, và trao thêm quyền tự trị cho các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát.
Liệu rằng tổng thống Ukraina có thể đạt được điều mình muốn hay không ? Câu trả lời sẽ là « khó ». Bởi vì, theo giới quan sát, phạm vi thương lượng của Kiev tại thượng đỉnh lần này là khá hạn hẹp. Công luận Ukraina lo ngại ông Zelensky không đủ khả năng để thương lượng trong thế « bằng vai phải lứa »
với Vladimir Putin, một « cáo già » trên chính trường quốc tế. Mặt khác, người dân Ukraina sẽ không tha thứ cho việc tổng thống của họ chiều theo các điều kiện của chủ nhân điện Kremlin.
Trong bối cảnh này, tổng thống Ukraina, vì mong muốn chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, và dường như cũng muốn tìm kiếm một sự hậu thuẫn của quân đội, nên trước ngày đến Paris, đã đến thăm các đạo quân tại mặt trận đông Ukraina hôm thứ Sáu 06/12/2019. Bản thân ông cũng hiểu được điều này khi cho rằng việc tổ chức được các cuộc đối thoại tự nó đã là một « thắng lợi đầu tiên ».
Do vậy, theo giới chuyên gia, nguyên thủ Ukraina sẽ chỉ tập trung vào ba điểm chính : Tiến hình một cuộc trao đổi tù nhân mới, thực thi một lệnh ngưng bắn lâu dài, và xóa bỏ được các nhóm vũ trang « bất hợp pháp » trên lãnh thổ Ukraina, ngầm ý ám chỉ các nhóm ly khai được Nga bảo trợ.
Về phía Nga thì sao ? Thái độ của điện Kremlin về cuộc hẹn này như thế nào ? Theo thông tín viên đài RFI, Daniel Vallot tại Matxcơva, điện Kremlin tỏ thái độ « lạc quan thận trọng » :
« Nếu nhìn vào các tuyên bố gần đây từ phía chính quyền Nga, thì Matxcơva tỏ rất thận trọng về cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris giữa Putin và Zelensky. Cách nay vài ngày, Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin cho biết là Matxcơva lạc quan rất có chừng mực, rất thận trọng về kết quả cuộc ngày hôm nay tại Paris.
Sở dĩ Nga tỏ ra thận trọng bởi vì có một điểm gây bế tắc và rất khó giải quyết được trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris, liên quan đến thời gian biểu thực thi các nội dung trong thỏa thuận Minsk : đó là việc tổng thống Zelensky tuyên bố muốn giành lại quyền kiểm soát đường biên giới chung với Nga trước khi có tổ chức bầu cử tại Donbass. Theo Matxcơva, đòi hỏi này trái ngược với thỏa thuận Minsk và không thể chấp nhận ý tưởng muốn xem xét lại thỏa thuận Minsk, vốn được đàm phán vào thời điểm cuộc chiến tại Ukraina diễn ra ác liệt nhất và chưa bao giờ được thực sự áp dụng cả ».
Giờ đây mọi cặp mắt đang đổ dồn về điện Elysée với câu hỏi lớn : Liệu có thể có một kết cục nhanh chóng cho cuộc xung đột tại Ukraina hay không ? Trả lời AFP, chuyên gia Konstantin Kalatchev hoài nghi cho rằng: « Vladimir Putin chẳng được lợi gì nếu như cuộc xung đột này trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng ông cũng muốn là mọi phương thức giải quyết phải được thực hiện theo các điều kiện của ông ».
Dẫu sao thì thượng đỉnh bốn bên theo « công thức Normandie » lần này còn là một bài trắc nghiệm cho sáng kiến ngoại giao của Paris muốn « kéo Nga trở về mái nhà châu Âu ». Quan hệ Nga – Liên Hiệp Châu Âu đã bị tê liệt kể từ khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga. Về điểm này, ông Konstantin Kalatchev, giám đốc Nhóm chuyên gia chính trị tại Matxcơva cảnh báo, nguyên thủ Pháp chớ có ảo tưởng nghĩ rằng có thể có ảnh hưởng với Vladimir Putin.
http://vi.rfi.fr/ph%C3%A1p/20191209-putin-zelensky-xung-%C4%91%E1%BB%99t-t%E1%BA%A1i-ukraina

Phân tích, dự báo về các xu hướng

tập hợp lực lượng mới tại châu Á – Thái Bình Dương

và tác động đến khu vực Biển Đông

Trong bối cảnh hiện nay tại châu Á – Thái Bình Dương, so sánh lực lượng thay đổi mạnh mẽ, các quốc gia, nhất là các nước lớn, đều chú trọng điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường mở rộng quan hệ nhằm phát huy ảnh hưởng, tranh giành lợi ích về mọi mặt và tạo lập một vị thế có lợi nhất trong cục diện an ninh khu vực đang dần định hình.
Các cơ sở tạo ra xu hướng tập hợp liên minh, liên kết ở khu vực
Nhìn chung, lợi ích quốc gia dân tộc có vị trí nổi trội, quy định mục tiêu, nội dung, phương châm đối ngoại và cách thức tập hợp lực lượng của mỗi nước, mỗi tổ chức quốc tế và khu vực. Mỗi quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều xuất phát từ lợi ích quốc gia dân tộc để thể hiện quan điểm, thái độ riêng đối với các vấn đề quốc tế. Với khuôn khổ quan hệ nêu trên, các nước lớn và quan hệ giữa các nước này luôn đóng vai trò chủ đạo, chi phối các mối quan hệ quốc tế cùng quá trình hình thành và cơ chế vận hành của các tập hợp lực lượng quốc tế, hướng tới hình thành trật tự thế giới mới. Sự tập hợp lực lượng hiện nay của các nước lớn diễn ra ở cả hai cấp độ gồm giữa các nước lớn với nhau và giữa các nước lớn với các nước nhỏ. Nhìn tổng thể, có thể thấy hai cơ sở khách quan của việc hình thành những liên kết, tập hợp lực lượng mới ở châu Á – Thái Bình Dương. Một là, dựa trên sự trùng hợp về lợi ích trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới. Hai là, dựa trên sự gần gũi về địa lý, dân tộc, tôn giáo, lịch sử… Những cơ sở này quy định các xu hướng, các hình thức tập hợp lực lượng rất đa dạng, phong phú, không bất biến, mà luôn vận động, thay đổi, thể hiện sự phức tạp của quá trình hợp tác và đấu tranh giữa các lực lượng khác nhau trong quan hệ quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ nhất, các nước có xu hướng tập hợp lực lượng dựa trên những tương đồng về lợi ích
Những lợi ích có thể bao hàm như cùng giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, hoặc chỉ mang tính bộ phận về lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế, lợi ích an ninh, lợi ích phát triển. Nhìn tổng thể, những điều chỉnh trong chính sách của Tổng thống Mỹ Trump từ sau khi lên cầm quyền đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung không thực sự đem lại kết quả như mong muốn. Nhưng với quan điểm “nước Mỹ trên hết”, chính sách của Tổng thống Trump không chỉ đơn thuần nhằm phục vụ lợi ích trong nước Mỹ, mà còn được mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Đặc biệt hơn là cách tiếp cận mới theo hướng điều gì có lợi cho Mỹ thì thực hiện. Tổng thống Trump không theo quy tắc của người tiền nhiệm là “vừa bước, vừa thăm dò”, mà lựa chọn cách khác, theo hướng có chọn lọc, trọng điểm, tập trung vào các đồng minh và những đối tác quan trọng với Mỹ, như quan hệ Mỹ – Nhật Bản, Mỹ  - Hàn Quốc và Mỹ – Australia, Mỹ – Đài Loan, những nước và vùng lãnh thổ có vai trò quan trọng đối với Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời thể hiện sự kiên nhẫn và quan tâm với các đồng minh truyền thống khác, như Philippines và Thái Lan. Điều này được minh chứng qua một loạt thỏa thuận chiến lược, kinh tế, kết cấu hạ tầng mà Mỹ thiết lập với các đồng minh nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Xu hướng tập hợp lực lượng trên cơ sở sự trùng hợp về lợi ích cũng dẫn đến tình trạng một quốc gia hoặc một tập hợp các quốc gia tiến hành áp đặt quốc gia khác, bất chấp những chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, dẫn tới các cơ chế an ninh tập thể vì thế mà bị suy giảm tác dụng nhiều so với trước. Tiền lệ này trở thành một mối đe dọa đối với không ít quốc gia và để đối phó, họ sẽ tìm kiếm những hình thức và mức độ tập hợp lực lượng mới, co cụm mới, thậm chí tiến hành chạy đua vũ trang. Ví dụ, sự liên kết, liên minh đa phương đã và đang được hình thành ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một mặt, nhằm thích nghi với những chuyển động mới của khu vực. Hiện nay, liên kết Nhật Bản – Philippines – Australia được đẩy mạnh nhằm thực hiện những tính toán riêng của các nước này. Liên kết đa phương Nhật Bản – Ấn Độ – Australia nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước và đối phó với khả năng thỏa hiệp giữa các nước lớn khác; mặt khác, còn nhắm đến việc xây dựng sức mạnh tổng hợp cùng năng lực chung, cùng nhau đối phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đang nổi lên tại khu vực.
Thứ hai, các nước có xu hướng tập hợp lực lượng dựa trên cơ sở gần gũi về mặt địa lý, lịch sử, văn hóa, tôn giáo và dân tộc
Tháng 12/2017, Chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump công bố Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” tại Hội nghị Diễn đàn cấp cao châu Á – Thái Bình Dương. Theo như chiến lược này, các nước trong không gian này có vị trí địa lý gần gũi, tuy khác nhau về thể chế chính trị, về trình độ phát triển kinh tế, về văn hóa, tôn giáo… nhưng đều có một nhu cầu chung là hợp tác để tăng cường thế và lực của mình ở khu vực cũng như trên trường quốc tế. Khác với trước đây, việc liên kết,
tập hợp lực lượng dựa trên cơ sở gần gũi về địa lý, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, dân tộc ở châu Á – Thái Bình Dương hiện nay mang tính “mở” hơn, toàn diện và đa dạng về hình thái lẫn thành phần. Thứ nhất, mở rộng số lượng thành viên của các tổ chức và diễn đàn hợp tác khu vực. Trường hợp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) hay Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) là những minh chứng. Thứ hai, sự đa dạng về thể chế chính trị và trình độ phát triển của các thành viên tham gia tổ chức khu vự, như Cộng đồng ASEAN, “Hiệp ước đối tác chiến lược cho thế kỷ XXI” giữa Nga và Trung Quốc, Diễn đàn Shangri La… Thứ ba, sự mở rộng hợp tác, liên kết giữa các tổ chức khu vực với nhau, hình thành khái niệm về sự hợp tác liên khu vực. Các tổ chức khu vực không chỉ giới hạn sự hợp tác, liên kết kinh tế của mình trong nội bộ khu vực mà còn mở rộng hợp tác kinh tế với các khu vực khác hoặc các tổ chức, diễn đàn mang tính liên khu vực, như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM)… Thứ tư, hiện tượng một quốc gia có thể đồng thời là thành viên của vài tổ chức hợp tác kinh tế khu vực khác nhau như trường hợp có những nước vừa tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vừa tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các liên kết, tập hợp lực lượng dựa trên cơ sở gần gũi về truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo còn là xu hướng lâu dài nhất trong các liên kết, liên minh. Các liên kết này dựa trên cơ sở khách quan là sự gần gũi giữa các dân tộc về mặt tôn giáo, như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) là nơi tập hợp của các quốc gia và các dân tộc theo đạo Hồi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới; việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak trong các năm vừa qua tại khu vực; hay sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ trong Cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie)… Hiện nay, các tập hợp lực lượng này cũng bắt đầu có xu hướng mở rộng sang các lĩnh vực khác, như chính trị, kinh tế, an ninh…
Tác động của xu hướng tập hợp lực lượng của các nước đến vấn đề tranh chấp Biển Đông
Đối với các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Biển Đông đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong những tính toán chiến lược. Vì vậy, các xu hướng tập hợp lực lượng thể hiện rất rõ trong vấn đề này. Điển hình là việc Mỹ và các nước đồng minh đối tác tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, diễn tập chung nhằm thách thức và đối phó với chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỹ và các nước đã tiến hành hàng chục hoạt động thể hiện sự hiện diện ở Biển Đông và khẳng định những cam kết về đảm bảo an ninh tại khu vực này. Ngoài Mỹ, các nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ cũng tăng cường liên kết, phối hợp dưới hình thức song phương hoặc đa phương, trong đó lấy ASEAN là trung tâm.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng sử dụng lợi ích kinh tế, chính trị để lôi kéo các nước như Campuchia, Philippines, Thái Lan, Indonesia… để tập hợp lực lượng đối phó với Mỹ và các nước. Trung Quốc đã thành công khi biến Philippines từ chỗ đối đầu sang thành đối tác gần gũi, quan trọng nhất hiện nay của nước này ở khu vực. Trung Quốc cũng tích cực đưa ra các sáng kiến như xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển”, Sáng kiến “Vành đai, con đường”, Tập trận chung Trung Quốc – ASEAN, trong Đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC), hợp tác khai thác chung dầu khí, tham vấn song phương… để kéo các nước về phía mình.
http://biendong.net/bien-dong/32001-phan-tich-du-bao-ve-cac-xu-huong-tap-hop-luc-luong-moi-tai-chau-a-thai-binh-duong-va-tac-dong-den-khu-vuc-bien-dong.html

