Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 16/11/2019 View

Saturday, November 16, 2019 7:58:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 16/11/2019

Hoa Kỳ và Trung Cộng vẫn còn bất đồng đáng kể

trước các cuộc đàm phán thương mại vào tối thứ Sáu

Washington, DC – Các nhà đàm phán hàng đầu của Hoa Kỳ và Trung Cộng đang tìm cách thu hẹp sự khác biệt về thỏa thuận thương mại ban đầu trong cuộc điện đàm vào tối hôm thứ Sáu, nhưng vẫn bất đồng về các vấn đề căn bản. Theo tin từ Reuters, trong một cuộc phỏng vấn trên Fox Business Network vào hôm thứ Sáu (15/11), Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross cho biết Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đồng ý xóa bỏ bất kỳ mức thuế nào như một phần của thỏa thuận, và quy mô cam kết của Trung Cộng về việc mua sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin đã tham gia vào cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Cộng Lưu Hạc, được tổ chức vào tối hôm thứ Sáu theo giờ Washington. Các nguồn tin trong cuộc cho biết việc Trung Cộng không muốn cam kết với một lượng hàng nông phẩm, và con số cụ thể vẫn là một rào cản trong các cuộc đàm phán, cũng như việc Hoa Kỳ không muốn giảm thuế. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tham gia vào một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng đang huỷ hoại sự tăng trưởng toàn cầu. Hồi tháng 10, Tổng thống Donald Trump cho biết ông Lưu Hạc của Trung Cộng đồng ý mua hơn gấp đôi lượng hàng hóa nông sản lên từ 40 tỷ đến 50 tỷ Mỹ kim hàng năm, nhưng Bắc Kinh muốn mua hàng dựa trên nhu cầu của thị trường. Bắc Kinh đang kiên quyết yêu cầu Hoa Kỳ giảm thuế như một phần của bất kỳ thỏa thuận “giai đoạn 1” nào, nhưng Tổng thống Donald Trump không đồng ý thực hiện điều đó. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-trung-cong-van-con-bat-dong-dang-ke-truoc-cac-cuoc-dam-phan-thuong-mai-vao-toi-thu-sau/

Phân tích về chính sách, can dự của Mỹ

đối với vấn đề Biển Đông

 từ Tổng thống Obama đến Tổng thống Donald Trump

Trong hơn một thập niên qua, từTổng thống Barrack Obama đến Tổng thống Donald Trump, Mỹ theo đuổi chiến lược Biển Đông trên năm trụ cột chính là luật pháp quốc tế, kiềm chế, ngăn chặn, khuyến khích, cam kết ngoại giao và tận dụng mối quan hệ với ASEAN. Mặc dù, mức độ ưu tiên trong các thời kỳ khác nhau nhưng về cơ bản chính sách của Mỹ vẫn được duy trì và đóng vai trò quốc gia bên ngoài có ảnh hưởng nhất định.
Biển Đông trở thành điểm nóng khu vực và quốc tế
Những năm gần đây vấn đề Biển Đông liên tục nóng lên bởi những hành động diễn tập quân sự đơn phương, cải tạo đảo đá, xây dựng hệ thống công trình quân sự, bố trí hỏa lực trên các cấu trúc đảo nhân tạo. Những hành động này đã biến Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng, tiêu điểm cạnh tranh chiến lược trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong suốt thế kỷ XX, vấn đề Biển Đông vốn dĩ chỉ là các tranh chấp giữa những nước ven Biển Đông đối với việc sở hữu các đảo, bãi đá ngầm, bãi bồi và phân chia vùng biển, trong đó vấn đề cốt lõi là tranh chấp chủ quyền và tranh giành tài nguyên. Tuy nhiên, trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, vấn đề tranh chấp đã biến chuyển thành nấc thang mới khi các cấu trúc địa lý ở quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo đá ở quần đảo Trường Sa đã được Trung Quốc tôn tạo thành các cứ điểm quân sự tiền duyên có tầm quan trọng về chiến lược.
Cùng với sự can dự của một số nước lớn ngoài khu vực, vấn đề Biển Đông ngày càng thể hiện xu hướng quốc tế hóa, vấn đề tranh cãi cũng theo đó ngày càng mở rộng từ tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, bãi đá ngầm, vùng biển lúc ban đầu đến các vấn đề ngoài chủ quyền như khai thác biển, an ninh hàng hải, cạnh tranh địa lý và cuộc đấu ngoại giao giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, nguy cơ Biển Đông trở thành nội dung để các nước lớn mặc cả, thỏa hiệp với nhau cũng tăng lên. Mỹ là lực lượng ngoài khu vực can dự sâu nhất, ảnh hưởng lớn nhất đối với vấn đề Biển Đông, đã làm thay đổi cục diện địa chính trị ở Biển Đông. Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông là một thành tố quan trọng trong tổng thể chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kiềm chế và răn đe Trung Quốc trong vấn đề sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, duy trì niềm tin đối với các nước đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực.
Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông không đổi đối với cả Tổng thống Barrack Obama và Tổng thống Donald Trump
Biển Đông có vai trò quan trọng đối với Mỹ trên phương diện quân sự và kinh tế, hầu hết các đồng minh của Mỹ ở Biển Đông đều dựa vào tuyến đường hàng hải để di chuyển các lực lượng hải quân và hàng hoá thương mại. Điều này thể hiện rõ nét ở ưu tiên của nước Mỹ trong duy trì tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Nhìn tổng thể, Mỹ có ba lợi ích quốc gia quan trọng ở Biển Đông:
Một là, Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông xuất phát từ chiến lược quyền lực biển truyền thống của nước này. Biển Đông không chỉ là tuyến hàng hải quan trọng, mà còn chốt giữ các eo biển quan trọng như Malacca. Trong 16 tuyến đường thủy chiến lược toàn cầu mà Mỹ công khai tuyên bố phải kiểm soát, thì đã có 03 tuyến nằm ở khu vực Biển Đông, đó là eo biển Lombok, eo biển Sunda và eo biển Malacca. Chuẩn đô đốc Alfred Thayer Mahan, nhà lý thuyết chiến lược hải quân người Mỹ, đã mở đường đột phá trong tư duy khi cho rằng chỉ có sức mạnh trên biển mới giúp các nước trở thành cường quốc chứ không phải sức mạnh trên đất liền. Alfred Mahan chỉ ra sáu điều kiện để một quốc gia có thể trở thành cường quốc biển đó là: i) Có vị trí địa lý thuận lợi. ii) Có bờ biển có thể sử dụng được, nhiều tài nguyên thiên nhiên và khí hậu thuận lợi. iii) Có lãnh thổ đủ rộng. iv) Có dân số đủ đông để tự vệ. v) Có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển. vi) Có một chính phủ đủ năng lực để làm chủ biển. Những nhận định trên đã đưa Mahan trở thành lý thuyết gia lớn về biển của thế giới, có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển biển của nhiều nước. Thực tế cho thấy, từ năm 1992 lực lượng hải quân của Mỹ đã bắt đầu thực thi chiến lược biển toàn cầu, phân chia các tuyến hàng hải quan trọng trên toàn cầu thành 08 nhóm eo biển mang tính liên khu vực nối liền nhau đồng thời chi viện lẫn nhau. Trong đó có nhóm eo biển khu vực Đông Nam Á bao gồm eo biển Bashi, eo biển Makassar, eo biển Sunda, eo biển Malacca. Những eo biển này đều nằm ở Biển Đông và vùng biển cạnh Biển Đông. Trên góc độ chiến lược quân sự, nước nào kiểm soát được Biển Đông thì nước đó về cơ bản sẽ kiểm soát được quần đảo và bán đảo Đông Nam Á, đồng thời sẽ đóng vai trò mang tính quyết định đối với tương lai của Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả việc kiểm soát tuyền đường hàng hải chiến lược giữa Đông Á và mỏ dầu Trung Đông. Hơn nữa, tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông ngày càng gia tăng, cùng khoảng 50% lượng hàng hóa của thế giới đi qua Biển Đông, là con đường yết hầu của tuyến đường vận chuyển trên biển của thế giới. Mỹ là
nước thương mại lớn nhất trên thế giới, có trên 90% hoạt động thương mại cần phải vận chuyển trên biển, trong đó có 45% hoạt động thương mại trên biển phải đi qua Biển Đông. Do vị trí chiến lược của vùng biển này, Mỹ muốn duy trì vai trò chủ đạo và ảnh hưởng của mình ở khu vực Biển Đông. Đây là vấn đề xuyên suốt từ thời Tổng thống Obama đến Tổng thống Trump.
Hai là, Mỹ muốn thông qua việc can dự vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Mỹ cho rằng, trong tương lai nước có nhiều khả năng thách thức bá quyền của Mỹ nhất trên phương diện sức mạnh biển chính là Trung Quốc. Cạnh tranh và xung đột lợi ích giữa hai nước khó có thể tránh khỏi do ảnh hưởng về quân sự, chính trị và kinh tế ngày càng tăng nhanh của Trung Quốc đang trở thành một yếu tố quyết định đối với môi trường chiến lược ở châu Á và an ninh toàn cầu. Dù bằng phương thức hợp tác, Mỹ cũng không thể hoàn toàn loại bỏ được khả năng cạnh tranh và xung đột mang tính tiêu cực với Trung Quốc. Thực tiễn cho thấy Mỹ ra sức kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy thông qua nhiều biện pháp, làm tiêu hao nguồn lực chiến lược của Trung Quốc, thu hẹp không gian phát triển của Trung Quốc, trong đó Biển Đông được ví như một sàn đấu quan trọng mà Mỹ đã nhằm tới. Những năm gần đây quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á như Philipines, Việt Nam căng thẳng do Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách chủ quyền và hành động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây được Mỹ xem là cơ hội để làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. Sự cạnh tranh và quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực từ trước đến nay đều được xem là chất kết dính để Mỹ xây dựng mối liên hệ phòng vệ ở khu vực, tạo cho Mỹ có được lý do chính đáng trong việc tăng cường quan hệ quân sự với các nước khu vực đồng thời ngăn chặn được sự hợp tác giữa các quốc gia này với Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Mỹ luôn coi Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng trong tình hình an ninh khu vực. Mỹ cho rằng, vấn đề Biển Đông khiến cho cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các đồng minh khu vực này gặp phải thách thức. Vì vậy, việc đứng về phía các nước đồng minh trong tranh chấp Biển Đông sẽ giúp duy trì uy tín của Mỹ đối với một số nước đồng minh của mình, củng cố hệ thống liên minh mà Mỹ đã xây dựng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thông qua việc ủng hộ một số nước Đông Nam Á trong tranh chấp Biển Đông, Mỹ xây dựng vành đai bao vây chiến lược nhằm vào Trung Quốc ở ven Biển Đông giúp làm yếu đi ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này, từ đó giành thế chủ động trong cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một con bài chiến lược nữa sau vấn đề Đài Loan của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy, thông qua can thiệp vào vấn đề Biển Đông, Mỹ có thể giành được nhiều lá bài chiến lược hơn trong cuộc đấu trí với Trung Quốc.
Ba là, can dự vấn đề Biển Đông là con đường ngắn nhất để Mỹ khẳng định vai trò nước lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính quyền Obama sau khi lên nắm quyền phải đối mặt với ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở khu vực. Theo đó, Mỹ bắt đầu điều chỉnh chiến lược toàn cầu, tuyên bố trở lại châu Á – Thái Bình Dương, tức tái cân bằng lực lượng chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm đối phó với những thách thức do việc Trung Quốc trỗi dậy mang lại. Dưới thời Tổng thống Obama vấn đề Biển Đông đã được xem đề cao thông qua các vấn đề hiện diện và hợp tác với các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Vấn đề này được thể hiện đậm nét qua những hành động cụ thể như tuần tra trên Biển Đông, tăng cường diễn tập với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời thể hiện vai trò của Mỹ trong việc trở lại châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác Mỹ còn tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho đến trước năm 2020 Mỹ sẽ chuyển trọng tâm bố trí lực lượng hải quân sang châu Á – Thái Bình Dương nhằm thực hiện mục tiêu chuyển dịch trọng tâm chiến lược quốc gia sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo kế hoạch 60% số lượng tàu của hạm đội Thái Bình Dương và lực lượng hải quân Mỹ vào năm 2020 có mặt ở Biển Đông. Trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Tổng thống Trump cũng đang triển khai những hành động cụ thể về tuần tra chung trên biển với một số nước Đông Nam Á như Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Chính quyền Obama coi vấn đề Biển Đông là trọng tâm trong chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương, lợi dụng cơ hội căng thẳng ở Biển Đông xảy ra thường xuyên để thể hiện chính sách tích cực hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đây, không ngừng đẩy mạnh quan hệ đồng minh quân sự và mối liên hệ chính trị kinh tế của Mỹ với các nước đồng minh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hòng mượn vấn đề Biển Đông để nâng cao địa vị ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Biện pháp này của Mỹ đúng lúc trùng hợp với nhu cầu của một số quốc gia đang muốn đưa tạo thế cân bằng đối trọng với Trung Quốc, khiến cho chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ có được sự phối hợp và hưởng ứng với mức độ nhất định của các nước trong khu vực.
Tính liên tục trong quan điểm, chính sách của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông từ thời Obama đến D.Trump
Sau chiến tranh lạnh, quan điểm của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông đã có sự thay đổi từ trung lập, không can dự đến can dự nhưng không lún sâu. Những năm gần đây, tư tưởng can thiệp trong tranh luận về chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng mạnh lên, khiến xuất hiện một số tư duy mới và chiều hướng mới đáng quan tâm trong chính giới của Mỹ, đó là nhằm thay đổi chính sách Biển Đông hiện hành của Mỹ để phù hợp với tình hình của khu vực Biển Đông. Trong chính sách đối với Biển Đông của mình, Mỹ về căn bản chú trọng tới các khía cạnh ngoại giao, xong xét toàn diện mọi chuyện lại không đơn thuần như vậy. Ngoài cách tiếp cận về ngoại giao, Mỹ cũng chú trọng tập trung tiếp cận về mặt quân sự, và trong tương lai là cả về mặt thương mại. Washington tập trung ổn định khu vực bằng cách cổ vũ tất cả các bên tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về cách giải quyết xung đột theo đường hướng hòa bình. Bên cạnh đó, Washington cũng rất chú trọng các sáng kiến nhằm điều chỉnh những sự mất cân bằng về sức mạnh giữa các quốc gia ASEAN – như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Trung Quốc. Không chỉ vậy, Mỹ còn chủ động tăng cường các hành động răn đe như thắt chặt liên minh với Philippines. Chính quyền Mỹ đã nhận thức được tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á cũng như trên Biển Đông. Để phục vụ mục tiêu này, Washington đã bổ sung thêm bốn tàu khu trục cỡ nhỏ cho hạm đội của mình đang đóng tại Singapore. Song song với đó, Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện quân sự luân phiên tại Philippines. Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng 2014 (EDCA) giữa Washington và Manila đã cho phép quân đội Mỹ triển khai các lực lượng đồn trú luân phiên trên lãnh thổ Phillipines. Thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 10 năm này sẽ cho phép các lực lượng Mỹ được quyền tiếp cận các cơ sở hạ tầng quân sự của Philippines, như căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân ở Vịnh Subic. EDCA cũng bao gồm điều khoản quy định sự hỗ trợ của Mỹ đối với kế hoạch hiện đại hóa lực lượng Không quân Philippines (AFP), với mục tiêu triển khai một lực lượng phòng thủ có đủ năng lực. Tháng 8/2009, ông Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ khi tới thăm Việt Nam đã nói: Trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á, cũng như tuyên bố chủ quyền và thách thức vai trò hải quân Mỹ ở Biển Đông. Về vai trò của Mỹ ở khu vực này, tình hình ở Biển Đông không đơn giản chỉ là vấn đề đối trọng về hải quân giữa nước này với nước khác, mà là sự cần thiết của Mỹ trong việc cân bằng sức mạnh của các nước trong khu vực. Điểm quan trọng nhất là Mỹ phải duy trì được mối liên hệ lịch sử với các nước ở Đông Nam Á để duy trì sự cân bằng với các cường quốc đang trỗi dậy[8]. Vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển đảo ở Biển Đông, Mỹ tuy tuyên bố không đứng về bất kỳ bên nào và nhấn mạnh nhiều hơn đến quyền tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phải được thông suốt, nhưng lập trường nghiêng về Philippines và các nước khác của Mỹ là đã rõ ràng.
Với quan điểm như trên, Mỹ đã đưa ra sách lược về Biển Đông như sau: Thứ nhất là thay đổi lập trường trung lập trước đây, gia tăng mức độ can dự bằng nhiều hình thức khác nhau. Thứ hai là phản đối việc Trung Quốc quyết đoán khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, nỗ lực duy trì hiện trạng sao cho các đảo ở Biển Đông được nhiều nước chiếm lĩnh. Thứ ba là chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương ASEAN hóa, khu vực hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông của Việt Nam, Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác. Mỹ không chấp nhận Trung Quốc công bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực.
Những phương thức can dự vào vấn đề Biển Đông từ trước đến nay của Mỹ
Can dự vào vấn đề Biển Đông là chính sách mà chính quyền Tổng thống Obama theo đuổi và được tiếp tục dưới chính quyền Tổng thống Trump. Chính sách này gồm những thành tố sau:
i) Tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Biểu hiện sinh động nhất của vấn đề này là tăng cường bố trí quân sự ở xung quanh Biển Đông, tổ chức diễn tập quân sự hỗn hợp với các đồng minh trong khu vực, đẩy mạnh liên minh quân sự và hỗ trợ quân sự lẫn nhau, nâng cao mức độ răn đe quân sự. Từ năm 2009 đến năm 2017, Chính quyền Tổng thống Obama đến Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần tổ chức diễn tập quân sự song phương cũng như đa phương quy mô lớn cạnh Biển Đông và khu vực vành đai Thái Bình Dương, chẳng hạn như cuộc diễn tập hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển với nhiều nước: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Bên cạnh đó tiến hành tập trận quân sự hỗn hợp “vai kề vai” với Philippines, đồng thời đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương ở phạm vi rộng hơn với sự tham gia của 14 nước: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà lan, Peru…. Trong bối cảnh hiện nay, các cuộc diễn tập
quân sự hỗn hợp giữa Mỹ với các quốc gia ven Biển Đông nhiều về số lượng, lớn về quy mô, nâng cấp hơn về nội dung diễn tập từ bắn đạn thật, chiến thuật tổng hợp truyền thống đến chiếm đảo, bảo vệ đảo, chống tàu ngầm, tàu chiến mặt nước v.v… Các cuộc diễn tập quân sự kiểu này rõ ràng không phải nhằm để chống khủng bố mà giống như một cuộc hải chiến lớn với một nước lớn nào khác.
ii) Tăng cường hoạt động đối ngoại, phản ứng mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc, bảo vệ đồng minh. Mỹ quan tâm đến tình hình Biển Đông, cam kết ủng hộ việc phòng vệ của đồng minh Philippines, cung cấp vật tư và trang bị thỏa đáng cho Philippines theo Hiệp ước phòng vệ chung Mỹ – Philippines để đối kháng với Trung Quốc. Philippines (3/2011) mua của Mỹ 2 tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton, sau khi được cải tiến đã có khả năng của tàu khu trục, nâng cao năng lực của tác chiến bảo vệ biển gần của Philippines. Ngoài ra, lực lượng Hải quân Philippines có kế hoạch đạt mua 4 tàu hộ vệ chống ngầm hạng nhẹ 2.000 tấn và đang xem xét đặt mua tàu ngầm để tăng binh lực dưới nước. Dự án được ưu tiên nhất hiện nay của Hải quân Philippines là chế tạo 2 chiếc tàu hộ vệ kiểu mới, đã có nhiều nước bày tỏ sự quan tâm đến dự án này. Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tới thăm Việt Nam, trong cuộc họp báo chung của hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Việt, ông Panetta đã khẳng định: Mỹ sẽ tăng cường hợp tác trên biển với Việt Nam và nghiêm chỉnh tuân thủ cam kết bảo vệ hòa bình, phồn vinh và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời ám chỉ rất rõ sự quan tâm của Mỹ đối với căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh. Mỹ có ý đồ ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông để thông qua đó tăng cường quan hệ an ninh với Việt Nam, từ đó có thể dựa vào vị thế địa chiến lược của Việt Nam thúc đẩy chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Ngoài việc diễn tập quân sự chung, nhóm tàu sân bay và tàu khu trục tên lửa của Mỹ cũng thường xuyên tuần tra tại vùng Biển Đông và cạnh Biển Đông nhằm chứng tỏ sự hiện diện quân sự của Mỹ, răn đe Trung Quốc. Việc duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông vừa có thể bảo vệ quyền lực biển của Mỹ, mặt khác cũng vừa thực hiện cam kết an ninh của Mỹ đối với một số nước đồng minh, tỏ rõ ý muốn và khả năng bảo vệ đồng minh của Mỹ.
iii) Tăng cường quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác khai thác dầu khí trên biển với các nước tranh chấp hữu quan. Một mặt, khu vực Biển Đông là địa điểm đầu tư và trao đổi thương mại quan trọng của Mỹ, ASEAN là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ. Biển Đông là một điểm nóng ngay cả với Mỹ. Các công ty nước ngoài trong đó có Mỹ được cho phép khai thác dầu khí đã bị vướng vào tranh chấp giữa những nước tuyên bố chủ quyền. Trong nhiều thập kỷ gần đây, va chạm quân sự ở biển Đông ngày càng gia tăng và liên quan tới cả lực lượng của Mỹ. Năm 1995, Trung Quốc đụng độ với Philippines tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Một vài thành viên của Quốc hội Mỹ đã đưa ra nghị quyết kêu gọi Mỹ ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực. Chính quyền Clinton đã tuyên bố chống lại việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, nhưng lại không nêu tên Trung Quốc trong tuyên bố. Lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu.
Trong Báo cáo Chiến lược khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ. Những lợi ích này luôn được duy trì cho dù chính quyền Mỹ có thay đổi. Mỹ gia tăng dính líu vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng là để phục vụ các lợi ích kể trên. Hiện nay hầu như các công ty dầu mỏ của Mỹ đều đã ký thỏa thuận khai thác dầu mỏ với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông, từ đó thu được lợi nhuận rất lớn, cụ thể là vào ngày 16/01/2017 – Tập đoàn dầu khí ExxonMobil ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Mỹ muốn thông qua tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này. Dưới thời Tổng thống Obama, việc Mỹ thúc đẩy Hiệp định quan hệ đối tác xuyên thái Bình Dương, ra sức phát triển hợp tác kinh tế đa phương với các nước ASEAN, thực chất là muốn làm yếu đi quan hệ đối tác thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN. Các công ty của Mỹ đã cùng với tập đoàn dầu khí của các nước Đông Nam Á tham gia khai thác dầu mỏ ở vùng biển trong khu vực Biển Đông, Trung Quốc không đủ chứng cứ để đòi hỏi chủ quyền toàn bộ khu vực Biển Đông, bên cạnh đó chính phủ Mỹ thực chất là công nhận và ủng hộ các nước Đông Nam Á về lập trường tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
iv) Mỹ tăng cường hợp tác với các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ để can thiệp vào tình hình Biển Đông. Nhật Bản với Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền và tranh chấp ranh giới biển về việc phân chia ranh giới thềm lục địa ở đảo Senkaku/Điều Ngư và Biển Hoa Đông. Ấn Độ với Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nam Tây Tạng. Hơn nữa hai nước Nhật Bản, Ấn Độ còn mâu thuẫn chiến lược tiềm tàng với Trung Quốc, hai nước này lấy lý do là bảo vệ tự do và an ninh hàng hải… ngày càng can dự tích cực vào vấn đề Biển Đông, xem đó là vấn đề quan trọng để đấu với Trung Quốc, mặt khác đối với Nhật Bản, Biển Đông không chỉ là con bài, mà là lợi ích thực sự. Hầu hết nguồn cung dầu lửa đến Nhật Bản đi qua khu vực. Điểm trùng lặp lợi ích giữa Mỹ với Nhật Bản và Ấn Độ ở khu vực Biển Đông chủ yếu thể hiện ở hai giác độ cơ bản: Thứ nhất là cùng có đòi hỏi kiềm chế Trung Quốc, đều xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Thứ hai là bảo vệ sự thông suốt của tuyến đường hàng hải quốc tế ở Biển Đông nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế của họ. Mỹ cho rằng, sự xuất hiện của các lực lượng ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ ở khu vực Biển Đông giúp làm giảm tình trạng mất cân bằng trong kết cấu an ninh khu vực, Mỹ đặt Nhật Bản, Ấn Độ lên bàn cơ Biển Đông để cùng kiềm chế Trung Quốc. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, Mỹ dù muốn liên kết với Nhật Bản, Ấn Độ thành một khối chống Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Ấn Độ với tư cách là các nước châu Á và các nước láng giềng của Trung Quốc, động cơ và phương thức can dự vấn đề Biển Đông của hai nước này không hẳn đã đều nhất trí với Mỹ mà dựa trên lợi ích quốc gia và vai trò quan trọng của các tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông đối với Nhật Bản và Ấn Độ, do vậy hai quốc gia này cũng không muốn khu vực Biển Đông rơi vào vòng xoáy của sự bất ổn định.
Tác động từ sự can dự của Mỹ vào Biển Đông thời gian tới
Sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông có những tác động nhất định đối với khu vực và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
i) Một là, giúp quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Chính vì vậy, trong thời gian tới Mỹ vẫn thực hiện chính sách can dự vào Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc trên phương diện cạnh tranh chiến lược. Trước đây Trung Quốc nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình thông qua phương thức đàm phán song phương với các bên tranh chấp, nhằm kiên quyết phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Chủ trương này hoàn toàn khác với những gì diễn ra trên thực địa, do vậy Trung Quốc dựa vào chủ trương này để từng bước thay đổi nguyên trạng trên quần đảo Hoàng Sa và 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa. Tuy thế, sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ trên thực tế đã khiến cho vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa, tạo ra khó khăn đối với ý đồ với Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Một phương diện quan trọng trong chính sách Biển Đông của Mỹ hiện nay là chủ trương sử dụng cách tiếp cận đa phương để quản lý và giải quyết tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Chính sách này nhìn bên ngoài nhằm bảo vệ hòa bình ở khu vực Biển Đông, nhưng cơ bản là ủng hộ nguyên trạng ở Biển Đông. Sự can dự của Mỹ phần nào giúp kiềm chế các tham vọng biển của Trung Quốc, đồng thời tạo ra thế cân bằng lực lượng, hỗ trợ các bên yêu sách yếu hơn Trung Quốc. Sự cam kết an ninh của Mỹ đối với một số nước đồng minh và việc hợp tác quân sự của Mỹ với các đối tác ở Đông Nam Á giúp các nước này gia tăng sức mạnh quân sự để phòng thủ, tự vệ. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Biển Đông phần nào đó đã góp phần hạn chế những âm mưu và hành động của Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các đảo đá ở khu vực Biển Đông hiện nay.
ii) Hai là, do sự can dự của Mỹ, vấn đề Biển Đông trở thành một điểm xung đột mới trong quan hệ Trung – Mỹ. Trên cơ sở xem xét những tính toán về địa chiến lược của Mỹ ở châu Á -Thái Bình Dương, hiện nay và trong thời gian tới Mỹ chắc chắn sẽ ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông, an ninh ở khu vực Biển Đông chắc chắn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Cùng với sự can dự tích cực của Mỹ, Biển Đông và các khu vực cạnh Biển Đông đã trở thành khu vực có các hoạt động diễn tập quân sự dày đặc nhất và liên tục nhất trên thế giới trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Cùng với những xu hướng diễn biến của tình thế, Biển Đông hoàn toàn có thể trở thành một trở ngại cho sự phát triển quan hệ Trung – Mỹ giống như vấn đề Đài Loan. Dười thời Tổng thống Obama đã bắt đầu thực thi chính sách Biển Đông tích cực hơn với nhiều biện pháp cứng rắn và đồng bộ. Sự hiện diện quân sự ngày càng mạnh mẽ hơn của Mỹ ở khu vực Biển Đông cùng với những hoạt động do thám và diễn tập quân sự hỗn hợp ngày cầng dày đặc hơn của Mỹ nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông, không nghi ngờ gì đã làm tăng thêm rủi ro xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực này, đồng thời cũng phủ một bóng đen lên quá trình xây dựng lòng tin chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Dưới thời Tổng thống Trump vấn đề Biển Đông vẫn là nội dung quan trọng trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Sự can dự của Mỹ và các thế lực ngoài khu vực khác nhau phần nào giúp các nước trong khu vực tự tin hơn để đối phó với Trung
Quốc. Theo đó, tranh chấp Biển Đông có khả năng diễn biến thành tranh cãi ngoại giao, xung đột chính trị, thậm chí đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với một số nước của ASEAN. Như vậy, kết cục và trật tự địa chính trị ở khu vực Biển Đông sẽ thay đổi theo hướng bất lợi cho Trung Quốc.
Nhìn chung, đối với Mỹ, việc triển khai chiến lược quân sự, duy trì vị thế quân sự áp đảo, đảm bảo ổn định không gian quân sự ở khu vực, duy trì sự ổn định của hệ thống đồng minh và quan hệ với các đối tác chiến lược, duy trì quyền lực thiết lập và kiểm soát các tuyến hàng hải sẽ vấn là quan trọng nhất trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ sẽ không quá chú trọng đối đầu địa – chính trị với Trung Quốc ở khu vực, tuy nhiên Mỹ sẽ dùng vấn đề Biển Đông như một công cụ để kiềm chế Trung Quốc. Đây có thể là con bài để Tổng thống Trump đàm phán với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế thương mại. Do đó Mỹ không những không rút quân khỏi Philippines, Singapore, không hủy bỏ các hoạt động quân sự chung với các đồng minh ở khu vực mà còn tăng cường quan hệ với các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
http://biendong.net/bien-dong/31505-phan-tich-ve-chinh-sach-can-du-cua-my-doi-voi-van-de-bien-dong-tu-tong-thong-obama-den-tong-thong-donald-trump.html

