Tin Việt Nam – 16/11/2019
Saturday, November 16, 2019
8:03:00 PM
//
- Tin Việt Nam
,
Slider
Thêm một viên chức tử vong vì “té lầu”
Tin từ Quảng Nam: Báo chí nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin có thêm một viên chức tử vong rơi từ lầu cao, và nạn nhân lần này là ông Trần Phú Thọ, sinh năm 1980, phó phòng ở Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ Quảng Nam.Sự việc xảy ra vào sáng ngày 15/11 khi người trong cơ quan phát hiện ông Thọ rơi từ tầng 4 của trụ sở chính của cơ quan ở thị xã Tam Kỳ. Vẫn chưa rõ nguyên nhân ông Thọ bị rơi từ tầng 4 trong khi gia đình được báo lại là nạn nhân bị trúng gió và ngã từ tầng 4 xuống đất.
Trước khi về làm việc tại Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ Quảng Nam, ông Thọ là bí thư huyện đoàn Đông Giang. Ông là con trai của cựu phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Ông Thọ là một trong nhiều viên chức bị chết sau khi rơi từ tầng cao của trụ sở làm việc trong thời gian gần đây. Vụ ồn ào nhất là cái chết của Thứ trưởng giáo dục và đào tạo Lê Hải An sau khi rơi từ tầng 8 của một toà nhà thuộc văn phòng bộ ở Hà Nội hôm 17/10.
Trước đó, vào ngày 10/1, ông Phan Tấn Nghị, phó chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam cũng đột tử bất thường ở nơi làm việc tại trụ sở của cơ quan.
Trong số những người bị đột tử ở trụ sở làm việc có cả đại tá Võ Tuấn Dũng, phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) của bộ công an cộng sản, trong tháng Năm năm nay.
Mỗi khi có viên chức nhà nước bị đột tử ở cơ quan, người dân lại liên hệ đến việc hàng loạt viên chức tự sát hoặc bị thanh toán ở Trung Cộng.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/them-mot-vien-chuc-tu-vong-vi-te-lau/
Phiên tòa Khá Bảnh và văn hóa giang hồ hút giới trẻ VN
Hoàng TrúcGửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài GònHiện tượng hàng trăm học sinh vẫn còn nguyên đồng phục áo trắng đội mưa, cùng với hàng trăm giang hồ xăm trổ theo dõi phiên tòa xử Ngô Bá Khá đang báo động về sự lạc lối của người trẻ, về giáo dục xuống cấp ở Việt Nam và văn hóa giải trí méo mó.
“Sáng mai đến thăm anh”
Hàng loạt lời nhắn như vậy trên trang Facebook của nhiều học sinh khiến phiên tòa được chức trách dùng để gửi đi thông điệp răn đe lại trở thành “sân khấu” tung hô một thần tượng kỳ quái trong xã hội đang biến dạng về các giá trị.
Khá Bảnh bước xuống xe tù, cười rạng rỡ và giơ tay chào các fan hâm mộ như một thần tượng showbiz.
Ở chiều hâm mộ, các em học sinh đội mưa không phải để nghe tòa xét xử Khá Bảnh cùng các đồng phạm mà là ngóng theo từng cử chỉ, hành động, trang phục và tiếp tục bàn tán về kiểu tóc của thần tượng (Idol).
Kết thúc phiên xét xử, khi thấy chiếc xe chở Khá rời khỏi sân Tòa án Nhân dân, rất đông các em học sinh mặc áo đồng phục đã ùa lên để nhìn, thậm chí không ít các em còn giơ tay vẫy chào khiến nhiều người phải quay ra nhìn với con mắt ái ngại.
Luật sư VN có vai trò tốt cho đối nội và đối ngoại
Tư pháp TQ hơn VN qua các vụ án chống trộm?
Đoàn Thị Hương ‘có hai luật sư’
Đúng sai vụ HN ‘cấm ghi hình’ ở trụ sở tiếp dân
Hành động vô tư của các em học sinh đang độ tuổi đến trường đã khiến nhiều người đặc biệt là các vị phụ huynh không khỏi lo lắng. Bởi việc này của các em học sinh có thể trở thành hành động cổ súy cho những hành vi trái pháp luật.
Khi thợ mộc bỏ nghề, làm giang hồ
Tại phiên tòa, Ngô Bá Khá, 26 tuổi khai mình làm thợ mộc, thu nhập từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng một ngày và đang sửa nhà cho mẹ.
Với mức sống ở đây, đó là một thu nhập hấp dẫn, lẽ ra Khá và bà mẹ đã có cuộc sống yên ấm nhưng Khá đã rẽ sang cuộc sống khác và căn nhà mơ ước của bà mẹ vẫn chưa hoàn thành.
Bỏ lại căn nhà xây dở, bỏ lại cuộc sống êm đềm, Khá lao vào giang hồ và cũng không ngờ mình trở thành thần tượng.
Cùng với mạng xã hội, hiện tượng Khá Bảnh còn làm thay đổi văn hóa tội phạm.
Giới trẻ ngập lụt trong văn hóa giải trí lưu manh
Chuyện những người trẻ say mê thế giới giang hồ với những giá trị trọng nghĩa khinh tài, coi anh em là trên hết không có gì lạ, Bố già chẳng chinh phục cả thế giới đó sao.
Còn ở châu Á, và các bộ phim liên quan đến băng đảng xã hội đen lúc thịnh lúc suy nhưng luôn thu hút công chúng. Trong số đó, series phim xã hội đen có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử điện ảnh Hong Kong (và cũng quen thuộc nhất với khán giả Việt Nam) là “Young and Dangerous”, ở Việt Nam thường được biết đến với tên gọi “Người trong giang hồ”, được phát hành trong thời kỳ 1996 – 1998.
Bộ phim gồm tới sáu phần, tập trung vào một nhóm băng đảng thiện, với các hoạt động như tranh giành địa bàn, thanh trừng, đối phó với những nhóm nhân viên công quyền thoái hóa để từ đó đề cao tình “huynh đệ”, tính “nhân nghĩa” và “nguyên tắc giang hồ”. Bộ phim nhanh chóng trở thành hiện tượng của Hong Kong, từ đó gây sốt toàn châu Á.
Nhưng không có hiện tượng giải trí nào giống với VN hiện nay khi mà các băng đảng lưu manh đường phố được trao nút vàng, được hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội và táo bạo hơn, các nhà làm phim nổi tiếng còn mời các thành viên băng đảng đường phố đóng phim, những bộ phim sặc mùi lưu manh.