Người lao động nhập cư ở Đài Loan

biểu tình phản đối điều kiện sống

Thụy My
Tại Đài Loan, trên 700.000 lao động nhập cư từ Đông Nam Á làm những công việc lao động phổ thông. Cũng như ở Singapore hay Hồng Kông, các tổ chức xã hội và bản thân người lao động thường xuyên tố cáo điều kiện làm việc và sinh sống của họ. Hôm qua 08/12/2019 một cuộc biểu tình đã diễn ra tại Đài Bắc.
Thông tín viên Adrien Simorre ở Đài Bắc gởi về bài tường trình :
« Hủy bỏ hệ thống môi giới trung gian – broker », là điều mà những người lao động nước ngoài đòi hỏi đối với chính quyền Đài Loan. Đó là những đơn vị tư nhân mà họ lệ thuộc vào để được tuyển mộ sang Đài Loan làm việc.
Nguyễn từ Việt Nam sang, phải làm việc 12 tiếng đồng hồ một ngày tại một nhà máy. Trên má anh có vẽ hình một con quái vật, biểu tượng cho công ty trung gian đã đưa anh sang Đài Loan. Nguyễn nói : Mỗi tháng tôi đều phải chi trả, nhưng công ty này chẳng làm gì cho tôi cả. Khi tôi có vấn đề về sức khỏe chẳng ai lo đến, không ai đưa tôi vào bệnh viện cả.
Từ 30 năm qua, Đài Loan sử dụng lao động phổ thông trong những lãnh vực ít ai muốn làm việc nhất. Đặc biệt là những người giúp việc nhà không được tính đến trong luật lao động. Francia, 41 tuổi, người Philippines bực tức : Chúng tôi phục vụ các gia đình, phục vụ đất nước họ, tại sao luật lao động lại không được áp dụng cho chúng tôi ? Cứ như là chúng tôi không phải là người lao động vậy !
Tại Đài Loan các cuộc tranh luận chính trị chỉ tập trung vào quan hệ Đài-Trung, còn các vấn đề xã hội không được đề cập đến. Huang, một người Đài Loan 28 tuổi cho biết : Tôi có cảm giác là người Đài Loan không quan tâm mấy đến luật lao động. Nhưng đối với tôi, vấn đề quan trọng nhất là quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Chính quyền Đài Loan nhích từng bước nhỏ trong hồ sơ này. Năm ngoái, bộ Lao Động giải thích : Cần phải tính đến quy luật của thị trường
.http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191209-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-lao-%C4%91%E1%BB%99ng-nh%E1%BA%ADp-c%C6%B0-%E1%BB%9F-%C4%91%C3%A0i-loan-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-%C4%91i%E1%BB%81u-ki%E1%BB%87n-s%E1%BB%91ng

Tín hiệu nguy hiểm từ bán đảo Triều Tiên

Căng thẳng có thể tái diễn tại bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thông báo vừa thực hiện thành công một cuộc thử nghiệm có thể thay đổi “vị thế chiến lược” của nước này.
KCNA hôm qua đưa tin Học viện Khoa học quốc phòng CHDCND Triều Tiên đã tiến hành một cuộc thử nghiệm “vô cùng quan trọng” tại bãi phóng vệ tinh Sohae, nơi lẽ ra phải đóng cửa theo thỏa thuận sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều vào tháng 6.2018 ở Singapore. Dù không cung cấp chi tiết vụ thử, KCNA tuyên bố: “Kết quả thu được một lần nữa sẽ mang đến ảnh hưởng quan trọng trong việc thay đổi vị thế chiến lược của CHDCND Triều Tiên trong tương lai gần”. Trước đó, truyền thông nước ngoài đồng loạt đưa tin về việc Bình Nhưỡng nối lại hoạt động tại bãi thử tên lửa tầm xa. Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên kế đến có thể tiếp tục các vụ thử vũ khí và tên lửa đạn đạo liên lục địa, theo báo The Korea Times hôm 8.12.
Chủ tịch Kim Jong-un khánh thành khu nghỉ dưỡng mới
KCNA ngày 8.12 đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un vừa dự lễ khánh thành một khu nghỉ dưỡng ở miền trung Triều Tiên, được xây hoàn toàn nhờ nguồn lực trong nước.
Tại khu nghỉ dưỡng có suối khoáng nóng Yangdok tại tỉnh Nam Pyongan, Chủ tịch Kim phát biểu rằng ông “hài lòng hơn khi thấy các binh sĩ của Quân đội Nhân dân tạo ra một sự văn minh như thế từ chính đôi tay của họ”.
Ông nhấn mạnh dự án hoàn thiện là một thành công lớn và Triều Tiên một lần nữa tuyên bố với thế giới rằng phát triển và thịnh vượng có thể đạt được thậm chí trong nghịch cảnh tồi tệ nhất.
Trước đó, Chủ tịch Kim đã có 4 lần đến thăm dự án này nhằm thể hiện quyết tâm phát triển ngành du lịch có sức cạnh tranh, một phần trong nỗ lực tự chủ khi phải chịu những lệnh trừng phạt của LHQ. Ông chỉ đạo thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng khi thăm khu vực trên vào tháng 11.2018.
Mỹ gần đây duy trì hoạt động theo dõi chặt chẽ bán đảo Triều Tiên, với việc triển khai máy bay trinh sát RC-135S Cobra Ball chuyên thu thập dữ liệu liên quan đến bệ phóng tên lửa, như sự di chuyển của các bệ phóng di động và tín hiệu điện tử, theo Reuters. Dựa trên các thông tin thu được trong vụ thử mới nhất, các chuyên gia tên lửa cho hay nhiều khả năng Triều Tiên đã thử nghiệm động cơ tên lửa chứ không tổ chức vụ phóng như thường lệ. “Nếu thật sự đã diễn ra một vụ thử động cơ cho tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hoặc lỏng, đây tiếp tục là một tín hiệu mạnh nữa cho thấy cánh cửa ngoại giao đang nhanh chóng bị đóng sập… và dự báo điều gì có thể chờ đợi thế giới sau dịp năm mới”, theo chuyên gia về hạt nhân Vipin Narang của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
http://biendong.net/bi-n-nong/31993-tin-hieu-nguy-hiem-tu-ban-dao-trieu-tien.html

Triều Tiên: ‘Trump là lão già thất thường’

Triều Tiên một lần nữa xúc phạm Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 9/12, gọi ông là “lão già lơ là và thất thường” sau khi ông viết trên trang Twitter rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chắc sẽ không muốn từ bỏ mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo và gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bằng cách quay lại thái độ thù địch, theo AP.
Một quan chức cấp cao của Triều Tiên, cựu thương thuyết gia về hạt nhân Kim Yong Chol, nói trong một tuyên bố rằng đất nước ông sẽ không chịu áp lực của Hoa Kỳ vì không có gì để mất và cáo buộc chính quyền Trump đang “câu giờ” trước hạn chót vào cuối năm do Kim Jong Un đặt ra cho Washington nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán hạt nhân.
Vào ngày 8/12, ông Trump tweet rằng “Kim Jong Un quá thông minh và có quá nhiều thứ để mất, thực ra là mọi thứ, nếu ông ấy hành động theo lối thù địch… Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, có tiềm năng kinh tế to lớn, nhưng nước này phải phi hạt nhân hóa như đã hứa”.
Ông đề cập đến một tuyên bố mơ hồ mà hai nhà lãnh đạo đã đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, kêu gọi cho một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân nhưng không mô tả khi nào hoặc làm thế nào chuyện này xảy ra.
Ông Trump nói thêm rằng ông Kim “không muốn đánh mất mối quan hệ đặc biệt với Tổng thống Mỹ hay can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11”.
Ông Kim Yong Chol nói các tweet của ông Trump cho thấy rõ ràng ông là một “lão già cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn”.
“Là một lão già lơ là và thất thường như vậy, sẽ đến lúc chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài việc là một lần nữa gọi ông ta là một ‘lão già lẩm cẩm’”, AP dẫn lời ông Kim Yong Chol nói.
“Có quá nhiều điều mà ông Trump không biết về Triều Tiên. Chúng tôi không có gì để mất. Mặc dù Hoa Kỳ có thể lấy đi thêm nhiều thứ của chúng tôi, nhưng nó sẽ không bao giờ dẹp bỏ được lòng tự trọng, sức mạnh và sự phẫn nộ của chúng tôi đối với Mỹ”.
Ông Kim Yong Chol đã tới Washington và gặp Tổng thống Hoa Kỳ hai lần vào năm ngoái trong khi thiết lập các hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong Un.
Các cuộc đàm phán hạt nhân đã chững lại sau khi cuộc họp hồi tháng 2 giữa ông Trump và ông Kim tại Việt Nam thất bại khi phía Hoa Kỳ từ chối yêu cầu của Triều Tiên về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc nước này từ bỏ một phần khả năng hạt nhân.
Ông Kim tuyên bố Triều Tiên sẽ tìm “một cách thức mới” nếu Hoa Kỳ duy trì áp lực và các biện pháp trừng phạt, đồng thời đưa ra hạn chót cho chính quyền Trump để đưa ra các điều khoản mà hai bên đều chấp nhận cho một thỏa thuận.
Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau lần thứ ba vào tháng 6 tại biên giới giữa hai miền Triều Tiên và đồng ý nối lại đàm phán. Nhưng một cuộc họp cấp làm việc vào tháng 10 ở Thụy Điển đã thất bại vì cái mà Triều Tiên mô tả là “thái độ và lập trường lạc hậu” của người Mỹ.
Tuyên bố của ông Kim Yong Chol được đưa ra vài ngày sau khi Thứ trưởng ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên, Choe Sun Hui, đưa ra đe dọa tương tự xúc phạm ông Trump sau khi ông phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở London về hành động quân sự có thể thực hiện đối với Triều Tiên và lặp lại biệt danh “Gã Tên Lửa” đối với ông Kim Jong Un.
https://www.voatiengviet.com/a/tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-trump-l%C3%A0-l%C3%A3o-gi%C3%A0-th%E1%BA%A5t-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-/5198512.html

Bình Nhưỡng dồn dập thử tên lửa :

Thùng rỗng kêu to ?

Thanh Hà
Bình Nhưỡng thông báo chiều ngày 07/12/2019 đã tiến hành một vụ “thử nghiệm rất quan trọng” từ căn cứ Sohae. Vụ việc diễn ra đúng vào lúc tại Washington tổng thống Mỹ tuyên bố với báo chí ông có “quan hệ rất tốt với Kim Jong Un“.
Bắc Triều Tiên đã gia hạn cho Hoa Kỳ đến “cuối năm” để nối lại đàm phán. Càng gần đến hạn định này Bình Nhưỡng càng dồn dập cho thử tên lửa. Qua các đòn diễu võ dương oai đó, phải chăng chế độ Kim Jong Un muốn che đậy hai nhược điểm lớn : quân sự và kinh tế ?
Trên báo The Diplomat ngày 04/12/2019, nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Quốc Phòng và Chiến Lược Đại Học Công Nghệ Nanyang-Singapore đặt câu hỏi “Có gì đằng sau việc Bắc Triều Tiên thử tên lửa ?”
Tác giả điểm lại : từ tháng 5 cho đến ngày 28/11/2019 Bắc Triều Tiên đã thử 13 quả tên lửa. Hành động này nhằm thể hiện bất bình về các biện pháp trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế. Lệnh cấm vận chính thức được ban hành từ năm 2016. Tới nay, Bình Nhưỡng luôn xem việc giảm nhẹ các biện pháp cấm vận là một điều thiết yếu để đổi lấy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chính ông Kim Jong Un từng đề ra thời hạn “cuối năm 2019″ để đàm phán với Mỹ. Do vậy theo nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, Bắc Triều Tiên tăng tốc các vụ thử tên lửa nhằm nhắc nhở Hoa Kỳ rằng chớ nên xem nhẹ “tối hậu thư” của Bình Nhưỡng.
Nhưng bên cạnh yếu tố chính trị vừa nêu, hai yếu tố quân sự và kinh tế cũng quan trọng không kém. Về khả năng quân sự, nhiều chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng đang thử nghiệm một số các loại tên lửa đời mới khá lợi hại. Trong số này phải kể đến loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-25 vừa nhẹ, vừa có khả năng linh động cao. Với tầm bắn 380 cây số, KN-25 có khả năng bắn chận đủ loại tên lửa xuất phát từ Hàn Quốc mà không cần phải dùng tới loại tên lửa tầm trung như Rodong1 hay Hwasong7. Bình Nhưỡng làm chủ loại vũ khí lợi hại này sẽ là một thách thức đối với giới quân sự Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên hệ thống phòng thủ của Bắc Triều Tiên có nhiều lỗ hổng. Tác giả bài báo trên The Diplomat nói đến “thế yếu” của cỗ máy quân sự tại quốc gia này. Việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, cho thử nghiệm hàng loạt các loại tên lửa, không che dấu được một điều : đó là yếu kém của quân đội Bắc Triều Tiên. Cả trên không, trên biển và trên bộ, các chương trình tập huấn thường bị hủy bỏ, khi thì do thiếu xăng, lúc thì do trang thiết bị lỗi thời…
Vậy phải chăng Bắc Triều Tiên dồn nỗ lực phát triển vũ khí đạn đạo và hạt nhân để che đậy và bù đắp lại với những yếu kém của quân đội truyền thống ? Nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, đại học Singapore cho rằng, vũ khi hạt nhân và tên lửa chứng minh về khả năng răn đe của Bình Nhưỡng và qua đó bảo đảm cho chế độ Kim Jong Un một chỗ đứng trên bàn cờ quốc tế.
Thề còn về kinh tế ? Tác giả bài báo cũng tin rằng, đây là động cơ thứ nhì ít nhiều liên quan trực tiếp đến chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Có điều Bình Nhưỡng đủ khôn ngoan để không vượt quá lằn răn đỏ để tránh lãnh thêm các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Có nghĩa là chỉ dừng lại ở việc thử tên lửa tầm ngắn. Dường như cộng đồng quốc tế có một sự khoan dung nào đó với chế độ của Kim Jong Un, nếu Bắc Triều Tiên không thử tên lửa tầm xa.
Trong những điều kiện đó, tác giả bài viết trên tờ báo Nhật, The Diplomat, Liang Tuang Nah, tin rằng trong năm 2020 Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục đều đặn thử tên lửa và thử nghiệm các loại vũ khí mới để nắn gân quốc tế. Kịch bản tệ nhất vẫn có thể xảy ra.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191209-b%C3%ACnh-nh%C6%B0%E1%BB%A1ng-d%E1%BB%93n-d%E1%BA%ADp-th%E1%BB%AD-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-th%C3%B9ng-r%E1%BB%97ng-k%C3%AAu-to