Trump đòi Nhật Bản trả 8 tỉ đôla

để giữ chân binh sĩ Mỹ: Foreign Policy

Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Nhật Bản tăng gấp bốn lần các khoản thanh toán hàng năm cho các lực lượng Mỹ trú đóng ở đó lên tới khoảng 8 tỉ đôla, một phần trong nỗ lực của Washington thúc giục các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng, tạp chí Foreign Policy loan tin.
Thỏa thuận hiện thời cho phép 54.000 binh sĩ Mỹ đóng quân tại Nhật Bản sẽ đáo hạn vào tháng 3 năm 2021.
Đòi hỏi được đưa ra với các quan chức Nhật Bản trong chuyến đi tới khu vực vào tháng 7 của John Bolton, lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump và Matt Pottinger, lúc đó là giám đốc Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, theo Foreign Policy. Tạp chí Mỹ chuyên về các vấn đề toàn cầu dẫn nguồn tin là các cựu quan chức Mỹ không xác định danh tính.
Một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Nhật Bản cho biết tin này không chính xác và không có cuộc thương thảo nào diễn ra giữa Mỹ và Nhật Bản về một thỏa thuận mới.
Theo hãng tin Kyodo, các quan chức Nhật Bản nói với ông Bolton rằng mức tăng này là “không thực tế,” nói rằng Nhật Bản đã trả chi phí đóng quân nhiều hơn các đồng minh khác.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một phát biểu gửi qua email: “Tổng thống đã nói rõ rằng các đồng minh và đối tác nên đóng góp nhiều hơn cho sự phòng thủ chung của họ.”
Các cuộc đàm phán để gia hạn thỏa thuận sẽ bắt đầu trong nửa đầu năm sau, người phát ngôn nói và cho biết thêm rằng cam kết của Mỹ đối với việc phòng thủ Nhật Bản là “không lay chuyển.”
Nhật Bản cho trú đóng Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, bao gồm một nhóm tàu tấn công tiền phương duy nhất được điều đi vĩnh viễn, cũng như Lực lượng Viễn chinh Hải dương 3.
Ngoài việc phòng thủ Nhật Bản, các đơn vị này còn sử dụng quần đảo này làm căn cứ cho các hoạt động ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi sức mạnh quân sự của Mỹ đóng vai trò đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Trump cũng đã đòi Hàn Quốc gánh vác thêm chi phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này, nơi họ đóng vai trò răn đe chống lại Triều Tiên, và từng gợi ý sẽ rút quân đội Mỹ khỏi bán đảo.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-doi-nhat-ban-tra-8-ti-dola-de-giu-chan-binh-si-my-foreign-policy/5168798.html