Họ không phải là giang hồ. Giang hồ là thế giới của những người vì hoàn cảnh nghiệt ngã mà rơi vào thế giới tội phạm không thoát ra được hoặc sinh ra trong gia đình đình tội phạm “giang hồ gốc”.
Thế giới giang hồ có tổ chức, có hệ giá trị riêng mà tất cả đều phải tôn trọng.
Những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Cu Thóc…và danh sách gì đó đang rầm rộ trên mạng không phải là giang hồ.
Sau Khá Bảnh, sau những bộ phim ca ngợi lối sống lưu manh là những trí thức hay rao giảng sứ mệnh cứu rỗi nhân loại của nghệ thuật, nhưng họ không bỏ qua cơ hội đánh vào thị hiếu, bất chấp tác hại cho xã hội để lấy tiền.
Về việc giang hồ tràn ngập phim ảnh, tờ Zing nêu ngoài công thức chung là ‘giang hồ, bạo lực kết hợp với hài‘, điểm chung của các web drama về giang hồ là được ra nhiều tập, cách nhau thời gian không quá lâu. Một số phim còn ra thêm các tập ngoại truyện hoặc hậu trường, và cũng có lượt xem không nhỏ.
Nhưng cũng có một thực tế với tất cả web drama là các tập sau luôn có lượt xem thấp hơn, thậm chí thấp hơn nhiều tập trước. Thập Tam Muội là ví dụ, tính đến hiện tại tập cuối thấp hơn tập 1 khoảng 5 triệu views. Chết thì chịu của Việt Hương cũng vậy, tập 1 có 5,8 triệu lượt xem, tập 5 chỉ còn 2,3 triệu.
Ngay với phim ca nhạc về đề tài giang hồ cũng có kết quả tương tự. Phim ca nhạc Dẹp loạn giang hồ của Ưng Hoàng Phúc tập 1 có 7,5 triệu lượt xem, tập 3 chỉ còn 3,9 triệu.
Do vậy, nhiều phim đã phải dừng lại sau khoảng 3-4 tập, một phần vì lượt xem đã giảm. Ngoài ra, kịch bản của nhiều web drama tỏ ra bế tắc. Nhiều tập phim có nội dung na ná nhau.
Không chỉ hành động cũ, đôi khi miếng hài cũng cũ. Câu chuyện làm gái phải “học hành bài bản” cũng chỉ gây cười được một lần, và những dáng đi của BB Trần cũng không thể thu hút tới lần thứ 3 trong cùng một phim.
Chỉ có người thật việc thật như Khá Bảnh là luôn thu hút.
Hầu như các clip của Khá Bảnh đều thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm comment và hàng ngàn chia sẻ của cộng đồng mạng. Trong đó, clip Khá Bảnh ra tù thu hút tới 12 triệu lượt xem.
Khá Bảnh còn quay phim, phim ngắn “Tình anh em” của Khá Bảnh đứng đầu danh sách thịnh hành trên YouTube trong một thời gian với 48 triệu lượt xem.
Điều đáng nói, không chỉ riêng Khá Bảnh còn có một danh sách dài dằng dặc giang hồ YouTube hái ra tiền nhờ phô trương các hoạt động kiếm tiền theo kiểu giang hồ như cho vay, bảo kê, đâm chém quay thành clip hoặc dựng phim ngắn, có cả nghệ sĩ danh tiếng tham gia.
Có nghĩa giang hồ bây giờ ngoài quan hệ, tiền án, tiền bạc, băng nhóm, vũ khí, máu lạnh, sẵn sàng ra tay còn phải có YouTube, Facebook…không có thì chưa đặt “đẳng cấp”.
Vì sao giang hồ YouTube Khá Bảnh lại thu hút số lượng lớn thanh thiếu niên theo dõi và ái mộ như vậy, chúng tôi không biết.
Nhưng cách mà người này thể hiện trong clip là kiếm tiềm, kiếm tiền và kiếm tiền thật dễ dàng từ các hoạt động không theo một quy chuẩn nào của xã hội. Thậm chí thanh thiếu niên còn chết mê chết mệt mỗi khi Khá Bảnh thay đổi kiểu tóc hay trang phục hoặc có một hành động làm dáng nào đó.
Yêu thích và làm theo là một bước rất ngắn nhất là đối với những người trẻ.
Vì sao giới trẻ lại chấp nhận một nhân vật nổi loạn như vậy?
Công thức tạo ra Khá Bảnh
Khá Bảnh bị phạt tù 10 năm về tội tổ chức và đánh bạc, mức án nghiêm khắc, nhưng xem ra không làm Khá sợ hay tỏ ra hối hận và mức án nặng đó cũng không có tác dụng răn đe với những người trẻ.
Vì sao vậy?
Người Việt hay đổ lỗi cho kinh tế thị trường và mạng xã hội, nhưng các quốc gia văn minh đã thiết lập nên những giá trị mới mang tính phổ quát, tôn trọng cá nhân và cộng đồng.
Trong khi chúng ta có kinh tế thị trường nhưng mang màu sắc kỳ lạ và vận hành theo những quy luật bí mật mà biểu hiện bên ngoài của nó là “mạnh được yếu thua”.
Mạng xã hội thì cũng kinh dị, méo mó trong sự tự do tùy tiện, tiếng nói chính trực thì bị vùi dập, bị đe dọa, còn những tiếng nói a dua, nịnh bợ, chụp mũ, vu khống thì lại được biểu dương.
Tất cả cùng với sự bất lực trên nhiều phương diện của nền giáo dục đã tạo ra hiện tượng Khá Bảnh, chứ không phải Khá tạo ra chính mình trên mạng xã hội.
Khá Bảnh là một cái tên, cũng như Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng…Học hành không đến nơi đến chốn, nền tảng giáo dục gia đình lỏng lẻo, trong môi trường nông thôn đang chuyển thành đô thị, sớm thành thạo ăn chơi và thích được nổi danh, “ngập lụt” trong thế giới giải trí đầy màu sắc lưu manh.
