Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tập Cận Bình mở chiến dịch “Trung Quốc hóa” kinh Thánh

Tuesday, December 24, 2019 8:24:00 PM // ,

24/12/2019 – RFI


Ảnh trích từ một đoạn vidéo không ghi ngày cho thấy vụ phá một nhà thờ Tin Lành ở Lâm Phần (Linfen), miền bắc Trung Quốc.
Ảnh trích từ một đoạn vidéo không ghi ngày cho thấy vụ phá một nhà thờ Tin Lành ở Lâm Phần (Linfen), miền bắc Trung Quốc. China Aid Association / AFP
Anh Vũ
Gần ngày Noel, nhiều tờ báo Pháp đề cập đến chủ đề đạo Thiên Chúa. Nhật báo Le Figaro đưa độc giả đến Trung Quốc qua bài viết có hàng tựa gây sự tò mò: «Tập Cận Bình muốn viết lại kinh Thánh theo đường lối của Đảng».
Le Figaro cho hay, «từ giờ trở đi kinh Thánh sẽ phải tuân thủ theo kinh Mác-Lê pha trộn «màu sắc Trung Quốc» và các câu chuyện của Chúa Giê-su sẽ phải ở trong đường lối của đảng Cộng Sản». Bắc Kinh vừa mở cuộc tấn công mới nhằm «Trung Quốc hóa» tôn giáo. Lần này họ nhằm vào các giáo lý, không chỉ của Thiên Chúa Giáo mà cả kinh Coran của Hồi Giáo cho đến những lời răn của Phật.
Theo Le Figaro, trong một hội nghị về tôn giáo hôm 6/11/2019, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu đại diện của các tôn giáo chính ở Trung Quốc phải sửa đổi các bản dịch dẫn chiếu kinh sách sao cho phù hợp với «đòi hỏi của thời kỳ mới». Có thể hiểu cái «thời kỳ mới» ở đây chính là «kỷ nguyên của Tập Cận Bình» với tư tưởng đã được đưa vào Hiến Pháp hồi năm 2018, tờ báo nhận xét.
Hội nghị nói trên, do Uông Dương, ủy viên thường trực Bộ Chính Trị, chủ tịch Ủy Ban Toàn Quốc Hội nghị Hiệp Thương Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc, chủ trì. Le Figaro trích dẫn báo cáo của hội nghị có đoạn: «Cần phải đánh giá lại toàn bộ các bản dịch hiện nay của các tôn giáo truyền thống. Những nội dung không phù hợp, cần phải sửa đổi và phải dịch lại các văn bản».
Le Figaro cho biết thêm: Đại diện của các tôn giáo chính tại Trung Quốc đã được triệu tập để nghe truyền đạt các quyết định của Hội Nghị Trung Ương 4 của đảng Cộng Sản họp hồi cuối tháng 10, theo đó khẳng định vai trò tuyệt đối của hệ tư tưởng Cộng Sản đối với xã hội.
Trước các chức sắc tôn giáo ở Trung Quốc, Uông Dương nhấn mạnh «tầm quan trọng căn bản việc diễn giải các giáo lý và quy tắc tôn giáo là nhằm mục đích dần dần hình thành một hệ thống tư tưởng mang đặc sắc Trung Quốc».
Tờ báo bình luận: Từ khi thành lập, nước Cộng Hòa Nhân Dân này đã giám sát chặt các tôn giáo, đưa họ vào khuôn khổ của các tổ chức «ái quốc», nhưng lệnh thay đổi thuyết giáo lần này đánh dấu một ngưỡng mới trong quyết tâm của Tập Cận Bình muốn bóp nghẹt mọi quan điểm đối lập với Đảng.
Tổ chức phi chính phủ đấu tranh về tự do tôn giáo trên thế giới Better Winter cho biết: Chính quyền Trung Quốc căng khẩu hiệu tuyên truyền trên các nhà thời Hồi Giáo như trong vùng tự trị Ninh Hạ. Gần đây, chân dung của Tập Cận Bình còn thay chỗ ảnh của Đức Mẹ Maria trong một trường Công Giáo ở tỉnh Giang Tây. Le Figaro cũng không quên nhắc đến tỉnh Tân Cương, nơi có hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị truy bức bằng đủ mọi hình thức.
Nhà sử học độc lập ở Bắc Kinh, Chương Lập Phàm, bản thân ông cũng bị chính quyền theo dõi, nhận định: «Chế độ Cộng Sản là một giáo phái và họ nhìn Phật Giáo Tây Tạng, Công Giáo, Hồi Giáo như là những tư tưởng đối địch. Gia tăng kiểm soát tôn giáo, trên thực tế đã bộc lộ nỗi lo sợ xã hội thoát khỏi tầm kiểm soát của họ».
Tuy nhiên một số nhà quan sát cảnh báo nguy cơ «gậy ông đập lưng ông đối với đảng Cộng Sản khi muốn mở rộng uy quyền sang địa hạt tín ngưỡng».
Chuyên gia về tôn giáo Trung Quốc Nhậm Diên Lê (Ren Yanli) được Le Figaro trích dẫn nhận xét: «Việc thắt chặt kiểm soát tôn giáo sẽ phản tác dụng như đã thấy trong nhiều thập kỷ qua. Chính quyền có nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, kinh tế, xã hội chứ không phải lãnh đạo niềm tin. Một số lãnh đạo dường như không hiểu điều đó».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.