Sóng gió thử thách ‘mối thâm tình’ Trump – Erdogan

Trong lễ khánh thành Tháp Trump tại Istanbul năm 2012, Trump nói với người dân Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ có một lãnh đạo được thế giới “rất tôn trọng”.
“Ông ấy là người tốt và đang làm tròn vai trò đại diện cho đất nước”, tỷ phú Donald Trump đề cập tới Recep Tayyip Erdogan, khi đó đang giữ chức Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, trong lễ khánh thành tòa tháp.
Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, Trump công khai ca ngợi phong cách lãnh đạo cứng rắn của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, gọi Erdogan là “một người bạn” và “lãnh đạo vô cùng xuất chúng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm 29/6. Ảnh: Reuters.
“Hai lãnh đạo có cảm tình với nhau bởi đều có phong cách cứng rắn”, Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, giải thích.
Tuy nhiên, khác với sự ưu ái của Trump dành cho Erdogan, người dự kiến tới Nhà Trắng vào ngày 13/11, chính quyền hai nước lại đang mâu thuẫn sâu sắc vì một loạt vấn đề.
“Tình bạn Trump – Erdogan hiện là điều duy nhất còn tốt đẹp trong mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự tin tưởng lẫn nhau giữa các cơ quan chính phủ hai nước đã xói mòn. Ankara khá tức giận với Washington và ngược lại”, Cagaptay cho biết.
Quan hệ hai nước rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới hồi tháng trước sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch Mùa xuân Hòa bình tại đông bắc Syria nhằm tấn công dân quân người Kurd (YPG), đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chiến dịch diễn ra sau khi Trump đột ngột rút quân khỏi Syria để “nhường sân” cho Ankara, động thái bị coi là phản bội đồng minh người Kurd.
Vài tháng trước đó, Mỹ thể hiện sự bất lực khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp những đe dọa trừng phạt từ Washington. .
Washington đã loại Ankara khỏi chương trình tiêm kích F-35 để đáp trả, nhưng tới nay vẫn chưa áp đặt bất cứ lệnh trừng phạt nào, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận xong hai tổ hợp S-400. Điều này khiến quốc hội Mỹ tức giận và cơn thịnh nộ càng sâu sắc hơn sau chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
Hạ viện Mỹ tháng trước thông qua gói trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria, trong khi những thành viên chủ chốt của thượng viện, bao gồm thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, đồng minh thân cận của Trump, cũng kêu gọi thông qua các lệnh trừng phạt nếu Ankara gây nguy hiểm cho người Kurd.
Hạ viện Mỹ cũng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết công nhận vụ thảm sát người Armenia của đế quốc Ottoman hồi đầu thế kỷ 20 là cuộc diệt chủng, động thái khiến Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ. Một số nghị sĩ lưỡng đảng tại Hạ viện hôm 11/11 còn viết thư đề nghị Trump rút lại lời mời Erdogan tới Nhà Trắng.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cũng thừa nhận về mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ. “Nếu họ không từ bỏ thương vụ S-400, có khả năng các lệnh cấm vận sẽ được áp dụng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu tác động từ biện pháp trừng phạt này”, ông trả lời CBS News hôm 10/11.
Mục tiêu chủ chốt của Washington trong cuộc gặp giữa hai lãnh đạo vào ngày 13/11 là thuyết phục Erdogan từ bỏ kế hoạch sử dụng tên lửa S-400 và đồng ý ngừng bắn vĩnh viễn ở Syria, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết. Nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý, Washington có thể sẽ cho phép Ankara trở lại chương trình F-35 và đề xuất một thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD.
Về phía Ankara, họ muốn Washington giải quyết yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người bị cáo buộc tổ chức cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2016 nhằm lật đổ Erdogan. Việc Mỹ cáo buộc ngân hàng quốc doanh Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh trừng phạt Iran cũng khiến Ankara không bằng lòng.
Fahrettin Altun, giám đốc truyền thông của Erdogan, hôm 12/11 còn bày tỏ sự bất bình về tình hình Syria khi viết trên Twitter rằng Mỹ nên ngừng hỗ trợ dân quân người Kurd. Tuy nhiên, quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ chính quyền Trump sẽ duy trì quan hệ với lực lượng này.
“Sự hiện diện của lính Mỹ tại các mỏ dầu ở Syria trái ngược với quan điểm được hai bên thống nhất. Việc Washington hỗ trợ người Kurd là một trong những mối đe dọa lớn nhất với quan hệ hai nước trong giai đoạn tới. Vấn đề này sẽ được nhấn mạnh một cách nghiêm túc trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Erdogan”, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho hay.
Tuy nhiên, quan chức này nói thêm rằng bất chấp những bất đồng, Ankara vẫn bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ với Washington, thể hiện qua cuộc điện đàm nồng ấm giữa hai lãnh đạo tuần trước. “Với sự hỗ trợ cá nhân của Trump, tôi tin rằng chuyến thăm sẽ góp phần khắc phục các vấn đề”, quan chức nêu ý kiến.
“Chúng tôi có cùng quan điểm với Tổng thống Trump trong việc giải quyết các mâu thuẫn, cải thiện quan hệ song phương và đã đạt tiến bộ đáng kể bất chấp những khó khăn”, Erdogan phát biểu trước chuyến bay tới Washington hôm 12/11.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31462-song-gio-thu-thach-moi-tham-tinh-trump-erdogan.html

Tổng thống Trump sẽ dự Hội nghị NATO tại London

Tin Washington DC – Tổng Thống Donald Trump sẽ đến Anh quốc để dự hội nghị kỷ niệm 70 năm thành lập NATO vào tháng sau, theo Tòa Bạch Ốc cho biết vào thứ Sáu, 15 tháng 11. Chuyến đi diễn ra chỉ vài ngày trước khi nước Anh bắt đầu cuộc tổng tuyển cử quan trọng của quốc gia. Thủ tướng Anh Boris Johnson đang hy vọng sẽ giữ được quyền lực trong cuộc bầu cử ngày 12 tháng 12, trong bối cảnh dư luận trong nước và cả thế giới đang rất quan tâm đến việc Anh quốc rời khỏi châu Âu, còn gọi là Brexit. Tổng thống Trump lâu nay vẫn ủng hộ việc Anh rời châu Âu mà không có thỏa thuận. Trong buổi vận động tranh cử vào tháng trước, Tổng thống Trump nói rằng các điều khoản trong thỏa thuận hiện nay giữa Thủ tướng Johnson và EU sẽ khiến London gặp nhiều khó khăn nếu muốn tiếp tục giao thương với Hoa Kỳ. Trong thông cáo báo chí, Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Trump và Đệ Nhất Phu nhân Melanie sẽ thăm Anh quốc từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 12, tham dự hội nghị NATO và một sự kiện do Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị chủ trì. Các lãnh đạo NATO sẽ đối mặt với một hội nghị khó khăn, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng tổ chức này đã chết não, dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhiều lãnh đạo khác. Các tuyên bố của ông Macron, được đăng trên tạp chí The Economist, đã gây nhiều tranh cãi. Trong đó, Thủ tướng Merkel nói rằng bình luận của lãnh đạo Pháp là quá đáng, trong khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo khẳng định NATO là một tổ chức cần thiết và quan trọng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-se-du-hoi-nghi-nato-tai-london/

Điều tra luận tội Trump:

Tại sao Ukraine rất quan trọng đối với Hoa Kỳ

Jonah FisherPhóng viên BBC Kyiv
Có phải Tổng thống Donald Trump hoãn viện trợ quân sự cho đồng minh Ukraine vì lý do chính trị cho lợi ích của bản thân? Đó là câu hỏi lớn của cuộc điều tra luận tội do đảng Dân chủ dẫn đầu.
Ukraine không thuộc Nato và nước này đã phải vật lộn với nạn tham nhũng kéo dài. Nhưng định hướng tương lai của Ukraine có tầm địa chính trị quan trọng.
Tại sao Ukraine quan trọng với Mỹ?
Trong phần lớn lịch sử độc lập 28 năm của mình, vẫn chưa rõ liệu Ukraine cuối cùng sẽ liên kết với Nga hay phương Tây.
Năm 2014, có vẻ như sự lưỡng lữ đã chấm dứt. Sau cuộc cách mạng đường phố đẫm máu, các nhà lãnh đạo mới của Ukraine đã khẳng định rằng tương lai của đất nước này có mối liên hệ chặt chẽ hơn với châu Âu và phương Tây.
Nga hiện được coi là kẻ thù và họ đã đáp trả bằng cách chiếm giữ Crimea và hỗ trợ một cuộc nổi dậy vũ trang ở miền đông Ukraine, đến nay đã cướp đi hơn 13.000 sinh mạng.
Thương chiến Mỹ – Trung nhìn lại sau 16 tháng
Điều tra luận tội Trump: những ‘kịch bản’ khả dĩ
Trung tá Mỹ khai là đã cảnh báo về cuộc gọi Ukraine
Những nhân vật chính trong cuộc điều tra luận tội Trump
Dưới thời Obama, việc người Ukraine có quyền quyết định tương lai của chính họ và chống lại sự xâm lược của Nga được bảo vệ như một nguyên tắc tư tưởng quan trọng.
Điều đó đã thay đổi khi Tổng thống Trump nhậm chức và chính phủ Ukraine đã không thể dựa vào sự hỗ trợ tích cực của Mỹ kể từ đó.
Mỹ viện trợ quân sự bao nhiêu?
Hoa Kỳ có mối quan hệ lâu dài với quân đội Ukraine và đã cam kết viện trợ khoảng 1,5 tỷ đôla kể từ năm 2014.
Phần lớn trong số tiền này được dành cho việc huấn luyện binh lính và hiện đại hóa cách thức tổ chức và hoạt động của quân đội Ukraine.
Khoản hỗ trợ mới nhất, mà chính quyền Trump trì hoãn trước khi gửi đi, trị giá 391 triệu đôla, bao gồm một loạt vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật.
Viện trợ và hỗ trợ quân sự Mỹ quan trọng ra sao với Ukraine?
Điều này quan trọng về cả mặt quân sự lẫn biểu tượng.
Khi quân đội Ukraine biết chắc có Hoa Kỳ chống lưng, họ biết mình sẽ không bị coi nhẹ nữa.
Sự dao động trong viện trợ và những lời xúc phạm thường xuyên của Tổng thống Trump về Ukraine, gần như chắc chắn sẽ củng cố thế lực của Moscow trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Ukraine liên quan tới điều tra luận tội Trump thế nào?
Cuộc điều tra luận tội liên quan đến chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và cả đối thủ có thể của Tổng thống Trump vào năm 2020 – Joe Biden. Tất cả đều có liên quan đến Ukraine.
Cho đến nay không có người Ukraine nào được gọi để làm chứng. Thay vào đó, cuộc điều tra tập trung vào các kênh liên lạc chính thức và “bất thường” giữa Washington và Kyiv.
Tại sao cuộc bầu cử năm 2016 vẫn được nhắc đến?
Thái độ lạnh nhạt của Tổng thống Trump đối với Ukraine bắt nguồn từ chiến dịch bầu cử năm 2016.
Vào thời điểm đó, người quản lý chiến dịch tranh cử của Trump – Paul Manafort – buộc phải từ chức sau khi các tài liệu xuất hiện tại Ukraine cho thấy ông đã nhận được các khoản thanh toán ngoài luồng từ một đảng chính trị thân Nga.
Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông nói rằng bằng cách công bố tài liệu, các quan chức Ukraine đã can thiệp không công bằng để hỗ trợ đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton của ông.
Bất chấp mọi nỗ lực của Rudy Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Trump, bằng chứng ủng hộ lập luận này vẫn cực kỳ mỏng manh. Trong khi đó, ông Manafort đã bị tù vì vi phạm tội liên quqn đến tài chính.
Còn nhà ông Biden thì sao?
Cha con ông Biden đã biến trung tâm của cuộc điều tra luận tội với hai bên tiếp cận vấn đề từ các hướng khác nhau.
Nó liên quan đến giai đoạn 2014-15 khi Phó Tổng thống Biden là người đại diện của chính quyền Obama tại Ukraine. Cùng lúc ấy, con trai ông, Hunter, giữ một vị trí lãnh đạo rất ngon lành ở một công ty khí đốt của Ukraine.
Đảng Dân chủ đang tìm cách chứng minh rằng Tổng thống Trump tận dụng viện trợ quân đội của Hoa Kỳ và chuyến thăm Nhà Trắng để đổi lại việc Tổng thống Ukraine mở cuộc điều tra về hai cha con Biden.
Đảng Cộng hòa đang cố gắng biến việc này liên qua đến cha con Biden. Họ muốn biết lý do tại sao Hunter được trả lương rất cao, và liệu phó tổng thống có sử dụng địa vị chính trị của mình để giúp công ty của con trai mình không.
Chính phủ Ukraine nói gì?
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng ông “không thấy có áp lực” từ Nhà Trắng để mở một cuộc điều tra về cha con Biden. Điều này đã trở thành một phần trong câu thần chú của Tổng thống Trump khi ông nói về cuộc gọi điện thoại “hoàn hảo” vào ngày 25/7 với người đồng cấp Ukraine.
Kể từ đó, lời khai và các tin nhắn công bố bởi các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã cho thấy rõ rằng các quan chức Ukraine đã bối rối và lo lắng về sự tạm ngưng viện trợ của Hoa Kỳ. Và rằng họ đã được thông báo giải phải là mở điều tra về cả cuộc bầu cử năm 2016 và gia đình nhà Biden.
Bây giờ thì chúng ta biết, chẳng hạn, Ukraine đã đang xem xét việc bắt đầu thực hiện một cuộc phỏng vấn trên truyền hình và công bố các cuộc điều tra mà Tổng thống Trump rõ ràng rất muốn.
Lo ngại bị cuốn sâu hơn vào chính trị đảng phái Mỹ, các quan chức Ukraine có liên quan đang từ chối đưa ra các thông tin từ phía họ.
Người Ukraine nghĩ gì?
Ukraine phần lớn không còn bận tâm nữa. Người dân Ukraine đang tập trung nhiều hơn tới những nỗ lực của tổng thống mới của họ nhằm mang lại hòa bình ở phía đông hơn là cuộc gọi điện thoại của ông với Trump.
Tổng thống Zelensky gần đây đã đưa ra một loạt các nhượng bộ với hy vọng đưa Nga trở lại bàn đàm phán. Những người chỉ trích ông đang cáo buộc ông ngây thơ và đầu hàng Tổng thống Vladimir Putin.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50430935

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine điều trần tại Hạ viện

Tin Washington DC – Vào thứ Sáu, 15 tháng 11, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, bà Marie Yovanovitch, đã xuất hiện tại Hạ viện để tham dự ngày thứ 2 của phiên điều trần công khai trong cuộc điều tra luận tội tổng thống. Bà Yovanovitch bị sa thải khỏi vị trí đại sứ tại Kiev hồi tháng 5, sau khi liên tục bị tấn công bởi luật sư riêng của Tổng thống Trump là ông Rudy Giuliani, vào thời điểm ông Giuliani đang cố gắng thuyết phục Ukraine thực hiện 2 cuộc điều tra được cho là có lợi về chính trị cho vị tổng thống Cộng Hòa. Trong buổi điều trần, bà Yovanovitch khẳng định bà chỉ thực hiện đúng trách nhiệm của một đại sứ, không theo đuổi một mục tiêu chính trị nào tại Ukraine, và cả Tổng thống Trump lẫn Ngoại trưởng Mike Pompeo đều không cho biết lý do bà bị sa thải. Bà Yovanovitch cũng chỉ trích chiến dịch bôi nhọ tên tuổi của bà, dẫn đầu bởi luật sư Giuliani, diễn ra trước khi bà bị sa thải. Bà Yovanovitch nói, bà biết tổng thống có quyền sa thải đại sứ vào bất kỳ lúc nào và vì bất kỳ lý do gì, nhưng Tòa Bạch Ốc cũng không cần phải phá hoại danh tiếng của bà để thực hiện việc này. Trong lúc bà Yovanovitch điều trần, Tổng thống Trump đã viết lên Twitter rằng mọi nơi mà cựu đại sứ này đi đến đều trở nên tồi tệ. Đáp trả điều này, bà Yovanovitch nói các thông điệp của tổng thống là nhằm thể hiện sự đe dọa. Bà Yovanovitch đã làm việc trong nhiều cơ quan chính phủ trong suốt 33 năm. Bà gia nhập ngành ngoại giao lần đầu tiên dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cuu-dai-su-hoa-ky-tai-ukraine-dieu-tran-tai-ha-vien/
QUỐC TẾ