Công thức ấy tạo ra Khá Bảnh, và cũng là công thức chung của hàng trăm ngàn thanh niên nông thôn hiện nay.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Hoàng Trúc từ TP Hồ Chí Minh.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50432243
Tàu ngang nhiên xả hàng trăm tấn rác độc hại
xuống sông Hồng
Tin từ Hà Nội: Nhiều người dân thủ đô Hà Nội tận mắt chứng kiến một tàu ngang nhiên xả hàng trăm tấn bùn độc hại xuống sông Hồng và sự làm ngơ của nhà cầm quyền thành phố.Tạp chí Giao Thông Vận Tải đưa tin, sau khi được người dân báo, phóng viên đã đến hiện trường và chứng kiến một chiếc tàu chở hàng trăm tấn bùn đen quánh và đặc đến sát chân cầu Thanh Trì thuộc quận Hoàng Mai và sử dụng gầu múc cỡ lớn để trút bỏ chất thải xuống mặt nước. Chất thải bốc mùi hôi tanh nồng nặc trong khi mặt nước bị loang lổ váng dầu. Theo phán đoán của một số người trong nghề xây dựng thì đây rất có thể là bùn Bentonite, một loại bùn cực độc chứa nhiều hóa chất nguy hại.
Một điều đặc biệt là người dân thấy một cano của cảnh sát đường thuỷ tiến đến gần tàu xả thải và trao đổi ngắn gì đó với nhân viên trên tàu rồi bỏ đi. Trong khi đó, nhân viên trên tàu tiếp tục sử dụng gầu múc chất thải bỏ xuống lòng sông.
Nhiều người sinh sống dọc ven sông Hồng cho biết trong thời gian gần đây, họ liên tục thấy một số tàu có sức chở lớn chở đầy chất thải và xả vào lòng sông. Việc xả thải không cố định về thời gian, có lúc ban ngày, có lúc ban đêm.
Người dân cho rằng những kẻ xả thải được hậu thuận bởi một hay một nhóm viên chức cao cấp nào đó trong bộ máy cai trị địa phương.
https://www.sbtn.tv/tau-ngang-nhien-xa-hang-tram-tan-rac-doc-hai-xuong-song-hong/
Các dự án dính líu Trung Quốc: Không lối thoát?
Diễm Thi, RFARất nhiều những dự án ở Việt Nam có chủ thầu là Trung Quốc bị thua lỗ, chậm tiến độ nhiều lần nhưng phía Việt Nam vẫn phải theo mà không có cách nào thoát ra được, cũng không thể kiện được.
Điệp khúc thua lỗ, chậm trễ, đội vốn
Trong 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu của ngành Công Thương được nói đến từ cuối năm 2016, có nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc quyết toán hợp đồng EPC với các nhà thầu Trung Quốc.
Một dự án nổi bật do Trung Quốc làm chủ đầu tư là dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Đến nay đã gần hết năm 2019 mà dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD, sau khi điều chỉnh phải tăng thêm 250 triệu USD. Nhưng vào năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886 triệu USD.
Tại buổi thị sát dự án này hôm 1 tháng 10 năm 2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chất vấn Giám đốc Dự án, ông Đường Hồng, về thời hạn và kế hoạch đưa tuyến đường đi vào vận hành, khai thác. Ông Đường Hồng trả lời: “Việc bao giờ đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào vận hành, khai thác chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà do chủ đầu tư quyết định.”
Công ty Tư vấn ACT của Pháp chỉ rõ đây là “dự án 3 không”: Không bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng; không đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và không đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.
Có thể kể thêm một vài dự án lớn do Trung Quốc làm chủ thầu cũng cùng chung số phận đội vốn, chậm trễ là Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 6.000 tỉ đồng, đội vốn lên 10.000 tỉ đồng. Vốn vay chủ yếu từ ngân hàng Trung Quốc, nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc). Sau 16 lần đàm phán với nhà thầu Trung Quốc, nhiều bất đồng vẫn chưa được giải quyết.
Dự án Nhà máy đạm Hà Bắc do Vinachem làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng, đội vốn lên hơn 10.000 tỉ đồng, lỗ 1.700 tỉ đồng. Dự án chưa quyết toán với nhà thầu EPC do chưa xác định được giá trị quyết toán hợp đồng.
Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên được triển khai từ năm 2007, nhà thầu EPC là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc. Từ đó đến nay nhà thầu này không thực hiện thi công.
Không nên có mặc cảm như thế! Cũng có những dự án của các nước khác nhưng phần lớn thì của Trung Quốc và mỗi dự án có một lý do, một nguyên nhân khác nhau. Mình phải coi tất cả các nước như nhau thôi vì nó là vấn đề nhạy cảm, quan hệ đối ngoại. Mình cũng chẳng sợ gì họ!. – PGS-TS Ngô Trí Long
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng rất nhiều dự án có cùng “số phận” với dự án cát Linh-Hà Đông nhưng không phải tất cả đều do phía Trung Quốc làm chủ thầu mà có cả các quốc gia khác nữa. Ông nói:
“Không nên có mặc cảm như thế! Cũng có những dự án của các nước khác nhưng phần lớn thì của Trung Quốc và mỗi dự án có một lý do, một nguyên nhân khác nhau. Mình phải coi tất cả các nước như nhau thôi vì nó là vấn đề nhạy cảm, quan hệ đối ngoại. Mình cũng chẳng sợ gì họ!.”
Tuy nói vậy nhưng ông Ngô Trí Long cũng kết luận hầu hết các dự án dính tới Trung Quốc đều chậm tiến độ, kéo dài không hiệu quả là do hợp đồng ký kết không chặt chẽ, và “thậm chí có những chuyện hết sức tế nhị.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A phân tích nguyên nhân vì sao các dự án do Trung Quốc làm chủ thầu thường bị đội vốn và thua lỗ:
“Những dự án của Trung Quốc như thế thường là những dự án phát giá rất thấp nhưng nửa chừng thì họ nâng giá lên rất cao, hết kiểu này đến kiểu kia. Tất cả các dự án đều như vậy.
Nó đút lót rất nhiều để thắng thầu và cho giá thấp để củng cố việc thắng được thầu, nhưng hợp đồng luôn luôn để có những kẽ hở, và từ đó tìm mọi cách để nâng giá lên, đội vốn lên rất là nhiều. Khi đội vốn lên như thế thì tiền đút lót nó chi ra không vào dự án nên trang thiết bị kém. Đội vốn cao thì lỗ.”
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng các chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng có phần lỗi vì trước khi triển khai dự án không tham khảo kỹ các thủ tục hướng dẫn quyết toán hợp đồng hoặc không giám sát chặt chẽ quá trình thi công dẫn đến hậu quả mà Việt Nam đang phải gánh chịu.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A không đồng ý dùng từ “lỗi” mà theo ông họ là “những tội đồ”:
“Các chủ đầu tư và cơ quan chức năng Việt Nam là những kẻ phạm tội. Họ là những tội đồ. Họ cấu kết với các nhà thầu Trung Quốc vì những dự án này. Không phải họ ngu mà không biết cái nào đúng cái nào sai, cái nào hay cái nào dở. Họ biết cả đấy nhưng vì họ ăn tiền rồi, rồi họ lại được lệnh từ trên – những người ưu ái Tàu – chỉ định xuống.”
