Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 16/11/2019

Saturday, November 16, 2019 8:00:00 PM // ,


Tin Biển Đông – 16/11/2019

Tàu ngầm TQ: Con bài chiến lược

 thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú trọng đầu tư, phát triển lực lượng tàu ngầm chiến lược nhằm chiếm ưu thế và giành quyền kiểm soát dưới đáy biển.
Trung Quốc trang bị thêm tàu ngầm hạt nhân cho hải quân
Theo số liệu thống kê không chính thức, Trung Quốc hiện đứng thứ ba trên thế giới về số lượng tàu ngầm với 69 tàu, trong đó có 5 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và khoảng 64 tàu diesel-điện. Số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tuy không được thiết kế và tính năng ưu việt như tàu ngầm Nga hoặc Mỹ, nhưng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược của Trung Quốc vẫn có thể bắn những tên lửa hạt nhân tầm xa. Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc mang 12 tên lửa đạn đạo chiến lược, chiếm 1,1% số tên lửa này của Trung Quốc. Các tàu ngầm khác mang 146 tên lửa chống hạm (chiếm 9,9%), 1.182 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.608 thủy lôi (31,5%).
Hiên nay, nổi bật nhất trong các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc là tàu ngầm Type 094, đây là tàu ngầm lớp Tấn có chiều dài 135 m, lượng choán nước 11.000 tấn khi lặn. Hiện Trung Quốc có 5 tàu lớp Type 094 được đưa vào hoạt động, 3 chiếc khác đang trong kế hoạch triển khai. Mỗi tàu Type 094 mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-12 với tầm bắn 7.500-8.000 km, điều này có nghĩa là Type 094 có thể tấn công nhiều địa điểm trên đại lục nước Mỹ từ căn cứ Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam. Mặc dù tàu lớp Tấn khá đáng sợ, nhưng chúng vẫn bị xem là kém tương đối xa về độ hiện đại và tinh vi nếu so với các tàu ngầm tương tự của Nga (tàu lớp Borei, mang 16 tên lửa đạn đạo) hay tàu lớp Ohio của Mỹ (24 tên lửa đạn đạo). Năng lực tàng hình, hệ thống định vị thủy âm và nhiều tính năng khác cũng không thể so được với tàu Nga, Mỹ.
Theo đánh giá của Nga và phương Tây, thế hệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo kế tiếp của Trung Quốc, tàu Type 096 Đường, có thể sẽ được khởi đóng trong giai đoạn đầu thập niên 2020, nhiều khả năng sẽ được trang bị tên lửa JL-3, tầm bắn khoảng 9.000 km. Type 096 được Trung Quốc kỳ vọng có năng lực khả dĩ cạnh tranh được với các tàu ngầm tiên tiến nhất của Nga và Mỹ. Tàu mới được nói là có thể mang 24 tên lửa đạn đạo JL-3, dựa trên phiên bản tên lửa đạn đạo trên bộ DF-41.
Đáng chú ý, trong báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc công bố về quá trình hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc, hải quân nước này đã đưa thêm vào biên chế 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) Type-094, lớp “Tấn”, nâng tổng số tàu ngầm chiến lược trang bị trong hạm đội hải quân nước này lên 6 chiếc. Hải quân Trung Quốc cũng được cho là đang thực hiện các bước đi nhằm triển khai hệ thống chỉ huy và kiểm soát nhằm bảo vệ cho lực lượng hạt nhân chiến lược, bao gồm các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa
ở trên bộ và tăng cường các cuộc tuần tra trên biển bằng tàu ngầm. Bắc Kinh chuẩn bị đưa chiếc tàu khu trục Type-055 đầu tiên vào hoạt động, cùng với ít nhất 7 con tàu khác đang được đóng mới tại các nhà máy đóng tàu ven biển nước này. Việc đóng mới tàu khu trục Type-055 được coi như một phần trong nỗ lực nhằm nâng cấp “khả năng phòng không, chống hạm, chống tàu ngầm” của lực lượng Hải quân Trung Quốc.