TT Trump đáp trả trực tiếp nữ cựu đại sứ

tại Ukraina trong phiên điều trần thứ hai

Minh Anh
Ngày 15/11/2019, Hạ Viện Mỹ tiếp tục phiên điều trần công khai thứ hai, với việc lấy lời chứng của nữ cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina, Marie Yovanovitch, trong khuôn khổ thủ tục luận tội và phế truất tổng thống Donald Trump.
Theo tường thuật của thông tín viên đài RFI Anne Corpet, từ Washington, cách đối đáp trực tiếp của nguyên thủ Mỹ trong cuộc điều trần đã bị nhân chứng và phe Dân Chủ xem như là có những lời lẽ hăm dọa.
« Phe Dân Chủ cũng như là bà Marie Yovanovitch lên án một mưu toan cản trở từ phía Donald Trump. Vào lúc nữ cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina vừa giải thích là quyết định sa thải bà có liên quan đến những lời đồn thổi vô căn cứ do luật sư riêng của tổng thống Mỹ, Rudy Giuliani, đưa ra, chủ tịch cuộc điều trần cho đọc một tin nhắn trên Twitter cùng lúc đó của Donald Trump, ghi rằng : « Nơi nào Marie Yovanovitch đi qua, mọi chuyện đều hỏng ».
Được hỏi về tác động của dòng Tweet này đối với các nhân chứng có nguy cơ đối mặt với cách hành xử tồi tệ của chính quyền Trump, nữ ngoại giao cho rằng « đây thật sự là dọa dẫm ».
Phe Cộng Hòa sau đó đã tìm cách lôi kéo cuộc tranh luận trở về vụ làm ăn của con trai ông Joe Biden tại Ukraina, hay như việc nữ đại sứ đã không thể tham gia trực tiếp vào việc gây áp lực với chính quyền Kiev… Nhưng các đợt tấn công của tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục ám ảnh tâm trí cuộc tranh luận.
Dẫu sao thì những hành động này đã củng cố hơn lời chứng của bà Yovanovitch, bị chính quyền bỏ rơi, bất chấp một sự nghiệp không chút sai lầm. Marie Yovanovitch rời phòng hội nghị dưới sự vỗ tay của các cử tọa ».
Cũng trong ngày 15/11/2019, ông David Holmes, một nhà ngoại giao khác đã có một cuộc điều trần kín tại Hạ Viện. Nhân vật này từng tháp tùng với ông Gordon Sondland – đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc – đến Kiev.
Thông tín viên Anne Corpet nhắc lại trong lời khai đầu tiên mà hãng tin CNN có được, David Holmes khẳng định đã nghe tổng thống Mỹ hỏi ông Gordon Sondland rằng « Liệu Zelensky, tổng thống Ukraina, có mở một cuộc điều tra hay không ? ». Gordon Sondland đã trấn an nguyên thủ Mỹ là vụ việc sẽ được thực hiện. Vị đại sứ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu ngay sau đó đã giải thích với David Holmes rằng « Donald Trump không quan tâm đến vấn đề Ukraina, tất cả những gì ông ấy để tâm đến chính là cuộc điều tra về Joe Biden ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191116-tt-trump-cuu-dai-su-tai-ukraina-dieu-tran-thu-hai

Đồng minh của ông Trump

bị kết tội nói dối Quốc hội Mỹ

Ông Stone đã nói dối trước tòa về nỗ lực của mình để tìm hiểu thêm về thời điểm WikiLeaks sẽ công bố các thư điện tử gây tổn hại cho Hillary Clinton vào năm 2016.
Bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết vào ngày thứ hai của phiên tòa ở Washington DC.
Mua chuộc nhân chứng mang bản án lên đến 20 năm tù. Các tội khác có thể lãnh án 5 năm tù cho mỗi tội.
Roger Stone nói dối trước tòa vào tháng 9/2017 trong khi đưa lời khai trước Ủy ban Tình báo Hạ viện về cáo buộc can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ một năm trước đó.
Ông Stone lúc đó được hỏi về việc WikiLeaks công bố các thư điện tử gây tổn hại cho bà Clinton – đối thủ đảng Dân chủ của Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh cử vào Nhà Trắng.
Dư luận phản ứng ra sao?
Tại sao Ukraine rất quan trọng đối với Hoa Kỳ
Điều tra luận tội Trump: những ‘kịch bản’ khả dĩ
Thương chiến Mỹ – Trung nhìn lại sau 16 tháng
Những nhân vật chính trong cuộc điều tra luận tội Trump
Sau phán quyết hôm thứ Sáu, ông Trump tuyên bố rằng Stone là nạn nhân của “tiêu chuẩn kép”, cho rằng những người như bà Clinton và cựu giám đốc thực thi pháp luật và tình báo, những người mà ông Stone từng cãi cọ, cũng đã nói dối.
Nhưng John Podesta, chủ tịch chiến dịch tranh cử của Clinton có thư điện tử bị tin tặc xâm nhập, tấn công, hả hê vì bản án của Stone.
Các quan chức tình báo Mỹ và Công tố viên Đặc biệt của Bộ Tư pháp Robert Mueller sau đó đã kết luận những thư điện tử đó do tin tặc Nga đánh cắp.
Ông Stone đã làm gì?
Roger Stone là trợ lý hoặc cố vấn thứ sáu của Trump bị kết án trong vụ án hình sự sau khi cuộc điều tra của ông Mueller kết thúc.
Ông Stone đã nói dối năm lần trong lời khai có tuyên thệ trước Quốc Hội bao gồm các cuộc trò chuyện của ông với các quan chức chiến dịch tranh cử của Trump và một “trung gian” được cho là của WikiLeaks vào đầu tháng 8/2016.
Ông cũng nói dối về sự tồn tại của một số văn bản hoặc thư điện tử.
Các công tố viên nói với tòa án rằng Roger Stone đã đưa ra những tuyên bố sai lệch để bảo vệ hình ảnh của ông Trump.
Stone lập luận rằng hồ sơ kiện ông có động cơ chính trị.
Điều xấu hổ cho tất cả?
Roger Stone, người từng là cố vấn chính trị không chính thức cho ông Trump trong nhiều thập niên, đã bị kết án nói dối trước Quốc hội, trong số các tội danh khác. Nhưng không phải là việc ông đã nói dối, mà là những gì ông ta nói dối, có thể gây tổn hại về mặt chính trị cho Donald Trump.
Các công tố viên liên bang đã đưa ra bằng chứng trong phiên tòa rằng chiến dịch tranh cử của Trump năm 2016 đã xem Stone như một ống dẫn, thông qua đó, nó có thể tìm hiểu về các thư điện tử của đảng Dân chủ bị tin tặc xâm nhập, tấn công, mà WikiLeaks sở hữu và khi nào những emails này có thể được phát hành.
Theo lời khai của Rick Gates, phó chủ tịch chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump, ứng cử viên Trump lúc đó đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Stone, thảo luận về WikiLeaks.
Tổng thống đã tuyên thệ rằng ông không nhớ bất kỳ cuộc trò chuyện nào như vậy. Nhóm của ông cũng đã không chấp nhận bất kỳ kết nối hoặc phối hợp nào với WikiLeaks, mà các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận đang được Nga sử dụng để công bố các emails bị tin tặc tấn công của đảng Dân chủ.
Stone, các công tố viên cho biết, nếu khai trước Quốc Hội một cách trung thực về những nỗ lực tiếp cận WikiLeaks và truyền thông tin cho chiến dịch tranh cử, thì ít nhất nó sẽ gây bối rối cho tất cả những người liên quan. Điều đó, họ kết luận, là lý do tại sao ông nói dối.
Đối mặt với tù tội?
giờ thông tin đó được đưa ra. Và Roger Stone đang phải đối mặt với nhiều năm tù tội.
Stone cũng đã báo cho chiến dịch tranh cử của Trump về những loạt thư điện tử gây thiệt hại mới.
Ông nói với Quốc hội, người trung gian của ông với WikiLeaks là người dẫn chương trình phát thanh ở New York và diễn viên hài Randy Credico, người đã phỏng vấn Assange vào năm 2016 – nhưng các công tố viên cho biết trung gian thực sự giữa Stone với WikiLeaks là một tác giả bảo thủ, Jerome Corsi.
Khi Credico sau đó làm chứng trước các nhà lập pháp Hoa Kỳ, rằng Stone đã khuyên ông “làm một ‘Frank Pentangeli’” – đề cập đến một nhân vật nói dối với Quốc hội trong các bộ phim Godfather.
Stone cũng đe dọa chú chó trị liệu của Credico, Bianca, nói rằng ông sẽ “mang con chó đó đi khỏi bạn”, theo lời nhân chứng trước tòa.
Trong khi đó, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon cũng làm chứng chống lại Stone trong phiên tòa – nói với tòa án rằng ông Stone đã khoe khoang về các liên kết của mình với WikiLeaks và người sáng lập Julian Assange.
Chuyện gì đã xảy ra tại tòa?
Stone dường như không phản ứng gì trước phán quyết, lờ đi mệnh lệnh đứng lên khi phán quyết được đọc lên. Khi bồi thẩm đoàn xác nhận lại phiếu bầu của họ, ông đeo kính đen vào để quan sát họ.
Cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của Trump, Michael Caputo cũng từ chối đứng dậy khi bồi thẩm đoàn rời đi, mặc dù được một nhân viên an ninh ra lệnh. Ông ta nhanh chóng bị đưa ra khỏi phòng xử.
Các công tố viên cáo buộc rằng Stone đã liên lạc với nhà lý luận âm mưu Alex Jones về vụ án vào tối thứ Năm, phá vỡ một lệnh giữ im lặng.
Khi Thẩm phán Jackson hỏi điều này có đúng không, Stone đã phủ nhận – nói rõ với các luật sư của mình, “không phải vậy” – nhưng thẩm phán nói thêm rằng bà có “mối quan ngại nghiêm trọng”, cả về lệnh im lặng và về “bản chất” của một số người tại phiên tòa.
Trong số các nhân vật truyền thông có mặt tại tòa án có Gavin McInnes, người sáng lập nhóm cực hữu Proud Boys và Milo Yiannopolous.
Khi Stone rời phiên điều trần, ông nói với các phóng viên yêu cầu bình luận rằng ông “không có gì để nói”, trước khi chụp ảnh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50445569

Mỹ cáo buộc hoạt vụ Nga

tìm cách phá hoại cơ quan bầu cử Mỹ

Các công tố viên Mỹ tố cáo nhân viên hoạt vụ Nga tìm cách can thiệp vào một cơ quan liên bang chịu trách nhiệm bảo vệ các cuộc bầu cử Mỹ, trong khuôn khổ của một vụ liên hệ đến việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Các công tố viên cho biết nhóm này nhắm mục tiêu can thiệp một lệnh cấm người nước ngoài chi một số khoản tiền cho bầu cử Mỹ.
Trong hồ sơ Tòa án được công bố ngày 12/11, các công tố viên liên bang nói họ sẽ yêu cầu một đại bồi thẩm đoàn Mỹ ban hành một lệnh truy tố thay thế lệnh trước, cáo buộc Cơ quan Nghiên cứu Internet có trụ sở tại Nga âm mưu “can thiệp vào nhiều nhiệm vụ pháp lý của Uỷ ban Bầu cử Liên bang.”
Trong đơn đệ trình Tòa án liên bang tại Washington D.C, các công tố viên cho biết sẽ không tìm cách bổ sung cáo trạng. Vụ này phát sinh từ cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
“Các bị can không những chỉ âm mưu can thiệp với việc thực thi những yêu cầu tiết lộ qui định trong Luật Chiến dịch Bầu cử Liên bang, FEC, mà họ còn âm mưu can thiệp đến những nhiệm vụ của FEC là thi hành lệnh cấm đối với một số loại chi tiêu nhất định của người nước ngoài,” các công tố viên liên bang viết trong đơn.
FEC là một cơ quan chính phủ độc lập và lưỡng đảng, chịu trách nhiệm thực thi luật về tài chánh của chiến dịch tranh cử trong các cuộc bầu cử liên bang.
Tuy nhiên 3 trong số 6 ghế của FEC hiện còn trống.
Đại diện của FEC nói cơ quan không thể bình luận về vụ kiện đang trong vòng xét xử.
Hiện không tiếp xúc được đại diện của Cơ quan Nghiên cứu Internet.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã truy tố 13 cá nhân và 3 công ty Nga, trong đó có Cơ quan Nghiên cứu Internet, bộ phận tuyên truyền của chính phủ Nga có trụ sở tại St. Petersburg và cáo buộc những cá nhân và tổ chức này can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 để ủng hộ ông Donald Trump và làm giảm giá trị ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton, đối thủ lúc bấy giờ của ông Trump.
Các thành viên của tổ chức Nga cũng bị Hoa Kỳ chế tài.
Các tài khoản truyền thông xã hội có liên hệ đến mạng lưới cũng bị Facebook và Twitter nhắm vào trước cuộc bầu cử Tổng thống 2020 và những cuộc bầu cử khác nữa.
Các nhà điều tra của Thượng viện Mỹ cũng phát hiện những nỗ lực tuyên truyền của Nga gia tăng kể từ khi ông Trump chiến thắng cuộc bầu cử 2016.
Các công tố viên Mỹ nói họ sẽ đệ trình những yêu cầu cho đại bồi thẩm đoàn liên bang trong một phiên tranh cãi dự trù diễn ra vào ngày 15/11.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-hoat-v%E1%BB%A5-nga-t%C3%ACm-c%C3%A1ch-ph%C3%A1-ho%E1%BA%A1i-c%C6%A1-quan-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-/5168181.html

Tổng thống Trump phớt lờ lời khuyên

từ Ngũ Giác Đài và can thiệp vào các vụ án

liên quan đến tội ác chiến tranh

Washington, D.C. – Vào hôm thứ sáu (15 tháng 11), Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ lời khuyên của Ngũ Giác Đài và ân xá hai sĩ quan và khôi phục cấp bật của một quân nhân khác sau khi 3 người này phải đối mặt với các cáo buộc tội ác chiến tranh. Tổng thống Trump đã ân xá cho Trung úy Clint Lorance và Thiếu tá Mathew Golsteyn, và khôi phục lại cấp bậc của Hải quân SEAL Eddie R. Gallagher, người đã bị giáng chức sau các cáo buộc. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp khác đã nói với tổng thống rằng việc ân xá có khả năng làm hỏng tính toàn vẹn của hệ thống tư pháp quân sự, khả năng bảo đảm trật tự và kỷ luật tốt của các nhà lãnh đạo quân sự, cũng như sự tự tin của các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ với quân đội nước này. Một viên chức quốc phòng Hoa Kỳ nói với CNN rằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nỗ lực hết sức để bảo đảm rằng tổng thống có tất cả các thông tin cần thiết trước khi đưa ra quyết định này. Mặc dù vậy, tổng thống vẫn tiến hành ân xá, và hành động này được thực hiện vào ngày thứ hai của phiên điều trần công khai luận tội của Hạ viện. Đây cũng là ngày mà cố vấn chính trị lâu năm của tổng thống, ông Roger Stone, bị kết tội nói dối và cản trở Quốc hội trong một vụ án liên quan đến Tổng thống Trump và việc công bố các email bị đánh cắp từ máy chủ của Đảng Dân chủ vào năm 2016 bởi WikiLeaks. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-phot-lo-loi-khuyen-tu-ngu-giac-dai-va-can-thiep-vao-cac-vu-an-lien-quan-den-toi-ac-chien-tranh/

Bolivia đuổi bác sĩ Cuba, nhà ngoại giao Venezuela về nước

Chính phủ lâm thời của Bolivia hôm thứ Sáu cho biết họ đã yêu cầu các quan chức Venezuela rời khỏi đất nước và cáo buộc những người Cuba, bao gồm cả bác sĩ, đã kích động tình trạng bất ổn sau khi cựu tổng thống Evo Morales từ chức.
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Karen Longaric cho biết Cuba sẽ cho 725 công dân bay về nhà, chủ yếu là các bác sĩ, sau khi bà nêu lo ngại về sự dính líu bị cáo buộc của họ tới các cuộc biểu tình. Bà nói rằng bà cũng đã yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao Venezuela rời đi vì lí do tương tự.
Sự thay đổi chính sách đối ngoại này diễn ra trong khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ lâm thời bốn ngày của Tổng thống lâm thời chủ trương bảo thủ Jeanine Anez làm rúng động đất nước giữa biến động chính trị lớn nhất của Bolivia trong hơn một thập niên.
Venezuela và Cuba là hai đồng minh chủ chốt của ông Morales theo đường lối cánh tả. Ông là tổng thống người bản địa đầu tiên của đất nước khi ông nhậm chức vào năm 2006 và đã từ chức dưới áp lực Chủ nhật tuần rồi vì tranh cãi kết quả bầu cử ngày 20 tháng 10.
Ông giành chiến thắng nhưng các cáo buộc gian lận đã khơi ra các cuộc biểu tình chống chính phủ rộng khắp mà thường trở nên bạo lực.
Ông Morales và phó tổng thống đã rời khỏi đất nước hồi đầu tuần này để nhận lời đề nghị bảo hộ tị nạn ở Mexico. Nhưng những cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Morales vẫn tiếp tục ở thủ đô La Paz, thành phố El Alto gần đó, và thành phố trung tâm Cochabamba.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Cuba, phủ nhận các bác sĩ của họ ủng hộ bất kì cuộc biểu tình nào. Bộ Ngoại giao Venezuela không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận, theo Reuters.
Cả hai quốc gia đều ủng hộ tuyên bố của ông Morales nói rằng ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do nước ngoài hậu thuẫn.
Các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Brazil và Ecuador, đã có hành động tương tự nhắm vào người Cuba trong những tháng gần đây.
https://www.voatiengviet.com/a/bolivia-duoi0bac-si-cuba-nha-ngoai-giao-venezuela-ve-nuoc/5168824.html