Vì sao không kiện Trung Quốc?
Theo nguyên tắc thông thường, khi hợp đồng thương mại đã ký kết mà một bên vi phạm thì bên còn lại có quyền khởi kiện ra tòa nếu hai bên không tự giải quyết được. Vì sao cho đến nay không thấy phía Việt Nam khởi kiện, cụ thể là dự án Cát Linh – Hà Đông ?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu từng nói với RFA:
“Tôi thấy mình cứ khởi kiện thôi, có thể là trọng tài hoặc tòa án, xử lý chuyện này từ một dự án được kỳ vọng mà sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, mà 10 lần lùi tiến độ, đội vốn 40%, đến giờ vẫn chưa xong.”
Trong khi đó Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh thuộc Học viện tài chính Việt Nam, lại cho rằng: “Bây giờ nếu mà giở ra thì cuối cùng nhiều nguyên nhân lắm, bắt đền ai, làm thế nào để xử lý được, quả tình là rất khó…”
RFA hỏi một luật sư chuyên về luật thương mại quốc tế thì chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn là “ Tôi chưa dám kết luận”.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia kinh tế mà RFA trò chuyện đều cho rằng không thể kiện vì “há miệng mắc quai”. Tiến sĩ Nguyễn Quang A lập luận:
“Nếu hợp đồng đã không chặt chẽ thì kiện gì? Kiện có khi mình thua đấy! Những người đi ký hợp đồng thì hiển nhiên họ phải biết các điều kiện hợp đồng; họ có cả các luật sư giúp họ nhưng sếp bảo ký thì ký. Quan trọng nữa là họ chạy theo tăng trưởng mà lại được Trung Quốc ‘câu” cho, thu xếp vốn cho khi đang bí vốn. Mà nó thu xếp vốn cho thì buộc phải mua của nó. Chỉ có một cách duy nhất là cấm hoặc hạn chế tối đa những dự án kiểu như vậy.”
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng thì chỉ ra những lý do mà Việt Nam không thể kiện Trung Quốc:
“Có thể nói có rất nhiều dư luận về chuyện các quan chức Việt Nam ở các bộ ngành đã đóng một vai trò rất đắc lực trong việc ‘nối giáo cho giặc’, ‘cõng rắn cắn gà nhà. Cũng rất nhiều dư luận cho rằng
các quan chức Việt Nam đã nhận hối lộ rất bẫm từ phía Trung Quốc và các quan chức Việt Nam đã bị cột chặt trong thế giới ngầm của các doanh nghiệp có thể đứng phía sau là đảng cộng sản Trung Quốc.
Đó là lý do để giải thích vì sao chưa bao giờ Việt Nam kiện Trung Quốc mà chỉ có Trung Quốc kiện Việt Nam, bởi Trung Quốc có thế mạnh là ‘nắm được tóc’ của Việt Nam”.
Có thể dẫn chứng điều ông Dũng nói qua việc Trung Quốc kiện Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (Công ty VSH) chủ đầu tư dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum. Sau 5 năm, công ty VSH vẫn chưa thoát được nhà thầu Trung Quốc dù tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Còn với dự án Vinachem, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, nhà máy ngành công thương với các bộ, ngành ngày 6 tháng 9 năm 2019, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinachem cho hay đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý, khi được Chính phủ đồng ý sẽ khởi kiện tổng thầu ra tòa hoặc đưa ra Trung tâm Trọng tài quốc tế phân xử.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/projects-involving-china-no-way-out-dt-11152019121538.html
Gần 300 nhân viên hoả xa Cát Linh- Hà Đông bỏ việc
vì nhận lương nhưng không có việc
Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 16 tháng 11 năm 2019 loan tin, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm vào ngày 15 tháng 11, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, có gần 300 công nhân trong dự án hoả xa Cát Linh- Hà Đông đã nghỉ việc.Trước đó, dù dự án hoả xa Cát Linh- Hà Đông không biết đến khi nào mới đi vào hoạt động, nhưng năm 2018, nhà cầm quyền Hà Nội đã tuyển gần 1,000 nhân viên để chuẩn bị cho việc vận hành dự án. Và suốt gần 2 năm qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã trả lương đều đặn cho gần 1,000 nhân viên này mặc dù họ không có việc làm, vì đến nay dự án hoả xa Cát Linh- Hà Đông vẫn chưa được hoàn thành.
Theo ông Chung, dự án hoả xa này có 4 vấn đề lớn chưa được giải quyết là: Hội đồng nghiệm thu nhà nước nghiệm thu đánh giá về an toàn toàn bộ hệ thống; kiểm toán dự án; khắc phục các đề nghị của kiểm toán trước đó; và hoàn thành cung cấp các thiết bị theo hợp đồng đã ký. Hiện nay, tổng thầu là nhà thầu Trung Cộng vẫn chưa chứng minh được toàn bộ nguồn gốc xuất xứ thiết bị của tuyến hoả xa, nên hội đồng nghiệm thu của nhà cầm quyền vẫn chưa kiểm định được.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/gan-300-nhan-vien-hoa-xa-cat-linh-ha-dong-bo-viec-vi-nhan-luong-nhung-khong-co-viec/
‘NoU’: chiếc áo mang biểu tượng yêu nước!
Cụ thể trong thư gởi đến Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, cùng thanh niên cũng như các viên chức công an, an ninh trên cả nước, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kêu gọi ủng hộ, bảo vệ việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của các thanh niên yêu nước khi mặc áo NoU.Trên áo NoU có logo ‘Hoàng Sa – Trường Sa là của VN!’, hay bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hình lưỡi bò bị đánh dấu x hoặc bị cắt, NoU.
Trong thư ngỏ Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng dẫn chứng lại việc nhà cầm quyền Bắc Kinh ngày càng ngang ngược, xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, nhiều lần trắng trợn tuyên bố các đảo ở Biển Đông, Bãi Tư Chính của Việt Nam là của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam không được tiếp tục khai thác dầu ở Bãi Tư Chính!
Thư ngỏ cũng nhắc lại việc Trung Quốc chủ động dốc toàn lực trên mặt trận tuyên truyền, các diễn đàn quốc tế, đưa hình lưỡi bò trên hộ chiếu, sách giáo khoa, phim ảnh, xe ô tô, các thiết bị điện… rồi dùng mọi thủ đoạn đưa vào Việt Nam.