Tương quan sức mạnh tàu ngầm Trung Quốc
So với Nga, truyền thông Trung Quốc đánh giá, Nga sở hữu lực lượng tàu ngầm mạnh mẽ, đứng thứ 2 thế giới, nhưng Trung Quốc đang vượt qua Nga cả về chất lượng và số lượng. Theo Sohu, trong những năm gần đây, sức mạnh tàu mặt nước của Hải quân Nga đã giảm dần. Ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sức mạnh tàu mặt nước cua Liên Xô là mối quan ngại đối với toàn thế giới khi sở hữu nhiều tàu tuần dương tên lửa mạnh mẽ và hàng chục tàu khu trục tên lửa dẫn đường. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, do vấn đề kinh phí, Nga đã không trang bị tàu chiến mặt nước quy mô lớn, nhiều tàu đã bị loại khỏi biên chế vì không có kinh phí bảo dưỡng, đến nay, sức mạnh của tàu mặt nước Nga đã nhanh chóng suy giảm. Đặc biệt trong những ngày gần đây, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov duy nhất còn hoạt động của Hải quân Nga cũng đã tiến hành “niêm phong cất vào kho”, Hải quân Nga chỉ có thể dựa vào một số tàu 1.000 tấn mới đưa vào phục vụ để “miễn cưỡng” duy trì sức mạnh trên mặt nước. Đối với lực lượng tàu ngầm, theo nhiều đánh giá, Nga đang sở hữu lưc lượng tàu ngầm hạt nhân mạnh mẽ, chiếm vị trí số 2 thế giới. Hải quân Nga hiện có tổng cộng 37 tàu ngầm hạt nhân, trong đó có 12 tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược và 25 tàu ngầm hạt nhân tấn công. Về số lượng, số lượng tàu ngầm hạt nhân của hải quân Nga chỉ đứng sau Hải quân Mỹ. 12 tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược của Hải quân Nga được bảo trì tương đối tốt. Hiện tại, 9 tàu đang thực hiện nhiệm vụ và 3 tàu đang được bảo trì. 9 tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược này là nền tảng của Hải quân Nga và là lực lượng chính trong các cuộc tấn công chiến lược. Ngược lại, tàu ngầm hạt nhân tấn công của Hải quân Nga không tốt như những thông tin công khai. 25 tàu ngầm hạt nhân tấn công đang phục vụ được chia thành hai loại, một là tàu ngầm hạt nhân tấn công thực hiện nhiệm vụ tấn công tàu và loại còn lại là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình thực hiện nhiệm vụ tấn công tầm xa. Theo đó, 25 tàu ngầm hạt nhân được chia thành nhiều lớp: Yasen, Oscar, Akula, Serra II và Victor III. Trong số đó, tàu ngầm hạt nhân lớp Akula là tàu ngầm lớn nhất, nhưng 10 tàu ngầm hạt nhân loại tấn công Akula, một chiếc cho Hải quân Ấn Độ thuê, 9 chiếc còn lại chỉ có 2 chiếc có khả năng thực hiện nhiệm vụ, các tàu khác đang chờ để nâng cấp lên tiêu chuẩn 971M, nhưng do thiếu kinh phí, tiến độ nâng cấp chậm. 8 tàu ngầm tấn công lớp Oscar tương đối tốt hơn, với 6 tàu đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, 2 chiếc còn lại đang được nâng cấp lên tiêu chuẩn 949AM. Lớp Oscar cũng là tàu ngầm hạt nhân có tốc độ phóng cao nhất và có khả năng mang tên lửa hành trình tầm xa Kabir. Hải quân Nga có kế hoạch nâng cấp 4 tàu này. Hai tàu lớp Sierra vẫn đang được sử dụng, 4 tàu lớp Victor thì có 2 tàu đang được bảo trì. Tàu ngầm hạt nhân đa năng lớp Yasen mới nhất và tiên tiến nhất thì chỉ có 1 chiếc đang hoạt động.
Trong khi đó, Mỹ có 4 loại tàu ngầm cùng hoạt động. Trong đó có 3 loại tàu ngầm tấn công bao gồm các lớp Los Angeles, Seawolf và Virginia cùng một lớp tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo là Ohio. Trong biên chế của Hải quân Mỹ có khoảng hơn 60 tàu ngầm đang hoạt động. Trong đó cso 36 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles. Nhật Bản đang tìm kiếm vũ khí của nước ngoài để trang bị cho các tàu ngầm lớp Soryu, đồng thời dự định tăng hạm đội từ 18 lên 22 tàu ngầm chạy diesel vào năm 2018. Australia đã hoàn thành hợp đồng trị giá 25 tỷ USD để mua nhiều tàu khu trục chống tàu ngầm từ công ty BAE Systems của Anh. Bên cạnh đó, Australia cũng ký hợp đồng trị giá 38 tỷ USD với nhà thầu DCNS để chế tạo tàu ngầm hiện đại Shortfin Carracuda cho hải quân nước này. Dựa trên thiết kế mẫu tàu ngầm hạt nhân mới lớp Scorpene của Pháp, tàu ngầm này được thay thế lò phản ứng hạt nhân bằng động cơ diesel – điện, trang bị hệ thống điều khiển chiến đấu của Mỹ, giúp Australia có thể phát huy sức mạnh ra xa trên vùng biển phía Bắc.