Bolivia : Quyền tổng thống đe dọa truy tố cựu tổng thống

Trọng Thành
Nỗ lực đối thoại nhen nhóm giữa tân chính quyền Bolivia và phe của cựu tổng thống Evo Morales dường như ngay lập tức bị dập tắt. Tình hình Bolivia căng thẳng thêm. Hôm 15/11/2019, năm nông dân ủng hộ ông Morales thiệt mạng trong một đụng độ với lực lượng an ninh. Quyền tổng thống đe dọa truy tố cựu tổng thống.
Theo AFP, 5 nông dân trồng coca đã bị giết, tại ngoại ô thành phố Cochabama, căn cứ địa chính trị của cựu tổng thống, trong cuộc đối đầu giữa hàng nghìn người ủng hộ Morales chống lại cảnh sát và quân đội. Ủy Ban Nhân Quyền Liên Mỹ (CIDH) cho biết, ngoài 5 người chết còn có rất nhiều người bị thương. Cựu tổng thống Morales, từ Mêhicô, nơi ông đang tị nạn, lên án ”một cuộc thảm sát”.
Tại thủ đô La Paz, những người ủng hộ cựu tổng thống cũng liên tục gây áp lực với chính quyền. Hàng nghìn người, đến từ thành phố El Alto kế bên, giương cao khẩu hiệu kêu gọi ”Evo (tên riêng của tổng thống Morales) hãy trở về !”. Những người ủng hộ Morales lên án ”đảo chính” lật đổ vị tổng thống mà họ yêu mến.
Quyền tổng thống Jeanine Anez lên án sự hiện diện của ”một số nhóm vũ trang âm mưu lật đổ”, gồm người Bolivia và một số người nước ngoài, phá hủy các đường ống dẫn khí đốt, và cả một số cơ sở dầu mỏ. Trong một cuộc họp báo, quyền tổng thống Bolivia đe dọa, nếu cựu tổng thống Morales trở về nước, ông sẽ bị đưa ra tòa để trả lời về các cáo buộc tham nhũng, và những bất hợp lệ trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 20/10.
Cùng với đe dọa sẽ truy tố cựu tổng thống cánh tả, tân chính quyền Bolivia hôm qua cũng thông báo sẽ trục xuất các nhà ngoại giao Venezuela tại La Paz, với cáo buộc ”can thiệp vào công việc nội bộ’‘. Cuba tố cáo chính quyền Bolivia bắt giữ 6 công dân Cuba, bị quy tội ”tài trợ” cho các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Thủ đô La Paz thiếu nhu yếu phẩm
Biểu tình chống tân chính quyền bùng phát khiến nhiều trục đường dẫn đến các thành phố lớn bị phong tỏa. Thủ đô La Paz bắt đầu thiếu nhu yếu phẩm. Phóng sự của thông tín viên Marie Normand gửi về từ Bolivia :
Cô Yolanda Pedes bán rau quả ở chợ hôm nay, tại phía nam thủ đô La Paz. Cô lo ngại trước tình trạng các quầy hàng trống rỗng xung quanh. Yolanda Pedes cho biết, vào thời điểm này, La Paz thiếu bánh mì, thịt đỏ, gà, trứng – không đến được thủ đô, do đường xá bị phong tỏa. Xăng dầu cũng bắt đầu thiếu thốn. Hàng xe dài chờ đợi trước một số trạm xăng hiếm hoi vẫn còn hoạt động. Tình trạng thiếu xăng dầu ảnh hưởng đến giao thông công cộng và vận tải rác thải.
Anh Hernan Ramirez, một tài xế tắc xi, phản bác những người lên án cựu tổng thống Morales. Người tài xế tắc xi khẳng định chính cựu tổng thống đã giúp chuyển đổi miễn phí xe chạy xăng dầu của anh thành xe chạy bằng khí nén. Khí nén được chuyển qua đường ống, không phụ thuộc vào đường xá, như vậy mọi việc với anh là bình thường. Người tài xế tắc xi kết luận : cựu tổng thống Morales đã làm nhiều cho giới trung lưu và những người có thu nhập thấp”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191116-bolivia-quyen-tong-thong-de-doa-truy-to-cuu-tong-thong

Cuba tổ chức kỷ niệm La Habana tròn 500 năm

Lễ kỷ niệm La Habana tròn 500 năm đã diễn ra vào tối 15/11/2019 trong không khí lễ hội tưng bừng : bốn buổi hòa nhạc diễn ra cùng lúc ở khắp thủ đô của Cuba, 16.000 pháo hoa được bắn chào mừng. Nhiều quan chức, khách mời bạn hữu của Cuba từ khắp thế giới đã đến dự buổi lễ.
La Habana, thành phố 2,1 triệu dân, chứa đầy lịch sử, được hình thành dưới thời thực dân Tây Ban Nha. Quốc vương Felipe VI đã được mời đến Cuba từ đầu tuần để khai mạc loạt lễ hội.
Tường trình của thông tín viên RFI Domitille Piron tại La Habana :
« Đi ba vòng dưới gốc cây Ceiba (cây gòn) và nguyện ba điều ước, đó là truyền thống ở La Habana vào mỗi đêm 15-16/11 hàng năm. Một cây gòn đã được trồng tại đúng nơi diễn ra buổi lễ đầu tiên, được tổ chức cách đây đúng 500 năm, theo huyền thoại. Và một cây khác vừa được trồng lại đúng nơi này vì linh hồn của cây trước đã tàn úa sau khi Fidel Castro qua đời vào tháng 11/2016.
Tối hôm qua, tại La Habana, đông đảo người dân Cuba, trong đó có rất nhiều người từ nơi xa, đã đến tham dự lễ hội truyền thống này dù nhiều người không biết sẽ như thế nào.
Isabelle quyết tâm đến đúng dịp kỷ niệm 500 năm thành lập La Habana. Bà nói : « Đó là một truyền thống đối với người Cuba và chủ yếu là đối với người dân thủ đô. Đó là một kiểu huyền thoại, truyền thuyết ! Người dân Cuba làm vì đức tin ! »
Quanh gốc cây, người ta đặt tay trái lên thân cây, vẻ mặt đôi lúc nghiêm trang. Cầu ước ở đây, đó là chuyện nghiêm túc !
Marta đến với cô bạn Mercedes, từ tỉnh Bayamo để cầu ước : « Dĩ nhiên là cầu sức khỏe rồi, cho tôi và cả gia đình ! » Còn bà Mercedes cầu « cho người chưa có bạn trai, sẽ gặp một người chồng sắp cưới đẹp trai và tốt bụng ! »
Buổi lễ truyền thống kỷ niệm 500 năm thành lập La Habana lại thiếu mất vẻ huy hoàng vì trời mưa, và đặc biệt hơn là vì không còn Eusebio Leal, người đam mê, nhà hùng biện và là sử gia của thành phố ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191116-cuba-to-chuc-ky-niem-la-habana-tron-500-nam

Một năm phong trào Áo Vàng: An ninh siết chặt tại Paris

Trọng Thành
Ngày 16/11/2019, tròn một năm cuộc nổi dậy của phong trào xã hội chưa từng có, mang tên ”Áo Vàng” tại Pháp, nhiều cuộc tập hợp của người ”Áo Vàng” được tổ chức trên khắp cả nước. An ninh siết chặt tại Paris.
Trên mạng Facebook, hàng loạt sáng kiến được tung lên để kỉ niệm ”Hồi thứ 53” phong trào Áo Vàng. Từ phát truyền đơn, biểu tình, trở lại các bùng binh… Tổng cộng hơn 270 hoạt động được thông báo trong kỳ nghỉ cuối tuần này trên khắp nước Pháp, đặc biệt là các thành phố lớn, như Nantes, Lyon, Montpellier, Marseille, Toulouse…
Nhiều người ”Áo Vàng” muốn trở lại khu vực xung quanh đại lộ Champs-Elysées, Khải Hoàn Môn, nơi diễn ra những thời khắc gay cấn nhất của phong trào xã hội tự phát, chống tăng giá xăng dầu, bùng lên từ thứ Bảy 17/11/2018. Hoạt động ”Kỷ niệm một năm trên đại lộ Champs-Elysées” trên Facebook thu hút khoảng 7.000 người hứa hẹn tham gia.
Kể từ ngày thứ Bảy 16/03/2019, các cuộc tuần hành Áo Vàng không còn được phép diễn ra tại Champs-Elysées, sau ”hồi thứ 18” đặc biệt dữ dội. Số lượng người Áo Vàng biểu tình tại Paris và trên cả nước hôm 16/11 ước tính chỉ khoảng vài ngàn người. Ít hơn rất nhiều so với cuộc biểu tình lịch sử ngày 17/11/2018, với khoảng gần 300.000 người tham gia.
Theo AFP, vào khoảng 11 giờ sáng, cảnh sát thông báo đã tiến hành hơn 1.000 vụ kiểm soát giấy tờ, 24 người bị câu lưu. Các địa điểm trọng yếu của thủ đô, từ đại lộ Champs-Elysées đến quảng trường Concorde, và khu vực gần các trụ sở chính phủ, đều bị lực lượng an ninh ngăn chặn. Nhiều trạm xe điện ngầm và tàu RER bị đóng cửa ”cho đến khi có lệnh mới”.
http://vi.rfi.fr/phap/20191116-mot-nam-phong-trao-ao-vang-an-ninh-siet-chat-tai-paris

Venice: Thủy triều cao kỷ lục,

đe dọa kho tàng nghệ thuật Venice

Thành phố Venice hôm 15/11 lại ngập chìm dưới biển nước với thủy triều cao kỷ lục liên tục ập vào, khiến chính quyền phải đóng cửa quảng trường San Marco, trước khi nước bắt đầu rút.
Các nhà dự báo thời tiết cảnh báo triều cường sẽ tiếp tục là một mối nguy trong các điều kiện gió lớn trong suốt cuối tuần sắp tới.
Chính phủ Ý đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm thứ Năm và đang phát động một chiến dịch quyên tiền, kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp vào nỗ lực giữ gìn và bảo vệ kho tàng văn hóa lâu đời của thành phố cổ Venice, sau những trận lụt tệ hại nhất tính từ nhiều thập kỷ.
Bộ trưởng Văn hóa Ý Dario Franceschini nói bất cứ ai có thể tặng 2 euro, tương đương với 2.20 USD bằng cách gửi tin nhắn cho một số điện thoại đặc biệt.
Ông nói: “Cả thế giới yêu thành phố tráng lệ này, đây là lúc để mọi người chứng tỏ tình yêu đó.”
Một giới chức cấp cao của cảng Venice đã viết thư cho các công ty tổ chức các tour du lịch bằng tàu, kêu gọi họ hãy đóng góp vào nỗ lực tái thiết thành phố.
Các công ty điều hành các con tàu du lịch khổng lồ đổ hàng ngàn du khách xuống Venice hầu như hàng ngày, đẩy mạnh nền kinh tế địa phương, nhưng đồng thời cũng tạo ra nguy cơ xảy ra tai nạn với các tàu nhỏ.
Chiều tối thứ Ba trong tuần, mực nước ở Venice lên tới 187 cm trên mực nước biển, mực nước cao nhất tính từ năm 1966.
Hôm thứ Sáu, gần tới giờ trưa, thủy triều dâng cao tới mức 154 cm trên mặt biển. Sáu tiếng đồng hồ sau, mực nước đã giảm xuống mức 60cm.
Xây trên một loạt các đảo nhỏ giữa một hệ thống các kênh đào, thành phố Venice đặc biệt dễ lâm nguy khi mực nước biển dâng cao, phối hợp với biến đổi khí hậu và hiện tượng thành phố đang ngày càng lún sâu xuống bùn. Mực nước biển tại Venice đã dâng cao hơn 10cm so với cách đây 50 năm, theo văn phòng theo dõi thủy triều của thành phố.
Bộ trưởng Văn hóa Ý cho biết có hơn 50 ngôi nhà thờ đã bị hư hại do thủy triều dâng cao. Lực lượng cảnh sát chuyên môn được đào tạo đặc biệt về các tác phẩm nghệ thuật đã được triển khai để thu thập và ghi lại chi tiết những thiệt hại đối với kho tàng nghệ thuật vô giá của thành phố Venice, một nỗ lực sẽ kéo dài trong một thời gian.
https://www.voatiengviet.com/a/venice-thuy-triu-cao-ky-luc-de-doa-kho-tang-nghe-thuat-venice/5168028.html

Roma: Đổi chai nước lấy một vé tầu điện miễn phí

Ba mươi chai nước nhựa đổi lấy một chuyến tầu điện ngầm miễn phí ! Từ hai tháng nay, Roma, thủ đô nước Ý, đã trở thành thủ đô châu Âu đầu tiên lắp đặt các máy nhặt chai nhựa tại những điểm giao thông công cộng.
Hiện tại, sáng kiến này chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm tại ba trạm metro ở Roma. Trong khi đó, cách làm này đã được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới như Ecuador, Trung Quốc, Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Ý, việc xử lý rác thải vẫn gặp thất bại. Và sáng kiến « đổi chai nước nhựa lấy vé tầu điện » còn làm nổi rõ nhiều kẽ hở. Thực vậy, theo phóng sự của RFI, khi được hỏi về sáng kiến này, nhiều người dân Ý tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của dự án. Người dân thành phố Napoli không phủ nhận đây có thể là một ý kiến hay, trong khi họ thường xuyên đối mặt với những đống rác và mùi xú uế từ rác thải. Nhưng họ cũng tự hỏi liệu ai có đủ kiên nhẫn gấp từng chai nước một và nhét từng chiếc vào cỗ máy thu nhặt được đặt trong các tầu điện ngầm.
Công tác thu gom và xử lý rác thải tại Ý đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi một cuộc cách mạng thật sự trong việc tái chế rác. Chuyên gia về Ý, giáo sư Anne Marinen, trường đại học Paris VIII, giải thích với RFI :
« Tại Roma, cơ quan xử lý rác thải địa phương chưa bao giờ hoạt động tốt cả. Thiếu nhân sự do nhiều người nghỉ ốm và việc thu gom rác chẳng có ích gì, quy trình thu gom và tái xử lý không được tuân thủ đến nơi đến chốn, tóm lại là không hoạt động. Vì vậy, chính người dân thành Roma phải trả giá cùng với nạn chuột, thậm chí lợn rừng phá phách trong nhiều khu phố ! Họ đã mất công phân loại rác tại nhà, cho vào những túi mầu xanh lá cây, đỏ, vàng tùy theo từng loại rác thải… vào cuối tuần, xe thu gom rác đến nhặt các túi này. Nhưng trước khi đến nhà máy tái chế thì các túi rác lại bị trộn lẫn với nhau. Vấn đề này ai cũng biết, lặp đi lặp lại, và bị lên án tại thủ đô. Đến mức để tìm giải pháp cho vấn đề, một hiệp hội công dân có tên gọi ʺĐây không phải là rácʺ đã đề nghị người dân thường có thói quen lọc rác nên mang rác đã phân loại đến thẳng một nhà máy tái chế tư nhân nào đó ».
Pháp chậm trễ trong việc xử lý rác nhựa
Theo ước tính, chỉ có 42% rác thải nhựa được tái xử lý. Tây Ban Nha, Áo, Đức và nhiều nước Bắc Âu là những nước đi đầu. Thế còn tại Pháp thì sao ? Ông Hervé Millet, đại diện PlasticsEurope tại Pháp nhận định :
« Chương trình thí điểm đổi chai nhựa lấy vé tầu điện ngầm miễn phí ở Roma hay tại nhiều điểm metro khác ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Quito (Ecuador), tôi cho là rất tốt. Tất cả những gì có thể làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng đều là một việc tốt. Nhưng cũng đừng quên là những chiếc chai này chỉ là một phần của rác thải nhựa, chiếm khoảng 40%. Còn có nhiều loại bao bì và dụng cụ nhựa khác không được tái chế theo cùng một cách.
Tại Pháp, vấn đề là ở chỗ thiếu các nhánh xử lý khác nhau. Tại nhiều nơi khác như Tây Ban Nha chẳng hạn, họ đã thành công trong việc xử lý rác thải nhựa bằng cách cấm thải các loại chai hay nhiều loại sản phẩm nhựa khác. Giải pháp là làm tăng giá trị của rác thải. Công chúng phải biết là rác thải có đời sống thứ hai ! Cùng với các loại bao bì nhựa được tái chế, người ta biến đổi chúng thành các loại chai nhựa khác hay chế biến chúng thành quần áo ».
Thế Vận Hội Olympic 2024 sẽ được tổ chức tại Paris. Chính phủ Pháp vẫn đang cân nhắc, chưa có dự kiến lắp đặt các máy thu gom chai nhựa. Các nhà tổ chức dự kiến lắp các bảng hiệu để khuyến khích các cổ động viên vứt chai nhựa trong các thùng rác gần các sân vận động nhằm tránh việc thải rác bừa bãi trên các vỉa hè.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191116-roma-doi-chai-nuoc-lay-mot-ve-giao-thong-mien-phi