Trước tình hình đó, thanh niên thành phố Hồ Chí Minh cũng như thanh niên cả nước đã khẳng định lòng yêu nước, chủ quyền quốc gia bằng cách mặc những chiếc áo mang các hình ảnh NoU như vừa nêu.
Trả lời RFA hôm 15/11 từ Sài Gòn, Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nói:
“Cái thư ngỏ này thực ra mà nói, chính là với người dân, với anh em thanh niên, chứ thực ra chính quyền họ cũng không có lý do gì để cấm, nhưng họ gây khó khăn cho anh em thanh niên thôi. Cho nên thư ngỏ này mục đích là để khơi lại tinh thần yêu nước của anh em thanh niên, đồng thời cũng kêu gọi lòng yêu nước của những người công an, an ninh mà từ trước đến giờ họ làm những chuyện không đúng, giờ mình nói cho họ hiểu là họ cũng là người Việt Nam, cũng có lòng yêu nước, thì không việc gì nghe lời ai để chống lại việc làm yêu nước của anh em. ”
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho rằng, lẽ ra Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam phải chủ động tuyên truyền, tổ chức các cuộc biểu tình lớn trong cả nước và tận dụng mọi phương tiện truyền thông để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Nhưng chính quyền Việt Nam chỉ bị động đối phó một cách rời rạc, yếu ớt trước mọi tuyên bố và hình thức tuyên truyền láo xược của Trung Quốc.
Nghệ sĩ Kim Chi, người thay mặt Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ký thư ngỏ về những chiếc áo mang biểu tượng yêu nước, khi trao đổi với RFA hôm 15/11, nói:
“Lý do vì mọi người quá bức xúc về sự ngang tang của nhà cầm quyền đối với những người mặc áo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Bản thân tôi cũng bị công an đến nhà truy vấn có phải tôi mang áo đến cho Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng mặc không? Tôi mới trả lời ‘tôi mang thì sao, thế theo các bạn Hoàng Sa – Trường Sa của TQ hay của VN’. Trước một cái chuyện mà mình thấy quá tệ, mọi người mặc áo thì bị truy vấn, bị sách nhiễu thì tôi thấy cần phải cất một tiếng nói mạnh mẽ, và cần phải kêu gọi mọi người mặc áo này nữa, và in áo nữa, để chứng tỏ đây là quyền của mình.
Theo Nghệ sĩ Kim Chi, người Trung Quốc đi khắp nơi ở đất nước của mình, họ trương cả cờ, họ mặc áo lưỡi bò để khẳng định là của họ một cách buồn cười, trong khi TQ ngang nhiên như thế thì tại sao người dân lại không có quyền? Bà nói tiếp:
“Cho nên CLB Lê Hiếu Đằng thấy là cần lên tiếng, và tôi là người đại diện, để bày tỏ chính kiến của mình và yêu cầu nhà cầm quyền, phải xét lại chuyện đó, phải làm mạnh mẽ, đáng lẽ chúng tôi phải được ủng hộ, chứ không phải cấm đoán.”
Vào ngày 13/5/2018, một đoàn du khách Trung Quốc mặc áo in hình đường ‘lưỡi bò’ qua được cửa khẩu nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh. Cụ thể theo công an cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hoà, nhóm khoảng 10 người Trung Quốc khi làm thủ tục ở cửa khẩu sân bay Cam Ranh thì vẫn mặc áo khoác; đến khi ra khu vực bên ngoài chuẩn bị lên xe đi Nha Trang thì cởi bỏ áo khoác, lộ ra áo thun trắng phía sau có in hình đường lưỡi bò.
Đường đứt khúc 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đơn phương vẽ ra và sử dụng để đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông. Đây cũng là nơi một số nước trong khu vực cũng đòi chủ quyền bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Từ Sài Gòn, Chị Ngô Thứ, một người ủng hộ chương trình áo thun NoU, khi trả lời RFA qua tin nhắn hôm 15/11, nhận định:
“Tôi mừng lắm vì thấy thư ngỏ này. Các bậc lão thành có tiếng nói công tâm chính trực luôn tạo nên sức mạnh tinh thần khiến mọi người phải suy nghĩ. Rất cần nhiều thư ngỏ như vậy.”
Chị Ngô Thứ cho biết thêm, khi các thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng sau khi post hình mặc áo NoU cũng bị an ninh hỏi thăm tìm cách gây mệt mỏi tâm lý để hạn chế bớt hiệu ứng lan truyền. Chị viết tiếp:
“Một Facebooker tên Khải (nick Khai Nguyen ở Biên Hòa Đồng Nai, đã bị lực lượng 47 report giam nick 1 tháng, do viết bài tố cáo đích danh trung tá an ninh Đỗ Anh Tuấn cùng nhiều công an đi xe công vụ đến nhà anh tịch thu áo . Tịch thu nhưng họ không đưa ra được một tờ lệnh nào chỉ vu khống áo này do Việt Tân hậu thuẫn.”
Để tìm hiểu thêm, RFA liên lạc Facebooker Khai Nguyen, và được anh cho biết như sau:
“Áo NoU mình đã mặt hơn 1 năm nay rồi, trước cô Ngô Thứ có tặng 2 cái. Đợt này đăng ký 10 cái, tính đem về cho mấy anh em mặc, nhưng mới nhận áo thì hôm sau trung tá an ninh Đỗ Anh Tuấn cùng nhiều công an đi xe công vụ đến hỏi áo đâu rồi, và họ tịch thu, trong khi áo chỉ có dòng chữ Hoàng Sa – Trường Sa Việt Nam, thì họ nói áo đó do Việt Tân tài trợ. Họ còn nói đúng ra họ triệu tập lên trụ sở công an, nhưng họ chỉ lấy áo thôi.”
Trong Thư ngỏ về những chiếc áo mang biểu tượng yêu nước NoU, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho rằng, đáng lý những hành động như trên phải được biểu dương, nhân rộng, để nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu nước trong thanh niên, thì ai đó đã ra lệnh cho anh em công an, an ninh tịch thu và tra xét nguồn in, phát hành những chiếc áo in đậm lòng yêu nước ấy. Đó là việc làm không thể biện giải của một bộ máy cầm quyền luôn tự coi mình là kế tục sự nghiệp của những nhà cách mạng đã giành lại độc lập cho đất nước.