Tàu ngầm có vai trò chiến lược, mang tính quyết định sống còn ở Biển Đông
Tàu ngầm được sử dụng để phá vỡ những tuyến đường thương mại, bí mật triển khai quân, né tránh các đường biên của đối thủ để tạo nên yếu tố bất ngờ. Là một công cụ thiết yếu trong chiến tranh giữa các nước. Với những tranh chấp trên Biển Đông, tàu ngầm được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, tổng hợp dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí có thể giám sát những gì đang diễn ra trên đất liền và ngăn chặn những cuộc giao tranh chớp nhoáng. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, tàu ngầm hoạt động trong khu vực sẽ tạo ra kết quả khác biệt trong xung đột, nó được trang bị tên lửa hành trình có thể tấn công những mục tiêu trên đất liền.
Xu hướng phát triển đội tàu ngầm thành lực lượng chủ lực nói trên càng rõ nét ở trong khu vực Biển Đông, bởi vì các nước trong khu vực phải đối phó với khả năng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện có nhiều phương tiện phòng thủ trên biển và nhiều loại máy bay chiến đấu tối tân để ngăn chặn các tàu của đối phương tiến gần bờ biển của họ.
Tính đến thời điểm hiện tại, trong các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông chỉ có Trung Quốc sở hữu tàu ngầm hạt nhân (10-13 tàu). Đây là một trong những ưu thế vượt trội so với các nước khác, tạo mối uy hiếp lớn đến cục diện tranh chấp trong khu vực. Theo giới chuyên gia, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) cũng như tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) đều có khả năng chiến đấu cao, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào. SSN thường được trang bị nhiều loại tên lửa hành trình khác nhau, dùng để tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền ở tầm gần. Trong khi đó, SSBN mang được vũ khí hạt nhân, có thể ẩn nấp dưới biển và phóng tên lửa đạn đạo mang đầu hạt nhân đủ sức tiến hành tấn công phủ đầu hay tấn công đáp trả với mục tiêu ở bất cứ nơi nào. Giới phân tích đánh giá SSBN sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của các cường quốc trên thế giới. Giáo sư James R. Holmes, từ Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ (Naval War College) cho biết, theo kế hoạch xây dựng của hải quân Mỹ, gần một nửa số ngân sách 106,4 tỉ USD chi cho đóng tàu giai đoạn 2019 – 2023 sẽ được dành cho SSBN cùng SSN. Cụ thể sẽ có 32,9 tỉ USD được chi cho công tác đóng 10 chiếc SSN và 16,7 tỉ USD cho 1 chiếc SSBN. Phía Nga cũng dự kiến đến năm 2025 đóng được 4 tàu ngầm lớp Borei-II, và Trung Quốc sẽ bắt đầu đóng các tàu Type 096 trong vài năm tới. Cả Borei-II lẫn Type 096 được cho sẽ có khả năng di chuyển với tốc độ hơn 30 hải lý, nhanh hơn SSBN lớp Columbia 10 hải lý.
Đáng chú ý, Bộ Chỉ huy Chiến lược và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ tiết lộ tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu từ năm ngoái, nhưng Bắc Kinh không đưa ra thông báo chính thức về các lần tuần tra này. Bắc Kinh hồi năm 2014 lần đầu tiên điều các tàu ngầm tấn công đến Ấn Độ Dương với mục đích bề ngoài là hỗ trợ hoạt động chống cướp biển, nhưng thực chất là nhằm thu thập thông tin và phô diễn năng lực tàu ngầm.