Thụy Điển trao giải thưởng cho một nhà văn

gốc Hoa bị cầm tù ở Trung Quốc

Minh Anh
Chính quyền Stockholm khiêu khích Bắc Kinh. Ngày 15/11/2019, chi nhánh của Hội nhà văn quốc tế PEN International tại Thụy Điển đã trao giải Tucholsky nổi tiếng cho ông Quế Dân Hải (Gui Minhai) – chủ hiệu sách, làm nghề xuất bản và nhà đối lập gốc Hoa – hiện đang bị cầm tù ở Trung Quốc.
Giải thưởng này, từng vinh danh các nhà văn có tên tuổi như Salman Rushdie hay Taslima Nasreen, chỉ trao tặng cho một nhà văn – nam hay nữ – bị truy bức ở trong nước.
Từ Stockholm, thông tín viên đài RFI, Frédéric Faux cho biết thêm thông tin :
« Buổi lễ được tổ chức ngày hôm qua 15/11/2019 tại Bảo tàng Stockholm và đã diễn ra như dự kiến, với sự hiện diện đông đảo của giới truyền thông và cảnh sát. Quế Dân Hải, chủ hiệu sách và nhà văn gốc Hoa, được nhập quốc tịch Thụy Điển sau khi học xong ở Goteborg, đã được trao giải Tucholsky.
Nhưng bà Amanda Lind, bộ trưởng Văn Hóa Thụy Điển, người trao giải thưởng chỉ có thể gởi gắm vài lời đến chiếc ghế trống. Quế Dân Hải thật ra đang bị cầm tù ở Trung Quốc. Các ấn bản của ông, phát hành ở Hồng Kông, không làm cho giới cầm quyền Trung Quốc hài lòng chút nào.
Đại sứ Trung Quốc phản đối mạnh mẽ, đe dọa Stockholm gánh lấy những đòn trả đũa khi nhắc đến các trao đổi mậu dịch và hợp tác sẽ bị tác động nặng nề. Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh có thái độ giận dữ với Thụy Điển, một trong số những nước châu Âu dám tố cáo công khai Bắc Kinh vi phạm nhân quyền.
Sự cố gần đây nhất giữa hai nước xảy ra cách nay hơn một năm, khi nhiều du khách Trung Quốc từ chối trả tiền phòng thuê đã bị trục xuất ra khỏi sảnh một khách sạn. Những người này đã lên án cảnh sát Thụy Điển có hành vi bạo lực, báo động với đại sứ quán, và sự việc này đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191116-thuy-dien-trao-giai-thuong-cho-mot-nha-van-goc-hoa-bi-cam-tu-o-trung-quoc

Đài Loan : Mục tiêu tấn công “Fake news” của Trung Quốc

Thanh Hà
Càng gần đến này bầu cử 11/01/2020, các cuộc tấn công trên mạng nhắm vào phe chủ trương Đài Loan độc lập với Hoa Lục càng dồn dập. Bắc Kinh bị tố cáo thao túng các mạng xã hội, bôi nhọ đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn có lập trường bài Trung Quốc, đồng thời quảng bá cho ứng cử viên Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh.
Cụ thể hơn, chính quyền Hoa lục bị chỉ trích những gì ? Thông tín viên RFI Adrien Simorrer từ Đài Bắc trả lời :
“Chính quyền Đài Loan và nhiều chuyên gia lên án Trung Quốc, qua các mạng xã hội, dồn dập mở chiến dịch phao tin thất thiệt liên quan tới vùng lãnh thổ này. Đến nay, Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, nhưng chính quyền Đài Bắc nhất quyết từ chối xích lại gần với đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Theo một báo cáo đại học Gothenburg -Thụy Điển, được công bố trong năm nay, Đài Loan là mục tiêu tấn công hàng đầu của các chiến dịch tuyên truyền xuất phát từ Trung Quốc. Gần đến ngày bầu cử tổng thống vào tháng Giêng năm 2020, các chiến dịch này tập trung nhắm vào đương kim tổng thống Thái Anh Văn và tất cả những tổ chức chủ trương Đài Loan độc lập với Hoa lục.
Các chiến dịch phao tin sai lệch đó, với mục đích hướng dẫn công luận Đài Loan, được tiến hành như thế nào ?
“Bằng một hình thức khá cổ điển, từ Trung Quốc người ta mở ra hàng ngàn tài khoản trên mạng xã hội, thêm vào đó là việc sử dụng những phần mềm khá thô thiển để mạo danh người dùng internet. Tất cả những tài khoản đó đều được cho là của người sử dụng internet cư ngụ tại Hoa lục.
Tạp chí Mỹ Foreign Policy chẳng hạn đã đặc biệt chú ý đến một trong những nhóm sử dụng Facebook và nhóm này ủng hộ ứng cử viên của đảng đối lập, Hàn Quốc Hùng, một người có lập trường thân Bắc Kinh. Vẫn theo Foreign Policy, nhóm người mở tài khoản trên mạng xã hội Facebook này sau đó đóng tiền để sử dụng các chức năng của Facebook. Mục tiêu đề ra là để phổ biến rộng rãi tối đa những gì họ tung lên mạng xã hội. Đương nhiên đó là những bài vở, những tài liệu, thông tin hay hình ảnh có lợi cho Trung Quốc.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có những phương tiện khác, đặc biệt là các hãng truyền thông đứng về phía Trung Quốc. Tiêu biểu nhất là trường hợp của tập đoàn Want Want China Times Media Group. Chủ nhân tập đoàn này là một doanh nhân Đài Loan, nổi tiếng là có những mối quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Theo điều tra của báo tài chính Mỹ Financial Times, được công bố vào mùa hè vừa qua, nhiều vị lãnh đạo trong các tòa soạn hàng ngày được các quan chức trong hàng ngũ đảng Cộng Sản Trung Quốc thăm hỏi qua điện thoại. Tất cả các kênh truyền thông đó đương nhiên đăng rất nhiều bài vở qua các mạng xã hội”.
Vậy thì chính quyền Đài Loan có thể làm được gì để đối phó với các đợt tấn công đó ? Thông tín viên Adrien Simorrer cho biết :
“Thực ra, chính quyền Đài Loan lúng túng trước hiện tượng này và phải trực tiếp trông nhờ vào các mạng xã hội, vào các cổng tìm kiếm thông tin mà thôi. Google đã quyết định ngừng nhận quảng cáo trên các trang liên quan đến cầu cử Đài Loan, nhưng việc làm này không thấm vào đâu, bởi vì đa số dân Đài Loan, sử dụng Facebook. Tới nay, mạng xã hội do Mark Zuckerberg lập ra cương quyết duy trì các chiến dịch quảng cáo.
Vấn đề đặt ra đối với Đài Loan là ngày nào mà luật pháp còn chưa rõ ràng thì tất cả mọi người, bất luận lập trường chính trị của họ, đều có thể phổ biến bài vở mang tính tuyên truyền. Thiệt thòi nhất ở đây là những người sử dụng internet tại Đài Loan, bởi vì rất khó để họ có thể kiểm chứng các thông tin được loan tải”.
Hồng Kông tình hình thêm xấu đi
Tại Hồng Kông, đặc khu hành chính này bị tê liệt trong nhiều ngày. Bạo động gia tăng và tình hình xấu đi trong tuần kể từ sau cái chết của một sinh viên 22 tuổi.
Các trường đại học trở thành tâm điểm của phong trào phản kháng. Sinh viên từ Hoa lục sợ bị trở thành mục tiêu tấn công của phe bài Trung Quốc. Một phần trong số này đã được sơ tán khỏi Hồng Kông.
Hôm 12/11/2019 thông tín viên Simon Leplatre gửi về bài tường thuật cho thấy một phần thành phố bị tê liệt :
“Tối nay, xung đột chủ yếu diễn ra gần các khu đại học của thành phố. Trong ngày, ở trung tâm Hồng Kông nhiều khu vực bị phong tỏa, và ẩu đả xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát, đặc biệt là vào giờ ăn trưa. Có rất nhiều nhân viên hưởng ứng phong trào biểu tình của giới trẻ và đã nhập cuộc vào giờ giải lao. Cũng có người cổ vũ giới trẻ.
Hôm trước, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga gọi người biểu tình là “kẻ thù của nhân dân”, đồng thời bà khẳng định là chính quyền sẽ không lùi bước trước áp lực của đường phố. Quyết định không nhượng bộ này không xoa dịu phẫn nộ của giới trẻ.
Chiều nay, ở khu Central, người ta cảm nhận được bầu không khí rất căng thẳng. Có rất đông cảnh sát và họ rất dễ nổi nóng, sẵn sàng ăn miếng trả miếng trước mỗi hành vi khiêu khích của đám đông, như thể là không còn kiểm soát được tình hình.
Về phía người biểu tình cũng vậy. Người qua lại có khi bị tấn công một cách vô tội vạ, chỉ vì họ muốn thoát khỏi vòng vây của bên phe biểu tình. Vòng xoáy bạo lực đang diễn ra. Trong khi đó, tối nay các đại học cũng bị phong tỏa. Cảnh sát đột nhập vào nhiều khu ký túc xá, bắn lựu đạn cay và đạn cao su vào sinh viên. Những người này ném bom xăng, gạch, đá đáp trả. Với mức độ căng thẳng như hiện nay, tới một lúc nào đó, phía bên cảnh sát hoặc người biểu tình sẽ có những hành vi đáng tiếc”.
Pháp : Một năm phong trào Áo Vàng
Còn tại Pháp, phong trào phản kháng của người Áo Vàng (Gilets Jaunes) bùng phát cách nay một năm. Thứ Bảy 16/11/2019 đánh dấu tuần lễ thứ 53 của phong trào.
Nhân kỷ niệm một năm phong trào Áo Vàng, mà ban đầu ban đầu là để phản đối chính phủ tăng thuế xăng dầu, kế tới là để thể hiện bất mãn với các biện pháp sưu cao thuế nặng, đòi chính phủ bơm thêm sức mua cho những người có thu nhập thấp, ban tổ chức hy vọng lại có một biển người tập hợp ở Paris và những chiếc Áo Vàng đó lại chiếm đóng các bùng binh trên toàn quốc.
Câu hỏi được đặt ra là liệu phong trào chống chính phủ năm ngoái, có bùng lên trở lại hay không ?
Một năm đã trôi qua, chính phủ Pháp đã chi ra 17 tỉ euro cho các biện pháp xã hội, phần nào đáp ứng đòi hỏi của phe Áo Vàng. Trong khi đó, cũng có không ít người Áo Vàng cảm thấy bị phản bội vì một số không liên can thừa nước đục thả câu, nhân danh người Áo Vàng “để hôi của, để đập phá các cửa hàng”.
Giáo sư Olivier Fillieule giảng dậy tại đại học Lausanne, Thụy Sĩ, khi trả lời báo Le Monde, cho rằng chính những hành vi hôi của, các vụ đập phá, kể cả nhắm vào những biểu tượng của Pháp như Khải Hoàn Môn hay đốt phá trên đại lộ Champs Elysées của một số người biểu tình, đã làm mất đi tính chính đáng của phong trào.
Acqua Alta, cơn ác mộng của thành phố Venise
Thường xuyên phải đối mặt với hiện tượng thủy triều dâng cao, gây lụt lội vào mùa thu và đầu xuân, nhưng Venise đang phá một kỷ lục buồn khi mực nước biển dâng cao đến 1,8 mét hôm 12/11/2019.
Quảng trường San Marco bị ngập và kể cả một phần thánh đường nổi tiếng sát bên. Nước biển và bùn tràn vào nhà hát Fenice. Khoảng 80% diện tích của thành phố bị ngập nước, các viện bảo tàng, hàng quán phải ngưng hoạt động. Chính quyền thành phố nói tới một tai họa chưa từng xảy ra từ hơn nửa thế kỷ qua.
Venise là một thành phố với vỏn vẹn 50.000 dân cư nhưng mỗi năm đón tới 36 triệu du khách. Chính phủ Ý ban hành tình trạng khẩn cấp tại Venise như tường trình của thông tín viên Anne Le Nir từ Roma :
“Chưa thể thẩm định chính xác về những thiệt hại do thủy triều dâng cao một cách khiếp khủng, nhưng rất có thể là số này lên tới gần một tỉ euro theo như đánh giá của các giới chức tại Venise.
Chính quyền trung ương của thủ tướng Giuseppe Conte cho giải ngân ngay lập tức 20 triệu euro để khác phục hậu quả thiên tai. Số tiền này chủ yếu được dùng để hỗ trợ dân cư tại Venise. Tư nhân được trợ giúp khoảng 5.000 euro, còn giới tiểu thương bị ngập lụt, hàng quán bị thấm nước biển sẽ được trợ cấp 20.000 euro. Những khoảng tiền này không đủ để trang trải tất cả những nhu cầu tái thiết.
Ở giai đoạn kế tiếp, các khoản trợ cấp và bồi thường sẽ được thẩm định lại tùy theo từng trường hợp. Liên quan đến các di tích nghệ thuật và văn hóa, chính phủ dự trù nhiều quỹ đặc biệt. Nhưng cơn ác mộng vẫn chưa tan. Mực nước tại Venise sẽ còn dâng cao thêm trong những giờ sắp tới”.
Theo cơ quan dự báo khí tượng, thủy văn của Ý, Venise đến sáng ngày 15/11/2019 vẫn bị ngập dưới 1,5 mét nước.
Pháp : Mùa văn học 2019 kết thúc, nhà xuất bản Gallimard đại thắng
Trong lĩnh vực văn hóa, mùa trao tặng các giải thưởng Văn Học của Pháp 2019 vừa khép lại. Nhà xuất bản Gallimard bội thu.
Tác phẩm Les Choses Humaines (tạm dịch là Những chuyện rất con người) của nhà văn nữ Karine Tuil đoạt hai giải thưởng lớn là giải Interallié và giải thưởng Goncourt của ban giám khảo trẻ do các học sinh trung học bình chọn.
Cũng nhà xuất bản Gallimard ấn hành La Panthère des neiges – Báo tuyết, của nhà văn Sylvain Tesson đoạt giải Renaudot, và Par les routes – Bằng những con đường của Sylvain Prudhomme đoạt giải Fémina.
Giải thưởng danh giá nhất là Goncourt năm 2019 cũng như giải Médicis về tay hai nhà xuất bản L’Olivier và Stock.
Mùa trao giải thưởng Văn Học là cơ hội để các nhà xuất bản phô trương thanh thế với nhau. Theo nghiên cứu của viện GfK thực hiện cho tạp chí Livres Hebdo, những tác phẩm được giải luôn là con gà đẻ trứng vàng với các nhà xuất bản, và thường được chọn là những món quà tinh thần có giá trị nhất vào dịp lễ cuối năm.
Theo nghiên cứu này, 80% lượng sách bán ra được thực hiện trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12. Năm 2018, độc giả đã mua vào 314.000 cuốn sách được trao tặng giải thưởng Goncourt và gần 220.000 ấn bản tác phẩm được tặng giải Renaudot.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191116-fake-news-dai-loan-muc-tieu-tan-cong-cua-trung-quoc

Biểu tình Hong Kong: ‘Tôi bị xịt hơi cay trong giờ ăn trưa’