Hồng Kông biểu tình lớn nhất sau bầu cử

Hôm qua, khoảng 800.000 người xuống đường trong cuộc biểu tình lớn nhất tại Hồng Kông kể từ sau cuộc bầu cử hội đồng quận vào ngày 24.11.
Tờ South China Morning Post dẫn nguồn từ các nhóm tổ chức biểu tình ở Hồng Kông cho hay khoảng 800.000 người rầm rộ tham gia tuần hành vào ngày 8.12, thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào phản đối chính quyền đặc khu kéo dài 6 tháng qua. Người biểu tình đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ hô hào nhiều khẩu hiệu. Đám đông tuần hành từ công viên Victoria ở khu mua sắm sầm uất Đồng La Loan cho đến đường Chater gần quận trung tâm tài chính của Hồng Kông. Trong khi đó, cảnh sát cho hay chỉ có 183.000 người tham gia biểu tình.
Lãnh đạo AmCham Hồng Kông bị ngăn đến Macau
Hãng Reuters ngày 8.12 đưa tin Chủ tịch Hội đồng quản trị Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông (AmCham) Robert Grieves và Chủ tịch điều hành Tara Joseph bị tạm giữ khi đến Macau dự buổi tiệc
thường niên của cơ quan này vào ngày 7.12. Cả hai cho biết họ không được giải thích lý do bị cản trở khi đến Macau. “Chúng tôi hy vọng đây chỉ là phản ứng thái quá trước những diễn biến gần đây và hoạt động kinh doanh quốc tế sẽ tiếp tục hướng về phía trước với tinh thần xây dựng”, hai doanh nhân Mỹ khẳng định trong thông cáo. Theo tờ The Guardian, Grieves và Joseph phải ký tên vào biên bản khẳng định họ “tự nguyện chấp nhận không tìm cách đến Macau”. Cơ quan di trú của đặc khu chưa đưa ra bình luận về vụ việc. Reuters dẫn lời Joseph cho hay bà không hiểu vì sao mình không được đến Macau tham dự sự kiện thường niên, nơi có Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông và Macau Hanscom Smith tham dự.
Khi đêm xuống, một số người biểu tình xịt sơn vẽ chữ lên tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc. Cảnh sát chống bạo động đứng bảo vệ tại đây tỏ ra kiềm chế, trong khi những người biểu tình hô hào. “Sắp Giáng sinh rồi nhưng chúng tôi không có tinh thần nào để ăn mừng nữa. Ước nguyện năm 2020 của tôi là phổ thông đầu phiếu”, sinh viên 23 tuổi Lawrence chia sẻ. Trong đêm, đoàn người biểu tình bật đèn trên điện thoại di động, tạo nên một màn ánh sáng lấp lánh trải dài trên các tuyến đường và tiếng hô của họ vang giữa các tòa nhà cao tầng.
Nhiều người bày tỏ bức xúc vì đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chối tỏ ra nhân nhượng dù phe đối lập giành thắng lợi tại cuộc bầu cử hội đồng quận vào 2 tuần trước. “Cho dù chúng tôi có bày tỏ quan điểm thế nào, thông qua tuần hành hòa bình, thông qua bầu cử văn minh, thì chính quyền cũng không lắng nghe”, AFP dẫn lời một người biểu tình 50 tuổi họ Hoàng bức xúc nói. Một người biểu tình khác là Kelvin chia sẻ rằng ông không biết khi nào mọi chuyện mới kết thúc, nhưng cho dù kéo dài đến bao lâu thì phong trào biểu tình cũng sẽ không nhân nhượng.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31991-hong-kong-bieu-tinh-lon-nhat-sau-bau-cu.html

Lãnh đạo phòng thương mại Hoa Kỳ ở Hồng Kông

bị giữ lại khi nhập cảnh vào Macau

Vào thứ Bảy (7/12), những người đứng đầu phòng thương mại Hoa Kỳ ở Hồng Kông bị từ chối nhập cảnh vào Macau và bị giam giữ trong vài giờ, trước khi bị trục xuất mà không có lý do nào được đưa ra. Theo một tuyên bố được đưa ra vào tối thứ Bảy (7/12) của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông (AmCham), chủ tịch Robert Grief và giám đốc Tara Joseph bị ngăn không cho vào Macau khi họ đến tham dự sự kiện AmCham Macau Ball.
Theo tờ South China Morning Post đưa tin, cả ông Robert và bà Tara đều không được cho biết lý do tại sao bị ngăn lại. Sau vài giờ, họ buộc phải ký một tuyên bố rằng họ tự nguyện đồng ý không tiếp tục theo đuổi việc nhập cảnh vào Macau, sau đó cả hai đều trở về Hồng Kông mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Họ cho biết rằng họ vô cùng hoang mang không biết chuyện gì đang xảy ra. Họ nói thêm rằng AmCham là một phòng kinh doanh và luôn hỗ trợ phát triển kinh doanh tại Khu vực Vịnh Lớn (Great Bay Area). Sự việc này xảy ra trong thời điểm nhạy cảm, khi mà Bắc Kinh đưa ra khuyến cáo về sự trừng phạt sau khi Hoa Kỳ thông qua luật hỗ trợ các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Hong kong. Sau khi Tổng thống Donald Trump ký vào dự luật này hồi tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố trừng phạt các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ.
Một nhà bình luận ở Macau đồng thời cũng là cựu giáo sư đại học cho biết, bà Joseph bị từ chối nhập cảnh có thể do sự phản đối trước đó của bà đối với dự luật dẫn độ của Hồng Kông. Có khả năng chính quyền đã đưa họ vào danh sách những người không được chào đón tại Macau.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/lanh-dao-phong-thuong-mai-hoa-ky-o-hong-kong-bi-giu-lai-khi-nhap-canh-vao-macau/

Bắc Kinh bắt các công sở

phải thay thế máy tính và phần mềm nước ngoài

Bắc Kinh vừa ra lệnh cho tất cả các văn phòng chính phủ và các tổ chức công phải loại bỏ các máy tính và phần mềm do nước ngoài sản xuất trong vòng ba năm, theo FT.
Động thái này được xem là một cú đánh rất mạnh vào doanh thu của các công ty như HP, Dell và Microsoft.
Chỉ thị này là hướng dẫn công khai đầu tiên đưa ra các mục tiêu cụ thể yêu cầu người mua Trung Quốc phải chuyển sang các nhà cung cấp công nghệ quốc nội, và đáp trả nỗ lực của chính quyền Trump trong việc hạn chế sử dụng công nghệ Trung Quốc tại Mỹ và các nước đồng minh.
Thương chiến Mỹ Trung sẽ đi về đâu?
Thương chiến Mỹ – Trung trong 400 từ
Thương chiến Mỹ-Trung: ‘Chúng ta đều phải trả giá’
Người sáng lập Huawei: ‘Mỹ không thể bóp nát chúng tôi’
Đây là một phần trong chiến dịch rộng lớn nhằm tăng cường sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ sản xuất trong nước, và có khả năng gây ra mối lo ngại là chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bị cắt đứt.
Đầu năm nay, Washington đã cấm các công ty Mỹ làm ăn với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei thay vào đó tìm cách dồn tiền để mua hàng cho các đối thủ châu Âu của Huawei.
Gần đây, Hoa Kỳ đề xuất rằng việc bán công nghệ vào Hoa Kỳ từ các ”đối thủ nước ngoài” sẽ được xem xét kỹ vì lý do an ninh quốc gia, cũng như đã gây áp lực buộc các đồng minh châu Âu loại Huawei ra khỏi các dự án cơ sở hạ tầng 5G.
Các nhà phân tích tại China Securities ước tính rằng khoảng 20 đến 30 triệu máy tính sẽ cần phải được hoán đổi do chỉ thị của Trung Quốc, với sự thay thế quy mô lớn bắt đầu vào năm tới.
Họ nói thêm rằng sự thay thế sẽ diễn ra với tốc độ 30% vào năm 2020, 50% vào năm 2021 và 20% vào năm sau đó, khiến cho chính sách này có biệt danh ”3-5-2”.
Mặc dù tài liệu chính sách của Văn phòng Trung ương được giữ bí mật, các nhân viên của hai công ty an ninh mạng đã nói với Financial Times là khách hàng chính phủ của họ cũng đã mô tả chính sách này. Các nhân viên được yêu cầu giấu tên vì thông tin nhạy cảm về mặt chính trị.
Các nhà phân tích tại công tư tài chánh Jefferies ước tính rằng các công ty công nghệ Hoa Kỳ có số doanh thu 150 tỷ đôla một năm từ Trung Quốc, mặc dù phần lớn trong số này đến từ những người mua tư nhân.
Tốc độ thay thế được giới quan sát cho là quá tham vọng. Các văn phòng chính phủ đã có xu hướng sử dụng máy tính để bàn Lenovo, sau khi công ty này mua lại bộ phận máy tính cá nhân khổng lồ IBM của Mỹ.
Nhưng giới phân tích nói rằng sẽ rất khó để thay thế phần mềm với lựa chọn trong nước, vì hầu hết các nhà cung cấp phần mềm đều phát triển sản phẩm cho các hệ điều hành phổ biến do Mỹ sản xuất như Windows của Microsoft, và Mac của Apple.
Mặc dù Microsoft đã sản xuất một ”phiên bản Chính phủ Trung Quốc”, cho Windows 10 vào năm 2017 với liên doanh của công ty này ở Trung Quốc, các công ty an ninh mạng Trung Quốc hiện cho biết khách hàng của chính phủ phải chuyển sang các hệ điều hành hoàn toàn do Trung Quốc sản xuất.
Các hệ điều hành tự chế của Trung Quốc, như Kylin OS, có một hệ sinh thái nhỏ hơn của các nhà phát triển sản xuất phần mềm tương thích nhiều.
Việc xác định ”sản phẩm nội địa” cũng là một thách thức. Mặc dù Lenovo là một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc chuyên lắp ráp nhiều sản phẩm tại Trung Quốc, chip xử lý máy tính của họ được sản xuất bởi Intel và ổ cứng do Samsung sản suất.
Ảnh hưởng của Tác động của chính sách 3-5-2 có thể sẽ rất đáng kể vì chính phủ có thể kiểm soát việc mua sắm cho các cơ quan bị chi phối bởi chính sách này, một nhà phân tích an ninh mạng khác cho biết.
Hiện chưa biết các công ty tư nhân có bị ảnh hưởng không. Nhưng chắc chắn là cho đến khi chính phủ ra chính sách, những công ty này sẽ không chủ động thay thế, vì khoản đầu tư này rất cao, nhà phân tích nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50710638