Tàu ngầm Trung Quốc có đáng sợ như những gì Bắc Kinh tuyên truyền
Có thể nói rằng nếu so với Mỹ hay Nga (và trước đây là Liên Xô) thì Trung Quốc vẫn là quốc gia đi sau trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho tàu biển và tàu ngầm. Trong năm cường quốc là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cũng là năm cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc là quốc gia cuối cùng phát triển thành công tàu ngầm hạt nhân. Theo các thông tin chính thức thì hiện Trung Quốc mới có sáu tàu ngầm đạn đạo hạt nhân và mới đang bắt đầu phát triển các tàu nổi sử dụng năng lượng hạt nhân.
Không những vậy, về chiến lược hạt nhân, cần phải khẳng định rằng nếu so với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác như Mỹ, Nga, Pháp hay thậm chí là các quốc gia mới sở hữu vũ khí hạt nhân gần đây như Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên thì Trung Quốc có chiến lược hạt nhân tương đối thận trọng với lực lượng hạt nhân không lớn. Điều này đến từ nguyên tắc khá nhất quán của Trung Quốc từ trước đến nay đó là răn đe hạt nhân (nuclear deterrence) chỉ dùng cho mục đích phòng thủ. Theo đó, Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công đối phương trước (no-first-use). đây là những chính sách mang tính kiềm chế đáng được khuyến khích trong bối cảnh Mỹ và Nga đang ngấp nghé ở ngưỡng cửa chạy đua hạt nhân trở lại, sau sự đổ vỡ của các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân như ABM, START II và gần đây nhất là INF. Vì lý do này mà đội tàu ngầm đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc cũng không lớn (tổng số sáu tàu, trong khi Nga có 15 tàu và Mỹ có tới 18 tàu). Nhìn chung sự tồn tại của đội tàu này là để răn đe các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác và đồng minh của họ (như Nhật Bản – đồng minh của Mỹ và được Mỹ bảo vệ về mặt hạt nhân trong chiến lược “ô hạt nhân” của nước này) chứ không nhằm áp chế các quốc gia láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với nước này.
Ngược lại, việc Trung Quốc đẩy mạnh giành quyền kiểm soát các đảo, đá ở Biển Đông một phần chính là để tăng khả năng bảo vệ cho các tàu ngầm đạn đạo hạt nhân này khi di chuyển từ các căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam ra khu vực Thái Bình Dương. Ngoài ra, các tàu ngầm đạn đạo hạt nhân – vốn chủ yếu phục vụ mục đích phòng thủ, răn đe hạt nhân, Trung Quốc còn sở hữu các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc lớp Hán (Type 091) và Thương (Type 093). Tuy Trung Quốc không thực sự là quốc gia đi đầu trong việc phát triển công nghệ tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân – đặc biệt là trong việc giảm độ ồn hoạt động cho tàu – nhưng chín tàu ngầm lớp Hán và Thương này vẫn là công cụ áp chế hữu hiệu của Trung Quốc trong các xung đột trên biển, bởi chúng thừa hưởng những ưu thế vượt trội của việc sử dụng năng lượng hạt nhân như tầm hoạt động gần như là vô hạn, trọng lượng nước rẽ lớn (cho phép chứa nhiều vũ khí lớn và hiện đại hơn như tên lửa hành trình).
Vì vậy, các nước ở Biển Đông sẽ phải quan tâm nhiều hơn tới đội tàu này (chứ không phải các tàu đạn đạo hạt nhân), mặc dù hiện nay ít có khả năng Trung Quốc sẽ dùng đội tàu này làm công cụ răn đe. Chủ lực của Trung Quốc vẫn là các lực lượng truyền thống (hải cảnh, dân quân biển) và đội tàu đang được xây dựng một cách cấp tập, trong đó đặc biệt nguy hiểm là các tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay lớp 001A và sắp tới là các tàu sân bay lớp 002, 003.

Thẩm quyền của Toà án Công lý quốc tế

và Toà án Luật biển Quốc tế

có thể được áp dụng cho các nước ở Biển Đông

Trong bối cảnh quan hệ chính trị quốc tế phát triển như hiện nay, các nước đã và đang sử dụng các cơ chế của cơ quan tài phán quốc tế, trong đó đặc biệt là Toà án Công lý quốc tế và Toà án Luật biển Quốc tế, để giải quyết hiệu quả các tranh chấp, bất đồng liên quan. Tại Đông Nam Á, đây cũng là xu thế tất yếu và phổ biến được các quốc gia vận dụng.