Katie PrescottBBC News, Phóng viên Kinh doanh
“Tôi đã bị xịt hơi cay vài lần, nhưng chưa bao giờ khi tôi ra ngoài văn phòng – đi tìm thức ăn trưa,” một thương nhân tại HSBC nói.
Ông ta đang mô tả một thời điểm trong tuần này khi các cuộc biểu tình của Hong Kong đi đến trung tâm tài chính, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới.
Người này nói rằng đó là một khoảnh khắc quan trọng, khiến ông và nhiều đồng nghiệp đặt câu hỏi về tương lai của họ trong thành phố.
Nói chuyện với BBC trong điều kiện được giấu tên, giám đốc một số ngân hàng quốc tế và công ty luật lớn nhất cho biết họ đang chứng kiến hoạt động kinh doanh tại Hong Kong bị thu hẹp khi các cuộc biểu tình tiếp tục leo thang.
Dịch vụ tài chính chiếm 1/5 nền kinh tế của Hong Kong và mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến đây để sống và làm việc. Cộng đồng người nước ngoài rất lớn của Hong Kong bị thu hút bởi thuế thấp, công việc lương cao, ổn định và mức sống cao.
Biểu tình khiến Hong Kong rơi vào suy thoái ra sao?
Hong Kong: Tại sao Bắc Kinh chưa quyết liệt dẹp tan biểu tình?
Biểu tình Hong Kong: Tập Cận Bình cảnh cáo “tan xương nát thịt”
Biểu tình Hong Kong: Lý do khiến Starbucks bị tấn công
Tuy nhiên, sự hấp dẫn của sự thịnh vượng và ổn định ở trung tâm Đông Á này đã bị hủy hoại đáng kể vì Hong Kong trong năm tháng qua bị bao vây liên tiếp bởi những cuộc biểu tình chống chính phủ, sự ủng hộ dân chủ gia tăng và phản đối hành động của cảnh sát.
Nút hoảng loạn
Tuần trước, bạo lực gia tăng đã khiến nhiều công ty phải xét lại sự an toàn của nhân viên trong thành phố.
Một người quản lý quỹ phòng hộ, thậm chí đã được cấp một ứng dụng nút hoảng loạn dành cho trường hợp khẩn cấp và một kế hoạch sẵn để giúp sơ tán anh và gia đình đến một thành phố lớn khác “nếu chúng tôi gặp nguy hiểm, họ sẽ có một nhóm người sẽ đưa được chúng tôi ra ngoài “.
Một nhân viên ngân hàng tại HSBC cho biết chỉ một nửa nhân viên đến văn phòng hôm thứ Sáu vì mọi người được khuyến khích làm việc từ xa nếu họ không thể vào sở một cách an toàn.
Nhân viên của BNP Paribas được thông báo chặt chẽ về tình hình ngoài phố “Chúng tôi nhận được email thường xuyên vào sáng sớm và suốt ngày từ nhóm quản lý liên tục kinh doanh – cho chúng tôi biết liệu có an toàn khi đi vào văn phòng không – và liệu chúng tôi có nên về nhà sớm. “
‘Ủng hộ biểu tình hay ủng hộ cảnh sát’
Theo lời kể, áp lực chính trị từ chính phủ Trung Quốc đối với các ngân hàng và công ty luật cũng đang gia tăng – và nó gây áp lực lên nhân viên.
Một số đối tác trong các công ty luật đang được yêu cầu công khai quan điểm, và tuyên bố ủng hộ người biểu tình hay chính phủ Trung Quốc trước khi giành được doanh nghiệp từ các công ty Trung Quốc.
Các công ty đang chịu áp lực phải bảo nhân viên nên kín đáo, và không tuyên bố trước công chúng về quan điểm của họ.
Một luật sư giải thích “Tôi đã thực hiện các cuộc gọi, trong đó mọi người được yêu cầu hạn chế lời nói và thận trọng khi chia sẻ quan điểm. Với số lượng người chúng tôi tuyển dụng ở đây, việc chưa có gì xảy ra là một phép lạ nhỏ”.
Tại nơi làm việc, mọi người đưa ra các quy tắc không chính thức là không thảo luận về chủ đề biểu tình trong nhóm của họ vì cảm xúc đang tăng quá cao.
“Rõ ràng đó là chủ đề duy nhất giờ này trong văn phòng, nhưng ý kiến rất chia rẽ”, một nhân viên ngân hàng nói.
“Trong đội chín người của tôi, ba người là người Trung Quốc và hai người là người Trung Quốc Hong Kong và những người còn lại là người nước ngoài – nó hơi giống Brexit – tất cả chúng ta đều có quan điểm khác nhau một cách dữ dội.”
Một video trên mạng xã hội của một người đàn ông tuyên bố làm việc tại Citigroup bị cảnh sát bắt giữ đã được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng ngân hàng.
“Tình hình này đã làm mọi người ở đây sợ hãi – nó khiến bạn cảm thấy tất cả chúng ta đều có thể bị cuốn vào điều này”
Người phát ngôn của nhóm ngân hàng có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi đang điều tra vụ việc này và trong khi các cuộc điều tra tiếp tục thì sẽ không phù hợp để bình luận thêm”.
Các cơ sở kinh doanh sẽ chuyển qua Singapore
Một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với các công ty tài chính là tác động của tất cả những điều này lên nền kinh tế khi danh tiếng của Hong Kong về sự ổn định ngày càng giảm.
Một nguồn tin tại một trong những ngân hàng quốc tế lớn nhất thế giới cho biết họ dự đoán doanh thu tại Hong Kong sẽ giảm 25% trong quý cuối cùng của năm tài chính do bạo động.
Nhiều ngân hàng hiện đang xét lại kế hoạch đầu tư của họ tại Hong Kong trong vài năm tới “Nếu chúng ta vẫn phải đối phó với cảnh biểu tình trong sáu tháng nữa, mọi người sẽ bắt đầu rời bỏ Hong Kong”
Họ lo ngại rằng những người đang lên kế hoạch cho các giao dịch lớn giờ sẽ chuyển sang các ngân hàng và công ty luật ở Singapore bởi vì, theo cách nói của một người, “nơi đó có triển vọng trung hạn dễ dự đoán hơn”.
Cho đến nay hầu hết các tác động kinh doanh chỉ ảnh hưởng đến các công ty nhỏ – nhà hàng chẳng hạn. Nhưng có mối quan tâm giữa các nhân viên ngân hàng, được đưa ra trong các số liệu thống kê kinh tế gần đây, rằng điều này có thể lan rộng hơn.
“Công ty cổ điển mà chúng tôi hợp tác cho một công ty vận tải Trung Quốc vay tiền để thực hiện các giao dịch tài chính thông qua Hong Kong. Họ dựa vào môi trường kinh doanh lành mạnh ở đây. Bây giờ chúng tôi lo là họ sẽ sạt nghiệp.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50444579

Binh sĩ Trung Quốc xuất hiện trên đường phố Hong Kong

Những binh sĩ thuộc quân đội nhân dân Trung Hoa (PLA) đã xuất hiện trên đường phố Hong Kong vào ngày 16/11 giúp dọn dẹp đường phố sau những cuộc biểu tình đòi dân chủ của người Hong Kong.
Theo The South China Morning Post, việc binh sĩ quân đội Trung Quốc xuất hiện trên đường phố Hong Kong tham gia vào các hoạt động cộng đồng là rất hiếm. Kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, đây là lần thứ hai người ta thấy hình ảnh này. Vào tháng 10 năm ngoái, hơn 400 lính đồn trú Trung Quốc tại Hong Kong cũng tham gia dọn dẹp thành phố sau con bão Mangkhut.
Những binh sĩ Trung Quốc mặc áo ngắn tay màu xanh lá cây và quần shorts, ang theo các xô đựng màu đỏ đi ra từ doanh trại của họ tại Kowloon vào khoảng 4 giờ chiều để dọn dẹp trên đường Renfrew, gần trường đại học Baptist, nơi những người biểu tình và sinh viên đã dựng hàng rào, chướng ngại vật để phản đối chính phủ nhiều ngày qua.
Theo luật về doanh trại đồn trú và luật cơ bản của Hong Kong, quân đội Trung Quốc không được can dự vào chuyện nội bộ của thành phố nhưng có thể được tham gia trợ giúp trong cứu trợ thảm hoạ hoặc duy trì trật tự nếu được chính quyền thành phố yêu cầu.
Hồi tháng Tám, Bắc Kinh đã điều động hàng ngàn binh sĩ đến biên giới Hong Kong trong một hoạt động mà Tân Hoa Xã gọi là chuyển quân bình thường.
Khoảng 12.000 quân được cho là đang được đóng tại Hong Kong, gấp đôi con số quân thường trú bình thường trước đó, theo nhận xét của một số nhà ngoại giao nước ngoài giấu tên.
Trung Quốc hiện vẫn bác bỏ việc can thiệp vào Hong Kong và đổ lỗi cho phương Tây đang gây bất ổn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/chinese-soldiers-on-hk-streets-11162019084716.html

Kinh tế Hồng Kông

Nguyễn Xuân Nghĩa
Bước vào tuần thứ 24, tình hình Hồng Kông còn rối loạn hơn với các vụ bạo động xảy ra gần như hàng ngày, từ cả hai phía là cảnh sát và người biểu tình, làm tê liệt trung tâm tài chánh quốc tế này. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về tương lai của Hong Kong
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sự rối loạn của Hong Kong lên tới cực điểm vào tuần qua khiến hai người bị thiệt mạng và nhà chức trách đã ban hành lệnh giới nghiêm cho tới ngày Chủ Nhật 17 này. Rồi đây tình hình của trung tâm tài chánh nổi tiếng là tự do nhất sẽ ra sao?
Đây là một vấn nạn cho Bắc Kinh vì thách đố nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế”, một quốc gia hai chế độ. Chế độ tự trị của đặc khu hành chánh này đã bị thu hẹp dần từ nhiều năm nay nên người dân mới phản đối và cái vòng luẩn quẩn này khiến chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh lâm vào thế kẹt.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

Rối loạn ở Hồng Kông
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng trung tâm này đang đi vào một vòng xoáy không lối thoát vì nhà chức trách sử dụng bạo lực lại dẫn tới phản ứng dữ dội của dân biểu tình. Sau Hội nghị Kỳ bốn của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 19 vào cuối tháng trước, lãnh đạo Bắc Kinh có nhấn mạnh đến nhu cầu bảo vệ an ninh cho Hong Kong bằng luật lệ mới. Chúng ta chờ xem luật lệ được ban hành ra sao và người dân Hong Kong sẽ phản ứng thế nào khi vụ khủng hoảng đã qua tới tháng thứ sáu. Đây là một vấn nạn cho Bắc Kinh vì thách đố nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế”, một quốc gia hai chế độ. Chế độ tự trị của đặc khu hành chánh này đã bị thu hẹp dần từ nhiều năm nay nên người dân mới phản đối và cái vòng luẩn quẩn này khiến chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh lâm vào thế kẹt.
Nguyên Lam: Thưa ông, liệu chính quyền Bắc Kinh có thể trực tiếp can thiệp, thí dụ như đưa quân đội hay cảnh sát võ trang, vào Hong Kong hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng họ đang đắn đo cân nhắc vì cũng thấy ra sự bất lợi của giải pháp võ lực. Hôm Thứ Năm 14 khi thăm viếng xứ Brazil, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã lên tiếng cảnh báo về Hong Kong nhưng chưa quyết định.
Nếu tình hình chẳng lắng dịu – mà nhiều phần thì không, với cao điểm vào ngày 11 vừa rồi – có thể là Thường vụ Quốc hội tại Bắc Kinh sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp thay vì để chính quyền Hong Kong khai triển thêm đạo luật Emergency Ordinance có sẵn tại Hong Kong từ năm 1922. Sau đó thì lực lượng Cảnh sát Võ trang của Bắc Kinh được đưa vào Hong Kong và đấy là kịch bản đáng ngại.
- Dù sao, Hong Kong không còn như xưa nữa và đấy là một thất bại hiển nhiên của ông Tập Cận Bình. Hai năm trước, vào năm 2017, khi thăm viếng Hong Kong để kỷ niệm 20 năm “hồi quy cố quốc”, họ Tập đã nói tới việc sửa đổi hệ thống luật lệ của Hong Kong để khỏi nhiễm độc vào các tỉnh trong Hoa lục, sự thể ngày nay là hậu quả của quyết định ấy.
Phản ứng của quốc tế
Nguyên Lam: Nếu kịch bản ấy xảy ra, phản ứng của quốc tế sẽ là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới đã nhắc đến vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày bốn Tháng Sáu năm 1989 khiến mấy ngàn người mất mạng và thiên hạ không muốn tái diễn sự kiện này tại Hong Kong. Tối Thứ Năm 14, Hội đồng “Duyệt xét Quan hệ An ninh và Kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” trong Quốc hội Hoa Kỳ cũng vừa công bố phúc trình cho năm 2019 và cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh sử dụng võ lực tại Hong Kong thì trung tâm tài chánh này sẽ mất quy chế giao dịch đặc biệt được quy định trong Đạo luật năm 1992.
https://www.uscc.gov
- Trong hòan cảnh căng thẳng và chưa ngã ngũ của trận thương chiến giữa hai nước, vụ Hong Kong là giọt nước tràn ly vì Quốc hội Mỹ sẽ gây áp lực với Chính quyền Donald Trump. Sau Hạ viện, vừa rồi Thượng viện Mỹ cũng đề xướng theo thủ tục khẩn cấp một dự luật trừng phạt Bắc Kinh về vụ Hong Kong nên ông Trump rất khó nhượng bộ.
Kinh tế Hong Kong
Nguyên Lam: Thưa ông, nhìn vào khía cạnh kinh tế thì tương lai Hong Kong sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn thì tình hình chưa đến nỗi nguy ngập nhưng về dài thì Hong Kong sẽ hết được như xưa. Một thế hệ nữa là tan vỡ.
- Thứ nhất, Hong Kong lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc mà nền kinh tế này đang bị suy trầm, tới mức thấp nhất kể từ 27 năm nay, chưa kể tới nhiều vấn đề trầm trọng trong nội bộ mà chúng ta đã nhiều lần đề cập vì vậy kinh tế Hong Kong cũng bị ảnh hưởng bất lợi. Thứ hai, so với người dân Hoa lục có lợi tức bình quân một đầu người chỉ ở khoảng hơn 10 ngàn đô la một năm thì dân Hong Kong giàu gấp bốn mà nay còn mất tự do thì tình hình chính trị tại Hong Kong sẽ càng thêm đen tối và trước mắt thì làm mất một nguồn lợi là khách du lịch, coi như giảm phân nửa so với năm ngoái. Thứ ba, Hong Kong giàng giá đồng bạc của mình là “đô la Hong Kong” vào đồng Mỹ kim, với khối dự trữ ngoại tệ hiên ở mức 430 tỷ đô la Mỹ, thì Chính quyền Hong Kong vẫn có thể giữ giá đồng bạc nhưng sự bất ổn kéo dài là một thách đố vì lãi suất đi vay sẽ tăng. Tuần qua, chỉ số cổ phiếu của thị trường Hang Seng hay Hằng Sinh đã mất giá 5% và mức thanh khoản hay tiền mặt của Hong Kong đã sụt tới độ thấp nhất kể từ năm 1999 và lãi suất liên ngân hàng đã tăng khiến doanh lợi của các ngân hàng bị giảm….
Đế quốc Anh chiếm đất Hong Kong là một làng chài rồi trả lại một viên kim cương vào năm 1997. Nhưng hơn hai chục năm sau, Bắc Kinh đang biến viên kim cương này thành hòn sỏi trong khi hai trung tâm Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn chưa thể thay thế được Hong Kong. Vì vậy, chưa biết “Trung Quốc Mộng” là gì thì thiên hạ đã thấy Hong Kong là “Trung Quốc Mị”.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Như vậy, thưa ông, liệu tư bản quốc tế có tháo chạy khỏi Hong Kong hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cho tới nay, ta chưa thấy hiện tượng đó và tháng trước, Chính quyền Bắc Kinh ra lệnh cho các tập đoàn kinh tế nhà nước đổ tiền vào Hong Kong. Chúng ta khó biết là bao nhiêu nhưng đấy cũng là biến cố đáng chú ý. Chưa dám đưa cảnh sát vào Hong Kong, Bắc Kinh đã phái trút tiền vào đó thay vì ra lệnh kiểm soát luồng giao dịch tư bản như tại Hoa lục. Có thể Bắc Kinh còn mong rằng tình trạng căng thẳng với Hoa Kỳ sẽ khiến doanh nghiệp nội địa của họ dồn tiền vào thị trường Hong Kong, nhưng nếu bất ổn gia tăng thì đấy cũng lại là giấc mơ hão huyền, y hệt như Trung Quốc Mộng của Tập Cận Bình.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra vài kết luận cho chương trình tuần này liên quan đến Hong Kong.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh cứ hay nói đến “bách niên quốc sỉ” là trăm năm ô nhục khi bị Đế quốc Anh tấn công trong trận Chiến tranh Nha phiến và chiếm Hong Kong rồi bị liệt cường sâu xé mà không tìm về nguyên do sâu xa là vì sao lại suy bại và bị khuất phục vào đời Mãn Thanh.
- Đế quốc Anh chiếm đất Hong Kong là một làng chài rồi trả lại một viên kim cương vào năm 1997. Nhưng hơn hai chục năm sau, Bắc Kinh đang biến viên kim cương này thành hòn sỏi trong khi hai trung tâm Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn chưa thể thay thế được Hong Kong. Vì vậy, chưa biết “Trung Quốc Mộng” là gì thì thiên hạ đã thấy Hong Kong là “Trung Quốc Mị” và người dân Đài Loan đang nhìn vào Hong Kong để thấy ra tương lai của họ nếu được thống nhất với Trung Quốc.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/hong-kong-economy-11152019110753.html

Khủng hoảng Hồng Kông:

9 trường Đại học kêu gọi tìm ”giải pháp chính trị”