Truyền thông TQ đang tìm cách kích động,

bôi nhọ Mỹ vì đối phó nước này trên Biển Đông

Trong bối cảnh Mỹ tích cực lên án, chỉ trích, thậm chí có các biện pháp cứng rắn đối phó với hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh bị dồn vào chân tường. Thời báo Hoàn Cầu – một trong những cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại đăng bài bình luận tìm cách kích động, bội nhọ Mỹ để trả đũa.
Trò hèn của truyền thông Trung Quốc
Thời báo Hoàn Cầu mới đăng tải một bài bình luận “Hoa Kỳ không thể sử dụng hợp tác năng lượng với Việt Nam để thúc đẩy các lợi ích ở khu vực”, của một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Nam Kinh. Bài viết cho rằng Mỹ dùng việc phát triển năng lượng với Việt Nam làm “vỏ bọc” nhằm “kích động” Hà Nội “đối đầu” với Bắc Kinh trên biển, cũng như nhằm biến Việt Nam thành “tốt thí”; mục đích chiến lược cốt lõi của Mỹ là sử dụng việc phát triển năng lượng chung với Việt Nam là vỏ bọc để kích động Hà Nội có các bước đi mạnh mẽ hơn trong cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc; đồng thời cho rằng Hà Nội “hy vọng các cường quốc ngoài khu vực, trong đó có Mỹ và Nhật, có thể ủng hộ mình”; nhận định “sau khi quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines cải thiện, Việt Nam là một đòn bẩy quan trọng để Mỹ dựa vào nhằm kiềm tỏa Trung Quốc”, bài viết nhận định, cho rằng “một số quan chức diều hâu trong chính quyền Trump liên tục tìm cách gây bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là kích động Việt Nam khiêu khích Trung Quốc trên biển”; cho rằng “điều này có thể biến hai nước trở thành kẻ thù để Mỹ hưởng lợi”. Ngoài ra, tờ báo còn cho rằng “Washington biết việc thăm dò và sản xuất dầu khí của Hà Nội đang trên đà suy giảm. Nếu Mỹ có thể giúp Việt Nam chống lại tình trạng thiếu điện, đất nước châu Á này sẽ bị buộc phải tuân lệnh của Washington và trở thành một con tốt thí quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương của Mỹ”.
Về phía Việt Nam, Thời báo Hoàn Cầu ngang ngược cho rằng Hà Nội cũng có “các tính toán riêng trong việc hợp tác với Washington. Hà Nội muốn hợp tác với Washington và Tokyo để chọc giận Bắc Kinh, vì Việt Nam có xu hướng tin rằng Washington và Tokyo có thể làm Trung Quốc cảm thấy sợ hãi”.
Bôi nhọ, vu cáo và xuyên tạc là cách Trung Quốc hay dùng
Trung Quốc sử dụng các cơ quan thông tấn, truyền thông và báo chí (Tân Hoa xã, Phượng Hoàng, Hoàn Cầu, Sina, Sohu, CCTV…) để đưa tin, hình ảnh, bài viết cập nhật về hoạt động bảo vệ “chủ quyền” biển đảo của quân, dân Trung Quốc; mở nhiều trang diễn đàn (diễn đàn quân sự, diễn đàn Nam Hải…) chuyên đăng các thông tin liên quan Biển Đông nhằm tuyên truyền về vấn đề “chủ quyền”, kích động tinh thần dân tộc và tán phát các thông tin xuyên tạc sự thật khiến người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế ngộ nhận về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc cũng tăng cường chỉ trích các nước bên ngoài can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Sau khi các nước (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada…) có các hoạt động, tuyên bố chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa, cải tạo phi pháp, cản trở hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Trung Quốc thường thông qua các kênh chính thống (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Đại sứ quán Trung Quốc tại các nước…), kênh truyền thông (Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, CCTV…), các diễn đàn đa phương, hội thảo quốc tế (do Trung Quốc tổ chức) để chỉ trích các nước “tìm cách can thiệp vào vấn đề Biển Đông, gây chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN”; khẳng định Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, yêu cầu các nước “tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, cho rằng nhiều nước đang tìm cách gây cản trở vấn đề Biển Đông dưới chiêu bài luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao, Quốc phòng Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích, thậm chí là cảnh cáo các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, cho rằng các hoạt động của Mỹ là khiêu khích quân sự và chính trị nghiêm trọng, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ an ninh và “chủ quyền” quốc gia. Đáng chú ý, Thời báo Hoàn Cầu (nguyệt san của Nhân dân Nhật báo, 29/8/2017) từng có bài viết “cảnh báo” Việt Nam không nên vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mà để ảnh hưởng đến hợp tác thương mại và trao đổi văn hóa với Trung Quốc; cho rằng hai nước không nên để thế lực bên ngoài can thiệp vào quan hệ song phương.
Không thể đánh lừa cộng đồng quốc tế
Theo Bộ Ngoại giao, chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa lần đầu tiên được thiết lập vào khoảng giữa thế kỷ thứ 15 và 18; các hoàng đế Gia Long và Minh Mạng đã tổ chức các nghi lễ tôn giáo ở đâ vào thế kỷ thứ 19; sau đó nằm dưới sự quản lý tạm thời của người Pháp vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20; và sau cùng thì tiếp tục được quản lý một cách công khai, hoà bình và bình thường bởi nước Việt Nam độc lập. Các hoạt động trong đó bao gồm: (1) Phê duyệt các hợp đồng thương mại quốc tế đối với các hoạt động kinh tế của quần đảo; (2) tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật đối với việc xâm nhập phi pháp của người dân Trung Quốc và ngăn chặn buôn lậu vũ khí và thuốc phiện; (3) thực hiện khai thác có hệ thống các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đảo; (4) tổ chức các hoạt động bảo trợ
cho các quốc gia khác; (5) đặt quân đội đồn trú và chính quyền dân sự trên đảo; (6) đấu tranh chống lại các cuộc xâm lược của Trung Quốc và Nhật Bản; (7) xây dựng miếu thờ và đền thờ; (8) thu thuế; (9) tổ chức và thực hiện các cuộc khảo sát và nghiên cứu khoa học ở quần đảo này; (10) tổ chức và thực hiện khảo sát thuỷ văn đối với các tuyến đường biển và trồng câ trên các đảo để tăng cường an toàn giao thông hàng hải; (11) triển khai các hoạt động cứu trợ tàu bè nước ngoài gặp nạn trên biển; và (12) đảm bảo an toàn cho các tuyến đường giao thông trên biển.
Việt Nam khẳng định rằng Pháp, là quốc gia đại diện cho Việt Nam, đã tiến hành rất nhiều các hoạt động khác nhau để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, điển hình như năm 1933, Pháp đã chính thức sáp nhập và chiếm đóng một số thực thể ở quần đảo này nhân danh Việt Nam. Vào thời điểm đó, việc sáp nhập các đảo hoàn toàn tuân thủ đúng theo luật pháp quốc tế hiện hành và thực tiễn quốc gia. Mặc dù, Nhật Bản giành được quyền kiểm soát quần đảo từ Pháp đến năm 1951, tuy nhiên sau Hội Nghị Hoà bình San Francisco diễn ra năm 1951 thì Nhật Bản đã buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát của mình và chủ quyền đối với quần đảo được trao trả lại cho Pháp. Thời gian sau đó, các hoạt động của người Pháp và Việt Nam, cả trước và sau chiến tranh, rõ ràng đã cho thấy sự hiện diện thực tế và được duy trì liên tục , cũng như việc thực thi chủ quyền một cách hoà bình đối với quần đảo Trường Sa.
Từ góc độ lịch sử, những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xác định dựa trên rất nhiều tài liệu lịch sử và bản đồ có từ thế kỷ thứ 15. Ngoài ra, có nhiều chứng cứ thu thập từ các nguồn tư liệu bên ngoài ủng hộ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ngay từ khoảng đầu thế kỷ 17. Bản đồ của Bồ Đào Nha và Hà Lan vào đầu thế kỷ 17 đã công khai xác nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam. Những tấm bản đồ này giống với bản ghi chép của một nhà truyền giáo phương Tây năm 1701, trên con tàu Pháp, có tên là Amphitrite, trong đó chỉ ra rằng quần đảo Hoàng Sa là của Vương quốc An Nam. Ngay cả trong văn bản của Trung Quốc (Hai Lu’s Hai Quoc Do Chi) cùng thời kỳ đó (1730) cũng đã xác nhận chủ quyền quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh đó, bản đồ Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông và bản đồ của thủ phủ Quảng Châu xuất bản vào năm 1731 cũng không hề đề cập tới cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tài liệu của phương Tây thế kỷ 19 cũng ủng hộ yêu sách lịch sử của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trên cơ sở chiếm đóng và kiểm soát. Cuốn sách xuất bản năm 1837 bởi một nhà truyền giáo người Pháp Monseigneur Jean-Louis Taberd có tên Ghi chép về địa lý Nam Kỳ đã viết rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc Nam Kỳ. Cuốn sách thứ 2 được Monseigneur xuất bản vào năm sau đó (1838) – có tên Lịch sử và Mô tả về Tôn giáo, Tập tục và Chuẩn mực của các dân tộc – tương tự cũng ghi chép rằng quần đảo này thuộc Nam Kỳ trong suốt 3 năm. Thêm vào đó bản đồ mà Taberd xuất bản năm 1838 có tên An Nam Dai Quoc Hoa Do (Tabula geographica imperia Anamtici – Bản đồ của nhà nước phong kiến An Nam) cũng đã mô tả quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Những ghi chép của nhà thám hiểm người Pháp Jean-Baptiste Chaigneau (Memoires sur la Cochinchina) cũng đề cập tới việc Hoàng đế Gia Long sáp nhập quần đảo Hoàng Sa năm 1816. Một dẫn chứng nữa chứng minh quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam có thể tìm thấy trong cuốn sách Japon, Indo‐Chine, Empire Birman (ou Ava), Siam, Annam (ou Cochinchine), Pèninsule Malaise, etc., Ceylan bởi nhà thám hiểm người Pháp và tác giả Adolphe Philibert Dubois de Jancigny. Một chứng cứ khác đó là tài liệu địa lý của (The Italian Compendium of Geography) Aldriano Balbi người Italy xuất bản năm (1850) cũng chỉ ra rằng quần đảo Hoàng Sa, Hà Tiên (Pirate) và Côn Sơn (Puolo Condor) là thuộc Vương quốc An Nam. Ngay cả bản đồ của Trung Quốc năm 1890 (Hoàng triều nhất thống Dư địa tổng đồ) cũng mô tả lãnh thổ của Trung Quốc chỉ kéo dài tới đảo Hải Nam , do đó, tấm bản đồ này đã   xác nhận tính chính xác của các tài liệu phương Tây.
Việc chiếm đóng và kiểm soát hữu hiệu các quần đảo ở Biển Đông tiếp tục được triển khai dưới thời Pháp thuộc cho đến khi Việt Nam giành được độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ II. Năm 1898, một thoả thuận của Bộ thuộc địa Pháp gửi Chính quyền toàn Đông Dương đã đề cập đến việc xây dựng ngọn hải đăng ở quần đảo Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền của Pháp tại đây. Các nghiên cứu khoa học về quần đảo nà cũng đã được triển khai, và tàu chiến Pháp đã được giao nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển và triển khai các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đối với các con tàu gặp nạn. Vào năm 1920, cơ quan hải quan Pháp ở Đông Dương bắt đầu triển khai hoạt động thường kỳ tới khu vực quần đảo nà để chống buôn lậu vũ khí, đạn dược, và thuốc phiện.
Các hoạt động của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa tiếp tục một cách xuyên suốt và liên tục trong suốt thời kỳ những năm 1920 và 1930. Chế độ thực dân Pháp đã thực hiện một loạt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở quần đảo này từ năm 1925, sau khi các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Hải dương học ở Nha Trang, trên con tàu Pháp có tên là De Lanessan, xác nhận tồn tại một trữ lượng phốt phát lớn ở quần đảo này. Trái lại, trong suốt khoảng thời gian này Pháp kịch liệt phản đối những hành động xâm nhập đầy toan tính của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa. Pháp (1931) đã phản đối qua kênh ngoại giao đối với một tuyên bố của Trung Quốc khi nước này có ý định mời thầu các công ty nước ngoài để khai thác phốt phát ở Hoàng Sa. Pháp tiếp tục đưa ra phản đối vào ngày 24/4/1932 sau khi Trung Quốc công khai mời thầu, bằng việc viện dẫn rằng Việt Nam đã có đầ đủ cơ sở pháp lý về chủ quyền của quần đảo này.
Sau khi Trung Quốc khước từ đề nghị của Pháp để giải quyết tranh chấp quần đảo Hoàng Sa thông qua trọng tài quốc tế, thì Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định đặt Hoàng Sa là đơn vị hành chính trực thuộc Tỉnh Thừa Thiên (Huế) vào ngày 15/6/1932 (Theo Nghị định số 156-SC). Vào năm 1937, tổng phụ trách công sự người Pháp đã được chính quyền thực dân Pháp đưa ra Hoàng Sa để đánh giá khả năng xây dựng các cơ sở phục vụ giao thông đường không và đường biển trên quần đảo, cũng như xây dựng hải đăng trên Đảo Hoàng Sa. Cũng vào năm này, Trung Quốc cũng đã khước từ nỗ lực lần thứ 2 của Pháp để giải quyết những tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế. Sau đó, binh lính người Việt Nam dưới sự chỉ huy của quan chức Pháp đã tổ chức chiếm đóng và dựng cột đánh dấu chủ quyền đối với một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa. Sau đó thì một ngọn hải đăng, trạm khí tượng, và trạm phát thanh đã được xây dựng ở Đảo Hoàng Sa.
Trong năm sau đó, vào tháng 3/1938, Hoàng đế Bảo Đại đã xác nhận Nghị định số 156-SC của Pháp trong pháp lệnh triều đình Việt Nam. Sau đó, ngà 5/9/1939, Toàn quyền Đông dương đã chia quần đảo Hoàng Sa thành hai quận – nhóm An Vĩnh (Amphitrite) và Trăng Khuyết (Crescent). Sau sự kiện phân chia này, thì lực lượng cảnh vệ Pháp và Việt Nam đã duy trì sự hiện diện thường xuyên trên Đảo Hoàng Sa (nhóm Trăng Khuyết) và trên Đảo Phú Lâm (nhóm An Vĩnh).
Lực lượng quân sự Pháp/Việt duy trì ở Hoàng Sa cho đến năm 1956, và có một vài năm gián đoạn trong thời trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng uần đảo trong giai đoạn Thế Chiến thứ II. Tháng 2/1946, cả Pháp và Trung Quốc đã nhất trí việc binh lính Pháp sẽ thay thế binh lính Trung Quốc đóng quân tại bắc Đông Dương Vĩ tuyến 16 (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) trước ngày 31/3/1946. Theo đó, binh lính Pháp đã được điều ra để tái kiểm soát quần đảo Hoàng Sa vào tháng 6/1946. Mặc dù sau đó 3 tháng, lực lượng này đã rút khỏi quần đảo Hoàng Sa do chiến tranh đang diễn ra giữa người Pháp và Việt Minh, tuy nhiên thì Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tướng Alphonse Pierre Juin đã thúc giục Chủ tịch Uỷ ban về Đông Dương phải quay trở lại đóng quân tại quần đảo Hoàng Sa vào tháng 10/1946 để củng cố cơ sở pháp lý của Pháp trước Trung Quốc. Thêm vào đó, yêu cầu tất cả tàu tiếp cận quần đảo Hoàng Sa phải xin phép Cao ủy Pháp tại Sài Gòn.
Sau khi Pháp biết tin Quốc Dân Đảng Trung Quốc đã triển khai lực lượng tới Hoàng Sa để tiếp nhận sự đầu hàng của binh lính Nhật Bản đang đóng uân bất hợp pháp tại đây sau khi lực lượng Đồng Minh rút quân khỏi Đông Dương năm 1946, thì Pháp đã chính thức trao công hàm phản đối tới Trung Quốc vào ngày 13/1/1947. Ngay sau đó ngày 13/7/1947 tàu chiến Pháp có tên Le Tonkinois đã được điều tới khu vực để trục xuất bính lính Quốc Dân Đảng khỏi Đảo Phú Lâm (Woody). Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra rằng Quốc Dân Đảng đang triển khai một số lượng lớn binh lính trên đảo này thì lực lượng Pháp-Việt đã rút về Đảo Hoàng Sa. Năm 1953, tàu khảo sát thuỷ văn có tên Ingenieur en chef Girod đã được điều ra quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ nghiên cứu hải dương học, địa lý, địa chất, và sinh thái học.
Bên cạnh các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, Pháp cũng đã thực thi các hoạt động nhằm củng cố chủ quyền của họ ở quần đảo Trường Sa. Năm 1927, tàu De Lanessan lần đầu tiên triển khai hoạt động khảo sát khoa học tại quần đảo này. Vào năm sau đó, tháng 11/1928, công ty có tên Công ty Phốt phát Bắc Kỳ đã nộp đơn tới Toàn quyền Đông Dương xin khai thác phốt phát ở quần đảo Trường Sa. Và sau đó năm 1930, đội khảo sát người Pháp trên con tàu La Malicieuse đã tiến hành khảo sát lần thứ 2 ở quần đảo Trường Sa và thượng cờ Pháp ở quần đảo này – đây là chứng cứ đầu tiên được ghi chép về việc ghi dấu chủ quyền đối với các hòn đảo này ở Trường Sa. Sau đó, ngày 23/9/1930, Pháp đã thông báo cho các cường quốc khác biết rằng nước này đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa trên thực địa, trên cơ sở Trường Sa là vùng đất vô chủ (terra nullius).
Sau đó đến năm 1933 Pháp đã điều các tàu Alerte, Astrobale và Delanessan tới quần đảo Trường Sa để chính thức kiểm soát thực tế quần đảo này. Ba tháng sau đó, Bộ Ngoại giao Pháp đã đưa ra công báo trên tạp chí French Journal Officiel (26/7/1933, trang 7837) thông báo với cộng đồng quốc tế rằng đơn vị hải quân Pháp đã chiếm đóng trên thực tế quần đảo Trường Sa (với các đảo nhỏ lân cận), Đảo An Bang – Islet caye of Amboine (với các đảo nhỏ lân cận), Đảo Ba Bình – Itu Aba (với các đảo nhỏ lân cận), Đảo Song Tử Đ ng – North East Cay và Đảo Shira (với các đảo nhỏ lân cận), Đảo Loại Ta – Loaita (và các đảo nhỏ lân cận) và Đảo Thị Tứ – Thi Tu (với các đảo nhỏ lân cận). Các thông báo riêng cũng đã được gửi cho Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hà Lan và Mỹ. Với việc yêu sách đối với cả các thực thể lân cận “thuộc” các đảo, rõ ràng là Pháp có mục đích yêu sách chủ quyền đối với toàn quần đảo Trường Sa. Sau sự kiện công khai sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tháng 7/1933, Pháp đã thiết lập cơ quan quản lý hành chính và đội quân bảo vệ quần đảo trên Đảo Ba Bình. Tháng 12/1933, Toàn quyền Pas uier đã ký Nghị định số 4762-CP (ngày 21/12/1933), quyết định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa (Đông Dương). Sau đó Cơ quan Nghiên cứu Thuỷ văn Đông Dương đã cho xâ dựng trạm phát thanh và trạm khí tượng trên Đảo Ba Bình vào năm 1938 – và trong danh sách của Tổ chức Nghiên cứu Thuỷ văn Thế giới, dữ liệu từ trạm khí tượng này được ghi xuất xứ là từ Nam Kỳ. Sau đó Pháp cũng triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học tại quần đảo này.
Năm 1939, Pháp đã tái khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, khẳng định quần đảo này là thuộc nước An Nam, sau khi Nhật Bản tuyên bố đặt quần đảo nà dưới quyền kiểm soát hành chính của Đài Loan. Sau đó thì đội dân quân An Nam đã được triển khai thêm tới doanh trại đang đóng ở Trường Sa để chống lại việc Nhật Bản triển khai quân lực lượng dân quân Formosa (Đà Loan), và một tàu chiến Pháp làm nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông cũng đã cập bến ở Trường Sa. Tuy nhiên lúc đó thì Trung Quốc không hề phản đối tuyên bố của Nhật Bản, cũng như việc triển khai lực lượng dân quân của An Nam và Đài Loan ở đây.
Tháng 10/1946, tàu chiến Pháp có tên Chevreud được điều ra Trường Sa để khẳng định lợi ích của Pháp ở quần đảo này và đội thuỷ thủ đã đặt bia khẳng định chủ quyền trên Đảo Ba Bình. Khi Pháp biết được việc hải quân Trung Quốc đánh chiếm Đảo Ba Bình vào tháng 11/1946, thì quan chức Pháp đã phản đối hành động này và yêu cầu quân đội Quốc Dân Đảng phải rút ngay khỏi quần đảo.
Sau khi Pháp chính thức chuyển giao quyền bảo vệ quần đảo Hoàng Sa cho quân đội của Việt Nam. Thủ tướng Trần Văn Hữu tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với uần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại Hội nghị Hòa Bình San Francisco. Không một quốc gia nào trong số 51 quốc gia tham dự Hội nghị phản đối tuyên bố này, ngoài ra cũng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấ Trung Hoa Dân Quốc đã từng phản đối tuyên bố trên. Vào thời điểm đó, Trung Hoa Dân quốc là đại diện của Trung quốc tại Liên Hợp quốc.
Hải quân Việt Nam đã đảm trách nhiệm vụ phòng thủ các quần đảo vào tháng 8/1965, và quân đội miền Nam Việt Nam đã chốt giữ Đảo Hoàng Sa (Pattle) và đảo Hữu Nhật (Robert) lần lượt vào tháng và tháng 7 năm 1956. Cùng năm đó, Bộ Khai khoáng, Công nghệ và Công nghiệp Nhẹ đã tiến hành khảo sát trên các Đảo Hoàng Sa (Pattle), Đảo Quang Ánh (Mone ), Đảo Hữu Nhật (Robert) và Đảo Duy Mộng (Drumond) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, Thủ quân lục chiến Việt Nam Cộng   Hòa tiếp tục nhiệm vụ phòng vệ các đảo này.
Việc Trung Quốc liên tục có hành động xâm phạm quần đảo Hoàng Sa những năm 1970 đã khiến miền Nam Việt Nam tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong tuyên bố ngày 15/7/1979797. Tháng 5 năm đó, quân đội Việt Nam tiến hành khảo sát tại quần đảo Tri Tôn. Một tuyên bố dài đã được công bố buộc tội cộng sản Trung Quốc đã xâm lược Hoàng Sa vào ngày 21/1/1974. Một Công hàm ngoại giao cũng được gửi tới các bên tham gia ký kết Hiệp định Hòa bình Paris 1973, kêu gọi tổ chức một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an. Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam cũng bà tỏ quan ngại của mình, mặc dù có chừng mực, về hành động xâm phạm củaTrung Quốc. Cũng trong năm 1974, miền Nam Việt Nam tái khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa trong cuộc họp của Ủ ban Kinh tế về Vùng Viễn Đông vào tháng Ba và cuộc họp của Hội nghị Liên Hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 vào tháng 7.
Sau khi Pháp rút uân ra khỏi Đông Dương vào năm 1956, miền Nam Việt Nam cũng bắt đầu thi hành chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa với tư cách là nước kế thừa yêu sách chủ quyền của Pháp, chiểu theo các tuyên bố của Pháp trước đó. Vào 1/6/1956, Việt Nam Cộng hòa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa sau khi Tomas Cloma thiết lập cái ng gọi là “Vùng Đất Tự Do” (Freedomland) ở phần phía Đông của quần đảo này. Sau đó vào giữa tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao miền Nam Việt Nam tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với chuỗi đảo trên. Vào tháng 10, tỉnh Phước Tu được giao quyền quản lý quần đảo Trường Sa theo Nghị định số 143/NV ngày 22/10/1956. Hải quân miền Nam Việt Nam đã triển khai hàng loạt hoạt động để tái khẳng định quyền kiểm soát đối với quần đảo Trường Sa trước việc Trung Quốc và Philippines tăng cường xâm nhập Trường Sa (Đảo Ba Bình (Itu Aba) và Vùng đất tự do (Freedomland)). Tháng 8/1956, các thủ thủ của tàu tuần dương Tụ Động được giao nhiệm vụ dựng bia chủ quyền và kéo cờ Việt Nam trên nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa. Năm 1961, thủy thủ đoàn của tàu Vạn Kiếp và Vân Đồn đã đổ bộ lên đảo Song Tử Tây, Đảo Thị Tứ và đảo Loại ta và đảo An Bang dựng bia chủ quyền và treo cờ Việt Nam. Thủ thủ của tàu Tụ Động và
Tây Kết cũng thực hiện hành động tương tự vào năm 1962 ở đảo Trường Sa và đảo Nam Yết. Vào năm 1963, thủ thủ đoàn của các tàu Hải quân: Hương Giang, Chi Lăng, và Kỳ Hoa đã dựng lại bia chủ quyền tại tất cả các đảo chính ở quần đảo Trường Sa (Đảo Trường Sa 19/5/1963; Đảo An Bang 20/5/1963; Đảo Thị Tứ và Loại ta 22/5/1963; Song Tử Đông và Song Tử Tây 2/5/1963). Hoạt động tuần tra hải quân thường xuyên diễn ra tại các đảo này trong suốt năm 1960, mặc dù hoạt động tuần tra thường xuyên nà đã giảm đi đáng kể sau 1963 do các xung đột đang diễn ra với miền Bắc Việt Nam. Các đơn vị của hải quân Việt Nam cũng tiến hành một số khảo sát và chuyến thám hiểm để vẽ bản đồ tại khu vực nà từ 1960 đến 1967.
Trước sự phản đối liên tục từ các bên yêu sách khác ở quần đảo Trường Sa trong suốt những năm 1970, chính quyền Sài Gòn đã có những phản ứng đanh thép hơn. Vào 20/4/1971, Bộ Ngoại giao gửi công hàm ngoại giao cho chính phủ Malaysia thể hiện lập trường của Việt Nam về những yêu sách chủ quyền đối với quần đảo này. Ba tháng sau, trong một tuyên bố ngày 15/7/1971, Bộ Ngoại giao tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với uần đảo Trường Sa. Vào tháng 5/1973, Việt Nam tiến hành các khảo sát ở Đảo Thị Tứ (Pagasa), Đảo Loại Ta, Đảo Song Tử Đông và vào tháng 7, Việt Nam đã chiếm giữ Đảo Nam Yết ở quần đảo Trường Sa. Cũng trong tháng 7, Bộ phát triển Nông nghiệp và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp đã tiến hành một khảo sát tại Đảo Nam Yết. Sau đó, vào 6/9/1973, quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào tỉnh Phước Tu (Nghị định số 420 – BNV/HCDP/26). Các công hàm ngoại giao cũng được gửi tới Đài Loan (29/1/1973) và Philippines (12/2/1973) phản đối các yêu sách về căn cứ của Đài Bắc và Manila đối với quần đảo Trường Sa.
Nhìn chung, việc truyền thông Trung Quốc cố tình vu cáo, bôi nhọ các nước vì can dự vào vấn đề Biển Đông chỉ là cách “gỡ gạc” lại thể diện. Tuy nhiên, hành động này của Bắc Kinh cũng không thể giúp nước này xác lập được cái gọi là “chủ quyền” lịch sử ở Biển Đông. Vì vùng biển này, từ trước đến này đều là một phần lãnh thổ, lãnh hải bất khả xâm phạm của Việt Nam.
http://biendong.net/bien-dong/32005-truyen-thong-tq-dang-tim-cach-kich-dong-boi-nho-my-vi-doi-pho-nuoc-nay-tren-bien-dong.html