Theo Nhà hoạt động Trần Bang, Trung Quốc dùng biện pháp truyền thông thì người dân cũng phải cắt đi, cái đấy là bình thường, chính quyền phải ủng hộ, thậm chí phải làm gương. Nhưng khi người dân Việt Nam làm thì lại suy diễn, kết tội này kia, ông nói tiếp:
“Tôi đã từng mặc áo NoU đi biểu tình chống Tập Cận Bình sang Việt Nam hồi năm 2015, tôi cũng bị đánh và đổ máu, cái đấy ai cũng biết, Nhưng vào năm ngoái 10/6/2018, tôi đi biểu tình chống Luật đặc khu và Luật an ninh mạng, thì họ bắt tôi vào đồn, họ dùng sức mạnh của công an sắc phục và thường phục và cả nhóm Hội cờ đỏ, họ cố tình lột áo NoU của tôi, đến lúc về tôi đòi thì họ nói muốn về thì để áo lại, tôi mới nói vậy tôi ở lại, trả áo tôi mới về, sau họ nói sẽ đem áo về địa phương thì tôi về. Nhưng đến giờ họ cũng không trả áo cho tôi.”
Cuối thư ngỏ, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, kêu gọi các bạn thanh niên hãy tùy theo điều kiện của mình sáng tạo, trao tặng cho nhau và mặc những chiếc áo mang các khẩu hiệu yêu nước như vừa nêu. Theo Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, việc làm này không vi phạm luật pháp hiện hành và là một trong những cách sinh động thể hiện, nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu quê hương, Tổ quốc Việt Nam và trách nhiệm với Tổ Tiên, Sông Núi!
Thư ngỏ cũng gởi lời kêu gọi đến lực lượng chức năng như sau: “Các bạn công an, an ninh! Từ trong bụng mẹ, các bạn cũng như tất cả người Việt Nam đều mang dòng máu của một dân tộc anh hùng bất khuất, không cúi đầu làm nô lệ, không chịu mất dù một tấc đất của tổ tiên, không khoanh tay trước các hành vi xâm lược của ngoại bang! Các bạn hãy ủng hộ, bảo vệ việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của các thanh niên yêu nước!”
Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nhận định thêm:
“Họ làm càng ngày càng vô lý, thanh niên để chữ Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam là cái chuyện nhà nước cũng nói, ai cũng nói, thậm chí trước đây, đoàn thanh niên TPHCM cũng có in kiểu áo này, nhưng không giống logo thôi. Thế thì tại sao người này được mang mà người kia không được mang.”
Theo Ông Lê Thân, điều đó rất là lạ, nếu chính quyền đàn áp người dân mặc áo NoU thì không còn là chính nghĩa. Ông cho rằng, ít nhất họ phải giữ một ít thể diện cho chính quyền, chứ nếu đàn áp trắng trợn thì còn gì để sống trên đất nước này được.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/le-hieu-dang-club-sent-an-open-letter-about-the-shirts-bearing-the-patriot-symbol-11152019124235.html
Bao giờ các dự án xây dựng đầu tư công
không còn bị hoang phế?
Dự án bạc tỷ xây hoài không xongTheo tin từ báo giới trong nước, dự án Bến xe Miền Đông mới, có tổng vốn đầu tư khoảng 4000 tỷ đồng, được khởi công hồi tháng 4 năm 2017 ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và dự kiến sẽ hoàn thành các công trình xây dựng xung quanh như hầm chui, cầu vượt, mở rộng quốc lộ 1 vào năm 2020; tuy nhiên hiện tại cỏ dại mọc um tùm bên trong bến xe được quy hoạch không những là bến xe lớn nhất nước mà còn là bến xe hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Báo mạng vietnamnet.vn, ngày 13/11, dẫn nguồn từ Sở Giao thông-Vận tải TP.HCM cho biết Bộ Xây dựng đã chấp thuận nghiệm thu đưa công trình vào hoạt động nhưng Chính quyền TP.HCM ra quyết định hoãn lại hồi giữa tháng 8 vì còn bị vướng mắc trong việc thẩm định giá cho chủ đầu tư thuê đất xây dựng bến xe.
Cùng trong tháng 11, trước đó, Báo mạng Thanh Niên Online loan tin về Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM, được xem là một biểu tượng của thành phố-trung tâm kinh tế-thương mạnh lớn nhất Việt Nam, có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, đã khởi công hơn 6 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Dự án vừa nêu được quy hoạch xây dựng trên khu đất rộng 18 ngàn m2, ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM, nằm liền kê khu đất được dự kiến xây dựng nhà hát giao hưởng (có vốn đầu tư 1500 tỷ đồng), khởi công vào Quý 1 năm 2013 và hoàn thành vào năm 2015. Thế nhưng, phóng viên của Báo Thanh Niên Online ghi nhận trong những ngày đầu tháng 11 năm 2019 thì công trình này chỉ có bảo vệ trông coi và là nơi nuôi gà, vịt của những hộ xung quanh đó.
Báo Thanh Niên Online dẫn lời của một nhà thầu tham gia xây dựng dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM cho biết công trình này có hơn 40 nhà thầu tham gia trực tiếp và trong quá trình xây dựng xảy ra tình trạng các nhà thầu bị chồng chéo đan xen, giẫm chân lên nhau nên dự án bị chậm gần 7 năm.
Tôi có thể vạch ra hàng trăm cái dự án lãng phí và bất cập. Dự án ở Việt Nam không căn cứ vào vấn đề nhu cầu mà căn cứ vào vấn đề giải ngân. Dự án là lý do để được giải ngân, lấy được công trình, thi công được công trình là có cái để rút tiền trong ngân sách ra và cấp lãnh đạo tại thời điểm ấy là có phần trăm ăn. Tức là không đồng bộ, không căn cứ vào nhu cầu, không khảo sát thiết kế kỹ mà cứ vẽ dự án cho bằng được
-Kỹ sư Trần Bang
Một điều đáng lưu ý là Chính quyền TP.HCM lại chuẩn bị mời thầu cho một dự án khác, là dự án Khu phức hợp Trung tâm hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại dịch vụ, cũng ở tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng vốn đầu tư gần 1700 tỷ đồng.
Hai dự án Bến xe Miền Đông mới và Trung lâm triển lãm quy hoạch TP.HCM chỉ là hai dự án lãng phí mới vừa được truyền thông trong nước nêu danh.