Trọng Thành
Bạo động gia tăng tại Hồng Kông, các trường đại học biến thành ”pháo đài” của giới trẻ đòi dân chủ kháng cự cảnh sát, trong bối cảnh Bắc Kinh liên tiếp đe dọa cứng rắn. Tối 15/11/2019, hiệu trưởng 9 trường Đại học Hồng Kông ra thông cáo chỉ trích chính quyền đã không có biện pháp thích đáng, và kêu gọi lãnh đạo đặc khu ngay lập tức ”tìm giải pháp chính trị” cho khủng hoảng.
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, bản thông cáo gửi chính quyền của các hiệu trưởng Đại học khẳng định: bạo lực gia tăng mạnh trong tuần qua, đông đảo nhân viên nhà trường, sinh viên đã không đến trường, vì lý do an ninh, hoạt động giảng dạy và học tập của trường Đại học đang đứng trước ”thách thức nghiêm trọng chưa từng có”.
Trong số chín hiệu trưởng Đại học Hồng Kông, có lãnh đạo các trường Đại học Bách Khoa, Đại học Baptiste, Đại học Hồng Kông, Đại học Trung Văn.
Ngày 15/11, cảnh sát Hồng Kông đã gia tăng áp lực lên lãnh đạo các trường Đại học, với cáo buộc khuôn viên các đại học đang biến thành ”những thùng thuốc súng” và ”mảnh đất thuận lợi cho các hoạt động tội phạm”. Bộ trưởng Giáo Dục Hồng Kông Kevin Yeung tuyên bố, nếu giới lãnh đạo các đại học nhận thấy họ không đủ khả năng ”chấm dứt các hành vi bạo lực” trong nhà trường, họ có thể yêu cầu chính quyền trợ giúp.
Tuy nhiên, trong thông cáo nói trên, hiệu trưởng 9 trường Đại học Hồng Kông khẳng định chính quyền đã ”thoát ly khỏi thực tế”, khi đòi hỏi các Đại học phải khắc phục tình hình. Theo các hiệu trưởng Đại học Hồng Kông, ”tình hình phức tạp và đầy thách thức hiện nay không xuất phát từ các trường Đại học, mà phản ánh các bất đồng trong nội bộ xã hội Hồng Kông. Chính quyền cần đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, có các biện pháp nhanh chóng và cụ thể, để giải quyết tình trạng bế tắc chính trị hiện nay, thiết lập lại an ninh và trật tự ngay lập tức”.
Trong tuyên bố chung nói trên, các hiệu trưởng Đại học Hồng Kông cũng là lưu ý ”không có bất cứ quan điểm chính trị nào biện minh cho việc gây tổn hại cho tài sản (tại các trường Đại học), sử dụng các đe dọa thể chất hay bạo lực chống lại các cá nhân”, đồng thời nhấn mạnh ”rất đáng tiếc là các bất đồng trong xã hội đã biến khuôn viên các nhà trường trở thành đấu trường chính trị chủ yếu, và phản ứng của chính phủ (Hồng Kông) cho đến nay là không hiệu quả”.
Cùng với việc sinh viên Hoa lục, sinh viên Đài Loan rút khỏi Hồng Kông, hôm 16/11, đến lượt các trường Đại học Hà Lan, Úc kêu gọi sinh viên nên sớm trở về nước, vì lo ngại an ninh không bảo đảm. Hai sinh viên Đức bị cảnh sát Hồng Kông câu lưu đêm 15/11, với tội danh ”tụ tập bất hợp pháp”.
Theo AFP, về tình hình tại chỗ, số lượng những người tham gia vào các hoạt động bạo lực có xu hướng giảm bớt tối hôm 15/11, đặc biệt tại Đại học Trung Văn Hồng Kông, vốn là nơi đối đầu dữ dội trong tuần qua giữa cảnh sát và những người tranh đấu.
Lính Trung Quốc dọn dẹp đường phố
Đài truyền hình đặc khu công bố hình ảnh hàng trăm binh sĩ quân đội Trung Quốcdọn dẹp đường phố, sau các bạo động kéo dài từ một tuần này. Hoạt động dọn dẹp của các quân nhân Trung Quốc chủ yếu mang tính tượng trưng. Các quân nhân có mặt trên đường phố trong khoảng gần một giờ đồng hồ. Các binh sĩ quay trở lại doanh trại, vừa hô vang ”Một, hai, ba, bốn” bằng tiếng quan thoại. Cho đến nay, binh sĩ Trung Quốc hiện diện tại Hồng Kông hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Chính quyền Hồng Kông và Quân Đội Trung Quốc không chính thức cho biết lý do của hành động đột xuất này.
Trong lúc tình hình căng thẳng đặc biệt xung quanh một số Đại học, theo AFP, khoảng 500 người tập hợp trước một số trụ sở chính quyền đặc khu hôm 16/11, để bày tỏ ủng hộ với chính quyền và cảnh sát. Những người biểu tình giương cao cờ Trung Quốc, cờ của đặc khu Hồng Kông và chụp ảnh với các cảnh sát có mặt tại chỗ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191116-hong-kong-7-truong-dai-hoc-keu-goi-chinh-quyen-tim-giai-phap-chinh-tri

Sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn của Cảnh Sảng

Phát biểu của ông Cảnh Sảng vu cáo Việt Nam “chiếm đảo” là sự leo thang mới trong những bịa đặt, vu cáo trắng trợn của Trung Quốc liên quan Biển Đông.
Ngày 8/11, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc “Việt Nam có thể xem xét các lựa chọn pháp lý để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, phản ứng của Trung Quốc là gì?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang ngược cho biết: “Cốt lõi của vấn đề Biển Đông là vấn đề lãnh thổ, liên quan đến sự chiếm đóng quần đảo Nam Sa của Trung Quốc bởi Việt Nam và các nước khác có liên quan”.
Ông Cảnh còn nói rằng: “Tôi hy vọng Việt Nam đối mặt với thực tế lịch sử, giữ sự đồng thuận cao cấp của chúng tôi và giải quyết sự khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn. Việt Nam cần tránh các hành
động có thể làm phức tạp vấn đề hoặc làm suy yếu hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
Cần phải khẳng định rằng, những phát biểu trên là bước leo thang mới trong sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.
Cái mà Trung Quốc ngang ngược gọi là “quần đảo Nam Sa” thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng yêu sách bất chấp thực tế lịch sử và bằng chứng pháp lý.
Việt Nam nhiều lần khẳng định, “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Thực tế lịch sử cho thấy rõ điều này”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ trong tuyên bố ngày 13/11.
Bà Hằng cũng khẳng định lại chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Phát ngôn của ông Cảnh Sảng một lần nữa cho thấy sự trơ tráo của Trung Quốc với thói “vừa ăn cướp vừa la làng”. Không một quốc gia văn minh nào trong thời đại này tự nhiên lại tuyên bố “nhà của người ta” là “nhà của mình” một cách trắng trợn mà chẳng ngại gì mếch lòng hàng xóm và cộng đồng quốc tế cả.
Thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước và các chuyên gia quốc tế nhiều lần lên án việc Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế, ngang nhiên thực hiện các hành vi “bắt nạt” các nước láng giềng. Gần đây nhất và việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng lực lượng hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam suốt từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10.
Trung Quốc ngang ngược liên tục đơn phương yêu sách các vùng biển chồng lấn với vùng biển của Việt Nam mặc dù các yêu sách này đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ.
Trung Quốc tự mình vẽ ra “đường lưỡi bò” phi pháp, bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ từ năm 2016 nhưng vẫn không ngừng “rêu rao”, tuyên truyền về những điều sai trái đó. Không chỉ tuyên truyền với người Trung Quốc, Bắc Kinh còn đề ra cả chiến dịch truyền thông bài bản hòng biến “tin giả”, điều bịa đặt ấy thành sự thật bằng cách cài cắm “đường lưỡi bò” trong các sản phẩm và phổ biến chúng ra nước ngoài.
Trung Quốc có những hoạt động đơn phương cản trở các hoạt động khai thác kinh tế của Việt Nam trong vùng biển Việt Nam. Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự tại các đảo nhân tạo phi pháp của mình trong vùng Biển Đông và làm ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường biển tại đây.
Trung Quốc né tránh sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình như sử dụng hòa giải, trọng tài và tòa án, để giải quyết mâu thuẫn tại Biển Đông khiến các tranh chấp tại đây trở nên dai dẳng và ngày càng phức tạp.
Tuyên bố mới nhất của người phát ngôn Cảnh Sảng cho thấy độ liều lĩnh, chẳng cần đếm xỉa gì tới luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở phát ngôn của ông Cảnh Sảng mà là mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc vốn có từ rất lâu rồi, nay nó hiện nguyên hình và ngày càng được thể hiện ra một cách trắng trợn hơn thôi!
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31477-su-bia-dat-vu-cao-trang-tron-cua-canh-sang.html

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

có nguy cơ trở thành chiến tranh tài chính?

Cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tài chính, cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho biết hôm thứ Bảy.
Tại diễn đàn công nghiệp ở Bắc Kinh, ông Lou Jiwei, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) nói, bất chấp sự thỏa hiệp hai nước đang cố gắng đạt được về thương mại, tranh chấp có thể xảy ra ở các lĩnh vực khác.
Theo ông Lou, bước tiếp theo trong các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ là cuộc chiến tài chính. “Nó được đặc trưng bởi việc sử dụng quyền tài phán dài hạn, bằng nhiều lý do khác nhau chặn các doanh nghiệp cụ thể, chẳng hạn như lệnh cấm đối với ZTE và Huawei.”
Những bình luận của Lou được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (8/11) phủ nhận việc đồng ý đẩy lùi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh, hôm thứ Năm (7/11), tuyên bố hai nước đồng ý xóa bỏ thuế quan bổ sung sau khi ông Trump và ông Tập Cận Bình ký thỏa thuận thương mại tạm thời giai đoạn 1.
“Mỹ bị tấn công bởi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy, do đó, họ sẽ làm mọi thứ trong khả năng sử dụng các biện pháp bắt nạt.” – Lou nói. Ông cho rằng Mỹ đã đến gần thời kỳ đưa ra những cáo buộc mà không có bằng chứng xác thực.
Nhưng những nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc của Washington sẽ không hiệu quả, Lou nói, khi Bắc Kinh vận hành nền kinh tế thị trường được tích hợp với chuỗi giá trị toàn cầu nhưng “không phụ thuộc vào Mỹ”.
Ông cũng nói rằng các chiến thuật của Washington không có khả năng làm xáo trộn thị trường tài chính Trung Quốc hoặc tạo ra sự biến động trong tỷ giá hối đoái nhân dân tệ vì nước này chưa hoàn toàn mở tài khoản tài chính và duy trì kiểm soát chặt chẽ đối với dòng vốn xuyên biên giới.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31471-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-co-nguy-co-tro-thanh-chien-tranh-tai-chinh.html

Đặc phái viên Trung Cộng đe dọa Thụy Điển

về việc trao giải thưởng cho nhà văn Gui Minhai

Tin từ Stockholm, Thụy Điển – Trung Cộng đe dọa Thụy Điển rằng Trung Cộng sẽ có “các biện pháp đối phó” nếu bộ trưởng văn hóa của ước này tham dự một buổi lễ trao giải văn học vào hôm thứ Sáu cho ông Gui Minhai, một công dân Thụy Điển bị bắt cóc ở Thái Lan vào năm 2015 và hiện đang bị giam giữ tại Trung Cộng. Trường hợp của ông Gui Minhai, người gốc Hoa, từng học ở Thụy Điển vào những năm 1980 và có trụ sở tại Hồng Kông khi ông xuất bản những quyển sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Cộng, khiến mối quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Cộng trở nên xấu đi. Svenska PEN, một tổ chức văn học, trao cho ông Gui Minhai giải thưởng Tucholsky 2019, ca ngợi nỗ lực của ông về quyền tự do ngôn luận. Svenska Pen cho biết một chiếc ghế trống sẽ tượng trưng cho nhà văn này tại buổi lễ ở Stockholm vào hôm thứ Sáu (15/11). Trong một văn bản của một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Thụy Điển do tòa Đại sứ Bắc Kinh ở Stockholm xuất bản, Đại sứ Trung Cộng Gui Congyou cho biết “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Svenska PEN trao giải cho một tên tội phạm và một kẻ bịa đặt dối trá.” Khi được hỏi hậu về hậu quả của hành động này, Đại sứ Gui cho biết hình ảnh của Thụy Điển tại Trung Cộng sẽ bị tổn hại, đồng thời “việc trao đổi và hợp tác bình thường sẽ bị cản trở nghiêm trọng.” Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết họ vẫn duy trì quan điểm rằng Trung Cộng nên trả tự do cho ông Gui Minhai, và họ liên lạc với chính quyền Trung Cộng về các tuyên bố của Đại sứ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/dac-phai-vien-trung-cong-de-doa-thuy-dien-ve-viec-trao-giai-thuong-cho-nha-van-gui-minhai/

‘Âm mưu đảo chính’ của Sam Rainsy ở Campuchia

 ’thất bại hoàn toàn’

Chính phủ Campuchia ra thông báo với dân chúng nước này rằng âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chính phủ của cựu lãnh đạo đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia Sam Rainsy đã thất bại hoàn toàn.
“Gần đây, một nhóm nổi dậy do Sam Rainsy dẫn đầu lấy ngày 9.11.2019, nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Quốc khánh Campuchia, để tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ hoàng gia và nền quân chủ ở Campuchia. Chính phủ hoàng gia xin thông báo tới tất cả đồng bào rằng âm mưu đảo chính do Sam
Rainsy cầm đầu đã thất bại hoàn toàn trong khi an ninh và trật tự công cộng của vương quốc vẫn được đảm bảo trên toàn quốc”, theo trang tin Fresh News trích nội dung thông báo ghi ngày 13.11.
“Chính phủ hoàng gia đánh giá cao và cảm ơn tất cả lực lượng vũ trang và cơ quan chức năng ở tất cả các cấp đã đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và triệt phá thành công âm mưu đảo chính của Sam Rainsy nhằm lật đổ chính phủ”, thông báo viết.
Trước đó, ông Rainsy thông báo trên Facebook sẽ rời khỏi Paris vào ngày 7.11 để đến Bangkok vào ngày 8.11 trước khi đặt chân lên Campuchia vào ngày 9.11. Trong mấy ngày gần đây, lực lượng vũ trang Campuchia đã triển khai binh sĩ ở khu vực biên giới giáp với TháI Lan và đóng biên giới nhằm bắt ông Sam Rainsy.
‘Âm mưu đảo chính’ của Sam Rainsy ở Campuchia ‘thất bại hoàn toàn’ – ảnh 1
Cảnh sát Thái canh chốt an ninh biên giới giáp với Campuchia có yết thị truy nã ông Sam Rainsy và những người ủng hộ ông
Trong chuyến trở về Campuchia lần này,  Sam Rainsy đã bị Thái Lan từ chối nhập cảnh, buộc ông phải đáp chuyến bay đến Kuala Lumpur, Malaysia vào lúc 15 giờ 50 ngày 9.11 (giờ địa phương). Một số nguồn tin cho hay ông Sam Rainsy dùng hộ chiếu nước ngoài và nhập cảnh vào Malaysia bằng thị thực du lịch.
Trong ngày 13.11, Hãng hàng không Malaysia Airlines thông báo đã không cho ông Rainsy lên máy bay từ Kuala Lumpur đến Jakarta theo yêu cầu của chính phủ Indonesia. Tuy nhiên, phát ngôn viên Tổng cục Di trú Indonesia Sam Fernando khẳng định cơ quan này không cấm nhập cảnh đối với ông Sam Rainsy, theo Reuters.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31479-am-muu-dao-chinh-cua-sam-rainsy-o-campuchia-that-bai-hoan-toan.html

Thẩm phán Cambodia

chấm dứt cuộc điều tra lãnh đạo phe đối lập

Tin từ PHNOM PENH, Cambodia – Một thẩm phán Cambodia kết thúc cuộc điều tra về các cáo buộc phản quốc chống lại nhà lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha, và điều đó có nghĩa là giờ đây ông có thể bị đưa ra xét xử hoặc tất cả các cáo buộc được hủy bỏ.
Theo tin từ Reuters,  hiện nay  Liên minh châu Âu đang đe dọa đến các thỏa thuận thương mại, và  Cambodia đang chịu áp lực ngày càng gia tăng về vấn đề nhân quyền. Ông Kem Sokha được trả tự do và không bị quản thúc tại nhà vào cuối tuần trước, và nhà lãnh đạo độc tài Hun Sen ra lệnh thả hơn 70 nhà hoạt động đối lập vào hôm thứ Năm (14/11).
Ông Kem Sokha bị bắt vào năm 2017 và Đảng Cứu quốc Cambodia (CNRP) của ông bị cấm trong thời gian trước cuộc bầu cử hồi năm ngoái. Đảng cầm quyền của ông Hun Sen giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử này, trong khi các nước phương Tây lên án rằng đây là một trò hề. Ông Kem Sokha bác bỏ các cáo buộc chống lại ông là phi lý.
Vào hôm thứ ba (12/11), Liên minh châu Âu đặt ra cho chính phủ thời hạn một tháng để phản hồi một báo cáo sơ bộ trước khi  đình chỉ các ưu đãi thương mại về hành động đàn áp phe đối lập, các nhóm phi chính phủ và truyền thông. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tham-phan-cambodia-cham-dut-cuoc-dieu-tra-lanh-dao-phe-doi-lap/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.