Trung Quốc yêu cầu Mỹ không can thiệp việc nội bộ

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 7/12, yêu cầu Washington không can thiệp vấn đề nội bộ.
Nhắc đến việc Mỹ đã ra luật về Hong Kong và hạ viện Mỹ thông qua dự luật Duy Ngô Nhĩ, DươnKhiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc, nói rằng Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực quan hệ quốc tế, kêu gọi Washington “sửa chữa sai lầm” và “ngay lập tức ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Ông Dương cho biết các quan chức Mỹ nhiều lần đưa ra những tuyên bố xuyên tạc, công kích hệ thống chính trị và chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc. “Trung Quốc bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ và lên án kịch liệt điều này”, ông Dương nói.
Theo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu có thể hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ, duy trì vai trò trung tâm tài chính của thế giới. Trump cũng thông qua luật cấm bán hơi cay, đạn cao su và các thiết bị khác được lực lượng cảnh sát Hong Kong sử dụng để đối phó người biểu tình.
Dự luật Duy Ngô Nhĩ được hạ viện Mỹ thông qua hôm 3/12 yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 4 tháng từ khi ban hành luật đệ trình lên quốc hội danh sách quan chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những quan chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung, nơi họ bị giam và được giáo huấn chính trị. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là “trung tâm đào tạo nghề” và họ đang phản ứng hợp pháp với các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Tuyên bố này không thuyết phục được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chính phủ Mỹ gần đây đã công bố loạt biện pháp trừng phạt đối với quan chức, các tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân Trung Quốc “chịu trách nhiệm hoặc tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền ở Tân Cương”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31990-trung-quoc-yeu-cau-my-khong-can-thiep-viec-noi-bo.html