Theo số liệu báo cáo Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết hiện Việt Nam có rất nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước gây thất thoát, lãng phí với số liệu ghi nhận lên đến 422 dự án. Một trường hợp điển hình là Bảo tàng Hà Nội, có tổng mức đầu tư lên tới 2400 tỷ đồng, cho đến tháng 10 năm 2018 được báo giới gọi là ‘ngôi nhà hoang’ giữa lòng thủ đô, mặc dù đây là công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Tại Hà Nội, còn có một dự án gây bức xúc trong dư luận cả nước suốt gần một thập niên là dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông, với mức đầu tư ban đầu là 8.800 tỷ đồng, khởi công vào tháng 10/2011 và đến cuối năm 2018 đã đội vốn lên 18.000 tỷ đồng; thế nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành để đưa vào vận hành thương mại.
Liên quan vấn đề các công trình xây dựng đầu tư công lớn ở Việt Nam hiện nay, Kiến trúc sư Duy Black, ở Sài Gòn lên tiếng với RFA rằng thủ tục xét duyệt không hề đơn giản, tuy nhiên hàng loạt các dự án này vẫn được quy hoạch và triển khai là do:
“Theo góc độ chuyên môn thì tất cả các bước, từ bắt đầu bước nghiên cứu dự án, báo cáo, đánh giá tính khả thi của dự án…đều được xem xét và thông qua rất kỹ lưỡng. Nhưng cũng nên biết một điều là tất cả những dự án ở Việt Nam hiện tại, nhất là những dự án lớn khi tiến hành đầu tư xây dựng thì không phải vì mục đích chung. Có thể tôi tương đối cực đoan, nhưng đó là thực trạng ở Việt Nam. Cho dù đánh giá mức độ nào đi chăng nữa thì các dự án đó đều vì mục đích riêng của từng cá nhân và theo từng giai đoạn của các nhà lãnh đạo. Đó là vì mục đích riêng hết, vì mục đích của từng nhóm người.”
Đồng quan điểm, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang nói về ghi nhận cá nhân của ông:
“Tôi có thể vạch ra hàng trăm cái dự án lãng phí và bất cập. Dự án ở Việt Nam không căn cứ vào vấn đề nhu cầu mà căn cứ vào vấn đề giải ngân. Dự án là lý do để được giải ngân, lấy được công trình, thi công được công trình là có cái để rút tiền trong ngân sách ra và cấp lãnh đạo tại thời điểm ấy là có phần trăm ăn. Tức là không đồng bộ, không căn cứ vào nhu cầu, không khảo sát thiết kế kỹ mà cứ vẽ dự án cho bằng được.
Dự án Bến xe Miền Đông mới, ở thành phố Hồ Chí Minh, bị chậm tiến độ gần 7 năm. Courtesy: vietnamnet.vn
Thực trạng vẫn tiếp diễn?
Trong báo cáo năm 2018 trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết các dự án có thất thoát, lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh toán, quyết toán và kiểm toán. Đồng thời, những nguyên nhân của việc thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng là do chủ trương đầu tư sai nên dẫn đến hậu quả như công tác đền bù giải phóng mặt bằng không đảm bảo tiến độ, công tác lựa chọn nhà thầu, công tác thi công công trình…
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội nhận định rằng Chính phủ Việt Nam không nhận thấy được sự quản lý yếu kém trong các dự án xây dựng đầu tư công của quốc gia và đây không phải là một vấn đề nan giải:
“Đúng là những dự án rất cần thiết cho quốc kế dân sinh mà là dự án thật lớn thì tại sao không thuê người nếu bị thiếu người? Những người có kỹ năng trong lãnh vực này trên thế giới là có để Việt Nam có thể thuê và hiệu quả hơn rất nhiều. Đồng thời cho người của mình kèm vào đấy để học.”
Mặc dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh tình trạng thất thoát lãng phí trong các dự án xây dựng đầu tư công vẫn tiếp diễn:
Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam có thể dẫn đến chuyện vừa tham nhũng vừa kỹ năng quản trị kém và việc hoạch định các dự án cũng lại không đâu vào đâu cả. Bởi vì có những dự án trên giấy rất là hay, nhưng không xác với thực tiễn và chuyện ấy làm thất thoát nguồn lực của quốc gia
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
“Tuy nhiên tình trạng tham nhũng ở Việt Nam có thể dẫn đến chuyện vừa tham nhũng vừa kỹ năng quản trị kém và việc hoạch định các dự án cũng lại không đâu vào đâu cả. Bởi vì có những dự án trên giấy rất là hay, nhưng không xác với thực tiễn và chuyện ấy làm thất thoát nguồn lực của quốc gia.”
Kiến trúc sư Duy Black thì cho rằng dù chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam tuy là nhiều vụ đại án bị phanh phui trong thời gian gần đây, nhưng ông tin là tình trạng “tham nhũng” trong dự án xây dựng đầu tư công sẽ không có xu hướng giảm, bởi vì nếu bị ‘tóm” và bị đưa ra tòa xét xử chăng nữa thì số tiền tham nhũng phải trả lại cho Nhà nước chẳng la bao. Kiến trúc sư Duy Black khẳng định:
“Khi họ nghĩ ra những cái gì có thể thu lợi cho họ, cho nhóm người của họ thì họ sẽ tiếp tục ‘đẻ’ ra những dự án như vậy. Họ không cần biết nó có khả thi hay không, hay có phục vụ lợi ích cộng đồng hay không, mà họ cứ tiếp tục vẽ ra những dự án như thế từ vài trăm tỷ cho tới hàng ngàn tỷ.”
Mới đây nhất, vào hôm 15 tháng 11, truyền thông quốc nội loan tin Bộ Giao thông-Vận tải vừa họp bàn cùng 8 tỉnh, thành phố về dự án quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng với vốn đầu tư đến 100.000 tỷ đồng, đi qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Trong cùng ngày, VTC News dẫn lời của Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc xây dựng dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng tại thời điểm này là chưa cần thiết, thậm chí là lãng phí.
Facebooker Ngo Thu, một người theo dõi sát sao những thông tin liên quan các công trình xây dựng đầu tư công thất thoát và lãng phí tại Việt Nam cũng lên tiếng với RFA, qua ứng dụng messenger rằng:
“Hầu như mỗi tỉnh đều có công trình để đó không hoàn thành. Tiếc nhất là trường học và bệnh viện. Lãng phí kinh khủng. Dường như chính quyền không biết phải làm sao: bỏ thì không được, mà làm tiếp cũng không xong. Như vậy là hỏng!”