Các tòa án quốc tế là các cơ quan tài phán thường trực, bao gồm các thẩm phán được các quốc gia lựa chọn, xét xử với tư cách cá nhân và theo nhiệm kỳ. Hiện nay có một số tòa án quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ), Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR), Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ (IACHR), Tòa án Nhân quyền châu Phi (ACHPR). Các tòa án này có thể phân loại theo thẩm quyền nội dung (tất cả vấn đề pháp lý: ICJ, ECJ; chuyên ngành: ITLOS về luật biển, ICC về luật hình sự, ECtHR, IACHR và ACHPR về nhân quyền) và theo thẩm quyền lãnh thổ (phổ quát: ICJ, ITLOS, ICC; khu vực: ECJ, ECtHR ở châu Âu, IACHR ở châu Mỹ, ACHPR ở châu Phi). Một số tòa án đặc biệt không thường trực như các tòa án hình sự do Hội đồng Bảo an thành lập như Tòa Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũ (ICTY) và Tòa Hình sự Quốc tế cho Rwanda (ICTR).
Thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ)
Tòa ICJ được thành lập năm 1945 theo Hiến chương Liên hợp quốc, kế thừa của Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ) của Hội quốc liên. Tòa có 15 thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm, được lựa chọn bởi Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Các thẩm phán khác được lựa chọn bảo đảm công bằng về phân chia địa lý, hiện có các khu vực: Đông Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Carribe, Tây Âu và các nước khác. Năm nước ủy viên thường trực của HĐBA luôn có thẩm phán trong Tòa, trừ Anh từ năm 2018. Tòa ICJ có hai thẩm quyền chính: giải quyết tranh chấp và cho ý kiến tư vấn. Ngoài ra Tòa còn có các thẩm quyền phái sinh mang tính thủ tục như thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Đối với thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Tòa có thẩm quyền áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tất cả các tranh chấp pháp lý giữa các quốc gia nếu các quốc gia đồng ý với thẩm quyền của Tòa. Sự đồng ý chấp nhận thẩm quyền của Tòa của tất cả các bên tranh chấp là cơ sở pháp lý duy nhất để Tòa có thể xác lập thẩm quyền của mình đối với một tranh chấp cụ thể. Điều này phù hợp với một trong những nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế: không một quốc gia nào bị buộc phải mang tranh chấp của mình với quốc gia khác ra cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết khi không có sự đồng ý của quốc gia đó. Sự đồng ý của tất cả các bên tranh chấp có thể được thể hiện bằng nhiều cách như được trù định ở khoản 1-5 của Điều 36 Quy chế Tòa.
Các quốc gia có thể chấp nhận thẩm quyền của Tòa thông qua việc tham gia vào điều ước quốc tế có quy định phải chấp nhận thẩm quyền của Tòa. Các quốc gia có thể tại bất kỳ thời điểm nào đưa ra tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa. Phạm vi chấp nhận có thể không giới hạn, vô điều kiện hoặc có thể chấp nhận với điều kiện một hay một số quốc gia nhất định cũng chấp nhận có đi có lại như tế, hoặc giới hạn về nội dung tranh chấp, quốc gia tranh chấp hoặc thời hạn chấp nhận. Các quốc gia có ký kết thỏa thuận đặc biệt để chấp nhận thẩm quyền của Tòa đối với một tranh chấp cụ thể sau khi tranh chấp phát sinh. Nói cách khác, thẩm quyền của Tòa có thể xác lập dựa trên quy định của điều ước quốc tế, tuyên bố của các quốc gia và thỏa thuận đặc biệt. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, sự đồng ý
chấp nhận thẩm quyền của Tòa có thể được đưa ra sau khi tuyên bố khởi kiện được đệ trình, như trường hợp forum prorogatum.