TQ đang tăng cường năng lực do thám trên không,

đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ

Trong một thập kỷ trở lại đây, cùng với nền khoa học công nghệ trong nước ngày càng phát triển đã tạo điều kiện để Trung Quốc tăng cường năng lực do thám trên không.
Do thám bằng vệ tinh
Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực không gian vũ trụ, khiến ngay cả Mỹ – nước đứng đầu thế giới về lĩnh vực này cũng phải nể phục. Đầu tiên, giới khoa học vũ trụ Trung Quốc (3/1) đã cho hạ cánh thành công tàu thăm dò tại vùng tối của Mặt trăng, thực hiện một loạt nhiệm vụ và thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc. Hạ cánh tại khu vực chưa từng được khám phá cho phép tàu thăm dò Hằng Nga 4 nghiên cứu tốt hơn về Mặt trăng vì nơi này chưa bị nhiễu điện từ từ Trái đất. Thứ hai, nhiệm vụ Mặt trăng của Trung Quốc cũng đi kèm với thử nghiệm xem liệu nơi này có thể hỗ trợ sự sống hay không. Hình ảnh được Hằng Nga 4 gửi về Trái đất tháng trước cho thấy chiếc lá xanh đầu tiên nhú lên từ hạt bông nảy mầm, 9 ngày sau khi thí nghiệm bắt đầu.
Ngoài những mục đích trên, chiến lược không gian vũ trụ của Trung Quốc còn nhằm phục vụ các mục đích quân sự. Trung Quốc đang chi ít nhất 9 tỉ USD để cạnh tranh với Mỹ trên không gian. Nước này muốn xây dựng hệ thống định vị, bớt phụ thuộc vào hệ thống GPS do Mỹ sở hữu. Dữ liệu vị trí GPS được smartphone, các hệ thống định vị ô tô và vi mạch trên cổ thú cưng… sử dụng. Dữ liệu từ GPS cũng giúp dẫn đường tên lửa. Tất cả vệ tinh GPS đều do Không quân Mỹ kiểm soát, và thực tế này khiến chính phủ Trung Quốc thiếu thoải mái. Vì thế, nước này tự phát triển hệ thống Beidou Navigation System, hay Hệ thống Định vị Bắc Đẩu. Trong những năm qua, Bắc Kinh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về ứng dụng khoa học không gian vũ trụ trong lĩnh vực quân sự. Quân đội Trung Quốc đã phóng thử tên lửa chống vệ tinh DN-3 có khả năng bắn hạ các mục tiêu ở quỹ đạo địa tĩnh. Từ năm 2005 đến nay, Bắc Kinh tiến hành ít nhất 8 vụ thử vũ khí không gian. Các lần bắn diễn ra trong năm 2010, 2013 và 2014 đều được “dán nhãn” thử nghiệm đánh chặn tên lửa trên đất liền. Quá trình phát triển vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi họ bắn hạ một vệ tinh hỏng ở quỹ đạo thấp vào năm 2007. Sau đó, Bắc Kinh tiếp tục phát triển tên lửa mới có định danh DN-2. Tên lửa này được thử nghiệm vào năm 2013 và có thể đạt đến độ cao 30.000 km gần quỹ đạo địa tĩnh. Theo Washington Times, vũ khí không gian của Trung Quốc nhằm mục đích phá hoại hoặc gây nhiễu vệ tinh và hạn chế hoạt động quân sự của Mỹ trên toàn thế giới. Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình rộng lớn và mạnh mẽ về khả năng đánh chặn trong không gian, trong đó bao gồm tên lửa, hệ thống chống vệ tinh đồng quỹ đạo, mạng lưới thiết bị gây nhiễu và vũ khí năng lượng định hướng trên mặt đất.
Để triển khai ý đồ trên, Trung Quốc (11/2019) đã phóng thành công vệ tinh Cao Phân-7 vào không gian. Đây là vệ tinh có khả năng chụp và truyền những hình ảnh 3D phục vụ mục đích dân sự đầu tiên của Trung Quốc. Theo Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA), vệ tinh này có vai trò quan trọng trong quá trình thu thập các dữ liệu phục vụ công tác điều tra thống kê, trắc đạc và thiết lập bản đồ đất đai, hỗ trợ công tác xây dựng đô thị và nông thôn. So với thế hệ các vệ tinh Cao Phân trước, điểm vượt trội của Cao Phân-7 là hệ thống công nghệ camera 3D cho hình ảnh độ phân giải cao, đáp ứng yêu cầu cao nhất về tính chính xác trong việc lập bản đồ với tỉ lệ 1:10.000. Trước đó, Trung Quốc (3/2019) đã đưa vào sử dụng hai vệ tinh quan sát Trái Đất Cao Phân 5 và Cao Phân 6. Theo Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc (SASTIND) và CNSA, trong các cuộc thử nghiệm, hai vệ tinh này đã cung cấp những thông tin có tính chính xác cao về hoạt động giám sát môi trường, tài nguyên và một số thảm họa thiên nhiên. Được phóng thành công vào vũ trụ ngày 9/5/2018, Cao Phân 5 là vệ tinh đầu tiên do Trung Quốc phát triển, có thể giám sát tình hình ô nhiễm không khí. Vệ tinh này có thể phản ánh chi tiết tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc qua việc giám sát chỉ số về các chất gây ô nhiễm, khí nhà kính và khói bụi. Còn vệ tinh Cao Phân 6 được đưa vào quỹ đạo ngày 2/6/2018, tuổi thọ dự kiến 8 năm, có thể cung cấp những ảnh chụp một khu vực rộng lớn của Trái Đất với độ phân giải cao. Dữ liệu từ Cao Phân 6 có thể được sử dụng cho mục đích giám sát các thảm họa thiên nhiên và nông nghiệp, ước tính sản lượng cây trồng, khảo sát các nguồn tài nguyên rừng và vùng đầm lầy.
Xuất phát từ việc Chính phủ Trung Quốc coi ngành công nghiệp vũ trụ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể quốc gia, Bắc Kinh cũng đã đặt ra một số mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Về ngắn hạn, Trung Quốc đã thông báo kế hoạch phóng tàu thăm dò Sao Hỏa đầu tiên trước năm 2020, lên kế hoạch thăm dò Mặt Trăng bằng tàu vũ trụ Hằng Nga 4 và 5, nghiên cứu chế tạo, phát triển các tên lửa vận chuyển hạng nặng thế hệ mới, xây dựng hệ thống bảo dưỡng tàu vũ trụ trên quỹ đạo; có kế hoạch thành lập mạng lưới Bắc Đẩu gồm 35 vệ tinh phục vụ hoạt động định vị toàn cầu trước năm 2020; đặt mục tiêu xây dựng trạm không gian riêng vào khoảng năm 2022. Trạm không gian Thiên Cung sẽ có một module lõi và hai module khác để thử nghiệm, nặng tổng cộng 66 tấn và chứa được ba người. Cơ sở này sẽ được dùng cho nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực như sinh học, vật lý và khoa học vật liệu. Về dài hạn, theo lộ trình vũ trụ từ năm 2020 đến 2045, Trung Quốc muốn đạt được một số bước ngoặt quan trọng về công nghệ vũ trụ. Ví dụ như phóng tàu thăm dò sao Hỏa vào năm 2020, phóng tàu thăm dò hành tinh nhỏ năm 2022, thực hiện sứ mệnh sao Mộc năm 2029, phóng tên lửa đẩy năm 2035 và phóng tàu con thoi năng lượng hạt nhân năm 2040. Trong một bài báo đăng trên trang nhất Nhân dân Nhật báo, Viện Công nghệ Thiết bị phóng Trung Quốc nói rõ rằng tàu vũ trụ năng lượng hạt nhân sẽ chở được nhiều hàng hơn, cho phép Trung Quốc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vũ trụ vào năm 2040.
Do thám bằng máy bay không người lái
Trung Quốc đã có bước nhảy vọt về chất trong 10-15 năm qua trong xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ UAV. Các loại UAV mới của Trung Quốc hiện có tính năng ngang bằng, thậm chí ở một số khía cạnh còn ưu việt hơn các loại tương đương của Mỹ. Các UAV của quân đội Trung Quốc có các nhiệm vụ giống như các UAV của quân đội Mỹ. Các nhiệm vụ chính là: Trinh sát; Chỉ thị mục tiêu; Tấn công mục tiêu mặt đất bằng tên lửa; Tác chiến điện tử.
Ngày nay, UAV chủ yếu được dùng trong các chiến dịch chống lại các kẻ địch phi đối xứng và thường là trang bị kém hơn về công nghệ như các quốc gia nhỏ, các địa bàn tranh chấp thông qua chiến tranh gián tiếp bằng các lực lượng ủy nhiệm, khủng bố/nổi dậy… Đồng thời, với trình độ công nghệ hiện nay, thật khó tưởng tượng một cuộc xung đột giữa các nước lớn mà không có việc sử dụng ồ ạt UAV. Khác với Mỹ, Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm sử dụng UAV trong tác chiến, song một số người cho rằng, các UAV Trung Quốc được sử dụng chẳng hạn ở Myanmar và Lào là do các nhân viên Trung Quốc vận hành. Quân đội Trung Quốc đang tích cực sử dụng UAV để giám sát biển và biên giới trên bộ, và chống cướp biển. UAV đang có vai trò lớn trong các hoạt động của quân đội Trung Quốc nhằm theo đuổi các lợi ích khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng năng lực quân sự cho phép họ hành động hiệu quả cả trong xung đột gián tiếp và trực tiếp với kẻ địch tiên tiến về công nghệ, mà đầu tiên và trước hết là Mỹ. Do đó, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc đang theo đuổi việc phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có các UAV siêu âm và siêu vượt âm.
Một trong những con đường phát triển các UAV tương lai đó là chương trình AVIC 601-S. Nó đã dẫn đến việc chế tạo các mẫu thử nghiệm như Thiên nỗ (Tian-Nu hay Tiannu, Sky Crossbow), Phong nhận (Fengren hay Wind Blade, Vân cung (Yungong hay Cloud Bow), Chiến ưng (Zhanying hay  Warrior Eagle), Lợi kiếm (Lijian hay Sharp Sword) và Ám kiếm (Anjian hay Dark Sword). Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang ráo riết thử nghiệm các kiểu thiết kế UAV khác nhau (cánh bay, cánh hình tên ngược…) và các công nghệ mới nhằm có được những giải pháp tối ưu cho UAV để tăng tốc độ, khả năng cơ động và tính năng tàng hình của chúng. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tập trung cải tiến một số vấn đề trên UAV như tốc độ bay cao và bán kính bay lớn; khả năng cơ động; giảm độ bộc lộ radar…
Không những vậy, ngoài các doanh nghiệp quân sự, các công ty tư nhân cũng đã bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp này. Những bức ảnh mới nhất được lưu hành trên mạng Trung Quốc cho thấy một công ty tư nhân có trụ sở tại Tứ Xuyên đã phát triển một máy bay không người lái cỡ lớn có thể mang nhiều loại bom đạn. Theo trang tin Đa Chiều, trang web của quân đội Trung Quốc, ngày 3/12 cho biết, kiểu máy bay không người lái TB001 trinh sát chiến đấu đường dài tầm trung và cao không do Công ty Công nghệ Tengden Tứ Xuyên nghiên cứu phát triển là chiếc máy bay thực sự đầu tiên được công khai. Nó còn được gọi là TW328, biệt danh “Song Vĩ Hạt” (Bọ Cạp hai đuôi). Thông tin công khai cho thấy Công ty công nghệ Tengden, nơi chế tạo ra TB001, thực ra là một chi nhánh của Viện nghiên cứu Thành Đô 611. Các sản phẩm chính của nó bao gồm nhiều loại máy bay không người lái cỡ lớn, trong đó có máy bay chiến đấu TB001. Công ty cũng đang hợp tác với hãng chuyển phát nhanh Thuận Phong (Shun Feng, SF Express) để nghiên cứu sản xuất máy bay không người lái vận tải cỡ lớn.
Tin cho biết, TB001 đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào tháng 3 năm nay. Đặc điểm của máy bay là thiết kế thân máy bay đuôi kép, tương tự như máy bay chiến đấu Lockheed P-38 Lightning nổi tiếng trong Thế chiến II. Đặc điểm của nó là thân máy bay rất chắc chắn, trọng lượng nhẹ và đảm bảo thực hiện khả năng giảm chiều cao đột ngột… Máy bay không người lái này sử dụng hai động cơ piston cánh quạt với càng hạ cánh có thể thu vào. Theo dữ liệu, TB001 có trọng lượng cất cánh tối đa 2,8 tấn, tổng sải cánh 20 mét, chiều dài 10 mét, chiều cao 3,3 mét và tầm bay tối đa 6.000 km ở độ cao 8.000 mét. Nó có thể mang theo một tấn phụ tải và có thể bay liên tục 35 giờ. Ngoài tác chiến đấu, khi TB001 hợp tác với SF Express để cải hoán thành máy bay vận tải, tải trọng hiệu quả đã tăng lên 1,2 tấn. Năm 2017, mẫu máy bay cải tiến của nó đã hỗ trợ cho người khổng lồ viễn thông Huawei trong việc thực hiện nhiệm vụ sửa chữa các trạm căn cứ ở Vân Nam. Theo báo cáo, trong việc TB001 hiệp đồng tác chiến với chỉ huy mặt đất, loại UAV này có phạm vi liên lạc hiệu quả lên tới 280 km với sở chỉ huy mặt đất. Đồng thời, máy bay cũng có thể được trang bị kết nối dữ liệu liên lạc vệ tinh để mở rộng bán kính liên lạc hai chiều lên đến 3.000 km. Những bức ảnh mới nhất cho thấy loại máy bay không người lái cỡ lớn này có thể mang một số lượng lớn tên lửa và bom dẫn đường chính xác, bao gồm tổng cộng 8 quả đạn với 3 mẫu khác nhau. Phân tích chỉ rõ, nếu được trang bị loại tên lửa không đối đất cỡ nhỏ kiểu mới hoặc hy sinh hành trình, thì khả năng mang tối đa có thể đạt tới 24 quả tên lửa; nó cũng có thể mang theo các loại vũ khí dẫn đường lớn hơn, bao gồm loại bom dẫn đường cỡ 250 kg.
Mạng lưới drone giám sát Biển Đông
Ngoài do thám trên không, Trung Quốc còn đang triển khai kế hoạch sử dụng máy bay không người lái để giám sát trái phép Biển Đông và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Mạng lưới máy bay không người lái (drone) này do Bộ Tài nguyên Trung Quốcquản lý. Nó được sử dụng để giám sát các đảo không có người ở, những khu vực khó tiếp cận và các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.
Phía Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết, “chuỗi liên lạc từ các drone giúp chúng tôi tăng cường sự giám sát liên tục đối với Biển Đông và mở rộng phạm vi giám sát của chúng tôi đến những vùng biển xa xôi”. Mạng lưới gồm các drone mang theo máy ảnh độ phân giải cao, phương tiện liên lạc di động đóng vai trò trạm chuyển tiếp vào mạng lưới thông tin hàng hải dựa trên vệ tinh. Các drone hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho khả năng viễn thám của các vệ tinh Trung Quốc, thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực. Mạng lưới drone cung cấp hình ảnh độ phân giải cao, đa góc và theo thời gian thực. Các xe chuyển tiếp thông tin có thể triển khai đến những nơi thiếu trạm liên lạc mặt đất để nhận tín hiệu gửi về từ drone. Thông tin thu được có thể chuyển lên vệ tinh dưới dạng ảnh tĩnh hoặc phát trực tiếp, cuối cùng sẽ được hiển thị trên màn hình tại sở chỉ huy cách xa hàng nghìn km ở tỉnh Quảng Đông. Hệ thống này đã được sử dụng trong quản lý giao thông hàng hải, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ, các địa điểm hay xảy ra bất ổn và giám sát biển đảo theo thời gian thực. Mạng lưới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp quan sát thảm họa và ứng phó khẩn cấp.
Hệ thống gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu âm và 2 vệ tinh radar có thể theo dõi trong thời gian thực về giao thông hàng hải ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng hàng hải quy mô lớn, thiết lập các hệ thống radar thời tiết, theo dõi hàng hải, các trạm giám sát môi trường, cung cấp thông tin cho các lực lượng hoạt động trên biển.
http://biendong.net/bien-dong/32002-tq-dang-tang-cuong-nang-luc-do-tham-tren-khong-de-doa-vi-the-sieu-cuong-cua-my.html

Phóng viên Trung Cộng viết sách quảng bá

 bãi biển Đà Nẵng là của Trung Cộng

Tin Vietnam.- Ngày 8 tháng 12 năm 2019, tác giả Le Vinh Truong đã loan tin trên trang Liveguide với nội dung, một phóng viên Trung Cộng đã viết sách hướng dẫn du lịch có đoạn nội dung viết biển Trung Cộng ở Việt Nam. Theo đó, tác giả cuốn sách là Sherrise Phạm đã viết sách giới thiệu du lịch dùng cho hướng dẫn viên và cho khách tự đi với tựa đề “Vietnam with Angkor Wat.
Tuy là sách hướng dẫn du lịch ở Việt Nam và Angkor Wat, nhưng tác giả lại liên tục nhắc về bãi biển Trung cộng trong nội dung sách, và nói rằng bãi biển Trung cộng nằm gần bãi biển Mỹ Khê, thuộc Đà Nẵng với ngụ ý biển Việt Nam là của Trung Cộng.
Cụ thể, ở trang thứ 9 của cuốn sách có đoạn nội dung được Le Vinh Truong dịch sang tiếng Việt như sau: Bãi biển Trung cộng, gần bãi biển Mỹ Khê, cũng là nơi đáng ghé thăm. Khu căn cứ dành cho giải
trí trước của quân Mỹ có một bờ biển cát mịn và có cảnh quan xuất sắc ở khu núi Cẩm Thạch. Nơi đây bắt đầu thu hút ngày càng nhiều du khách, cũng như cộng đồng nhân viên người ngoại quốc làm việc ở Đà Nẵng.
Theo Le Vinh Truong, thì đây có thể là một trong các cuốn sách hướng dẫn du lịch cho các hướng dẫn viên dẫn khách đến Đà Nẵng. Ông Truong cho rằng, cái tựa đề cuốn sách cũng là một kiểu kiến thức hoặc giả vờ ngu, và rất độc ác. Vì vậy, ông loan tin để những người bạn của ông làm việc ở ngành du lịch, hải quan có thể lưu ý, và làm điều gì đó để tiêu huỷ, ngăn chặn, hoá giải thông tin sai trái của cuốn sách này.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/phong-vien-trung-cong-viet-sach-quang-ba-bai-bien-da-nang-la-cua-trung-cong/