Đài Á Châu Tự Do tạm khép lại bài ghi nhận hạn hẹp này, qua lời nhận xét của Facebooker Ngo Thu rằng “Quốc gia Việt Nam nghèo vì không biết xài tiền, chứ không phải vì không có tiền”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/big-state-construction-projects-left-in-dilapidated-conditions-11152019115236.html
Quan hệ Việt-Úc trắc trở vì…cúm heo
Nguyễn HàSau khi có tin vào tháng trước là Úc rút visa của một phụ nữ Việt Nam mang thịt heo vào nước này, một công dân khác của Việt Nam đối mặt với cùng biện pháp trừng phạt vì vi phạm tương tự, khiến chính phủ Úc phải đưa ra một thông cáo chính thức.
Lần đầu tiên một vi phạm liên hệ đến thịt heo và phản ứng tại Việt Nam có phần bối rối. Các báo địa phương nêu vấn đề “một phụ nữ bị trục xuất vì không khai báo có thịt heo trong hành lý?” Đây không phải là cần sa hay sừng tê giác, dân địa phương đùa cợt về tin này.
Úc “có nhiều thứ như Việt Nam, tại sao phải vận chuyển chi cho rắc rối?” một người bình luận viết trên báo Tuổi Trẻ của nhà nước.
Nhưng khi xảy ra vụ vi phạm thứ hai, Úc giải thích lý do vì sao thịt heo nghiêm trọng hơn một vài món hàng không khai báo: đó là vì cúm heo.
“Du khách bị cấm không được mang theo các sản phẩm thịt heo từ các nước có dịch cúm heo châu Phi vào Úc,” Bộ trưởng Nông nghiệp Bridget McKenzie nói trong một thông cáo công bố hồi tuần trước. “Đây là một trong những biện pháp của chính phủ chúng tôi nhằm ngăn căn bệnh dịch tai ương này xâm nhập vào Úc và để bảo vệ cho 2.700 nhà sản xuất thịt heo của chúng tôi.”
Dù hai du khách Việt Nam dường như chỉ mang thịt heo làm quà tặng cho thân nhân, nhưng họ bị kẹt trong tranh cãi xuyên biên giới này. Cúm heo đã tàn phá khắp châu Á, đặc biệt tại thị trường khổng lồ Trung Quốc và Việt Nam, nơi thịt heo là thực phẩm thông dụng. Hai nước này và những quốc gia khác đã tiêu hủy hàng triệu con heo để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Giữa lúc thịt heo khan hiếm, tại một số nơi giá thịt heo tăng gần gấp đôi trong năm qua, và Trung Quốc đã phải tái xét lại việc hạn chế nhập khẩu thịt heo của Mỹ dù hai bên đang có chiến tranh thương mại.
Bộ trưởng Bridget McKenzi nói Úc có lý do để quan ngại là dịch bệnh bùng phát có thể lan rộng. “Một vòng thử nghiệm mới đây phát hiện có gần 50% sản phẩm thịt heo bị tịch thu từ các du khách, dương tính với cúm heo châu Phi,” bà nói.
Tuy nhiên nhiều người tại Việt Nam bênh vực các du khách, cảm thấy việc trục xuất là một trừng phạt nặng nề đối với một lỗi lầm lương thiện. Úc có thể tịch thu những hàng hóa vi phạm và cho phép du khách tiếp tục vào Úc thay vì trục xuất họ và cấm họ trở lại Úc trong vòng 3 năm.
“Chúng ta cũng nên thông cảm với bà ấy vì bà chỉ quen ăn theo cách Việt Nam,” cư dân mạng Hoàng Trần nói về nữ du khách trên Facebook.
Úc và Việt Nam đều muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Úc có một số dân Việt Nam đông đảo kể từ Chiến tranh Việt Nam, và Úc tiếp tục nhận nhiều sinh viên sang học đại học.
Việt Nam là một trong những thị trường thương mại tăng trưởng nhanh chóng nhất của Úc tại Đông Nam Á với thương mại tăng gần 12% trung bình một năm, theo Uỷ ban Thương mại và Đầu tư Úc.
Đại sứ Úc tại Việt Nam ở Hà Nội Robyn Mudie nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ này.
“Úc cảm kích sự ủng hộ của Việt Nam trong việc giúp bảo vệ Úc trước những đe dọa về an ninh sinh học nghiêm trọng và hy vọng các du khách Việt Nam có thể tiếp tục tận hưởng lòng hiếu khách của Úc,” đại sứ Mudie nói.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-h%E1%BB%87-vi%E1%BB%87t-%C3%BAc-tr%E1%BA%AFc-tr%E1%BB%9F-v%C3%AC-c%C3%BAm-heo/5168140.html
Giá thịt heo ở Việt Nam tăng kỷ lục
lên gần 200,000 đồng
Tin Vietnam.- Đài VOV ngày 15 tháng 11 năm 2019 loan tin, hiện tại giá thịt heo ở Việt Nam đã tăng lên gần 200,000 đồng/kg.Mức giá này được xem là đắt hơn ở thịt Mỹ. Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền trưởng cơ quan Chăn nuôi thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá thịt heo hơi tăng nhanh trong vài ngày qua. Nhưng ông Dương cho rằng đây chỉ là hiện tượng cá biệt. Hiện giá thịt heo hơi giao động từ 58,000 đồng đến 75,000 đồng/kg, tuỳ vào từng khu vực. Giá thịt heo ở chợ được bán từ 130,000 đến gần 200,000 đồng/kg. Việc tăng giá này không phải do nguồn cung thiếu hụt lớn, mà nguyên nhân là do vấn đề lưu thông và thông tin.
Trước đây, các thương lái chủ yếu mua trực tiếp từ các gia đình chăn nuôi heo. Nhưng sau dịch bệnh heo châu Phi thì hầu như các gia đình không còn heo, nếu có còn thì được bán với giá cao. Mặt khác, do các thương lái không tiếp cận được với nguồn heo từ các công ty lớn, vì các công ty bán theo số lượng nhiều, và bán cho các bạn hàng lâu năm.
Trước biến động của giá thịt heo, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó giám đốc sở Công thương tại Sài Gòn cho rằng, cần có “sàn giao dịch” thịt heo như sàn giao dịch chứng khoán, để các cơ sở chăn nuôi, và chợ đầu mối được giao dịch trực tiếp với nhau.
Bệnh dịch heo châu Phi cũng đã khiến cho giá thịt heo tại Trung Cộng tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm khiến người dân nước này bị hạn chế mua thịt heo, thậm chí họ còn phải đứng xếp hàng mua qua số lượng tem phiếu được phát như thời bao cấp.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/gia-thit-heo-o-viet-nam-tang-ky-luc-len-gan-200000-dong/
0 comments