Về thẩm quyền cho ý kiến tư vấn, đây là thẩm quyền chỉ có ở các toà án thường trực như Toà ICJ và ITLOS mà không có ở các toà trọng tài vụ việc. Cơ sở pháp lý để Tòa ICJ có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn là Điều 96 Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 96 quy định Tòa có thể cho ý kiến tư vấn đối với bất kỳ câu hỏi pháp lý nào theo yêu cầu của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Điều 96 quy định các cơ quan khác của Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên trách có thể được Đại hội đồng cho phép đệ trình yêu cầu xin ý kiến tư vấn của Tòa về các câu hỏi pháp lý “phát sinh trong phạm vi hoạt động của các cơ quan này”. Có hai điều kiện để Tòa có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn: i) cơ quan, tổ chức xin ý kiến có quyền xin ý kiến (xem danh sách tại đây). ii) câu hỏi đặt ra cho Tòa phải là câu hỏi pháp lý. Câu hỏi pháp lý là câu hỏi “được viết bằng các thuật ngữ pháp lý và nêu lên các vấn đề của luạt quốc tế … và về bản chất cần trả lời dựa trên luật”. Một điểm cần chú ý là, khác với quyền xin ý kiến tư vấn không hạn chế của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an, các cơ quan khác phải thỏa mãn hai điều kiện tiên quyết: i) được Đại hội đồng cho phép. ii) câu hỏi phải nằm trong phạm vi hoạt động của cơ quan xin ý kiến tư vấn. Năm 1996 Tòa ICJ đã không cho ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do câu hỏi mà tổ chức này đưa ra không thuộc phạm vi hoạt động của mình. Mục đích của việc đưa ra ý kiến tư vấn là làm sáng tỏ về mặt pháp lý các vấn đề mà các cơ quan, tổ chức này đang xử lý, qua đó, định hướng được hoạt động của các cơ quan, tổ chức đó. Một điểm quan trọng khác cung cần chú ý là các cơ quan, tổ chức có quyền xin ý kiến tư vấn của Tòa nhưng Tòa cũng có quyền từ chối không cho ý kiến tư vấn. Nhưng trường hợp này rất hạn hữu bởi vì một khi cơ quan, tổ chức đã có quyền xin ý kiến thì với tư cách là cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc, Tòa không nên từ chối cho ý kiến tư vấn. Việc từ chối này khác với việc Tòa không có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn; vấn đề có hay không có thẩm quyền phục thuộc vào việc yêu cầu xin ý kiến tư vấn có thỏa mãn điều kiện ở Điều 96 hay không. Việc từ chối cho ý kiến tư vấn đang nói ở đây là trường hợp Tòa xét thấy có thẩm quyền nhưng Tòa từ chối thực thi thẩm quyền đó. Việc từ chối này chỉ có thể khi Tòa xét thấy có lý do xác đáng. Một ví dụ mà Tòa đưa ra là nếu việc đưa ra ý kiến tư vấn vi phạm nguyên tắc rằng không một quốc gia nào có thể bị buộc mang tranh chấp của mình ra giải quyết ở cơ quan tài phán quốc tế mà không có sự đồng ý của quốc gia đó.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định ở Điều 41 Quy chế Tòa. Điều 41 quy định Tòa sẽ có quyền đưa ra, nếu hoàn cảnh yêu cầu, bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào nhằm bảo đảm quyền của bất kỳ bên nào trong tranh chấp. Tất cả các bên tranh chấp đều có quyền yêu cầu Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Thẩm quyền của Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS)
Tòa ITLOS được thành lập theo UNCLOS 1982, bắt đầu hoạt động từ năm 1996. Tòa có 21 thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm, được lựa chọn bởi Hội nghị Quốc gia Thành viên. Các thẩm phán được lựa chọn bảo đảm công bằng về phân chia địa lý. Tòa ITLOS có hai thẩm quyền chính: giải quyết tranh chấp và cho ý kiến tư vấn. Ngoài ra Tòa còn có các thẩm quyền phái sinh như thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thẩm quyền liên quan đến thả tàu nhanh.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Tòa ITLOS có thẩm quyền dựa trên các quy định của Phần XV UNCLOS. Khi là thành viên của UNCLOS, các quốc gia đã chấp nhận đồng thời thẩm quyền của Tòa ITLOS, một trong bốn cơ quan tài phán bắt buộc được trù định ở Điều 287 UNCLOS, đối với tất cả các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước. Tòa ITLOS có thẩm quyền đối với tất cả các tranh chấp không được giải quyết theo các quy định ở Mục I, Phần XV và không rơi vào giới hạn ở Điều 297 và ngoại lệ tùy chọn ở Điều 298. Điều 288 cũng cho phép Tòa ITLOS giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng các thỏa thuận khác liên quan đến mục đích của Công ước được đệ trình phù hợp với quy định của thỏa thuận đó. Một điểm khác giữa Tòa ITLOS và Tòa ICJ là trong khi chỉ có quốc gia mới có tư cách là một tranh chấp trước Tòa ICJ,[9] Tòa ITLOS mở cho mọi thành viên của UNCLOS, bao gồm cả quốc gia và tổ chức quốc tế (như EU). Bên trong Tòa ITLOS có Viện giải quyết tranh chấp đáy biển (Seabed Dispute Chamber), gồm 11 thẩm phán lựa chọn từ 21 thẩm phán của Tòa ITLOS. Viện này có thẩm quyền bắt buộc đối với các tranh chấp liên quan đến hoạt động ở Vùng đáy biển quốc tế.