Trung Quốc: Trại viên ở Tân Cương đã ‘tốt nghiệp’;

lên án dự luật Mỹ

Những người bị giam trong các trại ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc, giờ đã “tốt nghiệp” và các huấn nghiệp sinh mới sẽ có quyền tự do đến và đi, Reuters dẫn lời chủ tịch khu vực tuyên bố hôm 9/12.
Chủ tịch Shohrat Zakir còn nhắm vào những chỉ trích của phương Tây về các trại này, nói rằng Hoa Kỳ đã phát động chiến dịch bôi nhọ chống lại Tân Cương.
Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền ước tính có khoảng 1 triệu đến 2 triệu người, chủ yếu là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đã bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, một phần của cái mà Bắc Kinh gọi là chiến dịch chống khủng bố.
Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận có bất kỳ sự ngược đãi nào đối với người Duy Ngô Nhĩ, và nói rằng đây là các trại huấn nghiệp và những người bị giam giữ là các huấn nghiệp sinh.
“Hiện tại, các huấn nghiệp sinh tham gia… đều đã tốt nghiệp”, Reuters dẫn lời ông Zakir nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. “Với sự giúp đỡ của chính quyền, có việc làm ổn định và chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện”.
Tân Cương sẽ tiếp tục việc đào tạo dựa trên “ý chí độc lập” và “sự tự do đến và đi”, ông Zakir nói thêm.
Trung Quốc không cung cấp bất kỳ số liệu chính thức nào về số lượng người bị giam giữ trong các trại, nhưng ông Zakir nói những ước tính của nước ngoài là “thuần tuý bịa đặt” và không đưa ra chi tiết.
Ông gọi một đạo luật mà Hạ viện Hoa Kỳ thông qua, trong đó lên án cách Trung Quốc đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
“Hoa Kỳ đang ngày càng bồn chồn lo lắng và đã phát động chiến dịch bôi nhọ chống lại Tân Cương”, ông Zakir nói. “Nhưng không có thế lực nào có thể ngăn chặn sự tiến bộ theo hướng ổn định và phát triển của Tân Cương”.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-c%C3%A1c-tr%E1%BA%A1i-vi%C3%AAn-%E1%BB%9F-t%C3%A2n-c%C6%B0%C6%A1ng-%C4%91%C3%A3-t%E1%BB%91t-nghi%E1%BB%87p-l%C3%AAn-%C3%A1n-d%E1%BB%B1-lu%E1%BA%ADt-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9/5198568.html

Chu Hải Luân:

Kiến trúc sư hệ thống trại cải tạo ở Tân Cương

Thu Hằng
Theo tài liệu “China Cables” được Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) công bố ngày 25/11/2019, Chu Hải Luân (Zhu Hailun) là kiến trúc sư cho toàn bộ hệ thống trại “hướng nghiệp”, trên thực tế là các tại tập trung người Duy Ngô Nhĩ, ở vùng tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Chu Hải Luân là nhân vật quan trọng số hai, chỉ sau ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương. Theo trang France 24 (25/11/2019), đích thân ông Chu Hải Luân phê chuẩn tài liệu “hướng dẫn tổ chức các trại cải tạo”, nơi hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ, theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc. Bản ghi nhớ có từ năm 2017 này phác họa cả một hệ thống giam giữ các cá nhân thuộc diện “huấn cải”, có thể bị giam giữ vô thời hạn, bị theo dõi thường xuyên và phải theo học một chương trình huấn luyện tăng cường về ý thức hệ.
Ông Chu Hải Luân còn ký nháy vào ba thông báo mật miêu tả hệ thống theo dõi điện tử được đồng loạt triển khai ở Tân Cương nhằm giúp nhận dạng các cá nhân cần đưa vào trại cải tạo. Những tài liệu này miêu tả hàng trăm trường hợp ở khắp khu tự trị Tân Cương, nơi cảnh sát được yêu cầu “bắt giữ” hoặc “điều tra thêm” về những người bị nhắm đến trong loạt theo dõi bằng mạng lưới camera giám sát.
Chu Hải Luân : Thăng tiến nhờ kinh nghiệm thực địa
Cho đến nay, vị quan chức 61 tuổi này vẫn núp bóng ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương. Nhờ nổi tiếng “bình định” được khu tự trị Tây Tạng, nơi ông Trần giữ chức bí thư cho đến năm 2016, nên ông được giao trọng trách chống “đe dọa khủng bố” và dập tắt mọi ý đồ ly khai của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Thực ra, ông Trần Toàn Quốc chỉ hiện đại hóa toàn bộ mạng lưới theo dõi và nguyên tắc sách nhiễu của cảnh sát, từng được áp dụng thành công ở Tây Tạng, qua việc áp dụng công nghệ mới, như nhận diện khuôn mặt. Tuy nhiên, vị bí thư Khu ủy Khu tự trị Tân Cương phải cần đến một người thông thạo địa hình để thi hành quan điểm của ông về một Tân Cương cần đưa vào quy củ. Và Chu Hải Luân trở thành người có thể đảm nhiệm vai trò quan trọng này. Chính vị quan chức địa phương này là người triển khai bộ máy trấn áp từ 2016, được bí thư Trần Toàn Quốc phác họa.
Một doanh nhân người Duy Ngô Nhĩ, sống lưu vong, nhận định với AP : “Trần Toàn Quốc đại diện cho đảng Cộng Sản, nhưng Chu Hải Luân là người biết phải làm gì, biết phải bắt ai và tiến hành như thế nào”.
Ông Chu Hải Luân đến Tân Cương năm 1975, trong khuôn khổ một chương trình của chế độ khuyến khích cán bộ trẻ nhiệt huyết và tham vọng đến sống vài năm tại các vùng sâu vùng xa. “Nhưng ngược với phần lớn bạn cùng trang lứa nhanh chóng về thành phố khi hết nhiệm vụ, Chu Hải Luân chọn ở lại Tân Cương”, theo thông tin của ICIJ.
Ông Chu Hải Luân từng bước được đề bạt lên những chức vụ trong đảng cho đến cuối những năm 1990 và dần tạo được danh tiếng “hiệu quả” và “quyền lực”. Ông cũng có thói quen tổ chức các cuộc bố ráp cảnh sát vào giữa đêm khuya đến các làng mạc mà phần đông người dân theo Hồi Giáo để giữ gìn trật tự.
Ưu tiên chính sách cây gậy
Dĩ nhiên Bắc Kinh biết đến những phương pháp này của Chu Hải Luân, cho nên khi xảy ra các vụ bạo loạn giữa các sắc tộc vào năm 2009 ở Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, chính quyền trung ương đã quyết định đề bạt vị công chức nhiệt tình này vào vị trí bí thư Thành ủy Urumqi. Đây là một quyết định bất thường, vì theo AP, “thông thường, đảng Cộng Sản điều đến thủ phủ các vị quan chức ở Bắc Kinh để giúp họ có kinh nghiệm thực địa về vị trí sắp được bổ nhiệm”.
Sau khi được đề bạt, ông Chu Hải Luân đã tổ chức ngay một chiến dịch sách nhiễu cảnh sát trên quy mô lớn nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, mà sau này được cho là tiền đề cho phương pháp trấn áp từ năm 2016 của ông Trần Toàn Quốc. Có thể thấy cả hai vị quan chức theo đuổi chính sách cây gậy.
Năm 2017, ông Chu Hải Luân đọc một bài diễn văn với giọng điệu rất cứng rắn trước vài trăm nhân viên cảnh sát. Ông kêu gọi lực lượng này phải “lên đạn súng, rút gươm khỏi bao và mạnh tay đánh những kẻ khủng bố (người Hồi Giáo), theo một bài báo của Reuters. Song song với việc lên gân cốt cho lực lượng cảnh sát, đích thân ông Chu Hải Luân giám sát quá trình xây dựng các trại “hướng nghiệp” giành cho những đối tượng bị nhắm đến.
Vào đầu năm 2019, ông Chu Hải Luân được cho “nghỉ hưu” sau khi được bầu làm chủ tịch Đại hội Đại biểu Khu tự trị. Theo ICIJ, chức vụ này được coi là món quà thưởng cho sự nghiệp của ông Chu Hải Luân. Thay thế ông là “sói trẻ” Vương Quân Chính (Wang Junzheng), 56 tuổi, được coi là một những ngôi sao đang lên trong đảng Cộng Sản Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191209-chu-h%E1%BA%A3i-lu%C3%A2n-ki%E1%BA%BFn-tr%C3%BAc-s%C6%B0-h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-tr%E1%BA%A1i-c%E1%BA%A3i-t%E1%BA%A1o-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-duy-ng%C3%B4-nh%C4%A9-%E1%BB%9F-t%C3%A2n-c%C6%B0%C6%A1ng

Bêu xấu biểu tình Hồng Kông:

Bắc Kinh bị gậy ông đập lưng ông

Mai Vân
Với cuộc xuống đường ngày 08/12/2019 huy động được gần 1 triệu người tham gia, phong trào dân chủ ở Hồng Kông như đã có thêm một sức bật mới sau khi bất ngờ được đại đa số người dân ủng hộ bằng lá phiếu trong cuộc bầu cử cấp quận cách đó đúng 2 tuần.
Kết quả cuộc bầu cử ngày 24/11 đã được nhiều nhà phân tích đánh giá là một thất bại chua cay của guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh, đã dùng mọi thủ đoạn để hạ uy tín phong trào phản kháng Hồng Kông, nhưng rốt cuộc đã bị phản tác dụng.
Ngày 07/12 vừa qua, hơn 1000 người thân Bắc Kinh tại Hồng Kông đã biểu tình đòi kiểm lại phiếu bầu nhân cuộc bầu cử cấp quận đã chứng kiến thắng lợi vang dội của phong trào ủng hộ dân chủ. Một người trong ban tổ chức cuộc biểu tình của phe ủng hộ Trung Quốc đã cho rằng cuộc bầu cử “không công bằng” và “không minh bạch”.
Đòi hỏi của những thành phần ủng hộ Bắc Kinh đã bị thực tế chứng minh là hoàn toàn vô lý khi chỉ một hôm sau, ngày 08/12, cuộc xuống đường do phong trào phản kháng kêu gọi, đã tập hợp được đến 800.000 người, theo thống kê của ban tổ chức. Đây là một con số cho thấy rõ hậu thuẫn mạnh mẽ mà người dân Hồng Kông dành cho phong trào dân chủ, một sự ủng hộ đã được kết quả cuộc bầu cử cách nay hai tuần hun đúc thêm.
Đối với các nhà quan sát, kết quả cuộc bầu cử ngày 24/11 tại Hồng Kông mang một ý nghĩa rất to lớn: Khi được quyền tự do chọn lựa, đại đa số người dân Hồng Kông không chọn đường lối do Bắc Kinh áp đặt, bất chấp cả một chiến dịch tuyên truyền chống phá phong trào phản kháng, với những người biểu tình bị cả guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc cho là một nhóm thiểu số “khủng bố”, bị thế lực nước ngoài giật dây.
Tuyên truyền thất bại
Trong một bài phân tích một hôm sau khi có kết quả bầu cử tại Hồng Kông, trang mạng quốc tế Quartz đã không ngần ngại chạy tựa “Kết quả gây chấn động của cuộc bầu cử cho thấy Bắc Kinh đã làm như thế nào để trở thành nạn nhân của chiến dịch tuyên truyền mà chính mình tung ra”. Nói cách khác là để cho “gậy ông (lại) đập lưng ông”.
Theo ghi nhận của Quartz, cuộc bầu cử hội đồng quận ở Hồng Kông hôm 24/11 đã được xem như là một cuộc trưng cầu dân ý về quan điểm của dân chúng đối với các cuộc biểu tình. Bắc Kinh và chính quyền địa phương dường như tin chắc rằng “đa số thầm lặng”, vì chán ngán trước tình trạng đường xá bị chặn, trường học bãi khóa, sẽ dứt khoát bỏ phiếu chống lại những kẻ “bạo loạn”.
Tác giả bài viết nêu bật ví dụ của nhật báo Anh ngữ China Daily, trong một tin nhắn Twitter một hôm trước cuộc bầu cử đã kêu gọi mọi người bỏ phiếu cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh để giúp Hồng Kông “trở lại cuộc sống bình thường”.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, Global Times, cũng kêu gọi người dân Hồng Kông bỏ phiếu để “chấm dứt bạo lực”. Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga và chính quyền của bà đã hùng hồn lên giọng cho rằng những thành phần cực đoan chuộng bạo lực đã lũng đoạn phong trào phản kháng và đã đến lúc cử tri phải cắt đứt quan hệ với những phần tử này.
Và quả đúng là đa số thầm lặng đã lên tiếng, nhưng ồ ạt loại bỏ những ứng cử viên thân Bắc Kinh và dồn phiếu cho phe dân chủ, giúp phe này giành quyền kiểm soát 17 trên 18 hội đồng quận. Trên bình diện cá nhân, các ứng viên ủng hộ dân chủ giành được 347/452 ghế đại biểu hội đồng quận, trong lúc các ứng viên thân Bắc Kinh chỉ được vỏn vẹn 60 ghế, phần còn lại lọt vào tay các ứng viên độc lập.
Theo Quartz, thảm bại chưa từng thấy của phe thân Bắc Kinh tại Hồng Kông đã làm cả bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc gần như bị á khẩu. Vào lúc các kết quả bầu cử được lần lượt đưa ra, các hãng tin lớn của Trung Quốc hầu như đều câm nín trước sự thất bại của các ứng viên thân Bắc Kinh. Chỉ sau đó một vài tờ báo mới bắt đầu phản ứng, chẳng hạn như Hoàn Cầu Thời Báo, đã nhai lại quan điểm xưa cũ về sự can thiệp của nước ngoài để giải thích kết quả bầu cử.
Ở cấp Nhà nước, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng chẳng biết nói gì ngoài việc nhắc lại rằng Hồng Kông là một phần của Trung Quốc.
Tung tiền mua chuộc cũng vô ích ?
Chiến thắng vang dội của phe đối lập Hồng Kông lại càng gây sốc hơn nữa khi các đảng chính trị trung thành với Bắc Kinh đã được văn phòng đại diện chính quyền Trung Quốc ở Hồng Kông không tiếc công sức hậu thuẫn.
Một ví dụ là Liên Minh Dân Chủ vì Tiến Bộ của Hồng Kông DAB, vào năm 2018 đã được văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông tặng cho một tác phẩm nghệ thuật đắt tiền, đã giúp cho đảng này thu được hàng triệu đô la nhân một bữa tiệc gây quỹ.
DAB và các đảng thân Bắc Kinh khác đã có ngân quỹ dồi dào để chi tiêu ở cấp cơ sở, điều mà các đảng dân chủ không có, chẳng hạn có tiền tài trợ cho người già đi du lịch, hay mua vé xem phim cho trẻ em.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn có những cách khác để tác động đến các cuộc bầu cử địa phương, ví dụ như thúc đẩy việc loại bỏ các ứng cử viên đối lập mà họ không thích. Điển hình của thủ đoạn này là việc cấm lãnh tụ thanh niên Hoàng Chi Phong tham gia cuộc bầu cử hội đồng quận với lý do là nhân vật này đề cao quyền tự quyết. Có điều là nhiều ứng cử viên dân chủ khác cũng có quan điểm tương tự, nhưng lại không hề hấn gì!
Xem thường dư luận Hồng Kông
Tuy nhiên, đối với tác giả bài phân tích, một trong những sai lầm nghiêm trọng của Bắc Kinh là coi thường phản ứng của người dân Hồng Kông.
Theo HK01, một trang tin trên mạng bằng tiếng Hoa, Bắc Kinh biết rõ là họ đang trong tình thế bất lợi nhưng đã bị sốc trước quy mô thảm bại của các đảng thân chính quyền trung ương. Liên minh DAB đã đưa ra đến 180 ứng cử viên, nhưng chỉ giành được 21 ghế.
Đã có những dấu hiệu dự báo cho kết quả tồi tệ đó, từ việc các cuộc biểu tình liên tục nổ ra từ tháng 6 bắt nguồn từ nỗi lo ngại về dự luật dẫn độ, cho đến những cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự mất lòng tin nơi cảnh sát và chính phủ Hồng Kông liên tục gia tăng.
Tuy nhiên, rõ ràng là Bắc Kinh chưa bao giờ quan tâm đến việc đo lường tình cảm ở Hồng Kông, vì nếu không thì họ đã không để cho tình hình sôi bỏng đến mức như hiện nay, trong khi lại bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể làm tình hình bất ổn ngừng leo thang.
Chính quyền Hồng Kông xa rời thực tế
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, thái độ chủ quan của Bắc Kinh đến một phần từ các phương pháp thu thập thông tin thiếu phối hợp và lộn xộn được dùng để nắm bắt tình hình trên thực địa, với nhiều mạng lưới báo cáo khác nhau.
Một nguyên do khác là những người mà Bắc Kinh dùng để thu thập thông tin lại có xu hướng chú ý nhiều hơn đến những tiếng nói trung thành, thay vì đến giới chống đối hay giới trẻ hơn. Đó là chưa kể đến việc không cần đến những liên hệ cá nhân có thể giúp mở rộng tầm nhìn, ví dụ như loại trừ những người ủng hộ dân chủ không cho đến dự các sự kiện có sự tham gia của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trong khi đó thì các quan chức ở cấp cao nhất trong chính quyền Hồng Kông hầu như hoàn toàn xa rời thực tế. Trong những tuyên bố công khai vào đầu tháng 11 chẳng hạn, ông Trương Kiến Tông (Matthew Cheung), quan chức số hai của Hồng Kông đã thản nhiên cho rằng ông không hiểu vì sao mà mọi người lại giận dữ với chính quyền như vậy.
Đối với trang mạng Quartz, trong một hệ thống chính trị đã trở nên độc đoán, không còn chấp nhận bất kỳ một chính kiến bất đồng nào, dù có nhận được tin xấu về Hồng Kông, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn chỉ nghe thấy những gì mình muốn nghe và đã nhấn mạnh thêm lập luận cho rằng những người biểu tình Hồng Kông là thành phần đòi độc lập, đang có hành vi khủng bố, với sự giúp đỡ của các chính phủ nước ngoài và phương tiện truyền thông phương Tây.
Sách lược này rất thành công đối với dư luận ở Hoa Lục, nặng đầu óc tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là khi tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình càng lúc càng leo thang. Thế nhưng, sách lược đó trong thực tế đã làm cho đảng Cộng Sản không còn đường lui và tìm ra những cách thức mới và linh hoạt hơn để giải quyết các yêu cầu thực sự của phong trào phản kháng Hồng Kông, trong đó có quyền được đại diện một cách dân chủ hơn và một cuộc điều tra về bạo lực quá đáng của cảnh sát.
http://vi.rfi.fr/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191209-b%C3%AAu-x%C3%A2%CC%81u-bi%C3%AA%CC%89u-ti%CC%80nh-h%C3%B4%CC%80ng-k%C3%B4ng-b%C4%83%CC%81c-kinh-bi%CC%A3-g%C3%A2%CC%A3y-%C3%B4ng-%C4%91%C3%A2%CC%A3p-l%C6%B0ng-%C3%B4ng

Singapore và Hoa Kỳ ký hiệp ước

thành lập cơ sở huấn luyện chiến đấu cơ tại đảo Guam

Tin từ Washington, DC – Không quân Cộng hòa Singapore (RSAF) sẽ thành lập một trung tâm huấn luyện chiến đấu cơ trên đảo Guam theo một thỏa thuận được ký kết giữa Singapore và Hoa Kỳ vào thứ Sáu (6/12). Tờ The Straits Times đưa tin, đây là một trong những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ quốc phòng ngày càng bền chặt giữa hai quốc gia.
Trung tâm huấn luyện tại căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam sẽ là đơn vị dài hạn thứ sáu của RSAF ở ngoại quốc và gần Singapore nhất. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hoạt động này sẽ giúp RSAF củng cố năng lực và tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Họ cũng cho biết hiệp ước trên đạt được sau khi Hoa Kỳ thực hiện nhiều nghiên cứu. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper khẳng định rằng đây là thỏa thuận cho thấy sự hợp tác mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Singapore, đặc biệt là về quốc phòng. Thỏa thuận này theo sau sự thay đổi của một hiệp ước quốc phòng quan trọng cho phép Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ không quân và hải quân của Singapore thêm 15 năm nữa. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định vai trò của Hoa Kỳ trong việc duy trì ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hai bộ trưởng quốc phòng cũng thảo luận về một số hợp tác đang diễn ra mạnh mẽ giữa cơ sở quốc phòng của Singapore và Hoa Kỳ. Họ cũng nói về một loạt các phát triển địa chính trị, bao gồm nhu cầu hợp tác chặt chẽ với các nước Asean để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực.
Guam là hòn đảo ở phía tây Thái Bình Dương, cũng là căn cứ cho hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương. Căn cứ này là bàn đạp để thể hiện sức mạnh hải lực và không lực của Hoa Kỳ trong khu vực.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/singapore-va-hoa-ky-ky-hiep-uoc-thanh-lap-co-so-huan-luyen-chien-dau-co-tai-dao-guam/

Maldives chật vật tìm cách thoát bẫy nợ TQ

Chính quyền mới của Maldives đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhằm tái cơ cấu món nợ khổng lồ trị giá 1,4 tỷ USD với Trung Quốc.
Theo SCMP, Maldives đang gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản vay.
“Các khoản vay của chính quyền tiền nhiệm là vô lý và đẩy chúng tôi vào thế khó khăn”, Ngoại trưởng Maldives Abdulla Shahid cho biết.
Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Abdulla Yameen đã phụ thuộc rất lớn vào các khoản hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh. Đổi lại, các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Maldives được triển khai với tốc độ nhanh chưa từng thấy.
Nhiều nguồn tin thân cận với chính phủ Maldives cho biết gần như toàn bộ các dự án được thực hiện với các điều khoản bí mật, không thông qua đấu thầu cùng mức giá thổi phồng gấp nhiều lần.
Cuối tháng trước, cựu Tổng thống Yameen đã bị kết án 5 năm tù và phải nộp phạt 5 triệu USD vì tội danh tham nhũng.
Hồi tháng 9/2019, trong cuộc gặp với người đồng cấp từ Maldives của mình, ông Abdulla Shahid, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phủ nhận Maldives bị mắc kẹt trong bẫy nợ của Trung Quốc.
“Quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Maldives là nhằm nâng cao đời sống của người dân Maldives, không đi kèm mưu đồ chính trị và không nhằm đạt được lợi ích địa chính trị”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói.
Ngoài ra, ông Vương còn cho biết thêm Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Maldives mà không kèm theo bất cứ điều kiện tiên quyết nào về mặt chính trị, cũng như không can thiệp vào vấn đề nội bộ của quốc đảo này.
Các quốc gia phương Tây từ lâu cáo buộc Trung Quốc cố tình đẩy các quốc gia đang phát triển, yếu thế hơn vào những bẫy nợ không bền vững, không có khả năng thanh toán được. Những nước này cho rằng đây là cách Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình.
Một trong những quốc gia mắc vào bẫy nợ của Trung Quốc là Sri Lanka. Chính quyền tiền nhiệm của nước này từng thông qua hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm  để đổi lấy
khoản tiền lên đến 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, hợp đồng này bị xem là gây tổn hại cho an ninh quốc gia của Sri Lanka.
Hiện chính quyền của Tổng thống  Gotabaya Rajapaksa đang muốn dừng hợp đồng cho thuê cảng nói trên và sẽ trả lại khoản vay cho Trung Quốc theo đúng hạn như cách chính phủ nước này đã đồng ý ban đầu mà không có bất kỳ sự xáo trộn nào.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều này khó khả thi. Theo bà Smruti Pattanaik, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phòng vệ và phân tích ở New Delhi – Ấn Độ: “Đây là thỏa thuận có liên quan vấn đề chủ quyền và không có khả năng nó bị hủy bỏ hoặc thay thế theo một cách đáng kể nào. Trung Quốc có thể xem xét lại một số điều khoản nếu điều đó quan trọng đối với chính quyền ông Rajapaksa”.
Trong khi đó, ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi, cho hay: “Sri Lanka sẽ phải đưa ra một hợp đồng tương tự, nếu không muốn nói là hấp dẫn hơn về mặt tài chính để Bắc Kinh đồng ý hủy bỏ hợp đồng thuê cảng Hambantota”.
Về phần mình, Trung Quốc đến nay vẫn bác bỏ những lo ngại về việc nước này có bất kỳ mục tiêu quân sự nào đối với khoản đầu tư vào cảng Hambantota, nằm trên các tuyến vận chuyển chính giữa châu Á và châu Âu. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng hợp đồng này mang lại lợi ích cho hai bên và sẽ hỗ trợ nền kinh tế Sri Lanka.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31995-maldives-chat-vat-tim-cach-thoat-bay-no-tq.html

TQ và Đài Loan đua nhau hối lộ tiền

để lôi kéo Solomon?

Các chính trị gia đảo quốc Solomon ở Thái Bình Dương cho biết họ được cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đề nghị cho nhiều tiền để tranh giành sự ủng hộ trước khi nước này quyết định nghiêng về phía Bắc Kinh hồi tháng 9-2019.
Việc Solomon cắt đứt quan hệ 36 năm với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc tạo ra một chuỗi phản ứng từ Mỹ, Đài Loan đến Úc. Thậm chí quyết định đó còn tác động lên Kiribaiti khiến nước này cũng từ bỏ quan hệ với Đài Loan sau đó, theo báo Guardian ngày 7-12.
Đằng sau quyết định trên là cuộc đua vung tiền để “mua” sự ủng hộ ngoại giao. Các nghị sĩ Solomon cho biết các đại diện từ chính quyền Trung Quốc và Đài Loan đã tiếp cận và đề nghị cho họ hàng trăm ngàn USD để đổi lấy sự ủng hộ của họ.
Báo Guardian dẫn lời phó thủ lĩnh phe đối lập, ông Peter Kenilorea Jr, tiết lộ “một bí mật mở là tiền luôn liên quan trong những điều này” khi đề cập đến việc các nghị sĩ Solomon quay sang ủng hộ Bắc Kinh.
Ông Kenilorea là một chính trị gia giữ vững lập trường phản đối việc từ bỏ quan hệ với Đài Loan. Với ông, việc quay ngoắt trong quan hệ là “một cái tát vào mặt của tiến trình nghị viện”.
Ông tiết lộ rằng đã nghe từ các nghị sĩ có liên quan là họ đã được đề nghị cho tiền “từ khoảng  246.000 đến 615.000 USD” để ủng hộ Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Daniel Sudaini, lãnh đạo Malaita – tỉnh lớn nhất của quần đảo Solomon, cũng xác nhận ông được đề nghị hối lộ để giảm bớt lập trường chống Bắc Kinh mạnh mẽ của ông.
“Trước khi thay đổi, có một người hay nhóm người nào đó đã gọi điện thoại cho tôi để đưa ra một đề nghị để tôi có thể ủng hộ việc thay đổi. Nhưng tôi nói không vì nếu tôi chấp nhận lời đề nghị thì tôi không còn là đại diện cho người dân” – ông nói.
Trước đó, trên tờ Solomon Star, ông Sudaini cho biết khoản đề nghị hối lộ dành cho ông lên đến 123.000 USD.
Cảnh sát Solomon đã mở cuộc điều tra về các thông tin trên.
Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Solomon là một quá trình mở và trung thực.
“Không có tin đồn hay vu khống nào có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Solomon” – cơ quan ngoại giao của Bắc Kinh cho biết.
Ngược lại, ông Titus Fika – một nghị sĩ thuộc nhóm cố vấn đề nghị thay đổi quan hệ với Đài Loan và Trung Quốc, cũng tố Đài Loan cố can thiệp vào quá trình này.
“Đài Loan muốn hối lộ tôi. Họ muốn cho chúng tôi một triệu USD và sau khi ủng hộ Đài Loan chúng tôi sẽ nhận thêm một triệu USD vào tài khoản” – ông Fika tiết lộ, đồng thời khẳng định không chấp nhận số tiền hối lộ để làm điều đúng đắn vì lợi ích quốc gia.

Phía Đài Loan cũng bác bỏ việc đưa hối lội. “Trong mọi trường hợp, Đài Loan sẽ không cần đến một cuộc chiến đấu giá ngoại giao đô la xấu xí với Trung Quốc, hay hối lộ các chính trị gia tham nhũng” – bà Joanne Ou, phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao Đài Loan, lên tiếng.
Một báo cáo năm 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho xếp đảo quốc Solomon là một quốc gia “rất tham nhũng” và cho biết tình hình ngày càng tệ hơn.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31980-tq-va-dai-loan-dua-nhau-hoi-lo-tien-de-loi-keo-solomon.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.