Về thẩm quyền cho ý kiến tư vấn, là thẩm quyền chỉ có ở các toà án thường trực như Toà ICJ và ITLOS mà không có ở các toà trọng tài vụ việc. Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn của Tòa ITLOS được chia làm hai loại: thẩm quyền của Viện giải quyết tranh chấp đáy biển và thẩm quyền của toàn thể Tòa ITLOS. SDC có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Đại hội đồng hoặc Hội đồng của Cơ quan Quyền
lực Đáy biển quốc tế (ISA) về các câu hỏi pháp lý nằm trong phạm vi hoạt động của hai cơ quan này. Trong khi thẩm quyền cho ý kiến tư vấn của SDC được quy định cụ thể và rõ ràng thì thẩm quyền đó của toàn thể Tòa ITLOS được quy định ngầm định ở Điều 21 Phụ lục VI UNCLOS (Quy chế Tòa ITLOS). Điều 21 quy định thẩm quyền của Tòa “bao gồm tất cả tranh chấp và tất cả các yêu cầu được đệ trình cho Tòa phù hợp với Công ước này và tất cả các vấn đề được quy định cụ thể trong các thỏa thuận khác trao thẩm quyền cho Tòa”. Thẩm quyền cho ý kiến tư vấn được ngầm định trong cụm “tất cả các vấn đề khác được quy định trong các thỏa thuận khác trao thẩm quyền cho Tòa”. Tòa ITLOS cho rằng Điều 21 không tự nó trao cho Tòa thẩm quyền cho ý kiến tư vấn mà chính “các thỏa thuận khác” mới là trao thẩm quyền này cho Tòa. Điều 21 và “các thỏa thuận khác” trao thẩm quyền cho Tòa có liên hệ chặt chẽ với nhau và cấu thành cơ sở pháp lý thực chất cho thẩm quyền tư vấn của Tòa.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa ITLOS và cả SCD đều có quyền ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 290. Điều 290 quy định “Nếu một tranh chấp được đệ trình đúng thủ tục lên một tòa mà tòa đó xét thấy có thẩm quyền prima facia … tòa có thể đưa ra bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào mà tòa thấy phù hợp với hoàn cảnh nhằm bảo đảm quyền của các bên trong tranh chấp hoặc ngăn ngừa tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, trong khi chờ phán quyết cuối cùng.” So với quy định ở Điều 41 Quy chế Tòa ICJ, thì Điều 290 mở rộng ra thêm một mục đích nữa khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: bảo vệ môi trường biển. Trong án lệ của Tòa (và Tòa thường dựa trên án lệ của Tòa ICJ), biện pháp khẩn cấp tạm thời được đưa ra nếu thỏa mãn. Ngoài những vụ việc đang được Tòa ITLOS thụ lý giải quyết, Tòa còn có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các vụ việc đệ trình lên trọng tài trong giai đoạn tòa trọng tài đang thành lập. Các tòa trọng tài theo Phụ lục VII và VIII của UNCLOS là các cơ quan vụ việc mà trọng tài viên chỉ được chỉ định hay lựa chọn khi có tuyên bố khởi kiện. Có những vụ việc mà tòa trọng tài mất gần 06 tháng để thành lập, như Vụ kiện Biển Đông. Trong giai đoạn đó, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau, thì có thể đệ trình yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lên Tòa ITLOS theo khoản 5, Điều 290. Sau khi thành lập các tòa trọng tài có thể thay đổi, hủy bỏ hay xác nhận lại các biện pháp này.
Về thẩm quyền liên quan đến thả tàu nhanh, là một thẩm quyền đặc thù được trù định tại Điều 292 của UNCLOS. Mục đích của việc tạo ra thẩm quyền này cho các cơ quan tài phán là nhằm bảo đảm việc phóng thích nhanh tàu thuyền và thuỷ thủ khi bị quốc gia ven biển bắt giữ sau khi nộp bảo lãnh hợp lý. Chủ tàu sau đó sẽ quay lại để giải quyết với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển. Do đó, thủ tục thả tàu nhanh không ảnh hưởng đến việc giải quyết cáo buộc chống lại tàu thuyền của các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển. Điều 292 quy định rằng: “Khi cơ quan chức năng của một quốc gia thành viên bắt giữ tàu thuyền mang cờ của quốc gia thành viên khác và có cáo buộc cho rằng quốc gia bắt giữ đã không tuân thủ các quy định của Công ước về thả nhanh tàu và thủy thủ của tàu sau khi nộp tiền bảo lãnh hay các bảo đảm tài chính hợp lý khác, vấn đề thả tàu khỏi giam giữ có thể được đệ trình lên bất kỳ tòa nào được các bên chấp nhận hoặc, nếu không có thỏa thuận trong 10 ngày kể từ thời điểm giam giữa, đệ trình lên tòa được quốc gia bắt giữ chấp nhận theo Điều 287 hoặc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.” Như vậy thủ tục thả tàu nhanh sẽ phải kích hoạt bởi quốc gia có tàu bắt giữ, không phải chủ tàu thuyền bị bắt giữ. Chủ tàu tự mình phải thuyết phục quốc gia mà tàu mang cơ kích hoạt thủ tục. Quốc gia mà tàu mang cờ có quyền chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu kích hoạt thủ tục của chủ tàu.
Tòa có thẩm quyền (có thể là Toà ITLOS nếu không có thoả thuận) sẽ ra phán quyết thả tàu nhanh nếu quốc gia có tàu bị bắt giữ chứng minh được rằng quốc gia bắt giữ đã không tuân thủ các quy định của Công ước về thả nhanh tàu và thủy thủ sau khi nộp bảo lãnh hợp lý. Nghĩa vụ thả nhanh tàu thuyền và thuỷ thủ được quy định trong các điều khoản về hoạt động chấp pháp của quốc gia ven biển trong lĩnh vực tài nguyên sinh vật (như đánh bắt cá) ở Điều 73, lĩnh vực bảo vệ môi trường biển ở Điều 220 và Điều 226. Việc thủ tục thả tàu nhanh liên quan đến thẩm quyền chấp pháp của quốc gia ven biển trên vùng biển của mình tạo ra quan ngại cho một số quốc gia không kích hoạt thủ tục này để yêu cầu phóng thích tàu của họ bị bắt giữ trên các vùng biển tranh chấp. Bởi vì nếu yêu cầu thả tàu nhanh thì có thể bị cho là ngầm công nhận vùng biển tranh chấp là của quốc gia bắt giữ vì i) nộp bảo lãnh và ii) công nhận quốc gia bắt giữ tàu đang thực hiện thẩm quyền của quốc gia ven biển tại vùng biển đó dựa trên các điều 73, 220 và 226. Các án lệ về thả tàu nhanh của ITLOS chủ yếu liên quan đến việc xác định mức hợp lý của khoản bảo lãnh. Các án lệ khá thống nhất nhau và đã hình thành nên cách tiếp cận và tiêu chí chính khi xem xét tính hợp lý của mức bảo lãnh. Tính hợp lý của khoản bảo lãnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tuỳ hoàn cảnh của vụ việc cụ thể, và cần được đánh giá một cách khách quan. Các yếu tố chính cần xem xét đến bao gồm mức độ nghiêm trọng của cáo buộc vi phạm, hình phạt có thể bị áp dụng theo luật
của quốc gia bắt giữ, giá trị của tàu bị bắt giữ và hàng hoá trên tàu, mức bảo lãnh và hình thức bảo lãnh mà quốc gia bắt giữ yêu cầu. Số vụ việc liên quan đến thả tàu nhanh chiếm đa số trong tổng các vụ việc Toà ITLOS xem xét trong giai đoạn đầu Toà đi vào hoạt động. Vụ việc thả tàu nhanh cuối cùng là Vụ Tomimaru (Nhật Bản và Nga) có phán quyết năm 2007. Một vài ý kiến có thể cho rằng việc hơn 10 năm qua không có vụ việc mới liên quan đến thả tàu nhanh được cho là nhờ một phần vào việc Toà ITLOS đã làm sáng toả cách tiếp cận và tiêu chí chính để xác định mức bảo lãnh hợp lý, qua đó, các quốc gia tự xử lý với nhau mà không cần mang ra Toà xem xét nữa.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.